Chú Giải Bài: SỨ MẠNG CỦA ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ PHẬT GIÁO HOÀ HẢO
XUẤT XỨ – VĂN THỂ:
Bài Sứ Mạng của Đức
Thầy được sáng tác vào ngày 18 tháng 5 năm Nhâm Ngũ (1942), lúc Ngài
đang cư trú tại nhà ông Võ văn Giỏi (Bạc Liêu). Ngài viết bằng thể văn xuôi,
lối tự thuật và thuyết giáo.
NỘI DUNG – TIÊU ĐỀ:
Đại ý bài nầy Đức Thầy cho
biết các lý do và sứ mạng lâm phàm khai đạo cộng với trách nhiệm và phương cách
độ đời của Ngài. Do đó, bài thuyết giáo nầy được mang tiêu đề là “Sứ Mạng
của Đức Thầy” và Ban Sưu Tập sắp đứng đầu quyển “Thi Văn Giáo Lý Toàn
Bộ”.
BỐ CỤC:
Bài nầy đại ý nói:
– Lý do lâm phàm.
– Phương pháp độ đời.
Có thể phân làm tám tiểu đoạn như sau:
1/- Đức Thầy cho biết
: đúng thời cơ khai đạo và nguồn gốc tiền kiếp. Bắt đầu từ các chữ “Ngày
18 tháng 5 năm Kỷ Mão…đến câu…chớ bao lìa.”
2/- Ngài thuật lại từ khi
gặp Minh Sư sắc truyền Phật pháp và lòng Từ bi đối với vạn loại chúng sanh. Từ
các chữ“Những kiếp gần đây…đến câu…chúng sanh vạn khổ”.
3/- Ngài kể lại nhiều tiền
kiếp đã từng hy sinh tinh thần, thể xác để bảo vệ Tổ Quốc và nhân loại, huống
chi nay đã suốt thông Đạo Pháp, và tại sao Ngài nhập thế cứu đời. Từ câu“Nghĩ
lúc làm người trong biển tục…đến các chữ…chịu cảnh chê khen”.
4/- Đức Thầy vâng sắc lịnh
Phật Vương để hoàn thành sứ mạng.Từ các chữ “Vì lòng từ ái…đến
các chữ …vạn quốc chư bang”.
5/- Ngài cho biết nay luật
Trời đã xét định khắp chúng sanh hiền còn dữ mất, nên Ngài cùng các bậc chơn
tiên lâm phàm khuyến hóa chúng sanh sớm hồi tâm hướng thiện; để kịp hưởng cảnh
thái bình an lạc. Từ câu “Thiên tào đà xét định…đến các chữ…Ma
Vương quấy rối”.
6/- Đức Thầy cho biết sở dĩ
Ngài lâm phàm là vì:
-Ai chứng đạo nơi đâu thì
trở về đó.
-Vì lòng từ bi bác ái.
-Vì đáp lại những người trợ
duyên, Ngài mới chuyển kiếp chờ đúng thời cơ “khai đạo”. Từ những chữ “Ta
là một…đến các chữ…ra trợ thế”.
7/- Ngài tùy theo căn cơ
trình độ của mỗi chúng sanh mà áp dụng nhiều phương cách cho thích hợp. Từ
câu “Nên phương pháp… đến câu…Phật
Tiên không chỉ bảo”.
8/- Đoạn kết, Ngài đề cập
đến chánh sách cay nghiệt của người Pháp đối với Đạo giáo và sự hy sinh của
Ngài. Từ các chữ “Vẫn biết đời Lang-sa thống trị…đến các
chữ…bớt nỗi cực hình”.
CHỦ ĐÍCH:
Đức Giáo Chủ muốn cho tất cả tín đồ biết trước khi thọ
giáo phải hiểu rõ lý do và nhiệm vụ lâm phàm của Ngài.
CHÁNH VĂN (Đoạn 1):
Ngày 18 tháng 5 năm Kỹ-Mão, vì thời-cơ đã
đến, lý Thiên-Đình hoạch-định, cuộc nguy-cơ thảm-họa sắp tràn-lan. Ta đây tuy
không thể đem phép huệ-linh mà cứu an tai-họa chiến-tranh tàn khốc do loài
người tàn-bạo gây nên, nhưng mà thử nghĩ: Sinh trong vòng đất Việt-Nam nầy,
trải qua bao kiếp trong địa-cầu lăn-lộn mấy phen, tùy cơ pháp chuyển kiếp
luân-hồi ở nơi hải-ngoại để thu-thập những điều đạo-học kinh-nghiệm huyền-thâm,
lòng mê-si đã diệt, sự vị-kỷ đã tan mà kể lại nguồn gốc phát sinh, trải bao đời
giúp nước vùa dân cũng đều mãi sinh-cư nơi đất Việt. Những tiền kiếp dầu sống
cũng là dân quan đất Việt, dầu thác, cũng quỉ thần đất Việt chớ bao lìa..
LƯỢC GIẢI ( Đoạn 1):
Xưa nay trong xã hội loài người không ai phủ nhận được luật
công bằng và lẽ phải. Chính nó là chân lý, là nhân quả nghiêm minh.
Sở dĩ nhân loại đang gánh chịu cảnh đau thương tang tóc là do
nghiệp nhân loài người đã gây ra từ trước. Giờ đây đã đúng thời kỳ mà họ phải
thọ hưởng (năm 1939 trận Đệ Nhị Thế Chiến xảy ra), hễ nhân tham sát đã
gieo thì quả chiến tranh chết khổ hẳn phải có. Phật Tiên vốn đầy lòng từ bi bác
ái, nhưng không thể dùng phép mầu làm ngược lại luật nhân quả. Song các Ngài có
thể cứu chúng sanh bằng cách là giác ngộ họ biết đổi nghiệp, nếu sớm quày đầu
hướng thiện gieo giống nhơn hiền thì sau đó sẽ gặt được quả an vui. Đó là một
trong các lý do mà Đức Giáo Chủ PGHH có sứ mạng lâm phàm độ thế.
Vì muốn tiến thân trên đường tu học Phật pháp để tế độ quần sanh,
nên Đức Thầy đã có nhiều lần chuyển kiếp sang nước ngoài. Nhưng, xét lại từ
nguồn gốc phát sinh cho đến nay, Ngài đã từng mang dòng máu dân tộc Việt Nam,
đã từng chan sớt những nỗi: vui, buồn, sống, chết với đồng bào và cũng đã từng
bảo vệ giang san tổ quốc giữ vững cuộc sống còn cho dân tộc. Nên giữa thời đại
nhiễu nhương nầy, Ngài phải có trách nhiệm với quốc dân và cả thế giới chúng
sanh.
CHÚ THÍCH (Đoạn 1):
SỨ MẠNG: Cũng gọi là sứ mệnh. Cái
mệnh lệnh thượng cấp sai làm việc gì, như lệnh của Phật Trời hay của vua quan.
Cung Oán Ngâm Khúc có câu:
“Sứ trời sớm giục đường mây,
Phép công là trọng, niềm tây sá gì !”
Chữ “sứ mạng” ở đây ý nói: Đức Thầy lâm phàm giáo độ nhân sanh là
có sắc lịnh của chư Phật và Đức Ngọc Đế, như Ngài đã cho biết:
“Ngọc Hoàng ban chiếu Lão Khùng giáo dân.”
(Ông Mười ở chợ Mỹ Luông thuật lại: vào khoảng 3 giờ chiều ngày
18/5 năm Kỷ Mão, sau khi làm lễ Khai Đạo trước bàn thờ hương án đặt tại sân Tổ
Đình, Đức Thầy ứng khẩu đọc bài “Sứ Mạng” nầy, nhưng đợi tới khi về Bạc Liêu,
Đức Thầy mới chịu viết ra trên mặt giấy).
Và câu:
“Sắc của A Di và Phật Tổ,
Bốn chữ xuống trần chớ ở đâu ?”
(Bài Đáp Lời Ông Tùng)
NGÀY 18 THÁNG 5 NĂM KỶ MÃO: Nhằm ngày 4/7/1939.
THỜI CƠ: Thời là thời gian, ngày
giờ. Cơ là cơ hội, là dịp. Thời cơ là cơ hội thuận tiện, rất hợp với việc làm
trong thời gian ấy.
LÝ THIÊN ĐÌNH: Lý là cái đạo tự nhiên, là hợp với lẽ phải, là cái lẽ huyền diệu
của Trời Đất. Thiên Đình là triều đình trên Trời. Đức Thầy có viết:
“Lời văn tao nhã hữu tình,
Bởi vưng sắc lịnh Thiên Đình sai Ta”.
(Bài Từ Giã Bổn Đạo Khắp Nơi)
Vậy lý Thiên Đình là định luật mầu nhiệm của Trời Đất sắp đặt rất
công bằng và hợp theo lẽ phải. Nhogiáo cho là Mệnh, Lão giáo gọi là Đạo tự
nhiên, còn Phật giáo gọi là Định nghiệp nhân quả.
HOẠCH ĐỊNH: Hoạch
là vạnh ra, bày ra. Định là phân định hay quyết định một sự việc gì. Nói chung
là phương thức luật pháp đã phán định sẵn.
NGUY CƠ: Nguy là nguy hiểm, nghèo
ngặt. Cơ là máy, là đường mối. Nguy cơ là cái mối sinh ra nguy hại thảm khốc
cho lê dân. Đức Thầy viết:
“Này hỡi chúa xuân ta rán chờ,
Khỏi ngày thảm họa buổi nguy cơ.”
(Bài Từ Giã Bổn Đạo Khắp Nơi)
THẢM HỌA: Tai
họa thê thảm.
PHÉP HUỆ LINH: Phép
mầu nhiệm linh diệu của người tu Phật khi đắc được Lục Thông (sáu pháp Thần
Thông).
“Ngày nào đắc được lục thông,
Vớt hồn cha mẹ tổ tông bảy đời.
(Bài Cho Ông Cò Tàu Hảo)
TÀN KHỐC: Tàn
ngược khốc hại.
TÀN BẠO: Tàn ác hung bạo, tánh
người tàn bạo.
VIỆT NAM: Quốc
hiệu nước ta, một nước thuộc Đông Nam Á Châu, hình cong như chữ S, Bắc Việt và
Nam Việt thì phình rộng ra. Trung Việt (ở giữa) thì hẹp lại và dài. Từ đời Hùng
Vương ( thời lập quốc ) tên gọi là Văn Lang, đời Thục An Dương Vương gọi là Âu
Lạc; trong thời gian bị người Tàu đô hộ, nhà Tần gọi là Tượng Quận, nhà Hán thì
chia làm ba quận Cửu Chân, Giao Chỉ và Nhật Nam, đời Đông Hán đổi Giao Chỉ
thành Giao Châu, nhà Đường đặt là An Nam Đô Hộ Phủ. Sau khi giành được độc lập,
vua Đinh Tiên Hoàng đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt; qua đời Lý, vua Lý
Thánh Tông đổi lại là Đại Việt. Đến triều vua Lý Anh Tông, nhà Tống bên Tàu
công nhận là An Nam Quốc. Khi vua Gia Long thống nhất được Nam Bắc, đặt lại
quốc hiệu là Việt Nam. Về địa dư, Đông và Nam Việt Nam giáp biển Đông và vịnh
Thái Lan, Tây giáp Lào và Cam Bốt, Bắc giáp Trung Hoa; diện tích 312.000 km
vuông; năm 1939 dân số trên 25 triệu người, năm 1974 có trên 30 triệu, 1989: 65
triệu, 1999: 71 triệu người,…( Theo tài liệu của Tổng Cục Thống Kê Việt Nam năm
2007: diện tích nước Việt Nam là 331.212 km vuông, dân số là 85.154.900 người,
là quốc gia thứ 13 có dân số cao nhất hành tinh ). Kể từ lập quốc tới nay gần
5.000 năm lịch sử.
ĐỊA CẦU: Cũng gọi là quả đất hay
trái đất, nơi có người và nhiều sinh vật khác ở; quả đất là một trong
chín hành tinh (planet) quay chung quanh mặt trời: Thủy tinh (Mercury),
Kim tinh (Venus), Địa cầu (Earth), Hỏa tinh (Mars), Mộc tinh (Jupiter), Thổ tinh
(Saturn), Thiên Vương tinh (Uranus), Hải Dương tinh (Neptune) và Diêm Vương
tinh (Pluto); địa cầu có một hộ tinh quay chung quanh là mặt trăng ; bề mặt địa
cầu được 510 triệu km vuông, vòng tròn được 40.000 km, trực kính 12.470 km.
Biển chiếm hết ¾ bề mặt địa cầu.
Ca dao có câu:
“Lạy trời thổi quả địa cầu,
Để cho ta được bạn bầu cùng trăng”.
CƠ PHÁP: Cơ
là cái căn cơ tánh chất riêng của mỗi người, như người có căn tánh hiền lành
thì từ đó sẽ phát ra hoặc mau, hoặc chậm. Pháp là giáo pháp, tức là
lời lẽ giáo lý của Phật thuyết ra để giáo hóa chúng sanh. Pháp
cũng gọi là pháp giới, là tất cả sự vật, bất cứ hữu tình hay vô tình, hữu vi
hay vô vi, chơn thật hay hư vọng.
Vậy chữ “tùy cơ pháp” ở đây có nghĩa là tùy theo cơ duyên căn tánh
và giáo pháp thích hợp với cảnh giới đó, nhân loại đó.
Đức Thầy có câu:
“Tùy phong hóa dân sanh phù hạp,
Chấp bút thần tả ít bổn kinh”.
(Bài Diệu Pháp Quang Minh)
CHUYỂN KIẾP: Sanh trở lại, chuyển từ kiếp này qua
kiếp khác. Như tiền thân Đức Phật và chư Bồ Tát, vì nguyện lực rộng độ mà
thường từ kiếp này chuyển qua kiếp khác, nơi khác để giác chúng độ đời. Đức
Thầy cũng đã từng cho biết:
“Lòng yêu sanh chúng luân chuyển kiếp,
Dạ ái dương trần đổi xác (sắc) thân”.
(Bài Đáp Lời Ông Nguyễn Thanh Tân)
LUÂN HỒI: Phạn ngữ là samrara gati,
dịch là luân hồi. Luân là bánh xe, hồi là trở lại. Ý nói chúng sanh
từ vô thỉ đến nay cứ sống rồi chết, chết rồi đầu thai trở lại. Cứ thế mà lăn
lộn lên xuống mãi trong sáu cõi phàm(Trời, Người, Thần A-Tu-La, Súc
sanh, Ngạ quỉ, Địa ngục) như bánh xe xoay tròn không có đầu mối. Luân
hồicòn có nghiã là sanh tử, đối lập với niết bàn
(bất sanh bất diệt).
Kinh Di Lặc có kệ:
“Bồ Tát ký thành Phật,
Từ mẫu chư quần sanh,
Chúng khổ hiểm nan truy,
Luân hồi thường bất tức”.
Nghiã là:
“Tới chừng Bồ Tát thành nhân,
Chạnh lòng thương chúng sanh tồn khắp nơi,
Trải bao nạn khổ tơi bời,
Luân hồi mãi mãi nghỉ ngơi chẳng hề.”
Đức Thầy nay cũng bảo:
“Từ nhỏ tuổi đến người trưởng lão,
Mắc trong vòng sanh tử luân hồi”.
(Giác Mê Tâm Kệ)
Nhưng chữ luân hồi ở đây ý
chỉ cho sự chuyển kiếp độ đời của bậc Giác Ngộ.
HẢI NGOẠI: Nước ngoài, xứ ngoài.
KINH NGHIỆM: Điều đã thực nghiệm qua, sự việc đã
từng trải lão luyện. Ví dụ: Già kinh nghiệm, có nhiềukinh nghiệm.
Đức Thầy từng nói:
“Kinh nghiệm rồi Ta mới diễn ca”.
(Giác Mê Tâm Kệ)
HUYỀN THÂM: Mầu nhiệm sâu kín. Phật pháp rất mầu
nhiệm sâu kín, vượt ngoài sự luận bàn thường pháp.
Trong quyển Khuyến Thiện, Đức Thầy có nói:
“Tu cho rõ mối huyền thâm,
Quy đầu Phật Pháp khỏi lâm tai nàn”.
MÊ SI: Tối tăm mê muội, không nhận rõ sự
lý. Mê si là một trong thập ác, một trong tam độc (Tham,
Sân, Si) và cũng một trong ngũ độn sử (Tham, Sân, Si, Mạn,
Nghi).
VỊ KỶ: Vì mình, chỉ biết lợi riêng cho mình.
Ví dụ: Người ấy có tánh vị thân, vị kỷ đối lập với vị
tha (vì lợi ích cho người khác).
Đức Thầy cho biết:
“Từ ngày thọ giáo với Thầy,
Dẹp lòng vị kỷ đầy lòng yêu dân”.
(Sám Giảng Q.3)
GIÚP NƯỚC VÙA DÂN: Hết lòng thương lo cho dân cho nước,
một dạ trung thành bảo vệ quốc dân.
SINH CƯ: Nơi sinh ra và sanh sống ở đó.
CHÁNH VĂN (Đoạn 2):
Những kiếp gần đây, may mắn gặp minh-sư, cơ
truyền Phật-pháp, gội nhuần ân-đức Phật, lòng đã quảng-đại từ-bi, hềm vì nỗi
cảnh quốc phá, gia vong, máy huyền-cơ đã định, lòng thương trăm họ vướng cảnh
đồ lao, chi xiết xót thương chúng sanh vạn khổ.
LƯỢC GIẢI (Đoạn 2):
Đoạn nầy ý nói sau khi được Minh Sư mật
truyền cơ pháp, Đức Thầy thấu suốt lẽ huyền cơ, rõ thông chánh pháp. Với lòng
từ bi bác ái, Ngài nhìn thấy nhân sinh đang lâm cảnh nước mất nhà tan điêu linh
thống khổ mà lòng vô cùng chua xót.
CHÚ THÍCH (Đoạn 2):
MINH SƯ: Ông thầy sáng suốt, mọi việc đều thấu
hiểu rồi đem dạy người. Theo đạo Phật, đó là các Tăng Sư tu hành chơn chánh, đã
chứng đắc đạo quả, thông suốt chánh pháp, thấu đạt giáo lý và giáo hóa chúng
sanh. Minh Sư cũng chỉ cho bậc Phật, vì Đức Phật có hiệu là Thiên Nhơn Sư tức
là Đấng Đạo Sư của hàng Trời và Người.
CƠ TRUYỀN PHẬT PHÁP: Cách truyền pháp cơ mật. Khi nhà tu
thân tâm được thanh tịnh, hạnh đức viên dung thì được Đức Phật hoặc chư Tổ ấn
chứng và mật truyền cho chánh pháp. Các Ngài chỉ lấy Tâm truyền Tâm, dụng Ý
truyền Ý, bởi Phật pháp quá cao sâu không thể dùng văn tự, hình tướng mà truyền
đặng.
Đức Thầy có nói:
“Vô thượng thậm thâm dĩ ý
truyền”.
(Khuyến Thiện Q.5)
Trước kia tại Linh Sơn Hội, Đức Phật Thích Ca
cầm một hoa sen đưa ra trước đại chúng. Lúc bấy giờ không ai hiểu gì cả, duy có
mình Đại Đức Ca Diếp lộ vẻ tươi cười. Đức Phật liền nói rằng:”Ta có cái
Chánh Pháp Nhãn Tàng, Niết Bàn Diệu Tâm…nay ông Ca Diếp hiểu đặng ta sẽ truyền
cho ông làm Tổ thứ nhất”. Rồi từ đó cứ Tổ Tổ tương truyền. Cho đến Ngũ
Tổ Hoàng Nhẫn truyền cho Lục Tổ Huệ Năng cũng thế. Trong Quyển I, Đức Thầy có
kể lại việc cơ truyền Phật pháp:
“Điên này xưa cũng như ai,
Vào các ra đài tột bực giàu-sang.
Nghĩ suy danh-lợi chẳng màng,
Bèn lên ẩn dật lâm san tu-trì.
Nhờ Trời may mắn một khi
Thẩn-thơ lại gặp Đức Thầy Bửu-Sơn.
Cúi đầu Điên tỏ nguồn-cơn,
Động lòng bác-ái ra ơn dạy truyền.
Thấy Điên tâm tánh quá thiềng,
Nội trong sáu khắc biết liền Thiên-cơ”.
GỘI NHUẦN: Gội
là rửa, là thấm nhuần ơn trạch:“ Ơn Vua gội thấm, tiếng chồng thơm lây”(Cổ
thi). Nhuần là nhuần thấm tươi tốt:“Chiếu trời mưa vỗ, ơn trên gội
nhuần” (Cổ thi).
GỘI NHUẦN ƠN ĐỨC PHẬT: Là nhờ Đức Phật ban phước huệ cho được thấm nhuần lý diệu mầu
của Phật Pháp.
Đức Thầy có câu:
“Đệ tử gội nhuần ân đức cả,
Chung thân quyết chí dốc tu hành”.
(Thiên Lý Ca)
QUẢNG ĐẠI: Rộng
lớn, lòng từ bi rộng lớn. Ví dụ: đức độ quảng đại.
TỪ BI: Hai trong bốn đại đức của
chư Phật ( Từ Bi Hỉ Xả ). Có nghĩa hiền lành thương xót, thường ban vui cứu khổ
cho muôn loài. Cho nên, Đức Từ làm cho tất cả chúng sanh được an vui, hạnh
phúc. Đức Bi là làm cho tất cả chúng sanh hết nỗi khổ đau. Do câu:“Từ năng dữ
nhứt thiết chúng sanh chi lạc, Bi năng bạt nhứt thiết chúng sanh chi khổ”.
Đức Thầy có câu:
“Lòng từ bi chẳng quản nắng mưa,
Xông thuyền giác rước đưa sanh chúng”.
(Khuyến Thiện Q.5)
HIỀM VÌ: Cũng viết là hềm vì. Có
nghiã là tại vì, ngặt vì, ngại vì. Đức Thầy có câu:
“Hiềm vì mắc lá Thiên Thơ,
Đôi điều ghi chép cõi bờ chưa xong”.
(Tự Thán)
HUYỀN CƠ: Huyền là sâu kín mầu nhiệm. Cơ là
máy. Nói chung là máy trời mầu nhiệm sâu kín.
“Huyền cơ máy tạo xoay vần”.
(Bóng Hồng)
TRĂM HỌ: Do chữ bá tánh, chỉ
chung cho tất cả mọi người.
ĐỒ LAO: Đồ là bị đày, khổ sở, Lao là khó
nhọc. Nói chung là chịu cảnh rất nhọc nhằn khổ sở. Đức Phật bảo rằng:“Chúng
sanh ở cõi Ta bà khổ não chẳng khác nào bị giam cầm trong chốn đồ lao ngục thất”.
Đức Thầy cảnh tỉnh:
“Bá tánh say sưa mùi phú quí,
Sau nầy sẽ vướng cảnh đồ lao”.
(Ai Người Tri Kỷ)
CHÚNG SANH: Tiếng Phạn sattva, phiên
âm là tát đỏa, dịch là chúng hữu tình hay chúng
sanh. Chỉ chung cho những loài có mạng sống (hàm linh), hễ có sanh thì có
tử, cứ triền miên mãi trong vòng luân hồi.
Chúng sanh gồm có 4 loại: Thai Sanh (sanh
bằng bào thai); Noãn Sanh (sanh bằng trứng nở ra); Thấp Sanh (sanh nơi ẩm
thấp); Hóa Sanh (sanh tự biến hóa).
VẠN KHỔ: Muôn khổ, chỉ cho sự khổ não thật
nhiều không đếm xiết, “Muôn vàn khổ não”.
CHÁNH VĂN (Đoạn 3):
Nghĩ lúc còn làm người trong biển tục,
lăn-lộn chốn mê đồ, mà chẳng quản thân giúp thế cứu dân, vong thân vị quốc, huống
chi nay cơ mầu đà thấu tỏ, sớm chiều hầu chơn Phật nghe kinh, ngao du tứ-hải,
dạo khắp Tiên-bang, cảnh an-nhàn của người liễu-đạo, muôn ngày vô sự, lóng sạch
phàm tâm, sao chẳng ngồi nơi ngôi vị hưởng quả bồ-đề trường thọ mà còn len lỏi
xuống chốn hồng-trần, đặng chịu cảnh chê khen ?
LƯỢC GIẢI (Đoạn 3):
– Đức Thầy xét nghĩ lúc còn mang thân
người ở thế gian, Ngài đã chẳng quản sự gian khổ trong công cuộc bảo tồn Tổ
quốc và đồng bào chủng loại. Huống chi nay được sống bên Đức Phật, thông suốt
lẽ cơ huyền Đạo Pháp, nhưng tại sao Ngài chẳng thụ hưởng cảnh tiêu dao giải
thoát ấy, lại còn phải nhập thế nhiều lần để chịu lắm tiếng đời khinh chê nhạo
báng ? Âu cũng là do một đại sự nhân duyên:“Phật vì chúng sanh mà sinh”.
CHÚ THÍCH (Đoạn 3):
BIỂN TỤC: Do chữ bể trần tục, chỉ cho cõi đời
chúng sanh đang sống, đầy nhớp nhơ tội lỗi nhiều như bể cả.
MÊ ĐỒ: Đường mê lầm, con đường tối tăm lầm
lỗi. Mê đồ là con đường chúng sanh đang đi, đối với Giác Lộ là con đường của
Phật Thánh.
Đức Thầy khuyên:
“Thờ Phật đạo tỉnh cơn ác mộng,
Thoát mê đồ thường phóng quang
minh”.
(Khuyến Thiện Q.5)
QUẢN THÂN: Quản là ngại; Thân là thân mình.
Quản thân là chẳng ngại chi thân mình.
Đức Thầy có câu:
“Tớ với Thầy nào quản thân lươn,
Muốn cứu thế sá chi bùn trịn”.
(Giác Mê Tâm Kệ, Q.4)
VONG THÂN VỊ QUỐC: Vì nước quên mình, vì vận mệnh sống
còn của quốc dân mà không kể đến thân mình.
CƠ MẦU: Máy mầu nhiệm khó thấu hiểu. Cái lý
tạo hóa thật cơ mầu lắm, chỉ có bậc Phật Tiên mới rõ thấu được.
NGAO DU TỨ HẢI: Dạo chơi khắp bốn biển. Ý chỉ cho
người đã thong thả siêu thoát, không còn bận đến việc trần thế. Chữ Ngao Du Tứ
Hải ở đây ý nói Đức Thầy đã chứng đạo giải thoát và thường lưu hành khắp đó đây
để rộng độ chúng sanh. Trong “Giác Mê”, Đức Phật Thầy có nói:
“Lấp ba đường đã thông một cửa,
Thuyền ra vời mặc thủa rộng khơi.
Sớm thời Nam Thiện dạo
chơi,
Tối về Trước Quốc gần đời Ma Ha”.
Đức Thầy nay cũng bảo:
“Trượng phu chí cả dọc ngang,
Dạo trong bốn biển mới
trang Thánh Hiền”.
(Cảm Tác)
LIỄU ĐẠO: Xong rồi việc Đạo, là viên tịch, là
liễu giải thông suốt việc Đạo. Vậy, liễu đạo là chỉ cho bậc tu hành đã xong rồi
việc Đạo, đã được thành Đạo giải thoát.
LÓNG SẠCH PHÀM TÂM: Thanh lọc hết lòng trần tục Tham,
Sân, Si v.v…
Đức Thầy có câu:
“Theo dõi gót Từ Bi mấy bữa,
Phàm tâm kia đã rửa hay chăng ?”
(Tặng Thi Sĩ Việt Châu)
QUẢ BỒ ĐỀ: Bồ đề, tiếng Phạn là Bodhi, phiên âm
là Bồ đề, dịch là Chánh giác hay Giác ngộ. Cũng có nghiã là Đạo hay Trí. Quả Bồ
đề là chỉ cho bậc tu hành khi chứng quả Chánh Đẳng Chánh Giác (Phật).
Đắc Bồ đề là diệt hết phiền não, chứng
Niết Bàn.
Đắc Bồ đề đầy đủ thì thành Phật Như Lai.
Ấy gọi là Đại Bồ Đề, là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, hay Vô Tướng Trí Huệ.
Đức Phật Thầy xưa đã nói:
“Nợ tiền duyên Bồ đề giống trước,
Vẹn một mình mới trọn ba thân”.
Đức Thầy nay cũng bảo:
“Say ngọc Bồ đề, đức hạnh cao”
(Say)
TRƯỜNG THỌ: Sống hoài không chết. Đây chỉ cho
cảnh Niết Bàn, không còn luân hồi sanh tử.
HỒNG TRẦN: Hồng là màu đỏ lợt; Trần là bụi. Ý
chỉ cõi chúng ta đang ở, đầy phiền lụy nhớp nhơ đau khổ. Truyện Kiều có câu:
“Đùng đùng gió giục mây vần,
Một xe trong cõi hồng trần như bay”.
Đức Thầy từng cho biết:
“Biển hồng trần lao lý diệu vơi,
Xô đẩy mãi trong vòng
ngũ trược”.
(Khuyến Thiện Q.5)
CHÁNH VĂN (Đoạn 4):
“Vì lòng từ-ái chứa-chan, thương bách-tính
tới hồi tai-họa. Phật-Vương đà chỉ rõ máy diệu huyền chuyển lập hội Long-Hoa,
chọn những đấng tu hành cao công quả để ban cho xứng vị xứng ngôi, người đủ các
thiện-căn để giáo truyền Đại-Đạo, định ngôi phân thứ gây cuộc Hoà-Bình cho vạn
quốc chư bang”.
LƯỢC GIẢI (Đoạn 4):
Bởi Đức Thầy đầy lòng Từ bi bác ái, không
nỡ để chúng sanh mãi trôi lăn trong vòng khổ nạn của cơ tận diệt, nên Ngài thừa
sắc lịnh của Đức Phật Vương chuyển
lập Hội Long Hoa tuyển chọn kẻ hiền tài,
kiến tạo đời Thượng Ngươn Thánh Đức:
“Long Hoa Hội ân cần lo lập,
Lập cho rồi tam thập lục nhơn.”
(Thiên Lý Ca)
Ngài cũng còn có trách nhiệm chọn những
người tu hành được đầy đủ thiện-căn tức trọn lành trọn sáng để
tiếp tục quảng truyền chánh pháp, rộng độ quần sanh khiến cả nhân loại đều biết
giác ngộ, dứt lòng tham sát, tôn trọng lẽ công bằng nhân đạo, bác ái vị tha để
cùng xây dựng cuộc hòa minh khắp thế giới. Như Ngài đã bộc lộ qua đoạn:
“Rằng bên thế giới Ta-Bà,
Chúng sanh tàn sát cũng là vì tham.
Di-Đà mở cuộc hội đàm,
Cùng chư Bồ Tát quyết đam pháp lành.
Tịnh bình rưới khắp chúng sanh,
Làm cho giác ngộ hiền lành như ta.
Cộng đồng hoạch định san hà,
Nước ai nấy ở nhà nhà tự do”.
(bài Lìa Sài Gòn)
CHÚ THÍCH (Đoạn 4):
TỪ ÁI: Lòng lành thương yêu. Lòng Từ Ái
chứa chan là đầy lòng từ bi bác ái đối với muôn loài.
PHẬT VƯƠNG: Vua Phật, tiếng tôn xưng các Đức
Phật đã chứng quả Như lai, như Pháp Vương, Phật Vương. Trong Diệu Pháp Liên Hoa
Kinh, Đức Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát có tán thán Đức Phật Nhơn Trung Tôn hiệu Nhựt
Nguyệt Đăng Minh:“ Đấng Thánh Chúa Pháp Vương an cư vô lượng
chúng sanh…” Chữ Phật Vương ở đây chỉ cho vị Phật có trách
nhiệm thời hiện đại là Đức Thích Ca. Cũng có nghĩa chỉ cho vị chuyển luân Thánh
Vương ngự trị đời Thượng Ngươn Thánh Đức tới đây.
Trong câu nguyện thứ nhứt, Đức Thầy có
dạy:“Liên hoa hải hội, thượng Phật từ bi, Phật Vương độ chúng, thế
giới bình an”. Và trong Sấm Giảng quyển Nhứt, Ngài cũng nói:
“Điên nầy vưng lịnh Minh Vương,
Với lịnh Phật đường đi xuống giảng dân”.
MÁY DIỆU HUYỀN: Sâu kín, tốt đẹp, khéo léo. Máy diệu
huyền là máy trời đất rất sâu kín mầu nhiệm, khó thể dùng trí phàm lượng xét
được.
“Thiên cơ biến đổi diệu huyền,
Hiệp chung tam cõi dưới miền trần ai”.
(Xuân Hạ Tác Cuồng Thơ)
HỘI LONG HOA: Hội là cuộc họp lại đông đảo. Long
là rồng,chỉ cho Vua Thánh (chánh vì Vương). Hoa là các loại bông tốt đẹp.
Người ta thường nói đẹp như hoa, đây chỉ cho người hiền lương, đức hạnh.
Vậy, Hội Long Hoa là do Tiên Phật lập ra
để tuyển chọn bậc hiền tài và đức hạnh tốt đẹp, họp lại chào mừng Chúa Thánh
đời Thượng Ngươn Thánh Đức tới đây.
Đức Thầy từng bảo:
“Hội Long Hoa chọn kẻ tu mi,
Người hiền đức đặng phò chơn chúa”.
(Kệ Dân, Q.2)
Đây là một cuộc thi cử chọn lọc, hiền còn
dữ mất:
“Long Hoa Tiên Phật đáo Ta bà,
Lừa lọc con lành diệt quỷ ma”.
(Thức Tỉnh Một Nữ Tín Đồ)
Và:
“Lập rồi cái Hội
Long Hoa,
Đặng coi hiền đức được là bao nhiêu.
Gian tà hồn xác cũng tiêu,
Thảm thương bá tánh chín chiều ruột đau.”
(Sấm Giảng Q.3)
Cho nên Ngài thường giục thúc:
“Trở chơn cho kịp Long Hoa,
Long Hoa có mặt ấy là hiền nhơn”.
(Thiên Lý Ca)
Đức Huệ Lựu (Sư Vãi Bán Khoai) cũng bảo:
“Bởi trần lỗi quá muôn phần,
Cho nên lập Hội Long Hoa chọn người.
Hiền từ thì đặng thảnh thơi,
Nghinh ngang khó trốn lưới Trời bớ dân !”
Nghiên cứu qua Sấm Giảng của Đức Thầy thì
độ khoảng 10 ngàn năm, hoặc trên hay dưới con số đó là có một lần lập hội như
vậy để chọn lọc hiền còn dữ mất, lập lại đời Thượng Ngươn Thánh Đức:
“Muôn thu thiên định nhứt kỳ,
Hạ ngươn sắc lịnh khai Kỳ Long Hoa”.
(Thiên Lý Ca)
Hoặc là:
“Chớ mong yến thử ẩm hà,
Mười ngàn năm lẻ cửa nhà đâu con.
Ta nhắc lại héo hon cho trẻ,
Cứ đâu lưng đừng rẽ đừng chia.
Cả kêu lớn nhỏ quày vìa,
Trên hòa dưới thuận chớ lìa chớ phân.
Long Hoa Hội ân cần lo lập,
Lập cho rồi tam thập lục
nhơn”.
(Thiên Lý Ca)
Thế nên Đức Thầy thường kêu gọi:
“Mau chơn bước đến Long Hoa hội,
Chầu Phật hòa vui cõi đại đồng”.
(Cho Bà Năm Cò)
TU HÀNH: Tu là trau sửa, gọt bỏ những điều
tội lỗi. Hành là thực hành theo giáo pháp và giữ gìn luật giới trong đạo. Vậy,
tu hành là vừa sửa đổi các điều sái quấy và vừa thực hành y theo pháp môn, hạnh
đức mà Tổ Thầy đã chỉ bảo.
Đức Thầy từng dạy:
“Tu hành sau được đức ân,
Nhờ Trời ban bố cho gần Phật Tiên”.
(Sấm Giảng Q.1)
CÔNG QUẢ: Công là dùng sức lực, tâm trí làm
một việc gì; Quả là cái hiệu quả của việc làm ấy. Như Công quả cho nhà Thiền
(chùa) là làm những việc gánh nước, bửa củi, tưới hoa, quét sân, v.v…sau được
phước báo. Công quả tu hành là thi hành hạnh tự giác giác tha, trau dồi hạnh
đức, phước huệ, dịch Kinh, viết sách, giảng dạy Đạo Pháp để khuyên người tỉnh
ngộ tu hành.
Trong “Cửu Khúc”, ông Ba Thới có câu:
“Ai trau công quả cho dày,
Đất bùn có thuở mọc rày hoa sen”.
Đức Thầy cũng khuyên:
“Lập thân giúp thế nên công quả,
Muôn kiếp danh hiền sách vẫn biên”.
(Luân Việc Tu Hành)
THIỆN CĂN: Căn lành, là gốc lành. Nhà tu khi ba
nghiệp Thân, Khẩu, Ý đều trọn lành, tức là có Thiện Căn; nhưng trong đó Ý
nghiệp là nguồn gốc quan trọng hơn hết. Như một cội cây, hễ rễ gốc tốt thì cành
lá, bông trái đều tốt. Ý căn trọn lành thì Thân và Khẩu cũng trọn lành, do đó
được sanh ra diệu quả phúc lạc ở cõi người hoặc Tiên Phật. Tất cả vị quả ấy đều
từ Thiện Căn mà ra. Và công đức tu tập 3 đời (quá khứ, hiện tại, vị lai) đều
được bồi bổ Thiện Căn rồi kết thành Phật quả.
“Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.
(Truyện Kiều)
Trong Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Phật nói:“Như
có hàng thiện nam tử, thiện nữ nhơn gieo trồng Thiện Căn thì đời nào sanh ra
cũng gặp bậc Thiện tri thức, bậc Thiện tri thức nầy làm nổi Phật sự. Chỉ dạy
cho mình sớm vào Phật quả”. Theo ý pháp Đức Thầy dạy thì người tu đặng
trọn lành trọn sáng là đầy đủ Thiện Căn.
Ngài bảo:
“Đem tâm hồi hướng gốc lành,
Làm tôi Phật Tổ chí thành chí chơn”.
(Cho Ông Cò Tàu Hảo)
ĐỊNH NGÔI PHÂN THỨ: Phân định sắp đặt thượng hạ đều có thứ
bậc, trật tự và công bằng.
ĐẠI ĐẠO: Đạo rộng lớn, tức chỉ cho Đạo Phật.
Bởi, Đạo Phật rất cao sâu huyền diệu, bao trùm cả vũ trụ vạn hữu, cả pháp thế
gian và xuất thế gian; cũng đồng với bản thể của Tâm “Đại đồng Đạo
cả khắp trùm bao”. Đại Đạo còn có nghiã là Đại Giác, Đại Bồ đề tu
thành. Đại Đạo tức là thành Phật. Câu “Giáo truyền Đại Đạo” là truyền dạy chánh
pháp của đạo Phật.
Đức Thầy từng khuyên:
“Hiệp sức tớ Thầy truyền diệu pháp,
Cho đời thấu tỏ Đạo Ma Ha”.
(Vén Màn Bí Mật)
HÒA BÌNH: Là êm ái, yên ổn không có chiến
tranh loạn lạc. Trong nước hòa bình, thế giới hòa bình.
“Hòa bình thế giới kiến Tiên bang”.
(Tối Mùng Một)
VẠN QUỐC CHƯ BANG: Chỉ chung các nước khắp thế giới.
“Các nơi liệt quốc chư bang,
Gặp đời bình trịtrướng loan
sum vầy”
(Viếng Làng Mỹ Hội Đông)
CHÁNH VĂN (Đoạn 5):
“Thiên-Tào đà xét định, khắp chúng sanh
trong thế-giới trong cái buổi Hạ-Nguơn nầy, say mê vật-dục, chìm đắm trong biển
lợi-danh, gây nên nghiệp-quả, luật trời đà trị tội, xét kẻ thiện-căn thì ít,
người tội-ác quá nhiều, chư Phật mới nhủ lòng từ-bi cùng các vị Chơn-Tiên lâm
phàm độ thế, trước ra công cứu khổ, sau chỉ rõ cơ-huyền, khuyên kẻ thế hướng
thiện quày đầu, cải tà qui chánh thì mới mong Thiên Đình ân xá bớt tội căn để kíp
đến Long-Hoa chầu Phật, trước biết rõ luật Trời thưởng phạt, cùng hữu duyên
nghe Phật pháp nhiệm mầu, kiến diện bậc Chơn-Sư, tu hành mau đắc quả, sau làm
dân Phật quốc hưởng sự thái-bình, bởi đời nầy pháp-môn bế mạc, Thánh đạo trăn
vu, người tâm trí tối đen, đời lắm Ma-Vương khuấy rối”.
LƯỢC GIẢI (Đoạn 5):
Chúng sanh trong giữa đời Hạ Ngươn Mạt
Pháp mãi đắm say trong biển lợi danh tình ái, gây nên nghiệp tôi. Thêm có lắm
tà thuyết dị đoan quyến rũ, vật chất lôi cuốn cám dỗ. Chúng Ma Vương luôn đe
dọa phá rối nên không còn được mấy người vững lòng theo chánh Đạo.
Luật Trời đã quyết định sẽ trừng trị kẻ tà
gian, nên Đức Phật cùng chư Bồ Tát và các bậc Chơn Tiên nhủ lòng từ bi lâm phàm
mở cơ phổ hóa. Nếu ai biết quay về nẻo thiện, giác ngộ tu hành thì sau nầy sẽ
được dự Hội Long Hoa, được gặp mặt đấng chơn sư nghe pháp mầu của Đức Phật và
sống một cảnh đời thái bình an lạc.
CHÚ THÍCH (Đoạn 5):
THIÊN TÀO: Cũng như chữ Thiên Đình, chỗ Trời ở,
triều đình trên Trời.
THẾ GIỚI: Theo định nghĩa thông thường thì thế
giới là vũ trụ, hoàn cầu. Tiếng gọi chung các nước trên mặt đất. Nói hẹp lại là
một xã hội, một nhóm người riêng biệt, như thế giới người mù, thế giới nhà tu.
Theo Phật học thì thế giới ta đang cư trú
có tên là Thế Giới Ta Bà, chúng tôi chỉ giải thích thế giới nhỏ chúng ta đang ở
mà thôi.
Một thế giới gồm có: 1 Tu Di Sơn, 1 Mặt
Trời, 1 Mặt trăng, 1 Tứ Thiên Hạ xung quanh núi Tu Di, 1 Tứ Thiên Hạ ở lưng
chừng núi Tu Di, 1 Đao Lỵ Thiên, 1 Dạ Ma Thiên, 1 Đâu Suất Thiên, 1 Hóa Lạc
Thiên, 1 Tha Hóa Thiên, 1 Sơ Thiền Thiên.
Trong Tứ Thiên Hạ có 4 châu lớn nằm bốn
góc núi Tu Di:
1.- Đông Thắng Thần Châu.
2.- Tây Ngưu Hóa Châu.
3.- Nam Thiệm Bộ Châu.
4.- Bắc Cu Lư Châu.
Trong Nam Thiệm Bộ Châu gồm có 5 châu nhỏ
là Á châu, Âu châu, Phi châu, Mỹ châu, Úc châu. Vậy chúng ở Á châu thì thuộc về
Nam Thiệm Bộ Châu (một trong 4 châu lớn).
HẠ NGƯƠN: Ngươn cùng cuối, ngươn sau rốt. Căn
cứ vào luật tuần hườn của lý Tam Ngươn được phân định và diễn tiến như sau:
Thượng Ngươn: Thượng Ngươn Thượng
Thượng Ngươn Trung.
Thượng Ngươn Hạ.
Trung Ngươn:Trung Ngươn Thượng.
Trung Ngươn Trung
Trung Ngươn Hạ
Hạ Ngươn: Hạ Ngươn Thượng.
Hạ Ngươn Trung.
Hạ Ngươn Hạ.
Cứ thế mà luân chuyển mãi, hễ hết Hạ Ngươn
Hạ thì
chuyển lại Thượng Ngươn Thượng, Thượng Ngươn Trung dần xuống (Theo tài liệu của
Vương Kim, tác giả quyển “Đời Hạ Ngươn”). Hiện nay nhằm Hạ Ngươn Hạ thì sắp
chuyển sang Thượng Ngươn Thượng. Trong Giảng Ông Sư Vãi Bán Khoai có nói:
“Hạ Ngươn nay đã hết đời,
Minh Hoàng cầu Phật lập đời Thượng Ngươn”.
Đức Thầy cũng bảo:
“Việc đời nhiều nỗi sầu bi,
Hạ ngươn đã hết loạn ly cơ đồ”.
(Để Chơn Đất Bắc)
VẬT DỤC: Lòng ham muốn các thú dục vật chất
trong đời, như Danh Lợi Tình.v.v…
LỢI DANH: Tài lợi, tiền của và danh vị tước
quyền, hai điều trong lục dục.
Ca dao có câu:
“Cái vòng danh lợi cong cong,
Kẻ hòng ra khỏi người mong bước vào”.
Cổ nhân cũng cảnh tỉnh:
“Phù sanh, phù lợi nùng như tửu,
Túy đắc nhân tâm, tửu bất tinh”.
(Níu đeo danh lợi nồng hơn rượu,
Đến chết lòng người chẳng tỉnh say).
Đức Thầy đã từng nói:
“Đường danh lợi đua chen mùi ong ỏng,
Đâu có màng tiếng vọng của người
tu”.
(Không Buồn Ngủ)
NGHIỆP QUẢ: Nghiệp là những sự việc mình đã làm,
đã gây ra, do nơi thân, khẩu, ý của mỗi người đã tạo tác điều lành hay dữ từ
kiếp trước hoặc thời gian trước. Cái nguyên nhân đầu tiên gọi là nghiệp nhân.
Cái duyên khởi trước hết gọi là nghiệp duyên.
Quả là sự kết quả của cái nghiệp mình gây
tạo. Khi mình đã tạo nghiệp hoặc lành hay dữ thì sớm muộn gì cũng hưởng lấy quả
vui hoặc khổ, chớ không bao giờ sai chạy. Ví như gieo hột giống xuống đất thì
nó sẽ mọc lên cây và có bông trái. Song sự kết quả của nó có khi chậm khi mau
là do hột giống mạnh hay yếu và tùy theo mỗi loại giống. Nghiệp quả nhân tạo
cũng thế:“Chưởng qua hườn đắc qua, chưởng đậu hườn đắc đậu”.(Trồng dưa
thì đặng dưa, tỉa đậu thì đặng đậu).
Nói tóm lại, hễ có tạo nghiệp thì phải có
kết quả, Cổ Đức từng bảo:
“Xuân một hột giống gieo,
Thu gặt nghìn thóc mễ,
Người đời tạo dữ lành,
Quả báo y như thế”.
Tổ Qui Sơn cũng nói:“Nghiệp quả
sở khiên, thành nan đào tỵ, thính hòa hưởng thuận, hình trực ảnh đoan; Nhơn quả
lịch nhiên khởi vô ưu cụ”. (Nghiệp quả kéo lôi thật khó trốn tránh,
như tiếng hòa vang thuận, hình ngay bóng thẳng. Nhân quả rõ ràng, đâu không lo
sợ !)
Nghiệp quả ở đây, Đức Thầy muốn nói cái
quả chiến tranh chết khổ mà chúng sanh đang và sắp gánh chịu là do cộng nghiệp
tham gian, sát hại của nhiều chúng sanh gây ra từ trước.
NHỦ LÒNG: Nhủ là khuyên nhắc, nhắn nhủ:
“Nầy nầy ta nhủ cho đấy nhớ,
Ấy chốn hang hùm chớ mó tay”.(Cổ Thi)
Nhủ còn có nghĩa là ban bố. Vì tình thương
mà ban bố cho. Ví dụ: Xin ông nhủ lòng thương kẻ mồ côi !
Vậy, nhủ lòng từ bi là mở lòng lành thương
xót chúng sanh mà ban bố đức ân và khuyên nhủ lời Đạo pháp.
CHƠN TIÊN: Bậc Tiên gia tu hành chơn chánh,
từng xả thân giúp đời.
HƯỚNG THIỆN QUÀY ĐẦU: Xoay trở lại con đường hiền lành đạo
đức. Đức Thầy thường kêu gọi:
“Sao chẳng lo thức tỉnh quày đầu,
Cho khỏi thẹn với người Thiên Cổ”.
(Diệu Pháp Quang Minh)
CẢI TÀ QUI CHÁNH: Cải sửa, chừa bỏ các điều tà quấy,
trở về con đường chơn thiện mỹ.
ÂN XÁ BỚT TỘI CĂN: Gia ân tha cho những người có tội.
Như các tội nhân gặp thời kỳ ân xá thì được tha hết tội cũ. Điều nầy có mâu
thuẫn với luật nhân quả không ? Chẳng những không mâu thuẫn mà còn làm sáng tỏ
lý nhân quả. Bởi khi ta đã gieo hột giống xuống đất thì đợi thời gian và nhiều
trợ duyên nó mới đơm bông kết quả. Nếu ta cần chuyên vun tưới, bắt
sâu sửa nhánh thì sẽ gặt quả mau và năng
suất cao. Ngược lại, nếu ta không trợ duyên cho hột giống ấy thì nó úng, chết,
dầu có được sống cũng chậm kết quả và thâu gặt rất ít; giống lành hay dữ cũng
thế.
Mặc dầu từ trước đến giờ ta gây nhiều tội
ác, giờ đây biết ăn năn cải hối tránh điều dữ, chuyên làm việc lành, thì cội
lành sẽ sớm sum sê nảy nở và gặt nhiều quả, còn cây tội ác kia sẽ bị khô héo
dần, bởi ta không trợ duyên cho nó,
Luật trời đất rất công bằng, nhưng chư
Phật vì lòng từ bi bác ái nên xin cho chúng sanh được hưởng sự ân xá một lúc,
hầu lo ăn năn cải ác tùng thiện. Đức Thầy đã nhiều lần khuyên nhủ:
“Kỳ xả tội nay còn một lúc,
Sao chẳng tu đặng có hưởng nhờ.
Gặp Giảng Kinh trần cứ làm ngơ,
Trồng bông kiểng giống chi hưởng nấy.”
(Giác Mê Tâm Kệ, Q.4)
Luật Thiên Đình căn cứ vào định nghiệp
thiện ác của mỗi chúng sanh mà tự chiêu cảm phước hay họa. Như một quốc gia thể
theo hiến pháp của những người đại diện do dân lập ra (quyền Lập pháp) rồi giao
cho những người có trách nhiệm thi hành (quyền Hành pháp) áp dụng với dân chúng
trong nước.
Kinh Minh Thánh nói:“Tích thiện thiên
báo chi dĩ phước, tích bất thiện thiên báo chi dĩ họa”. (Làm điều lành thì
Trời trả cho bằng phước, làm việc chẳng lành thì Trời trả cho bằng họa). Đức
Thầy cũng bảo:
“Luật Trời báo ứng nhãn tiền,
Khắp trong thiên hạ đảo huyền từ đây”.
(Từ Giã Làng Nhơn Nghĩa)
Và: “Xử những kẻ hung
hăng tồi tệ,
Thưởng những người trung
nghĩa vẹn toàn”.
(Giác Mê Tâm Kệ, Q.4)
PHẬT PHÁP: Phạn ngữ là Bouddha-dharma. Giáo
pháp của Đức Thích Ca Như Lai. Suốt 49 năm Phật còn trụ thế Ngài tùy theo căn
cơ của mỗi chúng sanh mà thuyết ra vô số lời lẽ pháp môn. Sau khi Ngài tịch
diệt, các đại đệ tử kết tập những giáo pháp ấy thành Tam tạng Kinh, Luật, Luận.
Từ ấy đến nay, người tu Phật nhờ nương theo đó mà được đắc Đạo vô số. Giáo pháp
là một trong ba ngôi quí báu: Phật, Pháp, Tăng. Phật pháp bao trùm cả thế gian,
trong Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Phật nói:“Tất cả Thế Gian Pháp là Phật Pháp”. Ngày
nay, Đức Thầy cũng rút trong Tam tạng ấy mà đem ra giáo hóa chúng sanh:
“Rút trong các Luật, các Kinh,
Tùy lòng không ép làm in Giảng nầy.”
(Dặn Dò Bổn Đạo)
Và Ngài từng khuyên:
“Tìm tõi Đạo mầu trong Phật Pháp,
Cho đời hiểu rõ lý Chơn Không”.
(Khuyên Bỏ Dị Đoan)
KIẾN DIỆN: Thấy mặt, được giáp mặt.
CHƠN SƯ: (Xem chữ Minh Sư đoạn 2 bài Sứ Mạng,
trang 38).
PHẬT QUỐC: Nước của Phật. Như Quốc độ của Đức A
Di Đà có tên là An Dưỡng Quốc hay Cực Lạc Quốc. Phật Quốc còn có nghĩa là nước
của vị Chuyển Luân Thánh Vương cai quản. Bởi vị vua nầy đã tu hành gần chứng
quả Phật, có đủ 32 tướng hảo và phước báo như Phật. Quốc độ của Ngài dân chúng
hưởng đủ sự thái bình an lạc. Ý chỉ cho đời Thượng Ngươn Thánh Đức tới đây. Đức
Thầy đã cho biết cảnh ấy:
“Trên non Tiên văng vẳng tiếng phụng
hoàng,
Phật, Tiên, Thánh an bang cùng định
quốc”.
(Không Buồn Ngủ)
Và ngày ấy chính là ngày:
“Địa cầu sanh chúng được nhàn an.
Bốn biển một nhà: Cha, Phật, Thánh,
Thì là dân sự hết tàn ngang”.
(Hai Mươi Tháng Chạp)
PHÁP MÔN: Cửa Pháp, cách thức tu học. Những
giáo lý của Đức Phật truyền dạy, người tu lấy đó làm phép tắc nên gọi là pháp.
Pháp ấy là nơi thông đạt cho chúng sanh vào Đạo và đắc Đạo nên gọi là môn. Đức
Phật tùy căn cơ và trình độ của chúng sanh mà thuyết ra vô số pháp môn, nhưng
pháp nào cũng thông đến quả Niết Bàn cả, như pháp môn Thiền định, pháp môn Tịnh
độ v.v..Trong Tứ-Hoằng Thệ-Nguyện có câu:“Pháp môn vô lượng thệ nguyện học”.
BẾ MẠC: Hạ màn, cùng cuối, đóng lại. Chữ
“Pháp môn bế mạc” ở đây chỉ cho chánh pháp của Phật bị thất chân truyền, và
cũng là nhằm thời kỳ Mạt pháp.
Sau ngày Đức Lục Tổ Huệ Năng tịch diệt và
bặt truyền y bát (638-713) thì người tu Phật đắc được Tâm Ấn (đắc đạo) cũng đi
truyền giáo mà người không đắc tâm ấn cũng đi truyền giáo; nhứt là các đệ tử
của phái Thần Tú lại truyền mạnh lối tu âm thinh sắc tướng, nên trong số tu
hành không mấy người được đắc đạo. Điều nầy Đức Thầy đã nói:
“Từ ngàn xưa Phật pháp gài then,
Nên ít kẻ tu hành đắc Đạo.”
(Diệu Pháp Quang Minh)
THÁNH ĐẠO TRĂN VU: Thánh Đạo nói chung về đạo Phật và
đạo Thánh. Trăn vu là cỏ trăn và cỏ vu, hai loại
cỏ rậm rạp và vô dụng, thường mọc lan che lấp lối đi, do câu sách:“Dị đoan
phong khởi, Thánh đạo trăn vu”.(Các manh mối của tà thuyết dấy lên, làm cho
nền Đạo Thánh bị lu mờ). Đây chỉ cho những tà thuyết dị đoan và các thứ văn minh
vật chất lấn áp, câu nhử, khiến không còn được mấy người vững lòng tin theo
Chánh Đạo.
MA VƯƠNG: Phạn ngữ là Mara, tức là Vua các
loài Thiên Ma ở cõi Trời Tha Hóa Tự Tại ( tức từng Trời thứ sáu trong cõi Dục
Giới), tên gọi là Ba Tuần; thường đem quyến thuộc xuống cõi người làm chướng
ngại Đạo Phật.
Lúc Đức Thích Ca thành Đạo dưới cội Bồ Đề,
Ma Vương bèn đem binh và khí giới đến làm hại Phật, chúng dùng đủ cách phép
mầu, nữ sắc phá quấy, nhưng Phật vẫn an nhiên tự tại. Phá Phật chẳng được, Ma
Vương còn thệ nguyện qua đến đời Mạt pháp chúng hiện vào làm đệ tử của Phật để
phá Đạo cho đến kỳ cùng.
Điều nầy, Đức Thầy có nói trong Giác Mê
Tâm Kệ, Q.4:
“Hồi thuở trước Thích Ca Phật Tổ,
Ngồi tham thiền bị nó ghẹo hoài.
Mà cũng không rúng động đặng Ngài,
Nên cố oán phá đời mãi mãi”.
CHÁNH VĂN (Đoạn 6):
“Ta là một trong các vị cứu đời ấy. Ai liễu Đạo nơi quốc-độ nào thì
cũng phải trở về quốc-độ ấy mà trợ tế nhân dân, vì thể lòng từ-bi bác-ái cùng
thù đáp những linh hồn đã trợ duyên trong nhiều kiếp giúp Ta nương cậy tu hành,
nên ngày 18 tháng 5 năm Kỷ-Mão, Ta hóa hiện ra đời cứu độ chúng sanh. Tuy là
nhơn-dân mới rõ pháp mà tưởng rằng Ta thượng xác cỡi đồng chớ có dè đâu chuyển
kiếp đã từ lâu chờ đến ngày ra trợ thế”.
LƯỢC GIẢI (Đoạn 6):
Đoạn nầy ý nói Đức Thầy là một trong các vị Phật Thánh, có trách
nhiệm độ đời giữa thời Hạ Ngươn Mạt Pháp. Mỗi vị đều quán xét căn cơ nơi nào có
đủ nhân duyên thì giáng lâm độ thế nơi đó.
Vì lòng từ bi bác ái, Đức Thầy không nỡ ngồi nhìn chúng sanh đang
quằn quại dưới tai ách nghèo đói, bệnh tật của cơ tận diệt, và đang ngụp lặn
trong bể trầm luân thống khổ. Vì những người có duyên lành với Ngài đã từng trợ
trưởng lẫn nhau trong lúc Ngài còn tu thân lập hạnh. Giờ đây con đường tiến
sang bờ Giác số người ấy vẫn còn bơ vơ nơi bán lộ mà Ngài có trách nhiệm dìu
dắt họ tới nơi tới chốn, nên phải gấp rút nhập thế khai Đạo độ đời.
Công cuộc cứu thế, Đức Thầy áp dụng phương tiện khéo léo đánh lạc
hướng người Pháp để họ không nhận ra Ngài là nhân vật quan trọng. Thế nên lúc
ấy có nhiều người hiểu lầm Đức Thầy cũng như bao nhiêu kẻ phù thủy khác. Họ
không ngờ Ngài là bậc đã giác ngộ, nay vì lòng từ bi, vì có sứ mạng và vì
nguyện lực mà Ngài chuyển kiếp để chờ đúng ngày giờ (18/5) xuất hiện để cứu
quần sanh.
CHÚ THÍCH (Đoạn 6):
LIỄU ĐẠO: Xem
chữ Liễu Đạo ở Đoạn 3 bài Sứ Mạng, trang 43.
QUÔC ĐỘ: Cõi nước, thế giới. Một
thế giới do một Đức Phật giáo hóa. A DI ĐÀ KINH nói:“Cực Lạc Quốc độ hữu
thất bảo trì, bát công đức thủy, sung mãn kỳ trung”.(Ở cõi Cực Lạc có ao
bằng bảy báu, trong ao có chứa đầy nước, đủ tám món công đức).
Quốc độ còn có nghĩa là ranh rấp, mức độ của một nước do vị nguyên
thủ chủ quyền. Trong Kinh Phạm Võng có nói:“Nhược nhất thiết, quốc độ trung,
quốc nhơn sở trước y phục. Tỳ Kheo giai ưng giữ kỳ tục
hữu vị”.(Như hết thảy trong nước người
ta ăn vận những y phục gì thì chư Tỳ Kheo đều ăn mặc khác với người thế tục).
TRỢ TẾ: Cũng như chữ Cứu tế. Có
nghĩa là cứu giúp kẻ nghèo khó, tật bịnh, hoạn nạn. Do lòng từ bi mà Phật và
chư Bồ Tát lâm phàm trợ tế cho chúng sanh hết nguy nàn thống khổ, dùng diệu
pháp đưa họ qua bờ giác khỏi biển sanh tử luân hồi. Trong Giác Mê Tâm Kệ, Đức Thầy
có nói:
“Thời kỳ nầy nhiều quỉ cùng ma,
Trời mở cửa Quỉ Vương xuống thế.
Nên ta mới ra tay cứu tế,
Kẻo chúng sanh bịnh khổ quá chừng”.
TỪ BI: Xem chữ Từ Bi ở Đoạn 2
bài Sứ Mạng .
BÁC ÁI: Lòng thương yêu rộng lớn
khắp cả chúng sanh.
Đức Thầy có câu:
“Bác ái xả thân tầm đạo chánh,
Độ người lao khổ dạ không phiền”.
(Luận Việc Tu Hành)
THÙ ĐÁP: Đền đáp lại. Ý nói người
ta đã thi ân với mình, thì mình đáp lại cho cân xứng.
LINH HỒN: Phần
hồn thiêng trong người ta, linh hồn đối với thể xác. Có nhiều tên gọi khác nhau
như: Bửu Quang, Thần Hồn, Tâm Hồn, Tâm Thức, Thần Thức, Hữu hay Ấm…đều chỉ cho
phần khôn biết của con người. Khi người chết thì linh hồn xuất ra, đi đầu thai,
tạo thành xác khác. Chữ linh hồn ở đây, chỉ cho những người có duyên với Đức
Thầy trong nhiều tiền kiếp.
TRỢ DUYÊN: Trợ
là giúp đỡ. Duyên là mọi thứ giúp cho nhân để thành quả. Trợ duyên là những
duyên cớ phụ giúp cho duyên cớ chánh. Người chánh thức tác động một việc gì đó
thuộc về duyên cớ chánh, kẻ hộ trợ cho người kia làm nên việc ấy, gọi là duyên
cớ phụ, và là trợ duyên.
Đây chỉ cho những người trong nhiều tiền kiếp đã giúp đỡ cho Đức
Thầy về tứ sự như: ăn, mặc, ở, thuốc men và mọi phương tiện lúc Ngài còn đang
tu học.
HÓA HIỆN: Hóa
là biến hóa, thay đổi hình dáng, tính chất. Hiện là lộ hình ra; xuất bày ra một
cách rõ rệt. Hiện còn đối với ẩn. Vậy, hóa hiện là bỗng nhiên thay đổi và hiện
ra.
THƯỢNG XÁC CỠI ĐỒNG: Lên xác ngồi đồng. Lối chữa bịnh của các phù thủy, họ thường
sai đồng khiển tướng để trục bắt quỉ ma, có tánh cách dị đoan mê tín.
Đức Thầy đã cảnh tỉnh số người ấy:
“Dương gian làm huyễn nói càn,
Cùng xóm cuối làng đâu cũng như đâu.
Hò reo giục trống nhiều câu,
Sai đồng khiến quỉ nói lâu nực cười
Ta khuyên hết thảy các người,
Nhiều chuyện trò cười hãy bỏ bớt đi.
Đừng hò đừng réo làm chi,
Nghinh ngang kêu múa có khi hại mình”.
(Sám Giảng Q.3)
Thế mà lúc bấy giờ có nhiều người hiểu lầm Đức Thầy và cho Ngài
cũng như hạng người nói trên.
CHÁNH VĂN (Đoạn 7):
“Nên phương-pháp của Ta tùy trình độ cơ cảm của Tín-nữ Thiện-nam,
trên thì nói Phật pháp cho kẻ có lòng mộ Đạo qui căn, gây gốc thiện-duyên cùng
Thầy Tổ, dưới dùng huyền-diệu của Tiên-gia độ bịnh để cho kẻ ít căn lành nhờ
được mạnh mà cảm lòng từ-bi của Chư Vị với Trăm Quan, thảm-thiết lê dân lầm
than thống-thiết, mà lời lành nghe tựa hồ như nhớ như quên, nên kẻ xa-xôi
từ-văn chẳng tới, người láng-diềng tiếng kệ nhàm tai. Đến trung tuần tháng tám,
Ta cùng Đức Thầy mới tá hiệu Khùng Điên, mượn bút mực tiết lộ lấy Thiên-cơ,
truyền cho kẻ xa gần đều rõ biết hầu ăn-năn cải quá làm lành,còn kẻ chẳng tỉnh
tâm sau đền tội cũng chẳng trách Phật Tiên không chỉ bảo”.
LƯỢC GIẢI (Đoạn 7):
Bởi căn cơ của chúng sanh có cao thấp khác nhau. Nên phương pháp
độ đời Đức Thầy áp dụng có nhiều cách. Đối với hạng người đã gieo sâu duyên
lành với Đạo thì Đức Thầy dùng Chánh Pháp Vô Vi cảm hóa họ. Còn những người căn
cơ hạn hẹp thì Ngài giác tỉnh họ bằng cách dùng huyền diệu của Tiên gia trị
bịnh khiến họ tăng lòng kính tin Trời Phật và phát nguyện quy y.
Đức Thầy còn cho biết những cảnh đao binh nước lửa đang vây khổn
chúng sanh mà lời lành của Ngài chưa được truyền rộng khắp bàng nhân bá tánh.
Ngược lại những kẻ ở gần hay nhạo chê nhàm chán, nên Ngài phải sáng tác Sấm
Kinh để cho nguồn mưa Pháp sớm chan hòa trong đại chúng. Vả lại cơ huyền Đạo
Pháp của Ngài là hồi chuông cảnh tỉnh; nếu những ai còn ngủ vùi trong màn danh
lợi thì sau nầy đừng trách cứ Phật Trời thiếu lòng từ bi chỉ giáo.
CHÚ THÍCH (Đoạn 7):
PHƯƠNG PHÁP: Cách
thức, phép tắc, qui củ để làm một việc gì, sau khi nghiên cứu kỹ. Ví dụ như
phương pháp độ đời của Đức Thầy.
TRÌNH ĐỘ: Mức
độ học vấn và trí thức cao thấp nhiều ít của mỗi người.
CƠ CẢM: Cơ là nền tảng, là căn
gốc (căn cơ). Theo Phật học, cảm có nghĩa là do việc làm của thân, khẩu, ý mà
cảm động tới, vời tới; tức là chiêu cảm hay nghiệp cảm. Như hạnh nghiệp bố thí
và cúng dườngTam Bảo thì cảm được phúc báo. Vậy, cơ cảm là chúng sanh có cái
Thiện Căn thì được Phật cảm ứng cho.
TÍN NỮ: Phạn ngữ là Upâsikê,
phiên âm là Ưu-bà-di, dịch là Cận sự nữ. Nghĩa là những người nữ thọ pháp tam
qui ngũ giới tu hạnh tại gia, thường thân cận các Tự Viện để lễ Phật, nghe Kinh
và giúp đỡ các Tăng Sư.
THIỆN NAM: Phạn
ngữ là Upâsaka. Phiên âm là Ưu-bà-tắc, Tàu dịch là Cận sự nam. Nghĩa là những
người nam thọ Tam qui ngũ giới, thường thân cận các chùa, lễ Phật nghe Pháp và
giúp đỡ các Tăng Sư.
“Tín nữ thiện nam gìn mối Đạo,
Dầu cho lăn lóc rán kiên trinh”.
(Tỉnh Bạn Trần Gian)
MỘ ĐẠO: Lòng ham muốn tu học Đạo
Pháp.
QUI CĂN: Trở về với gốc lành, tánh
lành. Trở về với tánh Phật, đạo Phật.
Đức Thầy có câu:
“Nay con qui Phật tu hành”.
(Bài Cúng Cửu Huyền)
THIỆN DUYÊN: Duyên
lành. Do thân, khẩu, ý của người phát ra hành động, ngôn ngữ và tư tưởng lành
hoặc trên đường tu học Phật pháp làm được những việc ấn tống Kinh Giảng, công
tác từ thiện, trợ trưởng Tam bảo đều là kết thiện duyên với Phật Pháp.
Lại như người dốc chí tu hành mà gặp được Chánh Đạo, Minh Sư, bạn
thiện, ấy là người thiện duyên. Đức Thầy có nói:
“Duyên lành rõ được Khùng Điên,
Chẳng qua kiếp trước thiện duyên hữu phần”.
( Viếng Làng Mỹ Hội Đông)
HUYỀN DIỆU CỦA TIÊN GIA: Những pháp mầu nhiệm linh ứng của bậc chơn tiên. Lúc Đức
Thầy điều trị bịnh nhân, Ngài chỉ dùng nước lã, giấy vàng và một ít thứ bông
lá… thế mà bịnh chi cũng hết, nhờ đó họ cảm ơn đức mà phát tâm quy y thọ giáo.
Đức Thầy bảo:
“Có đeo bịnh tật vào thân,
Giầy vàng xé nhỏ vái thần độ vô.
Thành lòng nước lã nên hồ,
Hữu tâm chí đức cam lồ Phật ban”.
(Từ giã Bổn Đạo Khắp Nơi)
ÍT CĂN LÀNH: Là
chỉ cho người từ nhiều kiếp trước đến kiếp nầy, tuy có làm lành nhưng rất ít,
nên căn lành cạn hẹp.
CHƯ VỊ: Nhiều vị, chỉ cho chư vị
Sơn Thần ở Năm Non Bảy Núi có nhiệm vụ theo Đức Thầy độ chúng. Trong bài Viếng
non Ông Két, Ngài nói:
“Chư Sơn Bảy Núi đều qui tựu”.
Và:
“Vậy hỡi chư thần mau nối gót,
Theo Thầy dắt chúng khỏi nồng cay”.
TRĂM QUAN: Cũng
như chữ Chư Quan, danh từ chỉ cho tất cả hoặc rất nhiều (như chữ Bá Tánh). Trăm
Quan ở đây chỉ cho tất cả Quan Cựu Thần đã hết lòng trung cang nghĩa khí với Tổ
Quốc Việt Nam từ trước tới giờ, và đã hiển Thánh thành Thần.
Đức Thầy có câu:
“Đến hội Trăm Quan còn hiện được,
Thì ra xác thịt có cần đâu”.
(Cho Cô Hai Gương)
LÊ-DÂN: Dân đen. Người đòi thường
nói, làm người ai cũng đầu đen máu đỏ. Vậy, lê dân là chỉ cho người dân thường
không chức phận, tất cả dân chúng.
Trong bài Bình Ngô Đại Cáo có câu:
“Nướng dân đen trong ngọn lửa hung tàn,
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”.
LẦM THAN: Lầm
là vẩn (quậy) bùn lên cho đục. Than là dùng lửa đốt củi thành than. Lầm than là
ý chỉ cảnh chiến tranh làm cho dân chúng sống một cách cơ cực, vất vả khổ sở.
Cụ Đồ Chiểu có câu:“Khiến dân phải chịu lầm than muôn phần”.
Đức Thầy từng bảo:
“Lầm than khói lửa với binh đao,
Âu Á lung tung nhuộm máu đào”.
(Ai Người Tri Kỷ)
THỐNG THIẾT: Thống
là đau nhức; thiết là cắt. Ý nói sự đau thương rất mực, ví như bị dao cắt thịt
xương mình.
“Cảnh hồng trần đau thương thống thiết”.
(Khuyến Thiện Q.5)
KẺ XA XÔI TỪ VĂN CHẲNG TỚI: Từ văn là lời lành lẽ Đạo của Đức Thầy dạy khuyên người tu
hành. Lúc Đức Thầy mới khai Đạo đối với những người ở cách xa thì Giáo Lý của
Ngài chưa truyền tới được.
Như Ngài đã nói:
“Chớ nước sâu mà bị gàu thưa,
Dân đông đảo lời truyền chẳng xiết”.
(Giác Mê Tâm Kệ, Q.4)
NGƯỜI LÁNG DIỀNG TIẾNG KỆ NHÀM TAI: Nhàm tai là nghe thường quá, nhiều lần quá phát chán. Ý chỉ
những người không có duyên lành với Phật Pháp nên dầu họ có ở gần Đức Thầy hay
được nghe nhiều lần, nhưng chẳng cảm thông được lời Đạo lý, rồi đâm ra chán
ngán, không muốn nghe nữa.
Như Ngài đã cho biết:
“Đờn Ta vốn thiệt không dây,
Vô duyên khó biết lời Thầy nói xa”.
(Từ Giã Bổn Đạo Khắp Nơi)
TRUNG TUẦN: Theo
Âm lịch là mỗi tháng có ba tuần là Thượng, Trung, Hạ, mỗi tuần có 10 ngày. Vậy,
trung tuần là kể từ ngày 11 đến ngày 20.
TA CÙNG ĐỨC THẦY MỚI TÁ HIỆU KHÙNG ĐIÊN: Theo Sấm Giảng quyển Nhứt, lúc Đức Thầy đi dạo Lục Châu có
hai vị, một ông Thầy và một ông trò (đệ tử). Ông Thầy thì xưng danh hiệu là
Khùng, còn ông trò thì xưng danh hiệu là Điên.
Đức Thầy từng cho biết:
“Thầy trò chẳng nệ tấm thân”.
(Sấm Giảng Q.1)
Và:
“Thầy Khùng trò lại hóa Điên,
Khùng Điên mấy tháng tình riêng ai ngờ”.
(Dặn Dò Bổn Đạo Khắp Nơi)
Vậy câu “Ta cùng Đức Thầy” tức là lời của ông Điên nói.
TIẾT LỘ: Bày lộ ra cho hết.
THIÊN CƠ: Máy
Trời. Cơ mầu nhiệm của Trời.
Đức Thầy có câu:
“Việc Thiên cơ Khùng tỏ hết trơn,
Cho trần hạ tường nơi lao lý”.
(Kệ Dân, Q.2)
ĂN NĂN CẢI QUÁ: Nghĩa của chữ Sám Hối. Hối hận việc lầm lỗi vừa qua, tự ăn
năn cải sửa lại và nguyện từ đây giữ không tái phạm.
Đức Khổng Tử bảo:“Tri quá tắc cải, thị vi vô quá. Quá nhi bất
cải thị vi quá hỉ”.(Biết lỗi mà cải sửa thì không có lỗi. Có lỗi mà không
chịu cải sửa mới là có lỗi).
Kinh Trường A Hàm, Phật nói:“Ai biết sửa lỗi lầm thì người ấy
được tiến hóa trong giáo pháp của Ta.”
Đức Thầy cũng hằng khuyên:
“Nếu dương trần sớm biết ăn năn,
Làm hiền đức khỏi đường lao lý”.
(Kệ Dân, Q.2)
PHẬT: Phạn ngữ là Bouddha,
phiên âm là Phật Đà. “Phật giả, Phật Đà chỉ tỉnh xưng”. Đức
Huỳnh Giáo Chủ giải:
“Phật giả là giác giả, giác giả là tỉnh giả…”
(Phật Là Gì?)
Và:
“Phật là đấng toàn thiện toàn mỹ, bác ái vô cùng”.
Đã hoàn thành muôn hạnh muôn đức: Tự giác, giác tha và giác hạnh
viên mãn.
TIÊN: Phạn ngữ là Richi, bậc
Tiên. Tiếng gọi các ông thầy tu núi, đắc thần thông có thể trường sanh bất tử,
nhưng chữ Tiên ở đây ý chỉ cho người tu Phật đã đặng siêu thoát như Đức Thích
Ca khi xưa, từng được các vị tu hành đồng thời tôn xưng là Đại Tiên.
Đức Thầy có cho biết:
“Đời cùng Tiên Phật hạ phàm gian”.
(Lộ Chút Cơ Huyền)
Và :
“Kể từ Tiên cảnh Ta về,
Non Bồng ta ở dựa kề mấy năm”.
(Sấm Giảng Q.3)
CHÁNH VĂN (Đoạn 8):
“Vẫn biết đời Lang-sa thống trị, phép nước nghiêm-hình, dân chúng
nếu yêu thương sẽ lắm điều hiềm khích; nhưng mà Ta nghĩ nhiều tiền kiếp Ta cũng
hy sinh vì Đạo, nào quản xác thân. Kiếp chót nầy đây há lại tiếc chi thân phàm
tục, song vì tình cốt nhục tương thân, cũng ủng hộ, chở che cho xác phàm bớt
nỗi cực hình”.
Bac-Liêu, ngày 18-5 Nhâm Ngũ (1942)
LƯỢC GIẢI (Đoạn 8):
Dưới thời thống trị của Thực Dân Pháp, họ dùng chánh sách kềm kẹp
Tôn giáo quá gắt gao, không cho dân ta tự do hành Đạo hay truyền Đạo. Nếu có
một ai được sự uy tín trong quần chúng thì họ tìm cách ám hại hay đày xắt đủ
điều.
Đức Thầy xét nghĩ nhiều kiếp trước Ngài đã từng hy sinh tinh thần
lẫn vật chất cho Đạo Pháp, cho lê dân. Huống lại kiếp chót nầy đây là kiếp Ngài
sẽ hoàn thành sứ mạng, có lý nào Ngài còn lẫn tiếc một sự việc gì đối với vạn
loại chúng sanh ?
“Thân Ta dầu lắm đoạn trường,
Cũng làm cho vẹn chữ thương nhơn loài”.
(Cảm Tác)
Nhưng vì nghĩa song đường, tình huynh đệ, trong thân quyến rất xót
thương lo lắng, nên Ngài chẳng nỡ để cho phần xác thịt chịu lắm gian lao hay
thiệt thòi đến thân mạng.
CHÚ THÍCH (Đoạn 8):
LANG SA: Một danh từ đã được thông
dụng vào thời các chúa Nguyễn, dùng để chỉ cho người Pháp. Trong lời chiếu Cần
Vương của Vua Tự Đức năm Tân Hợi (1861) có đoạn nói:“Kẻ nào bắt được một
người Lang Sa sẽ đặng thưởng bốn quan tiền”, và trong bài Văn Tế nhà
ái quốc Trương Công Định, cụ Đồ Chiểu có viết: “Lũ giặc Lang sa nhiều
phương quỉ quái.”
THỐNG TRỊ: Gồm
trị, cai trị cả nước. Nước Việt Nam bị dưới quyền thống trị của người Pháp ngót
80 năm.
NGHIÊM HÌNH: Hình
phạt nghiêm khắc.
HIỀM KHÍCH: Tức
giận ganh ghét, vì không vừa ý với nhau mà luôn luôn muốn gây chuyện. Kẻ nịnh
hay hiềm khích người trung.
HY SINH: Con vật toàn một màu sắc
đen đem làm thịt dùng vào việc cúng tế. Ý nói người dám bỏ tất cả quyền lợi,
danh dự, tài sản lẫn tánh mạng để làm được một việc gì, như hy sinh để bảo vệ
quốc dân. Cổ thi có câu:
“Dù cho làm vật hy sinh,
Miễn sao thiên hạ thái bình yên vui”.
Hy sinh vì Đạo là dám liều bỏ cả tinh thần lẫn vật chất để làm
tròn việc Đạo Pháp. Tiền thân Đức Phật đã từng xả thân cho Đạo, Ngài dám lóc da
làm giấy, bẻ xương làm viết, lấy máu làm mực để được chép, nghe Phật Pháp. Ngài
cũng từng bố thí cả tài vật, vợ con cho người khác, và đã hy sinh thân xác cho
cọp đói đỡ lòng, đã hiện thân vào loài cá làm thức ăn cho nhân loại khỏi cảnh
nguy cơ. Do đó, các bậc chơn tu thường ca ngợi đức hy sinh của Phật:
“Từ bi cao đẹp có chi bằng,
Vui thí cho đời cả mạng căn,
Thương kẻ chơn tình thương mẫu tử,
Chết mà không chết vẫn siêu thăng”.
(thơ Thanh Sĩ)
Đức Thầy hiện nay cho biết nhiều kiếp trước Ngài đã từng hy sinh
cho Đạo Pháp. (Đức Phật Trùm, 1830-1890 – một trong những tiền kiếp của
Đức Thầy – bị quân Pháp bắt bỏ vào củi sắt liệng xuống sông Châu Đốc, mấy giờ
sau Ngài vẫn không chết. Chúng liền đem Ngài bỏ vào vạc dầu sôi và nấu, Ngài
vẫn an nhiên không sợ và khi đem ra ngoài không hề hấn gì…Chúng bèn đày Ngài ra
hải ngoại, cho uống nước cường toan, Eau regale, Ngài cũng không chết. Thời
gian sau Ngài được thả tự do. Ngài tiếp tục hoằng Đạo cho đến khi tịch diệt.)
Cho đến kiếp nầy cũng thế, Ngài có thố lộ trong một bài thi:
“Phận tớ xác phàm tớ sẽ dưng,
Cúng dường cho Phật, Phật đành ưng.
Dù cho phải chịu ngàn cay đắng,
Cũng nguyện Đạo mầu sẽ chấn hưng”.
(Hiến Thân Sãi Khó)
TÌNH CỐT NHỤC TƯƠNG THÂN: Cốt nhục là xương và thịt, tình ruột thịt chung một dòng
máu. Cùng
chung một thân tộc, tất cả sự vui, buồn, sướng khổ đều cùng chung
hưởng, nên càng thương mến nhau rất mực.
Đây ý nói Đức Thầy bị người Pháp bắt đi trong lúc thân nhân quyến
thuộc của Ngài phải chịu cảnh đau xót lo chung.
ỦNG HỘ: Giúp đỡ, che đậy, phù hộ.
“Phật Trời ủng hộ người ngay mắc nàn”. (Cổ thi)
CỰC HÌNH: Cực
là rất mực, mức cùng; hình là hình phạt. Cách hình phạt tra tấn, đày xắt nặng hơn
hết.
TỔNG KẾT
Nghiên cứu qua bài Sứ Mạng của Đức Thầy, nhận thấy có ba phần
chánh như sau:
1.- LÝ DO: Sở dĩ Đức Thầy lâm phàm khai Đạo là vì cơ Trời đã đến,
vì có sắc lịnh của Chư Phật và Đức Ngọc Đế, vì lòng từ bi bác ái và vì thù đáp
những người có duyên lành với Ngài trong nhiều tiền kiếp.
2.- PHƯƠNG PHÁP ĐỘ ĐỜI: Ngài thuyết pháp và sáng tác Sấm Kinh để
giác ngộ cho những ai có sâu duyên với Phật Pháp. Ngài dùng huyền diệu của Tiên
gia và nhiều khả năng phương tiện khác là để rộng độ các tầng lớp chúng sanh.
3.- TRÁCH NHIỆM: Ngài có trách nhiệm cứu giúp những hạng người hữu
phước khỏi cảnh thảm nguy của cơ tận diệt; độ các bậc chân tu công quả sâu dày,
hạnh đức thuần thục đến bờ giải thoát (Niết Bàn Cực Lạc); lập hội Long Hoa
tuyển chọn hiền tài, kiến tạo đời Thượng Ngươn Thánh Đức cho vị Thánh Vương;
đào luyện những người có đủ Thiện Căn để quảng truyền đại Đạo và xây dựng cuộc
hòa bình an lạc khắp thế giới./.
Đăng nhận xét