BỬU Ngọc Quân Minh Thiên Việt Nguyên,

寶玉君明天越元

SƠN Trung Sứ Mạng Đạo Nam Tiền.

山中師道地南前

KỲ Niên Trạng Tái Tân Phục Quốc,

奇年狀再新復國

HƯƠNG Xuất Trình Sinh Tạo Nghiệp Yên.

香出程生造業安

Tổ Đình Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH
Các Bài Viết Liên Quan
Cám Ơn Các Bạn Đã Ghé Thăm Website. Chúc Các Bạn An Lạc, Có Thêm Nhiều Kiến Thức Bổ Ích…
XIN THƯỜNG NIỆM PHẬT
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

Chú Giải từ câu 105 – 208 (Quyển I Khuyên Người Đời Tu Niệm)

Chú Giải từ câu 105 – 208 (Quyển I Khuyên Người Đời Tu Niệm)
Chú Giải từ câu 105 – 208 (Quyển I Khuyên Người Đời Tu Niệm)

CHÚ GIẢI SẤM GIẢNG QUYỂN 1 KHUYÊN NGƯỜI ĐỜI TU NIỆM

Chú Giải từ câu 105 – 208 (Quyển I KHUYÊN NGƯỜI ĐỜI TU NIỆM)
CHÁNH VĂN
105. “Bá gia phải rán làm lành,
Niệm-Phật cho rành đặng thấy Thần-Tiên.
Thương đời trong dạ chẳng yên,
108.  Khắp trong lê-thứ thảm phiền từ đây”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 105 đến câu 108):
-Đoạn nầy Đức Thầy khuyên nhủ khắp mọi người phải rán làm lành lánh dữ và chuyên tâm niệm Phật một cách chí thành chí thật; tức phải nhứt tâm tha thiết trì niệm 6 chữ “Nam Mô A Di Đà Phật”, thì đặng kết quả cao quý, luôn được Thánh Thần hộ trì, kiến diện Phật Tiên trong kiếp hiện tiền và tương lai được an vui nơi Lạc cảnh.
-Bởi lòng Đức Giáo Chủ quá thương xót sanh linh từ đây phải gánh chịu chuyện đau buồn sầu thảm, nên Ngài không ngớt kêu gọi bá tánh tu hành.

CHÚ THÍCH:
PHẢI RÁN LÀM LÀNH: Làm lành là tu hành những việc từ thiện phước nhân đối với cả muôn loài chúng sanh. Việc làm lành ai cũng biết là cao quý, nhưng thiệt thi thì ít ai chịu, cho nên Đức Thầy mới khuyên chúng ta phải rán. Song muốn làm lành cho trọn vẹn, hành giả cần phải tránh các điều dữ tức là vừa hành thiện và vừa ngăn ác.
Kinh Minh Thánh đã bảo:
“Chung thân hành thiện,
Thiện du bất túc,
Nhứt nhựt hành ác,
Ác tự hữu dư”.
(Trọn đời làm lành, lành còn chưa đủ; một ngày làm dữ, dữ bèn có dư).
Đức Thầy nay cũng dạy:“Làm hết các việc từ thiện, tránh tất cả các điều độc ác…”.
Tóm lại, người muốn làm lành cho trọn vẹn thì phải đáp Tứ Ân (hành Thiện) và chừa Thập Ác (ngăn Ác).
NIỆM PHẬT CHO RÀNH ĐẶNG THẤY THẦN TIÊN: Niệm Phật là tưởng nhớ danh hiệu Phật, tức là tưởng nhớ 6 chữ “Nam Mô A Di Đà Phật”.
Theo các Kinh điển cho biết:“Niệm một danh hiệu Đức Phật A Di Đà, tức là niệm hết danh hiệu của chư Phật ở mười phương”.
CHO RÀNH: Là niệm Phật đúng phương pháp để được kết quả như ý. Vậy niệm như thế nào là đúng phương pháp ? Về phương pháp niệm Phật có nhiều cách, (Trì danh niệm Phật, Tham cứu niệm Phật, Quán tưởng niệm Phật, Quán tượng niệm Phật, Thật tướng niệm Phật,…) nhưng tựu trung vào các điểm như sau:
1/- Tiếng niệm Phật thầm trong Tâm mà tai vẫn nghe rõ ràng từ chữ một.
2/- Tập trung tư tưởng vào chỗ niệm.
3/- Tha thiết thành khẩn như Đức Phật có ngay trước mặt để mình không dám phóng tâm nghĩ sái.
4/- Không để ý tưởng nào khác xen vào.
Niệm Phật được như thế gọi là niệm rành và đó là niệm Phật tam muội (chánh định).
Như Ngài U Khuê Tổ sư đã nói:“Phương pháp niệm Phật Tam muội (Chánh định) là người niệm Phật lấy tâm duyên Phật, lấy Phật buộc tâm, niệm niệm nối liền, không hề gián đoạn. Lúc ấy nội tâm không dấy khởi, ngoại cảnh không xen vào, xoay vòng không hở. Trước sau như một. Chính không thọ các Thọ mà lại được Chánh Thọ, thế nên gọi là Niệm Phật Tam muội”.
Hiện nay Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng dạy:“Còn phương pháp niệm Phật là để trừ cái Vọng Niệm của chúng sanh, vì trong tâm của chúng sanh niệm niệm mê lầm chẳng dứt, vì cái Vọng Niệm về việc thế trần ấy mà không cho cõi lòng an lạc, phiền não ngăn che, Chơn tâm mờ ám. Nên nay, hễ thành tâm niệm Phật thì nếu được một niệm Phật ắt lìa được một niệm chúng sanh, mà niệm niệm Phật thì lìa tất cả niệm chúng sanh cho đến khi nhất tâm bất loạn, chừng ấy vọng niệm chúng sanh đã dứt thì lòng ham muốn và các tình dục còn đâu mà nảy sanh ra được ?
Nên niệm Phật là niệm cái bản lai thanh tịnh của Phật cho lòng của mình nương theo đó mà được thanh tịnh và chẳng còn trược nhiễm trần ai.
Cần tu thập thiện thì sự niệm Phật mới có hiệu quả. Tu Thập Thiện, dứt được Thập Ác (cũng gọi là Tịnh Tam Nghiệp) ( Bài Chư Phật Có Bốn Đại Đức ).
Đức Thầy dạy nếu ai chí tâm niệm Phật được rành thì thấy được “Bản Lai Thanh Tịnh” và đắc Đạo tại thế, (thấy được Phật Tiên Tự Tánh, tức Tâm mình đồng hòa với Phật tánh) hoặc đến lúc lâm chung đặng vãng sanh về cõi Cực lạc. Như Ngài đã nói:
“Ao sen báu Tây phương đua nở,
Chờ chúng sanh niệm Phật chí tâm”
(Khuyến Thiện Q.5)
Chẳng thế mà ngày kiến tạo đời Thượng ngươn Thánh đức tới đây cũng thấy được Phật, Tiên, Thần, Thánh như Ngài từng dạy:
“Niệm Di Đà rán niệm cho rành,
Thì mới được sống coi Tiên Thánh”.
THẢM PHIỀN: Cảnh thảm khổ đau buồn nhiều lắm…Nhà thơ Cao Bá Nhạ đã xác nhận:
“Phút nữa khắc muôn ngàn thê thảm,
Trong một mình bảy tám biệt ly”.
Đức Thầy từng giục thúc nhân sanh:
“Nhắc ra quá thảm quá phiền,
Bể khổ gần miền mà chẳng chịu tu”.
(Sấm Giảng Q.1)
CHÁNH VĂN
109. “Ngày nay thế-cuộc đổi xây,
Rán lo tu niệm đặng Thầy cứu cho.
Mảng theo danh-lợi ốm-o,
112.  Sẵn của hét hò đứa ở người ăn.
Đừng khi nhà lá một căn,
Mà biết niệm Phật sau bằng bạc muôn.
Giàu sang như nước trên nguồn,
116.  Gặp cơn mưa lớn nó tuôn một giờ”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 109 đến câu 116):
-Bởi cuộc thế đổi thay không ngừng, hễ hết lúc thái bình thì tới chiến tranh loạn lạc; bấy giờ bá tánh phải sống cảnh điêu linh thống khổ. Đức Thầy kêu gọi mọi người, sống thức tỉnh niệm Phật trời, tu thân hành Đạo thì sau nầy được Ngài cứu độ cho, Ngài cảm thương cho những kẻ say mê vật chất, tranh đấu lợi danh, khiến lao tâm mệt xác; ỷ mình tiền của nhiều xài xỉ tôi tớ, khinh khi kẻ nghèo hèn, phạm tội Ỷ Ngôn ngày thêm chồng chất.
-Còn những người biết lo niệm Phật làm lành, giữ lòng thanh bạch hiện giờ tuy nghèo khổ, nhưng sau nầy được kết quả cao quý hơn kẻ có tiền ngàn bạc vạn. Trái lại, có hạng giàu sang chuyên sống nghề gian xảo
“Của dương thế góp tom bảo thủ”,(Khuyến Thiện Q.5) rồi một ngày kia bao nhiêu tiền của sự nghiệp ấy, đều bị chiến tranh giặc cướp làm tiêu tan trong tức khắc.
CHÚ THÍCH:
THẾ CUỘC ĐỔI XÂY: Cuộc đời luôn thay đổi không ngừng nghỉ, ý nói cảnh đời diễn biến theo định luật Thành, Trụ, Hoại, Không và bi, hoan, ly, hiệp; nó xoay vòng rất mau lẹ.
Đức Thầy có câu:
“Mười hai tháng mà còn mau tới,
Thì tuồng đời cũng chóng đổi thay”.
(Giác Mê Tâm Kệ, Q.4)
MẢNG: Mãi, ham mê mải miết.
Ca dao có câu:
“Vai mang bầu rượu chiếc nem,
Mảng vui quên hết lời em dặn dò”.
CHÁNH VĂN
117. “Cửu-Huyền Thất-Tổ chẳng thờ,
Để thờ những Đạo ngọn cờ trắng phau.
Dương-trần bụng dạ nhiều màu,
120.  Thấy cảnh bên Tàu sao chẳng nghĩ suy.
Lời xưa người cổ còn ghi,
Những việc lạ kỳ nay có hay chưa ?
Chưa là với kẻ chẳng ưa,
124.  Chớ người tâm đạo biết thừa tới đâu”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 117 đến câu 124):
-Đoạn giảng trên ý nói khi người Pháp đặt chơn đến xứ ta, có số người chạy theo bưng bợ chúng, đua đòi tập nhiễm lối sống văn vật và theo đường đạo ngoại lai; vội quên đi phong tục cổ truyền của Ông Cha ta từ trước. Đức Thầy thường cảnh giác hạng người ấy qua những câu:
“Con người có Tổ có Tông,
Học hay chữ nghĩa sao không phượng thờ. 
Hiếu trung chuyện tích sờ sờ,
Người đời phải biết phượng thờ mẹ cha”.
(Dặn Dò Bổn Đạo)
-Lại có số người sống tham tàn bạo ác, lòng dạ thay đổi khôn lường. Đức Thầy chỉ cho thấy cảnh lầm than máu đổ bên đất Trung Hoa, để nhắc nhở họ nhớ lời tiên tri của cụ Trạng Trình và Đức Phật Thầy Tây An thuở xưa, nay hiện cảnh có đúng không ?
Vả lại, hạng người không ưa đạo đức thì chẳng tin lời Phật Thánh, bởi thành kiến cố chấp lâu đời: 
“Màn vô minh che mờ căn trí” 
Thì bảo sao họ không: 
“Nên thường khi nhận ngụy làm chơn”.
(Khuyến Thiện Q.5)
-Còn hạng người có lòng Đạo đức, chẳng những họ thừa biết trạng huống đau thương hiện tại mà còn nhận rõ con đường thoát ly cảnh ấy, bởi nhờ lời giác tỉnh của Đức Thầy:
“Lui chơn ra khỏi cho mau,
Tìm trong lánh đục tẩu đào mới ngoan”.
(Thiên Lý Ca)
CHÚ THÍCH:
CỬU HUYỀN THẤT TỔ: Thành ngữ chỉ cho Ông Bà Cha Mẹ từ vô lượng kiếp đến giờ.
CỬU HUYỀN: Theo Nho giáo (Hán học) thì Cửu huyền là Cửu tộc, gồm có: Cao, Tằng, Tổ, Khảo, Kỷ, Tử, Tôn, Tằng, Huyền. Có nghĩa: trên mình bốn bực là ông Sơ, ông Cố, ông Nội, Cha, giữa là mình và dưới mình bốn bực là Con, Cháu, cháu Chắt, cháu Chít.
Xưa, đời Hạ Võ bên Tàu có đúc 9 cái đỉnh bằng đồng để thờ Tổ Tiên tộc họ. Trào nhà Nguyễn Việt Nam ta cũng có tạo ra cửu đỉnh đặt tại nhà Thái Miếu, cũng ý để tưởng nhớ Tổ Tiên nòi giống. Song nên nhớ là thờ lạy bốn bực trên đã qua đời, còn sự cứu độ và liên đới trách nhiệm thì cả luôn bốn cấp dưới.
THẤT TỔ: Theo Phật giáo (Phật học) thì Thất Tổ là Tổ Tông bảy đời, do chữ “Thất Thế Phụ Mẫu”. có nghĩa là mỗi lần sanh ra một xác thân đều có Tổ Tiên cha mẹ, mà bảy đời như vậy gọi là “Tổ Tông bảy đời”. Theo phong tục ở Ấn Độ, con số 7 là con số tượng trưng cho số nhiều (vô lượng). Bởi từ vô thỉ tới giờ con người chết đi rồi sanh lại không biết bao nhiêu lần, cho nên Thất Tổ là chỉ cho ông bà cha mẹ từ vô lượng kiếp.
Đức Thầy đã bảo:
“Chừng nào đắc được lục thông,
Vớt hồn cha mẹ Tổ Tông bảy đời”
(Cho Ông Cò Tàu Hảo)
Căn cứ theo hai lý giải trên, tựu trung”Cửu huyền Thất tổ” là một thành ngữ ghép cả hai từ ngữ Cửu Huyền (Hán học) và Thất Tổ (Phật học). Ban sơ là tiếng cầu chúc lẫn nhau (chúc cho Cửu Huyền Thất Tổ Nội Ngoại), sau thành thói quen, nên dùng làm thành ngữ chỉ chung cho ông bà cha mẹ  nhiều đời nhiều kiếp.
“Phụ mẫu thâm ân vô lượng kiếp”.
(Mượn Cây Đuốc Huệ)
Và:
“Đầu cúi lạy Cửu huyền Thất tổ,
Ngõ đáo ơn báo bổ sanh thành”.
(Bài Nguyện Trước Bàn Thờ Ông Bà)
ĐẠO CỜ TRẮNG: Chỉ cho giặc Pháp đến xâm lăng nước ta. Các nhà yêu nước thời Nguyễn (1862) gọi quân giặc Tây Âu là “Đàn Bạch Quỷ”(người da trắng) qua hai câu thơ:
“Ngày rằm năm Dậu tháng giêng,
Có Đàn Bạch Quỷ nó liền bủa giăng”.
Và trong 12 câu thơ ca ngợi tinh thần chống Pháp của Bình Tây Đại Nguyên Soái (Trương Công Định) cụ Đồ Chiểu có viết:
“Dấu đạn hỡi rêm tàu Bạch Quỷ,
Hươi gươm thêm rạng vẻ Huỳnh Môn”.
Bởi chúng vừa truyền Đạo (Gia Tô) vừa đánh cướp nước ta. Đạo ấy chủ trương không thờ Tổ tiên cha mẹ. Đây chỉ cho những người chạy theo Pháp vong ân bội nghĩa Tổ tiên nòi giống. Giảng xưa thuộc tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương, từng kêu gọi vạn dân:
“Đạo nhà chẳng tưởng, tưởng Đạo xa,
Đạo gốc Nam bang, Đạo nước nhà,
Đạo của Phật Thầy truyền kim cổ,
Đạo Trung, Đạo Hiếu, Đạo nhơn hòa”.
Hoặc là:
“Đạo nhà như đám mưa ngâu,
Rưới mát trần thế biển sầu tiêu tan.
Theo chi những Đạo xa ngàn,
Không cha, không Chúa, không đàng siêu thăng. 
Các con hãy sớm ăn năn,
Đạo nào không gốc, Đạo xằng con ơi ! 
Đạo nào dụ dỗ ngoài môi,
Không đường giải thoát con thôi cho rồi.
Đạo nào chẳng tưởng Chúa tôi,
Cửu Huyền chẳng tưởng, Đạo tồi lắm con. 
Hiếu Trung rán giữ cho tròn,
Ngay Cha thảo Chúa thì còn xác thân”.
BỤNG DẠ NHIỀU MÀU: Lòng người thường thay đen đổi trắng, thật khó mà lường được. Đây chỉ cho hạng người gian xảo không lòng trung thực.
Đức Thầy từng nói:
“Dạ hiểm sâu không thước đo lường,
Dốc phá hoại đường ngay bôi lẽ thẳng”.
(Trao Lời Cùng Ông Táo)
THẤY CẢNH BÊN TÀU: Cảnh Trung Hoa bị quân đội Nhựt tràn sang đánh phá, lúc bấy giờ (1939) dân chúng nước Tàu phải chịu sự chết chóc đói đau thảm thiết. Đức Thầy không ngớt kêu gọi nhân dân Việt Nam nhất là miền Bắc:
“Bắc kỳ, Trung Quốc giáp ranh,
Sao không xem đó tu hành hiền lương”
(Để Chơn Đất Bắc)
NGƯỜI CỔ: Do chữ Cổ nhân, tức là người đời xưa. Người quá vãng cách từ một thế kỷ (100 năm) trở về trước thường gọi là người xưa. Cổ nhân ở đây chỉ cho cụ Trạng Trình và Đức Phật Thầy Tây An. Bởi hai vị nầy đều có tiên báo trạng huống hiện nay, tất cả mọi chuyện đều xảy ra không sai một.
NHỮNG VIỆC LẠ KỲ: Việc lạ lùng chưa từng thấy. Những việc đó trong các Sấm truyền của người xưa đề cập đến rất nhiều, nhưng ở đây chúng tôi nêu lên một ít việc đã diễn ra để làm chứng cứ cho việc sắp tới:
1.-Gốc mục lên chồi: Sấm truyền về Đức Phật Thầy có nói:
“Chừng nào gốc mục lên chồi,
Ta vưng sắc lịnh tái hồi trần gian”.
Đó là lời di truyền của Đức Phật Thầy.
Tại chùa Tây An Cổ Tự xã Long Kiến (An Giang) có cây dầu trồng trước sân chùa vào năm 1856 (trồng trước khi Ngài viên tịch). Đến năm 1918 người ta đốn để sửa chùa, gốc mục lần lần. Đến năm 1939, Đức Giáo Chủ PGHH khai Đạo thì nơi gốc dầu ấy mọc lên cái chồi cao 7 tấc, từ trước tới giờ không ai nghe nói loại dầu bị chặt sát gốc mà còn đâm chồi nảy tược được bao giờ. Khi thấy cái chồi dầu mọc ngay gốc cũ người ta mới bươi thử thì thấy gốc dầu ấy có ba cái rễ mà hai cái đã mục chỉ còn một cái rễ còn tươi nên đâm lên một cái chồi như thế. Từ đó bá tánh thập phương mỗi khi đến viếng chùa Tây An Cổ Tự đều có ra chiêm ngưỡng cái chồi dầu đã ứng nghiệm ấy.
2.-Tàu chạy trên mây; ghe đi khỏi chèo: 
“Ngày sau tàu chạy trên mây,
Dưới sông thương mãi ghe đi khỏi chèo”.
(Sấm Truyền Về Đức Phật Thầy)
Đức Phật Thầy tiên tri lời nầy trước năm Bính Thìn (1856). Đến mùa hè năm 1867 (trên 11 năm), khi người Pháp hoàn toàn chiếm trọn lãnh thổ Việt Nam; chừng đó người ta mới thấy được tàu chạy trên mây (phi cơ) và ghe đi khỏi chèo (tàu) mà nước ta trước kia chưa bao giờ có phi cơ và tàu.
3.-Lúa mọc trên chì; voi đi trên giấy:
“Chừng nào lúa mọc trên chì,
Voi đi trên giấy tới kỳ đông chu
(Sấm Trạng Trình).
Cụ Trạng Trình (1491-1585) tiên tri việc trên. Đến thời Ngô Đình Diệm (1954-1963) và Nguyễn Văn Thiệu (1966-1975) lên nắm chánh quyền, có làm ra thứ bạc bằng chì, có hình bông lúa lộ ra và loại bạc giấy có hình con voi. Thật ứng nghiệm với câu “Lúa mọc trên
chì, voi đi trên giấy” rất đúng với thời kỳ chiến tranh liên tiếp.
Gốc mục lên chồi, tàu chạy trên mây, ghe đi khỏi chèo, lúa mọc trên chì và voi đi trên giấy” quả là một điều rất nên kỳ lạ mà người nước ta thuở đó không ai có thể tin là có được, nhưng các sự việc ấy thời gian sau đều xảy ra đúng y như thật.
NGƯỜI TÂM ĐẠO: Người có lòng hiền lành. Đạo đức và tin tưởng Phật trời, mọi việc đều thi thố theo con đường ngay chánh sáng suốt.
Đức Thầy có câu:
“Ai người tâm Đạo thấy càng hay”.
(bài Mặc Tình Ai)
CHÁNH VĂN
125. “Bá-gia mau kíp lo âu,
Để sau đối đầu chẳng đặng toàn thây.
Việc đời nói riết thêm nhây,
128.  Nếu muốn làm Thầy phải khổ phải lao.
Mèo kêu bá tánh lao-xao,
Đến chừng rồng rắn máu đào chỉn ghê.
Con ngựa lại đá con dê,
132.  Khắp trong trần-hạ nhiều bề gian-lao.
Khỉ  kia cũng bị xáo-xào,
Canh khuya gà gáy máu đào mới ngưng.
Nói ra nước mắt rưng-rưng,
136.  Điên biểu dân đừng làm dữ làm hung”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 125 đến câu 136):
-Đức Thầy nêu lên định luật nhân quả để thức tỉnh bá gia sớm quày đầu hướng thiện; nếu ai còn tiếp tục con đường tội ác, e cho đến cơ tận diệt khó mà bảo tồn thân mạng. Bởi có trách nhiệm dạy dỗ nhân sanh, nên Đức Giáo Chủ chẳng ngại sự gian khổ; mặc tình bá tánh có chịu nghe hay không, Ngài vẫn tiếp tục khuyên tu mãi mãi.
-Ngài có tiên tri cho mọi người được biết khởi đầu cuộc Đệ nhị Thế chiến từ năm Kỷ Mão (1939) (Mèo kêu bá tánh lao xao), cho đến khi hai quả bom nguyên tử của Đồng Minh rơi xuống đất Nhựt, khiến bao nhiêu lầu đài và hằng triệu con người bị thiệt hại, để chấm dứt cuộc chiến vào mùa Thu năm Ất Dậu (1945), (Canh khuya gà gáy máu đào mới ngưng), thật không sai một mảy.
-Vì lòng quá thương xót sanh linh, khó ngăn giọt lệ nên Đức Thầy không ngớt kêu gọi vạn dân sớm gieo giống lành, xa đường tội ác.
CHÚ THÍCH:
LO ÂU: Lo sợ, lo liệu.
“Thân ta, ta phải lo âu”.(Truyện Kiều)
Đức Thầy có câu:
“Nợ thế âu toan tròn nợ thế,
Đường tu sớm liệu vẹn đường tu”.
(Tỉnh Giấc Mê)
ĐỐI ĐẦU: Kình chống, đương đầu, cũng có nghĩa đến nơi, đến đầu cùng, đến lúc kết thúc (việc đã đáo đầu).
Ở đây ý nói người làm ác nếu không sớm cải sửa thì đến lúc cuối cùng phải gặt lấy quả khổ.
Kinh Minh Thánh có câu:
“Thiện ác đáo đầu chung hữu báo,
Cao phi viễn tẩu giả nan tàng”.
(Việc làm lành hay dữ, đối đầu đều có trả, dầu cao bay xa chạy cũng không trốn đặng).
Cũng như con gà ăn gạo chung quanh cối xay, giáp vòng rồi đụng lại chỗ đầu mối.
“Làm ác đức nhiều điều quanh quẩn,
Như gà cồ ăn bẩn cối xay”.
(Giác Mê Tâm Kệ)
NÓI RIẾT THÊM NHÂY: Cách nói dai dẳng, nói nhiều lần, nhiều việc không dứt. Đây vì ý muốn chúng sanh thức tỉnh nên Đức Thầy phải nói hoài nói mãi.
LAO XAO: Ồn ào lộn xộn, ý chỉ cảnh chiến tranh loạn lạc, cảnh chạy giặc.
“Phút nghe tiếng nói trên rừng lao xao”.(?)
CHỈN GHÊ: Chỉn là vốn, là rất (tiếng trợ từ); Ghê là gớm, tởm, sợ. Chỉn ghê là vốn rất ghê sợ.
“Đạo trời báo phục chỉn ghê”.(Truyện Kiều)
Đức Thầy cũng nói:
“Thấy đời mê muội lầm than,
Ăn bạ nói càn tội lỗi chỉn ghê”.
(Sấm Giảng Q.1)
GIAN LAO: Khó nhọc vất vả.
XÁO XÀO: Rầy rà, xung đột làm rối loạn. Ở đây chỉ cho cảnh giặc loạn, chết chóc chẳng yên ổn.
CANH KHUYA: Một đêm có năm canh, mà canh khuya chỉ cho hai phần ba đêm, tức là khoảng canh tư. Câu “Canh khuya gà gáy máu đào mới ngưng” là chỉ khoảng tháng Tám năm Ất Dậu (1945) chấm dứt Đệ nhị Thế chiến, thế giới tạm được thái bình, ngưng cuộc đổ máu.
CHÁNH VĂN
137. “Việc đời nói chẳng có cùng,
Đến sau mới biết đây dùng kế hay.
Bây giờ mắc việc tà tây,
140.  Nên mới làm vầy cho khỏi ngại-nghi.
Thiên cơ số mạng biết tri,
Mà sao chẳng chịu chạy đi cho rồi ?
Những người giả đạo bồi-hồi,
144.  Còn chi linh-thính mà ngồi mà nghe”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 137 tới câu 144):
-Đoạn nầy Đức Giáo Chủ cho biết việc thế gian không thể nào nói hết cho được, nhưng đến một ngày kia vạn dân sẽ thấy rõ diệu kế của Ngài. Bởi lúc bấy giờ nhà cầm quyền Pháp kiểm soát gắt gao, bất cứ người dân Việt Nam nào có lòng yêu nước, yêu dân thì chúng bắt đem tù đày hoặc ám hại.
-Do đó Đức Thầy dùng đủ phương cách đánh lạc hướng người Pháp. Khi thì Ngài tỏ ra rất thông minh xuất chúng, khi thì giả dạng điên dại ngu khờ. Có lúc Ngài trị bệnh nhân gần như là thượng xác cỡi đồng, trừ ma tróc quỷ, làm cho những kẻ rình rập Ngài không lấy đâu mà định đoán được.
-Trường hợp nầy cũng là cơ thử thách hạng người giả tu bị bày lộ chân tướng. Những người thật lòng theo đạo thì nhận được Đức Thầy là bậc quán chúng độ đời, nên họ quyết tâm tu thân lập hạnh, theo con đường chơn lý. Còn số người kém duyên cùng Phật pháp, chỉ tin sự linh thính hoặc tu theo thời buổi thì làm sao họ nhận được sự thật. Đức Thầy thường cho biết tâm trạng của hạng người ấy:
“Ngày nay mới đến Phật đàng,
Niệm một tiếng Phật đòi an bịnh liền.
Chậm lành chê Phật ngạo Tiên,
Rồi sau tội nghiệp liên miên tới mình”.
(Từ Giã Làng Nhơn Nghĩa)
CHÚ THÍCH:
TÀ TÂY: Nịnh tà Tây tặc, chỉ những người Việt Nam a dua làm việc theo Pháp trở lại hại dân hại nước. Bọn giặc Tây Âu đến xâm chiếm nước ta, gọi là Tây tặc.
“Bây giờ làm việc tà tây,
Ngày sau chịu khốn tội rày điêu ngoa”.
(Viếng Làng Mỹ Hội Đông)
THIÊN CƠ: Máy trời. Cơ xoay chuyển mầu nhiệm của trời đất.
SỐ MẠNG: Cũng gọi là số mệnh. Theo dịch lý thì số mạng của mỗi người: sống chết, giàu nghèo, cực sướng, yểu thọ v.v…đều do luật trời đất định sẵn. Còn theo Phật học thì hiểu số mạng là định nghiệp của nhân và quả. Thế nên người ta có thể sửa đổi từ nghiệp xấu thành tốt hay thêm bớt lớn nhỏ…
NGẠI NGHI: Cũng gọi là nghi ngại, có nghĩa ngờ vực ái ngại, chưa tin hẳn.
GIẢ ĐẠO: Không thật tâm theo Đạo, chẳng thật sự tu hành, hay tu giả dối:
“Tu thật tâm thì đặng thảnh thơi,
Tu giả dối thì lao thì lý”(Giác Mê Tâm Kệ).
BỒI HỒI: Bồn chồn, xao xuyến trong lòng.
“Nhìn xem tâm não bồi hồi,
Sơ nhi đã lậu phá mồi vinh vang”.
(Viếng Làng Mỹ Hội Đông)
LINH THÍNH: Cũng đọc là linh thiêng. Nghĩa là có dấu hiệu ứng nghiệm, nơi đó linh thính lắm. Đức Thầy có câu:
“Ai ham linh theo nó tập tành,
Sa cạm bẫy khó mong sống sót”.
(Giác Mê Tâm Kệ)
CHÁNH VĂN
145. “Việc đời như nước trong khe,
Nó tưởng đặt vè nói biếm người hung.
Điên này nối chí theo Khùng,
148.  Như thể dây dùn đặng cứu bá-gia.
Sau này kẻ khóc người la,
Vài ba năm nữa biết mà tà-tinh.
Điên biết chẳng lẽ làm thinh,
152.  Nói cho bá-tánh mặc tình nghe không”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 145 đến câu 152):
-Lời Sấm Giảng báo trước cuộc đời sắp đến ngày tàn cỗi để lập lại Thượng ngươn, cơ tận diệt hiền còn dữ mất. Thế mà còn nhiều người chẳng tin, cho đó là bài vè để nhạo báng người hung ác.
-Đức Giáo Chủ nối chí theo Phật Thầy tùy theo thời thế và căn cơ của mỗi chúng sanh mà giáo độ. Ngài
cũng cho biết chẳng còn mấy năm nữa sẽ có những tai nạn đói rách bệnh tật và giặc cướp nhiễu hại sanh linh. “Vì lòng từ ái chứa chan…”, Ngài không thể lặng nhìn trước cơ tận diệt nên phải ra tay tế độ quần sanh bằng cách dùng Kệ Giảng khuyến tấn đường tu, mặc người đời nghe không tùy ý.
CHÚ THÍCH:
NƯỚC TRONG KHE: Khe cũng gọi là suối, tức là rảnh nước trên chảy xuống. Ví dụ khe nước suối từ nguồn chảy ra.
“Nước trong khe nước chảy ra,
Người chê ta đục, người đà trong chưa”.(Ca Dao)
Câu “Việc đời như nước trong khe” là vì nước trong khe luôn một chiều chảy ra mãi, không bao giờ chảy ngược chiều hay dừng lại. Việc đời cũng thế, cứ diễn tới mãi chẳng hề ngưng.
VÈ: Là một thể văn vần ở nước ta đã có tự nghìn xưa, dùng để châm biếm hoặc thuật lại một sự việc gì, tốt hay xấu đã xảy ra trong đời. Văn đặt có vẻ ngây ngô và chân thật, không dùng sáo ngữ hay văn chương bác học.
Vè có khi viết thể văn lục bát, có khi câu dài câu ngắn , số chữ không hạn định, như vè say rượu, vè đánh bạc.v.v…
NÓI BIẾM: Nói lời chê bai nhạo báng.
NHƯ THỂ DÂY DÙN: Do câu “dây dùn khó đứt”. Đây ý nói nương theo thời thế mà giáo độ quần sanh.
TÀ TINH: Tà ma quỷ quái. Loại ma quỷ chuyên phá hại người. Cũng chỉ cho hạng người tàn bạo dã man (quỷ sống).
Đức Thầy từng bảo:
“Sau tà tinh ăn sống nuốt tươi,
Mà bá tánh chẳng lo cải thiện”.
(Kệ Dân Q.2)
CHÁNH VĂN
153. “Việc Điên, Điên xử chưa xong,
Lục-Châu chưa giáp mà lòng ủ-ê.
Người nghe đạo lý thì mê,
156.  Kẻ lại nhún trề nói Lão kiếm cơm.
Thấy nghèo coi thể rác-rơm,
Rồi sau mới biết rác-rơm của Trời.
Vì Điên chưa đến cái thời,
160.  Nên còn ẩn dạng cho người cười chê”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 153 đến câu 160):
-Đoạn giảng trên ý nói công cuộc khai Đạo cứu đời, Đức Thầy còn nhiều trách nhiệm phải làm. Nhìn thấy lòng người tham ác, cảnh thế đau thương sắp xảy ra mà Ngài chạnh nỗi thương tâm cho bá tánh.
-Khi nghe đến lời Kệ giảng của Ngài có nhiều người ham mộ tín hành, song cũng “Còn lắm kẻ nghinh ngang theo chọc rối”.(Trao Lời Cùng Ông Táo).
-Thấy người giả dạng người tàn tật, ăn xin khắp đó đây, họ liền khinh khi nhạo báng, không ngờ rằng bởi thời cơ chưa đến, Đức Thầy mới dùng phương cách đó hầu dễ bề cảnh tỉnh nhơn sanh.
CHÚ THÍCH:
LỤC CHÂU: (Xem chú thích câu 56 – Q.1).
ĐẠO LÝ: Lý lẽ của Đạo hay Giáo lý của một tôn giáo. Riêng chữ Đạo có ba nghĩa:
1.-Đạo là con đường của tâm hồn: Hễ lúc sống, thân tâm tạo nghiệp nào thì khi chết nghiệp lực ấy húc thác sanh về cảnh giới đó: lục phàm hay tứ thánh. (Lục phàm là 6 đường phàm: Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh, Thần A-tu-la, Người, Trời; tứ thánh là 4 đường thánh: Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật).
Cũng thế, Đức Thầy bảo:
“Cái chữ tâm mà quỷ hay ma,
Tiên hay Phật cũng là tại nó”.
(Giác Mê Tâm Kệ, Q.4)
Hoặc là:
“Đạo là vốn thiệt cái đàng,
Ta ra sức dọn cho toàn chúng sanh”.
(Sấm Giảng, Q.3)
2.- Đạo là bổn phận, là lẽ phải: Hễ ta đứng vào địa vị nào đều có bổn phận trong địa vị ấy và phải cư xử cho trọn vẹn. Đức Thầy dạy:
“Đạo tôi chúa chặt gìn câu chung thỉ, 
Đạo thầy trò khắc cốt với ghi xương.
Đạo cha con chặt chẽ chữ miên trường,
Đạo chồng vợ thuận hòa cho đến thác.
Biết lễ nghĩa kính yêu cùng cô bác,
Nội tông cùng ngoại tổ với cậu dì.
Thêm kính nhường anh chị kẻ cố tri
Mắt chẳng thấy lũ gian phi xảo trá. 
Đạo bè bạn bất phân nhân với ngã,
Chữ nghĩa tình sắt đá mãi bền gan”.
(Không Buồn Ngủ)
Đó là phần Nhân Đạo. Còn phần Phật đạo, Đức Thầy dạy:
“…Chân lý ấy là cái Đạo của mình đối với nhân loại, của mình đối với Trời Phật, của mình đối với mình. Vì thế, hãy đặt tư tưởng mình vào công cuộc tìm phương cứu giúp sanh linh trong vòng trầm luân oan nghiệt. Hãy tin tưởng Phật Trời và cầu nguyện đấng thiêng liêng ban bố phước lành cho nhân chúng. Hãy tìm con đường giải thoát cho mình bằng cách lạc đạo an bần, xả thân tu tỉnh”. (Bài Chánh Tư Duy trong Bát Chánh Đạo).
3.- Đạo là bản thể tuyệt đối: Lý nầy là lìa cả danh ngôn sắc tướng, chỉ tạm gượng kêu là Đạo và gượng giải mà thôi.
Đức Lão tử đã bảo;
“Đạo khả đạo, phi thường đạo,
Danh khả danh, phi thường danh.”
(Đạo mà có thể nói ra được thì không phải là đạo chơn thường; và dùng tên mà gọi cũng không phải là danh chơn thường).
Ngài Khổng Tử cũng dạy:
“Đạo bất khả viễn nhân,
Nhân tri vi Đạo,
Nhi viễn nhân,
Bất khả dĩ vi Đạo”.
(Đạo không xa bản tánh của con người, nếu theo Đạo mà để xa bản tánh thì chẳng phải là Đạo vậy).
Còn Kinh Phật dạy rằng:
“Đạo giả vô chung thỉ,
Minh minh hà xứ tầm,
Thanh tịnh vô vi pháp,
Chánh đạo ẩn chơn tâm”.
Tạm dịch:
“Đạo vốn chẳng đầu đuôi sau trước,
Khắp muôn
Tự nhiên tánh đạo hiện mà nơi tâm”.
Tóm lại, chữ Đạo rất vô vi mà cũng rất linh hoạt sáng mầu, cho nên nó có cả tướng, dụng và thể:
-Có mà không là Tướng của Đạo.
-Không mà có là Dụng của Đạo.
-Không mà chẳng không là Thể của Đạo.
LÝ: là Giáo lý, là lời lẽ luận giải các Kinh Luật và pháp môn tu hành của Thầy Tổ và chư Phật Thánh đã chỉ dạy, hành giả nương theo đó mà học hỏi tu hành đến chỗ thâm nhập chơn lý tuyệt đối và chứng đắc đạo quả.
Đức Thầy từng cho biết:
“Hạ giái dạy khuyên truyền đạo lý,
Giả dạng Điên Khùng mượn thi ca”.
(Để Chơn Đất Bắc)
NHÚN TRỀ: Rùn vai, bỉm môi. Ý chê bai bằng lời nói cả dáng điệu.
“Làm dâu vụng nấu vụng kho,
Chồng không bắt bẻ mụ o nhún trề”.(Ca dao)
ẨN DẠNG: Giấu kín hình dạng. Nghĩa bóng là dùng phương cách khéo léo làm cho người đời không biết mình là bậc tài trí.
CHÁNH VĂN
161. “Từ đây sắp đến thảm-thê,
Con lìa cha mẹ, vợ kia xa chồng.
Tới chừng đến việc ngóng-trông,
164.  Trách rằng Trời Phật không lòng từ-bi.
Di-Đà lục tự rán ghi,
Niệm cho tà-quỉ vậy thì dang ra.
Khuyên đừng xài phí xa-hoa,
168.  Ăn cần ở kiệm đặng mà lo tu”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 161 đến câu 168) :
-Đoạn nầy Đức Giáo Chủ tiên tri từ đây sắp đến cuộc chiến tranh loạn lạc, diễn ra cảnh chia ly thật là thê thảm: “Con lìa cha mẹ vợ kia xa chồng” (Sấm Giảng Q.1). Người đời nếu không cải ác tùng thiện, đợi khi đương đầu với cảnh ấy dầu có ăn năn thì việc đã muộn.
Và chừng đó cũng đừng thống trách Phật Tiên sao thiếu lòng từ bi cứu độ.
-Pháp Môn Niệm Phật là phương pháp thần diệu để cứu độ nhân sanh trong thời hiện đại. Chỉ có 6 chữ Di Đà, người trì hành không phân biệt đi, đứng, nằm, ngồi. Đức Thầy dạy:
“Nằm, đi, đứng hay ngồi chẳng chấp”.
(Kệ Dân, Q.2)
Mà lúc nào cũng gắng công chuyên niệm cho đến khi tâm được thuần chánh (chánh niệm), không còn một vọng tưởng nào xen tạp thì chẳng những thoát khỏi nạn đao binh nước lửa mà còn được thân tâm thanh tịnh, chứng đắc “Cực lạc tại mục tiền”.
-Đồng thời với Pháp Niệm Phật, ta phải rán thi hành lời răn dạy của Đức Thầy:
“Ta chẳng nên lười biếng, phải cần kiệm, sốt sắng, lo làm ăn và lo tu hiền chơn chất…”  “chẳng nên ăn xài chưng dọn cho thái quá và lợi dụng tiền tài
mà đành quên nhơn nghĩa và đạo lý, đừng ích kỷ và xu phụng kẻ giàu sang phụ người nghèo khó”.(Tám Điều Răn Cấm)
Nếu ai thi hành được như thế là đúng với ý nghĩa của chữ “lo tu”, tất được toại nguyện.
CHÚ THÍCH:
TỪ BI: Xem chú thích đoạn 2 Bài Sứ Mạng
DI ĐÀ LỤC TỰ RÁN GHI: Là ghi nhớ, tưởng niệm 6 chữ “Nam Mô A Di Đà Phật” mãi mãi nơi tâm, đừng để một vọng tưởng nào xen tạp, đây là phương “Trì Danh Niệm Phật”. Đức Thầy từng dạy:
“Rán trì tâm tưởng niệm canh thâu”.
(Kệ Dân Q.2)
Và:
“Muốn niệm Phật chẳng cần sớm tối,
Ghi vào lòng sáu chữ Di Đà.
Thì hiền lương quên mất điều tà,
Đặng hạnh phúc nhờ lòng cố gắng”.
(Giác Mê Tâm Kệ)
Nếu ai trì niệm được như thế thì ngoại cảnh không bị quỷ ma khuấy rối và nội tâm không còn tà vọng làm hoặc loạn.
Về ngoại cảnh, Kinh Phật có dạy:“Người niệm Phật được có hào quang của Phật soi vào mình, ánh sáng chung quanh 40 dặm, nên ma không thể xâm phạm được. Đó là nhờ oai lực của Đức Phật A Di Đà và chư Phật mười phương hộ trì, mãi từ ngày phát tâm cho đến thành đạo, trước sau mọi việc đều lành cả”.
Ông Sư Vãi Bán Khoai cũng bảo:
“Niệm Phật có bốn Thần linh,
Thường thường ủng hộ bên mình mộ khan.
Niệm Phật tật bệnh tiêu tan,
Như sương tan nát, như hồ nước trong”.
Còn về nội tâm, nếu ta cố gắng trì niệm lục tự cho đến khi “nhứt tâm bất loạn” thì vọng tâm tà vạy (nội ma) không còn, tức diện kiến “Bản lai thanh tịnh”.
Đức Thầy từng dạy:
“Niệm Phật thì phải dẹp lòng tà”
(Giác Mê Tâm Kệ Q.4)
Và:
“Niệm chữ Di Đà tan chướng nghiệp”.
(Đáp Lời Ông Phan Châu Bá)
XA HOA: Ăn xài xa xí, chưng dọn lòe loẹt. Người xài xí xa hoa thì phải lao tâm mệt xác, chạy chọt tham cầu đủ cách để có tiền của ăn xài. Cho nên người càng ăn xài nhiều thì càng bị vật chất chỉ huy. Đức Thầy hằng khuyên dạy hạng người ấy:
“Nhà giàu có xài không sợ tốn,
Phải để tiền cho kẻ nghèo nàn.
Lo ăn xài trà rượu xình xoàng,
Chừng khổ não phàn nàn căn số”.
(Giác Mê Tâm Kệ, Q.4)
ĂN CẦN Ở KIỆM: Cần là siêng năng, chịu khó. Kiệm là tiết kiệm, biết bớt chỗ dư, bồi vào chỗ thiếu, không ăn xài vô lý. Đức Thầy từng dạy:
“Khuyên chúng sanh bỏ tánh biếng lười,
Phải sốt sắng làm ăn cần thiết.
Nghèo với đói từ đây sẽ biết,
Hàng ngoại bang bố thiết ta hoài.
Nên bá gia hãy rán miệt mài,
Dầu rách rưới cũng mau cần kiệm”.
(Giác Mê Tâm Kệ Q.4)
CHÁNH VĂN
169. “Đừng khinh những kẻ đui mù,
Đến sau sẽ khổ gấp mười mù đui.
Đời nay xét tới xem lui,
172.  Chừng gặp tuổi  mùi bá-tánh biết thân.
Tu-hành sau được đức-ân,
Nhờ Trời ban bố cho gần Phật Tiên.
Nói ra trong dạ chẳng yên,
176.  Điên gay chèo quế dạo miền Lục-Châu.
Tới đâu thì cũng như đâu,
Thêm thảm thêm sầu lòng dạ người xưa.
Bá gia ai biết thì ưa,
180.  Tôi chẳng nói thừa những việc thiên-cơ.
Khi già lúc lại trẻ thơ,
Giả quê giả dốt khắp trong thị thiềng.
Đi nhiều càng thảm càng phiền,
184   Lên doi xuống vịnh nào yên thân già”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 169 đến câu 184):
-Đoạn giảng qua Đức Thầy khuyên bá tánh đừng khinh thường những người mù đui, vì sau nầy (tuổi mùi) dân chúng phải chịu khổ nhiều hơn cái khổ của những người tàn tật hiện tại.
-Nếu ai biết trau dồi đạo đức thì được kiến diện Phật Tiên, thoát qua tai khổ.
-Xét qua thời cơ rồi nhìn khắp vạn dân, Đức Thầy phải ngậm ngùi vì cảnh khổ đã kề bên mà ít ai tỉnh thức tìm phương giải thoát.
-Bởi lòng từ bi quá thương xót sanh linh buộc lòng Ngài tỏ thật cơ mầu; nếu ai hiểu được thì nghe theo, bằng không tin mặc ý. Trên đường dạo Lục châu, Ngài chẳng quản sự gian khổ, giả ra đủ hạng người để tùy cơ giác tỉnh quần sanh.
CHÚ THÍCH:
ĐỨC ÂN: (Xem Chú thích câu 27, Q.1)
BAN BỐ: Cấp phát, giúp cho (cũng như chữ bố thí). Đức Thầy có câu:
“Nhờ ơn Trời ban bố đức ân,
Xem chung cuộc Phong Thần tại thế”.
(Giác Mê Tâm Kệ, Q.4)
CHÈO QUẾ: Chèo làm bằng gỗ quế, thịt loại cây nầy rất quý và chắc. Văn chương thường dùng “chèo quế sào lan” để nghe đẹp lời. Trong bài “Ngược Dòng Sông Lam” của Nguyễn Huy Hổ có câu:
“Này này quế trạo lan hương,
Ví đưa Xích Bích chỉ đường Đông Pha”.
LỤC CHÂU: (Xem chú thích câu 56, Q.1)
THỊ THIỀNG: Cũng đọc là thị thành. Chỉ các nơi có chợ búa, phố xá và dinh thự. Đức Thầy có câu:
“Muốn lánh phồn hoa lánh thị thành”.
LÊN DOI XUỐNG VỊNH: Doi là phần đất lồi ra mé sông; vịnh là khoảng bờ sông ăn khoét vào đất liền. Có nghĩa là chèo lượn quanh bờ sông, khi doi ra khi khuyết vào. Đây ngụ ý cho sự cực nhọc vất vả.
CHÁNH VĂN
185. “Tay chèo miệng lại hát ca,
Ca cho bá-tánh biết đời loạn-ly.
A-Di-Đà Phật từ bi,
188.  Ở bên Thiên-Trước chứng tri lòng này.
Từ ngày thọ giáo với Thầy,
Dẹp lòng vị-kỷ đầy lòng yêu dân.
Ngày nay chẳng kể tấm thân,
192.  Miễn cho bá-tánh được gần Bồng-Lai”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 185 đến câu 192):
-Đoạn nầy ý nói Đức Thầy đi dạo lục châu. Ngài vừa chèo vừa ca hát cảnh tỉnh nhơn sanh, nhứt là Ngài tiên báo về thế cuộc sắp xảy ra cảnh giặc loạn khắp nơi, nhà cửa tan nát, thân tộc chia ly.
-Ngài cũng cho biết từ khi thọ giáo với Đức Phật, Ngài đã giũ sạch lòng trần; tham lam, vị ngã, sân si đều dứt bặt; quyết đem đạo mầu rộng độ quần sanh. Dù bao thử thách chua cay, bao sự tù đày hiểm họa dồn tấp đến, nhưng Ngài chẳng hề nao núng; miễn sao bá tánh biết hồi tâm, quay về nẻo Đạo để sau nầy được thọ hưởng cảnh thanh bình của Tiên Phật.
-Đức Thầy cũng nguyện với Đức Phật A Di Đà chứng minh cho cuộc xả thân độ chúng của Ngài.
“Dù cho phải chịu ngàn cay đắng,
Cũng nguyện đạo mầu sẽ chấn hưng”.
(Hiến Thân Sãi Khó)
CHÚ THÍCH:
A DI ĐÀ PHẬT: Phạn ngữ Amitabhâ, Tàu dịch là Vô Luợng Thọ Phật. Ngài thọ mạng dày dặc vô biên triệu ức kiếp và Vô Lượng Quang Phật, hào quang của Ngài sáng vô cùng, chiếu khắp 10 phương, không bị sự vật nào ngăn che. Phật A Di Đà là Giáo Chủ cõi Tây Phương Cực Lạc.
Có nhiều kinh chép về  sự tích A Di Đà, ở đây chúng tôi xin lược ghi hai chuyện.
1.- Căn cứ theo Kinh Bi Hoa: Vào thời quá khứ tại thế giới San Đề Lam, có vua Chuyển Luân Thánh Vương tên là Vô Tránh Niệm, có quan đại thần là Bảo Hải. Bảo Hải sanh được người con trai tướng mạo trang nghiêm, đức độ siêu thường, sau xuất gia tu hành đắc đạo hiệu là Bảo Tạng Như Lai.
Một hôm Đức Bảo Tạng đến thuyết pháp gần hoàng thành, vua Vô Tránh Niệm và quan đại thần Bảo Hải đến dự thính. Nghe pháp xong, vua quyết tu thành Phật để độ khắp chúng sanh. Ngài liền đến trước Đức Bảo Tạng Như Lai xin cúng dường các món y thực cho Phật và đại chúng trọn 3 tháng. Đồng thời vua phát 48 lời đại nguyện rộng lớn. Đức Bảo Tạng liền thọ ký cho nhà vua nhiều kiếp sau sẽ thành Phật A Di Đà, làm Giáo chủ cõi Cực lạc.
2.- Theo Kinh Vô Lượng Thọ: Vào thời quá khứ lúc Phật Thế Tự Tại Vương ( Phạn ngữ là Lokisvara Bouddha ) ra đời, có một nhà vua tên là Nguyệt Thượng Luân Vương ( hiệu là Diệu Hỷ), hoàng hậu là Thù Thắng Diệu Nhan, đang ngự trị. Quốc Vương Diệu Hỷ và hoàng hậu sanh được 3 người con:
1./ Nhựt Nguyệt Minh.
2./ Kiều Thi Ca.
3./ Nhựt Đế Chúng.
Sau khi nghe Phật Thế Tự Tại Vương thuyết pháp, Thái tử Kiều Thi Ca bỏ ngôi xuất gia thọ Tỳ kheo giới. Phật đặt pháp danh cho Ngài là Pháp Tạng. Ngài liền quỳ trước mặt Phật phát 48 lời đại nguyện. Phật Thế Tự Tại Vương liền thọ ký cho Ngài sau sẽ thành Phật hiệu A Di Đà, làm Giáo chủ cõi Tây Phương Cực Lạc.
Lúc bấy giờ quả địa cầu rúng đông, chư thiên ở các cõi Trời đều mưa hoa cúng dường, trổi nhạc chúc tụng mà tán thán rằng: “Ngài Pháp Tạng Tỳ kheo chắc chắn sẽ thành Phật A Di Đà”.
THIÊN TRƯỚC: Cũng đọc là Thiên Trúc, hay gọi là Tây Thiên Trước, bởi nơi ấy có Phật giáng sanh và phát xuất đạo Phật; từ đó người tu Phật cũng coi như vậy. Nhưng chữ Thiên Trúc còn có nghĩa rộng là chỉ cho cõi Tây phương Cực lạc (An Dưỡng Quốc) của Đức Phật A Di Đà. Trong Kệ Dân (quyển Nhì), Đức Huỳnh Giáo Chủ có cho biết:
“Cảnh Thiên Trước thơm tho nồng nặc,
Chẳng ở yên còn xuống phàm trần”.
Và:
“Cảnh Tây Thiên báu ngọc đầy lầu,
Rán tu tỉnh tìm nơi an dưỡng”.
THỌ GIÁO: Cũng đọc là thụ giáo. Có nghĩa vâng chịu sự dạy dỗ của một ông Thầy hay một Đạo (quy y thọ giáo).
VỊ KỶ: (Xem chú thích đoạn 1 Bài Sứ Mạng).
MIỄN: Cốt, gắng sức, khuyến khích (tiếng so sánh để chọn lựa cái chánh). Đức Thầy có nói:
“Miễn cho được ngày hai cơm tẻ,
Buổi bần hàn đặng có tu thân”.
(Giác Mê Tâm Kệ, Q.4)
BỒNG LAI: Tên một hòn đảo ở biển Bột Hải. Các từ điển chép: Trong biển Bột Hải có ba hòn đảo: 1/.
Bồng Lai. 2/. Phương Trượng. 3/. Doanh Châu. Nước ở biển nầy rất yếu nhẹ (nhược thủy) cho đến lông chim rớt xuống cũng không chìm. Trong văn chương thường dùng “non Bồng nước Nhược” để chỉ cho cảnh Tiên (cảnh tiêu diêu thanh thoát) đối với cõi trần đầy tục lụy.
“Bầu trời man mát xa trông,
Biết đâu nước Nhược non Bồng là đâu”. (Cổ Thi)
Đức Thầy cũng viết:
“Cảnh dương trần khó sánh Bồng Lai,
Về Tiên cảnh say mùi rượu Thánh”.
(Diệu Pháp Quang Minh)
CHÁNH VĂN
193. “Đời này vốn một lời hai,
Khắp trong trần-hạ mấy ai tu trì.
Đời này giành-giựt làm chi,
196.  Tới việc ly-kỳ cũng thả trôi sông.
Thuyền đưa Tiên-cảnh Non-Bồng,
Mấy ai mà có thiềng lòng theo đây.
Cứ lo làm việc tà-tây,
200.  Bắt ngưu bắt cầy đặng chúng làm ăn.
Chừng đau niệm Phật lăng-xăng,
Phật đâu chứng kịp lòng người ác-gian.
Thấy đời mê-muội lầm-than,
204.  Ăn bạ nói càn tội-lỗi chỉn ghê.
Chữ tu không phải lời thề,
Mà không nhớ đến đặng kề Tiên-bang.
Nói nhiều trong dạ xốn-xang,
208.  Cùng hết xóm làng tàn-ác nhiều hơn”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 193 đến câu 208):
-Đoạn nầy ý nói  trong thế gian ít người tu niệm, phần nhiều lo tham gian giành giựt, bày mưu nầy chước nọ để: “Của dương thế góp tom bảo thủ” (Khuyến Thiện, Q.5).
Rốt cuộc của ấy cũng tiêu tan theo chiến tranh giặc cuớp. Kinh Phật bảo: Của Thế gian là của năm nhà (năm nhà: nhà lửa, nhà lụt lội, nhà giặc cướp, nhà sung công, nhà con cháu phá tán), dầu ta có tham gian cũng chẳng giữ được lâu dài. Đức Thầy thường cảnh tỉnh:
“Nạn khổ đâu đâu đều túng rối,
Tai ương chốn chốn khắp cùng nơi.
Tiền ma gạo quỷ đừng nên trữ,
Sau cũng tiêu theo luật của trời”.
( Bài Khuyên Người Giàu Lòng Phước Thiện)
-Lời giáo pháp của Đức Thầy ví như chiếc thuyền có diệu năng đưa người tu đến cảnh Tiên Phật, nhưng ít có ai thành tâm theo Đạo, mãi mãi chạy theo danh lợi ảo huyền, sát hại sanh vật ăn uống cho hả hê, nói năng bất chánh không kể gì là nghĩa nhân đạo lý. Đến khi gặp cảnh ốm đau họ mới van lơn cầu khẩn Phật Trời thì việc quá muộn:
“Đến tội rồi mới hối muộn màng”.
( Khuyến Thiện, Q.5 )
Cho nên Đức Thầy hằng khuyên mọi người:
“Chi cho bằng ta sớm lo toan,
Gìn giới luật nghe kinh trọng Phật”.
( Khuyến Thiện, Q.5 )
thì sau nầy sẽ gần được Tiên Phật.
-Nhìn qua xã hội loài người thấy kẻ gian ác thì nhiều, người hiền lương quá ít. Cho nên càng nhắc đến,
Đức Thầy càng xót dạ thương tâm cho hạng người chưa cải ác tùng thiện.
CHÚ THÍCH:
VỐN MỘT LỜI HAI: Lối cho vay lúa hoặc tiền của số người giàu có. Lúc bấy giờ (thời Pháp thuộc) lòng họ quá tham ác (cắt cổ lột da) cho vay vốn một tới mùa phải trả bằng hai. Nếu mùa nầy không đủ trả thì cứ kê
thêm mùa tới, hai phải lên bốn. Rồi ít năm sau chủ nợ kiện đến tòa, buộc con nợ phải bán nhà, giao đất để trừ.
Đức Thầy đã giác tỉnh hạng người cho vay:
“Xác phàm có mấy lăm hơi,
Hỏi vay có một mà lời đôi ba.
Của dư cho mượn mới là, 
Hảo tâm bố thí ngọc tòa được lên”.
(Khuyên Người Giàu Lòng Phước Thiện)
TU TRÌ: (Xem chú thích câu 36, Q.1)
VIỆC LY KỲ: Việc lạ lùng, khác thường. Đây chỉ cho cuộc gặp cướp loạn lạc, thay đổi màn lớp làm bao nhiêu của cải phải tiêu tan. Giờ ta có tham lam giành giựt cũng chẳng ích chi. Đức Thầy diễn tả cảnh ấy:
“Giàu sang như nước trên nguồn,
Gặp cơn mưa lớn nó tuôn một giờ”.
(Sấm Giảng, Q.1)
Hoặc là:
“Cảnh vinh hoa lại quá cheo leo,
Nhà giàu có sau nhiều tai ách”.
(Kệ Dân, Q.2)
Việc ly kỳ còn chỉ cho cảnh biến thiên tận diệt đời Hạ ngươn để lập lại Thượng ngươn:
“Khắp thế giới cửa nhà tan nát,
Cùng xóm làng thưa thớt quạnh hiu.
Bấy lâu nay nuôi dưỡng chắt chiu,
Nay tận diệt lập đời trở lại”.
(Kệ Dân, Q.2)
TIÊN CẢNH NON BỒNG: Cảnh Tiên ở núi Bồng lai. Ở đây ý nói Đức Thầy khai truyền Đại đạo nếu ai tu đúng theo giáo pháp thì được thoát khỏi miền trần tục mà hưởng cảnh tiêu diêu tự tại của Tiên Phật. Bởi giáo pháp ví như thuyền bè, nếu ai chịu bước xuống (vào Đạo) và cố gắng chèo chống (hành đạo) tức sẽ tới bờ bên kia giải thoát. Đức Thầy khuyên nhắc:
“Khuyến dạy dân tình minh đạo đức,
Tu hành được kiến cảnh Bồng Lai”.
(Viếng Non Ông Két)
THIỀNG LÒNG: Cũng đọc là thành lòng. Nghĩa của chữ thành tâm, tức là lòng theo đạo một cách chí thành chí thật mới mong kết quả. Cổ Đức từng bảo: “Thành tâm sở chí, kim thạch vị khai”.( Ý nói sức mạnh của lòng thành khẩn hướng đến đâu thì có thể chẻ núi thấy được vàng đến đó).
Đức Thầy hằng khuyên:
“Tới với Ta chớ đem đồ cúng,
Chỉ đem theo hai chữ thành lòng”.
(Giác Mê Tâm Kệ, Q.4)
LÀM VIỆC TÀ TÂY: Làm việc theo lũ Tây tặc (giặc Pháp). Đây chỉ cho người mãi a dua làm việc với Pháp để kiếm chút quyền oai bổng lộc. Đức Tôn Sư thường thống trách những hạng người ấy:
“Sớm lo lòn cúi, chiều ăn ngủ,
Nào biết tính toan gỡ nợ nần”.
(Rứt Cái Ngu Đần)
NGƯU VÀ CẦY: Ngưu là trâu; cầy là chó. Hai loại gia súc nầy giúp ích cho đời khá nhiều. Trâu dùng để cày ruộng, chó để giữ nhà, thế mà người ta nỡ giết nó mà ăn thịt. Đây chỉ cho hạng vong ân bội nghĩa.
Đức Thầy hằng khuyên:“… Đối với các gia súc: trâu, bò, ngựa, chó, mèo…chẳng khá sát hại, vì chúng đã giúp ích cho ta trong các việc sanh hoạt hằng ngày”.( bài Luận về Tam Nghiệp – Ác Sát Sanh ).
MÊ MUỘI: Mờ tối không sáng suốt.
NÓI CÀN: Nói xằng bậy, ngang ngược, nói thí nói đại, không lựa lời. Cổ ngữ có khuyên:
“Lời nói chẳng mất tiền mua,
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
Đức Thầy nay cũng dạy:
“Lựa lời tiếng dịu dàng trong sạch,
Khi thốt ra đoan chánh hiền từ.
Tích thiện thì thường có phước dư,
Bằng tích ác họa ương đeo đắm”.
(Khuyến Thiện, Q.5)
TIÊN BANG: Nước của chư Tiên. Đây chỉ cảnh Tiên ở. Đức Thầy khuyên:“Tu hành tâm đạo dựa kề Tiên bang”.(Sấm Giảng, Q.1)
XỐN XANG: Nhức nhối, bức rức, khó chịu. Phan Văn Trị có câu:
“Nong nả dốc vun nền đạo nghĩa,
Xốn xang nào tưởng việc làm ăn”.

Đăng nhận xét

[facebook][blogger]

Ẩn Danh Cư Sĩ PGHH 1939

Liên Hệ với PGHH 1939

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget