CHÚ GIẢI SẤM GIẢNG QUYỂN 1 KHUYÊN NGƯỜI ĐỜI TU NIỆM
Chú Giải từ câu 001 – 104 (Quyển NHỨT KHUYÊN NGƯỜI ĐỜI TU NIỆM)XUẤT XỨ và VĂN THỂ :
Đây là quyển thứ nhứt mà Đức Thầy đã viết lúc
còn ở Tổ Đình (Thánh Địa Hòa Hảo) khoảng trung tuần tháng tám năm Kỷ Mão
(1939). Ngài viết theo điệu văn vần, thể lục bát, lối tự thuật và thuyết giáo,
dài 912 câu.
Khởi đầu bằng câu:
“Hạ Ngươn nay đã hết đời”.
Và chấm dứt bởi câu:
“Tới đây cũng lần ngừng lại bút
nghiên”.
TIÊU ĐỀ :
SẤM: Là những lời tiên tri
(cho biết trước) về thế cuộc sắp xảy ra, được ghi bằng các câu văn vần, với ý
nghĩa khó hiểu hơn lời thơ thường, như lời Sấm Ký của Thiền sư Vạn Hạnh đời
tiền Lê, lời Sấm của cụ Trạng Trình thời Lê Mạt, hoặc Sấm truyền của Đức Phật
Thầy Tây An thời Nguyễn.
“Những sấm truyền xưa của Phật
Thầy,
Dân rán kiếm mà truy thì biết”.
GIẢNG: là giải thích, là giải
bày giáo lý cao sâu của Đạo Phật cho người hiểu rõ phương thức tu hành.
Sấm Giảng là quyển giảng, trong đó vừa tiên
tri thời cơ, vừa giải bày đạo lý để khuyến hóa nhân sanh, sớm thức tỉnh trau
thân hành Đạo.
Do đó quyển giảng nầy được mang tiêu đề
là Sấm Giảng.
NỘI DUNG :
Trong Sấm Giảng quyển Nhứt, Đức Giáo Chủ cho
biết đời Hạ Ngươn sắp mãn, cơ tận diệt hầu kề, cuộc Đệ nhị Thế chiến sắp xảy
ra, khắp bá tánh phải chung chịu cảnh đói đau, binh lửa. Ngài còn tường thuật
trước khi trực tiếp giáo độ chúng sanh, Ngài đã phương tiện dùng hóa thân đi
dạo Lục châu, tức sáu tỉnh Nam phần Việt Nam. Ngài giả ra kẻ chèo đò, buôn bán,
ăn xin tàn tật; có khi giả người già, trẻ, nam, nữ, v.v…Hầu có dịp đánh thức
người đời, cho biết đã có Phật Tiên lâm phàm giác tỉnh quần sanh, để họ sớm
quay về con đường Chân Thiện Mỹ.
CHỦ ĐÍCH :
Đức Giáo Chủ dùng khoa tâm lý thuật lại cuộc châu
du khắp sáu tỉnh miền Nam Việt Nam hầu thức tỉnh bá gia sớm quay về nẻo Đạo.
BỐ CỤC :
Toàn quyển Sấm Giảng thứ nhứt, gồm có 3 phần
chánh:
1.- Phần thứ nhứt cũng gọi là
phần khai đề, Đức Thầy diễn tả cơ biến đổi cảnh đời Hạ ngươn và nguyên nhân
Ngài lâm phàm độ chúng. Từ câu 1 đến câu 8.
2.- Phần thứ nhì, cũng là phần
chánh đề: Ngài vừa khuyên tu vừa thuật lại cuộc dạo Lục châu, (Đức Thầy dùng từ
Lục châu là ý muốn nhắc lại sáu tỉnh miền Nam thời xưa của Việt Nam ta, chớ
không dùng từ 20 tỉnh ảnh hưởng của thời Pháp thuộc.). Khởi đầu từ làng Long
Khánh (cù lao Long Khánh thuộc tỉnh Châu Đốc) dẫn tới vị trí chót hết là tỉnh
Thủ Dầu Một, tức giáp hết 6 tỉnh thời nhà Nguyễn, tức 20 tỉnh thời Pháp thuộc.
Khởi đầu từ câu số 9 (tiểu đoạn 2):
“Thấy đời ly loạn bất an…
Tới câu 825 và 826:
“Giảng rồi Dầu Một thẳng xông,
Thiềng thị giáp vòng thứ chót
là đây”.
3.- Phần thứ ba (kết): Ngài tiếp
tục khuyên tu và cho biết danh hiệu ông Thầy xưng là Khùng, ông Tớ xưng là Điên
mà pháp danh của hai Ngài là Huệ Lựu và Huệ Tâm:“Thầy thì Huệ Lựu tớ thì
Huệ Tâm”. Đức Thầy còn nói rõ quê ngụ của hai Ngài trước kia:
“Khùng thời quê ngụ núi Sam,
Còn Điên chẳng có chùa am dưới
nầy.
Vua Nghiêu xưa mở đất cày,
Ngày nay nhường lại cảnh nầy
cho Điên”.
Phần kết nầy bắt đầu từ câu 897:“Thương
dân giảng dạy dẫy đầy”, tới câu chót 912:“Tới đây cũng lần
ngừng lại bút nghiên”.
Còn phần các tiểu đoạn, thì mỗi đoạn chúng tôi
đều có giải lược ý nên ở đây xin miễn tóm tắt đại ý. (Phần bố cục ở đây chúng
tôi chỉ phân tách phần nhận xét tổng quát. Còn phần nhận xét tinh tế và văn
chương bút pháp xin miễn. Nếu tín hữu nào muốn cần hãy tự tìm hiểu thêm.)
CHÁNH VĂN
1. “Hạ nguơn nay đã hết đời,
Phong ba biến chuyển đổi dời
gia cang.
Năm Mèo Kỷ-Mão rõ ràng,
4. Khắp trong trần hạ nhộn nhàng xiết chi.
Ngồi buồn Điên tỏ một khi,
Bá gia khổ-não vậy thì từ đây.
Cơ trời thế cuộc đổi xây,
8. Điên mới theo Thầy xuống chốn phàm-gian”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 1 đến câu 8):
Tám câu giảng trên ý nói giai đoạn cùng cuối
của đời Hạ ngươn, cuộc thế chuyển xoay, lòng người thay đổi, khiến thế giới sắp
xảy ra cảnh chiến tranh loạn lạc. Đến như nền cương thường Đạo lý của nước nhà
cũng bị đảo lộn bởi ngọn gió văn vật Âu Tây thổi mạnh vào xứ sở. Đức Thầy nhận
thấy những trạng huống đau thương, tang tóc tràn lan khắp nẻo mà cả vạn dân từ
đây phải gánh chịu, nên Ngài gấp rút theo Thầy tùy phương hóa độ.
“Khắp trong bá tánh kề cảnh khổ,
Đạo đức hiền lành kiến Tiên
bang”.
(Lộ Chút Cơ Huyền)
CHÚ THÍCH:
HẠ NGƯƠN: (Xem Chú thích đoạn 5 bài
Sứ Mạng).
PHONG BA: Gió và sóng. Ý chỉ cơn
lộn xộn, xáo xào, chiến tranh tai biến.
“Thuở trời đất nổi cơn gió bụi”.(Chinh Phụ Ngâm)
Đức Thầy có câu:
“Trải một lúc cuồng ba sóng
dậy”.
(Thu Đã Cuối)
Chữ phong ba ở đây còn có nghĩa là chỉ cho làn
sóng văn vật của Âu Tây tràn ngập vào xứ ta làm cho nền cương thường Đạo lý tốt
đẹp của quốc dân ta bị xáo trộn.
BIẾN CHUYỂN: Thay đổi cảnh trạng khác,
chuyển biến tình thế khác.
“Thiên cơ thế giới đà biến
chuyển”.
(Lộ Chút Cơ Huyền)
GIA CANG: Nền cương thường lễ giáo
của quốc dân hay gia đình thân tộc.
“Xử cho vẹn chữ nghĩa tình,
Vâng lời cha mẹ mà gìn gia
cang”.
(Sấm Giảng Q.3)
NHỘN NHÀNG: Rộn ràng nhiều việc, lộn
xộn lăng xăng, rối rắm không trật tự.
BÁ GIA: Trăm nhà, chỉ cho mọi
người. Cổ ngữ có câu:“Nhứt gia hữu sự, bá gia ưu”.
CƠ TRỜI: Máy trời. Sự sắp đặt của
cơ Tạo hóa, căn cứ vào định nghiệp Nhân Quả của nhân sanh và vũ trụ.
Đức Thầy từng nói:
Đến Thân Dậu cơ trời thấy lộ.
( Thiên Lý Ca )
THẾ CUỘC: Cuộc đời, sự đời, mọi sự
việc trong đời.
ĐIÊN MỚI THEO THẦY: Xem Chú thích đoạn 7 bài
Sứ Mạng: “Ta cùng Đức Thầy tá hiệu Khùng Điên”
CHÁNH VĂN
9.“Thấy đời ly-loạn bất an
Khắp trong các nước nhộn-nhàng
đao binh.
Kẻ thời phụ nghĩa bố-kình,
12. Nguời thời trung-hiếu chẳng gìn
vẹn hai.
Nên Điên khuyên-nhủ bằng nay,
Xin trong lê-thứ ngày rày tỉnh
tâm.
Cơ thâm thì họa diệc thâm,
16. Nào trong sách sử có lầm ở đâu.
Người khôn nghe nói càng rầu,
Người ngu nghe nói ngửa đầu
cười reo.
Rồi sau sẽ thấy hùm beo,
20. Khắp trong bá tánh hiểm-nghèo đáng
thương”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 9 đến câu 20):
Đoạn giảng nầy, Đức Thầy diễn tả bối cảnh hiện
đại trong Thế giới: các nước từ Âu sang Á đang lâm vào vòng Đệ nhị Thế chiến;
cuộc tranh giành loạn lạc diễn khắp nơi, khiến chúng dân phải sống cuộc đời
điêu linh đồ thán, lòng người trở nên tham tàn bạo ác; tình trạng tôi bất
trung, con bất hiếu, vợ bất nghĩa, chồng bất nhân, thường xảy ra khắp xã hội.
-Lời Sấm Giảng của Đức Thầy là một hồi chuông
cảnh tỉnh bá gia sớm hồi tâm hướng thiện, mạnh tin nơi lẽ tội phước báo
ứng “hại nhơn thì nhơn hại” và “Mưu sâu thì họa
cũng thâm”(Sấm Giảng Q.1) mà xưa nay sử kinh hằng ghi chép không hề sai
chạy.
-Với những người trí thức khi nghe đến lời Sấm
Kinh ai cũng lo buồn, tìm phương giải thoát. Trái lại, những kẻ còn mê thì cười
cho rằng làm gì có cảnh hiểm nghèo như thế. Đức Thầy rất xót thương cho số
người kém duyên thiếu trí ấy.
CHÚ THÍCH:
LY LOẠN: Ly là lìa; loạn là loạn
lạc, không được bình yên. Ý nói gặp cảnh chiến tranh loạn lạc làm cho gia đình
bá tánh tan nát, quyến thuộc chia ly.
Đức Thầy nói:
“Đời cùng ly loạn khắp chư bang”
(Lộ Chút Cơ Huyền)
ĐAO BINH: Gươm đao và binh lính. Ý chỉ cho
sự chiến tranh giặc giã, làm cho nhơn loại phải chết chóc bệnh tật.
BỐ KÌNH: Cũng đọc là Bố Kinh. Bố
là vải; Kinh là gai, do câu “Bố Quần Kinh Thoa”(mặc quần áo bằng bô vải, cài
trâm bằng gai). Thành ngữ xuất phát từ điển tích Lương Hồng:
Anh người đời Ngụy Võ Đế (Trung Hoa), học thức
uyên bác và rất trọng điều khí tiết. Lương Hồng cưới vợ là nàng Mạnh Quang, con
nhà giàu có. Lúc mới về nhà chồng, nàng ăn mặc lộng lẫy, trang sức theo con nhà
đài các. Lương Hồng lẳng lặng trong bảy ngày không nhìn đến vợ. Mạnh Quang nhận
biết, tự thay đổi hàng lụa, mặc quần áo vải, cài trâm bằng gai. Lương Hồng mừng
rỡ bảo:“ Đây mới chính là vợ của Lương Hồng”.
Không màng công danh phú quý, Hồng và vợ lo
cày bừa và dệt cửi để sanh nhai; tuy được chồng trọn yêu, nhưng lúc nào Mạnh
Quang cũng hết lòng cung kính. Mỗi bữa ăn hay có vật gì đưa cho chồng. Mạnh
Quang đều để vào cái mâm, đưa lên ngang mày để tỏ lòng kính trọng chồng (Mạnh
Quang cử án tề mi). Cho nên chữ Bố Kình có ý nói người vợ hiền từ chính đính,
xử sự kính thuận với chồng.
Truyện Kiều có câu:
“Đã cho vào bực Bố Kình,
Đạo tùng phu lấy chữ trinh làm đầu”.
Vậy câu “phụ nghĩa Bố Kình” ở đây là chỉ cho
con người đời nay, giữa chồng vợ cư xử với nhau ít người được nghĩa ân chung
thỉ, thường phụ rãy lẫn nhau. Cho nên Đức Thầy thường khuyên nhắc:
“Tu là sửa trọn ân tình,
Tào khang chồng vợ bố kình đừng
phai”.
(Sấm Giảng Q.3)
TRUNG HIẾU: Do câu “Trung Quân Vương,
Hiếu Phụ Mẫu”. Một dạ trung thành với Tổ quốc gọi là trung; lòng tôn kính, bảo
dưỡng và vâng lời cha mẹ gọi là hiếu. Trung và hiếu là hai trong Tứ Đại Trọng
Ân. Đức Thầy nhận thấy con người hiện nay ít ai giữ vẹn được Hiếu Trung nên
Ngài thường khuyên:
“Ham vui đào mận chẳng xong rồi,
Trung hiếu vẹn gìn phận con
tôi”.
( Để Chơn Đất Bắc )
LÊ THỨ: Lê là đen; thứ là đông,
nhiều. Cũng có nghĩa như chữ lê dân (dân đen) chỉ cho tất cả nhân dân.
TỈNH TÂM: Lòng thức tỉnh, đối với
Mê Tâm (Tâm còn mê muội). Vậy tỉnh tâm ở đây là Đức Thầy khuyên mọi người hãy
sớm tỉnh ngộ tu hành, lánh chốn Mê đồ, trở về Giác lộ.
Như Ngài hằng khuyên:
“Sớm thức tỉnh tâm tầm Đạo
Chánh,
Sau nầy về Phật với ngôi Tiên”.
(Luận Việc Tu Hành)
CƠ THÂM THÌ HỌA DIỆC THÂM: Cơ là mưu mẹo khôn khéo;
thâm là sâu kín, là nhiều. Do câu Thành ngữ “Cơ thâm họa diệc thâm”. Có
nghĩa nếu mình dùng mưu mẹo sâu độc hại người bao nhiêu thì kết cuộc mình cũng
gánh lấy tai vạ sâu độc bấy nhiêu.
Cổ thi có câu:
“Cơ thâm thì họa diệc thâm là thường”.
Đức Thầy nay cũng cho biết:
“Cơ thâm họa diệc từ đây có,
Bộ máy thiên cơ ắt đảo huyền”.
(Lộ Chút Cơ Huyền)
Xưa nay sách sử thường ghi chép vấn đề nầy
không bao giờ sai chạy.
“Vào thời Chiến Quốc có Lữ Bất Vi, vốn là một
tay thương buôn quỷ quyệt, y xem tướng hoàng tôn nước Tần là Dị Nhân đang bị
nước Triệu bắt làm con tin. Bất Vi biết người ấy sau ắt sang cả, có thể nối
ngôi Vua Tần mà làm Chúa thiên hạ. Bất Vi liền lập kế, gả vợ lẻ đang có thai ba
tháng cho Dị Nhân và lập kế gạt tướng Triệu lén đưa vợ chồng Dị Nhân về
nước Tần. Quả sau Dị Nhân làm vua và Lữ Bất Vi làm tướng quốc nước Tần. Bất Vi
lại tư thông với vợ cũ. Vua Tần (tức Dị Nhân) chết, Thái Tử là Tử Chính ( vốn
là con ruột của Lữ Bất Vi ) nối ngôi, xưng là Thỉ Hoàng Đế. Thế là dòng họ Dinh
của Tần kể như bị diệt. Bất Vi càng ngày càng lộng hành, nên bị Thỉ Hoàng hạ
ngục rồi sau bị ép chết, bia danh xấu muôn đời”.
HÙM BEO: Cọp và Beo, là hai loài
thú rất hung bạo, ăn thịt các loài vật cả đến loài người. Câu “Rồi
sau sẽ thấy hùm beo” là Đức Thầy tiên tri sau nầy (cơ tận diệt) sẽ
có cảnh thú ăn thịt người.
Một đoạn giảng khác Ngài nói:
“Hổ lang ác thú muôn bầy,
Lớp bay lớp chạy sau nầy đa
đoan.
Ai mà ăn ở nghinh ngang,
Đón đường nó bắt xé tan xác hồn”.
(Sấm Giảng Q.3)
HIỂM NGHÈO: Nguy hiểm nghèo ngặt. Ví
dụ: bá tánh gặp tai nạn chiến tranh nghèo đói rất nguy ngặt.
CHÁNH VĂN
21. “Điên này
vưng lịnh Minh Vương
Với lịnh Phật đường đi xuống
giảng dân.
Thấy trong bá tánh phàm trần,
24 Kẻ khinh người nhạo Thần Tiên quỉ tà.
Mặc ai bàn tán gần xa
Quỉ của Phật Bà sai xuống cứu
Kẻ xa thì mến đức-ân,
28.Làm cho người gần ganh-ghét khinh khi.
Nam mô, mô Phật từ-bi,
Miệng thì niệm Phật lòng thì
tà-gian.
Khắp trong bá-tánh trần-hoàn,
32. Cùng hết xóm làng đều
bỉ người Điên”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 21 đến câu 32):
-Đoạn nầy ý nói Đức Thầy lâm phàm cứu thế là
vì lòng từ bi, vì vưng sắc lịnh của Đức Phật Tổ, Đức Minh Vương và Phật Bà Quan
Âm…thế mà có nhiều người bàn tán khen chê. Kẻ thì nhận Ngài là bậc Thần Tiên,
người lại nhạo chê là tà quỷ, song Đức Giáo Chủ vẫn an nhiên không màng nghĩ,
bởi sự khen chê là thường tình của thói đời, hễ ai được nhiều người kính mộ đức
ân, tất nhiên phải có kẻ ghét ghen đố kỵ.
-Trường hợp nói trên chẳng những ở trường đời
mà trong cửa Đạo cũng thế ! Bởi hiện thời có vô số người giả tu, tuy ngoài
miệng thì nói là từ bi, nhưng trong lòng họ luôn mưu tính việc gian tà, lợi
dụng tiền bạc đủ cách. Nên khi gặp người chơn chánh ra đời là họ đố kỵ ngay.
Bởi ánh sáng chơn lý rọi ra thì tà thuyết dị đoan phải tan mất. Do đó, họ bịa
đặt này nọ, chỉ trích khinh khi Đức Thầy.
CHÚ THÍCH:
MINH VƯƠNG: Vị vua sáng suốt, chỉ cho
Đấng Thánh Vương, người đã tu hành gần chứng quả Phật, nên lòng rất hiền từ
minh chánh.
Đức Thầy có câu:
“Thương MinhVương bắt chước
Thuấn Nghiêu,
Lòng hiền đức nào ai có biết”.(Sấm Giảng,Q,2)
PHẬT ĐƯỜNG: Phật là chỉ cho Đức Phật,
chư Phật. Đường là nhà thờ, là nghĩa của chữ Đạo. Vậy, Phật Đường là nhà thờ
Phật, là nơi Phật ngự, là Đạo Phật, cũng có nghĩa là con đường về cảnh Phật;
nhưng chữ Phật Đường ở đây là chỉ cho Phật Thích Ca. Vì Ngài là Đấng cha lành
trong Tam giới, là Giáo Chủ đạo Phật trong thế giới Ta Bà.
Ngài Huệ Lựu đã chứng minh:
“Kế đó Phật Tổ giá lâm,
Tâu cùng Ngọc Đế thấp cao tỏ tuờng.
Minh Vương có đến Phật Đường,
Giáo khuyên dưới thế trung ương tu trì”.
(Giảng Mười Một Hồi)
Vậy thì câu:“Với lịnh Phật Đường đi
xuống giảng dân” là Đức Thầy vưng lịnh Đức Phật Tổ lâm phàm dạy
thế. Như Ngài thường thốt:
“Ngọc toà Phật Tổ nấy sai ta,
Xuống cứu thế gian nẻo vạy tà.
Hiệp sức tớ Thầy truyền diệu
pháp,
Cho dân thấu tỏ Đạo Ma Ha”.
(Tối Mùng Một)
PHẬT BÀ: Là Phật Quan Âm Nam Hải,
do câu nguyện trong Thập Nhị Nguyện của Ngài:
“Nam mô nhứt niệm tâm vô quái
ngại, Quan Âm Như Lai thường cư Nam Hải nguyện”.
Và câu Kinh:
“Nam Hải Viên Thông Giáo Chủ, đại từ đại bi,
tầm thanh cứu khổ, cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tát”.
Nghĩa là Đức Quán Thế Âm làm Giáo Chủ có đủ
đạo hạnh tròn đầy, thông suốt cõi Nam Hải, thường nghe tiếng nguyện cầu của
chúng sanh mà cứu độ khỏi tai nạn và cảm ứng một cách thiêng liêng.
Nguyên Ngài là bậc đạo hạnh viên dung chứng
thành Phật Quả, nhưng vì lòng bi mẫn muốn ở gần chúng sanh để cứu khổ cứu nạn
và thường lui tới vùng bể Nam Hải nên mới có danh từ “Quan Âm Nam Hải”. Hiện
nay đa số hình tượng của Ngài được thờ phượng với xác thân nữ giới, một tay cầm
Tịnh bình, một tay cầm nhành Dương liễu, Ngài đứng trên hoa sen trắng có Thiện
Tài đồng tử theo hầu. Đó là Ngài dùng Thiên Bá Ức Hóa Thân thị hiện cứu khổ
chúng sanh, hoặc chuyển kiếp làm thân nữ để nêu gương hạnh độ rỗi hàng nữ
giới.
Kinh sách có chép:
“Đức Quán Thế Âm Bồ Tát có lần chuyển kiếp là
Diệu Thiện công chúa, con thứ ba của Diệu Trang Vương. Bà sớm giác ngộ lìa bỏ
ngôi vị công chúa và cuộc đời nhung lụa vàng son trong cung điện để tìm đường
giải thoát. Sau bà tu đắc Đạo và độ thoát được cha mẹ, nêu gương nhẫn nhục cho
đời sau, nhứt là giới nữ nhờ noi gương Bà mà tu hành có rất nhiều người chứng
đắc”.
Người Á Đông theo Đạo Phật hằng năm đến ngày
vía của Đức Quán Thế Âm đều có tưởng niệm chay lạt. (Các ngày vía của Quan Âm
Diệu Thiện: – Ngày 29/2 âl: Vía Đản Sanh, – Ngày 19/6 âl: Vía Xuất gia, – Ngày
19/9 âl: Vía Thành Đạo) Do điển tích trên đây, người đời mới xưng tụng Đức Quán
Thế Âm là Phật Bà. Hiện nay, Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng từng cho biết:
“Đến lâm cảnh khổ có ta,
Với lịnh Phật Bà cứu vớt giùm
cho”.
(Sấm Giảng Q.1)
ĐỨC ÂN: Tâm từ thiện đối với vạn
loại chúng sanh gọi là Đức, nói và làm những việc có phúc lợi cho mọi người gọi
là Ân. Nói chung là người có hạnh đức thường gia ân bố phước cho bá tánh, thì
bá tánh cảm Đức Ân đó:
Nghìn trùng ân đức sâu dày,
Phận trò vẹn đáp công Thầy mới ngoan”.
NAM MÔ: Do Phạn ngữ Namah, phiên âm
là Nam Mô, Tàu dịch là Quy Mạng, Cứu Ngã. Tức là lòng mình tôn kính nương theo
Đức Phật và cầu Ngài cứu độ. Cho nên, chữ Nam Mô cũng có nghĩa là Quy Y.
Hai câu :”Nam mô, Mô Phật Từ bi,
Miệng thì niệm Phật lòng thì tà
gian”.
(Sấm Giảng, Q.1)
Là chỉ cho hạng người tu giả dối, do câu “Khẩu
Phật tâm xà”(Miệng nói từ bi như Phật mà lòng thì độc ác như rắn). Hạng người
nầy tuy ngoài miệng họ nói là quy y Phật và niệm Phật từ bi, nhưng lòng họ luôn
chứa việc gian tà độc ác để gạt người thủ lợi.
TRẦN HOÀN: Trần là bụi; Hoàn là cảnh
địa, tức chỉ cõi đời đầy bụi bặm nhơ nhớp đau khổ mà cả nhân loại đang cư trú.
Đức Thầy nói:
“Trần hoàn thiện tín còn mê,
Thêm lời giục thúc gọi về đàng
tu
(Khuyến Thiện Q.5)
BỈ: Khinh thường chê bai.
CHÁNH VĂN
33. “Điên này xưa cũng
như ai,
Vào các ra đài tột bực
giàu-sang.
Nghĩ suy danh-lợi chẳng màng,
36. Bèn lên ẩn dật lâm
san tu-trì.
Nhờ Trời may mắn một khi,
Thẩn-thơ lại gặp Đức Thầy
Bửu-Sơn.
úi đầu Điên tỏ nguồn-cơn,
40. Động lòng bác-ái ra
ơn dạy truyền.
Thấy Điên tâm tánh quá thiềng,
Nội trong sáu khắc biết liền
Thiên-cơ.
Chuyện này thôi nói sơ-sơ,
44. Để rộng thì giờ
nói chuyện chơn-tu”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 33 đến câu 44):
–Đoạn giảng vừa qua Đức Thầy
nhắc lại tiền thân của Ngài đã từng sống nơi cao sang quyền quý nhứt trong
thiên hạ, nhưng Ngài giác ngộ đời là mộng ảo, sự nghiệp lợi danh như làn mây
bọt nước, “Trần thế lợi danh giấc mộng tràng”(bài Lộ
Chút Cơ Huyền) nên Ngài sớm rời chốn phù hoa đài các, cất bước vào miền rừng
núi để tìm con đường giải thoát cho mình và vạn loại chúng sanh.
-Bởi vốn có căn lành từ trước nên duyên may
đưa đến, Ngài gặp được Đức Phật Thầy Tây An. Sau khi bày tỏ hết lý do, Đức Phật
Thầy nhận thấy Ngài rất thành lòng tha thiết và sẵn có sâu duyên cùng Đạo Pháp,
nên Phật truyền Đạo ngay cho Ngài. Chỉ có thời gian 6 khắc mà Ngài được thông suốt
huyền cơ, đạt thông Đạo Pháp. Đây là lối “mật truyền Cơ Pháp” mới được mau lẹ
như thế. Như xưa kia Đức Thích Ca truyền Pháp cho Ngài Ca Diếp và tiếp tục Tổ
Tổ tương truyền.
-Kể lại chuyện trên và việc quá khứ, nên Đức
Thầy chỉ sơ lược một ít để dành thì giờ Ngài thức tỉnh bá gia về phương thức tu
hành nhiều hơn.
CHÚ THÍCH:
CÁC ĐÀI: Các là gác; Đài là cái đài
cao trông xa được.“Vào các ra đài” là chỉ cho sự sống trong cảnh sang trọng
quyền quý.
“Ra vào đài các thảnh thơi”. (Cổ thi)
Đức Thầy cũng nói:
“Soi từ đài các xá liều”
(Muốn Lánh Phồn Hoa)
DANH LỢI: Xem chữ Lợi Danh, bài Sứ
Mạng đoạn 5.
ẨN DẬT: Ẩn là lánh mình, giấu
kín. Dật là ở ẩn và thong dong, nhàn hạ. Ý chỉ cho người lánh khỏi cuộc đời đua
chen danh lợi để tìm ở chỗ yên tịnh, thong thả. Cụ Bạch Vân Cư Sĩ Trạng Trình
là bậc ẩn dật cuối đời nhà Mạc. Người đời thường nhắc đến Ngài:
“Trạng Trình sống gặp thời Lê Mạc,
Lìa lợi danh ẩn dật chốn am thanh”.
LÂM SAN: Cũng viết là Lâm Sơn. Có
nghĩa là rừng và núi. Là nơi ẩn dật của người
tu hành.
Đức Thầy
có câu:
“Muốn lánh
phồn hoa lánh thị thành,
Tìm nơi
non thẳm ngõ mai danh”
(Muốn Lánh
Phồn Hoa)
TU TRÌ: Tu là trau sửa; Trì là gìn giữ. Ý nói người tu hành
vừa lo trau sửa thân tâm, vừa gìn giữ ở ăn đúng theo quy luật Pháp Giáo của
Đạo, không hề để sơ suất quấy phạm.
Đức Thầy
cho biết:
“Riêng
chiếm non bồng một cảnh Tiên,
Tu trì
Pháp Đạo khác màu Thiền”.
ĐỨC THẦY
BỬU SƠN: Là Đức Phật Thầy Tây An với bốn chữ Bửu
Sơn Kỳ Hương, tức danh hiệu tông phái của Ngài.
Đức Phật
Thầy quê ở làng Tòng Sơn, thuộc rạch Cái Tàu Thượng. Nay là xã Mỹ An Hưng, tỉnh
Sa Đéc (Nam phần VN).
Ngài sanh
vào giờ Ngọ, ngày rằm tháng 10 năm Đinh Mão (1807), niên hiệu Gia Long thứ 8.
Ngài chính danh là Đoàn Minh Huyên, Đạo hiệu Giác Linh. Người trong đạo cũng
như ngoài đời đều xưng tụng Ngài là Đức Phật Thầy Tây An.
Sau khi
châu du nhiều nơi, Ngài trở về nguyên quán Tòng Sơn (Sa Đéc) năm 1849, đúng lúc
nhân dân đang lâm vào cảnh nguy khốn, bởi bịnh dịch tả bạo hành. Đức Phật Thầy
dùng huyền diệu trị bịnh cho vạn dân, đồng thời khuyến cáo mọi người nên ý thức
thời kỳ Hạ ngươn Mạt pháp để sớm quay về gốc lành Đạo cũ (Phật tánh). Nhờ cảm
lòng từ bi đã cứu cho khỏi bịnh hoặc thoát chết và nhờ cách hướng dẫn tu hành
giản dị, dễ cảm thông nên nhân dân miền Hậu Giang không mấy lúc quy y thọ
giáo với Ngài rất đông đảo.
Trên đường
châu du độ thế của Đức Phật Thầy, từ làng Tòng Sơn (Sa Đéc) Ngài vào Trà Bư
(Cái Nai) lên Xẻo Môn và sang Long Kiến (Long Xuyên). Rồi vì một pháp nạn
(người ta vu cáo Ngài là gian Đạo sĩ, thu hút một số đông tín đồ chực cơ làm
loạn), nên Ngài bị nhà cầm quyền đưa từ Long Kiến về Châu Đốc. Đi đến đâu Phật
Thầy cảm hóa người ta đến đó, nên sau cơn thử thách, Ngài được trả tự do và
được triều đình vua Tự Đức sắc phong là bậc Chơn Sư Đại Đức.
Từ đó Ngài
ở tại núi Sam lấy chùa Tây An làm nơi thuyết giáo. Thỉnh thoảng Ngài cũng vào
Láng Linh và đến Thới Sơn mở cơ phổ hóa. Không bao lâu, tín đồ của Ngài rải rác
có mặt khắp miền tây Nam phần Việt Nam. Còn có số người ở các tỉnh miền Đông
nghe danh đều cảm đức cũng tìm đến quy y hành Đạo.
Đức Phật
Thầy chính thức lấy tên cho tông phái mình là Bửu Sơn Kỳ Hương và cấp cho mỗi
tín đồ một lồng phái có triện son, mang bốn chữ báu linh ấy. Một bài thơ khoán
thủ của Ngài có bốn chữ “Bửu Sơn Kỳ Hương”, được truyền tụng mãi đến ngày nay,
với sự ẩn ý sâu xa có thể đọc theo chiều dọc, chiều ngang (tung hoành đọc) đều
có nghĩa.
Đây là đọc
ngang bài “Tứ Bửu Linh Tự”:
Bửu Ngọc Minh Quân Thiên Việt Nguyên,
Sơn Trung Sư Mạng Địa Nam Tiền,
Kỳ Niên Trạng Tái Tân Phục Quốc,
Hương Xuất Trình Sanh Tạo Nghiệp Yên”.
Và đây là
đọc theo chiều dọc:
“Bửu Sơn
Kỳ Hương,
Ngọc Trung
Niên Xuất
Quân Sư Trạng
Trình,
Minh Mạng
Tái Sanh.
Thiên Địa
Tân Tạo,
Việt Nam
Phục Nghiệp,
Nguyên
Tiền Quốc Yên”.
Bài thơ có
nhiều cao từ ẩn ngữ, cần phải dùng lối chiết tự đảo cú mới khám phá hết nổi ý
nghĩa huyền thâm. Riêng về bốn chữ “Bửu Sơn Kỳ Hương” là danh từ ghép vừa dùng
đặt tên cho tông phái, vừa ý thức cho mọi người, một kỷ nguyên mới trong
Phật Giáo với dụng ý là do núi báu ấy (Bửu Sơn) mà sau nầy non sông sẽ rực rỡ.
Còn Kỳ Hương là mùi thơm lạ sẽ bay khắp mười phương, mở một thời kỳ Long Hoa
Đại Hội.
Về giáo lý
hành Đạo thì Ngài dạy tín đồ hành đúng theo tôn chỉ “Học Phật Tu Nhân”, một
đường hướng và phương pháp tu hành vừa giản dị, vừa dễ chứng đắc, bởi rất thích
hợp với căn cơ trình độ và hoàn cảnh của nhân dân hiện đại.
Suốt thời
gian 7 năm hoằng Đạo, từ năm 1849 đến 1856, Ngài độ được hằng vạn tín đồ. Trong
đó có nhiều đại đệ tử gọi là “Thập Nhị Hiền Thủ” được coi như là bậc đã chứng
ngộ chân truyền, tiếp tục giáo hóa quần sanh.(Gồm có những ông:1/- Cử Đa, Đạo
hiệu Ngọc Thanh. 2/- Thượng Đẳng Đại thần Nguyễn Trung Trực. 3/- Cố Quản Trần
Văn Thành. 4/- Ông Đạo Xuyến. 5/- Ông Đạo Lập. 6/- Ông Tăng Chủ. 7/- Ông Đình
Tây. 8/- Ông Đạo Ngoạn. 9/- Ông Đạo Thắng. 10/- Ông Đạo Sĩ. 11/- Ông Đạo Chợ.
12/- Ông Trần Văn Nhu.)
Đức Phật
Thầy tịch vào giờ ngọ, ngày 12 tháng 8 năm Bính Thìn (1856) tại Tây An Tự núi
Sam, hiện giờ phần mộ Ngài còn tại đây, có dựng một tấm bia khắc như vầy:
“Ngươn
sanh Đinh Mão niên, thập ngoạt thập ngũ nhựt, ngọ thời chú sanh.
Tự Lâm Tế
gia chư thiên phổ Tam thập bát thế, thượng Pháp hạ Tạng, Tánh Đoàn, Pháp danh
Minh Huyên, đạo hiệu Giác Linh chi miễn tọa.
Tịch ư
Bính Thìn niên, bát ngoạt thập nhị nhựt, ngọ thời thị tịch diệt !”.
NGUỒN CƠN: Đầu đuôi gốc ngọn, kể hết lý do và chi tiết của sự
việc.
“Miếng
trầu tỏ hết nguồn cơn,
Muốn xem
đây đó thiệt hơn thế nào”.(Cổ đức)
THIỀNG: Cũng đọc là thành. Có nghĩa thành lòng tha thiết
chơn thật. Chữ quá thiềng là rất thành lòng, tha thiết chơn thật.
SÁU KHẮC: Có hai cách giải:
1.-Theo
Tây phương: Một ngày có 24 giờ gọi là một thời. Mỗi giờ có 60 phút. Cứ 15 phút
là một khắc. Vậy mỗi khắc là ¼ của một giờ, thì 6 khắc gồm có một giờ rưỡi.
2. Theo
Đông phương: Sáu khắc là tính 6 giờ của ta thời xưa. Theo cách tính giờ từ xưa
thì nửa đêm bắt đầu từ giờ Tý đến giờ Hợi, cứ mỗi ngày đêm có 12 giờ theo 12
chi: Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Do đó, cứ ban
ngày từ sáng tới tối có 6 khắc.
Ca dao có
câu:“Ngày sáu khắc tin mong bạn vắng”.
Cửu khúc
của ông Ba Thới cũng nói:
“Đêm năm
canh thổn thức chẳng yên,
Ngày sáu
khắc sầu riêng đoạn đoạn !”
CHƠN TU: Cũng gọi là chân tu. Có nghĩa người tu hành chân
chánh. “Nói chuyện chơn tu”, là Đức Thầy khuyên dạy vạn
dân về phương pháp tu hành trở thành người chơn chánh.
CHÁNH VĂN
45. “Dương-trần kẻ trí người ngu,
Ham võng
ham dù danh-lợi xuê-xang.
Cờ đà đến
nước bất an,
Chẳng lo tu niệm tham gian làm
gì
48. Phật, Trời thương kẻ nhu-mì,
Trọng cha,
yêu Chúa kính vì Tổ-Tông.
Ngồi buồn
nói chuyện bông-lông,
Khắp trong
trần-hạ máu hồng nhuộm rơi.
Chừng nào
mới đặng thảnh-thơi,
54.
Dậu Phật ra đời thế-giới bình-yên”.
LƯỢC GIẢI
(Từ câu 45 đến 54):
-Đoạn
giảng trên ý nói con người sống trong cõi trần, bất luận giàu nghèo hay già trẻ
trí ngu, ai cũng đồng một bịnh là ham muốn tài sắc cho nhiều, tước quyền cho
lớn, để mặc tình ăn sang mặc sướng, đài các xa hoa. Họ mãi chạy theo tiếng gọi
của lòng tham mà gây nên thảm cảnh chiến tranh giành xé, máu đổ thịt rơi:
“Rằng bên
thế giới Ta Bà,
Chúng sanh
tàn sát cũng là vì tham”.
(Đi Khuyến
Nông Về)
-Đức Thầy
kêu gọi hạng người ấy sớm diệt lòng tham gian để tỉnh ngộ tu hành, thiệt thi
điều Hiếu Trung đạo nghĩa, tất được Phật Trời ban bố đức ân, thoát khỏi cảnh
đói đau binh lửa. Và Ngài cũng tiên tri cho bá tánh biết định kỳ thái bình an
lạc.
CHÚ THÍCH:
DƯƠNG TRẦN: Cũng gọi là dương thế hay dương gian, tức chỉ cõi
đời nhân loại đang ở, đầy cát bụi đau khổ.
HAM VÕNG
HAM DÙ: Võng là dùng các loại dây thắt lại như
lưới, hay bằng vải túm hai đầu để đưa cho mát, hoặc nằm cho người khiêng đi.
Đây là lối đi sang cả của hạng quan quyền hay các nhà giàu có thời xưa, ví dụ
nghi vệ của quan đi:
“Người
võng lọng, kẻ đai cân”.
Và:
“Nghi vệ
đóng hai bên đường,
Kiệu anh
đi trước, võng nàng đi sau”. (Ca
dao)
Dù là một
thứ lọng nhỏ, lợp bằng vải hoặc bằng lụa, người ta dùng để che đầu cho khỏi mưa
nắng. Nghĩa bóng là chưng dọn se sua.
Vậy
câu “Ham võng ham dù” là chỉ cho số người ham đua chen theo
danh lợi giàu sang lên xe xuống ngựa, ăn xài xa hoa phung phí.
Một đoạn
giảng khác, Đức Thầy cảnh tỉnh:
“Thương ai ham võng ham dù,
Cũng như những kẻ đui mù đi
đêm”.
(Sấm Giảng Q.1)
CỜ ĐÀ ĐẾN NƯỚC BẤT AN: Đức Thầy lấy bàn cờ tướng
để dẫn dụ cho thời cuộc hiện tại. Bàn cờ sắp thua nguy kịch lắm, chỉ còn một
vài nước tướng nữa bị thua. Ý nói nhà cầm quyền Pháp sắp mất, đời sẽ xảy ra
cuộc chiến tranh hỗn loạn, không còn được yên ổn như trước, sao bá tánh chẳng
sớm tách rời lợi danh để lo tu hành ?
Đức Thầy giục thúc mọi người:
“Cờ đã thất còn chờ nước chiếu,
Mà còn ăn con chốt làm chi.
Ai là
người quân tử tu mi,
Phải sớm
xử thân mình cho vẹn”.
(Sấm Giảng
Q.1)
THAM GIAN: Tham lam gian xảo, tức là lòng ham muốn lợi danh,
quyền thế và tài sắc thật nhiều về cho mình. Người ta mưu tính mọi cách gian tà
xảo quyệt để thỏa mãn lòng ham muốn, chẳng kể liêm sỉ, tội phước là gì.
“Tham danh, tham sắc, tham giàu,
Đừng ham gánh nặng mà đau xương sườn”.(Ca dao)
Cho nên Đức Thầy thường cảnh tỉnh:
“Biết sao đầy được túi tham,
Không ngăn, không đáy càng làm
không kiêng”.
(Kệ Dân, Q.2)
NHU MÌ: Mềm lòng chính chắn.
“Tu là tâm
trí nhu mì,
Tu hiền tu
thảo vậy thì cho xong”.
(Sấm Giảng
Q.3)
KÍNH VÌ: Kính trọng nể vì, ví dụ ăn ở biết kính vì ông bà,
cô bác.v.v…
TỔ TÔNG: Tổ là ông bà, Tông là dòng họ. Có hai nghĩa:
1.- Những
người sanh ra cha mẹ mình, tức là Ông bà Nội, Ngoại cùng một họ.
2.-Tông
cũng gọi là Tổ tiên. Chỉ cho những người khai lập đất nước và gây dựng dòng
giống dân tộc.
Ca dao có
câu:
“Khen ai
khéo tiện ngù cờ,
Khéo xây
bàn án, khéo thờ Tổ Tông”.
MÁU HỒNG
NHUỘM RƠI: Chỉ cho sự chiến tranh chết chóc ghê gớm,
máu rơi đầy nội.
“Hung đồ
với lũ dọc ngang,
Đến sau rơi
máu khắp tràng mới tu”.
BÔNG LÔNG: Bâng quơ, trổng. Cách nói không đâu, không chỉ rõ
ai, nhưng ai nghe đến việc mình thì hiểu.
THẢNH THƠI: Thung dung nhàn hạ. Hết
tai nạn khổ sở.
“Gió quang mây tạnh thảnh thơi”.(Truyện Kiều)
CHÁNH VĂN
55. “Điên này Điên của Thần-Tiên,
Ở trên Non Núi xuống miền
Lục-Châu.
Đời còn chẳng có bao lâu,
58. Rán lo tu-niệm đặng
chầu Phật-Tiên.
Thế-gian ít kẻ làm hiền,
Nhiều người tàn-bạo làm phiền
Hoá-Công.
Thế-gian chuyện có nói không,
62. Đến hội Mây-Rồng thân
chẳng toàn thây.
Việc đời đến lúc cấn gay,
Mà cũng tối ngày nói xéo nói
xiên.
Dương-trần tội ác liên miên,
66. Sau xuống huỳnh-tuyền
Địa-ngục khó ra”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 55 đến câu 66):
–Tuy Đức Thầy xưng hiệu là Điên,
nhưng Ngài cũng cho bá tánh hiểu, từ cõi siêu thoát Tiên Phật, Ngài giáng trần
khai Đạo tại miền Nam nước Việt để báo tin cho vạn dân biết rằng cơ tận diệt
hầu kề hãy rán lo tu thân lập hạnh, tưởng niệm Phật Trời thì sau nầy được kiến
diện Phật Tiên. Thế mà không mấy ai thi thố việc lành, mãi lo gây tạo điều hung
ác, hơn thua giành giựt lẫn nhau, lại còn lắm lời huyễn hoặc châm biếm
người hiền, e cho đến ngày lập hội khó bảo tồn thân mạng. Bởi luật Trời đã
quy định:
“Xử những kẻ hung hăng tồi tệ,
Thưởng những người trung nghĩa
vẹn toàn”.
(Giác Mê Tâm Kệ, Q.4)
-Nếu ai mải mê đuổi theo con đường danh lợi
gây nên nghiệp ác, thì chẳng những bị quả đau sầu tại thế gian,“Xử người
tàn bạo vậy mà tại đây”(Sấm Giảng Q.1), mà khi mạng chung còn phải tiếp
tục chịu sự hành phạt triền miên nơi cảnh Địa ngục khó thoát khỏi
ra được.
CHÚ THÍCH
LỤC CHÂU: Sáu châu nằm trong sáu trấn,
cũng gọi Lục tỉnh ở miền Nam Việt Nam (Nam kỳ) vào thời nhà Nguyễn, Vua Gia
Long chia làm sáu trấn: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Long Hồ, An Giang và Hà
Tiên. Đến năm Tân Mão (1831) vua Minh Mạng đổi sáu trấn ra sáu tỉnh, tức là sáu
châu (tên tỉnh cũng y như trên). Đến thời kỳ Pháp thuộc 6 tỉnh nầy chia ra 20
tỉnh, rồi 21 tỉnh, tức tỉnh Vũng Tàu, trước đó thuộc tỉnh Bà Rịa. Danh từ
Lục Châu, Đức Thầy có đề cập nhiều lần trong Sấm Giảng Thi Văn của Ngài:
“Thoàn nhỏ ly gia vị tất nan,
Bửu sanh du lịch Lục Châu giang.
Kim Sơn thương mãi toàn lê thứ,
Thức tỉnh bá gia giấc mộng
tràng”.
(Bài Cho Đức Ông Mất Ghe)
PHẬT TIÊN: Xem Chú thích đoạn 7 Bài
Sứ Mạng.
THẾ GIAN: Khoảng đời, cõi đời. Mọi sự
việc trong thế gian vạn vật cùng chung sống. Ý chí bao quát cả gầm trời.
Ca dao có câu:
“Thế gian lắm kẻ mơ màng,
Thấy hòn son thắm ngỡ vàng Trời cho”.
HÓA CÔNG: Thợ Trời, cũng gọi là Tạo
hóa hay Tạo công. Người xưa cho Hóa công là đấng thiêng liêng, là ông thợ tạo
ra vạn vật trong vũ trụ, và định số mạng cho muôn loài. Cho nên mọi việc xảy ra
quá với sức lực, ý nghĩ hoặc không vừa lòng thì người ta đổ thừa Tạo hóa, hoặc
khen, hoặc hờn trách đủ điều, như câu:
“Phụ phàng chi bấy hóa công”. (Truyện Kiều)
Theo nhà Phật, tạo hóa là luật công bằng của
nhân và quả, như Đức Thầy đã bảo:
“Hóa công chí thiện cầm cân,
Công bình thưởng phạt thứ dân
nào tường”.
(Viếng làng Mỹ Hội Đông)
CHUYỆN CÓ NÓI KHÔNG: Nghĩa của chữ Vọng ngữ,
một trong bốn điều ác của khẩu nghiệp. Người đời không thận trọng lời nói
thường hay phạm Vọng ngữ.
Điều ác nầy, Đức Thầy có giải:“Thêm
thừa, huyễn hoặc, có nói không, không nói có, Ác Vọng ngữ đã làm nguyên nhân
cho những sự bất công của nhân loại”. (Quyển 6 – Ác Vọng ngữ).
Cổ nhân từng dạy:“Nhất ngôn bất trúng, Vạn
sự bất thành”.(Một lời nói chẳng đúng, thì muôn lời muôn sự khác đều chẳng
thành cả).
Đức Thầy hằng khuyên:
Khuyên nhơn sanh lấy lẽ chí công,
Mà ăn ở nói năng chơn chất”.
(Khuyến Thiện, Q.5)
HỘI MÂY RỒNG: Nghĩa của chữ Long Vân hội.
Do câu “Vân Khỉ (khởi) Long Đăng” (mây nổi thì rồng bay lên). Nghĩa bóng có hai
ý:
1.- Chỉ cho người thi cử đỗ đạt:
“Mong con gặp hội rồng mây với người”.(Cổ thi)
2.- Chỉ cho điều may mắn vui vẻ như Tôi Chúa
gặp nhau. Cổ nhân bảo:
“Trời sanh Trời chẳng phụ nào,
Long vân gặp hội anh hào ra tay”.
Đức Thầy kêu gọi mọi người sớm lo xử trọn luân
lý Tứ Ân thì ắt gặp được nhiều may mắn. Bằng trái lại, khi đến hội ấy phải chịu
thảm khổ:
“Long Vân đến hội lầu son dựa
kề”
(Sấm Giảng Q.3)
Như Ngài từng thốt:
“Lời xưa di tích rõ việc nầy,
Ai muốn mắt phàm gặp Rồng Mây,
Hãy rán nghe lời ta mách trước,
Không gìn Đạo đức phải phơi
thây”.
(Để Chơn Đất Bắc)
CẤN GAY: Cũng đọc là gay cấn. Cấn là
nghẹt thở, không thông, không êm; gay là gay gắt, trở nên khó khăn. Cấn gay là
ví như hai đàng gây chuyện ăn thua với nhau, đến lúc hết sức gay cấn.
Vậy câu “Việc đời đến lúc cấn gay” là
ý nói cảnh đời đến hồi quá khó khăn gay gắt, gần như nghẹt thở, khó giải quyết
cho xuyên suốt được.
LIÊN MIÊN: Liền liền không dứt. Đây
ý nói người đời gây tội ác nầy đến tội ác khác, không sao kể xiết.
HUỲNH TUYỀN: Suối vàng. Tục truyền
rằng dưới Âm phủ có 9 suối vàng, nên cũng gọi là Cửu tuyền hay Chín suối. Do
đó, xưa nay người ta dùng chữ Suối Vàng để chỉ chỗ Âm ty, người có tội chết rồi
phải xuống đó.
Truyện Kiều có câu:
“Gọi là gặp gỡ giữa đàng,
Họa là người dưới suối vàng biết cho”.
Đức Thầy từng bảo:
“Ở dương thế tạo nhiều cảnh khổ,
Xuống Huỳnh Tuyền địa ngục khảo
hình”.
(Kệ Dân, Q.2)
ĐỊA NGỤC: Phạn ngữ Niraya (scr),
Naraka (p.) phiên âm có nhiều tên: Nê-lê-giả, Na-ra-ca, Na-lạc-ca, dịch là Địa
ngục. Nghĩa là chỗ giam cầm và trừng phạt những linh hồn của người phạm tội lúc
ở thế gian. Chữ Địa ngục có nhiều nghĩa:
1.- Bất lạc, Bất khả lạc: Ấy là nơi chẳng vui,
chẳng có thể vui được.
2.- Bầt khả cứu tế: Không thể cứu cho thoát
khỏi được, vì cảm ứng các việc ác đã làm.
3.- Âm minh: Nơi tối tăm, chúng sanh ở cảnh ấy
không hề biết được Đạo lý, Chánh pháp.
4.- Địa ngục: Cảnh ngục thất, cảnh hành phạt ở
dưới đất.
Địa ngục là một trong 6 đường luân hồi (Lục
đạo Luân hồi) và cũng một cảnh trong Lục thú. Địa ngục là nơi có đủ thứ khổ
đau, vị trí của nó hoặc ở dưới đất hoặc ở kẹt núi, hoặc ở theo sông rạch, hoặc
ở theo biển cả hay đồng nội. Những người nào sống ở dương gian phạm các trọng
tội như Ngũ nghịch hay Thập ác khi chết phải đọa Địa ngục. Đức Thầy có cho biết:
“Mê muội ác hung về Địa ngục,
Hiền lành nhắm mắt thấy non
Tiên”.
(Hai Mươi Tháng Chạp)
Trong Địa Tạng Kinh có chép:
“Những cảnh Địa Ngục đều ở trong núi Thiết Vi
(núi bao bọc toàn bằng vách sắt). Địa ngục lớn có 18 sở, thứ nữa có 500, thứ
nữa có trăm ngàn, vô số tên gọi đều khác nhau. Còn Địa ngục Vô gián thì ghê hơn
hết, chung quanh là 8 vạn dặm, thành bằng sắt cao một vạn dặm, trên mặt thành
lửa cháy khắp cả, không phút nào ngưng…”
CHÁNH VĂN
67. “Điên này nói việc
gần xa,
Đặng cho lê-thứ biết mà lo tu.
Tu cho qua cửa Diêm-phù,
70. Khỏi sa Địa-ngục ngao
du Thiên-đài.
Đường đời chẳng có bao dai,
72. Nên viết một bài cho
bá-tánh coi”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 67 đến câu 72):
-Bởi chúng sanh không nhận được cảnh đời là
giả tạm, đầy sự buộc ràng đau khổ, nên Đức Thầy giảng dạy đủ lời, từ việc gần
trong nước đến việc xa cả thế gìới, từ cuộc đời đau khổ hiện tại, đến cảnh xán
lạn ở tương lai để bá tánh tỉnh ngộ tu hành.
-Đã phát tâm hành đạo thì ta phải tu cho đạt
đến mức cứu cánh giải thoát, tức là phải hành đạo sao cho:
“Tội tiêu phước hưởng trường
tồn,
Không còn mắc nẻo dại khôn luân
hồi”.
(Khuyến Thiện Q.5)
Để cùng hưởng cảnh:
“Tiêu diêu đạo đức luận bàn,
Vân du võ trụ thanh nhàn biết
bao”.
(Hoài Cổ)
Và Đức Thầy cũng không ngần ngại cho mọi người
biết trước, cuộc đời sắp đến ngày tàn cỗi, khuyên bá tánh nên thường xem coi
Sấm Giảng của Ngài, hầu tiến thẳng trên đường đạo đức.
CHÚ THÍCH:
DIÊM PHÙ: Cũng gọi là Diêm Phù Đề
(Phạn ngữ: Sambudvipa), một trong 4 châu thiên hạ ở thế giới Ta Bà, thuộc về
phía Nam núi Tu Di, cũng gọi là “Nam Thiệm Bộ châu”, tức là trái đất chúng ta
đang ở mà cõi Thiên Trước choán một phần rộng lớn.
Sở dĩ có tên Diêm Phù Đề là vì cõi nầy có cây
linh tên Diêm Phù (Jambud). Dưới bóng cây ấy có một lần Thái tử Sĩ Đạt Ta ngồi
tham thiền tại đây nhằm lúc dân Ấn Độ làm lễ Hạ điền (bắt đầu cày ruộng). Cho
nên người ta cũng gọi là Thiên Trước (Ấn Độ) là Diêm Phù Đề. Ở cõi nầy có dãy
núi Hy Mã Lạp Sơn là cao hơn hết (8.840m).
Theo các Kinh nói:“Cõi Diêm Phù Đề bề vòng
là 30.000 do tuần, hình phân nửa mặt trăng. Dân sống đến 100 tuổi là cùng và
phải làm cực khổ mới có đủ phương tiện: ăn, mặc, ở. Ngoài ra còn phải chịu muôn
ngàn khổ lụy, kể chẳng xiết”.
Thế nên Đức Thầy khuyên chúng sanh, rán tu làm
sao cho vượt khỏi cảnh nầy, tức là giải thoát về Niết bàn, Cực lạc. Như Ngài
từng kêu gọi:
“Muốn cho rắn đặng hóa cù,
Xả thân làm phước Diêm Phù vượt
qua”.
(Khuyên Người Giàu Lòng Phước Thiện)
NGAO DU: Xem Chú thích Bài Sứ Mạng
đoạn 3.
THIÊN ĐÀI: Đài ở trên Trời, nơi chư
Tiên ngự. Chỉ cho cõi siêu thoát, Thiên đường hay Cực lạc.
CHẲNG CÓ BAO DAI: Chẳng còn bao lâu nữa, việc gần
lắm.
CHÁNH VĂN
73. “Tuồng đời như pháo
châm ngòi,
Bá-gia yên lặng mà coi Khùng
này.
Khùng thời ba Tớ một Thầy,
76. Giảng dạy dẫy-đầy rõ
việc Thiên-cơ.
Điên đây còn dại còn khờ,
78. Yên-lặng như tờ coi
chúng làm sao”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 73 đến câu 78):
-Đoạn trên ý nói cuộc đời diễn tiến như một vở
kịch, tất cả đều đi theo định luật bi, hoan, ly, hiệp mà nay sắp đến hồi tan
vỡ. Đức Thầy khuyên bá tánh hãy bình tâm mà xem cuộc cứu thế trợ dân của Ngài
ra sao ?
-Trên bước đường châu du độ thế, Đức Giáo Chủ
và ba ông Tớ (đệ tử) vừa báo tin cho người đời biết rõ cơ mầu nhiệm của Trời
đất và vừa giảng dạy Đạo lý, thức tỉnh vạn dân sớm cải ác tùng thiện quy y Phật
pháp. -Sở dĩ Đức Thầy giả dạng Điên Khùng khờ dại là ý muốn
cảnh giác những người thường cho mình là khôn lanh và số giả tu hay xưng hô lớn
lối, lừa bịp dân quê “Chớ không ra sức giúp đời điều chi”.(Sấm
Giảng Q.3). Còn đối với Ngài tuy mượn hiệu Điên Khùng nhưng:
“Khùng toán biết âm dương kết
liễu,
Khùng huyền cơ Khùng Đạo Thích
ca”.
(Diệu Pháp
Quang Minh)
Và:
“Điên như
ta Điên giống Tiên Rồng,
Điên gỡ
ách xích xiềng thế tục”.
(Diệu Pháp
Quang Minh)
CHÚ THÍCH:
TUỒNG ĐỜI: Tuồng là lối hát có cốt chuyện, có mạch lạc từ đầu
tới cuối “vở tuồng”. Đời là cả thế gian. Ý nói mọi cảnh trạng ở thế gian
đều có màn lớp và thay đổi mau lẹ như một tuồng hát trên sân khấu.
PHÁO CHÂM
NGÒI: Người ta vấn pháo có chừa cái ngòi trên đầu
cây pháo, trong ruột ngòi có thuốc pháo, nên khi dùng lửa châm vào đầu ngòi thì
pháo sẽ nổ.
Vậy
câu “Tuồng đời như pháo châm ngòi” là ý cho biết còn chẳng
mấy ngày nữa thì trận Đệ nhị Thế chiến bùng nổ, dân ta cũng bị ảnh hưởng cảnh
khổ ấy dẫn đến ngày hôm nay.
KHÙNG THỜI
BA TỚ MỘT THẦY: Vấn đề một Thầy ba
Tớ rất khó hiểu cho chính xác nên mấy lúc nay chúng tôi rất dè dặt ít khi bàn.
Bởi lẽ nhìn vào mặt thực thể thì có một Đức Huỳnh Giáo Chủ, nhưng nghiên cứu
toàn bộ sấm kinh của Ngài thì thấy có nhiều danh hiệu, và có cả một ông Thầy
cùng ba ông Tớ đồng sáng tác Sấm kinh và giáo hóa nhân sanh. Những danh hiệu
nói trên Đức Thầy chỉ cho biết các tiền kiếp và phần chơn linh mà thôi. Thế mà
mấy lúc nay có nhiều tín hữu không nghiên cứu kỹ, cứ nóng lòng đi tìm tòi thể
xác của ba ông Tớ nên có nhiều người bị lầm lạc đáng tiếc, bởi số người giả tu
mạo nhận.
Vậy tiền
kiếp và các danh hiệu một Thầy ba Tớ như thế nào ?
a.-Một Thầy:: Ông Thầy tức ông
xưng danh hiệu là Khùng. Trong bài Dặn dò Bổn đạo, Đức Thầy có xác
nhận:“Thầy Khùng trò lại hóa Điên”. Và trong Kệ Dân Q.2:
“Bởi chữ
Khùng của Phật của Thầy,
Chớ chẳng
phải của người lãng trí”.
Vậy
ông Khùng trước kia là ai ? Tức là Đức Phật Thầy Tây An, bởi
căn cứ vào câu giảng:“Khùng thời quê ngụ núi Sam”(Sấm Giảng, Q.1)
và “Lời của người di tịch núi Sam”. (Sấm Giảng,
Q.2)
Theo sử liệu,
lúc Đức Phật Thầy Tây An được nhà cầm quyền Châu Đốc trả tự do thì Ngài vào
chùa Tây An tại núi Sam làm nơi thuyết giáo và sau Ngài cũng viên tịch tại đó.
Thêm bằng
chứng nữa, Đức Phật Thầy khi xưa có mật truyền cho ông Đạo Thắng (Nội tổ của
ông Bảy Còn) một bài thi khoán thủ bát cú, mỗi câu có hai chữ:
“Đạt Đạo
Ngao Du Châu Vi Viễn Cận”.
(Nếu viết
ra chữ Hán thì 8 chữ đầu đều thuộc bộ Xước).
Ngài dặn:
“Nếu sau
nầy người nào viết được bài thi y như vậy là Ngài tái sinh trở lại”.
Trước khi
tịch, ông Đạo Thắng có truyền lại cho ông Bảy Còn. Khi Đức Thầy khai Đạo, ông
Bảy từ xã Long Kiến lên thăm, Đức Thầy liền viết bài thơ ấy ngay trước
mặt ông Bảy không sai một chữ.
Lại nữa,
Đức Phật Thầy Tây An có lời tiên tri rằng:
“Chừng nào
gốc mục lên chồi,
Ta vưng
sắc lịnh tái hồi trần gian”.
Đến năm
1939, Đức Thầy ra đời thì nơi gốc dầu mục trước cửa chùa Tây An Cổ tự xã Long
Kiến có mọc lên một cái chồi dầu nhỏ cao 7 tấc, ứng nghiệm vào lời tiên tri nói
trên.
Việc tái
hồi trần gian, trong bài “Diệu Pháp Quang Minh” Đức Thầy đã nói:
“Cặp mắt
Thánh dòm xem tứ hải,
Thương
hồng trần mượn xác tái sanh”.
Và trong
bài giảng khác Ngài cho biết:
“Bàn tay
lật ngữa vậy mà,
Chớ đừng
lật sấp vì Thầy tái sanh”.
(Từ Giã
Làng Nhơn Nghĩa)
Qua những
sự kiện kể trên, chúng ta không ngần ngại nhìn nhận ông Thầy với danh
hiệu Khùng là Đức Phật Thầy Tây An.
b.-Ba Tớ: Là ba đệ tử theo sát
bên Đức Thầy trợ trưởng công việc giác chúng độ đời, nhưng các Ngài chỉ dùng
hóa thân ứng hiện, chớ trên thực tế là chỉ thấy có một Đức Thầy mà thôi. Vậy
ba ông Tớ đó là ai ?
1.- Ông Tớ
thứ nhứt xưng danh hiệu là Điên, như
Ngài từng cho biết:
“Cơ Trời
thế cuộc đổi xây,
Điên mới
theo Thầy xuống chốn phàm gian”.
(Sấm
Giảng, Q.1)
Hoặc là:
“Đến trung
tuần tháng tám ta cùng Đức Thầy mới tá hiệu Khùng Điên…”(Bài Sứ Mạng).
Ông Điên cũng
có hiệu là Ngọc Thanh mà Ngọc Thanh là đạo
hiệu của ông Cử Đa. Muốn xác minh điều nầy cần phải hiểu qua cuộc
đời tầm sư học Đạo của ông Cử.
Ông tên
thật là Nguyễn Đa, quê ở làng Phù Cát, huyện Bình Khê, tỉnh Qui Nhơn, vì thi đỗ
Cử Nhân (Võ Cử) nên người đời gọi ông là Cử Đa. Từ khi ông Cử thi đỗ thì cánh
chim bằng không ngớt tung bay đây đó để mưu cuộc hộ quốc tỳ dân, khi thì Ngài
đến phía Bắc miền Trung, khi thì vào Thuộc Nhiêu miền Nam, nhưng đi đến đâu ông
cũng gặp nhiều trở ngại. Sau rốt bước chân giang hồ của ông mới dừng lại tại
miền Thất Sơn. Khi ông đến đây chính là lúc ông Nguyễn Trung Trực thất trận ở
miền Đông lui về ẩn náu tại Hòn Chông, (Kiên Giang, 1862-1866). Ông Cử nhận
thấy nước nhà gặp hồi đen tối, không còn cách nào hơn là tìm nơi ẩn danh tu
tỉnh.
Trong
giảng Tà Lơn, Ông đã thốt:
“Hiếu
trung hai chữ phượng thờ,
Lâm tòng
dưỡng tánh đặng nhờ tấm thân”.
Khắp các
ngọn núi trong vùng Thất sơn đều có dấu chơn của ông lui tới. Cuộc đời tu tỉnh
của ông gặp nhiều gian truân khổ hải, bởi quân Pháp theo dõi, khủng bố đủ cách,
ông phải thoạt đó, thoạt đây ẩn tránh.
Sau rốt,
ông Cử từ Phú Quốc vượt biển về Giang Thành rồi lên núi Tà Lơn. Ở đây, ông được
Minh Sư (chơn linh Đức Phật Thầy) cơ truyền Phật pháp và đặt cho đạo hiệu là
Ngọc Thanh. Trong giảng Tà Lơn, ông Cử đã nói rõ:
“Hắc y đổi
lại cà sa,
Cải tên
đặt lại hiệu là Ngọc Thanh”.
Trong Sấm
Giảng Q.3, Đức Thầy đã viết:
“Phong
trần tâm đã rời ra,
Ngọc Thanh
là hiệu ai mà dám tranh”.
Thêm một
bằng chứng là Đức Thầy đi núi Tà Lơn, Ngài có dắt ông Biện Đài theo. Ông tò mò
xem cách thờ phượng nơi đây, đều đúng nghi thức của Đức Phật Thầy dạy mỗi bàn
chỉ thờ bức trần điều (đỏ) chớ không có tượng cốt gì hết. Và trong câu chuyện
đàm thoại, Đức Thầy có trả lời với ông lão ấy rằng:“ Đường nầy tôi
đã có đi rồi trong tiền kiếp”.
2.-Ông Tớ
thứ hai là Quan Thượng Đẳng Đại Thần Nguyễn
Trung Trực.
Ông Nguyễn
Trung Trực sau khi vị quốc vong thân tại Rạch Giá ngày 28/8 Mậu Thìn
(21-10-1868), ông được vua Tự Đức truy phong là Thượng Đẳng Đại Thần và đền thờ
Ngài tại Vĩnh Thanh Vân tỉnh lỵ Kiên Giang (Rạch Giá).
Bởi Nguyễn
Trung Trực trung hiếu lưỡng toàn nên sau khi bỏ xác, chơn linh ông được hiển
Thánh và theo sát chân Đức Phật Thầy (trường hợp nầy giống như Quan Công
Hầu, sau khi hiển thánh ông đến suối Ngọc Tuyền quy y với Trí Giả Thiền sư, sau
chứng Đạo là Già Lam Quan Đế).
Trong hai
bài thơ có đề cập đến Quan Thượng Đẳng Đại Thần do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng tác
năm Canh Thìn với tựa đề là “Lý lịch”:
“Thượng thẩm Đạo mầu nẻo cao sâu,
Đẳng đẳng
hãy làm chớ để lâu,
Đại pháp
Vô vi là chơn lý,
Thần làm
trọn vẹn chớ lo âu.
Huỳnh Long tự thế gần sanh chúng,
Bổn tánh Hòa thôn Hảo dĩ đầu,
Tiên cảnh thoát ly truyền bá kỷ,
Năng tầm Phật lý rạch từ câu”.
Thẩm xét hai bài thi trên chúng ta thấy hàm
dung bao ý nghĩa chứng minh rằng ông Nguyễn Trung Trực theo Đức Phật Thầy
chuyển kiếp lại độ đời, nhứt là bốn chữ khoán thủ “Thượng Đẳng Đại Thần”, bài
thi dưới chỉ danh tánh và nơi Ngài trở lại.
Thêm nữa, trong bài Đức Thầy cho ông Hương chủ
Bó ở Hòa Hảo có ẩn danh từ Trung Trực:“Trung Trực phò nguy đãi lịnh
thiên”. Để nhấn mạnh ý đó thêm hai câu trong bài thơ kế tiếp:
“Nhìn xem hiệu Lão trong thơ
ấy,
Tứ cú Nho gia đã cạn bày”.
Và trong bài nguyện Quy Y có đoạn:“Nam
mô Phật Tổ, Phật Thầy, Quan Thượng Đẳng Đại Thần, Chư Quan Cựu Thần…”.
Nhận xét những yếu điểm kể trên chúng ta không
còn chi ngờ vực mà phải nhìn nhận Quan Thượng đẳng Đại thần Nguyễn Trung Trực
là một trong ba ông Tớ cùng theo sát bên Đức Thầy độ chúng.
3.-Về ông Tớ thứ ba chúng tôi chưa tìm ra tài
liệu lịch sử nên chưa tiện viết ở đây.
Có điều chúng tôi xin nhắc lại, một
Thầy ba Tớ lúc bấy giờ chưa thể hiện thân xác, chỉ có ông Thầy (Đức
Phật Thầy Tây An) là Đức Huỳnh Giáo Chủ mà thôi. Vậy chúng ta không nên tìm tòi
ba ông Tớ bằng thể xác khác mà bị người ta gạt gẫm. Cứ lo tu hành đúng theo tôn
chỉ của Đức Thầy rồi đến Hội Long Vân sẽ biết rõ tất cả như Ngài đã cho biết:
“Đến chừng gặp Hội Rồng Mây,
Người đời mới biết Điên nầy là
ai”.
(Sấm Giảng, Q.1)
(Sấm Giảng, Q.1)
Cũng như Đức Thích ca còn trụ thế, trong hàng
đệ tử chưa biết ai là được kế truyền Chánh pháp, mặc dù đã có nhiều vị đắc lục
thông. Khi đến Linh Sơn hội, Đức Phật truyền tâm ấn cho Ngài Ca Diếp, bấy giờ
toàn thể mới biết Ngài Ca Diếp là vị Tổ thứ nhứt.
CHÁNH VĂN
79. “Bá-gia kẻ
thấp người cao,
Chừng thấy máu đào chúng mới
chịu tu.
Bây giờ giả dại giả ngu,
82. Cũng như Nhơn-Quí ở
tù ngày xưa.
Lúc này kẻ ghét người ưa,
Bị Điên nói bừa những việc vừa
qua.
Dương-trần biếm nhẻ gần xa,
86. Nói quỉ nói tà đây
cũng cam tâm”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 79 đến câu 86):
-Nhân loại trong thế gian vì mãi đắm say vật
dục, nên ít ai nghĩ đến việc tu hành. Đợi khi gặp cảnh chết chóc, khổ đau mới
chịu quay đầu hướng thiện. Đó là tâm lý chung của những người thiếu duyên kém
phước.
-Bởi gặp hồi vận bỉ, kẻ tà nịnh đặng thời, họ
dùng đủ mưu gian ác ám hại kẻ trung lương, khiến Nhơn Quý khi xưa phải lâm nạn.
Đức Thầy hiện nay cũng thế, vì chưa đến lúc hanh thông, công cuộc cứu đời của
Ngài không mấy thuận tiện, nên còn kẻ ghét người ưa. Nhưng lòng bác ái vị tha,
Ngài vẫn an tâm theo số phận, mặc cho tiếng đời nhạo chê, hủy báng.
CHÚ THÍCH:
MÁU ĐÀO: Máu đỏ như màu quả đào.
Đây chỉ cho cảnh giặc giã chết chóc (như chữ “máu hồng nhuộm rơi” đã chú thích
ở câu 52, Q.1).
NHƠN QUÝ: Là Tiết Nhơn Quý, có tên
là Tiết Lễ, sanh vào đời Đường, người ở Thái Bình Trang, huyện Long Môn, tỉnh
Sơn Tây (Trung Hoa). Thân phụ là Tiết Anh, thân mẫu là Phàn Thị, gia thế giàu
có, cha làm Viên ngoại trong vùng, song thân đều mất sớm.
Nhơn Quý có chí lớn, văn võ hơn người. Khi mới
tùng quân bị gian thần Trương Sĩ Quý yểm tài, lại lập mưu sát hại, bắt đi khám
địa huyệt, nhưng lại được bà Cửu Thiên ban cho nhiều phép lạ. Kế đó, họ gạt cả
anh em Nhơn Quý vào trong hang mà đốt. Chúng đinh ninh rằng anh em Nhơn Quý đã
chết, không ngờ được bà Cửu Thiên cứu thoát, đem về Tàn Vân Động ẩn mặt, chờ
đến ngày ra giúp Chúa.
Sau Nhơn Quý tạo được nhiều chiến công oanh
liệt, nhứt là giết Cáp Tô Văn, giải nguy cho vua Đường, và vượt bể về Trường An
cứu giá. Danh thế của Nhơn Quý vang lừng khắp chốn, còn số gian thần lại bị tội
vô cùng nhục nhã, nhưng con gái của Trương Sĩ Quý là vợ của Lý Đạo Tông (chú
của vua Đường) đã không bị giết lại nuôi lòng oán hận lập mưu xúi chồng làm
chiếu giả, triệu Nhơn Quý về kinh đãi tiệc, lại bỏ thuốc vào rượu cho Nhơn Quý
say bất tỉnh rồi khiêng bỏ vào phòng Quận Chúa (con gái của Đạo Tông) vu
oan cho Nhơn Quý làm điều chẳng tốt. Nhơn Quý phải cam chịu tù tội suốt ba năm.
Song trời đất đâu có phụ người trung nghĩa,
nên sau Nhơn Quý được minh oan, do sự nghiệp chân chính của một anh hùng trọn
đời chỉ biết vì nước vì dân; còn bọn gian nịnh phải bị rơi chiếc mặt nạ để đền
tội trước bàn cân công lý.
Đức Thầy nhắc điển tích trên đây ý nói vì thời
vận chưa được hanh thông, đời lắm tiểu nhân tham ác luôn tìm mọi cách ám hại
bậc hiền tài trung nghĩa nên Ngài phải giả dại giả ngu ẩn nhẫn đợi thời và cam
chịu tai nạn; cũng như trường hợp của Tiết Nhơn Quý lúc thời chưa sáng tỏ, bị
kẻ gian nịnh ghét ganh âm mưu ám hại.
NÓI BỪA: Nói thí, nói đại, hình như
không suy nghĩ dè dặt, nhưng đây là tiếng bình dân dùng để nói khiêm nhượng
hoặc để cho bậc kém học dễ nghe dễ hiểu. Có lần Đức Thầy giả người bán thuốc
dạo, gặp kẻ đau răng Ngài liền nhổ giúp được êm tốt. Ngài nói:“Ghé vào
nhà nọ nhổ bừa cái răng”. (Sấm Giảng Q.1)
BIẾM NHẼ: Chê cười, nhạo báng.
CAM TÂM: Đành lòng, thỏa thuận
nhận chịu. Ví dụ: cho dù khổ khó, nhọc nhằn đến đâu cũng cam tâm.
CHÁNH VĂN
87. “Ngồi buồn nhớ chuyện
xa-xăm,
Dạo trong Bảy-Núi cười thầm
sư-mang.
Nói rằng lòng chẳng ham sang,
90. Sao còn ham của
thế-gian làm gì ?
Việc này thôi quá lạ kỳ,
Cũng trong Phật-Giáo sao thì
chê khen.
Lúc này tâm trí rối beng,
94. Tiếng quyển tiếng kèn
mặc ý bá-gia.
Hết gần rồi lại tới xa,
96. Dân-sự nhà nhà bàn
tán cười chơi”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 87 đến câu 96):
-Trước khi sáng tác Sấm Kinh, Đức Thầy có khi
dạo khắp miền Thất Sơn, thấy có số Tăng Sư tu hành giả dối. Là một Đạo sư ở
chùa am vì phải ly gia cắt ái, giới luật tinh nghiêm, nghiên cứu Kệ Kinh, trau
giồi Trí Huệ để độ thoát kẻ còn mê, họ lại diện cái vẻ đạo mạo bên ngoài, chớ
thật thể bên trong thì nào là vợ con, tiền bạc, tranh giành đất cát, chùa chiền
v.v…Ngoài ra họ còn bày việc cho xâm, bói quẻ, cầu siêu làm đám để mong bá tánh
dâng cúng bạc tiền. Thế thì có khác chi người thế sự.
-Đề cập đến đoạn nầy thì Đức Thầy cũng than:“
Đồng là một đạo Phật sao còn những tiếng chê khen..”.
Nhưng đây là nhiệt tâm của Ngài:
“Thấy lạc lầm khuyên nhủ ít lời,
Chớ nào có ngạo chi Tăng chúng”.
(Giác Mê Tâm Kệ, Q.4)
-Lúc bấy giờ Đức Thầy đang dồn hết tâm lực
vào công việc giác chúng độ đời, thể hiện lòng từ ái đối với vạn loại
chúng sanh:
“Dầu gian lao dạ sắt chẳng sờn,
Miễn sanh chúng thông đường
giải thoát”.
(Sa Đéc)
CHÚ THÍCH:
BẢY NÚI: Nghĩa của chữ Thất sơn,
tức là bảy núi ở vùng tỉnh Châu Đốc, gần biên thùy Miên-Việt. Bảy ngọn núi ấy
gồm có:
1.- Anh Vũ sơn (núi Két): Cao 125m, thuộc xã
Thới Sơn, quận Tịnh Biên (Châu Đốc). Sở dĩ núi nầy lấy tên núi Két, là vì trên
chót mỏm đá giống hình mỏ chim két.
2.- Ngũ Hồ sơn (Núi Dài Năm Giếng, gần núi
Két): Chưa biết rõ cao bao nhiêu thước, trên giữa núi có 5 giếng nước nhỏ.
3.- Thiên Cẩm sơn (núi Gấm Trời): Cũng có tên
là núi Cấm, cao 716m, dài 7.500m, ngang 6.800m, nằm giữa hai quận Tịnh Biên và
Tri Tôn (Châu Đốc). Núi nầy khi xưa có tên núi Gấm. Có lẽ vì các rặng cây xanh
và các chỏm đá trắng, trên núi có “Tứ vi mây phủ nhiễu đoanh” mà
hiện ra màu gấm vóc đẹp xinh. Nhưng sau nầy có mang tên núi Cấm là vì khi xưa
Hoàng tử Nguyễn Ánh bị giặc Tây Sơn truy nã, có ẩn ánh tại núi nầy, các quan ra
lịnh cấm không cho dân chúng đến, viện lẽ nói nơi đây có nhiều ác thú.
-Cũng có người cho rằng vì Đức Phật Thầy Tây
An tiên tri ngày sau tại núi nầy sẽ có đền vàng điện ngọc của Thánh Vương, nên
Ngài cấm các đệ tử không cho cất chùa hay ở trên nầy để tránh sự làm ô uế non
linh. Điều nầy, Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng có căn dặn tín đồ như thế.
4/- Liên Hoa sơn (núi Tượng): Cao 115m, dài
600m, ngang 400m, thuộc xã Ba Chúc, quận Tri Tôn (Châu Đốc). Sở dĩ có tên núi
Tượng vì đứng xa nhìn lên chót thấy giống hình con voi.
5/- Thủy Đài sơn (núi Nước gần núi Tượng): Cao
50m, cùng thôn với núi Tượng.
6/- Ngoạ Long sơn (núi Dài): Cao 580m, dài
8.000m, thuộc quận Tri Tôn (Châu Đốc). Người ta đặt tên như thế vì núi nầy dài
tới 8 cây số ngàn giống hình con rồng nằm.
7/- Phụng Hoàng sơn (núi Tô): Cao 614m, dài
5.800m, ngang 3.700m, thuộc quận Tri Tôn (Châu Đốc).
Trên đây là dẫn theo tài liệu nhiều người kể
lại, nhưng xét ra miền bảy núi còn có nhiều ngọn núi nữa, như núi Trà Sư, núi
Bà Đội Om, núi Nam Vi, v.v…Vì vậy nên danh từ Thất sơn (bảy núi) còn có nghĩa
chỉ chung tầt cả đồi núi thuộc tỉnh Châu Đốc.
Ông Ba Thới có câu:
“Mắt đoái nhìn Tiên cảnh Thất sơn,
Ngùi ngùi nhớ Chúa đội ơn lộc Thầy”.
Đức Thầy nay cũng bảo:
“Miền bảy núi mà sau báu quí”.(Kệ Dân, Q.2)
Hoặc là:
“Trên Bảy Núi còn nhiều báu lạ,
Rán tu tâm dưỡng tánh coi đời”.(Kệ Dân, Q.2)
SƯ MANG: Sư là nhà Sư hay Thầy Tu. Mang là mang hình thức
đạo mạo. Nghĩa bóng chỉ cho người tu giả dối. Lúc Đức Thầy đi dạo Lục châu đến
miền Bảy núi, thấy có số sư tăng đã vào hàng xuất gia nhưng hành động không
đúng quy luật của một tăng sư. Họ chỉ khoác chiếc áo nhà tu bên ngoài, lừa bịp
bá tánh dâng cúng tiền bạc, để ngồi không thụ hưởng.
Đức Thầy
kêu gọi số người ấy:
“Mang tiếng xuất gia sao chẳng
liệu,
Đạo đức xong chưa hỡi chư Tăng”.
(bài Khuyên Sư Vãi)
Và Ngài hằng khuyên:
“Khuyên Sư Vãi bớt dùng của thế,
Gắng công tu đặng có xem đời,
Tu thật tâm thì được thảnh thơi,
Tu giả dối thì lao thì lý”.(Kệ Dân, Q.2)
HAM CỦA THẾ GIAN: Chỉ các Sư tăng ở chùa,
núi còn tham tiền, của do bá tánh thập phương dâng cúng.
RỐI BENG: Lộn xộn, nhiều việc rắc rối.
TIẾNG QUYỂN TIẾNG KÈN: Do thành ngữ “giọng kèn
giọng quyển”. Nghĩa bóng là lời dệt thêu dịu ngọt, nghe êm tai, nhưng không
chơn thật.
MẶC Ý: Tùy ý, không nghĩ, không kể
đến.
BÀN TÁN: Do câu “bàn ra nói vào”.
Ý chỉ kẻ nói thế nầy, người nói thế khác, khen chê đủ cách.
CHÁNH VĂN
97. “Chuyện này
cũng lắm tuyệt-vời,
Giả như Hàn-Tín đợi thời lòn
trôn.
Đến sau danh nổi như cồn,
100. Làm cho Hạng-Võ mất hồn mấy
khi.
Chuyện xưa thanh-sử còn ghi,
Khen anh Hàn-Tín vậy thì mưu
cao.
Chuyện đời phải có trước sau,
104. Điên Khùng khờ dại mà cao tu
hành”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 97 đến câu 104):
-Đoạn giảng trên Đức Thầy nhắc tích Hàn Tín và
Hạng Võ là hai bậc kỳ tài đất Trung Hoa. Nhận thấy tuy Hạng Võ có sức địch muôn
người, binh hùng, tướng dõng ồ ạt, nhưng lại dùng bạo lực theo bá đạo (dĩ lực
trị dân giả bá), nên kết cuộc phải thất bại chua cay.
-Còn Hàn Tín tuy yếu sức, nhưng có tài thao
lược, đức nhẫn cao, lại theo kế hoạch của Trương Lương và chủ trương đường lối
vương đạo của Lưu Bang (dĩ đức trị dân giả vương) nên sau được toàn
thắng.
Ở đây Đức Thầy muốn nêu lên đức nhẫn nhục của
Hàn Tín, mặc dù Tín thừa sức trừ bọn thiếu niên tại
chợ Hoài Âm nhưng lúc chưa phải thời cơ Tín
đành ẩn nhẫn:
“Gương trước Hớn Tần, Hàn Tín
nhẫn,
Đã không khổ nhục khỏi ưu
phiền”.
(Nhẫn Đợi Thời Cơ)
Hiện nay công cuộc cứu thế độ dân của Đức Thầy
dưới thời Pháp thuộc, nên Ngài phải giả dại giả ngu mà:“ Ẩn nhẫn hoài chờ
đợi vận hanh thông”.(Nhẫn Đợi Thời Cơ). Hay là:
“Đợi cơ thiên địa xây vần đến,
Chờ cuộc phong lôi đổi vận
lành”.
(Gởi Bác sĩ Cao Triều Lợi)
CHÚ THÍCH:
TUYỆT VỜI: Cực kỳ, cao xa rất mực.
“Chim hồng bay bổng tuyệt vời”.(truyện Kiều)
HÀN TÍN: Người ở đất Hoài Âm, nước
Sở (Trung Hoa) sanh thời Tần, Hớn và Sở. Nhà rất nghèo, Tín thường đi câu cá
đổi gạo; lắm khi cơm chẳng đủ no, Tín phải ăn nhờ nơi bà Phiếu Mẫu, nhưng Tín
tích cực học hành binh pháp và lúc nào cũng mang theo mình một thanh kiếm.
Ngày nọ, Tín đem cá ra chợ bán, có bọn thanh
niên côn đồ, đứa cầm đầu nhục mạ và bảo Tín:“Nếu khôngdám giết hắn thì phải
luồn qua trôn hắn mà đi”. Qua phút suy nghĩ kỹ, Tín liền cúi mình chun luồn
qua trôn kẻ côn đồ. Mọi người ở chợ cười vang lên chê Tín là hèn nhát. Duy chỉ
có thầy tướng số tên Hứa Phụ biết Tín là bậc nhân tài chưa gặp vận.
Khi chú cháu Hạng Võ khởi nghĩa đánh Tần. Tín
tìm đến đầu quân, nhưng họ Hạng không rõ chê Tín là kẻ luồn trôn vô dụng, cho
Tín làm quân vác kích theo hầu, mặc dầu quân sư Phạm Tăng biết Tín có tài, đã
nhiều lần tiến cử song Hạng Võ vẫn không nghe.
Lúc bấy giờ Hán Vương (Lưu Bang) chuẩn bị đánh
Sở, binh mã đầy đủ, nhưng còn thiếu một viên đại tướng, chỉ huy quân đội trong
cuộc đông chinh nên Trương Lương phải đi tìm bậc kỳ tài để giao phó chức vụ tối
quan trọng ấy. Ngày nọ nhân khi ghé nhà Hạng Bá (chú Hạng Võ), Trương Lương bắt
gặp trên bàn một tờ biểu của Tín bày tỏ về việc chính trị lợi hại với chú cháu
Hạng Võ. Trương Lương toát mồ hôi nghĩ rằng: nếu người khác biết dụng Tín sẽ
chiếm cả thiên hạ. Trương Lương tìm cách dụ được Tín và viết mật thư giới thiệu
với Lưu Bang, nhưng Lưu Bang cũng chưa rõ được tài nên chỉ cho Tín làm quan giữ
kho lương thực. Sau nhờ Tiêu Hà và Hạ Hầu Anh hết lòng tiến cử và Hàn Tín đưa
thư giới thiệu ra, Lưu Bang mới trọng dụng, đoạn làm lễ Bái Tướng phong Tín làm
Phá Sở Đại Nguyên soái, điều khiển ba quân đánh Sở.
Qua thời gian huấn luyện binh tướng tinh thông
chiến pháp. Tín đem quân đánh chiếm các nơi; đi đến đâu giặc đều tan vỡ đến đó.
Các nước Tề, Yên, Triệu bao lần phải khiếp uy, binh tướng của Hạng Võ mấy lượt
phải mất vía kinh hồn trước tài hành quân thần tốc đầy thao lược của Tín. Nhứt
là trận đánh ở Huỳnh Đương, tiêu diệt hơn 20 vạn quân của Hạng Võ; và trận đại
chiến ở Củu Lý Sơn một trận quyết định sự tồn vong giữa Hán và Sở làm cho quân
Sở hoàn toàn tan rã. Hạng Võ phải chấm dứt cuộc đời uy dũng ở bến Ô Giang, bởi
không địch nổi với mưu lược của vị anh hùng đất Hoài Âm.
Đức Thầy nhắc điển tích trên đây, ý muốn nói
vì thời vận chưa đến, Ngài phải ẩn nhẫn đợi thời và cam chịu lắm nỗi gian
truân, thế nhân khinh bỉ, nhưng đến một ngày kia, Ngài sẽ:
“Đem tài thao lược giúp non
sông”.
(bài Dụng Kinh Quyền)
Thì:
“Sau danh thể xạ hương khắp
chốn”.
(Kệ Dân, Q.2)
Và chừng đó:
“Bá gia mới biết người Khùng là
ai”.
(Sấm Giảng, Q.1)
HẠNG VÕ: Người ở Hạ Tượng, thuộc
Cối Kê (Trung Hoa) tên là Tịch, sức mạnh cử cái đỉnh ngàn cân. Vào thời Tần Sở
không ai đánh lại. Trong cuộc diệt nhà Tần, vì tánh háo sát mà không được lòng
quân dân nên vào Bá Tượng (Hàm Dương) sau Lưu Bang. Hạng ỷ mạnh phụ lời ước
hẹn, giành làm vua Tây Sở Bá Vương và đẩy Lưu Bang (Hán Trung Vương) vào Bao
Trung. Sau Võ phải đánh với binh Hán ròng rã 6 năm, bao phen phải thất điên bát
đảo trước tài chỉ huy mưu lược của Hàn Tín, rốt cuộc Hạng Võ phải bỏ mình
tại bến Ô Giang.
THANH SỬ: Cũng gọi là sử xanh. Thời
xưa ngành ấn loát và việc chế tạo giấy chưa có, nên nhà chép sử phải dùng tre
cật xanh để ghi chép cho dễ nhớ. Nhân đó gọi sử ký bằng thanh sử hay sử xanh.
Đại Nam Quốc sử Diễn ca có câu:
“Lam đài dừng bút thảnh thơi,
Dâng đem quốc ngữ diễn lời sử xanh”.
TU HÀNH: Xem chú thích đoạn 4, Bài
Sứ mạng.
Đăng nhận xét