CHÚ GIẢI SẤM GIẢNG QUYỂN 1 KHUYÊN NGƯỜI ĐỜI TU NIỆM
Chú Giải từ câu 209 – 300 (Quyển I)
CHÁNH VĂN
209. “Thầy chùa như thể cây sơn,
Ngoài da coi chắc trong thời
mối ăn.
Buồn thay cho lũ ác-tăng,
212. Làm điều dối thế cho hư Đạo-mầu.
Di-Đà Phật-Tổ thêm rầu,
Giận trong tăng-chúng sao lừa
dối dân.
Có thân chẳng liệu lấy thân,
Tu như lối cũ mau gần
Diêm-vương.
Bá-gia lầm lạc đáng thương,
218. Nên trước Phật đường thọ lãnh
dạy dân”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 209 đến câu 218):
-Đoạn giảng trên cho biết giữa thời mạt pháp
có số người tu hành giả dối họ chỉ chưng diện bên ngoài với mớ hình thức nhà
tu, nhưng thâm tâm của họ thì còn ô nhiễm tài sắc vị danh. Thay vì lo nghiên
cứu kệ kinh, trau giồi trí tuệ để trực kiến bản tâm hầu dìu dắt nhơn sanh đi
tầm chơn lý, họ lại bày ra cúng kiếng lễ mễ đặng mưu cầu lợi lộc, làm cho thiện
nam tín nữ hướng theo âm thanh sắc tướng mà lạc mất đạo tâm:“Sắc tướng thinh
âm chư ngoại giáo, chơn truyền cụ thất đạo nan thành”, do đó mà đạo Phật
suy đồi.
-Đức A Di Đà và Phật Tổ rất xót thương cho số
người không thật tâm hành đạo ấy, nên các Ngài sắc lịnh cho Đức Thầy lâm phàm
hưng truyền chánh pháp, kêu gọi số người giả tu sớm lo liệu trở về với chánh
đạo vô vi, xa lìa sắc tướng. Nếu ai còn tu theo con đường cũ ấy, ắt khó được
thoát ly Địa ngục
CHÚ THÍCH:
THẦY CHÙA: Các thầy mang hình thức
nhà tu ở chùa. Đây chỉ cho những người tu sai chơn lý của Đạo Phật. Họ chuyên đi
làm đám tụng kinh cầu siêu để lấy tiền của bá tánh (gọi là tiền đi công đức),
không thật tâm hành đạo. Tuy thân đã xuất gia vào chùa ở (cây sơn), nhưng tâm
chẳng ly gia cắt ái chút nào; họ vẫn chứa giữ tiền của, có vợ con như
người thế tục. Bên ngoài thì khoác chiếc áo nhà tu (ngoài da) nhưng bên trong
chẳng có chút gì đạo đức (mối ăn).
Trong Kinh Pháp Diệt Tận, Phật nói:“Pháp
dục diệt thời, chư ma sa môn, hoại loạn ngộ đạo, trước tục y thường, nhạo hảo
ca sa ngũ sắc y phục. Bất tu giới giải
đãi, bất dục thanh văn, bất nhạo đọc tụng kinh
luật, thuyết hữu độc giả, bất tức tự cú”.(Trong thời kỳ Phật pháp
sắp hết thì có chúng ma vào ở trong chùa giả làm sa môn để phá hoại đạo
của ta, mặc áo quần theo thế tục, ưa đắp y ca sa năm sắc. Không tu giới
luật chán mỏi biếng lười, không muốn đi nghe pháp, chẳng thích đọc tụng
kinh luật, dù có đọc đi nữa, cũng không hiểu nghĩa chữ ý câu).
Đức Giáo Chủ nay cũng hằng cảnh tỉnh:
“Chớ giả dối mà mang sắc áo,
Mượn bồ đề chuỗi hột lòe người.
Làm cho dân khinh dể ngạo cười,
Tội lỗi ấy luật nào dung thứ.
Tu còn ham chay to đám bự,
Đặng thế gian dưng cúng bạc
tiền.
Dối rằng lo tu bổ chùa chiền,
Mà làm của xài riêng cho thỏa”.
(Khuyến Thiện, Q.5)
ÁC TĂNG: Thầy tu dối thế, giả tu
hành để làm điều tội ác. Ca dao có câu:
“Ác tăng đội lốt nhà tu,
Gặp cô gái đẹp, bỏ chùa đi theo”.
Đức Thầy cũng thức tỉnh hạng người nói trên:
“Khuyên
trong sư vãi mau mau tỉnh,
Luân hồi
quả báo rất công bằng.
Mang tiếng xuất gia sao chẳng
liệu,
Đạo đức xong chưa hỡi chư tăng”.
(Khuyên Sư Vãi)
DI ĐÀ: (Xem chú thích câu 187,
Q.1)
PHẬT TỔ: Chỉ Đức Thích Ca Mâu Ni
Phật.
TU THEO LỐI CŨ: Tu theo lối của Thần Tú
bên Trung Hoa, chỉ chú trọng về thinh âm sắc tướng làm sai lạc chánh pháp vô vi
của đạo Phật. Họ bày ra cúng kiếng chè xôi, làm chay đàn, đốt lầu kho, xá mã
giấy tiền vàng bạc.v.v…do đó, làm cho đạo Phật bị mờ lu, người đời nhạo báng.
Trong Kệ Dân quyển Nhì, Đức Thầy đã diễn tả:
“Xưa Thần Tú bày điều tà mị,
Mà dắt dìu bá tánh đời Đường.
Thấy chúng sanh lầm lạc đáng
thương,
Cõi âm phủ đâu ăn của hối.
Đúc Phật lớn chùa cao bối rối,
Mà làm cho Phật giáo suy đồi.
Tu vô vi chớ cúng chè xôi,
Phật chẳng muốn chúng sanh lo
lót”.
(Kệ Dân, Q. 2)
DIÊM VƯƠNG: Phạn ngữ Nyama, dịch là
Diêm La, hoặc Diêm Ma hay Diêm Vương, tức là vua cõi âm phủ (cõi địa ngục).
Ngài thống trị cõi ấy, dùng phép bình đẳng mà trừng trị những vong hồn đã phạm
tội ở dương gian. Ngài còn có những tên: Diêm Ma Pháp Vương, Bình Đẳng Vương.
Bởi Diêm Vương làm vua cõi Diêm ma (cõi địa ngục), thường khuyến khích kẻ làm
lành, trừng trị kẻ ác nên gọi là Pháp Vương. Và Ngài lấy lẽ công bằng mà
trừng trị kẻ tội ác một mực bình đẳng, chớ không hề tư vị nên gọi là Bình Đẳng
Vương.
Đức Thầy có câu:
“Ngục môn đầy quỷ vô thường,
Dắt hồn kẻ bạo Diêm Vương luật
trừng”.
(Đến Làng Nhơn Nghĩa)
PHẬT ĐƯỜNG: (Xem chú thích câu 22, Q.1)
CHÁNH VĂN
219. “Dương trần nhiều kẻ ham sân,
Cứ theo biếm nhẻ xa gần người
Điên.
Lòng buồn mượn lấy bút nghiên,
222. Viết cho trần hạ bớt phiền lo tu.
Thương đời chớ chẳng kiếm xu,
Buồn cho bá-tánh hết mù tới đui.
Có chi mà gọi rằng vui,
Khắp trong bá-tánh gặp hồi gian
lao.
Từ đây hay ốm hay đau,
228. Rán tu đem được Phật vào trong
tâm”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 219 đến câu 228):
-Đoạn nầy ý nói lòng người đầy dẫy sân si, tà
kiến, không phân biệt được giả chơn; thấy Đức Thầy khuyên dạy, chẳng chịu tin
nghe lại còn khinh khi nhạo báng. Ngài viết ra kệ giảng là vì bởi lòng từ bi,
muốn cho mọi người biết tỉnh tâm tu niệm, thế mà bá tánh còn ngờ vực.
-Ngài cũng báo tin cho vạn dân được rõ cuộc
thế từ đây rất nhiều gian khổ. Song đã tu hành thì phải nương theo Phật pháp
rèn luyện cho tâm mình trở thành Tâm Phật, ấy là đặng kết quả cao quý.
CHÚ THÍCH:
HAM SÂN: Thích nóng giận. Sân là
một điều ác trong ý nghiệp (Sân Nộ). Tánh sân hận gây ra tai hại lớn lao: “giận
mất khôn”. Kinh Phật bảo:“Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai”.(Một
niệm nóng giận nổi lên thì muôn cửa tội chướng đều mở rộng).
Đức Thầy cũng bảo:“Cơn giận làm cho con
người cuồng trí, mất sự tự chủ, trở nên dữ dằn bạo tợn, chẳng còn nghĩ đến việc
công bình lẽ phải trái”.(Bàn Luận về Tam Nghiệp – Ác Sân Nộ).
BÚT NGHIÊN: Cây viết và nghiên mực
(bình mực). Ý chỉ về sự học hành hay sự nghiệp văn chương.
“Theo đòi cũng thể bút nghiên,
Thua em kém chị cũng nên hổ mình”.(Ca dao)
HẾT MÙ TỚI ĐUI: Mù và đui cũng đồng một nghĩa
là không thấy đường, nhưng ở đây muốn nói chúng sanh trước kia không biết đường
đạo nghĩa cũng đành; nay có Phật Tiên ra đời khuyến hóa, họ cũng không nhận
được để tu hành, trở lại còn khinh khi nhạo báng, nên nói là hết mù tới đui.
PHẬT VÀO TRONG TÂM: Vẫn biết nơi lòng mỗi
chúng sanh đều có Phật tánh “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật
tánh”, nhưng tại sao Đức Giáo Chủ lại bảo phải tu đem Phật vào tâm ?
Bởi lẽ Phật tánh của mỗi người còn ẩn sau bức màn vô minh dày bịt, nay hành giả
phải nương theo Giáo lý của Phật bên ngoài mà tu hành; hoặc hành Bát Chánh đạo
hoặc niệm Phật cho tâm được thanh tịnh và chánh niệm, tức phá được màn vô minh,
huệ nhựt hiện bày, tâm và Phật hòa nhau một đại thể (Phật tánh).
Như Đức Thầy đã dạy:
Tu cầu Phật hóa tánh tình,
Lưới mê chẳng buộc nhẹ mình
tiêu dao”.
(Khuyến Thiện, Q.5)
Ấy là được giải thoát.
CHÁNH VĂN
229. “Lời hiền nói rõ họa thâm,
Đặng cho bá-tánh tỉnh tâm tu
hành.
Ngày nay Điên mở Đạo lành,
232. Khắp trong lê-thứ được rành
đường tu.
Nay đà gần cuối mùa thu,
Hết ngu tới dại công-phu gần
thành.
Xác trần đạo-lý chưa rành,
236. Mấy ai mà được lòng thành với
Điên.
Điên này sẽ mở xích-xiềng,
Dắt-dìu bá tánh gần miền
Tiên-bang.
Không ham
danh-lợi giàu-sang,
240.
Mong cho bá-tánh được nhàn tấm thân”.
LƯỢC GIẢI
(Từ câu 229 đến câu 240):
–Đức Thầy khai Đạo giáo dân hướng thiện, lời sấm giảng của
Ngài là hồi chuông cảnh tỉnh những ai còn ngủ vùi trong màng danh lợi, hãy sớm
giác ngộ tu hành. Ngài cũng vạch rõ điều tội phước báo ứng và con đường đạo
hạnh cho thiện tín hành theo.
-Tuy Ngài
là bậc quán thông cơ pháp, nhưng lúc nào cũng khiêm nhượng trước bá tánh về đạo
lý. Vì thời cơ chưa đến nên Ngài phải giả dạng là điên, nhưng điên mà biết
thương dân mến nước, biết đem đạo mầu cứu vớt sanh linh.
“Điên như
ta Điên giống Tiên Rồng,
Điên gỡ
ách xích xiềng thế tục”.
(Diệu Pháp
Quang Minh)
-Lòng Ngài
chẳng còn vướng bận lợi danh, chỉ mong sao cho cả vạn dân đều thành tâm tu niệm
để sau nầy hưởng cảnh thanh bình an lạc.
“Ước mơ
thế giới lân Hòa Hảo,
Nhà Phật
con Tiên hé miệng cười”.
(Phòng
Vắng Đêm khuya)
CHÚ THÍCH:
HỌA THÂM: (Xem chú thích câu 12, Q.1)
TỈNH TÂM: Lòng tỉnh thức, sáng biết, hết mê lầm.
MÙA THU: Một năm có 4 mùa là Xuân, Hạ, Thu, Đông. Mùa Thu là mùa thứ ba trong
năm. Vậy cuối mùa thu là vào khoảng tháng 9 âm lịch.
CÔNG PHU: Gắng sức chuyên trì để
làm một sự việc gì, như việc ấy rất lớn lao phải có nhiều công phu tỉ mỉ làm
mới thành công, như công phu hành đạo. Đây chỉ cho công phu viết giảng khai Đạo
của Đức Thầy.
ĐẠO LÝ: (Xem chú thích câu 155,
Q.1)
XÍCH XIỀNG: Dây xích và dây xiềng, gông
cùm xiềng xích. Nghĩa bóng là giam mình trong vòng nô lệ, bị lệ thuộc. Chữ xích
xiềng ở đây chỉ cho sự trói buộc, giam hãm trong vòng trần tục, sanh tử luân
hồi.
Kinh Phật Bảo:“Sắc đẹp là gông cùm trói
buộc thân người, danh lợi, áo đẹp, món ngon, ruộng vườn nhà cửa là xiềng xích,
khiến cho người phải đọa trong Tam giới”. Đức Thầy giác tỉnh:
“Tham chi giả tạm của tiền,
Như chim vào lưới xích xiềng
trói thân”.
(Hoài Cổ)
CHÁNH VĂN
241. “Thường về chầu Phật tấu trần,
Cầu xin Phật-Tổ ban lần đức ơn.
Nay đà bày tỏ nguồn cơn,
244. Cho trong trần-hạ thiệt hơn tỏ
tường.
Phật, Trời thấy khổ thời thương,
Muốn cho lê-thứ thường thường
làm nhơn.
Đừng ham tranh-đấu thiệt hơn,
248. Tu niệm chớ sờn uổng lắm dân ôi !
Hồng-trần biển khổ thấy rồi,
Rán tu nhơn-đạo cho tròn mới
hay.
Đừng ham nói đắng nói cay,
252. Cay đắng sau này đau đớn,
sầu-bi”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 241 đến câu 252):
-Trong thời gian dạy đạo, Đức Thầy thường về
gặp Đức Phật Tổ trình bày hết mọi việc trong trần để cầu xin Đức Phật ban phước
lành cho chúng sanh khỏi tai nạn và tỉnh tâm tu niệm.
-Lòng từ bi của Trời Phật và Đức Thầy lúc nào
cũng nhủ lòng thương khắp sanh linh nên dạy bày cặn kẽ:
“Lời Thầy dạy thật là cặn kẽ,
Bao nhiêu tình bác ái góp tom”.
(Sa Đéc)
Để khuyên mọi người lo thi ân bố đức, chẳng
nên tranh đua, tham đắm vật chất mà làm gì. Bởi các thứ ấy đều là ảo ảnh phù
hoa, dầu ta có hơn thua dành dụm, đến khi “Nhắm mắt cũng nắm
hai tay”.(Khuyến Thiện, Q.5)
-Trên đường tu hành ai muốn đạt đến mục đích
cao quý, thì đừng “bán đồ nhi phế” mà luống uổng công phu từ trước, và chẳng
nên nao núng trước thử thách chông gai.
“Dầu cho gặp lắm hùm beo,
Từ bi vẫn niệm quyết leo khỏi
rừng”.
(Thu Đã Cuối)
Vậy mọi người nên nhận rõ cõi trần là bể khổ,
càng lặn hụp càng chuốt lấy đau sầu. Song muốn vượt qua khổ hải thì hành giả
phải xử trọn đạo Nhân là điều trước hết. Bởi Cổ Đức từng bảo:
“Dục tu Tiên đạo, Tiên tu Nhân đạo.
Nhân đạo bất tu, Tiên đạo viễn hỷ”.
(Muốn tu Đạo Tiên hay đạo Phật, trước phải tu
đạo Nhân, bằng Nhân đạo không tu thì đạo Tiên hay đạo Phật phải xa vậy).
-Đồng thời phải cẩn trọng lời nói, đừng để sơ
suất quán phạm, tức là ngăn chừa khẩu nghiệp để sau nầy khỏi vương mang những
điều sầu khổ.
CHÚ THÍCH:
TẤU TRẦN: Trình rõ mọi việc lên bề
trên.
PHẬT TỔ: Là Đức Thích Ca Mâu Ni,
bởi căn cứ theo Phật sử thì Ngài là vị Giáo Tổ sáng lập đạo Phật, nên được đời
xưng tụng Ngài là Phật Tổ.
Đức Thầy từng thốt:
“Hồi thuở trước Thích ca Phật
Tổ”.
Hoặc là:
“Nhớ thuở trước oai linh Phật
Tổ,
Phép thần thông trừ lũ Ma Vương.
Chốn rừng tòng ngồi chịu nắng
sương,
Tìm đạo lý hiến cho trần thế”.
(Khuyến Thiện, Q.5)
NGUỒN CƠN: Xem chú thích câu 39, Q.1
THIỆT HƠN TỎ TƯỜNG: Nói giác đác, cân nhắc
phải quấy lợi hại một cách rõ ràng.
LÀM NHƠN: Làm những việc phước
thiện, đạo đức đối với vạn loại chúng sanh.
TRANH ĐẤU THIỆT HƠN: Tranh đua giành giựt, hơn
thua cao thấp từ chút.
CHỚ SỜN: Không nao núng dời đổi. Ý
Đức Thầy cho biết trên con đường độ thế dù gặp nguy hiểm khó khăn thế nào Ngài
cũng không sờn lòng nản chí.
“Dù gian lao dạ sắt chẳng sờn”.(Sa Đéc)
HỒNG TRẦN BIỂN KHỔ: Hồng trần là bụi đỏ. Biển
khổ là sự khổ rất nhiều và rộng lớn như biển cả. Ý chỉ cõi đời đầy cát bụi nhớp
nhơ đau khổ, sự đau khổ trần lụy mênh mông vô bờ bến.
Nhà thơ Đoàn Như Khuê đã nói:
“Bể khổ mênh mông sóng lục trời,
Khách trần chèo một chiếc thuyền khơi.
Thuyền ai ngược gió, ai xuôi gió,
Gẫm lại cùng trong bể thảm thôi !”
Đức Phật bảo rằng:“ Đời là bể khổ, nước mắt
của chúng sanh khóc cảnh sanh ly, tử biệt từ vô thỉ đọng lại, nếu có chỗ chứa
còn nhiều hơn bể cả”.
Đức Thấy hằng bảo:
“Biển trần lao lý diệu vơi,
Khổ tâm chắc lưỡi chiều mơi
phủi rồi”.
(Viếng Làng Mỹ Hội Đông)
NHƠN ĐẠO: Cũng viết là nhân đạo,
tức là đạo làm người. Người ở đời phải đối xử với nhau cho tròn nhân nghĩa. Nam
có Ngũ Luân, Ngũ Thường; Nữ có Tam Tùng, Tứ Đức.(- Ngũ Luân: Quân thần, Phụ tử,
Phu phụ, Huynh đệ, Bằng hữu. – Ngũ thường: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. – Tam
tùng: Tùng phu, Tùng phụ, Tùng tử. – Tứ đức: Công, Ngôn, Dung, Hạnh.)
Ngoài những điểm trên, Đức Thầy còn
dạy:“ Đạo của con người kêu bằng “Đạo Nhân” và nó là một con đường
đi trúng thì sống bước trật tất chết.” hay là:“Muốn
làm tròn Nhân Đạo phải giữ vẹn Tứ Ân, nhưng trước hết hãy tránh Tam nghiệp và
chừa Thập ác, cũng như muốn làm giàu phải tránh đừng cho thiếu nợ”.
NÓI ĐẮNG NÓI CAY: Dùng lời lẽ sóc óc làm
đau đớn lòng người. Theo hai câu trên ý nói, nếu ta dùng lời cay đắng ác độc
đối với người thì sau nầy sẽ bị trả lại, Kinh sách thường nói:
“Phù sĩ xử thế, Phủ tại khẩu trung,
Sở dĩ trảm thân, Do kỳ ác ngô”.
(Luận kẻ ở đời như búa ở trong miệng, sở dĩ
chém mình là do lời nói ác).
Và Đức Phật Thầy cũng bảo:
“Voi kia ai mượn thài lay, (nói quấy)
Bởi mình lại muốn lấy dây buộc mình”.
CHÁNH VĂN
253. “Tu
hành tâm trí rán trì,
Sau này sẽ thấy việc gì trên
mây.
Đừng làm tàn-ác ham gây,
256. Sẽ có người này cứu vớt giùm cho.
Dương-trần lắm chuyện đôi co,
Phải dẹp vị-kỷ mà lo tu hành.
Kệ kinh tưởng-niệm cho sành,
260. Ngày sau thấy Phật đành rành
chẳng sai”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 253 đến câu 260):
-Đoạn giảng trên ý nói đã tu hành thì phải giữ
gìn tâm trí được thuần chánh thanh tịnh, tất sẽ đắc đạo và sau nầy đặng thấy
phép mầu của “Phật Tiên Thánh an bang cùng định quốc”(bài
Không Buồn Ngủ.)
Lúc bấy giờ cuộc chọn lọc rất hãi hùng mà cũng
rất công bằng, hiền còn dữ mất:
“Kẻ tà gian sau bị lửa thiêu,
Người tu niệm sống đời thượng
cổ”(Kệ Dân, Q.2)
-Nếu ai biết cải ác tùng thiện bỏ lòng sân si
ái ố, vị kỷ tham lam, sớm hôm lo nghiên cứu tưởng niệm kệ kinh, trau dồi tâm
đức thì mai sau có Đức Thầy độ rỗi và được kiến diện Phật Tiên trong ngày lập
hội.
CHÚ THÍCH:
TÂM TRÍ: TÂM có
2 thứ: vật chất và tinh thần.
a./ Về vật chất thì hiểu tâm
là trái tim “Nhục đoàn tâm”.
b./ Về tinh thần thì có
“Duyên Lự Tâm” và “Chân Như Tâm”.
–Duyên Lự Tâm là lòng dạ suy biết,
nghĩ ngợi lo lắng, duyên theo thất tình lục dục.
–Chân Như Tâm là cái tâm thường
còn không dời đổi, không hoại diệt, cũng gọi là Chân tâm hay Phật
tánh.
TRÍ: Cũng có hai:
a./ Thế Trí: Tức là phần khôn biết
trong tinh thần của con người ở thế gian. Trí nầy có giới hạn, hễ ai học hỏi
nhiều thì sáng biết nhiều, học hỏi ít thì sáng biết ít.
b./ Huệ Trí: Tức là cái trí sáng
biết thông suốt vô cùng tận, không vật gì làm ngăn lại được do công đức tu hành
khi diệt hết vô minh mà đặng.
Tâm và Trí đồng một Thể (Tánh): Tâm là Thể của Trí, Trí là Dụng của Tâm; Tâm ví
như ngọn đèn và Trí nhưánh sáng. Khi tâm muốn biết rõ việc chi thì
dùng Trí mà quán xét tìm hiểu rồi trao về cho Tâm quyết định. Đức Thầy có dạy:“Lấy
tâm làm chủ trì mọi việc, lấy Trí mà phán xét mọi việc trước khi ta sắp đưa cho
Tâm chủ trì…”(bài Trong việc Tu thân Xử kỷ).
Nói chung Tâm Trí (tức Thể và Dụng) là chủ tể
của xác thịt, là nguồn gốc của vũ trụ vạn hữu (Tướng): “Nhứt thiết duy Tâm tạo”. Tướng,
Thể, Dụng là ba mặt của Tâm ( vạn vật vạn pháp .)
Trong Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật bảo:
“Nhứt pháp sở sanh,
Tùy Tâm sở hiện,
Nhứt thiết nhân quả,
Thế giới vi trần,
Chân tâm thành thể”.
(Các pháp sanh ra là do nơi Tâm biến hiện. Mà
tất cả các pháp như nhân quả, phàm thánh, quyền thiệt, lớn như thế giới đến nhỏ
như bụi trần, đều do nơi Tâm mà hiện ra, cũng do nơi Tâm mà thành Thể).
Đức Thầy hiện nay cũng bảo:
“Địa ngục cũng tại Tâm làm quấy,
Về Thiên đàng Tâm ấy tạo ra.
Cái chữ Tâm mà Quỷ hay Ma,
Tiên hay Phật cũng là tại nó”.
( Giác Mê Tâm Kệ. Q.4)
Vậy câu:“Tu hành Tâm Trí rán trì” là
Đức Thầy dạy người tu hành rán giữ gìn tâm trí mãi mãi thuần chánh, yên tịnh,
sáng suốt, tức được kết quả.
VIỆC GÌ TRÊN MÂY: Nghiên cứu qua bộ Sấm Thi
của Đức Thầy ai cũng thấy, Ngài cho biết sau nầy sẽ
có nhiều việc xảy ra trong bầu trời, ở đây chỉ
nêu ra một vài trường hợp:
Trong bài Đến làng Nhơn Nghĩa, Ngài nói:
“Ôi khổ thảm bốn bề sóng dậy,
Dòm lưng Trời lửa cháy liên
miên.
Tiêu điều sản vật điền viên,
Thần thông biến hóa dưới miền
trung ương”.
Và trong Sấm Giảng, Q.3:
“Khuyên dân lòng chớ có sờn,
Rán tu thì được xem đờn trên
mây”.
ĐÔI CO: Cãi vã, phân biệt phải
trái.
VỊ KỶ: (Xem chú thích đoạn 1 Bài
Sứ Mạng).
KỆ KINH: Kệ theo Phạn ngữ (Scr.)
là Gàtha, phiên âm là Kệ-đà. Cũng đọc là Già-tha hay Già-đà, dịch là Tụng hay
Phúng tụng. Có nghĩa là kiệt, tức gồm thâu hết ý nghĩa.
KỆ là một thể văn trong
Kinh, thường cứ một thiên Kinh, thì có một bài Kệ để tán tụng hay diễn dịch,
tuyên giải cho rộng nghĩa ra. Kệ không hạn số câu, dài ngắn gì cũng được (xem
thêm PHTĐ của Đoàn Trung Còn ); thí dụ: bài Kệ Kiến Tánh của Đức Lục Tổ Huệ
Năng. bài Kệ trong Khuyến Thiện (Q.5) của Đức Huỳnh Giáo Chủ. Kệ từ 2 đến 7 chữ
một câu gọi là Biệt Kệ. Từ 8 đến 32 chữ gọi là Thông Kệ.
KINH: Phạn ngữ (Scr.) là Sutras,
phiên âm là Tu- đà-la, Tàu dịch là Khế kinh tức là Hiệp kinh (hợp với căn cơ
của mọi chúng sanh). Kinh là một trong ba tạng: Kinh, Luật, Luận. Lúc Đức Phật
còn trụ thế, Ngài tùy nghi mà thuyết pháp độ sanh. Sau các đại đệ tử họp nhau
kết tập lại, lưu truyền đến nay.
Kinh gồm có 12 bộ như sau:
1. Khế kinh: Tức là nói ngay những Văn Trường
Hàng trong các kinh.
2. Trùng tụng: Nói lập lại nghĩa trong Văn
trường Hàng các Kinh.
3. Thọ ký: Là Đức Như Lai vì các đệ tử mà thọ
ký sau sẽ thành Phật.
4. Già-đà-la: Những bài kệ, bài tụng trong các
Kinh.
5. Tự thuyết: Những điều không ai hỏi Phật,
nhưng Đức Phật biết rõ căn cơ tất cả mọi loài mà thuyết.
6. Nhân Duyên: Nhân có người hỏi, Phật mới
thuyết.
7. Bản Sanh: Đức Phật nói cội gốc tu hành của
các vị Bồ tát, những việc từng làm như thế nào mới tròn bổn phận của Bồ Tát.
8. Bản Sự: Đức Phật nói với các đệ tử và hàng
Thinh Văn thuật lại đời trước của Ngài và các đệ tử.
9. Phương Đẳng: Cũng gọi là Phương Quảng,
là các kinh điển Đại Thừa nghĩa lý rộng lớn như hư không.
10. Hy Hữu: Là trong các Kinh, Đức Phật dạy
những việc công đức sâu rộng ít có.
11. Thí Dụ: Đức Phật vì những người căn
trí cạn hẹp tối tăm mà thuyết pháp, mượn các vật và lời nói thí dụ để
giải bày chơn lý.
12. Luận Nghĩa: là Đức Phật trả lời những câu
hỏi của mọi người mà giải rộng nghĩa lý.
Lại nữa, trong A-Tỳ-Đàm Tâm Luận nói Kinh có 5
nghĩa:
1. Xuất Sanh: Phát sanh
có diệu nghĩa.
2. Tuyền Dõng: Nghĩa lý
như nguồn suối chảy không cùng tột.
3. Hiển Thị: là bày tỏ
các nghĩa lý.
4. Thằng Mặc: Phân biệt
tường tận lẽ tà chánh như nẻ dây mực.
5. Kiết Man: Gồm thâu
các pháp cụ túc như xâu chuỗi.
Trong Phật Địa Kinh Luận cũng nói:“Năng
quán năng nhiếp, Cố danh vi kinh (Hay thông suốt vạn pháp, lại cũng
hay thu nhiếp diệu nghĩa một cách thuần diệu, gọi là Kinh).
Xuyên qua các nghĩa nói trên, nhận thấy trong
Thi Văn Giáo lý của Đức Huỳnh Giáo Chủ có rất nhiều bài Kinh hoặc Kệ gồm đủ
tinh nghĩa của Tam Tạng Kinh Luật Luận, như bài Kệ trong quyển Khuyến Thiện,
bài Cho Ông Cò Tàu Hảo, Kệ Dân (Q.2),…
Và Ngài cũng từng nói:
“Rút trong các luật các kinh”.
(Dặn Dò Bổn đạo)
hoặc:
“Rừng rú Kệ Kinh cắt khoen rào”.
(Để Chơn Đất Bắc)
CHÁNH VĂN
261. “Lúc này thế-giới bi-ai,
Chẳng nói vắn dài Phật nọ tức
tâm
Mấy lời khuyên nhủ chẳng lầm,
264. Từ đây đạo hạnh được mầm
thanh-cao.
Hồng-trần lao-khổ xiết bao,
Khuyên trong lê-thứ bước vào
đường tu.
Xưa nay đạo-hạnh quá lu,
268. Ngày nay sáng tỏ đền bù ngày
xưa”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 261 đến câu 268):
-Lúc bấy giờ (1939) nhân loại cả thế giới đang
lâm vào cảnh buồn khổ, do cuộc Đệ nhị Thế chiến diễn ra. Đức Thầy kêu gọi nhân
sanh quay về nẻo đạo, nếu ai muốn tìm Phật khỏi cần phải lặn suối trèo non hay
nhọc công khổ hạnh, cứ trở về với nội tâm mình mà trau sửa. Bởi ngoài tâm không
có Phật, nếu hành giả cố gắng, như trong Giác Mê của Đức Phật Thầy Tây An có
dạy:
“Lọc lừa thì đặng nước trong,
Ma Phật
trong lòng lựa phải tìm đâu.”
-Thời gian
qua, tòa nhà đạo hạnh bị khói dị đoan che phủ, tà thuyết lấp ngăn, bao căn lành
bị vùi sâu trong tâm địa. Lời Khuyến Thiện của Đức Thầy là nguồn mưa pháp vừa
rửa sạch mây mù vừa làm cho những hạt giống lành được nứt mầm đâm tược. Từ đây
nền đạo hạnh sẽ được sáng tỏ bốn phương để bù lại những ngày đen tối trước kia.
CHÚ THÍCH:
THẾ GIỚI: (Xem chú thích đoạn 5 Bài Sứ Mạng).
BI AI: Buồn thảm đau đớn.
CHẲNG NÓI
VẮN DÀI: Nói rõ ta, không luận cao thấp dông dài
khó hiểu.
PHẬT NỌ
TỨC TÂM: Phật vốn nơi lòng mỗi người:”Nhứt thiết
chúng sanh giai hữu Phật tánh”. Song vì vô minh che mờ tâm trí, không nhận được
chơn tâm là Phật, mãi tìm kiếm viễn vông bên ngoài. Khi xưa vị Quốc Sư ở núi
Yên tử có nói với vua Trần Nhân Tôn, khi vua vào núi cầu đạo:“Núi vốn không
có Phật, chỉ có ở tâm, lắng tâm mà thấy, đấy gọi là Chơn Phật. Nay Bệ Hạ muốn
giác ngộ tâm ấy thì đứng ở trần gian mà tìm Phật, không phải khốn khổ cầu Phật
bên ngoài”.
Thế là tâm
chúng sanh và tâm Phật chỉ là một. Hễ còn vọng niệm, phiền não là chúng sanh;
bằng hết vọng niệm phiền não là Phật. Tâm mình còn mê là chúng sanh, tâm mình
giác ngộ tức là Phật. Vậy thì người muốn tìm Phật cứ xoay về bản tâm của mình
mà diệt trừ hết trần lao phiền não, đối với các cảnh tượng lành dữ mà tâm vẫn
như như bất động, chính đó là Phật rồi vậy.
Trong Khế Kinh có dạy:
“Thị Tâm tác Phật, thị Tâm thị Phật; ngoại Tâm
vô Phật, ngoại Phật vô Tâm”.
(Tâm ấy tạo tác ra Phật, tâm ấy chính là Phật.
Ngoài tâm không có Phật, ngoài Phật không có Tâm).
Đức Huỳnh Giáo Chủ nay cũng dạy:
“Phật tại tâm chớ có đâu xa,
Mà tìm
kiếm ở trên non núi”.
(Kệ Dân,
Q.2)
Và:
“Nhàn thanh
tìm kiếm, kiếm nơi tâm,
Phật cũ
ngày xưa hãy rán tầm”.
(Đến Làng
Nhơn Nghĩa)
MẦM: Chồi cây mới nhú lên, sự mới ướm phát của hột giống.
Ca dao có
câu:
“Sáng ngày
đem lúa ra ngâm,
Bao giờ
mọc mầm ta sẽ đem gieo”.
THANH CAO: Thanh nhã và cao thượng.
“Cho thanh cao mới được phần thanh cao
”(Truyện Kiều).
Đức Thầy cũng dạy:
“Thường trau giồi chí hướng cao
thanh,
Cho khỏi thẹn con lành Phật
giáo”.
(Kệ Dân, Q.2)
BƯỚC VÀO ĐƯỜNG TU: Nương theo đạo lý để lo trau
sửa thân tâm cho được trọn lành trọn sáng như chư vị Phật Tiên.
ĐẠO HẠNH: Đạo lý và hạnh đức. Người
có đạo đức và hạnh kiểm. Ở đây chỉ cho nền đại đạo. Trong Khuyến Thiện, Q.5,
Đức Thầy nói:
“Nền đại đạo lưu thông khắp cả,
Bực Tiên Hiền đều trọng Phật
gia”.
Hoặc là:
“Ngôn từ đạo hạnh ý Thầy
khuyên”.
CHÁNH VĂN
269. “Mặc tình kẻ ghét người ưa,
Điên chẳng nói thừa lại với
thứ-dân.
Quan-trường miệng nói vang rân,
272. Mà tâm dính chặt hồng-trần bụi
nhơ.
Buồn đời nên mới làm thơ,
Cũng còn tai lấp mắt ngơ mới kỳ.
Người đời lòng dạ bất tri,
276. Trông cho làm bịnh dị-kỳ nó coi”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 269 đến câu 276):
-Đoạn nầy ý nói trong giới quan chức thời Pháp
thuộc, thường ỷ mình có quyền tước cao sang bắt nạt dân chúng, lòng họ chứa đầy
gian tà tham ác.
-Lời cảnh tỉnh của Đức Thầy là sự thật, chẳng
chút sai ngoa, lừa dối; thế mà có nhiều người không để ý đến. Họ không nhận
được con đường đạo đức là cao quý thế nào, nên lúc Đức Thầy khai Đạo thuyết
Kinh và trị bịnh độ đời, họ chỉ tựu đến với tánh hiếu kỳ, muốn xem Ngài trị
bịnh, chớ không hề lưu ý đến lời lẽ Đạo.
CHÚ THÍCH:
THỨ DÂN: Thứ là đông; dân là người
thường, không chức tước. Thứ dân là dân đen, tiếng gọi chung người dân trong
nước.
QUAN TRƯỜNG: Trường quan lại, tức là
giới công chức. Đây chỉ cho những người làm việc dưới thời Pháp thuộc. Đức Thầy
kêu gọi các người ấy:
“Cả kêu kìa hỡi là ai,
Quan trường rời rứt mặt mày
chùi lau.
Lui chơn
ra khỏi cho mau,
Tìm trong lánh
đục tẩu đào mới ngoan”.
(Thiên Lý
Ca)
TAI LẤP
MẮT NGƠ: Do thành ngữ “mắt ngơ tai lấp”, có
nghĩa là chuyện trước mắt mà giả vờ như không nghe thấy cho qua đi.
Nhà Cách
mạng Phan văn Trị đã nói:
“Chưa trả
thù nhà đền nợ nước,
Dám đâu
mắt lấp với tai ngơ”.
Đây ý nói
lời lẽ khuyên tu của Đức Thầy bên tai, trước mắt dân chúng. Thế mà có nhiều
người giả như không nghe thấy.
BẤT TRI: Không biết hoặc không chú ý đến nên không biết gì
hết.
LÀM BỊNH
DỊ KỲ: Phương pháp điều trị bệnh nhơn khác hơn
bác sĩ và lương y thường; và bịnh đau nhiều chứng kỳ lạ. Lúc Đức Thầy mới ra
đời, Ngài chỉ dùng một ít lá cây, bông hoa hoặc giấy vàng, nước lã, thế mà trị
bịnh chi cũng lành hết, khỏi phải tốn tiền chi cả. Do đó, nhiều bịnh nan y như:
bịnh trùng, bịnh đậu, bịnh tả, điên cuồng.v.v…người ta tấp nập chở đến cho Ngài
trị, bá tánh quanh vùng, phần đông chỉ kéo đến xem, chớ ít ai chú ý đến lời
khuyên tu.
CHÁNH VĂN
277.
“Dương gian chậu úp được soi,
Giấu đầu
rồi lại cũng lòi sau đuôi.
Nói nhiều mà
dạ chẳng nguôi,
280.
Việc tu bá-tánh bắn lùi như tôm.
Tưởng Phật
được lúc đầu hôm,
282.
Đêm khuya muốn giựt nồi cơm của người”.
LƯỢC GIẢI
(Từ câu 277 đến câu 282):
-Ở đời
những kẻ hành động bất chánh, thường dùng đủ cách che giấu thiên hạ, nhưng chỉ
được một thời gian rồi cũng bày lộ chân tướng. Đức Thầy nhận thấy có vô số
người theo Đạo chỉ tinh tấn được ít lâu rồi thối chuyển, hoặc “bán đồ nhi phế”.
Lại có kẻ khác, xem đường Đạo hình như có cái gì bắt buộc khổ sở nên họ thụt
lùi chẳng dám bước vào.
-Ngoài ra
còn có số người giả tu, phô trương hình thức để che giấu việc làm gian xảo. Mỗi
chiều thì công phu bái sám, niệm kinh để cho ai cũng thấy mình là người tu hành
kỹ lưỡng, nhưng đêm lại thì tính toán mưu nầy kế nọ để lường giựt cơm tiền của
bá tánh. Lại còn hạng người khác chẳng lo trau giồi đạo đức, cứ mãi thổi lông
tìm vết chê cười thiên hạ.
Do đó, Đức
Thầy thường khuyến tỉnh họ:
“Tiên xử
kỷ hậu lai xử bỉ,
Bắt lỗi
người phải xét lỗi mình,
Vậy mới là
phải bực công bình,
Nẻo chánh trực
chí người quân tử”.
( Giác Mê
Tâm Kệ, Q.4 )
CHÚ THÍCH:
CHẬU ÚP
ĐƯỢC VOI: Cái chậu thì nhỏ, con voi thì lớn không
thể nào úp trọn vẹn. Dầu cho úp khuất cái đầu thì ló cái đuôi, bằng úp kín cái
đuôi cũng bày cái đầu ra. Đây chỉ cho người làm việc gian tà ám muội thì sớm
muộn gì thiên hạ cũng hay (giấu đầu lòi đuôi) và rốt cuộc chuốc lấy tai hại.
Như vào
đời Thương (Trung Hoa) có Trụ Vương đắm say sắc đẹp của Đắc Kỷ (nguyên là hồ ly
tinh). Đắc Kỷ gạt vua Trụ khi xây cất Bá Lộc Đài xong sẽ cho chư tiên giáng
thế. Vua Trụ tưởng thiệt tin theo. Đắc Kỷ thông tin cho quyến thuộc nhà chồn
hay. Kẻ biến tiên ông người hóa tiên cô đằng vân đến dự tiệc. Vua bắt Hoàng
thúc Tỷ Can đãi rượu, Tỷ Can bất mãn nhưng vì lịnh vua nên chẳng dám cãi. Các
giả tiên mê ăn uống say mèm, tà phép hết linh, ló đuôi ra ngoài, bay hơi chồn
nực mũi. Tỷ Can nhờ mạnh rượu không say, nên lẻn về bàn với Hoàng Phi Hổ cho
binh tướng theo dõi đám giả tiên. Bởi quá say, bọn ấy đằng vân không nổi đành
dìu nhau kéo bộ. Hoàng Phi Hổ chờ bọn giả tiên chui vào hang xong bèn ra lịnh
lấp củi vào miệng hang thiêu rụi hết. Lửa tắt, bươi tro ra thấy toàn là xác
chồn, hai người truyền lột da may áo hồ cừu dâng vào trào can vua.
CHẲNG
NGUÔI: Chẳng chịu bớt, chẳng vơi được cơn buồn
thương.
BẮN LÙI
NHƯ TÔM: Tôm là loại động vật không máu dưới
nước, vỏ mỏng cứng, mình cong có nhiều đốt, sáu chân hai râu, đuôi chẻ ba, đi
tới thì chậm, bắn lùi rất nhanh lẹ.
Bởi hiện
tình có số người tu, đáng lẽ càng ngày càng tinh tấn, đằng nầy họ cứ chần chờ
giãi đãi nên Đức Thầy ví như loài tôm hay bắn lùi.
Ngài cũng
hằng khuyên:
“Ít ai giữ
đặng chí bền,
Tu theo
nước lớn, ròng bèn thả trôi”.
(Khuyên
Người Giàu Lòng Phước Thiện)
Xưa, lúc
Đức Phật còn trụ thế, một hôm Ngài cùng các đệ tử đi ngang qua một cánh đồng có
một người nông phu đang cày ruộng. Anh thấy Phật có vầng hào quang sáng rỡ, oai
nghi đoan chánh, lòng anh rất hân hoan, toan đến lễ Phật xin quy y, nhưng chực
nhớ chuyện cày cấy chưa xong bèn tự nhủ:
“Thôi để khi
khác, bao giờ cày cấy gieo giống xong, rảnh rang ta sẽ đến nơi Phật xin quy y
cũng chẳng muộn”. Nghĩ thế rồi anh tiếp tục
việc đồng áng.
Phật biết
rõ ý niệm của anh nông phu kia nên mĩm cười. A Nan liền lễ Phật hỏi duyên cớ.
Phật đáp:
-Các ông
có thấy người đó chăng ? Anh đã trải qua 91 kiếp, gặp cả thảy 7 vị Phật ra đời.
Mỗi lần gặp Phật, anh đều hoan hỷ toan đến quy y lễ bái, nhưng nghĩ lại việc
mùa màng chưa xong bèn thôi, rồi cứ mãi chần chờ lây lất.. Đến nay gặp ta vừa
hoan hỷ đến quy y rồi cũng thối niệm, tự hẹn khi khác. Cứ như thế mà biết bao
lần sanh tử chuyển luân, việc cày cấy vẫn chưa xong và cũng vẫn chưa được quy y
Tam Bảo.
Anh nông
phu nghe Phật nói tiền nghiệp giãi đãi của mình, giật mình kinh sợ tự hối,
buông cày đến lễ Phật cầu xin thọ giới quy y.
Xuyên qua
mẩu chuyện trên, nhận thấy đời nay cũng có lắm người chần chờ giãi đãi như thế
nên Đức Thầy hằng khuyên:
“Chẳng
chịu tu mãi còn lục thục,
Lo giàu
nghèo lo cũng chẳng rành”.
(Giác Mê
Tâm Kệ, Q.4)
TƯỞNG PHẬT: Niệm Phật và nhớ Phật, đây chỉ cho thời công phu
niệm Phật.
CHÁNH VĂN
283.
“Thế gian nhiều việc nực cười,
Tu hành
chẳng chịu, lo cười lo khinh.
Người già
ham muốn gái xinh,
286.
Đến sau chẳng biết thân mình ra sao ?
Xác thân
cọp xé beo quào,
Còn người tàn
bạo máu đào tuôn rơi.
Tu hành
hiền đức thảnh thơi,
290.
Ngay cha thảo chúa, Phật Trời cứu cho.
Bá gia hãy rán mà lo,
292. Kiếm Lão Đưa Đò nói chuyện huyền
cơ”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 283 đến câu 292):
-Đoạn nầy cho biết những kẻ quá ham mê dục
lạc. Vợ đẹp hầu non và hành động hung bạo thì sau nầy phải chịu khổ thân bởi cơ
chọn lọc hiền còn dữ mất.
Đức Thầy luôn nhắc nhở người đời:
“Đừng ham sắc lịch lắm phen lụy
mình”.
( Sấm Giảng, Q.3)
Và:
“Hổ lang ác thú muôn bầy,
Lớp bay lớp chạy sau nầy đa
đoan.
Ai mà ăn ở nghinh ngang,
Đón đường nó bắt xé tan xác
hồn”.
(Sấm Giảng, Q.3)
-Còn ai biết trau giồi hiền đức, giữ vẹn thảo
ngay thì sau nầy được Phật trời ban bố đức ân, thoát khỏi tai nạn hãi hùng và
sống cuộc đời Thượng ngươn Thánh đức. Giờ đây bá tánh rán tìm hiểu cơ huyền đạo
lý, nếu không được trực kiến với Đức Thầy thì trong Sấm Kinh cũng có dạy đầy đủ.
Ngài khuyên mọi người sớm lo liệu:
“Chớ để trễ chầy e chẳng kịp,
Khuyên ai khuya sớm gắng chuyên
cần”.
(Để Chơn Đất Bắc)
CHÚ THÍCH:
GÁI XINH: Gái còn trẻ, đẹp.
TÀN BẠO: Tàn ác hung bạo. Ví dụ
cho người có tánh tàn bạo.
NGAY CHA THẢO CHÚA: Cũng đọc là thảo cha ngay
chúa, do câu “Trung quân vương, hiếu phụ mẫu”.
“Ngay với chúa” là bổn phận làm tôi phải hết
dạ trung thành với Tổ quốc. Lúc bình thời lo củng cố đất nước cho được phú
cường. Khi có giặc xâm lấn, ra tay nâng đỡ để đất nước khỏi lọt vào tay kẻ
địch; không nên vì sự lợi danh tài sắc mà làm mất sự trung.
“Thảo với cha” là bổn phận làm con phải hết
lòng tôn kính, bảo dưỡng và vâng lời cha mẹ. Ngoài ra còn phải khuyên cha mẹ
làm việc phước nhân, tránh điều tội ác để tròn câu hiếu thảo. “Ngay thảo” là
hai điều trong Tứ Ân, nhiệm vụ quan trọng của đạo làm người.
Đức Huỳnh Giáo Chủ còn khuyên:
“Lo bổn phận thảo ngay trọn vẹn,
Chừng lập đời khỏi thẹn tấm
thân”.
(Vọng Bắc Hòa Nam)
Vào thời chống Pháp, Ngài Nguyễn Trung Trực là
bậc ngay thảo vẹn toàn. Mặc dù sống gặp hồi vận nước suy vi,
binh cùng lực tận, nhưng Ngài cũng vẫn vẫy vùng làm rạng danh cho nòi giống,
qua hai chiến công oanh liệt nhất là đốt chiến thuyền Espérance của giặc Pháp
tại vàm sông Nhật Tảo và hạ đồn Kiên Giang, giết được 5 sĩ quan Pháp, đoạt hơn
100 khẩu súng v.v..
“Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa,
Kiếm bạc Kiên Giang khấp quỷ thần”.
(Sông Nhật Tảo đốt phường cướp nước, oai dậy
cả đất trời. Đồn Kiên Giang vun kiếm giết quân thù, làm cho quỷ sợ thần kinh).
Cuối cùng quân Pháp mưu tính với tên phản tặc
Huỳnh Công Tấn bắt mẹ Ngài và hàng trăm đồng bào trong vùng. Chúng ra lịnh, nếu
cụ Nguyễn Trung Trực không ra mặt thì chúng giết mẹ Cụ và số đồng bào ấy. Nhận
xét tình thế, Cụ thấy cuộc kháng Pháp không thể chiến thắng được nữa, nên quyết
định hy sinh nạp mình cho giặc để đổi mẹ và hàng trăm đồng bào khỏi chết.
Ông là bậc trọn ngay với nước, trọn thảo với
mẹ già và trọn nghĩa với đồng bào chủng tộc. Thật là tấm gương chói lọi, đáng
cho muôn đời soi dấu; chẳng những người đời mà đến Thánh Thần cũng cảm nể:
“Gương trung nghĩa Thánh Thần
cảm động”.
(Tặng Đoàn Thanh Niên Ái quốc)
Cho nên ai giữ vẹn ngay thảo tất được Phật
Trời cứu độ:
“Thế gian ngay thảo đáp đền,
Ngày sau sẽ được chăn mền thơm
tho”.
(Từ Giã Làng Nhơn Nghĩa)
LÃO ĐƯA ĐÒ: Là một hóa thân của Đức Thầy.
Lúc dạo Lục châu, Đức Thầy thường giả ông chèo đò, bấy giờ (1939) dân chúng ở
miền Hậu giang và khắp sáu tỉnh (Lục châu) nhứt là rạch Ông Chưởng, người ta
thường thấy một ông Lão chèo một chiếc ghe nhỏ vừa rao:“ Đò tôi đưa người tác
phước thiện duyên. Đò tôi đưa về Bồng lai Tiên cảnh. Ai có rảnh thì đi, còn mắc
nợ trần thì ở lại”.
CHÁNH VĂN
293. “Bấy lâu chẳng biết làm thơ,
Nay viết ít tờ trần hạ tỉnh tâm.
Đến sau khổ hạnh khỏi lâm,
296. Nhờ công tu niệm âm thầm quá hay.
Chừng nào chim nọ biếng bay,
Cá kia biếng lội khổ này mới
yên.
Nhắc ra quá thảm quá phiền,
300. Bể khổ gần miền mà chẳng chịu
tu”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 293 đến câu 300):
-Đoạn giảng trên ý nói trước kia Đức Thầy chưa
có viết thơ, nay vì có sứ mạng và lòng quá yêu sanh chúng nên Ngài bắt đầu
thuyết giảng đạo lý và sáng tác Sấm Thi kêu gọi bá tánh; nếu ai thức tỉnh tu
hành thì khỏi vương mang khổ lụy tới đây.
“Trồng cây lành vị quả thơn tho,
Tuy không thấy mà sau chẳng
mất”.
( Khuyến Thiện, Q.5)
-Bởi lòng người quá tham tàn bạo ác, gây ra
chiến tranh khắp thế giới, khiến bá tánh phải chịu tai nàn khổ sở cho đến khi
cơ trời quyết định mới hết. Giờ đây Đức Thầy nhận thấy cảnh khổ não gần
kề, lòng quá thương xót vạn dân nên Ngài có bổn phận:
“Thơ với phú Thần Tiên giáng
bút,
Bởi cơ trời đã thúc bên lưng.
Không tu chừng khổ cũng ưng,
Tu hành gặp cảnh vui mừng toại
thay”.
(Để Chơn Đất Bắc)
CHÚ THÍCH:
THƠ: Do chữ thi đọc
trại ra, tức là thể văn vần, cũng gọi là vận văn, lối viết câu có vần điệu,
niêm luật. Thơ có nhiều thể như: Lục bát, bát cú, tứ tuyệt, thất ngôn trường
thiên, song thất lục bát.v.v..
KHỔ HẠNH KHỎI LÂM: Khổ hạnh không đến, khỏi
vương mang tai ách khổ sở.
CHỪNG NÀO CHIM NỌ BIẾNG BAY, CÁ KIA BIẾNG LỘI
KHỔ NẦY MỚI YÊN: Loài chim hay bay trên trời để tranh kiếm thức ăn. Giống cá
giỏi lội dưới nước tìm mồi để sống, giành giựt cắn đá với nhau. Nghĩa bóng là
chỉ cho nhân loại trên thế giới vì tham đắm lợi quyền mà gây ra cuộc chiến
tranh giành giựt sát hại lẫn nhau. Họ sáng chế đủ thứ khí giới: nào máy bay tàu
chiến (chim sắt cá đồng), nào súng ống bom đạn.v.v…gây nên sự chết chóc thảm
sầu cho nhân loại, ngày càng gia tăng cho đến khi tận diệt.
Đức Thầy đã diễn tả cảnh ấy:
“Mặt nước biển lô nhô lặn hụp,
Chim đua bay cá lại tranh mồi,
Ngọn thủy triều nô nức sụt sôi,
Bầu trái đất một phen luân
chuyển”.
(Nang Thơ Cẩm Tú)
Khi nào loài người không còn dùng phi cơ tàu
chiến tàn hại lẫn nhau nữa (chim biếng bay, cá biếng lội) thì nhân loại sẽ hết
khổ và hưởng sự thái bình. Bằng họ không chịu dừng sự tham sát thì cơ trời cũng
sẽ trừng trị. Như trong Tứ Thánh (giảng xưa) đã nói:
“Trời ơi ! Sao ó biếng bay,
Cá kia biếng lội tại ai xe ngừng.
Súng sao biếng nổ không chừng,
Chư bang thập bát ngập ngừng ngẩn ngơ”.
TU NIỆM ÂM THẦM: Tu hành cách kín đáo (vô
vi), không khoe khoang phô trương hình thức (hữu vi) cũng có nghĩa lời nói
khiêm nhượng. Đức Thầy có câu:
“Ta bây giờ tu niệm tầm thường,
Sau danh thể xạ hương khắp
chốn”.
(Giác Mê Tâm Kệ)
BIỂN KHỔ: Do chữ “khổ hải”, là sự
khổ sở trong cõi đời rất nhiều không ngần mé, ví như biển cả. Theo nhà Phật con
người bị bịnh Thất tình Lục dục chi phối, đua chen theo lợi danh tài sắc. Chính
đó là nguyên nhân gây ra cho nhân loại biết bao nỗi bi thương thống khổ.
Nhà thơ Tản Đà có câu:
“Khắp nhân thế là nơi khổ hải,
Kiếp phù sinh nghĩ cũng như ai”.
Đức Thầy cũng đã nói:
“Cũng nhận được trần hoàn là
khổ hải,
Dốc tầm đường phóng giải cho
thân tâm”.
(Tặng Cho Bác Sĩ Cao Triều Lợi)
GẦN MIỀN: Có nghĩa là hấp hối, sắp
chết, nhưng chữ gần miền ở đây ý nói sự khổ sẽ kề cận một bên.
Ông Sư Vãi Bán Khoai cho biết:
“Trẻ già chớ có nghi ngờ,
Việc đời ngó thấy bây giờ tới đây”.
Đăng nhận xét