CHÚ GIẢI SẤM GIẢNG QUYỂN 1 KHUYÊN NGƯỜI ĐỜI TU NIỆM
Chú Giải từ câu 607 – 700 (Quyển I)
CHÁNH VĂN
607. “Có người xuống bến bằng nay,
Mách chơi ít tiếng người rày mạng vong.
Nhà ngươi thiệt chẳng có lòng:
Đòi đã hai lần sao chẳng chịu đi ?
Thương đời ta luống sầu-bi,
612. Đò đi tới chốn ăn thì bao nhiêu ?
Điên rằng tôi chẳng ham nhiều,
Bao nhiêu tự ý cho nhiều chẳng ham.
Điên này bụng chẳng có tham,
616. Ghe đã chở đầy chật nứt trong mui.
Già đây cũng chở cầu vui,
Vậy chú hãy ngồi ngay chỗ sau đây.
Thấy người lòng dạ tà-tây:
620. Thân tôi làm vầy ông chẳng cho vô ?
Trong mui đã mát lại khô,
Tôi có đủ tiền mà trả cho ông.
Trong mui dòm thấy trống không,
624. Bước nhầu vào đó máu hồng trào ra.
Cho người hung bạo biết Ta,
626. Thuyền Người biến mất vậy mà còn chi”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 607 đến câu 626):
-Con thuyền của Đức Giáo Chủ đang chèo xuôi theo dòng nước, bỗng
có một người xuống đứng mé sông, Ngài bèn cho người ấy biết: “Nhà ngươi
thật không có lòng tin tưởng Phật Trời, đã được giác tỉnh hai lần mà chẳng
chịu vâng theo; nay nghiệp quả đã đến, tuy Trời Phật đầy lòng Từ bi Bác ái,
nhưng không thể cứu sống được ngươi nữa.”
-Tiếp đó lại có người nghe rao đò, tưởng đâu đò đưa sang sông vội
kêu ghé lại hỏi giá. Đức Thầy cũng hứa đưa giùm, khách muốn trả bao nhiêu cũng
tốt, nhưng với điều kiện là phải ngồi gần sau lái, vì trong mui đã chở chật nứt
hết rồi. Người ấy nhìn vào mui ghe, thấy trống không và khô ráo nên đòi vào mui
ghe, bất chấp lễ nghi phải quấy và cũng chẳng đợi ông chủ đò bằng lòng hay
không, người ấy cứ bước đại vào mui ghe, bỗng bị tuôn trào máu họng. Liền theo
đó Đức Giáo Chủ cho ghe và Ngài đều biến mất một lượt.
CHÚ THÍCH:
MÁCH: Xem chú thích câu 376,
Q.1.
MẠNG VONG: Mất
mạng, chết.
LUỐNG: Khiến, bắt, xuôi nên. Ca dao
có câu:
“Thấy trăng luống hổ với đèn,
Ai cho sang cả, khó hèn khác nhau”.
SẦU BI: Âu sầu buồn thảm, thương xót.
Ý nói Đức Thầy cũng như chư Phật quá đau xót cho chúng sanh mãi còn si mê tội
lỗi. Ngài từng thốt:
“Buồn đời gác bút nghĩ suy,
Suy cho cạn lẽ sầu bi quá chừng”.
(Viếng Làng Phú An)
LÒNG DẠ TÀ TÂY: Tâm gian tà dối trá, thầm kín riêng tư; thiếu lễ nghĩa và
không chơn chánh ngay thẳng.
CHÁNH VĂN
627. “Trở lên Chợ-Mới một khi,
Chèo lên chèo xuống vậy thì cũng rao.
Năm xưa đây có máu đào,
Mà nay chưa có người nào chơn tu.
Nào Điên có muốn kiếm xu,
632. Mà trong trần-hạ đui mù không hay.
Hỏi ông người ở đâu rày,
Trả lời rằng ở Non Cày Vua Nghiêu.
Tới đây trong dạ buồn hiu,
636. Bỏ ghe Điên cũng đánh liều chưa thôi”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 627 đến câu 636):
-Sau khi ghe người biến mất, Đức Giáo Chủ liền trở về Chợ Mới,
cũng chèo lên chèo xuống rao đò và nhắc cho bá tánh nhớ lại, trước kia ở đây có
cuộc máu đổ thịt rơi, mà nay sao chưa có mấy người hồi tỉnh tu hành.
-Với lòng từ bi, vì muốn rộng độ chúng sanh chớ chẳng phải vì tiền
bạc mà bá tánh còn hoài nghi, ngờ vực chưa chịu hồi tâm. Ngài cũng không ngần
ngại cho mọi người được biết, Ngài từ đời thượng cổ thánh đức trở lại giác đời,
như trong bài Xuân Hạ Tác Cuồng Thơ nói:“Ta điên thuở Tam Hoàng thượng
cổ”. Hoặc là:
“Non Lịch rừng nhu lộ vẻ hồng,
Danh hiền ban rải khắp Tây Đông”.
(Đáp Lời Ông Nguyễn Thanh Tân)
-Đức Thầy còn có sứ mạng xây dựng cho nhân loại một cuộc sống
thanh bình, nhà khỏi đóng cửa, ngoài đường của rơi không người lượm:
“Gia vô bế hộ im lìm,
Lập thành mối Đạo rõ điềm xưa kia”.
(Thiên Lý Ca)
Thế nên, dầu cho người đời có nghe hay không,
Ngài cũng quyết làm tròn sứ mạng:
“Dầu đời bạc đãi ngọn đèn cứ nêu”.(Tự Thán)
CHÚ THÍCH:
CHỢ MỚI: Một quận trong tỉnh An Giang, gồm có 12 xã.
Đông giáp quận Lấp Vò (Sa Đéc); Tây giáp sông Vàm Nao; Nam giáp Hậu Giang; Bắc
giáp Tiền Giang. Rạch ông Chưởng chạy xuyên qua quận Chợ Mới, từ sông Tiền trổ
ra sông Hậu.
NĂM XƯA ĐÂY CÓ MÁU ĐÀO: Đây ám chỉ vào năm 1930 và 1936, tại
quận Chợ Mới, phong trào chống Pháp bừng dậy, nhứt là năm 1936 quân Pháp thẳng
tay đàn áp khiến đồng bào đổ máu quá nhiều.
NON CÀY VUA NGHIÊU: Non Cày là chỉ nơi Lịch sơn (núi Lịch).
Xưa ông Thuấn lên Lịch sơn cày ruộng, nơi có tiếng là nhiều thú dữ, cha mẹ ông
có dụng ý để ông chết đi cho khuất mắt. Không ngờ khi ông đến nơi thì có voi ra
cày ruộng, chim chóc đáp xuống nhổ cỏ giúp ông. Sau vua Nghiêu mến đức, vời ông
Thuấn về truyền ngôi trị vì Thiên hạ.
Đức Thầy có câu (trong bài Vén Màn Bí Mật):
“Non Lịch đài mây rạng tu mi”.
VUA NGHIÊU: Người ở đất Đơn Lăng ( Trung Hoa ), họ
Y Kỳ, tên là Phòng Huân, cha là Đế Cốc, mẹ tên Khánh Đô. Ngài lên ngôi vua lúc
20 tuổi, trị vì được 101 năm (2357-2256, trước TL), thọ 123 tuổi, hiệu là Đào
Đường. Ngài rất nhân từ minh chánh, có tài an bang trị quốc tinh anh. Tuy chế
độ Quân chủ, nhưng đối với dân rất được lòng. Vua tôi coi nhau như là ruột
thịt; dân chúng thời ấy được sống cảnh thanh bình an lạc. Như Cổ thi có câu:
“Toàn dân đều vui sống dưới Trời Nghiêu”.
Mặc dù Ngài có tới 9 người con trai, nhưng
xét thấy chẳng có người nào đủ tài đức trị dân, sau nghe ông Thuấn là bậc đại
hiền thảo, bèn cho rước về truyền ngôi.
Nói đến câu “Non Cày vua Nghiêu” là muốn nhắc
đến thành ngữ “Đất Thuấn Trời Nghiêu”, tức là nói đến cảnh thanh bình của hai
nhà vua đời Ngũ Đế (Trung Hoa). Ông Nguyễn Thanh Tân một tín đồ PGHH có tán
thán:
“Trời Nghiêu phụng múa vòng tay áo,
Đất Thuấn voi cày ruộng trổ bông”.
Đức Thầy cũng luôn nhắc đến cảnh ấy:
“Thuở xưa thời buổi Thuấn Nghiêu,
Thái bình thạnh trị mến yêu khắn tình”.
(Từ Giã Làng Nhơn Nghĩa)
Sở dĩ Đức Thầy nhắc đến điển tích trên đây là
ý muốn nói đến sứ mạng:
“Dựng cuộc hòa minh khắp đại đồng”.
(Bài Phỏng Đá Trả Lời)
Nghĩa là Ngài có trách nhiệm thiết lập một
thế giới đại đồng, công bằng trật tự. Và:“ Định ngôi phân thứ, gây cuộc
hòa bình cho vạn quốc chư bang”(Bài Sứ Mạng).
Mục đích của Ngài là làm cho nhân loại đều
hưởng cảnh thanh bình an lạc như thời Nghiêu Thuấn thuở xưa:
“Thương Minh Vương bắt chước Thuấn Nghiêu,
Lòng hiền đức nào ai có biết” (Kệ Dân, Q.2).
CHÁNH VĂN
637. “Giả ra một Kẻ Hàn Nồi,
Khắp trong hàng xóm đi rồi sạch trơn.
Tới đâu cũng tỏ thiệt hơn,
640. Nhà tôi vốn thiệt có đờn năm
dây.
Tôi còn mắc cái nợ nầy,
Nên mới làm vầy cho giải quả-căn.
Nhà tôi đâu phải khó-khăn,
644. Đem theo trong xách bạc hằng
tám mươi.
Nhiều người nghe nói reo cười,
646. Thân tôi lao-lý anh cười tôi
chi ?”
LƯỢC GIẢI (Từ câu 637 đến câu 646):
-Bấy giờ Đức Giáo Chủ giả ra ông thợ hàn nồi,
tay xách giỏ đồ nghề rảo khắp thôn xóm. Khi dừng lại nơi nào, Ngài cũng không
ngớt khuyên nhắc bá gia thức tỉnh tu hành. Ngài còn thố lộ cho mọi người được
biết nơi Ngài tu hành đắc đạo trước kia, là tại núi Tà Lơn.
-Nay vì lòng từ bi và nghiệp nguyện tế độ
chúng sanh, nên Ngài lâm phàm rưới nguồn mưa pháp khắp nơi, để bao hạt giống
lành từ lâu bị vùi dưới lớp vô minh ngày nay có cơ hội nứt mầm nảy tược. Công
việc nầy dầu gặp nhiều gian khổ hay thế trần cười nhạo, Ngài cũng vẫn làm tròn
chí nguyện:
“Thân ta dầu lắm đoạn trường,
Cũng làm cho vẹn chữ thương nhơn loài”.
(Cảm Tác)
CHÚ THÍCH:
ĐỜN NĂM DÂY: là một vị trí trên núi Tà Lơn. Nơi đây cũng
gọi là ruộng Năm Dây; ý chỉ chỗ ông Cử Đa tu đắc Đạo.
CÁI NỢ NẦY: Cái nghiệp nguyện cứu khổ chúng sanh. Theo
một nhà tu khi hoàn toàn đắc đạo, thì nợ trần và nợ nhân quả không còn vướng
mắc, chỉ còn nghiệp nguyện rộng độ chúng sanh và ân nợ của những người hảo tâm
trợ duyên trên đường tu học. Và cái nợ mà Đức Thầy đề cập ở đây là:“Nợ
cùng bách tính hãy còn vương”. Cho nên , trên con đường truyền
Đạo, Ngài chẳng nệ sự gian lao cực khổ:
“Ta chịu khổ, khổ cho bá tánh”.(Sa Đéc)
Và:“Vì thể lòng từ bi bác ái cùng thù
đáp những linh hồn đã trợ duyên trong nhiều tiền kiếp giúp ta nương cậy tu
hành, nên ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão, Ta hóa hiện ra đời cứu độ chúng sanh”.(Bài
Sứ Mạng)
BẠC HẰNG TÁM MƯƠI: Bạc thiệt thời xưa, bạc tốt (Bạc tám mươi,
vàng mười tuổi). Ý nói Đức Giáo Chủ
là người xưa trở lại. Ngài là Phật đã thành
hôm nay Ngài kêu gọi mọi người, nên trở về với bản tánh lành, tánh Phật của mỗi
người sẵn có với thuần phong mỹ tục của ông cha từ xưa rèn đúc, đừng đam mê
theo đời văn vật của Âu Tây. Như Ngài từng nhắc nhở:
“Giống hiền xưa bây giờ mới tỉa,
Dốc chờ ngày bông trổ thơm tho”.
(Nang Thơ Cẩm Tú)
Để xác minh “Đờn Năm Dây” và “Bạc Hằng Tám
Mươi”, chúng tôi xin kể lại câu chuyện do ông Lâm Văn Tuấn ở xã Long Điền tường
thuật:
Vào đầu mùa Xuân năm Canh Thìn (1940), lúc
Đức Thầy còn ở Tổ Đình Hòa Hảo. Chiều hôm nọ Ông Tuấn đến Tổ Đình nghe Đức Thầy
giảng Đạo, số thính giả dự nghe khá đông. Lúc đó ông Thầy Ba Thận ở Phú Lâm
kêu:
-Hương Hào hãy đưa miếng giấy cho tôi coi
(người cùng đi với ông Thận).
Đức Thầy nghe liền cười, hỏi:
-Giấy gì đó ?
Ông Thận quay lại bạch với Đức Thầy:
-Ngài viết quyển Nhứt có câu:“ Đem theo trong
xách bạc hằng tám mươi”. Tôi lục hết sách vở không có nơi nào giải nghĩa Bạc
Tám Mươi hết Thầy ?
Đức Thầy liền nói:
-Ông học Nho mà hiểu như vậy là lầm nghĩa rồi
!
-Bạch Thầy, lầm ở chổ nào ?
-Ai mà để tiền bạc trong sách vở được ? Đây
là tôi nói tiền bạc để trong cái giỏ xách. Lúc đi dạo Lục châu về tới Chợ Mới
(Ông Chưởng), Ông Đò có giả ra người thợ hàn nồi, trong cái giỏ xách của Ông có
để bạc tám mười, tức là bạc hồi xưa đó (bạc tốt). Ý Đức Thầy muốn nhắc lại tánh
xưa (tánh hiền lành quí báu). Thầy Ba có dịp xuống miệt Ông Chưởng, hỏi thăm
mấy ông già thì biết chuyện đó.
Đức Thầy còn nhấn mạnh một lần nữa, “Đây là
nói cái giỏ xách, chớ không phải là sách vở nhen ! Đó là tại nhà in sắp chữ
sai, cái xách mà sắp lộn ra sách vở. Đoạn Ngài đọc luôn đoạn giảng nói trên cho
mọi người cùng nghe, rồi Ngài nói tiếp: “Còn Đờn Năm Dây là chỉ trên núi Tà Lơn
chỗ Ông Cử Đa tu đắc Đạo”.
CHÁNH VĂN
647. “Giã từ Chợ-Mới một khi,
Thuyền đi xuôi ngược đến thì Ba-Răng.
Ít ai biết được đạo hằng,
650. Ghé am thầy pháp nói rằng
lỡ chơn.
Trước sau bày tỏ nguồn cơn,
Vì thương lê-thứ chi sờn lòng Đây.
Có người lối xóm muốn gây,
654. Xin sáu trái bắp liền quày
xuống ghe.
Ghe Điên vốn thiệt ghe be,
Mà lại Điên nhè nước ngược thẳng xông.
Ra oai thuyền chạy như dông,
658. Người nhà xuống bến trong lòng ngại nghi.
Ông này chẳng biết người chi,
Chèo quế vậy thì mạnh bạo quá tay.
Thần Tiên mà chẳng ai hay,
662. Cứ biếm nhẻ hoài buồn dạ Người Xưa”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 647 đến câu 662):
-Khi ra khỏi Chợ Mới, Đức Giáo Chủ cho thuyền đi xuôi xuống đuôi
Cù lao Tây (Tân Long), rồi chèo ngược lên vàm Ba Răng. Ngài thấy ở đây ít người
hiểu đặng “đạo thường” của “Con người phải làm gì trong kiếp sống”.(Bài
Trong Việc Tu Thân Xử Kỷ)
-Khi thuyền vô khỏi vàm Ba Răng một đỗi thì Ngài ghé cái am của
Ông Mười Phố. Trong lúc Ngài nói rõ nguyên nhân lâm phàm cứu thế và giảng giải
đạo mầu cho Ông Phố nghe thì có Ông Hương tuần Dậu (tức Ông Sáu Dậu, anh của
Ông Phố) đang uống rượu tại đó. Ông Dậu thấy Đức Thầy luận đạo thông suốt làm
cho Ông Phố nghe một cách say mê thì ông sanh lòng đố kỵ, kích bác. Thấy vậy,
Đức Thầy liền giã từ chủ am ra đi, ông Phố tiễn đưa Ngài, hai bên đường xuống
sông có trồng bắp vừa được ăn, ông Phố bẻ biếu cho Đức Thầy 6 trái.
– Đức Thầy liền bước xuống ghe chèo ra Vàm, tuy ngược nước, nhưng
Ngài chèo rất nhanh, làm cho ghe chạy nhanh, khác hơn xuồng ghe thường. Ông Phố
đứng tại bến nhìn theo giựt mình lo sợ: Đây là bậc thần tiên mà anh mình coi
thường, thật là điều rất lo ngại, khiến cho các Ngài phải buồn lòng thương xót
!
CHÚ THÍCH:
BA RĂNG: Một cái rạch tại xã An
Phong ăn sâu vô Đồng Tháp. Thời Pháp thuộc gồm có 3 xã: An Phong, An Phú, An
Thành. Năm 1939 thuộc quận Chợ Mới (Long Xuyên). Sau đổi lại còn hai xã: An
Phong và Phú Thành, quận Thanh Bình (Kiến Phong).
ĐẠO HẰNG: Đạo
là đường lối phải noi theo; hằng là thường. Là đạo thường xưa
nay, những phép tắc mà mọi người phải tuân theo để ăn ở cho phải lẽ, phải pháp.
Cổ Thi có câu:“Xướng tùy đều giữ đạo hằng”. Đức Thầy dạy:“Rày
con xin giữ đạo hằng”.(Bài nguyện trước Bàn thờ Ông Bà).
Đạo hằng còn có nghĩa “đạo
ngũ thường” (năm mối thường hằng) gồm có: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.
Đó là giềng mối của đạo làm người.
Đức Thầy thường nói:
“Ngũ luân lễ nghĩa năm hằng,
Tam cang trung trực người rằng ngu si”.
(Để Chơn Đất Bắc)
AM THẦY PHÁP: Am
là cái nhà nhỏ người ta cất để tu hoặc thờ phượng. Thầy pháp là thầy phù thủy
điều trị bịnh nhơn bằng cách dùng bùa chú hoặc bày binh bố trận, lên cốt lên
đồng, điều binh khiển tướng nên có cất cái am để thờ.
Ông Thầy pháp nói đây tức là ông Nguyễn Văn Phố ở trong Vàm Ba
Răng một đỗi. Từ khi quy y với Đức Thầy thì ông bỏ nghề nầy để lo tu hành theo
Phật Đạo, hiện giờ con cháu ông cũng còn tinh tấn tu hành theo giáo lý PGHH.
CHI SỜN: Chẳng nản lòng nao núng.
Ý nói dù gặp gian nguy, thử thách thế nào cũng chẳng sờn lòng nản chí.
RA OAI: Cũng gọi là ra uy, là tỏ
vẻ oai vệ mạnh dạng.
NGƯỜI XƯA: Nghĩa
của chữ cổ nhân. Người mà trước kia đã có nhiều lần chuyển kiếp độ đời, nay
cũng trở lại giác chúng, Người xưa ở đây là chỉ cho Đức Phật Thầy Tây An, một
trong nhiều tiền kiếp của Đức Huỳnh Giáo Chủ. Như Ngài từng thốt trong bài “Dặn
Dò Bổn Đạo”:
“Chim Ô đà dựa cầu Ngân,
Người xưa trở gót cho gần người nay.
Người nay rồi vẹn thảo ngay,
Thì là thấy tạn mặt mày người xưa”.
CHÁNH VĂN
663. “Đời nay mỏng tựa màn thưa,
Khuyên trong lê-thứ chẳng thừa một câu.
Thân nầy chẳng nệ mau lâu,
666. Miễn cho bá-tánh gặp chầu vinh-huê.
`Thương trong trần-hạ thảm-thê,
Lao-khổ nhiều bề chớ chẳng còn vui,
Nhiều người nghèo khổ hẩm-hui,
670. Không đất cặm dùi mà chẳng ai thương”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 663 đến câu 670):
-Đoạn nầy ý nói sự thay đổi cuộc đời không còn xa lắm. Lời tiên
tri của Đức Thầy chẳng hề sai ngoa và công việc độ thế của Ngài không nệ sự mau
lâu hay nhiều gian khổ, miễn sao cho toàn dân được hưởng cảnh vinh quang rực rỡ
sau nầy.
-Ngài cũng rất cảm thương cho bá tánh, từ đây phải gánh chịu vô
vàn sầu khổ.
“Lao với khổ, khổ lao chẳng xiết”.
(Kệ Dân, Q.2)
-Biết bao nhiêu gia đình cơ hàn đói khổ, thế mà kẻ phú quí chẳng
chút đoái thương. Cho nên Đức Giáo Chủ hằng kêu gọi mọi người, hãy xét kỹ mà
thi thố tình tương thân tương ái:
“Làng gần chí những tỉnh xa,
Lúc xưa thì cũng ruột rà với nhau.
Ngày nay tốt phước sang giàu,
Xin thương kẻ khó giúp hào một khi.
Cậu cô chú bác cùng dì,
Khắp nơi Thầy chú một khi hảo lòng.
Việc nhà quí bạn đã xong,
Hiệp nhau làm phước rõ lòng hiền nhơn”.
(Khuyên Người Giàu Lòng Phước Thiện)
CHÚ THÍCH:
ĐỜI NAY MỎNG TỢ MÀN THƯA: Ý nói cuộc đời Ngươn hạ rất mỏng manh, sắp đến ngày tàn cỗi,
cả nhơn loại phải trải qua:
“Cuộc tang thương biến cải cảnh trần”.
(Bài Thu Đã Cuối)
Những phần tử xấu xa sẽ bị luật đào thải lọc lừa, chỉ tồn tại phần
thiện lương tốt đẹp, Đức Thầy từng cho biết:
“Kẻ gian tà sau bị lửa thiêu,
Người tu niệm sống đời thượng cổ”.
(Kệ Dân, Q.2)
VINH HUÊ: Cây
cỏ tốt tươi gọi là vinh, cây nở hoa gọi là huê; nghĩa
bóng là sự vẻ vang phú quí. Nhưng chữvinh huê ở đây chỉ cho được dự
Hội Long Vân và đời Thượng Ngươn hay Cõi Cực Lạc.
Đức Thầy thường nói:
“Ai mà sửa đặng vuông tròn,
Long Vân đến hội lầu son dựa kề”.
(Sám Giảng,Q.3)
Và:
“Vinh nầy của Đức Phật Bà,
Của Ông Phật Tổ ban mà cho dân”.(S.G.,Q.3)
HẨM HIU: Xem chú thích câu 397,
Q.1.
KHÔNG ĐẤT CẶM DÙI: Thành ngữ dùng để chỉ cho người quá nghèo, không có đất cát,
tiền của.
CHÁNH VĂN
671. “Con thuyền đương lướt gió sương,
Bỗng nghe tiếng khóc tư-lương ai-hoài.
Có người ở xóm bằng nay,
674. Bị mất trộm rày đồ-đạc sạch trơn.
Du-thần bày tỏ nguồn cơn:
Rằng người nghèo-khó đương hờn phận duyên.
Điên nghe vội-vã quày thuyền,
Dùng khoa coi bói giải phiền phàm nhơn.
Coi rồi bày tỏ thiệt hơn,
680. Khuyên cô đừng giận đừng hờn làm chi”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 671 đến câu 680):
-Đức Giáo Chủ khi rời khỏi Ba Răng, thuyền Ngài đi ngược nước,
vòng lên cầu Cù Tây, rồi quẹo trở xuống chi nhánh sông Tiền. Trời vừa lúc bình
minh, khói sương còn phảng phất trên làn nước, con thuyền Ngài đang rẻ sóng đến
gần ngang Tổ Đình Hòa Hảo, bỗng bên tai Ngài có tiếng du thần bày
tỏ:“Nơi đây có một gia đình bị kẻ trộm đánh cắp, mất một số đồ khá nhiều, hiện
đang tiếc kể than phiền”.
-Ngài bèn quày thuyền ghé lại nhà ấy, ở phía trên Tổ Đình ít mươi
thước và dùng khoa bói quẻ. Bói xong Ngài an ủi khuyên lơn cô chủ nhà:
“Vụ trộm nầy tuy có người thân cận điềm chỉ nhưng cũng do nghiệp
nhân của cô đến đây phải chịu như thế; hiện giờ của đã mất dầu buồn than cho
lắm cũng chẳng ích chi. Vậy cô nên an tâm tu hành lo làm ăn chơn chất thì sau
nầy sẽ giàu có hơn lúc trước”.
CHÚ THÍCH:
TƯ LƯƠNG: Tưởng
nhớ nhiều, lòng nhớ nghĩ buồn rầu. Đức Thầy có câu:
“Tư lương đeo đuổi giấc mộng sầu,
Bớ hỡi dương trần khá liệu âu”.
(Để Chơn Đất Bắc)
AI HOÀI: Buồn thảm tha thiết, nhớ
nhung não ruột. Cổ thi có câu:“Lòng lữ thứ ai hoài não ruột”.
NGƯỜI BỊ TRỘM LẤY ĐỒ: là cô Tư Cứng ở phía trên Tổ Đình Hòa Hảo. Theo lời cô thuật
lại: Lúc bấy giờ vào khoảng trung tuần tháng 7 năm Kỷ Mão (1939),
Cô bị ăn trộm lấy mất một cây lãnh và một số quần áo khá nhiều. Cô đang than
khóc bỗng có một chiếc ghe chở bốn người ghé ngay bến. Ba người đi thẳng lên
đường, một người ghé vô nhà cô hỏi thăm việc mất trộm vừa rồi và nói ông cũng
biết coi quẻ. Cô Tư liền nhờ ông ấy bói giùm . Bói xong ông ngỏ lời an ủi cô
Tư:“Của đã mất thì thôi, cô không nên buồn rầu vụ trộm do bà con của cô điềm
chỉ. Cô rán lo làm ăn rồi sau sẽ được khá hơn bây giờ”.Quả
thật, sau đó cô Tư Cứng nhờ buôn bán vải ở chợ Mỹ Lương mà gia đình cô thành
khá giả.
Hai ngày sau Đức Thầy viết hai bài thi, sai bào đệ của Ngài là cậu
út Huỳnh Thạnh Mậu đem trao cho Cô Tư Cứng dặn hãy nói rằng: Hai bài thi nầy là
của Ông Thầy Bói hôm nọ muợn đưa cho Cô.
Hai bài thi ấy như sau:
“Kích động thiện tâm lụy xót xa,
Thoàn loan trở gót dụng tiên khoa,
Khuyên giải phàm nhơn tan sầu muộn,
Vật dụng gia đình khó kiếm ra.
Thương đó lòng đây rất thiết tha,
Thiên định số căn mới xảy ra,
Đoái thấy tà gian trung trực ghét,
Nhưng vì vận hạn chẳng phui ra”.
DU THẦN: Các vị Thần có trách
nhiệm tuần du đây đó để chép ghi tội phước của nhân gian mà báo cáo về Ngọc Đế.
Đức Thầy có câu:
“Các chư Thần tuần vãng năm canh,
Về thượng giái tâu qua Ngọc Đế”.(Kệ Dân, Q.2)
PHẬN DUYÊN: Cũng
viết là duyên phận, tức là số phận, duyên phần riêng của mỗi người
hoặc chung của nhiều người do định nghiệp từ trước hay hiện giờ gây ra.
Ca dao có câu:
“Mặc ai lên võng xuống dù,
Ta vui duyên phận cần cù nuôi nhau”.
GIẢI PHIỀN: Cởi
bỏ những sự buồn bực, phiền hà trong lòng.
PHÀM NHƠN: Người phàm tục ở cõi trần, đối với Tiên Phật ở cõi siêu thoát.
THIỆT HƠN: Xem
chú thích câu 244, Q.1
CHÁNH VĂN
681. “Rồi đi dạo xóm
một khi,
Đi lên nhà thì giã gạo mà chơi.
Vào nhà nói chuyện một hơi,
684. Gặp người bán thuốc cũng thời ghé vô:
Mua một ve uống hỡi cô,
Uống vô bổ khoẻ trị nhiều chứng phong.
Uống thì pha nước nóng trong,
688. Chớ đừng pha rượu nó hòng kỵ thai.
Hai thằng ở xóm bằng nay,
Nó nói ngày rày thuốc chẳng có hay.
Người cha đi lại thấy rầy:
692. Thiệt mấy đứa nầy cãi-cọ làm chi.
Bước ra nhà nọ một khi,
Đi lên đi xuống kiếm thì xe lôi.
Gặp xe chẳng có lên ngồi,
696. Chạy trước đi rồi ngừng lại chỗ kia.
Xóm này kẻ ghét người ưa,
Ghé vào nhà nọ nhổ bừa cái răng.
Nhổ rồi lui tới lăng-xăng,
700. Liền bước xuống thuyền Thầy Tớ thả trôi”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 681 đến câu 700):
-Sau khi coi bói việc mất đồ của Cô Tư Cứng, Đức Giáo Chủ và “ba
ông đệ tử” giả đi dạo xóm, đến nhà gặp anh tài công Hợi đang giã gạo
thì một người bước vô giã tiếp, còn hai người bán
thuốc quảng cáo (Sơn Đông). Người trong xóm tề tựu đến xem, người bán
thuốc kêu cô Tư Cơ mua một ve thuốc bổ, trị phong và dặn dò cách uống.
Lúc ấy có hai anh: Gọn và Khâm đứng nghe, mới bàn với côTư Cơ:“Thuốc đi bán
dạo hay ho gì mà mua”. Bỗng Ông Út (thân phụ Anh Gọn) vừa bước tới
nghe nói thế, liền rầy hai anh:
“Thuốc hay dở gì tùy người mua và bán, mấy đứa bây chê khen cãi
cọ làm chi !”
-Kế đó Đức Thầy bước ra đường giả vờ kiếm xe lôi, nhưng gặp xe,
Ngài không đi mà lại chạy trước xe một đổi; bỗng có người bị đau răng, Ngài
liền ghé vào xem và nhổ luôn giùm. Việc xong rồi Thầy trò đồng bước xuống
thuyền thả trôi theo dòng nước.
CHÚ THÍCH:
GIÃ GẠO, NGƯỜI BÁN THUỐC, NGƯỜI MUA THUỐC: Theo lời ông tài công Hợi ở xã Hòa Hảo kể lại, ông có chứng
kiến chuyện nầy rất rõ ràng.
Khoảng rằm tháng bảy năm Kỷ Mão (1939), có ba người lạ mặt ghé
nhà ông, một người bước lại giã gạo, cònhai người bán
thuốc Sơn Đông. Ông bán thuốc có kêu cô Tư Cơ mua một ve thuốc bổ trị phong và
dặn nên pha với nước nóng, chớ đừng pha rượu vì nó kỵ thai.
HAI THẰNG LỐI XÓM: là anh Huỳnh Văn Gọn và anh Khâm, hai anh nghe bán thuốc lại
coi và bảo cô Tư Cơ đừng mua, thuốc Sơn Đông họ bán dạo hay ho gì mà mua !
NGƯỜI CHA ĐI LẠI THẤY RẦY: là ông Huỳnh Văn Quốc, thân phụ anh Huỳnh Văn Gọn và cũng là chú
ruột của Đức Thầy (Huỳnh Giáo Chủ).
Theo lời ông Út thuật lại thì sáng sớm hôm ấy Đức Thầy có dặn ông
coi chừng phần xác của Ngài. Sau khi căn dặn, Đức Thầy nằm trên một cái ghế bố
đầu day vô nhà, chơn duỗi thẳng ra đường lộ, từ sớm mai đến khoảng tám chín giờ
buổi sáng. Lúc đó Đức Thầy nằm yên lặng, hơi thở đều đều. Có một lần Ngài mở
mắt bảo ông Út đi hái một mớ bông trâm ổi, rải chung quanh chỗ Ngài nằm.
Trong khi ông Út làm phận sự (canh chừng), ông có lẻn bước ra
ngoài đường tiểu tiện, chính trong lúc đó ông gặp anh Gọn và anh Khâm trong vụ
bán thuốc Sơn Đông và có rầy hai anh nầy.
NHỔ BỪA: Nhổ thí, nhổ đại. Ý nói
việc coi như là không chuyên môn lắm, không đủ đồ nghề nhưng làm thí mà lại
được việc.
Đăng nhận xét