BỬU Ngọc Quân Minh Thiên Việt Nguyên,

寶玉君明天越元

SƠN Trung Sứ Mạng Đạo Nam Tiền.

山中師道地南前

KỲ Niên Trạng Tái Tân Phục Quốc,

奇年狀再新復國

HƯƠNG Xuất Trình Sinh Tạo Nghiệp Yên.

香出程生造業安

Tổ Đình Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH
Các Bài Viết Liên Quan
Cám Ơn Các Bạn Đã Ghé Thăm Website. Chúc Các Bạn An Lạc, Có Thêm Nhiều Kiến Thức Bổ Ích…
XIN THƯỜNG NIỆM PHẬT
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

Chú Giải từ câu 401 – 512 (Quyển I Khuyên Người Đời Tu Niệm)


Chú Giải từ câu 105 – 208 (Quyển I Khuyên Người Đời Tu Niệm)
CHÚ GIẢI SẤM GIẢNG QUYỂN 1 KHUYÊN NGƯỜI ĐỜI TU NIỆM

CHÚ GIẢI SẤM GIẢNG QUYỂN 1 KHUYÊN NGƯỜI ĐỜI TU NIỆM  

Chú Giải từ câu 401 – 512 (Quyển I)

CHÁNH VĂN
401. “Đến nơi thiên-hạ còn đông,
Giả gái không chồng đi bán cau tươi.
Thấy dân ở chợ nực cười,
404. Xúm nhau trêu ghẹo đặng cười Gái Tơ.
Buồn đời lăng mạ ngẩn-ngơ,
Biến mất lên bờ liền giả cùi đui.
Phố phường nhiều kẻ tới lui,
408.  Thấy kẻ Đui Cùi chẳng muốn ngó ngang.
Đời nay quý trọng người sang,
Giả ra gây lộn nói toàn tiếng Tây.
Tây, Nam, Chà, Chệt, chú, thầy,
412.  Nó thấy làm vầy chẳng bắt ngại nghi”.
LƯỢC GIẢI ( từ câu 401 đến câu 412):
-Khi thuyền Đức Thầy tới bến Châu Đốc lúc chợ còn đông. Ngài liền giả ra cô gái trẻ đẹp, rao bán cau tươi. Các thanh niên ở chợ chọc ghẹo, cười cợt đủ cách. Đức Thầy thấy dân chúng ở đây quá “lăng loàn theo sở dục”, khiến Ngài bắt buồn cười, nên cho ghe và người đều biến mất.
-Kế đó Ngài lên chợ giả ra kẻ đui mù, đi dạo khắp phố phường. Mọi người đi chợ thấy kẻ tàn tật đều ngó ngang, không một ai đoái tưởng; họ chỉ biết kính trọng những người giàu sang, lên xe xuống ngựa. Trước tình cảnh đó, Ngài bèn giả vờ cãi lộn bằng tiếng Pháp làm cho các giới thầy chú trong chợ, đều xoay quanh để nghe, nhiều người lấy làm ngạc nhiên, nghi ngại.
CHÚ THÍCH:
LĂNG MẠ: Lăng là lấn lướt, mạ là chửi mắng; nói chung là lấn hiếp, nhục mạ kẻ khác.
NGẨN NGƠ: Đờ đẩn, thẩn thờ, dáng người dường như không hiểu gì cả. Chữ ngẩn ngơ ở đây chỉ cho sự buồn chán thế thái nhân tình.
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương có câu:
“Ô hay cảnh cũ ưa người nhỉ,
Ai thấy, ai mà chẳng ngẩn ngơ”.
PHỐ PHƯỜNG: Khu nhà phố và chợ có người mua bán đông đảo rộn rịp. Một tỉnh thành hoặc thị xã có chia ra nhiều phường.
GÂY LỘN BẰNG TIẾNG TÂY: Căn cứ theo lời ông cựu hương chánh Cao Văn Khiết ở xã Bình Thạnh Đông (Châu Đốc) nhìn nhận: Thuở ấy (mùa hè năm Kỷ Mão 1939), chính mắt ông trông thấy một người cùi, gây lộn bằng tiếng Pháp tại chợ Châu Đốc.(Tiếng Tây là  chỉ  tiếng Pháp, vì nước Pháp ở vùng Tây Âu).
NGẠI NGHI: Ái ngại nghi ngờ.
CHÁNH VĂN
412.  “Xuống thuyền quày quả một khi,
Chèo lên Vĩnh-Tế vô thì núi Sam.
Đi ngang chẳng ghé chùa am,
416.  Xuôi dòng núi Sập đặng làm người ngu.
Xem qua đầu tóc u-xù,
Cũng như người tội ở tù mới ra.
Chèo ghe rao việc gần xa,
420.  Bồng-Lai Tiên-Cảnh ai mà đi không ?
Nhiều người tâm đạo ước mong,
Nếu tôi gặp được như rồng lên mây.
Ấy là tại lịnh Phương Tây,
424.  Cho kẻ bạo tàn kiến thấy Thần Tiên.
Có ngưới nói xéo nói xiên,
Chú muốn kiếm tiền nói gạt bá gia.
Thoáng nghe lời nói thiết tha,
428.  Rưng rưng nước mắt chèo về Mặc-Dưng”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 413 đến câu 428):
-Sở dĩ Đức Giáo Chủ hóa hiện người cùi, cãi lộn bằng tiếng Tây là để cảnh giác người đời bớt khinh khi kẻ tật nguyền, nghèo khổ. Đoạn rồi Ngài xuống thuyền chèo lên Kinh Vĩnh Tế để vào núi Sam. Nhưng đến núi Sam, Ngài không ghé mà đi thẳng vào núi Sập. Đến đây Ngài giả kẻ ngu khờ, tóc tai u xù, áo quần rách nát, tay chèo ghe, miệng thì rao mời:
“Bồng lai Tiên cảnh ai mà đi không?”
-Bởi chư Phật lúc nào cũng muốn độ thoát khắp cả chúng sanh, nhứt là những kẻ hung tàn bạo ngược, nên sắc lịnh cho Đức Thầy, trên đường dạo Lục châu thường cho kẻ ngang tàng, được gặp Ngài nhiều hơn người hiền lành tâm đạo. Thế mà họ chưa hồi tâm tỉnh ngộ, lại còn cho rằng Ngài lừa dối bá gia đặng lợi dụng tiền bạc. Nghe lời ấy lòng Ngài rất đau xót rơi lụy, vì quá thảm thương cho sanh chúng còn mãi mê lầm tội ác. Liền đó Ngài cho thuyền trở lại rạch Mặc Cần Dưng.
CHÚ THÍCH:
VĨNH TẾ: Là tên con kinh đào từ Giang Thành, Hà Tiên, dọc theo biên giới Việt-Miên, thông về sông Hậu Giang, Châu Đốc, dài 72 km, rộng 20 m. Do Tổng trấn Gia Định là Lê Văn Duyệt thượng sớ đề nghị với Triều đình năm Kỷ Mùi 1819 và do trấn thủ Vĩnh Thanh Nguyễn Văn Thọai (Thoại Ngọc Hầu) và Lãnh binh Phan Văn Tuyên làm đốc công; với sức lực của 10.000 dân làng và 500 binh sĩ, đào suốt từ đầu năm 1819 tới tháng 4 năm 1820 mới xong. Trong công tác nầy, có bà Châu thị Vĩnh Tế (Phu nhơn Thoại Ngọc Hầu) tích cực đóng góp tâm lực vào để hoàn thành con kinh nên vua Gia Long đặt cho tên là Kinh Vĩnh Tế, để đáp lại việc khó nhọc của người hữu công.
NÚI SAM: Cũng gọi là Vĩnh Tế sơn, một ngọn núi nằm trong làng Vĩnh Tế, tổng Châu Phú, quận Châu Phú, thuộc về phía Nam, cách tỉnh thành Châu Đốc 5 km. Nơi triền núi có chùa Tây An và mộ Đức Phật Thầy, lăng  Thoại Ngọc Hầu và phu nhơn cùng miếu Bà Chúa Xứ.
NÚI SẬP: Cũng gọi là Thoại Sơn, nằm ở xã Thoại Sơn, tổng Định Phú, tỉnh An Giang (Nam phần Việt Nam). Trên núi có đền thờ Thoại Ngọc Hầu, xây cất năm 1882.
BỐNG LAI TIÊN CẢNH: Xem chú thích câu 192, Q.1.
TÂM ĐẠO: Trong lòng hàm chứa những điều đạo đức, tốt lành, hợp với đạo lý. Đức Thầy từng nói:
“Ai người tâm đạo đừng toan phụ Thầy”.
(Từ Giã Bổn Đạo Khắp Nơi)
RỒNG LÊN MÂY: Rồng mà gặp mây thì mặc tình vùng vẫy bay lộn; cũng như cá gặp nước thì mặc sức mà bơi lội. Đây ý nói người phàm mà gặp được cảnh Tiên thì có chi vinh hạnh bằng.
CHO KẺ BẠO TÀN KIẾN THẤY THẦN TIÊN: Bởi chư Phật đầy lòng từ bi bác ái không phân biệt kẻ dữ, người lành. Với người đã hồi tâm hướng thiện thì các Ngài khuyến khích họ tinh tấn thêm. Còn những kẻ hung dữ thì các Ngài lại gần gũi họ nhiều hơn tùy phương tiện mà giác tỉnh. Như trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, phẩm Phạm Hạnh, Đức Thích Ca có nói:“Ví như một người có bảy đứa con, trong đó có một đứa bị bịnh, tâm của cha mẹ chẳng phải không bình đẳng, nhưng đối với đứa con có bịnh, tâm của cha mẹ phải lo đến nhiều hơn. Đức Như Lai cũng vậy, đối những người có tội, tâm Ngài nghiêng nặng về những người ấy. Đối với những người phóng dật, Phật hằng xót thương nghĩ đến, với người chẳng phóng dật, tâm Ngài chẳng âu lo”.
Đức Thầy (Kim Sơn Phật) cũng bảo:“Nếu chúng sanh nào dạy dỗ chẳng nghe, làm điều độc ác để phải tội thì Phật chẳng vì thế mà ghét bỏ, lại thương xót không cùng” (bài Chư Phật Có Bốn Đại Đức). Và:
“Dạy khuyên những kẻ ngỗ ngang,
Biết câu lục tự gìn đàng Tứ Ân”.
( Khuyến Thiện, Q.4)
Cho nên, lúc đi dạo Lục Châu, Đức Thầy thường cho kẻ hung bạo gặp, để tùy cơ thức tỉnh họ.
THOÁNG: Khoảng thời gian rất nhanh, nghe thoáng, xem thoáng qua.
MẶC DƯNG: Là rạch Mặc Cần Dưng, thuộc xã Bình Hòa, quận Châu Thành, Long Xuyên (An Giang).
CHÁNH VĂN
429. “Tay chèo miệng cũng rao chừng,
Đường đi tiên cảnh ai từng biết chưa ?
Khúc thời nhắc lại đời xưa,
432.  Lúc chàng Lý-Phủ đổ thừa Trọng-Ngư.
Nhà anh có của tiền dư,
Sao chẳng hiền-từ thương-xót bá gia ?
Bấy giờ gặp việc thiết-tha,
436.  Bạc vàng có cứu anh mà hay không ?”
LƯỢC GIẢI (Từ câu 429 đến câu 436):
-Đoạn giảng trên Đức Thầy nhắc tích Lý Phủ và Trọng Ngư là ngụ ý thức tỉnh người.
Nếu ai giác ngộ được:
“Đường vinh nhục rủi may một lát”.
Thì lúc bình thường có tiền của ta nên mở lòng nhơn bố thí cho những kẻ cơ bần, bệnh tật. Bởi:
“Trồng cây lành vị quả thơm tho,
Tuy không thấy mà sau chảng mất”.(Q.5)
Bằng ai cứ mãi tham lam keo kiết:
“Của dương thế góp tom bảo thủ”.(Q.5)
Không hề giúp đỡ ai đồng xu cắc bạc nào thì của tiền ấy:“Sau cũng tiêu theo luật của Trời” (bài Khuyên Bớt Cho Vay) mà chính mình phải chịu cảnh đau thương bi đát, như trường hợp anh Trọng Ngư kia vậy.
Cho nên Đức Thầy hằng khuyên dạy:
“Muốn cho rắn đặng hóa cù,
Xả thân làm phước Diêm Phù vượt qua.
Giữ bo đến lúc phong ba,
Gặp cơn bát loạn khó mà yên thân”.
(Khuyên Người Giàu Lòng Phước Thiện)
CHÚ THÍCH:
LÝ PHỦ ĐỔ THỪA TRỌNG NGƯ: Theo sách “Bá Gia Chư Tử”, xưa có đôi bạn thân là Lý Phủ và Trọng Ngư, cả hai gia đình đều khá giả và ở gần với nhau. Lý Phủ thì tâm bác ái hay giúp đỡ kẻ tật nguyền, nghèo khổ, nên được nhiều người cảm tình. Còn Trọng Ngư thì tánh tình rít bón, chỉ biết thâu vô, không hề làm một việc từ thiện nào cả, thiên hạ đều không ưa xa lánh.
Sau nước nhà gặp hồi binh biến, giặc cướp nổi lên, tài sản sự nghiệp của hai người đều tiêu sạch, mỗi người lánh nạn mỗi nơi, Lý Phủ được nhiều người nhớ ơn trước, nên anh được giúp đỡ  ấm no. Trái lại, Trọng Ngư thì không ai nhìn đến, phải vất vả ăn xin, thật là khổ sở.
Ngày nọ tình cờ hai người gặp nhau, Ngư cho rằng anh Phủ có phước nên được người ta ủng hộ no ấm, còn mình vô phước nên vất vả. Lý Phủ đáp:
– Bởi trước kia lúc anh có dư tiền của mà không rộng lòng bố thí, bây giờ gặp cảnh nghèo khổ thiết tha, nên không ai tiếp giúp. Phúc hay họa cũng do nơi mình tạo ra cả.
CHÁNH VĂN
437. “Hết tây Điên lại nói đông,
Có ai thức-tỉnh để lòng làm chi !
Mặc-Dưng mất dạng Từ-Bi,
440.  Thuyền đi trở ngược về thì Vàm-Nao.
Dòm xem thiên-hạ lao-xao,
Không ghé nhà nào cũng gọi vài câu.
Con sông nước chảy vòng cầu,
444.  Ngày sau có việc thảm-sầu thiết-tha.
Chừng ấy nổi dậy phong-ba,
Có con nghiệt-thú nuốt mà người hung.
Đến chừng thú ấy phục-tùng,
448.  Bá-gia mới biết người Khùng là ai.
Bây giờ phải chịu tiếng tai,
Giảng Đạo tối ngày mà chẳng ai nghe.
Đời như màn nọ bằng the,
452.  Hãy rán đọc vè của kẻ Khùng Điên”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 437 đến câu 452):
-Đức Thầy dùng lời lẽ kêu gọi bá tánh, nhưng chẳng thấy ai hồi tâm thức tỉnh. Trên con đường từ Mặc Dưng về Vàm Nao, tuy chẳng ghé đâu, nhưng Ngài cũng không ngớt giảng khuyên mọi người…
-Ngài còn tiên tri về sau tại dòng sông nầy (Vàm Nao) sẽ có con nghiệt thú nổi lên nhiễu hại người hung, gây nên cuộc thảm sầu không sao kể xiết, chính Ngài phải ra tay bắt nó. Đến khi con thú ấy chịu tùng phục thì vạn dân mới rõ được Ngài là ai; còn hiện giờ họ chưa biết nên cứ mãi chê bai gièm siễm, không màng tới lời Kinh tiếng Kệ.
-Thời cuộc quá mỏng manh sắp đến ngày khổ thảm, Đức Thầy hằng kêu gọi bá tánh hãy rán tìm đọc thơ vè của Ngài vì chính đó là phương thuốc có diệu năng cứu thoát bịnh khổ của chúng sanh.
CHÚ THÍCH:
TỪ BI: Hai trong bốn Đại đức của chư Phật. Có nghĩa hiền lành thương xót, thường ban vui cứu khổ cho muôn loài. Nhưng chữ Từ Bi ở đây là chỉ Đức Kim Sơn Phật (Đức Thầy). Như Ngài từng thốt:
“Cơn dông tố mịt mù bụi cát,
Chẳng nao lòng của Đấng Từ Bi”.(bài Sa Đéc)
VÀM NAO: Tên chữ là “Hồ Oa”, tức là con sông ăn thông Tiền Giang qua Hậu Giang, làm ranh giới hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc. Bên trên nước là xã Hòa Hảo, phía dưới nước là xã Kiến An và xã Mỹ Hội Đông (thuộc cù lao Ông Chưởng). Năm Đinh Mùi (1787) Nguyễn Ánh (Gia Long) hội binh các trấn tại đây để đánh Tây Sơn.
PHONG BA: Sóng và gió, chỉ cảnh trạng khi con nghiệt thú sắp nổi lên.
NGHIỆT THÚ: Con thú ác nghiệt ăn thịt cả người. Đây chỉ cho con sấu mũi đỏ (sấu Thần), có năm cái chân, truyền thuyết gọi là ông Năm Chèo.
Về nguồn gốc của con sấu ấy như sau:
Một hôm, ông Đình Tây, một trong thập nhị hiền thủ (12 đại đệ tử) của Đức Phật Thầy Tây An, được lịnh Thầy đi xuống vùng Láng Linh, gặp lúc vợ anh Xinh chuyển bụng đẻ mà không có chồng ở nhà. Ông Đình Tây thấy vậy, lo làm giường và rước mụ giùm. Khi anh Xinh đi bắt rùa rắn ở ngoài đồng về, nghe rõ tự sự thì hết sức cám ơn ông Đình Tây…Ông Đình Tây thấy trong giỏ của anh Xinh có một con sấu con, mũi đỏ có năm cái giò (chân) thì rất thích nên ngỏ lời hỏi mua. Vì mới thọ ân ông Đình Tây giúp vợ mình sinh đẻ, nên anh Xinh vui lòng biếu con sấu ấy cho ông. Đưọc con sấu, ông Đình đem về khoe với Thầy. Đức Phật Thầy nhìn biết đó là sấu thần, nên bảo ông Đình giết đi để trừ hậu hoạn. Đã không nghe lời Thầy, ông Đình còn lén nuôi con sấu ấy.(Ai có viếng vùng Thới Sơn thấy bên cạnh Đình Thần có cái ao xây đá chung quanh, đó là ao nuôi con sấu hồi trước).
Được ba năm, con sấu mau lớn phi thường, bỗng một hôm nó bứt dây bò đi mất. Không dám dấu giếm, ông Đình bèn đem việc ấy bạch với Đức Phật Thầy thì Ngài chắc lưỡi, rồi cắt nghĩa cho ông Đình biết: sau nầy con sấu ấy sẽ nhiễu hại dân chúng không biết bao nhiêu mà kể. Ngài liền cấp cho ông Đình Tây một lưỡi câumột sợi dây se bằng chỉ ngũ sắc, một mũi mun và hai cây lao, dặn hãy giữ gìn, phòng khi trừ con sấu ấy (những vật nầy còn để tại nhà ông Năm Hạnh, rể thứ tư của ông Đình). Lưỡi câu dài 1 tấc 4 phân rưỡi, ngạnh bén và dài 3 phân 3 ly; sợi dây ngũ sắc thì se bằng tơ, lớn cỡ đầu đũa ăn, dài 16 mét; mũi mun thì bị mẻ một góc, dài 3 tấc 6 phân, có lỗ ở hậu ;hai mũi lao nhọn, mỗi mũi dài 5 tấc. Tất cả đều được rèn bằng sắt.
Sau thời gian gặp mùa nước nổi, con sấu trườn lên ở vùng Láng Linh rượt bắt người và thú vật ăn thịt. Người ta kinh sợ, đến báo với ông Đình Tây, nhưng cứ mỗi lần ông mang bửu bối tới thì sấu lặn mất, không tìm đâu được. Đã nhiều phen tới lui như thế, nhưng không lần nào gặp được sấu thần. Lần chót, ông Đình lưu ở Láng Linh chờ đợi ngót nửa tháng mà sấu vẫn bặt tăm, ông bèn ra đồng kêu lớn giữa thinh không rằng: “Bớ sấu thần ! Nếu nhà ngươi chưa tới số thì từ nay hãy lặn yên đừng nổi lên phá hại xóm làng nữa. Còn như mạng nhà ngươi đã hết thì nên sớm chịu lịnh Trời, đừng để ta phải lâu ngày, nhọc công chờ đợi”. Nói xong, ông đợi suốt ngày, sấu vẫn im bặt. Thế rồi từ ấy trở đi, sấu không còn trườn lên nhiễu hại lê dân nữa.
Theo lời ông Biện Đài (Ngô Thành Bá) kể lại thì Đức Huỳnh Giáo Chủ có cho ông biết, con sấu ấy sau nầy sẽ xuất hiện tại sông Vàm Nao. Thân hình nó to lớn nằm muốn giáp sông, ăn thịt người ta không sao kể xiết. Dầu ai có đem súng thần công đại bác cũng chẳng trị nó được. Nhưng điều đặc biệt là nó chỉ nuốt những người hung ác mà thôi. Ông Biện Đài bạch Thầy:
-Ông Đình Tây tịch rồi lấy ai mà bắt nó ?
Đức Thầy đáp:
-Ông Đình Tây đã làm rồi nhiệm vụ lúc ở Láng Linh; còn sau nầy, Thầy sẽ trở về bắt nó.
Vấn đề con nghiệt thú nói trên, Đức Thầy còn nói rất nhiều với các tín đồ. Ở đây, chúng tôi chỉ ghi chép một ít để lược trình sự việc.
Trong một đoạn giảng khác Ngài đã nói:
“Ta chịu lịnh Tây Phương thọ ký,
Gìn nghiệt long đặng cứu dương trần”.(Q.4)
TIẾNG TAI: Mang tai tiếng, bị người chê bai gièm siễm đủ cách. Đức Thầy có câu:
“Mặc tình ai nói thiệt hơn,
Thấp cao tai tiếng làm ơn cho đời”.
(bài Để Chơn Đất Bắc)
CHÁNH VĂN
453. “Khỏi vàm Điên mới quày thuyền,
Xuống miền Cao-Lãnh lại phiền lòng thêm.
Tới đây ca hát ban đêm,
456.  Ai có thù hềm chưởi mắng cũng cam.
Cho tiền cho bạc chẳng ham,
Quyết lòng dạy-dỗ dương-trần mà thôi.
Nghe rồi thì cũng phủi rồi,
460.  Nào ai có biết đây là người chi.
Trở về Phong-Mỹ một khi,
Thuyền đi một mạch tới thì Rạch-Chanh.
Ghe chèo khúc quẹo khúc quanh,
Ở đây có một người lành mà thôi.
Nhắc ra tâm trí bồi-hồi,
466.  Khó đứng khôn ngồi thương xót bá-gia”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 453 đến câu 466):
-Khi ra Vàm Nao, Đức Thầy cho thuyền quay xuôi theo dòng sông để xuống vùng Cao Lãnh. Đến đây nhằm lúc ban đêm, nhưng Ngài cũng luôn ca hát đạo lý, dầu ai có thù khích, mắng chưởi, Ngài vẫn cam tâm.
-Ngài giả dạng ăn xin không phải vì ham tiền bạc, mà việc chính yếu là quyết lòng giáo hóa nhân sinh, nhưng rất tiếc cho người đời nghe qua lại quên mất, không nhớ lời đạo lý cũng chẳng rõ Ngài là người như thế nào.
-Kế đó Ngài chèo thuyền trở về Phong Mỹ. Trên con đường dài gần 100 km, Ngài cho thuyền đi thẳng một mạch tới Rạch Chanh. Ở đây dân chúng cũng đông đảo, nhưng xét ra chỉ được có một người hiền lương mà thôi. Thế nên khi kể đến đoạn nầy, Ngài đứng ngồi không an vì lòng quá thương xót lo lắng cho chúng sanh.
CHÚ THÍCH:
CAO LÃNH: Một quận trong tỉnh Sa Đéc, gồm có 19 xã, được làm nơi tập kết trong 6 tháng cho quân du kích kháng chiến Đồng Tháp, sau hiệp định Genève; từ năm 1956 Cao Lãnh là tỉnh lỵ của tỉnh Kiến Phong (Miền Nam Việt Nam).
PHONG MỸ: Một xã trong quận Cao Lãnh, giáp với xã Bình Thành. Tại đây thời Pháp thuộc họ cho xáng múc một con kinh xuyên qua Đồng Tháp trổ ra Rạch Chanh (Long An) để đến Sài Gòn, gọi là Kinh Xáng Phong Mỹ. Ghe xuồng ở các tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc theo con kinh nầy đi tắt về thủ đô Sài Gòn gần hơn ngã Tiền Giang, ra Láng Lộc, vô kinh nước mặn.
RẠCH CHANH: Con rạch nằm gần làng Trà Yến và Kiến Vàng, quận Thủ Thừa, tỉnh Long An.
CHÁNH VĂN
467. “Kiến-Vàng làng nọ chẳng xa,
Kíp mau tới đó vậy mà thử coi.
Xứ này nhà cửa ít-oi,
470.  Mà trong dân sự nhiều người chơn tu.
Thấy người đói rách xin xu,
Ra tay cứu vớt đui mù chẳng chê.
Khỏi đây đến chỗ bộn-bề,
474.  Rõ ràng Bến-Lức đã kề bên ghe.
Giả Người Tàn Tật đón xe,
Rồi lại nói vè ròng việc Thiên-cơ.
Hết vè rồi lại nói thơ,
478.          Làm cho bá-tánh ngẩn-ngơ trong lòng”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 467 đến câu 478):
-Qua khỏi Rạch Chanh, Đức Thầy thấy xã Kiến Vàng cũng kề cận, nên Ngài cho thuyền đi nhanh tới đó. Nơi đây nhà dân thưa thớt, nhưng điểm đáng quí là có nhiều người chơn thật tu hành, gặp kẻ tàn tật ăn xin, họ chẳng dám khinh chê, lại còn ra tay giúp đỡ.
-Khỏi đây, Đức Thầy xuôi thuyền theo sông Vàm Cỏ để đến chợ Bến Lức nơi thuyền ghe phố xá chen chúc, dân chúng buôn bán đông đảo. Ngài liền lên bờ, giả ra người tàn tật, lần theo các ngã đường đón xe xin tiền, miệng luôn đọc thơ vè. Nhưng thơ của Ngài nói ra khác hơn thơ của kẻ ăn xin thường tình, chỉ nói ròng việc thiên cơ đạo lý, nên khi dân chúng ở đây được nghe qua, lòng họ bắt bồi hồi suy nghĩ.
CHÚ THÍCH:
KIẾN VÀNG: Tên một làng trong quận Thủ Thừa, thuộc tỉnh Long An (Nam Việt Nam)
CHƠN TU: Người tu hành chơn chất, thật tâm hành đạo, khác với kẻ dối tu. Đức Thầy có câu:
“Tu thật tâm thì đặng thảnh thơi,
Tu giả dối thì lao thì lý”.
BỘN BỀ: Cũng đọc là bề bộn, có nghĩa là nhiều, ngổn ngang bừa bãi. Công việc bộn bề thấy bắt ngán. Đây chỉ cho bến chợ quận Bến Lức: Ghe xuồng tấp nập, người buôn bán đông đảo, hàng hóa ngổn ngang.
BẾN LỨC: Một quận trong tỉnh Long An (năm 1939 về trước là Tân An), nơi kháng chiến chống Pháp của Ngài Nguyễn Trung Trực, trên con sông lịch sử là Vàm Cỏ Đông (Nhựt Tảo).
NGẨN NGƠ: Đờ đẫn, thẩn thờ, dáng người không hiểu chi cả.
CHÁNH VĂN
479.          “Thơ vè Điên đã nói xong,
Đi luôn Ba-Cụm kẻo lòng ước-mơ.
Tới đây dẹp hết vè thơ,
Giả Người Bán Mắm quá khờ quá quê.
Chợ này thiên-hạ bộn-bề,
484.  Kẻ nhún người trề chê mắm chẳng ngon.
Bạn hàng tiếng nói quá dòn:
Giá này chẳng bán còn chờ chuyện chi ?
Bưng thời kẻ níu người trì:
488.  Ở đây không bán chị thì đi đâu ?
Dứt lời rồi lại câu-mâu,
Mắng: con đĩ chó khéo hầu làm khôn !
Muốn làm cho có người đồn,
492.  Biến mất xác hồn cho chúng chỉn ghê”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 479 đến câu 492):
-Đức Giáo Chủ khuyên đời tại Bến Lức xong, Ngài đi luôn đến Ba Cụm, một nơi nổi tiếng là tham lam trộm cắp. Đến đây, Ngài không nói vè thơ nữa, mà giả ra một cô gái bán mắm với dáng vẻ quê mùa chất phác.
-Các chị bạn hàng ở chợ Ba Cụm, ỷ mình lanh lợi, giở đủ trò bắt bẻ xài xể. Họ dùng những tiếng tục tằn, chưởi rủa kẻ thật thà. Thấy thế, Đức Thầy liền cho người và vật đều biến mất, khiến dân chúng ở đây phải giựt mình kinh sợ.
CHÚ THÍCH:
BA CỤM: Tên một vùng hoang vu giữa chợ Đệm và Vàm sông Bến Lức, thuộc tỉnh Long An, bên con sông nằm dọc từ Chợ Lớn đến Bến Lức. Nơi giáp nước có ba cội da to, ghe xuồng qua lại thường đậu nghỉ tay, chờ nước rất đông nên có nhiều bối (kẻ trộm cắp); vì thế mới nổi danh là “Bối Ba Cụm”.
MẮM: Một thức ăn được làm bằng các loại cá, tép để dành ăn lâu. Cách thức: Làm cá rửa sạch, đem ướp muối gài chặt trong lu, hủ, độ vài tuần thì đem ra trộn thính rồi gài lại; vài tháng sau, thắng đường trộn vô, ít lâu là ăn được. Đức Thầy bán mắm ở chợ Bến Lức là Ngài dùng huyền diệu hóa hiện ra, chớ không phải mang mắm thiệt theo.
BẠN HÀNG: Những khách hàng của những nhà vựa, hay đi chợ, mua để bán lại nơi khác hoặc bán lẻ tại chỗ.
CÂU MÂU: Cách nói cạnh khía, xóc óc, hay gây chuyện rầy lộn.
CHỈN GHÊ: Lo sợ, rất ghê sợ, kinh ngạc. Cổ nhân bảo:“ Đạo Trời báo phục chỉn ghê”.
CHÁNH VĂN
493. “Nói ra thêm thảm thêm thê,
Ông-Lãnh dựa kề giả Bán Trầu Cau.
Bạn hàng xúm lại lao-xao:
496.  Ông bán giá nào nói thử nghe coi ?
Trầu thời kẻ móc người moi,
Còn cau bẻ giấu thấy lòi tánh tham.
Thấy già bán rẻ nó ham,
500.  Bị thêm quê dốt nó làm thẳng tay.
Ghe người biến mất bằng nay,
Cho chúng biết tài của kẻ Thần Tiên.
Bến Thành đến đó đậu liền,
504.  Gặp hai thằng lính tra liền thuế thân.
Tớ Thầy nói chuyện cân-phân:
Mới lỡ một lần xin cậu thứ-tha.
Hai người tôi ở phương xa,
508.  Bởi chưng khổ-não mới là nổi trôi.
Lính nghe vừa dứt tiếng rồi,
Khoát nạt một hồi rồi lại bắt giam.
Thấy đời trong dạ hết ham,
512.  Ghe người biến mất coi làm chi đây”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 493 đến câu 512):
-Thuyền Đức Thầy rời khỏi Ba Cụm, liền đến cầu Ông Lãnh. Nơi đây, Ngài giả ra ông lão chèo ghe, rao bán trầu cau, các bạn hàng xúm lại hỏi mua, thấy Ngài bán rẻ và có dạng quê mùa chất phác, họ bèn giở trò tham lam, quèo móc, chẳng nghĩ đến người tuổi tác thật thà. Để cảnh tỉnh số người ấy, Ngài và ghe đều biến mất, liền theo đó Ngài lại có mặt ở  Bến Thành, Sài Gòn.
-Thuyền vừa cắp bến, bỗng  gặp hai người lính xét hỏi giấy thuế thân, Ngài bèn giả vờ không có giấy và năn nỉ: hai người tôi vì quá nghèo khổ, mới trôi nổi xin ăn đến đây, mong hai cậu nghĩ tình đồng bào chủng loại tha cho một lần. Nghe qua, hai người lính chẳng những không thông cảm, lại còn khoát nạt xài xể đủ điều. Nói rồi, chúng sửa soạn bắt cả Thầy trò đem giam. Trước tình cảnh ấy, Ngài cho ghe cùng người đều biến mất một lượt, để coi bọn lính làm chi được Ngài.
CHÚ THÍCH:
ÔNG-LÃNH: Tên một chợ gần dốc cây cầu bắc ngang rạch Bến Nghé nối vùng Vĩnh Hội với Thành phố Sài Gòn, cũng là tên khu đất nằm dọc theo rạch phía Sài Gòn, thuộc quận II Đô Thành.
TÁNH THAM: Lòng tham lam, tức là sự ham muốn quá độ, không nghĩ đến lẽ công bằng đạo lý là gì. Nó là một trong ba điều ác của Ý nghiệp và điều thứ 8 trong Thập Ác.
Đức Thầy diễn tả tánh tham của con người: “Tham danh, tham lợi, tham sắc, tham tài, tham quyền, tham thế…”(Quyển 6 – Ác Tham Lam). Và:
“Sẵn túi tham bất cứ chuyện gì,
Dầu xấu tốt cũng là dồn chứa”.
(Khuyến Thiện, Q.5)
QUÊ DỐT: Dốt nát, thật thà, kém hiểu biết. Ở đây Đức Thầy giả kẻ quê dốt để thử lòng người thành thị. Ca dao có câu:
“Tới đây xứ lạ quê người,
Trăm bề nhẫn nhịn đừng cười tôi quê”.
Trong Kệ Dân, Q.2 Đức Thầy cũng bảo:
“Giả quê dốt khuyên người tỉnh ngộ,
Giả bán buôn thức giấc người đời”.
BẾN THÀNH: Một cái bến dành cho ghe tàu đậu trên sông Bến Nghé, ở ngay trung tâm Sài Gòn. Đọc cho đủ là Bến Thành Sài Gòn.
THUẾ THÂN: Thuế người. Người Pháp cai trị nước Việt Nam bắt dân ta phải đóng nhiều sắc thuế, mà thuế người là một. Chúng bắt mỗi người đàn ông từ 18 tuổi trở lên là phải đóng thuế thân. Họ chia ra làm hai hạng: hữu sản mỗi người 5,60$, vô sản mỗi người 4,60$. Lúc bấy giờ (1939-1945) một đầu thuế như vậy phải bán từ 15 đến 18 gịa lúa mới đủ đóng, vì giá lúa khi đó chỉ có 25 tới 30 xu một giạ. Thời ấy dân ta có người làm không đủ ăn nên thường bị thiếu thuế. Nhà cầm quyền Pháp cho lính chận khắp nơi để bắt bớ giam cầm những người chưa đóng thuế, thật là khổ sở.
Đức Thầy đã diễn tả cảnh ấy:
“Ngồi Khùng trí đoái nhìn cuộc thế,
Thấy dân mang sưu thuế mà thương.
Chẳng qua là Nam Việt vô Vương,
Nên tai ách xảy ra thảm thiết”
( Kệ Dân, Q.2 )
CÂN PHÂN: Đồng đều, bằng nhau; nhưng chữ cân phân ở đây ý nói bày tỏ sự tình, phân trần phải trái.
KHOÁT NẠT: Quát tháo, nạt nộ to tiếng, như khoát nạt tôi tớ. Đây chỉ cho hạng người cường hào, dựa bệ ăn lương bắt nạt dân chúng.

Đăng nhận xét

[facebook][blogger]

Ẩn Danh Cư Sĩ PGHH 1939

Liên Hệ với PGHH 1939

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget