BỬU Ngọc Quân Minh Thiên Việt Nguyên,

寶玉君明天越元

SƠN Trung Sứ Mạng Đạo Nam Tiền.

山中師道地南前

KỲ Niên Trạng Tái Tân Phục Quốc,

奇年狀再新復國

HƯƠNG Xuất Trình Sinh Tạo Nghiệp Yên.

香出程生造業安

Tổ Đình Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH
Các Bài Viết Liên Quan
Cám Ơn Các Bạn Đã Ghé Thăm Website. Chúc Các Bạn An Lạc, Có Thêm Nhiều Kiến Thức Bổ Ích…
XIN THƯỜNG NIỆM PHẬT
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

Chú Giải từ câu 701 – 802 (Quyển I Khuyên Người Đời Tu Niệm)

Chú Giải từ câu 701 – 802 (Quyển I Khuyên Người Đời Tu Niệm)
CHÚ GIẢI SẤM GIẢNG QUYỂN 1 KHUYÊN NGƯỜI ĐỜI TU NIỆM

CHÚ GIẢI SẤM GIẢNG QUYỂN 1 KHUYÊN NGƯỜI ĐỜI TU NIỆM  

Chú Giải từ câu 701 – 802 (Quyển I)

CHÁNH VĂN
701. “Vàm-Nao rày đã đến rồi,
  Quày thuyền ghé lại bằng nay Chợ-Đình.
Hát hai câu hát huê-tình,
704.  Đậu xem dân chúng Chợ-Đình làm sao.
Sáng ngày chợ nhóm lao-xao,
  Giả Bận Áo Màu ai cũng dòm xem.
Mấy thằng trai trẻ thấy thèm
708.  Đứng xa quanh-quẩn nói gièm với nhau.
Đứa này nói để cho tao,
  Đứa kia xạo-xự áo màu quá ngon.
Nhắc ra động tấm lòng son,
  Buồn cho lê-thứ sao còn ham vui.
Ở đây một buổi ghe lui,
714.  Về trên Bảy-Núi ngùi-ngùi thương dân”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 701 đến câu 714):
-Khi Đức Giáo Chủ rời khỏi xóm nhà cô Tư Cứng, Ngài liền bước xuống thuyền cho trôi theo dòng nước, đến ngang chợ Đình. Vì muốn xem lòng bá tánh ở đây nên Ngài xây qua lối hát huê tình rồi cho thuyền đậu ngay bến chợ.
-Sáng ngày, Ngài giả ra một cô gái vừa trẻ vừa đẹp mang chiếc áo màu sặc sỡ. Bọn thanh niên ở đây xem thấy lòng thèm khát rộn lên, cùng nhau đứng xây quanh cô gái, kẻ tán dương nịnh hót, người thì giành phần nầy nọ đủ cách.
-Thấy tình cảnh như thế, lòng Đức Thầy rất đau xót cho dân chúng, sao còn quá đam mê dục lạc ? Ngài thử lòng bá tánh nơi đây được nửa ngày rồi trở về miền Thất Sơn, nhưng lòng Ngài lúc nào cũng nghĩ đến sinh linh sắp lâm cơn đồ thán !

CHÚ THÍCH:
VÀM NAO: Xem chú thích câu 440, Q.1
CHỢ ĐÌNH: Chợ gần bến Đình Thần xã Hòa Hảo, quận Tân Châu (Châu Đốc).
HÁT HUÊ TÌNH: Lối hát đối đáp giữa trai gái, phần nhiều viết theo thể lục bát, hay song thất lục bát hoặc biến thể, rút trong ca dao hoặc sửa lại cho hợp với tình cảnh, qua các cuộc tình duyên gặp gỡ, thề nguyền, chờ đợi.v.v…
NÓI GIÈM: Cũng viết là nói giàm, có nghĩa tỏ ý muốn, bằng lời lẽ quanh co, xa gần, tán tỉnh nịnh hót.
Tục ngữ có câu:“Muốn ăn nên mới nói gièm”.
LÒNG SON: Do chữ “đan tâm”, có nghĩa là lòng tốt đẹp trung thành, cứng bền và trong sạch, không chút bợn nhơ, có thể ví như son đỏ. Hàn Mặc Tử có câu:
     “Suốt năm canh mộng hồn mê mỏi,
       Chỉ một lòng son muốn giải bày”.
Và Đức Thầy Tây An đã bảo:
“Sắt kia vào lửa mẻ mòn,
Gan vàng tiết tháo lòng son mấy người”.
BẢY NÚI: Xem chú thích câu 88, Q.1
NGẬM NGÙI: Bùi ngùi sụt sùi thương nhớ. Ca dao có câu:
“Ngùi ngùi cảm nhớ Thung Ba,
Ngai vua dốc báo, nghĩa cha mong đền”.
 CHÁNH VĂN
715. “Thầy Trò chẳng nại tấm thân,
  Rảo khắp Non Tần bận nữa thử coi.
Chơn-tu thì quá ít-oi,
718.  Nhiều người ẩn-sĩ quá lòi tánh tham.
Đi lần ra đến núi Sam,
  Đến nơi rảo khắp chùa am của người.
Dạy rồi bắt quá tức cười,
722.  Thầy tu nhiều kẻ biếng lười quá tay.
Trẻ già biến hóa ai hay,
  Dạo trong Bảy-Núi chẳng nài công lao.
Rú-rừng lúc thấp lúc cao,
726.  Giả ra Nghèo-Khó vào nhiều am-vân.
Tu hành nhiều kẻ tham sân,
  Làm sao cho đặng mau gần Phật-Tiên.
Ai ai cũng cứ ham tiền, 
730.  Ấy là đem sợi xích-xiềng trói thân”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 715 đến câu 730):
-Trên con đường giáo độ nhân sanh, thầy trò Đức Giáo Chủ chẳng nài sự gian khổ, Ngài dạo qua vùng Bảy Núi một lần nữa để thử lòng các nhà tu ở đây. Xét thấy số thật tâm hành đạo thì ít, còn phần đông là hạng ẩn dương nương Phật, chỉ lo thâu nhận của tín thí thập phương, quen tánh nhàn rỗi, biếng lười; chẳng làm tròn bổn phận của một tăng sư.
-Đức Thầy giả ra đủ hình thức, hầu hết các am tự, núi đồi nơi nào Ngài cũng để chân đến. Lòng Ngài rất buồn thương cho những người đã mang tiếng xuất gia, dấn thân vào cửa Thiền mà tâm vẫn còn sân si, vị ngã, tham chứa của tiền; đã không hơn được người thường thì mong gì kiến diện Phật Tiên.
Kinh Phật cảnh giác giới xuất gia ấy:
     “Thập phương nhứt lạp mễ,
     Như đại Tu Di Sơn,
     Thực liễu bất tu đạo,
     Phi mao đái giác hườn”.
Tạm dịch:
     Thực phẩm tín thí mười phương,
     Xét ra trọng lượng sánh dường Tu Di.
     Thọ dụng chẳng hành trì đắc đạo,
     Đọa thú cầm nghiệp báo phải đền.
Đức Thầy hiện nay cũng từng thức tỉnh hạng tăng ni nói trên:
     “Khuyên trong sư vãi mau mau tỉnh,
Luân hồi quả báo rầt công bằng.
Mang tiếng xuất gia sao chẳng liệu,
Đạo đức xong chưa hỡi chư tăng”
  (Khuyên Trong Sư Vãi)
CHÚ THÍCH:
NON TẦN: Chỉ cho miền Bảy Núi, vùng nầy nằm giáp biên giới Miên-Việt, dân tộc Miên còn ở chung quanh đây khá đông, nên gọi là non Tần. Bởi theo giáo hệ Bửu Sơn Kỳ Hương thì danh từ nước Tần là ám chỉ cho nước Miên, như trong “Kim Cổ Kỳ Quan” của ông Ba Thới có câu:
     “Mấy ai từng ăn ốc không gai,
Ăn cơm không đủa đại tai nước Tần”.
Và trong Kệ Dân, Q.2  Đức Giáo Chủ cũng bảo:
     “Ở Cao Miên vì mến Tần Hoàng,
Trở về Nam đặng có sửa sang,
Cho thiện tín được rành chơn lý”.
  ẨN SĨ: Người có học vấn ẩn dật, nhưng chữ ấn sĩ  ở đây là chỉ cho số người giả tu, đã nương mình nơi núi non, am tự mà còn biếng nhác, tham lam, sân si vị ngã.
NÚI SAM: Xem chú thích câu 414, Q.1
AM VÂN: Am là cái chùa nhỏ của các nhà tu ở; vân là mây. Am người ta thường cất ở trên núi xa và cao có mây bao tuyết phủ nên gọi là am vân, như “Bạch Vân Am” của Cụ Trạng Trình thuở xưa. Cổ thi có câu:
     “Nghĩ cuộc thế vần xoay tráo chác,
     Nương am vân núp bóng Phật đà”.
THAM SÂN: Tham lam và sân hận, hai điều ác trong  ý nghiệp, nhưng chữ tham sân ở đây còn có nghĩa chỉ người ham sân si gây gổ. Người tu hành mà còn chứa chấp lòng sân hận thì không bao giờ kết quả.
Kinh Phật có câu:“Nhứt niệm Sân Tâm chi hỏa, năng thiêu vạn khoảnh công đức chi sơn” (Một đóm lửa sân hận dấy lên, nó sẽ đốt cháy cả rừng núi công đức của mình).
Khi xưa, ông Uất Đầu Lâm Phất đang ngồi thiền định dựa bờ suối, bên cạnh rừng cây, bỗng các loài chim từ đâu bay đến kêu hót vang rừng, còn cá dưới suối thì ăn móng đập đuôi làm tâm ông tán loạn, không thiền định được. Ông liền nổi sân thốt ra lời vi phạm ác khẩu:“Ta thề sẽ làm con chồn bay (phi ly) để ăn thịt hết loài chim cá nầy, mới nghe cho”. Thời gian sau Ông bị quả báo y như lời thề đó.
Lại thêm một trường hợp nữa là vua A Kỳ Đạt. Ông suốt đời lo tu hành, với công phước ấy đáng lẽ khi bỏ xác, nhà vua được lên thiên đường, nhưng vì chưa dứt được lòng sân hận, lúc gần lâm chung, người hầu vô ý làm rớt cây quạt trúng mặt vua. Vua giận dữ rồi tắt thở, linh hồn bị “Cận Tử Nghiệp” dẫn đi đầu thai vào loài rắn, sau nhờ một vị sa môn hóa độ, vua mới được sanh thiên.
Xét theo đây, nếu người tu còn tham sân ắt gặp nhiều chướng ngại, khó mong thành quả. Trong Kinh Di Giáo Phật có dạy:“Lòng nóng giận còn hơn ngọn lửa, các người khá nên đề phòng, chớ để nó xâm nhập vào Tâm. Con giặc cướp giựt công đức không gì hơn nóng giận. (Sân tâm thậm ư mãnh hỏa, thường phòng hộ, vô linh đắc nhập, kiếp công đức tặc, vô quá sân nhuế).
Đức Thầy nay cũng dạy:
     “Chữ gây gổ là sân hãy diệt,
    Cho nó đừng thấp thoáng trong lòng”.
HAM TIỀN BỊ XÍCH XIỀNG TRÓI THÂN: Ý nói người quá tham lam tiền của, lo tính hành động tội lỗi thì sớm muộn gì cũng vương cảnh thống khổ, như người tội trong lao ngục luôn bị gông xiềng trói buộc.
Đức Thầy thường cảnh giác:
     “Tham chi giả tạm của tiền,
  Như chim vào lưới xích xiềng trói thân”.
  (Hoài Cổ)
Lúc Đức Phật còn trụ thế, một hôm Ngài cùng đại chúng đang tiến hành trên lộ lớn, bỗng nhiên Ngài dừng lại và dắt đoàn người rẽ vào con đường nhỏ. Thấy thế, ông A Nan liền bạch hỏi nguyên do ?
Phật bảo:“ Ở trước kia có oán tặc đón đường, chốc nữa đây sẽ có ba Phạm Chí đến đó bị tai hại không tránh được. Các ngươi hãy đi nhanh, rời khỏi nơi đây !”
Sau mấy phút ba người Phạm Chí đi tới, đồng xí được một cái túi đầy ắp vàng bạc nằm dựa bệ đường. Ba người mừng rỡ cùng nhau bàn tính: Giờ Trời đã trưa, bụng lại đói, vậy hai người ở lại giữ vàng còn một người xuống chợ mua thức ăn về, cùng nhau ăn uống rồi sẽ lên đường. Phân công xong, người đi chợ vừa đi vừa nghĩ:“Số vàng nầy ta chỉ chia được một phần ba thì uổng quá, chi bằng mua độc dược thuốc hai đứa nó để mình ta trọn hưởng”. Khi đến chợ Phạm Chí nầy ăn uống no say rồi mua thuốc độc tẩm vào thức ăn xách về.
Còn hai Phạm Chí ở lại cũng sanh lòng tham, cùng nhau liệu kế giết người đi chợ để đoạt luôn phần của y. Phạm Chí đi chợ xách thức ăn về vừa tới, bất ngờ bị hai người kia hạ sát, thi hành xong thủ đoạn, họ ném thây người ấy vào bụi rậm rồi lấy thức ăn trong xách ra dùng, lát sau thuốc độc thấm vào hai người đều nhào lăn ra chết cả.
Mẩu chuyện kể trên, cho ta thấy người đời ham tiền còn phải bị tiền của trói buộc vào khổ tử; huống lại kẻ tu hành đã đem thân vào núi non am cốc nếu còn tham tiền bạc của bá gia dâng cúng, như các Tăng Ni ở miền Bảy Núi mà Đức Thầy đã đề cập trong đoạn giảng kể trên thì biết bao giờ họ gặp được Phật Tiên.
     
 CHÁNH VĂN
731. “Lìa xa Bảy-Núi lần lần,
  Xuống thuyền trực chỉ lên gần Hà-Tiên.
Đến đây giả Kẻ Không Tiền,
734.  Rảo khắp thị-thiềng xin-xỏ bá-gia.
Đi rồi cũng quá thiết-tha,
  Trở về non cũ đặng mà dạo chơi.
Non Tiên gió mát thảnh-thơi,
738.  Nhưng nhớ việc đời lụy ngọc nhỏ sa.
Xuống trần lúc hát lúc ca,
  Mà trong lê-thứ có mà biết chi.
Nam-mô hai chữ từ-bi,
742    Trần-hạ nói gì đây cũng làm thinh.
Tu thời nhàn hạ thân mình,
  Phần Điên khuyên nhủ mặc tình ghét ưa.
Thiên-cơ ai dám nói thừa,
746.  Mà trong bá tánh chẳng ưa Điên Khùng”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 731 đến câu 746):
-Khi Đức Thầy rời khỏi Bảy Núi, liền xuống thuyền lướt thẳng đến Hà Tiên. Nơi đây, Ngài giả ra người nghèo khó, rảo khắp chợ để xin tiền bá tánh, nhưng ít có người đoái thương kẻ cơ bần. Lòng Ngài quá xót xa bèn trở về non cũ, nơi mà trước kia Ngài đã tu hành chứng đắc. Song vì lòng từ bi của đấng Giác Ngộ, không nỡ riêng hưởng chốn an nhàn tự tại. Lúc nào Ngài cũng nghĩ đến sanh linh đang chìm đắm trong bể mê sông khổ, thế nên dù cho:“Bể trần sóng cuộc lao xao”, Ngài cũng quyết chí:
“Xông thuyền Bát Nhã lướt vào một phen”.
    (Tự Thán)
-Tuy lời giác tỉnh của Ngài chưa được bao người để ý, nhưng Ngài vẫn giác đời mãi mãi:
Dù đời bạc đãi ngọn đèn cứ nêu”.(Tự Thán)
-Chúng sanh nào biết cải ác tùng thiện thì sau nầy được hưởng cảnh thanh bình, bằng ai không thích ưa cũng mặc, chớ cơ mầu nhiệm của Trời Phật, Ngài không bao giờ dám nói dư một điều.
       CHÚ THÍCH:
HÀ TIÊN: Nguyên là phủ Sài Mạt của Chân Lạp do Mạc Cửu và một số người Quảng Đông đến đây khai mở. Mạc Cửu được vua Miên phong chức Ốc Nha (như Tỉnh Trưởng) cai quản vùng ấy. Đến năm 1708, Mạc Cửu xin thần phục Chúa Nguyễn. Năm 1867 Pháp lấy trọn miền Nam, Hà Tiên là tỉnh thứ 3 của 20 tỉnh Nam kỳ, năm 1956 được sát nhập với tỉnh Rạch Giá để thành tỉnh mới, là Kiên Giang. Hà Tiên trở thành một quận có 8 xã.
NON CŨ: Chỉ núi Tà Lơn, một ngọn núi nằm trên đất Miên, đây là nơi ông Cử Đa (tức ông Điên) tu hành đắc đạo.
LỤY NGỌC: Cũng là lệ ngọc, tức là giọt nước mắt rơi xuống như từng hột ngọc rơi. Thường chỉ cho nước mắt của người cao quí, sang đẹp.
Trong Sám Giảng Q.3 có câu:
       “Trước đền mặt ngọc lụy rưng,
  Quí yêu bá tánh biết chừng nào nguôi”.
NAM MÔ: Xem chú thích câu 29, Q.1
TỪ BI: Xem chú thích đoạn 2 bài Sứ Mạng
NHÀN HẠ: Thong thả rảnh rang, không còn vướng bận nợ trần tục. Kệ Dân, Q.2 có câu:
“Tương với muối cháo rau đạm bạc,
Nghèo lương hiền biết niệm Di Đà.
Mà mai sau thoát khỏi tinh ma,
Lại được thấy cảnh Tiên nhàn hạ”. 
CHÁNH VĂN
747.  “Xuống thuyền chèo quế thung-dung,
  Đi dạy đủ chỗ khắp cùng thử coi.
Rạch-Giá chợ nọ thoi-loi,
750.  Gần nơi ven biển cá mòi nhiều hơn.
Tới đây giả Kẻ Có Cơn,
  Khi say khi tỉnh lúc hờn số căn.
Dương-trần đi lại lăng-xăng,
754.  Chê chê nhạo nhạo cười rằng quân điên.
Ở đâu mà tới thị-thiềng,
  Lính chẳng bắt xiềng nó lại bót đi.
Lòng thương vì tánh từ-bi,
758.  Dạy-dỗ chuyện cùng mà chẳng ai nghe”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 747 đến câu 758):
-Giảng dân ở Hà Tiên xong, Đức Giáo Chủ thong thả chèo thuyền xuống Rạch Giá, một cái chợ nằm ở tại cái doi đất sát bờ biển, dân chúng vùng nầy, đa số sống nghề ngư nghiệp, nơi mà người ta đánh lưới được cá mòi nhiều hơn hết.
-Đến đây Ngài giả ra người không thiệt tánh, khi thì hờn trách phận duyên, lúc lại nói thiên cơ đạo lý, bá tánh kẻ qua người lại, chê cười, nhiếc mắng đủ cách, họ còn nói: Lính sao không bắt quách người điên nầy đem về nhốt đi cho trống chợ. Thấy đời quá lăng mạ, mê si, Đức Thầy động lòng thương, nên Ngài giảng rõ việc đời khổ não sắp xảy ra, nhưng bá tánh ở đây ít người nghe đến.
CHÚ THÍCH:
CHÈO QUẾ: Xem chú thích câu 176. Q.1
THUNG DUNG: Cũng gọi là thong dong. Có nghĩa rảnh rang thong thả, không bận rộn, không còn phải lo nghĩ:
“Tẩy trần vui chén thong dong”.(Truyện Kiều)
RẠCH GIÁ: Tỉnh thứ 4 của Nam kỳ thời Pháp thuộc; năm 1956 nhập với Hà Tiên (và đảo Phú Quốc) để thành tỉnh Kiên Giang. Xưa là xã Giá Khê do Mạc Cửu lập ra và sát nhập vào Phong ấp Hà Tiên (năm 1915 đời Chúa Nguyễn Phúc Chu), năm Ất Mão (1735) Mạc Thiên Tích lập thành tỉnh Kiên Giang của trấn Hà Tiên.
VEN BIỂN: Bờ biển, dọc theo mé biển.
THOI LOI: Cũng gọi là doi hay thỏi đất, mũi đất nhỏ nằm thòng ra sông, ra biển. Ví dụ gần thoi loi thường có sóng to.
CÁ MÒI: Tên một loài cá biển, vảy mềm, xương nhiều và nhỏ, ngọt thịt, thường lội từng đàn hằng ngàn con.
KẺ CÓ CƠN: Người không thiệt tánh, mất trí từng hồi. Ví dụ cho người nọ có cơn, tánh khi vui khi buồn bất thường.
SỐ CĂN: Cũng gọi là căn số hay số kiếp, căn phần có sẵn của mỗi người, hoặc của chung tất cả.
    CHÁNH VĂN
759. “Dạy rồi Điên lại xuống ghe,
  Long-Xuyên, Sa-Đéc nói ròng vè-thơ.
Vợ chồng nghèo khổ bơ-vơ,
762.  Ở nơi giữa chợ lại khờ lại quê.
Buồn trong lê thứ ủ-ê,
  Sóc-Trăng chợ ấy thuyền kề đến nơi.
Đến đâu thì cũng tả-tơi,
766.  Nói rõ việc đời sắp khổ sắp lao.
Thị-thiềng thiên hạ lao-xao,
  Chẳng có người nào tu niệm hiền-lương.
Thấy trong trần-hạ thảm thương,
770    Đâu có biết đường chơn chánh mà đi”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 759 đến câu 770):
-Đức Giáo Chủ giảng khuyên dân chúng ở Rạch Giá xong, Ngài liền xuống thuyền trở về Long Xuyên và Sa Đéc. Hai nơi nầy Ngài cũng dùng vè thơ thức tỉnh bá gia, sớm quày đầu hướng thiện. Ngài còn giả ra hai vợ chồng nghèo khổ, quê khờ trong tình cảnh bấp bênh, xin ăn theo chợ búa.
-Hết đây, Ngài cho thuyền tiến thẳng đến chợ Sóc Trăng, tới đâu cũng với hình thức cơ hàn, áo quần tơi tả, nhưng miệng Ngài không ngớt báo tin cho dân chúng rõ, cuộc đời sắp đến hồi điêu linh thống khổ. Nhìn chung cảnh vật chợ Sóc Trăng, Ngài rất thảm thương nơi nầy, tuy dân chúng đông đảo, nhưng ít có người hiền lành tu niệm, bởi họ quá say mê vật dục, không rõ đâu là nẻo tà để tránh và đâu là đường chánh nên theo.
CHÚ THÍCH:
LONG XUYÊN: Tỉnh số 8 của Nam Kỳ thời Pháp thuộc,1956 nhập với tỉnh Châu Đốc thành tỉnh An Giang, đặt tỉnh lỵ tại Long Xuyên; từ năm 1964 Châu Đốc được tách rời ra và lấy tên cũ, thành ra An Giang chỉ còn phần tỉnh Long Xuyên hồi trước. Long Xuyên, đông giáp Sa-Đéc; tây giáp Châu Đốc; nam giáp Kiên Giang; bắc giáp  Kiến Phong và Châu Đốc. diện tích 4.140 km vuông. Dân số 1.361.700, trên 80% là tín đồ PGHH. Tỉnh An Giang (Long Xuyên) và Châu Đốc được coi như hai tỉnh thuộc Thánh Địa PGHH.
SA ĐÉC: Tỉnh số 6 của Nam kỳ thời Pháp thuộc. Đông giáp tỉnh Vĩnh long; bắc và tây giáp Kiến Phong và An Giang; nam giáp Phong Dinh. 
SÓC TRĂNG: Tỉnh số 10 của Nam kỳ thời Pháp thuộc, từ năm 1956 được nhập với một phần  tỉnh Bạc Liêu để làm thành tỉnh Ba Xuyên.
BƠ VƠ: Linh đinh thất thiểu, không chỗ nương tựa.
       
CHÁNH VĂN
771. “Lìa xa đô-thị một khi,
  Thuyền-loan trực chỉ đến thì Bạc-Liêu.
Chợ nầy tàn ác quá nhiều,
774.  Phố-phường dân Thổ dân Tiều nhiều hơn.
Đi cùng thành-thị ráo trơn,
  Cà-Mau đến đó thiệt hơn tỏ bày.
Cho trong bá-tánh chợ nầy,
778.  Rõ việc dẫy đầy lao-lý về sau.
Đường đi lao-khổ sá bao,
  Miễn cho trần-hạ biết vào đường tu.
Tu-hành đâu có tốn xu,
782.    Mà sau thoát khỏi lao-tù thế-gian”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 771 tới câu 782):
-Rời khỏi tỉnh lỵ Sóc Trăng, Đức Thầy lái thuyền tiến thẳng đến Bạc Liêu. Ngài thấy dân chúng ở chợ nầy quá bạo tàn gian ác, đồng bào phần đông là người Việt gốc Miên và Việt gốc Hoa.
-Ngài giảng dân khắp vùng thành thị rồi cho thuyền đi luôn Cà Mau. Ở đây Ngài kêu gọi, giải bày cặn kẽ  việc lao khổ sắp tới cho mọi người được hiểu.
-Trên con đường giác chúng cứu đời dù có gặp nhiều khổ nhọc Ngài cũng không màng kể:
     “Thân nầy sá quản cần lao,
  Miễn cho bá tánh được mau an nhàn”.
  (Viếng Làng Mỹ Hội Đông)
– Chỉ mong sao cho vạn dân sớm quay về nẻo đạo. Với phương thức tu hành theo Ngài chỉ dạy khỏi phải hao tiền tốn của, chỉ lo trau thân lập hạnh niệm Phật làm lành mà sau nầy được thoát cảnh trần gian thống khổ.
       CHÚ THÍCH:
ĐÔ THỊ: Chỗ thị tứ lớn, nơi tụ họp mua bán đông đảo.
BẠC LIÊU: Nguyên xưa là quận Trần Di của  trấn Hà Tiên do Mạc Thiên Tích lập từ năm Ất Mão (1735). Thời Pháp thuộc thành tỉnh thứ 20 của Nam Kỳ, năm 1956 được nhập với tỉnh Sóc Trăng để thành tỉnh Ba Xuyên.
DÂN THỔ: Cũng gọi là thổ dân (Đàn Thổ). Tiếng nầy do dân ta từ Bắc, Trung mới vào Nam gọi người Cao Miên là Đàn Thổ. Khi đất Thủy Chân Lạp thuộc về Việt Nam thì họ chịu thần phục Chúa Nguyễn và thổ dân ở lại nước ta luôn, bấy giờ ta gọi họ là người Việt gốc Miên. Họ còn ở các vùng Bạc Liêu, Sóc Trăng (Ba Xuyên) và Trà Vinh (Vĩnh Bình) rất nhiều.
DÂN TIỀU: Người Việt gốc Hoa. Nguyên là người ở xứ Tiều Châu (Triều Châu) Trung Hoa, theo Mạc Cửu chống nhà Thanh, chạy sang Chân Lạp. Sau thần phục Chúa Nguyễn rồi định cư luôn ở nước ta, hiện giờ họ còn ở Bạc Liêu khá đông.
CÀ MAU: Doi đất ở cực Nam nước Việt Nam. Nguyên là đất Thủy Chân Lạp, tiếng Cam Bốt gọi là Tukkhmau (nước đen). Hồi Pháp thuộc là một quận lớn của tỉnh Bạc Liêu. Năm 1956 cùng với một vài quận khác trở thành tỉnh An Xuyên. Tây giáp Vịnh Thái Lan; đông và nam giáp bể Nam Hải; bắc giáp Kiên Giang, Chương Thiện, Bạc Liêu. Diện tích 4.906 km vuông; dân số 256.442. Tỉnh giàu về ngư nghiệp (tôm cá) và lâm sản ( than, củi, mật ong…)
SÁ BAO: Chẳng kể là bao. Ý nói dù đường đi có xa xôi cực khổ bao nhiêu cũng chẳng kể (chẳng quản), miễn được việc là hơn.
   
   CHÁNH VĂN
783. “Thầy Trò lắm cảnh gian-nan,
  Chừng nào hết khổ mới an tấm lòng.
Đằng-vân đến tỉnh Gò-Công,
786.  Vì thương dân-thứ mới hòng đến đây.
Xưa kia bão-lụt tỉnh này,
  Mà sau cảnh khổ xứ này gần hơn.
Yêu dân lòng nọ chẳng sờn,
790.  Thầy hát Tớ đờn dạy cũng khắp nơi”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 783 tới câu 790):
-Trên đường châu du độ thế, thầy trò Đức Giáo Chủ gặp nhiều cam go thử thách, nhưng Ngài cũng nhứt quyết làm tròn chí nguyện cho đến khi nào chúng sanh hết đắm chìm trong bể khổ mới an lòng:
     “Nếu thế gian còn chốn mê tân,
Thì ta chẳng an vui Cực Lạc”.
-Bấy giờ Ngài rời Bạc Liêu đằng vân tới tỉnh Gò Công. Sở dĩ Ngài hằng mong tới tỉnh nầy là vì lòng quá thương xót chúng dân ở đây, trước kia đã phải chịu nạn lụt lội khủng khiếp mà nay sắp gặp tai khổ nhiều hơn nữa.
       
-Hai Thầy trò giả ra một người đờn và một người hát. Ngài hát toàn việc Thiên cơ, Đạo lý để giác tỉnh bá tánh khắp nơi.
CHÚ THÍCH:
ĐẰNG VÂN: Đi trên mây, cách đi của các Tiên gia.
GÒ CÔNG: Tên chữ là Khổng Tước Nguyên, tỉnh thứ 18 của Nam kỳ thời Pháp thuộc. Năm 1956 nhập với Mỹ Tho để thành lập tỉnh Định Tường; Gò Công là một quận của tỉnh nầy, gồm có 15 xã.
HÒNG: Hầu, mong. Ca dao có câu:
Cái vòng danh lợi cong cong,
Kẻ hòng ra khỏi người mong bước vào”.
BÃO LỤT: Bão là gió lớn và có mưa to; lụt là nước dâng lên dữ dội. Trận bão ở Gò Công xuất phát tại biển Tân Thành, thuộc tỉnh lỵ Gò Công, vào đêm 16 tháng 3 năm Giáp Thìn (1904) làm chết 5.000 người, nhà cửa và các gia súc trong tỉnh bị thiệt hại không kể xiết và các tỉnh như: Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang cũng bị ảnh hưởng rất nặng. Hiện giờ dân chúng còn nhớ hai câu thơ của người xưa truyền lại:
     “Bão rồi thành ngọn sơ rơ,
Chim không nơi đậu vật vờ khá thương”.
CHẲNG SỜN: Chẳng khờn, lòng chẳng hề nao núng trước nghịch cảnh. Đức Thầy hằng khuyên:
     “Khuyên dân lòng chớ có sờn,
Rán tu thì được xem đờn trên mây
  (SG,Q.3)
CHÁNH VĂN
791. “Khỏi đây Bà-Rịa tách vời,
  Đến đó vậy thời trời mới sáng ra.
Chợ này đông-đúc người ta,
794.  Nhiều đuông chà-là lại với nho tươi.
Đến đây Thầy Tớ hoá mười,
  Nói nói cười cười bán thuốc Sơn Đông.
Ai ai đều cũng ngóng trông,
798.  Coi lũ khách này hát thuật làm sao.
Hát mà trong bụng xáo-xào,
  Nói chuyện bên Tàu máu đổ tuôn rơi.
Cả kêu dân-chúng hỡi ôi !
802.  Sao không thức tỉnh việc đời gần bên”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 791 tới câu 802):
-Khi Đức Giáo Chủ đặt chân đến Bà Rịa trời vừa sáng, chợ nầy nhóm rất đông, phần nhiều là họ bán nho tươi và đường chà là. Thầy trò Ngài giả ra một gánh hát Sơn Đông gồm có 10 người và đủ tiện nghi bán thuốc. Dân chúng tựu lại khá đông, ai ai cũng trông coi lũ khách trú nầy hát thuật hay dở ra sao.
-Tuy bên ngoài giả dạng hát để bán thuốc, chớ lòng Ngài lúc nào cũng xót xa, nhứt là Ngài chỉ cho bá tánh biết cảnh chiến tranh tàn khốc bên Trung Hoa hiện giờ, để rồi Ngài kêu gọi mọi người nên ý thức rằng nạn khổ ấy sẽ đến với chúng ta không còn xa mấy:
“Cảnh thảm khổ chiều mai sẽ đến,
  Sao dân còn tríu mến trần mê ?
  Mắt nhìn ngoại quốc thảm thê,
  Nam bang cảnh khổ cũng kề bên tai”.
  (Để Chơn Đất Bắc)
      
    CHÚ THÍCH:
BÀ RỊA: Tỉnh thứ 15 của Nam kỳ thời Pháp thuộc, từ năm 1956 hợp cùng Vũng Tàu và Đảo Hoàng Sa để thành tỉnh Phước Tuy.
ĐUÔNG: Giống sâu bằng ngón tay hai đầu nhọn, thân có ngấn cạn, màu hột gà, thường ở giữa cổ hủ cây dừa và chà là. Ví dụ ăn đuông, bị đuông ăn.
THẦY TỚ HÓA MƯỜI: Hai người mà hóa ra tới mười người cho đủ đoàn hát Sơn Đông.
BÁN THUỐC SƠN ĐÔNG: Đầu tiên do nhà thuốc người Trung Hoa lập ra, rồi cho từng đoàn đi bán quảng cáo khắp nơi; phần nhiều là người Quảng Đông. Họ dọn bán theo chợ hoặc nơi nào có dân đông, bày đủ trò ca hát, ảo thuật, xiếc,v.v…để cho người ta thấy tựu lại xem rồi họ quảng cáo bán thuốc. Sau người Việt ta cũng lần lần lập ra nhà thuốc và cũng cho người đi bán thuốc lối ấy.
LỮ KHÁCH: Đám khách trú, người Việt ta thường gọi người Trung Hoa là khách trú hay các chú (tiếng lóng).
XÁO XÀO: Rầy rà, xung đột, làm rối loạn, nhưng chữ xáo xào ở đây ý nói cõi lòng Đức Thầy quá xót xa đau đớn, vì thấy vạn dân sắp lâm cảnh khổ.

Đăng nhận xét

[facebook][blogger]

Ẩn Danh Cư Sĩ PGHH 1939

Liên Hệ với PGHH 1939

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget