BỬU Ngọc Quân Minh Thiên Việt Nguyên,

寶玉君明天越元

SƠN Trung Sứ Mạng Đạo Nam Tiền.

山中師道地南前

KỲ Niên Trạng Tái Tân Phục Quốc,

奇年狀再新復國

HƯƠNG Xuất Trình Sinh Tạo Nghiệp Yên.

香出程生造業安

Tổ Đình Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH
Các Bài Viết Liên Quan
Cám Ơn Các Bạn Đã Ghé Thăm Website. Chúc Các Bạn An Lạc, Có Thêm Nhiều Kiến Thức Bổ Ích…
XIN THƯỜNG NIỆM PHẬT
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

Chú Giải từ câu 301 – 400 (Quyển I Khuyên Người Đời Tu Niệm)

Chú Giải từ câu 105 – 208 (Quyển I Khuyên Người Đời Tu Niệm)

CHÚ GIẢI SẤM GIẢNG QUYỂN 1 KHUYÊN NGƯỜI ĐỜI TU NIỆM

CHÚ GIẢI SẤM GIẢNG QUYỂN 1 KHUYÊN NGƯỜI ĐỜI TU NIỆM  

Chú Giải từ câu 301 – 400 (Quyển I)

CHÁNH VĂN
301. “Ngọn đèn chơn lý hết lu,
Khắp trong lê-thứ ao tù từ đây.
303. Thấy trong thời-cuộc đổi xây,
Đời nay trở lại khác nào đời Thương.
Nhắc ra thêm ghét Trụ Vương,
306.  Ham mê Đắc-Kỷ là phường bội cha”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 301 đến câu 306):
-Đoạn nầy ý nói thời gian qua nền Đạo pháp bị thất chân truyền, nay may mắn được Đức Thầy và chư Phật Thánh lâm phàm, nêu cao ngọn đèn chơn lý làm sáng tỏ đường lối tu hành. Nhưng từ đây vạn dân còn gánh chịu, muôn ngàn khổ não cho đến khi chấm dứt đời Hạ ngươn Mạt pháp. Đây là định luật xây vần của cơ tạo hóa:
“Hết vinh tới nhục lẽ nầy thường xưa”.
(Cho Ông Tham Tá Ngà)
-Đức Giáo Chủ nhận thấy nhà cầm quyền Pháp hiện nay, chẳng khác nào thời mạt Thương của vua Trụ trước kia. Một nhà vua đam mê tửu sắc, làm đảo lộn luân thường, nghe lời gièm pha của gian nịnh, giết thác tôi trung, khắc khổ dân lành tạo nên cảnh trời sầu đất thảm, thật là kẻ bội bạc thâm ân đáng chê trách.
CHÚ THÍCH:
CHƠN LÝ: Cũng đọc là Chân lý, tức là lý lẽ chân thật, thực tế rõ ràng; là lẽ phải không chối cãi khác được (đối với ngụy lý).
Xưa Đức Phật dạy chư đệ tử:“Tất cả những sự thật, theo suy nghiệm riêng của các người, và sau khi xác nhận rõ ràng, phù hợp với lẽ phải, tạo thành hạnh phúc cho các người và tất cả mọi người thì chính đó là Chơn lý. Các ngươi nên cố găng sống theo Chơn lý ấy”.
Chơn lý lại có 2 phần:
1.-Chơn lý tương đối: là lý lẽ tương đối với nhau mà có, như nóng với lạnh, tốt với xấu.
2.-Chơn lý tuyệt đối: là lý lẽ tự nhiên, sẵn có từ vô thỉ, không thay đổi, đồng nghĩa với chữ Đạo. Nghĩa nầy rất thâm sâu không thể dùng văn tự, ngôn ngữ giải bày hết được, chỉ có tu hành đạt được bản tâm gọi là trực nhận Chơn lý. Kinh Di Đà dạy:“Lý viên ngôn thông, ngôn sanh Lý tán”.(Chơn lý viên dung thật tướng, nếu dùng lời nói mà cho là Chơn lý thì chắc là thiên lệch và làm mất Chơn lý đi).
Để dung hòa Sự Lý, Ngài Phụ Đà Mật Đa có thuyết kệ rằng:
“Chơn lý vốn không tên,
Nhơn tên rõ chơn lý,
Thọ được pháp chơn thật,
Chẳng chơn cũng chẳng ngụy”.
Vậy người tu học Đạo pháp nhờ nương theo Chơn lý mà đạt Đạo giải thoát. Như Đức Thầy đã khuyên:
“Diệu huyền Chơn lý noi đường sáng,
Ảo thuật tà tâm kiếm nẻo ra”.
(Tỉnh Bạn Trần Gian)
ĐỜI THƯƠNG VÀ TRỤ VƯƠNG: Đời Thương tức là đời nhà Thương (1783-1122 Trước Tây lịch), một
triều đại ở Trung Hoa. Nguyên Hạ Kiệt là vị bạo chúa hoang dâm vô đạo, giết hại thần dân, muôn nhà đều ta thán. Thuở ấy có một ông vua chư hầu ở nước Thương, họ Tử thị, tên Lý, tự Thiên Ất, hiệu Thành Thang, là vị vua rất mực nhân đức, đứng lên lãnh đạo phong trào cách mạng, lật đổ bạo quyền nhà Hạ Kiệt, cứu dân khỏi cảnh lầm than. Sau khi đánh đuổi vua Kiệt qua đất Nam Sào, thống nhất đất nước, Thành Thang lên ngôi Thiên tử, đóng đô ở đất Bạc, lấy hiệu là nhà Thương trị vì được 28 đời.
TRỤ VƯƠNG: Vị vua chót của nhà Thương tên là Thọ Tân (truyện gọi là Ân Thọ) tức là Trụ Vương. Vua Trụ có sức mạnh hơn người, tay không có thể đánh chết mãnh hổ. Sau vua Trụ nghe lời gièm tấu của bọn nịnh thần là Vu Hồn, Bí Trọng bắt buộc Tô Hộ phải cho con là Tô Đắc Kỷ tiến cung.
Từ ngày được Đắc Kỷ, Trụ Vương trở nên hôn ám đam mê. Ngày thì tiệc tùng yến ẩm ca xang, đêm du hý cùng Đắc Kỷ và đám cung phi, phế việc triều chính, gần kẻ nịnh, lánh tôi trung. Trụ Vương nghe lời Đắc Kỷ hành hình chánh cung Khương hoàng hậu để nàng lên ngôi chánh hậu, lại ban gươm Thượng Phương giết hại ấu quân. Tội ác của Vua Trụ không sao kể xiết; nào giết Thừa tướng Thương Dung, mổ tim Hoàng thúc Tỷ Can, cạo đầu Cơ Tử, cầm tù Tây bá hầu Văn Vương bảy năm ở Dũ Lý, nào gạt chư hầu vào chầu rồi phân thây Đông bá hầu Khương Hoàng Sở và Nam bá hầu Ngạt Sùng Võ.
Trụ Vương còn lập Bào lạc giết quan Gián nghị, chế sái bồn giết hại cung nga, thâu gồm rượu thịt trong thiên hạ về làm ao rượu, rừng thịt:
“Nào thịt như rừng, rượu cả ao,
Trụ nghe Đắc Kỷ độc chừng nào,
Sái bồn nuôi rắn thương chi xiết,
Bào lạc thành tro thảm biết bao!”.
Nào là xuất ngân quỹ xây Lộc Đài, khiến công khố hao hụt, nhân dân chịu sưu thuế nặng nề gian khổ. Nghe lời Đắc Kỷ chặt chân người xem mỡ, mổ bụng đán bà chửa xem thai. Tiếng ta thán của nhân dân ngút tận trời xanh.
Vì sự tàn bạo của Trụ Vương, nên Khương Thượng phò Võ Vương Cơ Phát (con Văn Vương) hưng binh phạt Trụ, cả 800 chư hầu đồng hưởng ứng theo giúp. Vua Trụ chống không nổi phải thiêu mình trên lầu Trích Tinh mà chết.
ĐẮC KỶ: Một cô gái tuyệt sắc con của Ký châu hầu Tô Hộ. Bởi Trụ Vương làm ngặt nên Tô Hộ mới đem dâng Đắc Kỷ cho ông ta. Đi giữa đường, Đắc Kỷ bị Hồ Ly Tinh (chồn thành tinh ở trong cái hang tại lăng của vua Huỳnh Đế) hớp hồn rồi nhập vào xác Đắc Kỷ mê hoặc Trụ Vương, phá tan cơ nghiệp nhà Thương.
PHƯỜNG BỘI CHA: Bọn phản cha phản chúa, phụ nghĩa quốc dân, đây chỉ cho vua Trụ, không nhớ lời giáo huấn của các Tiên đế, đắm say tửu sắc làm cho cơ nghiệp của Tổ tiên đã dày công xây dựng trên 600 năm phải tiêu tan theo mây khói còn để tiếng lại đời sau chán chê phỉ nhổ.
CHÁNH VĂN
307.  “Hết gần Điên lại nói xa,
Nói cho bá-tánh biết mà người chi.
Lời lành khuyên hãy gắn-ghi.
310.  Dương-trần phải rán tu-trì sớm khuya.
Đừng ham làm chức nắc-nia,
312.  Ngày sau như khoá không chìa dân ôi !”
LƯỢC GIẢI (Từ câu 307 đến câu 312):
-Đức Thầy sáng tác Sấm Kinh giải bày cặn kẽ những việc gần xa cao thấp, để bá tánh nhận được sự thật hư, chân giả và khuyên mọi người ghi nhớ lời lành lẽ đạo, hầu sớm hôm lo trau giồi tâm tánh.
-Ngài cũng kêu gọi những kẻ đem thân làm tôi mọi cho ngoại bang hãy mau hồi tâm cải tà quy chánh kẻo sau nầy không phương cứu gỡ.
CHÚ THÍCH:
GẮN GHI: Ghi nhớ mãi mãi không rời, không chút nào lơi. Đức Thầy hằng bảo:
“Mấy lời dặn bảo đinh ninh,
Gắn ghi chạm dạ Long Đình được xem”.
(Cho Ông Tham Tá Ngà)
NẮC NIA: là phiên âm của Miên ngữ “Neak Nghia” có nghĩa là tôi mọi (Pháp ngữ là Esclave, Anh ngữ là Slave). Thành ngữ nầy xuất phát từ đời vua Ream Meam Chơn Prây, xứ Cam bốt, có sự tích như sau:
Đời vua Ream Meam Chơn Prây có một thanh niên tên là Tum, có tài văn nghệ, hát hò rất hay, được vua vời vào cung và phong chức Mơn Ek. Trước khi vô cung, chàng đã yêu một cô gái tên Tear thuộc vào hàng quốc sắc, con của bà góa chồng giàu có. Cô Tear cũng đáp lại bằng một mối tình chân thành nên hai người rất buồn sau khi bị chia ly.
Hai tháng sau, Tear bị mẹ bắt buộc gả cho tên Nguôn, con của Ô Chuôn, là tỉnh trưởng To Bôn Kho Mum. Cô Tear từ chối hẳn, kế đó Tear được vua chọn làm cung nữ, nàng rất buồn và lo lắng.
Vào cung nàng gặp lại Tum. Trông thấy Tear, Tum thất vọng và liều chết trước mặt vua, chàng hát kể lại mối tình của mình đối với Tear. Vua nổi giận bắt hai người hỏi nguyên do. Cả hai đều trình bày sự thật, vua nghe rất cảm động nên cho Tum lấy Tear làm vợ, hai người đều hưởng hạnh phúc vui vẻ trong cung.
Mẹ Tear được tin cô là vợ của Tum, một người chức vụ thấp hơn Nguôn, giận lắm bà liền gởi cho Tear một lá thư, giả nói bà đau nặng, Tear cần về gấp để gặp bà. Tear về đến nhà biết bị mắc mưu của mẹ, nàng lén viết thư cho Tum hay mọi việc. Tum tâu với vua, vua liền cho Tum một thư lịnh cấm Nguôn không cho làm lễ cưới. Tum về đến nhà Nguôn thấy lễ cưới bắt đầu, Tum chưa kịp đưa thư lịnh thì gặp Tear nên ôm nhau khóc. Nguôn bèn cho người bắt Tum đem giết ở Pchonkhas, Tear lén trốn theo đến bên xác chồng tự sát.
Vua được tin ấy nổi giận liền cho quân lính đến bắt mẹ Tear, Ô Chuôn và Nguôn đem tử hình, còn những người đồng lõa chủ trương làm lễ cưới, đều bắt phải làm “Neak Nghia”(tôi mọi) suốt đời.
Ở Tô Bon Khomum thuộc tỉnh Com-Pong-Cham hiện nay người ta còn thường dùng danh từ Neak Nghia để chỉ cho hạng người làm tôi mọi (đầy tớ) cho người ta.
Ở đây Đức Thầy dùng từ ngữ nầy để ám chỉ cho các quan chức dưới thời Pháp thuộc làm tay sai cho ngoại bang. Ngài luôn cảnh tỉnh họ:
“Chúng ham làm chức nắc nia,
Ngày sau như thể vô đìa quên nơm”.
(Vọng Bắc Hòa Nam)
KHOÁ KHÔNG CHÌA: Ổ khóa có chìa mở ra mới được, bằng không chìa thì không sao mở đặng. Ở đây ý nói hạng người ham chức tước bổng lộc theo làm tay sai cho người Pháp trở lại hại dân hại nước thì sau nầy phải đền tội trước quốc dân, không sao thoát khỏi, như khóa thiếu chìa thì không sao mở đặng.
CHÁNH VĂN
313. “Tu hành như thể thả trôi,
Nay lở mai bồi chẳng có thiềng tâm.
Mưu sâu thì họa cũng thâm,
316.  Ngày sau sẽ biết thú cầm chỉn ghê.
Hùm beo tây tượng bộn bề,
Lại thêm ác thú mãng-xà, rít to.
Bá-gia ai biết thì lo,
320.  Gác tai gièm siểm đôi co ích gì !
Hết đây rồi đến dị-kỳ,
322.  Sưu cao thuế nặng vậy thì thiết-tha”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 313 đến câu 322):
-Xét thấy trong thế gian có lắm người quy y Phật, nhưng họ chỉ tu theo thời buổi chớ không thật tâm bền chí, như trong bài “Khuyên Người Giàu Lòng Từ Thiện”, Đức Thầy có nói:“Tu theo nước lớn ròng bèn thả trôi”. Cho nên không được kết quả.
-Còn những ai mãi tiếp tục con đường tội ác tất có ngày gặt lấy quả đau khổ (hễ Ác lai thì Ác báo) không hề sai chạy. Đức Thầy cũng tiên báo cho bá tánh rõ sau nầy sẽ có các loài thú dữ trừng trị kẻ tà gian. Vậy ai là người giác tỉnh, tin tưởng lời lành hãy sớm lo liệu tầm phương giải thoát: đã tu hành thì những tiếng thị phi gièm siễm, ta nên gác bỏ ngoài tai để lo tròn câu đạo nghĩa.
-Từ đây, dân tộc Việt Nam bị cảnh sưu thuế nặng nề do bọn ngoại bang dùng chánh sách nghiệt cay đày xắt đủ điều. Nhìn cảnh quốc phá gia vong, dân chúng chịu lầm than thống khổ khiến lòng Đức Giáo Chủ phải ngậm ngùi thương xót.
CHÚ THÍCH:
THIỀNG TÂM: Xem chú thích THIỀNG LÒNG, câu 198, Q.1.
NAY LỞ MAI BỒI: Chỉ cho người làm việc gì không bền chí, khi làm khi không. Đây ý nói người không được thường xuyên bền chặt, nay chăm mai lãng nên sự tu không kết quả. Cổ Đức từng bảo:
“Học Đạo thỉ cần, chung tất đãi”
(Thông thường việc học đạo trước thì siêng năng, sau sanh biếng trễ).
Mạnh Tử cũng nói:“Tuy thế gian hữu dị sanh chi vật, nhứt nhựt bộc chi, thập nhựt bộc chi, thập nhựt hàn chi, vị hữu nan sanh giả dã (Tuy trong thế gian có thứ cây dễ trồng, nhưng một ngày phơi nắng, mười ngày tưới nước, nó còn chưa được sống nói chi có trái).
Cho nên Đức Thầy có câu :
“Nếu bền lòng vị quả cao thăng”. (Sa Đéc)
Và:
“Phải bền lòng mới rảnh trần ai”.(Sa Đéc)
MƯU SÂU THÌ HỌA CŨNG THÂM:
Hễ ai dùng mưu mẹo sâu độc hại người thì bị kẻ khác bày kế độc hại lại. Có sự tích chứng minh như sau:
Vào khoảng năm 1910, tại cù lao Ông Chưởng, quận Chợ Mới (An Giang), có tên Hương Quản rất độc ác. Hắn dựa thế Quận Trưởng (người Pháp) bấy giờ gọi là ông Phủ, hà hiếp dân chúng, ăn hối lộ, giựt đất vườn và nhứt là dùng uy quyền hiếp đáp vợ con đồng bào. Hắn thường mang súng vào làng dọa nạt để thỏa mãn ý muốn.
Trong những nạn nhân của hắn có một thiếu phụ trẻ đẹp, gốc ở xã Phong Mỹ, tỉnh Sa Đéc (nay là Kiến Phong). Cô có chồng về cù lao Ông Chưởng (Chợ Mới). Chồng cô thường đi buôn xa vắng nhà, tên Hương Quản ấy chọc ghẹo cô nhiều lần, cô vẫn cương quyết từ chối và xua đuổi hắn. Hắn liền bày mưu với bọn tay sai, chờ chồng cô về sẽ ập đến bắt giải đi, vu cáo là anh có dính líu vào hội kín chống Tây, để hắn tự do cưỡng bức thiếu phụ. May cho cô, có người bà con bên chồng làm việc trong Ban Hội Tề, hay được âm mưu ấy liền thông tin cho cô hay. Cô liền lập tức dọn đồ về Phong Mỹ và nhờ người bà con cho chồng cô hay để về ở luôn quê vợ. Chồng cô đang ở Cần Thơ được tin, liền quay về Phong Mỹ. Hai vợ chồng thức suốt đêm bàn bạc mưu kế để đối phó với tên hương quản ác ôn, đồng thời trừ hại cho dân.
Sáng lại, người chồng (lái buôn) đi thẳng lên Sài Gòn, tuần sau trở lại Long Xuyên, cậy người đến thương lượng với tên hương quản qua tỉnh lỵ, để anh chịu tội bằng số tiền hối lộ…Tên ác mê ăn, bằng lòng theo người trung gian đến Long Xuyên. Anh lái buôn chực sẵn tiếp rước niềm nở trong một khách sạn, anh thuê cho hắn căn phòng hạng nhứt và đưa đi ăn uống đến nửa đêm. Lấy cớ là mệt mỏi say sưa, anh lái buôn hẹn lại sáng mai sẽ bàn công việc. Tên hương quản đã mê mồi và đầu óc quay cuồng nên không gấp gì hỏi món tiền hối lộ. Khi hắn bước vào phòng thấy sẵn một ả tứ thời do anh lái buôn mướn để hầu hạ hắn ta…Lát sau, hắn thấy trong người khác thường, nằm dài trên giường thở dốc, thiếp đi lúc nào không hay.
Sáng ra, hắn mở mắt không thấy gì hết, bèn gọi bồi phòng kêu giùm anh lái buôn, bồi phòng cho anh biết anh lái buôn đã đi Sài Gòn hồi 4 giờ khuya, tiền phòng và công cô gái anh đã thanh toán xong hết. Hắn cố gượng ngồi dậy, thuê xe về nhà nhờ thầy thuốc xem mạch mới biết hắn ăn nhằm chất độc làm cho liệt trụy và có thể bại xụi nằm một chỗ, nếu không chạy thuốc kịp thời.
Bấy giờ hắn mới vỡ lẽ anh lái buôn trả thù. Hắn tuôn tiền chạy thuốc đủ chỗ mà đâu vẫn ra đấy. Hắn hoàn toàn vô dụng không còn gần đàn bà được, đây là điều hắn đau khổ vô cùng. Hắn phải xin từ chức, ở nhà ăn hại vợ con. Bao nhiêu tiền cướp giựt thiên hạ chui vào túi thầy thuốc hết sạch. Hễ còn thuốc thì còn cựa quậy, ngưng lại thì liệt luôn, nằm chết dí một chỗ, miệng kêu trời kêu đất, chửi anh lái buôn thâm độc.
Đồng bào trong xã thấy cớ sự đều cho là “quả báo nhãn tiền”. Người nào bị hắn hà hiếp tàn hại thì lấy làm hả hê sung sướng, luôn đem chuyện hắn thuật lại cho mọi người nghe.(Dẫn theo Truyện tích Việt Nam của Lê Thương).
GIÈM SIỂM: Chê bai một cách gián tiếp hoặc đặt điều nói xấu người ta, khiến cho kẻ khác hiểu lầm theo. Vì lời gièm siểm lúc nào cũng không đúng sự thật, hơi đâu mà để ý…Đức Thầy có câu:
“Cay đắng siểm gièm thân lão chịu,
Miễn đời thạnh trị hết cuồng ngông”.
(Phòng Vắng Đêm Khuya)
DỊ KỲ: Lạ lùng, khác thường. Dị kỳ ở đây chỉ cho các nước ngoài đến xâm lăng, gác ách nô lệ lên cổ dân ta như: hết Pháp rồi tới Nhật, thời nào dân ta cũng chịu cảnh sưu thuế nặng nề.
Ông Sư Vãi Bán Khoai đã nói:
“Hết đây đến nước dị kỳ”
Và:   “Nhiều nước dị kỳ khác chẳng giống nhau”.
THIẾT THA: Thiết là cắt, tha là mài, nghĩa bóng là rất mực ân cần, là tình đậm đà thân thiết giữa hai người. Nhưng thiết tha ở đây là chỉ cho cảnh khổ sở thảm thiết. Trong Quan Âm tế độ có câu:
“Liếc xem bên mái Tả Cung,
Tù nhân than khóc vô cùng thiết tha.”
CHÁNH VĂN
323. “Dân nay như thể không cha,
Chẳng ai dạy-dỗ thiệt là thảm-thương.
Thứ này đến thứ Minh Vương,
326.  Nơi chốn Phật đường mặt ngọc ủ-ê.
Cảm thương trần-hạ nhiều bề,
Bởi chưng tàn-bạo khó kề Phật Tiên.
Chúng ham danh lợi điền-viên,
330.  Ngày sau đến việc lụy-phiền suốt canh.
Kệ kinh tụng niệm đêm thanh,
Ấy là châu-ngọc để dành ngày sau.
Bây giờ chưa biết vàng thau,
Đời sau kính trọng người cao tu hành.
Nam-mô miệng niệm lòng lành,
336.  Bá gia phải rán biết rành đường tu”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 323 đến câu 336):
– Đoạn nầy ý cho biết, trước Phật Đường, Đức Thánh Vương nhìn thấy chúng dân quá tham tàn bạo ác, chỉ biết chạy theo lợi danh quyền tước, nhà cửa ruộng vườn, rốt cuộc phải gánh lấy vô vàn sầu khổ, lòng Ngài rất đau xót cho số người ấy.
– Để thoát ly cảnh khổ, Đức Giáo Chủ kêu gọi vạn dân sớm nương về nẻo Đạo, hằng xem coi Kinh Kệ, sửa tánh răn lòng. Chính đó là món đồ quý giá, để dành lại sau nầy thụ hưởng, bởi:
“Tìm hiểu nghĩa làm theo đắc đạo”.
(Giác Mê Tâm Kệ, Q.4)
– Lúc bấy giờ chánh tà còn lẫn lộn, thật giả chưa phân minh, nhưng đến ngày chọn lọc của cơ tạo hóa thì người thật tâm tu niệm sẽ được thành quả cao quý:
“Theo Phật giáo sau nầy cao quý,
Được nhìn xem Ngọc Đế xử phân.
Lại được gần Bệ Ngọc Các Lân,
Cảnh phú quý nhờ ơn Phật Tổ”.
(Kệ Dân, Q.2)
– Song người phát tâm niệm Phật làm lành thì lòng phải từ bi như Phật, giới hạnh tinh nghiêm, hằng ngày lo học đạo nghiên cứu kệ kinh, suốt thông đường lối và pháp môn hành đạo của Thầy Tổ, để nương theo đó mà tiến hành tất được toại nguyện.
CHÚ THÍCH:
MINH VƯƠNG: Xem chú thích câu 21, Q.1
PHẬT ĐƯỜNG: Xem chú thích câu 22, Q.1
MẶT NGỌC: Do chữ “Ngọc Diện”, mặt đẹp và trong sáng như ngọc. Dùng để chỉ gương mặt của bậc cao quý, hoặc người đẹp cả nam lẫn nữ.
Trong Lương Giảng Văn Đế có câu:
“Trong thần ngọc diện đăng tiền xuất”.
(Môi son mặt ngọc trước đèn bước ra). Đây chỉ cho vị Thánh Vương, người cao quý.
Ủ Ê: Buồn rầu thương xót.
ĐIỀN VIÊN: Ruộng nương, vườn tược.
SUỐT CANH: Hết năm canh, sáng đêm. Ý nói sự lo buồn làm thao thức suốt đêm.
KỆ KINH: Xem chú thích câu 259, Q.1
TỤNG NIỆM: Tụng là đọc, xem; niệm là tưởng nhớ điều chỉ dạy trong đó, ấy gọi là tụng niệm.
Đức Thầy thường khuyên:
“Giảng kinh đọc tụng chiều mai,
Làm theo lời chỉ ngày rày gặp ta”.
(Từ Giã Bổn Đạo Khắp Nơi)
ĐÊM THANH: Đêm vắng vẻ, không có tiếng động. Đức Thầy có câu:
“Đêm thanh vắng tiếng đờn khoan nhặt”.
(Thiên Lý Ca)
CHÂU NGỌC: Hột trai và ngọc, đồ quý giá.
VÀNG THAU: Vàng là loại kim quý, sắc vàng ánh; thau là loại kim pha kẽm, sắc vàng nhợt. Nghĩa bóng vàng có giá trị cao, chỉ cho cái gì tốt nhất và thật; còn thau thì có giá trị thấp, chỉ cho cái gì xấu và giả.
Ca dao có câu:
“Vàng mười, bạc bảy, thau ba”.
Đức Thầy từng nói:
“Nấu lọc rành mới biết vàng thau,
Ai thật tánh ai người giả đạo”.(Sa Đéc)
NAM MÔ: Xem chú thích câu 29, Q.1.
BIẾT RÀNH ĐƯỜNG TU: Thấu rõ tôn chỉ, đường lối và phương thức tu hành.
Đức Thầy đã bảo:“Đạo của con người kêu bằng Đạo Nhân, và nó là một con đường đi trúng thì sống, bước trật tất chết”.(Bài Luận về Tam Nghiệp). Và:
“Đạo là vốn thiệt cái đàng,
Ta ra sức dọn cho toàn chúng sanh”.
( Sấm Giảng, Q.3 )
CHÁNH VĂN
337“Thương ai ham võng ham dù,
Cũng như những kẻ đui mù đi đêm.
Khuyên đời như vá múc thêm,
340.  Mảng lo tranh đoạt thù-hềm với nhau.
Đến chừng có ốm có đau,
Vang mồm niệm Phật, Phật nào chứng cho.
Dương-trần tiếng nhỏ tiếng to,
Nói ngỗng nói cò đây cũng làm thinh.
Tưởng rằng thân nó là vinh,
346.  Chẳng lo tu niệm cứ ghình với Điên”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 337 đến câu 346):
-Đức Thầy thảm thương cho bá tánh, cứ đắm mê theo vật chất tiền tài, võng dù xe ngựa, ăn xài phung phí. Họ không ngờ sự vật ấy là xiềng xích, càng say đắm càng vương lấy khổ sầu như kẻ mù quanh quẩn trong rừng  đêm, chẳng tìm ra lối thoát lại còn phải va vào cây cối, gai gốc là khác.
-Lời cảnh tỉnh của Đức Giáo Chủ chưa được mấy người để ý, mảng lo tranh giựt lợi danh, gây thù kết oán lẫn nhau; một khi gặp tai nạn ốm đau, họ mới dập đầu cầu Phật, vái Trời thì việc quá muộn, làm sao được sự chứng độ.
-Thông bịnh của người đời ít ai lo trau giồi đạo đức, thường cho mình là vinh sang tài giỏi, thấy Đức Thầy hiền lành, nhẫn nhịn họ lại tìm đủ lời, đủ cách chống kình với Ngài.
CHÚ THÍCH:
MÙ ĐI ĐÊM: Ý nói đã tối lại còn bị tối thêm. Chúng sanh quá mê mờ không nhận được ánh sáng của Đạo, lại còn chạy theo danh lợi ảo huyền, làm điều tội ác, khi đối đầu phải chịu khổ như kẻ mù đi trong rừng tối, quờ quạng đụng nhằm cây đá, không tìm được lối ra và không được ai chỉ dắt.
VÁ MÚC THÊM: Thành ngữ để chỉ việc làm không thấm tháp vào đâu. Ý nói chúng sanh thì đông và quá tối tăm tội lỗi mà Đức Thầy thì mới khai Đạo giáo dân, nên lời Sấm Kinh chưa được lan rộng cũng như sự mê mờ của chúng sanh chưa giảm bớt bao nhiêu.
Trong Giác Mê Tâm Kệ, Ngài có nói:
“Chớ nước sâu mà bị gàu thưa,
Dân đông đảo lời truyền chẳng xiết”.
THÙ HIỀM: Oán thù, hiềm khích, chứa mối thù trong lòng toan làm cho lại gan.
TIẾNG NHỎ TIẾNG TO: Toa rập, bàn tán, bày vẽ với nhau để chê bai hoặc hại người.
NÓI NGỖNG NÓI CÒ: Kẻ nói vầy, người nói khác, cao thấp, tà chánh đủ thứ, đều là những lời nói không đúng sự thật.
GHÌNH: Cũng như chữ kình và chữ hiềm, có nghĩa là kình chống và ghìm nhau.
CHÁNH VĂN
347. “Nói ra trong dạ chẳng yên,
Bây giờ nói chuyện cỡi thuyền khuyên dân.
Đêm ngày chẳng nại tấm thân,
Nắng mưa chẳng quản tảo-tần ai hay.
Chừng sau đến hội Rồng-Mây,
352.  Người đời mới biết Điên này là ai”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 347 đến câu 352):
-Đoạn nầy ý nói càng nhắc đến việc đời, Đức Thầy càng thương xót cho chúng sanh. Giờ đây Ngài bắt đầu kể lại công cuộc chèo thuyền đi dạo khắp miền Nam nước Việt, để tùy cơ duyên thức tỉnh quần sanh.
-Trên lộ trình đi dạo Lục châu xuôi ngược mấy lần, Ngài cũng không ngần ngại báo tin cho người đời muốn biết Ngài là ai, thì đến Hội Long Vân sẽ rõ.
CHÚ THÍCH:
TẢO TẦN: Do chữ “Thái tảo và thái tần”. Tần là bèo, tảo là rong, hai loại rau thường mọc ở mé nước. Ý chỉ cho người xoay trở làm nhiều việc cực nhọc, nào buôn tảo bán tần, nào việc nầy việc nọ.
Chữ tảo tần ở đây ý nói vì quá thương xót chúng sanh nên Đức Thầy dùng nhiều phương cách giác đời độ chúng.
“Ta thương xót lo tần lo tảo”.(Giác Mê, Q.4)
HỘI RỒNG MÂY: Xem chú thích câu 62, Q.1.
CHÁNH VĂN
353. “Lui thuyền chèo quế tay gay,
Thuyền đi nước ngược đến rày cù lao.
Xa xa chẳng biết làng nào,
356.  Thiệt làng Long-Khánh ít người nào tu.
Tớ Thầy liền giả đui mù,
Bèn đi ca hát kiếm xu dương-trần.
Bá-gia tựu lại rần-rần,
360.  Trong nửa ngày trần chẳng có đồng chi”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 353 đến câu 360):
-Khởi đầu đi dạo Lục châu, Đức Giáo Chủ rời bến Tổ Đình Thánh địa Hòa Hảo, chèo ghe nước ngược đến làng Long Khánh. Ngài nhận xét dân chúng nơi đây ít người hiền lương tu niệm.
-Thầy trò giả đui mù, đi khắp thôn xóm để ca hát xin tiền, nhưng khác hơn hạng ăn xin thường. Bởi tiếng ca hát của Ngài toàn là lời giác tỉnh bá gia, nhiều người thấy lạ tựu đến nghe, nhưng họ chỉ xem nghe với tánh hiếu kỳ, chớ chẳng thấy ai chịu mở lòng nhơn bố thí.
CHÚ THÍCH:
CHÈO QUẾ: Xem chú thích câu 176, Q.1.
CÙ LAO: Hòn đất nổi lên ở giữa biển hoặc giữa sông, nhỏ kêu là cồn, lớn kêu là cù lao hay đảo. Cù lao nói trên nằm giữa sông Tiền Giang, mang tên là cù lao Long Khánh.
XA XA: Hơi xa, không xa lắm.
LÀNG LONG KHÁNH: Làng nằm trọn trong cù lao Long Khánh. Trước kia thuộc quận Tân Châu, tỉnh Chây Đốc, nay thuộc quận Hồng Ngự, tỉnh Kiến Phong ( trước 1975 ), nằm hướng Tây Bắc cách Thánh địa Hòa Hảo khoảng 20 cây số.
BÁ GIA: Trăm nhà, chỉ chung cho tất cả dân chúng.
CHÁNH VĂN
361. “Nực cười trần-hạ một khi,
Ở một đêm thì sáng lại qua sông.
Bình-minh vừa buổi chợ đông,
364.  Bày trò bán thuốc hát ròng đời nay.
Cho thiên-hạ tựu đông vầy,
Rồi mới ra bài hát việc Thiên-cơ.
Tới đây bá-tánh làm ngơ,
368.  Buồn cho lê thứ kịp giờ ra đi.
Lìa xa Hồng-Ngự một khi,
Thẳng đường trực chỉ Điên đi Tân-Thành.
Tới đây ra mặt người rành,
372    Nói chuyện thiệt sành thông-lảu Đạo nho.
Nhiều người xúm lại đôi co,
Chê lão đưa đò mà biết việc chi.
Thấy đời động tánh từ-bi,
376.  Điên chẳng bắt tì còn mách việc xa”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 361 đến câu 376):
-Đức Thầy ở Long Khánh một đêm, sáng lại Ngài sang qua chợ Hồng Ngự. Vừa lúc đông chợ Thầy trò giả ra hai người bán thuốc dạo và ca hát như kẻ thường tình, đợi khi dân chúng tựu xem đông đảo, Ngài mới nói qua việc cơ huyền đạo lý.
-Bấy giờ, thấy bá tánh ngơ ngác không muốn nghe nữa, Ngài bèn lìa nơi đây, theo dòng sông Hồng Ngự, tẻ sang rạch Cả Cái, rồi tiến thẳng tới xã Tân Thành. Đến đây Đức Thầy giả ra một ông già nói chuyện về đạo Nho rất rành, lúc đó có nhiều người đố kỵ, buông lời chống kình chê nhạo. Dầu vậy Ngài vẫn không buồn trách, lại rất thương xót cho những kẻ quá mê lầm và còn báo tin cho họ biết những việc huyền cơ sắp tới.
CHÚ THÍCH:
BÌNH MINH: Hừng sáng, vừa hết phần đêm sang phần ngày, tức là chính giữa lúc chia ngày đêm ra làm hai phần:
Tưng bừng Trời đất bình minh”.(truyện Kiều)
THIÊN HẠ: Cõi dưới Trời, chỉ chung cho mọi người.
TRỰC CHỈ: Đi thẳng tới đích.
HỒNG NGỰ: Tên một quận trong tỉnh Kiến Phong, gồm có 14 xã, trước năm 1956 thuộc tỉnh Châu Đốc.
TÂN THÀNH: Một xã trong quận Hồng Ngự, nằm theo rạch Cả Cái, thuộc ngọn sông Hồng Ngự, ăn sâu vô đồng.
ĐẠO NHO: Cũng đọc là Nho Đạo hay Nho giáo, tức là nền đạo lý của Đức Thánh Khổng Tử khai truyền từ đời Đông Chu (Trung Hoa). Giáo thuyết của Ngài còn gọi là đạo Thánh.
BẮT TÌ: Do thành ngữ “bắt tì bắt ố”, có nghĩa là tìm sơ suất của người mà bắt lỗi.
MÁCH: Cũng đọc là méc, do chữ mách bảo, tức là nói cho biết. Mách giùm cho biết trước mà lo liệu.
CHÁNH VĂN
377.  “Khoan khoan chơn nọ bước ra,
Giáp rạch Cả-Cái rồi ra ngoài vàm.
Đoái nhìn mây nọ trắng lam,
380.  Điên ra sức lực chèo chơi một giờ.
Xa nhìn sương bạc mờ mờ,
Tân-An làng nọ dân nhờ bắp khoai.
Giả người bán cá bằng nay,
384.  Dân chúng ngày rày xúm lại mua đông.
Tới lui giá cả vừa xong,
Điên cũng bằng lòng cân đủ cho dân.
Có người chẳng chịu ngang cân,
388.  Bỏ thêm chẳng bớt mấy lần không thôi.
Nực cười trần-hạ lắm ôi !
Thân già thức suốt canh thâu,
392.  Nói cho lê-thứ quày đầu mới thôi”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 377 đến câu 392):
-Đức Giáo Chủ rời xa Tân Thành theo rạch Cả Cái trở ra vàm Hồng Ngự, Ngài trông qua mấy làn mây màu lam bạc, liền ra sức chèo thật nhanh, xa nhìn thấy rặng cây ẩn sau màn sương trắng; đó chính là làng Tân An, nơi mà phần đông dân chúng chuyên sống với nghề trồng tỉa bắp khoai.
-Đến đây Đức Thầy giả ra người bán cá để thử lòng bá tánh. Dân chúng tựu lại rất đông. Khi trả giá xong, Ngài cân đủ cho tất cả nhưng cũng có nhiều người
thêm bớt quèo móc đủ cách. Ngài rất buồn cười cho bá tánh sao còn quá tham gian, nên Ngài thuyết giảng đạo lý cho họ nghe một hồi.
-Với tấm lòng vị tha bác ái, Ngài không nài sự cực khổ, giáo khuyên kêu gọi cả ngày lẫn đêm, mong sao bá tánh biết quay đầu hướng thiện.
CHÚ THÍCH:
KHOAN KHOAN: Chậm rãi, thong thả.
TRẮNG LAM: Màu trắng hơi xanh.
SƯƠNG BẠC: Hơi nước bay phơi phới, xa nhìn thấy màu trắng như bạc.
TÂN AN: Một xã ở quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc, ở trên quân lỵ độ 5 km, nằm cặp theo Kinh Xáng mới và dọc theo mé sông Tiền Giang đến gần biên giới Miên-Việt.
CANH THÂU: Lúc ban đêm, mỗi canh có tiếng trống hoặc mõ đánh báo hiệu. Đối với người còn muốn đêm được kéo dài để cạn tình lời lẽ, nhưng bị tiếng trống canh, thâu ngắn lại. Ý nói công cuộc độ đời của Đức Thầy rất là cực nhọc, thao thức lo lắng suốt canh khuya, đến sáng mà không hay, dường như bị trống canh thâu ngắn thời gian. Ca dao có câu:
“Trống canh thâu trên lầu nhặt thúc,
Rượu một bầu hồng cúc giải khuây.”
CHÁNH VĂN
393. “Nhiều người nghe hết phủi rồi,
Quày thuyền trở lại bồi-hồi sầu-bi.
Giả người tàn-tật một khi,
396.  Xuống vàm kinh Xáng được thì chút vui.
Một người nhà lá hẩm hui,
Mà biết đạo lý mời Cùi lên chơi.
Bàn qua kim-cổ một hồi,
400.  Cùi xuống giữa vời Châu-Đốc thẳng xông”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 393 đến câu 400):
-Đoạn nầy ý nói, Đức Thầy nhận thấy dân chúng ở xã Tân An, phần đông chẳng để ý đến lời giảng khuyên nên Ngài buồn lòng quay thuyền trở lại. Lúc bấy giờ Ngài giả ra người tàn tật (cùi). Khi thuyền đến vàm Kinh Xáng Tân Châu thì có một người, tuy gia đình nghèo khổ, nhưng biết đạo nghĩa nên mời Ngài ghé nhà, nghỉ tay đàm đạo.
-Nơi đây, trong câu chuyện đạo đức, Đức Thầy và ông chủ nhà có bàn qua kim cổ, thấy chủ nhà lộ vẻ hài lòng, tin tưởng. Đoạn rồi Ngài từ giã xuống thuyền, xuôi dòng Kinh Xáng, thẳng qua Hậu Giang để đến Châu Đốc.
CHÚ THÍCH:
KINH XÁNG: Kinh do thời Pháp thuộc do xáng múc từ sông Tiền trổ qua sông Hậu, phía trên chợ Châu Đốc, nên có tên là Kinh Xáng mới, cũng gọi là Kinh Xáng Tân Châu.
HẨM HUI: Cũng đọc là hẩm hiu. Có nghĩa là thui thủi…không ai đoái hoài đến. Ví dụ cho số phận nghèo khổ hẩm hiu, Đức Thầy có câu:
“Nhiều người nghèo khổ hẩm hui,
Không đất cậm dùi mà chẳng ai thương”
(Sấm Giảng, Q.1)
ĐẠO LÝ: Xem chú thích câu 155, Q.1.
KIM CỔ: Kim là nay, cổ là xưa; chuyện xưa và nay…Nhưng chữ “kim cổ” ở đây có thể là đề cập đến bộ “Kim Cổ Kỳ Quan” của ông Nguyễn Văn Thới. Ông là một đệ tử của Ông Trần Văn Nhu, mà ông Nhu là con trưởng nam của Cố Quản Trần Văn Thành, cha con đều là đệ tử của Đức Phật Thầy Tây An và được kế truyền tông phái.
Ông Nguyễn Văn Thới được coi là bậc đã đạt thông đạo pháp trong tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương. Ông sáng tác được 9 quyển giảng “Cửu Khúc”. Sau in chung một bộ tựa đề là “Kim Cổ Kỳ Quan”. Về nội dung ông Nguyễn Văn Thới triển khai “Tôn chỉ Học Phật Tu Nhân” của Đức Phật Thầy Tây An (Giáo tổ tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương) và tiên tri thời cuộc từ ấy đến nay rất đúng. Lúc Đức Giáo Chủ PGHH chưa khai Đạo, mỗi tín đồ tâm đạo của tông phái BSKH đều có quyển giảng Kim Cổ Kỳ Quan trong nhà, để hằng ngày xem coi và trì hành theo đó.
CHÂU ĐỐC: Tỉnh số 2 ở Nam Kỳ trong thời Pháp thuộc; tây và bắc giáp Cam Bốt, đông và nam giáp tỉnh Long Xuyên và tỉnh Rạch Giá; hai con sông Tiền và Hậu đều chạy ngang qua địa phận tỉnh Châu Đốc.

Đăng nhận xét

[facebook][blogger]

Ẩn Danh Cư Sĩ PGHH 1939

Liên Hệ với PGHH 1939

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget