CHÚ GIẢI SẤM GIẢNG QUYỂN 1 KHUYÊN NGƯỜI ĐỜI TU NIỆM
Chú Giải từ câu 513 – 606 (Quyển I)
CHÁNH VĂN
513. “Tức thời Điên giả làm thầy,
Đi coi đi bói khắp trong phố phường.
Có người tu niệm đáng thương,
516. Điên mới chỉ đường Tịnh-Độ vãng sanh.
Dạo cùng khắp cả Sài-Thành,
Khi ca khi lý nói rành Thiên-cơ.
Bá-gia bá-tánh làm ngơ,
520. Tưởng như những kẻ nói thơ kiếm tiền.
Văn-minh trọng bạc trọng tiền,
Khôn-ngoan độc-ác làm phiền người xưa.
Mặc ai ghét ghét ưa ưa,
524. Chẳng dám nói bừa cho bá-tánh nghe”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 513 đến câu 524):
-Sau khi cho ghe người biến mất tại Bến Thành Sài Gòn, Đức Thầy
liền giả một thầy bói dạo khắp phố phường. Bỗng gặp một người tỉnh ngộ tu hành,
Ngài động lòng thương nên chỉ dạy pháp môn Niệm Phật cho người ấy tu hành theo.
Đoạn rồi Ngài cũng tiếp tục ca hát việc thiên cơ đạo lý, nhưng dân chúng ở đây
ít có ai để tâm đến; họ ngờ rằng Đức Thầy cũng như bao nhiêu kẻ khác chỉ biết
nói thơ để xin tiền.
-Bởi con người đời nay mãi chạy theo văn minh vật chất, tập tành
lối sống khôn ngoan gian xảo:
“Đời văn vật khôn ma khôn quỉ,
Lo trang sức kim thời huê mỹ.
Rồi phụ phàng tục cổ nước nhà,
Trong tâm thì chứa chữ gian tà.
Chớ chẳng chứa tấm lòng bác ái”.
(Giác Mê Tâm Kệ, Q.4)
Do đó ông cha ta:
“Rất đau xót cho nòi cho giống”.
(Giác Mê Tâm Kệ, Q.4)
Lời khuyến tu của Đức Thầy phát xuất tự đáy lòng chơn thật, bác
ái, vị tha nên dù cho người đời có trọng kỉnh hay chê bai, Ngài cũng chẳng màng
tới.
CHÚ THÍCH:
PHỐ PHƯỜNG: Phố
là nhà lầu ở thành thị; Phường là khu xóm. Nói chung là khu nhà phố, buôn bán
rộn rịp.
TỊNH ĐỘ: Có hai nghĩa.
1./ Tịnh Độ: Cũng gọi là Tịnh Thổ, một quốc độ hoàn
toàn an vui, trang nghiêm thanh tịnh, tức là cõi Cực lạc do Đức Phật A Di Đà
làm Giáo chủ.
Đức Thầy có câu:
“Cõi Tịnh độ lắm điều thanh nhã,
Khổ buồn rầu lo sợ chẳng còn”.
2./ Tịnh Độ: Là pháp môn Tịnh Độ, cũng gọi là
pháp môn Niệm Phật. Phương pháp chỉ dạy người tu chỉ chuyên tâm trì niệm 6 chữ
Nam Mô A Di Đà Phật để lúc lâm chung nhờ sự hóa độ của Đức Phật A Di Đà mà được
vãng sanh về cõi Cực lạc của Ngài. Đức Thầy từng dạy trong quyển Khuyến Thiện:
“Môn Tịnh Độ là phương cứu cánh,
Rán phụng hành kẻo phụ Phật xưa”.
VÃNG SANH: Người
được giải thoát kiếp ở trần gian, sanh qua đất Phật (cõi Cực lạc) gọi là vãng
sanh.
SÀI THÀNH: Tên
gọi có văn vẻ, thành phố Sài Gòn là thủ đô nước Việt Nam, gồm hai thành phố Sài
Gòn và Chợ Lớn nhập lại từ năm 1956; đông giáp sông Bến Nghé, tây giáp rạch Lò
Gốm, nam giáp kinh Bến Nghé và kinh Tàu Hủ, bắc giáp rạch Thị Nghè; diện tích
52 km vuông, dân số trên 2 triệu người. Năm 1956 do sắc lịnh ngày 02/10 của
Tổng Thống nước Việt Nam, Đô thành Sài Gòn và Chợ Lớn được đổi lại là Thủ đô
Sài Gòn.
CA VÀ LÝ: Ca
cũng gọi là hát, tức nói lên những giọng ngân nga, cao thấp, ngắn dài theo bài
bản nhất định. Lý là hát theo âm điệu vui và nhanh. Vậy ca và lý là tiếng gọi
chung về ca hát.
VĂN MINH: Văn
là văn vẻ; minh là sáng sủa. Văn minh là cái văn vẻ, sắc thái sáng sủa, lối
sinh hoạt của loài người khi đã tiến ra khỏi thời kỳ dã man, và khi đã được
khai hóa đến chỗ sáng sủa. Nhưng chữ văn minh ở đây là chỉ cho
số người học đòi theo nếp sống mới của Âu Tây, xem tiền bạc địa vị là trọng,
quên hết nền đạo đức tốt đẹp của dân tộc ta. Đức Thầy có câu:
“Đời văn minh vật chất bỏ gương xưa,
Nghiệp tổ tiên con cháu vày bừa.
Học thói mới lăng loàn theo sở dục”.
(Trao Lời Cùng Ông Táo)
CHÁNH VĂN
525. “Phiền-ba ngựa ngựa xe xe,
Điên giả người què Gia-Định thẳng xông.
Què này đường xá lảu-thông,
528. Khắp trong thiềng-thị rồi thì nhà-quê.
Kêu cơm bá tánh nghe ghê,
Thêm nói bộn-bề những việc về sau.
Dương-trần bàn tán thấp cao,
532. Chẳng biết người nào rõ việc tiên-tri.
Giã từ Gia-Định một khi,
Thuyền loan trực chỉ đến thì Cần-Thơ.
Tới đây giả Kẻ Quá Khờ,
536. Vợ điên chồng lại đứng hờ một bên.
Phố-phường xóm dưới đầu trên,
Cùng người đi chợ xúm nhau reo cười.
Thị-thiềng hiền-đức được mười,
540. Phần nhiều xúm lại chê cười người điên.
Vợ thời ca hát huyên-thiên,
Chồng chẳng có tiền lại quán xin cơm.
Bá gia coi thể rác-rơm,
544. Ai cũng sẵn hờm đặng có ghẹo chơi.
Điên mà ca hát việc đời,
546. Với việc hiện thời khổ não Âu-Châu”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 525 đến câu 546):
-Trước cảnh phồn hoa náo nhiệt, xe cộ dập dìu, Đức Giáo Chủ giả ra
người có tật một chân lần bước về phía Gia Định. Hết phố chợ tới thôn quê,
đường nào Ngài cũng rõ thông tất cả. Tiếng hát xin cơm pha lẫn với lời tiên tri
việc khổ thảm sắp tới, khiến dân chúng ở đây bắt đầu ghê sợ. Nhiều người bàn
tán với nhau: Ông già tàn tật nầy chẳng hiểu là bậc chi mà biết được những điều
như vậy ?
-Kế đó Ngài rời khỏi tỉnh Gia Định, dùng thuyền đi thẳng đến Cần
Thơ. Tới đây, Ngài giả hai vợ chồng nghèo khổ. Chồng thì lần theo tiệm quán xin
cơm, còn vợ thì giả như người mất trí và ca hát thật nhiều. Ngài nhận xét bá
tánh trong vùng chợ Cần Thơ cũng được mươi người hiền đức, còn phần đông cứ lo
cười nhạo kẻ Điên Khùng. Họ đâu ngờ kẻ Điên mà biết giác đời, biết nói rõ cảnh
chiến tranh hiện có bên Âu châu, để rồi báo tin cho dân chúng Việt Nam hay,
cảnh đau thương ấy sẽ diễn đến nước ta, không còn xa lắm.
“Cảnh thảm khổ chiều mai sẽ đến,
Sao dân còn tríu mến trần mê ?
Mắt nhìn ngoại quốc thảm thê,
Nam bang cảnh khổ cũng kề bên tai”.
(Để Chơn Đất Bắc)
CHÚ THÍCH:
PHIỀN BA: Cũng
đọc là phồn hoa, có nghĩa cảnh rộn rịp, náo nhiệt. Đây chỉ cho cảnh chợ búa
đông đảo.
Đức Thầy có câu:
“Chạnh lòng nghĩ lại cảnh phiền ba,
Nghi ngút bợn nhơ khói vạy tà”.(Than Đời)
GIA ĐỊNH : Một
trong sáu tỉnh miền Nam, do vua Minh Mạng đặt từ năm 1832. Bắc giáp Sài Gòn và
Biên Hòa, nam giáp Đông Hải, đông giáp Phước Tuy và Vũng Tàu, tây giáp Long an
và Gò Công. Diện tích 678 km vuông. Gia Định cũng là tỉnh mang số 1 thời Pháp
thuộc.
THIỀNG THỊ: Tức
là thành thị, chỉ nơi thành phố chợ búa, buôn bán đông đảo. Đức Thầy có câu:
“Muốn lánh phồn hoa lánh thị thành,
Tìm nơi non thẳm ngõ mai danh”.
(Muốn Lánh Phồn Hoa)
THUYỀN LOAN: Có
hai nghĩa.
1./ Thuyền có chiếc buồm như cánh chim loan (cũng gọi là buồm cánh
dơi). Người xưa đi thuyền dùng thứ buồm nầy, gió hướng nào cũng bọc cho thuyền
chạy được cả.
2./ Thuyền loan cũng gọi là thuyền lan, dịch nghĩa của
chữ “lan chu”. Ngày xưa Lỗ Bang (người nước Lỗ thời Xuân Thu) lấy gỗ mộc
lan làm thuyền, thường hai đầu nhỏ, giữa to, giống chiếc lá cây lan. Từ đó
người ta lần lần đóng theo. Trong văn chương hễ nói đến thuyền thì người ta đệm
thêm chữ lan cho đẹp lời.
Truyện Hoa Tiên có câu:
“Lĩnh lời, sắp gánh giục đồng,
Thuyền lan một lá xuôi dòng thênh thênh”.
CẦN THƠ: Tỉnh số 19 của Nam kỳ
thời Pháp thuộc, tỉnh lỵ Cần Thơ có thương mãi rất thạnh hành nên còn được gọi
là Tây đô. Bắc giáp sông Hậu Giang, nam giáp Chương Thiện, đông giáp Ba Xuyên, tây
giáp An Giang và Kiên Giang. Diện tích 2.496 km vuông, lúc dân số tỉnh có
425.000 người, đã có 10.000 người Khmer và 1.000 người Hoa trong đó.
HUYÊN THIÊN: Nhiều,
nói thật nhiều.
KHỔ NÃO: Khổ sở đau buồn. Đây ý
chỉ cảnh giặc giã trong thời Đệ nhị Thế chiến (1939-1945) các nước Âu châu chịu
sự chết chóc, khổ sở thảm thiết.
Đúc Thầy từng nói:
“Gió Á mưa Âu bùng sấm dậy,
Hãi hùng tranh chiến xé xâu nhau.
Hồng trần trở lại màu u ám,
Khắp cả chúng sanh nhuộm máu đào”.
(bài Xé Xâu Nhau)
ÂU CHÂU: Một trong năm châu của
thế giới. Diện tích 10 triệu km vuông, dân số 565 triệu gồm nhiều giống dân;
bắc giáp Bắc Băng Dương, nam giáp Địa Trung Hải, đông giáp Á Châu, tây giáp Đại
Tây Dương.
CHÁNH VĂN
547. “Chạy cùng chẳng sót đâu đâu,
Lòng quá thảm sầu lìa lại Vĩnh-Long.
Chợ quê giảng dạy đã xong,
550. Thuyền loan trực chỉ đến rày Bến-Tre.
Chợ nầy đậu tại Nhà Bè,
Giả Chị Bán Chè dạo khắp các nơi.
Giọng rao rặt tiếng kim thời,
554. Rước rước mời mời anh chị mua ăn.
Trẻ già qua lại lăng-xăng,
Nói nói rằng rằng những việc bướm-ong.
Gánh chè bán hết vừa xong,
558. Điên cũng nói ròng chuyện khổ về sau.
Nói rồi chơn bước mau mau,
Lìa xa thiềng-thị đến thì thôn-quê.
Đi đâu cũng bị nhún trề,
562. Kẻ lại chưởi thề nói: lũ bá-vơ.
Thấy đời tai lấp mắt ngơ,
564. Lúc ở trên bờ khi lại đi ghe”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 547 đến câu 564):
-Đức Giáo Chủ dạo khắp châu thành Cần Thơ, lòng Ngài rất buồn
thương cho dân chúng ở đây, chưa mấy người thức tỉnh. Đoạn rồi Ngài cho thuyền
quay lại Vĩnh Long, từ chợ đến thôn quê, nơi nào Ngài cũng dạo qua và dùng lời
đạo lý giáo hóa mọi người.
-Kế tiếp là thuyền tiến thẳng tới Bến Tre. Đến đây, Ngài liền giả
ra một cô bán chè. Con thuyền vừa cặp sát Nhà Bè, người ta đã nghe tiếng rao
lãnh lót của một cô gái duyên dáng, ăn nói sành điệu tân thời. Khách hàng qua
lại ai thấy cũng muốn dừng bước, nhưng không phải
thực sự là muốn ăn chè mà dừng lại là để dùng lời bướm ong ghẹo
cợt.
-Bán chè xong, Ngài cũng hát lời giác tỉnh nhơn sanh, từ thành thị
đến thôn xóm. Khi thì Ngài chèo thuyền, lúc thả bộ theo đường kêu gọi, nhưng đi
đến đâu dân chúng chẳng hề để ý họ còn tỏ vẻ khinh chê chưởi mắng.
CHÚ THÍCH:
VĨNH LONG: Tỉnh
số 17 ở Nam Kỳ thời Pháp thuộc. Đông giáp tỉnh Kiến Hòa và Vĩnh Bình; Tây giáp
Kiến Phong (Sa Đéc); Nam giáp Phong Dinh (Hậu giang ); Bắc giáp Định tường.
Diện tích 1.804 km vuông.
BẾN TRE: Tỉnh số 7 ở Nam kỳ thời
Pháp thuộc, từ năm 1956 đổi lại là Kiến Hòa. Đông giáp biển Nam Hải; Tây giáp
sông Tiền giang, Vĩnh Long: Nam giáp sông Tiền giang, Vĩnh Bình: Bắc giáp Định
Tường, Gò Công.
TIẾNG KIM THỜI: Tiếng nói theo thời đại bây giờ.
BƯỚM ONG: Con
bướm và con ong, loài côn trùng chuyên hút nhụy hoa; nghĩa bóng là lời nói ve
vãn tình tứ giữa nam và nữ. Ca dao có câu:
“Vườn có chủ giữ gìn cỏ chạ,
Hoa có rào ngăn đón bướm ong”.
Đức Thầy cũng thường khuyên:
“Chuông kia treo sợi chỉ mành,
Chẳng lo thân phận, lo giành bướm ong”.
(Sám Giảng. Q.3)
BÁ VƠ: Vu vơ, lôi thôi, không
nhà cửa gốc tích. Nghe chi cái “đồ bá vơ” (tiếng người chê bai Đức Thầy lúc
đó).
TAI LẤP MẮT NGƠ: xem chú thích câu 274, Q.1.
CHÁNH VĂN
565. “Dạo cùng khắp tỉnh
Bến-Tre,
Đủ bực thơ vè lìa lại Trà-Vinh.
Tới đây bày đặt hát kình,
568. Đua nhau bán thuốc mặc tình mua không.
Nói ra những chuyện bông-lông,
Trách trong lê-thứ không lòng từ-bi.
571. Gặp người đói khó khinh-khi,
Điền-viên sự sản ai thì làm cho.
Dạy rồi thuyền lại Mỹ-Tho,
Khuyên trong trần-hạ rán lo tu-trì.
Xưa nay không có mấy khi,
576. Dương-trần có Phật vậy thì xuống đây”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 565 đến câu 576):
-Đức Giáo Chủ dạo khắp tỉnh Bến Tre rồi sang qua Trà Vinh. Đến
đây, Ngài giả ra người bán thuốc dạo, đua nhau quảng cáo như các đoàn hát thuật
khác. Người ta có mua hay không mặc tình, mà điểm chánh là Ngài giả vờ nói
chuyện không đâu, để rồi kêu gọi bá tánh mở rộng tình thương đối với mọi người;
bởi bao nhiêu sự nghiệp gia tài của mình đã có, không phải bỗng dưng mà được.
Theo ý Phật Thánh là do ông bà cha mẹ tích đức, hoặc tiền kiếp của ta đã thi ân
bố đức, cộng với sự tích cực làm ăn nên kiếp nầy mới có ra. Tại sao có nhiều
người làm lụng đầu tắt mặt tối, suốt kiếp vẫn nghèo khổ ? Trái lại, có người
chỉ làm ăn thông thường, nhưng làm đâu được đấy, dịp may tới tấp tiền của đầy
nhà.
-Giờ đây nếu ta không tiếp tục làm lành làm phải thì bao nhiêu
tiền của ấy có ngày “Cũng tiêu theo luật của Trời”. Đức
Giáo Chủ kêu gọi:
“Lòng nhơn xin khá tập rèn,
Thạch Sùng Vương Khải sách đèn ai ưa ?
Thánh hiền roi tích đời xưa,
Nhờ tâm từ thiện người ưa kính thờ”.
(Khuyên Người Giàu Lòng Phước Thiện)
-Đức Thầy khuyên dạy dân tình ở Trà Vinh xong liền quày thuyền về
Mỹ Tho. Ở đây Ngài cũng tiếp tục kêu gọi vạn dân lo tu niệm. Vì đây là một dịp
may, mà từ ngàn xưa tới giờ, mới có được thời kỳ Phật Tiên lâm phàm khai hóa.
CHÚ THÍCH:
TRÀ VINH: Tỉnh
số 5 của Nam kỳ thời Pháp thuộc, từ năm 1956 được đổi tên là Vĩnh Bình. Bắc
giáp sông Tiền giang, tỉnh Kiến Hòa; Nam giáp sông Hậu giang, Ba Xuyên; Đông
giáp biển Nam Hải; Tây giáp Vĩnh Long. Diện tích 268 km vuông, lúc dân số
254.000 trong đó có 129.000 người Việt gốc Miên.
HÁT KÌNH: Đua
nhau mà hát. Một chợ có nhiều đám hát thuật, quảng cáo bán thuốc, họ đua với
nhau mà hát để giành khán giả đông về mình. Ở đây Đức Thầy cũng giả hát đua với
họ, nhưng người ta mua thuốc hay không chẳng cần thiết, chỉ cần thức tỉnh người
đời mà thôi.
ĐIỀN VIÊN SỰ SẢN: Ruộng vườn tiền của.
MỸ THO: Tỉnh thứ 14 của Nam kỳ
thời Pháp thuộc, từ năm 1956 hai tỉnh Gò Công và Mỹ Tho nhập lại thành tỉnh
Định Tường. Đông giáp Nam Hải; Tây giáp tỉnh Kiến Phong; Bắc giáp Kiến Tường và
Long An; Nam giáp Kiến Hòa và sông Tiền giang, Vĩnh Long. Diện tích 2.000 km
vuông.
CHÁNH VĂN
577. “Chợ quê giáp hết thuyền quay,
Đi trở lộn về Ông-Chưởng giảng dân.
Quản chi nắng Sở mưa Tần,
580. Chèo xuôi chèo ngược mấy lần không thôi.
Thảm thương bá-tánh lắm ôi !
Bồng-Lai Tiên-Cảnh rao rồi một khi.
Nếu ai rảnh việc thì đi,
584. Còn mắc nợ thì ở lại dương-gian”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 577 đến câu 584):
-Ở Mỹ Tho, Đức Thầy chỉ lược qua thành thị và thôn quê, rồi trở về
Cù lao Ông Chưởng (An giang). Trên đường dạo Lục châu, xuôi ngược mấy lần Ngài
chẳng nài sự gian khổ, bởi lòng quá thương xót sanh linh nên:“Quyết lòng
dạy dỗ dương trần mà thôi”.
-Ngài nhắc đi nhắc lại nhiều lần, con đường về Tiên cảnh cũng
không khó khăn lắm, nếu lòng ai hết tham luyến danh, lợi, tình thì cảnh Tiên sẽ
hiện ra trước mắt. Bằng kẻ nào còn đắm mê dục lạc, gây nên nghiệp nợ (Thập Ác),
tất phải ở lại trần gian mà đền trả.
CHÚ THÍCH:
ÔNG CHƯỞNG: tức
Cù lao Ông Chưởng (hay rạch Ông Chưởng), thuộc tổng Định Hoà, quận Chợ Mới,
tỉnh An Giang. Cù lao nầy trước kia có tên là “Tiêu Mộc”. Quan Chưởng Binh Lễ
Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh ( Kính ) dẹp loạn ở Chân Lạp (Miên) năm Kỷ Mão 1699
về đây đóng binh rồi thọ bịnh mất. Dân chúng địa phương ngưỡng mộ công
lao của Ông nên đổi tên trên lại là Cù lao Ông Chưởng. Đây là một Cù lao dân cư
đông đảo và lớn nhứt trong tỉnh An Giang, có 4 xã: Kiến An, Mỹ Hội Đông,
Nhơn Mỹ và Long Kiến. Dân chúng miền Nam thường hát:
“Ba phen quạ nói với diều,
Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm”.
NẮNG SỞ MƯA TẦN: Sở và Tần là hai trong các nước thời Chiến quốc (Trung Hoa)
đã từng đánh nhau gây tang tóc cho sanh linh chẳng ít. Hai bạo chúa là Sở Bá
Vương Hạng Võ và Tần Thỉ Hoàng đều liệt vào hàng bá đạo (dùng võ lực trị
dân). Người dân nào sanh nhằm thời ấy phải chịu dưới một chánh sách vô cùng
khắc nghiệt. Chữ “nắng Sở mưa Tần” ở đây chỉ sự dầm sương trải nắng, cực nhọc
vất vả.
CHÁNH VĂN
585. “Có người xưng hiệu ông Quan,
Tên thiệt Vân-Trường ở dưới dinh Ông.
Thấy đời cũng bắt động lòng,
588. Ghé vào tệ-xá thẳng xông lên nhà.
Mình người tu-niệm vậy mà,
Nói chi lớn tiếng người mà khinh-khi.
Người nhà cảm tạ một khi,
592. Cúng năm cắc bạc tiền đi Non Bồng”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 585 đến câu 592):
-Đức Thầy từ Mỹ Tho theo sông Tiền Giang chèo về vàm Ông Chưởng,
thuyền Ngài vô khỏi Chợ Mới là đến Dinh Ông, xã Long Điền rồi xuống tới nhà Ông
Năm Hẳn thì Ngài ghé lại.
-Theo lời ông Năm Hẳn kể rõ: Vào khoảng tháng 6 năm Kỷ Mão (1939),
có một ông già tóc râu bạc trắng, diện mạo khác thường, xưng là ông Đò, có ghé
nhà ông thuyết Đạo ngâm giảng ứng khẩu nghe hay lắm! Ông Đò giảng nói rất
nhiều, nhưng Ông Năm chỉ nhớ đoạn ông Đò khuyên ông:“Mình là người tu hành nên
ăn nói nhu hoà trầm tĩnh, chớ không nên la lối lớn tiếng người ta khinh
thường”.
-Ông Năm có hỏi Ông Đò:“ Ông đưa người về Tiên cảnh ăn tiền mỗi
người bao nhiêu ? Và chừng nào đi ?” Ông Đò liền đáp:
-Có ba hạng: Hạng nhứt 1,50 đồng, hạng nhì 1 đồng, hạng ba 50 xu
(5 cắc ), bây giờ bán giấy, sau mới đi. Ông Năm liền xin mua giấy hạng 50 xu.
Ông Đò liền xé một tấm giấy vàng trao cho Ông Năm rồi từ giã ra đi. Thời gian
sau Ông Năm đọc đến đoan giảng nói trên, ông rất hối tiếc, phải hồi đó mình mua
giấy hạng nhứt (1$,50), Ông Năm giữ kỹ mảnh giấy đó cho đến khi từ trần.
CHÚ THÍCH:
NGƯỜI XƯNG HIỆU QUAN VÂN TRƯỜNG: Là ông Năm Hẳn, tức Lê Văn Hẳn ở ấp Kiến Phú Thượng, xã Kiến
An, quận Chợ Mới (An Giang). Ông thuờng xưng là Quan Vân Trường về phần cho Ông
để trị bịnh cứu dân, mỗi lần như vậy là có la hét lớn tiếng.
DINH ÔNG: Dinh
thờ quan Chưởng cơ Lễ Thành Hầu. Ngài tên thật là Nguyễn Hữu Cảnh (Kính), người
làng Gia Miêu, huyện Tổng Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Nội tổ là Nguyễn Triều Văn, thân
phụ là Nguyễn Hữu Dật, bào huynh là Nguyễn Hữu Hào, ba ông đều phò chúa Nguyễn,
làm tới cấp Đại Tướng.
Triều Chúa Nguyễn Phúc Chu, Ngài Nguyễn Hữu Cảnh theo cha đánh
giặc có công to, đặng thăng chức Cai Cơ và được người đương thời xưng tặng danh
hiệu là Hắc Hổ.
Năm Quí Dậu (1693) Ngài đem quân chinh phạt nước Chiêm Thành. Năm
Mậu Dần (1698) Ngài được cử làm Kinh Lược xứ Chân Lạp và gia công khai thác đất
Đông Phố (hiện nay là Sài Gòn), lập phủ Gia Định, một năm sau Ngài mới trở về
Kinh Đô.
Năm 1699 (Kỷ Mão) vì vua xứ Chân Lạp là Nặc Ông Thu làm phản, Ngài
được lịnh Chúa Nguyễn kéo binh đến Nam Vang vấn tội. Nặc Ông Thu chống không
nổi phải bỏ Kinh thành mà chạy. Con là Nặc Yêm ra hàng, sau Nặc Ông Thu cũng
trở về chịu tội, xin triều cống và xưng thần như cũ. Xong việc, Ngài rút quân
trở về Cù lao Tiêu Mộc (tức Cù lao Ông Chưởng hiện giờ) tạm nghỉ binh và sai
người báo cáo cho vua hay trước. Đêm ấy trời u ám có trận giông to, gò đất cao
nơi mỏm Cù lao đó bị sụp (tức tại đầu cồn Thuận Giang, ngang chợ Đình Hòa Hảo).
Qua đầu canh năm , Ngài chiêm bao thấy thần nhơn mách bảo:“Mạng lý do định
nghiệp, không phải chỗ nầy làm chết người ta đặng”. Sáng ra Ngài thấy trong
người mỏi mê rồi phát bịnh. Chiều lại Ngài gượng vui cùng các Tướng sĩ, trong
bữa tiệc hốt nhiên Ngài khạc ra một cục máu, cách vài hôm sau bịnh càng nặng;
Ngài than với các tướng sĩ:“Ta muốn kế thừa tiên chí, tận báo
quân ân, song nhân lực nan khan, thiên số hữu hạn”. Ngài liền
ra lịnh di quân về trấn Biên Dinh ( nay thuộc xã Hiệp Hòa, quận Châu Thành –
Biên Hòa), nhưng vừa tới Rạch Gầm thì Ngài dứt hơi, hôm ấy nhằm ngày mùng 8
tháng 5 năm Canh Thìn (1700), Ngài thọ được 51 tuổi. Linh cửu của Ngài được đưa
về Trấn Biên Dinh ( Biên Hòa )an táng.
Hay được tin ấy vua thương tiếc vô cùng liền truy phong cho Ngài
là:
“Hiệp Tấn Công Thần Đặc Tấn Chưởng Binh Tướng Quân Lễ Thành Hầu”.
Được trùng tu tại Thái Miếu, nơi thờ các Tiên Vương nhà Nguyễn.
Sau đến triều Gia Long truy phong thêm cho Ngài là:“Thượng Đẳng Công Thần
Đặc Tấn Phụ Quốc Đại Tướng Quân Chưởng Cơ”.
Hiện nay các Dinh thờ Ngài còn được biết như: tại phần mộ ( Biên
Hòa ), thành phố Nam Vang, tỉnh lỵ Châu Đốc. Còn tại Ông Chưởng quận Chợ Mới
(An giang) có 4 cái Dinh thờ Ngài trong 4 xã: Long Điền, Kiến An. Long Kiến và
An Thạnh Trung.
TỆ XÁ: Tệ là tiếng khiêm xưng,
xá là nhà. Ý nói cái nhà nhỏ của người dân nghèo.
CHÁNH VĂN
593. “Xuống thuyền xuôi nước thẳng xông,
Ghé nhà chủ Phối xem lòng Đạo Ba.
Ngồi chơi đạo-lý bàn qua,
596. Mấy bà có biết lúa mà bay không ?
Có người đạo-lý hơi thông,
Xin Ông bày tỏ cho tôi hiểu rày.
Điên nghe liền mới tỏ bày:
600. Lúa bay về núi dành rày ngày sau.
Hỏi qua tu niệm âm-hao,
Không biết câu nào trái ý Đạo Ba.
Buồn đời Điên mới bước ra,
604. Tay gay chèo quế dạo thì khắp nơi.
Đi hoài chẳng có nghỉ ngơi,
606. Miệng cũng rao mời Tiên-cảnh Bồng-Lai”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 593 đến câu 606):
-Đức Thầy rời khỏi nhà Ông Năm Hẳn, liền xuống thuyền chèo xuôi
theo lòng sông Ông Chưởng, đến nhà ông Chủ Phối, Ngài cho thuyền ghé lại rồi
lên nhà. Khi đó có mấy bà lão ở xóm tựu đến nghe Ngài giảng dạy đạo lý. Có bà
hỏi thăm về việc lúa bay, Đức Thầy cũng giải rõ cho mọi người cùng nghe. Đoạn
rồi Ngài day qua, thử bàn câu chuyện đạo đức với ông Đạo Ba, tức con của ông
Chủ Phối, nhưng coi bộ ông nầy không mấy hài lòng, nên Ngài từ giã xuống
thuyền.
-Con đường khuyến hóa nhân sanh, dù có nhiều cực khổ, Ngài cũng
không ngừng nghỉ, chèo đến đâu miệng Ngài cũng luôn rao mời:
“Đò tôi đưa người tác phước thiện duyên. Đò tôi đưa về Bồng lai
Tiên cảnh. Ai có rảnh thì đi, còn mắc nợ trần thì ở lại”.
CHÚ THÍCH:
CHỦ PHỐI: Là
ông Lê Văn Phối, ở ấp Long Quới II, xã Long Điền, quận Chợ Mới (An Giang), ở
phía trên rạch Xẻo Môn khoảng 1 cây số, ông làm Hương chủ trong Ban Hội Tề
làng, dưới thời Pháp thuộc, nên gọi tắt
là Chủ Phối ( Ông nầy có bà con với Đức Bà, thân mẫu Đức Thầy).
ĐẠO BA: là Lê Văn Nguyên tức con
trai thứ ba của Ông Chủ Phối. Sở dĩ có danh là Đạo Ba vì ông Nguyên có lên xác
tướng hốt thuốc Nam độ bịnh.
LÚA BAY: Theo lời xác nhận của ông
Đạo Ba và các bà lão ở xóm đó thì thuở ấy (1939) có Ông Chèo Đò ghé lại đây nói
Đạo và giải rõ việc lúa bay:
“Trời Phật dùng huyền diệu đem số lúa ấy về cất trong núi, để dành
sau nầy đến lúc đói khổ, dân chúng có đó mà đỡ lòng”.
Năm ấy chính tôi (soạn giả) có theo thân phụ làm ruộng ở Cái Sắn
(Long Xuyên), đất giáp ranh với Điền Chủ Nhỏ (người Pháp) tôi có nghe tá điền
trong đó kể lại:
“Trong một đêm mà mấy lẫm (kho) lúa của ông Chủ Nhỏ, tự nhiên gió
thổi dỡ ngói lúa bay đi hết. Nên biết, số lúa của mỗi lẫm có đến ba bốn chục
ngàn giạ”
ÂM HAO: Tin tức, nhưng âm hao ở
đây là chỉ cho việc gạn hỏi, thăm dò Đạo lý.
Trong Khuyến Thiện, Đức Thầy có nói:
“Nữ nam muốn rõ âm hao,
Rán trau đức hạnh ngày sau sẽ tường”.
Đăng nhận xét