Thay Lời Tựa
Chúng tôi đã từng tiếp-xúc rất nhiều người trong các giới,
lúc đàm-thoại có nêu ra nhiều nghi-vấn về Đạo Phật-giáo Hòa-Hảo. Chúng tôi nhận
thấy nhiều câu hỏi rất lý-thú đáng được ghi chép để thay vì trả lời cho những
người sắp hỏi hay chưa hỏi. Muốn cho câu hỏi có mạch-lạc, chúng tôi cần xếp
thành một hệ-thống tư-tưởng, đương-nhiên có những câu chưa hỏi mà chúng tôi phải
đặt thêm.
Đã là câu nghi-vấn, dĩ-nhiên chưa hiểu rõ sự thật về Đạo Phật
giáo Hòa-Hảo. Vi thế mà quyển sách nầy cần phải ra mắt chư-tôn.
Đối với những người xưa nay chưa hiểu giáo-lý Phật-Giáo
Hòa-Hảo thi nó sẽ là chìa khóa để mở cửa của kho-tàng giáo-lý nầy mà từ lâu nhiều
người chưa có dịp vào, nhưng một khi vào rồi sẽ thấy sự thật không như những lời
huyễn-hoặc.
Còn đối với anh em tin-đồ trong Đạo, nó sẽ là một sự nhắc-nhở
có hệ thống, cần ích cho việc tu-tấn trong lúc Đức Huỳnh Giáo-Chủ vắng mặt.
Ngoài công-dụng phá tan mối hiểu lầm của nhiều người, quyển
sách nầy sẽ đem lại cho chư-tôn một sự nhận xét rõ-ràng về chỗ tương-ứng giữa
giáo-lý của Đức Phật Thích-Ca và Đạo Phật-Giáo Hòa-Hảo không còn chỗ nào sai-biệt.
Trở lại chư-tôn sẽ nhận thấy Phật-Giáo Hòa-Hảo là một nền tôn giáo triệt-để đi
theo tinh-lý vô-vi chánh-đạo của Đức Phật Thich-Ca mà từ khi Đức Lục-tổ Huệ-Năng
bặt truyền y bát, Thần-Tú bày ra âm-thinh sắc-tướng làm cho chánh-giáo phải
suy-vi.
Chính vì mục-đích chấn-hưng Phật-giáo mà Đức Huỳnh Giáo-Chủ
thừa lịnh Phật-Tổ giáng-lâm, hưng-truyền chánh-pháp. Muốn cho công cuộc giáo-độ
nầy được viên-mãn, Ngài phương-tiện diệu-dụng pháp-môn học Phật tu Nhân là một
pháp-môn thích-trung, tuy giản dị nhưng đem lại sự chứng đắc chắc-chắn, bằng chứng
là tín-đồ của Ngài đã có một số người phát huệ và có điễn lành.
Phương chi pháp-môn học Phật tu Nhân mà Ngài đã khai-thị,
nó rất thích-hợp với căn-khí của chúng-sanh trong thời-kỳ Nguơn-Hạ nầy là thời-kỳ
mà chúng-sanh thường bị thị-dục và ác-duyên làm cho lu mờ bản-tánh. Hơn nữa
Ngài đã đạt được máy huyền cơ, thấy rằng thời-kỳ tận-diệt đã hầu gần thì chỉ
còn có phương pháp giáo-hóa chúng-sanh trở lại nền-nếp tốt đẹp của đạo nhân, đồng-thời
trau-giồi trí-huệ, bồi-bổ công-đức để một ngày gần đây đủ tư-cách đến Hội
Long-Hoa, trước chầu Phật sau nghe rõ pháp-mầu mà hưởng Bồ-đề diệu-quả.
Ngày mồng sáu tháng Hai năm Giáp-Ngọ (1954).
Thanh-Sĩ và Vương-Kim
CHƯƠNG THỨ NHỨT: Thân Thế Đức Huỳnh Giáo-Chủ
Hỏi. – Quí ông là người đạo nào?
Đáp. – Chúng tôi là tín-đồ Phật-giáo Hòa-Hảo.
H. – Quí ông cho tôi biết, tại đâu đã gọi Phật-giáo mà
lại còn thêm hai tiếng Hòa-Hảo nữa?
Đ. – Bởi vị giáo-chủ sanh-trưởng ở thôn Hòa-Hảo, một làng nằm
trên Bắc-ngạn sông Vàm-nao, thuộc quận Tân-châu, tỉnh Châu-đốc. Hơn nữa giáo-chủ
truyền bá giáo-lý đạo Phật và thường mượn tên làng sanh-trưởng của mình dùng
làm biệt-danh, vì đấy mà nền đạo của Ngài khai-sáng mới có tên Phật-giáo Hòa-Hảo.
Ngoài ra danh-từ Hòa-Hảo còn tiêu-biểu cho tinh-thần kết-liên
khắp nhơn-loại đại-đồng trên nền tảng hòa-hảo, như Ngài thường biểu-ý trong
câu:
Mảng chờ trong bá-tánh thảnh-thơi,
Khắp bốn biển liên dây hòa-hảo.
Khắp bốn biển liên dây hòa-hảo.
Hay là:
Ước mơ thế-giới lân hòa-hảo,
Nhà Phật con Tiên hé miệng cười.
Nhà Phật con Tiên hé miệng cười.
H. – Quí ông có thế cho biết quí danh của giáo-chủ
không?
Đ. – Ngài quí danh là Huỳnh Phú-Sổ mà toàn-thể tín-đồ của
Ngài gọi là Đức Thầy và người ngoài thường xưng hô là Đức Huỳnh Giáo-chủ.
H. – Quí ông có thể cho biết niên-kỷ của Ngài không?
Đ. – Ngài sanh năm Kỷ-mùi tức năm 1919, kể đến năm nay 1954
thì Ngài được 36 tuổi.
H. – Quí ông có thể cho biết thân-sinh và thân-mẫu của
Ngài không?
Đ. – Thân-sinh của Ngài là Đức-ông Huỳnh-Công-Bộ còn thân-mẫu
là Đức-bà Lê-thị Nhậm.
H. – Lúc Ngài ra đời, gia-thế của thân-sinh Ngài như
thế nào?
Đ. – Ngài sinh trong gia-đình khá-giả. Lúc bấy giờ
thân-sinh của Ngài là một vị hương-cả đương-niên.
H. – Học-lực của Ngài đến đâu mà Ngài chủ xướng một nền
đạo rộng lớn như thế?
Đ. – Theo sự hiểu biết của chúng tôi thì sức học của Ngài
chỉ đến bực tiểu-học trở lại. Với gia-thế của Ngài có đủ điều-kiện cho Ngài tiếp-tục
sự học-hỏi đến cấp cao, song vì lúc đó Ngài cứ mãi bịnh hoạn, thành thử phải bỏ
học mà về lo điều trị. Hơn nữa thân-sinh Ngài thấy Ngài mãi đau ốm nên không muốn
cho Ngài học thêm nữa.
H. – Với sức học thấp kém dường ấy thì Ngài được tài
chi hấp-dẫn hằng triệu tín-đồ?
Đ. – Theo sự hiểu biết của chúng tôi, sau khi thôi học về,
Ngài vẫn đau ốm liên-miên, chạy chữa đủ phương thuốc Đông Tây mà bịnh cứ một
ngày một tăng thêm, cho đến một hôm nọ, hoác-nhiên có một ánh từ-quang chiếu rọi
khắp mình Ngài làm cho Ngài bất-tỉnh. Chừng khi tỉnh lại thì Ngài hoàn-toàn biến
đổi trạng-thái. Từ đó Ngài quán-thông cả vạn-vật.
H. – Lấy gì để biết Ngài đã quán-thông?
Đ. – Ban sơ thật ra người đời chưa ai nhận ra Ngài đã
quán-thông. Ngay như trong gia-đình Ngài cũng không ai để ý. Mãi cho đến khi
trong làng có những chứng bịnh bất trị, như bịnh trùng, bịnh điên, bịnh đau tà…
được Ngài cứu chữa lành mạnh bằng phương-pháp mầu-nhiệm, bắt đầu từ đó, người
ta mới ngạc-nhiên quan-tâm đến.
H. – Phương-pháp mầu-nhiệm ấy ra sao?
Đ. – Đại để, lúc đầu Ngài dùng nước lã, giấy nhựt-báo của
thân-sinh Ngài mua để đọc, xé nhỏ ra bằng ngón tay mà cho uống, hoặc dùng dây
chuối, dây bố làm niệt đeo vào bịnh nhơn. Thế mà hết bịnh một cách không thể
dùng óc khoa học ngày nay mà hiểu nổi.
H. – Ngài còn dùng phương-pháp nào nữa không?
Đ. – Ngoài ra, Ngài còn dùng là xoài, lá ổi, lá mít, bông
trang, bông thọ v.v… làm thuốc thang mà chữa trị. Có điều lạ nhứt là những người
ghiền á phiện, ghiền rượu đã uống nhiều thuốc để cai, để bỏ nhưng không có hiệu-quả,
khi đến Ngài chỉ có nước uống nước lã và bắt niệm Phật, thế mà bỏ thuốc bỏ rượu
một cách dễ-dàng không có hành phạt chi cả.
H. – Quí ông có thể kể một vài bịnh ngặt-nghèo được
Ngài trị hết không?
Đ. – Nếu kể ra thì không thể nào kể cho hết. Đây chúng tôi
chỉ kể lại trường hợp đặc biệt của con gái ông cả Cẩn ở làng Hưng-nhơn. Cô ấy
phải bịnh đau tà thập tử nhứt sanh, khi đem đến nhờ Ngài cứu thì Ngài chỉ dùng
nước mà rải khiến cho cô ấy ngã ra chết. Ngài bỏ đó, thân nhân thấy vậy lấy làm
lo-ngại, đến yêu-cầu Ngài cứu thì Ngài bảo khiêng vào nhà sau để đó, đợi giờ
Tý, Ngài sẽ chữa cho. Quả thật đến giờ ấy, Ngài làm phép trong chén nước rồi cạy
miệng đổ cho cô ấy uống. Trong chốc-lát cô ấy tỉnh lại rồi mạnh luôn.
H. – Cứ theo tôi biết thì cũng có người dùng phép chữa
bịnh tuy không cùng một phương-pháp như Ngài, song cũng cứu được nhiều bịnh ngặt-nghèo
mà nào có thấy ai nhờ đó dựng lên một nền đạo như Ngài đâu?
Đ. – Đành rằng chỉ riêng phương-pháp đó thì chưa đủ làm cho
người thức-tỉnh nhưng sở-dĩ Ngài lập thành mối đạo là do sự sáng tỏ của Ngài mà
cả phái tân-học cũng như Nho-học đều phải khâm-phục.
H. – Ngài làm thế nào mà người ta khâm-phục?
Đ. – Ngoài phương-pháp trị-bịnh, Ngài còn ra thi bài đáp họa
những người đến thử Ngài.
H. – Quí ông có thể kể cho tôi biết một vài trường-hợp
người ta đến thử Ngài không?
Đ. – Theo chỗ chúng tôi biết, có nhiều cự Nho như thầy ba
Thận ở làng Phú-lâm, học-trò của ông tú Thường, ông hương lễ Ướng tức là Nguyễn-Thanh-Tân
ở Mỹ-hội-đông, ông Huỳnh Hiệp-Hòa ở Bình-Thủy, nghe Ngài ra đời có nhiều việc kỳ-diệu
mới trù-nghĩ làm nhiều bài thơ ẩn-từ chiết-tự đến bắt-bí Ngài, thế mà Ngài họa
ngay trước mặt một cách dễ-dàng làm cho mấy ông ấy phải kinh khủng trước tài ứng-đối
trác-tuyệt.
H. – Quí ông còn nhớ những bài đó không?
Đ. – Đây là bài thơ chiết-tự của ông Huỳnh-Hiệp-Hòa ra cho
Ngài họa:
Phiến ngôn đại chấn điểm Nam-cương,
Khẩu tụng Văn-Vương vị bốc tường.Dữ thiện ngôn ngôn tu
Mã lai thủ thị danh thương pháp,
Thủy kiệt chưởng thâm tẩy khổ trường.
Thi vấn hồi âm tri bửu hiệu,
Tứ minh tam vị hiển văn-chương.
Khẩu tụng Văn-Vương vị bốc tường.Dữ thiện ngôn ngôn tu
Mã lai thủ thị danh thương pháp,
Thủy kiệt chưởng thâm tẩy khổ trường.
Thi vấn hồi âm tri bửu hiệu,
Tứ minh tam vị hiển văn-chương.
Nếu chiết-tự sáu câu đầu thì thấy ông Huỳnh Hiệp-Hòa hỏi
Ngài có phải là: Trạng-Trình, Cử-Đa, Đề-Thám không? Ngài liền họa lại:
Hồi đầu điểm đạo chuyển phong cương,
Háo thắng bi ly đao khổ tường.
Tề tướng Cam phong an diện nhị,
Hàn nhơn thọ khóa tác tâm lương.
Thiên-tôn mật sát nhơn-gian pháp,
Phật-lý di khai đại-hội trường.
Tam bá ngoại niên chơn bút hiệu,
Hàn-lâm nhứt đấu vịnh thiên chương.
Háo thắng bi ly đao khổ tường.
Tề tướng Cam phong an diện nhị,
Hàn nhơn thọ khóa tác tâm lương.
Thiên-tôn mật sát nhơn-gian pháp,
Phật-lý di khai đại-hội trường.
Tam bá ngoại niên chơn bút hiệu,
Hàn-lâm nhứt đấu vịnh thiên chương.
Cứ xem bài thơ này đủ thấy Ngài chẳng những họa vận bằng mà
cả vận trắc nữa. Đó là chưa nói đến ý-nghĩa của bài thơ có ẩn-ý xưng danh rất
khéo-léo.
Tuy-nhiên cũng chưa mấy tài bằng trường-hợp của thầy ba Thận.
Ông này trót hai đêm nặn óc làm ra hai bài thơ định đến thử Ngài, nhưng khi đến
Ngài, chưa kịp đem ra hỏi thì Ngài đã đón mời vào, vồn-vã hỏi rằng: Bộ ông muốn
làm thơ lắm hả ông? Liền đó Ngài bắt đầu vô câu chuyện mà trong đó Ngài đã đáp
hết những đều mà thầy ba Thận định hỏi trong hai bài thơ.
Đến khi ra về người cùng đi hỏi tại sao không đem hai bài
thơ ra thử thì thầy ba Thận nói cho biết rằng khi nói chuyện Ngài đã trả lời hết
rồi, mặc dầu hai bài thơ ấy vẫn còn nằm trong túi.
H. – Như thế là Ngài biết tâm-lý người ta nữa sao?
Đ. – Cứ theo chỗ chúng tôi biết thì chẳng những Ngài
ám-thông tâm-lý người đời mà còn hiểu cả ý định của người nữa. Như trường-hợp
ông hương sư Vàng, một ngày nọ đem quyển Sám giảng người đời của ông
Sư-Vãi Bán-Khoai đến hỏi Ngài thì Ngài chận lại rồi đọc ron-rót không sai một
chữ nào, khiến ông hương-sư Vàng phải ngạc-nhiên vì ông biết Ngài từ nhỏ tới lớn
chưa từng gặp quyển đó lần nào.
Dù vậy những điều vừa kể trên chỉ làm cho một số người nhờ
trị lành bịnh và được họa thi mà khâm-phục, chớ chưa bằng cách Ngài viết Sám-giảng
khắc-phục được số người đã có xu-hướng đạo-đức.
H. – Ngài viết Sám-giảng hồi nào và trong đó nói những
gì mà khắc-phục được một số người có xu-hướng đạo-đức.
Đ. – Ngài ra đời vào ngày 18 tháng 5 năm Kỷ-Mão (ngày
mở Đạo), nhưng mãi đến tháng sáu tháng bảy, nghĩa là sau một độ dùng huyền-diệu
để trị-bịnh, Ngài mới viết Sám-giảng trong đó Ngài bộc-lộ tiền-thân của Ngài mà
những người tu theo Đức Phật-Thầy Tây-An, Đức-Phật Trùm, Đức Bổn-Sư, Ông Sư-Vãi
Bán-Khoai đều nhận ở Ngài có sự tái-lâm đấng chơn-sư của họ.
H. – Có những đoạn văn nào của Ngài hay bằng-chứng nào
minh-xác mấy vị trên đây với Ngài là một không?
Đ. – Để nhận thấy chỗ liên-hệ giữa Đức Phật-Thầy Tây-An,
ông Sư-Vãi Bán-Khoai với Đức Huỳnh Giáo-chủ, tưởng cũng nên đem đối-chiếu những
tư-tưởng đồng-nhứt giữa ba Ngài.
Trước hết ta nhận thấy rằng: trong phái Phật-Thầy các Ngài
một khi lâm-phàm cứu thế đều xưng Khùng xưng Điên, ý chừng đối lại người đời
xưng khôn xưng lanh, thường khinh khi Phật, Tiên, Thần, Thánh.
Mặc dầu xưng Khùng, xưng Điên, nhưng đối với những người có
thiện-căn, các Ngài không hẹp lượng mà chẳng cho biết rằng: Khùng Điên là của
Phật, của Thầy, chớ không phải của người lảng trí. Đây là đoạn văn ông Sư-Vãi
Bán-Khoai xưng Khùng, xưng Điên:
Điên này Điên Phật, Điên Thầy,
Chẳng sợ ai rầy nên nói cù nhây.
Chẳng sợ ai rầy nên nói cù nhây.
Ta hãy xem một đoạn văn dưới đây của Đức Huỳnh Giáo-chủ thì
sẽ thấy chỗ đồng-nhứt tư-tưởng ấy:
Bởi chữ Khùng của Phật của Thầy,
Chớ chẳng phải của người lảng-trí.
Chớ chẳng phải của người lảng-trí.
Bởi Khùng Điên của Phật của Thầy, cho nên rõ thiên-cơ, đoán
biết âm dương kết-liễu. Đây ta hãy đọc ông Sư-Vãi Bán-Khoai:
Khùng sao mà biết thiên-cơ,
Cũng là Phật khiến cho Khùng dại điên.
Cũng là Phật khiến cho Khùng dại điên.
Cũng đồng một tư-tưởng này, Đức Huỳnh Giáo-chủ đã viết:
Khùng đã biết âm dương kết-liễu,
Khùng huyền cơ, Khùng đạo Thích-Ca.
Khùng huyền cơ, Khùng đạo Thích-Ca.
Ngoài sự xưng hô giống nhau, chúng ta còn thấy cả sự nhận-định
thời cơ cũng giống nhau nữa. Ông Sư-Vãi Bán-Khoai viết:
Hết đây đến nước dị-kỳ,
Dỗ-dành thiên-hạ vậy thì chẳng an.
Dỗ-dành thiên-hạ vậy thì chẳng an.
Đến Đức Huỳnh Giáo-chủ cũng thế:
Hết đây rồi đến dị-kỳ,
Sưu cao thuế nặng vậy thì thiết tha.
Sưu cao thuế nặng vậy thì thiết tha.
Xưa nay, sự trùng ngôn trùng ý vẫn là điều thường thấy xảy
ra luôn, nhưng chúng tôi dám chắc chẳng bao giờ có một sự đồng-nhứt tư-tưởng
như thế này. Trong quyển Sấm giảng người đời, ông Sư-Vãi Bán-Khoai trong
cuộc đi phổ-độ chúng-sanh thường nói là một Thầy ba tớ. Đây là lời ông Sư-Vãi
Bán-Khoai tự-thuật:
Chừng nào nước chảy đông nguồn,
Một Thầy ba tớ hết đường lao-đao.
Một Thầy ba tớ hết đường lao-đao.
Ông thường nhắc đến luôn:
Nào khi nắng bụi bay tuôn,
Một Thầy ba tớ chẳng buồn lại vui.
Một Thầy ba tớ chẳng buồn lại vui.
Đến Đức Huỳnh Giáo-chủ cũng thế, trong Sám-giảng, Ngài nhắc
lại cuộc châu-du độ thế, cũng cho biết là một Thầy ba tớ:
Khùng thời ba tớ một Thầy,
Giảng dạy dẫy đầy rõ việc thiên-cơ.
Giảng dạy dẫy đầy rõ việc thiên-cơ.
Chẳng những cho biết là một Thầy ba tớ mà ông Sư-Vãi
Bán-Khoai còn cho biết cả danh-hiệu nữa. Đây là danh-hiệu mà ông Sư-Vãi Bán-Khoai
thường xưng:
Huệ-Lựu ký tả một bài,
Viễn bang châu quận hậu lai khán tường.
Viễn bang châu quận hậu lai khán tường.
Hoặc giả:
Huệ-Lựu bút ký tả rồi,
Đặng cho thiên-hạ dấu soi để đời.
Đặng cho thiên-hạ dấu soi để đời.
Cái danh hiệu này được Đức Huỳnh Giáo-chủ lặp lại trong
Sám-giảng của Ngài:
Đừng thấy ngu dại mà khi,
Thầy là Huệ-Lựu, tớ thì Huệ-Tâm.
Thầy là Huệ-Lựu, tớ thì Huệ-Tâm.
Khi đọc đến đoạn này thử hỏi còn tín-đồ nào của ông Sư-vãi
Bán-Khoai không nhận thấy chỗ xuất-xứ của Đức Huỳnh Giáo-chủ. Họ không còn ngần-ngại
gì nữa mà chẳng nhận Đức Huỳnh Giáo-chủ là chuyển-kiếp của ông Sư-Vãi
Bán-Khoai.
Thật-thế, chúng ta hãy đọc đoạn văn này của ông Sư-Vãi
Bán-Khoai:
Tôi đâu mà có an thân,
Bây giờ Phật biểu tôi sang nước Tần.
Mến là mến nghĩa Hoàng-Lân,
Thương là thương lấy vạn dân mắc nàn.
Bây giờ Phật biểu tôi sang nước Tần.
Mến là mến nghĩa Hoàng-Lân,
Thương là thương lấy vạn dân mắc nàn.
Rồi đọc đoạn văn này của Đừc Huỳnh Giáo-chủ, chúng ta sẽ thấy
chỗ nhận-định của tín-đồ ông Sư-Vãi bán-Khoai là đúng:
Dạy đạo chánh vì thương Nam-Việt,
Ở Cao-miên vì mến Tần-hoàng;
Trở về nam đặng có sửa-sang,
Cho thiện-tín đặng rành chơn-lý.
Ở Cao-miên vì mến Tần-hoàng;
Trở về nam đặng có sửa-sang,
Cho thiện-tín đặng rành chơn-lý.
Như thế thì rõ lắm rồi. Nhưng cũng còn chưa rõ bằng đoạn
văn sau đây:
Đừng ham nói nọ nói này,
Lặng yên coi thử Điên này là ai?
Cám thương Ông lão Bán-Khoai,
Vì yêu dân-chúng chẳng nài nắng mưa.
Lặng yên coi thử Điên này là ai?
Cám thương Ông lão Bán-Khoai,
Vì yêu dân-chúng chẳng nài nắng mưa.
Thế là bức màn huyền-vi giữa ông Sư-Vãi Bán-Khoai và Đức Huỳnh
Giáo-chủ đã hé mở. Chẳng những thế mà bức màn huyền-vi giữa Đức Phật-Thầy
Tây-An và Đức Huỳnh Giáo-chủ cũng được vén lên. Đức Huỳnh Giáo-chủ cho biết:
Khùng này quê ngụ núi Sam
Còn Điên chẳng có chùa am dưới này.
Còn Điên chẳng có chùa am dưới này.
Núi Sam là chỗ Đức Phật-Thầy Tây-An đã tịch, cho nên khi
nói đến núi Sam là tín-đồ phái Phật-Thầy hiểu ngay là chỉ Đức Phật-Thầy Tây-An.
Mặc dầu cho biết là quê ngụ núi Sam để cho dân-chúng đừng
nghi nan, nhưng Đức huỳnh Giáo-chủ vẫn thấy người đời còn thờ ơ, cho nên không
dứt lặp đi lặp lại:
Thương lê-thứ bày tường trong đục,
Mặc ý ai nghe phải thì làm;
Lời của người di tịch núi Sam,
Chớ chẳng phải bày điều huyễn-hoặc.
Cảnh Thiên Trước thơm tho nồng nặc,
Chẳng ở yên còn xuống phàm trần;
Ấy vì thương trăm họ vạn dân,
Nên chẳng kể tấm thân lao-khổ.
Giả quê dốt khuyên người tỉnh-ngộ,
Giả bán buôn thức giấc người đời;
Rằng ngày nay có Phật có Trời,
Kẻo dân-chúng nhiều người kiêu ngạo,
Xuống mượn xác nhằm năm Kỷ-mão,
Buồn xóm làng cứ ghét Điên Khùng.
Nếu trẻ già có biết thì dùng,
Chẳng có ép có nài bá-tánh.
Mặc ý ai nghe phải thì làm;
Lời của người di tịch núi Sam,
Chớ chẳng phải bày điều huyễn-hoặc.
Cảnh Thiên Trước thơm tho nồng nặc,
Chẳng ở yên còn xuống phàm trần;
Ấy vì thương trăm họ vạn dân,
Nên chẳng kể tấm thân lao-khổ.
Giả quê dốt khuyên người tỉnh-ngộ,
Giả bán buôn thức giấc người đời;
Rằng ngày nay có Phật có Trời,
Kẻo dân-chúng nhiều người kiêu ngạo,
Xuống mượn xác nhằm năm Kỷ-mão,
Buồn xóm làng cứ ghét Điên Khùng.
Nếu trẻ già có biết thì dùng,
Chẳng có ép có nài bá-tánh.
Thử hỏi, khi đọc đến đoạn này, tín-đồ nào của Đức Phật-Thầy
Tây-An, chẳng nhận ra Đức Huỳnh Giáo-chủ là ai? Chắc sao cũng có người sẽ hỏi:
Đức Huỳnh Giáo-chủ lại vừa ông Sư-Vãi Bán-Khoai chuyển kiếp, lại vừa Đức Phật-Thầy
Tây-An chuyển kiếp? Điều này, chúng ta đã biết: giữa Đức Phật-Trùm, Đức Phật-Thầy
Tây-An, ông Sư-Vãi Bán-Khoai và Đức Huỳnh Giáo-chủ vẫn không có sự sai-biệt.
Chính Đức Huỳnh Giáo-chủ trong bài Lịch sử về đời của Ngài, có đoạn cho biết: “Tuy
là nhơn-dân mới rõ pháp mà tưởng rằng Ta thượng xác cỡi đồng, chớ dè đâu chuyển
kiếp đã từ lâu cho đến ngày ra trợ thế “, đủ hiển-thị chỗ nhận-định ở
trên.(1)
(1) dẫn
theo “Tận-thế và Hội long-Hoa” của Vương-Kim.
Do đó người đời không còn phải lấy làm lạ mà thấy một số
tín-đồ của Đức Phật-Thầy Tây-An, Đức Phật-Trùm, Đức Bổn-Sư, ông Sư-Vãi
Bán-Khoai qui-ngưỡng theo Đức Huỳnh Giáo-chủ.
H. – Ngài ra đời kỳ này có khác mấy lần chuyển kiếp
trước kia không?
Đ. – Cứ theo Sám-Giảng của Ngài cho biết thì Ngài ra đời kỳ
này được lịnh Đức Phật A-Di-Đà và Phật-Tổ xuống trần, như đã thổ-lộ trong bài
thơ tứ-tuyệt của Ngài họa lại câu hỏi của ông Tùng ở Cái-đầm:
Cũng biết càn-khôn vẫn một bầu,
Tây-phương yêu chúng chẳng ngồi lâu.
Sắc của A-Di và Phật-Tổ,
Bốn chữ xuống trần chớ ở đâu?
Hay trong một đoạn giảng “Kệ dân” của Ngài đã viết:
Muốn tu tỉnh nay đà gặp cuộc,
Đức Di-Đà truyền mở đạo lành;
Bởi vì Ngài thương-xót chúng-sanh,
Ra sắc lịnh bảo Ta truyền dạy.
Nên khổ-lao Khùng không có nại,
Miễn cho đời hiểu đặng đạo mầu.
Ngoài ra Ngài còn vưng lịnh của Đức Ngọc-Đế, như đã cho biết:
Cúi đầu tâu lại cửu-trùng,
Ngọc-hoàng ban chiếu cho Khùng giáo dân.
Hoặc giả:
Lời văn tao-nhã hữu-tình,
Bởi vưng sắc-lịnh thiên-đình sai ta.
H. – Ngài vưng lịnh xuống thế với mục-đích gì?
Đ. – Nếu kể cho tường-tận thì không sao hết được, nhưng
chúng tôi có thể tóm lược mục-đích lâm-phàm của Ngài kỳ này gồm có chín việc
làm trọng-yếu.
Việc làm thứ nhứt, Ngài ra đời trước là mở cơ giáo-độ để chấn-hưng
chánh-pháp của Đức Phật thích-Ca, vì từ ngày bặt truyền y-bát đến nay,
chơn-pháp của Phật bị người đời làm sai-lạc tinh-nghĩa mà thành ra một ngày một
suy-đồi. Do đó mà hôm nay Ngài xuống trần để hoàn-thành cái sứ-mạng chấn-hưng
Phật-pháp như Ngài đã cho biết:
Ta thương đời len-lỏi xuống trần,
Đạo vô-vi của Phật ân-cần,
Nối theo chí Thích-ca ngày trước.
Hay là:
Phận tớ xác-phàm tớ sẽ vưng,
Cúng-dường cho Phật, Phật đành ưng;
Dù cho phải chịu ngàn cay-đắng,
Cũng nguyện đạo-mầu sẽ chấn-hưng.
H. – Còn việc làm thứ hai là việc gì?
Đ. – Việc làm thứ hai là Ngài dùng nhiều phương-tiện
để gây vào lòng chúng-sanh một niềm tin-tưởng vững-chắc nơi Phật-pháp hầu thoát
khỏi sông mê bể khổ, như Ngài thường tuyên-thuyết:
Thuyền bát-nhã Ta cầm tay lái,
Quyết đưa người khỏi bến sông mê.
Hay là:
Lòng từ bi chẳng quản nắng mưa,
Xông thuyền giác rước đưa sanh-chúng.
H. – Việc làm thứ ba là gì?
Đ. – Việc làm thứ ba của Ngài là chỉ đường cho
chúng-sanh về Tây-phương Cực-lạc hưởng quả bất sanh bất diệt mà Ngài đã hằng tỏ
bày:
Nghe Điên dạy sau này thơi-thảnh,
Đây chỉ đường Cực-lạc vãng-sanh.
Hoặc là:
Tìm Cực-lạc đây rành đường ngỏ,
Hãy mau mau tu tỉnh mới mầu;
Tận thế-gian còn có bao lâu,
Mà chẳng chịu làm tròn nhơn-đạo.
H. – Việc làm thứ tư là gì?
Đ. – Việc làm thứ tư của Ngài là đào luyện hạng
người hiền-đức để dự hội thi sang qua thời-kỳ Thượng Nguơn là điều mà Ngài thường
nhắc-nhở:
Khoa tràng lịnh mở hội thi,
Nên Ta xuống bút dạy thì trần-gian.
Chớ mình hồn dự lâm-san,
Thảnh thơi còn xuống thế-gian là gì?
Ước mơ Thượng-cổ hồi qui,
Thế trần no ấm phú thi an nhàn.
Quân thần phụ tử vinh-vang,
Hết lo cay-đắng Khùng an phận Khùng.
H. – Việc làm thứ năm là gì?
Đ. – Việc thứ năm của Ngài là trừ con long
ác-nghiệt để cứu họa-hại cho nhân-sanh trong những ngày biến-động âm-dương
thê-thảm do con thú ấy gây ra mà trong Sám-giảng của Ngài cho biết trước, như:
Con sông nước chảy vòng cầu,
Ngày sau có việc thảm sầu thiết-tha.
Chừng ấy nổi dậy phong-ba,
Có con nghiệt thú nuốt mà người hung.
Đến chừng thú ấy phục-tùng,
Bá gia mới biết người Khùng là ai?
Hay là:
Thâu cho được con long ác-nghiệt,
Thì khắp nơi mới biết mến yêu.
H. – Việc làm thứ sáu là gì?
Đ. – Việc làm thứ sáu là Ngài vưng sắc-chỉ lập bảng
Phong-Thần để phong những người có lòng trung-nghĩa với đất nước, như Ngài đã
thổ-lộ trong những câu:
Thân bần-tăng mặc bộ sông nâu,
Cuộc thiên-lý một bầu đã hản.
Đến kỳ thi danh Thầy chạm bảng,
Trên đài cao gọi các linh-hồn.
H. – Việc làm thứ bảy là gì?
Đ. – Việc làm thứ bảy của Ngài là đại-diện
công-lý trong ngày lập hội để cầm cân thưởng phạt kẻ lành dữ đúng theo luật
nhơn-quả báo-ứng, như Ngài báo tin trước trong câu:
Lão đây vưng lịnh Phật-tôn,
Lãnh cân thưởng phạt chư môn dữ lành.
Hay là:
Chờ con đầy đủ nghĩa nhân,
Ra tay tế-độ dắt lần về ngôi.
Có ngày mở rộng qui-khôi,
Non Thần vang chuyển Khùng ngồi xử phân.
H. – Việc làm thứ tám là gì?
Đ. – Việc làm thứ tám là Ngài qui-hội những người
có thiện-căn hiền-đức đến Hội Long-Hoa đặng phò chơn Chúa, gây lập cõi Thượng-Nguơn
an-lạc. Ngài đã cáo-thị trong câu:
Khùng vâng lịnh Tây-phương Phật-Tổ,
Nên giáo truyền khắp cả Nam-Kỳ;
Hội Long-Hoa chọn kẻ tu-mi,
Người hiền-đức đặng phò chơn Chúa.
Hay
là:
Trở chơn cho kịp Long-Hoa,
Long-Hoa có mặt ấy là hiền-nhơn.
H. – Việc làm thứ chín là gì?
Đ. – Việc làm thứ chín là ngoài các điều đã kể
trên, Ngài còn lãnh một trọng-trách tá-quốc an-bang gây dựng sơn-hà tạo nền hạnh-phúc
cho đồng-bào nhơn-loại trong ngày Thượng-Nguơn hồi-phục, như Ngài đã tiết-lộ:
Một tay tá quốc an bang,
Nước nhà vững đặt Hớn-đàng hiển-vang.
H. – Ngài viết được bao nhiêu quyển giảng?
Đ. – Sám-giảng của Ngài gồm có bốn quyển chánh là:
Ngoài ra Ngài còn viết quyển Khuyến thiện, Nhữngđiều sơ lược cần biết của kẻ tu hiền và Tháng năm mười tám mà
người đời thường gọi là quyển năm. Còn nhiều bài thi thơ không sao kể cho hết
được.
H. – Tại sao lại gọi Sám-giảng mà không gọi
bằng kinh hay luật.
Đ. – Sám có nghĩa là tiên báo vị-lai, còn giảng có
nghĩa giải-bài đạo-lý. Cho nên Sám-giảng có nghĩa: ngoài giảng dạy đạo-lý
còn mách cho biết trước thời-cơ.
H. – Quí ông có thể cho biết đại ý quyển thứ nhứt
tuyên-thuyết những gì không?
Đ. – Trong quyển Sám-giảng khuyên người đời tu-niệm, đại
ước Ngài cho biết trước khi trực-tiếp giáo-độ người đời, Ngài đã phương-tiện
hóa-hiện dạo lục châu giả dạng người già trẻ nam nữ, buôn bán, ăn xin, chèo đò
rước khách…. để có cơ đánh thức nhơn-gian chợt tỉnh giấc mê rằng có Phật Tiên
xuống thế.
H. – Có câu chuyện nào minh chứng việc đó không?
Đ. – Có rất nhiều, nhưng chúng tôi xin lược kể một vài chuyện
như trường hợp của Đức Ông tức thân-sinh của Ngài, mất ghe mà chính chiếc ghe ấy
Ngài dùng đi dạo lục châu. Việc này, Đức Ông tưởng là chiếc ghe đó bị trộm,
Ngài bèn khéo-léo cho biết trong bài thơ dưới đây:
Thoàn nhỏ ly gia vị tất nan,
Bửu sanh du-lịch lục châu giang;
Kim-sơn thương mãi toàn lê thứ,
Thức tỉnh bá gia giấc mộng tràng.
Cũng như trường-hợp ông chủ Phối ở lòng Ông-Chưởng mà Ngài
có ghé nhà đàm-đạo với Đạo Ba trong lúc đi dạo lục châu, như Ngài đã kể:
Xuống thuyền xuôi nước thẳng xông,
Ghé nhà chủ Phối xem lòng Đạo Ba.
Ngồi chơi đạo-lý bàn qua,
Mấy bà có biết lúa mà bay không?
Có người đạo-lý hơi thông,
Xin ông bày tỏ cho tôi hiểu rày.
Điên nghe liền mới tỏ bày,
Lúa bay về núi dành rày ngày sau.
Hỏi qua tu niệm âm-hao,
Không biết câu nào trái ý Đạo Ba.
Buồn đời Điên mới bước ra,
Tay gây chèo quế dạo mà khắp nơi.
Về sau, ông Đạo Ba đọc đến chuyện này cũng nhìn nhận là có
y như vậy.
Ngoài ra còn trường-hợp của ông năm Hẳng ở làng Kiến-an thường
xưng là Quan-Vân-Trường tá xác mà Ngài có ghé nhà, lúc châu-lưu thức-tỉnh người
đời như Ngài đã thổ-lộ:
Thảm thương bá-tánh lắm ôi!
Bồng-Lai tiên-cảnh rao rồi một khi.
Nếu ai rảnh việc thời đi,
Còn mắc nợ thì ở lại dương-gian.
Có người xưng hiệu ông Quan,
Tên thiệt Vân-Tràng ở dưới Dinh ông.
Thấy đời cũng bắt động lòng,
Ghé vào tệ-xá thẳng xông lên nhà.
Mình người tu niệm vậy mà,
Nói chi lớn tiếng người mà khinh-khi.
Người nhà cảm-tạ một khi,
Cúng năm cắc bạc tiền đi non Bồng.
Việc này ông năm Hẳng cũng nhìn-nhận là đúng sự thật.
H. – Quí ông có thể cho biết đại-ý quyển thứ nhì tuyên
thuyết những gì không?
Đ. – Trong quyển Kệ dân của người Khùng, đại-ý đem
chánh-đạo vô-vi của Đức Phật Thích-Ca đối kháng lại giáo-pháp âm thinh sắc tướng
của Thần-Tú đang hiện-hành. Đồng thời Ngài chỉ-rạch máy huyền-cơ cho nhơn-sanh
được biết có sớm hồi đầu trở lại.
H. – Xin quí ông giải cho tôi hiểu nội-dung quyển thứ
ba.
Đ. – Đại-ý quyển Sám-giảng, đoạn đầu mách cho biết những
tai nạn hãi-hùng gớm-ghiếc trong lúc biến-di, kế đó dạy cho gái trai lớn nhỏ biết
cách ăn thói ở đúng theo luân-thường đạo-nghĩa. Có như thế mới mong sống sót
trong những ngày lập hội.
H. – Quyển thứ tư tuyên-thuyết những gì?
Đ. – Trong quyển Giác mê tâm kệ, đại-để Ngài
tuyên-giáo pháp-môn hành-đạo của Đức Phật Thích-Ca như Tứ-diệu-đề, Bát-chánh…
cho người đời noi theo đó mà tu-hành cho được đắc quả.
H. – Quyển Khuyến-thiện cốt ý khuyên những gì?
Đ. – Trong quyển Khuyến-thiện, Ngài kể lại gương xuất
gia tầm đạo của Phật Thích-Ca và nhơn đó Ngài khuyên người tu theo pháp-môn Tịnh-độ
cầu sanh về Cực-lạc. Ngoài ra Ngài còn kể lại tám điều khổ của chúng-sanh và
khuyên trừ thập ác.
H. – Quí ông có thể cho tôi biết trong quyển Những
điều sơ lược cần biết của người tu hiền dạy những gì?
Đ. – Đây là quyển sách Ngài viết bằng lối tản văn khác hơn
mấy quyển trên toàn bằng vận văn. Trong quyển này, Ngài giải-thích Tứ-ân, Thập-thiện,
Bát-chánh và những nghi-thức hành-đạo cần biết của một người tín-đồ.
H. – Còn quyển Tháng năm mười tám đại-cương
nói những-gì?
Đ. – Trong quyển này Ngài nhắc lại ngày xuống thế của Ngài
sau sáu tháng dạy đạo. Trước khi trở về tâu lại với đức Ngọc-Đế, Ngài để lời
khuyên bổn-đạo hành-y những lời của Ngài đã dạy, trong lúc Ngài vắng mặt dầu ai
có khoe-khoang tài-phép cũng chớ vội tin.
H. – Ngoài cách dùng huyền-diệu trị bịnh và ra Sám-giảng
thức-tỉnh người đời, Ngài còn dùng phương-tiện nào để gia-tăng đức-tin của người
nữa không?
Đ. – Theo chỗ được biết của chúng tôi, Ngài còn hướng dẫn một
số ít tín-đồ đi du-sơn để giúp cho các người ấy đủ tin nơi Ngài là một bực
siêu-phàm tái-lâm cứu thế.
H. – Quí ông có thể kể một vài trường-hợp không?
Đ. – Vào lối tháng bảy năm đó, Ngài có dẫn Đức Ông
thân-sinh của Ngài đi núi Tà-lơn. Điều làm cho Đức Ông kinh-ngạc là Ngài chưa từng
đi núi lần nào, thế mà Ngài rất thạo đường sá am động trên núi và còn dẫn cho Đức
Ông thấy nhiều việc kỳ bí, nên sau khi đi núi về, Đức Ông rất hân-hoan mà báo
cho anh em đến thăm biết rằng: “Tôi đã gặp vàng thiệt rồi, các ông ôi! các ông
cứ tin đi!”
Ngoài ra còn vài anh em hân-hạnh được Ngài dẫn đi để
tăng-trưởng đức-tin của họ.
H. – Sau cuộc du-sơn về, Ngài thi-thiết những gì nữa?
Đ. – Ngài lần lượt đi viếng tín-đồ ở một vài thôn kế cận,
phương-tiện gần-gũi chỉ bảo mọi người điều đạo-đức và nhơn đó bàn cãi lẽ mầu, ý
nhiệm cho những người có duyên lành trong vùng để có cơ qui-ngưỡng. Do đó số
người tín-phụng một ngày một tăng-gia, gây nên một phong-trào đạo-hạnh hy-hữu.
H. – Như thế thì cơ hoằng-pháp của Ngài chắc thuận-tiện
lắm?
Đ. – Quả thật lúc đầu cũng được chút thuận-tiện, nhưng khi
thấy việc truyền-bá đạo-đức của Ngài một ngày một bành-trướng, tín-đồ một ngày
một qui-tụ tấp-nập, bây giờ nhà cầm quyền mới bắt đầu để ý.
H. – Rồi có chuyện gì xảy ra không?
Đ. – Khi Ngài trổ nhiều việc mầu-nhiệm, đã có người để ý rồi,
nhưng người ta vẫn để cho Ngài tiến hành, cho dễ dò-la, chớ chưa can thiệp vội.
Chừng khi quần-chúng ngưỡng-mộ quá đông thì nhà cầm quyền lúc bấy giờ mới quyết-định
lưu-cư Ngài.
Ngày 11 tháng tư năm Canh-thìn, Ngài được nhà cầm-quyền mời
qua Châu-đốc cho Ngài biết có nghị-định của quan trên không cho Ngài hoạt-động
trong tỉnh nữa, nhưng Ngài được tự-do chọn lấy nơi lưu-trú.
Thế là qua ngày sau tức ngày 12 tháng tư năm Canh-thìn,
Ngài lên đường đi Sa-đéc làm cho tín-đồ phải rơi lệ, vì lịnh ấy quá đột-ngột.
H. – Đối với lòng triếu-mến của tín-đồ như thế, Ngài xử
trí cách nào?
Đ. – Lòng Ngài hết sức cảm-động, nên khi đến Sa-đéc Ngài
có bày tỏ nỗi lòng bi-cảm của Ngài trong những dòng thi thống-thiết:
Muốn lập đạo có câu thành-bại,
Sự truân-chuyên của khách thiền-môn;
Khắp sáu châu nức tiếng người đồn,
Ta chịu khổ, khổ cho bá-tánh.
Tiếng gọi đời sông mê hãy lánh,
Chạm lợi quyền giàu có cạnh-tranh;
Bước chông gai đường đủ sỏi-sành,
Đành tách gót lìa quê hương dã.
Ta cũng chẵng lấy chi buồn-bã,
Bởi sự thường của bực siêu-nhơn;
Dầu gian-lao dạ sắt chẳng sờn,
Miễn sanh-chúng thông đường giải-thoát.
Cơn dông tố mịt-mù bụi cát,
Chẳng nao lòng của đấng từ-bi;
Vì Thiên-đình chưa mở hội thi,
Nên Lão phải phiêu-lưu độ chúng.
Kẻ ác đức cho rằng nói túng,
Nó đâu ngờ lòng Lão yêu đương.
Xe rồ xăng vụt chạy bải-bươn,
Đến khuất dạng tình thương náo-nức.
Khắp bá-tánh chớ nên bực-tức,
Bởi nạn tay vừa mới vấn-vương;
Chốn Liên-đài bát-ngát mùi hương,
Nhờ chỗ ấy mới thi công-đức.
H. – Như thế, cuộc lưu-cư này sẽ là một bước đường trở-ngại
cho sự phổ-hóa của Ngài đấy ư?
Đ. – Không, Ngài vẫn cho trường-hợp này là một dịp để Ngài
phổ-thông rộng-rãi đạo-đức:
Ta còn thương, thương trò lịu-địu,
Chớ cũng mừng được dịp phổ-thông.
Mà cũng là một sự thử-thách của tạo-hóa để xem người hành đạo
có vững chí đi theo nguyện-lực của mình không.
Việc khó-khăn lắm lúc khôi-hài,
Ấy cũng bởi thày-lay ông tạo.
Ông nhồi quả cho người hành đạo,
Lúc nguy-nàn thối chí cùng chăng?
Nếu bền lòng vị quả cao thăng,
Chẳng chặt dạ bỏ lăn Phật Thánh.
H. – Khi đến Sa-đéc, Ngài ở đó mở cơ phổ-hóa hay còn
đi đâu nữa?
Đ. – Anh em tín đồ đem Ngài về đến Sa-đéc, ngỡ rằng được tạm
yên ở đó, té ra nhà cầm quyền sở tại mời Ngài đến cho biết rằng đã có lịnh
không cho Ngài hoạt-động ở tỉnh này.
H. – Thế rồi Ngài đi đâu?
Đ. – Sau khi biết ở đấy cũng có lịnh cấm, anh em tín-đồ
ngày 17 tháng tư năm Canh-thìn đưa Ngài đi Cần-thơ, rồi thỉnh
Ngài về ở nhà hương-bộ Thạnh thuộc làng Nhơn-nghĩa, rạch Sua-đũa.
H. – Đến đây Ngài thi-thiết những gì?
Đ. – Đến đây Ngài cũng độ thuốc và cho thơ bài, tiếp-tục
công cuộc hoằng-hóa của Ngài như ở Hòa-Hảo. Nhân việc phát dây thông trị bịnh,
Ngài có làm một bài thơ về giấy vàng có hàm ý tiên-tri về sự đổi thay thời cuộc
nước nhà, như vầy:
Giấy vàng nay đã giá cao tăng,
Bìa trắng lại chê vội bỏ lăn.
Thương thảm chúng quăng nằm kẹt hóc,
Chủ nhà quét-tước lượm lăng-xăng.
Trong thời-gian lưu-trú tại Nhơn-nghĩa, Ngài thâu nhận
một số tín-đồ khá đông, đúng như bài thơ của Ngài đã viết:
Nhơn-dân bá-tánh cũng con lành,
Thầy dạy cho đều khắp chúng-sanh.
May-mắn vận thời đưa đến chốn,
Tiền-khiên dẹp gát kiếm con lành.
H. – Ngài ở đây hay còn đi đâu nữa?
Đ. – Cũng như ở Hòa-Hảo, vì thầy ảnh-hưởng của Ngài một
ngày một lan-rộng, nhà cầm quyền không muốn cho Ngài hoạt-động. Ngài bèn đưa
đơn xin di-cư xuống Bạc-liêu thì được nhà cầm quyền chấp-thuận. Ngày
29 tháng 6 năm Canh-Thìn, Ngài từ-giã làng Nhơn-nghĩa lên đường ra Cần-thơ,
nhưng khi đến đây thì có lịnh của nhà cầm quyền giữ lại. Họ đưa Ngài vào dưỡng-đường
khám bịnh rồi qua ba bốn hôm sau thì đưa Ngài đi Sài-gòn vào nằm nhà
thương Chợ-quán
H. – Nhà cầm quyền đưa Ngài vào nhà thương Chợ-quán có
ý-định gì?
Đ. – Theo ý-định của nhà cầm quyền đem Ngài đến đấy là để
thí-nghiệm coi trong người của Ngài có mắc bịnh thần-kinh không? Vì thế mà người
ta lưu Ngài ở lại đây rất lâu.
H. – Trong thời-gian đó Ngài có tiếp-tục được công việc
của Ngài không?
Đ. –Ban sơ khi vào đây Ngài chưa được ai biết đến. Ngay như
viên y-sĩ là ông Trần-văn-Tâm cai-quản bịnh-viện này cũng ngộ-nhận Ngài mắc bịnh
thần-kinh nên chi có nói bởn rằng: Ở ngoài xé mấy tấm giấy thuế-thân của người
ta rồi mới vào đây? Nhưng khi xem cử-chỉ của Ngài đoan-chánh và tiếp theo đó thấy
tín-đồ của Ngài đến thăm một ngày một đông mới nghi Ngài là một ông Đạo.
H. – Sau khi nghi Ngài là một ông Đạo, ông Tâm đối với
Ngài thế nào?
Đ. – Trước nhứt ông Trần-văn-Tâm đem những điều đọc trong một
quyển sách viết về đạo Phật ra chất-vấn, mỗi điều được Ngài trả lời không khác
trong sách đã giải. Chừng đó ông Tâm mới đem lòng kính-phục, nhưng chưa mấy tin
bằng khi được Ngài cho thấy nhiều diệu-thuật mầu-nhiệm của Ngài hóa-hiện. Đến
đây ông Tâm mới hoàn-toàn tín-phục, chịu thọ-giáo qui-y. Nhờ đó, Ngài mới tiếp-tục
công việc hoằng-hóa của Ngài được dễ-dàng. Mỗi ngày người đến hỏi đạo và xin
thuốc càng đông.
H. – Ở đây Ngài có trị bịnh nào đặc-biệt đáng kể
không?
Đ. – Đáng kể nhứt là trường-hợp của mẹ anh gác cửa
nhà-thương. Lúc đầu anh này rất khó-khăn đối với tín-đồ của Ngài đến thăm.
Nhưng khi người mẹ của anh mắc bịnh đau mắt đã trị nhiều thầy mà không hết, nhờ
chai nước lã của Ngài cho anh đem về trị lành, anh mới đem lòng khâm-phục và gọi
Ngài là ông Phật sống. Từ đó anh đối xử với anh em tín-đồ của Ngài rất cảm-tình,
cho lui tới tự-do.
H. – Trong lúc ở nhà-thương Chợ-quán, Ngài có chỉ giáo
gì thêm không?
Đ. – Trong lúc nhà-thương Chợ quán, Ngài viết rất nhiều bài
vở, nhưng đáng kể là quyển Những điều sơ-lược cần biết của kẻ tu-hiền và
quyển Khuyết-thiện chỉ rạch tường-tận về pháp-môn của Ngài.
H. – Ngài nằm nhà-thương Chợ-quán bao lâu?
Đ. – Hơn một năm cầm giữ Ngài để thí-nghiệm, nhà chức-trách
thấy Ngài không có gì tỏ ra mắc bịnh thần-kinh, nên xét theo lời xin trước kia
của Ngài khi còn ở Nhơn-nghĩa mà chấp-thuận cho Ngài được về ở Bạc-liêu. Ngài
ra nhà-thương vào thượng tuần tháng 6 năm Tân-tỵ, nhưng không đi Bạc-liêu liền.
Nhà cầm quyền giữ Ngài ở sở Công-an hơn một tuần lễ mới đưa đi.
H. – Đến Bạc-liêu ở nhà ai?
Đ. – Trước kia Ngài định ở nhà hội-đồng Điều, nhưng nhà cầm
quyền cho biết trừ nhà này ra, Ngài tự chọn lấy nhà khác. Sau khi đó, một tín-đồ
đưa Ngài đến nhà ông Võ-văn-Giỏi. Ông này sẵn lòng nghinh-tiếp, Ngài mới trở về
trình với Công-an rồi đến ở đó, song mỗi tuần đến ngày thứ hai, Ngài phải
trình-diện một lần. Nhơn đó Ngài có tức cảnh làm ba bài thơ này.
Việc chi mà phải đi trình báo?
Mỗi tháng bốn kỳ nhọc cẳng ông,
Đợi máy huyền-cơ xoay đến mức,
Tính xong cuộc thế, lại non Bồng.
٭ ٭ ٭
Thứ hai hừng sáng mưa tầm-tã,
Lính đứng ngoài đường giục-giã ông.
Kiếp khách trần-gian vay lắm nợ,
Để đền trọn nghĩa với non sông.
٭ ٭ ٭
Người cười, người nhạo bảo ông điên,
Ông chẳng giận ai, cũng chẳng phiền;
Chỉ tiếc trần-gian đùa quá vội,
Chưa tường điên tục hay điên Tiên.
H. – Như đã nói, khi ở Nhơn-nghĩa, Ngài xin với nhà cầm
quyền về Bạc-liêu với ý-định gì?
Đ. – Theo chỗ được biết của chúng tôi, trong lúc ở
Nhơn-nghĩa, Ngài thâu nhận được một số tín-đồ ở Bạc-liêu, cho nên Ngài muốn đến
đó để mở cơ hóa-độ, hơn nữa ở tỉnh này, Ngài có thể khoáng-triển nền đạo đến hạng
thượng-lưu trí-thức.
H. – Thế thì ở đây sức phổ-hóa của Ngài chắc hoằng-thâm
lắm?
Đ. – Thật thế! ở đây Ngài dìu-dắt nhơn-sanh đi sâu vào con
đường Phật-pháp. Bằng chứng là Ngài đề-cập đến Bốn đại-đức: từ bi hỉ xả của Phật,
giải về Thập nhị nhơn-duyên v.v…
H. – Ngài có độ bịnh như khi ở Cần-thơ và Chợ-quán
không?
Đ. – Ở đây không như chỗ khác, nhà cầm quyền rất gắt-gao đối
với việc thăm viếng đông-đảo. Nên chi Ngài chỉ tiếp những người đáng tiếp, vì
thế mà việc độ bịnh của Ngài không được dễ-dàng. Ngài có làm bài thơ tự-thán
như vầy:
Mấy đoạn tơ lòng mấy đoạn đau,
Muôn dân ngơ-ngác đợi mưa dào.
Thiệt-tha thiện-tín câu cầu nguyện,
Vui đẹp dạ Thấy luống ước-ao.
Lòng người muốn vậy Trời chưa vậy,
Cuộc thế xoay vần đất phụ sao?
Nhẫn nhẫn cho rồi câu bĩ cực,
Thời lai sẽ được cảnh tiêu-dao.
H. – Ngài ở đây bao lâu và có đi đâu nữa không?
Đ. – Ngài ở đây hơn một năm; kế có xe nhà binh Nhựt ở
Sài-gòn xuống rước Ngài đi, hôm đó nhằm ngày mồng ba tháng chín năm
Nhâm-ngọ. Khi nhà cầm quyền Pháp ở Bạc-liêu hay quân Nhựt đến rước Ngài đi một
cách đột-ngột thì đánh điện về Sài-gòn. Sở Công-an Sài-gòn mới cho binh xuống
chận xe chở Ngài tại Trung-lương. Vì thế mà xảy ra tai nạn đụng xe làm cho người
tín-đồ theo hầu Ngài bị thương ở sóng mũi, còn Ngài chỉ thương xoàng.
H. – Sau tai nạn đó Ngài có đi trót lọt không?
Đ. – Sở Công-an bắt cả xe lại rồi áp-giải về Sài-gòn.
H. – Khi về Sài-gòn, Ngài có được trả tự-do không?
Đ. – Khi điệu Ngài về đến Sài-gòn thì có nhà binh Nhựt
can-thiệp. Nhờ đó Ngài trả tự do. Nhà binh Nhựt mới đem Ngài về ở Phòng
thương-mãi. Ngài lưu lại đây trong vòng hai tháng, rồi dọn về đường Lefèvre.
Trước tiên Ngài ở căn nhà số 148, rồi sáu bảy tháng sau dọn qua căn nhà số 150
kế đó cho đến ngày Nhựt đảo chánh.
H. – Trong thời-gian ở đây Ngài có thi-thiết gì không?
Đ. – Việc làm đáng kể nhứt là Ngài tổ-chức Việt Nam Phật-giáo
Liên-hiệp hội với tôn-chỉ liên-hiệp các tông-phái đạo Phật, các nhà sư, các
tín-đồ, các nhà trí-thức có xu-hướng về Phật-giáo để:
1 Tìm cách nâng cao tinh-thần đạo Phật,
2 Tìm những phương-tiện cứu giúp kẻ nguy nàn vì thời-cuộc
hiện-tại gây ra.
3 Giúp đỡ lẫn nhau trong việc quan hôn tang tế,
4 Binh-vực lẫn nhau trong sự tín-ngưỡng tự-do.
Để đạt những mục-đích vừa kể trên, hội có tổ-chức ba đặc-ban:
1 Ban nghiên-cứu đạo Phật: gồm có những nhà sư,
những nhà thông-thái để hằng ngày tra-cứu Kinh điển, dịch sách hay viết sách
nói về đạo Phật.
2 Ban huấn luyện và truyền-bá: gồm có các nhà
sư, cư-sĩ trí-thức hoạt-động được hội phái đi các nơi giảng-giải đạo Phật cho đại-chúng
nghe hoặc-giả mở trường dạy đạo Phật.
3 Ban chẩn-tế: gồm có các nhà hảo-tâm thiện-nam
tín-nữ hoạt-động chuyên lo cứu giúp kẻ nghèo nàn đói khó, tật bịnh, hoặc-giả
thành-lập các nhà dưỡng lão hay nuôi kẻ mồ-côi, người tàn-tật.
Nếu có thể được, mua trữ thuốc men, vải-sồ, lúa gạo để dành
cho cuộc phước-thiện.
H. – Với những mục-đích vừa kể, hội Phật-giáo Liên hiệp
chắc được thích-hợp với trào-lưu lắm?
Đ. – Theo ai cũng tưởng hội sẽ được các nhà sư hưởng-ứng,
nhưng trái lại nó không được các nhà sư tán-thành, bởi lẽ thời đó cũng như hiện
nay, các nhà sư cứ mãi giữ cái tinh-thần “riêng chùa riêng Phật “, xem ngôi
Tam-bảo là một phần hương-hỏa cá-nhơn. Vì thế mà Việt-Nam Phật-giáo Liên-hiệp hội
phải đành đình-chỉ.
H. – Như thế thì kỳ-vọng của Ngài chắc thương tổn lắm?
Đ. – Không ! Theo thế thường thì ai cũng chán-nản, nhưng
Ngài vẫn kiên-trinh với kỳ-vọng của Ngài.
H. – Thế nghĩa là gì?
Đ. – Nghĩa là liền sau ngày Nhựt đảo-chánh Ngài cho ra đời
Việt-Nam độc-lập vận-động hội và công-bố bản hiệu-triệu kêu gọi toàn dân đủ các
giới cách-mạng trí-thức, thanh-niên, nhà nho, nhà sư, nhà thương-mãi, nông-gia,
thợ thuyền… vào cuộc vận-động cho Việt-Nam được hoàn-toàn độc-lập, gây nên một
phong-trào tranh-đấu cho đến ngày V. M. nắm chánh-quyền.
H. – Ngoài ra Ngài còn thi-thiết gì nữa không?
Đ. – Nhận thấy sau ngày đảo chánh, tình-thế ở các tỉnh miền
tây không ổn-định do sự thay đổi quyền hành-chánh, nên Ngài, theo lời yêu cầu của
nhà binh Nhựt, mời đi kinh-lý với mục-địch trấn an dân-chúng và xếp-đặt việc trị-lý
cho có thể-thống qui-mô.
H. – Ngài khởi-hành bữa mấy và đi kinh-lý những tỉnh
nào?
Đ. – Ngài lìa Sài-gòn hồi 2 giờ rưỡi chiều ngày mồng 9
tháng 2 năm Ất-dậu, trước hết ghé Mỹ-tho, kế Cái-lậy rồi Vĩnh-long. Chiều ngày ấy
Ngài đến Cần-thơ, ở đây trong ba hôm mới đi Long-xuyên. Ngài ở Long-xuyên một
hôm, rồi qua ngày 14 tháng 2, Ngài đi Châu-đốc. Qua ngày rằm Ngài về Hòa-Hảo
thăm thân-sinh của Ngài, nghỉ ở đây một đêm, sáng ra trở xuống Long-xuyên ở hai
ngày. Sáng ngày 19 Ngài lên đường về Sài-gòn có ghé Sa-đéc.
H. – Sau khi đi kinh-lý về, Ngài có trù-liệu gì nữa
không?
Đ. – Mặc dù quân Nhựt đương bối-rối với cuộc phản-công thắng-lợi
của Đồng-minh bên ngoài, nhưng đồng-thời tình-thế trong nước cũng không yên, vì
đồng-bào miền Bắc đương lâm vào nạn đói quá nguy-ngập, số chết có hằng triệu.
Đứng trước tình-cảnh bi-đát ấy, Ngài cảm thấy có nhiệm-vụ
thiêng-liêng đối với dân-tộc, nên chi Ngài đứng ra cổ-võ đồng-bào miền Nam
chung sức nào tiền nào gạo chở ra cứu giúp. Chẳng những thế, Ngài còn đi một
vòng Hậu-giang khuyến-khích tín-đồ của Ngài trông gương ngoài Bắc mà tăng-gia
việc cày cấy hầu tránh nạn đói khó; và cũng là một dịp cho Ngài được gần-gũi
khuyến-miễn tín-đồ bấy lâu xa cách. Cuộc kinh-hành này mang danh là cuộc Khuyến-nông
kéo dài trong hai tháng, bắt đầu từ tháng tư cho đến tháng sáu.
Ngài khởi-hành từ Sài-gòn xuống Cần-thơ rồi trải qua
Cái-răng, Sóc-trăng, Bãi-xào, Bạc-liêu, Cà-mau, Rạch-giá, Hà-tiên, Châu-đốc, Tịnh-biên,
Tân-châu, Tri-tôn, Thới-sơn, Hòa-hảo, Hồng-ngự, Long-xuyên, Chợ-mới, Mỹ-luông,
Đốc-vàng, Núi-Sập, Thốt-nốt, Sa-đéc, Cao-lãnh, Vĩnh-long, Tam-bình, An-trường,
Trà-vinh, Bến-tre rồi trở về Sài-gòn.
H. – Quí ông có thể nhắc một vài điểm đáng chú ý trong
vấn-đề khuyến-nông không?
Đ. – Đây là một đoạn văn trong bài khuyến-nông kêu gào
nông-dân rất tha-thiết:
Giờ đây xem lại mùa-màng,
Năm rồi miền Bắc tan-hoang còn gì!
Chỉ có xứ Nam-kỳ béo-bở,
Cơ-hội này bỏ dở sao xong.
Cả kêu điền-chủ phu nông,
Đứng lên đừng để ruộng đồng bỏ hoang.
Muốn cứu khỏi tai nàn của nước,
No dạ dày là chước đầu tiên.
Nam-kỳ đâu phải sống riêng,
Cũng còn cung-cấp cho miền Bắc Trung.
Năm rồi miền Bắc tan-hoang còn gì!
Chỉ có xứ Nam-kỳ béo-bở,
Cơ-hội này bỏ dở sao xong.
Cả kêu điền-chủ phu nông,
Đứng lên đừng để ruộng đồng bỏ hoang.
Muốn cứu khỏi tai nàn của nước,
No dạ dày là chước đầu tiên.
Nam-kỳ đâu phải sống riêng,
Cũng còn cung-cấp cho miền Bắc Trung.
Hoặc là:
Kẻ phu-tá cũng là trọng-trách,
Cứu giống nòi quét sạch non sông.
Một phen vác cuốc ra đồng,
Thề rằng ruộng phải được trồng lúa khoai.
Mưa nắng ấy đâu nài thân xác,
Chí hy-sanh dầu thác cũng cam.
Miễn sao cho cánh đồng Nam,
Dồi-dào lúa chín gặt đam về nhà.
Chừng ấy mới hát ca vui-vẻ,
Ai còn khi là kẻ dân ngu?
Không đem được chút công-phu,
Không đem sức-lực đền bù nước non.
Gởi một tấm lòng son nhắn-nhủ,
Khuyên đồng-bào hãy rủ cho đông.
Nắm tay trở lại cánh đồng,
Cần-lao nhẫn-nại Lạc-Long cổ truyền.
Cứu giống nòi quét sạch non sông.
Một phen vác cuốc ra đồng,
Thề rằng ruộng phải được trồng lúa khoai.
Mưa nắng ấy đâu nài thân xác,
Chí hy-sanh dầu thác cũng cam.
Miễn sao cho cánh đồng Nam,
Dồi-dào lúa chín gặt đam về nhà.
Chừng ấy mới hát ca vui-vẻ,
Ai còn khi là kẻ dân ngu?
Không đem được chút công-phu,
Không đem sức-lực đền bù nước non.
Gởi một tấm lòng son nhắn-nhủ,
Khuyên đồng-bào hãy rủ cho đông.
Nắm tay trở lại cánh đồng,
Cần-lao nhẫn-nại Lạc-Long cổ truyền.
Sau khi đi Khuyến-nông về Ngài có làm một bài thơ tả cảnh Đồng-minh
dội bom xuống Sài-gòn, tàn phá rất bi-thương:
Lìa Sài-gòn trong vòng hai tháng,
Khi lộn về tiệm quán tanh-banh;
Bởi chưng pháo lũy phi-hành,
Quăng bom mù-quáng tan-tành còn chi.
Động lòng của kẻ từ-bi,
Tây-phương tâu lại A-Di Phật-Đà.
Rằng bên thế-giới Ta-bà,
Chúng-sanh tàn-sát cũng là vì tham.
Di-Đà mở cuộc hội-đàm,
Cùng chư Bồ-tát quyết đam phép lành.
Tịnh-bình rưới khắp chúng-sanh,
Làm cho giác-ngộ hiền-lành như Ta.
Công-đồng hoạch định san-hà,
Nước ai nấy ở nhà nhà tự-do.
H. – Khi về Sài-gòn, Ngài có ý-định gì không?
Đ. – Điều được biết là sau khi đi khuyến-nông về, Ngài
không trở lại căn nhà ở đường Lefèvre nữa mà đi thẳng lại biệt-thự số 38 đường
Miche là nơi anh em tín-đồ đã xếp-đặt sẵn trong lúc Ngài đi Hậu-giang. Việc làm
trước tiên của Ngài sau khi đi Khuyến-nông về là việc tổ-chức Phật-giáo Hòa-Hảo,
siết-chặt khối tín-đồ của Ngài cho có qui-mô. Ban trị-sự Trung-ương được
thành-lập, rồi tiếp đó các Ban trị-sự tỉnh-bộ, quận-bộ và thôn-bộ được tổ-chức
khắp miền Hậu-giang, cũng như khắp vùng Sài-gòn, Chợ-lớn, Gia-định, Tân-bình…
Điều hay nhứt là Ngài còn đưa ra một tổ-chức ưu-tiên điều-động
quần-chúng thành những đội Bảo-an với mục-đích:
1 Giữ việc trị-an trong làng để phòng ngừa trộm cướp,
giải-tán những cuộc ấu-đả, bắt các đám cờ-bạc, giữ-gìn trật-tự;
2 Bảo vệ mùa-màng;
3 Tìm bắt kẻ gian.
Một điều nên nhắc là sau khi thành-lập Ban trị-sự
Trung-ương Ngài có làm một tờ ủy-quyền cho mấy ông hội-viên, trong đó nói rõ rằng
trong khi Ngài phải vắng mặt thời-gian mỗi người phải tùy theo phận-sự mà
thi-hành. Lúc ấy ai cũng thắc-mắc cho cái ủy-quyền ấy và tự hỏi vì cớ gì Ngài
phải vắng mặt và vắng mặt để làm gì? Về sau khi Ngài bị bọn Trần-văn-Giàu khủng-bố
phải lánh mình đi miền Đông, anh em tín-đố mới hiểu ý-nghĩa của tờ ủy-quyền ấy.
H. – Trong thời-gian ở đường Miche, Ngài còn hoạt-động
gì nữa không?
Đ. – Ngoài sự thành-lập Ban trị-sự Trung-ương Phật-giáo
Hào-Hảo, Ngài hằng ngày tiếp xúc với những nhà trí-thức, các giới chánh-trị,
cách-mạng. Kịp đến ngày mồng 7 tháng 7 năm Ất-dậu, quân Nhựt đầu-hàng vô điều-kiện.
Bắt đầu từ đó Ngài hoạt-động không ngừng, một mặt phái ông Nguyễn-xuân-Thiếp đi
Bắc-bộ liên-lạc với các đảng-phái chánh-trị và một mặt sai nhiều cán-bộ về miền
Tây.
Ngài ở đường Miche non hai tháng mới dọn văn-phòng về số
8 đường Sohier nhằm ngày rằm tháng bảy năm Ất-dậu. Về đây, ngày cũng như
đêm, Ngài tiếp-xúc các đảng phái, nay dự phiên hội này, mai chủ-tọa phiên nhóm
khác.
H. – Như tôi được biết, sau khi Nhựt đầu hàng,
phong-trào thanh-niên Tiền-phong làm hậu-thuẫn cho Trần-văn-Giàu lên nắm
chánh-quyền Nam-bộ, thái-độ của Ngài ra thế nào?
Đ. – Vì chánh-sách độc-tài của Trần-văn-Giàu mà Ngài không
tham-gia. Chẳng những không tham-gia, Ngài còn công-nhiên phản-đối giữa phiên
nhóm các đảng-phái quốc-gia. Chính vì đó mà Trần-văn-Giàu mưu hại Ngài bằng
cách cho đám binh thuộc-hạ đến bao-vây chặt-chẽ văn-phòng của Ngài ở đường
Sohier trong đêm mồng 4 tháng 8 năm Ất-dậu.
H. – Việc bạo-hành này có hệ-lụy gì đến Ngài không?
Đ. – Điều mà ai cũng ngạc-nhiên là trước khi bao-vây, Trần-văn-Giàu
dùng quỉ-kế bằng điện-thoại kêu ngay Ngài nói chuyện để biết chắc Ngài có tại
văn-phòng, thế mà Ngài thoát vòng vây một cách dễ-dàng.
Sau khi bắn phá, chúng ồ vào lục soát kiếm Ngài mà không gặp,
chúng bèn bắt tất cả tín-đồ còn lại đó đem về nhốt ở khám công-an, rồi vài hôm
sau đưa vào nhà lao.
Sáng ngày mồng năm, Ban trị-sự Gia-định được lịnh đưa Ngài
đi lánh nạn lên Biên-hòa, ở đây không đầy mười hôm, V.M. tình-nghi đến dọ-dẫm.
Một tín-đồ bên đem Ngài đi Long-thành vào ở trong một cái vườn trà huế giữa rừng
cách đường cái hơn một cây số. Nhưng hỡi ơi! họa vô đơn chí! Ngài lại mắc phải
hàm oan. Số là trước khi anh em hộ-vệ Ngài đến thì ở trong xóm có xảy ra một vụ
cướp bóc, họ nghi cho mấy anh em hộ-vệ là gian-tế nên kéo đến bao-vây. Ba bốn
anh em tín-đồ bị bắt, may là Ngài được thoát khỏi. Hay tin, Ban trị-sự Gia-định
đến can-thiệp và giải-oan cho mấy anh em hộ-vệ ấy. Sau đó Ngài cùng anh em hộ-vệ
được đưa xuống Bà-rịa, trú tại Cỏ-may.
Khi mới đến, Ngài tạm ở trong một chiếc ghe chở muối hư,
sau bị tình-nghi nên phải đi sâu trong rừng Chà-là nương náu nơi nhà một người
dân-quê, mặc dầu không phải là tín-đồ nhưng tiếp-đãi Ngài một cách rất hậu.
Trong một loạt thi tứ-tuyệt tự-thân hoàn-cảnh tỵ-nạn, Ngài
đã biểu-lộ nỗi lòng đau-khổ của Ngài trong mấy vần thơ:
Nước non tan vỡ bởi vì đâu?
Riêng một ta mang nặng khối sầu.
Lòng những hiến thân mưu độc-lập,
Nào hay tai họa áp bên lầu.
٭ ٭ ٭
Bên lầu tiếng súng nổ vang tai,
Trời đất phụ chi kẻ trí tài;
Mưu quốc hóa ra người phản quốc,
Ngàn thu khối hận dễ nào phai.
٭ ٭ ٭
Từ ấy lao mình vượt khổn nguy,
Băng rừng lội suối giả man-di;
Ngày mong ải Bắc oan này giải,
Đem sức ra nâng lá quốc-kỳ.
H. – Ngài tỵ-nạn ở Bà-rịa rồi còn đi đâu nữa không?
Đ. – Ngài ở Cỏ-may rồi ít lâu thì có anh em tín-đồ ở Cần-giờ
hay tin đến ra mắt và lo liệu mọi việc ăn ở cho Ngài đến ngày trở về Sài-gòn. Gần
cuối năm Ất-dậu, tình-thế ở Nam-việt trở nên rối-rắm vì bọn Trần-văn-Giàu đã
đào vong. Ngài mới cùng anh em lên đường trở về. Tính ra từ ngày ngộ nạn tại đường
Sohier lánh thân lên Biên-hòa, Long-thành, Bà-rịa, Cỏ-may, rừng Chà-là cho đến
ngày hồi-cư có trên bốn tháng.
Ngài về đến Sài-gòn vào thượng-tuần tháng chạp năm Ất-dậu
và được đưa thẳng vào Chợ-lớn trú tại một tiệm khách làm đá, ở trên lầu dựa mé
sông. Sau khi ăn Tết năm Bính-tuất, Ngài bắt đầu hoạt-động trở lại, tiếp-xúc
các đảng phái quốc-gia và thỉnh-thoảng đi hội-hiệp ở Bà-quẹo, nơi đây cùng các
đảng phái thành-lập Mặt trận quốc-gia liên-hiệp mà Ngài được cử làm chủ-tịch, với
mục-đích là mưu-đồ cuộc độc-lập cho nước nhà. Lúc ấy cũng có V.M. xin gia-nhập
nhưng với định ý là phá hoại cho mặt-trận tan rã. Cuộc vận-động không thành,
Ngài bèn hiệp cùng ông Nguyễn-văn-Sâm thành-lập Đảng Dân-chủ xã-hội gọi tắt là
Đảng Dân-xã. Tiếp đó, để tỏ lòng vì đại-nghĩa hơn tư-thù Ngài nhận lời tham-gia
Ủy-ban hành-chánh Nam-bộ với chức vụ Ủy-viên Đặc-biệt. Đồng-thời Ngài cho lập
Quân đội Nguyễn Trung-Trực.
Trong khi Ngài ở miền Đông thì có nhiều báo-cáo cho biết ở
miền Tây, giữa một số cán bộ V.M. và tín-đồ Hòa-Hảo từng gây ra sự xung-sát.
Ngài mới thân-hành về đặng hòa-giải. Nhưng V.M. vẫn còn ác-tâm, lợi-dụng lòng tốt
của Ngài mà dở thủ-đoạn hãm-hại bằng cách mời Ngài đến dự phiên nhóm trong đêm
25 tháng 2 nhuầm năm Đinh-hợi nhằm ngày 16 Avril 1947 tại làng Tân-phú ở Đốc-vàng
thuộc tỉnh Long-xuyên.
H. – Cái thủ-đoạn ấy thế nào?
Đ. – Họ mời Ngài đến vị-trí đóng binh của họ cách văn-phòng
của Ngài ở Phú-thành, hai chục cây số; thế mà Ngài sẵn-sàng đến dự, chỉ đem
theo có bốn tên phòng-vệ. Khi vào hội, họ giữ bốn tên phòng-vệ đứng ngoài cửa,
chỉ mời một mình Ngài vào trong. Trong khi bàn cãi, họ đã sắp-đặt cho binh của
họ, cứ hai người giữ một tên phòng-vệ của Ngài. Còn phần Ngài thì họ đưa vào ngồi
một chỗ ngay các họng súng máy của họ đặt bên ngoài. Khi họ ra ám-hiệu tắt đèn
thì bên ngoài, lớp thì hạ-sát bốn tên phòng-vệ của Ngài, lớp thì nã súng nhiều
loạt ngay vào Ngài.
H. – Mà Ngài có sao không?
Đ. – Ngài không hề-hấn gì cả.
H. – Tại sao súng bắn vào Ngài mà Ngài không hề-hấn
gì?
Đ. – Trường-hợp này đã xãy ra nhiều lần, như lúc nọ Ngài ở
miền Đông ngồi ghe đi ngang qua một cái đồn nọ kêu mà Ngài không cho ghé.
Trên đồn xả súng xuống bắn vải vào chỗ Ngài ngồi. Khi ghe qua, kiểm-điểm lại
thì thấy áo và nón của Ngài lủng như rổ sảo mà Ngài thì vẫn không trầy-xể một vết
nào cả.
Hiện-tượng này đối với nhà liễu đạo là một sự thường, vì
trong Kinh thường nói hễ người thiệt Thần Tiên khi mó đến loại kim thì nó sẽ mềm-nhũng
như bùn. Điều này có thể giúp cho ta hiểu được những hiện-tượng vừa kể trên.
H. – Nhưng do đâu quí ông lại được biết Ngài không hề-hấn?
Đ. – Chúng tôi được biết rõ là nhờ có một người tín-đồ phi
ngựa đem thơ của Ngài về. Nhắc lại, cuộc bạo-hành mà họ thấy Ngài không hề-hấn
gì họ mới đem Ngài vào một địa-điểm phía trong đó. Lúc đó Ngài có hỏi trong đám
dân-chúng có ai là tín-đồ Hòa-Hảo không thì có một người ra nhận. Ngài có hỏi
người ấy có biết Ngài là ai không thì người ấy có đáp Ngài là Đức Huỳnh Giáo-chủ.
Ngài bảo người ấy hãy nhận rõ Ngài rồi mang thơ của Ngài phi ngựa về trao lại
cho các tướng-lãnh của Ngài đang đóng binh ở Phú-thành. Người ấy về đến
Phú-thành độ 11 giờ khuya.
Phải chăng vì lòng từ-bi không muốn cho tín-đồ nóng lòng khởi
binh mà trong thơ Ngài lịnh cho các tướng lãnh của Ngài án binh bất động để chờ
Ngài về như lời Ngài dặn trong thơ?
Kế sáng lại một tên phòng-vệ còn sống sót chạy về thuật lại
rành-rẽ cuộc mưu-hại ấy.
H. – Trong trường-hợp nào anh phòng-vệ anh thoát nạn?
Đ. – Cứ theo lời anh phòng vệ thoát-nạn kể lại rằng: khi
nghe súng nổ, y cảm thấy điều bất tường xảy ra, nên chi y nằm xuống. Trong lúc
đó hai người lính có bổn phận hạ sát y quờ-quạng chụp lầm nhau mà đâm. Nhờ đó
mà y lăn xuống mương rồi lần ra đồng mà chạy về.
H. – Sáng ra Ngài có trở về không?
Đ. – Từ đó đến nay vẫn bặt luôn tin-tức.
H. – Nhưng quí ông có tin rằng Ngài đã bị hại không?
Đ. – Chúng tôi chẳng những không tin mà cũng vẫn không nghi
rằng Ngài bị hại, vì sau đó một thời-gian, chúng tôi có được một cái tin như vầy:
Có một chiếc ghe thương buôn vào mua bán trong vùng Đồng-tháp-mười,
có ghé một đêm gần trụ sở V.M. Sáng ra những người dưới ghe thấy trên bờ có
quân lính rộn-rịp xôn-xao chạy lục xét khắp nọi, cả dưới thuyền trên lộ, chừng
như có một việc gì quan-trọng đã xảy ra. Mấy người dưới ghe có tánh tọc-mạch thấy
vậy hỏi thăm mới hay rằng trong lúc điệu Đức Huỳnh Giáo-chủ về Ủy-ban
hành-chánh Nam-bộ đến đây tạm nghỉ một đêm. Họ đem nhốt Ngài trên một từng lầu,
xung-quanh có rào-giậu chắc-chắn và được canh-phòng nghiêm-mật. Thế mà, sáng ra
Ngài đã biến đi mất, chẳng còn biết kiếm đâu ra.
Điều này đối với tín-đồ Hòa-Hảo không còn phải là một việc
lạ, vì trong lúc dạo lục-châu, Ngài đã từng nhiều lần thay hình hóa dạng một
cách thần-diệu. Chẳng hạn trường-hợp Ngài thoát nạn tại đường Sohier khi bộ-hạ
của Trần-văn-Giàu đến bao-vây. Trong tín-đồ của Ngài, có một số người đã được
Ngài cho thấy sự mầu-nhiệm đó để tăng-trưởng đức-tin.
Nhưng ngoài ra, chúng tôi còn được biết Ngài có mầu-nhiệm
mà sở-dĩ để lâm nạn là cũng bởi có nhiều lý-do.
H. – Quí ông nói lý-do mà lý-do đó như thế nào?
Đ. – Trước nhứt, Ngài đã từng cho biết sau này thế nào Ngài
cũng vắng mặt một thời-gian, lúc đó không ai theo hay biết được tung-tích. Điều
này những người ở gần Ngài thường được nghe mà ngay trong Sám-giảng, Ngài cũng
từng bộc-lộ như câu:
Rán nghe lời dạy của Thầy,
Để chừng đến việc kiếm Thầy không ra.
Hay câu:
Tu kíp kíp nếu không quá trễ,
Chừng đối đầu khó kiếm Điên Khùng.
Lý do thứ hai, về sự âm-mưu của V.M., Ngài cũng biết trước.
Bằng chứng là hôm Ngài bước chân xuống ghe đi dự hội, Ngài tỏ ra áo-não mà than
Trời ba tiếng. Khi ghe đi đến làng Tân-phú, Ngài kêu hỏi một người phòng-vệ
trong bốn người theo hầu Ngài rằng: Như bây giờ thả anh tại đây, anh có biết đường
về Phú-thành không? Người phòng-vệ trả lời biết. Thì quả nhiên, chính người
phòng-vệ được Ngài hỏi đó còn sống sót như đã trở về báo tin. Như thế đủ
minh-chứng rằng Ngài đã biết trước Ngài phải thọ nạn để lấy cớ mà vắng mặt.
H. – Tại sao Ngài lấy cớ để mà vắng mặt?
Đ. – Đó là lý-do thứ ba mà chúng tôi muốn nói. Sở-dĩ phải vắng
mặt là vì Ngài đã hiểu rằng thời-cơ chưa đến cho Ngài thừa-hành sứ-mang
thiêng-liêng. Muốn nhẫn đợi thời-cơ thì không chi hơn là Ngài phải vắng mặt
trong một lúc.
Ngài đã nhiều lần biểu ý:
Thôi cũng an lòng nơi số-phận,
Đợi chờ vận tới sẽ tuông mây.
Nên chi Ngài thường khuyên tín-đồ:
Chớ nóng-nảy sân-si hư việc,
Phải đợi thời vua Kiệt hồi qui.
Xử phân những đứa vô-nghì,
Mới là khỏa-lấp vít-tỳ ngọc son.
Lý-do thứ tư về sự vắng mặt của Ngài là vì giai-đoạn hiện
nay không có thuận-tiện cho sự có mặt của Ngài nên Ngài phải buộc lòng thừa cơ
vắng mặt để giữ tròn tiết-tháo của một bực siêu-nhân. Phương chi đối với tín-đồ
của Ngài, đó cũng là một dịp thử thách.
H. – Thế nào là thử-thách?
Đ. – Đây là lý-do thứ năm. Trong sự vắng mặt của Ngài có một
phần dụng-ý thử-thách để xem tín-đồ sau một thời-gian chịu sự giáo-hóa, trong
lúc Ngài vắng mặt có thật tâm phụng-hành qui-củ đã vạch ra chăng? Như Ngài đã từng
răn trước:
Nấu lọc rành mới biết vàng thau,
Ai thật tánh, ai người giả đạo?
Mà đó cũng là một phương-tiện tập cho tín-đồ không có tánh
quá ỷ-lại vào Thầy mà chẳng tự độ lấy thân, cũng như Đức Lục-tổ có nói: khi mê
thì Thầy độ cho, lúc ngộ rồi trò tự độ lấy.
Chuyện này trong kinh Phật cũng có thấy một tỉ-dụ nói rằng:
người tu học cũng như đứa trẻ tập đi. Khi chưa biết đi thì mẹ gác cây cho con vịn
mà lần đi, đến chừng khi đi vững thì mẹ lấy cây ra để cho con tự đi lấy. Vì nếu
cứ để cây cho con vịn đi hoài thì nó sẽ nhút-nhát không dám buông tay. Như vậy
biết bao giờ mới đi được.
Hơn nữa Ngài vắng mặt như vậy mới khiến cho tín-đồ càng đem
lòng thiết-tha ngưỡng-vọng.
H. – Theo ý tôi, dầu Ngài có mặt hay không thì tín đồ
của Ngài vẫn qui-ngưỡng như thường.
Đ. – Vẫn biết thế, nhưng sự vắng mặt của Ngài sẽ làm cho
tín-đồ chơn-thành càng tăng lòng trông ngóng. Vả lại Ngài đã đón biết:
1 Thời-kỳ chiến-tranh còn kéo dài,
2 Tình-trạng nước nhà chưa ngã ngũ,
3 Máy huyền-cơ chưa đến mức.
Nếu Ngài có mặt thì chẳng những chưa có thể cải-tạo được
trước sự hoạch-định của thiên-cơ mà còn làm cho tín-đồ sanh lòng ngờ vực,
khinh-thường rồi đâm ra lờn-lã mất cả đức-tin,
Trái lại Ngài vắng mặt sẽ giữ được đức-tin của tín-đồ và
làm cho họ tăng trưởng lòng mong-cầu. Tình thế càng làm cho họ đau khổ bao
nhiêu thì lòng mong cầu của họ càng thêm lớn bấy nhiêu. Như thế sự trở về của
Ngài sau này mới là quan-trọng.
H. – Thế thì quí ông vẫn tin Ngài trở về phải không?
Đ. – Thật như vậy, chúng tôi bao giờ cũng tin Ngài sẽ trở về.
H. – Căn cứ vào đâu quí ông tin Ngài trở về?
Đ. – Như chúng tôi đã cho biết Ngài lâm-phàm là vì có sứ-mạng
của Phật-Tổ và Ngọc-Đế; mà sứ-mạng ấy Ngài phải hoàn-thành, chẳng hạn như thâu
cho được con long ác-nghiệt và đưa người đến Hội Long-Hoa.
Ngài đã có sứ-mạng như thế, thảng như Ngài không trở về thì
ai mới đảm-đương được cái vai-trò quan-trọng và độc nhứt ấy.
Theo chúng tôi, trường-hợp vắng mặt của Ngài không khác trường-hợp
của Tiết Nhơn-Quí ẩn mình trong dinh bà Cửu-Thiên hay Khương-Thượng nhảy xuống
cầu Cửu-Long.
H. – Trường-hợp của Tiết Nhơn-Quí ẩn mình ra sao?
Đ. – Cứ theo truyện Tiết Nhơn-Quí kể lại lúc người ẩn thân
nơi dinh của bà Cửu-Thiên là vì bà thấy sau này người phải đương đầu nhiều
tai-nạn nên cố giữ lại nơi dinh đặng truyền phép mầu trong một thời-gian.
Ngài đã mượn câu chuyện này để thổ-lộ cuộc đời của Ngài với
mấy vần thơ dưới đây:
Nhớ qua hồi lúc đời Đường,
Hiền-thần Nhơn-Quí người đưong ẩn mình.
Cửu-Thiên còn giấu tại dinh,
Chờ ngày mãn hạn phép linh ban rày.
H. – Còn trường-hợp của Khương-thượng thì sao?
Đ. – Trong truyện Phong-Thần có kể lại rằng: Sau khi
Khương-Thượng hạ san có qua giúp nhà Thương. Vua Trụ bắt ông làm đốc-công xây cất
Lộc-đài. Chẳng những không khứng mà ông còn can-gián, vì thế Đát-Kỷ tâu với vua
Trụ bắt ông về tội khinh-quân và xử hình ôm Bào-lạc. Khương-Thượng thấy thế bèn
nhảy xuống lầu chạy đi. Vua Trụ khiến quân rượt theo; khi đến cầu Cửu-Long, ông
nhảy ầm xuống nước. Lúc đó ai cũng tin chắc rằng ông đã chết, chớ nào ai có dè
ông độn thủy về ở ẩn Bàng-khê mà câu cá chờ thời ra giúp nhà Châu. Đối lại, trường-hợp
của Đức Huỳnh Giáo-chủ với trường-hợp của ông Khương-Thượng lúc bấy giờ nào có
khác đâu!
Nên Ngài đã từng thốt ra:
Ta như Khương-Thượng ngồi câu,
Câu thời câu vận công-hầu mới nên.
H. – Nhưng quí ông có nghĩ Ngài sẽ trở về với một hình
xác khác không?
Đ. – Không thể được.
H. – Vì lý-do gì mà không thể được?
Đ. – Vì rằng mỗi lần mượn xác không phải là một việc làm nhứt
thời mà là một việc cần phải uốn-nắn nhiều thời-gian và cho hợp cơ-duyên. Huống
chi trong thời-kỳ gấp rút của buổi Hạ-Nguơn lại càng không có đủ thì-giờ để dọn
một cái xác khác.
Hơn nữa, nếu Ngài trở về với một cái xác khác thì điều
nguy-hại thứ nhứt là làm cho tín-đồ hoang-mang mất cả đức-tin rồi đâm ra chểnh-mảng
việc tu-hành, điều nguy hại thứ hai là làm cho kẻ bấy lâu chưa tin Ngài sanh
lòng ngạo-nghễ.
Vì thế mà Ngài phải trở về với nguyên-trạng, mới vừa làm
cho tín-đồ hài lòng và vừa làm cho kẻ ngoại đạo ngạc-nhiên tín-phục.
Đăng nhận xét