BỬU Ngọc Quân Minh Thiên Việt Nguyên,

寶玉君明天越元

SƠN Trung Sứ Mạng Đạo Nam Tiền.

山中師道地南前

KỲ Niên Trạng Tái Tân Phục Quốc,

奇年狀再新復國

HƯƠNG Xuất Trình Sinh Tạo Nghiệp Yên.

香出程生造業安

Tổ Đình Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH
Các Bài Viết Liên Quan
Cám Ơn Các Bạn Đã Ghé Thăm Website. Chúc Các Bạn An Lạc, Có Thêm Nhiều Kiến Thức Bổ Ích…
XIN THƯỜNG NIỆM PHẬT
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

Tứ Ân Hiếu Nghĩa (Hết)

Mỗi vị Hoạt Phật trong Giáo hệ Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương khi chứng đắc Đạo quả, thường tiên tri những việc vị lai, nhắc lại quá khứ và chữa trị cho người đời những chứng ác bịnh nan y. Đức Bổn Sư hệ Tứ Ân Hiếu Nghĩa cũng là một vị đã chứng tỏ điều đó. Đức Phật Thầy Tây An khai sáng ra Phật Giáo Bửu Sơn Kỳ Hương đến nay đã trên 100 năm (1849-1971). Trong thời gian dài đằng đẳng đó, do thời cuộc hoặc hoàn cảnh mà Phật Giáo BSKH chia nhiều hệ phái, nhưng nội dung tu học cũng chỉ là một: Người Cư Sĩ tại gia vẫn tôn thờ “Tứ Đại Trọng Ân” và nhập thế gian mà “Học Phật Tu Nhơn”.

Mục lục

V- NHỮNG ĐIỀU LINH ỨNG VÀ HUYỀN DIỆU

Mỗi vị Hoạt Phật trong Giáo hệ Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương khi chứng đắc Đạo quả, thường tiên tri những việc vị lai, nhắc lại quá khứ và chữa trị cho người đời những chứng ác bịnh nan y. Đức Bổn Sư hệ Tứ Ân Hiếu Nghĩa cũng là một vị đã chứng tỏ điều đó.

Chúng tôi xin ghi lại những mẩu chuyện ứng nghiệm đã xảy ra khi Đức Bổn Sư còn tại thế và sau khi Ngài viên tịch. Thêm vào đó còn có những Sấm ngữ chưa xảy ra, để cho môn đệ nhìn vào đó mà răn mình, hoặc theo dõi những biến chuyển của thế cuộc và tương lai trong nền Đạo .v.v…Góp nhặt những mẩu chuyện sau đây căn cứ đủ mọi hình thức : Truyền khẩu cũng có, ghi vào Lịch sử truyền Đạo của Ngài cũng có, chép ra thành Kinh giảng cũng có. Chúng tôi cố gắng ghi trung thực ra đây không hề thêm bớt:

1.-TIÊN TRI VIỆC DỜI SAI NỀN CHÙA:

Vào năm Nhâm Ngũ (1882) Đức Bổn Sư hướng dẫn đệ tử đến triền núi Dài, Ngài xem địa hình, địa vật để mở thôn An Hoà. Trước khi phá rừng mở đường sá để dời tín đồ về đây, Ngài xem phong thổ để chọn một địa điểm cất chùa làm Trung tâm truyền bá giáo pháp cho thôn mới.

Khi cấm Trung tâm nền chùa xong, Ngài chỉ phương hướng cho các đệ tử đến đó làm lễ trảm thảo, đấp nền. Nền đấp xong, Ngài đến xem xét lại. Khi Ngài xem hết chu vi nền chùa, Ngài bèn than rằng:
Anh chị đấp nền nầy đã sai Trung tâm của tôi cắm rồi. Thôi lỡ rồi, số phận định sao hay vậy. Sau nầy họ “Mao” nó ở chớ không sao !

Tuy Ngài nói vậy, nhưng vẫn đốc thúc tín đồ dựng xong ngôi chùa. Ngài đạt tên là “Phổ Đà Tự”. Ngôi chùa nầy là Trung tâm của thôn An Hòa. Còn họ “Mao” ? Tín đồ vẫn không biết Ngài ám chỉ vào người hay vật gì ? Nhưng sau khi Ngài viên tịch một thời gian, quân Pháp kéo vào chùa Phổ Đà mà đóng đồn, và chuyền qua tay quân đội khác đóng đồn mãi cho đến ngày nay…

2.-TIÊN TRI VIỆC PHÁP KHỦNG BỐ - CHẠY LOẠN VƯỜN DẦU:

Người Pháp đã nhiều phen tổ chức bắt Đức Bổn Sư, để dân chúng không còn tụ tập vào nơi chúng khó kiểm soát nữa. Chúng thường sai những ngưòi trung thành với Thực dân, len lỏi vào hàng ngũ của Đạo mà thi hành việc nầy, trái lại, những người lãnh lịnh bắt Ngài lại là người quy y theo Đạo rất trung kiên, như trường hợp ông Nguyễn thanh Liễu tức Năm Củi là một. Do đó, chúng càng khó chịu và lưu tâm đến đạo Hiếu Nghĩa càng nhiều hơn.

Tháng giêng năm Ất Dậu (1885) Ngài truyền cho tín đồ lập Trường gà để đá gà. Nhưng gà không được thiến tích, không được phép nói tiếng ăn thua. Lớn nhỏ cũng đá, không cần vai chạn chi cả, chỉ để đá chơi mà thôi. Ngài còn dạy để tử sửa soạn để đi du hồ:

…Thầy rằng truyền dạy vậy thì
Mai chiều nam nữ phải đi du hồ
Phong trần đều đủ phải cho
Suối Tiên tắm mát gậy dò thuốc linh.


Tuy Ngài bảo làm như vậy, nhưng tín đồ vẫn ngơ ngác không hiểu việc lập Trường đá gà và sửa soạn đi du hồ ý nghĩa ra làm sao ? Ngài còn cho biết thêm : Hôm nay có đủ mặt anh chị ở đây, tôi sẽ cho anh chị một bài Kệ để đời. Kệ rằng:

Cửa Thiền rày đã bặt hơi bon
Huê hạc hương bay cảnh vẫn còn
Trống sấm năm canh nghe lặng lẽ
Kèn kêu muôn dặm hỡi còn non
Dưới hồ mưa lấp sen tơi tả
Trên đỉnh sương sa đá chẳng mòn
Nghìn thuở gìn vàng ghi dạ ngọc
Chín trùng non nước biệt tôi con.

(Người tín đồ Hiếu Nghĩa sau lấy 8 câu thi nầy tạc vào cột gạch trước chùa Phổ Đà thuộc thôn An Hoà).

Các Đại đệ tử của Ngài chép bài Kệ nầy, mỗi người bàn một ý. Không ai dám quả quyết Ngài muốn cho tín đồ biết việc gì sắp xảy ra ?

Tương truyền rằng : Lúc Đức Bổn sư đang chứng một Lễ cúng, bỗng có tín đồ của Đức Phật Trùm từ núi Tà Lôn đến, Ngài cho mời người ấy vào. Người ấy vào xá Đức Bổn sư và dâng lên cho Ngài 4 đòn bánh tét và nói rằng : “Thầy tôi sai đem 4 đòn bánh tét nầy cho ông Đạo ở núi Tượng”. Các đệ tử hỏi Ngài, Đức Phật Trùm cho bánh tét với ý nghĩa gì ? Ngài đáp : “Ấy là Ngài Trùm ngạo ta rằng đến tháng 4 thì chạy tét !”. Ngài nói sao hay vậy, chớ tín đồ cũng không hiểu ra làm sao ?

Đức Bổn Sư bèn gởi trả lễ cho Đức Phật Trùm 3 trái thơm. Các đệ tử cũng hỏi về ý nghĩa 3 trái thơm ?
Đức Phật Trùm đáp:

“Ông Đạo trả lời rằng: Tuy phải chạy tét vào tháng Tư, nhưng thời gian ba tháng sẽ trở lại và được danh thơm”

Quả nhiên đến tháng 4 giặc Pháp khủng bố tàn nhẫn, Ngài phải dìu dắt tín đồ chạy loạn đến vườn Dầu (Cao Miên). Chừng ấy tín đồ mới vỡ lẽ cuộc đối thoại đã nêu trên. Và tháng Tư là tháng Dậu cùng năm Dậu (chỉ Dậu là gà) một đôi gà cùng đá.v.v…

3.- CHUYỆN ÔNG CỬ ĐA:

Lúc bấy giờ vùng Bảy Núi là nơi hoang vu, nhiều hổ lang ác thú. Đức Bổn Sư vào khai hoang mở Đạo tại đây cùng với lúc Đảng Cần Vương tan rã. Quân Pháp đã chiếm trọn miền Nam nước Việt. Do đó mà cơ sở Đạo Hiếu Nghĩa như một tàng cây cổ thụ, dùng để cho các cánh chim giang hồ về đây đụt nắng mưa. Hay nói rõ hơn, cảnh rừng núi Thất sơn dễ làm nơi ẩn lánh và qui tụ của những nhà chí sĩ Cần Vương, khi chống Pháp sa cơ thất thế, trở về đây núp bóng chờ đợi thời cơ. Trong số đó có ông Cử Đa là một.

Tương truyền rằng: Ông Nguyễn văn Đa, người đời gọi là Cử Đa (Chưa rõ “Cử” là ông Tú ông Cử hay là một biệt hiệu ?) cùng với ông Trần văn Thành mở chiến khu Bảy Thưa (Nhà Láng) để chống Pháp. Khi thất bại, ông Cử chạy về đây thụ giáo với Đức Bổn Sư. Ngài đổi danh hiệu cho ông Cử là Thủ Tọa Trực.

Sau một thời gian, ông Cử ẩn mình trong lớp áo người Cư sĩ của Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, ông nghe tin giặc Pháp khủng bố nơi nầy, cường hào ác bá hoành hành nơi khác, máu anh hùng của ông bùng sôi trong huyết quản, mối hờn vong quốc sống dậy trong lòng ông. Lúc ấy cũng có những vị Đạo sĩ ở núi Tà Lơn luyện bùa phép, biết phi kiếm, phi đao cũng về ở vùng Bảy Núi để chờ cơ hội đánh Pháp. Các vị Đạo sĩ nầy hằng ngày khêu gợi lòng yêu nước của ông Cử và rủ ông cùng lên đường chống giặc.

Hoàn cảnh cũng như thân thế của ông nó không cho phép dừng một nơi, miệng niệm Di Đà, tay lần tràng hạt, nên ông vào bạch với Đức Bổn Sư cho ông lên đường chống giặc. Đức Bổn Sư bảo rằng: “Lòng yêu nước của ông Cử tôi đâu dám cản, nhưng thời cơ chưa đến, khí số Pháp còn dài. Đến chừng Trời định thì đàn bà gõ đũa bếp lên đầu nó cũng không nói”. (Việc nầy ứng nghiệm vào năm1945 Pháp bị Nhựt rượt chạy vào thôn quê đói khát vào nhà dân xin cơm, đàn bà Việt Nam không cho mà còn đuổi đi). Ngài nói tiếp: “Anh hãy về đóng một cái cối xay lúa đem lại đây, nếu tôi gõ ba tiếng chuông mà cối không bể, thì cuộc chiến chống Pháp của anh sẽ thành công”.

Ông Cử nghe lời về đóng cái cối xay với ba niềng sắt. Đóng xong, ông bèn đem đến trình với Đức Bổn Sư. Không cần xem xét, Ngài liền đi thẳng đến bàn Kinh đánh lên ba tiếng chuông, tức thì cái cối của ông Cử Đa liền rã ra làm bốn mảnh !

Mặc dầu thất vọng, nhưng ông cử Đa cương quyết chống Pháp cho đến kỳ cùng. Ông âm thầm kết hợp những đồng chí cũ và các vị Đạo sĩ ở núi Tà Lơn kéo binh ra đột kích đồn Cây Mít của Pháp (ở mé kinh Vĩnh Tế). Vì binh ít, võ khí thô sơ nên đành thất bại, hàng ngũ lớp chết, lớp rã tan. Ông Cử không trở về núi Tượng nữa, nhờ những vị Đạo sĩ hướng dẫn ông và một số thủ hạ thẳng đường về núi Tà Lơn. Nghe đâu sau nầy ông chứng đắc đạo quả.

4.-CHỨNG QUẢ NGƯỜI TỰ THIÊU:

Nhiều cuộc chống Pháp xảy ra dồn dập, như vấn đề ông Cử Đa, tên Thập, ông Nguyễn thanh Liễu v.v…những người nầy họ võ trang bạo động, riêng đại đa số tín đồ Hiếu Nghĩa thì “Bất bạo động, bất hợp tác”. Do đó, người Pháp mới đi đến quyết định giải tán Đạo và triệt hạ chùa miễu để tránh những hậu quả sâu xa về sau.

Ngày 15 tháng tư năm Ất Dậu (1885) quân Pháp tấn công vào càn quét núi Tượng. Trong chuyến đại bố nầy có rất nhiều người Miên. Miên thân binh cũng có, Miên “con hôi” cũng có. Khi hay tin chúng kéo đến Vĩnh Thông (cách núi Tượng khoảng 4 cây số) tất cả tín đồ đều xôn xao không biết chạy đi đâu. Họ bèn bao quanh theo Đức Bổn Sư:

Thôi thôi chẳng biết chạy đâu
Tựu ra Tam Bửu mà cầu Phật Tiên
Đua nhau lớn nhỏ đi liền
Trẻ già tựu hết gần miền canh hai
Mảng còn than vắn thở dài
Người đều tha thiết ai hoài thảm thương
Gẫm trong sanh tử lẽ thường
Nội làng Đại tiểu náo nương trong chùa…

Trong lúc tín đồ tựu đến chùa đông nức, kẻ khóc người than, thì quân Pháp kéo đến bao vây chùa. Đức Bổn Sư rất bình tĩnh như không việc gì xảy ra. Ngài họp tất cả tín đồ lại mà nói rằng : Việc đã đến thế nầy, anh chị hãy gom hết vào chùa để cùng tôi nổi lửa đốt chùa hầu đi theo Phật, còn hơn là để cho bị giặc bắt! Mọi người nghe Ngài nói vậy, không ai dám tự thiêu, chỉ yêu cầu Ngài dắt dẫn cho đi trốn giặc mà thôi.
Tuy nói vậy, nhưng Ngài đi thắp hương và van vái đều đủ các bàn Phật đoạn Ngài trở ra dắt tín đồ đi về hướng Tây Bắc núi Tượng. Tất cả già trẻ bé lớn là 1.800 người vẫn đi công khai ra cửa, quân Pháp và Miên không ngăn cản hay xét hỏi điều chi ! Ngài hướng dẫn tín đồ qua kinh Vĩnh Tế, lội băng đồng, nhắm thẳng địa điểm Vườn Dầu (Cao Miên) mà đi.Không ai đoán việc Ngài dắt tín đồ đi tị nạn trên đất Miên có tác dụng gì ? Tại sao Ngài không dắt đến núi Dài mà ẩn náu ? Vì hiện giờ Ngài đã mở ra hai thôn An Hòa và An Thành.

Thôn An Thành cách nơi xảy ra ngót 8 cây số, rừng núi trập trùng có thể chứa hàng trăm ngàn người, Pháp cũng không làm sao tìm ra tông tích. Tại sao Ngài phải khổ sở đến tá ngụ trên đất Cao Miên ? Chuyện ấy thuộc về huyền vi, đời sau nầy ai muốn bàn thế nào cũng được.Khi đi giữa đường, Ngài bảo tín đồ dừng lại để cầu kinh siêu độ cho hai người tự thiêu vì Đạo pháp ! Toàn thể tín đồ cũng tuân theo lịnh Ngài, chớ không hiểu ra làm sao. Đến sau mới biết ra, trong ngày giờ đó có hai vợ chồng người tín đồ già vừa liễu đạo tại núi Tượng.

Nguyên có hai vợ chồng người tín đồ già, nhà ở cách chùa khoảng 500 thước, khi hay tin giặc Pháp vào đốt chùa miễu và giải tán Đạo, Đức Bổn Sư đã nói những lời lẽ thống thiết với tín đồ. Khi Ngài hướng dẫn họ ra đi, vợ chồng ông Lão tự nguyện ở lại để làm đúng theo lời Ngài đã nói “Tự thiêu để về với Phật, không thể để cho giặc bắt”. Do đó, ông chờ Ngài đi xa, mới bàn với bà nên tự thiêu để không còn nhìn cảnh thống khổ trước mắt. Đồng thời cũng tỏ thái độ phản đối sự vô nhân đạo của giặc Pháp ! Bà đồng ý, nên hai ông bà bèn bế cửa mà tự thiêu ! Khi ngọn lửa tàn, thân xác của hai ông bà cũng cháy tiêu theo sự nghiệp. Có lẽ, hai vợ chồng người tín đồ Hiếu Nghĩa nẩy, đã mở kỷ nguyên vấn đề tự thiêu vì Đạo pháp tại Việt Nam ?

5.-TIÊN TRI CUỘC PHẢN THANH PHỤC MINH CỦA NƯỚC TÀU:

Như chúng tôi đã nói ở những chương trước, người vào đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa thờ tượng Quan Thánh và cúng dường bằng chuông mõ, nên người Trung Hoa họ thừa cơ hội đó mà bán những vật đạo cần thiết rất đắc giá, như: Kinh điển, tượng Quan Đế, chuỗi Bồ Đề, chuông mõ.v.v…thay vì lúc đầu họ cho thỉnh không.

Từ việc cho thỉnh không để quảng cáo, đén biến thành khách hàng để thương mãi là việc chuyên nghiệp của người Tàu. Các tín đồ vào bạch với Đức Bổn Sư về việc thương mãi của họ. Lúc ấy Ngài đang tham thiền tĩnh tọa, bỗng nhiên Ngài ứng khẩu: “Trước ngày đi tôi đã dặn dò, Bồ Đề Chuông Mõ thì phải ấn tống không, bây giờ nó cải lời tôi mà bán, tôi sẽ trở về bứt chóp nó”.

Sau khi Ngài viên tịch một thời gian, cuộc Cách mạng phản đế của Trung Hoa thành công (Tân Hợi – 1911). Chánh phủ Lâm thời của họ ra lịnh “Cắt Đuôi Chệc” của người Mãn Thanh. Chừng đó tín đồ Đạo Hiếu Nghĩa mới biết sự ứng nghiệm theo lời tiên tri của Ngài.

6.- CUỘC MỞ ẾM Ở THỦY ĐÀI SƠN:

Khi Đức Bổn Sư hướng dẫn tín đồ từ Cù Lao Ba vào núi Tượng lúc đến Vĩnh Thông (cách núi Tượng 4 cây số) Ngài truyền cho tín đồ dừng lại, tạm trú nơi bờ kinh.

Một hôm, Ngài cùng một số Đại đệ tử lên núi Tượng để xem phong thủy, và chọn căn cứ làm Trung tâm truyền Đạo. Khi Ngài đến hòn Thủy Đài Sơn (tục gọi là núi Nước) Ngài bèn cản các đệ tử lại không cho đi tới nữa. Ngài cho biết, nơi đây có làn độc khí và 5 vị hung thần. Vì độc khí phát hiện từ hang Thuồng Luồng nơi trủng phía Tây, còn năm vị hung Thần ở 5 gốc bộng cây Da to, do người Tàu sai khiến giữ năm cây ếm của họ.

Ngài còn cho biết thêm: Người Tàu họ có một phái Phù Thủy rất lợi hại, bọn nầy chuyên đi ếm khắp xứ, nhứt lá các nước láng diềng. Khi họ thấy có xứ nào phong thủy đẹp, có thể xuất Thánh, hoặc hào Vương Tướng có lợi cho kẻ khác, nếu họ chiếm làm chủ không được, thì họ cũng ếm trù cho lụn bại !

Giải thích xong, Ngài dắt đệ tử trở về. Hôm sau Ngài ra một kiểu khăn bùa màu vàng, vẽ trên nhiễu điều. Và một kiểu khăn khác để bịt đầu rìu cho thợ mộc. Ngài cùng chư đệ tử trở lại Thủy Đài Sơn để lấp hang Thuồng Luồng, hạ cây Da và đào lấy ếm của người Tàu. Công việc xong đâu đó, các đệ tử vẫn bình yên mà trở về.

Những kiểu khăn nầy, Ngài truyền lại cho vị Đại đệ tử là ông Trần Tịnh, pháp danh là Ngô Thiện Căng, hiện nay con cháu của ông Trần Tịnh vẫn còn cất giữ. Ngoài những kiểu khăn kể trên, Ngài còn cho ông Trần Tịnh một đồng xu bằng vàng, công dụng của đồng xu nầy là dành để khi hạ những cây cổ thụ nào nghi có tinh quái, lập tức tung đồng xu nầy lên thì hạ cây rất dễ dàng.

Người Trung Hoa kiều ngụ ở Hà Tiên, hay tin Ngài đã lấp hang Thuồng Luồng và mở ếm, họ bền báo cáo với Pháp rằng : “Tại kinh Vĩnh Tế có một người Cách mạng, đang chiêu tập đồ chúng để chuẩn bị chống Pháp”, từ đó nhà cầm quyền Pháp hết sức lưu ý đến những hành động của Ngài. Điều nầy cũng là một trong những vấn đề khởi nguồn cho việc khủng bố đạo Hiếu Nghĩa. Tuy biết vậy, nhưng Ngài vẫn không lùi bước trưóc bạo lực, Ngài vẫn hướng dẫn tín đồ đến phía Đông núi Tượng khai hoang mở Đạo, lập thôn ấp, cất chùa miễu lưu truyền cho đến ngày nay.

7.- HỔ CỬ SÁT SANH:

Theo lời lưu ngôn của các vị tiền bối: Khi ông Nguyễn văn Thoại phụng chiếu chỉ đến đốc suất đào kinh Vĩnh Tế, từ Châu Đốc xuyên Hà Tiên. Cuộc làm xâu nầy, dân chúng vô cùng khốn khổ, kẻ thì trốn về xứ phải lội ngang sông Hậu Giang, nhứt là khoảng Vàm Nao, bị cá mập ăn không biết bao nhiêu người. Phần lớn bị sơn lam chướng khí đau ốm nằm dựa bờ kinh, ban đêm bị Cọp, Beo từ Bảy Núi xuống đây hạ sát vô số kể !

Người lúc bấy giờ thường nói: Đức Bổn Sư dắt tín đồ vào đây mở rừng, lập Làng mới, không khác nào dắt dẫn người vào đây để hiến cho Cọp, Beo ! Nhưng trái lại, từ khi Ngài vào đây mở rừng, lập giáo cho đến ngày nay, không hề xảy ra nạn tai về Hổ lang ác thú. Trong ấy có những điều ứng nghiệm khiến cho người đời lưu ý.

Khởi đầu cho cuộc khai mở thành lập thôn An Định, khi đến phía Nam ngọn đồi lớn của núi Tượng, bỗng gặp một đống xương cao nghệu, xương người có, xương thú có. Mọi người trông thấy thảy đều hãi hùng ! Đức Bổn Sư bèn truyền bổn đạo đào huyệt mà chôn đống xương ấy, đồng thời Ngài truyền dọn nền tại đây mà thiết lập một ngôi miễu, tên là Mã Châu Miếu.

Một hôm, có ông Lão từ núi Dài đến núi Tượng, xin ngủ nhờ nhà một người ở xóm núi Nước. Ông nói là đợi khuya đón người đi chợ Lạc Quới để gởi mua thịt heo dùm. Liên tiếp hai đêm, ông Lão đều đến xin ngủ nhờ và làm y như vậy. Chủ nhà sanh nghi nên dò xét chỗ ông Lão ngủ, xem có gì lạ không ? Bỗng người chủ nhà kinh ngạc, khi biết ông già ngủ chỗ nào là đái dầm chỗ đó ! Qua đêm thứ ba, chủ nhà cố thức rình xem kỹ hành động của ông già quái lạ nầy.

Đến khuya, ông già ngủ say, bỗng hiên hiện nguyên hình là một lão cọp bạch nằm ngủ ngáy vang như sấm ! Chủ nhà không dám ngủ, thức trắng đêm tâm niệm thần chú: “Giáng Long phục Hổ” của Đức Bổn Sư truyền thọ, và cố cắn răng lẳng lặng mà chờ sáng. Mặc dầu ông chủ nhà thường nghe Đức Bổn Sư giảng giải: “ Những loài ác thú ở đây đều có quy y với tôi cả. Nếu anh chị có đi rừng núi, rủi gặp họ thì cứ xem như là đồng đạo và niệm chú “Giáng Long phục Hổ” thì không có chuyện gì xảy ra. Tuy biết vậy, nhưng ông cũng không dám tin tưởng trọn vẹn, vẫn phập phồng lo sợ từng chập, đôi mắt không rời chỗ “ông già cọp Bạch” đang ngủ ! Trời vừa mờ đất, ông phóng nước đại đến chùa Tam Bửu, vừa gặp Đức Bổn Sư, Ngài liền mỉm cười hỏi:

-Chắc đêm nay anh ngủ không được ?
Ông chủ nhà vừa run rẩy vừa trả lời :
-Bạch sư, có ông Cọp Bạch đến ngủ nhờ nhà đệ tử trong ba đêm liền, để gởi mua thịt heo.
-Vậy anh không thấy đống xương to lớn ở miễu Mã Châu sao ? Ngài lại nói tiếp: Lão Bạch Hổ đó là Chúa sơn lâm ở đây, đã quy y Phật pháp rồi, nên ông ta phải đích thân đi mua thịt cho đồng loại ăn để khỏi phạm sát giới. Đồng đạo mà anh sợ nỗi gì !

8.- CHỨNG ĐẠI TRAI ĐÀN:

Người tu theo Tứ Ân Hiếu Nghĩa mỗi khi cúng kiếng cầu siêu phải sắm đủ hai phần: Phẩm vật và Kinh pháp. Ngoài hương đăng trà quả ra, các phẩm vật khác có chi cúng nấy. Kinh pháp mới là phần chánh, phải tụng niệm đầy đủ đúng theo nghi thức của Đạo Có một hôm, Đức Bổn Sư ra đứng nhìn Trời giây lát Ngài

bèn trở vào chùa, hối đệ tử làm Sớ điệp gấp để đi chứng một đám Đại trai đàn. Các đệ tử của Ngài lấy làm lạ, nhưng vẫn tuân theo lịnh của Ngài chớ không dám hỏi. Thông thường theo sự cúng kiếng trong Đạo, bá gia phải trình giấy trước, trễ lắm cũng ba ngày, nay Đức Bổn Sư bảo phải làm một hai giờ cho xong phần Sớ điệp, chuyện ấy chưa từng xảy ra. Mặc dầu biết quá gấp, nhưng anh em Cư sĩ cũng hợp lại để làm theo ý Ngài.

Giấy điệp xong, Ngài gọi các đệ tử theo Ngài đi cầu siêu lễ Đại cúng. Lúc ấy vào khoảng nửa đêm, ai nấy chỉnh tề khăn áo cùng đi theo Ngài, chớ chưa biết lễ Đại cúng ở đâu ? Khi đến một túp lều tranh, Ngài liền dừng lại và cho biết: Nhà nầy sắp làm Đại Trai đàn. Các đệ tử thấy nhà quá nghèo, nhưng trần thiết lễ cúng rất trang nghiêm và sạch sẽ, bốn bên nhà đều có trồng hoa hương thơm bát ngát. Cửa tuy đóng, nhưng từ đàng trước có thể nhìn suốt tới sau bếp. Bàn thờ lót vạt tre, kê trên những gốc cây làm chưn. Trên bàn đã đặt sẵn những phẩm vật cần thiết, khói hương bay nghi ngút.

Người Cư sĩ vào gõ cửa và gọi nhỏ:

-Bà Hai, Bà Hai ra mở cửa, có Thầy đến.

Người đàn bà chạy ra mở cửa và rất kinh ngạc, khi nhìn thấy Đức Bổn Sư. Ngài ung dung bước vào nói:

-Tôi nghe Chư Vị nói lại, đêm nay chị cử đàn Đại cúng nên tôi và các anh chị đây, đến chứng lễ và cầu siêu.

Người đàn bà quì xuống thưa:

-Bạch Thầy, gia đình đệ tử quá thiếu kém, không lo đủ phẩm vật, nên đệ tử không dám trình đến Thầy. Ngày qua, đệ tử có đi ra đồng bắt được một mớ cua, đợi đến tối mới nướng mà dâng cúng. Chỉ có phần kinh pháp là đệ tử lo đủ.

Đức Bổn Sư dùng lời lẽ đạo đức mà an ủi, đồng thời Ngài cho bà biết tiếp:

-Lễ cúng của chị có ba điều mà người đời khó làm đủ được: Thứ nhứt là niệm Kinh pháp chính chắn. Thứ nhì là lòng thành. Thứ ba là cảm động đến mười phương chư Phật.

9.- QUÀY CHUỐI CƠM NON:

Ngoài sự cúng kiếng Tam ngươn Tứ quí ra, Đức Bổn Sư còn dạy tín đồ luân phiên nhau mà tụng niệm tại chùa mỗi tháng ba lần (mùng Chín, 19 và 29) gọi là phiên vọng U minh. Lúc ấy Ngài còn cư ngụ tại nhà ông Trần Tịnh. Nhà nầy cũng thực hiện đúng theo quy tắc của chùa.

Một buổi sáng ngày 29, chị hai Đượm (dâu của ông Trần Tịnh) đi chợ về quên mua phẩm vật để dâng cúng, chị Hai sợ cha mẹ chồng quở trách, nhưng vì chợ thì xa, đường thì vắng vẻ không dám đi một mình, để mua phẩm vật đã quên.

Bỗng chị nhớ ra, ngoài vườn có trồng một ít chuối cơm. Chị bèn cầm dao ra vườn, miệng van vái lâm râm, cầu cho gặp được một quày chuối già để thay vào việc thiếu sót của mình. Nhưng không được toại nguyện, vì trọn vườn chuối chỉ có một quày chuối cơm non. Rốt cuộc, chị phải đốn và không quên khấn vái cho quày chuối trở nên già, chín để khỏi bị quở trách.

Đốn xong, chị chặt ra từng nải, rửa sạch đem sắp lên bàn theo nghi thức đã có từ trước, nhưng vẫn hồi hộp lo sợ không yên. Đêm ấy, chị không hề chớp mắt. Đến khuya chị thức dậy để lo đi chợ mua bán. Trước nhứt, chị ra xem những nải chuối mà chị hằng lưu tâm cầu nguyện thâu đêm. Bỗng chị hết sức vui mừng, vì những nải chuối cơm non ấy nó đã chín đỏ gay !

Sáng ngày cúng kiếng xong, bà Trần Tịnh bưng chuối cho Đức Bổn Sư dùng. Ngài vừa lột chuối ăn, vừa nói:

-Chị hãy đem ba trái chuối nầy cho con Đượm nó ăn để được sống bá niên trường thọ !

Bà Trần Tịnh không biết Ất Giáp gì, nhưng cũng tuân theo lịnh Ngài, đem cất ba trái chuối của Ngài cho để dành cho nàng dâu.

Khi chị hai Đượm đi chợ về, nghe mẹ chồng thuật lại như vậy, bèn quì xuống mà kể rõ sự thiếu sót của mình. Cả nhà nghe qua không khỏi lấy làm lạ.

10.-GIỚI TỬU – RĂN UỐNG RƯỢU:

Người vào đạo Hiếu Nghĩa cũng kiêng cử Ngũ giới cấm, nghĩa là: Cấm sát sanh, cấm trộm cướp, cấm tà dâm, cấm nói dối, cấm uống rượu như giáo điều của Thiền Tông. Riêng phần giới tửu, Đức Bổn Sư vẫn tùy theo cơ duyên của người tín đồ chớ không tuyệt đối cấm hẳn. Ngài thường khuyên răn tín đồ nên lánh xa rượu chè, nhưng rủi lỡ chén khi tiệc tùng thì phải nghỉ ba ngày không nên tụng niệm Kinh chú và trị bịnh. (Đây cũng là một phương pháp giảm thiểu tửu giới cho người tu Hiếu Nghĩa tại gia. Như thường hành công phu tụng niệm mà nghỉ đi 1 ngày là đường công phu bị thối chuyển. Nên không thể nghỉ công phu ngày giờ nào. Muốn công phu trì tụng liên tục thì không thể uống rượu). Trong số Đại đệ tử của Ngài có ông Sáu Đồn rất trung thành với Đạo và giỏi tài trị bịnh tà cho bá tánh, nhưng ông mắc phải chứng nghiện rượu rất nặng, không thể bỏ được.

Một hôm, có người nhà của ông Bảy (bá gia của đạo H.N.) đến bạch với Đức Bổn Sư rằng: ông Bảy thọ bịnh rất lâu uống thuốc chi cũng không lành. Căn bịnh ông nay đến hồi nguy kịch, chỉ còn thiêm thiếp trên giường mà chờ chết. Đức Bổn Sư bảo: Về thỉnh anh Sáu Đồn trị cho thì mạnh chớ chết cái gì.

Người nhà của bịnh nhơn đến thỉnh ông Sáu Đồn. Ông đến xem bịnh xong, bèn lấy thanh sắt trong túi ra (thanh sắt nầy là đồ nghề trị bịnh của ông), bắt từ đầu của bịnh nhơn mà gõ dài xuống. Khi gõ đến bụng, bịnh nhơn bỗng la lên: Chết tôi đi !

Ông Sáu hỏi: Mi là giống gì mà dám phá khuấy bịnh nhơn?

Hãy nói mau.

- Bạch Thầy, tôi gốc là con chó Mực, trước kia oan gia nầy giết tôi mà ăn thịt, nên bây giờ tôi đến mà đòi mạng !

- Thôi, nhà ngươi cho ta in đi. Hồi trước người nầy khác, hôm nay đã tu hành rồi, hãy tha cho người ta. Muốn gì ta bảo gia chủ trả lễ cho.

- Tôi chỉ cần Thầy tụng cho ba đêm Kinh siêu độ để được hóa kiếp.

- Tha cho người khỏi bịnh. Ta hứa giữ lời mi đòi hỏi.

Ông Sáu vẫn giữ lời hứa, tụng cho oan hồn ba đêm Kinh siêu độ. Quả nhiên bịnh nhơn giảm hết chín phần mười. Qua đêm thứ ba, ông Sáu dùng rượu phun vào bịnh nhơn để khử tà, không ngờ, sau khi ông Sáu phun rượu xong, bịnh nhơn trở chứng gấp đôi khi trước. Ông Sáu bèn lấy thanh sắt mà làm y như trước, bịnh nhơn vẫn la lên. Ông Sáu bèn hỏi:

- Tại sao mi dối gạt ta ? Còn ở lại giễu hại bịnh nhơn ?

- Vì Kinh ông tụng cầu siêu cho tôi đã cháy hết rồi.

- Mi nói dối, lý do nào mà Kinh cháy ?

- Tại ông uống rượu nên Kinh cháy hết !

- Ta uống rượu hồi nào ?

- Hồi ông phun rượu chưa hết, lại nuốt vào bụng nên cháy Kinh ông đã tụng.

Nguyên ông Sáu Đồn vẫn tuân theo lời Đức Bổn Sư mà cử rượu trong thời gian đi trị bịnh, không ngờ đã đến lúc ông quá ghiền, nên khi ngậm vào là “con sâu rượu” nó bò thẳng vào bụng ông hết phân nửa ly ! Báo hại ông Sáu phải giới tửu luôn ba hôm nữa để tụng Kinh siêu độ cho hồn ma chó, thì bịnh nhơn mới bình phục hẳn.

11.- THỬ THẦY TRỞ THÀNH ĐỆ TỬ:

Đức Bổn Sư lập thôn ấp, giáo hóa người đời tu học tại nơi thâm u vắng vẻ, không cạnh tranh và đụng chạm đến quyền lợi của người khác. Tuy mối đạo bị người Pháp nghi kỵ và khủng bố, người Miên ganh ghét, nhưng chẳng bao lâu tiếng Ngài đồn vang dội khắp nơi, nhứt là về phương diện trị bịnh cứu đời.

Lúc bấy giờ có ông Đội Đồn Điền ở Cái Tàu Thượng, tánh tình rất ngang bướng, ngạo mạn. Ông nghe người ta đồn về sự linh ứng của Đức Bổn Sư, chẳng những ông không tin, mà còn cười mấy người đồn đãi là mê tín dị đoan, ông hứa sẽ đi thử ông đạo ấy một bữa cho biết chánh tà.

Ông Đội nói là làm. Cách mấy hôm sau ông Đội đích thân vào núi Tượng để thử Đức Bổn Sư. Khi ông vừa bước chơn vào cửa chùa Tam Bửu, Đức Bổn Sư bước ra tiếp kiến ông Đội, và Ngài mỉm cười:

-Ông được mạnh giỏi chớ ? Muốn thử tôi bằng cách nào đây ?

Ông Đội nghe qua thất kinh, nghẹn lời không biết phải nóisao.

Đức Bổn Sư bèn nói tiếp:

-Thôi để tôi cho ông một nghề, về nhà nằm ngửa mà ăn tới già cũng không hết, khỏi phải đi tới lui mà thử người ta làm chi cho thất công !

Ông Đội Đồn Điền trờ về nhà, từ đó nổi lên nghề coi bói rất giỏi. Đặc biệt là khi có thân chủ đến coi bói, ông liền quay mặt vào vách mà nói mười chuyện không sai một. Từ đó tiếng đồn vang dội, ai có việc gì cũng đến coi bói với ông. Ông không hề ăn tiền ai, chỉ bán món thuốc Lục Nhứt hoàn kiếm chút ít lời để nuôi sống qua ngày.

12.- GIỚI THAM – RĂN LÒNG THAM:

Lúc khởi công dựng ngôi chùa Phi Lai (ngôi chùa chánh của Đạo). Tín đồ tựu đến làm công quả rất đông. Đức Bổn Sư bèn kêu một anh thợ rừng (người chuyên sống bằng nghề đốn cây trên rừng) đến mà bảo rằng: Anh hãy đi lên núi Dài mà hạ cây Cam Đàn nơi tôi chỉ đây, đem về có nhiều việc xài cho chùa. Ngài vừa nói vừa phác họa sơ đồ đi đến cây Cam ấy, mặc dầu Ngài chưa đi đến đấy một lần nào.

Khi ông thợ đi đến vị trí cây Cam ấy thì không khỏi kinh ngạc, thấy một cây Cam Đàn quá lớn, không biết mọc từ bao giờ. Bỗng ông ta khởi động lòng tham, bèn suy nghĩ nếu cây nầy cưa ra mà làm riêng cho gia đình thì tiền bạc rất dồi dào, nghĩ như vậy, ông thợ bèn trở về mà bạch với Đức Bổn Sư rằng: Cây ấy có, nhưng bị người khác hạ đã từ lâu rồi. Nghe ông ta nói như vậy Ngài vẫn thản nhiên không nói gì.

Ông thợ trở về nhà rủ thêm đồng nghiệp đi hạ cây ấy để chia nhau đóng ghế tủ mà bán riêng. Đến nơi, họ hè nhau mà hạ cây Cam Đàn ấy, rủi cho ông thợ bị sợi dây chằng giựt vào cây, nên bị cây đập vào mình dập xương chết tốt !

Các đồng nghiệp khiêng xác ông thợ về nhà, vợ con ông ta khóc kể lỡ vỡ xóm làng. Có người vào bạch với Đức Bổn Sư tự sự, Ngài bảo: Hãy khiêng xác nó vào đây, tôi cứu cho. Mọi người nghe qua không khỏi lấy làm lạ, người đã chết nát thây rồi làm thế nào mà cứu được ? Tuy vậy cũng không dám cãi.

Khi khiêng thây ông thợ vào đến chùa, Ngài liền bảo tín đồ đi hái lá cây Cù Dầu (một thứ cây có rất nhiều ở miền núi) về đâm dập nát ra, đoạn khiêng xác ông thợ để vào một chiếc xuồng lấy lá Cù Dầu phủ lên và đổ nước ngập xác nạn nhơn. Ngài mới nói trỏng một mình: Thôi, chư vị cho tôi xin, răn nó bằng một vết thẹo cũng đủ rồi. Giây lát, ông thợ rừng liền sống lại, nhưng ông ta tê liệt nửa thân mình, không cử động được. Từ đó ông chỉ lê la kiếp sống thừa để báo vợ con.

13.- LÀM THẦY ĂN THỊT TƯỚNG:

Ông bảy Dươn là một vị cao đồ của Đức Bổn Sư, ông được Thầy truyền phép cho đi chu du khắp nơi mà trị bịnh cứu đời. Một hôm, ông Bảy vào bạch với Ngài cho về tỉnh Định Tường để điều trị một bịnh điên, vì ở vùng nầy có một bịnh điên, các Thầy phù, Thầy pháp đều thúc thủ.

Khi gia chủ rước ông Bảy đến, ông tụng một thời kinh trừ tà xong, bèn bảo gia chủ kiếm một mụt măng tre, ông Bảy dùng làm cốt tướng khiển lên mà trị bịnh. Ba hôm sau, bịnh lành. Ông Bảy cho cúng trả lễ bằng một con gà. Sẵn mụt măng (cốt tướng) ông biểu gia chủ hầm luôn với con gà !

Ăn uống xong, ông Bảy giã từ gia chủ để trở về núi, dọc đường không xảy ra việc chi. Khi về đến đầu lộ Vĩnh Thông (cách núi Tượng khoảng 4 cây số). Ông Bảy phát lên đau bụng dữ dội, không thể đi được nữa, người nhà của ông phải khiêng ông Bảy về chùa. Đức Bổn Sư bước ra nhìn ông Bảy với vẻ phiền trách:

- Cơ khổ không, anh Bảy trị bịnh giỏi quá, dám ăn tới thịt tướng. Tại sao không trị bịnh cho mình ?

Tuy Ngài nói vậy, nhưng cũng cầm tay ông Bảy Dươn mà nói thinh không rằng: Thôi chư vị cho tôi xin một lần, vì anh Bảy chưa biết nên phạm giới sát. Ngài nói xong, ông Bảy liền hết chứng đau bụng ngay. Ông ngồi dậy lạy tạ ơn Ngài cứu mạng, và cam kết tự hậu không dám tái phạm.

14.- MỘT BÀI THƠ NHIỀU CHỮ “BẤT”:

Có một năm vào khoảng tháng 9 âm lịch, nước ngập đến chơn núi. Thập phương thiện tín đi chùa quy y thọ giáo, được lưu thong bằng ghe thuyền đến tận chơn núi dễ dàng.

Trong số nầy có vị Hương cả quê ở Cần Thơ, nghe đồn ở núi Tượng có ông Sư đang truyền bá một giáo thuyết rất hợp với căn cơ của chúng sinh và chữa khỏi nhiều bịnh nan y. Ông Cả rất mộ đạo, nhưng cũng không dễ tin, ông sắp đặt đến thử một lần cho biết.

Khi thuyền ông đến núi, ông bèn sửa soạn khăn áo chỉnh tề đi đến chùa lạy Phật và có mang theo một chiếc hộp 3 lớp mở đến lớp trong cùng mới đến vật ông thử Đức Bổn Sư. Trước khi đi, ông xem xét kỹ chiếc hộp lại lần chót, mới đến chùa ra mắt Ngài. Khi chủ khách chào hỏi xong. Đức Bổn Sư liền ứng khầu ngâm:

Bất Trường an bất cố hương
Bất Sĩ bất nông bất công thương
Phú quí hữu tình giai bất bất
Bất cầu danh lợi bất cầu thương.

Sau khi Ngài ngâm xong bài thơ bèn mỉm cười nói với ông Cả: “Tôi có sẵn bao nhiêu chữ “Bất” còn ông có một chữ Bất mà thử tôi làm chi ?”

Ông Cả nghe Ngài nói xong, bèn sụp xuống lạy Ngài mà quy y thọ giáo. Chừng ấy mới biết trong ngăn hộp thứ ba của ông Cả có một chữ “Bất” chính tay ông vẽ và tạo ra cái hộp để thử Đức Bổn Sư.

15.- CHUYỆN ĐI ĐẦU THAI:

Ngoài giờ giáo hóa đệ tử, chứng những Lễ cúng ra, Đức Bổn Sư thường ngồi Thiền định. Mỗi khi Ngài ngồi Thiền định thì chỉ còn một thể xác cứng đờ, hơi thở rất nhỏ. Sau khi Ngài tỉnh lại thì có nhiều điều khác lạ để giáo hoá tín đồ. Do đó mà người đời thường gọi Ngài là “Ông Năm Thiếp”.

Một hôm, có người tín đồ xin dắt dẫn cho cùng Ngài đi thiếp. Ngài dắt hồn người ấy lìa khỏi xác đi đến một ngã ba. Ngài bảo hồn người ấy đứng tại đây chờ Ngài tiếp chuyện với Diêm Vương. Người tín đồ vâng lịnh, đứng tại ngã ba chờ Ngài. Bỗng ông ta thấy 5 thiếu nữ rất xinh đẹp đi qua mặt ông ta, liền chạy theo trêu ghẹo, năm cô gái bèn rủ ông ta theo chơi cho vui. Đi đến một nơi, năm nàng vừa dừng lại thì ông ta cũng vừa đi tới. Bỗng từ phía sau như có người xô nhập ông ta vào mình năm thiếu nữ.

Khi Đức Bổn Sư xuất tỉnh, mà người tín đồ nọ vẫn còn nằm thiêm thiếp như một xác chết. Trái tim đã ngưng đập, ngực chỉ còn nóng đôi chút. Người nhà của ông ta khóc lóc đền mạng với Đức Bổn Sư. Ngài vẫn thản nhiên mà rằng: “Ở xóm trên có con heo nái mới sanh ra một bầy heo con, trong ấy chỉ có một con đực. Vậy anh chị hãy đến đó nài mua cho được con heo đực ấy, bất cứ giá nào cũng phải mua”.

Người nhà của ông ta vâng lời đi thẳng đến xóm trên, quả đúng theo lời Ngài nói. Ông chủ nhà đó có nuôi một con heo nái vừa đẻ một bầy heo con, năm con cái, chỉ có một con đực. Người chủ heo tính để giống, nên không bán. Người nhà của nạn nhơn năn nỉ hết lời và thuật rõ chuyện nhà, thêm vào lời Đức Bổn Sư chỉ dạy, nên ông chủ heo buộc lòng phải bán con heo đực.

Khi đem con heo về, Ngài bảo đem con heo đến bên xác nạn nhơn vật heo cho chết đi. Giây lát, người đi thiếp tỉnh lại. Anh ta bỗng nói lớn rằng:

- Người ta đang đi chơi vui quá, tại sao kêu triệt về đây chi mà gấp vậy ?

Người nhà chỉ xác con heo và kể rõ đầu đuôi, anh ta mới vỡ lẽ ra và thuật chuyện đi chơi cùng 5 thiếu nữ, cho đến lúc anh ta được người nhà gọi tỉnh dậy. Anh ta bèn vào chùa lạy Đức Bổn Sư mà tạ ơn cứu mạng.

16.- Ý NGHĨA CHUYỆN ĐỜI TỚI:

Một hôm Đức Bổn Sư gọi vị đệ tử của Ngài tên là Hai Lộc đến mà bảo rằng: Anh nhớ khi nào con đường chung quanh núi Tượng làm xong, xe cộ được chạy thông thương thì chừng đó đời tới !

Sau khi Đức Bổn Sư viên tịch, đến năm Tân Mão (1891) nhà cầm quyền Pháp vào đây làm đường chung quanh núi Tượng vừa xong. Ông Hai Lộc chống gậy ra ngã ba đường nhìn xe cộ qua lại, đoạn ông Hai chấp tay niệm ba tiếng Phật hiệu và nói với người chung quanh rằng: Hồi chị Năm (gọi Đức Bổn Sư) còn tại thế có dặn tôi, khi nào đường chung quanh núi làm xong thì đời tới. Trở về nhà, trong đêm đó ông Hai ngủ luôn một giấc ngàn thu!

Lại một chuyện khác, một hôm Đức Bổn Sư gọi ông Hương chủ Sách (người tín đồ) vào bảo rằng: Ít hôm nữa có trát của Hội Tề ở Năng Gù gọi anh về cho phục chức Xã trưởng (trước kia ông làm Xã trưởng tại đây). Cách ít hôm sau, ông Chủ Sách được trát đòi đúng theo lời Đức Bổn Sư đã nói.

Khi ông chủ Sách được trát đòi, bèn vào thuật tự sự và xin Ngài chỉ dạy việc sắp tới ? Ngài bảo rằng: “Anh hãy về làm việc với người ta đi, nhưng nên nhớ khi mãn khóa phải trở về đây, chớ ở dưới chừng “Đời tới” thì về không kịp”.

Ông chủ Sách vâng lời về làm việc cho tới khi mãn khóa vẫn bình yên, ông vẫn nhớ lời Đức Bổn Sư căn dặn, nhưng thấy thời cuộc vẫn yên ổn, nên ông đăng thêm một khóa ba năm nữa. Nào ngờ ông mới lãnh tờ cử khóa thứ nhì được ít hôm thì ông thọ bạo bịnh mà qua đời ! Chừng đó mới biết ý nghĩa của Đức Bổn Sư nói tới đời là đời của người đó tới, chớ không phải đời tới là Trời long Đất lở như người ta tưởng.

17.- ÔNG CẢ “CỌP”:

Sau khi dựng Đình PHI LAI xong, Đức Bổn Sư cho xây trước cửa Đình hai ngôi miễu nhỏ. Miễu phía bên trái thờ Ngũ Hành, miễu bên mặt thờ Bạch Hổ Sơn Quân.

Ngũ Hành tức là thờ Thần Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Còn thờ Bạch Hổ Sơn Quân có điều lạ hơn các ngôi Đình Thần khác, mỗi năm khi đáo lệ cúng Kỳ yên, Ngài cho viết ra Tờ cử. Nội dung Tờ cử là sắc phong cho Bạch Hổ Sơn Quân làm Hương Cả. Người đời thường gọi là Ông Cả Hổ !

Ngài cho đem Tờ cử nầy dằn dưới lư hương và đồ phẩm vật tặng cho ông Hương cả Cọp nầy. Tín đồ của Ngài cũng bán tín bán nghi, nhưng qua đêm cúng Kỳ Yên, người ta ra ngoài miễu thì thấy dấu cọp đi và quàu quấu chung quanh miễu, tờ cử và đồ phẩm vật cũng mất hết. Mỗi hai năm đáo lệ một lần công cử như vậy, thét rồi thành lệ qua hai năm là bá gia biết đã đến kỳ đổi Tờ cử cho vị Hương cả Hổ. Có điều đặc biệt là khi ông “Hương Cả” nầy nhận Tờ cử mới thì trả Tờ cử cũ lại.

Sau ngày Đức Bổn Sư viên tịch, các vị cao đồ vẫn noi theo Ngài mà tạo Tờ cử và làm y như cũ, nhưng Tờ cử và phẩm vật y nguyên, ông cả Cọp không bao giờ nhận !

Đọc chuyện nầy, có nhiều người cho rằng là điều huyền thoại khó tin. Nhưng cũng không lấy làm lạ là từ ngày Đức Bổn Sư phong cho cọp Bạch làm Hương Cả đến nay đã gần 100 năm, tại núi Dài, núi Tượng nói riêng, vùng 7 núi nói chung, không hề xảy ra một vụ Hổ Lang ác thú hại mạng người. Và xã Ba Chúc cho đến nay trong Hương chức chỉ có chức Hương Chủ, còn vị Hương Cả vẫn giữ nguyên cho Hương cả Cọp !

18.- NÚI TƯỢNG KHÔNG CÓ CHIM SẺ:

Trước ngày Đức Bổn Sư viên tịch, chim Se Sẻ bay liệng khắp nơi, làm chuyện ô uế và xây tổ sanh con đẻ cái trong chùa miễu bất kể chỗ nào. Các vị đệ tử phàn nàn giống chim quái ác nầy. Ngài bèn nói với Bá gia rằng: Anh chị đừng lo, tôi sẽ cấm loại chim nầy không cho nó bén mảng đến núi Tượng nữa !

Sau khi Ngài viên tịch, người ta không khỏi lấy làm lạ, cả vùng núi Tượng không hề thấy bóng một con chim Sẻ nào, cho đến ngày nay, núi Tượng vẫn không có loài chim Sẻ.

Căn cứ theo thực tế, có người cho rằng đây là chuyện huyền hoặc khó tin, bởi loài chim nầy thường tựu đến nơi nào có lúa gạo, còn vùng núi là nơi kém khuyết về kho lẩm chứa lúa gạo, nên nó không đến chớ không có chi là lạ.

Thực tế là vậy, nhưng nếu ai lưu tâm thì sẽ gặp loại chim nầy khắp các vùng núi khác, nhứt là núi Dài cách xa núi Tượng không quá một cây số ngàn, cũng không thiếu chi loài chim Sẻ. Cách nay hai năm, có một hôm chim Sẻ về đây rất đông, nhưng trong một thời gian không lâu, chúng kéo nhau đi hết, không hề lưu lại núi Tượng một con nào. Các vị tín đồ của Tứ Ân Hiếu Nghĩa đều bàn rằng“Có lẽ đây là dấu hiệu Tổ đi rồi Tổ “Sẽ” về ?”

19.- CHUYỆN CỦ NỪNG:

Khi Đức Bổn Sư hướng dẫn tín đồ đến khai mở thôn An Thành từ núi Tượng đến đây khoảng 7 cây số ngàn đường rừng. Khi đi giữa đường, Ngài thấy các tín đồ ra dáng đói khát, Ngài bèn bảo rằng các anh chị đói sao không nhổ củ Nừng nướng mà ăn cho đở đói (loại củ Nừng thường mọc ở rừng núi bò như dây khoai ngọt).

Các vị đệ tử lấy làm lạ, loại củ Nừng rừng nầy tánh nó rất độc ngứa và còn hơn củ môn nước, hơn nữa chất nó rất kỵ lửa, người ta muốn ăn nó, phải nấu cho thật chín, rồi vắt và đạp cho ráo nước, nấu đi nấu lại như vậy cho đến bảy tám lần ăn mới được, nếu nướng nó vào lửa, ăn vào có khi chết không kịp trối ! Nhưng Ngài bảo thì tín đồ không dám cãi, vẫn đốt lửa lên mà nướng củ Nừng. Khi Nừng chín, người ta vẫn còn dè dặt, ăn thử từ miếng nhỏ, khi ăn thử xong thấy mùi vị rất ngon, nên từ từ ăn đến no bụng, không thấy xảy ra việc gì.

Một trong những người thấy Nừng không còn kỵ lửa nữa, bèn kiếm về một mớ nướng cho con ăn. Không ngờ khi ăn vào khỏi cổ thì đứa nhỏ bỗng nhiên á khẩu (câm). Ông nầy hoảng hồn chạy đến nhờ Đức Bổn Sư giải cứu. Ngài nghe qua bèn mỉm cười, bảo múc vào một tô nước đoạn Ngài làm phép, bảo người ấy đem về cho con uống thì hết. Ông nầy đem tô nước về cho con uống quả đúng như lời.

Mấy hôm sau mấy người đồng đạo cùng đi với ông bữa trước hỏi đùa rằng: Sao anh không nướng Nừng cho con anh ăn nữa ?

Ông nầy bèn trả lời:

- Không dám ! Nừng bây giờ kỵ nước rồi !

20.- LỜI DẶN SAU CÙNG:

Trước ngày Đức Bổn Sư viên tịch, Ngài có gọi một số cao đồ tín cần đến mà dặn rằng: Sau khi tôi đi Ta Bà, anh chị rán cố gắng đem nhục thể của tôi về núi Tượng (lúc đó Ngài còn ở tại các thôn bên núi Dài). Vì sau nầy chỉ có núi Tượng còn giữ nguyên được di tích, núi Dài là nơi tranh hùng tranh bá, nhơn vật đều xác xơ hết không được yên ổn đâu.

Mấy mươi năm sau khi Ngài viên tịch, quả y như lời Ngài dặn, núi Dài giặc giã triền miên kéo dài cho đến ngày nay, nhơn vật đều tiêu điều xơ xác, không có một ngày yên ổn…

21.- QUẬT MỒ THÂN SINH THẦY CAI TỔNG:

Trong số các Đại đệ tử của Đức Bổn Sư có ông Hà Trinh (là Tằng Tổ của người biên khảo quyển sách nầy) người đời thường gọi là ông Tám. Ông là một trong những vị được Ngài giáo truyền Bí pháp để đi chu du trị bịnh cứu đời.

Ông Tám về quê nhà tại Thốt Nốt (Long Xuyên) chữa trị lành cho nhiều bịnh nan y, nhứt là chứng bịnh điên, đau tà. Những bịnh nhẹ, ông Tám chỉ dùng một cây roi dâu mà quất vào thì tà xuất ngay. Bịnh nặng thì ông truyền lấy chiếu bó bịnh nhơn lại, để trên bè chuối thả trôi theo giòng nước. Bịnh nhơn trôi xa chừng 500 thước, ông Tám làm phép trục bè chuối ấy chạy ngược nước trở về ! Tiếng đồn lan rộng ra, bịnh nhơn khắp nơi chở đến rất nhiều.

Có lúc ông Tám đang làm công việc, bỗng nhiên xách mác vót lội qua sông (một chi nhánh sông Hậu giang, khoảng rộng độ 300 thước) nhắm thẳng hướng Bảy Núi mà đi. Đường sá lúc bấy giờ (vào khoảng năm 1888) chưa có, vẫn còn rừng bụi đầm lầy. Từ Thốt Nốt đến núi Tượng trên 100 cây số đưòng rừng, mà đến chiều hôm đó, người quen đã gặp ông Tám tại núi Tượng. Không ai biết ông nhớ núi mà đi vội vã như vậy, hay có lịnh Thầy đòi mà đi ? Chính bà Tám cũng không biết chừng nào ông đi, và chừng nào về. Ông Tám ở rất có hiếu với cha mẹ, khi cha mẹ còn thì ông dâng cơm và nước, lúc cha mẹ qua đời, ông cư tang quảy hiếu trọn đời, ăn chay nằm đất, sống kham khổ, không hề sửa soạn bản thân. Một hôm, có người nhà của vị Cai Tổng đương thời (tại Quận nhà của ông Tám) rước ông Tám trị bịnh cho vị Cai Tổng. Ông Tám đến toà nhà nguy nga của Thầy Cai Tổng, sau khi chủ khách chào hỏi xong, ông Tám kéo đèn lên coi chứng bịnh của vị Cai Tổng (đốt ngọn đèn sáp lên, lấy tờ vàng bạc đưa bên kia ngọn đèn mà coi). Xem xong, ông Tám liền nói: “Thầy Cai mắc bịnh nan y, nếu không làm một việc lỗi, thì khó mong chữa lành bịnh”. Thầy Cai Tổng không hiểu làm sao, bèn hỏi ông Tám:

- Việc chi mà ông gọi rằng lỗi ? Dầu phải hao tốn hay khó khăn thế mấy tôi cũng chịu, miễn hết bịnh thì thôi.

- Muốn cứu bịnh cho Thầy thì phải quật mồ ông thân Thầy lên thì căn bịnh mới lành ! Bằng không tôi xin chạy. Ông Tám trả lời.

Thầy Cai Tổng tái mặt hỏi gặn ông Tám:

- Tại sao phải đào mồ cha tôi ? Thầy nói rõ lại nghe coi ?

- Tại vì khi phụ thân của Thầy chết, người ta liệm xác của ông, quên lấy quan tiền dằn trên bụng, đến nay đã đúng thời kỳ nên Thầy phát bịnh đau ngay chỗ dằn quan tiền đó ! (Tiền ta là đơn vị tiền tệ thời xưa, 40 đồng tiền ta kể là một quan).

Thầy Cai Tổng hỏi gằn:

- Thầy dám bảo đảm đúng như vậy không ?

- Nếu không thì tôi chịu tội. Vì tôi vẫn ở lại đây để chứng kiến cuộc quật mồ nầy chớ đi đâu. Ông Tám trả lời.

Người nhà ông Tám nghe ông cam kết như vậy thì thảy đều rụng rời, nếu việc nầy mà không có y như vậy, thì ông Tám sẽ mang tội không thể lường được. Ai đời đi cam kết đào mồ cha của Thầy Cai Tổng đương thời, là việc làm hết sức liều lĩnh.

Một cuộc huy động dân làng đến đập phá cái mã đá của cha Thầy cai Tổng cũng rất lâu (vì mồ mả của người giàu lớn thường xây rất chắc). Khi đập phá xong, bèn cạy nắp quan tài lên. Quả nhiên quan tiền còn nằm trọn trên bụng của tử thi, có khác chăng là tiền kẽm đã quến cục không còn nguyên. Mọi người trông thấy đều lắc đầu le lưỡi !

Từ đó, bịnh của Thầy Cai Tổng lần lần thuyên giảm, Thầy Cai thưởng cho ông Tám một số bạc rất lớn, nhưng ông Tám không nhận, chỉ khuyên Thầy Cai thi ân bố đức để tránh những hậu quả về sau.

22.- PHÁ ÁM CHO NGƯỜI TÍN ĐỒ:

Ngày rằm tháng 5 năm Kỷ Sửu (1889) Đức Bổn Sư truyền cho tất cả tín đồ Nam cũng như Nữ, phải cố gắng học cho thuộc mặt chữ 24 bộ Kinh, để một ngày nào đó Ngài sẽ mở trường thi. Tất cả thiện tín nghe vậy thảy đều lo học đêm ngày.

Trong số tín đồ của Ngài có bà Năm Dội cũng cố gắng học tập không ngừng, nhưng tâm tánh của bà rất tối, dạy đàng trước thì bà quên đàng sau, rốt cuộc bà không nhớ được chữ nào. Người dạy dùm cũng có ý khinh khi không dạy nữa.

Một hôm tan giờ học, các tín hữu ai về nhà nấy, riêng bà Năm ở lại tự học một mình, bà cầm chổi ra quét sân chùa, nhớ lại mình tối dạ bị người khi dể, nên bà vừa quét vừa khóc.

Đức Bổn Sư trong chùa bước ra nhìn thấy:

- Sao chị Năm chưa về ? Ủa, sao chị Năm lại khóc ?

- Bạch Thầy, trò buồn cho thân mình quá ngu tối, học hoài không thuộc, nên tủi thân mà khóc.

Đức Bổn Sư bèn an ủi bà Năm:

- Thôi, chị đừng buồn nữa, để tôi dạy cho.

Ngài dạy cho bà Năm Dội trong ít phút đồng hồ bà Năm liền đọc thuộc làu, chẳng những bà Năm đọc được chiều dọc mà đọc cả chiều ngang và chiều ngược của trang Kinh !

Đến ngày 19 cùng tháng, là ngày đổi phiên vọng U minh của những người Cư sĩ, có đủ mặt các vị Đại đệ tử, Ngài bảo bà Năm cầm dùi mõ để hướng dẫn Cư sĩ tụng kinh, bà Năm đọc không vấp một chữ nào. Khi cúng xong, Bà Năm lại còn tụng ngược một quyển kinh, khiến cho các Cư sĩ vô cùng kinh ngạc !

Đức Bổn Sư cho tín đồ biết rằng: Khóa thi nầy bên phái Nữ đậu hạng nhứt. Ngài còn khuyến khích các tín đồ:

- Anh chị rán cố gắng, bằng không sẽ còn rớt nhiều.

Bởi Ngài biết đa số tín đồ hiện giờ, người thì chấp nê văn tự, tầm chương trích cú. Kẻ thì chấp nê hình tướng, chớ ít người trì tâm tưởng niệm. Do đó Ngài ngâm lên bài Kệ sau đây để răn bảo tín đồ:

Phật dạy lý chơn không
Vì sợ người chấp có
Bằng người lại chấp không
Như chụp Thỏ buông Ó
Người chấp vô thường tướng
Phật nói hữu thường tâm
Chẳng dè phương tiện pháp
Ao xuân hiện lỗi lầm
Ta nay công chẳng vụng
Phật tánh hiện rõ ràng
Chẳng nhờ Sư chỉ giáo
Không đắc đạo cao thâm.

B- PHẦN HIỆN TẠI

I.- NHỮNG DI TÍCH VÀ GIÁO LÝ ĐƯỢC LƯU TRUYỀN

Sau ngày Đức Bổn Sư viên tịch, Hệ phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa tuy không phổ biến được rộng thêm ra nhưng căn bản hành đạo và sự tín ngưỡng vẫn được duy trì, những điều giáo hóa của Ngài, tín đồ vẫn noi theo.

Tuy nhiên, không thể tránh khỏi một vài bất đồng nhỏ của các ông Trò, ông Gánh. Những bất đồng giữa các ông Trò tuy không bộc lộ bằng hành động, nhưng sự hòa hợp không được đồng nhứt như thuở Đức Bổn Sư còn tại thế.

Cũng chưa ai biết nguyên nhân nào mà sau ngày Đức Bổn Sư viên tịch, nghi thức hành đạo của mỗi thôn có những điểm khác nhau ? Nếu hỏi những ông có trách nhiệm tại mỗi thôn, thì được nghe trả lời gần giống nhau:

-Những điều đó không phải đời sau dám cải sửa, mà làm đúng theo lời Đức Tổ đã dạy hồi Ngài còn tại thế đấy chứ ! Ngài giáo hóa mỗi thôn mỗi khác nhau mà !

Nghe trả lời thế đó, chắc không còn ai lấy lý gì mà hỏi thêm nữa được. Vì căn cứ theo lời của các ông thì Đức Tổ đã tùy theo phong hóa của từng địa phương mà dạy dỗ kia mà. Nhưng chúng tôi không khỏi hoài nghi với tánh chất không đồng nhứt của một mối đạo cùng một nguồn gốc, cùng một thời gian truyền bá giáo lý, chờ có dịp thuận tiện, chúng tôi sẽ tìm hiểu thêm xem có đúng như vậy chăng ?

1.- NHỮNG DI TÍCH CHÙA MIỄU XƯA VÀ NAY:

Như những phần trước đã nói, Đức Bổn Sư hướng dẫn tín đồ vào núi Tượng khai hoang, truyền đạo và Ngài thành lập ra được 4 thôn: An Định, An Hòa, An Thành và An Lập.

Ngài sắp đặt tín đồ đến đâu thì việc đầu tiên của khu định cư là thiết lập Chùa miễu. Vì căn bản tu học phải có nơi thờ phượng, tàng trữ kinh điển, tụng niệm Lễ bái. Chùa miễu cũng là nơi tập trung tín ngưỡng và truyền bá giáo lý v.v…

Tính theo thứ tự thời gian, kể từ Ngài đến núi Tượng vào ngày 19 tháng giêng năm Bính Tý (1876) đến năm Ngài Viên tịch : 13 tháng 10 năm Canh Dần (1890). Trong 14 năm đó, Ngài thiết lập được những ngôi chùa miễu sau đây:

- Ngày 19 tháng 11 năm Đinh Sửu (1877) dựng Đình và PHI LAI TỰ.

- Ngày 20 tháng 02 năm Kỷ Mão (1879) dựng ngôi THANH LƯƠNG TỰ.

- Ngày 01 tháng 06 năm Canh Thìn (1880) dựng ngôi MÃ CHÂU MIẾU.

- Ngày 19 tháng 06 năm Canh Thìn (1880) dựng ngôi SƠN THẦN MIẾU.

- Ngày 15 tháng 02 năm Nhâm Ngũ (1882) dựng ngôi PHỔ ĐÀ TỰ.

- Ngày 26 tháng 06 năm Nhâm Ngũ (1882) dựng ngôi TAM BỬU TỰ.

- Ngày 29 tháng 10 năm Quí Mùi (1883) dựng ngôi CHÂU LINH TỰ.

- Ngày 19 tháng 01 năm Giáp Thân (1884) dựng thêm PHI LAI TỰ.

- Ngày 30 tháng 04 năm Giáp THÂN (1884) dựng ngôi LONG CHÂU TỰ.

- Ngày 09 tháng 06 năm Giáp Thân (1884) dựng ngôi LINH BỬU TỰ.

- Ngày 29 tháng 8 năm Giáp Thân (1884) dựng ngôi TÚ DƯƠNG MIẾU.

- Ngày 19 tháng 10 năm Ất Dậu (1885) dựng ngôi VẠN BANG MIẾU.

- Ngày 19 tháng 04 năm Bính Tuất (1886) dựng ngôi MỘC HƯƠNG (Phi Lai).

- Ngày 19 tháng 02 năm Mậu Tý (1888) dựng ngôi MIỄU BÀ.

- Ngày 16 tháng 04 năm Kỷ Sửu (1889) dựng ngôi TAM BỬU TỰ (An Hòa).

- Ngày 27 tháng 04 năm Kỷ Sửu (1889) dựng ngôi KIM TRA, MỘC TRA.

Chúng tôi chỉ ghi lại những ngôi chùa miễu lớn, còn những ngôi miễu nhỏ ở rải rác khắp 4 thôn rất nhiều, chưa tiện biên hết ra đây. Những ngôi chùa miễu đã nêu trên, chỉ một ít còn giữ nguyên bản chất cũ của Ngài đứng ra thiết lập, kỳ dư đã bị giặc Pháp và Miên đốt phá, hủy hoại, có ngôi chùa phải tái thiết đến ba lần ! Nhìn vào thời gian xây cất chùa miễu, chúng ta không khỏi thắc mắc, tại sao có năm xây cất rất nhiều (như năm 1884) có năm lại không xây cất ngôi chùa miễu nào ?

Sự kiện nêu trên, không phải Đức Bổn Sư dựa vào ngày lành tháng tốt, hoặc vật liệu xây cất chưa đủ, mà những thời gian ấy là lúc gặp pháp nạn, nếu không bị giặc khủng bố, đốt phá chùa miễu, thì cũng bị chúng theo dõi bắt Ngài. Tín đồ lớp thì trốn chui, trốn nhủi, lớp thì lo bảo vệ Ngài, có rảnh đâu mà lo cất chùa chiền!

2.- TỔ CHỨC HỘI CHÙA VÀ PHÂN PHỐI TRÁCH NHIỆM.

Sau khi Đức Bổn Sư viên tịch, các vị cao đồ của Ngài nhóm hợp lại, thành lập một tổ chức để bảo vệ chùa miễu, phân công mỗi vị có tên tuổi trong đạo thảy đều có trách nhiệm rõ ràng, để tránh vấn đề “nhiều sãi không ai đóng cửa chùa”.

Do đó các ông Trò công cử ra sáu vị có trách nhiệm quản trị tất cả chùa miễu, hội nầy gọi là “Lục Viên”. Hội Lục Viên đề cử ra mỗi chùa miễu có một Ban Quản Tự. Trong Ban Quản Tự có ba vị: Một vị Thủ Tự (ông Từ) có trách nhiệm hương khói thường xuyên, quét dọn chùa miễu, tiếp khách thập phương, sắp xếp các vụ lễ lộc, dâng cúng. Một vị Thông Tin coi sóc mọi chi tiết lễ nghi, thông báo, chỉ dẫn cho tín đồ những điều cần thiết và phụ trách với ông Thủ Tự trong những ngày cúng Tam ngươn Tứ quý. Nhiều vị Cư sĩ luân phiên nhau vấn đề công phu, tụng niệm, sớ điệp cúng kiếng và kiểm soát toàn bộ công việc chùa miễu. Nếu có điều gì quan trọng thì các vị nầy phải lập tức thông báo và trình bày cho Hội Lục Viên hay, để kịp thời sắp xếp và lo liệu.

3.- TRUYỀN NHÂN HAY CÁC ÔNG TRÒ, ÔNG GÁNH KẾ TIẾP:

Phật Giáo Bửu Sơn Kỳ Hương nói chung không có vấn đề truyền thọ Y Bát như Thiền tông (thực tế cũng không có Y bát). Kể từ Đức Phật Thầy Tây An đến Đức Bổn Sư đều tùy theo hoàn cảnh, tâm thành, khả năng, đức hạnh của người tín đồ mà truyền thọ Phật pháp. Các Ngài cũng không truyền lại cho một người toàn quyền quyết định vận mạng của Đạo, mà tất cả tín đồ ai cũng được tiếp tục truyền bá giáo lý Học Phật Tu Nhơn của Phật Giáo BSKH. Nhưng người tín đồ ấy phải là hạng tâm thành tôn thờ Tứ Đại Trọng Ân, sử Thập Điều, phụng hành nghi thức của Đạo.

Căn cứ theo bộ Siêu Thăng kinh, có liệt kê danh sách của những vị Cao đồ và Bá gia đã từng gian khổ với Đạo pháp…khi Ngài còn tại thế, cộng tất cả là 360 vị. Trong đó chia ra nhiều đẳng cấp : 216 vị hết lòng vì Đạp pháp, 72 vị Vật Sĩ Sư (như Ưu Bà Tắc của nhà Phật), 36 vị Nữ Bồ Tát (như Ưu Bà Di của nhà Phật), 36 vị Cô Phòng Niệm (như Nữ tu sĩ đã ly gia cát ái).[ Một trong Bộ Kinh Bàn Đào, kinh Siêu Thăng có ý nghĩa về câu siêu, trì niệm để cứu độ vong linh của các đấng tiền nhân; lập thành bản danh sách những người tín đồ trung kiên của đạo Hiếu Nghĩa .

Trong 360 vị được nêu danh trong Siêu Thăng kinh, hiện nay được đọc tụng danh sách thường xuyên trong những ngày Vía, ngày cúng lớn tại các chùa miễu…..nầy không được tụng niệm tại nhà riêng. Người đời thường gọi 360 vị nầy đã được vào “Bảng Phong Thần” của Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa.

Sau ngày Đức Bổn Sư viên tịch, những ông Trò có uy tín và lập căn cứ tại 4 thôn Ngài đã thành lập, được thay Ngài mà nắm giữ giềng mối Đạo pháp. (Ông Trò là những vị đệ tử thường theo bên Thầy và phát huy ý tưởng của Thầy. Ông Gánh là người được giao trách nhiệm trông nom việc Đạo thay Thầy. Ông Gánh cũng từ trong hàng ngũ ông Trò mà ra). Xin liệt kê Danh sách sau đây (Danh sách nầy không phân biệt thứ tự, chỉ ghi theo Tài liệu): - Ông Trần Tịnh, pháp hiệu là Thiện Căn.

- Ông Ngô Tự Nhiên, pháp hiệu là Phụ Tăng.

- Ông Nguyễn Thập, Nguyễn Pháp, Nguyễn Huấn, Nguyễn Qui tức là Chánh Hưng. Bốn ông nầy cùng một Pháp hiệu là Nguyễn Siêu Phàm.

- Ông Nguyễn Mầu pháp hiệu là Thượng Tín Hạ Thành.

- Ông Tư Tời, pháp hiệu là Chí Thành.

- Ông Nguyễn văn Tàng pháp hiệu là Viễn Đạt Sở Thành.

- Ông Nguyễn Nhựt

- Ông Nguyễn Thanh Liễu tức là ông Câu (?) Củi pháp hiệu Tín Thành.

- Ông Lương Nhàn.

- Ông Ngô Đời tục gọi là Nguyễn Nhiều.

- Ông Hương Hào Kim.

- Ông Nguyễn Vui.

- Ông Nguyễn Văn tức là Hương Chủ Sách.

- Ông Lê Dưỡng còn gọi là Đình Dưỡng.

- Ông Phạm Tồn.

- Ông Nguyễn Dươn.

- Ông Bộ Phước tức là Nguyễn Lệ.

- Ông Chủ Triệu.

- Ông Hai Đăng pháp hiệu là Chân Tăng

- Ông Cao Đồn pháp hiệu Chánh Quả.

Đây là những vị có căn cư trong 4 thôn (An Định, An Hòa, An Thành, An Lập) nắm giữ giềng mối Đạo, còn nhiều vị khác được Đức Bổn Sư phái đi khắp nơi truyền Đạo và trị bịnh cứu đời, chúng tôi chưa tìm ra tông tích. Riêng những vị cao đồ đã nêu trên, khi qua đời trong hàng con cháu có người nào rành nghi thức hành đạo, theo qui tắc của Đạo thì thay vào địa vị Trưởng Gánh. Bằng không, tín đồ trong gánh đó xem xét trong hàng Cư sĩ có vị nào đầy đủ Đức Hạnh, Đạo pháp, người ấy sẽ được cất nhắc lên mà thay thế. Cứ như thế mà kế tục cho đến ngày nay. Những vị nắm giềng mối Đạo sau nầy, tuy không phổ biến Đạo pháp xa hơn, nhưng họ cũng cố gắng gìn giữ Đạo pháp rất tròn. Hiện nay có nhiều Gánh tín đồ rất sung túc và đông hơn lúc trước. Có Gánh ở nhằm vị trí giặc giã, bị đạn bom tàn phá nên gây ra lắm cảnh điêu tàn xơ xác.

Phần nầy, chúng tôi xin hứa khi tìm được thêm tài liệu của những vị đi truyền Đạo hoặc trị bịnh cứu đời phương xa (như ông Trần ở núi Nứa, ông Sư ở Cù lao Ông Hổ, bà Hà thị Hương tức Bà Nam Dội ở Cỏ Lao và có một vị Đại đệ tử ở Cao miên, nhưng chúng tôi chưa tìm ra tài liệu. Nhờ Thiện tín giúp tài liệu của các vị nầy). Nếu có thêm tài liệu xác đáng, chúng tôi sẽ ghi thêm vào kỳ tái bản.

II.- CÁC PHÁP MÔN CỦA ĐỨC BỔN SƯ GIÁO TRUYỀN

Đức Bổn Sư cũng giáo hóa người Tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa theo Phật pháp Thiền Tịnh song tu, và nhập thế gian Tu Nhơn Học Phật như Đức Phật Thầy Tây An. Ngoài căn bản đã nêu trên, Ngài còn dạy tín đồ trau giồi thêm công quả để bổ túc vào sự quá dễ dãi của thuyết Học Phật Tu Nhơn và phải rèn luyện cho đúng nghĩa câu : Phật Thánh Tiên tam giáo đồng nguyên.

1/-Trì Niệm theo Thiền Tông:

Ngoài sự trì niệm pháp trường (108 hột) để phụng kinh chư Phật và cầu siêu cho những vong linh quá vãng ra, người Cư sĩ tại gia còn phải liên niệm pháp tay (18 hột) để cho Tâm, Ngữ, Ý không rảnh rang mà vộng động, Tà thuyết không có chỗ trống mà nhập vào.

2/-Xử sự theo Nho Giáo:

Phép xử thế của người tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa phải cư xử đúng theo tinh thần Nho giáo, ví như: Kính Trời đất, Trọng Thần Thánh, Thờ phụng Tổ Tiên, Ở thảo với Cha mẹ, Giữ phép nước, Trọng Thầy, Yêu mến Anh em, Giữ chữ Tín với Bạn bè, Có nghĩa với bà con, Hoà thuận và giúp đỡ xóm làng v.v…

3/-Rèn luyện Tinh Khí Thần theo Lão Giáo:

Ngoài việc Tu thân xử thế theo Phật Thánh ra, Ngài còn giáo hóa cho tín đồ rèn luyện Tinh, Khí, Thần theo phương pháp của Lão giáo. Sau đây chúng tôi xin trích một đoạn trong Tam Mao Chơn Kinh :

…Cốc hư ứng thinh,
Tâm hư ứng Thần,
Thần hư ứng Khí,
Khí hư ứng Tinh
Hư cực tắc minh,
Minh cực tắc quýnh.
Siêu hồ tinh thần,
Nhi vô tử sanh.
Tinh tùng nội thủ,
Khí tự ngoại sanh,
Dĩ khí thủ Tinh
Khả dĩ trường sanh.

Lược dịch:

Cái hang trống gió luồng vào có tiếng kêu. 
Tâm mà đặng trống không thì ứng đến Thần. 
Thần mà trống không thì sẽ ứng đến khí huyết. 
Khí huyết mà được trống không thì ứng đến tinh thần.

Nếu luyện đến Tinh, Khí, Thần đều trống không (Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc) thì mọi nẻo tối tăm đều sáng lán, khi sự sáng đến cùng tột thì ánh sáng ấy sẻ tỏa ra ngoài (hào quang) Tinh thần đến bực Siêu việt như vậy, thì không còn lẩn quẩn trong vòng sanh tử nữa…

4/-Ấn khuyết, Thần chú theo Mật Tông:

Ngài cũng chú trọng việc truyền thọ Ấn Khuyết Thần chú như Mật Tông của nhà Phật, nên ngoài vấn đề tụng niệm ra tiếng, người Cư sĩ niệm thầm và tập rèn ấn khuyết hết hai phần mười những giờ giấc tu học.

Truyền rằng: Khi Ngài còn tại thế, Ngài khuyên tín đồ gắng công luyện rèn Ấn chú, để đến chừng lập Hội Long Hoa, những người có duyên dự Hội không thể nói bằng lời, chỉ sử dụng ấn chú mà thôi. Và những câu chú, tay ấn sẽ biến hóa theo từng việc.

Phải chăng, trong 14 năm giáo truyền, Đức Bổn Sư đã rút tỉa các pháp mà dạy tín đồ từ cấp Sơ đẳng cho đến Cao đẳng, để bổ túc vào sự quá giản dị của Đức Phật Thầy Tây An ? Nhưng sau khi Ngài viên tịch thì các pháp của Ngài có đôi phần sai lạc. Ví như, phần rèn luyện Tinh Khí Thần có người biến nó ra thành bí quyết tu luyện độc thân nơi am cốc, cầu kỳ với bản ngã, coi như mình đã đắc pháp với Tiên gia, thể xác lập dị, không còn hòa hợp với người đời hoặc các tôn giáo khác ! Phần Ấn khuyết Thần chú theo Mật tông, thì có người đã biến ra thành ấn khuyết bùa chú của Thầy Phù Thủy để sái đậu thành binh, điều Thần khiển quỉ.v.v…

Tuy nhiên, vì hoàn cảnh, thời cuộc, người tín đồ dầu có muốn đi xa hơn thế nữa cũng chưa hẳn có một thời gian cho phép, một không gian thuận tiện để nghiên cứu các pháp môn của Ngài cho tinh tường hơn. Và cũng chưa ai dám hy sinh bản ngã mà thực hiện đường lối tu học của Ngài cho đến nơi đến chốn.

Do nếp sống hiện tại và sự sinh hoạt xã hội, gần như bắt buộc người tín đồ vẫn còn giữ đúng theo căn bản đạo đức, giới luật đại khái, không làm ngược lại tôn chỉ Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Về nghi thức hành đạo thì họ vẫn thực hiện, những điều dễ dàng của người Cư sĩ tại gia, về các bí pháp cao siêu chỉ thể hiện theo thông lệ đã có từ trước, chớ chưa có vị nào đeo đuổi mà nghiên cứu các pháp cho tinh tường hơn.

5.- KINH CHÚ, GIẢNG VÀ SẤM NGỮ:

Kinh giảng của Hệ phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa rất nhiều, chia ra đủ hình thức, danh xưng. Phần trì tụng ở chùa miễu, phần công phu bái sám tại tư gia, phần tụng niệm khi cúng dường, phần đặc biệt dành cho ngày lễ, ngày vía. Ngoài ra còn có phần dành để mật niệm (phần nầy có nhiều ẩn ngữ và kinh chú tiếng Phạn).

Nội dung kinh điển cũng có lắm khác nhau, có quyển luận về pháp Thượng thừa của nhà Phật (như Kim Cang, Bát Nhã) có quyển luận về xử sự Đạo hiếu, báo đáp Tiên linh (như kinh Hiếu Nghĩa) có quyển ghi danh tánh của những vị cao đồ hoặc trung thành hoặc tử vì Đạo pháp (như Siêu Thăng kinh). Có quyển ghi chép những danh sách của liệt vị Thánh Hiền Tiên Phật cổ kim (như Phổ Độ kinh) có quyển ghi danh tánh của những Hung thần ác sát (như Cảm Ứng kinh). Phần nhiều kinh kệ nầy, thường có Thần chú chữ Phạn. Đặc biệt như quyển THIÊN ĐỒ KINH có nhiều bài KỆ vần điệu rất điêu luyện, từ ngữ rất văn hoa. Nhưng về ý nghĩa rất bí hiểm, lắm khi dùng một địa danh khác, nhứt là địa danh nước Tàu thời cổ để ám chỉ vào một tai họa sắp xảy đến, hoặc thời thế biến thiên vào một không gian cũng như thời gian nào đó, khó mà đoán chắc được. Xin trích một vài đoạn trong Thiên Đồ Kinh làm thí dụ:

Yên Triệu vô nhơn chưởng
Ngô Việt thậm xướng cuồng.

Có nghĩa là :

Nước Yên nước Triệu không người gieo giống
Nước Ngô nước Việt rất khờ dại.v.v…

Cũng có đoạn nói về các cuộc binh biến, giặc giã hỗn loạn rất ghê gớm, nhưng không biết những sự kiện đó xảy ra tại không gian và thời gian nào ? Năm tháng thì tính theo Can Chi như phương pháp tính ngày tháng của Tàu, nên không thể dám quyết đoán chuyện đó xảy ra vào một thời kỳ nhứt định nào ? Lại những đoạn khác:

Binh tướng như phong võ
Xuẩn xuẩn khới tứ phương
Nam nhi giai khứ tận
Phụ nữ vận y lương

Có nghĩa là:

Binh tướng như giông bão
Chen lấn dậy bốn phương
Trai tráng đều đi hết
Phụ nữ phải vận lương.

Theo bài Kệ trên đây, nghĩa đen là vậy, nhưng không biết ẩn ý vào việc gì ? Thời nào ? Và địa phương nào ?

Cũng có đoạn đọc lên thấy rằng trong ấy có ẩn ý chiết tự (nhiều chữ phụ ráp lại thành chữ chánh). Nếu là chiết tự thì không thể giải nghĩa nghe cho được, nhưng cũng không ai hiểu chiết tự như thế nầy rồi ráp ra thành chữ gì ? ám chỉ vào thời nào ? Nhơn vật nào ? Ví như:

Tam nhơn lưỡng Đinh danh tri phủ
Vấn tánh thốn mộc liên tam khẩu
Ngô diệt vi chi vị hiển dương
Tương phùng định tại Dần Mẹo hậu ?

6.- TAM SAO THẤT BẢN:

Tất cả kinh điển đã có từ ngày Đức Bổn Sư còn tại thế, đến nay đã gần cả trăm năm (1876 - 1971), trong suốt thời kỳ dài dẳng đó, sao đi chép lại không biết bao nhiêu lần, qua không biết bao nhiêu người viết, nhưng sự sao chép quan trọng ấy chỉ chép toàn bằng tay!

Sự sao chép bằng tay, rất dễ sai lạc với bản chánh, bởi những Ban tu thơ đó chưa hẳn là người rành chữ Hán, chẳng những cho một thời kỳ mà qua nhiều thời kỳ sao chép.

Lúc đầu còn thận trọng, trong tổ chức sao chép có người giữ đúng vai trò coi sóc việc sao chép (văn hay chữ tốt). Lâu dần đạo càng phổ biến rộng, có nhiều cơ sở chùa miễu, cúng kiếng tụng niệm thường xuyên và nhiều người tụng niệm, nên nề nếp tổ chức cũ không còn nữa. Ai chép cũng được, miễn có số lượng cho nhiều đủ cung ứng cho nhu cầu thì thôi. Tai hại nhứt là những người ham tập viết để biết chép kinh, viết sớ điệp v.v…(trong số kinh điển gần đây, phần nhiều là số người sau nầy chép).Hơn nữa, hình thức chữ Hán là lối chữ khó học, khó viết nhứt, cho đến cả Thế giới thảy đều chạy mặt sự rắc rối của nó. Mặc dầu người học giả đi nữa khi quên một chữ nào thì rán mà chịu, chớ không có vần đâu mà ráp lại như chữ La Tinh, nếu viết sai một phết hay một chấm tức nhiên chữ ấy biến âm và nghĩa khác. Có lắm khi “đồng âm” mà “khác chữ” đọc lên nghe cùng một âm mà viết ra thì thì chữ và nghĩa khác nhau rất xa.

Do đó, mà sự “Tam Sao Thất bản” nó đem đến cho nhiều câu kinh, kệ chẳng những sai nghĩa, lạc vần mà thôi, lại còn lắm câu ý nghĩa trở nên ngớ ngẩn nữa là khác. Chúng tôi xin đưa ra một ít thí dụ để cùng trao đổi và nhận xét. Trích hai câu Kệ trong kinh Siêu Thăng:

…Linh hồn hấp tợ nhứt cô “châu”
Triêu triêu nhựt nhựt thủy thượng du

Có nghĩa là:

Linh hồn của các bậc tiền nhân tợ như chiếc thuyền mồ côi, sớm chiều thả trôi theo giòng nước (bập bình không biết bến đâu mà ghé v.v…) Trong hai câu Kệ nầy, chữ “châu” (chiếc thuyền) là Chủ từ, nó Đại danh từ cho Linh hồn. Tam sao thế nào đó, lại biến chữ “châu” ra thành chữ “Đơn”. Chữ Đơn chỉ khác hơn Châu có một phết nhỏ trên đầu, mà biến ý nghĩa và vần điệu của bài Kệ nầy không còn biết ra làm sao cả ! Vì chữ Đơn nghĩa nó là Đỏ (sắc màu).

Một thí dụ khác, như bài Kệ trong Hiếu Nghĩa kinh, đoạn kể về Lịch sử của Đức Bổn Sư:

…Ngô bổn tôn (tông) sở hiệu
Kế đạo sở thành năng…

Có nghĩa là :

Danh hiệu vốn dòng họ Ngô
Nối theo mối Đạo đã thành đạt. (BSKH)

Có lễ đây là một trong trường hợp “Đồng âm dị tự” (đồng âm mà khác nghĩa) khi đọc lên âm điệu vẫn giống nhau, mà ý nghĩa khác nhau như đen với trắng. Vì sao chép ra chữ “Ngô” và chữ “Tôn” nghĩa là Cao (Tôn ty =: Cao thấp) chớ không phải chữ “Tôn” # “Tông” nghĩa là dòng họ. “Ngô Bổn Tôn” =: Vốn dòng họ Ngô. Đàng chép lại “Ngô Bổn Tôn”: Ta vốn cao .v.v…Như thế thì e cho ý nghĩa cách nhau quá xa ? Hơn nữa, Phật vốn ghét cái “Ta” (bản ngã) ở đây chẳng những xưng “Ta” mà còn thêm “Tự Tôn Tự đại” nữa, do dó mà chúng tôi có thể tin chắc rằng tại Tam sao Thất bổn làm sai lạc ý nghĩa, chớ trường hợp nầy không thể nào xảy ra được.

Còn nhiều điểm tương tợ, nhưng khuôn khổ quyển sách quá chật hẹp, nên không tiện trích lục hết ra đây được, để chúng ta cùng tìm hiểu thêm. Tuy vậy, nhưng hiện giờ tín đồ thấy sao thì đọc vậy, vì họ cùng quan niệm rằng: Hồi trước viết sao thì mình tụng vậy, chớ không dám cải sửa.

Chúng tôi cũng không dám phê phán ý kiến của quý vị đó là phải hay sai, nhưng cũng xin đóng góp vào mục nầy một ít ý kiến thô thiển: “Căn cứ theo Phật sử, 4 tháng sau khi Đức Thích Ca Mâu Ni nhập Niết Bàn, các vị cao đồ nhứt là hai ông A Nan và Ca Diếp triệu tập tất cả những vị Đạo cao Đức dài trong Đạo lại, với mục đích là kết tập những lời giảng dạy của Ngài trên 40 năm mà chép thành kinh điển. Trên 2.000 năm sau, có những vị cao đồ quán thông Phật pháp cổ kim như hai Ngài: Mã Minh và Long Thọ Bồ Tát cũng kết tập và san định Phật kinh lại. Nhờ đó ba tạng Kinh, Luật, Luận của Phật cho đến ngày nay (đã hơn 20 thế kỷ) rất ít sai lạc từ chữ đến ý.

Nếu những vị có trách nhiệm của Hệ phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa cứ thấy sao đọc vậy, thì chúng tôi sợ e giáo lý của Đức Bổn Sư càng ngày càng sai lệch căn bản chơn truyền đi chăng ?

III.-GẦN ĐÂY TÍN ĐỒ VẪN CÒN GÁNH CHỊU PHÁP NẠN.

Từ ngày Đức Bổn Sư viên tịch, tín đồ tại thôn nào thì theo sự hướng dẫn của ông Trò, ông Gánh của thôn nấy, đó là những tín đồ đã lập căn cư tại bốn thôn. Còn những tín đồ ở nơi khác, vì hoàn cảnh gia đình, thời cuộc và sanh kế mà họ không qui tụ về đây được, nhưng họ vẫn giữ Đạo, mỗi năm đến mùa cúng vào 5 năm tháng đầu năm, hoặc những ngày Vía, ngày Lễ họ vẫn đến lễ bái mỗi năm ít nhứt là hai lần.

Khi người tín đồ từ bốn phương có về núi Tượng, cũng không khác nào người có căn gốc tại đây, nghĩa là ai ở gánh nào do ông Trò hoặc Cư sĩ của gánh đó lo cho họ. Sinh hoạt giáo sự đều đặn như vậy trong vòng 40 năm. Đến năm Canh ngũ (1930) các vị cao đồ xét thấy việc cất chùa miễu bằng tranh, lá sẽ gặp nhiều tai kiếp hỏa hoạn, nên cổ động tín đồ đóng góp vật liệu và tài chánh, xây cất lại tất cả chùa miễu bằng Xi măng tráng nền, lợp ngói, vách xây bằng gạch, đá v.v…Từ đó, những ngôi chùa miễu không còn mang sắc thái đơn sơ mái tranh vách lá nữa, mà hầu hết đều mang sắc màu vôi ngói, hòa lẫn với màu non xanh rừng thẳm của Thất Sơn Huyền Bí.

1/-PHÁP NẠN LẦN THỨ TÁM:

Đến năm Ất Dậu (1945), nghĩa là 15 năm sau ngày tín đồ chung đậu xây cất chùa miễu bằng vật liệu nặng, đất nước Việt Nam trải qua một cơn sốt chiến tranh hãi hùng, vì mục đích đánh đuổi Thực dân ra khỏi nước Việt, nên các người hữu trách lúc bấy giờ ra lịnh đập phá tất cả những gì xây cất bằng vật liệu nặng. Viện cớ rằng nếu để những cơ sở nầy thì giặc Pháp sẽ chiếm làm Đồn, Bót v.v…

Do đó, người tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa phải cắn răng đập phá những cơ sở trước đây chính mình đã dày công xây dựng, thành ra những ngôi chùa miễu trước kia cất bằng tranh lá hôm nay nó cũng trở lại với màu sắc gian khổ của lá tranh. Có điều họ không nở hủy hoại hoàn toàn, nên van xin với những người có quyền lúc bấy giờ, cho phép họ phá tường tuôn ngói, khỏi phải triệt hạ đến sườn nhà. Từ đó, chùa miễu mang thể chất mái lá, nền đúc, vách tranh. Dầu cho chùa ngói vách gạch, hoặc mái lá vách tranh, người tín đồ vẫn tôn trọng giá trị tinh thần như nhau, vẫn thường xuyên bảo vệ và công phu bái sám…

2/- PHÁP NẠN LẦN THỨ CHÍN:

Phải chăng Hệ phái Tứ Ân Hiếu Nghĩ vẫn còn thiếu “quả căn” với người Pháp ? Nên vào ngày 24 tháng 7 năm Đinh Sửu (1949) chúng lại tấn công vào núi Tượng, đốt sạch tất cả chùa miễu và hằng ngàn gia đình của tín đồ, bắn giết rất nhiều người vô tội. Bắt đem đi giam cầm, tra tấn hằng trăm người. Lần nầy tài sản tiêu hao không kể xiết.

Năm hôm sau, tín đồ qui tụ về cảnh cũ nền xưa, chỉ còn nhìn những đống tro tàn và dụng cụ cháy bể ngổn ngang. Những nạn nhơn tuy phải sống với cảnh màn trời chiếu đất, thiếu cơm áo, thuốc men, cũng không quên dựng lại những ngôi chùa cháy đổ và che tạm những túp lều để đở nắng che mưa. Từ đó, sinh hoạt giáo sự phần nhiều là lúc về đêm và hạn chế tụ hợp đông đảo trong những ngày lễ lộc.

Người tín đồ TÂHN chịu quá nhiều lần pháp nạn, ban đầu họ còn lo sợ tai ách, thét rồi gần như thản nhiên trước sự chết chóc. Cháy mái nhà nầy che lại mái khác. Giặc triệt hạ ngôi chùa nầy tái thiết ngôi chùa khác. Họ có thừa đức tin kiên nhẵn trong vấn đề bảo vệ cơ sở của Thầy Tổ.

Chịu đựng như thế đó cho đến năm 1966, các ông Gánh mới hợp cùng tất cả tín đồ, kẻ công người của dang tay nhau tái thiết lại những ngôi chùa miễu đã bị hủy hoại cũng bằng vật liệu nặng. Nhưng lần nầy họ xây cất những ngôi chùa miễu có vẻ tân kỳ và chắc chắn hơn. Mỗi khi có Lễ lộc lớn thập phương Bổn Đạo tề tựu về càng đông hơn.

3/- SỰ SINH HOẠT CỦA NGƯỜI TÍN ĐỒ HIỆN NAY:

Như đã nói ở phần trước những vai trò của các ông Gánh và người tín đồ về sinh hoạt giáo sự. Ở đây chúng tôi xin nói đến sự sinh hoạt của người tín đồ ngoài xã hội.Thôn An Định (hiện nay là ấp An Định xã Ba Chúc, quận Tịnh Biên, Châu Đốc) được coi là Trung tâm hay nơi phát nguyên của Hệ phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Vì nơi đây là địa điểm đầu tiên của Đức Bổn Sư khai sáng nền Đạo. Hai ngôi chùa: Phi Lai và Tam Bửu là nơi Đức Bổn Sư cư ngụ và trì niệm. Do đó mà các Lễ lộc lớn đều tập trung tại đây.

Sự sinh kế của tín đồ cũng gồm đủ các nghề: Nông, công nghiệp và thương mãi như những nơi khác trong toàn quốc, nhưng với tánh cách Thủ Công nghiệp cổ truyền chớ chưa được Kỹ nghệ hoá hay nhờ sự giúp đỡ kỹ nghệ hóa. Đặc biệt tại địa phương nầy là nghề nhổ Bàng đương Đệm. Khoảng 5 giờ sáng là nghe tiếng giã bàng từ đầu làng đến cuối xóm. Nguồn lợi Đệm ở đây cũng rất lớn, nếu họ tìm cách thay kỹ nghệ vào Thủ công thì chắc chắn nền Kinh tế của nước nhà sẽ thêm được một thị trường Đệm đáng kể.

Gần đây nghề nhổ Bàng cũng bị sa sút rất nhiều vì những nơi cây bàng mọc nhiều và tốt thì an ninh không được bảo đảm có lắm người phải bỏ xác nơi vùng ruộng bàng ! Do đó mà sự đi lại tìm nguồn lợi thiên nhiên nầy càng ngày càng gặp nhiều khó khăn.

Nếp sống của người tín đồ Hiếu Nghĩa cũng không quá đua đòi theo vật chất, vì phần đông đều để tóc dài, nên sự trang phục không đòi hỏi theo thời trang quá tốn kém. Dầu phải lăn lộn với cuộc sống người tín đồ vẫn giữ Đạo, mến Đạo, không hề bỏ qua những Lễ lộc căn bản của Đạo, dầu phải làm lụng vất vả cũng không bỏ qua một thời lễ bái công phu trước mọi thực cảnh dầu an nguy, tiếng kệ hồi chuông vẫn đều đều theo sớm tối.

IV.- HỆ PHÁI “TỨ ÂN HIẾU NGHĨA” TRƯỚC THỜI CUỘC.

Nếu không trình bày đầy đủ trên trang giấy, chắc chắn không mấy ai hiểu được trọn vẹn nỗi khó khăn, cay đắng của người tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Có nhiều người thường bảo: Đi tu là tự mình đã chấp nhận mọi thử thách gian nan. Nếu còn vướng bận vật chất xa hoa, tốt hơn đứng ngoài thế tục để đua chen danh lợi.

Chẳng biết có phải vì thế đó mà Đức Bổn Sư mới chọn một không gian đặc biệt, đầy đủ sự khó khăn thử thách để rèn luyện người tín đồ ? Hơn nữa, sự kiện khó khăn ấy nó kéo dài không dứt. Thời gian và không gian ấy nó đủ sức gạn lọc những cặn bã và tinh hoa trong giới tín đồ, khác nào một cuộc chạy đua đường trường mà không qui định thời gian tới mức hơn thua. Và loạn lạc nhiễu nhương càng kéo dài thì con người rất dễ dàng lộ ra chân tướng “Con Phật, Phật dẫn, Con ma, ma dắt”.v.v…

Căn cứ theo sử liệu, kể từ ngày Đức Bổn Sư khai sáng nền đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, đến lúc Ngài hướng dẫn tín đồ vào núi Tượng thì nền đạo của Ngài phải “hứng trọn” thời kỳ giặc Pháp đánh chiếm miến Nam nước Việt Nam (1860-1876). Trong thời gian 16 năm đó, có nhiều phen Ngài phải ẩn lánh, hóa trang đủ mọi lớp người mà truyền đạo, gian nan không kể xiết.

Khi Ngài vào khai hoang nơi núi Tượng, tuy là tiếng đạn bom đã lắng dịu, nhưng sự lập thành cơ sở để truyền bá một giáo thuyết mới thì hết sức khó khăn. Vì nhà cầm quyền Pháp đang dùng thuyết mị dân đánh lạc hướng cho dân chúng sớm quên cội bỏ nguồn, để họ tổ chức một nền hành chánh thực dân theo đường lối chánh trị của họ. Do đó, họ rất sợ các cơ sở đảng phái nên chủ trương tiêu diệt đảng phái. Tình trạng khó khăn kéo dài đến năm 1888, họ tổ chức guồng máy cai trị xong, mới ra lịnh chiêu an. Kể từ đó, chùa miễu mới tạm ngưng bị triệt hạ và thiêu hủy. Tín đồ mới tạm sống yên dưới gót giày của Thực dân Pháp hơn nửa thế kỷ!

Đến năm Ất Dậu (1945) chùa miễu và nhà cửa của tín đồ bắt đầu chịu tai kiếp trở lại. Lần nầy còn trầm trọng hơn và kéo dài cho đến nay (1945-1971). Ngoài sự gian khổ đã nêu trong 25 năm đó, người tín đồ ở vùng Bảy Núi nói chung, núi Tượng nói riêng, họ còn phải nếm không biết bao nhiêu mùi cay đắng khác, phải nghe không biết bao nhiêu điều lạ tai, hưởng không biết bao nhiêu chiếc bánh vẽ của bên này hoặc bên kia. Nhưng rốt cuộc họ vẫn phải gánh chịu những vất vả gian nan, chung quanh mình thường xuyên toàn là đạn bom máu lửa !

Nhiều thực cảnh quá phũ phàng, nhưng người tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa vẫn âm thầm chịu đựng. Nguồn hy vọng duy nhứt của họ : Không lẽ quá khứ đã chịu lắm cay đắng gian nan, tương lai không có một ngày tươi sáng hay sao ? Vì Thầy đã dạy:

Giữ lòng neo nọc cho bền,
Gió lay mặc gió vững thuyền thì thôi…

Họ phó mặc cho giông bão nổi dậy trên biển đời, họ vẫn vững tay lèo lái con thuyền TÂNH của của Tổ Thầy đã lưu lại. Họ chờ đợi ở tương lai có một ngày tươi đẹp hơn. Ngày ấy là “Hội LONG HOA”.

Căn cứ theo sấm ký hoặc kinh kệ của Phật giáo BỬU SƠN KỲ HƯƠNG có nói đến rất nhiều về Hội Long Hoa. Do đó, toàn thể người sùng kính Phật giáo BSKH không hẹn mà gặp nhau cùng một tâm tư tín ngưỡng: “Rán tu hành chịu khổ, chờ đến ngày “Hội Long Hoa” Phật sẽ luận công xử tội”. Bởi thế, họ cố chịu những tai họa thê thảm, thường chối bỏ những lợi danh phù phiếm để chờ hưởng quả phúc ở tương lai.

Thuở Đức Bổn Sư còn tại thế, Ngài xử sự đúng theo tinh thần bác ái của nhà Phật. Ngài thường làm gương cho tín đồ noi theo mà giữ gìn giới luật. Không kể người ngoài Đạo đã nhiều phen gây cho nền Đạo phải chịu điêu đứng gian nan mà thôi, chính trong tín đồ của Ngài cũng có người sớm mai giữ Đạo, chiều lại hướng dẫn giặc đến bắt Ngài, để rồi lãnh lấy những hậu quả thảm khốc, cũng bởi Tham, Sân, Si mà ra. Ngài giảng giải thuyết nhân quả và chỉ điểm cho tín đồ những sự kiện đã xảy ra, để làm mục tiêu cho mọi người nhìn vào đó mà tu thân xử kỷ.

Bởi thế, đa số tín đồ rất sợ nhơn quả của nhà Phật, và thuyết “tích thiện phùng thiện, tích ác phùng ác” của Đạo Nho, nên hiện giờ họ vẫn giữ Đạo, làm lành, đoàn kết lo tu thân, tuân theo phép nước mà chờ ngày Phật Trời thưởng công luận tội.

IV. KẾT LUẬN:

Đức Phật Thầy Tây An khai sáng ra Phật Giáo Bửu Sơn Kỳ Hương đến nay đã trên 100 năm (1849-1971). Trong thời gian dài đằng đẳng đó, do thời cuộc hoặc hoàn cảnh mà Phật Giáo BSKH chia nhiều hệ phái, nhưng nội dung tu học cũng chỉ là một: Người Cư Sĩ tại gia vẫn tôn thờ “Tứ Đại Trọng Ân” và nhập thế gian mà “Học Phật Tu Nhơn”.

Dầu cho thời gian có khác nhau, không gian không giống nhau, nhưng toàn thể các Hệ phái xem nhau cùng một gốc, cũng như có sự truyền cảm tâm linh đồng nhứt của các Hệ phái. Trên 100 năm đó, Phật Giáo Bửu Sơn Kỳ Hương đã trải qua biết mấy thăng trầm, có lúc giông bão đời sắp cuốn trôi tòa nhà BSKH, nhưng lòng người tín đồ vẫn nhớ cội, giữ nguồn, khi qua cơn giông bão thì khác nào những cánh bèo tan rồi lại hợp.

Quá khứ là vậy, hiện tại còn đó. Nhưng tương lai thì sao ? Câu hỏi đó chỉ còn chờ đợi ở thời gian. Và những câu trả lời vững chắc nhứt không ai bằng người trong cuộc. Tức là toàn thể những người mến yêu tha thiết 4 chữ Bửu Sơn Kỳ Hương vậy.

V. LƯỢC SỬ NGÔI LONG ĐÌNH Của ĐỨC BỔN SƯ Hệ phái TỨ ÂN HIẾU NGHĨA tại núi Tượng.

Ngài là một trong 4 vị Giáo chủ Phật Giáo BỬU SƠN KỲ HƯƠNG.

Năm Kỷ Mão (1879) Ngài bảo đệ tử lên núi Dài đốn cây Cam Đàn (một loại gỗ rất hiếm) về cưa ra, chọn thợ khéo trong hàng đệ tử đóng thành ngôi Long Đình (Long Vị) do Ngài vẽ kiểu và cho thước tấc. Đóng xong, Ngài cho khiêng để vào giữa Chùa Tam Bửu. Trên dó còn có cặp gối mặt thụt (loại gối xưa). Một cặp thước Lổ Ban Xích và bản tiền, bản phái. Trong hàng bá gia tưởng rằng Ngài sẽ dùng để tham Thiền nhập định, không ngờ Ngài rất tôn kính như dùng để thờ một đấng bề trên đang vắng mặt.

Bá Gia (Đức Bổn Sư gọi tín đồ) khắp nơi về đây qui y thọ phái quá đông, trong số nầy có rất nhiều dư đảng Cần Vương kháng Pháp. Từ đó, giặc Pháp theo dõi bắt bớ đày ải, khủng bố đốt chùa miễu nhiều lần. Nặng nhứt là lần pháp nạn năm Ất Dậu (1885), do Đốc phủ Trần Bá Lộc hướng dẫn giặc Pháp và thân binh vào đây đốt nhà cửa, tàn sát những người mến Đạo và yêu nước. Phá hoại hầu hết cơ sở tín ngưỡng chở đem đi tất cả những gì người Đạo quí trọng, trong đó có Ngôi Long Đình.

Từ đó bá gia không biết vật báu thiêng ấy còn hay đã bị giặc phá hủy. Bá gia hợp lại nhau đóng Ngôi Long Đình khác, tuy không giống hẳn và khéo bằng ngôi trước, nhưng cũng tạm để nơi nền cũ mà phượng thờ (hiên nay còn tại chùa Tam Bửu) như Đức Bổn Sư còn tại thế.

Đến năm 1935, không biết vì lý do gì mà Trần Bá Tư (con trai Trần Bá Lộc) chở ngôi Long Đình đem hiến vào Bảo Tàng Viện Sài Gòn. Từ đó, Bá gia thường lui tới chiêm ngưỡng cho đến nay. Nhưng không biết nương tựa vào đâu mà xin lại. Vì ngôi Long Đình đã biến thành công sản Quốc Gia.

Vào ngày 8 tháng 5 năm 1970, các Hệ phái thuộc Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương, với danh xưng Hội Đồng Liên Phái Trung Ương, lần đầu tiên gởi Thỉnh nguyện thư xin ngôi Long Đình về chùa Tam Bửu, đồng thời đăng tải trên Báo chí kể rõ nguồn cội ngôi Long Đình. Và yêu cầu hầu hết các cơ quan hữu trách về văn hóa, nhờ cứu xét lại trường hợp ngôi Long Đình mà qui hoàn lại cho Tôn Giáo.

Đến ngày 21-11-1970, ông Trần văn Ân, Phụ tá Đặc biệt Nghiên cứu Chánh trị Văn hoá Phủ Tổng Thống, trình bày lý do khúc chiết của ngôi Long Đình, nên được Tổng Thống chấp thuận hoàn trả lại cho chùa Tam Bửu của Hệ phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa tại núi Tượng, Thất sơn (Châu Đốc).

Vì thủ tục có nhiều khó khăn, mãi đến ngày 06-04-1971, Tổng Thơ ký Phủ Thủ Tướng mới ký Văn thơ ban hành theo lịnh của Tổng Thống.

Đến này 11-05-1971 Giáo hội Phật Giáo Bửu Sơn Kỳ Hương - Tứ Ân Hiếu Nghĩa cử hành Lễ cung thỉnh Ngôi Long Đình ra khỏi Bảo Tàng Viện Sài Gòn.

- Đại diện Chánh phủ có ông Trần văn Ân ký giao hoàn.

- Đại diện Tứ Ân Hiếu Nghĩa ký nhận lãnh.

Ngày 12-05-1971 đoàn xe cung nghinh Ngôi Long Đình khởi hành từ Sài Gòn về Châu Đốc đặt tại đây 1 đêm cho thiện tín chiêm bái.

Ngày 13-05-1971, đoàn xe cung nghinh Long Đình khởi hành từ Châu Đốc về núi Tượng, Chùa Tam Bửu.

Ngày 14 và 15-05-1971 (nhằm ngày 20 và 21/05 năm Tân Hợi) Ban Tổ chức Giáo hội Phật giáo BSKH - Tứ Ân Hiếu Nghĩa cử hành Đại lễ an vị Ngôi Long Đình và Khánh thành chùa Tam Bửu.

Đăng nhận xét

[facebook][blogger]

Ẩn Danh Cư Sĩ PGHH 1939

Liên Hệ với PGHH 1939

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget