BỬU Ngọc Quân Minh Thiên Việt Nguyên,

寶玉君明天越元

SƠN Trung Sứ Mạng Đạo Nam Tiền.

山中師道地南前

KỲ Niên Trạng Tái Tân Phục Quốc,

奇年狀再新復國

HƯƠNG Xuất Trình Sinh Tạo Nghiệp Yên.

香出程生造業安

Tổ Đình Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH
Các Bài Viết Liên Quan
Cám Ơn Các Bạn Đã Ghé Thăm Website. Chúc Các Bạn An Lạc, Có Thêm Nhiều Kiến Thức Bổ Ích…
XIN THƯỜNG NIỆM PHẬT
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

Tứ Ân Hiếu Nghĩa (Chương III)

Đức Bổn Sư hướng dẫn tín đồ vào núi Tượng thiết lập chùa miếu, phá rừng, khai hoang, thành lập thôn ấp vào năm Bính Tý (1876). Cách 4 năm sau, nhằm năm Tân Tỵ (1881) vào dịp lễ Trung Nguyên (rằm tháng 7) Ngài sửa soạn trần thiết một cuộc Đại lễ, gọi là “Đại Trai đàn” để cầu siêu cho những vong linh Vị quốc Vong thân và các oan hồn thoát khỏi đường Súc sanh, Ngạ quỷ…Cuộc lễ Đại Trai đàn kéo dài đến ba ngày. Tín đồ bốn phương đến dự lễ đông hàng vạn.



Mục lục

IV.- HỆ PHÁI TỨ ÂN HIẾU NGHĨA VỚI NHỮNG LẦN PHÁP NẠN

Đức Bổn Sư hướng dẫn tín đồ vào núi Tượng thiết lập chùa miếu, phá rừng, khai hoang, thành lập thôn ấp vào năm Bính Tý (1876). Cách 4 năm sau, nhằm năm Tân Tỵ (1881) vào dịp lễ Trung Nguyên (rằm tháng 7) Ngài sửa soạn trần thiết một cuộc Đại lễ, gọi là “Đại Trai đàn” để cầu siêu cho những vong linh Vị quốc Vong thân và các oan hồn thoát khỏi đường Súc sanh, Ngạ quỷ…Cuộc lễ Đại Trai đàn kéo dài đến ba ngày. Tín đồ bốn phương đến dự lễ đông hàng vạn.

1) - PHÁP NẠN LẦN THỨ NHỨT:

Vì sự quá đông đảo đó, nên nhà cầm quyền Pháp sanh nghi, chúng thả bọn mật thám theo dõi từ buổi đầu. Trong số bọn tay sai nầy có tên Ý, với chức vụ là Vệ (theo chức vụ trong đội thân binh của Pháp). Tên Vệ Ý thấy Ngài thiết lập Đại Trai đàn, dân chúng hưởng ứng quá đông, và hết lòng tin tưởng vào Đức Bổn Sư, nên hắn lập tức về báo cáo cho nhà cầm quyền Pháp.

Lúc bấy giờ quân Pháp đóng tại Châu thành An Giang (Châu Đốc) rất ít, nên Vệ Ý phải đáp tàu thẳng về Tân An. Vì nơi đây là Tổng hành dinh của Pháp chỉ huy 6 tỉnh miền Nam nước Việt lúc bấy giờ. Vệ Ý tố cáo Đức Bổn Sư là Gian Đạo sĩ dạy cho dân chúng luyện phép phù để chống Pháp! Trong giảng của Ngài có đoạn nói về hành động của Vệ Ý như sau:

Bẩm cùng quan lớn nhiều lời
Tượng sơn dữ thiệt chẳng chơi đâu là
Quả là tu luyện phép tà
Xin quan tới đó coi mà sẽ hay…


Nghe báo cáo xong, vị quan Pháp (không rõ tên) lập tức tập trung binh lính xuống tàu chạy đi Châu Đốc. Đến nơi, tên quan Pháp nầy thúc hối tên đại diện ở Châu Đốc phải cấp tốc điều tra và cấp thêm binh thuyền. Khi vào tới Tịnh Biên, bọn chúng đổ bộ kéo vào bao vây núi Tượng giữa lúc canh ba. Lúc đó Đại Trai đàn cũng gần xong. Bá tánh, bổn đạo hay tin Pháp bao vây thì hết sức lo sợ !

Khi ấy, Đức Bổn Sư đang đứng trên đàn cao, có rất nhiều đệ tử kế cận. Trong số đó có một người đàn bà còn trẻ, người ta thường gọi là chị Bóng Thị. Người nầy rất giỏi võ và sức mạnh phi thường. Trong cơn nguy cấp, bà nầy nhẩy lên đàn cắp ngang nách Đức Bổn Sư chạy đi tìm đường lánh nạn !

Tất cả bổn đạo kẻ chạy ngược người chạy xuôi tìm phương trốn lánh, không còn thiết chi đến nhà cửa, chùa chiền. Lúc ấy nhiều người mới vỡ lẽ, rõ tên Vệ Ý là Điềm chỉ viên:

Tín đồ xem thấy hãi hùng
Nào hay kẻ ấy đem lòng hại dân
Mã tà, Mã kỵ rần rần
Phá làng phá xóm vang rền tứ vi
Nhớ xưa lời Thánh còn ghi

“Thiệt xà thôn Tượng” đến ni mới tường
Kẻ chạy người ở thêm thương
Cám nỗi đoạn trường chua xót đắng cay…


(Đến đất Miên tại Vườn Dầu kỳ nầy, có 1.800 tín đồ nam, nữ trẻ già theo Đức Bổn Sư tỵ nạn tại đây 3 tháng).

2) - PHÁP NẠN LẦN THỨ HAI:

Qua pháp nạn lần thứ nhứt, nhà cửa tiêu tan, chùa miếu cháy rụi. Khi quân Pháp rút đi, thì bổn đạo cũng trở về nền xưa, xây cất nhà cửa, tái thiết chùa miếu lại. Tuy gian khổ về vật lực, tốn kém tài sản, nhưng lần nầy lại sung túc hơn, đông đảo hơn lần trước. Như thế đủ thấy lòng người mến đạo, trì chí tu hành, chứng tỏ họ không hề khiếp sợ trước bạo lực của ngoại nhân.

Cách bốn năm sau, vào ngày 16 tháng 4 năm Ất Dậu (1885) quân Pháp lại mở cuộc tấn công vào núi Tượng lần nữa. Mục đích lần nầy chúng quyết bắt cho kỳ được Đức Bổn Sư và giải tán đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Hay tin chẳng lành, Đức Bổn Sư cùng số đông bổn đạo dìu dắt Đức Bà (Thân mẫu Đức Bổn Sư) chạy sang Vườn Dầu thuộc đất Cao Miên mà lánh nạn.

Tuy thời gian Pháp nạn nầy rất dài, Ngài phải ở lại đất Cao Miên, nhưng không bao giờ Ngài lãng xao giáo hóa tín đồ tu hành theo thuyết Tứ Ân Hiếu Nghĩa và thiết lập tại đây một cảnh chùa, để thập phương bá tánh đến chiêm bái. Ba tháng sau, Ngài mới hướng dẫn tín đồ trở về núi Tượng nhằm ngày 14 tháng 7 cùng năm.

Về đây nhìn lại nền xưa, một cảnh tượng điêu tàn thê thảm. Nhà cửa của tín đồ còn toàn là những đống tro than. Bảng tiền bảng phái và những vật dụng quan trọng của Đạo, tất cả đều bị giặc chở đi. Dầu đứng trước cảnh tang thương đó, Ngài vẫn không hề thối chí ngã lòng. Vẫn khuyến khích tín đồ che lại mái lá chòi tranh, tại những nền cũ thờ phượng và tạm ở nhà tu hành.

(Sau khi Pháp tấn công núi Tượng chúng đốt phá nhà cửa chùa, miễu tiêu tan. Nhưng khi chiêu an và hợp thức hóa thôn An Định thì chỉ tạm lập được 3 ngôi chùa và đình An Định của chùa Tam Bửu cũng được tạm che bằng tranh lá để thờ phượng).

3) - PHÁP NẠN LẦN THỨ BA:

Đến năm Đinh Hợi (1887) thiện tín khắp nơi về đây theo Ngài rất đông. Dĩ nhiên trong số đông tín đồ nầy, có người quyết tâm trì chí Học Phật Tu Nhơn, có người được Ngài mật truyền Kinh chú, thuốc Nam để trị bịnh cứu đời, cũng có người lợi dụng sự cứu đời để làm sinh kế. Trong số đó có tên Tám Qui.

Tám Qui lợi dụng sự đi cứu đời mà làm sai lạc tôn chỉ của Đức Bổn Sư. Khi ông ta đến Cái Dừng (thuộc xã Long Khánh, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc hiện nay) ghé nhà của ông Ba Lê nghỉ nhờ. Nhơn thấy ông Ba Lê tin tưởng vào Đức Bổn Sư, nên tên Qui kêu gọi ông Ba Lê phải về núi mới đặng toàn thây. Bằng không thì khi đời tới Trời long Đất sụp và tránh không khỏi cảnh hùm tha sấu bắt v.v…

Ngoài ông Ba Lê ra, còn có nhiều người nghe theo Tám Qui bỏ gia đình sự nghiệp mà lên núi để tránh nạn đời tới cũng không ít…

Khi lên núi gặp phải sự sinh hoạt khó khăn, nhà cầm quyền Pháp nghi kị, sơn lam chướng khí gây ra bịnh tật. Lâu dần, người hao của hết mà vẫn chưa thấy đời tới. Phần đông những người nầy họ nghe theo Tám Qui để tránh nạn đời tới, chớ không phải thật tâm đi tầm đạo. Vì thế, có người căm hận Tám Qui, đem câu chuyện tường thuật cho mọi người nghe để hả hơi tức giận Tám Qui. Do đó mới lọt vào tai bọn mật thám Pháp.

Bọn chúng săn được tin nầy, lập tức báo cáo đến viên Đốc phủ người Việt là Trần Bá Lộc. Lộc lập tức hạ lịnh bắt Tám Qui kết tội cho hắn là “Gian Đạo sĩ” và ra lịnh tra tấn thẳng tay. Qui chẳng những không can đảm nhận chịu, mà đổ trút tất cả tội lỗi cho ông Chánh Hưng (một vị cao đồ của Đức Bổn Sư). Khi giải hắn đi giữa đường, hắn lại khai cho Đức Bổn Sư và lãnh hướng đạo Trần bá Lộc về núi Tượng để bắt Ngài!

(Trần bá Lộc thuộc hàng ngũ thân Pháp hạng nặng khi quân Pháp mới đặt chân lên mảnh đất miền Nam nước Việt nầy (Theo Việt Sử tân biên, quyển 5, tập Thượng của Phạm văn Sơn).

Trần bá Lộc cầm đầu một toán thân binh rất đông, kéo đến núi Tượng vào lúc nửa đêm, do Tám Qui hướng dẫn. Trước hết bọn chúng vây nhà bắt ông Chánh Hưng trói lại. Kế đến vây nhà ông Trần Tịnh (cũng là cao đồ của Đức Bổn sư) ở gần bên chùa Tam Bửu để lục xét.

(Ông Trần Tịnh là vị cao đồ của Đức Bổn Sư, là người được Ngài phái vào xem xét địa hình địa vật ở núi Tượng trước nhứt, khi Đức Bổn Sư còn truyền Đạo ở Cù lao Ba. Lúc đến khai đạo ở vùng Núi Tượng, Ngài cũng thường cư trú tại nhà ông Trần Tịnh).

Nửa đêm quân đến rần rần
Chánh Hưng bị bắt trói khiêng vào chùa
Ấp Triêu, Hương Tịnh bắt đùa
Khảo tra tấn vấn, hơn thua khá bày ?

Lúc ấy Đức Bổn Sư đang ngồi trì niệm trong chùa Tam Bửu tín đồ vào báo hung tin nhưng Ngài vẫn điềm nhiên không chút nao lòng. Trần bá Lộc chỉ huy bao vây chặt chẽ chùa Tam Bửu nhưng chưa hạ lịnh lục xét.

Các đệ tử thấy Ngài ngồi thản nhiên như không chuyện gì xảy ra, ai nấy đều lo sợ cho Ngài sẽ bị bắt. Khi trời sáng trông rõ mặt quan quân, Đức Bổn Su bình tĩnh, tay cầm cây mác vót (Ngài dùng để vạt thuốc Nam hằng ngày) đi thẳng ra cửa giữa. Nhưng lúc ấy không phải là hình dáng của Ngài, mà là một cụ già râu tóc bạc phơ, cầm cây mác từ trong chùa đi ra rất tự nhiên như không hay biết chuyện gì. Bọn thân binh lên cò súng nạt vang: Ông già, đi mau chỗ khác. Lảng vảng đó, ông lớn đập chết bây giờ! Đức Bổn Sư lặng lẽ đi về hướng Bắc rồi thẳng đường lên núi.

Trần bá Lộc hạ lịnh trói tất cả những vị cao đồ, dẫn vào chùa tra tấn buộc phải kiếm Thầy cho được:

Trói ké tất cả đôi tay
Buộc phải kiếm Thầy cho được mới nghe


Chúng lục xét trong chùa kiếm không được Đúc Bổn Sư, bèn bắt tín đồ lên núi lục xét tất cả các điện các hang cũng không ra tông tích của Ngài. Chúng bèn trở về chùa tịch thu tất cả những vật dụng cần thiết của Ngài truyền đạo. Và bắt những người có tên tuổi trong đạo mà giải về Sai Gòn.

(Lần pháp nạn nầy một trong số lớn những vị cao đồ bị bắt giam ở khám lớn Saigon, hoặc bị đày đi Côn nôn, trong đó có ông Trần Tịnh).

4) - PHÁP NẠN LẦN THỨ TƯ:

Khi pháp nạn lần thứ nhứt xảy ra Đức Bổn Sư có hướng dẫn số đông tín đồ lánh nạn ở Vườn Dầu (Cao Miên). Đến lúc ở núi Tượng an ninh được vãn hồi Ngài trở về xây dựng cơ sở lại, có số người vì sinh kế, hoặc hoàn cảnh nên xin ở lại đất Cao Miên, trong số đó có tên Thập. Thập ở lại, được quan Miên phong cho làm trưởng toán một đội quân Miên có võ trang. Ngày qua, lúc ấy quân Pháp đã chiếm trọn đất Cao Miên. Mẹ của Thập sợ rằng Miên đầu Pháp sẽ giết mẹ con bà. Bà khuyên Thập nên trở về Nam. Và chọn một nơi hiểm yếu của vùng Bảy núi chiếm làm căn cứ mà đợi thời cơ. Thập vâng theo lời mẹ hắn, đồng thời cũng xin phép quan Cao Miên cho về xứ sở.

Vào khoảng tháng 5 năm Đinh Hợi (1887) toán quân Miên đưa Thập đến bờ kinh Vĩnh Tế. Một số trở lại đất Miên, một số tình nguyện theo Thập chiếm cứ vùng Xuân Tô quận Tịnh Biên làm căn cứ. Số quân nầy vì thiếu người chỉ huy tốt có tài, thiếu sự huấn luyện tranh đấu chống Pháp, nên trở thành toán quân ô hợp, phá xóm phá làng, gây cho lòng người thán oán. Lúc Thập về đến Xuân Tô cũng liên lạc vào núi Tượng, nhận mình là tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa của Đức Bổn Sư, nhưng không mấy ai tin Thập, nên không dám liên lạc với hắn.

Vì hành động của tên Thập quá thất nhơn tâm, làng xã ở đây sợ họa lây, nên báo với nhà cầm quyền Pháp ở Châu Đốc. Quân Pháp kéo vào vây chặt và bắn giết vô số kể. Chúng còn bắt sống một số tù binh, trong đó có tên Phú, người ta thường gọi hắn là lão Trùm Phú. Trùm Phú khai y có liên lạc với đạo Hiếu Nghĩa ở núi Tượng và đồng đảng của hắn cũng có ở đây. Quân Pháp lập tức kéo vào núi Tượng:

Quan quân kéo đến Tịnh Biên
Trùm là tên Phú đem liền Vĩnh Thông
Quan quân binh mã đùng đùng
Trát đòi An Định, kiết hung không tường…


Pháp kéo binh đến núi Tượng, truyền tập trung dân đến tại nhà làng. Nhìn kỷ tất cả mặt dân làng, Trùm Phú chỉ ngay mặt một người tên Bường, y gọi là người đồng đảng (có lẻ Trùm Phú cũng được ít nhiều đạo căn nên Pháp ép buộc y nhiều lần mà y không chỉ thêm ai nữa). Người Pháp không mấy hài lòng với cuộc hành quân tốn kém, công phu như vầy mà bắt đặng có một tên, chúng quay sang hỏi làng những nhà bỏ trống không người ở:

Gọi làng lớn nhỏ dường bao
Mấy nhà dân trốn đường nào biết chăng ?
Làng thưa ông lớn hay rằng:
Nó nghèo, nó trốn làm ăn xứ người
Quan truyền tỏ nỗi âm hao
Dẫn cho quan đốt nhà nào dân đi !
Truyền cho dân chúng tức thì
Ở đâu về đó kịp thì làm ăn
Đừng theo những đảng lăng loàn
Ở ăn ngay thẳng chớ mang việc đời...

5) - PHÁP NẠN LẦN THỨ NĂM:

Cuối năm Đinh Hợi (1887) có một người Miên thân Pháp, mạnh thế lực, người ta gọi y là Phủ Miên, gốc ở Tri Tôn, thường lui tới cờ bạc với bọn người du thủ du thực người Việt ở vùng núi Tượng. Một hôm Phủ Miên cờ bạc gian lận sao đó, nên bị bọn kia đánh cho một trận nên thân. Từ đó phủ Miên thù hận, quyết tìm cách phao vu để trả oán hắn mướn người làm sắc bằng giả của đảng Cần Vương, trong sắc bằng giả có danh sách 8 người, hắn đến tố cáo với nhà cầm quyền Pháp là 8 nhơn vật hiếp đáp người Miên và âm thầm chống lại Chánh phủ Pháp

Quan Pháp ở Tri Tôn kéo binh lên, bảo làng tập trung dân lại cho chúng điểm danh. Dân chúng ở núi Tượng nào hay biết chuyện gì sắp xảy ra, nên tề tụ đủ mặt. Chúng bắt tất cả 13 người, nhưng các gia đình nạn nhân hết sức van xin, nên chúng kiểm điểm còn đủ 8 tên trong sắc bằng giả đem ra xử bắn và chôn chung một hầm, còn bao nhiêu được thả ra!Thân nhơn của 8 nạn nhơn nầy đầu đơn kêu oan đến Tòa án tối cao ở SaiGon, người Pháp hứa sẽ minh oan vụ án. Nhưng…kết quả ngược lại, chúng tập trung thuyền tàu vào núi Tượng giải tán đạo Hiếu Nghĩa, và ra lịnh chở tất cả tín đồ, ai ở xứ nào chúng chở đưa về xứ nấy ! Trong giảng có đoạn diễn tả như sau:

Ba ngày giấy lại cảm thương
Ngoài gheTham biện ghe thuyền thẳng vô
Truyền rao dân chúng soạn đồ
Xứ nào ghe nấy đừng cho lộn vào
Tham biện viết giấy trao tay
Người ở vùng nào đường ấy ra đi
Ghe, tiền quan trả một khi
Người đưa, tiền của quan thì trả cho
Ra đi biết mấy chiếc đò
Kẻ than người khóc reo hò như mưa
Quan trên kêu mắng ghe đưa
Mỗi người một gánh cho vừa mà thôi
Ô hô sự nghiệp đã rồi
Kêu Trời soi xét, thương người thẳng ngay
Ai xui trò lại gặp Thầy
Tiếc công dựng nghiệp ngày nay rã rời…


Lần pháp nạn nầy, không phải riêng một vụ tên Miên vu oan mà hậu quả tai hại nhứt là do phòng Nhì Pháp nhiều lần báo cáo, vì như dân chúng nô nức tín ngưỡng đạo Hiếu Nghĩa, sự linh diệu của Đức Bổn Sư, đã nhiều lần vây bắt không được Ngài ..v.v… Do đó, chúng đâm ra sợ sệt, không muốn cho đạo Hiếu Nghĩa trưởng thành và hợp pháp. Chúng đã thả Mật thám trà trộn vào đạo rất đông, trong đó có ông Nguyễn thanh Liễu (có biệt hiệu Năm Củi) là một.

Năm Củi là một nhơn viên Mật thám đắc lực nhứt của Pháp, ông ta lãnh lịnh của Quan Thầy vào núi Tượng xin gia nhập đạo Hiếu Nghĩa để theo dõi hành động của Đức Bổn Sư, khi tìm đầy đủ bằng cớ Ngài là “Gian Đạo sĩ” thì ông ta trọn quyền bắt Ngài. Nhưng…khi đi sâu vào giáo lý Học Phật Tu Nhơn, và những lời truyền đạo của Đức Bổn Sư, ông Năm Củi lần lần giác ngộ về lẽ đạo. Ông nhìn nhận thuyết Tứ Ân Hiếu Nghĩa chẳng những là cứu cánh cho cuộc đời ông mà luôn cho cả mọi người. Từ đó ông khinh thường danh lợi phù du của thực dân đã ban cho ông. Trái lại, ông còn xem nó là kẻ thù chẳng chung đội Trời, cũng vì nó mà ông và một số người khác đã giày đạp lên sự đau khổ của đồng bào ruột thịt. Do đó ông Năm Củi thú thật việc làm tàn nhẫn của ông, và việc lãnh lịnh của Pháp để theo dõi Ngài, nhứt nhứt ông trình bày hết với Đức Bổn Sư. Từ đây ông xin tự nguyện hết lòng vì đạo pháp, vì đồng bào để đền trả lại những tội lỗi ông đã lỡ lầm trong thời gian qua.Những người có tánh hăng say và cương ngạnh như ông Năm Củi, khi làm tay sai cho giặc là một nhân viên đắc lực nhứt, đến khi ông tin tưởng vào sự nhiệm mầu, say sưa với lẽ Đạo thì ông là người tích cực bảo vệ Đạo pháp đi đến sự cuồng tín, quá khích cũng chẳng bao xa. Từ ngày ông thấy thái độ vô nhân đạo của Đốc phủ Lộc, với việc ruồng bố tàn sát người đạo Hiếu Nghĩa, ông hết sức căm giận, nên bạch cùng Đức Bổn Sư cho phép ông tổ chức giết Đốc phủ Lộc để cứu họa cho đồng bào và đồng đạo.

Đức Bổn Sư trầm ngâm giây lâu bèn dạy rằng:

- Không nên đâu, tôi khuyên các anh, mình là người thụ giới thì không nên sát giới. Người tu thì phải trải qua nhiều gian truân cay đắng. Sự cay đắng ngày hôm nay chỉ nhỏ nhặt, tầm thường thôi, sau nầy anh chị còn phải gánh chịu nhiều khó khăn hơn nữa ! Bởi vậy, tôi khuyên anh chị cố chịu đựng và nhịn nhục cho tròn bổn phận người tu hành, để khỏi phạm giới.

Dầu cho Đức Bổn Sư cố giảng giải, dạy răn như vậy, nhưng lòng hăng say diệt bạo của ông Năm Củi đã đến lúc dừng chẳng đặng, nên ông lén Đức Bổn Sư và bá gia bổn đạo, mướn một người Miên gan dạ phục kích khoảng giữa lộ Lạc Quới - Tịnh Biên để ám sát Đốc phủ Trần Bá Lộc. Một mặt ông báo cáo về cho Đốc phủ Lộc hẹn ngày vô núi Tượng để sắp đặt việc bắt Đức Bổn Sư! Nhưng ông cũng không quên căn dặn Lộc nên hóa trang thường nhơn hẹn gặp nhau nơi trạm Lạc Quới.

Đúng ngày giờ hẹn, tên Miên thấy hai người mặc đồ nhà binh Pháp từ Tịnh Biên đi vô Lạc Quới, hắn xả súng bắn chết cả hai. Thi hành xong nhiệm vụ, hắn trở về trả súng và lãnh tiền thưởng của ông Năm Củi. Không ngờ vì bận việc, nên Trần bá Lộc đi vô trễ sau giờ hẹn, khi đến Tịnh Biên ông ta nghe tin có hai xác người bị bắn chết, còn bỏ nằm bên lộ, ông ta lập tức trở về Châu Đốc. Vỡ lẽ ra, hai người nầy là Lục Lộ đi coi làm đường cho sở kiều lộ của Pháp ! Tên Miên không biết nên bắn lầm.

Vì những lẽ nêu trên, nhà cầm quyền Pháp mới hạ lịnh giải tán đạo Hiếu Nghĩa, và đem ghe thuyền đến tận nơi, chở đưa người tín đồ, ai ở tỉnh nào đưa về tỉnh nấy. Sự kiện nầy xảy ra tại thôn An Định (núi Tượng). Lúc bấy giờ Đức Bổn Sư đang mở Làng mới và truyền đạo tại thôn An Thành (nay thuộc xã Lương Phi, quận Tri Tôn, tỉnh Châu Đốc).

6) - PHÁP NẠN LẦN THỨ SÁU:

Mặc dầu nhà cầm quyền Pháp giải tán đạo Hiếu Nghĩa và cho đưa tất cả những người theo đạo về quê. Nhưng có nhiều người trốn ở lại theo Thầy, cũng có người được Pháp đưa về quê, rồi tìm cách trở lại núi. Thành ra sự bạo hành của Pháp không đem lại kết quả theo chúng mong muốn.

Tại thôn An Thành, Đức Bổn Sư nghe tin chẳng lành xảy ra nơi thôn An Định, tín đồ xôn xao lo sợ tai họa ấy sớm muộn sẽ đến cho thôn An Thành. Trong số đó, có hai anh em người hầu cận bên Ngài: Người anh tên Năm Đồn, người em tên Sáu Lũy. Hai anh em sợ quân Pháp đến bắt Ngài, nên khuyên Ngài lánh mình một thời gian. Nhưng Đức Bổn Sư vẫn điềm nhiên khuyên mọi người nên yên lòng. Bởi quá sợ chuyện xảy ra, nên hai ông Đồn và Lũy khiêng Thầy xuống xuồng chở đi lánh nạn ! Trong lúc quá gấp rút quên đem cơm gạo theo, đến lúc xuồng chống ra không quá 7 cây số vừa mệt lại vừa đói, mới sực nhớ đến việc quên đem cơm gạo theo. Hai anh em đành ghé lại Sóc người Miên nói dối rằng đi lỡ đường, xin cơm ăn đỡ.

Hai anh em ăn hấp tấp cho đỡ đói rồi vội vã ra đi, do đó mà gây nghi ngờ cho Sóc Miên nầy, họ cho rằng hai người là kẻ cướp bắt người cho chuộc, nên họ hùng hổ đuổi theo. Trong tình thế cấp bách, hai ông Đồn và Lũy bèn lấy chiếc mền gói kỹ chiếc ấn Bửu Sơn Kỳ Hương lại đem giấu dưới trấp. (Đến nay chỗ ấy còn có tên kỷ niệm gọi là bưng ông Bửu, cách núi Dài khoảng 8 cây số). Khi dấu xong cái ấn, hai anh em chống đi chẳng bao xa, bị bọn người Miên theo kịp bắt lại:

Mắt xem còn cũng chẳng xa
Bửu Sơn mền gấm đạp ngay xuống sình
Cao Miên theo dõi bắt mình
Dẫn người đem lại về trình Huyện quan.


Khi ba thôn (An Định, An Hoà, An Thành) hay tin Thầy bị bắt, đều xôn xao than khóc. Những người bình tỉnh thì hội hợp lại để bàn thảo kế hoạch giải cứu. Trong số đó có ông Hương Đẹt là người có nhiều mưu trí, ông kêu gọi những nhà khá giả chung đậu một số tiền để hối lộ quan Huyện người Miên. Kết quả lời kêu gọi của ông, được số tiền là 50 đồng, người trong đạo giao quyền cho ông Hương Đẹt đi lo lót cho Huyện quan. Ông Hương Đẹt đến nơi cũng nói khéo rằng mấy ông già nầy là người làm ăn đi lạc đường, xin cho ông lãnh ra, với số tiền trà nước cho quan Huyện. Quan Miên ưng thuận không giải người đi, nhưng phải chờ chạy tờ ra quan Tham biện Châu Đốc coi dạy lẽ nào, chừng ấy sẽ cho lãnh ra.

Không ngờ Tham biện khi được tin liền tập trung binh lính kéo vô Tri Tôn, để xem mặt người bị bắt cho tường tận, chừng đó quan Miên mới được phép thả ! Đến Tri Tôn, Tham Biên truyền dẫn mấy người bị bắt ra cho hắn nhìn mặt. Nào ngờ trong số người bị bắt đó có một ông già khoảng chín mươi tuồi, mặt mày tái mét, mũi dãi lào thào, trông như người mắc bịnh hủi. (Lúc nầy Đức Bổn Sư vận dụng thần lực hóa mình thành 1 ông già mang bịnh cùi hủi). Người Pháp họ rất sợ truyền nhiễm, khi thấy ông già mang chứng bịnh hiểm nghèo ấy, liền khoác tay bảo hương chức thả ngay.

Quan xem thương tiếc ông già
Một hai chờ chết, sống mà được đâu
Hối làng gấp gấp mau mau
Đem về thang thuốc may hầu sống chăng !


Được tin Đức Bổn Sư được người Pháp trả tự do, tất cả tín đồ đều vui mừng không kể xiết, đai cơm bầu nước đến Tri Tôn rước Ngài về An Thành. Khi Ngài về đến chùa Châu Kinh (An Thành) Xã Đẹt vào lạy Phật xong bèn trở ra bàn cùng những vị cao đồ của Đạo đóng một cái hòm, giả trá ra một cuộc tang chế, và công bố rằng: Ông già bịnh hôm qua đã chết để che mắt người Miên. Cổ quan tài nầy cũng khiêng đi chôn như thật và vô bộ khai tử đàng hoàng:

Áo quan ai dễ biết chi
Đải đằng Làng Xã ra đi táng hàng
Kim Lăng mộ táng An Thành
Mai danh ẩn tích lánh mình núi non.


(Ngôi mộ giả chôn Đức Bổn Sư tại doi Hai Ký (núi Dài) thuộc thôn An Thành, nay là Xã Lương Phi. Hằng năm đến Xuân sang tín đồ H.N. vẫn đến làm lễ Tảo mộ).

Từ đó, các đệ tử đưa Đức Bổn Sư lên núi Dài mà ẩn náo, không ai được đến gặp Ngài kể cả sự viếng thăm. Chỉ trừ một số ít người thân tín chăm sóc Ngài mà thôi.

7) - PHÁP NẠN LẦN THỨ BẢY:

Sau khi Pháp giải tán đạo Hiếu Nghĩa và chở tín đồ đưa về nguyên quán. Chúng còn sợ những người trốn ở lại sẽ theo Đức Bổn Sư mà xây dựng lại cơ sở chùa chiền, nên chúng quyết định “trảm thảo trừ căn” làm cho Ngài không còn nơi nương tựa mà qui tụ tín đồ nữa.

Bởi thế, cách đó không bao lâu, một hôm Pháp tập trung binh lực, bất thần kéo vào núi Tượng, triệt hạ tất cả chùa chiền đốt phá hết nhà cửa của tín đồ thu thập tất cả những vật cần thiết cho đời sống, và chở những vật thiêng liêng của đạo mà tín đồ hết lòng sùng bái và tín ngưỡng.

(Trong cuộc càn quét nầy, người Pháp có chở đi một cái khanh vị (Hương án) và cặp Long trụ chạm trổ rất tốt để thờ tại chùa Tam Bửu. Chúng chở đem về Saigon hiện còn một ít di tích tại Bảo tàng viện Saigon).

Quan quân xem thấy kinh hồn
Chùa cao cột lớn mới ôm đặng nào ?
Quan rằng liệu tính làm sao
Dùng dây mà buộc giựt nhào ngã lăn
Tràng phang, cột phướng nhổ quăng
Còn bàn hương án bắt dân khiêng rày
Kìa là Long trụ hai cây
Truyền dân khiêng vác xe ngay xuống tàu…


Trong cuộc càn quét chùa chiền, đốt phá nhà cửa của Đạo Hiếu Nghĩa lần nầy, chúng đốt phá tất cả, chỉ còn sót lại ngôi miễu Bồng Lai (không biết dụng ý của chúng hay vì quá mệt mỏi mà bỏ sót ?)

Lần pháp nạn nầy, có thêm một kỷ niệm chua xót đáng buồn cho người đạo, vì lần nầy Pháp có qui tụ theo một số đông đảo bọn du thủ du thực ở các Làng khác và bọn người Miên vào đây vơ vét những vật dụng cần thiết:

Các làng mừng chạy bôn chôn
Kéo vô An Định coi còn vật chi
Kẻ thời chở ghế lấy nghi
Dỡ nhà vác cột một khi đem về
Bạc tiền lấy hết bộn bề
Bắt bò, xúc lúa đem về rất đông.


Quân lính của Pháp lo triệt hạ chùa miễu, đốt phá nhà cửa của đồng bào, còn bọn người “con hôi” thì vơ vét của cải, lùa bò, bắt heo không một món nào mà chúng chừa. Khi vơ vét hết những món cần thiết, họ lại bứng luôn các thứ cây ăn trái mà chở về !

Tóm lại người Pháp quyết “dọn láng” cơ sở đạo, nên sau khi bọn chúng rút lui, thôn An Định trở thành một cảnh tượng tiêu điều, nhà tan cửa mất ! Nhà cầm quyền Pháp chở những vật dụng quan trọng của đạo đem về Châu Đốc đồng thời phúc báo cho dinh Toàn Quyền ở SaiGon hay:

Tham Biện chạy giấy liền tay
Tòa trên nghị luận việc nay thế nào ?
Giấy tờ chạy xuống rất mau
Tàu đò một chiếc chở về Thủ đô
Long trụ, Hương án hai đồ
Chở đi cho khéo để vô Bảo Tàng…


---o O o---

8.-TÁI THIẾT CHÙA MIỄU:

Từ năm Bính Tý (1876) Đức Bổn Sư dìu dắt tín đồ vào núi Tượng mở mang thôn ấp, truyền bá giáo lý Tứ Ân Hiếu Nghĩa đến năm Mậu Tý (1888) tất cả là 12 năm. Trong 12 năm đó có đến 7 lần pháp nạn, 3 lần bị triệt hạ chùa miễu, nhà cửa bị đốt phá, nền đạo bị giải tán. (Sấm Ngũ Giáo có đoạn Đức Bổn Sư than về trường pháp nạn:

Bây giờ mới hết trường nhì
Niệm trời lạy Phật mấy khi cho tường,
Lời thầy nói gẩm thêm thương !
Nào ai có biết mấy trường mà lo !...)


Những lần pháp nạn nầy đều do giặc Pháp và bọn thân Pháp chủ mưu còn nạn người Miên hiếp đáp, giết người cướp của không sao kể xiết! Dầu bị nhiều tai kiếp gian khổ, Đức Bổn Sư vẫn đi thẳng một đường giáo hóa chúng sanh, canh tân Phật pháp, trước nạn bạo hành của người dị chủng.

Chịu đựng mãi như thế đó, cho đến ngày rằm tháng 2 năm Mậu Tý (1888), nhà cầm quyền Pháp thấy rằng chánh sách bạo tàn máu lửa không đàn áp được lòng tín ngưỡng cao độ của tín đồ Hệ phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa nên chúng cho phép Ngài trở về núi Tượng tái thiết chùa chiền, giáo hóa tín đồ hành đạo. Nhưng phải chịu kỷ luật chúng kiểm soát, những thôn ấp của Ngài mới mở do chúng sắp đặt và tổ chức Hội Tề. Do đó, kể từ nầy thôn An Định chịu sát nhập vào xã Ba Chúc của người Miên. Thôn An Thàng sát nhập vào xã Lương Phi, trở thành ấp An Thành.v.v…

Sự dễ dãi của Pháp đối với đạo TÂHN đều nằm trong một chương trình chung rất thuận lợi cho họ. Vì tình thế nước Việt Nam lúc bấy giờ đã gần như xuôi thuận một chiều, trọn miền Nam nước Việt đã nằm gọn trong bàn tay thực dân Pháp. Vua Hàm Nghi vừa bị bắt (ngày 26-9-1888, theo Việt Nam Sử lược của Trần trọng Kim). Đảng Cần Vương và Văn Thân cũng dần mòn, không còn cuộc chống đối nào đáng kể đối với họ. Nên người Pháp lần lần thay đồi đường lối bạo hành bằng lối chánh trị mị dân để tiện việc đặt nền móng đô hộ. (Ngày 15-11-1887, Pháp đặt Phủ Tổng Đốc toàn quyền tại Saigon. Vị toàn quyền Pháp đầu tiên tại Saigon tên là Constant, theo Việt Nam Sử lược của Trần trọng Kim).

Mặc dầu bị Pháp đuổi đi, đốt chùa phá nhà nhiều lần, nhưng những người trung kiên với Đạo vẫn lén lút về đây, che tạm những chiếc chòi tranh nho nhỏ mà thờ phượng và đùm bọc nắng mưa. Khi hay tin nhà cầm quyền Pháp cho trở về, thì:

Bổn đạo các xứ hay liền
Kẻ ghe người bộ đồng thuyền thẳng lên
Kẻ thời phát cỏ dọn nền
Đốn cây tranh lá đôi bên soạn làm…


Kẻ đến trước thì dọn nền, cắt tranh đốn cột để tạo lại nhà cửa; thương hại cho người đến sau, khi ghe vừa đến vàm kinh Vĩnh Tế thì lính Mã Tà ở đây xét hỏi và mắng chửi không cho vào núi Tượng:

Vĩnh Ngươn đồn đóng ngoài vàm
Mã Tà canh thủ, ai toan lẽ nào ?
Ghe thuyền tra giấy gắt gao
Ai về núi Tượng ào ào đuổi ra…


Mặc dầu chúng đàn áp, cấm không cho vào núi Tượng. Nhưng vì thương Thầy mến Đạo, bằng cách nầy hay cách khác, cũng có một số người thoát khỏi màn lưới canh phòng mà đi vào núi an toàn. Kẹt lại một số đông thiếu phương tiện đành đậu lại vàm kinh mà chờ cơ hội.

Đến tháng ba cùng năm, bịnh thời khí nổi lên hoành hành khắp vùng An Giang, Châu Đốc, người và vật hao hớt rất nhiều. Đức Bổn Sư hay tin chẳng lành nầy, bèn cấp cho mỗi tín đồ một đạo bùa, nên ác bịnh không hề xâm phạm đến.

Ác bịnh càng hoành hành, bọn lính gát ở đồn Vĩnh Ngươn càng sợ hãi, không màng đến việc cản trở ghe thuyền lui tới. Nhờ đó mà những người bị kẹt tại đây được đi vào núi Tượng thong thả. Đức Bổn Sư động mối từ tâm, Ngài bèn cấp linh phù, dạy thuốc điều trị và phân công cho các vị cao đồ về những vùng có xảy ra ác bịnh mà cứu thế độ nhơn. Đến tháng 6 cùng năm, các vị cao đồ mới chận đứng được chứng bịnh Thiên thời truyền nhiễm:

Tháng năm, tháng sáu mới bình Nhơn dân khỏe mạnh giữ gìn làm ăn…

Đăng nhận xét

[facebook][blogger]

Ẩn Danh Cư Sĩ PGHH 1939

Liên Hệ với PGHH 1939

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget