Mục lục
LỜI GIỚI THIỆU
---oOo---
Trước năm 1945, danh từ BỬU SƠN KỲ HƯƠNG và TỨ ÂN HIẾU NGHĨA ngay tại hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc là vùng phát tích mà chỉ được nói khẻ với nhau trong dân gian, ở xa đến, người hiếu kỳ không sao tìm ra tông tích !---oOo---
BỬU SƠN KỲ HƯƠNG, TỨ ÂN HIẾU NGHĨA quả thật là mùi trầm hương từ thâm sơn cùng cốc bay vọng ra rồi tản mác trên không gian lờ lờ như mây khói! Không sao nhận định rõ nó được!
Tại sao có cái cảnh ngộ ly kỳ như thế, dù rằng, đây là hai Tôn Phái như muôn ngàn Tôn Phái khác ? Không chi lạ, đó là hậu quả của sự lùng bắt, truy nã cố tình tiêu diệt của nhà cầm quyền thuộc địa thời đó.
Từ năm 1862 trở đi, đã lâu rồi ; do những sự thù ghét, những vu cáo đê hèn của kẻ vong bổn, chánh quyền thuộc địa đã coi Tôn phái BỬU SƠN KỲ HƯƠNG và sau đó Hệ phái TỨ ÂN HIẾU NGHĨA, một sự phục hưng của BỬU SƠN KỲ HƯƠNG dưới một hình thức hơi khác một tí, là hai tổ chức của các “Gian Đạo Sĩ” dưới hình thức Tôn Phái để mưu đồ “Cần Vương” lật đổ Chánh quyền Pháp tại Nam Kỳ Lục Tỉnh nầy !
Có quả vậy chăng ? Xin thưa: Sự thật hoàn toàn sai hẳn, Phật Giáo BỬU SƠN KỲ HƯƠNG và Hệ phái TỨ ÂN HIẾU NGHĨA quả là một hình thức của phái Thiền Tông đem áp dụng cho dân tộc Việt. Chỉ có thế thôi và, chỉ có thế mà nhà cầm quyền Pháp ghét cay, ghét đắng, cố tiêu diệt cho bằng được. Bởi lẽ, đường lối ấy đi ngược lại với chánh sách vong bản hóa dân tộc Việt, để rồi đời đời ngự trị trên mảnh đất nầy!
Bất chiến tự nhiên thành. Phải chăng cụ Trạng Nguyễn Bỉnh Khiêm đã cho dân tộc ta hay trước lâu rồi. Lại nữa, nhị vị Giáo Tổ hai Tôn phái nói trên là Đức Phật Thầy Tây An và Đức Bổn Sư là hai bậc phi phàm “vị lai quá khứ” đều thông, thì hà tất lại đi làm cái việc miễn cưỡng là “Nấu cát mà mong thành cơm” để rồi chung qui cốt hại lửa củi ! Vậy gán cho hai Ngài xúi giục dân lành làm loạn, chẳng những là một sai lầm quá lớn mà lại còn thêm một tội lỗi thiêng liêng to tác đối với hai bậc Chơn Nhơn hạ phàm, cốt yếu cứu dân cứu nước, bằng lối giáo hóa chúng sanh hướng về con đường Thánh thiện từ xưa mà giống nòi thấm nhuần là “Học Phật Tu Nhân”.
Quyển :PHẬT GIÁO BỬU SƠN KỲ HƯƠNG, Hệ Phái TỨ ÂN HIẾU NGHĨA mà chúng tôi hân hạnh giới thiệu với chư tôn sẽ trình bày đầy đủ những chi tiết chứng minh quan niệm trên, và quả thật là một sử liệu vô giá về hai Tôn Phái nầy. Ước mong đám mây mờ che lấp hai tổ chức nói trên, từ nay không còn nữa và hai tổ chức được đánh giá đúng mức trong pho lịch sử nước nhà, như hai tiết điệu trong đại nhạc thái hòa.
Trân trọng xin có lời giới thiệu.
TRẦN VĂN QUẾ
Nguyên giáo sư trường Sư Phạm, Giảng Sư tại Đại Học Vạn Hạnh và Đại Học Văn Khoa tại Sài Gòn.
LỜI NGƯỜI BIÊN SOẠN
Từ lâu chúng tôi có ý sưu tập tài liệu để biên khảo tập sách nói về Hệ Phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa, là một Hệ phái quan trọng của Phật Giáo Bửu Sơn Kỳ Hương.
Nhưng ngày tháng trôi qua, những tài liệu ấy vẫn nằm yên trong tủ sách. Vì có nhiều lý do mà chúng tôi chưa dám rớ động tới mớ tài liệu đó, nhứt là lý do mặc cảm:
Tuổi đời quá ít, tuổi đạo rất non, học vấn nông cạn, sợ không đủ sức biên khảo một quyển sách Đạo. Sợ trình bày không đủ và tế nhị một giáo thuyết cao sâu, một giáo thuyết đã từng đua chen truyền bá trong một thời vô cùng khó khăn và từng chịu đựng sự chèn ép của một giáo thuyết khoa học tân tiến, vẫn vượt qua những khó khăn ấy mà trưởng thành và vững mạnh cho đến nay.
Gần đây có nhiều ngoại cảnh đưa đến, nung chí chúng tôi gát lại mọi sự dè dặt, tự tin để mạnh dạn mà biên khảo ra quyển sách nầy:
1. Có những quyển sách và bài báo viết về Hệ Phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa không được đầy đủ và rõ ràng lắm.
2. Nhờ nhiều bạn giúp cho những tài liệu quí giá và khuyến khích chúng tôi, nhứt là các bạn thuộc Hệ Phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa.
3. Có những người không biết từ trước ở đâu và làm gì ? Nay bỗng dưng lợi dụng danh nghĩa BỬU SƠN KỲ HƯƠNG hoặc Tứ Ân Hiếu Nghĩa mà tuyên bố nầy nọ, khác nào đi buôn dùng vốn người khác để làm ăn riệng tư.
4. Hiến pháp nền đệ II Cộng Hòa đã thực sự tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, nên cũng cần trình bày rõ ràng đường lối tu học của Hệ Phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa, để khỏi âm thầm mai một những người công dân tốt, họ đã từng sống qua nhiều thời gian khổ sở, chết chóc do các trào lưu bạo ngược gây ra. Và một nền đạo rất nhu hòa thuần hậu, một giáo lý “bất võ trang” bất bạo động tuyệt đối tín ngưỡng vào thuyết huyền vi.
Vì những lẽ nêu trên, chúng tôi không ngại mọi khuyết điểm mà thành tâm biên khảo và cho nó ra đời. Trong khi những sách khảo luận về Tôn giáo đã tràn ngập trên thị trường sách báo tác giả là những người kiến thức sâu rộng, những nhà thông thái.
“Vạn sự khởi đầu nan” chúng tôi tin tưởng rằng sự khuyết điểm nếu có trong quyển sách nầy thì, đọc giả bốn phương cũng như những bậc cao thâm về Phật Học sẽ giúp chúng tôi vào lần tái bản.
HÀ TÂN DÂN
A- PHẦN QUÁ KHỨ
I.- THỜI KỲ KHAI SÁNG
Căn cứ theo các tài liệu Phật sử, từ trước các Tông phái Nhà Phật từ Ấn độ, Trung Hoa truyền sang nước Việt Nam như Thiền phái Quang Bích, Lâm Tế…Đến các Tông phái thành lập tại Việt Nam, như: Thiền phái Thảo Đường, Trúc Lâm Yên Tử…Không có Hệ phái nào gánh chịu nhiều khó khăn như Đức Phật Thầy Tây An khai sáng Hệ phái BỬU SƠN KỲ HƯƠNG (1849-1856). Tuy nhiên sự khai sáng Hệ phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa của Đức Bổn Sư ở núi Tượng (1879-1890) còn gian nan khốn khó hơn nhiều.
Bởi thời gian ấy, đất nước vừa thoát qua cảnh nội chiến huynh đệ tương tàn giữa chúa Tây Sơn và chúa Gia Long. Non nước đã tả tơi, mọi mối giềng kỷ cương đều rách nát, các tầng lớp người thời hậu chiến đó, như vừa trải qua cơn ác mộng. Đa số người tu chỉ còn nhớ những câu Phật hiệu để vái van khi gặp cảnh khó khăn tai ách, những triết thuyết cao siêu của Phật Giáo nói chung, phần nhiều đã chìm trong quên lãng, khi thanh bình trở lại, phải lo tu bổ chùa chiền chép lại kinh điển đã thất lạc trong hồi lửa binh, ít có người rảnh rổi mà nghiên cứu những lẽ nhiệm mầu, hoặc sáng tác ra những tác phẩm có nội dung Quốc hồn Quốc túy hầu hướng dẫn người Phật tử hăng hái việc bảo vệ quê hương, đoàn kết để kiến thiết xứ sở như đời Lý đời Trần.
Hơn nữa, từ vua Gia Long xây dựng Quốc gia cho triều đại nhà Nguyễn, có nhiều thay đổi trong vấn đề Văn hóa Giáo dục. Nhà vua triệt để nâng đỡ Nho giáo, trọng thư văn, khuyến khích sĩ phu vào đường Cử nghiệp, chọn từng lớp khoa Bảng vào việc trị nước chăn dân, các tổ chức chùa chiền của Phật Giáo vào hàng phụ thuộc.
Phật giáo tuy còn được xem là Quốc giáo, nhưng trên thực tế, người ta xem giới sư sãi là hạng “Thầy Cúng” để dùng vào việc tế tự, cầu siêu, đảo võ mà thôi. Theo Văn thơ, Chiếu, Chế, Biểu…của các trào vua nhà Nguyễn tuy vẫn còn sung kính Tam giáo (Nho, Thích, Lão) xem ba giáo nầy đồng hạng như nhau, nhưng bên trong vẫn xem thường đạo Phật. Các vị văn thần lúc bấy giờ có nhiều lời mỉa mai tạc bia chế giễu, cũng không phải là chuyện bịa đặt vu khống. Lý do đất nước giặc giã, tao loạn triền miên, tạo ra một số thầy tu “Hổ Mang” ẩn dương nương Phật gây ra lắm điều xằng bậy, làm cho bại hoại cửa Già Lam. “Một con sâu làm sầu nồi canh” khiến cho người đời xa lánh dần Phật giáo.
Lúc bấy giờ lại có sự truyền bá mạnh mẽ của Thiên Chúa Giáo vào toàn cõi Việt Nam, các nhà truyền giáo của phái nầy phần nhiều là những nhà Thông thái, Bác học, hết lòng phục vụ theo đường lối của Tòa Thánh. Họ đem những cái hay, cái lạ của Âu châu sang giáo hóa dân ta, đồng thời truyền bá giáo thuyết của Đức Chúa Trời. Do đó, những người vào Đạo đầu tiên thuộc thành phần học thức, sang cả, quí phái, Quan chức, điền chủ.v.v…Khiến cho Phật Giáo đi lần vào cái thế thụ động.
Hơn nữa, Phật giáo lúc bấy giờ không có những nhà Sư trụ cốt có thể nối gót theo Sư Vạn Hạnh đời Lý, sư Giác Hoàng đời Trần để hướng dẫn đa số Phật tử trở nên Đại hùng, Đại lực trong vấn đề cứu nước, cứu dân để làm sáng tỏ chơn truyền của Phật giáo Việt Nam trong thời binh lửa.
Điều kiện bên ngoài đã không mấy thuận tiện cho Phật giáo, thêm nội tình hư nát, đạo lý của nhà Phật chỉ còn là một bóng mờ. Thậm chí có vị quyền thần lúc bấy giờ thốt lên câu nói vô cùng chua chát:
“Thầy chùa là bọn ngu dốt, trốn xâu lậu thuế, lười biếng, phần nhiều đáng tội bêu đầu. Trái lại, các Cố đạo người Âu là những người thông thái siêng năng, lại giàu có. Họ mở rộng lòng bố thí, trợ giúp kẻ bần nhơn cô quả. Họ trọng nể pháp luật của triều đình”.
Như thế đủ thấy tinh thần của Phật Giáo đã suy vi tận gốc, mọi người đã xem thường, khinh rẻ, như thế, việc Đức Phật Thầy Tây An và Đức Bổn Sư khai sáng ra Hệ phái Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa nó khó khăn đến mức độ nào ?
Hơn nữa, kể từ năm Đức Bổn Sư khai đạo (1867) cho đến năm Ngài nhập diệt (1890) trong nước giặc giã rối ren, triều đình vừa dẹp xong nơi nầy thì chỗ khác lại nổi lên như ong vỡ tổ. Thêm hậu quả của Hòa ước năm Nhâm Tuất (1862) do triều đình ký nhượng cho Pháp với những điều kiện thất lợi cho bên ta, khiến cho sĩ phu trong nước căm hờn cho là điếm nhục Quốc thể, nên nổi lên chống giặc khắp nơi :
- Ông Trương Công Định lập chiến khu chống Pháp tại vùng Gò Công, Gia Định, Định Tường.
- Ông Nguyễn Trung Trực vùng Tân An và Kiên Giang.
- Ông Nguyễn Hữu Huân vùng Mỹ Tho và Cần Thơ.
- Ông Thiên Hộ Dương vùng Cao Lãnh, Tháp Mười.
- Ông Phan Tôn, Phan Liêm vùng Vĩnh Long và Trà Vinh.
- Ông Trần Văn Thành (Cố Quản Thành) vùng biên giới Châu Đốc và An Giang.
Còn những vị hào sĩ khởi nghĩa từng nhóm nhỏ không sao kể xiết. Bởi giặc Pháp đánh chiếm thành Gia Định vào năm 1859, năm 1861 đánh chiếm Định Tường, Thủ Dầu Một và Tây Ninh. Năm 1862 đánh chiếm Biên Hòa và Vĩnh Long. Bản Hòa ước Nhâm Tuất (1862) ra đời là triều đình có dụng ý nhượng bộ Pháp để chuộc lại hai tỉnh Biên Hòa và Vĩnh Long. Do đó, mới có hậu quả như đã nêu trên, các vị anh hùng liệt sĩ tranh đấu với giặc Pháp mãi như thế đó kéo dài suốt mười năm, mới tạm yên dưới gót giày của Thực dân Pháp!
Những anh hùng chống lại Thực dân, chỉ riêng lực lượng của ông Trần Văn Thành là có liên hệ với Phật Giáo Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa rất nhiều. Nguyên ông Thành là một vị cao đồ của Đức Phật Thầy Tây An, phần lớn nghĩa sĩ dưới tay ông chỉ huy đều thuộc tín đồ Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương. Ông mở chiến khu Bảy Thưa tại vùng Nhà Láng (Thất Sơn) dựa lưng vào 7 núi mà kháng chiến chống Pháp. Đến lực luợng cuối cùng tan rã vào khoảng năm 1873. Bao nhiêu nghĩa sĩ khi thoát khỏi sự khủng bố của giặc, đều rút vào rừng sâu núi thẳm để tránh bọn tay sai điềm chỉ. Do đó việc truyền bá giáo lý Tứ Ân Hiếu Nghĩa, sắp xếp lại đạo lý luân thường của Đức Bổn Sư đã sẵn khó lại càng khó hơn.
Loạn lạc triền miên, khiến cho kỷ cương của xã hội đảo lộn. Lòng người đã trải qua lắm cơn ác mộng, nơm nớp lo sợ cho thân sống, còn thiết chi đến đạo lý luân thường. Có chăng, những cụ lão dưới đèn khuya nhắc tích, những chiến công oai hùng của các bực tiền nhơn, những cái hay cái đẹp về thuần phong mỹ tục của ông bà lớp trước, giờ đây con cháu nên noi theo…
Dẫu ai cố giữ gìn nề nếp lễ nghi cổ truyền, cũng khó tránh khỏi ngoại cảnh vật chất nó chi phối. Lẽ sanh tồn nó buộc con người trở thành thụ động mặc cho thời thế chuyển xoay, đại đa số người chỉ biết thủ phận cầu an, xâu đi thuế đóng.
Riêng vấn đề tín ngưỡng cũng không dám tự do tổ chức, tự do hành đạo ngoài sự sắp xếp của nhà cầm quyền Pháp. Bởi thế, xã hội Việt Nam lúc bấy giờ lại nảy sanh ra những lớp người mới:
1/-Hạng người chạy theo bợ đỡ ngoại nhân, dùng đủ mánh khóe khủng bố đồng bào để tạo nhà cao cửa rộng, ăn sung mặc sướng.
2/-Hạng người vì nước non dân tộc, chống lại mọi hình thức xâm lăng, áp bức.
3/-Hạng người mua quan bán chức, tìm mọi cách dựa nương với quan thầy Tây để làm chủ nhơn ông.
4/-Đa số người chạy loạn, từ tỉnh nầy đến tỉnh khác, bồng bế vợ con tìm nơi rừng sâu núi thẳm mà lánh nạn, hằng ngày bù đầu lo kiếm miếng sống, chỉ trông chờ phép nhiệm mầu cứu độ cho qua nạn ách.
Phải chăng, vì thời thế mà tôn ti trật tự đảo lộn, dân tình nheo nhóc đói khổ. Đức Bổn Sư mở đạo dạy đời để cứu nhơn độ thế, sắp xếp lại đạo lý luân thường. Và che chở cho những người yêu nước đang bị giặc khủng bố. Hướng dẫn những người đạo tâm đi đến Chân, Thiện, Mỹ. Dìu dắt những kẻ si mê trở về nẻo chánh?
1.- LƯỢC SỬ ĐỨC BỔN SƯ NGÀI TIẾP NỐI HOẰNG HÓA PHẬT GIÁO BỬU SƠN KỲ HƯƠNG VỚI DANH XƯNG HỆ PHÁI “TỨ ÂN HIẾU NGHĨA”.
Đức Bổn Sư đản sanh tại quận Mõ Cày (Kiến Hòa) lúc giờ Ngọ, ngày mùng 5 tháng 5 năm Tân Mão (1831). Ngài họ Ngô, nhũ danh là Viện. Khi lớn lên có húy danh là Lợi. Phụ thân Ngài tên Nhàn, làm nghề Thợ mộc. Quê quán trước kia ở xã Bình An (Định Tường). Khi mẫu thân Ngài thọ thai mới dời gia đình về Mõ Cày. Ngài sanh chẳng bao lâu thì phụ thân qua đời. Ngài sống với bà mẹ góa cho đến lúc trưởng thành.
Chưa biết rõ lúc thiếu thời sự sinh hoạt ngoài đời của Ngài ra sao, do căn duyên nào mà Ngài hiểu đạo và truyền bá Giáo lý Tứ Ân Hiếu Nghĩa cho người đời Học Phật Tu Nhơn đến ngày nay.
Mãi đến ngày 29 tháng 4 năm Tân Hợi (1851) Ngài được 21 tuổi, sáng tác ra quyển Kinh đầu tiên tên “BÀ LA NI KINH” để dạy người đời tu niệm. Từ đó đến năm Bính Dần (1866) giáo sử có ghi Ngài truyền đạo và ra kinh giảng hằng năm, nhưng không ghi rõ Ngài truyền đạo nơi nào? Đến năm Đinh Mão (1867) vào lúc giờ Ngọ ngày mùng 5 tháng 5 bỗng nhiên Ngài mê man 7 ngày đêm (đi thiếp). Khi tỉnh dậy, đời hành động của Ngài khác lạ, như đã rủ sạch lòng trần, chứng đắc đạo quả, mà dạy người đời hành đạo. Đến năm Canh Ngũ (1870) Ngài được 39 tuổi mới phát phái qui y cho thiện tín.
Ngày 15 tháng giêng năm Nhâm Thân (1872) Ngài cho họp tất cả ghe thuyền của tín đồ lại, ngược dòng sông Cửu long đi đến xã An Lộc, tổng An Lương thuộc tỉnh An Giang để phổ biến giáo pháp ở vùng nầy. Và cũng bắt đầu từ đây Ngài đi Ta bà khắp xứ. Qua tháng 7 cùng năm, Ngài mới cất tại xã Bình Long một cảnh chùa. (Trong thời gian Ngài đi Ta bà rất trùng hợp với Ông Sư Vãi bán khoai đi khuyên đời tu niệm; Chưa dám quả quyết Ông Sư Vãi và Đức Bổn Sư là một, nhưng có sự trùng hợp thời gian cũng như Sấm Giảng, xin trích đoạn đầu Sấm Giảng Người đời của ông Sư Vãi: Hạ ngươn Giáp Tý đầu năm, Gẫm trong thiên hạ không an chỗ nào ! Lại thêm lục tỉnh tân trào, Nhơn điền sổ bộ biết bao nhiêu người. Thấy vui mà chẳng dám cười, Bơ vơ tôi, chúa gẫm đời không cha. Có người ở Cù lao Ba, Phật sai xuống thế mới ra cứu đời.v.v…)
Tháng giêng năm Bính Tý (1876) giờ Thìn, ngày 19 Ngài truyền lịnh cho một vị cao đồ tên Trần Tịnh đi trước vào núi Tượng (Thất Sơn) sắp đặt trước nơi Ngài đã chỉ điểm, tiếp theo đó, Ngài hướng dẫn số đông tín đồ vào núi Tượng trảm thảo, khai hoang thiết lập chùa miếu và mở thôn ấp mới. Năm ấy Ngài được 45 tuổi và đang truyền đạo tại Cù lao Ba (xã Vĩnh Thành, quận An Phú, tỉnh Châu Đốc hiện nay).
Ngày 28 tháng tư năm Kỷ Mão (1879) Ngài truyền thọ phép Tâm niệm Bồ Đề cho tất cả tín đồ. Bất luận Thiện nam hay Tín nữ thảy đều trì niệm bình đẳng như nhau. Niệm xong pháp nầy liền ghi số lượng vào sổ để điền vào sớ điệp cúng. Công quả nầy gọi là “Pháp Công Cứ” (sẽ dẫn giải vào phần Hành Đạo trong những chương sau).
Góp nhặt những Tài liệu sẵn có, phối kiểm cùng những lời truyền tụng, cuộc đời và công nghiệp của Đức Bổn Sư có thể chia ra làm năm thời kỳ:
- Thời kỳ thứ Nhứt, từ đản sanh đến tỏ ngộ. (Tân Mão 1831 – Đinh Mão 1867).
- Thời kỳ thứ Nhì, từ tỏ ngộ đến lập thôn An Định tại núi Tượng (1867 – Bính Tý 1876).
- Thời kỳ thứ Ba, từ khai hoang lập thôn ấp tại núi Tượng để phổ biến sâu rộng giáo thuyết Tứ Ân Hiếu Nghĩa (1876 – Canh Ngũ 1879).
- Thời kỳ thứ Tư, từ phổ biến giáo lý đến pháp nạn (1879 – Giáp Thân 1884).
- Thời kỳ thứ Năm, từ tái thiết chùa miếu đến Đức Bổn Sư viên tịch (1884 – Canh Dần 1890).
Tóm lại, từ Ngài đản sanh vào năm Tân Mão (1831) đến chứng đắc đạo quả vào năm Đinh Mão (1867) trong 36 năm đó không được biết rõ hành trạng của Ngài.
Từ Ngài chứng đắc đạo quả đến năm hướng dẫn tín đồ vào núi Tượng (xã Ba Chúc, quận Tịnh Biên, tỉnh Châu Đốc hiện nay) để khai hoang lập thôn ấp (1867 – 1876) trong 9 năm đó, Ngài truyền đạo tại Cù lao Ba. Đồng thời Ngài đi Ta bà khắp nơi, biến dạng thay hình đủ từng lớp người để hòa mình vào nếp sống của dân chúng mà truyền đạo.
Ngài thiết lập thôn ấp và truyền bá giáo pháp tại núi Tượng được 14 năm. Viên tịch vào ngày 13 tháng 10 năm Canh Dần (1890) thọ 59 tuổi. Sinh hoạt ngoài đời 20 năm. Truyền bá đạo pháp 39 năm.
2- SỰ TƯƠNG QUAN GIỮA THỜI GIAN DẠY ĐẠO VÀ ĐỊA ĐIỂM
THIẾT LẬP CHÙA MIẾU.
Nơi thôn quê, những nơi nào có chút màu mỡ thì dấu chơn của bọn quan lại tham ô, cường hào ác bá giẫm nát. Phần còn lại là những nơi núi rừng hẻo lánh sình lầy, đồng chua nước mặn. Những nơi nầy, đồng bào còn có thể tránh được gót sắt của bọn tham tàn và những miếng mồi ngon của ngoại nhân câu nhử. Có lẽ do đó mà Ngài chọn nơi đây để thiết lập lại kỷ cương và tiện việc sắp xếp lại đạo nghĩa luân thường. Và che chở cho những nghĩa sĩ Cần vương vì chống Pháp mà sa cơ về đây ẩn lánh.
Hơn nữa, người tu theo Tứ Ân Hiếu Nghĩa phải đền trả 4 ơn sâu, trong ấy có ân Quốc vương thủy thổ và ân Đồng Bào Nhơn Loại, thì không thể “Xuất Thế Gian” tự tu lấy bản thân, mà phải “Nhập thế gian” mà lo cho Đại gia đình Quốc gia Dân tộc đang hồi nghiêng ngửa. Xin trích một đoạn Ngài định nghĩa chữ TRUNG trong giảng NGŨ GIÁO:
“Một Trung thờ Phật kính Thầy,
Hai Trung thờ chúa mình gầy chớ than.
Ba Trung Phụ Mẫu lưỡng toàn,
Ấy là ba chữ rõ ràng chẳng sai”.
(Thuở trước ở theo Tam Cang của đạo Nho: Quân, Sư, Phụ. Ba ngôi nầy ngôi Vua đứng đầu. Hơn nữa, thuở đó các phong trào Văn thân, Cần Vương cũng chủ trương đánh đuổi giặc để phục quốc cho Vua).
Ngài còn kêu gọi đoàn kết, thương yêu nhau trên tinh thần xã hội bằng những lời bác ai và thống thiết:
“Xin đừng ỷ phú hiếp bần,
Ỷ mình sang trọng hiếp phần cô đơn.
Nhơn sanh Thiên số bớ dân,
Sang giàu thì trọng cơ bần thì khinh !”
Ngài khuyên tín đồ tự lực cánh sinh, khai mở đất đai trồng tỉa mà nuôi thân, đốn cây rừng, lấy cát đá núi cất nhà mà ở, chung lưng, đâu cật giúp đỡ nhau mà lo tu niệm. Đừng ỷ lại vào người khác, mình tự lo tự cứu lấy mình. Nhứt là không nên tham sang giàu do tiền của ngoại nhân ban cho.
Tài liệu còn ghi rõ, khi Ngài hướng dẫn tín đồ vào núi Tượng một số rất đông, nhưng không rõ số lượng là bao nhiêu ? Chỉ ghi nhận rằng: Người quá đông, nhà cất san sát như “bánh ếch sắp trên sàng”. Sau khi Ngài khai sơn, trảm thảo xong, liền truyền cho tín đồ đốn cây, cắt tranh tạm cất chùa để thờ phượng (nền chùa Phi Lai hiện nay) và cất nhà cho Bá gia (Ngài gọi tín đồ là Bá gia) che mưa đở nắng.
Đến tháng 10 năm Đinh Sửu (1877) Đức Bổn Sư mới chém gỗ, khởi công xây cất chùa miếu, vào tháng 11 năm nầy, Ngài cho thượng lương một lượt hai ngôi Đình và Chùa. Đình An Định (phía trước) thờ trăm quan cựu thần, anh em liệt sĩ. Chùa Phi Lai (phía sau) thờ Trần Điều nơi chánh điện, thờ chư Phật và Tiền, Hậu hiền ở hai bên (1) Sau khi dựng ngôi chùa chánh xong, Ngài mới phác họa sơ đồ thành lập thôn An Định.(2)
(1) Chùa Phi Lai và Đình An Định tái thiết lại lần thứ hai vào ngày 19-01 năm Giáp Thân (1884) để có đủ chỗ cho thập phương bổn đạo đến lễ bái.
(2) Đức Bổn Sư qui tụ tín đồ thiết lập làng mới gọi là An Định Thôn cho đến năm Tân Tỵ (1881) nhà cầm quyền Pháp mới hợp thức hóa cho thôn nầy, người làm Xã trưởng đầu tiên tên là Lân.
Theo sơ đồ của Ngài, trước nhứt là lập thôn An Định, thôn nầy chung quanh hòn núi Tượng hiện nay (có nơi gọi là Bạch Tượng sơn). Đến ngày mùng Một tháng 6 năm Canh Thìn (1880) Ngài cho thiết lập thêm hai ngôi miếu: Sơn Thần và Mã Châu. Hai ngôi miếu cũng chung quanh hòn núi Tượng.
Đến năm Nhâm Ngọ (1882) công việc mở mang đường sá, thiết lập chùa miếu tại thôn An Định tạm xong. Ngài bèn hướng dẫn tín đồ đến khai mở hoang giữa núi Tượng và núi Dài về hướng Tây Nam để thiết lập thôn mới khác tên là thôn An Hòa (hiện nay hai thôn nầy là Ấp An Định và An Hòa thuộc xã Ba Chúc, quận Tịnh Biên, tỉnh Châu Đốc). Ngài di dân, lập xã An Hòa xong, đến ngày 15 tháng 4 cùng năm, Ngài cho thượng lương ngôi Chùa Phổ Đà để tín đồ tại thôn An Hòa lễ bái chung.
Cũng vào năm 1882, sau khi thành lập thôn An Hòa xong, Ngài bèn trở về thôn An Định lo thiết lập ngôi chùa Tam Bửu. Giờ Tý ngày 16 tháng 12 làm lễ thượng lương. Chùa Tam Bửu là nơi Ngài thường trụ cũng như tư gia của mọi người, nên trong Bá gia của Ngài gọi là Tam Bửu Thường Trụ, đó là ngôi chùa Tam Bửu hiện nay.
Năm sau (Quí Mùi - 1883), Ngài phân công và sắp xếp cho những vị cao đồ trông nom hai thôn đã thành lập xong. Ngài hướng dẫn số tín đồ khác đi lần theo chơn núi Dài về hướng Tri Tôn, cho khai hoang nơi địa điểm nầy, thành lập thêm thôn khác gọi là thôn An Thành (nay thuộc xã Lương Phi, quận Tri Tôn, Châu Đốc). Khi sắp xếp nơi ăn chốn ở cho tín đồ xong, Ngài cho làm lễ thượng lương ngôi Châu Linh Tự vào giờ Dần ngày 29 tháng 10 năm Quí Mùi (1883). Đây là ngôi chùa chánh để cho tín đồ thôn An Thành thường ngày lễ bái.
3.- HÌNH THỨC HÀNH ĐẠO CỦA HỆ PHÁI TỨ ÂN HIẾU NGHĨA.
Người tín đồ Hiếu Nghĩa trước khi vào Đạo phải biết sơ qua Tôn chỉ và Nghi thức. Vì ngoài việc trau tâm sửa tánh ra, đạo Hiếu Nghĩa rất nhiều Nghi lễ cúng kiếng và tụng niệm. Nếu chưa biết sơ qua nghi thức hành đạo thì rất dễ chán nãn. Do đó, ít có người đi suốt con đường Đạo sự cho đến ngày xác thân lìa tục.a)-TÔN CHỈ:
Tôn Chỉ của đạo là “Học Phật Tu Nhơn” cho người Cư sĩ tại gia. Không cấm việc dựng vợ gả chồng, tự do kinh doanh, tự do sinh kế theo khả năng, nghề nghiệp của mình, miễn là không xâm phạm đến tự do của người khác. Không bắt buộc trường chay khổ hạnh nhưng hạn chế sát sanh. Và cử ăn 12 con Giáp (như Chuột, Heo, Gà, Trâu, Dê.v.v…)Kính trọng chung Tam Giáo (Phật, Thánh, Tiên) xem ba giáo nầy cùng một gốc. Cúng dường, trì niệm theo hình thức Phật Giáo. Lễ nghi, học vấn, văn tự theo hình thức Nho giáo. Rèn luyện Tinh, Khí, Thần gần với Lão giáo.
b)-NGHI THỨC:
Ngày đầu vào Đạo phải đưa đến chùa van vái tự nguyện qui y nhập Đạo. Do ông Trò của gánh mình qui y (Từ ngày Đức Bổn Sư tịch diệt những người được kế tiếp xem sóc giềng mối đạo gọi là ông Trò) cấp phát Lòng phái cho người đã qui y. Lòng phái nầy có bốn phần:- Tờ Lòng Phái chánh bằng giấy vàng, trong ấy có viết rõ tên họ, năm tháng thọ phái qui y và một bài kinh khoảng 100 chữ. Người qui y thọ phái phải học thuộc lòng (Bài Kinh nầy gọi là Lòng phái).
- Một tờ giấy vàng nhỏ, hình chữ nhựt có in trên đó 4 chữ BỬU SƠN KỲ HƯƠNG bằng triện son.
- Một tờ nguyên khổ giấy vàng in trên đó nhiều bùa chú, gọi là Tiên Sanh Thế Độ.
- Một tờ bằng vải tây đỏ, phỏng độ 3x6 tấc, in trên đó chữ bùa lớn, màu xanh. Gọi là Tiên Sanh Thái Kiệt.
THỜ PHƯỢNG: Giữa nhà có bàn nhị đẳng (mặt bàn có hai từng). Trên hết thờ Quan Thánh Đế Quân, từng kế thờ Hội Đồng Thượng Phật. Dưới chót có một bàn Kinh (rời) ngoài lư hương ra, hai bên có chuông mõ, chính giữa một bộ Kinh cúng dường 13 quyển. Vách phía bên phải có một bàn thờ nhỏ thờ Tam Giáo. Bên trái có bàn nhỏ riêng thờ Cửu Phẩm Liên Hoa. Bên dưới bàn nhị đẳng có bàn nhỏ thờ Thập Phương.
Trong cùng bên phải thờ Nội ngoại thân thuộc bên vợ. Ngoài cửa (chính giữa thờ Tiền hiền. Hai bên thờ Tả, Hữu mạng Thần). Trước sân có bàn Thông Thiên chia làm hai tầng. Tầng trên thờ Chánh Đức Thiên La Thần. Tầng dưới thờ Thổ Trạch Long Thần.
Trên bàn Tiền hiền thường có một khay lễ, trong khay có nơi cấm đèn nhang và hoa, ba chung nước và một cái dĩa têm trầu cau. Nếu thờ đúng theo Nghi thức của Đạo, thì nhà người tín đồ cũng như một ngôi chùa, mỗi lần thắp nhang phải trên 10 cây.
c)-TRANG PHỤC:
Người tín đồ qui y nhập Đạo khỏi phải thí phát (cạo đầu) trái lại còn để tóc dài, bới lên, mỗi người tối thiểu phải có chiếc áo dài bằng vải màu đen (không nên dùng hàng lụa) để lễ bái ở chùa, hoặc đi cúng dường nơi nhà các thân bằng. Khi đến phải đi chơn đất, không được mang giày dép vào chùa.d)-HÀNH ĐẠO:
Phần nhiều người cho rằng: Những người tu hành là những người khác hơn các giới ngoài đời, là người hiền đức, hoặc người tu hành là để gọi chung cho những người tuân theo giới luật của một giáo thuyết nào đó. Nhưng phân tích theo nghĩa đen: Tu là trau giồi bản thân cho riêng mình, hoặc theo một giáo điều mà mình phục tùng. Hành là hành đạo, hành theo nhơn đạo hoặc theo quy tắc căn bản của một giáo thuyết mình tôn thờ. Như thế người tu sĩ đã theo giáo thuyết Tứ Ân Hiếu Nghĩa thì phải tuân theo sự hành đạo.Công phu Bái Sám: Người vào Đạo, trước tiên phải học thuộc mặt chữ (chữ Hán) quyển Linh Sơn Hội Thượng Kinh, vì quyển kinh nầy là nghi thức cúng dường sơ đẳng của Đạo, công phu đầu hôm, sớm mai hoặc các nghi thức cúng dường hay nhựt tụng, thường trích trong quyển Kinh nầy.
Niệm Phật (hay lần tràng hạt): Mỗi tín đồ thảy đều có một xâu chuỗi bằng hạt Bồ Đề hoặc hạt Kim Cang (108 hạt) gọi là niệm Pháp trường. Khi lần mỗi hạt là tâm niệm một lần Phật hiệu. Xong một bần là niệm đủ 108 lần Phật hiệu. Niệm bảy bận (mỗi bận một danh xưng Phật hiệu khác nhau) như vậy mới xong một “Thất” Pháp. Mỗi thời cúng, người tu sĩ tối thiểu phải niệm ba “Thất Pháp”. Mỗi Thất Pháp còn phải niệm theo ba quyển Kinh, tùy theo lễ cúng. Thiện nam, Tín nữ niệm kinh hiệu khác nhau.
Sử Thập Điều (tuân Mười điều):
1/-Tuân luật Thượng Sư (tuân theo luật Thầy dạy).
2/-Báo đáp Tiên linh (báo đáp công ơn ông bà đã khuất). 3/-Lễ Phụ Tử Cang (Lễ phép đạo nghĩa Cha con).
4/-Lễ Quân Thần Cang (Lễ phép đạo nghĩa Chúa Tôi).
5/-Lễ Thập phương Phật (Lễ bái Chư Phật mười phương). 6/-Lễ Báo ân Tam Bảo (Lễ trả ơn Phật, Pháp, Tăng).
7/-Nghĩa đáp Ân Sư (trả nghĩa ơn Thầy).
8/-Tín nghĩa Thân Bằng (giữ tín nghĩa với bà con làng xóm).
9/-Tác Phu Thê Cang (giữ tình nghĩa vợ chồng). 10/-Tạ Ân Hậu thổ (Trả ơn tấc đất ngọn rau).
đ)-CÚNG DƯỜNG:
Ngoài những công phu xử thế ra, người tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa còn phải thường xuyên cúng dường để báo đáp công ơn các bậc tiền nhơn. - Sự tử như sự sanh, sự vong như sự tồn. - Mỗi tín đồ hằng năm phải cúng dường nhiều lệ, để cầu siêu cho các bậc tiền nhơn được siêu sanh Tịnh Độ. Do đó, mỗi năm người tín đồ chẳng luận sang hèn, nghèo giàu, đều phải có những lễ cúng dường:Lễ cúng Đoan Ngũ: Sau khi cúng mùng 5 tháng 5 xong, mỗi gia đình phải chọn một ngày để cúng Đoan Ngũ, thường thì hay chọn ngay ngày cúng giỗ cho ông bà. Trước nhứt, gia chủ phải sắm khay lễ đến trình tại chùa Tam Bửu, kế đến trình tại nhà ông Trò của gánh mình đã quy y. Sau rốt, đến trình với ông Cư Sĩ (người thường làm sớ điệp cho gia đình mình) nhờ ông nầy làm sớ điệp cúng.
Đến ngày cúng, ngoài việc mời thân bằng đến tụng niệm Cầu siêu, gia chủ phải đi làm lễ thỉnh điệp những nơi đã trình qua. Trong điệp ghi đủ Danh sách những vong nhơn bên Nội, Ngoại, Chồng và Vợ. Phẩm vật cúng gồm có: Hương Hoa Trà Quả và sáu bản giấy tiền cộng với vàng bạc, giấy Ngũ sắc, giấy trắng xếp lại từng phần, mỗi vong nhơn một phần. Về thực phẩm có chi cúng nấy, không bắt buộc. Nhưng đặc biệt phải có hai món: Bánh Đúc và Xôi Xeo. Khi cúng xong người cư sĩ có trách nhiệm lập thành một cuốn sách cho bá gia của mình, sách và điệp giống y nhau, rồi đốt đi, sách để lưu lại cho gia đình người cúng giữ.
Bộ Kinh cúng dường gồm 11 quyển, trong đó có 3 quyển Hiếu Nghĩa Kinh (Thượng, Trung, Hạ), người cư sĩ chỉ tụng một quyển Thượng cho Lễ Đoan Ngũ.
Lễ cúng Chánh Đán: Từ nội dung đến hình thức lễ cúng nầy cũng không khác Lễ cúng Đoan Ngũ, chỉ khác là người Cư sĩ tụng kinh Hiếu Nghĩa quyển Trung, và mùa tiết cúng Chánh Đán từ tháng Giêng đến cuối tháng Ba.
Lễ cúng Đối Kỵ: Đối Kỵ là ngày giỗ cho Ông Bà hay Cha Mẹ. Hình thức Lễ nầy cũng như những Lễ cúng đã nêu trên nhưng nội dung sự cúng kiếng thu hẹp hơn. Vì những Lễ cúng trên có nhiều vong linh, nên sự cúng kiếng có tánh cách là “Đám Giỗ Hội” nên phải mời nhiều thân bằng để được nhiều Pháp thí. Lễ Đối Kỵ chỉ có một Vong linh, nên hạn chế từ việc mời thân bằng đến phẩm vật cúng dường. Dĩ nhiên người Cư sĩ phải niệm Hiếu Nghĩa kinh quyển Hạ và cũng không quên “Bánh Đúc Xôi Xeo”.
Ngoài các Lễ cúng chính yếu đã nêu trên còn rất nhiều Lễ cúng Thượng, Trung, Hạ nguơn, ngày rằm, ngày vía, bốn mùa tám tiết, Quan, Hôn, Tang, Tế.v.v…
Đăng nhận xét