Chương Thứ Ba: Nghi-Thức Hành-Đạo
Hỏi. – Rất hân-hạnh được quí ông kể cho nghe thân-thế và giáo-pháp của Đức Huỳnh Giáo-chủ, tôi nhận thấy rất chơn-chánh và đúng với giáo-lý của Phật. Như thế, quí ông cũng cần cho tôi biết luôn về nghi-thức hành-đạo như thế nào để tôi có qui-y theo.
Đáp. – Chúng tôi đã nói giáo-pháp của Ngài chú-trọng ở chỗ
không hình sắc, cho nên cách qui-y rất đơn-giản. Phàm một người muốn vào đạo Phật-giáo
Hòa-Hảo, trước hết phải trình với Cửu-huyền Thất-tổ và xin phép cha mẹ, như vợ
thì có sự ưng thuận của chồng, rồi mới được làm phép qui-y Tam-bảo. Cách qui-y
có nhiều trường-hợp: hoặc đến ngay Ngài mà thọ phép qui-y, hoặc ở nhà tự thượng
trang rồi nhờ hai người có đạo đến chứng kiến, hoặc tự mình qui-y nếu trường-hợp
không tiện bày bố nghi-thức.
H. – Cái trường-hợp tự qui-y như thế có được Ngài chứng
không?
Đ. – Ngài vẫn chứng như thường. Như có một vài trường-hợp
có những tín-đồ đã tự qui-y tại nhà, thế mà khi đến Ngài còn xin qui-y với Ngài
nữa thì Ngài cho biết rằng: mặc dầu tự qui-y lấy nhưng Ngài đã biết rồi, khỏi cần
phải qui-y nữa. Ngài còn cho biết không một tín-đồ nào đã qui-y mà Ngài không
chứng.
H. – Cách qui-y như thế nào?
Đ. – Trước hết phải học cho thuộc bài qui-y và mấy bài-nguyện,
rồi sau đó mới thượng ngôi Tam-bảo mà làm lễ qui-y.
H. – Có mấy bài nguyện và những bài nguyện ấy như thế
nào?
Đ. – Bất cứ người tín-đồ nào cũng phải học bài dưng hương
và bài bái tạ Cửu-huyền, bài qui-y Tam-bảo và bài Tây-phương ngũ-nguyện như dưới
đây:
Bài nguyện trước bàn thờ Cửu-huyền
Bài dưng hương:
Cúi kính dưng hương trước Cửu-huyền,
Cầu trên Thất-tổ chứng lòng thiền.
Nay con tỉnh-ngộ qui-y Phật,
Chí dốc tu hiền tạo phước duyên.
Bài bái tạ Cửu-huyền:
Cúi đầu lạy tạ Tổ-tông,
Báo ơn sanh dưỡng dày công nhọc-nhằn.
Rày con xin giữ Đạo-hằng,
Tu cầu Tông-tổ siêu-thăng Phật-đài.
Nguyện làm cho đẹp mặt mày,
Thoát nơi khổ-hải Liên-đài được lên.
Mong chờ đức cả bề trên,
Độ con yên-ổn vững bền cội tu.
Bài nguyện trước ngôi Tam-bảo
Bài qui-y
Nam-mô Ta-bà Giáo-chủ Bổn-sư Thích-Ca Mâu-ni Phật (niệm ba
lần).
Nam-mô thập-phương Phật.
Nam-mô thập-phương Pháp,
Nam-mô thập-phương Tăng.
Nam-mô Phật-Tổ Phật-Thầy, Quan Thượng-đẳng Đại-thần, chư
quan Cựu-thần, chư vị Sơn-thần, chư vị Năm-non Bảy-núi cảm-ứng chứng-minh, nay
con cải-hối ăn-năn làm lành dữ, nguyện qui-y theo mấy Ngài tu-hiền theo Phật-đạo.
Bài Tây-phương ngũ-nguyện
Nam-mô Tây-phương Cựu-lạc thế-giới đại-từ đại-bi phổ-độ
chúng-sanh A-Di-Đà Phật.
Nam-mô nhứt nguyện cầu: Thiên-hoàng, Địa-hoàng, Nhơn-hoàng,
Liên-hoa hải-hội, thượng Phật từ-bi, Phật-vương độ-chúng thế-giới bình-yên.
Nam-mô nhị nguyện cầu: Cửu-huyền Thất-tổ Tịnh-độ siêu-sanh.
Nam-mô tam nguyện cầu: Phụ-mẫu tại đường tăng-long phước
thọ, phụ-mẫu quá-khứ trực-vãng Tây-phương.
Nam-mô tứ nguyện cầu: Bá-tánh vạn dân từ-tâm bác-ái giải-thoát
mê-ly.
Nam-mô ngũ nguyện cầu: Phật-tổ Phật-thầy từ-bi xả-tội
đệ-tử tiêu tai tịnh sự trí-huệ thông-minh giai đắc Đạo quả.
Nam-mô A-Di-Đà Phật.
Nam-mô Đại-thế-chí Bồ tát.
Nam-mô Quan-thế-âm Bồ-tát.
H. – Cách thờ-phượng như thế nào?
Đ. – Trong nhà chỉ được thờ Cửu-huyền Thất-tổ và ngôi Tam-bảo,
trước nhà thì dựng một bàn Thông-thiên.
H. – Ví như trong nhà đã có thờ những là: Cửu-thiên
huyền-nữ, Quan-thánh đế-quân, Tư-mạng Táo-quân, Tài-thần v.v… thì phải làm sao?
Có nên giữ lại không?
Đ. – Những bàn thờ ấy đều phải dẹp.
H. – Dẹp như thế có lỗi với Thánh-Thần không?
Đ. – Không lỗi, là vì trước khi dẹp nên thỉnh mấy Ngài
qua ngôi Tam-bảo, nếu mấy Ngài chơn-chánh.
H. – Còn miễu Thổ-thần ở ranh đất có nên để không?
Đ. – Cũng không nên để.
H. – Thế thì trong nhà chỉ được thờ có ngôi Tam-bảo và
bàn thờ Cửu-huyền Thất-tổ. Nhưng thờ thế nào mới đúng cách?
Đ. – Giản-tiện nhứt là thờ nhị cấp, nghĩa là cấp dưới thờ Cửu-huyền
Thất-tổ, còn cấp trên thì thờ ngôi Tam-bảo, nhưng cả hai phải luôn luôn thờ ở
căn giữa.
H. – Cách trần-thiết như thế nào?
Đ. – Trên bàn Cửu-huyền Thất-tổ, ngoài lư-hương phải có ba
chung nước. Còn việc cúng-kiếng thì tùy-tiện có chi cúng nấy.
H. – Còn ngôi Tam-bảo thì thờ-phượng cách nào?
Đ. – Đức Thầy có giải rõ:
Từ trước đến nay, các chùa-chiền đã tạo quá nhiều hình tượng.
Đành rằng vì tôn kính đấng từ-bi mới làm ra thờ-phượng Ngài, nhưng cũng có kẻ lợi-dụng
để thủ lợi. Bây giờ chúng ta không nên tạo thêm nữa. Làm như thế chúng ta không
có ý hủy-báng sự phượng thờ của các chùa-chiền. Cách thờ-phượng ấy tùy theo điều
kiện các sư mà chúng ta cũng có thể sùng ngưỡng đặng. Nhưng riêng về cư-sĩ ở
nhà không nên tạo thêm nữa, nên thờ đơn-giản cho lòng tin-tưởng trở lại tâm hồn
hơn ở vào sự hào-nháng bề ngoài. Từ trước, chúng ta thờ trần Điều là di-tích của
Đức Phật Thầy Tây-An để lại. Nhưng gần đây có nhiều kẻ thờ trần Điều tự xưng
cùng tông-phái với chúng ta làm sái phép, sái với tôn-chỉ của Đức Phật, nên
toàn thể trong Đạo đổi lại làm màu Dà. Lại nữa, từ trước đến giờ các sư dùng
màu Dà để biểu hiệu cho sự thoát tục của mình, và màu ấy là sự kết-hợp của tất
cả các màu sắc khác, nên có thể tượng-trưng cho sự hòa-hợp của nhân loại, không
phân-biệt chủng-tộc và cá-nhân. Vì vậy chúng ta dùng nó trong chỗ thờ-phượng để
tiêu-biểu cho tinh-thần vô-thượng của nhà Phật…
Về cách cúng Phật, chỉ nên cúng nước lạnh, bông hoa và
nhang thôi. Nước lạnh tiêu-biểu cho sự trong sạch, bông hoa tiêu-biểu cho sự
tinh-khiết, còn nhang dùng đặng bán mùi uế-trược. Ngoài ra chẳng nên cúng một
món gì khác cả.
H. – Còn ngoài bàn Thông-thiên thờ cách nào?
Đ. – Bàn Thông-thiên cũng như bàn Phật ngoài lư-hương còn
có ba chung nước và một hay ba chung bông.
H. – Bây giờ xin quí ông chỉ cách lễ-bái. Ở bàn nào đọc
những bài nào và lễ bái ra làm sao?
Đ. – Trước hết thi lễ ở bàn Cửu-huyền Thất-tổ. Ở đây đọc
bài “Dưng hương” và bài “Bái tạ Cửu huyền”, rồi lễ bốn lạy và xá ba xá. Tiếp đó
thi lễ ngôi Tam-bảo và đọc bài “Qui-y”. Khi đọc xong, cắm hương rồi lạy bốn lạy
và xá ba xá. Sau hết đọc bài “Tây-phương ngũ-nguyện” rồi cũng lạy bốn lạy và xá
ba xá.
“Đảnh lễ bàn Phật xong, ra bàn Thông-thiên cầu-nguyện bốn
hướng, lấy bàn Thông-thiên là hướng chánh, trước mặt, sau lưng, hai bên vai,
xoay theo chiều bên trái.
“Hướng chánh bàn Thông-thiên có nguyện bài Qui y, còn ba hướng
kia chỉ nguyện bài Ngũ-nguyện, khi nguyện xong, mỗi hướng lạy bốn lạy, trường-hợp
không thể lạy được thì xá ba xá cũng được.
“Lạy đứng hoặc lạy quì cũng được tùy theo lúc yếu mạnh.
(Đàn-ông lạy đứng, đàn bà lạy quì)”
H. – Cứ như tôi thấy thì ở nhà thiền, người ta lạy ba
lạy và xá ba xá, còn anh em tín-đồ lại lạy bốn lạy và xá ba xá là có nghĩa làm
sao?
Đ. – Theo chúng tôi hiểu: ở nhà thiền lạy ba lạy, đó là lạy
tam-thế Phật: Đức A-Di-Đà, Đức Thích-Ca, Đức Di-Lặc. Còn chúng tôi lạy bốn lạy
là lạy tứ-ân và xá ba xá là có nghĩa xá tam-thế Phật Tây-phương Cực-lạc: Đức
A-Di-Đà, Đức Quan-thế âm và Đức Đại-thế-chí.
H. – Cứ theo tôi thấy thì anh em tín-đồ lạy lật ngửa
bàn tay là có nghĩa gì?
Đ. – Đức Thầy có giải như vầy:
Bàn tay lật ngửa vậy mà,
Chớ đừng lật sấp vì Thầy tái-sanh.
H. – Như quí ông đã nói: muốn vào Đạo phải làm lễ qui-y; vậy
qui-y có nghĩa như thế nào?
Đ. – Ngoài nghi-thức qui-y như chúng tôi đã kể, qui-y còn
có nghĩa như Đức Thầy đã giải:
Qui là về cửa Phật. Y có nghĩa là vâng lời theo khuôn-mẫu.
Vậy qui-y đầu Phật là nương nhờ cửa Phật và làm y theo lời
Phật dạy. Phật từ-thiện cách nào ta phải từ-thiện theo cách nấy. Phật tu cách
nào đắc đạo rồi dạy ta, ta cũng làm theo cách nấy. Cần nhứt ở chỗ giữ giới-luật
hằng ngày.
H. – Sau khi cúng lạy còn hành lễ gì nữa không?
Đ. – Trong quyển Những điều sơ lược cần biết của kẻ tu hiền
có giải rằng:
Cúng xong muốn niệm Phật cũng được; ngồi bán già, thẳng
lưng niệm:
Nam-mô A-DI-ĐÀ Phật
Hay niệm: Nam-mô Tây-phương Cực-lạc thế-giới, tam thập lục
vạn ức, nhứt thập nhứt vạn, cửu thiên ngũ bá đồng danh đồng hiệu, đại-tứ đại-bi
phổ-độ chúng-sanh A-Di-Đà Phật.
Niệm Phật tùy theo sức mình, lúc cầu-nguyện và niệm Phật chỉ
niệm trong tâm và phải thành-tâm.
Nam-mô A-Di-Đà Phật, sáu chữ đi, đứng, nằm ngồi rán niệm chớ
quên, không đợi gì thời-khắc.
H. – Thế nào gọi là ngồi bán-già và ý-nghĩa nó ra làm
sao?
Đ. – Ngồi bán-già có hai cách:
Một là theo tướng ngồi Kiết-tường của Đức Phổ-Hiền Bồ-tát,
để ngửa chơn trái gác lên bắp về chơn mặt.
Hai là theo tướng ngồi Hàng-ma của Đức Văn-thù Sư-lợi Bồ-tát,
để ngửa chơn mặt gác lên bắp vế chơn trái.
Chúng tôi hầu hết ngồi theo tướng Hàng-ma, vì ngồi tướng
này thì vừa bình-định cái tâm và vừa hàng phục chư ma.
H. – Như quí ông đã nói cần phải giữ giới-luật hằng
ngày, vậy những giới-luật ấy như thế nào?
H. – Mỗi người tín-đồ vào Đạo đều phải giữ Tám điều răn cấm
như sau đây:
Điều thứ nhứt. – Ta chẳng nên uống rượu, cờ-bạc, á-phiện,
chơi-bời theo đàng-điếm, phải giữ cho tròn luân-lý tam-cang ngũ-thường.
Điều thứ nhì. – Ta chẳng nên lười-biếng, phải cần-kiệm,
sốt-sắng lo làm ăn và tu hiền chơn-chất, chẳng nên gây-gổ lẫn nhau, hãy tha-thứ
tội lỗi cho nhau trong khi nóng giận.
Điều thứ ba. – Ta chẳng nên ăn xài, chưng dọn cho thái
quá và lợi-dụng tiền tài mà đành quên nhơn-nghĩa và đạo-lý, đừng ích-kỷ và
xu-phụng kẻ giàu sang, phụ người nghèo khó.
Điều thứ tư. – Ta chẳng nên kêu Trời, Phật, Thần,
Thánh mà sai hay hoặc nguyền rủa, vì Thần Thánh không can-phạm đến ta.
Điều thứ năm. – Ta chẳng nên ăn thịt Trâu, Chó, Bò và
không nên sát sanh hại vật mà cúng Thần Thánh nào, vì Thần Thánh không bao giờ
dùng hối-lộ mà tha tội cho ta, vì nếu ta làm tội sẽ hưởng tội, còn những hạng
ăn đồ cúng-kiếng mà làm cho biết bịnh là Tà-thần, nếu ta cúng-kiếng mãi thì nó
ăn quen sẽ nhiễu-hại ta.
Điều thứ sáu. – Ta không nên đốt giấy-tiền vàng-bạc,
giấy quần áo mà tốn tiền vô lý, vì cõi Diêm-vương không bao giờ ăn hối-lộ của
ta mà cũng không xài được nữa, phải để tiền lãng-phí ấy mà trợ-cứu cho những
người lỡ đường đói rách, tàn-tật.
Điều thứ bảy. – Đứng trước mọi việc chi về sự đời hay
đạo-đức, ta phải suy xét cho minh lý rồi sẽ phân-đoán việc ấy.
Điều thứ tám. – Tóm tắt, ta phải thương yêu lẫn nhau
như con một cha, dìu-dắt lẫn nhau vào con đường đạo-đức; nếu ai giữ được trọn
lành trọn sáng, về nơi cõi Tây-phương an-dưỡng mà học Đạo cho hoàn-toàn đặng trở lại
cứu với chúng-sanh.
H. – Ví như người đã lỡ ghiền rượu, á-phiện và cờ-bạc
có được thâu-nhận vào Đạo không?
Đ. – Về những điều này Đức Thầy có dạy như vầy:
Uống rượu. – Phải cử tuyệt, nhưng khi có tiệc lễ với người
ngoài và không phải nhằm ngày chay lạt, có thể dùng một đôi chút rượu thật nhẹ
để đừng có tỏ sự chia-rẽ với kẻ ngoại đạo. Nếu say-sưa sẽ phải tội-lỗi.
Thuốc phiện. – Phải cử tuyệt, không được hút một điếu nào hết.
Những kẻ đã hút muốn vào Đạo phải bỏ hút rồi mới được nhìn-nhận. Trừ ra những
người đau mà thầy thuốc bảo phải dùng một chút ít hợp với các vị thuốc khác mới
có thể châm-chế đặng.
Cờ-bạc. – Phải cử tuyệt; những kẻ cờ-bạc muốn vào Đạo phải
thệ-nguyện bỏ cờ-bạc rồi mới được nhìn nhận. Về sự này, chẳng có cuộc vui nào
có thể châm-chế đặng.
Riêng về cờ-bạc Đức Thầy có thức-tỉnh một nữ tín-đồ như vầy:
Cuộc trần, ôi quá khổ!
Trường đỏ đen là chỗ nhuốt-nhơ.
Biết bao người vì nó phải bơ-vơ:
Sự-nghiệp hết, gia-đình tan-nát,
Sớm tỉnh-ngộ lên đường giải-thoát,
Lánh xa trường đổ-bác chớ chen chân.
Nếu lỡ cơ mua tảo bán tần,
Thân trí cực, nợ lần-khân chẳng dứt.
Chi cho bằng:
Qui-y thì khá làm y,
Giữ lòng thanh-tịnh từ-bi giúp đời.
H. – Khi đã giữ giới, còn có cần phải ăn chay không?
Đ. – Cứ theo qui-tắc thì mỗi tháng có bốn ngày chay; ngày
14, 15, 29, và 30, tháng thiếu thì mồng một, như Ngài đã đề-cập trong Sám giảng:
Chay bốn bữa ấy là qui-tắc,
Của kẻ Khùng chỉ dắt chúng-sanh.
Ngoài ra ai muốn ăn 6 ngày, 10 ngày… thì tùy ý.
Hằng năm đến ba ngày xuân nhựt thì ngày 29, 30 và mồng một
phải ăn chay, trong mấy ngày ăn chay nên cúng chay, qua đến ngày mồng hai có
chi cúng nấy cũng được, đến ngày mồng ba ra mắt không nên sát sanh loài vật mà
cúng tế Trời Phật, chỉ dùng bông hoa mà cúng thôi.
Về tục cúng ra mắt mồng ba, Ngài có làm thi khuyên như vầy:
Chúc mừng năm mới buổi xuân qua,
Bỏ bớt dị-đoan chẳng cúng gà.
Tre nêu phơ-phất không còn thấy,
Ra mắt tiêu mòn bữa thứ ba.
H. – Tôi thấy anh em tín-đồ mỗi bữa ăn đều có vái với
ý-nghĩa gì?
Đ. – Mỗi khi ăn cơm mấm muối chi cũng vậy, đều nguyện-vái Cửu-huyền
Thất-tổ ông-bà, cha mẹ quá vãng về ăn với mình để tỏ lòng hiếu thảo. Đến ngày
đơm quảy có chi cúng nấy.
H. – Khi vào Đạo, việc tang ma có nghi-thức chi khác
hơn ngoài đời không?
Đ. – Về điều này Ngài dạy rất kỹ:
Lúc ông bà cha mẹ từ trần, tục để tang, chúng ta vẫn giữ
theo cổ-tục, chỉ cần sửa đổi các sự như sau đây:
Bây giờ chúng ta đã qui-y đầu Phật, thì phải do sự
thành-tâm cầu nguyện và đem sức khẩn vái của anh em trong Đạo cầu nguyện cho
vong-linh người chết đặng siêu sinh nơi cõi thọ. Chẳng nên rước những ông thầy
dưng bông, đốt giấy-tiền vàng-bạc, xá-phướn lầu kho, vì đó là chuyện tốn-tiền
vô-ích bởi vì ta nên nhận-định rằng xác thịt là hư-hoại thì trong lúc chết chỉ
đem chôn cất cho kín-đáo, đừng để hôi thúi có hại cho người sống, như thế là đủ
rồi. Còn hiếu-sự do hồi còn sanh-tiền và do sự tu-hành, sự thành-tâm, cầu nguyện
mà đạt được hiếu-thuận, nhân-nghĩa. Chỉ vọng bàn giữa nhà hay giữa Trời cầu Phật
rồi im lặng đi chôn…
Nên lưu-ý: Tang-gia đừng nên khóc-lóc để tỉnh-tâm cầu-nguyện
cho người chết, vì sự khóc-lóc làm trở ngại sự siêu-thoát anh-linh của người chết.
Về việc cúng-kiếng ông bà cha mẹ, có chi cúng nấy, trong những
ngày kỷ-niệm theo như tục-lệ. Còn về việc đãi-đằng hương-đảng thì tùy ý. Những
điều nào xét ra giản-tiện, ít lảng phí cứ làm.
Về điều này, Ngài đã minh-lý trong một đoạn giảng như dưới
đây:
Luận xem thế-sự thấp cao,
Khuyên dân hãy bớt làm màu hiếu-nhi.
Bỏ rớt rình-rang một khi,
Nếu cha mẹ chết làm y lời này.
Là lời truyền giáo của Thầy,
Bông hoa cầu Phật hiệp vầy đi chôn.
Còn mình muốn đãi làng thôn,
Thì là tùy ý đáp ngôn cho người.
Gẫm trong thế-sự nực cười,
Chẳng lo cải sửa cho người tâm ngay.
Mình làm chữ hiếu mới hay,
Chớ mướn người ngoài cầu nguyện khó siêu.
Muốn cho tội lỗi mòn tiêu,
Thành tâm cầu nguyện sớm chiều mới hay.
Mục-Liên cứu mẹ bằng nay,
Nhờ người hiếu hạnh tâm rày từ-bi.
Ai ai hãy rán mà suy,
Thương đời ta tỏ chuyện ni rõ-ràng.
Làm tuần mà rượu xình-xoàng,
Rồi thì chưởi lộn mà an nỗi gì?
Dương trần làm chuyện dị-kỳ,
Tạo nhiều cảnh giả chơn thì chẳng theo.
Của tiền chớ có bỏ theo,
Chết rồi tế-lễ bò heo làm gì?
Nếu ai biết chữ tu-trì,
Cha mẹ còn sống vậy thì cho ăn.
Không làm để ở lung-lăng,
Chưởi cha mắng mẹ lăng-xăng thiếu gì
Ở cho biết nhượng biết tùy,
Vui lòng cha mẹ vậy thì mới ngoan.
H. – Khi anh em đồng-đạo có việc tang-ma, tư-cách của
một tín-đồ phải đối xử thế nào?
Đ. – Trong lúc người đồng-đạo có việc tang-ma bổn-phận của
một tín-đồ là phải đến hộ-tang.
Ngoài việc giúp đỡ, người tín-đồ còn phải cầu-nguyện cho
người chết.
Mỗi người đứng trước bàn Phật, niệm:
Nam-mô Bổn-sư Thích-Ca Mâu-ni Phật (ba lần).
Nam-mô A-Di-Đà Phật (ba lần)
Vái: Phật-Tổ Phật Thầy, nay mình thành-tâm cầu nguyện cho
tên…(tên người chết), nhờ ơn Đức Phật từ-bi cứu-độ vong-linh được thoát chốn
mê-đồ, vãng-sanh miền Cực-lạc.
Trong lúc ở nhà hay trong lúc đưa đám táng đi cũng vậy, nếu
có tổ-chức sắp hàng chấp tay niệm:
Nam-mô Tây-phương Cực-Lạc thế-giới, tam thập lục vạn ức, nhứt
thập nhựt vạn, cửu thiên ngũ bá, đồng danh đồng hiệu, đại-từ đại-bi tiếp dẫn
vong-linh A-Di-Đà Phật. Nếu người chết là nhà sư thì câu chót đọc: Tiếp dẫn Đạo-sư
A-Di-Đà Phật.
H. – Về tang-ma giản-tiện như thế, còn về việc
hôn-nhơn như thế nào?
Đ. – Với việc này, Ngài dạy rất đơn-giản, có tánh-cách đạo-đức-hóa,
như dười đây:
Bổn-phận cha mẹ phải chọn-lựa đôi bạn cho con một cách xứng
đáng, bằng sự quan-sát tường tận về đức-tánh đôi trai gái. Không nên ép-uổng
con mình quá đáng, vì thế, làm cho khốn-khổ chúng nó về sau; nhưng cũng không
nên để cho chúng quá tự-do mà sự thiếu kinh-nghiệm làm cho đời chúng phải hư-hỏng.
Nên bỏ tục-lệ thách-giá, đòi tiền và đòi lễ-vật. Thông gia
hai bên không nên làm khó cho nhau. Cũng chẵng nên bày ra tiệc lễ linh-đình tốn-kém
nhiều tiền làm cho trở nên nghèo khó.
H. – Tôi thường thấy tín-đồ đạo này chống báng đạo
khác, còn anh em tín-đồ Phật-giáo Hòa-Hảo có thái độ như thế nào?
Đ. – Với tôn-giáo khác, chúng tôi không dám biết, chớ anh
em tín-đồ Phật-giáo Hòa-Hảo, Đức Thầy có dạy rành như sau đây:
Đối với những người theo các tôn-giáo khác, không nên động
chạm tới cách-thức tu-hành của họ, phải kính trọng sự tự-do tín-ngưỡng của họ.
Nhứt là không ỷ đông hiếp-đáp hoặc nói xấu người ta. Như họ có làm dữ với mình
thì mình cũng chẳng được phép vì sự dữ của họ mà trả thù và phải luôn luôn làm
lành với họ. Mình phải hoài hoài làm phải với những kẻ ấy, dầu họ có làm quấy với
mình cũng mặc và phải nhẫn nhịn họ.
Đối với nhân-sanh, bao giờ cũng phải hòa-hợp với họ và làm
cho đôi đàng có thiện-cảm với nhau. Phải biết thương xót đến họ và nếu khi nào
họ cần phải hết sức giúp đỡ họ.
H. – Còn đối với nhà sư thì sao?
Đ. – Đối với nhà sư, Đức Thầy lại dạy cho những đức-độ
khiêm-cung từ-tốn hơn nữa:
Tất cả bổn đạo nên cung kính các Tăng-sư tu hành
chân-chính. Nếu các ông có dạy điều chánh-lý phải nghe lời. Đối với những hạng
tu-hành mà mình biết rõ là dối thế (như mấy ông thầy đám…) hãy tìm cách khuyên
can các ông trở lại con đường chân-chính của đạo Phật. Nếu các ông vẫn tiếp tục
làm điều tà-mị, mình phải bài-trừ triệt-để và giảng-giải cho quần-chúng cùng những
tín-đồ nhà Phật hiểu đặng xa lánh họ.
H. – Còn đối với chùa-chiền?
Đ. – Đối với chùa chiền thì Ngài dạy tín-đồ phải đặt
tinh-thần công-cộng vào việc tôn kính Đức Phật như:
Những ngày vía của Đức Phật, ngày rằm hay ba mươi, mình muốn
đi chùa cũng tốt, đặng lễ Phật, dưng hoa, không có cấm. Nếu chùa nào nghèo
hư-rách mình giúp đỡ được càng tốt. Có điều mình không nên mua sắm hình tượng cho
nhiều.
Khi đến chùa cũng phải tôn-trọng sự thờ-phượng trong chùa
không nên hủy-báng.
H. – Khi mình vào đạo có còn quan-thiết đến việc học
không, và có nên tiếp-tục cho con đến trường không?
Đ. – Với sự học, Ngài lại càng chú-thiết hơn nữa, nên chi
Ngài hằng khuyên:
Sự học-hành không làm trở ngại cho đạo-đức. Trái lại, nhờ
nó nên mình được rõ-ràng giáo-lý cao-siêu của tôn-giáo. Nó tránh cho mình những
sự lạc-lầm, bỏ các điều dị-đoan mê-tín. Nó làm cho mình dẹp bỏ các điều huyễn-hoặc,
không bàn-bạc những chuyện xa vời (như tiên-đoán thiên-cơ chẳng hạn…)
Vậy hãy tự mình học hỏi (học chữ quốc-ngữ…) và hãy cho con
cháu vào trường học-tập đặng sự hiểu biết của chúng thêm rộng-rãi. Vả lại, sự
hiểu biết về khoa-học không cản trở sự tu-hành và nó giúp cho mình nghiên-cứu
Phật-đạo một cách rành-rẽ.
H. – Cách ăn ở của mỗi tín-đồ phải như thế nào mới
thích-hợp?
Đ. – Về điều này, Ngài dạy rất kỹ, đúng với phương pháp vệ-sanh:
Kẻ tu-hành ăn uống phải có điều-độ. Tránh những món ngon
song nấu toàn đồ độc cho cơ-thể ăn vào sanh bịnh.
Phải giữ gìn thân-thể sạch-sẽ và từ nhà cửa cho đến cho ăn,
chỗ nằm, phải biết trọng vệ-sanh. Bỏ những thói quen ăn ở dơ-bẩn, vì xác-thịt
dơ-dáy thì tinh-thần không thế nào mở mang được và vì Thần, Thánh chỉ gần những
kẻ trong sạch, nên nếu ai muốn được tiếp-độ phải trong sạch vừa tinh-thần lẫn vật-chất.
H. – Tôi thường thấy người tu-hành chỉ chú vào tinh-thần
nhiều hơn nên đối với vấn-đề thể-dục không quan-thiết. Vậy anh em tín-đồ có phải
như thế không?
Đ. – Không! Đức Thầy chẳng những chú-thiết về mặt tinh-thần
mà còn quan-tâm đến vấn-đề thể-dục nữa:
Người trong bổn-đạo nam nữ bất luận, phải giữ gìn thân-thể
cho khỏe mạnh. Như thế, nên luyện tập những môn thể-dục nào hợp với sức khỏe nếu
mình muốn. Bởi vì xác-thịt có khỏe mạnh, tinh-thần mới sáng suốt; như vậy mới
có thể làm sự đạo-nghĩa một cách đắc-lực.
H. – Tóm lại, quí ông cho tôi biết khái-yếu về việc
tu-hành thường ngày của một tín-đồ như thế nào?
Đ. – Theo sự hành-đạo từ lâu của anh em tín-đồ thì chúng
tôi nhận thấy gồm có hai hạnh: tu và hành.
Tu có nghĩa là trau sửa. Nó thuộc về phần khắc-kỷ. Cho nên
người tín-đồ cần phải có những đức-tánh cần-yếu như:
1 Hiếu-hạnh, là đối với cha mẹ, phải biết thương yêu
phụng-dưỡng từ miếng ăn thức mặc, thuốc men… Khi cha mẹ dạy-bảo điều chơn-chánh
thì vui-vẻ vâng-làm. Lúc nào cũng trọng thân-danh của cha mẹ. Khi cha mẹ có lầm
lỗi phải lấy lời nhỏ nhẹ khuyên can. Đến khi cha mẹ quá vãng, thì thờ cúng
trang-nghiêm cũng như khi còn sanh tiền.
2 Lễ-độ là đối xử có khuôn-phép, từ cách chào hỏi
đến việc nói-năng đều bặt-thiệp dầu với người quen kẻ lạ cũng thế.
Sự lễ-độ này không những của kẻ dưới đối với người trên mà
kẻ có địa-vị trên đối với người dưới cũng không thất lễ.
3 Khiêm-cung là đối với ai cũng biết kính nhường
nhứt là người có tuổi-tác hơn mình. Dầu có tài trí hơn người cũng không lấy đó
làm kiêu mà luôn luôn chỉ tỏ ra mình có kém khuyết. Sự thành-thật tốn nhượng ấy
là biểu ý của người đạo-đức chớ không phải ở lòng giả-dối.
4 Thành-thật là bất luận việc nào dù trong
gia-đình hay ngoài xã-hội cũng đều cư-xử chơn-chánh. Khi giúp đỡ người không có
ý dối-mị, dầu rằng việc ấy không ai hay biết. Đến như kẻ khôn ngoan hay người
ngu dốt, cũng lấy thật ý mà cư-xử như nhau.
5 Trung-tín là đối với kẻ trên mình hay người dưới
mình, cũng lấy lòng ngay thẳng mà đối đãi. Trong lời nói hay việc làm cũng giữ
không cho sai thất. Lúc nào cũng giữ thỉ-chung như nhứt.
Đó là về phần tu-kỷ. Còn về phần hành thì người tín-đồ phải
giữ trung-đạo.
H. – Thế nào gọi là trung-đạo?
Đ. – Đức Thầy có giải rõ việc Trung-đạo như vầy:
Khi Đức Thích-Ca thành Phật thì Ngài nói pháp Tứ-đế mà độ đời
trước hơn các pháp và chỉ con đường Trung-đạo cho người hành theo.
Đường Trung-đạo của Phật:
1 Không trưởng-dưỡng xác thịt quá ư sung-sướng như:
ăn nhiều, ngủ nhiều, chẳng lo làm công chuyện, chẳng học hỏi, vì sung-sướng
thái-quá thì sanh nhiều dục-vọng mê-đắm, làm cho trí đạo tối-tăm, không thể đạt
huệ được.
2 Không nên hành xác hay ép xác thịt thái-quá như:
phơi nắng, dầm sương, bỏ ăn bỏ ngủ, làm lụng quá sức-lực của mình, vì ép xác
quá độ thì hay sanh bịnh hoạn nhiều, người mà đã mang bệnh tật rồi, tinh-thần
kém-cỏi, nhọc mệt, trí hóa lu-lờ không đủ sức mà học đạo đặng.
Nên người biết đạo chẳng ép xác thái-quá mà cũng chẳng để
nó sung-sướng quá-độ, chỉ ăn ngủ có chừng mực, làm việc vừa với sức mình, gìn
giữ sức khỏe mới mong học được đạo-pháp.
Vậy Phật chẳng buộc ai phải ăn ở khổ-hạnh và cũng chẳng biểu
ai ăn ở sung-sướng, chẳng ép ai ăn chay, cũng chẳng xúi ai ăn mặn, tùy theo
trình-độ và lòng nhơn của mình.
Điều cần-yếu là phải:
Làm hết các việc từ thiện.
Tránh tất cả điều độc ác;
Quyết rửa tấm lòng cho trong sạch.
Trên đây Đức Thầy giải về sự, còn dưới đây Đức Thầy giải về
lý.
Ta hãy đem đức-tin trong sạch mà thờ kỉnh Phật và hãy đem
lòng lành mà hành-động y theo lời phán dạy của Phật.
Nếu ta cứ đem đức-tin thờ-phượng tôn-giáo bằng cách sai-lầm
thì rất có hại cho đời mạng của ta. Như vậy chỉ tỏ ra một người rất mê-tín (mặc
dầu đạo của ta thờ là một đạo rất chánh-đáng).
Vậy đồng thời với Đức-tin là Lòng-lành phải để cho nó đi cặp
luôn luôn.
Có Đức-tin (tin về Thần-quyền) mà thiếu Lòng-lành thì rất dễ
bị tà-thần cám dỗ, bọn tăng-đồ lợi-dưỡng gạt lường. Bởi những kẻ ấy thường bày
ra cúng-kiếng để chuộc tội hoặc bắt buộc ta thờ kính một cách phiền-phức làm
cho lòng u-tối của ta càng ngày càng u-tối thêm.
Còn có Lòng-lành mà thiếu Đức-tin vào công việc từ-thiện của
mình thì Lòng-lành ấy thường hay thối-chuyển vậy.
Vậy đồng thời với Đức-tin là Lòng trí lành phải đi cặp luôn
luôn.
Có Đức-tin và Lòng-lành rồi thì dùng trí-huệ mà bình-đoán
cái đạo của ta đang học hay sẽ học một cách xác-thực, tìm hiểu cho rõ ràng cái
mục-đích ấy, như thế mới mong thoát khỏi tà-kiến gạt-gẫm ta đem Đức-tin,
Lòng-lành, cống-hiến vào chỗ thấp hèn hay một ông thầy mê dốt.
Người học đạo muốn mở-mang trí-huệ cần phải tìm phương-pháp
diệt cái vô-minh (tối-tăm ngu-muội).
Muốn diệt cái vô-minh trước phải điêu-luyện khối tinh-thần
cho mạnh-mẽ đặng tự lập con đường rõ-ràng duy nhứt của mối đạo mình đang học để
lấy đó làm cương mục mà bài trừ những thành-kiến cố-chấp, thói quen, sự chần-chờ
lòng ham muốn, tánh kiêu-ngạo, tật đố, gièm-siểm, dua-nịnh, ích-kỷ, tư-tâm, sự
gay-gổ, mê-đắm trong bể dục-tình và sự phiền-não nó làm cho náo loạn cõi lòng.
Nếu bài-trừ được nó rồi trí-huệ tất mở-mang vậy.
Người có tâm nếu không tập suy gẫm cho mở trí thì hay dễ bị
lường-gạt.
Người có trí mà vô tâm thì hay xảo trá. Nêu trí và tâm người
học đạo cần tìm cách làm cho nó được phát triển cả hai để lấy tâm làm chủ-trì mọi
việc, lấy trí mà phán xét mọi việc trước khi ta sắp đưa cho tâm chủ-trì. Được
như thế chắc-chắn ta học Đạo mau thành-công đắc-quả.
Đừng thấy ai theo mối đạo nào đông-đảo rồi ta cũng vội vàng
theo đạo ấy mà lúc đó ta chưa hiểu giáo-lý ấy như thế nào.
Cũng đừng thấy người ta thờ Phật rồi vội-vã lập bàn thờ Phật
mà chưa hiểu ông Phật thể nào và tại sao phải thờ kính Đức Phật. Nếu tu như thế,
thờ Phật như thế, thì càng tu càng thờ bao nhiêu càng tỏ cho thiên hạ thấy rõ
ta mê-tín bấy nhiêu. Đó cũng là cái đích để cho người vô đạo nhắm đó mà bài
bác, nhạo-chê hủy-báng và cũng rất uổng cho cái công-trình thành- kính lễ-bái của
ta vậy.
Cho được tránh những điều ấy, trước khi thờ học đạo nào,
hay theo ông thầy nào, ta hãy suy-gẫm phán-đoán kỹ-càng; chừng hiểu biết rõ
ràng ta sẽ hành theo đạo ấy, thầy ấy. Chẳng được như vậy dầu mình theo Đạo rất
chánh-đáng, ông thầy rất thông-minh cũng chẳng có ích chi cho mình cả.
Sự đầu tiên của người hành đạo là cốt sửa những tư-tưởng,
tìm cách đánh đổ tư-tưởng xấu-xa, đem thay vào những tư-tưởng ôn-hòa đạo-đức.
H. – Đức Thầy đã bảo tâm và trí cần phải phát-triển cả
hai, quí ông có thể dùng một cái thí-dụ cụ-thể cho tôi dễ hiểu không?
Đ. – Trong kinh Phật có ví-dụ cái tâm và cái trí cũng như
hai con bò kéo một cổ xe. Nếu một con đi mau hay một con đi chậm quá thì cổ xe ấy
không thế nào tiến mau được. Nó phải chòng-chành, lại có khi ngã lật nữa. Tâm
và trí cũng vậy. Nếu có tâm mà không trí hay có trí (trí tuệ) mà không tâm (tâm
đạo) thì sự tiến-tu sẽ bị thiên-trệ.
Cho nên trong kinh Niết-bàn có nói rằng: “Định đa huệ thiểu
bất ly vô-minh, định thiểu huệ đa tăng-trưởng tà-kiến; định huệ đảng cố, tức
danh giải-thoát”. Nghĩa là: Định nhiều huệ ít thì chẳng khỏi nghiệp vô-minh, định
ít huệ nhiều thì lại thêm sự tà-kiến; định và huệ cân nhau, mới đặng giải-thoát.
H. – Như quí ông đã kể thì pháp-môn hành-đạo này xem
ra rất giản-dị, vậy mà có chứng-đắc gì không?
Đ. – Người chưa tu pháp-môn này thì cho rằng nó quá giản-dị
mà nghi-ngờ nó không có kết-quả, nhưng với người đã đi sâu vào giáo-pháp hoặc
đã có ý tìm hiểu thì không còn ngạc-nhiên mà thấy: với một pháp-môn dễ tu, thế
mà đem lại những kết-quả ngoài sức tưởng-tượng, vì rằng đã có nhiều tín-đồ từ
chỗ ít học hay là không học, chỉ nhờ tu pháp-môn này mà người thì phát huệ, kẻ
lại được điễn-lành, làm thi, nói pháp, hốt thuốc trị bịnh một cách phi-thường mầu-nhiệm.
H. – Câu chuyện quí ông nói nghe sao dễ dàng quá. Tại
sao một pháp-môn không trường-trai khổ-hạnh, ly gia cát ái, lại có những kết-quả
chưa từng thấy. Điều này quí ông có thể giải cho tôi hiểu một cách xác-đáng nữa
không?
Đ. – Câu hỏi của ông, trước kia đã có nhiều người đem hỏi Đức
Thầy và được Ngài phá nghi bằng cái tỷ-dụ này:
Ông có lẽ đã hiểu tổ-chức hội-tề ở làng. Nếu người nào muốn
vào ban hội-tề, trước phải làm chức nhỏ như phó xã, hương tuần v.v… rồi sau mới
làm hương quản, hương bộ, hương hào… Nhưng muốn lên chức chủ cả cần phải làm một
khóa xã. Thảng như chức cai-tổng có khuyết người thì những người đã có làm khóa
xã mới được ứng-cử. Trái lại, người nào dầu lên chức chủ cả mà không có làm xã
thì không bao giờ được quyền ra tranh cai-tổng.
Việc tu-hành cũng vậy. Nếu không có hành nhơn-đạo mà tự-dưng
hành Tiên-đạo, Phật-đạo thì nợ tứ ân chưa trả làm sao mà thành chánh-quả.
Thế cho nên sách xưa có câu: Dục tu Tiên-đạo, tiên tu
nhơn-đạo; nhơn-đạo bất tu, Tiên-đạo viễn hỹ. Nghĩa là: Muốn tu đạo Tiên, trước
phải làm tròn đạo người; đạo người mà không tròn thì đạo Tiên không thể đến được.
Về ý-nghĩa này, Đức Thầy có tóm lược trong hai câu thơ:
Tu đền nợ thế cho rồi,
Ngày sau mới được đứng ngồi tòa-sen.
H. – Quí ông có thể dẫn thêm một thí-dụ cụ-thể dễ hiểu
nữa không?
Đ. – Có lẽ ông đã hiểu việc học và thi-cữ thời nay. Mới vào
trường, trước hết phải học từ lớp chót rồi mỗi năm mỗi lên lớp cho đến lớp nhứt.
Đó là bực sơ-học. Nhưng muốn lên bực-trung học để thi bằng thành-chung phải có
cấp-bằng sơ-học. Và khi thi cấp-bằng tú-tài cũng phải có bằng thành-chung.
Như thế đủ thấy rằng từ bực này lên bực khác, học-sanh phải
trải qua nhiều kỳ thi, và muốn thi cấp-bằng trên phải có cấp-bằng dưới.
Việc tu-hành cũng như việc học, vẫn phải từ chỗ thấp mà đến
chỗ cao. Không có ai ngang nhiên bỏ việc tu nhơn-đạo mà thành được Phật-đạo.
Phương chi trong thời-kỳ Hạ-nguơn này, căn-tánh chúng sanh
rất thiển-bạc, hầu hết đều nặng nghĩa nhơn-luân, dầu có đề-xướng cái pháp-môn tối
tôn tối tuyệt mà không hợp với căn-cơ trình-độ của chúng-sanh thì cũng chỉ làm
cho có chừng chớ không mấy người đạt được đạo-quả.
Đăng nhận xét