BỬU Ngọc Quân Minh Thiên Việt Nguyên,

寶玉君明天越元

SƠN Trung Sứ Mạng Đạo Nam Tiền.

山中師道地南前

KỲ Niên Trạng Tái Tân Phục Quốc,

奇年狀再新復國

HƯƠNG Xuất Trình Sinh Tạo Nghiệp Yên.

香出程生造業安

Tổ Đình Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH
Các Bài Viết Liên Quan
Cám Ơn Các Bạn Đã Ghé Thăm Website. Chúc Các Bạn An Lạc, Có Thêm Nhiều Kiến Thức Bổ Ích…
XIN THƯỜNG NIỆM PHẬT
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

Tứ Ân Hiếu Nghĩa (Phần II)

-Đức Phật Thầy không chuộng Thinh, Âm, Sắc, Tướng. -Đức Bổn Sư thì dạy tụng Kinh, cúng duờng (chuông mõ) thờ phượng hình ảnh (thờ tượng Quan Đế) dùng Sớ, điệp, thiêu giấy tiền vàng bạc, niệm pháp, lần chuỗi, phân biệt Cư sĩ, Ông Gánh, Ông Trò.v.v… -Đức Phật Thầy chỉ trì niệm Di Đà, giản dị kinh chú, giản dị Nghi thức hành lễ v.v… -Đức Bổn Sư lại dạy niệm nhiều Kinh chú, học Văn tự, lễ bái đa Thần, người tín đồ để tóc dài .v.v… Bao nhiêu điểm khác biệt đó, cũng đủ làm cho những người mến đạo không khỏi thắc mắc nghi ngờ sự liên hệ giữa Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa cùng một gốc.


Mục lục

II-TỨ ÂN HIẾU NGHĨA và HỌC PHẬT TU NHƠN


Tứ Ân có nghĩa là 4 ơn: Ơn Tổ Tiên Cha Mẹ. Ơn đất nước (hay Quốc vương Thủy thổ. Ơn Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng). Ơn Đồng bào, Nhơn loại.

Hiếu Nghĩa: Có hiếu với Tổ Tiên cha mẹ, có nghĩa với đồng bào trong xã hội. “Thiên kinh vạn điển hiếu nghĩa vi tiên” (Muôn ngàn kinh điển nghĩa thảo làm đầu). Xin trích một đoạn Kệ trong kinh Siêu Thăng:

Ngã kim qui chánh giác,
siêu ly địa ngục môn
Thượng báo tứ trọng ân,
hạ tế tam đồ khổ
Nhược nhơn kiến văn giả,
tất phát Bồ Đề tâm


Đoạn kinh trên có nghĩa là: Người xử tròn Tứ Ân Hiếu Nghĩa tức là đã đưa vong linh của tiền nhân trở về nẻo chánh, khỏi sa vào địa ngục. Vì trên đã đền đáp 4 ơn sâu, dưới cứu vớt ba đường khổ (Tam đồ khổ: 1. Đọa ngạ quỉ. 2. Túc sanh. 3. A tu la.). Ai nghe được kinh nầy thảy đều phát sanh tâm Bồ Đề.

Ngoài vấn đề công truyền bằng hình thức ra. Đức Bổn Sư rất chú trọng vào Tâm truyền. Ngài giáo hóa cho tín đồ bằng phương pháp “Học Phật Tu Nhơn”. Rèn luện cho người Cư sĩ tại gia tu tâm dưỡng tánh.

1.-TU NHƠN:

Người vào đạo Hiếu Nghĩa tức là muốn Học Phật, nhưng muốn Học Phật thì trước phải Tu Nhơn. Có câu “Nhơn đạo bất tu, Tiên đạo viễn hỷ” có nghĩa là: Muốn tu theo đạo Tiên trước phải trau giồi cái đạo làm người, đạo làm người tu không xong thì khó mong tu Tiên cho thành được.

Bởi thế, người quy y theo Tứ Ân Hiếu Nghiã, hằng ngày phải lưu tâm xử thế cho tròn 4 ơn đã nêu trên. Về phương diện Hiếu Nghĩa chẳng những đền ơn đáp nghĩa cho người sống mà còn phải báo đáp công ơn người đã khuất. Xin trích một đoạn Hiếu Nghĩa Kinh (quyển Hạ).

Thượng thị phụ khi sanh, 
Hạ thử mẫu huyết dưỡng
Thiên địa âm dương hội 
Phụ mẫu khí huyết hòa
Thị cố sanh ngã đẳng, 
Âm dương đồng thọ hưởng
Thiên địa nhơn đồng đạo,
Phụ mẫu nghĩa tối cao.


Đoạn kệ trên đây có nghĩa là: Thân hình ta do sự phối hợp âm dương của cha mẹ mà sanh ra. Do đó, công ơn cha mẹ lớn rộng như Trời Đất, ta phải lo đền trả nghĩa cao dài ấy. Làm đúng như thế mới đúng là Tu Nhơn, xứng đáng đạo làm người. Xong đạo làm người mới nói đến chuyện Học Phật.

2.-HỌC PHẬT:

Về học Phật, người tín đồ đạo T.Â.H.N. khỏi phải “Ly gia cát ái” nghĩa là khỏi phải lìa gia đình, xa người thân thuộc đến chùa am, rời thế tục. Mà được ở lại gia đình hòa hợp với nếp sống ngoài xã hội, với tánh cách người “Cư sĩ tại gia”.

Trước hết, người Cư sĩ tại gia phải thành tâm thiện niệm Lục tự Di Đà. Ngoài giờ sinh kế ra, người Cư sĩ thường dùng đến xâu Pháp tay (xâu chuỗi 108 hạt) để tịnh tâm tưởng niệm Phật hiệu. Xin trích một đoạn Kệ trong kinh Bàn Đào:

Bồ Đề diệu pháp ly chũng
chũng Thủ khai ngân tỏa diệu trùng trùng
Chuyển chuyển luân luân La Hán
tướng Thiên tăng giáng phước tuyệt vô cùng.


Lược dịch :

Phép niệm Bồ Đề lìa các khổ
Tay lần tràng hạt dứt dây oan
Xoay trở về ngôi La Hán tướng
Ơn trên ban (?) phước diệt lòng trần.


Tương truyền rằng: Mỗi lần trong Đạo có việc hệ trọng, hoặc Đức Bổn Sư sắp truyền thọ một Bí pháp, sau khi Ngài đi thiếp (do đó mà người đời gọi Ngài một biệt hiệu riêng là Ông năm Thiếp) tỉnh lại, Ngài mới truyền thọ cho tín đồ. Bởi đó, trong Hiếu Nghiã kinh có đoạn Kệ như sau:

Hướng thượng Đinh Mão tuế,
ngũ ngoạt nhựt ngọ diên
Chuyển ngã thân khử tục,
thất nhựt dạ đê mê

Tịch nhiên hồi hoàn tỉnh,
giải thoát tẫy trần tâm
Giáo nhơn tùng thiện đạo,
khẩu thuyết phổ lưu truyền


Lược dịch:

Trở lại năm Đinh Mão,
đúng ngày ngọ tháng năm
Ta trở mình lìa tục,
hôn mê bảy ngày đêm

Bỗng nhiên hồi tỉnh dậy,
giải thoát sạch lòng trần
Dạy người theo đạo thiện,
giáo truyền khắp muôn dân.


Ngài dạy cho người tín đồ Tu Nhơn để dọn mình cho việc Học Phật rất tinh vi, công quả chuyên trì niệm Phật phối hợp với cơ duyên hành lễ cúng dường. Sự truyền giáo của Ngài cũng tùy theo căn cơ của từng lớp người mà hóa độ. Những vị Cao đồ, Cư sĩ có học lực khá có kiến thức sâu rộng về đạo pháp, thì tụng niệm và nghiên cứu những quyển kinh có ý nghĩa cao xa, như: Kinh Thiên Đồ, Âm Chất, Siêu Thăng, Phổ Độ Bàn Đào v.v…Phần đông những tín đồ có thừa đạo quả mà kém về học vấn, cứ thành tâm tụng niệm mỗi một quyển kinh Linh Sơn Hội Thượng mà tu hành, cũng đủ chứng đắc đạo quả.

Một trong những quyển Kinh chú cúng dường có bản Huờn Sanh Kinh bằng chữ Nôm, hay nói cách khác, bản kinh nầy bằng Việt ngữ (truyền rằng Kinh nầy có từ lúc Đức Bổn Sư mới mở Đạo). Xin trích một đoạn Huờn Sanh Kinh:

Huờn sanh trần thế,
Lập kế thánh vương
Thân thể nhiễu nhương,
người đương thay đổi
Phép Trời làm nổi,
thân thể nghiêm trang
Hỡi kíp lo toan,
thay đời lập trị
Phật Trời hiệp nghị,
mới có Hội nầy…


Tóm lại, dầu người tín đồ có trình độ khá, hoặc kém học vấn, Ngài vẫn luôn luôn xem bình đẳng như nhau, mà giá trị cao thấp của mỗi người là so vào công quả rèn tâm sửa tánh, và có thực hành đúng theo Tôn chỉ của Tứ Ân Hiếu Nghĩa hay không? Xin trích một đoạn Kệ sau đây, khi Ngài chứng quả pháp niệm Bồ Đề cho một vị tín đồ:

Nguyên văn bài Kệ:

Thất minh thất ám lưõng hề nghi
Phương thốn thường tồn bất khả thi
Mạc vị thiên cao thánh thần viễn
Yếu tu tiên quí tự gia tri
Bồ đề niệm niệm vĩng vô khổ!
Đắc pháp thành thân phước phóng thì.
Giải thoát mê trần cam lồ sái,
Ma ha bát nhã mật tâm trì.


(Tám câu Kệ nầy sau được tín đồ đạo Hiếu Nghĩa tạc vào cột gạch trước chùa Tam Bửu Tự).

Lược dịch:

Gắng công trì niệm Bồ Đề,
Hầu gieo quả phúc, tìm về Tây phương.
Nhành dương liễu, rưới tình thương,
Gội ơn giải thoát mọi đường khổ đau.

Phép niệm Bồ Đề là phương cách chung cho người tín đồ, cũng là điều căn bản tu học cho người Cư sĩ tại gia. Trong giảng Ngũ Giáo, Ngài chân thành khuyến niệm như sau:

Khá khuyên lớn bé trẻ già,
Ân cần kinh chuỗi Di Đà hôm mai.
Gắng công niệm Phật đừng sai,
Cầu cho phụ mẫu Như Lai dựa kề…


Phương pháp truyền đạo của Đức Bổn Sư rất giản dị, không mấy khác hơn các vị Tổ của Thiền tông. Ngài khai tâm cho tín đồ cũng bằng cách “Dĩ tâm truyền tâm”, trì niệm Lục tự Di Đà làm căn bản. Khi truyền giáo cũng dùng lối thuyết pháp như Đức Thích Ca Mâu Ni, chớ không hề chép ra thành kinh điển. Nhưng trong số tín đồ của Ngài có nhiều vị quán thông Phật pháp, am hiểu Văn học, mới ghi những giáo thuyết của Ngài ra thành sấm kệ, mô phỏng theo đường lối giáo hóa của Ngài viết ra thành kinh điển. Khi viết xong quyển kinh, hoặc sấm giảng mới dâng lên Ngài duyệt xét lại. Ngoài những vị cao đồ nầy ra, còn có những vị đạo hữu của Ngài, không biết từ đâu tới giúp cho Ngài về phần kinh điển rất nhiều.

Tương truyền rằng: Có một vị đạo hữu thường đến với Ngài biệt hiệu của ông nầy là Tam Giáo Hỏa Lầu, nhũ danh là Nguyễn Hội Chơn. Ông nầy tánh khí rất cương trực và nóng nảy, nhưng về Phật học ông hiểu rất cao siêu, về Văn học ông rất làu thông uyên bác. Do đó, đại đa số kinh của Hệ phái T. Â. H. N, Đức Bổn Sư đều giao cho ông sáng tác rồi trình cho Ngài xem và chỉnh đốn lại.

3.- DO ĐÂU CÓ DANH XƯNG “TỨ ÂN HIẾU NGHĨA” ?

Theo giáo thuyết căn bản của Ngài có những câu:

…Bây giờ hết nổi nói năng
Ở sao cho đặng lòng bằng như xưa.
Xưng Thầy, xưng Đạo thì chừa
Hôm mai gìn giữ muối dưa cho thường…


Lúc còn tại thế, Đức Bổn Sư thường khuyên răn tín đồ nên giữ đức tính khiêm tốn. Không nên tự cao tự đại trong việc tu thân, xử thế phải thận trọng ngôn ngữ lúc xã giao, khuyến thiện. Mặc dầu Ngài được người đời kính nể, xem Ngài như là vị Hoạt Phật đương thời, nhưng Ngài rất khiêm nhượng không hề xưng Thầy xưng Đạo với ai, nên tín đồ thảy đều noi theo ý thức đó.

Đối với tín đồ, Ngài cũng rất giữ lễ độ, từ tốn. Trọng người tuổi tác vào hàng chú bác, những người tuổi trẻ Ngài vẫn gọi là anh chị như ngoài thế tục. Tín đồ Ngài gọi là bá gia. Không bao giờ Ngài tỏ ra là một “Bậc Sư” hoặc một vị “Giáo Chủ”. Do đó, có lắm người đến quy y và bạch với Ngài xin cho biết danh xưng của mối đạo gọi là gì? Ngài chỉ đáp vắn tắt gọi là “Đạo thờ Ông Bà”. Từ đó đồng bào khi nhắc đến nền đạo của Ngài thảy đều gọi chung là Đạo thờ Ông bà. Nhưng do nguyên nhân nào lại có danh xưng là đạo TỨ ÂN HIẾU NGHĨA?

Tuy bề ngoài gọi là Đạo Thờ Ông Bà, nhưng trọng tâm hành đạo vẫn nhắm thẳng vào sự “Học Phật Tu Nhơn” và báo đáp “Tứ Ân Hiếu Nghĩa”. Xin trích một đoạn trong giảng Ngũ Giáo:

Ông bà khỏi chốn lao tù
Cũng nhờ con cháu gắng tu Bồ Đề.
Tứ ân cúng kiếng bốn bề,
Sớ tiêu có chữ đệ về phân minh.


Tình trạng đó kéo dài cho đến sau ngày Đức Bổn Su viên tịch. Nhà cầm quyền Pháp đến điều tra và hạch hỏi, bắt buộc người tu theo Đạo thờ Ông bà phải chánh thức khai lý lịch, mục đích của Đạo ra sao? và danh xưng chánh thức của Đạo là gì? để chúng tiện việc lập hồ sơ theo dõi báo cáo hành động của những người theo đạo. Do đó, các vị truyền nhân buộc lòng phải khai danh xưng là TỨ ÂN HIẾU NGHĨA. Và người tu tại gia lấy sự HỌC PHẬT TU NHƠN làm phương châm hành đạo.

III.- SỰ LIÊN HỆ CÁC HỆ PHÁI PHẬT GIÁO BỬU SƠN KỲ HƯƠNG


Người tu theo Phật Giáo Bửu Sơn Kỳ Hương hoặc tôn kính 4 chữ BSKH thảy đều nhìn nhận rằng: Hệ phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa và hệ phái Đức Phật Trùm ở núi Tà Lôn (Tri Tôn) từ một gốc nơi Phật Giáo BSKH của Đức Phật Thầy Tây An mà ra.

Các tu sĩ đó viện cớ rằng: Sự liên hệ của BSKH cũng giống như các phái Thiền Tông của Tàu (như Lâm Tế, Tào Động, Quy Ngưỡng, Pháp nhãn…) cũng từ giáo hệ ThiềnTông của Sơ Tổ Bồ đề Đạt Ma mà roi truyền hằng bao thế kỷ. Nhưng xét ra, sự roi truyền của hai giáo hệ (Thiền Tông của Trunh Hoa, BSKH của Việt Nam) có đôi phần khác nhau. Thiền Tông của Trung Hoa dầu có biến dạng thay hình nhiều lần, nhưng sự chân truyền Y bát vẫn liên tục. Dầu cho nội bộ có chia rẽ thành Nam Bắc phái, sự truyền giáo có cải cách thế nào chăng nữa, người tín đồ Thiền phái vẫn tôn thờ Đức Bồ Đề Đạt Ma là Sơ Tổ. Và “Đồ nòi” của Thiền Tông được kế tục truyền bá không hề gián đoạn.

Về Phật giáo BSKH, chưa ai được biết rõ sự liên hệ thực tế giữa Đức Bổn Sư và Đức Phật Thầy như thế nào? Hai vị Hoạt Phật nầy là một? Hay Đức Bổn Sư được truyền thọ Bí pháp? Hoặc Đức Bổn Sư là hóa thân của Phật Thầy? Tại sao đại đa số tu sĩ cho rằng cùng một gốc? Chúng tôi xin đưa ra đây một vài điểm Dị biệt và những điểm tương đồng:

1.-NHỮNG ĐIỂM DỊ BIỆT:

Có những điểm khác biệt (nếu không nói là tương phản) về sự truyền bá giáo lý, nghi thức hành đạo giữa Đức Phật Thầy và Đức Bổn Sư, ví dụ:

-Đức Phật Thầy không chuộng Thinh, Âm, Sắc, Tướng.
-Đức Bổn Sư thì dạy tụng Kinh, cúng duờng (chuông mõ) thờ phượng hình ảnh (thờ tượng Quan Đế) dùng Sớ, điệp, thiêu giấy tiền vàng bạc, niệm pháp, lần chuỗi, phân biệt Cư sĩ, Ông Gánh, Ông Trò.v.v…
-Đức Phật Thầy chỉ trì niệm Di Đà, giản dị kinh chú, giản dị Nghi thức hành lễ v.v…
-Đức Bổn Sư lại dạy niệm nhiều Kinh chú, học Văn tự, lễ bái đa Thần, người tín đồ để tóc dài .v.v…

Bao nhiêu điểm khác biệt đó, cũng đủ làm cho những người mến đạo không khỏi thắc mắc nghi ngờ sự liên hệ giữa Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa cùng một gốc. Chúng tôi xin đưa ra những điểm mà phần đông người đồng đạo cho cho rằng trùng hợp, nên họ đặt trọn niềm tin là hai hệ phái cùng chung một gốc.

2.-NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG VÀ TRÙNG HỢP:

Dầu có những điểm khác biệt rõ ràng qua nghi thức hành đạo, nhưng trọng tâm tu học của TÂHN chẳng những không sai thuyết gốc BSKH mà còn có nhiều điểm bổ khuyết cho Phật giáo BSKH thêm phần phong phú:

- Phát phái thâu nhận tín đồ vào đạo bằng ấn son có 4 chữ BỬU SƠN KỲ HƯƠNG in trên giấy vàng.
- Căn bản truyền đạo vẫn là HỌC PHẬT TU NHƠN và báo đáp TỨ ĐẠI TRỌNG ÂN.
- Chánh điện ngôi thờ chánh (Phi Lai Tự) vẫn thờ Trần điều.
- Thuyết giáo bằng thơ bài, lời lẽ bình dân giản dị nhứt là lối văn vần (thượng lục hạ bát) rất thích hợp với dân tộc tính, ai ai cũng có thể hiểu được.
- Thu phục những người chưa vào đạo bằng công quả xã hội: Trị bịnh cứu người rất linh diệu, và nói lên những sai lầm của đương sự.
- Thuyết phục những người ngang bướng, bất phục tùng lẽ phải, bằng cách tiên tri những việc đã qua và hậu quả mà họ đã gây ra, khiến họ phải phục tùng, quy y hướng thiện.
- Không hề vướng bận lợi danh, hoặc thu nhận sự đền ơn trả nghĩa bằng tiền bạc.
- Đức Phật Thầy đản sanh vào giờ Ngọ ngày rằm tháng10 năm Đinh Mão (1807), Đức Bổn Sư mê man 7 ngày đêm (đi thiếp) cũng vào giờ Ngọ ngày rằm năm Đinh Mão (1867) lúc tỉnh dậy thì Ngài tỏ ngộ, quy y dạy đạo cho tín đồ. Có điều khác nhau là cách một chu kỳ 60 năm.

Căn cứ vào những điểm tương đồng và trùng hợp, chúng ta có thể tin rằng: Hai vị hoạt Phật có sự liên hệ với nhau rất nhiều. Nhưng tại sao nghi thức hành đạo có nhiều điểm khác nhau? Các vị cao đồ trong hệ phái nầy có đưa ra một số dẫn chứng, để chúng ta cùng tìm hiểu nguyên nhân:

3. -DO ĐÂU CÓ NHỮNG ĐIỂM KHÁC NHAU?

Dựa theo tài liệu Phật sử, mỗi khi thay đổi danh xưng hoặc vị Chưởng giáo thì đưòng lối tu học, thuyết giáo cũng có ít nhiều sửa đổi. Ví như: Thiền phái Thảo Đưòng của đời Lý, có đôi phần khác hơn Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử của đời Trần. Thiền phái của đời Lê có khác hơn Thiền phái đời Nguyễn v.v… Sự thay đổi có nhiều nguyên nhân, vì hoàn cảnh xã hội, phong tục cũng có. Vì canh tân cho phù hợp hợp với dân sinh cũng có, hoặc bị cường quyền bắt buộc cũng có. Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương cũng không thể thoát ra ngoài những công lệ đó.

Huống chi Đức Bổn Sư truyền bá giáo lý Tứ Ân Hiếu Nghĩa nhằm vào thời kỳ đen tối nhứt trong lịch sử Việt Nam, từ lúc phôi thai đến trưởng thành thảy đều thường xuyên ngậm đắng nuốt cay dưới gót giày của thực dân Pháp (1867-1890). Vấn đề tụng niệm mõ chuông cúng dường sớ điệp, chắc hẳn là thi hành đúng theo chỉ dụ của Nguyễn triều. Ví như Đức Phật Thầy Tây An, Ngài giản dị hóa Phật giáo BSKH không gõ mõ tụng kinh, chỉ chuyên trì niệm Phật để cho phần đông tín đồ nông thôn kém học dễ tu. Ngài không chuộng Thinh, Âm, Sắc, Tướng nhưng khi Ngài về chùa Tây An (núi Sam) lịnh triều đình bắt buộc phải thờ hình cốt gõ mõ tụng kinh, đúng rập khuôn của phái Thiền Tông Lâm Tế, Ngài vẫn phải tuân. Đức Bổn Sư vẫn giữ đúng như thế, cho tròn ơn Quốc Vương thủy thổ, và tạo ra một hình thức tu học giống Thiền phái. Vì bọn chúng tố cáo Ngài là “Gian đạo sĩ” nên bao giờ chúng cũng hạ lịnh theo dõi để bắt Ngài.

Tuy Ngài chủ trương tụng niệm chuông mõ rình rang, nhưng nội dung Kinh điển không bao giờ sai lạc với thuyết Học Phật Tu Nhơn, cũng như không quá lệ thuộc vào kinh điển của nhà Thiền. Vả lại, nội dung tu học Ngài đã bày bác gắt gao Thinh, Âm, Sắc, Tướng trái lại hình thức hành đạo lại sử dụng Thinh, Âm, Sắc, Tướng, dĩ nhiên trong ấy ắt có nhiều nguyên nhân. Xin trích một đoạn Kệ trong kinh Siêu Thăng:

Xuất thế vi nhơn tu huớng thiện
Phỏng cầu Đại đạo tảo tham thiền
Thinh Âm Sắc Tướng giai phi đạo
Thiết vật tin tà tập ngoại biên


Lược dịch:

Xuất thế tu thân chọn hướng lành
Tham thiền theo Đạo chẳng cầu danh
Thinh Âm Sắc Tướng đều tà thuyết
Hình thức bên ngoài dối chúng sanh.


Nội dung bài Kệ trên đây cũng đủ giải đáp sự mâu thuẫn từ nội dung đến hình thức. Sự mâu thuẫn đó, chắc chắn không ngoài hoàn cảnh xã hội có lắm khó khăn, trong thời kỳ Ngài truyền đạo.

Thứ đến là vấn đề thờ tượng Quan Thánh Đế Quân, có thể nhờ tượng ảnh nầy để giảm bớt hình thức cách mạng tôn giáo hầu tránh giặc nghi ngờ, cũng như để tỏ lòng trung cang bất khuất của Ngài, dầu phải ở dưới sự kiềm chế của giặc nhưng lòng dạ không bao giờ hàng giặc? Căn cứ theo Đào Viên Minh Thánh kinh diễn tả nỗi lòng trung cang của Quan Thánh, có những đoạn như sau:

Tinh trung xung nhựt nguyệt
Nghĩa khí quân càn khôn
Diện xích tâm vưu xích
Tu trường nghĩa cách trường


Lược dịch:

Lòng trung che lấp ánh Trời
Khí hùng xông suốt trận đời nể oai
Râu dài nghĩa khí cũng dài Mặt đỏ,
lòng đỏ mới trai anh hùng.


Kinh Đào Viên còn có đoạn diễn tả nỗi lòng trung cang bất khuất của Quan Thánh Đế Quân:

Hàng Hớn bất hàng Tào
Trung thần bất sự nhị
Phong Hớn Thọ Đình Hầu
Ấn vô Hớn trùng chú
Phong khố ấn quyền lương
Tước lộc từ bất thọ


Lược dịch:

Thờ Hớn ta chẳng thờ Tào
Tôi trung một chúa lẽ nào thờ hai
Tước phong Hớn Thọ Đình Hầu
Không khắc chữ "Hớn" ta đâu có màng
Treo ấn từ giã giàu sang
Hư danh trả lại, lên đàng tìm anh


Có lẽ Đức Bổn sư mượn tấm lòng trung cang bất khuất của Quan Đế để nói lên nỗi lòng ái quốc của Ngài, cũng như khuyên răn người tín đồ thấm nhuần vào óc tim những điều thương nhà mến nước? Hơn nữa vấn đề tu học và giáo hóa chúng sanh, còn phải tùy theo căn cơ của từng lớp người mà hướng dẫn.

Đức Thích Ca Mâu Ni xưa kia khi thuyết pháp những giáo lý Thượng thừa như: Kim Cang. Bát Nhã, Lăng Nghiêm, Lăng Dà Pháp Hoa…là để cho những vị cao đồ của Ngài nghiên cứu và học hỏi. Khi thì Ngài chỉ thuyết những giáo lý phổ thông như Bác Dương Di Đà, Hồng Danh, Vu Lan là để cho Đại đa số tín đồ dễ học và hiểu v.v…

Vì thế, nên việc Đức Bổn Sư sáng tác và giáo hóa nhiều kinh điển cho nhiều lớp tín đồ, cũng không ngoài ý nghĩa đã nêu trên. Vả lại, tùy từng giai đoạn, theo thời cơ mà quyền biến. Ngài có dạy rằng:

Học thời phải xét cho minh
Phật, Nho cũng cứ thơ kinh mà quyền.


Thời gian Đức Bổn Sư truyền đạo cũng đồng thời với cuộc kháng chiến Cần Vương chống Pháp. Tại chiến khu Bảy Thưa, hàng ngũ của vị anh hùng Trần văn Thành (Đức Cố Quản) vừa tan rã, những liệt sĩ nầy kẻ thì biến dạng với hình thức nông dân, người thì vào thâm sơn cùng cốc mà ẩn lánh. Do đó mà Hệ phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa được thâu nhận tín đồ mới quy y nhập đạo rất đông, họ quyết núp dưới bóng từ bi để chờ cơ hội quật khởi chống Pháp.

Một bằng chứng khác, dầu ai có khó tánh cách mấy cũng không thể phủ nhận vấn đề tu Quốc Vương thủy thổ của Đức Bổn Sư. Trong những quyển kinh của người đạo nhựt tụng, thường vô đầu những câu “Hoàng Đồ củng cố đế đạo hà xương, Phật nhựt tăng huy, Pháp luân thường chuyển”. Có nghĩa là: Nguyện cho non sông bền vững, nước nhà được thạnh trị, bánh xe Phật pháp được chuyển xoay, tạo lại cuộc đời chói ngời sáng lạn cho mọi người cùng hưởng.v.v…Cũng như trong thời kỳ nầy, trật tự xã hội quá đảo điên, làng Tổng hoành hành hiếp đáp dân chúng, khiến cho Ngài phải tỏ ra buồn bực, thống trách:

Làm Tổng chẳng kể trẻ già
Người nào nhiều bạc vậy mà hỏi han
Cò…(?) mấy chú làm Làng
Dân là báu nước, chẳng màng tới dân.

Đăng nhận xét

[facebook][blogger]

Ẩn Danh Cư Sĩ PGHH 1939

Liên Hệ với PGHH 1939

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget