Phần I: NGUỒN-GỐC, DANH-HIỆU, LỊCH-SỬ VÀ SỰ QUAN-TRỌNG CỦA THẤT-SƠN
CHƯƠNG I:NGUỒN GỐC VÀ DANH HIỆU
I- Nguồn gốc xa xăm.
Vị trí đặc biệt ấy đem lại cho nước ta một cuộc diện lồi lõm, thay hình đổi dạng tùy theo miền. Từ Bắc chí Nam, nước ta có ba khu vực thiên nhiên. Trong ba khu vực ấy, núi non choán một phần lớn, bao bọc một vài thửa bình nguyên (đồng bằng):
1- Ở Bắc Việt: Những dãy núi hình rẽ quạt (cao từ 1.000 đến 2.000 thước) trên một cánh đồng hình tam giác (châu thổ của sông Hồng Hà và sông Thái Bình).
2-Ở Trung Việt: Dãy Trường Sơn trùng trùng điệp điệp (một con rắn khổng lồ trên ven biển) tục gọi là núi Giăng–Màn, từ bên thượng Lào xuyên qua, chạy xuống miền Nam khi bò ra tận bờ bể, khi len lỏi theo dòng sông Cửu Long. Ở đây, ngoài ra vùng cao nguyên lại có một vùng bình nguyên chạy dài theo bờ biển, khi thì rộng vài chục cây số, khi thì bị núi chận đứt đoạn. Ấy là đồng Thanh Hóa và đồng Nghệ An (châu thổ của sông Mã và sông Cả) và vùng bình nguyên do phù sa sông Gianh, sông Nhựt Lệ, sông Cầu.
3-Ở Nam Việt: Địa thế nơi đây lại thay đổi hẳn. Dãy Trường Sơn, sau khi chạy dài 1.200 cây số ở miền Trung, lại hạ thấp chỉ còn vài ngọn núi lẽ loi trên những cánh đồng bát ngát, khi xưa là vùng biển được bồi lấp bởi đất phù sa.
Về phần Nam Việt, ta nhận thấy có ba miền thiên nhiên:
a - Miền Đông Bắc là một vùng đất cao gồm rừng và những núi như : Núi Dinh ở Bà Rịa (180 thước) , núi Bà Đen ở Tây Ninh (884 thước), núi Chứa Chan (803) và núi Châu Thới (60 thước) ở Biên Hòa.
b - Miền Tây Bắc là một vùng đất cao gồm với những hòn núi như : núi Thất Sơn hay Bảy Núi trong đó có núi Cấm (716 thước), và núi Sam (237 thước) ở Châu Đốc, núi Sập (80 thước) và núi Ba Thê (210 thước) ở Long Xuyên.
c - Miền Trung Nam Việt là miền đất thấp trũng, bùn sình, trong ấy có Đồng Tháp Mười (châu thổ phì nhiêu do phù sa sông Cửu Long) và Đồng Cà Mau.
Dựa theo những điều đã dẫn trên đây, chúng ta có thể kết luận về nguồn gốc và địa lý xa xăm của các dãy núi trong nước ta như thế nầy:
Tất cả đều do dãy Hi Mã Lạp Sơn (Himalaya) mà chạy dài xuống phía Nam, khi trồi lên, khi lặn xuống và chấm dứt ở miền Đông Bắc Nam Việt để rồi tủa gân ra miền Tây Bắc Nam Việt thành các dãy núi ở Châu Đốc và Long Xuyên sau thời kỳ địa chấn thứ ba (đời tiền sử). Thật vậy, các nhà địa lý học cho rằng miền Tây Nam Việt trước kia là vịnh biển vàhòn đảo, nay được bồi lắp và trở thành ruộng rẫy với núi non.
Thuyết nầy rất đúng vì:
a- Trong vùng ruộng rẫy nói trên vẫn có chỗ còn thấp, nước đầy quanh năm như Đồng Tháp Mười và Đồng Cà Mau.
b - Người ta cũng dùng danh từ hòn Tri Tôn mà chỉ định vùng Tri Tôn (Xà Tón) là nơi đã mọc nên dãy Thất Sơn hùng vĩ, một mầm non đầy sinh lực đối với dãy Hi Mã (hay ít ra cao nguyên Tây Tạng) cằn cỗi già nua… Điều nầy không có gì làm cho ta ngạc nhiên. Chúng ta hãy lấy hòn Sóc và hòn Đất ở Rạch Giá làm ví dụ. . Trước kia mấy hòn nầy ở ngoài biển khơi, nhưng nhờ có đất phù sa nên đã dính liền với nội địa, dân chúng đã đến ở ăn lập nghiệp trên đó và chung quanh. Vùng nầy đã được nêu là xã Sóc sơn và xã Thổ sơn
II) Danh-hiệu Thất-Sơn
A - Bảy núi là gì ?Nói đến Thất Sơn thì ai ai cũng có cảm giác rằng vùng nầy chứa đựng biết bao huyền bí mà người nào có háo kỳ đến đâu cũng khó mà tìm hiểu cho tận tường. Không cần nói chuyện xa vời, nội một vấn đề danh hiệu cũng đủ làm cho ta mệt trí. Ngay những người ở Châu Đốc nếu tình cờ các bạn bảo họ kể thử danh hiệu Thất Sơn thì chắc chắn sẽ có nhiều người lúng túng …
Thất Sơn là Bảy núi. Nhưng Bảy núi là núi nào với núi nào ?
a- Theo ông Lương Văn Phụng (tục gọi là Chín Tròn) ở thôn Vĩnh Thạnh Trung (Châu Đốc), trước kia theo tông phái Hiếu Nghĩa và nay là tín đồ P.G.H.H. thì Thất Sơn là :
1- Anh Vũ Sơn (núi Két).
2 - Ngũ Hồ Sơn (núi Giài 5 giếng, ở gần núi Két).
3- Thiên Cẩm Sơn (núi Gấm hay núi Cấm).
4- Liên Hoa Sơn (núi Tượng).
5- Thủy Đài Sơn (núi Nước, một hòn núi thấp và nhỏ, gấn như đất bằng (vì cao không đầy 50 thước) ở gần núi Tượng , tại đó có cất một cái chùa).
6- Ngọa Long Sơn (núi Dài).
7- Phụng Hoàng Sơn (núi Tô).
b -Theo ông Hồ Biểu Chánh thì tuy gọi là "Bảy Núi" song đếm cho hết các chỏm cao thì thấy cả chục có đầu chứ không phải bảy. Người xưa có đặt cho mỗi chỏm cao một cái tên riêng như : núi Tà chiếu, núi Trà Nghịch, núi Tượng, núi Thốt, núi Ca Âm, núi Năm Sư, núi Khê Lập, núi Ba Xoáy, núi Ngất Sung, núi Nam Vi, núi Đoài Tốn , núi Chơn Sum .
Đó có lẽ là hồi mới khai mở tỉnh An Giang, quan Tổng Đốc viết sách địa dư dưng lên triều đình đã do theo thổ âm hoặc hình thế hay phương hướng mà đặt tên cho các ngọn núi trên đây. Mặt khác, dân chúng ở miền sơn cước nầy, vì không biết được sách địa dư nói trên, hoặc vì trọng phong tục hơn sử sách nên gọi là núi Trà Sư, núi Két, núi Dài, núi Tượng, núi Bà Đội Om, núi Ông Tô; còn mấy hòn núi cao nằm khoảng giữa (Ba Xoài, Ngất Sung, Nam Vi, Đoài Tốn) thì họ kêu chung là vùng núi Cấm.
c - Theo một nhà khảo cứu ngoại quốc thì Thất Sơn gồn có: Núi Trà Sư, núi Két, núi Bà Đội Om, núi Cấm, núi Dài, núi Tượng, núi Tô.
Giờ đây, chúng tôi xin nói sơ lược về vị trí của bảy hòn núi vừa kể trên (kể từ phía Châu Đốc đi vô):
1 - Núi Trà Sư (cao 50 thước , chiều dài 600 thước, chiều ngang 300 thước) thuộc địa phận thôn Nhơn Hưng tổng Qui Đức quận Tịnh Biên, ở gần chợ nhà Nhà Bàng. Núi nầy có tên là Trà Sư là vì có lẽ một vị tu sĩ tên Trà đã lên đây tu đắc đạo .
2 - Núi Két (cao 225 thước, chiều dài 1.100 thước, chiều ngang 1.000 thước) thuộc địa phận thôn Thới Sơn, tổng Qui Đức quận Tịnh Biê , ở gần chợ Nhà Bàng. Sở dĩ núi nầy lấy tên là núi Két là vì nó có một mỏm đá lớn giống hình mỏ Két (anh vũ).
3 - Núi Bà Đội Om ( cao 251 thước, chiều dài 2.400 thước, chiều ngang 600 thước) thuộc địa phận thôn Tú Tề, tổng Thành Ý, quận Tịnh Biên, ở phía tả đường lộ tỉnh. Núi nầy được đặt tên như thế là gì giống hình một người đàn bà đội cái om .
4 - Núi Cấm (cao 716 thước, chiều dài 7.500 thước, chiều ngang 6.800 thước) nằm trên địa phận bốn thôn Vĩnh Trung, Thuyết Nạp (tổng Thành Ý, quận Tịnh Biên), Nam Qui(tổng thành Lễ , và Châu Lang (tổng Thành Nghĩa), quận Tri Tôn. Nó ở giữa núi Bà đội Om và núi Dài.
Núi nầy xưa kia lấy tên núi Gấm ( Thiên Cẩm sơn = núi gấm trời , có lẽ vì các rặng cây xanh và các chỏm đá trắng trên núi bị "tứ vi ây phủ nhiễu đoanh" nên hiện ra màu gấm vóc đẹp xinh. Nhưng sau nầy, cái tên núi Cấm lại được phát hiện. Chung quanh cái tên núi nầy, nhiều giả thuyết đã được đưa ra:
a - Có người bảo rằng : Hoàng tử Nguyễn Ánh (sau nầy là Hoàng đế Gia Long) khi xưa thất trận bị quân Tây Sơn truy nã gắt gao, có đến ẩn náu trong núi nầy. Muốn cho sự ẩn lánh không bị tiết lộ, các quan (của nhà vua) ra lịnh cấm dân chúng vào núi nầy, viện lẽ nơi đó có nhiều yêu tinh và lắm độc xà ác thú. Danh từ núi Cấm được xuất hiện là vì cớ đó .
b - Có người lại nói rằng, sở dĩ tên núi Cấm được đặt ra là vì vùng nầy cao nhứt, cây cối mọc tràn lan dày bịt, đá nằm ngang dọc gồ ghề, khi trước không thấy khoảng trống, chẳng có đường mòn, khó cho nhà chức trách đến mà khám xét được. Cảnh hoang vu tịch mịch đó rất thuận tiện cho những tay "Lương Sơn Bạc" tụ tập để gây rối cho xóm làng và các vùng phụ cận. Muốn giữ được sự yên tịnh cho dân tình, nhà chức trách ở tỉnh đương thời mới đem ra lịnh cấm họ ở trong vùng nầy. (Cái thuyết nói tướng cướp Đơn Hùng Tín bị sở Mật Thám Mỹ Tho hạ sát năm 1926 – cấm dân gian bén mảng đến núi nầy, nơi hùng cứ của y, chắc là không đúng) .
c - Cũng có người cho rằng tên núi Cấm sở dĩ có là vì Đức Thầy Tây An tiên tri ngày sau tại đây sẽ có đền vàng điện ngọc của Minh Hoàng nên Ngài cấm chư đệ tử cất chùa hay ở trên núi nầy, để tránh sự làm ô uế núi non trong khi đại tiện hay tiểu tiện. Chúng tôi xin nói thêm rằng về khoảng nầy, Đức Giáo Chủ cũng có dặn tín đồ Ngài như thế .
5 - Núi Dài hay núi Giài (cao 580 thước, chiều dài 8.000 thước, chiều ngang 4,500 thước), nằm trên địa phận bốn thôn Châu Lang, Lương Phi, Ba Chú , Lễ Trí, tổng Thành Ngãi, quận Tri Tôn. Người ta đặt tên như thế là vì núi nầy dài tới 8 cây số ngàn .
6 - Núi Tượng (cao 145, chiều dài 600 thước, chiều ngang gần 400 thước), thuộc thôn Ba Chúc (tổng Thành Ngãi, quận Tri Tôn), ở gần núi Dài. Người ta kêu núi Tượng vì nó giống hình con voi.
7 - Núi Tô hay Cô Tô, hay Ông Tô (cao 614 thước , chiều dài 5.800 thước, chiều ngang 3.700 thước), nằm trên địa phận bốn thôn Tri Tôn, Cô Tô, Ô Lâm và An Tức (tổng Thành lễ, quận Tri Tôn) và ở gần biên giới hai tỉnh Hà Tiên, Rạch Giá. Sở dĩ có tên trên đây là vì núi nầy giống hình cái tô lật úp.
Để kết luận đoạn nầy, chúng ta thử hỏi : Trong ba vị đã kể danh hiệu Thất Sơn, ai là người hữu lý hơn hết ? Chúng tôi tưởng không dễ gì xét đoán, bởi vì :
a - Ông chín Tròn kể đủ bảy danh từ rất văn chương và có thi vị (dường như ông kể đúng hơn hết ? Nhưng tại sao núi Trà Sư, núi Bà Đội v. v… lại không được kể tới ?
b - Ông Hồ Biểu Chánh kể tới 12 danh từ lạ tai , nhưng không biết phải áp dụng danh từ nào vào núi nầy cho đúng .
c - Còn nhà khảo cứu ngoại quốc nói trên thì mặc dù kể bảy danh hiệu , nhưng chẳng biết tại sao không nói đến núi Giài 5 giếng, núi Xuân Tô, núi Tà Bác (hay núi Phú Cường), núi Nam Vi, núi Voi (Bà Khẹt) v. v… ?
Âu cũng là một điều huyền bí !
B - Năm non là gì ?
Ai ai cũng nói đến Năm Non Bảy Núi, nhưng bảo kể danh hiệu Bảy Núi thì ít có người kể được. Còn nói đến Năm Non thì rất ít người biết nó là gì. Theo kết quả sự tìm hỏi của chúng tôi thì Năm Non là Năm cái chỏm cao (vồ) của Núi Cấm. Năm cái vồ ấy là :
1 - Vồ Bò Hong (vì khi xưa, ít người lai vãng, giống bò hong sinh nở nhiều vô số ở tại vồ nầy), cao 716 thước , ở về hướng Tây;
2 - Vồ Đầu (Phải chăng vì là cái vồ đâu tiên mà người ta gặp được khi lên núi do ngã chợ Thum Chưn) cao 584, ở về hướng Tây Bắc;
3 - Vồ Bà hay Phnom Barech (vì ở đây có một cái điện thờ bà Chúa Xứ) cao 579 thước, ở về hướng Nam;
4 - Vồ Ông Bướm (vì xưa kia Ông Bướm Ông Vôi có về ẩn náo nơi đây), cao 480 thước, ở về hướng Bắc;
5 - Vồ Thiên Tuế hay Phnom Prapéal (vì ở đây có nhiều cây thiên tuế), cao 514 thước, ở về hướng Đông.
Để kết luận đoạn nầy, chúng tôi xin nhấn mạnh về sự quan trọng nhứt của Núi Cấm, một hòn núi mà từ trên không dòm xuống ta thấy chu vi chân núi vẽ thành một cái hình tam giác ba cạnh bằng nhau .
Trong những đoạn sau, chúng tôi sẽ nói nhiều về núi nầy.
Chương II: Lịch-sử Thất-Sơn qua cuộc Nam-tiến hoàn-thành
I- Trong lúc Thất Sơn còn thuộc đất Chân lạp, tình hình Trịnh - Nguyễn phân tranh và bước đầu cuộc Nam tiến ra sao ?
Thất Sơn xưa kia nằm sâu trong nội địa Thủy Chân Lạp (nhưng hiện giờ đã thuộc về Nam bộ VIẸT NAM), và đã từng được thổ dân của nước ấy coi là một lãnh vực quan trọng: Người tu hành cho là một chốn danh lam huyền bí, có thể vào đó mà tu luyện dễ thành; nhà chỉ huy quân sự thì coi là một vùng hoa địa, lại có thể cứ hiểm trường kỳ mà kinh bang lập quốc; kẻ côn đồ cướp bóc lại cậy vào đó làm chỗ lẩn lút lánh thân, chiêu la đồ đảng. Vì thế, trên bước đường tiến thủ của dân tộc Việt, đất Hà Tiên là một xứ ở biên thùy dị vực (sau lưng dãy Thất Sơn), đã lọt vào nước ta từ năm 1714 mà mãi đến 45 năm sau (1759), mức cuối cùng của cuộc tiến binh vào Nam, Thất Sơn mới thu về đất VIỆT .Muốn rõ được lịch sử quan trọng của vùng sơn lãnh xa xôi ấy, và để hiểu được cả miền đất đai phì nhiêu chung quanh đấy đã sáp nhập vào bản đồ nước Việt từ năm nào , và như thế nào, chúng ta hãy ngược vòng lịch sử, xem xét lại tình hình chánh trị của nước ta từ 100 năm trước ngày hoàn thành cuộc Nam tiến.
Từ khi có cuộc Nam Bắc phân tranh (Trịnh Nguyễn bảy lần đánh nhau trong quãng 45 năm 1627–1672), làm cho dân gian trong nước luôn luôn đói khổ, cho nên có nhiều người bỏ xứ chạy vào vùng Mô Xoài (Bà Rịa) và Đồng Nai (Biên Hòa) để khai mở ruộng đất làm ăn .
Năm Mậu Tuất (1858), ở Chân Lạp nhân có cuộc tranh chấp ngai vàng trong hoàn tộc, họ sang cầu cứu với nước ta. Chúa Nguyễn bấy giờ là Nguyễn Phúc Tần (Chúa Hiền 1648 – 1687) còn phải bận lo công việc chống giữ họ Trịnh ở phía Bắc, nhưng vì quyền lợi của dân Việt miền Nam nên cũng chia quân sang đánh xứ Mỗi Xuy (nay thuộc tỉnh Biên Hòa), bắt được vua Chân Lạp là Nặc Ông Chân. Ông Chân xin hàng và hứa sẽ binh vực người Việt sang làm ăn trong đất họ.
Năm Giáp Dần (1674), lại có cuộc giành ngôi trong hai ngành hoàng phái Chân Lạp: Nặc Ông Đài và Nặc Ông Nộn. Trong khi Nặc Ông Đài xuất ngoại cầu cứu với Xiêm La thì Nặc Ông Nộn sang cầu cứu với Chúa Hiền. Chúa Hiền sai Cai cơ đạo Nha Trang là Nguyễn Dương Lâm và Tham Mưu Nguyễn Đình Phái đem binh sang đánh Nặc Ông Đài. Binh ta phá được thành Sài Côn (1) rồi tiến thẳng lên vây thành Nam Vinh (Nam Vang: Phnompenh). Nặc Ông Đài chống không nổi quân ta, phải bỏ thành mà chạy (sau chết ở trong rừng), còn con là Nặc Ông Thu ra mặt đầu hàng. Vì Nặc Ông Thu là dòng con trưởng, nên ta cắt cho làm đệ nhứt quốc vương, đóng ở Long Úc, để Nặc Ông Nộn làm đệ nhị quốc vương, đóng ở Sài Côn. Hằng năm, hai vua phải dâng phẩm vật triều cống .
Lúc bấy giờ Chúa Trịnh ở mặt Bắc, sau khi tiến binh vào Nam lần thứ bảy (1672) không thắng được chúa Nguyễn, bèn để lại Lê Hiến ở lại trấn thủ Nghệ An, Lê Sĩ Triệt ở lại làm Đô Đốc trấn thủ Hà Trung, lấy sông Linh Giang (ngày nay là sông Gianh) làm giới hạn rồi rút binh về, không xâm lấn nữa. Vì vậy, miền Nam được rảnh tay, chúa Nguyễn một mặt lo củng cố nội bộ, một mặt lo tiến lần vào Nam.
Từ đó dân ta di cư vào Chân lạp mỗi ngày một đông, thế lực mỗi ngày một mạnh . Năm Mậu Thìn (1688) nhân có sự làm loạn giữa những người khách trú do Hoàng Tiến cầm đầu (trước vào hàng Chúa Nguyễn xin làm dân Việt) chống nhau với Nặc Ông Thu (đệ nhất quốc vương Chân Lạp), Nặc Ông Thu bỏ lệ triều cống, không chịu thần phục nước ta nữa, lại đào hào đấp lũy, lập thế chuẩn bị đối địch .
Chúa Nghĩa là Nguyễn Phúc Trăn (1687 – 1691) hay tin xua quân vào đánh , giết được Hoàng Tiến và đồng thời vua Chân lạp cũng khiếp sợ mà xin thần phục như cũ .Những đất dân ta và người Tàu nhập tịch đã khai thác như Lộc Dã, Ba Lân (tức đất Đồng Nai, thuộc Biên Hòa), Mỹ Tho (thuộc Định Tường) được tự do làm ruộng, lập làng, mua bán.
Năm Mậu Dần (1698) Quốc Chúa là Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725) thấy dân ta làm ăn thịnh vượng và đông đúc, bèn sai ông Nguyễn Hữu Kính làm kinh lược đất Chân Lạp, chia đất Đông Phố ra làm dinh huyện, đặt Trấn Biên dinh (Biên Hòa) và Phiên Trấn dinh (Gia Định) rồi sai quan vào cai trị.
Mùa thu tháng 8 năm Giáp Ngọ (1714) (2), có người khách Quảng Đông tên là Mạc Cửu (3) từ lâu sang khai khẩn đất Mang Khảm (Hà Tiên), làm quan Ốc Nha (như chức Tri phủ) cho nước Chân Lạp, nay thấy nước ấy hèn yếu lại hay chia rẽ, bèn thân hành đến Phú Xuân, dâng biểu xin nạp bảy xã của mình đã khai phá được trong nước Chân Lạp (có cả hòn Phú Quốc), mà quy phục Nam Triều. Chúa Nguyễn ưng chịu và đổi tên đất Mang Khảm lại là Hà Tiên trấn (4), phong cho Mạc Bính giữ trấn Hà Tiên, lại ban ấn triện, mãng mạo và cho người đưa về trọng hậu .
Xét ra từ năm 1672 là năm đã ngưng hẳn cuộc đánh nhau với Trịnh ở Bắc, chúa Nguyễn mới tiến được vào Nam. Nhưng giai đoạn nầy cũng chỉ chiến được miền Đông, và phía Tây, thâu phục trấn Hà Tiên mà thôi, còn các vùng rừng sát hoang vu cực Nam như Lội Lạp (ngày nay là Gò Công), Tầm Bôn (ngày nay là Tân An), vùng các cửa sông như Ba Thắc (ngày nay là Sóc Trăng, Bạc Liêu), Trà Vang (ngày nay là Trà Vinh, Bến Tre) và đất Tầm Phong Long ngày nay là vùng Thất Sơn chạy dọc xuống một phần Sa Đéc), vẫn còn thuộc của người Chân Lạp cố thủ. Nhất là vùng Thất Sơn, ho Mạc về sau đã nhiều phen lăm le lấn sang, nhưng gặp phải địa thế hiểm trở và thường có sự chống trả của người Chân Lạp do Nặc Bồn từ phía Sài Mạt (Cheal Meas) chỉ huy đánh phá hai mặt (Sài Mạt ở Bắc và Thất Sơn ở phía Đông Hà Tiên), nên đành phải thôi và chỉ khai thác lần hồi trở xuống miền duyên hải Thủy Chân lạp (1739).
II- Chánh sách "tàm thực" đã áp dụng thời ấy như thế nào ?
Trong khi chúa Nguyễn lo bành trướng thế lực vào Nam thì ở Bắc Hà, chúa Trịnh vì cánh sách tham tàn nên phải bị hãm vào một tình trạng bế tắc: các tầng lớp dân chúng trong xã hội từ bần nông, thương nhân đến sĩ phu đều bất bình, hoặc theo các tôn thất nhà Lê. (Lê Duy Chúc, Lê Duy Quý, Lê Duy Mật) hoặc nổi lên dấy nghĩa hô hào diệt Trịnh phù Lê, như Nguyễn Cừ ở Hải Dương (1739), Vũ Đình Dung ở Sơn Nam, Nguyễn Danh Phương (Quận Hẻo) ở Tuyên Quang (1740 – 1750), Nguyễn Hữu Cầu (Quận He) ở ven bể Đồ Sơn (1743 – 1751) v.v …Năm Giáp Tý (1744), Chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Khoát (1738 – 1765) thấy thế lực miền Nam đã có cơ vững chắc, (chiến thêm đất Long Hồ Vĩnh Long 1731), và trong vòng 8 năm sau, Long Xuyên (miền Cà Mau), Kiên Giang (Rạch Giá), Trấn Giang (miền Cần Thơ) và Trấn Di (miền Bạc Liêu, Bãi Xàu), lại thấy sự suy bại của chúa Trịnh miền Bắc mỗi ngày một trầm trọng, nên sau sáu năm trị vì, chúa bèn xưng vương, lấy hiệu là Vũ Vương, rồi phong vương cho các vị tiền bối của chúa là:
1- Nguyễn Hoàng, Thái Tổ Gia Dũ (Chúa Tiên 1558 – 1613).
2- Nguyễn Phúc Nguyên, Hy Tông Hiếu Văn (Chúa Sãi 1613 – 1635) .
3- Nguyễn Phúc Lan, Thần Tông Hiếu Chiêu (Chúa Thượng 1636 -1648)
4- Nguyễn Phúc Tần, Thái Tông Hiếu Triết (Chúa Hiền 1648 – 1687).
5- Nguyễn Phúc Trăn, Anh Tông Hiếu Nghĩa (Chúa Nghĩa 1687 – 1691).
6- Nguyễn Phúc Chu, Hiển Tông Hiếu Minh Quốc Chúa (1691 – 1725).
7-Nguyễn Phúc Chú, Túc Tông Hiếu Ninh (Định Quốc Công 1725 – 1738).
Với chí làm việc lớn, ngài sắp đặt phẩm trật cho các quan văn võ. Quan chia ra làm 6 bộ, bộ về văn học gọi là Hàn Lâm. Đạo về vệ binh thì đặt làm Võ Lâm.
Nước chia ra làm 12 dinh:
1- Chính dinh (Phú Xuân).
2- Cựu dinh (Ái Tử).
3- Quảng Bình dinh.
4- Vũ Xá dinh.
5- Bố Chính dinh.
6- Quảng Nam dinh.
7- Phú Yên dinh.
8- Bình Khang dinh.
9- Bình Thuận dinh.
10- Trấn Biên dinh
11- Phiên Trấn dinh .
12- Long Hồ dinh .
(Dinh 7, 8, 9 đất thu được của nước Chiêm Thành – Dinh 10 , 11, 12 đất thu được của Chân Lạp).
Dinh nào cũng đặt quan Trấn Thủ cai trị, duy có đất Hà Tiên thì đặt làm trấn do Mạc Thiên Tích làm quan Đô Đốc cai trị như trước.
Lúc nầy vua Chân Lạp là Mặc Ông Tha (Sothea) nhờ Vũ Vương ủng hộ mà được làm vua ở La Bích (Lovek) (1736 – 1748) nhưng sau đó, Nặc Ông Thâm (Thomea) chú của Tha, thua chạy trốn sang Xiêm từ năm 1715 lại trở về đánh đuổi Nặc Ông Tha và cướp lấy ngôi (1748). Song chẳng bao lâu Thâm mất.
Mấy người con của Thâm tranh ngôi nổi loạn, có người sang cầu cứu với nước ta, Vũ Vương sai Nguyễn Hữu Doãn làm Thống suất, đem binh đánh dẹp và lập Nặc Ông Tha làm vua trở lại. Được vài tháng, Tha bị con của Thâm là Nặc Ông Nguyện (Ang–nguôn) viện binh Xiêm về đánh (1750). Tha bị thua, phải bỏ chạy sang Gia Định, cầu cứu với nước ta, nhưng việc chưa thành thì Tha đã chết ở đấy.
Nặc Nguyên từ khi tranh được ngôi vua thường hay đem binh lấn hiếp người Côn– Man là tàn tích dân Chiêm Thành, sang trú ngụ ở Chân Lạp từ năm 1693. Mặt Bắc lại thông sứ với chúa Trịnh Doanh (1740 – 1767) để lập mưu đánh Vũ Vương mà dành lại đất Thủy Chân Lạp.
Chúa Nguyễn biết tình thế ấy, nên mùa đông năm Quý Dậu (1753) sai ông Thiện Chính (khuyết tên) làm Thống suất, và ông Nguyễn Cư Trinh làm Tham mưu, điều khiển tướng sĩ năm dinh (5) đánh Nặc Nguyên. Quân tiến đến Ngưu Chữ (Bến Nghé), lập dinh trại, kén sĩ tốt, trừ bị rất nhiều để làm kế khai cương thác địa.
Đến mùa hạ năm Giáp Tuất (1754) ông Thiện Chính và ông Cư Trinh chia quân tiến lên. Quân ta trẩy đến đâu, giặc đều quy phục; đi qua đất Tần Lê (?), ra đến sông Lớn (có lẽ là sông Vàm Cỏ) cùng hội quân với ông Thiện Chính ở đồn Lô Yêm (?). Từ đó nhất tề tiến binh. Những phủ Lôi Lạp (Soi Rạp, Gò Công), Tầm Bôn (Tân An), Cầu Nam (Ba Nam), Nam Vinh đều hàng cả. Quân ta chiêu phục được người Côn Man theo về rất đông để làm thanh thế .
Nặc Nguyên bị mất cả thành trì phải chạy trốn với một ít tàn binh xuống vùng Thất Sơn, nhưng sau sợ họ Mạc và binh triều biết tin đánh úp hai mặt, lại bỏ chạy đến gần Vĩnh Long; gặp mùa nước nổi, quân ta phải ngưng đánh đuổi .
Mùa xuân năm Ất Hợi (1755), ông Thiện Chính từ Nam Vinh rút quân về đồn Mỹ Tho, dẫn theo hơn một vạn người Côn Man mới chiêu phục. Khi đi đến đất Vô Tà Ân (vùng Đồng Tháp Mười), bị quân của Nặc Nguyên bất thình lình ồ ra đánh úp, chận bắt lại người Côn Man. Quân của ông Thiện Chính đi hậu bị mắc bụi rậm, vũng lầy, không tiếp viện kịp. Ông Cư Trinh mới đem binh của ông đến cứu được lối năm ngàn người, vừa trai vừa gái rồi đem về trú ở núi Bà Đinh (bây giờ là núi Bà Đen, Tây Ninh).
Triều đình bắt tội ông Thiện Chính về việc để thất cơ binh và mất dân mới về hàng, giáng ông từ chức Thống suất xuống làm Cai đội, cho ông Trương Phúc Du vào thay thế.
Trương Phúc Du hiệp cùng Nguyễn Cư Trinh, cho người Côn Man đi tiền phong đến đánh hai phủ Cầu Nam và Nam Vinh.
Nặc Nguyên trận nầy thua to, binh tướng tan rã hết, cùng đường phải chạy sang Hà Tiên, khẩn thiết yêu cầu Mạc Thiên Tích nhờ xin hộ với Chúa Nguyễn , dâng đất hai phủ Tầm Bôn, Lôi Lạp để chuộc tội và bổ vào lệ triều cống đã bỏ ba năm về trước, cùng để xin cho trở về nước làm vua lại.
Vũ Vương không cho, vì giận Nặc Nguyên đã nhiều lần phản trắc. Ông Nguyễn Cư Trinh thấy vậy dâng sớ tâu rằng:
"Từ xưa, sở dĩ dùng đến binh, chẳng qua là muốn giết đứa cừ khôi, mở mang bờ cõi mà thôi. Nay Nặc Nguyên đã hối quá, biết nộp đất, hiến của. Nếu không cho nó hàng, thì nó chạy trốn; mà từ Gia Định đến La Bích, đường xá xa xôi, không tiện đuổi đánh. Vậy muốn mở mang bờ cõi, chi bằng hãy lấy hai phủ ấy, giữ chặt phía sau cho hai dinh (Phiên Trấn và Trấn Biên). Năm xưa, đi mở phủ Gia Định, trước phải mở phủ Hưng Phúc (Biên Hòa), rồi mở đến phủ Lộc Dã (Đồng Nai), để quân dân đoàn tụ, rồi sau mới mở đất Sài Côn. Đó là cái kế " tằm ăn dâu" đó .
"Nay từ Hưng Phúc đến sài Côn đường đi chỉ hai ngày, mà dân cư còn chưa yên tập, quân giữ cũng có đứa chưa khỏe; phương chí từ Sài Côn đến Tầm Bôn, đường đi trong vòng sáu ngày, thì binh trụ phòng, thực sự chưa đủ.
"Thần thấy người Côn Man đánh đường bộ rất tài, quân Chân Lạp cũng đã chột dạ. Nếu cho người Côn Man ở đấy, sai nó ngăn chống, cũng là kế hay. Vậy nên xin cho nước Châp Lạp chuộc tội, lấy hai phủ ấy, cho thần xem xét tình thế, đặt lũy đóng quân, cấp điền sản cho quân dân, chia địa giới, lấy châu Định Viễn để thâu cả toàn bức".
Vũ Vương thấy lời tâu hữu lý nên thuận theo nhận lấy hai phủ (1756) và cho Nặc Nguyên về nước.
Từ đây, với kế hoạch "Tàm thực", ông Nguyễn Cư Trinh cho người Côn Man mở đất làm ruộng và người Việt lần lần tan ra nhiều nơi. Hồi nầy, hầu hết đất Thủy Chân Lạp đã rải rác có dấu chân người Việt, duy còn có đất Tầm Phong Long, vì có vị trí then chốt của Thất Sơn, dân ta chưa tiến lên được.
III- Mức cuối cùng của cuộc Nam tiến, Thất Sơn mới thu về đất Việt.
Năm Đinh Sửu (1757), Nặc Nguyên mất, chú họ là Nặc Nhuận (Neac Ang Nhuận) làm Giám quốc xin dâng đất Trà Vang và Ba Thắc để cầu được chúa Vũ Vương phong cho làm vua. Song liền sau đó, Nặc Nhuận bị con rể là Nặc Hinh nổi loạn giết đi mà cướp lấy ngôi vua (1758).
Bấy giờ con của Nặc Nhuận là Nặc Tôn chạy sang Hà Tiên cầu cứu với Mạc Thiên Tích. Thiên Tích dâng sớ tâu bày các việc của nước Châp Lạp vừa xảy ra và đề nghị ủng hộ cho Nặc Tôn được về nước làm vua, kế vị cho cha. Vũ Vương bằng lòng và sai tướng sĩ Ngũ dinh tại Gia Định hợp với Thiên Tích mà lo việc ấy, Trương Phúc Du vâng lịnh đem binh đánh dẹp. Nặc Hinh thua chạy và sau bị kẻ thuộc hạ giết. Hoàng tử Nặc Non cùng một ít họ hàng nhà vua bôn đào sang Xiêm.
Mạc Thiên Tích đưa Nặc Tôn về nước rồi lập lên làm vua, và được Vũ Vương phong cho chức Phiên Vương .
Để đền lại cái ơn rất trọng hậu của Vũ Vương, Nặc Tôn bèn dâng đất Tầm Phong Long (1759), trong ấy có cả vùng Thất Sơn quan trọng mà ngót 100 năm (1658 – 1759) , từ khi bắt đầu có cuộc đụng chạm với người Việt, lúc nào người Chân lạp cũng: hoặc dùng làm nơi trú ẩn, hoặc nương vào vị trí hiểm trở mà tiến binh. Ngoài ra Nặc Tôn còn cắt thêm năm phủ: Hương Úc (Kompong Som), Cần Bột (Kampot), Sài Mạc (Cheal Meas), Chưng Rừm, Lình Quỳnh (vùng duyên hải từ Sré – Ambel đến Peam) để riêng tạ ơn Thiên Tích. Mạc Thiên Tích đều đem dầng về cho Vũ Vương. Vũ Vương cho sáp nhập vào trấn Hà Tiên (6).
Muốn ngăn ngừa sự khuấy nhiễu của người Xiêm La và Chân Lạp, ta lại đặt ra nhiều đồn lũy cố thủ.
Về đường bộ, miền đông và miền trung: một đạo (binh Côn Man) đóng ở Tây Ninh và một đạo đóng ở Hồng Ngự (Châu Đốc), liên lạc nhau do đường tắt biên giới (Đồng Tháp Mười), Soài Riêng (7). Miền Tây: một đạo đánh ở Tịnh Biên để án ngữ Thất Sơn và liên lạc với hai đồn binh: Giang Thành và An Giang.
Về đường thủy, lập đồn ở hai bên bờ Cửu Long Giang, gần nẻo biên thùy:
1- Tân Châu đạo ở Tiền Giang (quân đóng tại Cù Lao Giêng) .
2- Châu Đốc đạo ở Hậu Giang (quân đóng ở bến An Giang, liên lạc với Tịnh Biên để phòng ngự Thất Sơn)
3- Đông Khẩu đạo ở Sa đéc (làm hậu thuẩn cho hai đạo tiền phong: Tân Châu và Châu Đốc).
Thế là trọn một thế kỷ, đất Thủy Chân Lạp hoàn toàn thuộc về nước Việt Nam ta, và dãy Thất Sơn trùng điệp hiên ngang nằm dọc sau sông Cửu Long kia đến mức sau cùng của cuộc Nam tiến mới "chịu" nhập vào với lũy tre xanh ngàn đời, để tô đấp thêm cho giang san thanh tú của con Hồng cháu Lạc.
IV- Thất Sơn với con mắt nhà địa lý của họ Mạc.
Theo như những người đã biết, cái ếm ở Bài Bài , thuộc làng Nhơn Trung, huyện Tịnh Biên (Châu Đốc), do ông Phạm Thái Chung, tục gọi là ông đạo Lập – một đệ tử được phép chơn truyền của Đức Phật Thầy Tây An – khám phá ra được ở quanh miền rừng núi thiêng liêng nầy từ xưa. Nhưng ít ai để ý xem tại sao mà có, hoặc do ai làm ra với mục đích gì .Căn cứ vào những chữ còn sót lại trên mặt các ếm nầy mà xét (vì tấm đá mòn chữ đi nhiều): Hoàng Thanh, Càn Long ngũ thất niên, trọng thu, cốc dân, thì biết được cái ếm nầy chôn vào mùa thu, tháng 8, năm Càn Long nhà Thanh thứ 57 tức là năm 1792 dương lịch. Lúc nầy chính là lúc con cháu Mạc Cửu còn trọng nhậm tại Hà Tiên (Mạc Tử Sanh, Mạc Tử Thiệm). Trừ bọn họ ra, vùng nầy thuở đó không còn có đám người Minh Hương nào khác nữa. Như thế, ta có thể nói là cái ếm nầy của bọn họ Mạc, với con mắt nhà địa lý, hoặc vì thấy vượng khí của vùng sơn lãnh linh thiêng, hoặc bởi biết có long huyệt, sợ đất Việt sẽ phát sinh thánh chúa sau nầy nên họ đã ếm trấn ngay từ khi cuộc Nam tiến của nước ta được hoàn thành (8).
Tại sao họ Mạc đã xin làm dân Việt, đã làm quan cho nước ta mà còn sợ vượng khí của non sông anh tú ? Điều đó rất dễ hiểu. Xem hai câu thơ kết thúc trong bài "Lư khê nhàn điếu" của Mạc Thiên Tích:
"Hải thượng tà đầu thời độc tiếu,
"Di dân thiên ngoại nhất ngư ông (9).
Ta cũng đủ biết cái chí khí của họ Mạc bao giờ cũng nuôi mộng bá vương, chờ cơ vùng vẫy. Hơn nữa "Mạc thị sử" còn cho ta biết thêm rằng từ khi vua chúa Vũ Vương lên ngôi (1744), thị sự chia dinh định phủ được sắp đặt như thế nầy: từ Phú Xuân đến Bình Thuận: 9 dinh ; còn phần đất mới lấy được của Chân Lạp thì từ Trấn Biên đến Long Hồ: 3 dinh. Duy đất Hà Tiên vẫn để y làm trấn, họ Mạc được ba năm một lần triều cống như lệ của nước chư hầu. Như thế, tuy chưa được cái danh nghĩa cô quả, chứ thực đã có cái tư cách bá vương. Lại như nay tại Hà Tiên, trên Bình San còn có nền tế sơn xuyên, nền tế xã tắc, thì đủ biết họ Mạc bị thúc đẩy đến chỗ không muốn cho Việt Nam có Minh quân Thánh chúa ra đời tại vùng Thất Sơn (điều mà ta cho là việc dĩ nhiên, không chi làm lạ).
Hơn nữa, là sau ngày xuống cái ếm nầy lối 60 năm, vào khoảng 1849–1856 Đức Phật Thầy Tây An đã cho Đức Cố Quản Thành trồng bốn cây thẻ quanh vùng Thất Sơn. Ý chừng Ngài đã biết rõ sự trấn ếm của họ Mạc nên cấm thẻ để trấn áp cho ếm mất thiêng đi, hoặc vì sự che chở cho anh linh vượng khí hay long nguyệt nước Việt ta mà Ngài có phận sự phải làm ! Hiện giờ, ếm còn thấy một cây (10) và thẻ chỉ còn một vài di tích (nay được cất dinh thờ ở Láng Linh (Châu Đốc) và người đời gọi là dinh ông Thẻ) Âu cũng là một dấu tích kỳ bí, để cho người đời còn có thể phăn ra nguồn gốc vậy.
________
Chú thích:
(1) Sài Côn, chữ Cao Miên là Prei–Kor (rừng bông gạo). Khi người Việt vào ở thì người Cao Miên gọi là Preinokor (rừng kinh đô). Do Sài Côn mà có tên Sài Gòn ngày nay.
(2) Việt Nam Sự Lược chép là năm Mậy Tý (1708) nhưng xét theo Mạc Thị Sử
(Nam Phong số 143 – 1929) thì năm 1714 có phần đúng hơn.
(3) Mạc Cửu không thần phục nhà Thanh, trốn sang đất Cao Miên và đến mở đất Mang Khảm trước năm 1674, đến năm 1714 mới thần phục nước ta.
(4) Hai chữ tên trấn Hà Tiên trong truyền là nhân một đêm thanh vắng, người ta thấy trên sông ở đấy (tức Đông Hồ và cửa thông ra biển Kim Dữ bây giờ) có các vị tiên nữ hiện xuống chơi, bày ra cuộc du hồ, nên mới đặt là Hà Tiên, lấy nghĩa là sông có tiên hiện xuống chơi.
(5) Thiện Chính Hầu thống lĩnh binh quyền hiệp cùng Nghi Biểu Hầu Nguyễn Cư Trinh làm quan tham mưu điều kiển năm dinh là Bình Khang, Bình Thuận, Trấn Biên, Phiên Trấn, Long Hồ, đồn binh tại Bến Nghé (theo sách Gia Định thông chí)
(6) Năm phủ nầy đến đời vua Tự Đức, năm 1848, đã giao trả lại cho nước Cao Miên.
(7) Hiện giờ còn có rất nhiều di tích người Chàm ở Hồng Ngự và Tây Ninh là do cuộc dồn binh nầy hồi xưa mà ta đã dùng người Côn Man đóng ở đó.
(8) Sự trấn ếm và muốn đè nén không cho dân Việt có được Thánh nhân ra đời đối với người Tàu là thường. Xem như ngày xưa, tương truyền có Rồng ở lưu vực Hồng Hà thời Hồng Thủy. Nó theo dõi đường Nam tiến để yểm trợ dân Việt. Thầy địa lý của Tàu là Cao Biền đã theo dấu đến xứ Việt Nam, dinh trấn ếm và giết cho hết, không để cho nó hun đúc tinh thần dân tộc Việt. Nào dè Rồng thiêng đã ẩn mình kịp xuống tại Vịnh Hạ Long.
(9) Dịch nghĩa:
Trên biển riêng cười cơn xế bóng,
Đem dân ngoài cõi một ngư ông.
(10) Trường hợp như cây ếm trên đây không phải là một Tương truyền rằng Đức Bổn Sư còn lấy được ở núi Nước một cái ếm khác, trên ếm có trồng 3 cây đa để che lấp đi. Khi Đức Bổn Sư phá được ếm ấy thì người Tàu ở Hà Tiên rất oán ghét Ngài. Họ mướn người theo dõi để ám hại.
CHƯƠNG III
I- Quan trọng về mặt chiến lược.
Nằm trong khu tam–giác Tịnh-Biên–Nhà-Bàng–Tri-Tôn, vùng Thất-Sơn choán một địa-thế bề dài lối 30 ngàn thước, bề ngang độ 17 ngàn thước, (lối 1/7 diện-tích tỉnh Châu-Đốc) và trở thành một pháo-đài thiên-nhiên vô cùng kiên-cố bên cạch Miên-Quốc và Thái-Lan, án-ngữ cả vùng bờ biển Hà-Tiên, Rạch-Giá.Thật vậy, từ cổ chí kim, từ Âu sang Á, không một chiến-lược gia nào có thể phủ-nhận cái phần ưu-thắng về tính-cách địa-hiểm của núi non trong việc điều binh khiển tướng.
Vua Lê Thái-Tổ, nhà anh-hùng áo vải ở núi Lam-Sơn, trong mười năm kháng-chiến với quân Minh đã phải ba lần rút về núi Chí-Linh để cố-thủ.
Ông Hoàng-hoa-Thám tức Đề-Thám, trong hai chục năm chống Pháp đã nổi danh là "Con hùm Yên-Thế " vì chiếm được Yên-Thế sơn làm hơi hiểm cứ.
Nguyễn-Hoàng cũng đã hiểu rõ sự quan-trọng của núi non về mặt chiến-lược nên trước khi mất có dặn người con thứ sáu là Nguyễn-phúc-Nguyên rằng: " Đất Thuận, Quảng nầy bên Bắc thì có núi Hoàng-Sơn, sông Linh-Giang, bên Nam thì có núi Hải-Vân và núi Bí-Sơn thật là một nơi trời để cho người anh-hùng dụng võ…"
Ngày nay, trong thế-cuộc nước nhà, nếu ai chiếm được vùng Thất-Sơn thì Người Ấy sau nầy sẽ nắm phần ưu-thắng trong tay, chẳng khác vua Đinh-Tiên-Hoàng (Vạn-thắng vương) đã dẹp loạn sứ-quân, dựng nên nghiệp cả nhờ giữ được động Hoa-Lư, hay Trương-Lương đã rực-rỡ thành công nhờ biết lui về Ba-Thục để lập chiến-khu (chiến-lược nầy đã làm cho Tưởng Giới-Thạch phải thán-phục và học-đòi bằng cách rút về Trùng-Khánh để trường kỳ kháng Nhựt).
Thật vậy, một khi ta đàng-hoàng chiếm-cứ Thất-Sơn làm nơi dụng võ mà địch-quân nào dám bén-mảng đến vùng thung-lũng của vị-trí nầy thì chắc-chắn họ sẽ hoàn-toàn thảm bại còn hơn Pháp-quân ở Điện Biên-Phủ.
II- Quan trọng về mặt kinh tế.
Đã quan-trọng cho việc quốc phòng (về mặt chiến lược như trên đã nói), vùng Thất-Sơn lại còn quan-trọng cho dân sinh về mặt kinh-tế, vì nó bảo-trợ và chi-phối những vùng đồng ruộng phì-nhiêu bao la bát-ngát (Đồng Tháp-Mười và Đồng Cà-Mau) được thấm nhuần bởi con sông Cửu-Long và những sông ngòi kinh rạch chi-chít khắp nơi, rất tiện cho việc cho việc trồng-trọt cấy-cày và giao-thông vận-tải.Dưới đây xin lược kê vài nguồn lợi phong-phú của vùng nầy về nông sản, chăn-nuôi, lâm-sản, khoáng-sản, giang-sản và hải-sản:
a. Về nông-sản, người ta lại còn chia ra nông-sản chánh và nông-sản phụ.
Nông-sản chánh gồm có lúa và dừa.
Lúa (món ăn căn bản của người Việt-Nam và là sản-phẩm quan-trọng nhứt) chiếm tám chục phần trăm (80%) các nguồn lợi. Diện-tính trồng-trọt ở Nam-Việt được trên 30 ngàn mẫu tây và số sản xuất hằng nắm trên 4 triệu tấn. Về phương-diện lúa gạo, Việt-Nam ta đứng vào hạng nhứt nhì ở Đông-Nam-Á. Sở dĩ được vậy là nhờ các vùng đồng ruộng mênh-mông thuộc châu-thổ sông Cửu-Long và đồng Cà-Mau. Bởi lẽ đó, người ta gọi mấy vùng nầy là vựa lúa của nước Việt-Nam.
Dừa (một loại cây kỹ-nghệ rất hữu ích) cũng được trồng-trọt rất nhiều trong các vùng nầy, nhứt là ở Mỹ-Thọ và Bến-Tre.
Về nông-sản phụ thì lại có cây thực-phẫm và cây kỹ-nghệ:
1. Ngoài ra lúa, ở vùng nầy người ta còn trồng nhiều thứ cây thực-phẫm khác như: bắp, khoai đậu, mè, mì, sắn, tiêu, mía, trái cây (cam, quít, ổi, chuối…)
2. Cây kỹ-nghệ cũng có nhiều để cung cấp nguyên liệu cho các xưởng máy như: bông vải, gai, thuốc lá đậu phộng.
b.Về sự chăn-nuôi tuy còn kém-khuyết nhưng gà, vịt, heo, dê, trâu, bò cũng có thể gọi là đủ dùng.
c.Về lâm-sản, vùng thất-Sơn có rất nhiều gỗ quí như: cà-chất, câm-xe, cẩm-lai, giá-tị, trắc, sến, nu,sao…Những rừng-rú điệp điệp trùng trùng lại còn cung-cấp vô số củ nâu,dây trại dây mây và vô số dược-liệu như: đầu-khấu, sa-nhơn, chỉ-xác, đổ-trong…
Ở vùng đồng bắng có các nơi ven biển như: Hà-Tiên, Rách-Giá, Bạc-Liêu, Cà-Mau lại còn có kho vô tận dừa lá, chun-bầu, bần, tràm, đước, vẹt, lác, đưng…dùng vào việc xây-dựng nhà cửa cho dân-cư hoặc để cắt củi hầm than bán lại cho dân-gian và ngoại bang tiêu-thụ.
d.Về khoáng-sản, nếu miền Bắc-Việt có nhiều mối lợi vô biên với những mỏ than, vàng, sắt, kẻm, bạc, thiếc, đồng, chì…thì, ngoài thứ đá làm nhà ở Châu-Đốc, Long-Xuyên và đá làm vôi ở Hà-Tiên, ai dám bảo Miền Nam, nhứt là vùng Thất-Sơn, lại chẳng có nhiều của quí sẽ tìm được sau nầy ? Đức Huỳnh Giáo-chủ há không có nói: “Trên bảy núi còn nhiều báu lạ”? Rất đổi núi Ba-Thê ở Long-Xuyên (gần Thất-Sơn) mà còn có vàng thay, huống gì Thất-Sơn !
e.Về giang-sản thì bất-tất phải có nhiều, vì ai mà chẳng biết miền tây Nam-Việt chi-chít sông ngòi kinh rạch có vô số cá tôm, dư sức nuôi sống mấy triệu gia-đình quanh năm sống bằng lọp, câu, chài, lưới và dư sức cung-phụng cá-mòi, cá linh, cá cơm cho kỹ-nghệ nước mắm.
g. Về hải-sản, tưởng không cần phải nói nhiều về sự quan-trọng của nghệ đánh cá ở vùng duyên hải Hà-Tiên, Rạch-Giá, Cà-Mau và nghề làm muối ở Bặc-Liêu.
Một ký-giả ngoại-quốc nói rằng tỉnh Bặc-Liêu có 4 kho vàng vô tận là: vàng vàng (lúa), vàng xanh (cây làm củi), vàng đen (than củi) và vàng xám (muối).
Chính các phú-nguyên dồi-dào nói trên đã làm cho một số người thèm thuồng tiếc-uổng, cứ cố bám chặt như con tôm đeo dính miếng dừa, cho đến khi nào bị hất vào xuồng câu mới đành chịu nhả. Đức Huỳnh Giáo-Chủ trong lúc đi khuyến nông tại Bặc-Liêu (năm 1945) có điểm một nụ cười mỉa-mai kín-đáo khi đọc đến câu:
"Chỉ có xứ Nam-Kỳ béo bở,
Cơ-hội nầy bỏ dở sao xong !"
III- Quan trọng về mặt địa lý.
Bàn về địa-lý (phong-thủy) ta nên đặc-biệt quan-tâm đến những trọng-điểm nầy:Thất-Sơn nằm trên địa-phận tỉnh Châu-Đốc và sông Cửu-Long cũng chảy qua tỉnh nầy.
Mà Thất-Sơn tức là Bửu-Sơn hay Bảo-Sơn (1) thì quí-báu vô ngần, hiển-linh tột bực: Nơi đây đã có nhiều vị tu-hành chứng quả Phật, Tiên, Thần, Thánh. Chính phái Bửu-Sơn Kỳ-Hương đã phát hiện tại vùng nầy.
_________
(1). BỬU là quí-báu, SƠN là núi, Bửu-Sơn là núi quí-báu.
Còn Cửu-Long tức là Bửu-Giang hay Bảo-Giang. Con sông nầy được coi như là con sông quí báu, vì nó là con sông lớn nhứt và dài nhứt trên hoàn-cầu (hơn 4.500 cây số ngàn), phát nguyên từ bên Tây-Tạng, nơi mọc lên dãy núi Hi-Mã-Lạp-Sơn cao nhứt hoàn-cầu (8.840 th.) và là nơi Đức Phật Thích-Ca đã đắc quả chánh-đẳng chánh-giác. Con sông nầy chảy sang Việt-Nam, qua Nam-Việt (nhứt là tỉnh Châu-Đốc) rồi tuôn ra biển Đại-Thanh với chín cửa biển (cửa Tiểu, cửa Đại, cửa Bà-Lai, cửa Hàm-Luông, cửa Cổ-Chiên, cửa Cung-Hầu, cửa Định-An, cửa Bách-Xắc, cửa Tranh-Đề), vừa kết-tụ ngươn-khí, vừa phát-hiện đủ thứ địa-hình.
Dòm kỹ bản-đồ Nam-Việt thì ta thấy Cù-lao Kết (từ Vàm-Nao đến Nam-Vang) giống hình một con qui, mỏ day về Vàm-Nao. Mà "con qui" ấy đã nằm giữa Tiền-Giang và Hậu-Giang lại ở vào khoảng giữa (tức Trung-Ương) Thất-Sơn và Cửu-Long. Theo nguyên-lý nam thất nữ cửu thì Thất-Sơn thuộc Dương, Cửu-Long thuộc Âm.
Địa-cuộc có âm dương tương hội thế ấy tất nhiên là địa-linh. Mà địa-linh tất sanh nhơn kiệt. Sông thế ấy, núi thế kia phải đào-tạo được những trang hào-kiệt phi thường, (Giang-sơn chung tú phi-thường).
Câu:"Khí thiêng-liêng sông núi nhiệm-mầu,
Un-đúc giống anh-hùng vang bốn bể"
của Đức Huỳnh Giáo-Chủ dường như vừa xác nhận giá-trị của khoa-học địa-lý lại vừa hé màn bí mật.
Cụ Trạng Trình (Nguyễn-Bỉnh-Khiêm) lại nói rõ về nơi xuất hiện của vị anh-hùng dân-tộc tương-lai–một vị Thánh-nhơn–trong những câu sấm:
Bảo–giang Thiên–tử xuất,
Bất chiến tự nhiên thành.
Hoặc:
Bảo–sơn Thiên–tử suất,
Bất chiến tự nhiên thành.
Dường như muốn cho người đời sau có thể tìm hiểu đâu là: " Thánh-nhơn hương " (quê hương của vị Thánh-nhơn) nên Cụ Trạng lại nói thêm:
Bắc hữu Kim-Thành tráng (1)
Nam tạc Ngọc-Bích thành (2)
Hòa-thôn đa khuyển phệ (3)
Mục–giả, dục nhơn–canh (4)
________________
(1). Chỉ Thất – Sơn.
(2). Chỉ núi Kỳ-Vân ở Bà-Rịa (sẽ nói rõ ở đoạn sau).
(3). CHÚ Ý: Trong những thi, bài của Đức Huỳnh Giáo Chủ sanh trưởng tại thôn Hòa-Hảo (Châu-Đốc), - trên Cù lao Kết–chúng ta thấy có bài thi tứ cú sau đây:
"Hòa thôn Hảo cảnh xứ chi ta,
Tạm đắt nhơn-sanh khỏi ái-hà.
Tạo xác Huỳnh danh thanh sắc trẻ,
Chờ thời Thiên định thiết hùng ca."
(4). "Đa khuyễn phệ" là chó sủa nhiều.
LƯU-Ý: Trong điều răn cấm thứ năm, Đức Huỳnh Giáo-Chủ có khuyên bổn-đạo đừng ăn thịt trâu, chó, bò. Chó không bị ăn thịt nữa tự nhiên sanh-sản rất đông và sủa rất nhiều. Ai có lại vùng H. H. sẽ thấy rõ điều nầy.
Phải chăng câu nầy nghĩa là: Vị Thánh-nhơn đó đã từng là người giữ trâu cày ruộng và khuyến nông?
Về mặt địa-lý, ông A.T.Y. trong quyển "CON ĐƯỜNG NÀO ?", có dựa theo tài-liệu quyển HUYỀN-DIỆU THIÊN-THƠ mà ông đã may-mắn được một dị-nhơn tặng cho ở vùng Thất-Sơn (mong rằng đây là sự thật !) để nói về sự linh-thiêng mầu-nhiệm của niềm Nam nước Việt như vầy:
"Khoa địa-lý dạy rằng: hễ một dòng sông bắt nguồn từ nơi đất địa hiển linh, núi cao ngàn năm không người ở, rừng rậm ngàn năm không ai tới lui, phóng lượn sóng nghênh-ngang ngàn thu không cạn, thì con sông ấy sẽ kết tụ nơi huyệt "Long đảnh" một địa-huyệt rất linh-hiển, phì-nhiêu về vật-chất, cao-siêu tột bực về tinh-thần. Ngọn Cửu-Long giang là một dòng Bảo-giang oanh-liệt, oai-nghiêm, vừa tạo thành nên vóc-vạc hoàn-toàn lối 100 năm nay. Kết-liên với các núi, Cửu-Long giang xuất hiện ra 12 huyệt huyền-diệu, chấm đậm nét hùng-vĩ trên địa-cầu nầy.
"Bắt đầu khởi kết-tụ nguơn-khí âm dương xây nên địa-huyệt thứ nhứt tại Thất-Sơn (Châu-Đốc). Chỗ ấy ba huyệt thiên-tiên hiệp lại làm Nê-hườn-cung, xuất hiện đúng ngày linh-hiển tam huê tụ đảnh mùi hương lạ-kỳ bí-mật bay ra từ núi Sam đến núi Tượng. Chỗ ấy là cân-não, cốt-tủy của Cửu-Long: tên nó được hưởng-ứng theo luồng điện thiên-nhiên, oai-nghiêm, từ-bi, hùng-vĩ đời sau gọi là Kim-Thành huyệt. Đó là huyệt Dương đã hiện, Cửu-Long kết lần với hai cốt núi âm-phong, cô-độc, liên-hiệp thành cặp mắt Hà-Tiên và Phú-Quốc là Thủy-Trung huyệt. Tây-Ninh, núi Điện Bà là Huỳnh-Môn huyệt, hai đảnh núi ấy thuộc về Âm kết-tụ ngươn-khí tại Trung-Ương tạo nên Ấn-Đường huyệt (Dương) để khai mở luồng điển quang cho các huyệt kia vừa ngưng tại lối miệt Long-Xuyên, Bình-Mỹ (một dãy cù-lao lớn chạy dài từ Bình-Mỹ xuống gần đến Cần-Thơ).
"Từ Kim-Thành huyệt phóng xuống mũi Cà-Mau và núi Kỳ-Vân, hai huyệt dương nữa, một bên thì thành sống mũi Cửu-Long chấm đến Cà-Mau (tức là Lâm-Huyền huyệt) một bên thì hàm rồng tại Kỳ-Vân (tức là huyệt Bích Ngọc). Đồng cân với hai huyệt âm (Thủy-Trung huyệt và Huỳnh-Môn huyệt) hiện ra một huyệt thứ sáu (Bình-Nam huyệt) tại núi Côn-Nôn là chót lưỡi của Cửu-Long.
"Sáu huyệt âm-dương vừa kết tụ ngươn khí thì tại Trung-Ương huyệt, yết-hầu Cửu-Long vừa khai mở gần Cần-Thơ bây giờ, gọi là Trung-Ương Cửu-Long huyệt. Lần lần ba cửa mở ra: cửa Đại, Tiểu, v.v… vừa thành tựu (năm Nhâm-Thìn 1892) khiến cho ba nguồn thủy dựng tại Bình-Nam châu chuyển động (lưỡi Cửu-Long) làm cho các miền ở chánh cửa khẩu phải bị nạn lụt (Vàm-Cỏ, Gò-Công, Bến-tre và các cù-lao nhỏ v.v…) ba ngày ba đêm. Đó là bảy huyệt linh-thiêng chánh gốc của xứ Việt-Nam mới ngưng kết được lối 100 năm nay. Đứng giữa hoàn-cầu, sự linh thiêng tân tạo là đầu Cửu-Long giang, một nguồn Bảo giang thiên-cơ đã định phải chói rạng sự huyền-diệu nhứt hạng khắp bốn bể năm châu. Vì địa linh ấy mới sanh nhơn kiệt, các vị thánh tổ kim thời hễ thuộc âm-mạng thì phải xuất hiện (chớ không phải giáng sanh) dạy đời trong ba huyệt Âm (Thủy-Trung huyệt, Huỳnh-Môn huyệt và Bình-Nam huyệt) còn thuộc Dương thì phải xuất hiện ở Thất-Sơn Kỳ-Vân và Cà-Mau (Kim-Thành huyệt, Bích-Ngọc huyệt và Lâm Huyền-huyệt).
Đọc đến đây, chắc sẽ có người cho rằng khoa địa-lý là một môn học gồm toàn những sự mê-tín dị-đoan, vu-vơ huyển-hoặc. Đối với những bạn đọc ấy, chúng tôi xin thưa: Nếu quả thật sự xét-đoán như thế là đúng thì cụ Trạng Trình (Trạng-Nguyên Nguyễn-Bỉnh-Khiêm, tước Trình Quốc-Công) và ông Tả-Ao (tức Nguyễn-Đức-Huyện, người làng Tả-Ao huyện Nghi-Xuân, tỉnh Nghệ-An) đã chẳng được nổi tiếng và lưu danh vì giỏi khoa địa-lý. Và nếu vậy thì làm gì đời Hán, Trương-Tử-Phòng phải soạn ra sách "Bình xa ngọc xích"; đời Tấn Quách-Phú phải soạn ra sách "Táng kinh"; đời Tống. Trương Tử-Vi phải soạn ra sách "Ngọc túy chơn kinh"; Trần-Đoàn phải soạn sách "Kim tỏa bí quyết"; đời Nguyên, Lưu-Bỉnh-Trung phải soạn sách "Kim-đầu quyết táng-pháp "?
Nơi đây, chúng tôi tưởng cũng nên nói thêm đôi điều về khoa địa-lý (hay phong-thủy). Khoa-nầy thường được áp dụng trong việc lập thành quách, cất đình chùa, hoặc làm nhà-cửa, để mồ-mả. Đất làm nhà cửa gọi là dương cơ, còn đất để mồ-mả thì gọi là âm phần. Về dương-cơ, người ta ít khi kén chọn chỗ đất, mà chỉ lấy hướng cho hạp. Còn về âm phần thì người ta thường nhờ thầy địa-lý đi tìm một cách cẩn thận.
Theo phép địa-lý thì trước hết phải phân biệt hình đất làm năm loại chánh là: Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Người ta lại còn tùy theo cuộc đất giống hình vật gì mà phân biệt các kiểu đất quí như: lục long tranh châu, phụng hoàng ẩm thủy, tê ngưu vọng nguyệt, quần tiên hội ẩm, hổ trục quần dương, v.v… Cũng có những kiểu đất hình con rùa, con cá, con voi, con ngựa, cái cờ, cái ấn, ngòi bút, thanh gươm v.v… Khi đi tìm đất thì trước phải tìm tổ-sơn, rồi dò long mạch theo thế dất đặng tìm huyệt. Hễ là huyệt trường thì tất phải cótiền ám hậu chẫm, tả long hữu hổ; mặt tiền phải có minh đường thủy tụ hội, mặt hậu phải có long mạch thu thúc, mặt ngoại phải có bàng sa triều củng. Cuộc đất như thế là chỗ tụ khí tàng phong, quả là chơn huyệt.
IV- Quan trọng về mặt tinh thần.
Có lẽ không ai còn ngờ-vực về sự núi non có ảnh-hưởng to-tát đối với tinh-thần, chí-hướng của con người.Dòm lại lịch-sử nước nhà, ta thấy phần đông những bực anh-hùng dân-tộc hay những thi-sĩ siêu-nhân hoặc những đấng siêu phàm đều có chịu ít nhiều ảnh-hưởng của núi non… Đó là do khí thiêng un-đúc mà cũng tại vì sự hùng-vĩ của núi-non rừng-rú nó làm cho con người được chí tại cao sơn, tâm ư thượng đỉnh.
Ngoài trường-hợp của những vị anh-hùng những nhà chí-sĩ cách-mạng ở Nghệ An, Hà-Tĩnh (hai tỉnh có lắm núi non) chúng tôi xin kể thêm vài trường-hợp khác để làm bằng chứng.
1. Vua Lê-Lợi (tức Lê Thái-Tổ) khởi nghĩa chống quân Minh ròng rã mười năm trường (và rốt cuộc đã "nên công đại định") là một vị anh hùng áo vải ở núi Lam-Sơn.
2. Ông Nguyễn-Trãi–người đã giúp mưu-cơ cho vua Lê-Lợi chiến-thắng quân Minh và đã viết bài "Bình-Ngô đại cáo", một áng văn kiệt-tác, vẫn còn mãi lưu-truyền trong sử sách–là người khi về già đã lên Côn-Sơn di-dưỡng tính-tình và an-nhàn tự-toại, ngâm khúc Côn-Sơn ca.
3. Cụ Trạng Trình rành khoa địa-lý, lại thông biểu bộ Thái Ất Thần-Kinh, viết ra nhiều lời truyền sấm mà khi trở về già lại ẩn chốn lâm sơn tác thi dưỡng trí (thơ này góp lại thành quyển "Bạch-Vân thi tập"), sống một cuộc đời thanh bần nhàn-nhã. Những câu thi dưới đây đủ chứng-minh một cách hùng-biện trạng-thái tâm-hồn của cụ lúc đó.
" Một bầu một bát vững sơn tăng.
Hoặc: " Ba gian am quán lòng hằng mến,
Đôi chốn sơn-hà mặt đã quen."
Hay là: " Khách nhàn sơn dã dưỡng thân nhàn ".
4. Vua Quang-Trung (Nguyễn-Huệ), vị anh-hùng dân-tộc đã " lật đổ Nguyễn, diệt tan Trịnh, đánh bại Mãn-Thanh, thống nhứt cả Việt-Nam vào cuối thế-kỷ thứ 18 " là người ở trại Tây-Sơn (gần đèo An-Khê, trên đường đi Pleiku-Kontum).
5. Ông Nguyễn-Quang-Thiếp tức La-sơn Phu-tử - một bực danh nho cao-sĩ, chánh-kiến quang minh, biết lẽ tiến thoái tồn vong nhờ thuật số-học (lý-học, phong-thủy và sấm-ký), đã được vua Quang-Trung mời nhiều lần để hỏi ý-kiến và cầu sự cộng-tác – là người gốc ở huyện Nghi-Xuân, gần núi Hồng-Lĩnh (một thắng-cảnh ở Hoàn-Châu và vùng quanh chơn núi đã sản-xuất không biết bao nhiêu danh nho, danh tướng), sau về ngụ ở huyện La-Sơn nên người ta kêu tặng ông là La-Sơn Phu-tử. Lúc về già, ông lên ẩn-náu chốn núi rừng.
Trong " Hạnh-Am ký " (bài ký viết trong Am-May), ông chép như vầy: (1) " Bởi vậy, ta bỏ hết học khoa cử, chuyên đọc các sách Tính-lý, Tứ-thơ, Ngũ-kinh đại toàn. Vui cùng rừng hố. Núi sông miền Nam-châu, dấu chơn có gần khắp…
Lúc ấy, ta cùng hai ba đứa học trò lớn bé, giảng dạy các việc của tiên nho. Dạo xem cảnh núi. Ngồi giãi bóng trăng. Tìm suối xem mây. Thần-trí khoan-khoái…"
_____________
(1). Đây là lời dịch của ông Hoàng-xuân-Hãn.
6. Cụ Nguyễn-Du tức Tố-Như tiên-sinh tác-giả quyển Kim-Vân-Kiều – một áng văn tuyệt-tác làm cho các nhà văn trong nước và ngoại-quốc nhiệt-liệt hoan-nghinh – là một thi-nhân đã từng lê dấu chơn trên chín mươi chín ngọn núi Hồng-Lĩnh.
Trên đây là nói những bực tiền bối phần đông đã thấm-nhuần thuyết tu tề trị bình của Nho-giáo và đã xa cách ta đến mấy thế-kỷ. Ảnh-hưởng của núi non miền Bắc và Trung-Việt đối với các vị ấy sánh lại không bằng ảnh-hưởng của Thất-Sơn đối với những vị học Phật tu Nhân gần đây lối 150 năm trở lại, như: Đức Phật Thầy Tây-An, Đức Phật Trùm, Đức Bổn-Sư, Ông Sư Vãi Bán Khoai, ông Cử Đa, chư đại đệ-tử của Phật Thầy Tây-An, (ông Cố-Quản Thành, ông Tăng-Chủ, ông Đình-Tây, ông Đạo Xuyến), và hiện nay, Đức Huỳnh Giáo-Chủ.
(Trong một chương sau, chúng tôi sẽ nói về tiểu-sử của các vị trên đây).
Thật vậy, nếu xưa kia Đức Thích-Ca đến Rạch Ni-Liên-Thuyền trên Linh-Khứu Sơn (trong dãy Hi-Mã-Lạp-Sơn) và " thấy cỏ cây cảnh bắt tham-thiền " nên " ngồi khổ hạnh sáu năm bên ấy " để được đắc đạo thì ngày nay các vị Giáo-chủ hay các vị đại đệ-tử trong phái Bửu-Sơn Kỳ-Hương cũng phải có một thời-gian tu tâm luyện tánh trong các núi non am cốc nơi chốn Thất-Sơn, ẩn mình nơi điện Tam-Thanh, điện Rau-Tần hay điện Quan-Âm chẳng hạn. Cái đó có khác nào trong truyện Tây-Du nói Tôn-Ngộ-Không đến Phương-Thốn Sơn, học Đạo với Bồ-Đề Tổ-Sư tại Linh-Đài Tà-Nguyệt Tam-tinh động hay trong truyện Phong-Thần nói Khương-Tử-Nha lên Côn-Lôn Sơn thọ giáo với Ngươn-Thỉ Thiên-Tôn tại động Ngọc-Hư…
Đến đây, chúng tôi tưởng cũng nên mở một dấu ngoặc để luận-giải ít điều về hai bộ truyện nầy.
Truyện Tây-Du và truyện Phong-Thần là hai bộ lịch-sử tiểu-thuyết Tàu vô cùng lý thú. Bộ Tây-Du nói về sự tu Phật của Khưu-Trường-Xuân Chơn-nhơn (tu Tiên) viết. Còn bộ Phong-Thần nói về sự tu Tiên, lại do Bạch-Vân-Thiền-sư (tu Phật) viết. Hai vị là người đồng thời và đều tỏ ra – bằng cách tưởng tượng và xây dựng chung quanh một sự kiện lịch sử - rằng người tu Tiên cũng am hiển việc tu Phật và kẻ tu Phật cũng biết rõ việc tu Tiên.
Vậy chúng ta xem truyện Tây-Du nên hiểu rằng Đường-Tăng Tam Tạng (1) thâu phục ba người học trò và con ngựa của Ngài cỡi là tượng-trưng cho người tu hành (có tâm Phật) chế ngự được tâm phàm. Tôn-Ngộ-Không (ngụ ý gặp được cái lý chơn không) hay Tôn Hành Giả, (người dấn thân trên bước đường Đạo), một con người cốt khỉ, tượng-trưng cái vọng tâm của người sơ tâm, nó lao-chao như con vượn chuyền nhánh nầy qua nhánh họ (tâm viên). Con ngựa của Đường-Tăng cỡi, tượng-trưng cái ý phóng-túng, buông-lung, bất định của con người mới tu, nó giống như con ngưạ khó kềm cho đứng yên được (ý mã). Trư Bát-Giát (ngụ ý tám điều răn cấm), một người cốt heo, tượng-trưng sự mê ăn, mê ngủ thích nhục-dục, lại ngu dốt như con heo (mê si). Sa-Tăng (ám chỉ người theo hạnh Sa-môn trong Tăng già) giết người ăn thịt, lấy sọ người đeo trên cổ, tượng-trưng sự hung-hăng nóng-nảy (sân-nộ) v.v… Chớ sự thật không có Tôn-Hạnh-Giả, Bát-Giái hay Sa-Tăng, chỉ có thấy Trần-Huyền-Trang,
_______________
(1). Ám chỉ ba tạng kinh Phật là: Kinh, Luật, Luận.
Một tăng-sĩ đã phụng-mạng vua Đường đi qua ẤN-ĐỘ thỉnh kinh do Đức Thích-Ca thuyết hồi đời nhà Châu (nghĩa là hơn một ngàn năm trước nhà Đường).
Xem truyện Phong-Thần, chúng ta nên suy-gẫm về chỗ nầy. Cũng thời tu Tiên mà có người thuộc phe Xiển-giáo, có người thuộc phe Triệt-giáo. Vì duyên-nghiệp, căn-cơ khác nhau nên mỗi vị có một định-mạng khác nhau: Khương-Tử-Nha mặc dù ở non tu luyện hơn 40 năm trường nhưng cũng phải xuống thế làm quan; Đổng-Toàn mặc dù tài phép tinh-thông mà không làm y theo lời Thầy (1) nên phải đứng bảng Phong-Thần; Pháp-Giái mặc dù bại trận, sắp bị mạng vong nhưng có Phật Chuẩn-Đề rước về Tây-Phương Cực-Lạc vì hạnh-đức cao-dày; Dương-Tiễn, Vi-Hộ, Lôi-Chấn-Tử và bốn cha con Lý-Tịnh mặc dù dày công hạn-mã và có đủ điều-kiện để hưởng lộc Triều-đình nhưng vẫn quyết-định cáo từ về non tu luyện, sau bảy vị đều được nhục thân thành Thánh…
Tích xưa như thế, chuyện nay khác gì !
Xin đóng dấu ngoặc lại.
Để kết-luận đoạn nầy, chúng tôi xin quả-quyết rằng hoa địa (2) Thất sơn và trọng yếu Cà mau, Đồng Tháp thật là những vùng cực kỳ quan trọng về mặt tinh hoa dân tộc, kinh tế quốc gia và chiến lược quốc phòng.
Vậy trong cuộc tranh đấu hiện giờ, nếu vị nào nắm giữ được hoa địa và trọng địa nói trên, chắc chắn vị ấy sẽ "kiến thiết được một hồi sinh căn cứ địa là nơi thủ hiểm trường kỳ, đào tạo cán bộ, huấn luyện chủ lực quân, để thời cơ đến thì tiến ra phản công như vũ như bão", nắm địa vị bá chủ trong tay.
_____________
(1). Thầy của Đổng-Toàn có viết trên cửa động Bích-du hai câu như vầy:
Đóng cửa tụng Huỳnh-đình, thiệt bực số thành ngôi chánh quả.
Tách mình qua Tây-thổ, là người tên đứng bảng Phong-Thần.
(2). Theo một nhà khảo sử thì, đứng về phương diện khoa học quốc phòng, một quốc gia luôn luôn có hai vùng: 1.HOA ĐỊA là nơi tập trung tinh hoa của đất nước (Hoa địa của nước ta thuở xưa là núi Thới Sơn. Ngày nay, hoa địa của ta là Thất Sơn, nơi xuất hiện phái Bửu Sơn Kỳ Hương, tinh hoa của đất nước). 2. TRỌNG ĐỊA (khu trọng yếu cho cuộc quốc phòng), là nơi có đủ điều kiện kinh tế, văn hóa nhân sự để khi nước nhà gặp cơn binh lửa thì ta có thể tiến, thoái, công, thủ.
Đăng nhận xét