BỬU Ngọc Quân Minh Thiên Việt Nguyên,

寶玉君明天越元

SƠN Trung Sứ Mạng Đạo Nam Tiền.

山中師道地南前

KỲ Niên Trạng Tái Tân Phục Quốc,

奇年狀再新復國

HƯƠNG Xuất Trình Sinh Tạo Nghiệp Yên.

香出程生造業安

Tổ Đình Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH
Các Bài Viết Liên Quan
Cám Ơn Các Bạn Đã Ghé Thăm Website. Chúc Các Bạn An Lạc, Có Thêm Nhiều Kiến Thức Bổ Ích…
XIN THƯỜNG NIỆM PHẬT
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ - Sự-Nghiệp Về Mặt Đời: Công-Nghiệp Cách-Mạng (Chương XVI)

ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ - Sự-Nghiệp Về Mặt Đời: Công-Nghiệp Cách-Mạng (Chương XVI) - VƯƠNG KIM

ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ Chương XVI: Chánh-trị: Việt-Nam Dân-Chủ Xã-Hội Đảng

ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ VÀ CÁC VỊ TIỀN BỐI

ĐỨC THẦY CÙNG CÁC TÍN ĐỒ PGHH



Chương XVI: Chánh-trị: Việt-Nam Dân-Chủ Xã-Hội Đảng

Quan hệ giữa quân sự và chánh trị. – Clausewitz một nhà binh Pháp-Ðức, trong quyển “Chiến tranh luận” có định nghĩa chiến tranh như sau: Chiến tranh chẳng những là một hành động chánh trị (action politique) mà thực sự là một thủ đoạn của chánh sách, chánh sách kế tục quan hệ ngoại giao.
Cứ theo định nghĩa nầy, quân sự chỉ là một thủ đoạn để thực hiện chánh sách. Sở dĩ gây chiến hay dùng thủ đoạn quân sự là vì đôi bên không thể giải quyết bằng đường lối ôn hòa, ngoại giao chánh trị.
Quân sự hay chiến tranh, theo đó, chỉ là một thủ đoạn nhứt thời đem áp dụng trong một giai đoạn để thực hiện mục tiêu chánh trị hay quốc sách. Như thế, quân sự là tranh đấu giai đoạn còn chánh trị là tranh đấu trường kỳ, thường xuyên hay có thể nói chiến tranh hay quân sự là một thủ đoạn bạo lực để đạt đến mục đích chánh trị hay chánh sách.
Dùng quân sự hay chiến tranh để giải quyết một vấn đề gì là một việc làm bất đắc dĩ, bởi giải quyết nhau bằng phương pháp chánh trị ngoại giao không xong mới đưa đến sự giải quyết bằng bạo lực, bằng súng đạn.
Khi dùng đến bạo lực thì chi cho khỏi gây ra chết chóc sanh mạng, tàn phá sự nghiệp tài sản. Vì vậy mà loài người luôn luôn tìm cách giàn xếp bằng đường lối chánh trị hơn quân sự. Chỉ có những dân tộc bạo tàn, háo sát hung hãn, tham lam, nuôi óc cướp bóc mới ỷ thị vào sức mạnh để gây chiến tranh xâm lược hầu thỏa mãn dục vọng tham tàn, óc thích giết hại đồng loại với bản tính cầm thú.

Như trường hợp nước Việt Nam chúng ta, dân tộc Việt Nam là một dân tộc hiếu hòa nhưng luôn luôn bất khuất trước mọi áp bức bạo lực, sở dĩ phải dùng đến quân sự là để bảo vệ đất nước, chúng ta không còn phương pháp nào hơn dùng bạo lực để chống lại bạo lực. Nhưng một khi cường khấu rút lui thì dân chúng ta trở lại đời sống hòa bình và luôn luôn dùng lối ngọai giao khéo léo của một nước nhỏ để bảo vệ quê hương đối với nước lớn mạnh.
Ðức Huỳnh Giáo Chủ sở dĩ lập Bộ đội cũng không ngoài mục đích chống xâm lăng cứu nước. Đây là một thủ đoạn bất đắc dĩ phải dùng đến, vì không còn một thủ đọan nào hữu hiệu hơn khi mà đường lối chánh trị, ngoại giao trở thành vô hiệu hay bất lực đứng trước bạo lực.
Đó là một thủ đoạn áp dụng trong một giai đoạn cho nên ngoài sự thành lập Bộ đội chống xâm lăng, Ðức Huỳnh Giáo Chủ còn thành lập chánh đảng để tranh đấu thực hiện mục tiêu chánh trị, xây dựng nước Việt Nam “Công bình và nhơn đạo, một nước Việt Nam tương xứng với các nước dân chủ tiền tiến trên hoàn cầu”. Chánh trị, là mục tiêu, còn quân sự là phương tiện để đạt mục tiêu. Cho nên có thể ví chánh trị như địa bàn hay hải đăng, còn quân sự hay bộ đội như hướng, thiếu hải đăng rọi sáng ban đêm thì thuyền tàu chắc chắn phải lạc hướng và có thể rướng lên cồn hay va vào hòn, vào đảo mà vỡ mà chìm.
Một bộ đội mà thiếu chánh trị lãnh đạo thì bộ đội đó sẽ trở thành một đám lê dương chuyên nghề đánh mướn, bán máu lấy tiền hay một bộ đội lục lâm chuyên phản dân hại nước.
Mục đích cầm súng là để thực thi chánh sách hay kế hoạch chánh trị. Trong giai đoạn kháng chiến, cầm súng là để chống xâm lăng bảo vệ quê hương cùng sanh mạng tài sản của đồng bào.
Vì vậy mà một bộ đội cách mạng vẫn phải có kỷ cương. Không kỷ luật thì quân đội sẽ là một đám người ô hợp, chẳng những không thắng được địch, thực hiện mục đích chánh trị mà còn gây tai họa cho dân cho nước. Cho nên, đồng thời với sự thành lập bộ đội Ðức Huỳnh Giáo Chủ còn hợp với các nhà cách mạng yêu nước thành lập đảng chánh trị để lãnh đạo đường lối tranh đấu chống xâm lăng, giành độc lập.
Lý do lập Đảng Dân Xã. – Quân sự và chánh trị ví cũng như tay chân và bộ óc trong thân thể con người. Quân sự mà không chánh trị không khác thân thể có tay chân mà không có bộ óc. Không óc, con người sẽ hành động cuồng loạn.
Phương chi trong giai đoạn tranh đấu cứu nước và dựng nước, chánh trị thủ lấy một vai trò tối quan trọng cũng như bộ óc trong thân thể con người, không có không được. Ví như cuộc kháng chiến thành công nghĩa là đã dùng quân sự đánh đuổi xâm lăng, chẳng phải đến đó là chấm dứt; đây chỉ mới hoàn thành giai đoạn cứu nước, nhưng còn giai đoạn xây dựng đất nước hay tái thiết quốc gia.
Khi đặt ra vấn đề xây dựng đất nước là đặt ra vấn đề quốc sách để làm tiêu hướng cho phát triển quốc gia theo nhịp tiến thế giới hay nhơn loại. Và khi nói đến quốc sách là nói đến xu hướng chánh trị.
Một nước là một quốc gia gồm nhiều gia đình, nhiều từng lớp xã hội, đương nhiên có nhiều ý kiến không giống nhau, có khi trái nghịch nhau. Để giữ cho xã hội không rối loạn, những người cùng một xu hướng cùng một quyền lợi thường tập hợp nhau thành những đoàn thể đảng phái. Mỗi tập thể có những chương trình kiến thiết theo quan niệm xu hướng quyền lợi của mình. Đương nhiên giữa các chương trình có sự cạnh tranh nhau, thành thử có sự tiến bộ và luôn luôn tranh nhau cải thiện đời sống một ngày một tốt đẹp hơn.
Chánh đảng hay đảng chánh trị là một tổ chức biểu hiện một xu hướng chánh trị, phản ảnh xu hướng và quyền lợi của những người cùng tập hợp nhau thành đoàn thể. Cho được phù hợp với nguyện vọng tiến bộ của toàn dân hay đa số nhân dân, các chương trình kiến tạo phải tùy từng giai đoạn tiến hóa mà thay đổi. Nhờ vậy mà xã hội luôn luôn trên đà tiến triển không ngừng.
Bất cứ cuộc chiến tranh nào cũng phải có lúc chấm dứt. Chỉ có đấu tranh chánh trị thì không bao giờ dứt. Khi hoàn thành một kế sách chấm dứt một giai đoạn đấu tranh thì kế tiếp một kế sách mới đặt ra đòi hỏi một sự tranh đấu mới. Như vậy hành động chánh trị luôn luôn có tánh cách trường kỳ, cho nên lúc nào chánh trị cũng đóng lấy vai trò lãnh đạo soi sáng cho quân sự có tánh cách đoản kỳ hay giai đoạn.
Đó là lý do khiến Ðức Huỳnh Giáo Chủ thành lập Việt Nam Dân Chủ Xã Hội đảng.
Miền Nam cần có một Đảng chánh trị. – Vì nhu cầu cần có một đảng chánh trị để lãnh đạo tranh đấu chống xâm lăng và kiến thiết quốc gia khi phục hồi nền độc lập, Ðức Huỳnh Giáo Chủ hiệp với các nhà ái quốc thành lập Việt Nam Dân Chủ Xã Hội đảng gọi tắt là Dân Xã đảng.
Ðảng Dân Xã là một chánh đảng gồm nhiều thanh phần nhưng trụ cột là thành phần đông đảo nhứt là khối Phật Giáo Hòa Hảo và Việt Nam Quốc Gia Độc Lập đảng, một đàng có khối quần chúng nông dân đông đảo còn một đàng có một giàn cán bộ được huấn luyện.
Xét ra trong hiện tình đất nước, các tôn giáo cũng như đảng phái ở miền Nam chưa có thể đóng lấy vai trò lãnh đạo đấu tranh chánh trị chống xâm lăng. Các tôn giáo thì không thể trực tiếp đứng ra tranh đấu vì vấp phải luật nghi ràng buộc, không cho phép bước ra ngoài phạm vi của kẻ tu hành, còn về đảng chánh trị thì ở miền Nam chỉ có Mặt Trận Việt Minh đã mang tiếng là bị Cộng sản lung lạc, mất cả sự ủng hộ trong nước và ngoài nước, đến như Việt Nam Quốc Gia Độc Lập Đảng, một đảng chánh trị duy nhứt ở miền Nam thì lại quá yếu vì thiếu hậu thuẫn quần chúng. Vì sự nhu cầu của tình thế, miền Nam cần có một lực lượng lãnh đạo kháng chiến và kiến thiết quốc gia khi nền độc lập được khôi phục.
Sự thành lập Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng thống hợp hai khối: Phật Giáo Hòa Hảo (Tôn giáo) và Việt Nam Quốc Gia Độc Lập Đảng (chánh trị) cùng một số đoàn thể: thanh niên, cần lao, kháng chiến thành một lực lượng chánh trị đủ khả năng đóng lấy vai trò lãnh đạo quốc gia trên lập trường dân tộc.
Ðảng Dân Xã chẳng những cần thiết trong giai đoạn tranh đấu chống xâm lăng giành độc lập mà còn cần thiết trong giai đoạn kiến tạo quốc gia giữa hai chủ nghĩa cực đoan: Tư bản và Cộng sản đang tranh giành ảnh hưởng trên bàn cờ quốc tế. Nếu đứng trên phương diện phúc lợi của nhân dân mà xét thì mỗi chủ nghĩa đều có ưu điểm và nhược điểm.
Trong chế độ tư bản chủ nghĩa, con người được giải phóng về đời sống tinh thần, được hưởng mọi quyền tự do dân chủ. Nhưng cũng vì tự do quá trớn mà hạng giàu, hạng tư bản được tự do bóc lột hạng nghèo khó, công nhơn lao động. Khiến cho hạng thiếu phương thức sanh sản phải nghèo khổ, thất nghiệp chịu đói chịu khát.
Ðến như chế độ cộng sản, mặc dầu về đời sống không có cảnh thất nghiệp nhưng cũng bị bóc lột sức lao động, bị tước đoạt tài sản. Ngoài ra còn bị đàn áp về mặt tinh thần. Trong chế độ Cộng sản không có danh từ tự do, dù là tự do suy nghĩ, nghĩ khác hay nói khác hơn những mạng lịnh của chánh quyền là bị tù đày, bị thủ tiêu.
Nếu đem so sánh hai chế độ, người ta có thể nói, trong chế độ tư bản, con người được hoàn toàn tự do về mặt tinh thần, nhưng bị bóc lột về đời sống vật chất; còn trong chế độ Cộng sản thì con người được phần nào đảm bảo về đời sống xã hội nhưng hoàn toàn bị bóp nghẹt về phương diện tinh thần. Thành thử con người, sống trong chế độ nào, tư bản hay Cộng sản, vẫn thấy thống khổ, khổ về đời sống vật chất, khổ về đời sống tinh thần.
Sau đệ nhị thế chiến, loài người sống giữa hai sự tranh chấp của hai chế độ cực hóa, luôn luôn chực biến con người thành những bộ máy sản xuất và trong tương lai có thể đưa loài người đến vực thẳm diệt vong, nếu những tâm hồn cuồng loạn vì tham vọng đen tối không chịu thức tỉnh, trở lại bản tánh nhân thiện mà dẹp bỏ các thứ võ khí sát nhân.
Ðứng giữa hai chế độ cực hóa, loài người chỉ còn một xuất lộ, vừa giải phóng con người về phương diện đời sống vật chất và tinh thần, đồng thời đem lại một đời sống quân bình hạnh phúc. Đó là chủ nghĩa Dân Chủ Xã Hội, một chủ nghĩa “trung hóa” nghĩa là đứng giữa hai cực đoan, hóa giải thành một chủ nghĩa quân bình, giải phóng con người cả hai phương diện. Với chủ nghĩa dân chủ trong Dân Chủ Xã Hội, con người sẽ được hoàn toàn tự do về mặt vật chất cũng như tâm linh.
Với chủ nghĩa xã hội trong Dân Chủ Xã Hội, đời sống con người sẽ được đảm bảo: không còn sự chinh lệch quá xa giữa hạng giàu và hạng nghèo. Ai ai cũng được đảm bảo về nhà ở, công ăn việc làm. Mỗi gia đình đều có một mái nhà, nhà nông có ruộng, người thợ có nghề và các công cụ cần thiết cho nghề nghiệp.
Xã hội Dân Xã có thể gọi là quân bình nhứt trong đó mọi người đều sống một đời hoàn toàn an lạc.
Ðảng Dân Xã chẳng những cần thiết trong giai đoạn kháng chiến chống xâm lăng mà còn cần thiết trong giai đoạn xây dựng quốc gia khi Việt Nam độc lập. Hiện nay có nhiều nước đang tiến trên con đường dân chủ xã hội. Trong tương lai, sự giải thể hai chủ nghĩa tư bản và cộng sản sẽ đưa nhơn loại đến một chủ nghĩa quân bình an lạc, phù hợp với con người hoàn toàn giải phóng. Đó là chủ nghĩa Dân Chủ Xã Hội.
Cho nên sự thành lập Đảng Dân Xã chẳng những đáp ứng được nhu cầu cứu nước mà còn phù hợp với trào lưu tiến hóa nhơn loại trên bước đường tương lai tiến đến một xã hội quân bình an lạc chủ nghĩa Dân Chủ Xã Hội.
Ðức Huỳnh Giáo Chủ, là một bực tiên giác, tiên liệu được thời cuộc và bước tiến của nhơn loại, nên chủ trương thành lập một chánh đảng lấy tên là Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng. Ngài đã giải thích lý do tại đâu chấp nhận thành lập đảng Dân Xã và dùng đảng nầy làm lợi khí tranh đấu thay vì dùng tôn giáo. Ngài có nêu ra ba lý do sau đây để đáp lại câu hỏi của một tín đồ (1):
“1. Việt Minh tranh đấu chánh trị. Nếu Thầy đem đạo ra tranh đấu thì không thể được, vì đạo chỉ lo tu hành chơn chất, nên Thầy phải tổ chức Đảng chánh trị mới đủ điều kiện để tranh đương kịp.
“2. Các nhà ái quốc chơn chánh trong nước mặc dù nhìn nhận Thầy là nhà ái quốc chơn chánh, nhưng không thể hiệp chung với Thầy lo việc quốc gia, bởi lẽ anh em ấy không thể tu hành như mình, hoặc giả đã có đạo rồi thì không lẽ bỏ đạo mà qui y theo Phật Giáo Hòa Hảo, vì vậy Thầy phải tổ chức đảng chánh trị để anh em ấy có điều kiện tham gia vì rằng tham gia, họ chỉ giữ kỷ luật của đảng mà thôi, còn tôn giáo thì của ai nấy giữ.
“3. Tất cả anh em tín đồ nếu thấy mình còn nặng nợ với non sông tổ quốc, thương nước thương dân hãy tham gia mà tranh đấu. Ðây là phương tiện để anh em tín đồ hành sử Tứ Ân”. (2)
__________________________________________________________
CHÚ THÍCH
(1) ông Huỳnh Hữu Phỉ.
(2) Hành sử đạo nhân. Tr. 140.
Ðảng Dân Xã không phải Phật Giáo Hòa Hảo đổi tên. – Ðể đánh tan dư luận thấy khối tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo tham gia đông đảo vào Đảng Dân Xã, nên cho rằng đảng Dân Xã là Phật Giáo Hòa Hảo trá hình, Ðức Huỳnh Giáo Chủ đã cực lực đính chánh điều ngộ nhận ấy trong bài minh xác trên báo Quần Chúng ngày 15-11-1946 như sau:
“1. Ðảng Việt Nam Dân Chủ Xã Hội là một đảng chánh trị, có tuyên ngôn, chương trình, điều lệ rõ ràng do mấy nhóm chánh trị, đoàn thể kháng chiến hay anh em trong các tôn giáo mà hoạt động chánh trị hợp lại thành lập. Thế thì không phải Phật Giáo Hòa Hảo đổi tên.
“2. Sở dĩ tôi nhân danh mà kêu gọi anh em Hậu Giang là vì về dĩ vãng mặc dù tôi ở trong địa hạt Phật giáo, nhưng có quyền riêng là gia nhập Việt Nam Dân Xã, nó hợp với quan niệm tranh đấu chánh trị của tôi. Cái quyền nhập đảng ấy, anh em Công giáo, Cao đài, Tịnh độ cư sĩ vẫn có cũng như tôi. Hiện nay tôi là đảng viên của đảng Dân Chủ Xã Hội và có rất nhiều anh em ở Hậu giang cũng đã vào đảng Dân Xã. Khi đã vào đảng đều tuân kỷ luật của đảng trong sự hoạt động chánh trị. Như vậy cũng rõ rệt rằng Phật Giáo Hòa Hảo và đảng Dân Xã là hai tổ chức khác nhau, Tôn giáo là Tôn giáo mà Chánh trị là Chánh trị”. (3)
___________________________
(3).Hành sử đạo nhân. Tr. 144.
Một điều nữa chứng tỏ đảng Dân Xã không phải Phật Giáo Hòa Hảo đổi tên là việc thành lập Ban Chấp Hành Trung Ương mà những chức vụ quan trọng đều giao phó cho anh em Việt Nam Quốc Gia Ðộc Lập Đảng, nhứt là trường hợp anh Nguyễn Bảo Toàn được Ðức Huỳnh Giáo Chủ cử giữ chức vụ Tổng Bí Thơ trong Trung Ương đảng Bộ. Anh thuộc gia đình Thiên Chúa Giáo, thế mà anh được đề cử là vì hai lý do sau đây:
a)- Trước nhứt anh chủ trương tờ nhựt báo Dân Mới, nổi tiếng chống Pháp nên bị Tòa đại hình kêu án 5 năm khổ sai đày đi Côn Đảo. Đến năm 1944 mãn tù, anh bị quản thúc tại Mặc Bắc (Trà Vinh) quê quán anh cho đến ngày Nhựt đảo chánh. Anh hiệp với Nguyễn văn Sâm, Hồ văn Ngà, Phan Khắc Sửu… thành lập Việt Nam Quốc Gia Độc Lập Đảng, trong đó anh giữ chức vụ Tổng Bí Thơ, nhờ thành tích đi Côn đảo. Chính với thành tích nầy Ðức Thầy đề cử anh giữ chức Tổng Bí Thơ Trung Ương Đảng Bộ Đảng Dân Xã, cũng như ông Nguyễn Giác Ngộ được Ðức Thầy đề cử giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Chi đội Nguyễn Trung Trực cũng do ba năm Côn đảo của ông. Như thế Ðức thầy chọn người lãnh đạo là tùy ở thành tích chớ không dựa vào tình cảm hay tôn giáo. Việc đề cử anh Nguyễn Bảo Toàn vào chức vụ Tổng Bí Thơ đủ nói lên tinh thần trọng dụng nhân tài, đặt quyền lợi quốc gia trên tình nghĩa bè phái.
b)- Đề cử anh Nguyễn Bảo Toàn thuộc gia đình Thiên Chúa Giáo mà không đề cử tín đồ Phật Giáo như ông Nguyễn văn Sâm, Trần văn Ân hay tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo như bác sĩ Trần văn Tâm là để minh xác đảng Dân Xã không phải là Phật Giáo Hòa Hảo trá hình hay đổi tên, mặc dầu đa số đảng viên là khối tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo.
Diễn tiến của Đảng Dân Xã. – Với ý định thành Liên khu Quốc gia, để làm thế mạnh bên ngoài, Ðức Thầy phái ông Nguyễn Hoàn Bích tức Nguyễn Bảo Toàn sang Trung Hoa hiệp với các nhà cách mạng lưu vong thành lập Mặt Trận Toàn Quốc và để làm thế ủng hộ bên trong, Ngài phái ông Lê văn Thu về miền Tây mở lớp huấn luyện cán bộ chánh trị và xúc tiến việc đặt cơ sở khắp nơi.
Cuối năm 1946, tình hình trở nên khó khăn, do sự phản ứng của nhân dân chống lại sự khủng bố ráo riết của Pháp. Đường sá bị phá, sự lưu thông bị gián đoạn nhiều nơi. Vì vậy sự liên lạc giữa Trung Ương với các Bộ đội tác chiến cũng như cơ quan chánh trị ở miền Tây bị cắt đứt. Một phúc trình hoặc đề nghị từ miền Tây chuyển lên Trung Ương mất nhiều thời giờ, rất trở ngại cho công việc hoạt động quân sự và chánh trị.
Cho nên cuối 1946, một hội nghị quân chính được triệu tập tại Hiệp Xương. Về phía quân sự thì có Ban chỉ huy Bộ đội Nguyễn Trung Trực, còn về phía chánh trị thì đại diện các Ban Chấp Hành Tỉnh Bộ. Ðức ông được mời tham dự với tư cách cố vấn.
Ðể tiện việc hoạt động kịp thời ứng phó với tình thế, hội nghị đồng chấp nhận một kiến nghị yêu cầu Trung Ương sớm thành lập một Ban chỉ huy Quân chính miền Tây để trực tiếp lãnh đạo sanh hoạt quân sự và chánh trị.
Vào đầu năm 1947, Trung Ương có phái về 3 vị: Lê văn Kinh (tức Lương Trọng Tường), Ngô văn Hai (tức Nguyễn xuân Tăng) và ông Sơn (tức Lâm ngọc Thạch) về miền Tây đứng ra triệu tập một phiên họp tại Cái Gút, xã Nhơn Mỹ để thành lập Ban Chấp Hành Liên Tỉnh miền Tây.
Theo đề nghị thì xin lập Ban chỉ huy Quân chính, Ban chỉ huy viết tắt BCH có thể hiểu là Ban Chấp Hành?
Ban Chấp Hành Liên Tỉnh. – Phiên họp gồm có 3 vị của Trung Ương phái về, ông Lê văn Thu lúc bấy giờ là Giám đốc khóa huấn luyện chánh trị tại Nhơn Mỹ, ông Mai văn Dậu, nhơn viên trong Ban Hòa Giải và đại diện các Ban chấp hành Tỉnh bộ.
Mở đầu phiên họp, ông Lê văn Kinh trình Ủy nhiệm thơ của Trung Ương, đặc phái ba ông về Hậu giang thành lập Ban chấp hành Liên Tỉnh miền Tây, với hình thức Ban Thường Vụ như sau:
– 1 Trưởng ban
– 1 Tổng Bí Thơ
– 1 Ủy viên Tài chánh
Ðại diện Tỉnh bộ Châu đốc liền đưa ra nhận xét hình thức tổ chức ấy không thấy ấn định trong điều lệ của đảng và nếu tổ chức theo hình đó thì phá vỡ tổ chức cũ từ tỉnh xuống đến xã ấp. Như thế là làm xáo trộn cả bộ máy đảng trong Tỉnh Châu đốc.
Ông Kinh khẳng định rằng: ông được Ủy viên đặc biệt (Ðức Thầy), đồng thời cũng là sáng lập viên và Ủy viên Trung ương, đã ủy nhiệm thì ông có toàn quyền tổ chức. Trước Ủy nhiệm thơ của Ðức Thầy, các cử tọa đều im lặng.
Nhưng đại diện Tỉnh bộ Châu đốc có đưa ra nhận xét là hình thức tổ chức ấy không được ổn bởi lẽ, nếu có chức Tổng Bí Thơ thì không có chức Trưởng Ban, vì đó là hình thức tổ chức của một Chánh đảng. Còn nếu có chức Trưởng Ban thì không thể có chức Tổng Bí Thơ, bởi đây là hình thức tổ chức của hiệp hội. Nếu tổ chức theo hiệp hội thì gọi là Tổng thơ ký.
Ông Ngô văn Hai yêu cầu định nghĩa và phân biệt thế nào là Tổng Bí Thơ và thế nào là Tổng Thơ Ký.
Ðại diện Tỉnh bộ Châu đốc liền phân tách: Tổng Bí Thơ là chức vụ chưởng quản các Bí Thơ, một chức vụ tối quan trọng trong đảng, vì người sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm với cấp trên và giữ bí mật các văn kiện mật. Còn Tổng Thơ Ký chỉ có phận sự làm công việc văn phòng của một Ban Thường Vụ mà thôi.
Vả lại với hình thức của tổ chức hiệp hội, từ chức vụ Trưởng Ban cho đến Tổng Thơ Ký trong Ban Thường vụ đều liên đới chịu trách nhiệm và mọi huấn lịnh, chỉ thị đều đem ra thảo luận chung, khác hơn hình thức tổ chức đảng, chức vụ Tổng Bí Thơ hay Bí Thơ chịu hoàn toàn trách nhiệm và giữ mật mọi việc quan trọng.
Sau khi nghe trình bày, ông Lê văn Kinh cũng như ông Ngô văn Hai đồng chấp nhận đổi danh từ Tổng Bí Thơ lại Tổng Thơ Ký. Dầu vậy, đại diện Tỉnh bộ Châu đốc cũng kháng nghị rằng hình thức tổ chức hiệp hội trái nghịch với điều lệ và làm xáo trộn bộ máy tổ chức cũ.
Ông Lê văn Thu yêu cầu ghi lời kháng nghị của Tỉnh Châu đốc vào biên bản để trình lên Trung Ương quyết định tối hậu.
Vào đầu tháng 2 năm 1947, Ðức Thầy di chuyển về miền Tây, đặt văn phòng tại Hành dinh của Chi đội 30 ở xã Phú Thành, có lẽ đọc biên bản nên có cho vời nhân viên Ban chấp hành Tỉnh bộ Châu đốc đến.
Sau khi nghe trình bày, Ngài có nói: Tuy tôi là Ủy viên Trung Ương cũng là sáng lập viên đảng Dân Xã, vẫn không có quyển sửa đổi điều lệ. Quyền ấy phải dành cho đại hội toàn quốc, một năm được triệu tập một lần, mới có quyền sửa đổi mà thôi. Như vậy ông Kinh đã làm sai nguyên tắc. Nói đoạn, Ngài xoay qua ra lịnh cho văn phòng viết thơ mời gấp Ban chấp hành Liên Tỉnh (4).
____________________________________________
(4) Nghe đâu, sau đó Liên tỉnh có đến và theo lời của nhiều nhân viên văn phòng thuật lại, Ðức Thầy thâu hồi giấy ủy nhiệm của ông Kinh và ra lịnh cho Sáu Rớt (tức đại tá Trần văn Tươi) đưa ông Kinh về Sài Gòn. Chừng như Sáu Rớt vì bận việc lo chuyên chở thuốc men nên có hẹn với Ðức Thầy để hoãn lại một ngày khác.
Mấy hôm sau đó, Ðức Thầy ngộ nạn. Thế rồi Ban chấp hành Liên tỉnh cứ tiếp tục hoạt động theo hình thức tổ chức mới và ra lịnh cho các cấp bộ lệ thuộc cùng cải tổ theo.
Về hình thức, thế là Ðảng Dân Xã đã thay đổi mà về tinh thần, đảng cũng trải qua một cuộc biến cải hay lột xác, từ địa vị lãnh đạo chánh trị đã biến thành một tổ chức lệ thuộc quân sự, đóng lấy vai trò tiếp tế, cung phụng vừa tiền bạc vừa quân nhu thực phẩm cho quân đội mà thôi.
Các nhà ái quốc trí thức theo Ðức Thầy về miền Tây để phục vụ đảng, hoặc đào tạo cán bộ hoặc chuẩn bị ra báo, nhận thấy đảng Dân Xã đã biến thể nên không còn lý do để phục vụ, lần lượt rút lui về Sài Gòn. Trong số đó được biết: Luật sư Lê văn Thu, nhà văn Nguyễn Duy Linh, các giáo sư Huế Ðiền, Võ văn Lượm…
Về phương diện chánh trị đã thế mà về phương diện quân sự, vì sự bức bách của tình thế cũng có chỗ đổi thay. Để đáp ứng với tình thế mới Bộ đội Phật Giáo Hòa Hảo ra đời. Thừa cơ hội Ðức Thầy vắng mặt, Thực dân cũng như Cộng sản tăng gia tấn công và khủng bố.
Cờ Ba Sao. – Vào khoảng tháng 7 năm 1947, trong một trận đánh tại vùng Láng Linh, vì thiếu quân kỳ nên Bộ đội Dân Xã bị thiệt hại nặng. Có một số sĩ quan như Cò Trình, Cờ No… tử trận.
Ông Lâm Thành Nguyên đến báo cáo với Ban Chấp Hành Liên Tỉnh lúc bấy giờ đóng tại xã Hưng Nhơn, nguyên nhân của sự tổn thất và yêu cầu Liên tỉnh tạo cho lá quân kỳ. Sau khi thảo luận, lá cờ vàng với một ngôi sao đỏ được đưa ra, có ý đối chọi lại cờ VM, nền đỏ một ngôi sao vàng.
Lá cờ nầy không được chấp nhận, vì lẽ nó không khác lá cờ của Thanh Niên Tiền Phong. Do đó, lá cờ được thêm hai ngôi sao nữa nghĩa là thành lá cờ nền vàng ba ngôi sao đỏ.
Ban Chấp Hành Liên Tỉnh có yêu cầu các cấp cho ý kiến và giải thích ý nghĩa để chọn lựa. Có nhiều ý kiến được đưa ra. Người thì giải rằng: nền vàng là màu tượng trưng cho quốc gia Việt Nam, còn ba sao là tượng trưng cho ba kỳ: Nam, Trung, Bắc hoặc
– Tam dân chủ nghĩa: Dân tộc, Dân quyền, Dân sanh.
– Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng.
– Tam tài: Thiên, Địa, Nhơn.
Cuối năm 1947, một cái tang đưa đến cho Đảng Dân Xã: ông Nguyễn văn Sâm, Ủy viên Trung Ương đặc trách Ngoại giao và đồng thời cũng là đại diện cho Mặt Trận Toàn Quốc tại miền Nam bị ám sát tại Chợ Lớn (10-10-1947).
Tiếp theo đó, bác sĩ Trần văn Tâm, Ủy viên Trung Ương đặc trách Tài chánh, cũng bị ám sát.
Thế là sự liện lạc giữa Trung Ương đảng bộ với Ban Chấp Hành Liên Tỉnh đã lỏng lẻo từ sau ngày Ðức Thầy ngộ nạn, nay thì đứt hẳn. Từ biến hình, Đảng Dân Xã đến đây mất luôn lãnh đạo và dần dần lột xác biến thành một đảng Hòa Hảo.
Trong lúc mất lãnh đạo, lại thêm dồn dập bị Pháp tấn công khủng bố, bắt bớ cán bộ, cũng như làm tê liệt các cơ quan tỉnh, quận, xã, cố dồn ép Đảng Dân Xã hoặc tan rã, hoặc liên minh với Pháp chống Cộng.
Vì giữ vững lập trường kháng chiến nên đảng bị khủng bố đến tê liệt.
Ðầu năm 1948, một phiên họp được triệu tập tại chùa Cây Xanh ở Cái Tắc, Ban chấp hành Liên Tỉnh tuyên bố đình chỉ công tác. Thế là các cán bộ phải hoặc rút vào vị trí bí mật, hoặc chui vào các lực lượng võ trang để tiếp tục tranh đấu quân sự.
Ðảng Dân Xã Ba Sao. – Năm 1954, nhân đem quân ra hợp tác với quân đội quốc gia, Đại tá Lê Quang Vinh tức Ba Cụt, cho hợp thức hóa Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng với đảng kỳ nền vàng ba ngôi sao đỏ dụm lại (5), do Nghị định số 91-BNV/CT ngày 14-5-1954. Kịp khi Hiệp định Geneve ra đời (20-7-1954), Đại tá Lê Quang Vinh kéo toàn quân và Đảng Dân Xã vào bưng biền chống lại sự qua phân lãnh thổ Việt Nam do âm mưu của Thực dân và Cộng sản, cho đến ngày chế độ độc tài gia đình trị của Ngô đình Diệm bị lật đổ.
Sau khi đảng rút vào bưng, Ngô đình Diệm ban hành Nghị định số 41-NV ngày 27-1-1955 thâu hồi Nghị định số 91-BNV/CT ngày 14-5-1954 cấm Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng với lá cờ nền vàng ba sao đỏ hoạt động.
________________________________________
(5) Khi mới ra đời ba sao xếp theo hình vòng cung chớ không dụm lại.
* * *
Nhắc lại Nguyễn Hoàn Bích tức Nguyễn Bảo Toàn Tổng Bí Thơ của đảng được Ðức Huỳnh Giáo Chủ để cử đại diện đảng và Phật Giáo Hòa Hảo sang Trung Hoa hiệp với các nhà cách mạng lưu vong thành lập Mặt Trận Toàn Quốc với mục đích xây dựng một thế quốc gia. Nhưng vì công dân Vĩnh Thụy lại nghe theo ý kiến của Pháp, chịu trở về nước với danh nghĩa Quốc Trưởng Bảo Đại nên nhiệm vụ của Mặt Trận bất thành trong công cuộc xây dựng thế quốc gia bên ngoài làm hậu thuẫn cho Liên khu Quốc gia kháng chiến bên trong. Liền sau đó Ðức Huỳnh Giáo Chủ ngộ nạn, rồi vài tháng sau ông Nguyễn văn Sâm bị ám sát.
Ðầu năm 1948, Nguyễn Bảo Toàn trở về nước, gặp phải hoàn cảnh vô cùng bất lợi. Một mặt cơ sở Trung Ương không còn, một mặt tánh mạng bị đe dọa nên buộc lòng phải xuất ngoại sang Ấu Châu, sống với nghề mở lớp hàm thụ dạy chánh trị.
Đảng Dân Xã Chữ Vạn.- Khi Hiệp định Giơ-neo ký kết, một khúc quanh lịch sử đưa đến cho đất nước Việt Nam. Để kịp ứng phó với tình thế, trong giai đoạn hoạt động quân sự nhường chỗ cho hoạt động chánh trị, anh Nguyễn Bảo Toàn trở về nước đầu năm 1955. Với sự tán trợ của tướng Nguyễn Giác ngộ, một phiên họp được triệu tập tại số 204 đường Yên Đỗ, Sài Gòn. Hiện diện trong phiên họp có quý vị cựu Ủy viên Trung Ương như: Nguyễn Bảo Toàn, Lê văn Thu, Lâm văn Tết, La văn Thuận với các vị cựu Bí thơ Ban chấp hành Tỉnh bộ Châu Đốc, Long Xuyên, Sa đéc…Ngoài ra có quí ông Mai văn Dậu, tướng Nguyễn Giác Ngộ và nhân viên Ban chỉ huy Bộ đội Nguyễn Trung Trực… Sau khi xét qua tình hình quốc tế và quốc nội, hội nghị đồng đi đến quyết định tái phát Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng. Xét về phương diện pháp lý cũng như nguyên tắc tổ chức, Trung Ương Đảng Bộ hội đủ điều kiện để tái lập, vì rằng gồm quá bán Ủy viên Trung Ương cũ có mặt, cộng thêm một số cựu Bí Thơ Ban Chấp hành Tỉnh bộ và một số cán bộ cao cấp có uy tín trong đoàn thể như ông Mai văn Dậu, nguyên Đổng lý văn phòng của Ngài Ủy viên Đặc biệt và tướng Nguyễn giác Ngộ Chỉ huy trưởng Bộ đội Nguyễn Trung Trực.
Thề theo quyết định của phiên họp, một Ban trị sự lâm thời được ủy nhiệm đứng đơn xin hợp thức hóa đúng theo luật lệ hiện hành. Nhưng chánh quyền Ngô Đình Diệm từ chối, viện lẽ Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng cũng như lá cờ nền vàng ba ngôi sao đỏ đã bị Nghị định số 41-NV ngày 27-1-1955 cấm hoạt động và yêu cầu Ban trị sự đổi lại danh xưng và lá đảng kỳ khác.
Bất đắc dĩ, Ban trị sự phải sửa lại Đảng Dân chủ Xã hội Việt Nam, thay vì theo cú pháp Hán (V.N.D.C.X.H.Đ.) sửa lại theo cú pháp Việt (Đ.D.C.X.H.V.N.) tuy về cú pháp có thay đổi Hán ra Việt, nhưng nội dung (Dân chũ Xã hội) vẫn không thay đổi.
Và để phân biệt lá cờ nền vàng ba ngôi sao đỏ của Việt Nam Dân chủ Xã hội Đảng bị cấm hoạt động. Đảng Dân chủa Xã hội Việt Nam đưa ra mẫu cờ mới với nền đỏ chữ Vạn vàng, với ý nghĩa: Màu đỏ là màu tranh đấu, đại đồng; chữ Vạn tượng trưng cho Từ bi, nhà Phật. Lá đảng kỳ nầy còn biểu tượng cho khối PGHH vì màu đỏ là màu của Trần điều, màu mà tín đồ thờ nơi ngôi Tam bảo và chữ Vạn là biểu trưng cho Phật giáo. Như vậy, lá cờ nền đỏ chữ Vạn có thể tượng trưng cho Phật giáo (chữ Vạn) Hoà Hảo (màu đỏ = trần điều).
Đảng Dân chủ Xã hội Việt Nam với lá đảng kỳ màu đỏ chữ Vạn vàng được hợp thức hóa cho Nghị định số 5-BNV/ CT ngày 9-2-1955.
Khi Hội đồng Nhân dân Cách Mạng được thành lập, ông Nguyễn Bảo Toàn được bầu làm Chủ tịch Hội đồng, tranh đấu chấm dứt chế độ Quân chủ để thiết lập chế độ Cộng Hòa, đúng với chương trình của Đảng Dân Xã ấn định.
Nhưng khi Ngô Đình Diện được bầu làm Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa thì phản bội quốc dân, thực thi chế độ độc tài gia đình trị, thẳng tay đàn áp các đảng phái quốc gia.
Trong đêm 20-1-1956, Chủ tịch Nguyễn Bảo Toàn mở cuộc họp báo tại Trụ sở 204 đưởng Yên Đổ, đả kích và lên án chế độ độc tài của họ Ngô; sáng hôm sau (21-1-1956) anh lên đường sang Cao Miên rồi qua Mỹ, do đường Thái Lan ngang qua Nhựt Bổn.
Trong lúc anh Toàn xuất ngoại, Đảng tiếp tục hoạt động, rút vào vị trí bí mật, mở nhiều khóa huấn luyện cán bộ. Năm 1958, đảng họp với các đảng Quốc gia thành lập “Khối Dân chủ Đối lập” chống chế độ độc tài Nhu-Diệm.
Năm 1959 anh Toàn trở về nước, xúc tiến công việc đoàn kết các Đảng phái. Đến năm 1960, “Liên Minh Dân chủ” ra đời gồm có đại diện các đảng:
– Việt Nam Quốc dân đảng do Vũ hồng Khanh, Xuân Tùng đại diện.
– Đảng Dân chủ Xã hội Việt Nam do Nguyễn bảo Toàn, Phan bá Cầm đại diện.
– Đảng Duy Tân do Lê Vinh đại diện,
– Khối Dân chủ do Hoàng Cơ Thụy đại diện,
– Đảng Đại Việt do Nguyễn Đình Luyện đại diện,
– V.N. Phục quốc Đồng Minh do Lê văn Sáu đại diện.
Liên Minh làm đầu não cho cuộc đảo chánh ngày 11-11-1960 do Hoàng Cơ Thụy và Nguyễn Bảo Toàn liên kết với các Sĩ quan Dù. Cuộc quật khởi bất thành, một số cán bộ Dân Xã bị bắt, giam cầm, tù đày.
Trong cuộc tranh đấu chống chế độ Độc tài gia đình trị của họ Ngô, Đảng đã đóng góp rất nhiều xương máu. Ngoài những cán bộ bị tù đày, lưu vong và giam hãm ở các trại tập trung, còn có tướng Lê quang Vinh tức Ba Cụt lên đoạn lầu đài, Nguyễn Bảo Toàn và Phạm Xuân Gia tự Màng bị thủ tiêu trong ngục thất.
SAU CÁCH MẠNG 63. – Sau khi chế độ độc tài gia đình trị của họ Ngô bị lật đổ, các cán bộ Dân Xã bị tù đày lưu vong lần lượt trở về, xây dựng lại cơ sở Đảng đã bị phá vỡ. Các trụ sở được dựng lại, các Ban Chấp Hành được chỉnh đốn và cải tổ.
Vào khoảng nửa năm 1964, Trương Kim Cù từ Cao Miên về, bèn đứng đơn xin hợp thức hóa đảng Dân Xã và được Bộ Nôi Vụ cấp Nghị định số 1099-BNV/KS ngày 11-9-1964.
Thế là đảng Dân xã có đến 3 hệ phái:
– Hệ phái 3 sao của Trình Quốc Khánh.
– Hệ phái chữ Vạn của Phan Bá Cầm.
– Hệ phái 3 sao của Trương Kim Cù
Từ năm 1964, cuộc xáo trộn chính trị diễn ra trong nước. Tinh trạng rối reng, hỗn loạn càng ngày trầm trọng. Đất nước lâm vào tình trạng nhiễu nhương nguy khốn, đời sống dân chúng vô cùng đen tối điêu linh.
Ý thức vai trò chính trị của mình trước công cuộc cứu nguy đất nước, các hệ phái Dân Xã quyết thống nhứt nội bộ, nhưng lúc bây giờ điều kiện khách quan chưa thuận tiện. Chánh quyền chẳng thực tâm thực thi Dân chủ, cố ngăn cản sự thống nhứt, sợ các đảng phái Quốc gia lớn mạnh.
Mãi cho đến ngày 8-5-1966, trong Đại hội toàn quốc Phật Giáo Hòa Hảo họp tại Thánh địa Hòa Hảo, toàn thể Hội nghị đồng thanh biểu lộ ý chí thống nhứt. Kết quả là Việt Nam Dân chủ Xã hội Đảng thống nhứt ra đời với sự họp nhứt 5 hệ phái: Ba hệ phái chánh trị và hai hệ phái cựu quân nhân.
1-. Đảng Dân Xã 3 sao do Trình Quốc Khánh lãnh đạo,
2.- Đảng Dân Xã chữ Vạn do Phan Bá Cầm lãnh đạo,
3.- Đảng Dân Xã 3 sao do Trương Kim Cù lãnh đạo.
4.- Tập đoàn Cựu chiến sĩ HH/DX do Lâm Thành Nguyên lãnh đạo;
5.- Hội Cựu Quân Nhân PGHH do Trần Duy Đôn lãnh đạo,
Đảng Thống nhứt điều hành bởi một Chủ tịch Đoàn gồm có 5 nhân viên, đại diện cho 5 hệ phái luân phiên nhau làm Chủ tịch với một Ban Chấp hành gồm các nhân viên Đại diện cho 5 hệ phái.
Sau hơn một năm hoạt động, đến kỳ bầu cử Tổng Thống năm 1967, Trình Quốc Khánh tách khỏi khối Thống Nhứt, ra ứng cử chức Phó Tổng Thống trong Liên danh của Nguyễn văn Thiệu.
Một thời gian sau, cuối năm 1969, Lâm Thành Nguyên vì có trách nhiệm đối với anh em cựu chiến binh và cô nhi quả phụ mà ông có phận sự bảo vệ quyền lợi, hơn nữa theo luật 009/69 ngày 19-6-1969 không cho phép một người có chơn trong hai đảng, nên ông xin rút ra khỏi khối Thống nhứt để đứng đơn xin hợp thức hóa Tập đoàn cựu chiến sĩ HH/DX thành một tổ chức chánh trị.
Ngày 21-3-1973, Trần Duy Đôn đệ đơn lên Bộ Nội vụ xin rút tên ra khỏi Đảng Dân Xã Thống Nhứt, sau khi chánh quyền ban hành Sắc luật 060/TT/SLU ngày 27-12-1972 đặt các chánh đảng trong tình trạng bị giải tán nếu không hội đủ các điều kiện luật định.
Như thế, Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng Thống Nhứt chỉ còn có hai thành phần của Phan Bá Cầm và Trương Kim Cừu.
Chấm dứt chế độ Chủ tịch Đoàn, Đảng tổ chức lại đúng theo hình thức tổ chức nguyên thỉ, với lập trường cố hữu Đạo đức và Dân tộc, luôn luôn chủ trương:
– Lấy sự giải phóng Dân tộc, tranh thủ Tự do Dân chủ làm mục tiêu hành động,
– Lấy sự đoàn kết các lực lượng, quốc gia làm phương thức tranh đấu.
– Lấy giai tầng Nông dân, nhứt là miền Châu thổ sông Cửu long làm địa bàn hoạt động.
Đảng quan niệm sự tranh đấu như chiếc thuyền đi trên sông, nếu được nước xuôi gió thuận thì đi mau, bằng gặp gió ngang nước ngược thì ra tay chèo chống chớ không buông tay để cho thuyền bị đẩy lui lại. Ngộ giả, không thể tiến được thì cắm sào chờ nước xuôi gió thuận.
Chớ Đảng không bao giờ có vấn đề đình chỉ khi gặp khó khăn hay giải tán khi gặp chứng ngại, vì phương thức hoạt đồng của Đảng vừa có tánh cách chánh trị và cách mạng, có nhiều hình thái đấu tranh tùy từng giai đoạn, hoàn cảnh mà khi thì tranh đấu chánh trị, khi thì tranh đấu cách mạnh, lúc thì hoạt động công khai lúc lại hoạt động bí mật, miễn sao đạt đến mục đích, hoàn thành sứ mạng của tiền nhân giao phó, dầu hôm nay không thành thì ngày mai phải thành, lớp nầy ngã thì có lớp sau tiếp nối cho đến ngày đạt thành sở nguyện.
Dầu có đạt mục tiêu cũng chưa phải là chấm dứt. Xã hội loài người luôn luôn trên đà tiến hóa và luôn luôn cải thiện để thích ứng hoàn cảnh thì sứ mạng của Đảng khi hoàn tất một đoạn đường, lại hoạch định hành trình cho một đoạn đường mới, phù hạp với nhu cầu mới và phương thức hoạt động mới.
Thành thử đảng chánh trị không đặt ra vấn đề chấm dứt hay giải tán. Khi loài người còn và cần cải thiện đời sống để tự tốn thì đảng chánh trị vẫn còn cần thiết để tranh đấu cho phúc lợi của toàn dân.
Phương chi Đảng Dân xã đã do Đức Huỳnh Giáo Chủ hiệp với các nhà ái quốc thành lập. đã đóng góp rất nhiều xương máu tranh đấu cho quyền lợi Quốc gia, Dân tôc thì những người đi sau, hưởng công quả của những người đi trước, không có quyền đình chỉ hay chấm dứt sứ mạng của nó. Làm ngược lại là phản bội tiền nhân, phản bội công lao của những Liệt sĩ tranh đấu cho quyền lợi của Quốc gia dân tộc. Chúng ta chỉ có bổn phận phục vụ và hy sinh vì nó, để cho đất nước được trường tồn, giống nòi được truyền thụ.

Đăng nhận xét

[facebook][blogger]

Ẩn Danh Cư Sĩ PGHH 1939

Liên Hệ với PGHH 1939

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget