Nội Dung
PHÁP QUÁN TƯỞNG
TIẾT MỘT: TRÌ DANH VÀ QUÁN TƯỞNG
Trong pháp môn Tịnh độ, quán tưởng cũng là một pháp trọng yếu như pháp trì danh. Những ai vì ngắn hơi, không theo được pháp trì danh mà chỉ chuyên tu pháp quán tưởng, kết quả vãng sanh hai đằng vẫn như nhau.
Kinh Quán Vô lượng Thọ dạy có 16 pháp quán, trình bày rất
chí lý rõ ràng. Luận Vãng sanh của ngài Vô Trước lại chia thành 29 pháp quán.
Công năng tán trợ vãng sanh của các pháp quán, như trên đã nói, không khác công
năng của pháp trì danh. Có khác chăng là một đằng dễ theo, một đằng khó theo,
như sẽ nói rõ sau đây;
Với pháp quán tưởng, cảnh quán thường rất rộng rãi và tế nhị nên khó hành trì. Hơn nữa, vì chưa từng trải qua cảnh đó nên ấn tượng dễ trở nên mông lung. Cảnh chỉ hoàn toàn căn cứ vào ức tưởng nên khó tránh khỏi sai sự thật. Những sự khó khăn trên lại càng tăng thêm lên nữa, đối với chúng sanh trong đời mạt pháp này. Quả vậy, nghiệp chướng nặng nề, trí huệ cam cợt, tâm tư tạp loạn hoàn cảnh nhiễu nhương; với những điều kiện như thế tư lự thật khó tập trung vào một cảnh chuyên nhất trong quán pháp. Vì các lý do như trên, nên pháp quán tưởng khó áp dụng hơn pháp trì danh. Nếu chỉ chuyên tu quán tưởng mà không tu các pháp khác, sợ ít hy vọng thành công, vì vậy mà người tu Tịnh độ hiện thời ít kẻ thực hành quán tưởng, phần đông chuyên theo pháp trí danh mà thôi.
Tuy nhiên, nếu gác ngoài sự thực hành khó khăn, pháp quán tưởng còn có một tác dụng rất lớn lao ở trong pháp môn Tịnh độ. Nó có hiệu lực phát huy công năng phục diệt chủng tử ô nhiễm và đồng thời đề khởi chủng tử thanh tịnh ở trong tâm thức chúng ta, khiến cho các chủng tử thanh tịnh ấy mau thành thục để hiện hạnh mạnh mẽ. Khi hiện hạnh mạnh mẽ tức là kiến tánh thành Phật vậy. Nếu lập chí vững bền, quán tâm mạnh mẽ tinh tấn, thì lại có thể chuyển biến thế giới Ta bà thành thế giới Cực lạc được, Pháp quán tưởng có công năng lớn lao như vậy, thế mà chỉ có một số ít người thực hành được, quả thật đáng tiếc!
Nay xin đề nghị một biện pháp để dễ thích nghi với mọi hoàn cảnh, mọi năng lực là lấy pháp trì danh làm nòng cốt tu hành, đồng thời lấy pháp quán tưởng làm trợ duyên giúp thêm sức. Đã có trì danh làm căn bản thì cho dù quán tưởng có thành công hay không, công phu tu tập cũng không vì thế mà mất. Trái lại, nếu bên quán tưởng cũng đồng thời thành công thì kết quả hai bên họp lại thật là vô cùng rực rỡ. Trong trường hợp không thành công, ít nhứt nó cũng đóng được vai trò tăng thượng duyên cho pháp trì danh. Do đó, ta có thể kết luận một cách quả quyết và minh bạch rằng:
a) Nếu chỉ chuyên tu quán tưởng mà không kiêm tu các pháp khác, rủi không thành công thì thật là tổn phí thì giờ.
b) Nếu dùng pháp quán tưởng phụ giúp cho pháp trì danh thì nó có thể làm tăng thượng duyên cho tịnh nghiệp, bồi thêm hiệu quả cho pháp trì danh mà không mảy may lưu tệ.
Tóm lại, dùng phương pháp quán tưởng giúp cho phương pháp niệm Phật thì thật là nhiệm mầu vậy. Chúng ta cần phải biết châm chế mà thực hành cho chóng có kết quả.
Sau đây xin cung lục 16 pháp quán trong kinh Quán Vô lượng thọ và 29 pháp quán trong Luận Vãng sanh. Mong rằng các bậc hành giả tinh tấn y theo, công đức sẽ vô lượng.
Đối với 16 pháp quán trong kinh Quán Vô lượng thọ hay đối với 29 pháp quán trong luận Vãng sanh, nếu hành giả, trong khi tu, cảm thấy cảnh giới quá rộng rãi phiền phức hoặc giã cảnh quán hiện ra quá mơ màng mông lung, không thể quán tưởng hết cùng một lượt, thì bắt đầu chỉ nên độc quán một pháp hoặc hai pháp mà thôi. Hoặc cũng có thể chỉ quán tưởng một bộ phận nhỏ trong một pháp, hay thay đổi, hôm nay quán bộ phận này hôm sau quán bộ phận khác.
Trong khi tu quán, đừng nên bắt đầu "quán không" và đừng sợ bị pháp chấp. Đặc sắc của pháp môn tu Tịnh độ là không cấm kỵ sự muốn thấy Phật, sự muốn đến cảnh giới Phật, tức là "quán hữu." Đã có phương pháp trì danh làm căn bản (dù chỉ trì 10 danh hiệu một ngày) phép quán kiêm thêm là cốt để phụ giúp cho tịnh nghiệp mà thôi. Vì ở địa vị phụ, nên quán tưởng có thành công hay không cũng không hại. Ví như trong công việc thành tựu một cái bàn, công thợ và cây ván có thể ví với phương pháp trì danh, dầu véc ni và sự đánh bóng có thể ví với phương pháp quán tưởng. Lại như trong công việc dệt sa lụa, trì danh như canh chỉ, quán tưởng như bông hoa. Miễn rằng đâu được cái bàn chắc chắn hay dệt xong cây lụa tốt bền thì gọi là hoàn thành, có đánh bóng hay không, có bông hoa hay không, chưa phải là điều quan trọng. Nếu hiểu được lẽ đó, ta nên khéo léo vận dụng thế nào cho phần chính được đặc biệt chú trọng hơn phần phụ, nếu có thêm phần phụ là chỉ tăng thêm vẻ mỹ miều cho phần chính được chừng nào hay chừng đó mà thôi vậy.
Nghe nói như trên, không khỏi có người sẽ phản đối lại mà đàn hạch rằng: "Sở dĩ thấy chúng sanh bị giặc phiền não làm hại, nên đức Thích Tôn đặc biệt khai ra pháp môn quán tưởng này trong kinh Quán Vô lượng thọ, nay vì sao ở đây có chủ trương hạ thấp giá trị nó xuống và gán cho nó một vai trò phụ phương pháp trì danh"
Nếu có sự khiển trách ấy, tôi xin nhận lỗi ngay, nhưng cũng xin bình tĩnh xét kết quả hai bên thì sẽ rõ. Từ khi đức Phật khai ra pháp môn Tịnh độ, chúng sanh y theo phương pháp trì danh mà tu hành, thử tính xem kết quả được vãng sanh là bao nhiêu! Lại cũng thử tính xem số chúng sanh y theo phép quán tưởng mà tu hành. Kết quả vãng sanh là bao nhiêu! Kết quả hai bên so nhau thật quá huyền thù. Sự kiện này, chính đức Phật cũng đã nêu rõ. Hơn nữa trong đời mạt pháp này vì nhơn tâm dễ tán loạn, vì hoàn cảnh quá nhiễu nhương nên ở đây mới giám tùy cơ duyên khuyên hành giả lấy phương pháp trì danh làm chủ và lấy phương pháp quán tưởng làm phụ. Nếu người hành giả thành công được cả hai, kết quả sẽ vô cùng tốt đẹp. Nếu chỉ riêng thành tựu được phương pháp trì danh, cũng quyết định được vãng sanh, vì với phương pháp trì danh, mười người tu là mười người đạt kết quả, chứ không khó như phương pháp quán tưởng. Vì các lẽ ấy, ở đây quyền biến chủ trương bên chính bên phụ, tưởng cũng không trái với ý kinh.
Ngày xưa, khi Ngài Thiện Đạo đại sư trước tác quyển "Pháp môn Quán niệm A Di Đà Phật tướng hảo công đức" để giải rõ phương pháp tu hành quán tưởng Niệm Phật, nhưng vẫn không quên khuyên hành giả chuyên trì danh hiệu Phật. Lý do Ngài đưa ra là: "Vì chúng sanh, nghiệp chướng nặng, cảnh quán vi tế mà tâm thô tháo, thức bay nhảy, thần tản mát, nên quán tưởng khó thành tựu." Mặc dù vậy, Ngài vẫn nói pháp quán tưởng, mục đích chính cốt để giáo hóa hàng lợi căn thượng trí mà thôi, chứ đối với hàng quần chúng phổ thông thì Ngài khuyên nên chuyên trì danh hiệu Phật là đặc sách hơn cả, đó chính là phương tiện thiện xảo của các bậc Cổ đức sáng chế ra để dắt dẫn kẻ hậu tấn vậy.
TIẾT HAI: 16 PHÁP QUÁN THEO KINH QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ
a) Quán tưởng mặt trời: Ngồi xây mặt về hướng Tây. Quán tưởng mặt trời như cái trống treo lơ lửng giữa hư không, tròn chói lọi: về hướng mặt trời sắp lặn, ánh sáng rực rỡ, bất cứ nhắm hay mở mắt đều trông thấy rõ ràng.b) Quán tưởng nước: Thứ lại, quán tưởng nước. Tập trung tâm ý nhìn vào nước trong lặng. Khi nhắm mắt cũng vẫn thấy được nước thì quán tưởng nước ấy kết thành băng. Đã thấy được băng rồi thì quán tưởng băng ấy thành lưu ly. Tiếp theo, đem lưu ly ấy biến thành đất của thế giới Cực lạc trong suốt sáng ngời: dưới đất lưu ly ấy có một đế vàng thất bảo chống đỡ: đế có 8 góc 8 cạnh, mỗi góc cạnh toàn do trăm ngàn châu bảo tạo thành, mỗi một châu bảo chiếu ra trăm ngàn hào quang lóe ra 84.000 sắc, chiếu lên đất lưu ly, lung linh như muôn ngàn mặt trời, không thể nhìn xiết
Lại quán trên đất lưu ly ấy có vô số dây chằng, toàn bằng vàng ròng, xen lẫn chằng chịt có bảy báu làm giới hạn và phân khoản rõ ràng; trong mỗi thứ báu có 500 sắc hào quang tuông ra, rực rỡ như hoa, lung linh như trăng sao, treo lồng lộng giữa hư không, kết thành đài quang minh gồm có muôn ngàn lầu gác do trăm thứ báu hợp thành; xung quanh đài có trăm ngàn tràng hoa và vô lượng nhạc khí bằng châu báu, lại có 8 khí gió mát từ trong ánh sáng phe phẩy thổi ra, nhẹ rung các nhạc khí, khiến trỗi lên những khúc nhạc vô thường, khổ, không vô ngã, một cách hòa nhã và tự nhiên.
c) Quán tưởng đất: Khi phép quán tưởng nước đã thành tựu, nghĩa là khi đã thấy rõ được các cảnh như trên, bất cứ mở mắt hay nhắm mắt, lúc nào các cảnh ấy cũng hiện ra, ngoại trừ lúc ăn, như vậy gọi là đã thấy sơ qua đất nước Cực lạc rồi. Nếu được Tam muội rõ ràng phân minh, không thể nghĩ nghì hết được. Một quán tưởng đất thành tựu rồi, thì lúc xả bỏ thân này, tức liền vãng sanh Tịnh độ.
d) Quán tưởng cây: Quán tưởng 7 lớp hàng cây, mỗi cây cao 8 ngàn do tuần, hoa lá toàn bằng thất bảo, sum suê im mát. Trong mỗi hoa lá toả ra nhiều sắc khác nhau, lại trong mỗi sắc ánh ra hào quang riêng, như sắc lưu ly ánh ra hào quang vàng, sắc pha lê ánh ra hào quang hồng, sắc mã não ánh ra hào quang xa cừ, sắc xa cừ ánh ra hào quang quang lục v.v... Các loại châu báu như lưu ly, pha lê, xa cừ, trân châu, san hô, hổ phách đều dùng để trang sức cho cây
Trên mỗi hàng cây đều có lưới che bằng ngọc trân châu, trên mỗi cây lại có một lớp lưới, trong lưới có năm trăm ức diệu hoa cung điện giống như cung trời Phạm Vương; trong cung điện có Chư thiên đồng tử nhởn nhơ qua lại. Mỗi đồng tử đeo một vòng chuỗi anh lạc gồm năm trăm hột ngọc ma ni kết thành. Ánh sáng của ngọc ma ni tỏa chiếu hằng trăm do tuần, lóng lánh như trăm ngàn mặt trời mặt trăng, đẹp đẽ tuyệt vời không thể tả xiết.
Các cây báu ấy, hàng hàng nối nhau, lá lá chen nhau; giữa các kẽ lá lại nhô lên nhiều cụm hoa đẹp, trổ ra vô số trái thất bảo. Chóp cây tỏa thành một tàn lá rộng, che phủ 25 do tuần. Tàn lá có ngàn sắc, trên mỗi lá có hàng trăm đường chỉ quay tròn như vòng lửa xoay, óng ánh sắc vàng ròng, chói sáng rực rỡ. Những vòng quang minh lớn hóa thành vô lượng tràng phan bảo cái; trong mỗi bảo cái hiện ra tam thiên, đại thiên thế giới và hết thảy các Phật sự trong mười phương cõi Phật.
Thấy được cây rồi, sẽ lần lượt theo thứ lớp mà quán tưởng nhánh, cành, lá hoa, mỗi mỗi riêng biệt cho thật phân minh.
đ) Quán tưởng nước Công đức: Thứ lại, quán tưởng 8 hồ nước của Thế giới Cực lạc. Các hồ ấy đều do thất bảo tạo thành Thất bảo này là những thứ báu mát mẻ nhu nhuyến do như ý bảo châu phát sanh. Mỗi hồ phân ra 14 chi lưu, bờ bằng vàng ròng, đáy bằng tạp sắc kim cang lót thế cát. Trong hồ có vô số hoa sen thất bảo. Mỗi hoa sen tròn trặn 12 do tuần. Trong hoa tuông ra một thứ nước như ngọc ma ni, theo cây lên xuống; nước chảy phát ra những thanh âm nhiệm mầu dạy các đạo lý vô thường, khổ, không vô ngã và các phép ba la mật. Cũng trong những thanh âm ấy, thỉnh thoảng lại vang lên những lời tán thán tướng hảo của chư Phật. Đồng thời, từ những viên ngọc như ý châu, những hào quang sắc vàng lại được phóng ra một cách vô cùng nhiệm mầu. Trong hào quang, bay ra từng đàn chim lộng lẫy muôn màu muôn vẻ, cùng nhau hát những tiếng hòa nhã tán thán sự niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.
e)Tổng quán tưởng: Tổng quán tưởng tức là quán tưởng toàn thể quốc độ Cực lạc. Quốc độ chia thành nhiều khu vực với ranh giới phân minh. Trong mỗi khu vực có 500 ức lâu các với vô số chư thiên hòa tấu ca nhạc bằng những nhạc khí treo lơ lửng giữa hư không như những tràng phan bảo cái. Các nhạc khí ấy tự nhiên phát ra những âm thanh thường thời nói pháp niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.
Một khi đã thấy được đất báu, cây báu, hồ báu cùng là tổng tướng của thế giới Cực lạc rồi, pháp quán tưởng như vậy là đã thành tựu. Ai thành tựu được các phép quán tưởng trên, tức trừ được các ác nghiệp rất nặng từ vô lượng kiếp; về sau, khi lâm chung nhất định sẽ được vãng sanh.
g) Quán tưởng tòa sen: Sau khi việc quán tưởng đất đã thành tựu, tiếp là quán tưởng hoa sen. Nên bắt đầu quán tưởng từng bộ phận, từ cành hoa cho đến đài hoa.
Cành sen làm bằng trăm thứ báu, màu sắc rực rỡ. Trên mỗi cành có 84.000 đường gân chạy dọc, mỗi đường gân tỏa ra 84.000 hào quang lộng lẫy như những bức vẽ tuyệt trần. Mỗi hoa sen có 84.000 cánh và hoa nào nhỏ nhất cũng rộng đến 250 do tuần. Trên mỗi cánh hoa lại có nạm trăm ức ngọc ma ni dùng làm trang sức. Mỗi viên ngọc ma ni phóng ra ngàn hào quang giống như hình bảo cái che khắp mặt đất.
Đài hoa làm bằng thứ ngọc thích ca tỳ lăng già, và lại trang sức thêm bằng 8 vạn thứ ngọc kim cang, chân thúc ca, ngọc phạm ma ni, ngọc diệu trân châu v..v...
Nếu muốn niệm đức Phật A Di Đà, trước hết phải quán tưởng đài sen ấy. Lúc quán tưởng, không nên để các tạp tưởng xen vào. Phải quán tưởng từng bộ phận một cho phân minh như nhìn mặt trong gương.
Quán tưởng này mà thành tựu thì liền diệt trừ được 5 vạn ức kiếp sanh tử tội chướng và quyết định sẽ được vãng sanh Cực lạc.
h) Quán tưởng hình tượng: Khi đã thấy đài sen rồi, tiếp theo là quán tưởng thân tướng của đức Phật ngồi trên đài sen ấy. Quán cho đến khi nào nhắm mắt, mở mắt đều thấy một ngôi tượng Phật, thân sắc vàng ròng ngồi trên đài hoa kia thì tâm nhãn đều khai thông, khiến thấy được thế giới Cực lạc với đất báu, ao báu, cây báu cùng là tràng phan bảo cái giăng bủa đầy trời, lưới ngọc che khắp hư không. Tất cả cảnh ấy hiện ra trước mặt như khi ta xem một trái cây nằm giữa lòng bàn tay vậy.
Lại quán tưởng thêm hai đài sen khác ở hai bên tả hữu Phật. Bên tả là đức Quán Âm, bên hữu là đức Thế Chí. Khi quán tưởng hai tượng này đã thành tựu thì liền thấy từ tượng Phật và Bồ tát đều phóng ra hào quang sắc vàng, chiếu khắp các hàng cây báu. Ở dưới mỗi góc cây báu đều hiện ra 3 đài sen; trên các đài sen đều có Phật và Bồ tát ngồi, từ gốc này qua gốc khác, trùng trùng điệp điệp, cùng khắp cả nước ...
Quán tưởng ấy thành, hành giả sẽ nghe các dòng nước, các luồng hào quang, các hàng cây báu, cho đến chim phù, chim nhạn v..v... đều nói lên pháp mầu bất cứ nhập định hay xuất định, vẫn thường nghe văng vẳng lời thuyết pháp bên tai
Những điều mà hành giả nghe trong lúc nhập định nếu khi xuất định mà còn nhớ lại và thấy hoàn toàn xứng hợp so với kinh giáo tức là hành giả đã thấy sơ qua cảnh giới Cực lạc rồi vậy. Còn nếu những điều kia so với kinh giáo thấy không xứng hợp, tức là vọng tưởng.
Quán tưởng được như trên thì sẽ trừ diệt được tội nặng trong vô lượng ức kiếp sanh tử và hiện thân chứng được Niệm Phật tam muội.
i) Quán tưởng toàn thể sắc thân Phật: Tiếp theo là quán tưởng thân tướng quang minh của đức Phật Vô lượng thọ (tức đức Phật A Di Đà). Thân Phật sắc vàng, cao sáu mươi ức hằng sa do tuần. Bạch hào ở giữa hai chân mày uyển chuyển xoay về bên hữu, vòi vọi như năm chóp núi Tu di. Mắt Phật trong xanh, mông mênh như nước bốn bể. Các lỗ chân lông trong mình Ngài phóng ra hào quang lớn như núi Tu di, trong mỗi vòng hào quang hiện ra trăm ức đại thiên thế giới và trăm ức na do tha hằng sa Hóa Phật, mỗi vị Hóa Phật có vô số Hóa Bồ tát làm thị giả.
Đức Phật Vô lượng thọ có 84.000 tướng trong mỗi tướng 84.000 quang minh, và mỗi một quang minh chiếu khắp chúng sanh đương niệm Phật trong mười phương thế giới, để tiếp dẫn không sót một chúng sanh nào. Các tướng tốt của Phật, hào quang của Phật và các hóa thân của Phật nhiều không thể kể xiết. Trong khi quán tưởng chỉ cần nên tưởng nhớ các cảnh giới nói trên thì trong tâm và ngoài mắt cùng đều thấy cả.
Thấy được như thế tức là đã thấy được tất cả các Đức Phật trong mười phương. Vì thấy được các Đức Phật trong mười phương nên gọi là Niệm Phật tam muội. Phép quán tưởng này gọi là quán tưởng toàn thể sắc thân Phật. Đã quán tưởng được thân Phật nên cũng thấy được tâm Phật. Tâm Phật tức là lòng Đại từ Đại bi lấy Vô duyên từ (1) độ tất cả chúng sanh
Nếu quán tưởng được như thế thì liền sau khi bỏ thân này sẽ được vãng sanh trước mặt các Đức Phật và chứng ngay quả vô sanh nhẫn. Vì lý do ấy, nên kẻ trí giả nên đem lòng chơn thành quán tưởng Đức Phật Vô lượng thọ;
Muốn quán tưởng Đức Phật Vô lượng thọ cho có hiệu quả, nên tuần tự quán tưởng từng tướng tốt một. Giả sử, trước tiên chỉ nên quán tưởng bạch hào giữa đôi chân mày. Nhưng khi đã thấy rõ tướng bạch hào này rồi, thì 84.000 tướng khác tự nhiên hiển hiện.
k) Quán tưởng toàn thể sắc thân đức Bồ tát Quán Thế Âm: Thân tướng đức Bồ tát Quán Âm cao 80 ức na do tha do tuần, sắc vàng tiá. Trên đảnh có nhục kế, cổ có hào quang tròn. Trong hào quang có 500 Hóa Phật, mỗi Hóa Phật có 500 Hóa Bồ tát và vô lượng Chư thiên làm thị giả. Toàn thân Ngài đều phóng hào quang, trong hào quang ấy đều hiện ra hết thảy sắc tướng của 5 đạo chúng sanh. Đầu Ngài đội mũ làm bằng thứ ngọc báu Tỳ lăng già ma ni, trong mũ có một Hóa Phật đứng, mình cao 25 do tuần. Mặt Ngài sắc vàng, tướng bạch hào ở giữa hai chân mày có đủ sắc thất bảo, phóng ra 84.000 thứ hào quang, mỗi hào quang có vô số Hóa Phật, mỗi Hóa Phật có vô số Hóa Bồ tát đi theo làm thị giả, tràn đầy cả 10 phương thế giới. Bàn tay Ngài ánh ra 500 ức tạp liên hoa sắc; đầu 10 ngón tay đều có 84.000 nét vẽ rõ ràng như nét in, mỗi nét vẽ có 84.000 sắc, mỗi sắc có 84.000 hào quang uyển chuyển khắp mười phương. Chính nơi bàn tay rực hào quang ấy mà Ngài tiếp dẫn chúng sanh đưa về Cực lạc. Dưới mỗi bước đi của Ngài, như có muôn ngàn bánh xe, hóa thành 500 ức đài quang minh. Khi Ngài đặt bàn chân xuống là có hoa kim cang ma ni tỏa nở để nâng chân.
Hầu hết thân tướng của Bồ tát Quán Âm đều có đầy đủ vẻ đẹp như Phật, duy chỉ nhục kế trên đầu và vô kiến đảnh tướng là không so được với Phật. Quán tưởng thân tướng đức Quán Âm thì tránh được tai họa, trừ sạch nghiệp chướng và hết thảy tội lỗi từ vô số kiếp đến nay.
Muốn quán tưởng đức Quán Âm thì nên theo thứ lớp như sau. Trước hết, quán tưởng nhục kế ở trên đầu, kế đó quán tưởng cái mũ, rồi mới đến các tướng khác mỗi mỗi cho thật phân minh.
l) Quán tưởng toàn thân sắc thân của đức Bồ tát Đại Thế Chí: Thân tướng cũng lớn như đức Quán Âm. Lòng kính vòng hào quang của Ngài đo được 125 do tuần, sáng rực cả thân, ánh quang minh chiếu khắp mười phương quốc độ, ngời sắc vàng cháy. Tất cả chúng sanh có duyên với Ngài đều được trông thấy sắc vàng cháy ấy. Chỉ thấy được một hào quang từ lỗ chân lông ngoài tỏa ra là đủ thấy được hết thảy hào quang tinh diệu của 10 phương chư Phật. Vì hào quang của Ngài sáng chói rực rỡ như vậy nên Ngài có hiệu Vô biên quang. Ngài có năng lực tối thượng là đem ánh sáng trí huệ chiếu khắp thế giới chúng sanh, khiến chúng sanh thoát ly được ba đường dữ nên tên hiệu chính của Ngài là Đại Thế Chí.
Mũ Ngài đội có 500 hoa báu, trong mỗi hoa báu có 500 đài báo, trong mỗi đài báu hiện ra các cõi Tịnh độ của 10 phương chư Phật. Nhục kế của Ngài như hoa bát đầu ma, trên nhục kế có một bình báu ánh quang minh hiện đủ các Phật sự. Các thân tướng khác của Ngài cũng giống như đức Quán Âm.
Mỗi khi Ngài cất bước, tất cả 10 phương thế giới đều rung động, tại mỗi chỗ đất bị rung động hiện ra 500 ức hoa báu, các hoa báu thảy đều trang nghiêm cao hiển như thế giới Cực lạc. Khi Ngài ngồi, các quốc độ thất bảo đều đồng loạt đều động, từ quốc độ của Phật Kim quang dưới hạ phương đến quốc độ của Phật Kim quang Minh vương trên thượng phương; tại khoảng giữa thì vô lượng vô số phân thân của đức Phật Vô lượng thọ và các phân thân của đức Quán Âm, đức Thế Chí đều vân tập về, đầy khắp hư không, hết thảy đều ngự trên tòa sen và cùng diễn thuyết pháp mầu.
Quán tưởng được như thế sẽ trừ được vô số kiếp tội ác sanh tử, không còn bị thai sanh thường được hóa sanh và được tự tại ngao du các quốc độ tịnh diệu của chư Phật.
m) Phổ quán tưởng: Phổ quán tưởng tức là tưởng tượng thân minh khi sanh về thế giới Cực lạc, chân xếp lại ngồi trong hoa sen đang búp. Đến khi hoa nở, có 500 sắc hào quang chiếu vào thân mình. Khi mở mắt liền thấy Phật và chúng Bồ tát đầy khắp cả hư không, đương nói pháp mầu. Những lời Phật và Bồ tát dạy cũng như tiếng nước, tiếng chim, tiếng cây, tiếng rừng phát ra đều là diễn xuất chơn lý xứng hợp với 12 bộ kinh. Nếu sau khi xuất định mà vẫn nhớ tưởng mãi các cảnh ấy tức gọi là thấy thế giới Cực lạc, thấy đức Phật Vô Lượng Thọ, thấy được vô số hoá thân của Ngài, cùng là 2 đức Quán Âm, Thế Chí thường đến chỗ ngồi của mình.
n) Tạp quán tưởng: Như trên đã nói, thân lượng của đức Phật Vô Lượng Thọ thật là vô biên, thân lượng của hai đức Bồ Tát Quán Âm, Thế Chí cũng thế. Tâm lực phàm phu không tài nào quán tưởng nổi, vì vậy mới có thiết lập một loại quán tưởng mệnh danh là tạp quán tưởng mở đầu cho các quán tưởng trên. Phương pháp tạp quán tưởng này dạy ta chỉ nên quán tưởng tượng Phật cao một trượng sáu, ngồi trên hoa sen. Trong hồ báu, thân sắc vàng vòng; Hoá Phật ở trong vòng hào quang cùng các đức Quán Âm, Thế Chí đều lớn bằng thân chúng sanh với các tướng trên đầu, như đức Quán Âm thì có Đức Phật đứng trong mũ, đức Thế Chí thì có bình báu trên nhục kế. Còn hồ sen, cây báu v.v... thì giống như các loại hồ sen cây báu có thể tìm thấy ở mọi xứ sở.
o) Quán tưởng 3 bậc thượng phẩm vãng sanh
p) Quán tưởng 3 bậc trung phẩm vãng sanh
q) Quán tưởng 3 bậc hạ phẩm vãng sanh.
(Xin xem lại một chương trên đã nói).
TIẾT BA: 29 PHÁP QUÁN THEO LUẬN VÃNG SANH
Luận Vãng sanh Tịnh độ do ngài Bồ Tát Thế Thân trước tác còn có tên là "Vô Lượng thọ kinh Ưu Bà Đề và nguyện sanh kệ." Nội dung bộ luận ấy chia chúng sanh thế gian Thanh Tịnh và khí Thế gian Thanh Tịnh của Thế Giới Cực Lạc làm 3 loại:- Loại công đức thành tựu của Phật có 8 món.
- Loại công đức thành tựu của Bồ Tát có 4 món.
- Loại công đức thành tựu của Quốc độ có 17 món.
Sở dĩ có chia chẻ ra như vậy là cốt để dạy hành giả biết phân biệt quán sát cho tinh tường từng loại một. Vì thế nên đó cũng là những phép Quán Tưởng. So với 16 phép Quán Tưởng trong Quán Kinh, phương pháp hai bên có sự bất đồng, chẳng qua là vì ở đây đặt nặng về phần nhận thức hơn mà nhẹ về phần suy gẫm đó thôi. Nếu Hành Giả biết nương vào đây mà Quán Tưởng thì cũng sẽ gợi được một ấn tượng tốt về Thế Giới Cực Lạc và do đó có thể tán trợ cho sự vãng sanh rất nhiều.
THUỘC CHÚNG SANH THẾ GIAN THANH TỊNH
a) Tám món công đức thành tựu của Phật:
1) Chỗ ngồi trang nghiêm
Kệ dạy:
"Vô lượng đại Bửu Vương.
Vi diệu tịnh hoa đài".
Nghĩa là: Đức Phật là đấng Vô Lượng đại Bửu Vương, Ngài ngồi trên đài hoa Thanh Tịnh vi diệu.
2) Thân trang nghiêm
Kệ dạy:
"Tướng hảo quang nhất tầm,
Sắc tượng siêu quần sanh."
Nghĩa là: Tướng tốt của Ngài chiếu sáng một tầm, hình dung xinh đẹp hơn tất cả chúng sanh.
Vì không thể quán được thân tướng và ánh sáng của Đức A Di Đà, nên chỉ căn cứ vào quan niệm của chúng sanh ở cõi này mà Quán tưởng tướng tốt và ánh sáng một tầm từ thân đức Thích Ca chiếu ra làm tiêu chuẩn. Đức Phật có hào quang và tướng tốt như thế nên siêu việt hơn quần sanh.
3) Miệng trang nghiêm
Kệ dạy:
"Như Lai vi diệu âm,
Phạm hưởng văn thập phương."
Nghĩa là: Ngữ ngôn và âm thanh của Phật rất nhiệm mầu như tiếng nói của Phạm Thiên, âm hưởng nghe khắp cả mười phương.
4) Tâm trang nghiêm
Kệ dạy:
"Đồng địa thủy hỏa phong.
Hư không vô phân biệt."
Nghĩa là: Tâm Phật bình đẳng như thể tánh của địa, thủy, hỏa, phong và hư không.
Phật dùng tâm bình đẳng độ khắp chúng sanh, không có lòng phân biệt. So với vật khí thế gia, tính chất bình đẳng vốn đồng, không luận tinh thô tốt xấu, đất đều chở hết, nước đều cuốn hết, lửa đều đốt hết, gió đều thổi hết, hư không đều dung nạp hết,
5) Chúng trang nghiêm
Kệ dạy:
"Thiên nhơn bất động chúng.
Thanh tịnh trí hải sanh."
Nghĩa là: Hết thảy chúng thiên, nhơn bất động; đều nhờ trí huệ lớn Thanh Tịnh mà được vãng sanh Cực Lạc.
6) Thượng thủ trang nghiêm
Kệ dạy:
"Như Tu Di sơn vương
Thắng diệu vô quá giả.
Nghĩa là: Như Tu Di là ngôi núi chúa, thù thắng đẹp đẽ không ai hơn.
Các bậc Bồ Tát bất thoái Đại thừa làm Thượng Thủ, có công đức đồ sộ như núi Tu Di, không ai hơn nổi.
7) Chủ trang nghiêm
Kệ dạy:
"Thiên nhơn Trượng Phu chúng,
Cung kỉnh nhiễu Chiêm Ngưỡng.
Nghĩa là: Trên hàng Thượng Thủ, Đức Phật là đấng Giáo Chủ được chúng thiên nhơn Trượng Phu cung kính đoanh vây Chiêm Ngưỡng.
8 ) Trú trì trang nghiêm
Kệ dạy:
"Quán Phật bổn nguyện lực,
Ngộ vô không quá giả.
Năng linh tốc mãn túc,
Công đức đại bửu hải.
Nghĩa là: Sanh về Cực Lạc được gặp A Di Đà thật không uổng công phu, vì nhờ bổn nguyện lực của Ngài, chúng sanh mau được đầy đủ công đức lớn lao như đại hải.
b) Bốn món công đức thành tựu của Bồ Tát:
1) Trú thanh tịnh
Kệ dạy:
"An Lạc quốc Thanh Tịnh,
Thường chuyển vô cấu luân,
Hóa Phật Bồ Tát nhựt,
Như Tu Di trú trì.
Nghĩa là: Bồ Tát an trú nơi cõi Cực Lạc Thanh Tịnh, mà vẫn thường du hành khắp nơi để nói pháp Thanh Tịnh giáo hóa chúng sanh xa lìa các ô nhiễm phiền não. Trong khi Du Hành giáo hóa, tuy hóa hiện thân Phật và thân Bồ Tát rất nhiều, nhưng báo thân vẫn an trú bất động và vẫn vững chắc như núi Tu Di.
2) Niệm thanh tịnh
Kệ dạy:
"Vô cấu trang nghiêm quang,
Nhứt niệm cập nhứt thời,
Phổ chiếu chư Phật hội,
Lợi ích chư quần sanh.
Nghĩa là: Bồ Tát có đại Trí Tuệ Thanh Tịnh Trang Nghiêm. Trí ấy có công năng trong một niệm hay trong suốt một thời gian, soi khắp các Quốc Độ của chư Phật và làm lợi ích cho hết thảy Chúng sanh diệt trừ các khổ não.
3) Cúng dường thanh tịnh
Kệ dạy:
"Vũ thiên nhạc hoa y,
Diệu hương đẳng cúng dường,
Tán Phật chư công đức
Vô hữu phân biệt tâm."
Nghĩa là: Bồ Tát thường rưới xuống các vật báu trang nghiêm như: Thiên Nhạc. Thiên Hoa, Thiên Y và Diệu Hương để cúng dường Phật và Tán thán công đức của Phật mà không hề có tâm phân biệt năng sở.
4) Hóa độ Thanh Tịnh
Kệ dạy:
"Hà đẳng thế giới vô,
Phật pháp công đức bảo,
Ngã giai nguyện vãng sanh,
Thị Phật Pháp như Phật."
Nghĩa là: Bồ Tát thường dùng Huệ Nhãn quan sát xem Thế Giới nào không có Phật Bảo và Pháp Bảo thì nguyện vãng sanh về Thế Giới ấy để giảng dạy Phật Pháp, như Đức Phật không khác.
THUỘC KHÍ THẾ THANH TỊNH:
Mười bảy món công đức thành tựu của Quốc độ:
1) Thanh tịnh công đức thành tựu
Kệ dạy:
"Quán bỉ thế giới tướng,
Thắng quá tam giới đạo."
Nghĩa là: Quốc độ Cực lạc do thiện căn vô lậu thanh tịnh xuất thế gian tạo thành; Quốc độ ấy hơn hết các Quốc Độ khác trong ba cõi sáu đường.
2) Vô lượng công đức thành tựu
Kệ dạy:
"Cứu cánh như hư không,
Quảng đại vô biên tế."
Nghĩa là: Quốc độ Cực lạc mênh mông như hư không, không biết đâu là giới hạn; dù cho tất cả chúng sanh trong mười phương đều vãng sanh hết về bên ấy, Quốc độ ấy vẫn còn đủ chỗ chứa rộng rãi.
3) Tánh công đức thành tựu
Kệ dạy:
"Chánh đạo đại từ bi
Xuất thế thiện căn sanh."
Nghĩa là: Quốc Độ Cực Lạc là kết quả vô tận thanh tịnh do công đức tu hành Bát Chánh Đạo của hàng tam thừa Bồ Tát mà sanh khởi hiển hiện.
Tánh ở đây, tức là chủng tử, cũng tức là nhân tánh. Tánh công đức thành tựu tức là nói chủng tử thiện căn huân tập, cấu tạo thành Thế Giới Cực Lạc.
4) Hình tướng công đức thành tựu
Kệ dạy:
"Tịnh quang minh mãn túc,
Như cảnh nhựt nguyệt luân."
Nghĩa là: Tất cả hình sắc trong Quốc Độ Cực Lạc thảy đều sáng chói vắng lặng chiếu khắp mười phương, trong suốt như gương, rực rỡ như ánh sáng mặt trăng, mặt trời.
5) Chủng chủng công đức thành tựu
Kệ dạy:
"Bị chư trân bảo tánh,
Cụ túc diệu trang nghiêm."
Nghĩa là: Mọi sự vật đều có đủ tính chất trân bảo, đầy đủ vẻ trang nghiêm đẹp đẽ, bất khả tư nghì.
6) Diệu sắc công đức trang nghiêm
Kệ dạy:
"Vô cấu quang diệm xí,
Minh tịnh diệu thế gian."
Nghĩa là: Bao nhiêu hình sắc của Quốc Độ Cực Lạc đều tinh khiết, quang minh rực rỡ không vướng bụi nhơ; chói sáng rạng ngời tất cả thế gian bất khả tư nghì.
7) Xúc công đức trang nghiêm
Kệ dạy:
"Bảo tánh công đức thảo,
Nhu nhuyến tả hữu triền.
Xúc sanh thù thắng lạc,
Quá Ca chiên lân đà."
Nghĩa là: Cỏ công đức do chủng tử Thanh Tịnh sanh ra, mịn màng như gấm trải; đụng đến cỏ ấy cũng đều có cảm giác êm dịu thích thản lạ lùng, hơn xa thứ cỏ Ca Chiên Lân Đà là một thứ cỏ rất mịn ở Ấn Độ.
8 ) Trang nghiêm công đức thành tựu, có 3 loại:
a) Nước trang nghiêm
Kệ dạy:
"Bảo hoa thiên vạn chủng.
Di phú trì lưu tuyền.
Vi phong động hoa diệp,
Giao thác quang loạn chuyển."
Nghĩa là: Hoa báu ngàn muôn thứ, che phủ các suối hồ, gió dịu rung cành hoa, lung linh mặt nước động!
b) Đất trang nghiêm
Kệ dạy:
"Cung điện chư lâu các
Quán thập phương vô ngại
Tạp thọ dị quang sắc,
Bảo lan biến vi nhiễu."
Nghĩa là: Từ cung điện lầu gác trông ra, thấy suốt được mười phương không chướng ngại; Hào quang màu sắc tân kỳ xuyên qua các hàng cây, lan can báu đoanh vây bốn phía cung điện.
c) Hư không trang nghiêm
Kệ dạy:
"Vô lượng bảo giao lạc,
La võng biến hư không.
Chủng chủng linh phát hưởng,
Tuyên dương diệu pháp âm."
Nghĩa là: Vô lượng châu ngọc xen nhau kết thành lưới, bao phủ khắp hư không;
Các thứ linh rung động tạo thành những âm hưởng tuyên dương các pháp mầu.
9) Mưa trang nghiêm
Kệ dạy:
"Vũ hoa y trang nghiêm
Vô lượng hương phổ huân."
Nghĩa là: Tại Quốc Độ Cực Lạc có những trận mưa hoa, mưa y phục, mưa đồ trang sức và vô lượng hương báu xông khắp Quốc Độ.
10) Quang minh công đức thành tựu
Kệ dạy:
"Phật huệ minh tịnh nhựt.
Trừ thế si ám minh."
Nghĩa là: Hào quang trí huệ của Phật chiếu tan màn ngu si của chúng sanh như ánh sáng mặt trời soi tan màn tối tăm của thế gian.
11) Âm thanh công đức thành tựu
Kệ dạy:
"Phạm thanh ngữ thâm viễn
Vi diệu văn thập phương."
Nghĩa là: Ở quốc độ Cực Lạc, âm thanh của Phật, Bồ Tát và chúng Thanh Văn cho đến âm thanh của gió và nước.v.v... mỗi mỗi đều thâm diệu như tiếng Phạm Thiên và vọng ra xa đến tận mười phương, khiến tất cả thính chúng đều nghe thấy được.
12) Chủ công đức thành tựu
Kệ dạy:
"Chánh giác A Di Đà.
Pháp vương thiện trụ trì."
Nghĩa là: Đức Phật A Di Đà làm chủ Thế Giới Cực Lạc. Ngài là vị Pháp Vương khéo chủ trì Thế Giới ấy.
13) Quyến thuộc công đức thành tựu
Kệ dạy:
"Như Lai tịnh hoa chúng.
Chánh giác hoa hóa sanh.
Nghĩa là: Nhân dân ở Thế Giới Cực Lạc đều là quyến thuộc Thanh Tịnh của Phật và đều do hoa sen chánh giác mà hóa sanh.
14) Thọ dụng công đức thành tựu
Kệ dạy:
"Thọ lạc pháp trung vi.
Thuyền Tam Muội vi thực.
Nghĩa là: Chúng sanh ở Thế Giới Cực Lạc hưởng thọ hương vị của chánh pháp và Thuyền Định Tam Muộn làm thức ăn.
15) Vô chư nạn công đức thành tựu
Kệ dạy:
"Vĩnh ly thân tâm não
Thọ lạc thường vô gián.
Nghĩa là: Vĩnh viễn xa lìa các sự khổ não của thân như thiếu thốn cơm áo vật dụng, lại cũng vĩnh viễn xa lìa các sự khổ não của tâm như tham sân si v.v... Cho nên, chúng sanh ở quốc độ Cực Lạc thường hưởng thọ sự vui thích, không lúc nào gián đoạn.
16) Đại thừa thâm lý công đức thành tựu
Kệ dạy:
"Đại thừa thiện căn giới,
Đẳng vô cơ hiềm danh,
Nữ nhơn cập căn khuyết,(1)
Nhị thừa chủng bất sanh."
Nghĩa là: Quốc độ Cực Lạc là cảnh giới của những kẻ có thiện căn Đại thừa, nhứt loạt bình đẳng; không có hàng nhị thừa, phụ nữ và những kẻ lục căn khiếm khuyết, vì vậy ở đấy tuyệt đối không có cái gì đáng chê trách. Mà cũng không có danh từ chê trách.
17) Hy cầu công đức thành tựu
Kệ dạy:
"Chúng sanh sở nguyện lạc,
Nhứt thế năng mãn túc".
Nghĩa là: Những nguyện vọng gì của Chúng sanh, một khi sanh về đó thì đều được thỏa mãn.
Trên đây là 29 món công đức trang nghiêm thành tựu của Thế Giới Cực Lạc mà luận Vãng sanh đã trình bày. Hành giả trong khi tu hành phép trì danh niệm Phật, nên chiếu ý nghĩa từng món một mà quán tưởng để huân tập thêm tịnh nghiệp và giúp cho phương pháp niệm Phật mau thành tựu khiến cho kết quả vãng sanh càng thêm chắc chắn.
Đăng nhận xét