BỬU Ngọc Quân Minh Thiên Việt Nguyên,

寶玉君明天越元

SƠN Trung Sứ Mạng Đạo Nam Tiền.

山中師道地南前

KỲ Niên Trạng Tái Tân Phục Quốc,

奇年狀再新復國

HƯƠNG Xuất Trình Sinh Tạo Nghiệp Yên.

香出程生造業安

Tổ Đình Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH
Các Bài Viết Liên Quan
Cám Ơn Các Bạn Đã Ghé Thăm Website. Chúc Các Bạn An Lạc, Có Thêm Nhiều Kiến Thức Bổ Ích…
XIN THƯỜNG NIỆM PHẬT
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ - Tổng Luận (Chương XVII)

ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ - Tổng Luận (Chương XVII) VƯƠNG KIM

ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ - Tổng Luận (Chương XVII NHŨNG CỐNG HIẾN)



Chương XVII: Những cống-hiến

Ra đời trong một thời gian rất ngắn (không đầy 8 năm) Phật Giáo Hòa Hảo phát triển có thể nói là kỷ lục: Nền Đạo đã bành trướng khắp miền Tây Nam Việt và thâu nhập một số tín đồ lúc bấy giờ gần 2 triệu gây thành một phong trào Đạo đức chưa từng thấy.
Kết quả đó đủ nói lên tánh chất đối cơ của pháp môn Học Phật Tu Nhân và sự thắng diệu của Pháp môn nầy trong việc biến cải đời sống tâm linh và vật chất của ngót 2 triệu tâm hồn đang sống trong cảnh vô vọng của chế độ Thực dân thống trị.

A- PHƯƠNG DIỆN ĐỜI HAY ĐỜI SỐNG VẬT CHẤT.


Ngoài Ngũ giới, Thập giới là những giới căn bản của hạng cư sĩ tại gia, Đức Huỳnh Giáo Chủ còn lập ra 8 điều răn cấm để hoán cải đời sống tinh thần và vật chất của tín đồ.
CHẤN CHỈNH PHONG HÓA- Thử đi vào gia đình tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, chúng ta sẽ thấy, thay vì một đời sống bê tha dật lạc là một đời sống bình dị thanh thản.
Về phương diện thờ phượng, ta không còn thấy cảnh tượng những bàn thờ Cửu thiên Huyền nữ, Đông Trù Tư Mạng, Tài Thần, Thổ thần…la liệt như trước mà chỉ thấy một cảnh đơn giản, chỉ vỏn vẹn có ngôi Tam Bảo với tấm trần điều, tượng trưng cho tinh thần thoát tục và dân tộc:
Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng.
Về cách cúng Phật, chỉ thấy 3 chung nước nước lã, tiêu biểu cho sự trong sạch, bông hoa tiêu biểu cho sự tinh khiết và nhang dùng để bán mùi uế trược. Ngoài ra chẳng còn cúng món chi khác nữa.
Phía trước ngôi Tam Bảo là bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ và ở phía trước nhà là bàn Thông Thiên.
Mỗi ngày, sớm chiều hai thời lễ bái, có khác chi hai buổi tụng niệm công phu của nhà Thiền, và sau thời lễ bái là ngồi niệm Phật, chiếm khá nhiều thời giờ khiến người tín đồ không quá rảnh rang để nghĩ việc bâng quơ hay phí phạm thi giờ quí báu vào những việc vô ích.
Mỗi tháng, căn bản là 4 ngày chay lạt là những ngày 14, rằm, 29 và 30; ngoài ra tùy sức mà thọ hoặc Lục trai, Thập trai hay trường trai, tránh cho người tín đồ điều sát sanh hại mạng.

Về giới hạn của Cư sĩ tại gia “đành rằng mình không thể dứt tuyệt giết các sanh vật (gà, vịt, heo…) để nuôi thân sống, nhưng chẳng khá dựa vào lý “vật dưỡng nhân” (thú vật sinh ra để nuôi con người) mà giết nó một cách quá đáng. Chỉ cần dùng nó vừa đúng theo sự nhu cầu cần thiết của các món thực phẩm mình thôi và không nên hoang phí hy sinh nó, nếu sự hy sinh không ích lợi cho mình lắm. Nhứt là chẳng khá giết thú vật trong khi tế lễ.” Do đó mà ngoài những bữa ăn thường ngày, không còn thấy nhậu nhẹt chè chén ban đêm.
Đời sống hằng ngày trở nên giản dị và thanh đạm. Kế đến việc quan hôn tang tế cũng được giản dị hóa đi rất nhiều.
Về tang lễ Đức Huỳnh Giáo Chủ có viết:
“Lúc ông bà cha mẹ từ trần, tục để tang chúng ta vẫn giữ theo cổ lệ, chỉ cần sửa đổi các sự như sau đây:
“Bây giờ chúng ta đã qui y đầu Phật thì thành tâm cầu nguyện và đem sức khấn vái của anh chị em trong đạo cầu nguyện cho vong linh người chết được sinh nơi cõi thọ”.
Ngoài ra không được đốt giấy tiền vàng bạc, xá phướn lầu kho vì đó là tốn tiền vô ích. Khi chết là nên đem chôn cất kín đáo đừng để hôi thúi có hại cho người sống. Chỉ nên vọng bàn giữa nhà hay giữa trời cầu nguyện rồi im lặng đi chôn, không được khóc kể làm cho thần thức của người chết khó siêu hóa.
Về việc cúng kiếng ông bà cha mẹ, có chi cúng nấy trong những ngày kỷ niệm theo như tục lệ. Về việc đãi đằng hương đảng thì tùy ý. Những điều nào xét ra giản tiện, ít lãng phí cứ làm.
Về hôn lễ cũng thế.”Bổn phận cha mẹ phải chọn lựa đôi bạn cho con một cách xứng đáng bằng sự quan sát tường tận về đức tánh đôi trai gái. Không nên ép uổng con mình quá đáng vì như thế làm cho khốn khổ nó về sau, nhưng cũng không để chúng quá tự do mà sự thiếu kinh nghiệm làm cho chúng phải hư hỏng.
“Nên bỏ tục lệ thách giá đòi tiền và đòi lễ vật. Thông gia hai bên không nên làm khó cho nhau. Cũng chẳng bày ra tiệc lễ linh đình tốn kém nhiều tiền làm cho trở nên nghèo khổ.
Về lễ Tết cũng không phiền phức. Trong ba ngày Tết 29, 30 và mùng Một là những ngày chay lạt nên không có việc mua sắm rượu thịt. Ngoài ra ngày mùng Ba ra mắt cũng không được giết gà như tục cổ. Cũng không trồng Nêu, đào phù cùng mọi hình thức mê tín khác.
Thật là thanh thản cả tinh thần lẫn vật chất. Một điều cấm kỵ là không nhận qui y những người còn hút Á phiện, uống rượu say sưa và cờ bạc. Nhờ vậy mà đời sống được bình dị, trí óc rảnh rang để nghiên cứu giảng kinh và luận đàm Đạo lý.
Người tín đồ thuần thành bao giờ cũng sống “an bần lạc Đạo”, “tri túc nhẫn hòa”, xem như con một cha, dìu dắt và giúp đỡ nhau trong mọi công việc. Tham gia mọi việc quan hôn tang tế của người đồng đạo, tận tình giúp đỡ xem như công việc của chính mình. Nhờ vậy mà không có cảnh nhà ai nấy lo, việc ai nấy liệu; không có cảnh tranh giành gấu ó, lừa gạt lẫn nhau như trước.
Ngoài việc chấn chỉnh phong hóa, tập quán, Phật Giáo Hòa Hảo còn đào luyện cho tín đồ những đức tín cao quí trong việc xử thế tiếp vật.
ĐÀO TẠO ĐỨC TÍNH CAO QUÍ.- Với 8 điều răn cấm và những điều răn dạy trong Sám Giảng, Đức Huỳnh Giáo Chủ cố đào luyện cho Tín đồ những đức tính cao quí để xử thế tiếp vật, nghĩa là đào luyện nhân cách để hoàn thành hạnh Tu nhân tức Đạo làm người.
A.- Giữ tròn Luân lý: – Với điều răn:”Ta chẳng nên uống rượu, cờ bạc, á phiện, chơi bời theo đàng điếm và phải giữ cho tròn luân lý, tam cang ngũ thường“. Đức Huỳnh Giáo Chủ muốn hoàn bị cho môn nhơn: Đạo làm người.
B.- Cần kiệm, Tinh tấn, khoan dung:- Với điều răn:”Ta đừng nên lười biếng, phải cần kiệm sốt sắng lo làm ăn và lo tu hiền chơn chất, chẳng nên gây gổ lẫn nhau, hãy tha thứ tội lỗi cho nhau trong khi nóng giận.” Đức Huỳnh Giáo Chủ muốn đào luyện cho tín đồ những đức tính: Cần kiệm, tinh tấn và khoan dung.
C.- Thanh đạm, chơn chánh, bố thí, cương trực. – Với điều răn:”Ta chẳng nên ăn xài, chưng dọn cho thái quá và lợi dụng tiền tài mà đành quên nhân nghĩa đạo lý, đừng ích kỷ và xu phụng kẻ giàu sang phụ người nghèo khó.” Phật Giáo Hòa Hảo muốn rèn luyện cho tín đồ những đức tính: Thanh đạm, chơn chánh, bố thí và cương trực.
Thanh đạm đối trị tánh ăn xài, chưng dọn.
Chơn chánh đối trị tánh lợi dụng tiền tài.
Bố thí đối trị tánh ích kỷ.
Cương trực đối trị tánh xu phụng và phụ bạc.
D.- Hiếu sinh.- Với điều răn:”Ta chẳng nên ăn thịt trâu, chó, bò và không sát sanh hại vật mà cúng Thần Thánh nào, vì Thần Thánh không bao giờ dùng hối lộ mà tha tội cho ta, vì nếu ta làm tôi sẽ hưởng tội còn những hạng ăn đồ cúng kiếng mà làm hết bịnh là Tà Thần. Nếu ta cúng kiếng mãi thì nó ăn quen sẽ nhiễu hại ta.” Đức Huỳnh Giáo Chủ khuyên tín đồ bớt sát sanh. Nếu vì sự sống mà sát vật thì cũng nên chừa những con vật đã giúp ích cho đời sống và nhứt là sát sanh để cúng kiếng thì không nên.
Để đối trị sát sanh, Đức Huỳnh Giáo Chủ khuyên ta nên mở tánh hiếu sinh.
Đ.– Chánh kiến.- Với điều răn:”Ta chẳng nên đốt giấy tiền vàng bạc, giấy quần áo mà tốn tiền vô lý, vì cõi Diêm vương không bao giờ ăn hối lộ của ta mà cũng không xài được nữa, phải để tiền lãng phí ấy mà trợ cứu cho những người lỡ đường đói rách tàn tật.” Đức Huỳnh Giáo Chủ muốn phá Tà kiến, cái óc tin nhảm nhí của tín đồ để đem về con đường Chánh kiến là cái thấy đúng đắn của chân trí, đạt chân lý.
E.- Suy xét.- Với điều răn:”Đứng trước mọi việc chi về sự đời hay Đạo đức, ta phải sau xét cho mimh lý rồi sẽ phán đoán việc ấy.” Phật Giáo Hòa Hảo khai mở con đường chánh tín cho tín đồ để phá tan ác kiến hay ngũ lợi sử.
G.- Tương trợ, tương ái.- Với điều răn:”Ta phải thương yêu lẫn nhau như con một cha, dìu dắt lẫn nhau vào con đường đạo đức.” Đức Huỳnh Giáo Chủ khuyên bảo tình tương trợ tương ái.
Ngoài ra, Sám Giảng còn khuyến tấn và đào luyện các đức tánh như:
Nhẫn nhục là tánh nhẫn chịu mọi điều gian nguy mà không ngã lòng thối chí để lướt qua mọi chướng nại khó khăn.
Kiên trinh là đức tánh giữ chắc một lòng trong sạch, gìn vẹn tín ngưỡng như trong Sám Giảng có câu:
Tín nữ thiện nam gìn mối Đạo,
Dầu cho lăn lóc cũng kiên trinh.
Hổ thẹn là đức tánh biết mắc cở cho sự không tốt đẹp của mình làm hay người khác làm. Đó là đức tốt của hạng người liêm sỉ.
Cương quyết là đức tánh hễ nhận ra là phải thì đem ra thi thiết và thực hành không chần chờ. Hoặc thấy điều gì sai quấy thì mạnh dạn sửa chữa không bỏ dỡ cơ hội.
Tự trị là đức tánh của người không để kẻ khác trị mình, Đức Huỳnh Giáo Chủ có khuyên:
Nghe rồi phải thân mình tự trị,
Chẳng độ xong Phật khó dắt về.
Trên đây là những đức tánh cao quí mà Phật Giáo Hòa Hảo đã rèn luyện cho môn nhơn đệ tử trở thành con người có tư cách đủ đức độ xử thế tiếp vật.
ĐÀO TẠO HẠNG NGƯỜI HIỀN ĐỨC. – Khi có được những đức tánh cao quí nói trên là đạt bực hiền đức. Cho nên có thể nói, mục đích hay sứ mạng của Phật Giáo Hòa Hảo là đào tạo nên hạng người Hiền cũng như Nho giáo chú trọng người Quân tử và rèn đúc nên hạng người Quân tử.
Sách Minh Tâm có nói:”Bất du Thánh đạo, an đắc vị Hiền”. (Không vào đường Thánh, sao gọi người Hiền). Như thế, người Hiền phải là người hiểu đạo Thánh và hành theo lời Thánh dạy.
Còn theo học Phật thì Hiền nhơn là người tin lý Nhơn quả và làm việc Thiện, người Hiền chẳng những làm việc lành mà còn rõ lý Nhơn quả.
Vì đâu cần hiểu lý Nhơn quả, hành Thánh đạo mới gọi là Hiền? Là vì nếu không rõ Đạo lý, xa lánh những điều răn cấm thì dễ phạm những lỗi lầm có hại cho Tâm đức mà tự mình không hay biết.
Nếu là người ở theo Đạo lý, hành theo lời Phật Thánh thì chẳng những hiền ở bên ngoài mà còn hiền ở bên trong nữa và hằng sống một đời thanh cao, không đam mê tục lụy như Đức Huỳnh Giáo Chủ đã viết:
Cư trần bất nhiễm là người Thánh,
Lẫn tục đừng mê chứng bậc Hiền.
Xem đó đủ thấy, ngoài việc làm lành còn phải có đức, như sách Huyền Nghĩa đã nhận:”Hiền là hiền năng cũng gọi hiền thiện. Có thiện cho nên có đức, có năng cho nên có trí. Người gồm có trí đức mới gọi là người Hiền. Mà người Hiền chỉ là người mới lân cận với Thánh, nghĩa là còn cách Thánh một bực”.
Như vậy, muốn đến bực Thánh, trước phải qua Hiền. Nếu chẳng tu Hiền, làm sao vào cửa Thánh.
Phương chi ở thời kỳ Mạt pháp nầy, chúng sanh phước mỏng nghiệp dầy, căn cơ thiển bạc, vì vậy Đức Huỳnh Giáo Chủ khuyên:
Tu là tâm trí nhu mì,
Tu hiền tu thảo vậy thì cho xong.
Tu cầu cứu vớt Tổ tông,
Với cho bá tánh máu hồng bớt rơi.
Tu cầu cha mẹ thảnh thơi,
Quốc Vương thủy thổ chiều mơi phản hồi.
Tu đền nợ thế cho rồi,
Thì sau mới được đứng ngồi tòa sen.
Nói tóm lại, Đức Huỳnh Giáo Chủ lúc nào cũng khuyên:
Khá tu nhân đạo cho tròn mới hay.
Đó chẳng qua là muốn đào luyện nên người hiền đức. Cả pháp môn Tu Nhân Học Phật của Phật Giáo Hòa Hảo đều qui kết vào điểm đó.
Đó là phần cống hiến của Phật Giáo Hòa Hảo cho xã hội về phương diện Đời. Ngoài ra về phương diện Đạo, tức là đời sống tinh thần, Phật Giáo Hòa Hảo còn đóng góp cho chúng sanh chẳng ít.

B.-PHƯƠNG DIỆN ĐẠO ĐỨC HAY ĐỜI SỐNG TINH THẦN.


Tinh Thần Sùng Mộ Đạo Đức.- Với phương pháp dùng huyền diệu của Tiên gia để chữa trị cho hạng người thiểu căn trí cảm mến đức ân mà quay về con đường tu niệm và dùng Sấm Giảng để dìu dắt kẻ có lòng mộ Đạo qui căn, gây gốc Thiện duyên cùng Thầy tổ, Phật Giáo Hòa Hảo đã khởi sắc một phong trào sùng mộ Đạo đức đẵ tàn tạ từ lâu. Mà sở dĩ được như thế, trước hết là Đức Huỳnh Giáo Chủ biết dùng huyền pháp “dĩ huyễn độ chân” đem Đạo pháp vào đời sống nhơn dân nhứt là hạng nông dân là thành phần chiếm đa số trong xã hội nông nghiệp Việt Nam.
Họ được cứu khỏi bịnh, nhứt là những bịnh nan y, trừ được những tật ghiền rượu, ghiền á phiện một cách dễ dàng, hơn nữa hoán cải đời sống âm u vô vọng được quang minh thanh bạch, luân thường đạo lý được khôi phục, giúp cho đời sống gia đình được an vui…Bao nhiêu điều lợi ích đem đến cho đời sống của họ. Cho nên họ vui lòng qui ngưỡng. Từ người nầy truyền lan người khác, từ gia đình nầy thấm nhuần sang gia đình khác, Phật Giáo Hòa Hảo càng ngày càng lan rộng ra, tạo thành một cảnh huống sùng mộ Đạo đức chưa từng thấy.
Hạng nâu sòng thịnh diễn khắp hang cùng ngõ hẻm, những cảnh chùa chiền đền miếu càng xây dựng thêm nhiều, những phòng đọc giảng đua nhau mọc lên chưa kể mỗi gia đình đã có riêng một ngôi Tam Bảo. Từ lâu cảnh chùa chiền vắng vẻ, nay những ngày Rằm nguơn, sóc vọng thiện tín đổ xô nhau đến đông đảo để lễ Phật nghe đọc giảng, xem Kinh sách hoặc đàm luận Đạo lý. Nơi nơi cứ mỗi tối, bàn Thông Thiên đều nghi ngút đèn nhang. Tiếng ngâm thơ ngày xưa nhường chỗ cho những lời đọc Giảng. Những ngày chay lạt, chợ búa vắng rất nhiều cá thịt; nhiều nơi dựng quán bán đồ chay.
Mùi thiền đã tỏa khắp thôn quê làng mạc.
Tinh Thần Vị Tha Từ Thiện.- Với cuộc Khuyến nông kêu gọi nhà nông lo cày cấy để có lúa gạo cứu giúp đồng bào, với sự cổ võ tín đồ quyên tiền bạc, gạo thóc chở giúp nạn đói ngoài Bắc. Đức Huỳnh Giáo Chủ đã rèn luyện cho tín đồ tinh thần vị tha, lo việc từ thiện.
Thay vì sống ích kỷ, bo bo giữ của, trong thời kỳ chiến tranh lan tràn, tàn phá quê hương, gây đau thương cho dân chúng, người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo thấy mình có bổn phận giúp đỡ, tìm cách hàn vá vết thương làm vơi bớt nỗi đau khổ của đồng bào bằng những tổ chức chẩn tế từ thiện.
Nhiều cơ quan từ thiện được dựng lên như:
– Bịnh viện miễn phí
– Phòng phát thuốc lưu động
– Viện nuôi trẻ mồ côi…
Nhiều tổ chức chẩn tế được thành lập lo việc:
– Cứu đói
– Cất nhà cho dân nghèo…
Về việc cứu đói. “Nắm gạo cứu đói” được thi hành là một phương pháp “chia cơm xẻ áo” của mỗi gia đình, nhịn bớt mỗi bữa một nắm gạo, cứ mỗi tuần hay mỗi tháng có Ban chẩn tế đến góp, tích thiểu thành đa, chuyên chở đến những gia đình nghèo đói, những vùng bị thiên tai như nạn bão lụt miền Trung, cấp phát cho những người thiếu cơm hụt gạo.
Còn việc cất nhà cho dân nghèo là một sáng kiến độc đáo của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo. Mỗi Ấp có tổ chức Ban Chẩn tế, cứ xin mỗi Ấp một cây tre, một thúng gạo cũng đủ thấy một số lượng không thể tưởng tượng: Cả ngàn cả muôn cây tre, cả ngàn cả muôn thúng gạo…muốn cứu gì mà không được, muốn cất bao nhiêu nhà mà không đủ vật liệu. Rồi tùy theo số nhà định cất mà anh em tình nguyện hiệp nhau lại, dùng tàu thuyền chở tre, lá, gạo thóc đến địa điểm.
Người ta thấy một đoàn tàu ghe cả mấy mươi chiếc kéo đi. Khi đến nơi họ phân công nhau mấy người cất một căn nhà chỉ trong nửa ngày là cả một dẫy nhà mấy mươi căn, có nơi có đến 100 căn, cất xong.
Một cái chợ bị cháy, chỉ vài hôm sau là được dựng lại đầy đủ, dựng lại khỏi tốn tiến, khỏi chạy mướn nhân công, lại còn được cấp phát, nào mùng chiếu, vải bô…
Công cuộc cứu đói hay cất nhà cho dân nghèo mà được phát triển như thế là do tinh thần vị tha, từ thiện mà Đức Huỳnh Giáo Chủ đã rèn luyện họ, qua hành vi thực tiễn của Ngài hay qua những lời khuyến dạy trong Sấm Giảng:
Muốn cho rắn đặng hóa cù,
Xả thân làm phước Diêm phù vượt qua.
Giữ bo đến lúc phong ba,
Gặp cơn bát loạn khó mà yên thân.
Hay là:
Của dư cho mượn mới là,
Hảo tâm bố thí Ngọc toà được lên.
Tinh Thần Yêu Quê Hương Dân Tộc. -Với ân đất nước, một trong bốn đại trọng ân mà phàm làm công dân, ai ai cũng phải mang nặng và có bổn phận lo đền đáp, Phật Giáo Hòa Hảo đã un đúc trong tâm khảm của tín đồ tình yêu quê hương dân tộc. Khi đã yêu quê hương dân tộc, họ có bổn phận phải bảo vể khi bị kẻ xâm lăng giày đạp.
Chính nhờ un đúc và đề cao tinh thần ái quốc mà Giáo hệ Bửu Sơn Kỳ Hương cũng như Phật Giáo Hòa Hảo gần đây đã chịu bao nhiêu điều nguy khốn dưới thời Thực dân thống trị.
Pháp môn Tu Nhân đã đào luyện nên hai hạng người bất khuất: Một là hạng kháng Pháp, hai là hạng người nếu tự xét không đủ khả năng tranh đấu thì tìm nơi ẩn dật biểu lộ tinh thần bất hợp tác.
Nếu kể về giai đoạn quá khứ, Giáo hệ Bửu Sơn Kỳ Hương đã đào luyện những anh hùng kháng Pháp như: Nguyễn Trung Trực khởi nghĩa đốt tàu Pháp tại Nhựt Tảo và phá lũy đoạt thành Kiên Giang; Trần văn Thành thường gọi Đức Cố Quản đã anh dũng lập chiến khu chống Pháp tại đồng Bảy Thưa ở vùng Long Xuyên-Châu Đốc và Trần văn Nhu con của Đức Cố Quản đã mãnh liệt chống Pháp đến hơi thở cuối cùng.
Về hạng bất hợp tác thì có Ông Đạo Đèn bị thực dân Pháp bắt đày đi đảo Réunion, ông Cử Đa, một võ Cử không chịu hợp tác với Pháp lên tu luyện trên núi Tà Lơn đắc quả Tiên.
Đến Đức Huỳnh Giáo Chủ, Ngài cũng chủ trương bất hợp tác. Ngài kêu gọi những tín đồ đã làm việc cho Thực dân trước ngày qui y:
Cả kêu kìa hỡi là ai!
Quan trường rời dứt mặt mày chùi lau.
Lui chơn ra khỏi cho mau,
Tìm trong lánh đục tẩu đào mới ngoan.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Ngài, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, những người có chơn trong bộ máy cai trị của Pháp, nhứt loạt từ chức gây thành một phong trào bất hợp tác sâu rộng.
Do đó, Thực dân Pháp nhận thấy Phật Giáo Hòa Hảo không phải là một nền Đạo tu tiêu cực, chuyên lo tu hành không tham gia việc nước mà là một nền Đạo đề cao và un đúc tinh thần Dân tộc bất khuất, ái quốc ưu dân, nên ra lịnh đàn áp truy nã. Nhiều tín đồ thuần thành của Phật Giáo Hòa Hảo bị bắt, hoặc đưa đi an trí, hoặc tù đày và một số lớn đã bỏ mình nơi Côn đảo vì chánh sách hà khắc của Thực dân. Riêng bản thân của Đức Huỳnh Giáo Chủ thì chúng lưu cư đi nơi nầy nơi nọ…
Cơ hội đã đến cho Việt Nam vùng lên cởi ách nô lệ. Ngài phát động phong trào và trực tiếp tham gia cuộc đấu tranh chống Pháp. Noi gương các vị Thiền sư như Khuông Việt, Tuệ Trung, Thượng Sĩ, Ngài đành:
Rứt áo cà sa khoác chiến bào.
Và:
Tăng sĩ quyết chùa am bế cửa,
Tuốt gươm vàng lên ngựa xông pha.
Để rồi một khi:
Đền xong nợ nước thù nhà,,
Thiền môn trở gót Phật đà nam mô.
Không khác Tuệ Trung, Thượng Sĩ đời Trần, một khi dẹp xong giặc Mông Cổ, rứt chiến bào mặc lại áo cà sa trở về am tự.
TINH THẦN VÔ ÚY.- Ngoài tinh thần ái quốc, yêu dân tộc, Pháp môn Học Phật Tu Nhân còn rèn luyện cho hành giả hạnh Vô Úy là hạnh cao nhứt trong ba hạnh Bố thí: Tài thí, Pháp thí và Vô Úy thí, hạnh hy sinh cả tánh mạng để đem lại sự an vui, không sợ hãi (vô úy) cho chúng sanh.
Để gây lấy công đức hầu có đủ đầy công hạnh tiến lên bực tu Giải thoát, Đức Phật trong vô lượng kiếp từng thí thân để làm lợi lạc cho cả muôn loài vạn vật.
Hạnh Vô úy là hạnh khó thi thiết nhứt. Ai sanh ra đời lại không tiếc thân quí mạng. Đến như tiền của là vật phù du mà người đời còn mến tiếc không đành đem ra bố thí thì hà huống là xả thân hiến mạng để cứu đời.
Gặp lúc ngoại tặc xâm lấn quê hương đất nước, nạn binh lửa lan tràn, nhà tan cửa nát, thân người không yên, cha con chồng vợ lạc nhau mà có người đem thân ra chống ngăn, bảo vệ dân lành, cho nhà nhà ở yên, thân thân no ấm, không sợ sệt thì còn công đức nào bằng.
Chính với ý nguyện muốn cho tín đồ có cơ hội lập công bồi đức mà Đức Huỳnh Giáo Chủ tham gia chánh trị và thành lập Nghĩa binh.
Dầu hoạt động chánh trị hay lập quân đội, đó chẳng qua là những phương tiện để đạt đến mục đích là xả thân giúp đời, tạo lấy công quả bồi đắp cho bước đường tiến tu cầu đạo siêu sanh giải thoát.
Đã hiểu được mục đích của bước đường tiến tu thì không còn e ngại khi dùng đến phương tiện.
Vả lại thời cơ đã đến cho mình trả nợ Tứ Ân và cũng là vận hội lập công bồi đức thì còn tiếc gì mà chẳng xả thân cứu đời.
Với ý nguyện vị tha lợi chúng, người hành giả Học Phật Tu Nhân, dầu gặp hoàn cảnh khó khăn, gian lao nguy hiểm nào vẫn xem thường tánh mạng, say sưa với nghĩa vụ giúp đời, không mong được trả ơn, vì đó là một bổn phận:
Giúp đời đừng đợi trả ơn,
Miễn tròn bổn phận hay hơn bạc vàng.

TỔNG LUẬN

Đến đây chúng ta thử kiểm điểm lại coi Phật Giáo Hòa Hảo đã cống hiến những gì cho đời và vị sáng lập là Đức Huỳnh Giáo Chủ trong cả cuộc đời hiến thân vì Đạo đã thi thiết những gì?
Kiểm điểm lại, chúng ta thấy Ngài đã tạo nên ba sự nghiệp:
Về mặt Đạo là Tôn phái Phật Giáo Hòa Hảo, về mặt quân sự là Bộ đội Nguyễn Trung Trực và về mặt chánh trị là Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng gọi tắt là Dân Xã Đảng.
Về mặt Tôn giáo. Ngài khai sáng một tôn phái hoàn toàn Dân tộc là nền đạo Phật Giáo Hòa Hảo với mục đích vãn hồi Đạo Nhân và xương minh Đạo Phật, tiếp nối Giáo hệ Bửu Sơn Kỳ Hương mà viễn nhân hay tiền nhân là phái Trúc Lâm Yên Tử của đời Trần. Chủ trương của Trúc Lâm Yên Tử là vừa xuất thế và nhập thế, gồm cả phái xuất gia và Cư sĩ tại gia, còn Phật Giáo Hòa Hảo hay Bửu Sơn Kỳ Hương thì chủ trương nhập thế, chuẩn bị cho phái Cư sĩ tại gia trang nghiêm công hạnh để tiến lên tu Giải thoát, vì trong thời kỳ nầy căn cơ chúng sanh không sâu dầy như thời Trúc Lâm Yên Tử, cho nên cho được phù hạp với căn cơ chúng sanh thời Mạt hạ, pháp môn Học Phật Tu NHân chỉ chủ trương nhập thế. Chỗ giống nhau giữa Trúc Lâm Yên Tử với Phật Giáo Hòa Hảo hay Bửu Sơn Kỳ Hương là cả hai đồng chủ trương đem đạo Phật vào cuộc đời, đúng với nguyên lý: Phật xuất hiện ra đời là vì một đại sự sanh tử của chúng sanh.
Về mặt Quân sự, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Ngài lập Bộ đội Nguyễn Trung Trực, lấy tên một vị anh hùng dân tộc kháng Pháp làm gương cho binh sĩ noi theo, hầu có bảo vệ quê hương xứ sở cũng là một phương tiện cho tín đồ thi thiết hạnh Vô úy. Đến khi Ngô Đình Diệm giở ngón độc tài làm mất chánh nghĩa thì Bộ đội Nguyễn Trung Trực xin giải ngũ, bao nhiêu binh sĩ đều trở lại đời sống thường dân, chuyên tâm tu học.
Về mặt Chánh trị, để tranh đấu cho quyền lợi Quốc gia Dân tộc, cho tự do dân chủ, cho Công bằng xã hội, Ngài hiệp cùng các nhà Cách mạng, thành lập Đảng Dân Xã, với chủ trương về Chánh trị, thiệt thi một chế độ Dân chủ thật sự, về Kinh tế một nền Kinh tế xã hội hóa và về mặt hành chánh một chế độ vừa pháp trị vừa nhân trị. Một chế độ dù tốt đến đâu, pháp luật dù nghiêm minh cách nào mà nhân sự tức người đứng ra thi hành không tốt, bất chánh thì kể như chế độ và pháp luật của nước ấy không sao thi thiết được. Chỉ có con người mới đáng kể. Do đó Dân Xã Đảng chủ trương một nền chánh trị vừa pháp trị lẫn nhân trị.
Lập trường Chánh trị của Dân Xã Đảng chủ trương là một lập trường xây dựng trên nền tảng Đạo đức.
Về việc một nhà lập giáo và truyền giáo như Đức Huỳnh Giáo Chủ đứng ra thành lập quân đội và tham gia chánh trị không khỏi có những thắc mắc nêu lên.
Ông Hồn Quyên, báo Nam Kỳ ra ngày 29-11-1946 có đặt ra câu hỏi: Như vậy xin Ông cho biết lý tưởng Chánh trị của Ông có liên quan với giáo lý nhà Phật không?
Ngài có đáp:”Theo sự nhận xét của tôi về giáo lý nhà Phật do nơi Đức Thích Ca Mâu Ni Phật đã khai sáng lấy chủ nghĩa Từ bi Bác ái đại đồng đối với tất cả chúng sanh làm nồng cốt thì tôi nhận Ngài là một nhà Cách mạng triệt để về tư tưởng, vì những câu “Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh” và “Phật cũng đồng nhứt thể bình đẳng với chúng sanh”. Đã có những sự bình đẳng về thể tánh như thế mà chúng sanh còn không bằng được Đức Phật là do nơi trình độ giác ngộ của họ không đồng đều, chớ không phải họ không tiến hóa ngang hàng với chư Phật được. Nếu trong cõi nhân gian nầy còn có chúng sanh tiền tiến áp bức những chúng sanh lạc hậu thì là một việc trái hẳn với những Giáo lý chơn chánh ấy. Giáo lý đó, Đức Thích Ca Mâu Ni không áp dụng được một cách thiết thực trong đời của Ngài là do hoàn cảnh xã hội của Ấn Độ xưa không thuận tiện. Ngày nay trình độ tiến hóa của Nhân loại đã tới một mực khả quan, đồng thời với tiến bộ về khoa học thì ta có thể thực hành Giáo lý ấy để thực hiện một xã hội công bằng và nhân đạo. Thế nên với các tâm hồn bác ái, từ bi mà tôi đã hấp thụ, tôi sẽ điều hòa với phương pháp tổ chức xã hội mới, để phụng sự một cách thiết thực đồng bào và nhân loại.”
Và rõ hơn, Ngài xác nhận:
“Đối với toàn thể tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo tôi vẫn không quên rằng tôi là một đệ tử trung thành của Đức Phật Thích Ca, tôi tin chắc rằng Giáo lý giải thoát chúng sanh chẳng những truyền bá ở thiền lâm mà còn phải thực hiện trên trường chánh trị.
“Đối với các đồng chí hiện đang cùng tôi theo đuổi một chương trình Dân Chủ Xã Hội, tôi tuyên bố luôn luôn sát cánh với họ để chung lo gầy dựng một nước Việt Nam công bằng và nhân đạo, một nước Việt Nam tương xứng với các nước Dân chủ tiên tiến trên hoàn cầu.”
Với đà tiến hóa nhân loại, với sự chuyển biến chánh trị Quốc tế, từ những chủ nghĩa cực đoan, dần dần biến tướng thành chủ nghĩa xét lại, cánh hữu cũng như cánh tả sẽ được hóa giải thành một chủ nghĩa “trung hóa” hầu tránh cho nhân loại cơ diệt vong vì khí giới nguyên tử và khinh khí, xã hội mà Đức Huỳnh Giáo Chủ mong gầy dựng cho Việt Nam, sẽ thực hiện ở tương lai trên tiến trình Cộng đồng nhơn loại giác ngộ được giải thoát về cả hai phương diện Tinh thần (Dân chủ) và đời sống Vật chất (Xã hội).
Là bực quán liễu huyền cơ, “toán biết âm dương” Đức Huỳnh Giáo Chủ đã nhận thấy bước tiến của nhơn loại. Do đó Ngài chuẩn bị cho Việt Nam có đủ điều kiện để đóng lấy vai trò siêu đẳng của mình trong cái xã hội Thánh đức An lạc ngày mai.
Nhận xét về những cống hiến của Phật Giáo Hòa Hảo trong công cuộc bảo tồn cũng như xây dựng đất nước, một nhà Đạo đức (1) khi đến vùng Phật Giáo Hòa Hảo, vùng không bị tàn phá như bao nhiêu vùng khác, một vùng mà thuần phong mỹ tục còn duy trì, đạo đức còn sáng tỏ, không như đã thấy ở thành thị xa hoa, bao nhiêu người mất gốc, lai căng, những thanh niên đồi trụy chìm đắm trong các phong trào Cao bồi, Híp-py, du đảng…có thốt ra lời bình luận như sau:
“Đến khu Phật Giáo Hòa Hảo, tôi mới vững tâm mà tin rằng: Nước Việt Nam do công lao khó nhọc của Ông cha chúng ta xây đắp, không mất. Những gì tốt đẹp của văn hóa ngàn xưa mà còn duy trì, đó là yếu tố còn giữ nước Việt Nam không mất”.
Câu phê bình nầy đủ nói lên những giá trị mà Phật Giáo Hòa Hảo đã cống hiến cho đất nước Việt Nam.
Khởi ngày 22-4-1974
Xong ngày 7-7-1974
___________________________________________
(1) Cụ Phan Vô Kỵ

Đăng nhận xét

[facebook][blogger]

Ẩn Danh Cư Sĩ PGHH 1939

Liên Hệ với PGHH 1939

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget