Hiện nay, trong từ các Đại đức Tăng Ni, ngoài đến Tín đồ Hội viên các hội Phật giáo Cư sĩ, không ai là không thực hành Pháp môn này. Thậm chí các đơn vị Phật giáo ở cấp xã, thôn tại Trung Việt đều lấy hai chữ Tịnh độ gọi tên chung cho đơn vị.
Nhận thấy nơi nơi đều thực hành Pháp môn Tịnh độ, để cho ý nghĩa và phương pháp hành trì Pháp môn này được thêm sâu rộng và để góp phần công đức thêm cao dày, tôi phỏng theo quyển Tịnh Pháp Khái Thuật soạn ra sách này hầu mong giúp quý Phật tử sơ cơ hiểu rõ thêm cái pháp môn vi diệu mà mình đang thực hành.
Sách này gồm tóm yếu nghĩa ba bộ kinh: Thập lục quán, Quán vô lượng thọ, Phật thuyết A Di Đà do chính kim ngôn Đức Thích Tôn dạy ra, và một bộ luận là luận Vãng sanh do Ngài Bồ tát Vô Trước soạn. Về đời nhà Tùy, có ngài Lô Sơn tức Tổ sư Huệ Viễn dựa vào ba kinh và luận nói trên mà sáng lập tôn Tịnh độ. Từ bấy giờ tôn này không ngớt bành trướng và lan khắp các nước Phật giáo ở miền Đông Á.
Vậy trong tòa nhà Tịnh độ mà quý Phật tử hiện đang kiến tạo, họa đồ là của Đức Bổn Sư, gạch ngói và công xây là của quý Phật tử, tôi chỉ xin nguyện góp thêm vào đó một chút ít đường mật cho vôi gạch chóng ăn nhau hầu mong tòa nhà sớm thành tựu.
Có đạt được sở nguyện cỏn con ấy không là tùy lượng quý Phật tử hưởng ứng nhiều hay ít. Riêng soạn giả thì tự cho là đã làm xong một việc đáng làm.
Soạn giả Cẩn Chí
THÍCH TRÍ THỦ, 1961
CHƯƠNG II: PHẠM VI CÕI CỰC LẠC
CHƯƠNG III: ĐƯỜNG LỐI TU TỊNH ĐỘ
CHƯƠNG IV: TRÌ DANH NIỆM PHẬT
CHƯƠNG V: PHÁT NGUYỆN VÃNG SANH CỰC LẠC
CHƯƠNG VI: PHÁP QUÁN TƯỞNG
CHƯƠNG VII: CHUNG QUANH VẤN ĐỀ VÃNG SANH
CHƯƠNG I Ý NGHĨA TỊNH ĐỘ
A - SAO GỌI LÀ TỊNH ĐỘ?
Tịnh độ là chỉ cho quốc độ trang nghiêm thanh tịnh khiết an tịnh quốc, độ ấy tối thiểu phải có những điều kiện về nhân dân và thổ địa như sau:a) Về nhân dân (Chánh báo)
1. An lạc vô bệnh.
2. Thọ mạng lâu dài.
3. Thân tướng đẹp đẽ.
4. Không có sự bất bình đẳng về giàu nghèo, sang hèn.
5. Tâm tánh nhu hòa, đạo đức cao thượng.
6. Đạo tâm kiên cố.
7. Mọi người đều do hóa sanh mà có, không do thai sanh là kết quả của dâm dục ô trược.
8. Không có sự sai khác về nhỏ lớn, già trẻ, mạnh yếu.
9. Không dơ bẩn ô uế.
10. Tâm trí phóng thoáng, thông đạt.
11. Hết luân hồi trong lục đạo.
12. Đủ sáu món thần thông.
13. Đầy đủ huệ nhãn, chánh kiến.
Mười ba món trang nghiêm thanh tịnh trên đây thuộc phần chúng sanh thế gian (chánh báo).
b) Về thổ địa (y báo)
1. Đất đai bằng phẳng đầy châu ngọc trong suốt; không có khe hố núi gò lởm chởm và ao rãnh sông ngòi hủng hê.
2. Không có các nạn thiên tai như lụt bão, sấm sét, đại hạn, địa chấn, gây ra mất mùa đói rét.
3. Bầu trời luôn luôn quang đãng, không cần ánh sáng mặt trời mặt trăng hay đèn nến.
4. Tất cả vật dụng luôn luôn mới mẻ, không vỡ, không hư, không mục nát, không cũ nhớp.
5. Phong cảnh xinh tươi, cây hoa đẹp đẽ lầu gác mỹ lệ, không cần nhọc công kiến trúc trang hoàng mà tự nhiên hiện thành.
6. Khí trời luôn luôn mát mẻ.
7. Âm nhạc nhiệm màu hòa tấu tự nhiên hay ngưng dứt tùy theo sở thích người nghe.
8. Không có động vật nào khác, ngoài loài người, trừ sự biến hóa của Phật.
9. Hồ nước trong thơm ngọt ngào; cạn sâu ấm mát tùy từng sở thích.
10. Cảnh vật tiếp xúc gây được khoái cảm nhẹ nhàng mà không làm chao động đạo niệm.
11. Bảy báu và vật dụng tự nhiên thành tựu để cung ứng đầy đủ mà không cần đến sức người.
12. Không có các sự trần lao phiền não.
13. Không có nạn nhân mãn, mặc dù dân số vãng sanh mỗi ngày mỗi tăng.
14. Nhân dân sống trong thái bình an lạc, không có tà ma ngoại đạo bức hiếp.
Mười bốn món trang nghiêm thanh tịnh thứ hai này thuộc phần "Khí thế gian" (y báo).
Có đầy đủ cả hai phần "chúng sanh thế gian" và "khí thế gian" trang nghiêm thanh tịnh như thế mới được gọi là Tịnh độ.
B - CÁC CÕI TỊNH ĐỘ TRONG MƯỜI PHƯƠNG
Trong mười phương hư không có vô lượng vô số quốc độ với những trạng huống khổ vui ngàn sai muôn khác. Nguyên nhân thành tựu các quốc độ sai khác ấy tuyệt đối không do một sức thần thánh nào hoặc một sự ngẫu nhiên nào tạo thành.
Quốc độ tuy nhiều, nhưng khái quát có thể chia thành hai loại:
1) Quốc độ do cộng nghiệp của chúng sanh duyên khởi. Cộng nghiệp ấy cảm thành quốc độ y báo chung, để chúng sanh tùy từng biệt nghiệp thiện hay ác mà thọ quả báo hoặc vui hoặc khổ.
2) Quốc độ do Phật và Bồ tát hóa hiện để dùng làm chốn đạo tràng độ sanh.
Loại trước gọi là uế độ. Vì nguyên nhân trong quá khứ, chúng sanh làm điều phước đức ít, mà gây điều tội ác nhiều nên cảm báo thành quốc độ vui ít khổ nhiều.
Loại sau gọi là Tịnh độ. Vì nguyên nhân tạo nên quốc độ này là do sức phước huệ của Chư Phật Bồ tát, sức gia trì của bốn tâm vô lượng: Từ, bi, hỷ, xả. Thêm vào các nguyên nhân ấy lại có tăng thượng duyên là công đức tu tập của chúng sanh hồi hướng nguyện sanh về các cõi ấy. có sự cảm ứng đạo giao giữa nội nhơn và ngoại duyên ấy liên hệ với nhau nên mới duyên khởi được quốc độ trang nghiêm thanh tịnh thuần vui không có khổ nhơn tội báo xen vào.
Trong mười phương thế giới có vô số uế độ nhưng cũng có vô số Tịnh độ. Trong các uế độ, thế giới Ta bà của chúng ta mới chỉ là một. Nếu ta tưởng rằng chỉ có một uế độ này thôi thì đó là một sự đại lầm lẫn. Cũng như trong các Tịnh độ, thế giới Cực lạc của Đức A Di Đà cũng mới chỉ là một. Nếu không hiểu rằng giữa hư không vô tận còn có vô lượng Tịnh độ khác của Chư Phật, đó lại cũng là một sự đại lầm lẫn khác nữa.
Trong ba bộ kinh nói về Tịnh độ sở dĩ Đức Phật chỉ chuyên nói về thế giới Cực lạc là chỉ vì một lý do sẽ nói ở sau. Ngoài ra, trong kinh "Dược sư lưu ly bản nguyện công đức." Ngài còn nói đến cõi Tịnh độ Tịnh lưu ly của Đức Dược sư Như Lai; trong kinh "Đại Bửu tích Ngài còn nói đến cõi Tịnh độ Diệu hỷ của Đức Bất Động Như Lai; hay trong kinh "Di Lặc thượng sanh" Ngài còn nói đến cõi Tịnh độ Đâu Suất của Đức Di Lặc Bồ tát. Tuy nhiên, đó cũng chỉ mới sơ lược kể qua vài ba cõi mà thôi. Kỳ thật, trong mười phương thế giới có hằng hà sa số chư Phật thì cũng có hằng hà sa số cõi Tịnh độ. Những chúng sanh nào được sanh về các Tịnh độ ấy đều do nhơn duyên riêng và tại mỗi cõi đều có phương pháp tu hành khác nhau, phù hợp với từng nhơn duyên. Tu hành y theo phương pháp nào thì đến khi thuần thục sẽ được vãng sanh về cõi Tịnh độ đó. Phương pháp tu hành cầu quả vãng sanh Tịnh độ thì gọi là phép tu Tịnh độ.
Các cõi Tịnh độ trong mười phương có nhiều vô lượng mà pháp tu cũng có nhiều vô số. Vậy ai theo phương pháp của cõi nào cũng đều có thể tùy nguyện được vãng sanh ở cõi ấy.
Ở đây riêng đối với thế giới Cực lạc Tây phương, Đức Phật đặc biệt tán thán và giới thiệu một cách tường tận hơn cả là vì chúng sanh ở cõi này, lòng tham dục quá nặng, đức tin quá yếu nên tâm chí loạn động; trong tình trạng đó, nếu giới thiệu nhiều cõi Tịnh độ quá thì sợ khó thành tựu, Cho nên, chỉ đặc biệt nói nhiều về một cõi Tây phương Cực lạc, khiến nghe chuyên nhất tập trung ý chí hướng về một mối, mới ghi nhớ dễ dàng và thâu hoạch có hiệu quả.
C - CÁC LOẠI TỊNH ĐỘ SAI KHÁC
Tịnh độ hay uế độ tuy hình như thuộc ngoại cảnh nhưng sự thật thì đều do nhứt tâm biến hiện. Chư Phật khi lấy diệu dụng của tịnh thức biến hiện ra Tịnh độ, vì tác dụng có sai khác nên danh nghĩa Tịnh độ cũng tùy đó mà có sai khác.Căn cứ vào Tây phương Hiệp luận đã chép thì Tịnh độ có 10 loại không đồng nhau.
1) TỶ LÔ GIÁ NA TỊNH ĐỘ
Tỷ lô giá na tức là pháp thân của Chư Phật, Hán dịch là biến nhứt thế xứ (nghĩa là cùng khắp nơi chốn). Cõi Tịnh độ này bất luận ở đâu cũng hóa hiện được, vì ở đâu cũng có vô lượng hóa Phật. Đây cũng tức là báo độ của chư Phật.2) DUY TÂM TỊNH ĐỘ
Loại Tịnh độ này tùy tâm biến hiện. Tâm uế thì quốc độ uế, tâm tịnh thì quốc độ tịnh. Như trong kinh Duy Ma Cật dạy: "Trực tâm là Tịnh độ của Bồ tát; khi Bồ tát thành Phật những chúng sanh trung trực đều vãng sanh về cõi ấy ... Nếu Bồ tát muốn được quả Tịnh độ phải tịnh lòng mình; tùy lòng mình tịnh thì cõi Phật tịnh."Đó là nghĩa của Duy tâm Tịnh độ.
3) HẰNG CHƠN TỊNH ĐỘ
Hằng chơn Tịnh độ tức như cảnh giới mà Đức Phật đã thị hiện trên hội Linh Sơn để hướng dẫn hàng tam thừa quyền giáo Bồ tát, cho họ biết rằng ở cõi này tuy ô uế nhưng cũng chính đó là cõi thanh tịnh vậy. Trong kinh chép rằng trên hội Linh Sơn, các đệ tử hỏi Phật vì sao cảnh giới của Ngài hiện đương sống lúc bấy giờ (núi Linh Thứu) lại cũng ô uế bất tịnh, thế thì nhơn địa tu hành của Ngài cũng bất tịnh chăng? Phật liền lấy ngón chân ấn xuống đất, cảnh uế độ liền biến thành trang nghiêm thanh tịnh.
Như vậy cảnh hằng chơn Tịnh độ này là một cảnh hằng thường, nhưng biến hiện tùy theo nghiệp nhơn của chúng sanh mà thấy có tịnh hay có uế.
4) BIẾN HIỆN TỊNH ĐỘ
Biến hiện Tịnh độ là do sức gia cảm của Phật mà có biến hiện. Như trong kinh bát nhã nói đức Phật dùng thần lực biến thế giới này thành một thế giới như ngọc lưu ly, có đủ bảy báu trang nghiêm và hoa sen rải khắp mặt đất. Cảnh giới ấy tức là cảnh giới mà Đức Phật tạm thời biến hiện để cho chúng ta thấy rằng bản lai diện mục của uế độ tức cũng chính là Tịnh độ vậy.5) KÝ BÁO TỊNH ĐỘ
Luận Khởi Tín chép rằng: "Khi Bồ tát hoàn mãn công đức, sanh lên cung trời Sắc Cứu Kính thì hiện ra thân tướng rất cao lớn. Trước khi bổ xứ kế vị thành Phật, Bồ tát tạm ký thác báo thân ở đó một thời gian, nên gọi cung trời ấy là ký báo Tịnh độ", như cung trời Đâu Suất của đức Bồ tát Di Lặc hiện an trú trước khi sẽ bổ xứ thành Phật.
6) PHÂN THÂN TỊNH ĐỘ
Theo kinh Niết Bàn, Phật bảo Ương Quật rằng: "Ngươi không biết rằng ta đã an trú trong thực tại vô sanh. Nếu ngươi không tin, cứ qua Đông phương hỏi Đức Phật ở đấy tên gì thì sẽ nghe Ngài tự giới thiệu: "Thích Ca là ta"!Không có gì đáng ngạc nhiên cả, vì nên biết rằng pháp thân của Phật đã an trú trong thực tại vô sanh thì đức Phật ở Đông phương hay ở cùng khắp mười phương đều cũng chỉ là phân thân của một đức Phật mà thôi vậy.
7) Y THA TỊNH ĐỘ
Kinh Phạm Võng: "Nay ta là Lô Xá Na ngồi trên đài sen gồm có ngàn hoa. Trên ngàn hoa ấy lại thị hiện ngàn thân Thích Ca. Mỗi hoa lại biến thành trăm ức cõi Phật và trong mỗi cõi lại hiện ra một thích Ca."Các cõi được thị hiện như vậy gọi là báo thân tha thọ dụng (hiện báo thân cho người khác thọ dụng) mà chỉ có Đăng địa Bồ tát mới trông thấy. (Đăng địa nghĩa là đã lên từ nhứt địa tới thập địa).
8 ) THẬP PHƯƠNG TỊNH ĐỘ
Thập phương Tịnh độ là các cõi Tịnh độ trong mười phương. Như ở Đông phương thì có các cõi Tịnh độ của đức Phật A súc, đức Phật Dược sư, đức Phật Tu Di Đăng Vương ... Nam phương có cõi Tịnh độ của đức Phật Nhật Nguyệt Đáng ..., Thượng phương có cõi Tịnh độ của đức Phật Hương tích v.v...
Mỗi đức Phật đều an trú tại một cõi Tịnh độ thanh tịnh trang nghiêm không còn có trần cấu.
9) NHỨT TÂM TỊNH ĐỘ
Loại Tịnh độ này nương nơi tâm mà biến hiện và tùy theo công năng tu chứng cao thấp nên có phân ra bốn bực không đồng.a) Phàm Thánh đồng cư Tịnh độ
Đây là quốc độ của hàng nhị thừa và nhơn thiên. Nhị thừa là Thánh; nhơn thiên là phàm. Thánh phàm cùng ở chung nên gọi là Phàm Thánh đồng cư, lại vì tính chất tịnh uế không đồng mà có chia thành hai thứ. Như cõi Ta bà là đồng cư uế độ; cõi Cực lực là đồng cư Tịnh độ.
b) Phương tiện hữu dư Tịnh độ
Đây là cảnh giới an trú của hàng tiểu thừa. Hàng tiểu thừa nhờ đoạn được phiền não của kiến hoặc và tư hoặc nên thoát ra khỏi tam giới. Kiến hoặc là sự mê lầm về kiến thức, tư hoặc là sự mê lầm về tư tưởng. Trên con đường tu chứng, đoạn trừ kiến hoặc và tư hoặc chỉ là mới đạt được phương tiện chứ chưa đạt được cứu cánh. Còn cần phải tiến lên nữa và phải đoạn hai món mê lầm là trần sa hoặc (mê lầm nhỏ như cát bụi) và vô minh hoặc (mê lầm căn bản) mới thật gọi là chứng quả. Trần sa hoặc là sự mê lầm nhỏ nhặt như vi trần; vô minh hoặc là sự mê lầm cội gốc do căn bản vô minh gây nên. Đoạn kiến hoặc và tư hoặc chỉ là mới đạt được phương tiện, nên hành giả còn phải tu tiến thêm nữa; vì vậy gọi là phương tiện hữu dư. Hữu dư nghĩa là còn sót, chưa tốt ráo.
c) Thật báo vô chướng ngại Tịnh độ
Đây là cảnh giới an trú của các vị đại Bồ tát. Các vị đại Bồ tát nương theo phương pháp chơn thật mà tu hành cảm được quả báo thù thắng chơn thật; sắc giới (vật chất) cũng như tâm giới (tinh thần) không còn gây chướng ngại đối với Bồ tát nên gọi là thật báo vô chướng ngại. Cảnh giới của các vị Bồ tát đã tu chứng.
d) Thường tịch quang Tịnh độ
Đây cũng tức là cảnh giới đại Niết bàn của Chư Phật an trú. Thể tánh của cảnh giới này thường vắng lặng mà vẫn thường quang minh vì do trí huệ của Phật hằng thường tỏa chiếu cùng khắp. Vì thế nên gọi là thường tịch quang độ. Thường tịch nghĩa là thường vắng lặng, thường quang nghĩa là thường soi sáng.
10) BẤT KHẢ TƯ NGHÌ TỊNH ĐỘ
Bất khả tư nghì Tịnh độ tức là cảnh giới Cực lạc của đức Phật A Di Đà để thâu nhiếp, tiếp nhận chúng sanh trong mười phương. Sức thâu nhiếp ấy không thể nghĩ bàn, vì ngoài sức tư tưởng và luận bàn của chúng sanh.Đây là chỉ đứng về nghĩa thù thắng của cảnh giới Cực lạc mà nói, chứ sự thật thì tất cả các cõi Tịnh độ trong mười phương đều có công năng thâu nhiếp tiếp nhận và đều có tác dụng bất khả tư nghì như thế.
Tóm lại, 10 cảnh Tịnh độ trên này tuy có sai khác về danh từ, nhưng cùng đồng nhất tâm biến hiện, vì cõi Tịnh độ nào cũng đều lấy sự thâu tiếp nhận chúng sanh bất khả tư nghì làm căn bản, Cho nên, nói một cõi tức gồm đủ cả bốn cõi: đồng cư, phương tiện, thật báo và tịch quang. Sự lập danh sai khác chẳng qua là tùy theo mỗi phương tiện mà thôi.
Ở đây chỉ riêng chú trọng về cõi Tịnh độ Cực lạc của đức Phật A Di Đà là vì cõi ấy rất có quan hệ mật thiết với chúng ta, như Đức Thích Ca đã dạy.
Vì vậy cõi Cực lạc Tịnh độ là mục tiêu chính để cho chúng ta tập trung tất cả lực lượng tư tưởng vào đó. Nếu thật chứng được một cõi Tịnh độ ấy thì bao nhiêu cõi Tịnh độ khác cũng đều chứng được.
Đăng nhận xét