BỬU Ngọc Quân Minh Thiên Việt Nguyên,

寶玉君明天越元

SƠN Trung Sứ Mạng Đạo Nam Tiền.

山中師道地南前

KỲ Niên Trạng Tái Tân Phục Quốc,

奇年狀再新復國

HƯƠNG Xuất Trình Sinh Tạo Nghiệp Yên.

香出程生造業安

Tổ Đình Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH
Các Bài Viết Liên Quan
Cám Ơn Các Bạn Đã Ghé Thăm Website. Chúc Các Bạn An Lạc, Có Thêm Nhiều Kiến Thức Bổ Ích…
XIN THƯỜNG NIỆM PHẬT
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ - Giai-Đoạn Hoạt-Động Tranh-Đấu (Chương IX CHUẨN BỊ ĐẤU TRANH)

ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ - (Chương IX CHUẨN BỊ ĐẤU TRANH) - VƯƠNG KIM

ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ - Giai-Đoạn Hoạt-Động Tranh-Đấu (Chương IX CHUẨN BỊ ĐẤU TRANH)

ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ CHỤP NĂM 1946 TẠI CHỢ LỚN

CHÂN DUNG ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ CUỐI NĂM 1945 THỜI KỲ KHÁNG PHÁP


Chương IX: Chuẩn bị Đấu tranh

Trong thời gian Đức Thầy đi khuyến nông tình hình quốc tế chuyển biến rất gấp, Sài Gòn liên tiếp bị oanh tạc; Đồng minh phản công thắng lợi khắp các mặt trận. Tin tức hàng ngày không ngớt loan báo Quân Mỹ hết chiếm đảo nầy đến chiếm đảo khác. Lực lượng của Nhật Hoàng mỗi ngày mỗi rút lui về căn cứ cuối cùng là quần đảo Phù Tang.
Sau cuộc khuyến nông. Đức Thầy trở về Sài Gòn vào khoảng cuối tháng 7 dương lịch. Cảnh tượng cho thấy quân Nhựt không còn sức kháng cự lâu dài, có thể đi đến đầu hàng như Đức Quốc Xã ở Châu Âu. Ngay trong ngày 26 tháng 7 năm 1945, các đài phát thanh Đồng Minh nhứt loạt phổ biến lời kêu gọi Nhựt đầu hàng vô điều kiện, theo quyết định của Tam cường tại Hội nghị Postdam vừa họp ngày 17-7-1945.
Đức Huỳnh Giáo Chủ đã nhìn thấy trước thời cuộc nên chi đã thổ lộ trong câu “Nhựt không ăn hết nửa con gà” cũng như Ngài tổ chức Hội Vận động Độc lập thì hẳn Ngài phải tiên liệu mọi việc để kịp đối phó với biến chuyển sắp xảy đến.
Do đó khi đi khuyến nông về, Ngài liền bắt tay vào việc tổ chức các cơ cấu có tánh cách võ trang quân sự.
ĐỘI BẢO AN. – Ngài đã thấy trước Nhựt sẽ đầu hàng. Trong tình trạng nầy hương thôn sẽ trải qua một giai đoạn hỗn độn, vô trật tự hay có thể nói vô chánh phủ. Trước kia, khi Nhựt đảo chánh Pháp, đã chuẩn bị sẵn một bộ máy cai trị để thay thế, nhờ vậy mà giữ được an ninh trật tự, bởi bộ máy hành chánh được duy trì và tiếp tục hoạt động.


Nay nếu như Nhựt đầu hàng, bộ máy cai trị của Nhựt sẽ sụp đổ, trong lúc không có bộ máy cai trị hữu hiệu khác thay thế thì sao khỏi gây nên tình trạng rối loạn, vì cơ quan an ninh đã trở thành bất lực hay vô hiệu. Trong khoảng lê minh đó, chi cho khỏi xảy ra cướp bóc, giết hại do đám người thừa nước đục thả câu, gây nên để thỏa mãn dục vọng và thù oán cá nhân.
Để kịp thời ứng phó với cuộc biến chuyển sắp tới, điều hay nhứt là Đức Thầy đưa ra một tổ chức ưu tiên điều động quần chúng thành những Đội Bảo An với mục đích:
1. Giữ việc trị an trong làng để phòng ngừa trộm cướp, giải tán những cuộc ẩu đả, bắt các đám cờ bạc, giữ gìn trật tự.
2. Bảo vệ mùa màng.
3. Tìm bắt kẻ gian.

Cứ mỗi làng, tùy theo dân số nhiều ít mà tổ thành những Đội Bảo An, gồm những thanh niên thanh nữ, do một Đoàn trưởng chỉ huy. Cứ mỗi Tiểu đội có 1 Tiểu đội trưởng, mỗi Trung đội có 1 Trung đội trưởng. Tất cả đều đặt dưới quyền điều khiển của một viên Đoàn Trưởng.
Trong xã ấp, những nơi có vườn xoài, vườn tre, những nơi có bóng mát đều có lập sân tập võ, do một võ sư đứng ra huấn luyện. Ngoài các Đội Bảo An nam còn có các Đội Bảo An nữ, ngày đêm tập luyện võ thuật côn quyền và đao kiếm. Trên đường đi, ngày đêm không dứt tiếng đếm bước: một hai, một hai…, nhứt là những đêm trăng thanh, cảnh tượng tập dượt thật là nhiệt náo. Nam theo nam, nữ theo nữ, xếp thành hàng ngũ chỉnh tề, áo khăn đồng phục. Tinh thần thượng võ lên cao không lúc nào bằng.
Cũng nhờ các Đội Bảo An nầy, khi Nhựt đầu hàng mà làng xã trật tự được duy trì, an ninh được đảm bảo, nhứt là trong thời kỳ lực lượng kháng chiến rút lui, cơ quan hành chánh hoàn toàn sụp đổ.
ĐỆ TỨ SƯ ĐOÀN. – Sau việc thành lập Đội Bảo An một lực lượng bán quân sự, đoàn ngũ hóa nhân dân thành một lực lượng có nhiệm vụ bảo vệ hương thôn, Ngài còn thành lập lực lượng quân sự có nhiệm vụ to lớn hơn, là bảo vệ đất nước chống xâm lăng ngoại địch.
Sở dĩ Ngài gấp rút cho thành lập lực lượng quân sự là tình hình càng trở nên nghiêm trọng. Nhiều tin tức bất lợi dồn dập đưa đến.
Ngày 6 tháng 8 năm 1945 cả thế giới đều chấn động về quả bom nguyên tử của Mỹ thả xuống nước Nhựt. Có thể nói đây là lần đầu tiên trên lịch sử nhân loại, một quả bom nguyên tử của Mỹ ném xuống thành phố Quảng Đảo của Nhựt. Cả thành phố kỹ nghệ này trong nháy mắt bị hủy diệt bình địa với mấy trăm ngàn dân bị giết.
Ngày 7 tháng 8 năm 1945, Thủ Tướng Trần Trọng Kim xin từ chức toàn bộ nội các và được vua Bảo Đại lưu lại xử lý thường vụ.
Ngày 8 tháng 8 năm 1945, Nga tuyên chiến với Nhựt và xua quân vào chiếm Mãn Châu. Cũng trong ngày nầy, một quả bom nguyên tử thứ hai của Mỹ thả xuống thành phố Trường Kỳ một thành phố kỹ nghệ của Nhựt bị hủy diệt ra tro bụi với mấy trăm ngàn dân chết chẳng toàn thây.
Hai ngày sau tức ngày 10 tháng 8 năm 1945, Nhựt Hoàng triệu tập nội các phiên họp bất thường và khẩn cấp để quyết định xin đầu hàng Đồng Minh qua trung gian của Tòa Đại Sứ Thụy Điển.
Đứng trước những biến cố dồn dập xảy ra, cho thấy có thể đưa đến nhiều bất trắc cho Việt Nam, các đoàn thể tôn giáo cũng như chánh trị ở Sài Gòn khẩn cấp lo phòng bị để kịp thời ứng phó với tình hình, nhứt là về phương diện võ bị.
Trước tình cảnh của một chiếc thuyền sắp đắm, mọi người trên thuyền chỉ còn một phương pháp là mạnh ai nấy lội, tự lo lấy cách thoát thân (Sauve qui peut).
Đó là tâm trạng các đoàn thể và chánh trị ở Sài Gòn đã đồng ý nhau, mỗi đoàn thể tổ chức lấy một Sư đoàn, tự triệu tập lấy binh sĩ và sĩ quan, tự võ trang cũng như tự lo liệu lấy quân nhu hay tiếp tế.
Vấn đề khó nhứt là sĩ quan hay cấp bực chỉ huy, không thể một sớm một chiều mà tạo nên được, nhưng trong mỗi đoàn thể, thế nào cũng có người từng đi lính cho Pháp hay cho Nhựt và được thăng lên cấp bực sĩ quan, vì vậy mà sự thành lập sư đoàn phải dành quyền cho mỗi đoàn thể chiêu tập. Phương chi, trong thời kỳ Nhựt chiếm đóng Đông Dương đã có nhiều đoàn thể tổ chức quân sự để hợp tác với Nhựt chống Pháp. Nay chỉ còn tập hợp và hoàn bị lại tổ chức thành Sư đoàn thì không phải là khó.
Kể ra có 4 Sư đoàn có thể triệu tập:
– Dân quân Cách mạng Đệ nhứt Sư Đoàn của Trần văn Giàu.
– Dân quân Cách mạng Đệ Nhị Sư Đoàn của Cao Đài.
– Dân quân Cách mạng Đệ Tam Sư Đoàn của Nguyễn Hòa Hiệp.
– Dân quân Cách mạng Đệ Tứ Sư Đoàn của Phật Giáo Hòa Hảo.

Đệ nhứt Sư Đoàn tập hợp những phần tử Cộng sản hay thân Cộng đặt dưới quyền chỉ huy của Trần Văn Giàu, còn Kiều công Cung lãnh chức Phó.
Đệ nhị Sư Đoàn là của Cao Đài Giáo do Vũ Tam Anh chỉ huy.
Đệ tam Sư Đoàn, chính là Dân Quốc quân của Nguyễn Hòa Hiệp biến thành. Dân Quốc quân là một lực lượng quân sự tổ chức trong thời Nhựt Bổn, do Nguyễn Hòa Hiệp tập hợp các phần tử thân Nhựt hay hợp tác với Nhựt.
Còn Đệ tứ Sư Đoàn chỉ mới dự định tổ chức chớ chưa kịp tập hợp, vì Phật Giáo Hòa Hảo, trong thời kỳ Nhựt Bổn, không có tổ chức quân đội.
Thật ra, chẳng phải đợi nước đến trôn mới nhảy. Trong lúc đi khuyến nông, Đức Thầy đã lo liệu thành lập một lực lượng quân sự rồi để kịp đối phó với biến chuyển sắp tới. Ngài đã ra lịnh cho tuyển chọn 500 binh sĩ đưa lên Sài Gòn để huấn luyện hầu tổ chức lực lượng quân sự.
Ngài ra lịnh cho Ban Trị Sự tỉnh Gia Định mượn được Trường Vẽ để làm nơi tạm trú cho binh sĩ trong thời kỳ huấn luyện. Về phần huấn luyện thì Ngài giao cho Cai Tri (1) vốn là một Cai đội trong hàng ngũ lính tập, đứng ra tập dượt. Việc tiếp tế lương thực thì có các Ban Trị Sự các tỉnh miền Tây lo liệu.
________________________________________
(1). Nay là Thượng Tọa Thích Pháp Trí.
Cai Tri phân ra nhiều nhóm để huấn luyện. Lớp nào tập tại Trường Vẽ, lớp nào tập tại Ngã tư Bình Hòa, lớp nào tập tại Đất Thánh Tây. Ngày ngày trên những khúc đường nói trên, binh sĩ Hòa Hảo xếp thành hàng ngũ dượt tới dượt lui theo tiếng đếm bước: một hai, một hai…
Thật ra thì Đệ tứ Sư Đoàn còn trong vòng tập luyện chớ chưa tập hợp bởi chưa tổ chức ban chỉ huy. Đức Thầy có cắt đặt một vài người để giao thiệp và vận động võ khí, quân nhu với Nhựt. Nhưng công cuộc đang tiến hành thì xảy ra việc Trần văn Giàu khủng bố Phật Giáo Hòa Hảo nên Đệ Tứ Sư Đoàn đành chết trong trứng nước.
Về sau, Cộng sản đoạt lấy danh nghĩa Đệ Tứ Sư Đoàn, thì tình hình quốc tế càng trở nên cấp bách, tiến đến giai đoạn chấm dứt chiến tranh.
Ngày 14 tháng 8 năm 1945, Hoa Kỳ chấp nhận cho Nhựt đầu hàng vô điều kiện. Mãi cho đến ngày ấy Nhựt mới chịu giao trả Nam Bộ cho chánh phủ Việt Nam. Bảo Đại hạ chiếu cử ông Nguyễn văn Sâm đang có mặt tại Huế, làm Khâm Sai Nam Bộ và ra lịnh cho ông cấp tốc về Sài Gòn nhận chức, thì liền hôm sau, ngày 15 tháng 8 năm 1945, Nhựt Hoàng kêu gọi toàn dân Nhựt phải hạ súng.
Ngày 17 tháng 8 năm 1945. Bảo Đại kêu gọi các “nhà ái quốc hữu danh đã nỗ lực chiến đấu cho quyền lợi dân chúng và nền độc lập nước nhà” mau mau ra giúp nước hầu “củng cố nền độc lập của nước nhà và bảo vệ quyền lợi của dân tộc”.
MẶT TRẬN QUỐC GIA THỐNG NHỨT. – Đồng thời với tổ hợp quân sự, các đảng phái, tôn giáo còn tổ hợp nhau thành một lượng chánh trị, lấy tên là Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhứt với mục đích:
– Chống đế quốc Pháp,
– Chống họa thực dân,
– Bảo vệ trị an,
– Bài trừ phản động.

Mặt trận thống hợp tất cả các đảng phái, tôn giáo trong nước như:
– Việt Nam Quốc Gia Độc Lập Đảng của quí ông Nguyễn Văn Sâm, Hồ Văn Ngà, Nguyễn Bảo Toàn, Phan Khắc Sửu, Trần Văn Ân…
– Thanh Niên Tiền Phong của Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch.
– Nhóm trí thức.
– Liên đoàn Công chức,
– Tịnh độ cư sĩ của ông Lâm Văn Hậu.
– Cao Đài Giáo
– Việt Nam Độc Lập Vận Động Hội (Phật Giáo Hòa Hảo)
– Nhóm Đệ Tứ Quốc Tế của quí ông Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch.. Nhóm này về sau mới gia nhập.

Mặt trận chánh thức thành lập vào ngày 14-8-1945 và thường hội họp ban đêm hoặc ở nhà ông Huỳnh Văn Phương ở Chợ Lớn, Trụ sở Tổng Công Đoàn ở đường Lagrandière (nay là đường Gia Long), hoặc Trường Vẽ Gia Định nơi Đức Huỳnh Giáo Chủ tạm mượn nơi làm chỗ tập hợp chiến sĩ để thành lập Đệ Tứ Sư Đoàn, nhứt là Trụ sở Việt Nam Quốc Gia Độc Lập Đảng tại đường Léon Combes (nay là đường Sương Nguyệt Ánh).
Ngày 21-8-1945, Mặt Trận có tổ chức một cuộc biểu tình tại Sài Gòn.
MẶT TRẬN VIỆT MINH. – Tình hình trở nên khẩn cấp từ giờ từ phút. Người ta bắt đầu nghe đến danh từ Việt Minh.
Ngày 23-8-1945 có tin Việt Minh đã cướp chánh quyền ở Hà Nội và thành lập chánh phủ Trung Ương Lâm thời.
Qua ngày 24-8-1945 tại Huế cử hành lễ thối vị của Bảo Đại trao quyền lại cho đại diện chánh quyền Hà Nội gồm có quí ông: Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận.
Cũng trong ngày ấy, ông Nguyễn Văn Sâm, Khâm sai Nam Bộ cho dời thủ lãnh V.M. ở Sài Gòn đến nhường lại quyền hành.
Và ngày 25-8-1945 Lâm Ủy Hành Chánh Nam Bộ do ông Trần Văn Giàu làm chủ tịch, long trọng làm lễ ra mắt trong một cuộc biểu tình khắp các đường phố. Đâu đâu người ta cũng nói đến Việt Minh và bàn tán về V.M. cướp chánh quyền. Vậy Việt Minh là gì? Ý nghĩa nó ra sao?
Danh từ Việt Minh là do Việt Nam Độc Lập Đồng Minh, gọi tắt là: Việt Minh là một mặt trận, cứ theo tôn chỉ trong bản Điều lệ:
“Liên hợp tất cả các tầng lớp nhân dân, các đảng phái cách mạng, các đoàn thể dân chúng yêu nước đặng cùng nhau đánh đuổi mối dã man xâm lược, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập, dựng lên một nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa”.
Về điều kiện gia nhập thì “Việt Nam Độc Lập Đồng Minh” kết nạp từng đoàn thể. Không cứ đảng phái nào của người Việt Nam hay các dân tộc thiểu số sống trong nước Việt Nam hay các dân tộc thiểu số sống trong nước Việt Nam, không phân biệt giai cấp tôn giáo và xu hướng chánh trị, hễ thừa nhận mục đích, tôn chỉ và chương trình của V.M. và được Tổng bộ V.M. thông qua thì được gia nhập V.M.
Cứ xem qua tôn chỉ thì V.M. là một mặt trận gồm đủ các thành phần V.M. là một mặt trận gồm đủ các thành phần trong xã hội, thế tất chánh phủ do V.M. tổ chức phải là một chánh phủ liên hiệp và điều hành theo nguyên tắc dân chủ.
Nhưng sự thật thì không thế. Về hình thức thì có vẻ liên hiệp. Song về điều hành thì hoàn toàn thuộc về Cộng Sản Đệ Tam Quốc Tế độc tài lãnh đạo.
Đây xem thành phần của Lâm Ủy Hành Chánh Nam Bộ, gồm có 9 Ủy viên mà hết 4 Ủy viên là Cộng sản như :
– Trần văn Giàu, Chủ tịch kiêm Ủy trưởng Quân sự.
– Nguyễn văn Tạo, Ủy trưởng Nội vụ kiêm Tổng Thư ký,
– Dương Bạch Mai, Thanh Tra chánh trị miền Đông kiêm Tổng Giám đốc Công an.
– Nguyễn Thành Tây, Thanh Tra chánh trị miền Tây. Còn lại 5 Ủy viên:
– Ủy trưởng ngoại giao: Phạm Ngọc Thạch, chỉ huy Thanh niên Tiền Phong đã tuyên bố chiều ngày 22-8-1945 ly khai Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhứt và gia nhập, theo Mặt Trận Việt Minh.
– Ủy trưởng Tuyên Truyền: Huỳnh Văn Tiểng thuộc Đảng Tân Dân Chủ, thân Cộng.
– Ủy trưởng Tài chánh: Từ Bá Đước thuộc Dân Chủ Đảng.
– Ủy trưởng Canh Nông: Ngô Tấn Nhơn thuộc Việt Nam Quốc Gia Độc Lập Đảng ly khai.
– Ủy trưởng Lao Động: Hoàng Đôn Văn thuộc Tổng Công Đoàn thiên tả.

Tất cả quyền hành đều tập trung vào tay Trần văn Giàu, nghĩa là Độc tài Cộng Sản Đệ Tam Quốc Tế, chớ không phải là một Chánh phủ liên hiệp đúng theo tôn chỉ của Mặt Trận Việt Minh. Vì vậy khi thấy danh sách niêm yết, Đức Huỳnh Giáo Chủ hạ lời phê bình: “Đó là một hành động độc tài, trái với chánh thể dân chủ Cộng Hòa”.
Sau ngày Lâm Ủy hành chánh Nam Bộ thành lập, tình hình trở nên nghiêm trọng đòi hỏi một sự đoàn kết toàn dân mới mong cứu vãn. Thế mà Lâm Ủy tỏ ra bất lực, hơn nữa dở ngón độc tài đối với các đảng phái trong nước, càng làm cho thế nước lâm nguy, sự đoàn kết rời rã.
Nhứt là sau ngày 2 tháng 9 năm 1945, toàn quốc tổ chức cuộc biểu tình khổng lồ mừng ngày nước nhà độc lập, cuộc xô xát xảy ra giữa khối quần chúng biểu tình với đám thực dân Pháp đang nuôi mộng trở lại đô hộ Đông Dương mà Lâm Ủy lại tỏ ra thái độ khiếp nhược càng làm cho các đảng phái phẫn uất cực độ.
Trong lúc đó, những tin bất lợi cho nền độc lập quốc gia dồn dập đưa đến. Nào là chi đội thứ 11 của Pháp (llè RIC) trước kia bị Nhựt tước khí giới, nay được Đồng Minh võ trang trở lại và quân đội Pháp đã xuống chiến hạm Richelieu và Triomphal sắp đổ bộ lên Vũng Tàu.
Trước kia các đảng phái quốc gia lầm tưởng V.M. là bạn tranh đấu bên cạnh Đồng Minh sẽ được Đồng Minh ủng hộ, bắt Pháp phải trả chủ quyền Việt Nam lại cho Việt Minh; nhưng đến chừng đọc truyền đơn của Trần văn Giàu cho rải và dán khắp nơi mới ngã ngửa. Trong truyền đơn ấy, Trần văn Giàu tuyên bố:
– Đối với Nga là bạn,
– Đối với Tàu như răng với môi,
– Đối với Mỹ chủ trương thương mãi nên không có mộng xâm lăng.
– Đối với Anh nội các Attlee (thủ lãnh Đảng Lao Động) mới lên nắm chánh quyền khuynh tả.
– Vì vậy bề ăn nói của chúng ta rất dễ dàng.

Nghe Trần văn Giàu tuyên bố như thế, các đoàn thể đều ngao ngán, mới vở mộng, té ra Lâm Ủy Hành Chánh do Trần văn Giàu thành lập không phải là chánh phủ V.M. bạn của Đồng Minh.
Các đảng phái trong Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhứt cảm thấy có phận sự bắt Lâm Ủy Hành Chánh phải cải tổ thành một chánh phủ V.M. nghĩa là một chánh phủ Liên Hiệp gồm đủ các phần tử quốc gia yêu nước hầu có đủ lực lượng đối phó với thời cuộc.
Sau phiên họp tại nhà ông Huỳnh Văn Phương ở Chợ Lớn, Ông Dương văn Giáo được hội nghị phái đến gặp Trần văn Giàu để đưa nguyện vọng cải tổ Lâm Ủy Hành Chánh. Giàu chỉ hứa suông chớ không đáp ứng theo sự đòi hỏi của Mặt Trận.
Ngày 4 tháng 9 năm 1945, Mặt Trận lại họp tại Trường Vẽ Gia Định do Đức Huỳnh Giáo Chủ chủ tọa, còn ông Đặng văn Ký làm Thơ ký, có hai ông Cao Hồng Lãnh và Hoàng Quốc Việt đại diện Tổng bộ Việt Minh ngoài Bắc vừa phái vào tham dự. Ông Hoàng Quốc Việt chấp nhận đề nghị cải tổ Lâm Ủy và yêu cầu Mặt Trận chọn người. Phiên họp đã khuya nên hẹn tái họp ngày 7 tháng 9 năm 1945 tại trụ sở Tổng Công Đoàn đường Lagrandière (nay là đường Gia Long).
Trong phiên họp đêm 7 tháng 9 năm 1945, ông Hoàng Quốc Việt có trình bày sứ mạng của các đại biểu được cử vào Nam là để cùng các đồng chí Nam Bộ thỏa thuận tu chỉnh lại Kỳ Bộ Việt Minh. Ý kiến nầy khơi màu cho một cuộc tranh luận sôi nổi chung quanh vấn đề “V.M.giả” với “V.M. thiệt”.
Nên biết, ngay khi V.M. nắm chính quyền ở ngoài Bắc, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã phái ông Nguyễn Xuân Thiếp ra Bắc tiếp xúc với Tổng Bộ Việt Minh và lãnh chỉ thị về Nam.
Ngài đã nắm chắc tài liệu về tổ chức V.M. nên mới hỏi hai đại biểu Tổng Bộ V.M. rằng:”Đại biểu chánh thức của Việt Minh Nam bộ là ai?”.
Ông Hoàng Quốc Việt bèn nói rõ: “Chính ông Huỳnh Phú Sổ”.
Ngoài nhãn hiệu “V.M.giả”, Trần Văn Giàu còn mang thêm hồ sơ “đi đêm với Pháp” nên không được Đông Dương Cộng Sản Đảng tín nhiệm. Hồ sơ nầy do ông Huỳnh Văn Phương tiết lộ.
Bị lật tẩy, Trần Văn Giàu vô cùng phẫn uất; thốt ra giọng hằn hộc đối với Đức Huỳnh Giáo Chủ, nhưng đại biểu các đảng phái khéo giàn xếp nên rốt cuộc Lâm Ủy Hành Chánh được cải tổ, đổi lại thành Ủy Ban Nhân Dân Nam Bộ do Phạm Văn Bạch làm chủ tịch còn Trần văn Giàu làm Phó kiêm Ủy Viên quân sự.
Hội nghị kéo dài trong bầu không khí nặng nề, đến 21 giờ thì Lý Huê Vinh, cánh tay mặt của Giàu bước vào đưa cho Giàu một điện tín cho hay Hòa Hảo nổi lên đảo chánh và đã chiếm cứ Cần Thơ (2).
____________________________________
(2). Đây là 1 bức điện tín giả tạo, vì thật ra ngày hôm sau tức 8-9-1945 mới có cuộc biểu tình ở Cần Thơ.
Ông Giàu hỏi gay gắt Đức Huỳnh Giáo Chủ: Ông chưởng giáo nghĩ sao?
Đức Huỳnh Giáo Chủ đáp: Tôi tin chắc cuộc đảo chánh ấy không có, hay là một cuộc ngộ nhận. Nếu có, sự hội họp các tín đồ Hòa Hảo ở Cần thơ thì đó là một sự huy động về tôn giáo mà thôi. Là người lãnh đạo Hòa Hảo, tôi nhận chịu trách nhiệm đối với chánh phủ. Tôi sẽ gởi đại diện về Cần Thơ nội trong đêm nay để biết rõ tình hình rồi sẽ phúc trình tường tận.
Ông Cao Hồng Lãnh cũng yêu cầu Ngài can thiệp gấp. Phe ông Giàu muốn quản thúc Đức Thầy nhưng các đại biểu can thiệp nên không có việc gì đáng tiếc xảy ra. Đức Thầy được thong thả ra xe về.
CUỘC BIỂU TÌNH Ở CẦN THƠ. – Sự thật thì không có cuộc đảo chánh ở Cần Thơ như bọn Trần Văn Giàu vu khống mà là một cuộc biểu tình của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo tổ chức tại Cần Thơ ngày 8-9-1945 đề phản đối chế độ độc tài. Trên lịch sử chống độc tài, có thể nói: tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo là chiến sĩ tiên phong trên đất nước Việt Nam.
Đây là một cuộc biểu tình lớn nhứt xảy ra ở miền Tây với những khẩu hiệu phản ảnh trung thực nguyện vọng của nhân dân khát khao dân chủ, đòi quyền được tự vệ chống xâm lăng đang lấp ló trước ngưỡng cửa Việt Nam:
– Võ trang quần chúng.
– Tẩy uế những phần tử thúi nát trong Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ.
– Ủng hộ chánh phủ Việt Minh.
Cho được hợp pháp, Ban tổ chức có xin phép với Ủy Ban Hành Chánh tỉnh Cần Thơ và được chấp thuận nhưng đến giờ chót bọn độc tài đổi thái độ (1).

_________
(1). Đây là âm mưu có tính toán để gài bẫy tín đồ P.G.H.H.
Chúng ra lịnh giải tán và trong lúc những người biểu tình lần lượt ra về, chúng cho nổ súng vào đám quần chúng không võ trang.
Một số tín đồ bị giết, còn lại bao nhiêu chúng bắt giam, trong số đó được biết quí ông: Huỳnh Thạnh Mậu, bào đệ của Đức Thầy, ông Nguyễn Xuân Thiếp tức thi sĩ Việt Châu, người đã được Đức Thầy phái ra Bắc liên lạc với Tổng Bộ Việt Minh, ông Trần Ngọc Hoành, trưởng nam của ông Trần văn Soái tức Năm Lửa, ông Lâm Thành Nguyên, ông Chung Bá Khánh, Ông Đỗ Hữu Thiều, nhiều nhân viên trọng yếu trong Ban Trị Sự các tỉnh.
Ngày mồng 2 tháng 9 năm Ất Dậu (7-10-1945) chúng ra lịnh hành quyết ba ông: Mậu, Thiếp và Hoành tại sân vận động Cần Thơ. Còn các ông Chung Bá Khánh, Đỗ Hữu Thiều, Võ văn Thới, Nguyễn Hữu Giáp, Lâm Thành Nguyên… thì chúng cho dời đi Vàm Láng Thé (Trà Vinh) và hành quyết ngày 24-9 Ất Dậu. Chỉ trừ ông Lâm Thành Nguyên nhờ giả điên nên được chúng tha khỏi chết.
TAI NẠN. – Sau đêm 7-9-1945, mặc dầu chúng để cho Đức Thầy được tự do ra về, vì sự can thiệp của đại diện các đảng phái, nhứt là có sự hiện diện của quí ông Cao Hồng Lãnh và Hoàng Quốc Việt đại biểu Tổng Bộ Việt Minh được phái vào, nên bọn Trần Văn Giàu chưa dám làm hỗn, nhưng trong thâm tâm vẫn ôm mối hận thù về việc bị lộ tông tích đi đêm với Pháp. Vì vậy Trần Văn Giàu tìm cách hại Đức Thầy cũng như bao nhiêu phần tử quốc gia khác bằng thủ đoạn hết sức đê tiện là vu khống và vu khống.
Đây là ngón gian manh nhứt của bọn độc tài. Sáng ngày 8-9-1945, một thông cáo được đưa ra trên mặt báo chí:
“Chánh phủ lâm thời Nam bộ đang dự bị lập Ủy ban điều tra mỗi tỉnh, mục đích là để xem xét và tố cáo bọn phản quốc; bọn nầy sẽ bị Tòa Án Nhân Dân trừng trị, tài sản của họ sẽ bị tịch thâu, ruộng đất của họ sẽ bị lấy lại chia cho dân nghèo”.
Với bản thông cáo nầy, mặc tình bọn độc tài Trần văn Giàu tác oai tác quái. Hàng vạn đồng bào bị giết cũng vì bản án Việt gian khủng khiếp, làm đẫm máu một đoạn sử Việt Nam. Cái thủ đoạn vu khống đê hèn nầy, trước hết chúng đem áp dụng với đối với Đức Thầy và tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo.
Đêm mồng 4 tháng 8 năm Ất Dậu (9-9-1945) Trần văn Giàu ra lịnh cho thuộc hạ bao vây văn phòng Đức Thầy tại số 8 góc đường Sohier-Miche (nay là góc đường Tự Đức – Phùng Khắc Khoan) nơi Đức Thầy dùng làm trụ sở cho Việt Nam Độc Lập Vận Động Hội.
Trước khi bao vây, Trần Văn Giàu dùng quỉ kế bằng điện thoại kêu ngay Ngài nói chuyện để biết chắc chắn Ngài có tại văn phòng, thế mà khi chúng đến bao vây và lục soát thì không tìm ra Ngài. Chúng bắt một số tín đồ đưa lên xe chở đi. Trong số anh em bị bắt kể lại, lúc ấy anh em cố tìm xem coi Đức Thầy có bị bắt hay không, đến chừng không thấy, anh em mới vững dạ để cho chúng đem về giam ở khám công an rồi vài ngày sau đưa vào nhà lao.
Khi bọn chúng đi rồi, trong văn phòng còn lại một số anh em tín đồ ngơ ngác thì Ngài từ trên lầu bước xuống. Anh em bu lại hỏi Ngài làm sao chúng lục soát mà không gặp thì Ngài trả lời là Ngài đứng tại góc thang lầu, chúng có rọi đèn chóa nhưng không thấy. Nhờ vậy mà Ngài được yên ổn. Liền đó anh em đưa Ngài ra ngõ sau vượt qua một bức tường thì có xe chực sẵn rước Ngài đi Gia Định.
Ngày sau Ban Trị Sự Tỉnh Gia Định được lịnh đưa Ngài lánh nạn lên Biên Hòa, tạm ẩn nơi nhà ông Phán Ký; ở đây không đầy mười hôm, V.M. tình nghi dọ dẫm, một tín đồ bèn đưa Ngài đi Long Thành vào ở trong vườn trà huế, sở hữu của ông Phán Ký, cách lộ trên một cây số, ở khoảng cây số 51 đường Sài Gòn đi Long Thành.
Tưởng đâu đến đây sẽ được ở yên, nào ngờ gặp phải hàm oan. Số là khi Ngài đến thì trong xóm xảy ra một vụ cướp bóc. Họ nghi cho mấy anh hộ vệ của Ngài là gian tế nên kéo nhau đến vây bắt. Một số anh em bị bắt, may mà Ngài thoát khỏi. Hay tin chẳng lành, Ban Trị Sự Tỉnh Gia Định đến can thiệp mới giải oan mấy anh em hộ vệ ấy.
Thấy không thể ở lâu nơi đây được, nên liền sau đó, anh em hộ vệ đưa Ngài xuống Bà Rịa, ẩn lánh ở Cỏ May.
Khi mới đến, Ngài ở trong một chiếc ghe chở muối hư, sau bị theo dõi nên phải đi sâu vào rừng chà là, nương náu nơi nhà một người khách trú, tuy không phải tín đồ nhưng tiếp đãi Ngài rất hậu.
Trong một bài tự thán, Ngài đã bộc lộ nỗi lòng đau khổ của Ngài trong mấy vần thơ:
Nước non tan vỡ bởi vì đâu!
Riêng một Ta mang nặng khối sầu.
Lòng những hiến thân mưu độc lập,
Nào hay tai họa áp bên lầu.
Bên lầu tiếng súng nổ vang tai,
Trời đất phụ chi kẻ trí tài.
Mưu quốc hóa ra người phản quốc,
Ngàn thu khối hận dễ nào phai.
Từ ấy lao mình vượt khổ nguy,
Băng rừng lội suối giả man di.
Ngày mong ải Bắc oan nầy giải,
Đem sức ra nâng lá quốc kỳ.

Đăng nhận xét

[facebook][blogger]

Ẩn Danh Cư Sĩ PGHH 1939

Liên Hệ với PGHH 1939

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget