THIÊN THỨ NHỨT GIAI ĐOẠN RA ĐỜI MỞ ĐẠO
Chương I: Bối-cảnh xã-hội
Lịch sử thường chứng nhận, trong những hoàn cảnh xã hội
băng hoại, nhơn tâm ly tán, thế đạo suy đồi, lòng người hung ác, mê muội bạo
tàn . . . là lúc Thánh nhơn ra đời để dìu dắt nhơn dân, cải ác tùng lương, chấn
chỉnh luân thường đạo nghĩa.
Như Đức Phật Thích Ca ra đời vào lúc xã hội Ấn Độ phân chia
giai cấp trầm trọng, các mối ngoại đạo thạnh khởi, mê hoặc lòng người, gây
thành một trạng huống hỗn loạn, làm cho tâm trí con người đảo điên, đời sống mê
mờ tăm tối. Ngài ra đời để đem đạo trí huệ soi sáng lòng người, đức từ bi phá
tan giai cấp xã hội.
Ở Trung Quốc, Đức Khổng Tử ra đời cũng vào thời Xuân Thu
chiến quốc, các nước thôn tính lẫn nhau, trật tự xã hội rối ren, đời sống nhân
dân cùng khốn, luân lý suy đồi, cang thường đảo lộn. Ngài ra đời đem lại đạo
nghĩa, chỉnh lại nhơn luân, xây dựng lại trật tự xã hội băng hoại, đào tạo nên
hạng người quân tử làm mẫu mực trong đời.
Ở Trung Đông, Chúa Cơ Đốc giáng lâm cũng vào thời con người
hung ác, xã hội mê lầm. Ngài đem tình bác ái ban rải khắp nơi, treo gương hy
sinh cao cả biểu dương tình thương bất diệt.
Cứ theo thông lệ, các bực Thánh nhơn hay các đấng cứu thế
lâm phàm, luôn luôn phải hội ít nhất ba điều kiện sau đây:
1. Thời cơ hay vận mạng của quốc gia mà bực Thánh
nhơn chọn lâm phàm có đúng lúc cần đến sự giúp đỡ của Thánh nhơn để dạy dỗ nhơn
dân chưa?
2. Hoàn cảnh có thuận tiện cho sự xuất hiện của
Thánh nhơn chưa ? nghĩa là một xã hội băng hoại đang cần đến Thánh nhơn cứu
vãn.
3. Cơ duyên của chúng sanh có chính mùi và có thuận
cho sự giáo hoá của Thánh nhơn chưa ? nghĩa là Thánh nhơn đã gieo duyên với
nhân dân ở một địa phương nào đó, nay Thánh nhơn ra đời, do nhân duyên đã gieo
mà Thánh nhơn được chúng sanh hưởng ứng.
Nếu Thánh nhơn ra đời mà không hội đủ ba điều kiện trên
đây, nghĩa là chưa hạp thời cơ, không hạp hoàn cảnh hay không có cơ duyên với
chúng sanh thì chẳng những trên không hạp lòng Trời, mà dưới không hạp lòng người
thì lấy ai hưởng ứng hầu cứu thế độ dân, hoàn thành sứ mạng.
Xét về trường hợp Đức Huỳnh Giáo Chủ, chúng ta nhận thấy:
Về điều kiện thời cơ, Đức Huỳnh Giáo Chủ có cho biết:
“Vì thời cơ đã đến, lý Thiên đình hoạch định, cuộc nguy cơ thảm họa sắp tràn
lan …”
Về hoàn cảnh, Ngài đã nhận: “Thiên Tào đã xét định, khắp
chúng sanh trong thế giới trong buổi Hạ nguơn này, say mê vật dục, chìm đắm
trong biển lợi danh, gây nên nghiệp quả, luật Trời đà trị tội, xét kẻ thiện căn
thì ít, người tội ác quá nhiều, chư Phật mới nhủ lòng từ bi cùng các vì chơn
Tiên lâm phàm độ thế, trước ra công cứu khổ, sau chỉ rõ cơ huyền, khuyên kẻ thế
hướng thiện quày đầu, cải tà quy chánh thì mới mong Thiên đình ân xá bớt tội
căn để kịp đến Long Hoa chầu Phật”.
Về khoản cơ duyên, Ngài đã nhận rằng:”Ta là một trong
các vị cứu đời ấy. Ai liễu Đạo nơi quốc độ nào thì cũng phải trở về quốc độ ấy
mà trợ tế nhân dân, vì thể lòng từ bi bác ái cùng thù đáp những linh hồn đã trợ
duyên trong nhiều kiếp giúp ta nương cậy tu hành nên ngày 18 tháng 5 năm Kỹ
mão, Ta hoá hiện ra đời cứu độ chúng sanh …”
Đức Huỳnh Giáo Chủ xuất thế cũng ở trong hoàn cảnh tương tợ
như Đức Phật Thích Ca ở Ấn Độ, Đức Khổng Tử ở Trung Quốc và Chúa Cơ-Đốc ở Do
Thái, nghĩa là ở vào thời kỳ xã hội băng hoại, luân lý suy đồi, nhơn dân đồ
thán.
Trong suốt thời gian ngót 80 năm dưới ách đô hộ nghiệt ngã
của ngoại bang, nước Việt Nam đã lâm vào tình trạng cực kỳ đen tối, hủ hóa cả
hai phương diện Đời và Đạo.
A – VỀ PHƯƠNG DIỆN ĐỜI:
Tháp tùng theo đoàn binh viễn
chinh xâm lược, ngọn gió Tây Âu tràn vào Việt Nam làm ngả đổ thuần phong mỹ tục
của ngàn xưa. Tiêm nhiễm lấy nền văn minh vật chất, trọng ở sự phù phiếm xa hoa
về thể xác hơn tinh thần, người đời đua chen theo những thói hư tật xấu, làm bại
hoại gia đình, hư hèn phong hóa.
I – Về gia đình: Việc loạn luân cang kỷ, càng ngày
càng chất ngất, như giữa cha con thì mất cả hiếu từ, giữa vợ chồng thì mất cả
ân nghĩa, giữa anh em thì mất cả kính thuận, giữa bè bạn thì mất cả thành thật,
giữa chủ tớ thì mất cả trung tính . . . Ngoài ra, giữa tôi chúa không còn trung
nghĩa, giữa thầy trò mất cả kỉnh thành. Nói tóm lại đạo luân thường đã hư hèn bại
hoại:
Gẫm nhiều người bội bạc thâm ân.
Nào kể chi là đạo Quân Thần,
Tôi giết chúa, con đành sát phụ.
Lúc nguy cơ tớ mong hại chủ,
Trò giết thầy tội ấy đáng không?
Thêm chồng giết vợ, vợ giết chồng,
Niềm huynh đệ cùng nhau xâu xé.
Cũng hiếm lúc con còn giết mẹ,
Giành của tiền cốt nhục giết nhau.
Tranh lợi danh giết lẫn đồng bào,
Tình nhân loại phân chia yểm bách.
II – Về phong hoá thì xã hội càng ngày càng đồi bại, nảy
sanh ra nhiều hạng người: đàng điếm chơi bời, gian phi hung ác, ích kỷ sâu dân
. . .
[1] Hạng đàng điếm chơi bời không lúc nào thạnh hành bằng
từ khi có ngọn gió vật chất thổi mạnh vào làm cho con người say mê.
a) Quen thói chè chén say sưa vất mả, la ó đánh đập, sanh ra lắm việc tồi tàn;
b) Đàng điếm đĩ thỏa, son phấn lả lơi, trêu hoa cợt nguyệt,
bày trò dâm loàn, khả ố;
c) Đấu kê đổ bác, dối gạt lận lường, thua thiếu nợ nần sanh
ra cướp giựt;
d) Hút xách nghiện ngập, cạo ống vét nồi, cầm quần bán áo, làm
những điều hèn hạ nhuốt nhơ.
Về vấn đề này, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã khéo trách thiện trong mấy vần thơ dưới
đây:
Ở thị thiềng đua chen xướng khởi,
Những tuồng hư do bọn gái lẫn trai.
Nào hút thuốc phiện hội ve chai,
Nào trùm đĩ ma cô, nghề hút máu.
Ai để mắt nhìn xem châu đáo,
Chẳng khỏi than dùm dân tộc quá hư hèn.
Diện áo quần son phấn lấn chen,
Miễn cho mình được lên xe xuống ngựa.
Mảng điểm tô huy hoàng nhà cửa,
Ai khốn cùng để mặc đất, trời xoay.
[2] Hạng gian phi là những kẻ:a) Chuyên sống về nghề khoét
vách đào tường, năm này tháng nọ chẳng chịu ra sức làm ăn, ngoài ra còn bày mưu
này kế nọ lường gạt kẻ làm ăn chơn chất mà lòng không chút ăn năn cải hối.
b) Chuyện sống về nghề mua giựt bán giành, buôn lậu đầu cơ,
lường cân tráo đấu, hại kẻ quê mùa dốt nát, vì mình mà sống cơ cực thiếu thốn.
Về hạng này, Đức Huỳnh Giáo Chủ thường khuyên:
Việc bán buôn phải giữ ngang cân,
Chớ tập tánh lận lường tráo đấu.
Các công cuộc của người tánh xấu,
Ta giữ gìn chớ có nhiễm vào.
c) Chuyên sống nghề cho vay cắt cổ, vốn một lời mười, thi
hành phát mãi, ở đợ nát lời gây nên một cảnh trạng bức hiếp thê thảm cho kẻ cô
thân bần tiện.
[3] Hạng hung ác là những người:
a) Chưởi cha mắng mẹ, rủa xả chòm riềng, không kiêng già cả, kêu réo Thánh Thần,
miệng không ngớt lời độc ác với kẻ trong nhà cũng như người ngoài ngõ.
b) Ỷ khôn lanh húng hiếp những người hiền lương khờ khật, từ
miếng ăn cho đến thức mặc đều đặt trên lẽ hung tàn ác độc
[4] Hạng ích kỷ là hạng người chỉ biết sống riêng,
ngày tháng cứ bo bo giữ của, không lòng bố thí. Chẳng những thế mà lại còn tham
lam vùa hốt của người một cách sâu hiểm.
[5] Hạng sâu dân là hạng người giá áo túi cơm, phỉnh gạt
dân chúng bằng ngòi viết ngọn roi khiến cho đám dân đen phải sống dưới sự đán
áp bóc lột mà họ vẫn ngang nhiên không biết xấu xa hổ thẹn. Về hạng này Đức Huỳnh
Giáo Chủ đã lắm phen thống trách như mấy vần thơ dưới đây:
Đời cũng lắm bao người giá áo,
Nương bã vinh nhiều hạng túi cơm.
Thấy dân ngu trong dạ sẵn hờm,
Quyết kiếm thế đặng toan lừa dối.
[6] Hạng người ngộm là hạng người:
a) Vô ích trong xã hội, sống một cách trơ trẽn dưới sự ám ảnh của nhục dục, chỉ
biết ăn với ngủ, không khác gì đời sống của con vật. Về hạng này trong Sấm giảng
có đoạn tả như vầy:
Đời lắm kẻ đầu trâu mặt ngựa,
Coi sự sống như Tiên nưa nửa;
Mê mồi thơm như cá lục châu
Sao chẳng lo thức tỉnh quày đầu,
Cho khỏi thẹn với người Thượng cổ.
b) Vô liêm sĩ, chỉ vùi đầu óc trong cuộc truy hoan dật lạc,
lo chưng dọn hình vóc lả lơi, bày trò bướm ong hoa nguyệt một cách nhơ nhuốt tối
tăm. Chẳng những thế mà lại còn tự phụ vào mớ học văn minh cặn bã, trở lại phỉ
báng ông cha, khinh chê cổ tục, không chút liêm sĩ thẹn thùa. Về hạng này, Đức
Huỳnh Giáo Chủ không ngớt than phiền như mấy câu dưới đây:
Văn minh sửa mặt sửa mày,
Áo quần láng mướt ngày ngày ăn chơi.
Dọn xem hình vóc lả lơi,
Ra đường ăn nói những lời nguyệt hoa.
Trong tâm chứa những điều tà,
Lời ăn tiếng nói thật là quá lanh.
Xưng là đầu trẻ tuổi xanh,
Chẳng trau hiền đức học hành làm chi?
Khôn ngoan thời những chuyện gì,
Cũng là lừa dối vậy thì dân quê.
Người xưa nó lại khinh chê,
Ông cha hủ bại u mê hơn mình.
Tự do trai gái kết tình,
Với lo trau sửa cho mình đẹp tươi.
Gái trai đến tuổi hai mươi,
Chẳng kiêng cha mẹ nói cười lả lơi.
So hình sửa sắc chiều mơi,
Đặng làm những chuyện trái đời vô liêm.
Cớ sao chê cổ trọng kim,
Phụ cha phản chúa lỗi niềm tôi con.
Thấy đời trần hạ thon von,
Ai nuôi cho lớn mà còn khinh khi.
Ông cha thuở trước ngu si,
Mà ngay mà thật hơn thì đời nay.
Học hay lợi dụng tiền tài,
Lên quan xuống huyện ăn xài lả lê.
Gặp ai đói rách cười chê,
Miệng kia hễ mở chưởi thề vang rân.
Chẳng lo rèn trí lập thân,
Để làm xảo trá khổ thân sau này (*)
________________________________________________________________
(Chú thích: (*) Thanh Sĩ và Vương Kim: Để Hiểu Phật Giáo Hoà Hảo, tr 55-59)
Trên đây là trạng huống đồi trụy của xã hội Việt Nam về
phương diện Đời, đến như về phương diện Đạo, tinh thần đọa lạc cũng không kém.
B – VỀ PHƯƠNG DIỆN ĐẠO:
Nước ta từ ngàn xưa đã tiêm
nhiễm đạo Nho và đạo Phật là hai mối đạo làm nền tảng cho phong hóa kỷ cương,
xây dựng nên quốc thạnh dân cường, đào tạo nên hạng người anh hùng tiết liệt
làm rạng rỡ cho quê hương đất nước.
Nhưng mấy lúc gần đây, những nền đạo lý nhân nghĩa tốt đẹp ấy
đã bị làn sóng văn minh vật chất lôi cuốn, khiến cho thất chơn truyền và một
ngày một suy lạc.
I – Về Đạo Nho thì thuyết tu, tề, trị, bình luân
thường đạo nghĩa của ngàn xưa đã đến hồi suy vi hủ bại. Kẻ học Nho ngày nay
không còn mấy người được phong độ quân tử, đem đạo Thánh Hiền truyền bá trong
dân gian, chấn chỉnh cang thường đạo nghĩa, gây nên một học phong sĩ khí mà chỉ
đem cái sở học ra áp dụng vào những việc buôn y bán lễ, làm thơ cợt nhã
trêu đời, coi như dưới mắt không ai, hiêu hiêu tự đắc.
Về hạng hủ Nho nầy, Sấm Giảng có đoạn biểu trạng như vầy:
Đàng nhu thầy lễ cũng kỳ,
Mắc phải chuyện gì phủ phục bình hưng.
Lại thêm đờn địch từng tưng,
Đem con heo sống mà dưng làm gì.
Chủ gia kẻ lạy người quì,
Làm chuyện dị kỳ giả dối hay không?
Nếu không thì trả lời không,
Bằng mà có dối thì hòng sửa đi.
Thương đời Ta luống sầu bi,
Học Nho cứ mãi làm thi ngạo đời.
Rung đùi ngâm chuyện trên trời,
Tình duyên cá nước vậy thời dỗ con.
Thấy đời Ta cũng héo von,
Học Nho mà chẳng làm tròn nghĩa nhơn. (*)
________________________________________________________________________________________
(Chú thích: (*) Thanh Sĩ và Vương Kim: Để Hiểu Phật Giáo
Hoà Hảo, tr.59)
Về hiện trạng suy đồi của đạo Nho, ông Thanh Sĩ có viết:
Trong nước chúng ta, trước kia hầu hết trong nước từ hàng vua quan đến dân dã đều
đồng nhất hưởng ứng lý thuyết của Khổng Tử là tu về nhân đạo. Mỗi người điều phải
học việc: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Việc này, phô trương khắp xứ, ai cũng biết.
Sau khi biết nhân, nghĩa, lễ, trí, tín rồi họ thật hành, như: Tôi trung với
vua, con hiếu với cha mẹ .v.v. dù ai cũng vậy. Nhưng từ sau ngày nước nhà bị trị,
nghĩa là kể từ đời vua Tự Đức trở lại đây, làn sóng văn minh phương Âu tràn vào
xứ sở, bôi xóa tất cả thành tích đạo nghĩa trước kia của dân tộc; từ đó đạo
nghĩa bị bôi lọ tất cả, đổi lại lắm thói tồi bại trong xứ sở. Vì thế đạo luân
thường phai dần đi, cho đến ngày nay, mặc dù có nhiều chùa miễu, nhiều tổ chức
trùng hưng đạo Thánh Hiền, nhưng không trở lại như cũ. (*)
________________________________________________________________________________________
(Chú thích: (*) Chú nghĩa loạt bài Huấn Luyện Đạo Đức của
Ban Hoằng Pháp tại Tây An Cổ Tự, tr 122).
II – Về Đạo Phật: Đạo Nho đã thế, đạo Phật cũng không
hơn gì.Trên lịch sử Việt Nam, Phật Giáo đặt vững cơ đồ ở đời Lý đời Trần. Nhưng
trải qua bao cuộc thăng trầm của đất nước, chánh pháp cũng theo thời gian mà
suy dần trong dĩ vãng. Thừa lúc loạn lạc, Trịnh Nguyễn phân tranh, rồi tiếp
theo thực dân đô hộ non một thế kỷ, tinh thần dân chúng hoang mang mất cả tự
tin; những lối tu yếm thế, mê tín dị đoan pha màu phương thuật lại được dịp xây
dựng quy mô, làm cho nền giáo pháp dân tộc phải thối triều trong khoảng thời
gian ngót năm thế kỷ.
Ông Thanh Sĩ cũng nhận tình tệ suy đồi của đạo Phật ở Việt
Nam như sau:
Cùng một cảnh huống đạo Khổng tử, đạo Phật Thích Ca ở xứ ta hồi thời nhà Đinh,
Lê, Lý, Trần rất thịnh đạt, không những trong dân chúng mà luôn đến hàng vua
chúa cũng cùng một tin tưởng mạnh mẽ …
Nhưng kể từ khi các vị Tổ bên Trung Hoa ngưng việc truyền y
phó bát đến nay, phái Thần Tú càng lúc càng thêm mạnh, không những ở Trung Hoa
mà còn truyền qua xứ ta, họ bày ra cách thờ cúng đầy thinh, âm, sắc, tướng (đờn
đẩu, trống phách, lầu phướn xá hạc .v.v..) làm việc hữu hình, hữu ảnh, dân
chúng xứ ta dần dần theo đó mà xa lần mối đạo Vô vi chánh pháp của Phật. Nền
chánh giáo từ đó ngày càng lu, các ngôi chùa miếu phần nhiều chỉ là cái vỏ để
các tà sư làm mê hoặc thập phương lợi dụng việc no cơm ấm áo vậy thôi, chớ họ
không chủ vào việc dắt người đến chỗ sáng sủa giải thoát. (*)
________________________________________________________________________________________
(Chú thích: (*) Chú nghĩa loạt bài Huấn Luyện Đạo Đức của
Ban Hoằng Pháp tại Tây An Cổ Tự, tr.122).
Về những lưu lệ do Thần Tú bày ra, như làm thầy đám, bày
chuông mõ, lầu phướn xá hạc, làm trai đàn, bày lắm trò âm thinh sắc tướng . . .
đã được Sám Giảng mô tả trong những đoạn sau:
Lũ thầy đám hay bày trò khỉ,
Mượn Kinh Luân tụng mướn lấy tiền.
Chốn Diêm Đình ghi tội liên miên,
Mà tăng chúng nào đâu có rõ.
Theo Thần Tú tạo nhiều chuông mõ,
Từ xưa nay có mấy ai thành;
Phật từ bi độ tử độ sanh,
Là độ kẻ hiền lương nhơn ái.
Xá với phướn là trò kỳ quái,
Làm trai đàn che miệng thế gian,
Kẻ vinh hoa phú quí giàu sang,
Mướn tăng chúng đặng làm chữ hiếu.
Ngoài những tệ đoan vừa kể, còn nhiều điều sai lầm khác nữa
như khoác áo thầy tu làm nhưn bông tụng mướn, bày việc đốt giấy tiền vàng bạc,
cúng kiếng chè xôi, bày trò hát Phật mà trong Sám Giảng của Đức Huỳnh Giáo Chủ
đã vạch trần nhiều đoạn sai lầm giả dối:
Kinh với Sám tụng nghe thảnh thót,
Lũ nhưn bông tập luyện đã rành:
Đẩu với đờn kèn trống nhịp sanh,
Làm ăn rập đặng đòi cao giá.
Tâm trần tục còn phân nhơn ngã,
Thì làm sao thoát khỏi luân hồi;
Những giấy tiền vàng bạc cũng thôi,
Chớ có đốt tốn tiền vô lý.
Xưa Thần Tú bày điều tà mị.
Mà dắt dìu bá tánh đời Đường;
Thấy chúng sanh lầm lạc đáng thương,
Cõi âm phủ đâu ăn của hối.
Đúc Phật lớn chùa cao bối rối,
Mà làm cho Phật giáo suy đồi;
Tu vô vi chớ cúng chè xôi,
Phật chẳng muốn chúng sanh lo lót.
Tăng với chúng ưa ăn đồ ngọt,
Nên bày ra cúng kiếng hoài hoài;
Ỷ nhiều tiền chẳng biết thương ai
Cúng với lạy khó trừ cho đặng.
Kẻ nghèo khó tu hành ngay thẳng,
Không cầu siêu Phật bỏ hay sao?
Lập trai đàn chạy chọt lao xao,
Bôi lem mặt bày tuồng hát Phật.
Nay nhằm lúc mùa màng ngập thất,
Vậy hãy mau bỏ bớt dị đoan.
Cao Đài Giáo cũng nhận thời kỳ nầy Tam Giáo đã thất
truyền nên nhơn sanh lần lần tiêu Đạo Đức, phế tinh thần, mới chuộng sự hữu
hình, nên bày những âm thinh sắc tướng. Không ai còn để ý lưu tâm đến chổ thâm huyền
cao viễn, chỉ ưa sự dễ dàng, tạn thấy tạn nghe, rồi cứ dãy lòng nhơn dục tham
mê, mới gây tội án nặng nề, phải mang lấy sừng lông mà bị thối hóa lại súc sanh
và luân hồi lục đạo.
Sự thất chơn truyền ấy đã biểu lộ ra các biến tướng trong
Tam Giáo.
1/ Đạo Thích, Đạo Thiền bày dị đoan từ thời Thần Tú làm mê
hoặc nhơn sanh. Vậy cũng phổ độ, cũng giựt giành mà chỉ đem con người vào đường
u ám, lạc lầm. Kinh Sấm truyền lại mà không khảo cứu, kiếm tầm cho ra chơn lý,
chẳng trí tham thiền, không gom thần nhập định.
2/ Còn Nho Giáo, sau đời Mạnh Tử, càng ngày càng lạc lầm,
đường thiên lý chẳng cần, chổ thâm nhiệm không rõ, chỉ học đặng khoe tài hay giỏi,
dục lợi cầu danh, tổn nhơn ích kỷ, chớ không chịu học để sửa mình, tầm hiểu cho
tột cùng cái lý cao siêu huyền bí, cái cơ nguồn cội muôn loài . . . (*)
________________________________________________________________________________________
(Chú thích: (*) Đại Thừa Chơn giáo tr 428).
Nói tóm lại, xã hội Việt Nam, sau ngày bị Pháp đô hộ, đã
băng hoại cả hai phương diện đời sống vật chất và tinh thần.
Nhan nhản những cảnh tượng đồi trụy xảy ra khắp hang cùng
ngõ hẻm, lắm trò bại lý thương luân.
Nơi thành thị vật chất hào hoa đã đánh mất bao nhiêu mầm
non của đất nước, sống với dâm ô, cờ bạc rượu chè, nhà thổ á phiện, gục ngã
trên đường trụy lạc.
Chốn thôn quê, tệ lậu mê tín dị đoan gieo rắc ủy mị yếu hèn
trong tâm hồn nông dân thiếu học. Đa số đồng bào chịu cảnh mù chữ. Đời sống đều
quây quần theo thầy bùa, thầy pháp, thầy ngải, thầy lỗ ban, xin xâm bói quẻ , hối
lộ Thánh Thần, sống cùng ma quỉ, làm ngăn cản con đường tiến thủ quốc gia, tiêu
trầm đức tự tín dân tộc.
Người đời phó thác tánh mạng cho thầy pháp thầy phù, cho ma quỉ. Hằng đêm cùng
làng khắp xóm, vang lên tiếng trống tiếng kèn, tiếng hò hét của thầy pháp, của
nhưn bông, của đồng bóng.
Đầu óc của hạng dân quê thất học đã thế, đến như hạng thanh
niên tân học thì trái lại, một khi cặp sách đến trường là xây mộng làm quan,
riêng hưởng vinh hoa phú quý trên mồ hôi nước mắt của đám dân đen chất phác.
Đến như giới cần lao thì chịu đựng số phận tôi đòi, bị bóc
lột, khủng bố mà không dám than van, phản kháng.
Chính trong hoàn cảnh đen tối thê thảm ấy, Đức Huỳnh Giáo
Chủ ra đời.
Đăng nhận xét