BỬU Ngọc Quân Minh Thiên Việt Nguyên,

寶玉君明天越元

SƠN Trung Sứ Mạng Đạo Nam Tiền.

山中師道地南前

KỲ Niên Trạng Tái Tân Phục Quốc,

奇年狀再新復國

HƯƠNG Xuất Trình Sinh Tạo Nghiệp Yên.

香出程生造業安

Tổ Đình Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH
Các Bài Viết Liên Quan
Cám Ơn Các Bạn Đã Ghé Thăm Website. Chúc Các Bạn An Lạc, Có Thêm Nhiều Kiến Thức Bổ Ích…
XIN THƯỜNG NIỆM PHẬT
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ - GIAI ĐOẠN RA ĐỜI MỞ ĐẠO - CHƯƠNG IV - ĐĂNG SƠN

ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ -CHƯƠNG IV - ĐĂNG SƠN

ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ - GIAI ĐOẠN RA ĐỜI MỞ ĐẠO - CHƯƠNG IV - ĐĂNG SƠN
ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ - THỜI KHÁNG PHÁP

ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ VÀ CÁC VỊ TIỀN BỐI - ÔNG BIỆN ĐÀI - HUỲNH THẠNH MẬU V.V.V

Chương IV: Đăng sơn

Mặc dầu với phương pháp chữa bịnh một cách huyền diệu, cho thi bài, viết Sấm Giảng, đã tỏ ra “không học mà thông” và ám thông tâm lý tức đã có tha tâm thông, khiến cho dân chúng qui ngưỡng theo Đức Huỳnh Giáo Chủ một ngày một đông, thế mà Đức Ông vẫn không tin, Ngài tìm đủ cách khuyên Đức Ông tu hành, nhưng Ông Cả (lời Đức Thầy thường gọi) không chịu nghe chỉ lo cờ bạc rượu chè.
Có hôm Đức Bà lo cúng lạy, Đức Ông mới kêu ngạo: Khi Bà về Tây phương, cho tôi “có giang”. Đức Thầy đang nằm, vùng ngồi dậy nói: Nếu ông đi trước bà thì ông mới quá giang với ai. Ông nên biết: Ông tu Ông đắc, Bà tu Bà đắc.
Vẫn thấy Đức Thầy làm bịnh và bịnh nhơn thường ngất xiểu, Đức Ông lấy làm lo sợ, nên một hôm nói rằng: Nếu muốn làm bịnh phải lên non lên núi, lãnh sắc lịnh về làm, chớ làm lậu như thế nầy, có ngày thường mạng cả đám.
Nhơn câu nói đó, Đức Thầy mới gài Đức Ông: Như thế là tôi phải dắt phần xác đi núi.
Thấy vậy, Đức Ông nói: Nếu đi núi thì phải cho tôi đi theo để giữ phần xác chớ không thể đi một mình được. Do đó mà có việc đăng sơn. Cốt ý là Ngài muốn tăng trưởng đức tin cho một số người chưa hoàn toàn tin vào sự giáo độ của Ngài.
Có tất cả 4 kỳ đi núi. 
1. Đăng sơn kỳ nhứt. – Đăng sơn kỳ nầy, Ngài dẫn Đức Ông đi núi Tà Lơn là một dãy núi nằm trong tỉnh Cần Giọt (Kampot) trên đất Cao Miên. Trong lúc chuẩn bị, có người hỏi Ngài: Trong lúc Ngài đi, có ai ở nhà tiếp tục chữa bịnh không? Ngài đáp: Ở nhà có ông Sơn (chỉ ông năm Chơn), cứ hỏi ổng thì biết hành trình mỗi ngày của tôi và nếu có ai đau ốm thì nhờ ông Năm chữa cho.
Quả thật khi Ngài đi rồi, mỗi ngày ông Chơn đều cho biết Ngài với ông Cả hiện ở đâu, ngủ tại núi nào. Khi Đức Ông trở về hỏi lại thật không có sai.
Trước khi lên đường, Ngài dặn Đức Ông đem đồ lớn theo, tức khăn đống áo dài để có lên núi làm lễ. Khởi hành vào buổi chiều và khi đến núi Sam thì tối. Đêm đó nghỉ tại Tây An Tự nhưng Ngài không ngủ, cứ thức ca hát suốt đêm. Ông sư trong chùa bảo ông Cả ra rầy Ngài thì Ngài trả lời: chùa nầy là của tôi, còn ông sư là người ở đậu.
Sáng ra, Ngài gặp cô Mười giữ mộ Phật Thầy bảo cô hãy xuống núi chớ nên ở lâu, rồi Ngài cùng Đức Ông lìa núi Sam. Khi đi Đức Ông có mua theo 4 ổ bánh mì, nhưng lần lượt Ngài bảo ông Cả cúng hết dọc đường. Ngài nói đi viếng cảnh Tiên Phật mà còn sợ đói. Sợ không có gì ăn, ông Cả có mua một mớ ổi xách theo, nhưng Ngài cũng không cho ăn. Trên đường đi qua Cao Miên, có xe Pháp từ Nam Vang chạy xuống Ngài bảo Đức Ông né một bên đường còn Ngài thì đứng dựa vào cột dây thép. Khi đến Sóc Mẹt (Tuk Meas) Ngài có ghé chữa bịnh cho một đứa trẻ, con người Miên. Cha mẹ nó không biết tiếng Việt, Ngài lại nói tiếng Miên, mặc dầu từ trước đến nay Ngài chưa hề học.
Chiều hôm ấy, Ngài dẫn Đức Ông lên núi, thì trời đã tối. Đêm đó, Đức Ông thấy 2 con cọp, cặp mắt sáng tợ đèn xe thì hoảng hốt bụm mắt lại. Thấy vậy, Ngài nói: Không sao đâu. Họ đến ủng hộ mình đó. Liền đó Ngài ra lịnh cho hai ông hổ đi.
Sáng ngày Ngài dắt Đức Ông đi, khi lội suối, khi trèo đèo rất vất vả, đến một cái hồ đầy sen, lá to lớn, cọng bằng đầu gối, gương bằng cái nia. Ngài nói đây là thứ lá sen Tây vức, Đức Ông than đói, Ngài chỉ nước dưới ao, Đức Ông lấy tay bụm lên uống thì thấy khỏe khoắn vô cùng.
Đi hết ngày, đêm lại ngủ. Trước khi ngủ, Đức Ông ra ngoài bẻ cỏ làm dấu đến chừng sáng dậy thì không phải chỗ cũ mà đã dời đi một nơi khác.
Đi được một đoạn đường, Đức Thầy tự nhiên ngồi xuống khóc mà rằng: Ông ơi! Không còn ai trong mình tôi nữa, chắc phen nầy phải bị cọp ăn. Đức Ông đâm ra lo sợ thì Ngài phá lên cười và trấn tỉnh Đức Ông.
Đêm đến, Đức Ông thấy bốn ông cọp. Hôm sau khi khởi hành, Đức Ông thấy lạnh buốt cả người. Ngài nói chư Thần thấy Ông ngộ nên vuốt ve chớ không sao. Đi được một đoạn đường Ngài bảo Đức Ông mặc đồ lớn vào, rồi chỉ một người ngồi trên vồ đá mà rằng: Đây là ông Nguyễn Trung Trực. Người ta nói ông bị Tây giết mà nay ông còn sống đó.
Vậy ông Cả nên lại làm lễ và nói chuyện với Quan Thượng Đẳng. Đức Ông đến nói chuyện và làm lễ hai lạy rồi từ tạ ra đi. Thấy nực, Đức Ông cổi khăn đống áo dài ra.
Đi một đỗi nữa, Ngài lại bảo Đức Ông mặc lại đồ lớn và chỉ một người ngồi trên vồ đá và nói: Đây là ông Trần Văn Thành tục gọi là ông Quản Thành hay Đức Cố Quản. Ông nên ra mắt người. Đức Ông đến đàm đạo và lễ hai lạy. Đức Cố khuyên Đức Ông về rán tu hành, ngày kia sẽ gặp lại nhau (1).
——–
(1). Theo lời thuật của Ông Truyền, nguyên kiểm soát Ban Trị Sự Thánh địa.

Đức Ông tiếp tục theo Đức Thầy lặn suối trèo non được 4 ngày thì than mỏi mệt đòi về. Ngài khuyên rán đi nhưng Đức Ông đi không nổi. Lúc ấy gặp được một khúc mây, Ngài đưa cho Đức Ông làm gậy, gượng chống chỏi mà đi. Đến một chỗ thấy có đèn nhang đang cháy, Ngài bảo Đức Ông đến làm lễ qui y.
Sáng ngày xuống núi, khi tới triền, Đức Ông ngồi nghỉ mệt, đến lúc đứng dậy ra đi lại quên cây gậy, thành thử Đức Ông định đem khúc mây về rốt cuộc cũng không đem được.
Về đến Tân Châu, Ngài ở lại ngủ nhà Ba Sánh một đêm, còn Đức Ông thì đi về trước. Sáng ngày sau Ngài vào chùa cô năm Hí ở làng Long Phú rồi đi qua làng Phú Thuận thăm chị là cô hai Đê, chữa bịnh cho đứa con của cô nầy mới trở về Hòa Hảo.
Cuộc đăng sơn nầy định đi trong 8 ngày, nhưng mới 6 ngày Đức Ông đòi về thành ra còn thiếu 2 ngày. Do đó mà khi về nhà, bảy ngày sau, Đức Ông phát xưng bàn chân trái, đau nhức trong 2 tháng mới lành. Cứ theo Đức Thầy cho biết: Đi kỳ này là để giải quả căn cho Đức Ông, cũng như các vị Hòa thượng đã mấy mươi năm công phu sám hối. Ông Cả không chịu giải quả kia thì phải chịu sự đau nhức nầy.
Sau khi đi núi về, Đức Ông rất hân hoan mà báo cho anh em đến thăm biết rằng:”Tôi đã gặp vàng thiệt rồi, các ông ôi! các ông hãy tin đi”.
2. Đăng sơn kỳ nhì. – Kỳ nầy Đức Thầy đi với Ông Ngô Ngọc Chơn tục gọi là đạo Năm, vào khoảng tháng 7 năm Kỷ Mão (1939).
Khởi hành đi bộ qua Cái Đầm rồi xuống đò qua Năng Gù, đón xe xuống lộ tẻ Mặc Cần Dưng rồi sang xe đi Xà-Tón (Tri Tôn). Đến chợ Xà -Tón, hai Thầy trò đi về hướng núi Tô, băng qua một cánh rừng rồi dò theo đường mòn mà đi, dọc đường gặp người Miên, Ngài dùng tiếng Miên nói chuyện một hồi rồi mới đi.
Lên núi, lần lượt đến Sân Tiên, Điện Năm Căn, Mũi Hải nơi có một chiếc thuyền chìm thành đá, rồi thẳng lên chót núi đến Điện Kín, nghỉ đó một đêm, sáng hôm sau mới qua núi Cấm.
Khi đến Rầy Đét, đường lên núi, hai Thầy trò vẹt phá chông gai, đến hôm sau mới tới Vồ Bò Hong, nghỉ đây một đêm. Đêm đó Ngài kêu ông Yết Ma đang chữa bịnh, lại kêu bằng con và bảo xuất trình một vật báu của “Người xưa để lại”. Ông Yết Ma đem tờ giấy bạch có bốn chữ Bửu Sơn Kỳ Hương ra trình và lạy Ngài hai lạy để tạ lỗi gặp bực “Trên Trước” mà không biết.
Đến 4 giờ khuya, Thầy trò đi về hướng Tây; bữa sau xuống núi, không tiếp tục lộ trình đi Hà Tiên mà lại quay về Châu Đốc, đến kiếm Bếp Ngoan ở trại lính Mã tà bảo rằng đã đến thời kỳ rồi đừng giúp việc cho ngoại địch nữa, hãy bỏ nghề bùa ngải mà theo Thầy.
Ngài qua Tân Châu, đi xe về Chợ Vàm rồi qua bãi Phú Thuận thăm chị, ngủ đây một đêm để ông Chơn về trước, còn Ngài trưa hôm sau mới về.
3. Đăng sơn kỳ ba. – Kỳ nầy Đức Thầy dẫn theo 5 tín đồ là : Ông Phan Văn Báo tức Hai Báo ở Phú An, Ông Nguyễn Tấn Bực tức Biện Hùm ở Phú An, anh của Đại tá Rớt, Ông Nguyễn Văn Gia tức Ba Gia, Ông Nguyễn Văn Ban tức Sáu Ban và Ông Ngô Ngọc Chơn tức Đạo Năm.
Sáu Thầy trò khởi hành tại Hòa Hảo ngày 21 tháng 8 năm Kỷ Mão, đi viếng núi Két, đến núi nầy trong ngày và nghỉ đêm tại đó. Sáng lại, Thầy trò xuống núi rồi qua núi Cấm, đi Rầy Đét đăng sơn. Thấy ai nấy đều mệt mỏi, Đức Thầy mới khuyên: Rán đi để giải quả.
Trải qua nhiều đoạn đường cây cối um tùm, đoàn lữ hành đến một vùng rộng lớn có tòng bá, nhứt là thiên tuế sum sê, thỉnh thoảng lại có những tảng đá phẳng lỳ, nhiều cây bằng đọt như có ai hớt. Cảnh trí u nhàn, quả là một Kiểng Tiên tại thế. Lần lượt đi đến chùa Phật Lớn, Điện Đá Dựng, nơi đây ông Ba Gia thấy một ông hổ lớn. Nghỉ đó một đêm rồi hôm sau trở xuống chùa Ba Đạo, qua Thất Cao Đài, Điện Rau Tần. Trong khi nghỉ đêm ở đây, Đức Thầy có chữa bịnh cho một người mà thầy phù thủy đang chữa không hết.
Sáng lại, Thầy trò xuống núi, qua núi Tô, lên Điện Kín, lại Sân Tiên nghỉ một đêm. Tại Điện Kín có đường hầm đi qua núi Cấm. Ông Chơn có đốt đèn đi thử một đỗi mới trở lại.
Hôm sau, sáu Thầy trò trở về Châu Đốc, qua Tân Châu rồi về Hòa Hảo. Khi đi chuyến đó về Biện Hùm phát bịnh, đau thập tử nhất sanh. Có người đến trình với Đức Thầy và yêu cầu Ngài cứu chữa. Ngài nói: Ai bảo bẻ cây trái của người ta chi cho bị phạt, về bảo nó nguyện vái tạ lỗi, uống nước cúng thì hết. Quả thật Biện Hùm nhìn nhận có bẻ đem về một túi ớt hiểm mà ông thấy mọc đầy trên núi.
4. Đăng sơn kỳ tư.  Kỳ nầy Đức Thầy dẫn ông Ngô Thành Bá tục gọi Biện Đài ở Hòa Hảo đi núi Tà Lơn.
Khởi hành ngày mồng 6 tháng giêng năm Canh Thìn (1940), hai Thầy trò được chở bằng xe đạp qua Cái Đầm, đi đò sang Năng Gù, đón xe đi Châu Đốc rồi sang xe khác vào Tịnh Biên. Đến đây vào 3 giờ, nghỉ đêm nhà của chị ông Đài. Đêm đó Ngài giảng đạo cho nhiều người nghe.
Sáng hôm sau lên xe đi Cần Giọt, đến nơi độ 3 giờ chiều. Hai Thầy trò đi vào chân núi và ngủ trọ nhà ông lão 70 tuổi, đệ tử của ông Cử Đa. Đêm đó, Ngài có đọc thuộc lòng một đoạn giảng quyển thứ ba cho ông lão nghe và khuyến khích tu hành, hẹn sẽ gặp lại.
Sáng hôm sau từ giã ông lão, hai Thầy trò lên núi. Đi tới chơn núi hồi 8 giờ, qua phía trong máy nước, đường Cam Chại, xuống tắm dưới suối, rồi mỗi người thay một bộ đồ dà. Sau đó theo đường Cam Chại lên núi, vào độ 1 giờ trưa thì tới Trung Tòa hay Long Thoàn, ghé vào một ngôi chùa nhỏ, tặng nhà sư ba quyển giảng rồi từ giã ra đi.
Đến ngã tẻ, Đức Thầy bảo đi qua điện Cô Nhứt, đi tắt qua Bà Ngự sẽ gần hơn một phần ba đường đi điện Minh Châu. Vì đi tắt nên đường dốc ngược gập ghềnh, bước muốn sụt lui, mệt lả người, mồ hôi ra như tắm.
Vào lối 3 giờ chiều mới tới điện Cô Nhứt. Từ đây đường bằng phẳng dễ đi nên 5 giờ chiều thì Thầy trò trở ra lộ lớn bề ngang bốn thước, quẹo qua tay trái độ 500 thước thì tới điện Cao Vân. Đêm đó Thầy trò ngủ trên một tảng đá bằng phẳng.
Sáng ngày mồng 9, Thầy trò đi đến Ruộng Năm Dây độ 10 giờ trưa, có đường đi qua Bà Ngự nơi ông Cử được điểm đạo.
Đến đây hết đường mòn, Thầy trò phải băng qua đèo, lội qua suối, thấy tòng bá chen nhau, cực kỳ xinh đẹp; dò lần đến Châu Thiên là một nơi “Tiểu Bồng Lai Tiên Cảnh”.
Nửa giờ sau lại đến Tứ Giao Điện thì mặt trời vừa chen lặn. Nhẹ bước vào điện, không thấy bóng người, chỉ thấy tương chao, chén đũa ngổn ngang trên bàn.
Đói quá ông Đài xin Thầy lấy cơm khô ra nấu rồi luộc đọt rau mà ăn. Bữa cơm đó, ông Đài cho là ngon nhứt trong đời ông. Điện nầy có 4 tảng đá lớn giao khít nhau thành hình chữ thập nên gọi là Tứ Giao Điện.
Đêm đó Thầy trò dẫn nhau lên nóc điện, lên hương đèn cầu nguyện, rồi xuống điện nằm trên sạp bằng cau rừng, Đức Thầy nói: trên trước dạy Thầy đem mầy lên non một tháng. Từ đây còn lên Lan Thiên Trường Sanh, qua Nhị Hoàng, lên núi Tổ mới trở về.
Nhưng ông Đài thấy lương thực kém khuyết mà đường sá còn xa thì sợ chết đói nên đòi về. Thế là sáng ngày mồng 10, Đức Thầy bảo sửa soạn trở về vì ở nhà có việc lộn xộn (vụ Đạo Tưởng giết người tế cờ ở Tân Châu và bị Pháp tàn sát). Trên đường về, Đức Thầy có ghé điện Quan Ngự sử của cựu trào, khi Pháp thôn tính Việt Nam, vào ẩn tu cho đến đắc đạo.
Ngài bảo ông Đài lên đèn hương đảnh lễ còn Ngài thì dùng tiếng bí mật nói với Quan Ngự sử. Xong xuôi Thầy trò ra đi, Thầy thì cầm một khúc cây dọn đường đi trước, còn trò thì nối gót theo sau, hết lên triền lúc xuống núi, sau đến một cái hang tối om, mùi hôi hám. Đức Thầy hỏi ông Đài: Mầy muốn coi cọp núi không ? Đây, mầy chun vô sẽ gặp. Nói xong, Ngài đẩy ông Đài vô, nhưng ông Đài thụt lại và nói: Úy, Thầy ôi! coi kìa dấu chân ông thầy dẫm đầy hang; vô không được đâu.
Ngài nói: Sao mầy nhát quá vậy. Ngài bảo mãi nhưng ông Đài không dám chun. Rốt cuộc Ngài nói: Không chun vô thì thôi. Ta hãy đi.
Nói rồi, hai Thầy trò ra đi, đến 10 giờ trổ ra một cái suối lớn có chổ rộng 100 thước tây. Đến 3 giờ, Đức Thầy dẫn đi dốc ngược lên núi vào ngay một cái điện. Ngài nói tiếng trên và bảo ông Đài lên hương đảnh lễ.
Trong lúc đi đường, có khi Ngài lớn tiếng kêu chư Thần: Hỡi các vị Thánh Thần! hãy theo Thầy xuống núi cứu thế độ dân. Hôm nay Thầy đã lâm phàm rồi, sao các ông còn ở đây.
Sáng ngày 11, Thầy trò đi đến một con suối, nước đổ ồ ồ, cùng nhau xuống tắm rồi mới đi. Ngài bỏ ông Đài ở sau đến cả công đất. Ngài phải dừng chơn đứng đợi, khi ông Đài đến thì hoảng hốt vì thấy một con cọp đang uống nước gần đó.
Đi đến 10 giờ trưa, ông Đài đi hết nổi, tối tăm mày mặt, ôm vào một gốc cây. Ngài trở lại vuốt ngực, đọc chú và cho ông Đài nhai một nắm lá có chất ngọt. Vài phút sau thì ông Đài khỏe lại.
Từ đó trở đi, đường sá hiểm trở, có chỗ phải bò, khi vượt lên, lúc lại tuột xuống. Ngài dẫn ông Đài lên một ngọn núi cao vót ít có cây mọc. Trên núi có suối chảy, nước trong như mắt mèo. Có lúc Ngài lội ngang suối, còn ông Đài thì vịn theo thân cây ngã ngang mà bò qua. Ngài rầy sao không lội nước thì ông Đài đáp: Lội chi cho ướt mình.
Ngài nói: Thầy đi đàng nào, trò phải đi đàng nấy. Từ đây cấm mầy không đi như vậy nữa.
Đi một đổi, Ngài ngồi lại, ôm đầu gối mà than: Phen nầy chắc chết. Trên trước dẫn Thầy đến đây rồi bỏ đi đâu mất. Hôm nay Thầy có chết cũng an thân vì Thầy không có gia đình, sự sản, vợ con; chỉ thảm thương mầy có con vợ, sự sản mà hôm nay nghe lời Khùng Điên đến đây tuyệt mạng, đau khổ biết chừng nào!
Ông Đài nghe nói phát sợ, nhưng cũng cố gắng đáp: trên trước còn trong mình Thầy, chớ có đi đâu.
– Sao mầy biết?
– Vì Thầy nói tiếng âm đằng điện.
– Tại miệng Thầy muốn nói.
– Tại sao miệng tôi nói không được. Thầy nghĩ coi, núi nầy tuy lớn, nhưng xét lại cơm khô ăn còn được ba bốn ngày.
Xin Thầy đi theo ngọn núi này, có lẽ một tuần nữa cũng trổ ra. Nếu hết lương thực thì ăn đỡ lá cây, đỡ đói cũng được.
Đức Thầy trợn mắt hỏi: Mầy chết sao dám nói vậy. Chẳng qua Thầy thử lòng mầy, chớ sự nghiệp mầy chừng đôi ba ngàn, gia quyến mầy chừng bảy chục người, chớ bao nhiêu. Còn Thầy đây nếu mai một đi rồi thì muôn triệu tín đồ trong buổi Hạ nguơn nầy lấy ai dắt dẫn.
Thầy trò lại lên đường. Ông Đài vấp chơn đổ máu, nhức đi không được. Ngài liền dùng phép mầu chữa cho hết đau. Ngài lại nói: Thầy trò mình đi mấy ngày đã đuối chơn, để Thầy kêu hai con cọp đặng Thầy trò mình cỡi đi cho khỏe.
Ông Đài từ chối không dám.
Ngài hỏi: Mầy muốn cỡi tượng không? Ông Đài cũng không dám.
Tối đêm đó, Thầy trò ngủ dựa mé suối. Khuya lại nghe tiếng rắc rắc, ông Đài mở mắt thấy bạch hổ thì sợ quá. Đức Thầy nói: Đó là Thần Bạch Hổ đến ủng hộ chúng ta.
Sáng ngày 12, đường đi vẫn còn khó nhọc. Ông Đài thấy nhánh cây mới chặt xéo, lá còn tươi xanh, lượm lên hỏi Thầy thì Ngài cho biết: Đó là dấu hiệu trên trước dẫn đường. Thầy trò phải băng qua một truông mây mới trổ ra lộ đá, đi về Cần Giọt đúng 6 giờ chiều. Về đây mới rõ vụ Đạo Tưởng nổi dậy ở Tân Châu.
Ngày 13, lối 3 giờ chiều, xe về đến Nhà Bàn. Hương giáo Tập đến mời Thầy về nhà dùng cơm. Đêm đó có người hỏi Thầy về những vật Phật Thầy Tây An trao cho ông Đình Tây đều được Ngài trả lời rành mạch.
Có ông lại bạch Ngài rằng: Bạch Thầy, mấy ông Đạo trên núi thường luyện phép để ngày sau phò vua giúp nước? Còn Đức Thầy sao không dạy đệ tử luyện phép như Tiên đạo?
Ngài đáp: Đạo Phật chỉ dạy con người lo tu tâm sửa tánh cho được trọn lành trọn sáng, còn phù phép thuộc về tà giáo. Còn ham phù phép tức là nuôi óc cạnh tranh cầu danh lợi; phép linh cũng như cá linh: nước vừa chớm giựt, loại cá nầy đua nhau lên nước trước nên phải chịu chết sớm. Các ông đừng ham linh mà bỏ mình.
Sáng hôm sau, ngày 14 Đức Thầy dẫn ông Đài đi núi Trà Sư, khi lên đến chót, Ngài chỉ con đường Nhà Bàn xuống Xà Tón và cho biết đến thời kỳ hỗn loạn thì con đường nầy phơi thây chật đất, máu chảy đầy đồng.
Trưa lại Thầy trò về nghỉ và lối 4 giờ chiều, Ngài dẫn ông Đài và sáu bảy anh em tín đồ đi núi Két; lên đến Sân Tiên, Ngài ngâm cho Hương giáo Tập chép bốn bài thi sau đây:
Non Tiên gió mát toại lòng thay!
Tức cảnh thi văn nhả một bài.
Cố tưởng ước mong về nhược thủy,
Ngặt vì không cánh lấy gì bay.
o0o
Dắt xác phàm phu viếng non đoài,
Hỏi nhờ đá cục ngủ đêm nay.
Chư sơn Bảy núi đồng qui tựu,
Thầy Tớ Kiểng Tiên rõ mặt mày.
o0o
Nhìn xem cây cỏ gió lung lay,
Sáng lại lui chơn trở gót hài.
Vậy hỡi chư Thần mau nối gót,
Theo Thầy dắt chúng khỏi nồng cay.(1)_________________________________________________________(1). Theo quyển: Dõi gót theo Thầy của Ngô thành Bá tự Đài.
VIẾNG THĂM CÁC LÀNG KẾ CẬN.  Sau khi dùng huyền diệu của Tiên gia chữa bịnh và đem giáo pháp nhiệm mầu của Đức Thích Ca phổ truyền bằng thi bài hay Sấm Giảng, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã thu nhận một số đông tín đồ. Vì cảm lấy ân đức cứu tử huờn sanh, vì nhận chân Ngài qua thi văn Sấm Giảng, thiên hạ từ vùng gần đến làng xa, đổ xô nhau xin thọ giáo qui y.
Một khi đặt vững đức tin vào lòng người và nhơn chút rỗi rảnh, Đức Thầy mới đi viếng các vùng lân cận, trước đến thăm viếng tín đồ, sau để đón nhận những người chưa có dịp ra mắt Ngài, mặc dầu đã nghe danh nhưng chưa được diện kiến.
Hồi xưa Đức Phật Thích Ca sở dĩ thường đi vân du nơi nầy chốn nọ, cốt ý là để biện giải những lý lẽ nhiệm mầu hầu phá tan tà thuyết dị đoan ngoại đạo. Do đó mà Ngài thu phục nhiều tín đồ trong hàng ngoại đạo quay về với chánh pháp, như trường hợp của Thập lực Ca Diếp. Hơn nữa dung nghi đẹp đẽ của Ngài, nếu không đi đó đi đây thì những người có duyên lành không có dịp chiêm ngưỡng, cảm mộ dung nhan, sanh lòng hoan hỷ rồi qui ngưỡng, theo như trường hợp của A-Nan tôn giả. Ngoài ra, thân Phật có phát ra hào quang, người nào may mắn xuông lấy hay tiếp nhận ánh sáng từ quang ấy thì thân tâm trở nên thanh tịnh, kích phát tâm Bồ đề, hướng về chánh pháp, cầu đạo vô sanh.
Ngày nay, Đức Huỳnh Giáo Chủ vân du, tuy không như Đức Phật, nhưng đây là một dịp để gần gũi hầu chỉ dạy mọi điều đạo đức, những lẽ nhiệm ý mầu cho những người có duyên lành sớm qui đầu Phật pháp. Cũng có trường hợp, Ngài gợi lại mối duyên xưa mà Ngài đã gieo trong những kiếp trước như trường hợp Ngài đến viếng làng Mỹ Hội Đông.
I.  Viếng làng Mỹ Hội Đông.  Làng Mỹ Hội Đông nằm trên Cù lao ông Chưởng, giáp mặt với sông Hậu và Nam ngạn Vàm Nao, đối diện với làng Hòa Hảo và cù lao Bình Thủy.
Ngài sang viếng ngày 22 tháng giêng năm Canh Thìn (1940). Trong kỳ viếng nầy, có hai việc đáng ghi nhận:
1. Ông Lương văn Tốt tức Thầy Tám Tốt, một vị lương y ở Mỹ Hội Đông, khi nghe  Ngài đến thì ra lộ đón chào. Ông đã nghe tiếng Ngài, đã có đến ra mắt ở Hòa Hảo, nhưng còn muốn thử Ngài một lần nữa, nên khi Ngài đi ngang thì ông ra đón hỏi:
– Hôm nay, Ông Tư cũng đi du lịch nữa sao?
Ngài cải chánh tại chỗ.
– Không ! Tôi đi ngao du mà!
Từ danh từ “du lịch”, Ngài sửa lại danh từ “ngao du” đủ chứng tỏ Ngài là bực siêu phàm.
Nghe Đức Thầy cải chính như vậy, ông Tám Tốt hốt hoảng, chào Ngài một cách kính cẩn và sau đó nói cho mọi người biết, Ngài dùng hai tiếng “ngao du” đủ chứng minh Ngài không phải là người phàm nhơn. Chỉ có bực Tiên Thánh mới dùng hai tiếng “ngao du”, thay vì “du lịch” của hàng phàm tục.
2. Ở Mỹ Hội Đông có gánh họ Lâm, trong thời kỳ Cần Vương chống Pháp đã có công cho ông Nguyễn Trung Trực tá túc, sau khi bị Pháp phá vỡ cơ sở kháng chiến ở miền Đông và Đồng Tháp, di binh về miền Tây, đến tá ngụ nhà ông Lâm Hàm Ninh ở xã Mỹ Hội Đông một thời gian. Binh tướng của Ngài thì đóng ở Tà Niên tỉnh Kiên Giang, còn riêng Ngài thì tá túc ở gánh họ Lâm, để tránh sự dòm ngó, theo dõi của Pháp và đám Việt gian tay sai. Trong lúc tá túc, Ngài thường liên lạc với Đức Cố Quản ở Bình Thạnh Đông và đặt một số người liên lạc hay vận lương cho binh sĩ đồn trú ở Tà Niên.
Một điều huyền bí là chừng như có sự giao cảm tự nhiên giữa gánh họ Lâm và Đức Huỳnh Giáo Chủ nên chi khi hay tin Ngài ra đời ở Hòa Hảo thì người trong gánh họ Lâm hầu hết đều đến qui ngưỡng.
Chiều ngày 20 tháng 11 năm Kỷ Mão (1939) ông Cả Mười trong gánh Họ Lâm có đến ra mắt Ngài và được Ngài cho hai bài thơ chữ Hán như sau:
Thiên lý vị nhiên tự sĩ hiền,
Ngôn xuất Lam Kiều dị khả biên.
Tam tấn tài phi ngô tất ảo,
Lưỡng hồn nhứt phổ họa lưỡng xuyên.
o0o
Thân thiện cô nhi nhược thủy hà,
Phi hùng Nhan Khước tỵ ngôn xoa.
Phổ yến tử tôn canh kiêm mộng,
Thể thống tam đồ lạc âu ca.
Sau khi đem về nhà, ông Cả Mười mặc dầu là một nhà Nho đã cùng nhiều nhà nho khác trong làng Mỹ Hội Đông bàn mãi mà không ra nghĩa. Cho nên hôm ngày 22 tháng giêng năm Canh Thìn (1940) nhân dịp Đức Thầy viếng làng Mỹ Hội, có ghé nhà ông Cả Mười. Ông bèn xin Ngài dịch ra chữ nôm hay quốc ngữ thì được Ngài dịch ra tiếng Việt như sau:
Trời đất chưa phân gọi sĩ hiền,
Lầu Tiên lời lẽ lạ gần biên.
Ba lần tranh đoạt, Ta ắt biến,
Gặp kẻ hai hồn độ hai xuyên.
o0o
Mình lành có kẻ độ qua sông,
Như có Thầy Nhan ẩn mặt hồng.
Tích trước Tiên thân thường đãi khách,
Ba đời an lạc hưởng hầu công.
Và trong bài thơ trường thiên “Viếng làng Mỹ Hội Đông” Ngài tặng anh em tín đồ có câu:
Duyên lành rõ được Khùng Điên,
Chẳng qua kiếp trước thiện duyên hữu phần.
II. Viếng làng Phú An.  Sau khi viếng làng Mỹ Hội Đông, Ngài đi viếng làng Phú An, một xã giáp ranh với xã Hòa Hảo, ở về phía Bắc.
Ngày 23 tháng giêng năm Canh Thìn, tức sau một hôm viếng Mỹ Hội Đông. Ngài hiệp với ông Năm Hiệu và Biện Hùm đi xe đạp lên Chợ Vàm. Trong chuyến đi nầy có hai việc đáng ghi nhận:
1. Trên đường đi Chợ Vàm, Ngài có cứu sống cô năm Mang mắc bịnh thời khí rất nặng, hết phương cứu chữa.
Thấy đông người tới lui, Ngài ghé hỏi, người nhà cho biết tự sự và yêu cầu Ngài cứu độ. Ngài nhận lời, bèn dùng nước lã bảo cho bịnh nhơn uống và đồng thời dạy đặt bàn hương án giữa trời.
Khi đặt xong, hỏi Ngài cho biết phải vái làm sao?
Ngài nói: Thì để cúng vái người ta.
 Danh từ “người ta” quá tổng quát, nên có người hỏi lại cho rõ nghĩa hơn. Ngài không trả lời, đi thẳng lên bàn hương án, nói trổng:
– Thôi! có hưởng rồi thì đi đi. Đừng có phá người ta.
Thế là hết bịnh, cô năm Mang được cứu khỏi.
Đoàn lữ hành tiếp tục đi thẳng lên Chợ Vàm và ghé nhà Hương Hào Phỉ là một gia đình đã qui ngưỡng theo Ngài từ khi Ngài mới ra đời mở đạo.
2. Khi vào nhà Hương Hào Phỉ, Ngài đi thẳng lên lầu. Nên biết lúc bấy giờ, còn dưới thời Pháp thống trị, mọi hành vi của Ngài đều bị lính kín theo dõi. Ngài lên lầu là cốt để tránh cặp mắt dòm ngó của công an và tránh cho những người đến tiếp xúc không bị làm khó dễ.
Ngài ngũ đêm nhà ông Phỉ. Đêm đó, Ngài thuyết pháp để thức tỉnh anh em tín đồ hiểu rõ sứ mạng của Ngài trong cơ hoại diệt của buổi Hạ nguơn mà quyết chí tu hành vẹn tròn đạo nghĩa hầu có:
Trả cho rồi nợ tiền khiên,
Đến ngày hiệp mặt Kiểng Tiên vui vầy.
Ngoài số tín đồ, Ngài còn tiếp một số nhà giáo do Ông Diệp Hồng Tỏ giới thiệu và nhứt là Thầy Ba Thận, một lão nho đã có lần đem thơ định thử Ngài nhưng chưa kịp đem ra thì Ngài đã đáp trước.
Đêm nay, cảm tình ông đến thăm, Ngài có cho hai bài thơ khích lệ như sau:
Đêm vắng mà sao cảm quá dài,
Văn nhu lão trưởng tiếng bi ai.
Tầm nơi yếu lý câu huyền diệu,
Thương thảm cho đời thưởng huệ mai.
o0o
Đoái tưởng lòng ông quá đỗi hiền,
Dặm trường tới viếng mượn ngòi nghiên.
Tỏ tình yêu quí người lương thiện,
Trông đợi ngày kia khỏi xích xiềng.

Đăng nhận xét

[facebook][blogger]

Ẩn Danh Cư Sĩ PGHH 1939

Liên Hệ với PGHH 1939

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget