BỬU Ngọc Quân Minh Thiên Việt Nguyên,

寶玉君明天越元

SƠN Trung Sứ Mạng Đạo Nam Tiền.

山中師道地南前

KỲ Niên Trạng Tái Tân Phục Quốc,

奇年狀再新復國

HƯƠNG Xuất Trình Sinh Tạo Nghiệp Yên.

香出程生造業安

Tổ Đình Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH
Các Bài Viết Liên Quan
Cám Ơn Các Bạn Đã Ghé Thăm Website. Chúc Các Bạn An Lạc, Có Thêm Nhiều Kiến Thức Bổ Ích…
XIN THƯỜNG NIỆM PHẬT
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ - Sự-Nghiệp Về Mặt Đạo: Tôn-Giáo Phật-Giáo Hòa-Hảo (Chương XIV - TU NHÂN)

ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ - Tôn-Giáo Phật-Giáo Hòa-Hảo (Chương XIV - TU NHÂN)


ẢNH ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ PGHH

CHÂN DUNG ĐỨC THẦY


Chương XIV: Tu Nhân


Tu Nhân tức là tu Tứ Ân để làm tròn Hiếu nghĩa:

là nền tảng của đạo Nhân tức là đạo làm người vậy. Không ai bỏ điều kiện hiếu nghĩa mà tu thành Tiên thành Phật bao giờ, vì Hiếu nghĩa là nền móng của đạo Nhân, cũng như muốn cất nhà phải xây nền đắp móng. Không xây nền, đắp móng thì làm sao dựng lên nhà cửa. Dầu có dựng sớm muộn gì cũng phải sụp đổ.
Tế Ðiên Hòa Thượng có nói: Dục tu Tiên đạo, tiên tu Nhân đạo. Nhân đạo bất tu, Tiên đạo viễn hỹ. Muốn tu thành Tiên thành Phật, trước phải tu đạo làm người, đạo làm người mà không tu thì đạo tu Tiên Phật còn xa vời vậy.
Nhưng muốn tu nhơn đạo, điều trước tiên là phải làm tròn điều Hiếu Nghĩa, như thánh nhơn đã nói: Thiên kinh vạn điển, hiếu nghĩa vi tiên. Muôn vạn quyền kinh Phật Thánh Tiên đều dạy sự hiếu nghĩa làm đầu.
Và theo Ðức Phât Thầy Tây An, “muốn làm xong hiếu nghĩa có bốn điều ân ta cần phải hy sinh gắng gổ mới mong làm trọn”.

Về bốn điều ân, Ðức Huỳnh Giáo Chủ có giải như vầy:
“Ân Tổ Tiên Cha Mẹ: Ta sanh ra cõi đời được có hình hài để hoạt động từ thuở bé cho đến lúc trưởng thành đủ trí khôn ngoan, trong khoảng bao nhiêu năm trường ấy, cha mẹ ta chịu biết bao khổ nhọc; nhưng sanh ra cha mẹ là nhờ có tổ tiên nên khi biết ơn cha mẹ, cũng có bổn phận phải biết ơn tổ tiên nữa.
Muốn đền ơn cha mẹ, lúc cha mẹ còn đang sanh tiền, có dạy ta những điều hay lẽ phải ta rán chăm chỉ nghe lời, chớ nên xao lảng, làm phiền lòng cha mẹ. Nếu cha mẹ có làm điều gì lầm lỗi, trái với nhân đạo, ta rán hết sức tìm cách khuyên lơn ngăn cản. Chẳng thế ta cần phải lo nuôi dưỡng báo đền, lo cha mẹ khỏi đói rách, khỏi bịnh hoạn ốm đau, gây sự hòa hảo trong huynh đệ, tạo hạnh phúc cho gia đình, cho cha mẹ vui lòng thỏa mãn. Rán cầu cho cha mẹ được hưởng điều phước thọ. Lúc cha mẹ quá vãng, hãy tu cầu cho linh hồn được siêu thăng nơi miền Phật cảnh, thoát đọa trầm luân.
Còn đền ơn Tổ Tiên, là đừng làm điều gì tồi tệ điếm nhục tông môn, nếu tổ tiên có làm điều gì sai lầm gieo họa đau thương lại cho con cháu, ta phải quyết chí tu cầu và hy sinh đời ta làm điều đạo nghĩa, rửa nhục tổ đường.
“Ân đất nước: Sanh ra, ta phải nhờ Tổ Tiên, cha mẹ, sống ta cũng nhờ đất nước, quê hương. Hưởng những tấc đất, ăn những ngọn rau, muốn cho sự sống được dễ dàng, giống nòi được truyền thụ, ta cảm thấy có bổn phận phải bảo vệ đất nước khi bị kẻ xâm lăng giày đạp. Rán nâng đỡ xứ sở quê hương lúc nghiêng nghèo, và làm cho được trở nên cường thạnh. Rán cứu cấp nước nhà khi bị kẻ ngoài thống trị. Bờ cõi vững lặng thân ta mới yên, quốc gia mạnh giàu mình ta mới ấm.
Hãy tùy tài tùy sức, nỗ lực hy sinh cho xứ sở. Thảng như không đủ tài lực đảm đương việc lớn, chưa gặp thời cơ giúp đỡ quê hương, ta phải rán tránh đừng làm việc gì sơ suất đến đỗi làm cho nước nhà đau khổ, và đừng giúp sức cho kẻ ngoại địch gây sự tổn hại đến đất nước.
Đó là ta đền ơn cho đất nước vậy.
“Ân Tam Bảo: Tam Bảo là gì? Tức Phật, Pháp, Tăng. Con người nhờ tổ tiên cha mẹ sanh ra nuôi dưỡng, nhờ đất nước tạo kiếp sống cho mình. Ấy về phương diện vật chất.
Về phương diện tinh thần, con người cần nhờ đến sự giúp đỡ của Phật Pháp Tăng khai mở trí óc cho sáng suốt. Phật là đấng toàn thiện, toàn mỹ, bác ái vô cùng, quyết cứu vớt sanh linh ra khỏi vòng trầm luân khổ hải. Thế nên Ngài mới truyền lại giáo pháp, tức là những lời chỉ dạy cho các chư tăng đặng đem nền đạo cả của Ngài ban bố khắp trần thế. Các chư tăng chẳng ai lạ hơn những đại đệ tử của Ðức Phật vậy. Bởi vì Ðức Phật luôn luôn chỉ dẫn và cứu vớt quần sanh thoát miền mê khổ, nên ta hãy kính trọng Phật, hãy tin tưởng và tín nhiệm điều chỉ dạy do các chư Tăng cho biết. Tổ tiên ta đã hiểu rõ sự nhiệm mầu, lòng quảng ái của Phật đối với chúng sanh, đã kính trọng sùng bái Ngài, đã hành động đúng theo khuôn khổ Ngài đã dạy và đã vun trồng bồi đắp cho nền đạo được phát triển thêm ra, xây một tòa lâu đài đạo hạnh vô thượng vô song, rồi truyền mãi mãi với hậu thế.
Nên bổn phận chúng ta phải noi theo chí đức của tiền nhân hầu làm cho trí tuệ minh mẫn đặng đi đến con đường giải thoát, dẫn dắt giùm kẻ sơ cơ và nhứt là tiếp tục khai thông nền Đạo đức đặng cái tinh thần từ bi bác ái được gieo rắc khắp nơi nơi trong bá tánh. Như thế mới chẳng phụ công trình vĩ đại của Ðức Phật và của tiền nhân để lại và không đắc tội với kẻ đời sau vậy.
“Ân đồng bào và Nhân loại: Con người vừa mở mắt chào đời đã thấy mình phải nhờ đến sự giúp đỡ của những kẻ ở xung quanh và cái niên kỷ càng lớn thêm bao nhiêu, sự nhờ nhõi càng tuần tự thêm nhiều chừng nấy.
Ta nhờ hột cơm của họ mới sống, nhờ miếng vải của họ mới ấm thân, nhờ cửa nhà của họ mới tránh cơn phong vũ. Vui sướng ta đồng hưởng với họ. Hoạn nạn họ cùng chia với ta.
Họ và ta cũng một màu da, cùng nói một thứ tiếng. Ta và họ hợp nhau thì thành lại một: ấy Quốc gia đó. Họ là ai? Tức những người ta thường gọi bằng đồng bào vậy.
Đồng bào ta và ta cùng chung một chủng tộc, cùng một nòi giống roi truyền, cùng có những trang lịch sử vẽ vang oanh liệt, cùng tương trợ lẫn nhau trong cơn nguy biến, cùng chung phận sự đào tạo một tương lai rực rỡ trong bước tiền đồ của giang san đất nước. Đồng bào ta và ta có một liên quan mật thiết, không thể rời nhau, chẳng thể chia nhau, và chẳng khi nào có ta mà không có đồng bào, hay có đồng bào mà không có ta. Thế nên, ta phải rán giúp đỡ họ hầu đáp đền cái ơn mà ta đã thọ trong muôn một.
Chẳng những thế thôi, ngoài đồng bào, ta còn có thế giới người đang cậm cụi cần lao cung cấp những điều nhu cầu cần thiết. Họ là nhân loại, là những người đang sanh sống với chúng ta trên quả địa cầu. Nếu không có nhân loại, thử hỏi dân tộc ta ra như thế nào? Ta có đủ vật liệu để dùng chăng? Ta có thể tự túc một cách đầy đủ chăng? Nói tóm lại, ta có thể lẻ loi đương đầu với những khi phong vũ nhiệt hàn, với những lúc ốm đau, nguy hiểm, giữ vững cuộc sống còn nầy chăng? Hẳn không vậy. Thế nên dân tộc ta phải nhờ đến nhân loại, nghĩa là nhờ đến dân tộc khác và phải biết ơn họ. Hãy nghĩ đến họ cũng như mình nghĩ đến mình và đồng chủng mình.
Vả lại cái tình từ bi bác ái của Ðức Phật mà ta đã nhận thức, rất thâm huyền quảng huợt. Cái tình ấy, nó không bến không bờ, không phân biệt màu da, không phân biệt chủng tộc; nó cũng không luận sang hèn và xóa bỏ hết các từng lớp đẳng cấp xã hội, mà chỉ đặt vào một: Nhân loại chúng sanh.
Thế, ta không có lý do gì chánh đáng để vì mình hay vì đồng bào mình, gây ra tai hại cho các dân tộc khác. Trái lại, hãy đặt vào họ một tin tưởng nhân hòa, một tinh thần hỉ xả và hãy tự xem mình có bổn phận giúp đỡ họ trong cơn hoạn nạn”.
Nói tóm lại, nếu ta đền đáp xong Tứ Ân tức là ta đã làm tròn điều Hiếu Nghĩa là nền tảng của đạo Nhân.
Vì vậy tu Tứ Ân có nghĩa là Tu Nhân hay đạo làm người.
Kết quả của Tu Nhân là tạo nên phước, như câu nguyện “chí dốc tu hiền tạo phước duyên”. Nó là nấc thang để bước lên địa vị Tiên Phật. Không hoàn tất việc Tu Nhân hay đạo Nhân thì không thể vượt lên hàng Phật Thánh.
“Cho nên điều kiện trước tiên của sự tu để thành Tiên thành Phật là phải hoàn mãn đạo làm người, cũng như muốn cất nhà phải xây nền đắp móng.” Vì vậy ông Thanh Sĩ có viết:
Muốn cho làm Phật làm Trời,
Trước nên làm trọn đạo người hiếu trung.

(Đám mưa dông)
“Ðức Huỳnh Giáo Chủ cũng cho biết, phải trả xong nợ thế tức nợ Tứ Ân hay đạo Nhân thì ngày kia mới đến được cõi Thượng nguơn (chỉ đến Thượng nguơn chớ chưa siêu thoát):
Trả nợ thế nghĩa ân trọn vẹn,
Cảnh non Bồng kỳ hẹn ngày mai.
Hay là:
Trả cho rồi nợ tiền khiên,
Ðến ngày hiệp mặt Kiểng Tiên vui vầy.
Do đó, Ngài luôn luôn khuyên người đời rán tu Nhơn đạo:
Hồng trần biển khổ thấy rồi,
Rán tu nhơn đạo cho tròn mới hay.
“Tu nhân đạo tức thị là tu Tứ Ân mà phàm ai làm người cũng có bổn phận lo đền đáp. Có đền đáp mới hoàn thành đạo Hiếu đối với Tổ Tiên cha mẹ và Tam Bảo, mới vẹn toàn nghĩa vụ đối với đất nước và đồng bào nhơn loại.
“Trong giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo, Ðức Huỳnh Giáo Chủ đặt nặng về tu Tứ Ân hay có thể nói Tứ Ân là yếu lý của Phật Giáo Hòa Hảo. Nó thuộc về phần Tu Phước trong Tu Nhân, cũng như pháp môn Tịnh độ thuộc về Tu Huệ trong Học Phật.
“Có Học Phật mà không Tu Nhân tức là có Tu Huệ mà không Tu Phước. Như thế chỉ có Ðức mà thiếu Công.
“Pháp tu hoàn bị nhứt là pháp tu kiêm Tu Phước lẫn Tu Huệ, hay vừa Tu Nhân vừa Học Phật thì mới trọn nghĩa Lập Công Bồi Ðức.
“Phương chi theo Ðức Huỳnh Giáo Chủ, Tu Nhân hay Tu Tứ Ân là phần căn bản của pháp môn Tu Nhân Học Phật là một pháp môn cốt đào luyện nên hạng người Hiền, hầu có hội đủ điều kiện dự Hội Long Hoa và sống đời Thượng nguơn Thánh Ðức.
“Mục đích của Phật Giáo Hòa Hảo là đào luyện người Hiền, thế nên muốn trở nên Hiền trước phải hoàn thành đạo Nhân hay tu Tứ Ân, thiếu nó thì việc Học Phật trở thành vô hiệu trong chương trình đào luyện người Hiền.
Thế nên, nếu không tu Tứ Ân thì đừng mong đạt thành quả vị trong việc Học Phật. Ðức Huỳnh Giáo Chủ đã quả quyết như vậy. Ngài khẳng định nếu không tu Tứ Ân thì khó mà còn được xác thân. Thân xác mà không còn thì lấy đâu để tu cho thành công đắc quả, như câu:
Nào là luân lý Tứ Ân,
Phải lo đền đáp xác thân mới còn.
“Chẳng những mất xác thân mà theo Ðức Huỳnh Giáo Chủ, còn phải đọa linh hồn nữa. Vì vậy nên Ngài không dứt khuyên tu Tứ Ân, nếu không, chừng bị đọa đừng có than trách:
Câu quân lý Tứ Ân chạm dạ,
Nếu chẳng gìn phải đọa đừng than.
“Ðó là hậu quả của sự thiếu tu Tứ Ân, đã mất xác thân mà còn đọa cả linh hồn. Cứ theo lời khuyên dạy của Ðức Huỳnh Giáo Chủ nếu ai mà hoàn thành được phép tu Tứ Ân, chẳng những được sống còn trong ngày hoại diệt mà còn dứt được tội căn:
Ðến ngày biển cạn non mòn,
Tứ Ân đã trả chẳng còn tội căn.
“Ngoài ra, nếu không siêu thoát thì cũng chứng quả Thần, như Ðức Huỳnh Giáo Chủ đã viết:
Một câu quan lý Tứ Ân,
Ta đừng phai lạt Phong Thần bảng ghi.
“Nhưng điều vinh hạnh hay có thể nói: kết quả pháp tu Tứ Ân là được trở nên người hiền, đúng như mục tiêu của pháp môn Học Phật Tu Nhân đã dự liệu:
Nhơn sanh hiếu nghĩa dĩ vi tiên,
Hành thiện tri kinh thị Sĩ Hiền.
“Hiếu nghĩa thuộc về tu Tứ Ân hay Tu Nhân, còn hành thiện (làm lành) và tri kinh (học kinh điển) thuộc về Học Phật. Như thế muốn trở nên Hiền nhơn, phải kiêm Tu Nhân và Học Phật, nhưng trọng yếu là phần Tu Nhân, vì có Tu Nhân hay Tứ Ân mới lập được thân danh và công trạng với đời, như nhận xét sau đây của Ðức Huỳnh Giáo Chủ:
Lập thân cứu thế nên công quả,
Muôn kiếp danh Hiền sách vẫn biên.
“Phải lập thân danh và công cứu thế thì mới có công: đó là điều kiện phải có để làm nên người Hiền:
Chữ thứ nhứt nhẫn năng xử thế,
Là người Hiền khó kiếm trong đời.
Lập thân danh từng trải nơi nơi,
Chờ thời đại mới là khôn khéo.
“Thì cũng nhận phải lập thân danh mới có công trong xã hội. Nhưng lập thân danh bằng cách nào? Nếu không phải bằng con đường tu Tứ Ân hay Tu Nhân đạo.
“Cho nên có thể kết luận, chỉ có con đường tu Tứ Ân mới lập được thân danh mà trở nên người Hiền, như pháp môn Học Phật Tu Nhân đã trù liệu.
“Và chỉ có người Hiền mới đủ điều kiện dự Hội Long Hoa và sống đời Thượng nguơn. Như vậy là mục đích đào luyện người Hiền của pháp môn Học Phật Tu Nhân đã đạt, nghĩa là gồm Tu Phước và Tu Huệ hay Tu Nhân và Học Phật.
Nợ thế âu toan đền nợ thế (Tu Nhân)
Đường tu sớm liệu vẹn đường tu. (Học Phật)
“Ðó là yếu lý của pháp môn Học Phật Tu Nhân, một pháp môn đáp ứng với căn cơ của chúng sanh và hoàn cảnh cấp bách của thời kỳ Hạ nguơn sắp chấm dứt, Hội Long Hoa sắp khai, và đời Thượng nguơn sắp lập”. (1)
Đó là sự nghiệp tôn giáo mà Ðức Huỳnh Giáo Chủ đã kiến lập với pháp môn Học Phật Tu Nhân để cứu độ chúng sanh trong thời kỳ hoại diệt của buổi Hạ nguơn.
Ngoài sự nghiệp về mặt đạo Ngài còn tạo dựng nên sự nghiệp về mặt đời với hai thành quả về Quân sự và Chánh trị để phương tiện hướng dẫn tín đồ cùng tham gia vào công cuộc cứu đời hầu có lập Công, cũng như hành đạo để lập Ðức.
_________________________________________
(1) Vương Kim: Tại sao ta phải tu. Tr. 225-230.

Đăng nhận xét

[facebook][blogger]

Ẩn Danh Cư Sĩ PGHH 1939

Liên Hệ với PGHH 1939

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget