BỬU Ngọc Quân Minh Thiên Việt Nguyên,

寶玉君明天越元

SƠN Trung Sứ Mạng Đạo Nam Tiền.

山中師道地南前

KỲ Niên Trạng Tái Tân Phục Quốc,

奇年狀再新復國

HƯƠNG Xuất Trình Sinh Tạo Nghiệp Yên.

香出程生造業安

Tổ Đình Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH
Các Bài Viết Liên Quan
Cám Ơn Các Bạn Đã Ghé Thăm Website. Chúc Các Bạn An Lạc, Có Thêm Nhiều Kiến Thức Bổ Ích…
XIN THƯỜNG NIỆM PHẬT
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

Bài 1.- ĐỨC PHẬT ĐỐI VỚI CHÚNG SANH

CÁC BÀI PHÁP-LUẬN CỦA ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ PHẬT GIÁO HOÀ HẢO CHÚ GIẢI CÁC BÀI PHÁP LUẬN Bài 1.- ĐỨC PHẬT ĐỐI VỚI CHÚNG SANH

CHÚ GIẢI CÁC BÀI PHÁP LUẬN ĐỨC PHẬT ĐỐI VỚI CHÚNG SANH


CÁC BÀI PHÁP-LUẬN CỦA ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ PHẬT GIÁO HOÀ HẢO

 CHÚ GIẢI  : THIỆN TÂM
(LƯU HÀNH NỘI BỘ)

CHÚ GIẢI CÁC BÀI PHÁP LUẬN
(trang 445 – 460 SGTVTB 2004)

 XUẤT XỨ VÀ VĂN THỂ
Đây là loạt bài Pháp luận nằm trong Thi Văn Giáo Lý Toàn Bộ, do Đức Thầy sáng tác năm Nhâm Ngũ (1942). Lúc đó Ngài đang lưu trú tại nhà ông Ký Giỏi (Bạc Liêu). Ngài viết các bài nầy bằng thể văn xuôi (tản văn), lối thuyết giáo. (Lẽ ra chúng tôi phải soạn bài Thập Nhị Nhân Duyên trước, nhưng vì theo lời ông Nguyễn Chi Diệp kể lại là Đức Thầy cho biết bài Thập Nhị Nhân Duyên và Môn Hoàn Diệt nằm trong Tứ Diệu Đề; nên chúng tôi soạn bài Đức Phật Đối Với Chúnh Sanh trước. Còn bài Thập nhị Nhân Duyên để sau soạn chung với bài “Sơ Giải Tứ Diệu Đề”)

Bài 1.- ĐỨC PHẬT ĐỐI VỚI CHÚNG SANH

CHÁNH VĂN
  Một ông cha ở trong gia-đình vẫn có lòng thương xót hết các con, dù lớn nhỏ, khôn dại gì cũng vậy. Tại sao ? Vì xét ra lớn nhỏ là tại đứa sanh ra trước, đứa sanh sau; khôn dại là tại đứa chăm học cùng biếng trễ, chớ cũng đồng là con đều do huyết nhục sanh ra. Vậy bổn-phận ông cha thì hết lòng lo dạy-dỗ các con, lo-lắng cho có gia-cư, nghiệp-nghệ, tài-sản để cho con, ruộng đất để cho con. Vậy thì tình thương vẫn đồng, mà cái chỗ âu-yếm ban thưởng nhiều khi có khác, ấy là phải tùy theo mỗi đứa. Tại sao vậy ? Vì đứa nào hiếu-thuận từ-hòa, dễ dạy, dễ biểu, thì ông cha âu-yếm hơn đứa ngỗ-nghịch, bạo tàn. Với đứa khó dạy thì ông chỉ biết than-thở mà thôi, chớ không thể âu-yếm đặng. Còn đứa nào cần-kiệm, lo giữ-gìn gia-sản của cha nó, chẳng cho hư-hoại, cẩn-thận từ ly, dầu lời nói hay việc làm để bảo-tồn danh-giá của cha nó, thì cha nó hằng ngày ban thưởng cho nó luôn, chớ không thể ban thưởng cho những đứa hoang chơi, tàn phá sự-nghiệp, làm những điều điếm-nhục gia-môn ! Những đứa ấy, ông cha có thể nén lòng mà rước lấy sự chế-nhạo, trách-cứ là nhiều lắm rồi, chớ làm sao mà ban thưởng đặng.
  Cũng mường tượng như trên, hỡi các người ! Đức Phật đối với chúng-sanh và môn-đồ như người cha đối với các hạng con trên đây vậy. Phật cũng yêu hết chúng-sanh, dầu kẻ ngu, người trí, yêu tất cả môn-đồ (dầu kẻ biếng-nhác với kẻ siêng-năng). Bởi tại duyên-nghiệp mỗi chúng-sanh chẳng đồng nhau, tu cao thấp khác nhau, nhưng mỗi chúng-sanh đều có Phật-tánh. Vậy lòng từ-bi của Phật là vì thương xót chúng-sanh, lo dạy-dỗ chúng-sanh, nhưng mà sự gần-gũi và ban phước-huệ vẫn có khác, vì phải tùy theo mỗi kẻ tín-đồ. Người tín-đồ nào hằng ngày vâng lời Phật dạy, rán lo học hỏi, tìm kiếm đạo mầu, quí trọng chuyện lành thì Phật thường gần-gũi hơn đứa đã dạy nhiều lần mà chẳng chịu nghe theo, và thường ban thưởng cho kẻ tín-đồ nào quí trọng kinh luật của Phật, chăm lòng giữ theo giới-luật, cẩn thận từ lời nói việc làm, đừng để cho người ta nhạo-báng Phật hay chê-bai Thầy của mình. Còn những kẻ tín-đồ dối tu, chẳng vâng lời dạy, chẳng giữ giới-luật thì trên là Đức Phật và dưới là ông Thầy của kẻ ấy chỉ lấy lòng từ-bi mà nhận sự trách-cứ của kẻ ngoại đạo, chớ không thể nào mà gần-gũi và ban phước-huệ cho kẻ chẳng thành-tín kia đặng.
      Bạcliêu, ngày 24-8 Nhâm-Ngũ (1942)
( SGTVTB 2004 , 447-449 )    

LƯỢC GIẢI :
Xưa nay sở dĩ người ta tin Phật, qui y Phật là vì nhận nơi Ngài có đức độ cao cả, trí tuệ siêu mầu vượt hẳn hàng phàm phu và Tiên Thánh. Có nhận thức một cách chính xác như vậy, người ta mới vui lòng hăng hái, vâng làm theo lời dạy bảo và giới hạnh của Ngài. Cũng nhằm mục đích đó, Đức Thầy dạy môn đồ bài “Đức Phật Đối Với Chúng Sanh”. Căn cứ theo chánh văn gồm có các phần như sau:

I.-TÌNH THƯƠNG CỦA CHA MẸ.

  1-Tình thương của cha mẹ đối với các con:
  Vì muốn cho tín đồ dễ hiểu, trước nhứt, Đức Thầy đưa ra một bằng chứng cụ thể trước mắt mọi người, là tình thương của người cha đối với đàn con trong gia đình. Tuy trong số các đứa con ấy có chênh lệch lớn nhỏ, thông minh hay ngu dốt, tật nguyền hay nguyên vẹn, nhưng cha mẹ vẫn thương đồng đều.
Bởi xét rằng do duyên nghiệp quá khứ và hiện tại của mỗi người con không giống nhau như kẻ sanh trước thì lớn, sanh sau thì nhỏ. Người con nào biết siêng năng học hành, tìm tòi những cái hay cái đẹp thì thông minh, còn kẻ nào lười biếng ham chơi sẽ bị ngu dốt. Người nào thời quá khứ hoặc hiện tại biết lo trau giồi tâm đức, ăn ở hiền lành thì được thân hình tốt đẹp, các căn đầy đủ. Còn kẻ nào tư tưởng hành động hung ác thì mang thân tật bệnh, xấu xa. Tuy thân tâm của các đứa con có khác biệt, song cùng đồng do huyềt nhục của cha mẹ sanh ra và cũng uống chung một dòng sữa cho nên tình thương của cha mẹ đối với các con không khác biệt.
2Bổn phận người cha:
  Do lòng thương yêu tha thiết ấy, nên người cha có trách nhiệm nuôi cho con lớn, dạy dỗ cho con khôn ngoan, lo cho con có nghề nghiệp căn bản sanh sống và đạo đức đối xử. Thậm chí cha mẹ còn phải lo tạo sự nghiệp, tiền của, ruộng vườn giành để cho con trước khi nhắm mắt,
Tóm lại, tình thương và sự lo lắng của cha mẹ đối với các con là đồng đều, nhưng sự âu yếm và ban thưởng vẫn có khác, vì phải tùy theo tánh chất tốt lành hay ngỗ nghịch của mỗi đứa con.
3-Đối với đứa con ngỗ nghịch:
  Con ngỗ nghịch là con bất hiếu, không vâng lời dạy bảo của cha mẹ, hung ác bạo tàn, lười biếng hoang chơi, phá hoại sự nghiệp, làm những điều xấu xa mất cả danh giá của gia đình, thân tộc. Đối với các đứa con nầy, người  cha chỉ biết than thở và nén lòng mà nhận sự chê bai, thống trách của kẻ khác, chớ không thể nào âu yếm và ban thưởng đặng.
4-Đối với đứa con tốt lành:
  Những người biết hiếu thuận từ hòa, siêng năng tiết kiệm, cẩn ngôn cẩn hạnh, lo giữ gìn sự nghiệp, giá phẩm của cha mẹ để lại, thì người con ấy sẽ được ông cha hằng ngày âu yếm và ban thưởng.

II.- TÌNH TỪ BI CỦA PHẬT VÀ THẦY

1-Phật đối với chúng sanh và môn đồ:
  Lòng từ bi của Phật và Thầy lúc nào cũng bình đẳng thương xót khắp cả, từ nhơn sanh, môn đồ đến muôn loài vạn vật hữu tình. Cũng thế, người cha đối với các hạng con vừa nói trên, bất luận trí ngu, tinh tấn hay giải đãi, hoặc phát tâm tu cao thấp, trước sau, song vì chúng sanh đều có Phật tánh như nhau, nên Phật và Thầy đều thương yêu tất cả. Kinh xưa thường nói:“Phật ái chúng sanh như mẫu ái tử”(Phật thương chúng sanh như mẹ thương con).
Ngày nay Đức Thầy dạy:
“Phật thương bổn đạo như con,
 Muốn cho bổn đạo lòng son ghi lời”.
Và:
“Tình yêu mà chẳng riêng ai cả,
   Yêu khắp muôn loài lẫn chúng sinh”.
2-Bổn phận của Tổ Thầy:
  Bởi đầy lòng từ bi bác ái, nên Đức Phật, Đức Thầy lúc nào cũng có bổn phận giáo độ chúng sanh ra khỏi vòng trầm luân oan nghiệt.
Phật Tổ xưa còn ở nơi trần,
  Ngài gắng sức ra công hoằng hóa”.
Và:
“Đâu đâu bá tánh cũng con lành,
  Thầy dạy cho đều khắp chúng sanh”.
Tuy lòng thương và sự giáo độ của Đức Phật và Đức Thầy rất bình đẳng, vô tư, song sự gần gũi và ban phúc huệ có khác, vì phải tùy theo duyên nghiệp và tâm hạnh của mỗi tín đồ.
3-Đối với tín đồ biết vâng lời:
  Đối với những tín đồ tốt thì Đức Phật và Đức Thầy  luôn luôn gần gũi, ủng hộ, ban phước. Họ là những người:
  – Biết tuân thủ lời chỉ dạy của Đức Phật, Đức Thầy, lo học hành Kinh Giảng để tìm hiểu lý mầu trong Đạo pháp:
“Khá chí tâm học hành Kinh sám”. Hoặc:
  “Sớm tỉnh Kệ Kinh tìm hiểu lý”.( ĐT).
– Hằng lo vẹn gìn giới luật, quyết chí tu hành, thận trọng từ ý nghĩ tới lời nói, việc làm, tránh điều xấu ác và biết bảo vệ thân danh chung cho Đạo. 
Xưa có một kỹ sư, gia đình rất giàu có. Vợ chồng vị kỹ sư nầy sanh được ba người con trai, khi lớn lên đều được đi học. Hai cậu con trai lớn thường hay biếng trễ, duy chỉ có cậu con út là chăm chỉ học hành.
Hôm nọ, vị kỹ sư thấy mình đã già yếu, nên kêu ba người con đến bảo:
-Chắc chẳng còn bao lâu nữa Ba sẽ từ biệt cõi đời, vậy mỗi con nên nói rõ ý muốn của mình để Ba phân chia của cải cho !
Người con lớn đứng lên nói:
-Thưa Ba ! Ý con muốn trước khi từ trần, Ba giao cái gia tài đồ sộ nầy cho con !
Người con thứ nhì nói:
-Thưa Ba ! Phần con muốn được Ba giao hết đất vườn cho con.
Vị kỹ sư nhìn qua người con út nãy giờ đứng làm thinh, hỏi:
-Còn con út muốn gì, cứ nói ?
Cậu bé đứng khoanh tay thưa:
-Thưa Ba ! Nguyện vọng của con là chỉ mong Ba cho con ăn học để trở thành một kỹ sư như Ba.
Ông kỹ sư mỉm cười tỏ vẻ hài lòng, rồi nhìn ba người con phân trần:
-Trước kia, sau khi ba ăn học thành tài, tiền của hết sạch, chỉ còn lại hai bàn tay trắng, nhờ có mớ kiến thức và biết siêng năng tiết kiệm mà Ba tạo nên sự nghiệp như thế nầy. Hôm nay, hai con lớn muốn Ba giao hết gia tài, vườn ruộng nầy cho thì cũng được, nhưng hai con nên biết dầu có tiền của bao nhiêu đi nữa, hễ tiêu xài trong một thời gian nào đó rồi cũng hết. Còn thằng út, em của hai con, nó nuôi chí và siêng năng học hành để thành một kỹ sư thì sau nầy nó sẽ tạo ra sự nghiệp có thể giàu gấp mấy lần Ba hiện nay.
Quả thật, đứa con út của vị kỹ sư về sau cũng tốt nghiệp kỹ sư như cha và trở nên giàu có hơn cả người cha.
Câu chuyện trên giúp cho người tu nhận rằng: Đức Phật và Đức Thầy lúc nào cũng muốn cho tín đồ thành Đạo giải thoát, song với điều kiện là phải thực hành y theo lời dạy của các Ngài. Cho nên Đức Thầy hằng khuyên:
“Qui y thì khá làm y,
  Giữ lòng thanh tịnh từ bi giúp đời”.
Và:  
“Phật từ thiện cách nào ta phải từ thiện theo cách nấy, Phật tu cách nào đắc đạo rồi dạy ta, ta cũng làm theo cách nấy”.
Vậy nhà tu muốn kết quả tốt, mỗi người của chúng ta nên ghi nhớ và thực hành các điểm căn bản như sau:
a)- Bốn cách phát tâm:
  1-Phát tâm kính tin Đức Phật và Thầy, tức phải vâng lời chỉ dạy của Phật và Thầy.
2-Phát tâm thương kính Phật và Thầy, tức chẳng phụ công ơn của các Ngài.
3-Phát tâm tưởng nhớ Phật và Thầy, tức muốn gặp các Ngài.
4-Phát tâm phụng hành theo lời giáo huấn của Phật và Thầy, tức phải độ tất cả chúng sanh nơi tự tánh (phiền não) và chúng sanh ở bên ngoài.
b)- Bốn điều tự quyết:
  1-Vâng lời Phật và Thầy phải tự quyết tâm qui.
2-Chẳng phụ công ơn của Phật và Thầy ta phải tự quyết hành y.
3-Muốn được gặp Phật và Thầy ta phải tự quyết tinh tấn tu hành.
4-Độ chúng sanh ta phải tự quyết từ bi bình đẳng.
c)- Bốn điều duy nhứt:
  1-Tự quyết tâm qui tất phải duy nhứt Niết Bàn.
2-Tự quyết hành y tất phải duy nhứt Chánh Đạo.
3-Tự quyết tiến tu tất phải duy nhứt giải thoát mê ly.
4-Tự quyết từ bi bình đẳng, tất phải duy nhứt cứu khổ muôn loài.
Đức Thầy luôn nhắc nhở:
Phật từ bi độ tử độ sanh,
   Là độ kẻ hiền lương nhơn ái”.
4)- Đối với tín đồ dối tu:
  Những kẻ tín đồ không thật tâm tu niệm, chẳng phụng hành theo lời giáo huấn của Tổ Thầy, phá giới thôi chay, hành động nhiều điều xằng bậy, làm mất phẩm giá chung cho Đạo, thì Đức Phật cũng như Đức Thầy “Chỉ lấy lòng từ bi mà nhận sự trách cứ của kẻ ngoại đạo, chớ không thể nào gần gũi và ban phước huệ cho kẻ chẳng thành tín kia đặng”.
Thuở Đức Thầy mới khai Đạo (1939). Hôm nọ, Ngài đang đứng trước sân nhà của Ông Nguyễn Duy Hinh, phía dưới Tổ Đình khoảng 100m, lúc đó có mặt Ông Năm Chơn, ông Lê Văn Diệp và ông Nguyễn Duy Hinh.
Đức Thầy nhìn các ông nói:
-Các ông bây giờ là bà con thân tộc với tôi, và cũng là tín đồ lớn nữa. Nhưng sau nầy có việc tôi phải vắng mặt trong một thời gian. Chừng tôi trở lại chưa chắc gì các ông được gặp tôi, nếu các ông chẳng tự lo tu hành.
Ngưng lại một phút, Ngài nói tiếp:
-Đến ngày ấy không phân biệt người dưng hay thân tộc, không phân biệt tín đồ lớn hay nhỏ, hoặc già trẻ, sang hèn, sau trước…nếu ai tu hành đúng theo giáo lý của tôi thì được gặp tôi. Bằng không sẽ bị lọc ra hết !
Điều nầy trong Sám Giảng quyển Ba, Ngài đã nói:
“Ai mà ta dạy chẳng gìn,
   Thì sau đừng trách mất tình yêu đương”.
Cho nên Ngài hằng khuyên:
“Giảng Kinh đọc tụng chiều mai,
   Làm theo lời chỉ ngày rày gặp ta”.
Đại khái qua bài Đức Phật đối với chúng sanh”, ta  thấy rằng lòng thương yêu giáo độ của Tổ Thầy đối với chúng sanh và môn đồ thật bình đẳng, bao la vô bờ bến nhưng cũng rất thực tế và công bình đáo để. Có làm thì có ăn, có tu thì có hưởng, không hề vị tư cá biệt. Là một tín đồ nhà Phật, chúng ta phải chú ý ở điểm nầy, để giữ trọn niềm tin và lo tu thân lập hạnh, đúng theo lời chỉ giáo của Tổ Thầy, hầu đáp lại tình từ ái rộng sâu của các Ngài.

CHÚ THÍCH :
HUYẾT NHỤC: máu và thịt, đồng nghĩa chữ “cốt nhục”(xương thịt). Ý nói đàn con cùng một dòng tinh huyết, cốt tủy của cha mẹ sanh ra, và cũng cùng uống một dòng sữa của mẹ mà lớn lên, nên gọi là tình ruột thịt.
“Cũng đồng cốt nhục hoài thai,
   Nên ta rán sức miệt mài dạy khuyên”.
BỔN PHẬN: Phần việc và trách nhiệm của mình.
GIA CƯ: Nhà ở.
ÂU YẾM: Quấn quít, quyến luyến, thương yêu không rời.
HIẾU THUẬN: Hiếu: hết lòng phụng dưỡng cha mẹ; thuận: nghe theo. Tuân lời cha mẹ dạy bảo để sống hòa thuận vui vẻ. Xem thêm tr. 130.
TỪ HÒA: Hiền lành hòa huỡn, không nóng nảy, hung hăng, quá khích.
GIA SẢN: Nhà cửa và tài sản của cải.
ĐIẾM NHỤC: Xấu xa nhục nhã.
MÔN ĐỒ: Học trò (nghĩa của chữ tín đồ).
DUYÊN NGHIỆP: Cũng gọi là nghiệp duyên. Nghiệp là việc làm hay tạo tác, là hột giống. Duyên là những cái trợ trưởng cho việc làm hay hạt giống ấy, lên cây kết trái. Ý nói những thành quả xấu tốt ở hiện tại, là do nhân duyên tạo tác lành dữ của mỗi người ở quá khứ mà ra. Đây là định luật nhân duyên nghiệp báo.
Phải rõ nghiệp duyên trần cấu tạo”.( ĐT)
PHẬT TÁNH: Tánh giác ngộ, tức là hột giống Phật. Đức Phật bảo mỗi chúng sanh đều có tánh giác ngộ như nhau (Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh).Đức Thầy cũng nói:
“Ngài bèn xét ở trong Phật chủng,
  Các chúng sanh đều có như ta”.
ĐẠO MẦU: Sự mầu nhiệm sâu kín trong giáo pháp Đạo Phật. Đức Thầy có câu:
“Quan sát Đạo mầu nẻo ẩn vi”.
Và:
“Tìm tõi Đạo mầu trong Phật pháp,
   Cho đời hiểu rõ lý chơn không”.
KINH LUẬT: Kinh giảng và giới luật. Hai tạng trong ba tạng: Kinh, Luật, Luận.
Chi cho bằng ta sớm lo toan,
  Gìn giới luật nghe kinh trọng Phật”.( ĐT)
THÀNH TÍN: Cũng gọi là tín thành. Có nghĩa là tin tưởng và hành Đạo một cách thành thực chơn chánh, không hề lãng tâm dối trá.
  Phật chẳng qua dụng chữ tín thành,
      Chớ nào dụng hương đăng trà quả”.( ĐT)


Đăng nhận xét

[facebook][blogger]

Ẩn Danh Cư Sĩ PGHH 1939

Liên Hệ với PGHH 1939

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget