BỬU Ngọc Quân Minh Thiên Việt Nguyên,

寶玉君明天越元

SƠN Trung Sứ Mạng Đạo Nam Tiền.

山中師道地南前

KỲ Niên Trạng Tái Tân Phục Quốc,

奇年狀再新復國

HƯƠNG Xuất Trình Sinh Tạo Nghiệp Yên.

香出程生造業安

Tổ Đình Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH
Các Bài Viết Liên Quan
Cám Ơn Các Bạn Đã Ghé Thăm Website. Chúc Các Bạn An Lạc, Có Thêm Nhiều Kiến Thức Bổ Ích…
XIN THƯỜNG NIỆM PHẬT
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

Chú giải từ câu 615 – 846 (Quyển IV Giác Mê Tâm Kệ)

CHÚ GIẢI QUYỂN TƯ GIÁC MÊ TÂM KỆ Chú giải từ câu 615 – 846 (Quyển IV)


Chú giải từ câu 615 – 846 (Quyển IV Giác Mê Tâm Kệ)

CHÚ GIẢI QUYỂN TƯ GIÁC MÊ TÂM KỆ

Chú giải từ câu 615 – 846 (Quyển IV)

CHÁNH  VĂN
615.Dầu cực-khổ thân này chẳng nại,
 Chẳng cần ai bái lạy khẩn-cầu.
 Bỏ dị-đoan mới thấy Đạo-mầu,
618.Bớt giả-dối gặp Người Thượng-Cổ.
 Gốc thuở trước của Tông của Tổ,
 Đâu có bày dối-mị như vầy.
 Những sấm truyền xưa của Phật Thầy,
622.Dân rán kiếm mà truy thì biết.
 Xưa để lại nhiều câu thảm-thiết,
 Mà nào ai có biết để lòng.
 Chuyện Thiên-Cơ nói rất não-nồng,
626.Câu hữu lý bá tòng khó sánh.
 Chốn tựu hội chớ nên léo hánh,
 Vì lời xưa có dặn rạch-ròi.
 Dân chớ nên phụ bạc giống nòi,
630.Thì lao-lý tấm thân vô ích. 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 615 đến câu 630) :
-Trên con đường độ chúng của Đức Giáo Chủ, dầu có gặp nhiều gian khổ, Ngài cũng chẳng nệ hà, và không hề mong mỏi một ai cung phụng bái quì. Ngài còn kêu gọi mọi người, hãy bỏ dứt các điều kỳ hoặc, mê tín để thật lòng tu niệm, mới mong thấu đạt lý thâm huyền của Đạo pháp và được kiến diện người xưa, trong ngày lập Hội.
-Bởi từ căn nguyên ông cha ta cũng từng sùng ngưỡng Đạo mầu, song chẳng hề có hành động mị dân dối chúng. Vậy ai muốn rõ thông con đường chánh tín, hãy tìm xem những sấm kinh của Đức Phật Thầy xưa kia truyền lại.
-Vì trong đó Ngài giải bày rành mạch, vế Chánh pháp vô vi của Đạo Phật, và cho biết trước những tai nạn khổ sầu của chúng sanh sau nầy. Các lời tiên tri ấy, ai xem đến cũng bắt buồn thảm cho cảnh khổ chung của nhơn loại. Còn những lời dạy Đạo, đúng với chơn lý, nếu ai chịu thực hành theo sẽ được kết quả cao diệu. Cho nên nói loại tòng bá đều có sức vững bền, chịu đựng với thời gian, sương tuyết, nhưng cũng không thể sánh được một câu hữu lý !
-Đức Thầy cũng đã hằng khuyên mọi người, chẳng nên bén mảng đến các nơi tựu hội đông đảo, để ăn chơi xa xí, hoặc hành động điều vô liêm bất nghĩa và cũng chẳng chạy theo một hội nhóm nào, có tánh cách phụ rãy Tổ Tiên nòi giống, bởi giảng xưa đã từng giáo huấn minh bạch điều nầy:
 Đạo nhà chẳng tưởng, tưởng Đạo xa,
   Đạo gốc Nam bang Đạo nước nhà.
   Đạo của Phật thầy truyền kim cổ,
   Đạo trung Đạo hiếu Đạo nhơn hoà”.
Nếu ai chẳng tuân theo lời chỉ dạy trên, ắt sau nầy khó tránh khỏi cảnh khổ sầu lao lý.

CHÚ THÍCH :
DỊ ĐOAN: Xem lại chú thích tại tr. 35 Tập 2/3.
ĐẠO MẦU: Xem lại chú thích tại tr. 280 Tập 1/3.
NHỮNG SẤM TRUYỀN XƯA CỦA PHẬT THẦY Phật Thầy là Đức Phật Thầy Tây An. (Xem chú thích chữ “Đức Thầy Bửu Sơn”, tr. 84 Tập 1/3).
Ngài đã tiên đoán về thiên cơ thời cuộc, từ đó đến  nay, mọi việc đều xảy ra rất đúng. Những Sấm truyền ấy còn để lại khá nhiều. Ngoài bài “Tứ Bửu Linh Tự” và các đoạn dẫn giải trong chú thích “Những chuyện lạ kỳ”(tr. 120 Tập 1/3), ở đây chúng tôi trích dẫn thêm vài đoạn khác:
-Về cuộc đổi đời:
 Thế nay cạn sự đã rồi,
Mở mang dời đổi lập đời Thượng ngươn.
Chuyển luân thiên địa tuần hườn,
Hội nầy thấy lửa tàm lam cháy mày”.
-Về các tai biến xảy ra:
Nghĩ trong cuộc thế chơi vơi
Khổ tăng gia khổ trong đời gian nan
Kìa kìa quỉ mị khởi loan,
Xà thương hổ giảo đa đoan hội nầy
Phần thời giặc giả phủ vây.
Phần thời đói khát thân rày chẳng yên
Lăng xăng nhiều cuộc đảo điên,
Sợ trong thế sự như thuyền chạy khơi”.
-Về thời gian:
Mèo kêu vang, mèo kêu vang
Rắn rồng sợ chạy vào ngàn ẩn thân”.
Hoặc là:
 Cuộc đời càng gắt lại càng gay
   Ngặt nỗi thiên cơ chẳng dám bày
   Rắn núp dưới hang coi ngựa chạy
   Khỉ ngồi trên ngọn ngó gà bay
   Đông Tây chộn rộn trời che xác
   Nam Bắc ê hề đất chở thây
   Nhơn vật mười phần hao bảy tám,
   Thần Tiên thấy vậy cũng châu mày”.
-Về lập hội và cuộc thái bình:
 Long Hoa thắng hội tiêu diêu
 Dữ lành đến đó mai chiều sẽ hay”.
Và:
    “Bao giờ hưởng thọ kỳ hương,
  Tuế tăng vạn tuế lưu phương lâu dài”.
NÃO NỒNG: Cũng đọc là não nùng. Có nghĩa buồn thảm, xót xa đau đớn.
CÂU HỮU LÝ, BÁ TÒNG KHÓ SÁNH: Ý dạy rằng một câu nói đúng với lý nghĩa đạo đức, thì cao cả quí báu vô cùng, vẫn được truyền tụng mãi mãi, dù thời đại nào cũng được mọi người học theo. Cổ nhân từng bảo:“Nhứt ngôn đắc ngữ thắng thiên kim.”( Được người nói cho nghe một lời lành, quí báu hơn ngàn lượng vàng). Cho nên loại tòng bá là thứ cây sống lâu, có đặc tánh không thay đổi, dù vậy chớ không sánh được lời hữu lý.
CHỐN TỰU HỘI: Những nơi hội họp đông đảo vui chơi trái với đạo nghĩa hoặc các đảng nhóm có tánh cách hại dân phản nước, bội bạc phong tục tốt đẹp của nòi giống Tiên Rồng.
LÉO HÁNH: Bén mảng đến gần. Ví dụ: nơi đó nguy hiểm, ta không nên léo hánh đến.

  CHÁNH VĂN
631.    Phải nhẫn-nhục chờ Người Cổ Tích,
 Phật với Trời phân định cho Ta.
 Người xưa tuy ít chữ nôm-na,
634.    Chớ chơn-chất người ta ngay thẳng.
 Dạy bổn-đạo lấy câu trung đẳng,
 Chẳng nói cao vì sắp rốt đời.
 Đấng nam-nhi ẩn-nhẫn tùy thời,
638.    Vậy mới gọi khôn-ngoan hữu chí.
 Ta ra sức viết câu huyền-bí,
 Chúng dân ôi ! Rán kiếm rán tầm.
 Giống thú kia là loại sanh cầm,
642.    Mà còn biết kiếm tầm đạo-đức.
 Thú-vật biết tu-hành náo-nức,
 Còn người sao chẳng rứt hồng-trần ?
 Việc tu-hành phải vẹn nghĩa ân,
646.    Kinh với sấm chúng dân thường thấy.

LƯỢC GIẢI (Từ câu 631 đến câu 646) :
-Đoạn giảng trên Đức Giáo Chủ khuyên tín đồ, nên nhẫn nhịn tu hành cho qua thời gian khó khăn, thử thách để chờ người xưa trở lại, và chờ sự phân định của Phật Trời, tất hưởng được mọi điều cao quí. Nhắc lại ông cha ta thuở xưa, tuy ít người thông minh chữ nghĩa, nhưng tấm lòng rất thật thà ngay chánh.
-Bởi muốn rộng độ các tầng lớp nhân sanh trong thời mạt hạ nên Đức Thầy dùng những lời lẽ trung hòa giản dị mà giáo hóa, để mỗi ai khi xem, nghe đều được thấu hiểu. Và Ngài còn khuyên: bổn phận nam nhi phải biết tùy thời xử thế, lúc gặp nghịch cảnh, cần nên ẩn nhẫn để nuôi chí, chờ thời. Pháp nhẫn ví như tánh của nước (Quân tử tánh như thủy), tuy nó rất mềm yếu, nhưng cũng cứng mạnh vô cùng vì nó có thể xói mòn cả sắt đá. Và cũng ví như con rồng, có khi phải nép mình nơi vực sâu kín đáo, rồi có lúc nó tung bay theo mây gió, dạo khắp bốn phương. Cho nên người có ý chí cao cả cũng phải thức thời như thế.
-Đức Thầy còn cho biết trong Sấm Kinh của Ngài đã hàm chứa  nhiều lý nghĩa, thâm huyền diệu pháp, vậy mỗi người hãy tìm hiểu cho chính xác để thi hành theo. Lại nữa, từ xưa đến nay, Kinh sách thường ghi chép: các loại cầm thú còn biết quày đầu hướng thiện, huống chi ta là loài người, có tánh linh hơn muôn vật mà chẳng sớm xa lánh trần ai, tầm đường giải thoát thì so với loài vật chẳng thẹn lắm sao ?
-Do đó, Đức Thầy khuyên khắp tín đồ, đã là người tu hành thời những nghĩa ân mà ta đã thọ cần phải lo đền đáp cho tròn vẹn, vì đó là điều căn bản, xưa nay sách kinh nào cũng dạy như thế.

CHÚ THÍCH :
NHẪN NHỤC: Kshânti (Phạn ngữ, Scr.), phiên âm là Sàn-đề, dịch là Nhẫn nhục. Có nghĩa: Nhẫn là nhịn chịu; nhục là xấu xa hèn kém. Với pháp tu nầy, hành giả nén lòng chịu đựng  những sự khó khăn, từ mọi cảnh vật bên ngoài, đến các vọng tâm phiền não bên trong và thời gian dày đặc, để hoàn thành đạo hạnh..
Nhẫn nhục là một trong “sáu pháp ba-la-mật”(lục độ ba-la-mật: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ) mà chư Bồ Tát thường hành, gồm có ba phần như sau:
1-Sanh nhẫn: Khi có kẻ khác dùng quyền lực, áp bức hay đánh đập hoặc chửi mắng, trêu tức, ta vẫn nhẫn nhịn không chống trả, không chứa chấp oán hờn.
2-Pháp nhẫn: Nhà tu cam chịu với mọi hoàn cảnh khó khăn, do các tai nạn xảy đến cho mình, như: lạnh nóng, gió mưa, đói rách, bịnh tật.v.v…mà lòng không hề than buồn thối chí trên đường đạo đức.
3-Vô sanh pháp nhẫn: Nhịn được các tai họa do chúng sanh khác và mọi cảnh vật đưa đến mà chẳng còn chút động tâm phân biệt. Do quán xét rằng: thân chúng sanh và vạn pháp đều không có thật thể (vô ngã) nên không sanh khởi và cũng không còn thấy có pháp chi để nhẫn diệt.
Xưa, Đức Phật có kể lại rằng: Vào thời quá khứ, trong một tiền kiếp, Ngài có tên là Xằn-Đề Ba-La, chuyên tu hạnh nhẫn nhục trên một hòn núi.
Hôm nọ, vua Ca-Lợi dắt quan quân và cung nữ lên núi du ngoạn. Lúc trời trưa nắng, vua dừng lại một nơi, truyền căng lều nghỉ. Bấy giờ các cung nữ tản mát chung quanh, hái hoa ngắm cảnh, bỗng gặp một vị Tiên đang ngồi trên tảng đá, dáng vẻ trang nghiêm, tịch tĩnh, cả bọn đem lòng kính tin, bèn dâng hoa cúng dường cầu được nghe pháp. Vị đại Tiên liền xuất định thuyết pháp cho đám cung nữ nghe.
Khi Ca Lợi Vương tỉnh giấc, thấy các cung nữ vắng mặt hết, liền cùng quan cận vệ đi tìm. Đến nơi, gặp bọn cung nữ đang quì nghe vị Tiên thuyết pháp. Vua sanh lòng đố kỵ, liền bước lại với dáng điệu tự kiêu, hỏi: Ông ở đây tu hành có rõ được pháp tứ không thiền định chăng ? Hãy giải cho Trẫm nghe thử .
Đại Tiên thưa:
-Rất hổ thẹn cho phận tôi, chưa thấu đạt pháp ấy.
Vua đổi giọng, nói:
-Những điều đó ngươi chưa thông hiểu vậy mà dám thuyết pháp cho cung nữ nghe, ai mà tín nhiệm cho. Vậy ngươi ở đây tu pháp gì ?
-Thưa, tôi ở đây tu pháp nhẫn nhục.
-À ! Vậy để ta làm coi ngươi có nhẫn nhục được không. Vua liền rút gươm chặt đứt tay chân của Đại Tiên quăng ra, rồi hỏi tiếp:
-Ngươi ở đây tu pháp gì ?
Lúc ấy Đại Tiên vẫn an nhiên, mặt không đổi sắc, ôn tồn đáp:
-Tôi ở đây tu pháp nhẫn nhục.
Vua thêm giận, liền cắt tai, thẻo mũi của Đại Tiên.
Bấy giờ các vị Lôi thần thấy lòng của Vua Ca-Lợi quá độc ác, bèn kéo mây nổi sấm toan đánh chết nhà vua, nhưng vị Đại Tiên ngước mặt lên trời van xin:
-Các Ngài ơi ! Các Ngài nên vì tôi mà tha tội cho người nầy đi ! Tức thời mây tan sấm tạnh.
Lúc ấy, vua Ca Lợi khiếp sợ, nhưng còn gượng hỏi:
-Ngài nhẫn nhục như vầy, biết lấy chi làm bằng chứng cho Ngài thật lòng ?
-Đại Tiên liền phát nguyện: Nếu tôi thật tâm nhẫn nhịn, không hề có chút hờn oán nhà vua thì xin Trời Phật chứng minh cho các vết thương của tôi đều lành lại như cũ và máu chảy ra được trở thành sữa. Linh nghiệm thay ! Đại Tiên vừa nguyện xong thì thân thể và máu của ông đều chứng nghiệm như ý.
Vua quá cảm phục liền quỳ lạy Đại Tiên, cầu được ăn năn sám hối và qui y thọ giáo. Ít hôm sau vua Ca-Lợi lập pháp tòa, rước Đại Tiên về thuyết pháp cho cả thần dân cùng nghe.
Xét ra, nhờ pháp “Nhẫn nhục” mà Đại Tiên Xằn-Đề Ba-La cảm hóa được Ca-Lợi Vương và thần dân trong nước, biết tỉnh ngộ tu hành.
Thêm nữa, trong văn chương Việt Nam, có tác phẩm “Quan Âm Thị Kính” đã nói lên đức nhẫn nhục của nhà tu hành qua hai câu thơ:
 Chữ rằng nhẫn nhục nhiệm hòa
 Nhẫn điều khó nhẫn, mới là chơn tu”.
-Song chữ nhẫn nhục ở đây, ý Đức Thầy dạy phải nhịn chịu với thời gian dày dặc, khó khăn cho qua cơn vận bĩ. Cũng như Hàn Tín xưa kia, tuy có đủ tài thao lược, nhưng phải nhẫn bọn thiếu niên, để chờ đến thời Hán Bái Công mới trổ tài làm nên danh phận:
 “Gương trước Hớn, Tần Hàn Tín nhẫn
   Đã không khổ nhục khỏi ưu phiền”.
    (Nhẫn Đợi Thời Cơ)
NGƯỜI CỔ TÍCH: Xem chú thích chữ “người xưa” tại tr. 231 Tập 1/3.
CHƠN CHẤT: Xem  chú thích tại tr. 115 Tập 2/3.
TRUNG ĐẲNG: Cấp giữa, bực giữa (trung dung) chẳng cao quá, cũng không thấp quá, cũng gọi là “con đường trung Đạo”. Ở đây chỉ cho lời luận giải giản dị rõ ràng, người nghe dễ lãnh hội. Đức Thầy có câu trong GMTK:
 Quyết dạy trần nên nói lời thường,
  Cho sanh chúng đời nay dễ biết”.
HỮU CHÍ: Xem  lại chú thích tại tr. 53 trên.
HUYỀN BÍ: Xem lại chú thích tại tr. 16 trên.
SANH CẦM: Chỉ chung cho hai loài vật, là thượng cầm và hạ thú.
THÚ VẬT BIẾT TU HÀNH NÁO NỨC, CÒN NGƯỜI SAO CHẲNG RỨT HỒNG TRẦN: Dầu loài người hay loài vật đồng có Phật tánh như nhau:“Nhứt thiết chúng san, giai hữu Phật tánh”, nhưng vì nghiệp mê quá nặng, nên chúng sanh phải đầu thai làm thú, đến khi nghiệp thú trả gần hết và gặp bậc đạo đức cao cả khai hóa thì biết tu hành. Trong sách Tây Qui Trực Chỉ có chép:
Đời Trinh Ngươn nhà Đường có Bùi Thị ở đất Hà Đông, nuôi một con két, thường học theo tiếng người mà niệm Phật. Một hôm trời quá ngọ, nó bỏ ăn; lúc gần chết, nó niệm lên 10 tiếng Phật thì dứt hơi. Người chủ đem xác nó ra thiêu thì được hơn 10 hột ngọc xá lợi chiếu sáng lòa cả mắt. Ông Huệ Quang thấy vậy mới dựng tháp thờ.
Lại ở đất Đàm Châu có người nuôi một con Cưởng, cũng học nói tiếng người và thường niệm Phật. Khi nó chết, bỗng có một hoa sen từ trong miệng mọc ra. Nhơn đó, Ngài Liên Tri Đại sư có lời rằng:“Giống chim két, chim cưởng dạy nó còn biết niệm Phật, huống chi người lại không biết niệm Phật, há chẳng thẹn lắm ru ?”
Còn gần đây, trong chuyện chung quanh Đức Phật Thầy Tây An được nhiều người kể lại:
Lúc còn ở trại ruộng Thới Sơn, một hôm Ngài kêu các đệ tử, đem xấp vải màu đỏ ra xé nhỏ cỡ ngón tay, dài năm sáu tấc, vì ngày mai có người đến thọ giáo rất đông.
Sáng lại, ai cũng trông xem lễ qui y ấy ra sao. Bỗng mọi người thấy đủ loại thú rừng (có cả cọp), từ từ kéo đến sắp hàng trước cửa trại càng lúc càng đông. Đức Phật Thầy liền bảo các môn đồ, đem các mảnh vải đã xé hôm qua, cột trên cổ, trên sừng của mỗi con thú một sợi. Nhiều người trông thấy quá sợ sệt, chỉ có các đại đệ tử, đạo pháp cao siêu mới dám thi hành. Cột xong, Đức Phật Thầy bèn thuyết pháp cho chúng nghe và dặn dò, từ đây hãy ẩn ánh tu hành.v.v…
Nghe xong, cả đoàn thú đồng cúi đầu, tỏ vẻ vâng lời dạy bảo, rồi lui ra tản mát vào rừng núi mất dạng. Từ độ ấy, người ta ít gặp chúng lai vãng phá vườn rẫy nữa và những người đi viếng non, thỉnh thoảng cũng bắt gặp vài lọai thú ẩn trong hang vắng, tánh tình chúng đã đổi lại rất hiền từ.
NGHĨA ÂN: Cũng gọi là ân nghĩa, tức là tình nghĩa và ân đức, như ân nghĩa giữa cha con, thầy trò, chồng vợ, v.v…”Tình xưa ân trả nghĩa đền”(Truyện Kiều). Nghĩa ân ở đây chỉ cho những ân đức, mà con người đã thọ như:“Tứ Đại Trọng Ân”, giờ đây ta có bổn phận đền đáp. Đức Thầy từng nói:
 “Trả nợ thế nghĩa ân trọn vẹn
 Cảnh non bồng kỳ hẹn ngày kia”.

    CHÁNH VĂN
647.    Chữ Bát-Chánh rõ-ràng trong giấy,
 Là chơn truyền của Đức Thích-Ca.
 Người tu hành cần phải tìm ra,
650.    Cho dân biết mục đầu Chánh-Kiến.
 Trí linh-mẫn nhìn xem các chuyện,
 Phải đừng cho lầm-lạc nẻo tà.
 Dầu việc người hay việc của ta,
664.    Nên phán-đoán cho tường cho tận.
 Tội với phước xét coi nhiều bận,
 Mới khỏi lầm tà-kiến đem vào.
 Chánh Tư-Duy mục ấy thanh-cao,
658.    Hãy tưởng nhớ những điều đáng nhớ.
 Trên cùng dưới dầu thầy hay tớ,
 Cũng tưởng điều trung-chánh mới mầu.
 Việc vui say mèo-mả đâu đâu,
662.    Hãy dẹp gác nhớ câu Lục-Tự.

LƯỢC GIẢI (Từ câu 647 đến câu 662) :
-Bát Chánh là pháp tu căn bản, trước tiên do Đức Thích Ca truyền dạy, các kinh xưa đều có ghi chép rạch ròi.Ngày nay Đức Thầy cũng thuyết giáo môn đồ :“Diệu thâm Bát Chánh lời truyền giáo.”(Cho Ô. Chín Diệm) và:“…Vì đó là quyển Kinh nhựt tụng của những ai muốn thoát chốn mê đồ, tấn triển trên đường giải thoát.(Luận Về Bát Chánh). Vậy người tu cần phải tìm học cho thông suốt để thật hành theo.
-Đứng đầu hết là Chánh Kiến, dạy hành giả lúc nào cũng lấy trí thông minh mà phán xét mọi việc cho đặng ngay chánh đúng với sự thật (chơn lý). Bất cứ việc chi dù đời hay Đạo, từ cá nhân đến xã hội, ta phải tận tâm suy cứu, cân nhắc nhiều lần để thấy rõ tận gốc của các việc chánh tà, tội phước rồi sẽ quyết đoán. Có thế, ta mới khỏi bị tà kiến ám ảnh, nhận định sai lầm.
-Đến thứ nhì là Chánh Tư Duy, chánh nầy khuyên ta nên giữ tư tưởng cho được chân chánh trong sạch, lọc bỏ tư tưởng xấu xa, tà vạy và những ý nghĩ bông lơn, dục lạc; dù là nghĩ việc hiện tại, quá khứ hay vị lai cũng đều trừ sạch. Thay vào đó bằng những ý tưởng đạo đức cao siêu, từ bi hỉ xả, hoặc trì niệm sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật” không để sơ hở, gián đoạn. Đặng vậy, tâm trí ta sẽ đặng bình tĩnh sáng suốt mà tiến thẳng theo con đường chơn lý giải thoát.

CHÚ THÍCH :
BÁT CHÁNH: Nói đủ là  Bát Chánh Đạo hay Bát Thánh Đạo ( Phạn ngữ: Aryatângamarga), có nghĩa tám con đường chơn chánh, đối trị với bát tà (tám điều tà vạy). Pháp nầy có diệu năng đưa hành giả giải thoát sanh tử, đạt đến Thánh quả A-la-hán và chứng đắc Niết-bàn. Bát Chánh thuộc Đạo đề, một trong “Tứ Diệu Đề”(bốn pháp thẩm xét mầu nhiệm chơn thật).
Vừa chuyển Pháp luân, Đức Phật đã thuyết Tứ Diệu Đề và Bát Chánh Đạo tại rừng Lộc Giả, gần thành Ba La Nại, cho năm anh em Kiều Trần Như nghe. Nghe xong, năm vị nầy đều chứng quả A-la-hán. Cho nên, Bát Chánh Đạo được xem là pháp tu căn bản của Đạo Phật. Có lần các môn nhơn hỏi Phật, qua đời sau lấy chi làm chứng cứ để biết đâu tà, đâu chánh , Phật đáp:“Nơi nào có Bát Chánh Đạo là Chánh Đạo, nơi nào không có Bát Chánh Đạo là Tà Đạo”. Do đó, nên Đức Thầy nói Bát Chánh “Là chân truyền của Phật Thích Ca”.
Ngày nay, Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng nhắc lại:
 Thiền lâm Phật Thích thuở xưa kia,
   Non tuyết rèn ra Bát Chánh kìa.
   Phổ hóa dân lành trong khắp chúng,
   Hoàn cầu bốn biển khắp bia chung”.
   (Đến Làng Nhơn Nghĩa)
CHÁNH KIẾN: Cũng viết là Chánh tri kiến (Phạn ngữ: Samyak-droti), có nghĩa nhận thấy xét đoán chân chánh đúng với sự thật (chơn lý). Chánh kiến có hai bực:
1-Chánh kiến hữu lậu thế gian: Cũng gọi là Chánh kiến Tiểu thừa, tức là bực nhận thấy thế gian và vạn vật đều là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh của các pháp hữu vi, rồi tự tu giải thoát cho chính mình.
2-Chánh kiến vô lậu xuất thế gian: Cũng gọi Chánh kiến Đại thừa, tức là nhận thấy tất cả chúng sanh và vạn pháp đều có Phật tánh, nên không chỉ riêng tu đạt chơn lý giải thoát cho mình mà còn cho cả vạn loại chúng sanh và quyết định tiến tới Phật quả (Đại Niết bàn).
TRÍ LINH MẪN: Trí linh diệu sáng suốt, thông minh hoạt bát.
PHÁN ĐOÁN: Xem xét và định đoán coi phải trái thế nào ?
TÀ KIẾN: Ý kiến tà khúc, nhận thấy lầm lạc, không nhận có, có nhận không, chẳng tin nhân quả báo ứng, cho rằng sau khi chết là hết, thấy ngược lại chơn lý và chánh kiến. Tà kiến là một trong “Ngũ lợi sử”(năm cái thấy biết lầm lạc mê chấp danh lợi). Ngũ lợi sử là: Thân kiến, Biên kiến, Tà kiến, Kiến thủ, Giới cấm thủ kiến.
Niết Bàn Kinh có chép:“Bồ Tát tu hành theo lý Kinh Đại Niết Bàn, vì quả chánh giác, vì độ khắp chúng sanh, tự mình rời xa tà kiến”.
CHÁNH TƯ DUY: Phạn ngữ: Samyak-samkalpa, có nghĩa suy gẫm và tư tưởng chơn chánh. Cách hành đạo nầy dạy chỉ chuyên suy xét nghĩ tuởng về đạo lý, và chiêm nghiệm các pháp môn thoát khổ, dứt sạch phiền não, vọng tưởng danh, lợi, tình v.v…Đức Thầy từng dạy trong bài “Dặn Dò Bổn Đạo”:
 Thứ ba Tư Duy bằng nay,
    Các điều tưởng nhớ thẳng ngay mới mầu”.
TRUNG CHÁNH: Ngay thẳng chân chính, không thiên vị.

    CHÁNH VĂN
663.    Câu Chánh-Nghiệp cũng là quá bự,
 Dầu nghề chi làm việc ngay đường.
 Ta đừng nên theo kẻ bất lương,
666.    Học ngón xảo để lừa đồng loại.
 Chánh Tinh-Tấn dầu thành hay bại,
 Cứ một đường tín-ngưỡng của mình.
 Dầu cho ai phá rối đức tin,
670.    Ta cũng cứ một đàng đi tới.
 Mục Chánh-Mạng chúng sanh ơi hỡi,
 Cho hồn-linh cai-quản châu-thân.
 Lấy chơn-nhơn dẹp tánh phàm-trần,
674.    Mới có thể mong về Cực-Lạc. 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 663 đến câu 674) :
-Chánh Nghiệp là phương cách quan trọng của nhà tu giải thoát, bất cứ việc làm nào cũng giữ ngay chánh thiện lương và hằng an vui cứu khổ cho vạn loại chúng sanh. Bỏ hẳn những hành động gian ác, xảo quyệt, gây tai hại cho kẻ khác.
-Đến Chánh Tinh Tấn, Đức Giáo Chủ dạy ta rèn luyện cho mình có một đức tánh dõng mãnh, một ý chí sắt đá kiên trinh. Dù ai có dùng quyền lực áp bức, hay tà thuyết vô thần cám dỗ, cũng không thể làm lay chuyển được lòng mình, để vững tiến trên con đường chánh Đạo, hầu đạt quả Niết bàn và rộng độ quần sanh.
-Còn phần Chánh Mạng dạy ta tạo một nếp sống thanh khiết về tinh thần, lấy chơn thân linh diệu điều khiển lục căn đừng để duyên nhiễm lục trần, và trừ sạch những tư tưởng trần tục thường tình. Đặng vậy, tâm hồn ta sẽ được nhập vào thể thanh tịnh (liên hoa), chơn trí sáng mầu mà chứng đắc “Niết Bàn tự tánh”.

CHÚ THÍCH :
CHÁNH NGHIỆP: Phạn ngữ: Samyak-Karmanta, có nghĩa: việc làm ngay chánh, lương thiện, tức nhà tu dùng thân xác làm những việc có lợi ích cho mình và cả chúng sanh. Chánh Nghiệp là một cách hành đạo trong Bát Chánh, xuất gia lẫn tại gia đều tu được cả. Hành Chánh Nghiệp tránh được ba điều ác: Sát sanh, Đạo tặc, Tà dâm; không làm việc nào có tai hại cho quốc dân và cả chúng sanh. lại còn hay bố thí, phóng sanh và hoằng pháp để độ muôn loài. Đức Thầy  dạy trong bài “Dặn Dò Bổn Đạo”:“Thứ tư Chánh nghiệp mặc dầu, Nghề chi thì cũng ngõ hầu làm ngay”.
BẤT LƯƠNG: Tánh gian xảo hung ác, không hiền từ, không có lương tâm. Đức Thầy có câu:
 Có đâu như thể bây chừ,
Loạn luân cang kỷ bất từ bất lương.”(Cảm Tác).
NGÓN XẢO: Mánh khóe, xảo trá, khéo léo để gạt người.
CHÁNH TINH TẤN:Phạn ngữ:Samyak-Vyayama, có nghĩa tín ngưỡng chơn chánh, trong sạch và mạnh mẽ lướt tới, tức là siêng năng dõng mãnh diệt trừ phiền não để hoàn thành Đạo hạnh giải thoát. Đây là một cách hành đạo trong Bát Chánh, đối trị tánh giải đãi, yếu ớt, tà vọng mê tín. Đức Thầy hằng khuyên trong bài “Dặn Dò Bổn Đạo”:
 Thứ năm Tinh Tấn hội đàm,
    Sạch trong kỹ lưỡng mà làm mới ngoan”.
TÍN NGƯỠNG: Lòng tin tưởng và hướng theo một Tôn giáo hay một chủ nghĩa, một học thuyết. Tín ngưỡng khác với mê tín.
ĐỨC TIN: Lòng tin tưởng tốt lành chánh đáng.
CHÁNH MẠNG: Phạn ngữ: Samyak-Ajiva, có nghĩa sanh mạng chơn chánh trong sạch, tức là cuộc sinh hoạt đời sống của nhà tu lúc nào cũng lấy giới hạnh làm căn bản. Cả tư tưởng, hành động, ngôn ngữ luôn giữ được thuần chánh cao khiết; chẳng hề để lục trần cám dỗ làm mờ đục trí huệ. Đây là một cách hành đạo trong Bát Chánh, có hiệu năng đối trị Tà mạng.
CHO HỒN LINH CAI QUẢN CHÂU THÂN: Mỗi người có ba hồn: Linh hồn, Giác hồn và Mê hồn. Giác hồn thì thường khiến linh hồn làm điều phải, còn Mê hồn hay xúi linh hồn tạo việc quấy. Hồn linh ở đây chỉ cho Giác hồn. Đức Thầy dạy người tu đừng để linh hồn bị mê hồn lôi cuốn làm việc quấy ác, mà luôn luôn lấy hồn linh chỉ huy mọi việc. Cho đến khi tâm được hoàn toàn giác ngộ thì ba hồn ấy không còn nữa mà chỉ còn lại một là “Giác tánh”(Phật tánh). Như Đức Lục Tổ có nói:“Hội giả xưng vi Phật tánh, bất hội giả hoán tác linh hồn.”(Người tỏ ngộ thì xưng là Phật tánh, người chưa tỏ ngộ thì gọi là linh hồn).
 CHƠN NHƠN: Xem lại chú thích tại tr. 15 trên.

CHÁNH VĂN
 675.   Câu Chánh-Ngữ lòng son ghi tạc,
 Tiếng luận bàn ngay ngắn tỏ tường.
 Nói những điều đức-hạnh hiền-lương,
678.    Chớ thêm bớt mà mang tội lỗi.
 Việc tráo-chác ấy là nguồn cội,
 Lời xảo ngôn do đó mà ra.
 Kinh-nghiệm rồi Ta mới diễn ca,
682.    Câu Chánh-Niệm thiết-tha nhiều nỗi.
 Khi cầu nguyện đừng cho phạm lỗi,
 Phải làm tròn các việc vẹn toàn.
 Dân chớ nên làm bướng làm càn,
686.    Trong lúc ấy niệm cho lấy có.
 Mục Chánh-Định thiệt là rất khó,
 Giữ tâm lòng bất động như như.
 Cho hồn-linh yên-lặng an-cư,
690.    Thì mới được huờn-nguyên phản-bổn.

LƯỢC GIẢI (Từ câu 675 đến câu 690) :
-Đức Thầy dạy cả môn đồ nên chạm khắc phần Chánh ngữ vào tâm khảm của mình, để mỗi khi thốt ra lời chi đều được ngay chánh đúng với sự thật và nói toàn những việc đạo đức hiền từ, có ích lợi cho quần sanh. Hãy dứt bỏ các tiếng lừa dối, thêm bớt, những lời láo khoét huyễn hoặc, gây xáo trộn hoặc làm chướng tai kẻ khác, để mình chẳng còn vương mang tội lỗi về khẩu nghiệp. Đó là điều Đức Thầy đã thực nghiệm rồi, mới đem ra giáo hóa chúng sanh.
-Đến phần Chánh Niệm, Ngài dạy nhà tu nên trừ sạch các niệm tưởng xấu xa tà mị, ích kỷ tổn nhơn mà phải luôn nhớ nghĩ đến việc chánh chơn cao khiết. Và mỗi khi lễ bái nguyện cầu, đều cần được thành tâm khẩn thiết, chẳng nên làm chiếu lệ cho qua thời.
-Còn mục đích Chánh định, tuy thấy khó hành nhưng nó giúp cho hành giả được giải thoát rốt ráo hơn hết. Miễn là đối với vạn cảnh, vạn pháp, tâm mình vẫn giữ như như bất động, chẳng hề khởi lòng phân biệt câu chấp hay thiên lệch, thủ xả. Bấy giờ tâm thần được an định mà trở về với chơn như thật tướng của mình, ấy gọi là chứng đắc Niết-bàn tịch tịnh.

CHÚ THÍCH :
CHÁNH NGỮ: Phạn ngữ: Samyak-vac, có nghĩa lời nói chơn chánh thành thật, chẳng hề dùng tiếng: Lưỡng thiệt, ỷ ngôn, ác khẩu, vọng ngữ. Mỗi khi mở miệng đều nói những lời ngay chánh, dung hòa, chơn thật và trong sạch hiền từ; và còn dùng phương tiện lợi ích giáo hóa kẻ khác. Đây là một cách hành đạo trong Bát Chánh Đạo mà bất luận kẻ tại gia hay xuất gia, tiểu thừa hay đại thừa đều phải hành trì. Trong Kinh Kim Cang, Phật có nói:“Như Lai thị chơn ngữ giả, bất dị ngữ giả.”(Lời nói của Như Lai là lời nói chơn thật, lời nói như một, không nói dối, không nói khác).
Chánh ngữ còn là danh từ dịch nghĩa của chữ Át-Bệ, tên của một trong năm vị Tỳ Kheo, được Đức Phật độ trước hết tại rừng Lộc Giả. Át-Bệ là vị tăng sư rất đoan chánh trong mọi oai nghi, cử chỉ và ngôn ngữ. Chính vì nhờ cảm phục đức độ và ngôn hạnh của sư Át Bệ mà Ngài Xá Lợi Phất bỏ tà sư ngoại đạo, để đến qui y với Phật.
GHI TẠC: Khắc chạm, in sâu vào trí nhớ:“Ghi lòng tạc dạ chớ quên.”(Cổ thi).
ĐỨC HẠNH: Xem chú thích tại tr. 111 Tập 2/3.
TRÁO CHÁC: Lừa dối gạt gẫm, điêu ngoa xảo trá. Ví dụ: Con người đó tánh hay tráo chác lắm. Đức Thầy thường khuyên:“Nói với ai cũng phải lựa điều, Đừng tráo chác cho người khinh dễ.( Khuyến Thiện, Q.5).
XẢO NGÔN: (Xem CT câu 142, T-3, Q.4)
KINH NGHIỆM: (Xem  chú thích tại tr. 37 Tập 1/3.
DIỄN CA: Cách trình bày, viết ra một vấn đề gì theo lối thi ca (điệu văn vần), như “Việt Nam Quốc Sử Diễn Ca” chẳng hạn. Kinh giảng của Đức Thầy hiện nay, phần nhiều Ngài viết theo điệu thi ca (văn vần).
CHÁNH NIỆM: Phạn ngữ: Samyak-Snoti, có nghĩa: nhớ tưởng chơn chánh, nhứt tâm suy xét về chánh Đạo, nó có hiệu năng đối trị tà niệm. Chánh Niệm là cách hành đạo thứ bảy trong Bát Chánh Đạo; người hành theo đây, tư tưởng trở nên chân chánh hiền lành, diệt sạch phiền não mà chứng Đạo giải thoát.
CHÁNH ĐỊNH: Phạn ngữ: Samyak-Samâdhi, có nghĩa suy ngẫm chơn chánh ( nghĩa như chữ Thiền định). Người hành Chánh định diệt được vọng tưởng mê lầm, thấu đạt chơn lý của vạn pháp, đối trị được tà định. Chánh định là con đường giải thoát rốt ráo của Bát Chánh Đạo. Song tùy theo công hạnh của mỗi hành giả mà sự chứng đắc có hai bực:
1-Bực chứng đắc lần lần từ quả Tu Đà Hườn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán hay Duyên giác (phần Tiểu thừa).
2-Bực chứng đắc từ quả vị trong thập địa của hạnh Bồ Tát cho đến quả rốt ráo của Phật Thế Tôn (phần Đại thừa).
NHƯ NHƯ: Lý thể của Pháp tánh. Thể của nó vốn bình đẳng, chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng phải có, chẳng phải không. Đối với vạn pháp vạn cảnh đều xem như nhau, không nhiễm ô thiên chấp. Như như cũng có nghĩa là Trung đạo (đệ nhất nghĩa của Niết Bàn).
Vô lượng Thọ Kinh, Phật có nói:“Các hàng Bồ Tát sanh qua cõi Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà, hiểu rằng các pháp đều là như như”. Và trong Trung luận cũng chép:“Chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng thường cũng chẳng đoạn, chẳng một, cũng chẳng khác, chẳng lại, cũng chẳng đi.v.v…Những tướng, những pháp như vậy, tức là như như, cũng gọi là Như-lai”.
Đức Thầy nay cũng có câu:
 Cảnh như như chẳng có đổi thay,
   Không màng biết phân chia nhơn ngã.
    (Khuyến Thiện, Q.5)
AN CƯ: Ở yên. Đây chỉ cho người tu khi được trở về với Pháp thân thanh tịnh (Niết Bàn).
HƯỜN NGUYÊN PHẢN BỔN: Trở lại nguồn gốc xưa, tức trở lại bản tánh Chơn Như của mình từ trước.

  CHÁNH VĂN
691.    Tà với chánh còn đương trà-trộn,
 Người muốn tu phải sớm lọc-lừa.
 Tứ-Diệu-Đề ai có mến ưa,
694.    Thì Lão cũng kể sơ thêm nữa.
 Chữ Tập-Đề nay đà mở cửa,
 Để đem vào khuôn-khổ người hiền.
 Rán cực lòng một bước đầu tiên,
698.    Sau mới được làm nên Phật-Thánh.
 Về Thượng-Giái cõi Tiên mới bảnh,
 Đến Diệt-Đề trừ vật-dục xưa.
 Cõi hồng-trần các việc mến ưa,
702.    Sự giả tạm ta nên rứt bỏ.
 Muốn tâm-tánh ngày kia sáng tỏ,
 Thì Khổ-Đề phải chịu nhọc-nhành.
 Lòng dục tu thì phải thiệt-hành,
706.    Chớ đừng có ham điều sung-sướng.
 Đức Phật-Tổ nào đâu hẹp lượng,
 Chịu nhọc-nhằn mới rõ Đạo-Đề.
 Thấy một đàng thẳng-bẳng mà mê,
710.    Ôi chừng đó mới là mầu-nhiệm.

LƯỢC GIẢI (Từ câu 691 đến câu 710) :
-Đoạn nầy Đức Giáo Chủ cho biết từ trước tới giờ đã có nhiều mối Đạo ra đời, song giữa tà chánh đang lộn lạo, khó mà phân biệt được. Vậy ai muốn tu hành cần phải lọc lừa cho kỹ để:“Chọn nơi nào Đạo chánh phượng thờ, Thì mới được thân sau cao quí.”(GMTK, Q.4). Còn người nào đã qui y Phật, nay muốn thực hiện theo pháp Tứ Diệu Đề, Đức Thầy cũng lược giải ra đây, để mỗi hành giả nghiệm xét và tu tập.
-Thứ nhứt là Tập Đề: là khi đặt chân vào cửa Đạo, nhà tu cần khép mình trong khuôn khổ luật nghi và lo trau sửa thân tâm, cho đúng theo lời chỉ giáo của Tổ Thầy. Với công hạnh tu sửa nầy, dầu gặp nhiều khó khăn, chặt buộc, ta cũng phải cố gắng trì hành:
 Qui y thì khá làm y,
Giữ lòng thanh tịnh từ bi giúp đời.
  (Thức Tỉnh Một Nữ Tín Đồ ở Bạc Liêu)
Có được vậy, sau nầy mới chứng quả Phật Thánh và siêu sanh về cảnh Niết Bàn cực lạc.
-Thứ nhì là Diệt Đề: Có nghĩa đồng thời với sự khép mình vào qui điều giới luật, nhà tu phải cương quyết diệt trừ các tập nghiệp vô minh phiền não, như: tham, sân, si hay thất tình lục dục.v.v…những phiền não dục tình ấy đã kết thành ác nghiệp từ lũy kiếp, làm cho tâm trí mê mờ mà luân chuyển mãi trong sáu đường sanh tử, nên nay ta phải cố gắng tiêu trừ tận nguồn gốc của nó, mới mong kết quả.
-Còn phần thứ ba là Khổ Đề: tức từ lâu ta đã quen theo việc làm quấy, nói quấy, tưởng quấy (tam nghiệp, thập ác). Giờ đây muốn đổi lại việc phải (thập thiện) là một điều rất khó. Ngoài việc khó nầy còn có bao nhiêu điều khó khác, khêu động, thử thách hoặc tai nạn, dễ làm cho lòng mình thối chuyển; song ta phải kiên nhẫn để lướt qua các trở ngại ấy, hầu tiến tới mục đích.
-Thứ tư là Đạo Đề: Ý dạy rằng, đồng thời với sự kiên trì vượt qua mọi khó khăn thử thách ấy, ta phải thật tâm thành ý, tiến thẳng theo con đường Bát Chánh Đạo của Tổ Thầy đã vạch, tất được hốt ngộ chỗ quang minh vi diệu vô cùng, vô tận của Đạo tâm, ấy gọi là đắc thành Đạo quả.

CHÚ THÍCH :
TỨ DIỆU ĐỀ: Cũng gọi là Tứ Thánh Đế hay Tứ Chơn Đế (Phạn ngữ: Aryasatyâni hay Catvariaryasa-tyanu), có nghĩa: Bốn pháp thẩm xét mầu nhiệm chơn thật.
Theo Kinh xưa thì Đức Phật đã thuyết pháp Tứ Diệu Đề cho năm anh em Kiều Trần Như nghe trước hết. Bốn pháp ấy như sau:
1-Khổ Đề: Gồm có các sự khổ trong đời (bát khổ).
2-Tập Đề: Gồm có các tập nhơn (vô minh phiền não) sanh ra quả khổ.
3-Đạo Đề: Phương pháp diệt khổ để hưởng quả Niết Bàn.
4-Diệt Đề: Gồm có tám đường chánh (Bát chánh đạo).[Căn cứ bài “Sơ Giải Tứ Diệu Đề” của Đức Thầy, giải theo ý kinh Phật].
Còn căn cứ theo quyển “Giác Mê Tâm Kệ” nầy thì Đức Thầy lược giải Tứ Diệu Đề gồm có:
1/-Tập Đề: Có nghĩa tập sửa mình đúng theo qui luật pháp giáo của Đạo.
2/-Diệt Đề: Trừ diệt nghiệp nhân phiền não và lòng ham muốn vật chất, danh lợi tình.v.v…
3/-Khổ Đề: Chịu khó tu hành cho kỳ được các qui điều pháp giáo và diệt trừ những phiền não dục tình như đã kể trên.
4/-Đạo Đề: Thực hành theo con đường Bát Chánh để hoàn thành đức giải thoát…
Sở dĩ, giữa Tứ Diệu Đề của Đức Phật và của Đức Thầy giảng dạy, có thay đổi thứ tự và phương cách một vài chỗ là vì trong thời chánh pháp, Đức Phật phương tiện cho chúng sanh biết các nỗi khổ hiện tại là do chúng sanh tạo nghiệp phiền não vô minh ở quá khứ. Bây giờ muốn khỏi các quả khổ ở vị lai thì phải diệt trừ các phiền não vô minh hiện tại, bằng cách hành đúng Đạo Bát Chánh, tất nhiên các nỗi khổ sau nầy sẽ dứt sạch và tự tại vào cõi Niết Bàn.
Còn vào đời mạt pháp nầy, Đức Thầy phương tiện cho chúng sanh biết: hiện kiếp ta phải tập làm các nhân lành, diệt trừ các nghiệp ác, và chịu khổ tu hành đừng thối chí, tất sẽ tỏ ngộ Đạo mầu, khỏi vòng sanh tử mà đến cõi giải thoát (Niết Bàn).
Xem đây, thấy rằng hai cách giải bày Tứ Diệu Đề của Đức Phật và của Đức Thầy, chỉ khác nhau ở phương tiện sửa cho thích ứng với trình độ và căn cơ của chúng sanh, chớ chỗ qui túc cũng đồng mục đích giải khổ và thành Đạo như nhau.
Khi nhận được chỗ tương đồng và phương tiện như thế, người tu Phật cần khảo nghiệm cả hai cách giải bày của Đức Phật và Đức Thầy để dung hội lại hầu thật hành cho đến khi nào đạt được Đạo quả vô thượng Đại Bồ Đề. Đức Thầy khuyên:
    Câu Bát Chánh rán mài chạm dạ,
    Tứ mục điều người khá hành y.(Thiên Lý Ca).
THƯỢNG GIÁI: Cõi trên, ý chỉ cõi siêu thoát, đối với hạ giái (cõi trần chúng ta đang ở).
VẬT DỤC: Xem lại chú thích tại tr. 51 Tập 1/3.
SỰ GIẢ TẠM: Sự vật không thiệt, không bền chắc, chỉ có được thời gian rồi mất. Ý chỉ cho vạn vật trong thế gian, những cái gì thuộc về hình tướng, như: gia tài sự nghiệp, vợ đẹp con ngoan hay xác thân của ta, đều đi theo định luật “Thành, trụ, hoại, không”, chẳng có một vật nào giữ còn mãi mãi, nên gọi là giả tạm. Cổ nhân từng bảo:
 Thương bấy người đời không vẫn không,
   Ruộng vườn nhà cửa có như không.
   Vợ con cha mẹ lâu rồi chết,
   Danh lợi giàu sang rốt cuộc không.
   Trăm khéo trăm khôn đều giả tạm,
   Ngàn mưu ngàn kế cũng hườn không.
   Suốt đời lo lắng gầy cơ nghiệp,
   Nhắm mắt hai tay vẫn phủi không”.
Trong Kinh Kim Cang, Đức Phật đã dạy:
 Nhất thiết hữu vi pháp,
   Như mộng huyễn bào ảnh.
   Như lộ, diệc như điển,
   Ưng tác như thị quán”.
Tạm dịch:   Phật rằng muôn pháp trong đời,
   Ví như sương bọt giữa vời dễ tan.
    Chiêm bao điện chớp tiếng vang,
   Đến như thân xác hơi tàn còn đâu ?
Đức Thầy nay hằng cho biết “…Cuộc đời là giả tạm, nay vầy mai khác, thân thế lạc luân, của cải gia tài như đám phù vân trước gió, nước bọt, mây bèo. Những cái sanh, cái bịnh, cái lão, cái tử được đặt lên cuộc đời của người nầy rồi đến người khác…rồi đến người khác nữa.”( Luận Về Bát Chánh/ Chánh Định, tr. 200 SGTVTB 2004 ).
NHỌC NHÀNH: Cũng viết là nhọc nhằn. Có nghĩa vất vả, nhiều việc khó khăn cực nhọc:“Kẻ ăn người ở trong nhà, Sớm khuya công việc giúp ta nhọc nhằn.”(Ca dao).

   CHÁNH VĂN
711.    Mùi đạo diệu chúng dân rán kiếm,
 Trễ thời kỳ khó gặp đặng Ta.
 Rồi hành luôn Bát-Nhẫn mới là,
 Thì muôn việc đều an bá tuế. 
715.    Chữ thứ nhứt Nhẫn-Năng-Xử-Thế,
 Là người hiền khó kiếm trong đời.
 Lập thân danh tuần trải nơi nơi,
718.    Chờ thời-đại mới là khôn khéo.
 Chữ Nhẫn-Giái trì tâm trong trẻo,
 Khuyên dương-trần giữ phận làm đầu.
 Nhẫn-Hương-Lân cùng khắp đâu đâu,
722.    Trên cùng dưới đều hòa ý hỉ.
 Nhẫn-Phụ-Mẫu gọi trang hiền sĩ,
 Phận xướng-tùy chồng vợ nhịn nhau.
 Nhịn xóm-chòm cô bác mới cao,
726.    Nhẫn-Tâm nọ ngày ngày an-lạc.
 Nhịn tất cả những người tuổi tác,
 Nhẫn-Tánh lành yên-tịnh dài lâu.
 Giữ một lòng hiền-hậu mới mầu,
 Quanh năm cũng bảo toàn thân-thể.
730.    Chữ Nhẫn-Đức kể ra luôn thể,
 Thì trong đời vạn sự bình an.
 Chữ Nhẫn-Thành báu-quí hiển-vang,
734.    Khắp bá-tánh được câu hòa-nhã. 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 711 đến câu 734) :
-Đoạn giảng trên, ý Đức Thầy kêu gọi toàn dân hãy rán tìm cho ra lý thâm huyền trong Đạo pháp hầu sớm lo tu sửa, nếu để trễ thời kỳ, ắt khó gặp đặng Ngài. Và sau khi thông hiểu được pháp Tứ Diệu Đề, cần phải hành thêm tám điều nhẫn nhịn thì trên đường tu tiến sẽ được vững bền đến khi thành đạt mục đích.
-Trước nhất, là mặt xử thế tiếp vật (nhẫn năng xử thế), ta phải biết nhẫn nhịn để đem lại sự hòa khí cùng mọi người, mọi giới trong xã hội. Cũng như bước lập thân hành đạo ta cần phải biết tùy thời thích trung mà xử sự:“ Đấng nam nhi ẩn nhẫn tùy thời, Vậy mới gọi khôn ngoan hữu chí.(GMTK, Q.4).
-Còn sự nghiêm trì giới luật (nhẫn giái), dĩ nhiên là phải gặp nhiều khó khăn, nhưng lòng nhẫn nại sẽ giúp ta gìn giữ thân tâm sớm được trọn lành trọn sáng. Chính đó là bổn phận trước hết của nhà tu. Ngoài ra, còn việc giao tiếp với thôn xóm (nhẫn hương lân), ta phải dùng sự dung hòa đối xử với mọi người, khiến ai nấy đều được an vui, chẳng còn muốn gây thù kết oán với nhau nữa.
-Phần trong gia đình đối với cha mẹ (nhẫn phụ mẫu), phận làm con phải hết lòng tôn kính bảo dưỡng, đôi khi có bị rầy la xử ép cũng phải nhịn chịu để cha mẹ được vui lòng. Giữa cô bác, anh em, chồng vợ (nhẫn xóm chòm cô bác) cần nhường nhịn lẫn nhau, hầu đem lại sự hòa vui hạnh phúc và luôn biết kính nhường, lễ độ đối với các bậc cao niên kỷ trưởng.
-Về việc trau tâm sửa tánh (nhẫn tâm )muốn được an toàn vĩnh cửu, Đức Giáo Chủ dạy người tu cần có kiên trì trong công cuộc tẩy trừ vọng tâm phiền não. Từ lâu những sự nóng giận tham lam, gây thù kết oán đều phát xuất từ nơi đó và kết thành thói quen lâu đời. Nay muốn gội rửa tâm tánh (nhẫn tánh) cho được trong sạch, thì đức tánh kiên trì, nhẫn nại là một trong các phương tiện chính yếu sẽ giúp ta được an thân và thành công viên mãn.
-Đến nhẫn thứ bảy (nhẫn đức), Đức Thầy dạy nhà tu nên kiên nhẫn để rèn luyện các đức độ:“Từ bi, bác ái, dĩ đức háo sanh, khoan hồng đại độ” để đối với quần sanh và vạn loại. Dầu đặng vậy, nhưng lòng chẳng hề có ý nghĩ vui mừng, tự đắc…còn đức nhẫn thứ tám (nhẫn thành) là khuyên hành giả phải nhịn chịu mọi sự khó khăn để hoàn thành tám điều nhẫn nhịn vừa kể trên, nhưng lòng không còn thấy có tu, có chứng. Nhờ đó, ta thể hiện được tình hòa hảo với mọi người chung quanh hầu cảm hóa họ hướng về nẻo Đạo và sớm đạt đến giác hạnh viên mãn.

CHÚ THÍCH :
BÁT NHẪN: Tám điều nhẫn nhịn, gồm có: Nhẫn năng xử thế, Nhẫn Giái, Nhẫn Hương lân, Nhẫn Phụ mẫu, Nhẫn tâm, Nhẫn tánh, Nhẫn đức, Nhẫn thành.
Tám điều nhẫn nầy khởi nguyên từ Đức Phật Thầy Tây An (1807-1856). Ngài viết ra trong một bài thi Bát cú bằng Hán văn để cho ông Đạo Thắng một đệ tử của Ngài gìn giữ và truyền lại cho con cháu. Đồng thời Đức Phật Thầy cũng mật ký thêm cho ông Đạo Thắng một bài thi khoán thủ bát cú, trong đó có tám chữ “Đạt Đạo, Ngao Du, Châu Di, Viễn Cận” đều thuộc về bộ Xước. Ngài còn dặn rằng: nếu sau nầy có ai viết được bài thi đúng y văn tự như vầy, đó là Ngài chuyển kiếp trở lại. Ông Đạo Thắng giữ kín bài thi ấy mãi, đến khi sắp từ trần mới truyền lại cho con ông, rồi con ông truyền lại cho cháu nội là ông Nguyễn Phước Còn ở xã Long Kiến, Chợ Mới (An Giang). Bài thi ấy coi như là vật gia bảo, ngoài ba người ấy, không hề có một ai được biết tới.
Đến năm 1939, Đức Giáo Chủ khai sáng PGHH tại xã Hòa Hảo, quận Tân châu (Châu Đốc), thì ông Còn được chư thần kêu cho biết: Đức Phật Thầy đã tái sanh tại làng Hòa Hảo, con của ông Cả Bộ. Kêu hai lần như vậy, ông Bảy Còn cũng chưa tin, đến lần thứ ba ông mới chịu ra đi.
Đến nơi, vừa giáp mặt với Đức Thầy, Ngài liền ngó ngay ông Bảy Còn, nói:
-Dữ hôn ! Đợi chư thần đòi ba lần ông mới chịu đi à ? Thôi, mời ông vào nhà !
Nghe thế ông Còn cũng chưa tin thật. Đức Thầy liền bước lại bàn, viết hai bài thi bằng Hán văn nói trên đưa ra, ông Bảy Còn mới chịu nhìn nhận và qui phục. (Xem thêm quyển “Đức Huỳnh Giáo Chủ” của Vương Kim có kể rõ câu chuyện và hai bài thi cả văn Hán và Việt)
Dưới đây là y văn bài thi Bát Nhẫn của Đức Thầy viết ra (dịch lại chữ Việt):
 Nhẫn năng xử thế thị nhơn hiền,
   Nhẫn giái kỳ tâm thận thủ tiên.
   Nhẫn giả hương lân hòa ý hỉ,
   Nhẫn hòa phu phụ thuận tình duyên.
   Nhẫn tâm nhựt nhựt thường an lạc,
   Nhẫn tánh niên niên đắc bảo truyền.
   Nhẫn đức bình an tiêu vạn sự,
   Nhẫn thành phú quới vĩnh miên miên”.
BÁ TUẾ: Trăm tuổi (trăm năm). Ý chỉ thời gian lâu dài.
NHẪN NĂNG XỬ THẾ: Đức nhẫn thường hay nhịn nhục, hầu đối xử với đời và nhẫn đợi thời cơ để làm nên danh phận của bực hiền nhơn.
LẬP THÂN DANH: Gầy dựng thân danh cho mình do câu:“Lập thân hành Đạo dương danh ư hậu thế, Dĩ hiển kỳ Phụ Mẫu hiếu chi chung giả.”(Lập thân thi hành Đạo lý để danh thơm về sau, làm vẻ vang cha mẹ, ấy là điều sau cùng của Đạo hiếu). Đức Thầy cũng từng kêu gọi:
 Cuộc biến động nay mai nguy ngập,
   Một hội nầy rán lập thân danh”.
    (Để Chơn Đất Bắc)
NHẪN GIÁI: Đức kiên nhẫn mọi sự khó khăn để giữ tròn giới luật.
NHẪN HƯƠNG LÂN: Nhẫn nhịn đối với mọi người chung quanh để giữ được sự hòa khí trong thôn xóm.
Ý HỈ: Vui và vừa ý tầt cả.
NHẪN PHỤ MẪU: Đức nhẫn để trọn lòng hiếu kính đối với cha mẹ.
XƯỚNG TÙY: Do câu “Phu xướng Phụ tùy”(chồng xướng lên thì vợ nghe theo). Đây ý nói về Đạo chồng vợ, cư xử với nhau rất hòa thuận. Đức Thầy có câu:“ Đạo chồng vợ thuận hòa cho đến thác.”(bài Không Buồn Ngủ).
NHẪN TÂM: Đức nhẫn để diệt hết lòng dục vọng tham lam, để tâm được thanh tịnh an vui.
AN LẠC: Bình yên vui vẻ.
NHẪN TÁNH: Đức nhẫn nhịn để thay đổi tánh ý sân si, hung ác của chúng sanh, hầu được trở lại tánh hiền lành giác ngộ của Phật Thánh.
YÊN TỊNH: Trong sạch yên lặng.
BẢO TOÀN: Gìn giữ đâu đó được trọn vẹn lâu bền.
NHẪN ĐỨC: Đức nhẫn rèn luyện cho mình có những đức độ: hiền hòa, từ bi cao cả và khi có được các hạnh đức ấy, lòng chẳng hề tự mãn hoặc khoe khoang đắc ý.
NHẪN THÀNH: Đức nhẫn do sự thật tâm thành ý để viên mãn pháp Bát nhẫn mà tâm không còn thấy có chỗ được để tiến thẳng đến mức giải thoát, cứu cánh.
HIỂN VANG: Cũng gọi là hiển vinh hay vinh hiển. Có nghĩa sang trọng vẻ vang.
HÒA NHÃ: Ôn hòa nhã nhặn.

 CHÁNH VĂN
735.    Câu Đạo-đức bay mùi thơm lạ,
 Muốn nếm thì phải rán sưu tầm.
 Các Đạo tà mưu khéo âm thầm,
738.    Dân rán tránh kẻo lâm mà khổ.
 Chúng nó xuống khuyên-răn nhiều chỗ,
 Dùng phép mầu loè mắt chúng-sanh.
 Ai ham linh theo nó tập-tành,
742.    Sa cạm-bẫy khó mong sống sót. 
 Ta chẳng phải dùng lời chuốt-ngót,
 Mà làm cho dân-chúng say mê.
 Nẻo chánh tà biện-luận nhiều bề,
746.    Cho bá-tánh tìm nơi cội-gốc.
 Lựa cho phải kèo xưa danh mộc,
 Đừng để lầm thợ khéo sơn da.
 Thì sau này đến lúc phong-ba,
750.    Dông gió lớn cột kèo khỏi gãy.

LƯỢC GIẢI (Từ câu 735 đến câu 750) :
-Đoạn nầy ý nói trong lời lẽ Đạo đức, vốn có mùi vị thơm tho ngào ngạt, không sao kể xiết “Tiếng lành như thể hương bay nực nồng.”(Cảm Tác). Song ai muốn nếm được hương vị ấy cần phải chí tâm tìm hiểu và thực hành theo Kệ giảng chớ chẳng phải nhìn qua loa bên ngoài mà được. Đức Giáo Chủ còn cho biết: hiện nay có rất nhiều Tà đạo ra đời, mỗi người hãy nhận định cho sáng suốt để xa lánh, kẻo bị lạc lầm theo chúng mà phải mang khổ về sau:
Đừng bạ đâu tin bướng nghe càn,
Làm ngu-muội đọa thân uổng kiếp
     (Kh.Thiện,Q.5).
-Các tà đạo xuất hiện nhiều nơi và dựng đặt nhiều lý thuyết, để cám dỗ nhân sanh. Ngoài ra, chúng còn bày vẽ: nào luyện bùa trao phép, ơn trên nhập xác, nào phong tước đặt tên, soi căn đoán tâm lý v.v…Nếu ai ham linh thính hoặc còn mến tríu lợi danh, chạy theo tập tành với chúng, chẳng khác nào loài chim bị sa vào cạm bẫy, mong gì được thoát khổ.
99  -Đức Thầy còn cho biết: Ở đây không phải Ngài dùng lời ngọt ngào, chuốt ngót để lôi kéo quần chúng về mình mà chỉ vì lòng từ bi, chẳng nỡ ngồi nhìn chúng sanh bị lạc vào tà đạo, nên Ngài phải luận giải phân tách rõ ràng, để mỗi người nhận được đâu là tà ngụy mà xa lánh, và đâu là chơn lý giải khổ để nương theo, hầu trở về với gốc lành tự tánh của mình.
-Vậy từ nay trở đi, ai muốn tu theo Đạo nào, trước hết phải cẩn thận dò xét về tôn chỉ, luật giới và mục đích của mối đạo ấy, xem họ sẽ đưa nhân loại đi đến đâu, và có đúng chân lý không ? Nhứt là phần hạnh đức, trí năng của kẻ hướng đạo có xứng đáng cho ta tôn trọng làm Thầy hay không ? Nếu chánh lý ta sẽ nương theo, bằng họ chỉ tô phết một lớp sơn đạo đức bên ngoài, còn thực chất chẳng có đường lối rõ rệt thì ta nên xa lánh. Cũng ví như người muốn kiến tạo ngôi nhà, trước phải lựa thứ cây danh mộc (chắc chắn) để làm kèo cột mới bảo đảm lâu dài bởi các thứ cây đó mối mọt không thể ăn được và sau nầy dầu có gặp bão tố, nhà cũng không bị hư sập.

CHÚ THÍCH :
ĐẠO ĐỨC: Xem chú thích tại tr. 99 trên.
SƯU TẦM: Tìm tòi lục kiếm để được thấu hiểu. Ví dụ: Sưu tầm kinh điển, sưu tầm tài liệu. Đức Thầy hằng khuyên trong bài “Tối Mùng Một”:
 Sớm tỉnh Kệ kinh tìm hiểu lý,
   Một ngày hiệp mặt hết mờ lu”.
ĐẠO TÀ: Xem chú thích chữ tả đạo tại tr.34 Tập 2/3
TẬP TÀNH: Học tập rèn luyện theo một cách thức gì, do người khác bày ra. Đây chỉ cho sự tập luyện theo các tà thuyết và bùa phép của tà đạo.
CẠM BẪY: Những đồ dùng gạt cầm thú sa vào mà bắt. Ở đây chỉ cho các đạo tà hay bọn giả tu, thường dùng đủ mưu chước khéo xảo, hoặc bùa phép thính linh.v.v…để lừa gạt bá tánh tin theo một cách mù quáng, rốt cuộc cả thầy trò đều chuốc lấy tai hại.
Xưa, có một Tỳ kheo đã xuất gia tu hành mà tánh hay lười biếng, không lo học hỏi kinh pháp, tâm ý buông lung, thường vi phạm giới luật nên bị người trong Đạo trục xuất, bá tánh thấy vậy không ai cúng dường nữa, Tỳ Kheo rất buồn thẹn, ôm gói ra đi.
Cùng thuở ấy, có một con quỉ cũng phạm tội, bị Tỳ Sa Môn Thiên Vương đuổi đi. Quỉ xuống trần gian tìm nơi nương tựa kiếm ăn, bỗng gặp Tỳ Kheo trên đang đi thơ thẩn bèn hiện hình người, đón hỏi duyên do.
Tỳ Kheo tỏ thiệt đầu đuôi. Quỉ an ủi Tỳ Kheo: Ông đừng lo nữa, tôi có đủ phép thần thông giúp ông lấy lại uy tín, nhưng khi ông được người tặng vật thực chi, phải cúng vái tôi. Tỳ Kheo đồng ý, quỉ liền cõng Tỳ Kheo bay về chỗ cũ. Những người ở tụ lạc chỉ thấy Tỳ Kheo, chớ không thấy được quỉ, ngỡ rằng: Tỳ kheo đã đắc đạo biết đằng vân, bèn cùng nhau lễ bái thỉnh về chùa, lại còn trách người trong Đạo xét đoán không công minh, nỡ đuổi oan một thầy tu đã chứng quả.
Từ ấy tiếng đồn vang dội, bá tánh đồng đem lễ vật đến dâng cúng. Tỳ kheo cũng nhớ lời hứa, mỗi món đều vái cúng cho quỉ trước.
Hôm nọ, Quỉ đang cõng Tỳ Kheo du hành trên không, để biểu diễn lòe mắt thiên hạ, chẳng may gặp quan thuộc hạ của Tỳ Sa Môn Thiên Vương. Quỉ thất kinh ném Tỳ Kheo và tận lực đào tẩu. Tỳ Kheo bị rơi từ không trung xuống đất nát thây.
Lại nữa, gần đây (năm 1940) có vụ Đạo Quốc cầm đầu phong trào Đạo Tưởng ở chùa Long Châu, gần Quận lỵ Tân châu (Châu Đốc). Y giả xưng là Phật Giáo Bửu Sơn Kỳ Hương nhưng y chủ trương theo tà thuyết: lên xác, tập luyện phép linh, bùa chú để nuôi mộng tranh đoạt lợi danh. Dân chúng ham linh mê tín theo y, rèn tập hằng đêm. Chẳng bao lâu bị nhà đương cuộc bao vậy, bắn chết một số, còn lại bao nhiêu đều bị bắt cho đi ngồi tù.
Xuyên qua hai câu chuyện chứng minh cho đạo tà, thấy rằng: người muốn tu cần phải thận trọng trong việc lựa chọn mối Đạo mà nương theo. Nếu không khéo sẽ bị rơi vào cạm bẫy của tà giáo mà nguy khốn cả thể xác lẫn linh hồn.
Đức Giáo Chủ thường căn dặn tín đồ:
  “Ra đi dặn lại ít lời,
   Khuyên trong bổn đạo vậy thời rán nghe.
Dầu ai tài phép bày khoe,
    Ham linh, ham nghiệm sợ e mang nghèo.
Lựa cho phải cột phải kèo,
Phải vai phải vế mà theo kẻo lầm.
Ngọc kia ẩn dạng khó tầm,
    Chọn nơi chơn chánh khỏi lâm khổ hình”.
    (Dặn Dò Bổn Đạo)
CHUỐT NGÓT: Nói tốt, quảng cáo. Ý chỉ lời ngọt ngào khéo léo.
BIỆN LUẬN: Cũng gọi là luận biện. Có nghĩa bàn bạc, luận giải cho ra lý lẽ phải trái. Đức Thầy có câu:
 Ta là kẻ tu hành thiển kiến,
   Xét thế trần luận biện đôi điều.
   (Nang Thơ Cẩm Tú)
DANH MỘC: Các loại cây tốt, thịt chắc, có danh tiếng, dùng làm nhà hay đóng bàn ghế, xài lâu hư, như: cẩm lai, trắc, bên, thao lao, cam xe.v.v…Đây ý chỉ chánh Đạo, nơi có pháp giới tu hành đúng theo chân lý của Đạo Phật và đưa người giải thoát sanh tử. Không dùng thinh âm sắc tướng hay bày trò mê tín dị đoan. Đức Thầy thường cho biết:“Vô vi chánh Đạo hỡi người ơi !”(Cho Ô. Tham tá Ngà).
PHONG BA: Xem chú thích tại tr. 73 Tập 1/3.

   CHÁNH VĂN
751.    Thấy sanh-chúng nhiều người khờ dại,
 Chẳng biết gìn phong-hóa lễ-nghi.
 Nên ta đem đạo đức duy-trì,
754.    Gìn tục cổ để người chẳng rõ.
 Còn chậm-chạp Đạo-mầu chưa tỏ,
 Như rừng hoang mới dọn một đường.
 Tớ với Thầy nào quản thân lươn,
758.    Muốn cứu thế sá chi bùn trịn.
 Thương quá sức nên Ta bịn-rịn,
 Quyết độ đời cho đến chung thân.
 Nếu thế-gian còn chốn mê tân,
762.    Thì Ta chẳng an vui Cực-Lạc.

LƯỢC GIẢI (Từ câu 751 đến câu 762) :
-Đức Giáo Chủ nhận thấy chúng sanh hiện nay, phần đông quá mê khổ, đắm say dục lạc và chạy theo lối sống văn vật tân thời, vội quên đi phong hóa cổ truyền. Do đó, Ngài khai hóa đạo mầu, kêu gọi bá tánh hãy hồi tâm thức tỉnh, tập sửa cách ăn ở đúng theo lễ nghi, phong tục tốt đẹp của ông cha ta từ trước.
-Sở dĩ thời nay chưa được bao người, thấu rõ lý mầu của Đạo pháp, là vì Đức Thầy mới vừa khai sáng nền Đạo. Cũng như khu rừng hoang vu từ trước, mà nay mới dọn được một lối đi…Ngài còn cho biết: trên con đường giác chúng độ đời, dầu có gặp nhiều khó khăn, thử thách hoặc tiếng đời nhạo chê phỉ báng, song Thầy trò Ngài chẳng chút ngại ngùng:“Tớ thầy nào nệ cần lao, Thương dân dạy dỗ xiết bao nhọc nhằn.”( Để chơn đất Bắc).
Bởi lòng Đức Thầy quá thương xót sanh linh, nên Ngài phát thệ suốt quãng đời: “Có sông có núi cùng cây cỏ, Độ tận chúng sanh khỏi dại khờ.”( Đầu Năm). Chẳng những thế, Ngài còn hứa nguyện: nếu chúng sanh còn mãi đắm chìm trong sông mê bể khổ, thì Ngài chẳng nỡ yên vui nơi Phật cảnh:
 Nếu chừng nào khai thông nền Đạo Đạo,
   Đuốc từ bi rọi khắp cả nhơn gian.
   Bể trầm luân khô cạn sáu đàng,
   Tăng sĩ mới trở về nơi thanh tịnh”.
   (Trao Lời Cùng Ông Táo)

CHÚ THÍCH :
PHONG HÓA LỄ NGHI: Xem lại chú thích tại tr. 166. Tập 2/3.
DUY TRÌ: Cầm giữ lại, không để hư mất.
GÌN CỔ TỤC: Giữ gìn những phong tục, lễ nghi tốt đẹp của Ông Cha ta từ xưa để lại. Đức Thầy từng khuyên:
 Nhắc nhở con hiền noi tục cổ,
 Kêu chừng trẻ thảo gốc trời đông.
    (Chí Thanh Cao)
ĐẠO MẦU: Xem chú thích tại  tr. 280 Tập 1/3.
NÀO QUẢN: Đâu nài hà, chẳng ngại chi.
BÙN TRỊN: Cũng viết là bùn sình. Bùn là chất đất nhão, trịn (sình) là chất bùn lỏng, chất đất bẫy lầy ở đáy nước. Nghĩa bóng là chỉ cho sự nhọc nhằn, khổ nhục đủ cách.
BỊN RỊN: Bận bịu, không nở rời đi được .
CHUNG THÂN: Suốt đời mình, đến khi từ biệt cõi đời. Đức Thầy có câu:“Chung thân quyết chí dốc làm lành.”(Thiên Lý Ca).
MÊ TÂN: Bến mê, chỉ chỗ chúng sanh đang ở, nơi còn luân hồi sanh tử, đầy thống khổ đối với giác ngạn (bờ giác) là chỗ chư Phật ngự, nơi giải thoát an vui. Đức Thầy từng nói trong bài Viếng làng Mỹ Hội Đông:
 Làm sao khỏi chốn mê tân,
   Đào nguyên vạn lượng tỏ phân kính sùng”.

CHÁNH VĂN
763.    Dạy bổn-đạo lấy lời đích-xác,
 Mà chẳng tu là bởi không ưa.
 Chớ nước sâu mà bị gàu thưa,
766.    Dân đông-đảo lời truyền chẳng xiết.
 Nên phải tạm mượn cây ngòi viết,
 Đem Đạo-mầu như hạn cho mưa.
 Đặng tố-trần tâm ý Người Xưa,
770.    Chữ thậm thâm trong kinh Phật-Giáo.
 Nền chơn lý chúng chê rằng láo,
 Mà nào Ta có lợi-dụng ai.
 Trong bá-gia nhiều ít lòng chay,
774.    Để giữ trọn trong nền Phật-Pháp.
 Gìn giới cấm sửa tâm ô-tạp,
 Niệm Phật thì phải dẹp lòng tà.
 Nhớ từ-bi hai chữ ngâm-nga,
778.    Dầu làm lụng cũng là trì chí.

LƯỢC GIẢI (Từ câu 763 đến câu 778) :
-Lời khuyên dạy của Đức Giáo Chủ rất rõ ràng chính xác, thế mà người đời chẳng chịu hồi tâm hướng thiện, là vì lòng họ không thích đạo đức. Vả lại, một cái hầm sâu, nước rất nhiều, chiếc gàu lại thưa thì bảo làm sao tát cho mau cạn được. Cũng như lời thuyết giáo của Ngài, trong cấp thời chưa ban đều hết vạn dân.
-Thế nên Ngài phải tạm dùng giấy mực, sáng tác Kệ kinh, để làm cho nguồn giáo pháp mưa rãi khắp nơi. Chính đó là phương tiện cho Ngài, vừa tỏ bày tâm ý và vừa luận giải giáo lý thâm huyền trong Đạo Phật.
-Ngài giảng dạy cách thức tu hành rất thật tế, đúng theo chân lý Phật giáo, chẳng hề có ẩn ý lợi dụng một ai; lại có số người cho đó là lời không thiệt. Ngài còn bảo: Trên đường tu học Phật pháp, ai muốn được kết quả phải thật lòng trì chay, hoặc nhiều hoặc ít. Nghĩa là tùy theo trình độ và lòng nhân ái của mỗi hành giả, mà từ chỗ ăn chay kỳ, sẽ tiến đến trường chay một cách trọn vẹn.
-Còn phần giới luật, mỗi người cần nghiêm giữ chính chắn, lọc sạch các vọng tâm đen tối. Đồng thời phải nhiếp tâm trì niệm sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật”; để diệt trừ những ý nghĩ tà khúc, xấu xa. Song muốn cho sự niệm Phật có hiệu quả, mỗi khi: đi, đứng, nằm, ngồi hoặc nói, làm, ăn uống đều phải kiên trì niệm Phật như vậy:“Tu uống nước niệm Phật uống vào, Ăn cơm niệm Phật chỗ nào cũng tu.”(Kim Cổ Kỳ Quan của Ô. Ba Thới).

CHÚ THÍCH :
LỜI CHÍNH XÁC: Lời nói chính xác, rõ ràng, thật đúng. Ví dụ: Luận giải rất chính xác.
TỐ TRẦN: Bày tỏ ra. Đức Thầy có câu:“Bút nghiên tạm lấy tờ hoa tố trần.”(Viếng Làng Phú An).
THẬM THÂM: Rất cao sâu mầu nhiệm. Chữ thậm thâm là lời pháp giáo có nghĩa lý sâu mầu khó tả. Kinh Phật xưa có câu:“Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp”. Đức Thầy nay cũng nói:“Vô thượng thậm thâm dĩ ý truyền.”(Khuyến Thiện, Q.5).
CHƠN LÝ: Xem chú thích tại tr. 171 Tập 1/3.
LÒNG CHAY: Do chữ “tâm chay”. Chay cũng viết là trai (theo chữ Hán), tức là chỉ sự ăn chay. Xưa nay, trong giới tu hành dù ai cũng phải trì chay. Song vì hoàn cảnh và trình độ của mỗi người mà sự ăn chay hoặc nhiều hoặc ít chẳng đồng nhau.
Đại khái có hai cách:
1-Chay trường: cũng gọi là tố thực, tức ăn toàn những thứ không phạm tội sát sanh, như: muối, dưa, tương đậu, rau cải.v.v…và cứ ăn luôn như vậy cho đến mãn kiếp hoặcđến  thành Đạo.
2-Chay kỳ: là mỗi tháng chỉ ăn bốn ngày chay, hoặc sáu hay mười ngày; hoặc mỗi năm ăn chay luôn ba tháng có các ngày rằm lớn, như: Thượng ngươn (tháng giêng), Trung ngươn (tháng bảy), Hạ ngươn (tháng mười).
Song dù ăn chay cách nào cũng phải giữ tâm chay mới được kết quả quí báu. Nghĩa là phải tăng trưởng lòng nhơn, diệt tâm tham sát, tránh sự sát sanh vô cớ. Trong cửu khúc của ông Nguyễn Văn Thới có câu:“Tu biết thương vốn thiệt chay trường”. Và Đức Thầy nay cũng từng bảo:
 Chữ Nam mô trì giái giữ chay,
 Chay được tánh chay tâm mới quí.”(Sa Đéc).
PHẬT PHÁP: Xem lại chú thích tại tr. 54 Tập 1/3.
GIỚI CẤM: Cũng đọc là giái cấm. (Phạn ngữ:Sila,  âm là Thi-la; Pratimoksha, âm là Ba-la đề-mộc-xoa), nghĩa là “giái ác cấm phi” tức “răn chuyện dữ, cấm điều quấy”. Hai chữ giới và cấm đồng một nghĩa, nhưng viết ghép lại cho rõ nghĩa thêm. Giới cấm do Tổ Thầy lập ra để răn cấm môn đồ không cho quấy phạm.
Theo Kinh Phật  thì giới gồm có: Ngũ giới, Bát giới, Thập giới, Cụ túc giới và Tam Tụ giới. Tam tụ giới là giới luật chung cho hàng tại gia lẫn xuất gia, ai trì cũng được, còn gọi là Bồ-tát giới, gồm có 10 điều trọng và 48 điều khinh.
Còn theo Sấm kinh PGHH hiện nay gồm có Bát giới (tám điều răn cấm) và Thập giới (diệt thập ác v.v…). Nhưng trong đây gồm nhiếp cả Ngũ giới và Tam tụ giới của hạnh tu Bồ-tát.
Tóm lại, người tu hành có giữ gìn giới cấm, thân tâm mới được an định trong sạch, và tâm có định thì trí tuệ mới phát khai, chứng thành đạo quả. Kinh Phật gọi ba món ấy là Tam học (Giới, Định, Huệ), nó có diệu năng trừ được tam độc (tham, sân, si).
Xưa, Đức Phật từng phán dạy:“Giới là kho diệu pháp, là của xuất thế. Giới là tàu bè lớn, đưa người qua biển khổ sanh tử. Giới là pháp vô úy phá tan tà kiến độc hại. Giới là tướng dõng mãnh dẹp hết ma quân. Giới là hào, thành ngăn che được giặc phiền não. Giới là đất bằng, để kiến tạo lầu đài định huệ”.
Ngài Đàm Nhứt Luật Sư cũng bảo:
 Tam Thế Phật Pháp, giới vi căn bổn.
   Bổn chi bất tu, Đạo viễn hồ tai”.
(Chư Phật ba đời thuyết pháp đều lấy giới luật làm căn bản, căn bản không tu thì xa Đạo lắm rồi !).
Đức Thầy hiện nay hằng dạy tín đồ:“…cần nhứt ở chỗ giữ giới luật hằng ngày…”(Lời Khuyên Bổn Đạo). Và phải:“…Tôn trọng giới luật của Đạo, rán sửa mình cho trong sạch để gây quả phúc tốt cho linh hồn và xác thịt.(Lời Tâm Huyết) .
TÂM Ô TẠP: Lòng hỗn loạn đen tối, thường nghĩ tưởng và ô nhiễm việc nhơ xấu tội ác.
LÒNG TÀ: Tâm vọng tưởng việc tà vạy, tội ác.

CHÁNH VĂN
779.    Chờ Thiên-Địa châu-nhi phục-thỉ,
 Như đời xưa có gã Tử-Phòng.
 Xem thời cơ người đã rõ thông,
782.    Dùng tôi thiểu mà an bá-tánh.
 Đời vật-chất văn-minh tranh-cạnh,
 Chữ lợi quyền giựt-giết lẫn nhau.
 Động lòng hiền chư Phật đớn-đau,
786.    Cho kinh sấm dạy-răn trần-thế. 
 Nhìn thấy chuyện gạo châu củi quế,
 Nghèo bạc vàng đạo-đức cũng nghèo.
 Ta xuống trần nhằm lúc nạn eo,
790.    Nên phải bị kẻ hung khinh-bỉ.
 Vì bác-ái nên thân Cuồng-Sĩ,
 Phải chịu điều khổ hạnh sâu-xa.
 Mong cho đời gặp lúc khải-ca,
794.    Trong bốn biển thái bình mới toại.

LƯỢC GIẢI (Từ câu 779 đến câu 794) :
-Hiện thời dân tộc Việt Nam đang bị sự kềm kẹp, dưới chánh sách độc ác của bạo quyền (Pháp), nên Đức Thầy khuyên mọi người hãy kiên trinh nhẫn nại để chờ định luật xoay vần của trời đất:“Xây vần trời đất tiết thì, Hết cơn bĩ cực tới kỳ thới lai.”(Khuyên Người Giàu Lòng Phước Thiện). Cũng như trường hợp của Trương Tử Phòng xưa kia, bấy giờ dân chúng liên tiếp gánh chịu hai chế độ tàn ác, của Tần Thủy Hoàng và Hạng Võ. Tử Phòng phải lánh mình tầm sư học đạo, sau khi thông đạt thời cơ, ông theo phò Hán Bái Công và vận dụng đủ cơ mưu, trước đánh đổ bạo Tần; và sau cùng, ông chỉ dùng khúc tiêu thổi lên mà phá được quân binh của Hạng Võ tại Cửu Lý Sơn, chấm dứt cuộc “nắng Sở mưa Tần”(chú thích tại tr. 217 Tập 1/3), đem lại sự hoà bình an lạc cho dân chúng.
-Bởi nhân loại thời nay chạy theo văn minh vật chất, lòng tham vọng dẫy đầy, gây nên cuộc chiến tranh tàn khốc, khắp năm châu. Do đó, chư Phật đầy lòng Từ Bi, sắc lịnh cho Đức Thầy, lâm phàm truyền bá kệ kinh, khuyên dạy người đời sớm cải ác tùng thiện.
-Ngài tiên tri sắp tới đây, bá tánh phải chịu cảnh nghèo đói:“Gạo lúa kém là đồ sản thổ, Hàng hóa cao ấy của ngoại bang vào.”(Trao Lời Cùng Ô. Táo) Sự nghèo túng về vật chất, như: Gạo lúa vàng bạc đã đành, song phần tinh thần Đạo đức, trong bá tánh cũng ít người tầm cầu tu sửa. Và công cuộc độ thế của Đức Thầy cũng bị lắm kẻ khinh khi nhạo báng:“Hung đồ cường nghịch một hồi cười reo.”(Để Chơn Đất Bắc).
-Hơn nữa, vì lòng thương xót vạn loại sanh linh nên Đức Giáo Chủ chẳng nài sự gian khổ, giả dạng điên khùng, len lỏi khắp nơi để tùy phương giáo hóa. Ngài hằng mong đến một ngày kia, toàn dân Việt Nam hát khúc khải hoàn và cả thế giới đều vui sống cảnh thanh bình:
 Mong tạo hóa sắp xong tuồng cổ điển,
 Đặng nhơn sanh kiến cảnh thái bình hòa”.
    (Không Buồn Ngủ)

CHÚ THÍCH :
CHỜ THIÊN ĐỊA CHÂU NHI PHỤC THỈ: Do câu: “Thiên địa tuần hườn châu nhi phục thỉ”. Có nghĩa luật xoay chuyển trong trời đất, hễ giáp vòng rồi phải trở lại mối đầu và cứ thế mà xoay mãi. Ý nói cuộc đời hết suy tới thạnh, hết nhục tới vinh, hết chiến tranh loạn lạc, đến hồi yên ổn thái bình. Đức Thầy từng nói:“Tuần hườn Thiên địa đổi xây.”(Sấm Giảng, Q.3) Và:
 “Nam thức Quân thần cuồng lão sĩ,
Châu nhi phục thỉ cổ đồng lân.”(Tỏ Câu Huyền Bí).
TỬ PHÒNG: Ông tên tộc là Trương Lương, hiệu là Tử Phòng, người ở nước Hàn (Trung Hoa), con của Nguyên Soái Trương Xa. Khi Tần Thủy Hoàng gồm thâu sáu nước (Hàn, Triệu, Ngụy, Yên, Tề, Sở) thì Trương Lương gặp cảnh nước mất nhà tan, muôn dân bị kềm kẹp dưới chế độ bạo Tần. Ông cảm thấy mình có trách nhiệm phục thù cho quốc dân nên thường giao du khắp thiên hạ, tìm liên kết các dũng sĩ để đánh đổ bạo Tần. Có thời gian ông cùng với Thượng Hải Công hành thích vua Tần, song việc bất thành, ông lánh nạn qua xứ khác.
Trên đường lưu vong, Trương Lương được Tiên Ông Huỳnh Thạch Công cho ba quyển “Thiên Thơ Đồ Trận”, ông liền xem đó mà học tập. Về sau ông thấy Lưu Bang (Hán Bái Công) là người tài đức gồm đủ nên theo phò. Chính nhờ mưu kế của Trương Lương mà Bái Công chiếm được Kinh đô nhà Tần, buộc con vua Tần là Nhị Đế (Tử Anh) ra hàng. Đoạn lui về Bao Trung để chuẩn bị binh lương, đốt Sạn Đạo khiến Hạng Võ dời đô về Bành Thành.v.v…
Trương Lương còn tìm được Hàn Tín, tiến cử làm Phá Sở Đại Nguyên Soái, đánh lấy Tam Tần, nhanh chóng khiến quân Sở trở tay không kịp. Điểm quan trọng là lúc Hàn Tín và tướng sĩ nhà Hán bao vây Hạng Võ tại Cửu Lý Sơn. Thấy vây lâu ngày mà chưa hạ được Hạng Võ, nên đêm nọ Trương Lương lên núi Kê Minh cầm tiêu thổi lên, tiếng tiêu phát ra âm điệu vừa du dương, vừa buồn bã tha thiết ! Bản tiêu ấy trong truyện “Hán Sở Tranh Hùng” có dịch:
Đêm thu mù mịt trời sương,
Có người thiếu phụ quê hương lạnh lùng
Sa trường vó ngựa,
Trẩy gót binh nhung,
Con thơ nheo nhóc mịt mùng dặm xa!
Cơ hàn đau đớn mẹ cha,
Canh khuya vò võ tuổi già đợi con !
Chí trai vạn dặm,
Hồ thỉ bốn phương,
Nhưng con đi đã lầm đường,
Giúp người tàn bạo không thương dân lành.
Mơ màng nửa giấc ba sinh,
Một đi, một nhớ, một mình canh thâu”.
Khúc tiêu trổi giọng, muôn vạn cung sầu len vào tâm hồn của binh tướng Sở, khiến người người đều nhớ quê hương, con vợ, mẹ cha…Trong đêm ấy, có hai phần ba tướng sĩ mất hết tinh thần chiến đấu, bỏ ngủ ra đi; tám ngàn học trò trước kia, nay chỉ còn lại vài trăm. Cuối cùng Hạng Võ cắt đầu tuẫn tiết tại bến Ô Giang.
Khi Lưu Bang thống nhất sơn hà, lên ngôi xưng là Cao Tổ nhà Hán thì Trương Lương từ quan, theo thầy là Huỳnh Thạch Công, về núi tu hành và sau được thành Tiên.
THỜI CƠ: Xem lại chú thích tại tr. 34 Tập 1/3.
TÔI THIỂU: Theo văn tự thì nghĩa là tôi ít, nhưng chữ “tôi thiểu” ở đây dùng để nói lái lại thành “tiêu thổi”(lối văn lộng ngữ).
Lúc Đức Thầy còn ở Tổ Đình Hoà Hảo, có ông Cả Đô ở làng Tân An (Tân Châu) đến gặp Đức Thầy nhiều lần để nghe Ngài thuyết pháp. Ông để ý thường thấy Đức Thầy chỉ ngồi trên hai cái ghế trong số tám cái để hai bên chiếc bàn dài, nên thừa lúc Ngài đi ra đường, ông liền đổi cái ghế mà Ngài thường ngồi (cũng giống hệt như mấy cái kia). Xong rồi ông đi theo Đức Thầy ra ngoài lộ, hỏi:
-Bạch Thầy ! xưa nay người ta phải dùng nhiều tôi lương đống mới tế thế an bang được. Tại sao Ngài lại nói dùng tôi ít trong câu giảng:“Dùng tôi thiểu mà an bá tánh ?” Đức Thầy liền đáp:
-Tôi nói lái đấy ! Tôi thiểutiêu thổi !…
Thầy trò nói chuyện một chập rồi trở vô nhà, đi lại hai hàng ghế, Đức Thầy vừa nhìn ông Đô nói chuyện và cũng vừa nhắc cái ghế mà Ngài thường ngồi, đổi lại cái ghế mới thay vào khi nãy. Sau khi dứt câu chuyện, Ngài ngồi trên cái ghế đã ngồi từ trước một cách tự nhiên, như không có gì xảy ra. Bấy giờ ông Cả Đô và mọi người có mặt đều thì thầm thán phục.
Chữ “tôi thiểu” tức là  “tiêu thổi” trên đây, ý Đức Thầy muốn nhắc lại chuyện Trương Lương dùng tiếng tiêu phá được binh Sở, chấm dứt tai vạ “nắng Sở mưa Tần”(chú thích tại tr. 217 Tập 1/3). Từ đấy dân chúng được hưởng cảnh thái bình an lạc, như Ngài từng nói trong bài “Thu Đã Cuối”:
 Còn một đoạn mưa Tần nắng Sở,
   Trải qua rồi việc dở hóa hay.
   Thế gian sẽ biết Thánh tài,
   Bế bồng con dại hát bài khải ca”.
VẬT CHẤT VĂN MINH: Xem chú thích chữ “văn vật” tại tr. 148 Tập 2/3.
LỢI QUYỀN: Tài lợi và quyền tước vị danh, hai điều trong lục dục.
GẠO CHÂU CỦI QUẾ: Cũng gọi là “củi quế gạo châu”. Đây là một thành ngữ. Ý nói thời chiến tranh hoặc gặp lúc thất mùa thì gạo củi mắc như châu như quế (giá sinh hoạt quá đắt đỏ).
KHINH BỈ: Khi dể, khi thị, coi không ra gì.
BÁC ÁI: Xem chú thích tại tr. 58 Tập 1/3.
CUỒNG SĨ: Cũng gọi là sĩ cuồng, có nghĩa là người có chí khí lớn và hăng hái tiến thủ. Cuồng sĩ còn có nghĩa là kẻ sĩ không thiệt tánh.
Nhưng chữ cuồng sĩ ở đây có ngụ ý ẩn danh, và đối lại hạng người khôn lanh quỉ quái. Cũng như hai chữ Khùng Điên mà Đức Giáo Chủ dùng làm danh hiệu, Ngài đã từng thốt trong bài “Tỏ Câu Huyền Bí”:
 Nam thức quân thần cuồng Lão sĩ,
   Châu nhi phục thỉ cổ đồng lân”.
Ngài cũng đã từng dùng biệt hiệu “Sĩ Cuồng” để ký tên cho tác phẩm:“Hồi chuông cảnh tỉnh những kẻ trông Tây hững hờ với nạn đói Bắc Kỳ”.
KHẢI CA: Xem chú thích chữ “khải hoàn” tại tr. 25 Tập 2/3.
BỐN BIỂN: Do chữ tứ hải chỉ các biển lớn bao quanh các lục địa của quả địa cầu. Đây có ý chỉ cho khắp thế giới, khắp thiên hạ. Đức Thầy có câu:“Khắp bốn biển liên dây Hòa Hảo.”(Diệu pháp Quang Minh).

 CHÁNH VĂN
795.    Phật, Tiên, Thánh, lòng nhơn hà-hải,
 Những ước-ao thế-giới hòa-bình.
 Nên khuyên đời truyền-bá sử-kinh,
798.    Cho sanh-chúng sửa mình trong sạch.
 Giàu đổi bạn khinh-khi kẻ rách,
 Là những câu trong sách Minh-Tâm.
 Tánh kẻ sang đổi vợ nào lầm,
802.    Thánh-nhơn để nhiều câu hữu-lý. 
 Có mấy kẻ ăn-năn xét kỹ ?
 Mãi ỷ tài chê bướng chê càn.
 Thì ngày sau đừng có trách than,
806.    Những tội lỗi của mình tạo lấy.
 Bị háo-thắng việc người không thấy,
 Rồi mảng lo gièm-siểm nhiều lời.
 Vì vậy nên tình nghĩa xe lơi,
810.    Đâu gần-gũi mà tường diệu lý.

LƯỢC GIẢI (Từ câu 795 đến câu 810) :
Lòng thương xót của Phật Tiên Thánh bao la như sông dài biển rộng, lúc nào cũng mong ước cho bá tánh được sống cảnh thanh bình an lạc. Cho nên các Ngài thức tỉnh người đời, bằng cách quảng truyền Kinh Giảng khắp nơi, để mỗi hành giả xem theo đó mà tu sửa, cho thân tâm sớm trở nên trong sạch tốt lành.
-Nhìn lại loài người sống trong xã hội hiện thời, ít ai ăn ở theo luân thường đạo nghĩa, vì lòng quá tham giàu sang quyền tước mà những cuộc thay vợ đổi chồng, bạn bè không thành tín, thường thấy xảy ra liên tiếp. Từ trước các bậc Thánh Hiền đã cảnh giác người đời bằng những câu danh ngôn, được ghi lại trong sách “Minh Tâm Bửu Giám”. Xét ra toàn là những câu hữu lý, thế mà dân chúng thời nay ít ai chịu học theo.
-Số người ấy, chẳng những họ không suy xét để cải hối các điều sái quấy, lại ỷ tài ỷ tận chê bai kinh sách. Đức Thầy còn cho biết những kẻ đã gieo nhân tội ác, trái với tinh thần đạo đức thì sau nầy họ sẽ gặt lấy hậu quả đau khổ; chừng đó, dầu có trách than cũng không sao thoát khỏi.
Tai hại nói trên, phần lớn là do lòng háo thắng, lúc nào cũng chỉ thấy có mình là hay giỏi hơn hết, chẳng hề để tâm xét kỹ hạnh đức của người khác, và cũng chẳng tìm hiểu coi lời lẽ trong kinh sách dạy chỉ như thế nào, có đúng chơn lý hay không ? Hễ mỗi khi nghe ai nhắc đến việc Đạo, hoặc vừa thấy quyển Kinh là họ gièm pha đủ cách. Do đó, càng ngày càng cắt đứt duyên lành, tình cảm với những nhà đạo đức và lần lần xa lánh Sấm Kinh. Ấy là duyên cớ làm cho họ không hiểu được lý mầu nhiệm trong Kệ Giảng.

CHÚ THÍCH :
LÒNG NHƠN HÀ HẢI: Tâm nhơn đức thương xót khắp chúng sanh rộng lớn như sông biển.
TRUYỀN BÁ: Xem chú thích tại tr. 123 Tập 2/3.
GIÀU ĐỔI BẠN, SANG ĐỔI VỢ: Do câu “Phú dịch giao, quới dịch thê” và câu “Tiểu nhân sạ phú tiện khi bần”(Kẻ tiểu nhân bỗng trở nên giàu có thì hay khi thị kẻ nghèo hèn). Trong đời có lắm người như thế.
Xưa, vào thời Đông Châu (Trung Hoa) có Ngô Khởi người nước Vệ, rất giỏi về việc cầm binh, được vua Tề gả công chúa, nhưng sau bỏ Tề đầu Lỗ. Ngô Khởi đành giết vợ để được vua Lỗ tin dùng và đặng lấy vợ khác là công chúa Lỗ Lâm. Tuy đánh Tề có công và được phong tước cao, song cũng không được Lỗ tin cậy. Túng thế phải bỏ Lỗ sang đầu Sở và sau cùng bị chết ở Sở, khi nước nầy có loạn. Cổ thi có câu:
 Kìa Ngô Khởi tấm gương còn đó,
   Giết vợ hiền chẳng rõ nhục vinh”.
-Lại một hành động phản bạn của Bùi Kiệm Trịnh Hâm trong tác phẩm Văn học Việt Nam: Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu. Ngày nay Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng nhắc lại trong bài Diệu Pháp Quang Minh:
 Được vinh hoa khinh bỉ kẻ hèn,
   Bạn phản bạn như người Bùi Kiệm.
   Trên mặt đất hạng người ấy hiếm,
   Thấy Tiên mù xô xuống giữa dòng.
   Nhìn Trịnh Hâm lão bắt mũi lòng,
   Than cặn kẽ kêu dân sớm tỉnh”.
Ngược lại, cũng có những tầm gương tình bạn rất tốt, như: Lưu Bình, Dương LễTống Hoằng, đã chứng tỏ cho việc giàu không đổi bạn, sang không đổi vợ. (Xem thêm chú thích chữ Bố Kình tại tr. 75 Tập 1/3).   SÁCH MINH TÂM: Quyển sách viết bằng chữ Tàu, thâu lượm trong các sách thời xưa mà kết tập lại, nhan đề là “Minh Tâm Bửu Giám”. Có nghĩa: tấm gương quí báu, sáng sủa để soi tỏ lòng người. Giảng xưa có câu:“Minh Tâm là sách Hớn đàng, Hiếu chỉ rõ ràng sao chẳng học coi ?” 
ĂN NĂN: Xem chú thích chữ ăn năn cải quá tại tr. 65 Tập 1/3.
HÁO THẮNG: Thích tranh đua, muốn ra mặt hơn người, kiểu cách không khiêm nhượng.
DIỆU LÝ: Diệu là tốt đẹp, sáng suốt, ngon ngọt, sạch sẽ, tinh tế, nhiệm mầu. Những đức tính ấy diễn tả không kể xiết, suy nghĩ cũng không cùng. Tức là cái lý của chơn tâm diệu minh. Diệu còn đối với thô trược, là thoát khỏi phiền não, ngũ dục của phàm phu, chứng đắc thánh quả (diệu quả). là lẽ phải, không biến đổi, không sai chạy, là điều suy luận bằng tinh thần trí tuệ. cũng là cảnh giới giác ngộ thuộc phần của tâm tánh; cho nên là đối với sự tướng.
Vậy chữ diệu lý, nói cho đủ là “diệu huyền chơn lý”. Nghĩa gọn của nó là giáo lý mầu nhiệm chơn thật của Đạo. Nó chính là nghĩa của chữ “Niết Bàn diệu tâm”. Đức Giáo Chủ thường nói:“Say câu diệu lý hỡi người ơi !”(Say). Và:
 Diệu huyền chơn lý noi đường sáng,
    Ảo thuật tà tâm kiếm nẻo ra.
   (Tỉnh Bạn Trần Gian)

CHÁNH VĂN
811.    Trong Lục-Tỉnh ai là người trí,
 Mau thức thời tìm Đạo nhiệm-sâu.
 Khuyên dân đừng chia áo rẽ bâu,
814.    Phải hợp tác gieo trồng giống quí.
 Coi rồi phải thân mình tự trị,
 Chẳng độ xong Phật khó dắt-dìu.
 Thả thuyền Từ bến Giác nâng-niu,
818.    Kẻ hiểu Đạo mau mau bước xuống. 
 Việc trải qua như mây gió cuốn,
 Nhìn cuộc đời ngày tháng thoi đưa.
 Trời sáng ra kế lại thấy trưa,
822.    Năm cũ đó rồi qua năm mới.
 Mười hai tháng mà còn mau tới,
 Thì tuồng đời cũng chóng đổi thay.
 Chữ phù-vân phú-quí nay mai,
826.    Luân với chuyển dời qua đổi lại.

LƯỢC GIẢI (Từ câu 811 đến câu 826) :
-Đức Giáo Chủ kêu gọi khắp sáu tỉnh miền Nam, ai là người trí thức hãy sớm biết thời cơ, suy tầm lẽ cao sâu, mầu nhiệm trong đạo lý. Toàn dân nên quay về nẻo Đạo, thương yêu đoàn kết lẫn nhau trong công cuộc gieo trồng giống thiện.
-Song ai muốn cho sự tu hành được kết quả như ý thì khi xem đến kệ kinh phải tự sửa trị các điều sái quấy của thân, khẩu, ý. Có đặng vậy mới mong được sự tiếp độ của chư Phật; bằng ngược lại, ắt khó đặng sự gia hộ của tha lực. Con thuyền từ bi (Đạo) của Đức Giáo Chủ, lúc nào cũng chực rước chúng sanh đưa sang bờ giác. Vậy ai là người có duyên lành và thông hiểu Đạo pháp hãy sớm hành y theo lời chỉ giáo của Ngài. Ấy là người đã được đứng trên thuyền từ, nhứt định sớm muộn gì cũng đến bờ bên kia (giác ngạn).
-Xét lại cuộc đời thay đổi như làn mây trước gió, ngày giờ, năm tháng trôi qua, qua mãi không dừng và rất lẹ như thoi đưa. Từ năm cũ sang năm mới nào khác bóng ngựa qua song cửa.
-Trong mười hai tháng mà còn xem lẹ như chớp mắt, thì sự vinh nhục của tuồng đời cũng chóng tợ sao băng. Đến như cảnh giàu sang phú quí và gia tài, sự nghiệp cũng thay đổi từ tay người nầy sang người khác, rất mau lẹ như gió thoảng mây bay.

CHÚ THÍCH:
LỤC TỈNH: Xem lại chú thích tại tr. 261 và chữ Lục châu tại tr. 91 Tập 1/3.
HỢP TÁC: Góp sức cùng làm chung với nhau một việc gì.
GIỐNG QUÍ: Giống Bồ Đề, tức là giống giác ngộ, cũng gọi là giống Đạo. Đức Thầy từng nói:
 “Chí toan gieo giống Bồ Đề,
  Kiếm người lương thiện dắt về Tây phang”.
    (Khuyến Thiện, Q. 5)
-Lúc Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn truyền phó chánh Pháp cho Lục Tổ Huệ Năng, Ngài có kệ rằng:
 Hữu tình lai hạ chưởng,
   Nhơn địa quả hườn sanh.
   Vô tình diệc vô chưởng,
   Vô tánh diệc vô sanh”.
 ( Đại ý nói: Kẻ hữu tình gieo trồng hạt giống thì nhân đó phải nhờ nơi đất, quả mới phát sanh. Còn là vô tình thì hạt giống đã không gieo tất nhiên nó không có tính và cũng không có cái gì để phát sinh ra nữa ).
TỰ TRỊ: Mình tự trừng trị những điều tội ác nơi thân tâm của mình, đừng cho phát sanh ra nữa. Đây là cách tu tự lực (Thiền Tông): trước kia, do mình tạo tội, bây giờ  phải tự mình chừa bỏ; trước kia, do mình mê đắm trần ai sanh tử, giờ cũng tự mình tỏ ngộ giải thoát.
THUYỀN TỪ: Nói cho đủ là thuyền từ bi. Cũng gọi là thuyền đạo. Ý nói vì lòng từ bi, Đức Thầy mới khai truyền Đại Đạo để cứu chúng sanh ra khỏi biển khổ sanh tử. Cho nên Đạo pháp ví như chiếc thuyền, có diệu năng đưa hành giả rời bờ mê, sang bến giác, như Ngài từng nói:
 Thuyền từ bi thẳng cánh lướt sang,
 Qua Đông độ vớt người hữu đức.”
  (Diệu Pháp Quang Minh)
BẾN GIÁC: Do chữ “Giác ngạn”, tức bờ giải thoát của Phật. Đối với bờ mê (mê tân), bờ mê khổ của chúng sanh đang ở. Đức Thầy có câu trong bài “Để Chơn Đất Bắc”:
 Bến giác bờ mê, mê phải tránh,
   Ly biệt hồng trần hỡi ai ơi !”.
NÂNG NIU: Săn sóc vỗ về, cưng dưỡng. Ý nói Đức Thầy dùng thuyền Đạo rước đưa chúng sanh sang qua cõi Phật (giác ngạn).
PHÙ VÂN PHÚ QUÍ: Do thành ngữ “Phú quí như phù vân”. Có nghĩa giàu sang quyền tước như đám mây nổi, mới hợp kế tan, thấy đó rồi mất đó, không bền chắc lâu dài. Đức Giáo Chủ đã từng nói:“Vinh hoa phú quí chòm mây bạc.”(Hai Mươi Chín Tháng Chạp). Và Ngài cũng thường cảnh tỉnh người đời:“Họ không hiểu rằng cuộc đời là giả tạm, nay vầy mai khác, thân thế lạc luân, của cải gia tài như đám phù vân trước gió, nước bọt mây bèo. Những cái sanh, cái bịnh, cái lão, cái tử được đặt lên cuộc đời của người nầy rồi đến người khác…rồi đến người khác nữa, nghĩa là tất cả nhân loại không thiếu sót một ai. Thế mà, họ vẫn cuống cuồng tâm trí theo bả lợi danh, mùi phú quí, đi theo những vặt vụn, tiểu ti eo hẹp.(Luận Về Bát Chánh/ Chánh Định, tr.200 SGTVTB 2004).   

 CHÁNH VĂN
827.    Cõi Ta-Bà mấy ai tồn-tại,
 Sống dư trăm như tuổi lão Bành.
 Đời Hạ-Nguơn hay chết tuổi xanh,
830.    Như thuở trước Nhan-Hồi còn trẻ.
 Miễn cho được ngày hai cơm tẻ,
 Buổi bần hàn đặng có tu thân.
 Nhờ ơn Trời ban bố đức ân,
834.    Xem chung cuộc Phong-Thần tại thế.
 Xử những kẻ hung-hăng tồi-tệ,
836.    Thưởng những người trung-nghĩa vẹn toàn. 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 827 đến câu 836)
Tất cả chúng sanh hiện sống trong cảnh trầm luân thống khổ, ít ai bảo tồn được sanh mạng lâu dài, như Bành Tổ xưa kia mà hầu đeo đắm lợi danh tài sắc. Hơn nữa, thời Hạ ngươn Mạt pháp phần đông nhân loại bị chết lúc tuổi còn xuân như Nhan Hồi thuở trước.
-Đã nhận được kiếp sống của con người quá ngắn ngủi, kẻ thức thời nên an phận thủ thường; vui sống với cảnh nghèo để tu thân lập hạnh:“Hãy tìm con đường giải thoát cho mình bằng cách lạc Đạo an bần, xả thân tu tỉnh.(Bát Chánh/ Chánh Tư Duy). Nếu ai hành trì như thế, sẽ được Trời Phật độ qua các tai nạn và đặng chứng kiến cảnh Phong Thần tại thế tới đây:“Thời rõ việc phong thần trở lại. (Xuân Hạ Tác Cuồng Thơ).
-Cuộc phong thần ấy là một sự tuyển chọn rất công minh. Trời đất căn cứ vào nghiệp nhân của mỗi chúng sanh mà trừng trị kẻ tà gian hung ác, và ban thưởng cho những ai vẹn lòng hiếu trung tiết nghĩa “Kẻ tà gian sau bị lửa thiêu, Người tu niệm sống đời thượng cổ.(Kệ Dân, Q.2).

CHÚ THÍCH :
CÕI TA BÀ: Xem chú thích chữ “ta bà”tại tr. 62 Tập 2/3.
LÃO BÀNH: Cũng gọi là Bành Tổ. Căn cứ theo sách Ấu Học thì Lão Bành sống vào đời Đường Nghiêu (Trung Hoa), tên thật là Tiền Kiên, con của Trưởng Lão Lục Chung. Tương truyền, mẹ ông mang thai 12 năm, hôm nọ bỗng nhiên nứt hông bên hữu sanh ra 6 người con, mà Ông là người thứ ba.
Thuở nhỏ Ông học rất thông minh, lớn lên được Vua Nghiêu phong làm quan trấn giữ đất Bành Thành. Ông sống tới 880 tuổi (cũng có sách chép Bành Tổ sống 800 hoặc 700 tuổi), có 49 người vợ và 54 người con. Do sự sống lâu nên người đương thời gọi Ông là Bành Tổ hay là Lão Bành.
Ông làm quan rất liêm chính, hết lòng giúp đỡ lương dân. Tuy làm quan, song Ông thường tìm nơi thanh tịnh, di dưỡng tánh tình, không hề để cho lợi danh chi phối. Ông phò luôn cả bốn triều vua: Đường, Ngu, Hạ, Thương.
Đức Thầy nhắc chuyện trên, ý muốn nói ở đời mấy ai sống được lâu như Bành Tổ mà mong hưởng danh lợi:
 “Mấy ai trăm tuổi ở đời,
    Được như Bành Tổ mà rời lợi danh?”
   (Viếng Làng Phú An)
ĐỜI HẠ NGUƠN: Xem chú thích chữ Hạ nguơn tại tr. 51 Tập 1/3.
NHAN HỒI: Cũng gọi là Nhan Uyên, Nhan Tử hay Tử Uyên, sanh tại nước Lỗ, thời Đông Châu (Tr.Hoa), khoảng 514-483 trước Tây Lịch.
Ông là học trò của Đức Khổng Tử, bản tánh thông minh và hiếu học, hỏi một thì luận ra tới mười. Ông có tiếng là người đức hạnh và không bao giờ ông phạm lỗi hai lần. Nhà Ông nghèo, chỗ ở chật hẹp, ăn uống khắc khổ, một giỏ cơm, một bầu nước lã. Theo như người khác, không ai chịu nổi, nhưng ông vẫn vui vẻ và an phận như thường (tri túc thường lạc).
Khổng Tử thường nói:“Từ ngày có Nhan Hồi, học trò ta càng đông”. Và Ngài từng khen ngợi ông:“Anh ấy thật là người tốt, ăn cơm gạo sô, uống nước lã, ở nơi chật hẹp, nếu là người khác đã ngã lòng thối chí; thế mà vẫn an phận vui vẻ, thật là người đáng quí”.
Năm Nhan Hồi 29 tuổi, tóc đã bạc hết và ông mất vào năm 31 tuổi. Đức Khổng Tử vô cùng thương xót, tiếc than !
Lúc đầu Nhan Hồi được liệt vào hàng Thập nhị hiền triết trong Nho giáo, nhưng sau đặng xếp vào bậc Tứ Phối, kế Đức Khổng Tử và được tôn làm Phục Thánh.
Đức Giáo Chủ nhắc tích Nhan Hồi là ý nói con người sanh thời Nguơn Hạ hay bị chết lúc còn trẻ như Nhan Hồi vậy.
BAN BỐ: Xem lại chú thích tại tr. 135 Tập 1/3.
PHONG THẦN: Vua ban chức tước và cấp vàng bạc, đất vườn cho bầy tôi trung nghĩa có công. Phong Thần còn có nghĩa phong tặng chức phận cho các vị Thần Thánh.
Trong truyện Phong Thần có kể rằng: Vào thời Mạt Thương, sắp chuyển sang nhà Châu, chư Tiên có hội nghị, lập bảng Phong Thần. Giao trọng trách cho Nguơn Thỉ Thiên Tôn, truyền lịnh cho học trò là Khương Thượng Tử Nha, xuống giúp nhà Châu, hưng binh phạt Trụ và dựng đài Phong Thần. Các trận chiến trong cuộc diệt Trụ hưng Châu, những người chưa đủ phước đức để chứng quả Phật Tiên hoặc sống hưởng cuộc thái bình, thì bị chết hồn bay vào đó. Chờ xong việc, Khương Thượng y theo danh sách đã lập sẵn, gọi từng tên các hồn ấy ra mà phong đặt địa vị. Kế đó Võ Vương ban thưởng chức vụ và cấp đất cho các quan viên tướng sĩ có công trận.
Đức Giáo Chủ cho biết cuộc Phong Thần tại thế tới đây, tức là việc chọn lọc hiền còn dữ mất để lập lại cảnh đời Thượng Nguơn an lạc:
    Như thuở xưa trời sắp cuộc Phong Thần,
  Diệt kẻ quấy lọc lừa dân lương thiệ.
   (Không Buồn Ngủ)
TRUNG NGHĨA: Trung hiếu tiết nghĩa. Đức Thầy có câu:“Gương trung nghĩa Thánh Thần cảm động.” (Tặng Đoàn Thanh nNên Ái Quốc) .

 CHÁNH VĂN
837.    Ra Kệ này hai chữ bảo-an,
 Cho trần-thế được tâm thanh-tịnh.
 Ngọc báu quí ẩn trong Nam-đỉnh,
840.    Muốn tìm kim đáy biển gắng công.
 Thấy dân tình luống những ước-mong,
 Gặp giống tốt hãy mau cày cấy.
 Ai có nói Ta là người quấy,
844.    Ta cũng cam bụng chịu tiếng lời.
 Tỏ ít câu cầu chúc cho đời,
846.    Mong bá-tánh vạn dân giải-thoát.
  NAM-MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT

LƯỢC GIẢI (Từ câu 837 đến câu cuối 846) :
-Sắp chấm dứt quyển “Giác Mê Tâm Kệ”, Đức Giáo Chủ bảo: Trong đây có đủ phương pháp giúp cho mọi người gìn giữ kiếp sống được an lành. Nhứt là về mặt tâm trí, nếu ai biết tu sửa đúng theo lời dạy của Ngài tức được bình tịnh sáng mầu. Ngài còn mách cho khách trần hiểu rõ, biết bao ngọc ngà châu báu còn ẩn dấu trong dãy Thất Sơn tại miền Nam đất Việt:
Trên năm non rồng phụng tốt tươi,
 Miền Bảy Núi mà sau báu quí.(Kệ Dân, Q.2).
Vậy ai muốn đặng thừa hưởng cảnh ấy, cần gắng công bền chí tu sửa thân tâm cho được trọn lành trọn sáng. Cũng như kẻ bòn vàng phải lặn xuống biển sâu, đãi từng rổ bùn, lượm từng mảnh vụn rồi đem nấu lọc mới thành khối vàng y, tốt đẹp:“Tu như lọc cát thành vàng, Việc đâu phải dễ chớ toan ngã lòng.”(Lời Vàng Trong Mộng của Thanh Sĩ) .
-Mỗi khi nghe nhắc đến điều quí báu nói trên thì ai cũng mong ước đặng gặp, đó là tâm trạng chung của bá tánh. Song kẻ nào muốn được cái ân huệ tốt lành ấy, điều thực tế là ngay bây giờ ta hãy gieo trồng hạt giống đạo mầu đi. Và trên con đường khai hóa nhân sanh, dù đời có lắm tiếng gièm pha chế nhạo, Đức Thầy cũng cam lòng !
-Sau cùng là Ngài có lời cầu chúc cho khắp vạn dân sớm hồi tâm hướng thiện “giải thoát mê ly”.
Tóm lại, chủ đích của quyển “Giác Mê Tâm Kệ” là Đức Thầy dùng trí tuệ siêu mầu khai vạch một lối đi, và đưa nhiều phương tiện, để giúp hành giả tiến thẳng qua bờ giác với sức tự lực của chính mình (Thiền Tông). Hay nói cách khác là “Trực nhận chân tâm, Kiến tánh thành Phật”.

CHÚ THÍCH :
BẢO AN: Giữ gìn và đem lại sự yên lành tốt đẹp.
THANH TỊNH: Cũng gọi là tịnh thanh hay thanh tĩnh. Có nghĩa: yên lặng trong sạch, không còn phiền não, vọng niệm, thô ác. Thanh tịnh cũng chỉ cho cõi Vô vi Niết bàn. Vậy tâm thanh tịnh là lòng bình lặng trong sáng. Trong A Hàm Kinh, Phật dạy rằng:“Thanh tịnh tâm thoát dâm, nộ, si, thành tựu ư tam minh.”(Người tu hành tâm được thanh tịnh, mới diệt được lòng dâm dục, sân hận, mê si, lại còn thành tựu ba điều thông suốt: Túc mạng minh, Thiên nhãn minh và Lậu tân minh).
Trong loạt bài “Những Câu Chú Thường Niệm”, Đức Thầy có dịch nôm như sau:
 Đắc được thân tâm thanh tịnh lạc,
   Điều hòa chẳng nhiễm nghiệp mê linh”.
Hoặc là:
   “Trổi bước tìm cuộc vô sanh,
 Đến nơi sáng suốt tịnh thanh Niết bàn”.
NAM ĐỈNH: Đỉnh núi ở miền Nam nước Việt Nam. Đây ý chỉ cho miền Thất sơn (Châu Đốc).
MUỐN TÌM KIM ĐÁY BIỂN GẮNG CÔNG: Câu nầy có ý nói người muốn tìm vàng thì phải xuống đáy biển xúc từ rổ bùn lên mà đãi mới được, còn kẻ tu hành có dày công cực khổ mới mong thành Đạo giải thoát, kiến diện Phật tâm:“Trí hiền tâm đức chùi lau, Ra công lọc kỹ thì thau ra vàng.”(Sám Giảng Q.3).
Xưa, Đức Phật từng nói:“Hết ngày nầy sang qua ngày khác, hết giờ nọ sang giờ kia, anh thợ vàng phải tốn nhiều công phu mới lọc ra được vàng ròng, người tu muốn cho thân tâm mình trở nên trong sạch cũng phải cố gắng khó nhọc rèn luyện như thế.”(Pháp Cú).
TIẾNG LỜI: Lời ra tiếng vào. Ý nói chê bai gièm siểm đủ cách. Đây chỉ cho người đời, thường dùng lời tiếng thị phi chê cười ngạo nghễ kẻ tu hành. Đức Thầy hằng thốt:
 Thêm lời tiếng thấp cao nhẹ nặng,
   Làm cho người tu tỉnh phải xót xa”.
   (Trao Lời Cùng Ô.Táo)
Nhưng đối với Ngài thì:
 “Mặc tình tiếng nọ lời kia,
    Chẳng màng thế sự đặt bia nhiều lời
   (Viếng Làng Phú An)
GIẢI THOÁT: Xem chú thích tại tr. 34 trên

Đăng nhận xét

[facebook][blogger]

Ẩn Danh Cư Sĩ PGHH 1939

Liên Hệ với PGHH 1939

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget