CHÚ GIẢI QUYỂN NĂM KHUYẾN THIỆN
XUẤT XỨ – VĂN THỂ :
Đây là quyển thứ Năm, trích từ phần nhứt: “Sấm Giảng Giáo Lý”
trong Thi Văn Giáo Lý Toàn Bộ. Đức Giáo Chủ PGHH sáng tác quyển nầy vào
năm Tân Tỵ (1941) lúc Ngài bị người Pháp an trí tại nhà thương Chợ Quán
(Sài Gòn). (Đức Thầy vừa viết xong quyển Khuyến Thiện thì được trả tự do. Khi
về tới Bạc Liêu, Ngài mới cho tín đồ in ra nên có người chép là Ngài viết tại
Bạc Liêu, chớ kỳ thật là Ngài viết tại nhà thương Chợ Quán. Vì ông Trần Văn
Tâm, người cai quản nhà thương nầy còn giữ nguyên bản chánh và xác nhận là Đức
Thầy viết lúc còn ở đây).
Ngài viết bằng vận văn (văn vần ), lối biến thể, đoạn đầu và cuối
thể lục bát, nhưng đoạn giữa là thất ngôn trường thiên và có xen vào một ít bài
thi. Quyển Khuyến Thiện thuộc loại khuyến tu và tự thuật, dài 776 câu. Khởi đầu
bằng câu:
“Băng tâm
ngẫu hứng thừa nhàn,”
Và chấm dứt bởi câu:
TIÊU ĐỀ – DANH HIỆU :
Khuyến Thiện: Khuyến
là khuyên lơn chỉ bảo. Ý dùng lời nói dung hòa êm dịu khuyên nhủ khiến cho mọi
người nghe theo. Thiện là việc lành, việc phải và tốt đẹp, có ích lợi
cho mọi người. Nghĩa chung là ý dùng lời pháp giáo khuyên nhắc mọi người trở
lại con đường lành, làm việc từ thiện, tránh xa những điều hung ác.
Trong Kinh Kim Cang, Phật dạy:“Tu cả thảy pháp lành tất chứng
bực Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.”(Tu nhứt thiết thiện pháp, tức đắc A Nậu
Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề).
Đức Thầy hiện nay cũng nói:
“Rung chuông lành
bằng muôn tiếng kệ.
Gọi hồn người hành thiện
truy kinh”.
(Nang Thơ Cẩm Tú)
Vô Danh: Không
có tên. Đây có ý giấu tên (ẩn danh). Đức Thầy đã nói:“Lánh thế chẳng bày
danh Lão Sĩ.”(Cho Ô. Tham Tá Ngà). Trong Trang Tử Tiêu Dao cũng có
câu:“Bực Chí nhân thì không vì mình, bực Thần nhân thì không kể công, còn
bực Thánh nhân thì không cầu danh.”(Chí nhân vô kỷ, Thần nhân vô công, Thánh
nhân vô danh).
Cư Sĩ: Người tu tại gia. Huệ
Viễn Duy Ma Kinh có câu:“Cư sĩ hữu nhị: Nhứt quản tích tư tài, cư tài chí
sĩ, danh vi cư sĩ; nhị tại gia tu Đạo, cư gia Đạo sĩ danh vi cư sĩ”.(Cư
sĩ có hai hạng: Một là người có chứa nhiều tiền của mà không trước nhiễm; hai
là những người tại gia tu hành, hoặc xưng là bậc Đạo sĩ, nhưng không xuất gia).
Như trường hợp Đức Phật Thầy Tây An và Đức Huỳnh Giáo Chủ, tuy các Ngài là Cư
sĩ, nhưng đã viên thành Đạo quả “Cư gia Tịnh Độ tâm viên mãn”.
Vậy bốn chữ “Vô Danh Cư Sĩ” là người tu tại gia có ý
ẩn danh.
Sở dĩ Đức Thầy đề bút hiệu cho quyển Khuyến Thiện như vậy là có 3
dụng ý:
1- Chính Ngài và hầu hết tín đồ hành đạo và truyền đạo đều mang hình
thức cư sĩ, nhưng chủ trương thực thi bồ tát hạnh (bố thí vị tha).
2- Từ ngày 18 tháng Năm năm Kỷ Mão (1939) đến tháng Tư năm Canh
Thìn (1940), Ngài còn được tự do sáng tác và in ấn Sấm Giảng. Nhưng hiện tình
năm 1941 Ngài bị người Pháp quản thúc tại nhà thương Chợ Quán, sự sáng tác và
in ấn không còn được tự do như trước, nên Ngài phải quyền biến thay tên và bút
hiệu để dễ bề in ấn và truyền bá.
3- Bởi giữa thời Mạt pháp có nhiều tà đạo ra đời, họ xưng hô toàn
là Phật Thánh, gạt người lạc vào tà kiến dị đoan. Thêm có lắm phần tử cũng
trong phạm vi Phật giáo, song là kẻ giả tu, hành động sai chơn lý, chỉ khoát
bên ngoài cái vỏ đạo mạo, lợi dụng lòng tín ngưỡng của bá tánh.
Tóm lại, bởi các lý do kể trên, nên Đức Giáo Chủ đề tên tác giả
cho quyển Khuyến Thiện là “Vô Danh Cư Sĩ”.
NỘI DUNG :
Trước hết Đức Thầy xác định hạnh tu của Ngài và cả môn đồ. Kế
tiếp, Ngài kể sơ lược lịch sử của Đức Phật Thích Ca; rồi Ngài phân tách tám
nỗi khổ và năm điều uế trược của mỗi chúng sanh trong cõi Ta-bà với tám
điều vui cùng mọi sự thanh khiết ở cõi Cực lạc của Đức Phật A Di Đà. Để rồi
Ngài khuyến khích mọi người nên trì hành môn Tịnh Độ, hầu được vãng sanh
về đó. Tiếp theo là Ngài dạy hành giả chừa mười điều ác và tu mười điều
lành. Sau rốt là một bài Kệ Giảng tổng quát về sự tu đúng theo tôn chỉ “Học
Phật Tu Nhân” của Ngài đã đề vạch.
BỐ CỤC :
Toàn quyển Khuyến Thiện gồm có 3 phần chánh và nhiều tiểu đoạn:
I- Phần nhứt, cũng là phần khai đề: Đức Thầy
cho biết về hình thức hành đạo của Ngài và hầu hết môn đồ rất bình thường giản
dị; không xuất gia bằng hình tướng mà chỉ chú trọng về nội tâm. Tuy vừa làm ăn
vừa tu, nhưng không nghiêng nặng về vật chất phù hoa, lúc nào cũng giữ lòng
thanh tịnh sống theo chánh nghiệp:“Cư trần bất nhiễm, lẩn tục đừng mê”,
từ câu 1:“Băng tâm ngẫu hứng thừa nhàn,” tới câu 8:“Thân
tuy còn tục tâm lìa cõi mê”.
II- Phần hai, cũng là phần chánh đề: Ngài nói
lên chí nguyện cao cả là đem lòng Từ bi Giác ngộ ban rải khắp nơi khuyến hóa
chúng sanh sớm thoát ly cảnh tục. Kế tiếp, Ngài lược kể lịch sử Đức Phật Tổ và
khai triển pháp tu Tịnh Độ (niệm Phật làm lành). Mỗi hành giả phải có đủ “Tín,
Nguyện, Hành” và nhận rõ Tám điều khổ ở cõi Ta Bà và Tám điều vui ở cõi Cực
Lạc, để vừa lo niệm Phật, vừa xa tránh mười điều ác và tu mười điều lành, để
được trọn lành trọn sáng, vãng sanh Cực Lạc. Từ câu 9:“Chí toan gieo
giống Bồ Đề,” tới câu 768:“Rán trau đức hạnh ngày sau sẽ tường”.
III- Phần ba, cũng là phần kết: Đức Thầy
khuyến khích tín đồ đã quy Phật tu hành tất phải trau giồi hạnh đức cho tinh
minh. Kết quả chẳng những cứu mình mà còn độ được Cửu Huyền Thất Tổ thoát nẻo
luân hồi. Cuối cùng là một bài thi khoán thủ đề danh cho bút hiệu và thố lộ sự
chứng đạt tâm ấn với pháp môn Thiền Tịnh song tu của Ngài. Từ câu 679:“Ngôn
từ Đạo hạnh ý Thầy khuyên,”tới câu:“Sĩ xuất văn từ dốc dạy khuyên”.
CHỦ ĐÍCH :
Chủ yếu của quyển Năm (Khuyến Thiện) là Đức Giáo Chủ giải rõ
nguyên nhân phát xuất Đạo Phật và khai triển Pháp môn Tịnh Độ (tha lực cứu
cánh). Tịnh Độ một pháp tu rất thích hợp với mọi tầng lớp chúng sanh, dễ hành
và dễ chứng đắc.
Chú giải từ câu 001 – 210 (Quyển 5 Khuyến Thiện)
CHÁNH VĂN
1. Băng
tâm ngẫu hứng thừa nhàn,
Theo đòi nghiên-bút luận
bàn Tục, Tiên.
Ta là cư-sĩ
canh điền,
4. Lo nghề cày cuốc
cũng chuyên tu hành.
Xa nơi
tranh-đấu lợi-danh,
Giữ lòng thanh-tịnh tánh
lành trau-tria.
Gắng công
trì niệm sớm khuya,
8. Thân tuy còn tục
tâm lìa cõi mê.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 1 đến câu 8):
-Thời gian Đức Giáo Chủ còn ở Nhà thương Chợ Quán, nhân lúc rảnh
rang, tâm thần quang tịnh, bỗng nhiên Ngài cảm kích đến chúng sanh đang lăn lộn
trong bể trần thống khổ. Động mối từ tâm nên Ngài mượn bút mực viết ra quyển
Giảng nầy. Trong đây Ngài phân tách rõ hai đường tiên, tục và luận giảng
các phương pháp tu hành hầu giác tỉnh chúng sanh sớm hồi tâm hướng thiện.
-Ngài cho biết người tu hạnh tại gia vừa sanh sống với nghề ruộng
rẫy và vừa lo trau giồi đạo hạnh, giải thoát thân tâm. Cho nên lòng Ngài lúc
nào cũng thanh tịnh, thản nhiên trước mọi cảnh vật tài sắc vị danh. Tuy còn
phải mang thân phàm tục như bao nhiêu người khác, song đã dày công tu niệm từ
lâu, nên nay lòng Ngài đã giác ngộ, dứt hết mê lầm. Đây là Ngài nêu gương hạnh
cho tín đồ noi theo.
CHÚ THÍCH :
BĂNG TÂM: Băng là giá , tâm
là lòng. Nghĩa chung là lòng trong như giá tuyết, không còn chút bợn nhơ trần
cấu…Cổ thi, Vương Linh Xương có câu:“Lương dương thân hữu như tương vấn,
Nhứt phiến băng tâm tại tại ngọc hồ.”(Lạc dương bạn hữu như cùng hỏi, Một tấm
lòng băng tợ ngọc hồ). Đây là chỉ cho cái tâm của bậc đã rời dứt lợi
danh, chẳng còn nhiễm ô thế tục.
NGẪU HỨNG:
Thình lình mà cảm kích, bỗng nhiên khởi mối hoài cảm giác tỉnh nhân sanh.
THỪA NHÀN: Nhân
lúc rảnh rang. Trong Giảng Xưa, Đức Phật Thầy Tây An có câu:
“Thừa nhàn gẫm sự giác mê,
Phàm trần thoát khỏi mọi bề mới ngoan”.
THEO ĐÒI: Học theo, tập tành
theo hoặc cùng làm theo như mọi người:“Theo đòi cùng thể bút nghiên, Thua
em, kém chị cũng nên hổ mình.”(Ca dao). Nhưng chữ theo đòi ở đây là
tiếng khiêm cung của Đức Thầy.
NGHIÊN BÚT: Xem
chú thích chữ “bút nghiên” tại tr. 136 Tập 2/3.
LUẬN BÀN TỤC TIÊN: Ý nói luận giảng việc đời của người thế tục và việc đạo đức của
bực siêu thoát, để chỉ rõ đâu là cao khiết chánh chơn và đâu là thấp hèn tội
khổ. Đức Thầy từng nói trong “Viếng Làng Phú An”:
“Quyết lòng tầm kiếm cõi thanh,
Lánh nơi trần tục học hành đường Tiên”.
CANH ĐIỀN:
Người cày ruộng. Nghĩa rộng là người chuyên gieo trồng ruộng phước (canh tác
phước điền).
CHUYÊN: Chú ý, chăm chỉ, để
hết ý tứ và ngày giờ vào một việc gì. Ví dụ: chuyên cần hay chuyên chú. Ngài
Mạnh Tử có nói: Phàm khi làm việc gì mà chẳng chuyên tâm gắng chí thì không
thể đắc thành được (Bất chuyên tâm trì chí, tất bất đắc dã). Cho nên, Đức
Thầy thường dặn dò như trong bài“Dặn Dò Bổn Đạo”:
“Sớm khuya bá tánh cần chuyên,
Nghe lời dạy bảo cảnh Tiên dựa kề”.
TU HÀNH: Xem chú thích tại tr. 47 Tập 1/3.
LỢI DANH: Xem chú thích tại tr. 51 Tập 1/3.
TRAU TRIA: Xem chú thích tại tr. 78 tập 2/3.
TRÌ NIỆM: Gìn
giữ và nhớ tưởng mãi, không quên lãng, chẳng lúc nào dừng nghỉ. Ví dụ: Trì niệm
chánh pháp hoặc trì niệm Lục tự Di Đà.
CHÁNH VĂN
9. Chí
toan gieo giống Bồ-Đề,
Kiếm người lương thiện
dắt về Tây-Phang.
Dạy khuyên những
kẻ ngỗ-ngang,
12. Biết câu
Lục-tự gìn đàng Tứ-ân.
Ở trần xử
trọn nghĩa-nhân,
Quyết làm tôi Phật gởi
thân Liên-Đài.
Cầu cho mối
Đạo hoằng-khai,
16. Cầu cho trăm họ
Bồng-Lai được gần.
Sớm về cõi
Phật an-thân,
Kẻo kiếp phong-trần dày
gió dạn sương.
Phật-đài
phưởng-phất mùi hương,
Cúi đầu đảnh lễ cậy
nương đức mầu.
Từ-bi
oai-lực nhiệm sâu,
22. Độ con thoát chốn
ưu-sầu trần-ai.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 9 đến câu 22) :
-Vốn sẵn lòng từ bi, bác ái, nên Đức Giáo Chủ quyết đem Chánh pháp
vô vi ban rải khắp nơi, khiến cho những hạt giống giác ngộ có cơ nảy nở. Các
người ấy tự sớm quay về nẻo Đạo để kiến diện Phật tâm hoặc được Ngài đưa về Tây
Phương Cực Lạc. Còn hạng người ngang tàng ngỗ nghịch, Ngài cũng phương tiện
khuyên dạy, để họ biết lo làm lành niệm Phật và đền đáp Tứ đại trọng ân, rồi
cũng lần lần tiến lên đường giải thoát như nhau.
-Với Tôn chỉ “Học Phật Tu Nhân” mà Ngài đã vạch rõ để mọi
tín đồ cùng nương theo. Nghĩa là khi ta phát nguyện qui y và thệ quyết làm tôi
con chư Phật cần phải nhắm hướng liên đài Phật quốc mà thẳng tiến, vì đó là mục
đích của người :“Học Phật và tu Phật”. Song con đường đi đến đó, trước
nhất là phải “Tu Nhân”, tức là thi thiết điều nhân nghĩa:“Bạch
trinh giữ lấy nghĩa nhân, Muốn về cõi Phật lập thân cõi trần.”(Thu Đã
Cuối). Bởi có lập thân cõi trần, có thiệt thi điều nhân nghĩa, mới vẹn tròn
Nhân đạo và trả xong nợ thế; tất nhiên đài sen báu sẽ chực đón chúng ta:“Tu
đền nợ thế cho rồi, Thì sau mới được đứng ngồi tòa sen”(Sám Giảng,
Q.3).
-Đồng thời với giáo điều căn bản nói trên, nhà tu còn phải thương
xót đến bá tánh, nên hằng cầu nguyện cho họ được về Tiên cảnh, để cùng chung
hưởng sự an nhàn, hoặc được vãng sanh về Phật quốc, chẳng còn luân chuyển trong
kiếp sống trần gian đầy gió bụi.
-Đức Thầy còn căn dặn toàn thể tín đồ khi đến trước ngôi Tam Bảo,
mỗi người cần phải “Tỉnh tâm đốt nén tâm hương”(Phụ Nữ Ca Diêu)
mà lễ bái vọng cầu, để nhờ oai đức từ bi mầu nhiệm của mười phương chư Phật,
cứu độ cả chúng sanh sớm thoát khỏi cảnh trần ai sầu khổ.
CHÚ THÍCH :
BỒ ĐỀ: Xem chú thích tr. 71
Tập nầy.
TÂY PHƯƠNG: Xem
chú thích chữ “Cực Lạc”tại tr. 15 Tập 2/3.
NGỖ NGANG: Ngang
trái, ngạo ngược. Cũng có nghĩa là ngỗ nghịch.
LỤC TỰ: Xem chú thích “Sáu chữ
Di Đà” tại tr.175 Tập 2/3.
LIÊN ĐÀI: Đài sen, chỗ chư Phật
và các Bồ-tát phu tọa (ngự). Người trì hành pháp môn Niệm Phật, khi vãng sanh
về cõi Cực Lạc cũng đồng ngự trên đó. Ngài Huệ Lựu đã bảo:“Ai mà gắng chí
trau giồi, Chí công tu niệm đặng ngồi tòa sen”.Đức Thầy nay cũng có câu:
“Cầu cho già trẻ gái trai,
Rủ nhau niệm Phật liên đài ắt lên”.
(Từ Giã Bổn Đạo Khắp Nơi)
HOẰNG KHAI: Mở
mang cho được rộng ra. Ví dụ: Hoằng khai Đạo pháp.
BỒNG LAI: Xem chú thích tại
tr.138 Tập 1/3.
PHONG TRẦN:Xem
chú thích tại tr.134 Tập 2/3.
DÀY GIÓ DẠN SƯƠNG: Dày là nhiều, lâu, Dạn là quen chịu gió sương là
lạnh lẽo vất vả. Nghĩa chung là từng chịu đựng nhiều nỗi gian truân thống khổ
mà chẳng ngao ngán, e ngại. Ý nói kiếp sống con người phải trải qua nhiều nỗi
gian nan vất vả:“Mặt sao dày gió dạn sương, Thân sao bướm chán ong chường
bấy thân.”(Truyện Kiều). Đức Thầy hằng nói, trong bài“Để Chơn Đất Bắc”:
“Phong trần dày dạn gió sương,
Chư bang ham báu hùng cường
đua tranh”.
PHẬT ĐÀI: Đài Phật ngự hoặc chỗ
thờ kính chư Phật. Đây chỉ ngôi Tam Bảo, Đức Giáo Chủ khuyên:
“Trót đã qui y giữa Phật đài,
Nguyện rằng đệ tử dứt trần ai”.
(Thức Tỉnh Một Nữ Tín Đồ)
MÙI HƯƠNG: Mùi thơm của nhang, gồm có
ba thứ:
a)- Mộc hương: Do các loại cây có chất
thơm, như: trầm hương, giáng hương.v.v…Người ta dùng mạt của nó làm thành nhang
mà đốt trên các bàn thờ, hoặc chẻ nhỏ đem đốt xông dưới Phật đài, để bán mùi uế
trược.
b)- Hoa hương: Do những loại hoa hoặc
dầu mỡ (nước hoa) có mùi thơm, dùng để chưng dọn trong các nghi lễ hoặc trang
sức.
c)- Tâm hương: Phần tinh thần trong
tâm trí của người tu:“Tỉnh tâm đốt nén tâm hương, Nguyện rằng đệ tử một
đường lo tu”.
Kinh Pháp Bửu Đàn gọi là “ngũ hương”, đại
lược như sau:
1-Giới Hương: là giữ trong tâm mình
chẳng còn tham sân si, không lòng tà quấy, sát hại trộm cướp.v.v…
2-Định Hương: Đối với các trần cảnh
(lục trần) hoặc các hiện tượng lành dữ, tâm mình vẫn an nhiên không loạn động.
3-Huệ Hương: Tự tâm mình không bị
ngoại cảnh ngăn che hay chi phối, hằng lấy trí huệ xem soi tự tánh, chẳng tạo
các điều ác, tuy tu các nghiệp lành mà lòng chẳng chấp trước. Kính người trên,
nghĩ kẻ dưới; hay thường giúp những người nghèo đói bệnh tật.
4-Giải thoát Hương: là tự tâm mình
không chỗ vịn níu, chẳng chấp lành, chẳng nghĩ dữ, tự tại không ngăn ngại.
5-Giải thoát tri kiến Hương: Tự tâm
mình đã không chỗ vịn níu theo đường thiện, đường ác mà cũng chẳng đắm theo cái
không và chấp giữ cái yên lặng. Cần phải học rộng nghe nhiều, biết bổn tâm
mình, suốt cả lý Phật, hòa sáng tiếp người, không tướng nhơn ngã, tâm không dời
đổi, vẫn tiến thẳng đến quả vị Chánh đẳng Chánh giác.
Ở đây, Đức Thầy dạy mỗi khi lễ bái vọng cầu,
ngoài nghi thức nhang đèn, còn cần có tâm hương, tức là phải có tâm
thành và chánh niệm mới có kết quả:“Thứ bảy chánh niệm vậy thì, Khi cầu
khi nguyện chuyện gì thành tâm.”(Sám Giảng, Q.3).
ĐẢNH LỄ: Cũng đọc đỉnh lễ. Có nghĩa
cúi đầu sát đất để làm lễ. Kinh Viên Giác có dạy:“Dĩ kỷ tối thắng chi đảnh,
lễ Phật tối ti chi túc, Kính chi chí giả”.(Dùng cái đầu là chỗ rất cao của
mình mà lễ đến chơn là chỗ rất thấp của Phật. Đó là lòng tôn kính tột bực vậy).
ĐỨC MẦU: Do chữ “diệu đức”. Có
nghĩa công đức mầu diệu cao thắng hơn hết, khó nghĩ lường được, chỉ cho bậc Bồ
Tát và Như Lai. Kinh Tư Ích có giải: Tuy nói các pháp mà chẳng chấp vào pháp
tướng, cũng chẳng chấp phi pháp tướng, nên gọi là diệu đức.(Tuy thuyết chư
pháp nhi bất khởi pháp tướng, bất khởi phi pháp tướng cố danh diệu đức). Kinh
Niết Bàn cũng nói: Phật có ba đức:
1-Pháp thân đức: Pháp thân của Phật là pháp tánh thường trụ
bất diệt.
2-Bát nhã đức: Biết rõ chơn như thật tướng của các pháp.
3-Giải thoát đức: Dứt sạch các sự trói buộc, chứng đặng tự
tại.
Chữ Đức mầu ở đây chỉ cho oai đức của Đức Thích Ca Như Lai “Công
đức Phật từ bi vô lượng”.
OAI LỰC: Oai thần và nghị lực
rất linh diệu, mạnh mẽ, do sức thần thông huyền diệu của Phật. Đức Thầy có
câu:“Ra oai ra lực cỡi thoàn xa chơi.”(Sấm Giảng, Q.3).
ƯU SẦU: Buồn rầu lo lắng, một
trong 8 điều khổ ở cõi Ta bà (Ưu sầu lo ngại).
TRẦN AI: Bụi bặm. Ý chỉ cõi đời
đầy sự khổ sở vất vả. Đức Thầy từng kêu gọi trong “Tỉnh Bạn Trần Gian”:
“Tiếng gọi hồn mê hồn được giác,
Phải toan sắm sửa rứt trần ai”.
CHÁNH
VĂN
23. Nam-mô Thích-Ca
Như-Lai,
Ta-Bà Giáo-Chủ xin Ngài
chứng-minh.
Dưới đây
lược tả sách kinh,
Cho trong nam nữ hữu
tình thì coi.
Lời lành của Phật
truyền roi,
28.
Đọc qua suy nghiệm xét soi chánh tà.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 23 đến câu 28) :
-Viết đến đây, Đức Thầy cầu nguyện với Đức
Thích Ca Như Lai, tức là vị Giáo Chủ Phật Giáo trong cõi Ta Bà, xin Phật chứng
minh cho công cuộc biên Kinh giác chúng của Ngài. Vậy những thiện nam tín nữ
nào, sẵn có hột giống Phật và hữu duyên cùng Đạo pháp, hãy xem quyển Khuyến
Thiện và tu hành theo, ắt sẽ chứng thành Đạo quả.
-Ngài còn cho biết những pháp mầu lý diệu
trong đây, là do Đức Phật khi xưa lưu truyền lại, nay Ngài có bổn phận rút tỉa
những điểm quan yếu lược giảng ra. Vậy mỗi ai khi đọc đến cần bình tâm nghiệm
xét cho chín chắn, để được thấu hiểu những điều tà mê tội ác mà diệt trừ và
thực hành theo điều chơn chánh hiền lương.
CHÚ THÍCH
NAM MÔ: Xem chú thích tại tr. 81
Tập 1/3.
THÍCH CA: Xem chú thích tr.113 Tập
2/3.
NHƯ LAI: Xem chú thích tr. 161 tập
2/3.
TA BÀ GIÁO CHỦ: Ta Bà tức thế giới Ta bà
(Xem lại chú thích tại tr. 62 Tập 2/3). Giáo chủ là vị sáng lập một nền Đạo hay
một Tôn Giáo. Đây chỉ cho Đức Thích Ca Mâu Ni Phật, bởi Ngài là Giáo chủ Đạo
Phật (Phật Giáo) trong cõi Ta bà (Xem phần Lược sử Đức Thích Ca, sẽ giải tới
trong Tập nầy).
CHỨNG MINH: Chứng là soi xét,
nhận thật; Minh là sáng suốt. Chứng minh là soi xét đến việc gì một cách
rất rõ ràng và nhận chứng cho. Đây là Đức Phật chứng minh cho việc cầu nguyện
và sáng tác Sấm Kinh của Đức Thầy.
LƯỢC TẢ: Viết ra hoặc bày tỏ một
cách sơ lược. Đây có ý nói những cương yếu cần thiết chớ không diễn tả chi tiết
dài dòng. Lược tả còn dùng để nói lời khiêm nhường.
SÁCH KINH: Sách là xấp giấy có in chữ
và đóng lại thành tập. Đây là quyển sách đã ghi chép những gương hạnh hoặc lời
lẽ của các bậc Hiền nhân Thánh triết, hoặc luận giải những lời hay ý phải để
dạy đời, nên gọi chung là Kinh sách hay sách sử. Kinh là Kinh điển hay Kinh Kệ.
(Xem lại chú thích chữ Kinh Kệ tại tr. 156 Tập 1/3).
HỮU TÌNH: Phạn ngữ: Satva,
phiên âm là Tát đỏa, dịch là Chúng sanh hay Hữu tình, tức
các loài có tri giác, có tình thức và mạng sống. Nhưng chữ hữu tình ở
đây là chỉ cho những người có duyên lành với Phật pháp. Ý nói tâm của mỗi chúng
sanh đều có hột giống Phật (giác ngộ), nay lại hữu duyên gặp được lời giáo pháp
của Đức Thầy, nếu ai xem theo đây mà tu hành, ắt sẽ đắc đạo.
Khi xưa, lúc Tổ Già Da Đa Xá truyền phó Chánh
pháp cho Ngài Cưu Ma La Đa, Tổ có Kệ rằng:
“Hữu chủng hữu tâm địa,
Nhân duyên đương phát manh.
Ư duyên bất tương ngại,
Đương sinh, sinh bất sinh”.
Có nghĩa: đã có hột giống, có đất đai (tâm
địa), nhưng phải nhờ gặp mọi duyên lành đầy đủ thì hột giống kia mới phát sinh
nảy nở được. Đối với mọi duyên đã không bị ngăn ngại thì quyết định sẽ phát
sanh quả vô sanh. Ý nói người tu hành khi được đầy đủ mọi duyên và không bị cái
gì làm chướng ngại thì quyết định đời đời chứng quả vô sanh. Đức Thầy hiện
nay cũng bảo:“Duyên trước ngày nay mới có phần.”(Cho Ô. Hương bộ
Thạnh).
TRUYỀN ROI: Cũng đọc là roi truyền.
Có nghĩa trao dạy lại. Chỉ cho việc gì có hệ thống từ trước roi truyền lại và
cứ tiếp tục mãi mãi. Như Đức Phật khi xưa truyền tâm ấn và y bát cho Tổ Ca
Diếp, rồi Tổ Tổ roi truyền mãi đến đời sau.
CHÁNH
VĂN
THI :
29.
Tiếng kệ từ-bi quá diệu-trầm,
Diệt lòng tham vọng diệt thinh-âm.
Trần-gian say-đắm theo màu-sắc,
32.
Tịnh-độ giác-thuyền trị dục-tâm.
Phải rõ nghiệp-duyên trần cấu tạo,
Nghe rành chánh-pháp thoát tà-dâm.
Phù-sanh nhược mộng đời lao khổ,
36.Tỉnh trí tu thân khỏi lạc lầm.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 29 đến câu 36) :
-Bài thi bát cú nói trên, qua cặp đề
(1 và 2) Đức Thầy cho biết lời Kệ của Phật truyền dạy mà Ngài khai hóa nhân
sanh ở đây rất cao sâu mầu nhiệm. Có đủ diệu năng giúp cho hành giả diệt sạch
tâm tham lam vọng chấp và lìa bỏ sắc tướng thinh âm để trở về với Chánh Đạo vô
vi.
-Đến cặp trạng /thực (3 và 4) là nhận
thấy con người sanh ra trong cõi trần, thường bị đắm đuối theo tướng cảnh màu
sắc mà phải chuốc lấy sự đau buồn cay đắng. Vậy chúng sanh nào muốn thoát khỏi
thì phải hướng về:“Cõi Tịnh độ lắm điều thanh nhã.”(Tỉnh
Bạn Trần Gian) và trì hành Pháp môn Niệm Phật. Chỉ có sáu chữ Nam Mô A Di Đà
Phật, nếu ai quyết tâm trì niệm tất trừ đặng gốc khổ (dục vọng). Cũng như người
cỡi được con thuyền vừa to lớn, vừa vững chắc, vượt khỏi sông mê bể khổ:“Cứu
khổ Nam mô vô lượng phước, Diệt nàn tu rị hữu thiên Kinh.”(Tỉnh Bạn
Trần Gian).
-Trong cặp luận (5 và 6), Ngài dạy
người tu phải xét rõ nguyên nhân cấu tạo của hột giống sanh tử, từ đâu phát
khởi và những gì trợ duyên cho nó để dẫn đến kết quả sầu khổ đau thương. Song
muốn thấu đạt lý ấy, hành giả phải học rành chánh pháp, chính nhờ đó giúp ta
phá được vô minh, khai thông trí huệ, bấy giờ ta mới hiểu tận nguồn gốc của
sanh tử là lòng ái dục (tà dâm). Như Đức Phật đã nói :“Hải trung sanh tử dâm
dục đệ nhứt”, đoạn rồi ta dùng gươm trí tuệ cắt đứt nó, ấy là giải thoát:“Kiếm
huệ phi tiêu đoàn chướng nghiệp, Phật tiền hữu nhựt vĩnh an nhiên.”(Hiếu
Nghĩa Vi Tiên).
Qua hai câu kết (7 và 8), Ngài nói
rằng muốn trợ duyên việc tiêu diệt mầm mống sanh tử, nhà tu cần quán xét kiếp
sống của con người, như chiêm bao bóng bọt, dễ rả, dễ tan. Dù ta có gây tạo
ruộng vườn nhà cửa, vợ đẹp con đông hay mọi cuộc vinh sang phú quí, một khi tử
thần gõ cửa, thì:“Nhắm mắt cũng nắm hai tay.”(Khuyến Thiện, Q.5).
Nhà thơ Nguyễn Công Trứ đã diễn tả cái nhân sinh quan đó như sau:
“Ôi ! Nhân sinh là thế,
Như bóng đèn, như mây nổi,
Như gió thổi, như chiêm bao,
Ba mươi năm hưởng thụ biết chừng
nào ?
Vừa tỉnh giấc nồi kê chưa chín”.
Thế mà con người mãi say mê đắm đuối, phí
biết bao tâm cơ trí lực đua đòi theo vật chất phù hoa rồi chuốc lấy vô vàn hận
khổ:
“Gẫm cuộc thế chẳng qua tuồng mộng ảo,
Cuộc truy hoan thường giết khách tài
hoa”.
(Cảm Tác)
Khi ta nhận thức được cuộc đời là ảo ảnh, hãy
sớm lo bề tu thân sửa tánh để khỏi bị lầm lạc mãi trong vòng chuyển luân sanh
tử:
“Dương gian mau tỉnh trong tràng mộng,
Tầm kiếm nơi nào đạo siêu cao”.
(Hai Mươi Chín Tháng Chạp)
CHÚ THÍCH :
KỆ: Xem lại chú thích tại
tr. 156 Tập 1/3.
DIỆU TRẦM: Diệu
là mầu nhiệm, trầm cũng viết là thẩm (thâm), có nghĩa sâu kín. Diệu trầm
ở đây là tiếng để ca ngợi lời Kinh pháp rất cao sâu mầu nhiệm. Trong Pháp Hoa
Huyền Nghĩa có câu:“Diệu giả bao mỹ bất khả tư nghị khi pháp dã.”(Diệu ấy là
khen các pháp rất hay, tốt không thể nghĩ lường được). Pháp Hoa Du Lý cũng
nói: Chữ Diệu gọi là thật cao sâu mầu nhiệm (Diệu thi tinh vi thậm
viễn xưng).
Đức Thầy nay cũng bảo:
“Xả thân tầm Đạo vô vi,
Nhiệm mầu thâm diệu nan tri
Lão bày”.
(Từ Giã Làng Nhơn Nghĩa)
THAM VỌNG: Nghĩ
tưởng và ham muốn việc xấu xa tà khúc.
THINH ÂM:
Những thứ tiếng có năng lực làm kích cảm và ru nhiễm lòng người. Có hai thứ
thinh âm:
1-Cảnh trực thinh âm: là các thứ tiếng thuộc về vô tình,
như: nước chảy, gió mưa, sấm sét…
2-Khuất khúc thinh âm: là các thứ tiếng thuộc về hữu tình,
như: ca hát, đờn sáo (âm nhạc) hoặc tiếng người và các cầm thú…
Nhưng chữ “DIỆT THINH ÂM” ở đây có ý khuyên người tu nên lìa cả âm
thinh sắc tướng để trở về với vô vi thật tướng. Như trong Kinh Kim Cang, Đức
Phật từng nói:“Nhược dĩ sắc kiến ngã, Dĩ âm thinh cầu ngã, Thị nhân hành tà
đạo, bất năng kiến Như Lai”.(Nếu lấy màu sắc mà thấy ta, lấy tiếng tăm mà
tìm ra; thật là người hành tà đạo, chẳng khi nào thấy được Như Lai).
Đức Thầy nay cũng hằng khuyên:
“Nền Đạo đức sắc thinh chớ mến,
Có thuyền từ đưa đến non Tiên”.
(Cho Ông Tham Tá Ngà)
MÀU SẮC: Hình tượng bên ngoài
của vạn vật. Kể cả sắc: xanh, đỏ, trắng, vàng…và sắc đẹp của người hoặc sắc
tướng (hình thức).
TỊNH ĐỘ: Cũng gọi là Tịnh Thổ,
là cõi đất thanh tịnh an nhiên, không hề có ngũ trược, bát khổ như cõi uế độ Ta
Bà của chúng sanh đang ở. Tịnh Độ còn là một pháp tu, dạy người chuyên tâm niệm
Phật, làm lành để nhờ tha lực của Đức Phật A Di Đà tiếp dẫn vãng sanh về cõi
Cực Lạc (Tịnh độ).
Tịnh Độ có bốn cõi, tùy theo công năng tu tập của mỗi người mà
chứng đắc:
1/-Phàm Thánh Đồng Cư Tịnh Độ: Cõi Tịnh Độ nầy chúng sanh
do tu tịnh hạnh (niệm Phật làm lành) mà cảm chứng đặng. Nhờ thế, được đồng cư
(cùng ở) với Tam Thừa Thánh Hiền, tức là cõi Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà.
2/-Phương Tiện Hữu Dư Tịnh Độ: Cõi nầy do bực Nhị thừa, tuy
tu đã dứt được kiến hoặc, tư hoặc, ra khỏi tam giới, nhưng còn lại hai
phần: vô minh hoặc và trần sa hoặc chưa trừ hết, nên gọi là “hữu dư”. Do
đó, chưa được hoàn thành cứu cánh.
3/-Thật Báo Trang Nghiêm Tịnh Độ: Cõi nầy do hành giả tu
bậc Đại thừa, đã tích lũy công đức phước báo nhiều đời mà chứng đắc trí vô
lậu và có vô lượng tướng hảo, trang nghiêm chơn thật. Đây là cõi Tam Hiền
Bồ Tát.
4/-Pháp Tánh Tịnh Độ: Cũng gọi là “Thường Tịch Quang
Tịnh Độ”. Cõi nầy chỉ an trụ nơi Pháp Thân Phật (bản lai thanh tịnh) nên
không có hình sắc. Do bậc tu hành đã giải thoát rốt ráo, cũng gọi là đắc “Viên
Giác Tánh” hay “Chơn không diệu hữu”. Gồm đủ các đức: Chơn thường
(không sanh diệt) Chơn tịnh (sạch hết vọng nhiễm, phiền não) và Chơn
bát nhã (trí quang minh chiếu khắp mười phương).
Trong Kinh Duy Ma có nói:“Dục tắc Tịnh độ, đương tịnh kỳ tâm,
tùy kỳ tâm tịnh, tức quốc độ tịnh.”(Muốn được cõi Phật thanh tịnh, nên làm
cho tâm mình thanh tịnh, hễ tâm được thanh tịnh thì cõi Phật thanh tịnh).
-Vậy chữ Tịnh độ ở đây, vừa chỉ cho cõi Tịnh độ đối lại với
hai chữ trần gian của câu thi trên, vừa chỉ cho Pháp Môn Niệm Phật. Đức
Thầy từng cho biết:“Cư gia Tịnh độ tâm viên mãn.”(Khuyến
thiện, Q.5).
GIÁC THUYỀN: Cũng
gọi là Thuyền Giác. Giác là chánh đạo hay chánh pháp, cũng đồng
nghĩa với trí huệ. Thuyền là chiếc ghe để chuyên chở mọi vật, do chữ
“Diệu Pháp Thuyền”. Ý nói người nương theo Chánh pháp của Đạo mà tu hành, chẳng
còn nhiễm ô, vướng mắc việc thế tục, tức được tự tại giải thoát, ví như người
cỡi thuyền vượt khỏi sông mê sang bờ giác.
-Đức Thầy đã từng “Xông thuyền giác rước đưa sanh chúng.”(Khuyến
Thiện, Q.5). Và Ngài hằng khuyên tín đồ:
“Phật Đạo trau giồi tâm tánh lại,
Giác thuyền chuyên chở lúc
can qua”.
(Ai Người Tri Kỷ)
DỤC TÂM: Lòng ham muốn việc trần
tục, vật chất: danh, lợi, tình.v.v…
NGHIỆP DUYÊN:
Nghiệp là hột giống, là hành động tạo tác đầu tiên. Duyên là các trợ duyên giúp
cho hột giống hay việc làm ấy mau kết quả. Nói chung là “Nhân duyên hạnh
nghiệp”. Hễ nghiệp duyên chơn chánh thiện lương thì kết quả tốt lành, cao
khiết, bằng nghiệp duyên xấu ác, nhơ đục thì sau sẽ kết quả tối tăm hung dữ:“Sư
rằng: song chẳng hề chi, Nghiệp duyên cân lại, nhắc đi còn nhiều.”(Truyện
Kiều).
TRẦN CẤU TẠO: Trần
cấu là bụi bặm nhơ nhớp, tức là các dục vọng, tà kiến, phiền não làm cho tâm
trí mờ ám quay cuồng; Tạo là làm ra. Cho nên, hễ người tu khi dứt sạch
duyên trần cấu đừng tạo ra nữa, tức là trừ xong mọi kiến hoặc, tư hoặc
(thấy lầm, nghĩ lầm) mà chứng được thanh tịnh Niết Bàn. Như hoa sen tuy gần bùn
mà chẳng ô nhiễm vì bùn. Đức Thầy từng khuyên “Dứt tâm trần kiếm chữ sắc
không” (GMTK,Q. 4).
CHÁNH PHÁP: Đạo
pháp chơn chánh, lý nghĩa không sai chạy. Đây chỉ cho lời giáo pháp của Đạo
Phật, do diệu dụng của Pháp tánh Phật thuyết ra.
Kinh Cu Xá Luận có nói:“Năng trì tự tánh, vị nhứt thiết pháp
các thủ tự tánh, như sắc đẳng tánh thường bất kiến cải.”(Giữ được pháp tánh của
mình thì cả thảy pháp đều ở trong tự tánh, cũng như tánh của các sắc thường
không thay đổi).
Đức Thầy nay cũng khuyên:
“Sớm tối, đi nằm y Chánh Pháp,
Thầy nguyền dắt đến cảnh Long Hoa”.
(Cho Ô. Hạnh).
TÀ DÂM: Một trong 10 điều ác,
cũng là một trong năm giới cấm. Có nghĩa thông dâm với vợ con, hoặc chồng của
người khác. Người đam mê sắc dục quá độ cũng gọi là tà dâm. Còn có nghĩa rộng
là cái gì cong vạy, quái kỳ là tà; cái gì không chánh đáng là dâm.
Trong “Luật Sa Di” có lời kệ:
“Dâm vi bất tịnh hạnh, Mê hoặc thất chánh Đạo.
Hình tiêu hồn phách kinh, Thương mạng nhi tảo yểu.
Thọ tội ngoan si hoang, Tử phục đọa ác đạo.
Ngô dung úy thị cố, Khí gia nhạo sơn tẩu”.
(Dâm là hạnh bất tịnh, Mê lầm mất Đạo chánh.
Hình gầy hồn phách sợ, Giảm thọ và chết non.
Mắc tội ngu, dại, ngốc, Chết đọa trong đường ác.
Ta vì sợ quá sợ, Bỏ nhà thích núi non).
Do đó, Đức Thầy khuyên môn đồ phải giải thoát tà dâm ái dục:
“Nghe chuông linh sớm dứt bể ái hà,
Kẻo vật dục cuốn lôi vào bể khổ.”(Cảm Tác).
PHÙ SINH: Kiếp sống nổi trong
chốc lát, như chòm mây, bọt nước, mới nổi kế tan. Cổ nhân từng bảo :“Ký sinh
phù nhược hề, tử nhược hưu.”(Kiếp sống đã chịu lắm cảnh trôi nổi, dù có
tranh danh đoạt lợi, khi chết cũng phủi sạch thôi).
“Tuồng huyễn hóa ai bày ra đấy,
Kiếp phù sinh trông thấy mà đau.
Trăm năm còn có gì đâu,
Chẳng qua một nắm cỏ khâu xanh rì”.
(Cung Oán Ngâm Khúc)
Đức Thầy nay cũng từng thốt:
“Sầu chung ta cất tiếng than,
Phù sinh kiếp có đoạn
tràng thì thôi!”(Tự Thán)
NHƯỢC MỘNG:
Giấc chiêm bao quá yếu ớt, ngắn ngủi. Ý nói kiếp sống của con người mau lẹ như
giấc mộng. Cổ nhân bảo:“Nhơn sanh bá tuế như xuân mộng, Ly hiệp bi hoan tợ
hí văn.”(Người sanh trăm tuổi như đêm mộng, Buồn vui tan hợp tợ trò chơi).
Và “Kỳ sinh nhược mộng vi hoan hỷ hà.”(Kiếp sống trôi nổi ví như trong
giấc mộng, dầu có vui sướng cũng chẳng bao lâu – Thái Bạch Văn).
Đức Thầy nay cũng cho biết:
“Khuyên người trí-sĩ mau mau tỉnh
Giấc mộng Nam Kha chốn thế trần”.
(Tỉnh Bạn Trần Gian)
Hoặc là:
“Trần thế lợi danh
giấc mộng tràng”.
(Lộ Chút Cơ Huyền)
TU THÂN: Xem lại chú thích tại
tr.146 Tập 2/3.
CHÁNH VĂN
37.
Hào-quang chư Phật rọi mười phương,
Đạo pháp xem qua chớ gọi
thường.
Chuyên-chú nghĩ suy từ
nét dấu,
40.
Cố công gìn giữ tánh thuần-lương.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 37 đến câu 40) :
-Đại ý bài thi tứ cú trên đây, Đức Giáo Chủ dạy rằng: Chư Phật có
đủ pháp thần thông, huyền diệu, thường phóng ánh từ quang soi suốt khắp mười
phương để tiếp độ những người có thiện căn, trở về với cảnh an nhàn tự tại:“Tìm
con lành dắt lại Phật đường.”(GMTK, Q.4).
-Được rõ hào quang của Phật là linh diệu khôn lường thì giáo pháp
của Ngài cũng sâu mầu khó nghĩ. Vậy người tu mỗi khi đọc đến Sấm Kinh, chẳng
nên xem thường lời giáo pháp mà phải chuyên tâm, chú ý nghiệm suy từ nét dấu
trong đó; vì có lắm khi: Lời nói gần mà nghĩa lý rất sâu xa (ngôn cận chi
viễn).
Đức Thầy từng dạy trong “Giác Mê Tâm Kệ”:
“Coi rồi phải nhận cho hiểu lý,
Câu huyền sâu của kẻ Khùng nầy.
Bởi chữ Khùng của Phật của Thầy,
Chớ chẳng phải của người lãng trí”.
-Khi được rõ nghĩa lý trong Kệ giảng, nhà tu cần phải gắng công
gìn giữ giới luật và lo trau tâm luyện tánh cho đặng trọn lành trọn sáng đến
khi thành Đạo giải thoát.
CHÚ THÍCH :
HÀO QUANG: Hào
là lông mày; Quang là tia sáng, ánh sáng. Nơi chơn mày của Phật có những sợi
lông trắng, thường phóng ra ánh sáng chung quanh mình (vầng hào quang). Đây là
một trong 32 tướng hảo của Phật.
Trong Quán Phật Tam Muội Kinh có chép:“Thời Phật my gian, tức
phóng bạch hào, đại nhơn tướng quang. Kỳ quang phân vi bát vạn tứ thiên chi.”(Khi
ấy nơi chơn mày của Phật liền phóng hào quang sắc trắng của đấng đại nhân.
Trong đó chia ra làm tám muôn bốn ngàn đạo).
Đức Thầy nay cũng có câu:
“Mắt nhìn thấy thần thông biến hóa,
Đức Di Đà hiện chóa hào quang”.
(Xuân Hạ Tác Cuồng Thơ)
MƯỜI PHƯƠNG: Do
chữ thập phương. Có nghĩa: tám hướng chung quanh và hai hướng trên,
dưới; tức là: Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam, Tây Nam, Đông Bắc, Tây Bắc, Thượng
phương và Hạ phương. Mười phương là tiếng chỉ chung cho khắp thế giới hoặc khắp
cả chư Phật và chúng sanh. Ví dụ:“Thập phương Phật hay thập phương bá tánh”.
Đức Thầy thường viết:“Nguyện mười phương chư Phật đáo lai.”(Khuyến
Thiện,Q.5).Hoặc:“Mười phương đều rõ máy anh linh.”(Những Câu Chú
thường niệm).
ĐẠO PHÁP: Phép
tắc chân chánh của Đạo Phật. “Đạo pháp thường hay dung với hòa.”(Lời
Khuyên Bổn Đạo, tr.449-450 SGTVTB 2004).
CHUYÊN CHÚ:
Chuyên tâm chú ý vào một việc gì. Đây ý nói dồn hết tâm trí, gom hết tư tưởng
vào công việc nghĩ ngợi, suy xét Kệ Kinh, để thấu hiểu lý nghĩa cho tường tận.
THUẦN LƯƠNG:
Thuần là ròng rã, không tạp nhạp xen lộn; Lương là hiền lành. Có nghĩa chung là
ròng rã việc hiền lành, tức trọn lành, chẳng có một điều quấy ác nào xen lộn.
Đức Thầy nói:
“Tánh thuần lương vẻ mặt vui tươi,
Vậy mới đáng tín đồ Phật Giáo.”(Kh/Thiện, Q.5)
CHÁNH VĂN
KỆ :
41.Lòng quảng
ái xót thương nhân chủng,
Buổi lố-lăng Phật-Giáo
suy đồi.
Kẻ tu hành ai nỡ yên
ngồi,
44.Mà sớm kệ chiều kinh thong thả.
Mình đã gặp con thuyền
Bát-Nhã,
Có lý nào ích-kỷ tu thân
?
Phật-Tổ xưa còn ở nơi
trần,
48.Ngài gắng
sức ra công hoằng-hóa.
Nền Đại-Đạo lưu thông
khắp cả,
Bực tiên hiền đều trọng
Phật-gia.
Rèn dân bằng giáo-thuyết
bình-hòa,
52.Giống bác-ái gieo sâu vô tận.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 41 đến câu 52) :
-Lòng từ bi của Đức Giáo Chủ bao la như sông biển, xót thương khắp
vạn loại chúng sanh, hằng tùy phương cứu độ:“Yêu khắp muôn loài lẫn chúng
sanh.”(Tình Yêu). Nhứt là giữa thời Hạ ngươn mạt pháp, làn sóng vật
chất áp đảo tinh thần, khiến cho nền Đạo Phật phải suy yếu theo đà xuống dốc.
Trước trạng huống ấy, những người biết giác ngộ tu hành, không thể an ngồi chốn
chùa am, sống cuộc đời nhàn nhã với lời Kinh tiếng Kệ.
-Huống chi, những người đã tỏ đạo mầu đạt thông trí tuệ, hoặc đã
được đứng trên con thuyền Đại Đạo, vốn đầy lòng từ ái, vị tha có lý nào chuyên
lo tự độ. Thế nên dầu giữa “Bể trần sóng cuộn lao xao”, Đức Giáo
Chủ cũng cương quyết “Xông thuyền Bát Nhã lướt vào một phen”(Tự
Thán, tr.404 SGTVTB 2004), để cứu vớt sanh linh đang chìm đắm trong bể khổ.
-Đức Phật Tổ xưa kia, với lòng từ bi vô lượng vô biên, nên sau khi
đắc đạo, Ngài chẳng nỡ nhập Niết bàn sớm, vẫn trụ thế hoằng pháp lợi sanh suốt
49 năm. Ngài đã từng thốt:“Ta vì muốn cứu khổ chúng sanh mà tu thành Phật,
chớ không phải vì ngôi Phật cao lớn mà thành”. Rồi từ độ ấy Phật Giáo càng
lúc càng lan rộng, khiến cho các bậc Tiên, Hiền, Thánh, Triết đều phải kính
trọng tùng qui. Ngài còn đem giáo pháp bình đẳng trung từ chan hòa trong quảng
đại quần chúng. Những người có đại căn đã sớm giác ngộ và thành Đạo trước. Còn
hạng thiểu căn chậm tiến, Ngài cũng dùng mọi phương tiện làm cho họ kính tin
Trời Phật, ấy là đã gieo sâu vào tạng thức họ hột giống Đạo; để rồi thời gian
sau chúng sanh đó sẽ hồi tâm hướng thiện, qui y Phật Pháp.
CHÚ THÍCH :
LÒNG QUẢNG ÁI:
Lòng thương yêu rộng lớn đối với tất cả chúng sanh. Sách Luận ngữ nói:“Phiếm
ái chúng nhi thân nhân.”(Người tu học phải thương yêu mọi người và gần gũi
các bậc hiền đức).
NHÂN CHỦNG:
Giống người, chỉ chung cho loài người. Đức Thầy thường thốt:
“Năm canh luống những sụt sùi,
Cám trong nhân chủng lắm người dở dang”
(Tự Thán, tr.404 SGTVTB 2004)
LỐ LĂNG: Cũng gọi là nhố nhăng.
Có nghĩa quá mực thường, làm chướng tai gai mắt kẻ chung quanh. Ví dụ: ăn mặc
lố lăng, nói năng lố lăng.
SUY ĐỒI: Lụn bại, sụp đổ, hư
nát.
THUYỀN BÁT NHÃ: Xem “bát nhã thoàn” tại tr.19 Tập 2/3.
ÍCH KỶ: Chỉ biết lợi ích riêng
cho mình, không hề giúp đỡ ai. Đức Thầy hằng khuyên:
“Ai muốn tầm Đạo cả cao sâu,
Thì hãy dẹp tánh tình ích kỷ.”(Kệ Dân, Q.2).
HOẰNG HÓA: Khai
mở Đạo mầu sâu rộng trong quần chúng và giáo hóa tiếp độ toàn thể chúng sanh.
ĐẠI ĐẠO: Nền Đạo rộng lớn cao
sâu. Đây chỉ cho Đạo Phật. Đức Thầy nói:
“Đại Đạo giáo dân, dân bất tri,
Khai năng bạch phát đãi hà thi.”
(Không Không)
TIÊN HIỀN: Các
bậc Tiên gia, Hiền thánh thuở trước.
PHẬT GIA: Nhà
Phật, ý chỉ Đạo Phật. Đức Thầy có câu:
“Tới đây cạn lẽ phân minh,
Quyết đem chơn lý đặng gìn Phật gia”.
(Viếng Làng Mỹ Hội Đông)
BÌNH HÒA: Bình đẳng và hòa hợp.
Ý nói lời pháp giáo của Phật chỉ dạy không phân biệt cá nhân đẳng cấp, luôn hòa
hợp với các chủng tộc và căn cơ trình độ của mọi giới chúng sanh. Thời xưa,
trước sự phân chia bất bình đẳng của bốn giai cấp ở Ấn Độ, Đức Phật đã dạy:“ Không
có giai cấp trong giọt nước mắt cùng mặn, trong dòng máu cùng đỏ.”
Ngày nay Đức Thầy cũng bảo:“Lời thuyết pháp chẳng vì nhơn
ngã.”(GMTK, Q.4) và:
“Tùy phong hóa dân sanh phù hợp,
Chấp bút thần tả ít bổn kinh.”
(Diệu Pháp Quang Minh)
Giáo thuyết bình hòa cũng còn chỉ cho giáo lý “Trung Đạo” (Con
đường trung đạo). Kinh Kim Cang, Phật nói:“Thị Pháp bình đẳng, Vô hữu cao
hạ.”(Pháp nầy là bình đẳng đối với tất cả, không có chi cao hơn nó, cũng
không có chi thấp hơn nó). Đức Thầy cho biết:
“Dạy bổn đạo lấy câu trung đẳng,
Chẳng nói cao vì sắp rốt đời”(GMTK, Q.4)
BÁC ÁI: Xem lại chú thích tại
tr.58 Tập 1/3.
VÔ TẬN: Không hết, không cùng
tột.
CHÁNH VĂN
53.Sau nhằm
buổi phong-trào tân-tấn,
Đua chen theo vật-chất
văn-minh.
Nên ít người khảo xét
kệ-kinh,
56.Được dắt
chúng hữu-tình thoát khổ.
Thêm còn bị lắm phen
giông-tố,
Lời tà-sư ngoại-đạo gieo
vào.
Cho nhơn-sanh trong dạ
núng-nao,
60.Chẳng gìn
chặt gương xưa mạnh mẽ.
Dùng thế-lực dùng nhiều
mánh-khoé,
Cám-dỗ người đặng có
khiến sai.
Chúng nằm không hưởng
của hoạnh tài,
64.Để khốn-khổ
mặc ai trối kệ.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 53 đến câu 64) :
-Trước kia Đạo Phật rất thạnh hành, sự tin tưởng Tam Bảo của toàn
dân vô cùng mạnh mẽ, nhưng vào thời mạt pháp cũng nhằm buổi tân tiến cạnh
tranh, phần đông nhân loại chạy theo văn minh vật chất, nên ít người chịu gia
tâm nghiên cứu kinh kệ, để tìm ra chơn lý hầu dìu dắt chúng hữu tình, thoát
vòng đau khổ.
“Bày ttường tân trước sau chung thỉ,
Đời văn minh vật chất bỏ gương xưa.
Nghiệp tổ tiên con cháu vày bừa,
Học thói mới lăng loàn theo sở dục”.
(Trao Lời Cùng Ông Táo)
-Tình thế đã vậy, lại còn tà sư, ngoại đạo thừa cơ quấy nhiễu
chánh pháp, bày trò mê tín, làm sai lạc chơn lý. Những kẻ có uy quyền thì dùng
thế lực đàn áp tôn giáo (pháp nạn), khiến cho những người nhẹ dạ phải nao núng
ngã lòng, không còn mạnh tin những gương hạnh cao cả trong Phật giáo từ xưa.
-Thêm có nhiều chủ thuyết ra đời, không kiêng sợ tội phước, hay
nhân quả báo ứng. Họ dùng đủ mưu mô xảo quyệt, thế lực uy quyền để cưỡng bách,
cám dỗ dân chúng làm tay sai. Riêng họ chỉ ngồi không thủ lợi, miễn sao được
sống cuộc đời sung sướng, vinh thê ấm tử, mặc tình cho kẻ khác chịu nỗi đói
lạnh chua cay !
CHÚ THÍCH :
PHONG TRÀO:
Phong là gió; trào là triều nước dâng lên. Ý chỉ cho sự đua nhau làm việc gì ồn
ào vang dội trong một thời, như gió thổi sóng dậy hay nói về khuynh hướng nhiệt
liệt trong một lúc.
TÂN TẤN: Cũng gọi là tân tiến.
Có nghĩa cuộc tiến hóa mới mẻ hiện nay.
VĂN MINH: Xem chú thích tại tr.
209 Tập 1/3..
KHẢO XÉT: Khảo là tra
cứu, thí nghiệm; Xét là tìm tòi phân đoán. Nghĩa chung là phương pháp
nghiên cứu kỹ lưỡng để tìm hiểu một việc gì cho chính xác. Ví dụ: Khảo xét kinh
điển.
CHÚNG HỮU TÌNH:
Chúng là số nhiều; hữu là có; tình là tình thức hay hữu duyên. Nghĩa chung là
các giống động vật có tri giác và mạng sống.
Trong vũ trụ vạn hữu có hai giới: vô tình và hữu tình.
a/- Giới vô tình gồm những loài không cựa quậy và hiểu biết, như: Kim
thạch, đất nước, cây cỏ…
b/- Giới hữu tình thì gồm những loài có mạng sống và tri
giác, nhưng chưa thoát khỏi sanh tử luân hồi.
GIÔNG TỐ: Mưa to gió lớn. Nghĩa
bóng là sự biến đổi hay cuộc đàn áp dữ dội. Đức Thầy có câu:
“Cơn dông tố mịt mù bụi cát,
Chẳng nao lòng của đấng từ bi.”(Sa Đéc)
TÀ SƯ NGOẠI ĐẠO: Xem chú thích chữ “tả đạo” tại tr. 34 Tập 2/3.
NHƠN SANH: Cũng
viết là nhân sanh, tức chỉ cho loài người sống chung trong thế giới,
không phân biệt màu da, tiếng nói.
DẠ NÚNG NAO:
Cũng gọi là tâm nao núng. Có nghĩa lòng bối rối lo lắng trong tâm, hồi họp, bán
tín bán nghi, muốn lùi bước.
GƯƠNG XƯA:
Những thành tích vẻ vang sáng lạn và hiền đức tốt đẹp của các đấng Thánh Hiền
hoặc của ông cha ta đã thi thố từ trước, như tấm gương sáng nêu lại cho hậu thế
noi theo. Đức Khổng Tử có dạy:“Minh kính khả dĩ sát hình; vãng cổ khả dĩ tri
kim”(Tấm gương sáng để soi được mình, xét việc xưa qua để biết được việc
nay).
Đức Thầy thường thống trách hạng người phụ bỏ gương xưa:
“Gương Tổ Phụ còn roi lại đó,
Sao không theo nề nếp gia phong.”
(Khuyến Thiện, Q.5)
THẾ LỰC: Sức mạnh của quyền oai
hay tiền bạc. Ví dụ: Người ta dùng thế lực áp bức kẻ khác, khiến họ phải phục
tùng theo.
CÁM DỖ: Tìm đủ cách quyến rũ
làm cho người ta mê theo.
CỦA HOẠNH TÀI:
Tiền bạc và đồ vật không do sức mình làm ra một cách hợp pháp, lương thiện mà
chỉ tạo ra bằng cách tà vạy không chánh đáng. Của làm ra như thế chẳng những
không được giàu lâu mà còn vướng phải nhiều tai nạn:“Của hoạnh tài bất phú
hoạnh tai.”(Kim Cổ Kỳ Quan). Cho nên, của hoạnh tài cũng gọi là của
phi nghĩa:“Của phi nghĩa làm chi xong chuyện.”(Khuyến Thiện,
Q.5).
KHỐN KHỔ: Khốn
cùng khổ sở. Chỉ cho người khi gặp lúc nghèo túng khó khăn.
TRỐI KỆ: Trối là không bảo bọc;
Kệ là mặc tình. Nghĩa chung là không bảo bọc giúp đỡ được, để mặc tình ai chịu
lấy các điều cay đắng.
CHÁNH VĂN
65. Mắt thấy rõ những
điều tồi-tệ,
Tai thường nghe lắm giọng
ru người.
Thêm thời nầy thế kỷ hai
mươi,
68. Cố xô sệp thần
(thánh) quyền cho hết.
Người nhẹ dạ nghe qua
mê-mết,
Rằng: nên dùng sức mạnh
cạnh-tranh.
Được lợi-quyền lại được
vang danh,
72. Bài-xích kẻ tu
hành tác phước.
Làn sóng ấy nhiều người
đón rước,
Dục dân tâm sôi-nổi
tràn-trề.
Cổ tục nhà phỉ-báng
khinh-chê,
76. Cho tôn-giáo là
mùi thuốc phiện.
Ai nếm vào ắt là phải nghiện,
Chẳng còn lo trang võ đấu chinh.
Lấy sắc-thân dẹp nỗi bất-bình,
80.
Bỏ đức-tính của câu nhơn-quả.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 65 đến câu 80) :
-Những hành động điêu xảo của kẻ chuyên dùng
bạo lực, những cuộc lợi dụng Tôn giáo để làm lợi khí nuôi thân của tà đạo; toàn
là những việc làm xấu xa nhơ nhuốc mà hiện giờ ai ai cũng đều nghe thấy. Lại
thêm giữa thế kỷ 20, phái vô thần cố tình chèn ép, đè bẹp lòng tín ngưỡng Phật
Trời của các Tôn giáo.
-Họ chủ trương “Ưu thắng liệt bại”(Mạnh được yếu thua), để
lừa phỉnh số người nhẹ dạ mê theo và phủ nhận tất cả những gì thuộc về tinh
thần cao đẹp. Chỉ biết dùng sức mạnh đấu tranh quyền lợi là trên hết, nên họ
tìm đủ cách bài bác những ai lo tu hành tác phước.
-Trước làn sóng vật chất ấy đã có nhiều kẻ đón tiếp và kích động
quần chúng hưởng ứng theo. Tạo nên phong trào khinh rẻ, bác bỏ những phong tục
của Ông Cha từ trước.
-Họ còn kịch liệt đả kích các Tôn giáo, cho rằng Tôn giáo hay làm
mê nhiễm lòng người như mùi thuốc phiện. Ai theo Tôn giáo là sống cuộc đời tiêu
cực, mất hết nghị lực đấu tranh, bởi họ quan niệm vật chất hiện tại là trên
hết, chỉ có uy lực của xác thân mới đánh tan được những nỗi bất bình trong xã
hội, nên chẳng hề tin có luân hồi quả báo. Họ không ngờ với chủ trương ấy càng
tiến mạnh chừng nào, càng gây thêm nạn chiến tranh đau khổ cho nhơn loại chừng
ấy.
CHÚ THÍCH :
TỒI TỆ: Hư nát, nhơ xấu. Đức
Thầy có câu:
“Xử những kẻ hung hăng tồi tệ,
Thưởng những người trung nghĩa vẹn toàn”
(GMTK, Q.4)
GIỌNG RU NGƯỜI: Dùng tiếng xướng ca, hò hát hoặc lời ngọt ngào óng chuốt làm cho
người mê mết tin theo.
THẾ KỶ HAI MƯƠI: Tính theo Dương lịch thì một thế kỷ là 100 năm. Hiện nay
(1900-1975) tức là trong vòng Thế kỷ thứ 20.
CỐ XÔ SỆP: Gắng
sức xô đẩy, đè ép cho xẹp xuống.
THẦN QUYỀN:
Những oai lực công nhiên tuyệt đối của Thần Thánh, hay là quyền thống trị sai
sử và sắp đặt mọi sự việc ở thế gian của các đấng thiêng liêng. Thần quyền ở
đây chỉ cho sự tin tưởng Phật Trời, Thần Thánh của các Tôn Giáo.
NHẸ DẠ: Lòng dễ tin theo người
khác, thuyết khác.
MÊ MẾT: Quá mê, say chết,
không còn hay biết đến việc gì khác nữa.Ví dụ: Xem, nghe mê mết; ngủ mê mết.
LỢI QUYỀN: Xem
chú thích câu 784 Q.4, tr. 170 Tập 3/3 nầy.
BÀI XÍCH: Bài
bác, chỉ trích thậm tệ, chê bai kịch liệt.
TÁC PHƯỚC: Làm
phước, tức làm những việc có ích lợi cho nhân loại chúng sanh. Đức Thầy có
câu:“Thiện duyên tác phước ý như hà.”(Viếng Làng Phú An).
LÀN SÓNG: Lớp
sóng ở mặt nước, hết lượn nầy đến lượn khác, từng đợt, từng đợt. Đây chỉ cho
phong trào duy vật tiến lên ồ ạt như làn sóng trên mặt nước.
SÔI NỔI: Náo động, hào hứng,
được để ý nhiều. Ví dụ: dư luận sôi nổi, khiến thiên hạ sôi nổi. Sôi nổi cũng
có nghĩa trong bụng đầy hơi chuyển động ra thành tiếng hứng thú hoặc giận dữ.
CỔ TỤC: Tục lệ lễ nghi xưa do
ông cha để lại.
PHỈ BÁNG: Chê
bai, nói xấu; dùng lời lẽ làm mất danh giá người khác, bằng cách vạch chuyện
xấu xa của người ấy ra, dù là có thật hay không.
TÔN GIÁO:
Tiếng dùng để gọi chung các nền Đạo, có tín ngưỡng và đường hướng dẫn dắt nhân
sanh hành thiện tránh ác.
Thời xưa, người ta lấy sự thờ kính một vị thần (Độc Thần Giáo) hay
nhiều vị (Đa Thần Giáo) làm chủ đích để tín ngưỡng. Thuở loài người chưa tiến
bộ họ lấy cục đá, khúc cây…làm vật thờ cúng, sau mới thờ các vị Thần. Tôn Giáo
thời đó cho rằng các vị Thần cũng có linh thể tâm tánh như con người, nhứt là ở
Ai Cập, Ba Tư, Hy Lạp, La Mã…Bấy giờ người ta chỉ chú trọng về phần tín ngưỡng
thôi.
Lần lượt nhân loại tiến bộ, các vị Thánh Triết ra đời mở rộng con
đường đạo lý. Vào đầu Tây lịch kỷ nguyên Chúa Gia Tô xuất hiện, lập nên Tôn
giáo Cơ Đốc truyền bá ở Âu Châu.
Riêng về Á Châu, có Phật Giáo là nền Đạo thuần nhứt, do Đức Thích
Ca Mâu Ni sáng lập, đem Giáo lý từ bi, bình đẳng giáo hóa chúng sanh, đến nay
có trên 2.500 năm mà nhơn loại khắp cả thế giới càng lúc càng phụng hành đông
đảo.
Xét cho kỹ, Phật Giáo không thể gọi là Tôn giáo như theo nghĩa chỉ
các Đạo nói trên. Vì Phật Giáo có giáo lý thực tế áp dụng vào đời sống thiết
thực cho nhân sanh. Nói rõ hơn, Giáo lý Phật Giáo gồm đủ “Tâm Vật Lý”, và lúc
nào Phật Giáo cũng đi trước khoa học. (Trước đây 25 Thế kỷ, Phật đã biết trong
nước có vi trùng và ngoài địa cầu ta ở còn có vô số địa cầu và hành tinh khác.
Còn khoa học mới phát minh và thấy được vào thời gian sau đó rất lâu).
THUỐC PHIỆN: Cũng
gọi là a phiến, do một thứ nhựa lấy ở mủ cây thẩu nấu thành, đốt lên có mùi
thơm, người ta dùng để hút. Trong thuốc phiện có chất thường làm cho người say
nghiện. Ai hút nó lâu ngày thành ghiền, tiều tụy con người từ tinh thần lẫn thể
xác. Thế nên cả Tam giáo (Phật Thánh Tiên) đều cho thuốc phiện là một trong “Tứ
đổ tường”(Bốn vách tường đổ: tửu, sắc, tài, phiến). Đức Thầy nói:
“Nào hút thuốc phiện, hội ve chai,
Nào trùm đĩ, ma cô nghề hút máu”.
(Trao Lời Cùng Ông Táo)
NGHIỆN: Ghiền, chỉ cho sự ô
nhiễm say mê, khó bỏ được. Ví dụ: nghiện rượu, nghiện á phiện.
TRANG VÕ ĐẤU CHINH: Trang là sắp đặt chuẩn bị; Võ
là sức mạnh hay chỉ cho khí giới, như nói nghề võ hoặc võ khí. Võ còn đối
với Văn. Vậy trang võ là chỉ cho sự sửa soạn, trang bị cho việc võ, việc
quân sự.
Đấu là tranh hơn thua, xâu xé giành giựt. Chinh là đánh dẹp, thâu
lấy (chinh phục). Nói chung là tranh giành đoạt lấy sự hơn thua với nhau, giữa
hai hoặc nhiều quốc gia dân tộc hay phe nhóm..v.v…
SẮC THÂN: Phần xác thể của con
người, đối với tinh thần.
BẤT BÌNH: Không bằng lòng, không
ngang hàng giai cấp, giá trị như nhau.
ĐỨC TÍNH: Đức
tin, tính chất tốt của con người đã tin tưởng vào một sự việc gì cao cả.
Ví dụ: tin Phật pháp hoặc tin nhân quả…Sách Phật Học Thuật Ngữ có viết: “Sở
dĩ có công đức là do chỗ tín tâm, lại nữa công đức ấy cũng do tin Phật pháp mà
được vậy”(Tín tâm chi công đức dã, hựu tín Phật pháp chi đức giả dã). Đức
Thầy từng khuyên:
“Dầu cho ai phá rối đức tin,
Ta cũng cứ một đàng đi tới.”(GMTK, Q.4)
NHƠN QUẢ: Cũng
gọi là Nhân quả. Nhân là nguyên nhân, là hột giống. Quả là sự kết quả, hay trái
bông. Đây là luật quả báo (Xem thêm chú thích chữ “quả báo” tại tr.271
Tập 1/3).
CHÁNH VĂN
81.Dầu ai
có bền gan sắt-đá,
Cũng động lòng trước
cảnh ngửa-nghiêng.
Đạo diệu-mầu gặp lúc
truân-chuyên,
84.Phận môn đệ
phải lo vun quén.
Tằm sức nhỏ còn làm nên
kén,
Người không lo có thẹn
hay chăng ?
Cả tiếng kêu cùng khắp
chư tăng,
88.Với tín-nữ
thiện-nam Phật-Giáo.
Nên cố-gắng trau thân
gìn Đạo,
Hiệp cùng nhau truyền-bá
kinh lành.
Làm cho đời hiểu rõ
thinh-danh,
Công-đức Phật từ-bi vô
lượng.
Đồng dẹp bớt âm-thinh
sắc-tướng,
94.Lo
chấn-hưng Phật-Pháp mới là.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 81 đến câu 94) :
-Trước hoàn cảnh xáo trộn do thuyết duy vật tạo nên, khiến nhiều
kẻ nhẹ dạ ồ ạt chạy theo một cách mù quáng. Đến như số người đã từng hấp thụ
thuần phong mỹ tục và có kiên nhẫn cũng muốn nao núng ngã lòng. Do đó, con
thuyền hướng thượng của các Tôn giáo cũng như Đạo Phật đương nhiên phải gặp
nhiều khó khăn trở ngại. Cho nên Đức Giáo Chủ khuyến tấn mỗi môn đồ cần có bổn
phận tô bồi, xây đắp nền Đạo, nhứt là về tinh thần giác ngộ được vững chắc, để
ngọn đèn chơn lý Phật Giáo càng lúc càng thêm rạng rỡ.
-Xét lại, loại tằm là một giống sâu nhỏ bé, kém trí giác mà chúng
còn biết nhả hết cuộn tơ lòng để đền ơn cho chủ. Còn chúng ta là nhân loại, đã
tự hào là có linh tri hơn muôn vật, lại được hồng ân Tam Bảo khai hóa, nếu ta
chẳng lo tròn bổn phận thì so với loài tằm kia, há chẳng thẹn lắm ư ?
-Thế nên Đức Giáo Chủ kêu gọi khắp tín đồ Phật Giáo (không phân
biệt Tôn phái), từ hàng Tăng sư đến các thiện nam tín nữ, hãy gắng sức vừa lo
tu thân sửa tánh, nghiêm trì giới hạnh; vừa hiệp tác trong cuộc phổ truyền
chánh pháp, như Ngài từng dạy:“Nên bổn phận chúng ta phải noi theo chí đức
của tiền nhân hầu làm cho trí tuệ minh mẫn đặng đi đến con đường giải thoát,
dẫn dắt giùm kẻ sa cơ và nhứt là phải tiếp tục khai thông nền Đạo đức đặng cái
tinh thần từ bi bác ái được gieo rải khắp nơi nơi trong bá tánh. Như thế mới
chẳng phụ công trình vĩ đại của Đức Phật và của tiền nhân để lại và không đắc
tội với kẻ đời sau vậy.”(Tứ Ân: Ân Tam Bảo, tr. 183 SGTVTB 2004).
-Bởi có quảng truyền chánh pháp thì bá tánh mới hiểu được đức độ
từ bi, bình đẳng và lòng vị tha cứu khổ chúng sanh vô bờ bến của Phật. Nếu cả
nhân loại đều hấp thụ được tinh thần giáo lý ấy thì khỏi cần phải đấu chinh
cũng san bằng được nỗi bất bình, và đem lại sự an vui cho khắp thế giới. (Trước
đây 25 thế kỷ, Phật đã dùng thuyết từ bi, bình đẳng phá tan 4 giai cấp chênh
lệch ở Ấn Độ thời ấy).
-Song muốn cho việc chấn hưng Phật Pháp được kết quả như ý, thì
ngay bây giờ các Tăng Ni Phật tử nên dẹp bớt âm thinh sắc tướng, vì những sự
việc ấy không phải là hướng đi đến chơn lý (đạt Đạo) “Sắc tướng thinh âm chư
ngoại giáo, chơn truyền cụ thất Đạo nan thành.”(trích Tỉnh Thế Ngộ Chơn).
CHÚ THÍCH :
DIỆU MẦU: Cao sâu mầu nhiệm, khó
mà nghĩ lường hay diễn tả cho hết ý.
TRUÂN CHUYÊN: Khó
khăn gian khổ, không thuận lợi.
MÔN ĐỆ: Gồm chữ Môn đồ
và Đệ tử. Ý chỉ chung những người cùng qui y một Thầy hay cùng tu học
một cửa Đạo.
VUN QUÉN: Xây đắp và chăm nom
bảo vệ cho vững chắc.
TẰM: Một loại sâu, người ta
nuôi được và cho chúng ăn bằng lá dâu. Khi chúng lớn, tằm nhả tơ kết thành kén,
chủ đem ươm lấy tơ, dệt thành hàng lãnh. Ví dụ: Nghề tằm tơ.
CHƯ TĂNG: Do chữ Tăng Già
(Samgha), tức là những đệ tử của Đạo Phật, tu hạnh xuất gia, giới hạnh tịnh
nghiêm và thường đem Giáo lý của Phật giảng dạy cho Đại chúng nghe. Song, chư
tăng có nhiều hạng. Trong Trí Độ Luận, Ngài Long Thọ Bồ Tát đã phân chia như
sau:
1)-Á Dương Tăng: Cũng gọi là Ác dương tăng, là hạng
người cũng mang hình thức xuất gia, nhưng còn tối tăm chẳng phân rõ điều thiện
ác nên dễ phạm tội, khi phạm tội, lại chẳng biết hối trừ.
2)-Vô tu Tăng: hạng Tăng tuy biết đã phạm lỗi mà trong tâm
ý không biết hổ thẹn để hối trừ.
3)-Hữu tu Tăng: hạng Tăng đã biết việc lầm lỗi và sốt sắng
để thanh trừng, không vi phạm nữa.
4)-Chân thật Tăng: hạng Tăng đã giác ngộ hoàn toàn và liễu
thông đạo lý một cách minh bạch, gần bực Thánh Đức vậy.
TÍN NỮ THIỆN NAM: Xem chú thích tại tr. 61 Tập 1/3.
CÔNG ĐỨC: Công là dùng
trí năng diệt hết vọng tâm phiền não. Đức là lòng luôn được thanh tịnh,
từ bi và bình đẳng; hoặc là người hành đạo đến khi được trọn lành trọn sáng
cũng gọi là công đức.
Trong Thắng Mang Kinh có giải:“Ác tận ngôn công, thiện mãn viết
đức.”(Tu hành diệt trừ không còn điều ác gọi là “Công”, và tu hành đến chỗ
toàn thiện kêu là “Đức”).
Trong Pháp Bảo Đàn Kinh, Đức Lục Tổ cũng giảng: “Một niệm không
rời chánh Đạo là Công, lòng luôn bình đẳng ngay chánh là Đức. Không lìa tự tánh
chơn như diệu minh của mình là Công, đối xúc tất cả mọi việc, mọi cảnh mà không
nhiễm ô dính mắc là Đức.”(Niệm niệm vô gián thị Công, tâm hành bình trực
thị Đức. Bất ly tự tánh thị Công, ứng dụng vô nhiễm thị Đức).
Bởi tùy theo công năng tâm hạnh của mỗi cấp bực hành đạo mà sự
biện giải “Công, Đức” có cao thấp. Chớ thật ra thì công đức từ bi của Phật có
vô lượng vô biên, không thể đo lường, tính giải cho hết được (Bất khả tư nghị).
VÔ LƯỢNG:
Không thể đo lường. Ý nói những số nhiều quá, lớn quá, không thể nào đo lường
nghĩ đếm được. Đây chỉ cho công đức từ bi hỉ xả của Phật thật là vô lượng, vô
biên.
Theo Phật học, vô lượng là một trong 10 con số lớn nhứt không đếm
được: 1= vô số, 2= vô lượng, 3= vô biên, 4= vô đẳng, 5= Bất khả sổ, 6= Bất khả
xưng, 7= Bất khả tư nghị, 8= Bất khả lượng, 9= Bất khả thuyết, 10= Bất khả
thuyết bất khả thuyết (Hoa Nghiêm Kinh).
ÂM, THINH, SẮC, TƯỚNG: Xem lại chú thích chữ “Thinh âm” tại tr. 198 Tập 3/3 nầy và “Sắc
màu cũng không” tại tr. 202 Tập 2/3.
CHẤN HƯNG: Mở
mang cho thịnh vượng. Ý nói làm cho nền Phật pháp được hưng thạnh và lan rộng
khắp nơi để mọi giới chúng sanh đều được nương nhờ tu học. Đức Thầy hằng khuyên
trong bài “Thu Đã Cuối”:
“Chấn hưng Phật giáo học đường,
Dưới trên hòa thuận chọn đường qui nguyên”.
PHẬT PHÁP: Xem
chú thích tại tr. 54 tập 1/3.
CHÁNH VĂN
95.Nói cho đời
hiểu Phật Thích-Ca,
Lòng tự giác xả thân tầm
Đạo.
Ta cũng chẳng hoàn-toàn
thông-thạo,
Nhưng phân cùng bổn-đạo
xa gần.
Có một điều già trẻ
ân-cần,
100.
Là phải biết nguyên-nhân Phật-Giáo.
Hồi thế-kỷ khoảng trong
thứ sáu,
Trước kỷ-nguyên tây-lịch
thời xưa.
Pháp Giáo chưa biệt-lập
tam thừa,
Thuở Trung-Quốc nhà Châu
Chiêu-Đế.
Bên Ấn-Độ thành
Ca-Tỳ-La-Vệ,
Có đức vua Tịnh-Phạn
nhơn từ.
Khắp thần dân lạc nghiệp
an-cư,
108.
Trên chúa thẳng tôi ngay phò tá.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 95 đến câu 108) :
-Đến đây Đức Giáo Chủ nhắc lại cho mọi người hiểu rõ về lược sử
Đức Thích Ca. Xưa, lúc xuân thời Ngài đã giác ngộ kiếp sống con người đầy sự bi
thương thống khổ:“Công danh phú quí chung hườn mộng.”
(Không Không). Chúng sanh chỉ lo phân biệt xâu xé lẫn nhau, rốt cuộc tất cả đều
đi theo con đường sanh, già, bệnh, chết. Cho nên Ngài cương quyết từ bỏ ngôi
cao, duyên thắm…để tìm ra chánh Đạo hầu giải khổ cho vạn loại chúng sanh. Ngày
nay Đức Thầy cũng khiêm tốn cho rằng tuy chưa hoàn toàn thông suốt, nhưng vì lòng
vị tha nên Ngài có bổn phận thuyết minh cho khắp tín đồ được rõ về lịch sử của
Đức Phật Thích Ca.
-Điều thứ nhất là mỗi Phật tử cần hiểu rành về nguồn gốc Đức Phật
đã phát xuất từ đâu. Có thế, ta mới vững niềm tin nơi gương hạnh và lời giáo
huấn của Ngài. Phật đản sanh trước Tây lịch kỷ nguyên khoảng 6 thế kỷ, tức là
trước Chúa Jésus giáng sanh 563 năm ( Có nhiều thuyết chép trước 658, 626, 624,
566, 561 năm, v.v.) . Nhưng đến kỳ Đại Hội Phật giáo Thế giới lần thứ 11 (
tháng 11 năm 1952 tại Tokyo) thì Đại hội đã xác định và thừa nhận năm
Phật Đản là 624 trước Tây lịch và năm Phật nhập diệt là 544 trước Tây lịch. Bấy
giờ nước Trung Hoa thuộc về nhà Châu vua Chiêu Đế. Còn tại xứ Trung Ấn Độ có
Tịnh Phạn Vương đang ngự trị tại kinh thành Ca Tỳ La Vệ. Vốn là nhà vua rất
minh chánh, đầy lòng nhân ái đối với toàn dân, nên dưới triều được lắm tôi
trung giúp đỡ, dân chúng đều vui sống trong cảnh lạc nghiệp an cư. Cũng nhờ đó
mà nước của Tịnh Phạn Vương thời ấy rất phong phú cường thịnh.
CHÚ THÍCH :
TỰ GIÁC: Tự mình tỉnh ngộ, tự
mình xét biết những điều hay dở tội phước của mình. Tự giác là một trong ba
điều tỉnh giác: Tự giác, Giác tha và Giác hạnh viên mãn. Đức Thầy nói:
“Tực giác, giác tha ta phải nói,
Hỡi người dương thế bớt xa hoa.”(Thi Xuân)
XẢ THÂN TẦM ĐẠO: Không nghĩ tiếc gì về bản thân để tìm ra Đạo lý, hoặc là dốc hết
tâm chí về việc tầm cầu Đạo pháp, cũng như câu “Xả phú cầu bần, xả thân cầu
Đạo”. Đức Giáo Chủ hằng khuyên:“Hãy tìm con đường giải thoát cho mình
bằng cách lạc đạo an bần xả thân tu tỉnh.”(Bát Chánh: Chánh Tư Duy, tr.
196 SGTVTB 2004). Và:
“Xả thân tầm Đạo vô vi,
Nhiệm mầu thâm diệu nan tri
lão bày”.
(Từ Giã Làng Nhơn Nghĩa)
HOÀN TOÀN THÔNG THẠO: Hiểu biết rõ ràng mọi lẽ mọi vật không hề thiếu sót.
ÂN CẦN: Xem lại chú thích tại
tr. 230 Tập 2/3.
NGUYÊN NHÂN:
Nguồn gốc đầu tiên hay là cái duyên cớ sanh ra một kết quả gì. Đây nói cái căn
nguyên xuất phát Đạo Phật.
KỶ NGUYÊN TÂY LỊCH: Kỷ là ghi; nguyên là đầu, tức là cái tiêu chuẩn để tính năm.
Nước Tàu và nước ta lấy năm mỗi nhà vua lên ngôi làm kỷ nguyên.
Các nước Tây phương thì lấy năm Chúa Jésus giáng sanh làm kỷ
nguyên, nên gọi là Tây lịch hay Dương lịch.
TAM THỪA: Cũng
gọi là Tam Thặng (Phạn ngữ: Trijana) có nghĩa là 3 cổ xe, tức là ba khoa giáo
lý để độ ba hạng người tu Phật.
Sở dĩ Đức Phật phân làm Tam thừa là vì sau khi Phật thành Đạo,
Ngài thuyết Kinh Hoa Nghiêm trọn 21 ngày mà các hàng Thinh Văn không lãnh hội
được. Phật mới quán xét căn cơ của các giới chúng sanh chẳng đồng nhau, nên
dùng phương tiện thuyết ra Tam thừa, gồm có:
1/-Đại Thừa (Đại Thặng): Cũng gọi là Bồ Tát thừa để
độ bậc đại căn đại trí đến quả Diệu Giác và hóa độ chúng sanh vô số mà
không biết mỏi. Ví như xe trâu (ngưu xa) có sức mạnh chuyên chở được
nhiều người
2/-Trung Thừa (Trung Thặng): Cũng gọi là Duyên Giác thừa
để độ bực trung căn trung trí đến quả đẳng giác, nhưng phần giác tha không được
rộng lớn. Ví như xe nai (lộc xa), có thể chở được một số ít người.
3/-Hạ Thừa (hạ Thặng): Cũng gọi là Thinh Văn Thừa để
độ bực hạ căn hạ trí đến quả Thánh Đạo, chỉ tự độ chớ chưa được phần độ tha. Ví
như xe dê (dương xa) có sức chở được một người.
Theo thời nay ta có thể ví ba xe ấy, như: Xe lửa, xe hơi và xe
đạp. Trong ba thừa kể trên, tuy có cao thấp khác nhau, nhưng thừa nào cũng đưa
hành giả ra khỏi Tam giới (giải thoát sanh tử). Các hành giả cũng lần lượt tiến
lên Tối thượng nhứt thừa (Phật thừa) như nhau.
TRUNG QUỐC: Cũng
được gọi là Trung Hoa hay nước Tàu, thủ đô là Bắc Kinh. Trung Quốc có biên giới
trên đất liền dài 22.800 km, tiếp giáp cả thảy 15 nước lân cận: phía đông là
Bắc Hàn ( North Korea ), phía bắc là Cộng Hòa Mông Cổ; đông-bắc là Nga; tây-bắc
là Kazakhstan, Kirghizstan và Tajikistan; tây và tây-nam là A-phú-hãn
(Afghanistan), Hồi Quốc (Pakistan), Ấn Độ, Nepal, Sikkim và Bhutan; phía nam là
Việt Nam, Lào, Miến Điện. Bờ biển Trung quốc dài hơn 14.500 km; cách bởi biển
về phía đông và đông-nam Trung Quốc là Nam Hàn (South Korea), Nhựt Bổn, Phi
Luật Tân, Brunei, Nam Dương và Mã Lai. Diện tích: 9,6 triệu km vuông, lớn hàng
thứ ba sau Nga và Canada, tương đương Hoa Kỳ; dân số: 1.242.612.226 (theo thống
kê năm 2000, đông dân nhất thế giới). ( Hiệu đính theo BKTĐ Wikipedia).
NHÀ CHÂU CHIÊU ĐẾ: Tức vua Chiêu Vương, tên là Hà, con vua Khương Vương đời nhà
Châu nước Trung Quốc. Theo sách “Châu Thơ Ký” thì Chiêu Vương làm vua nhà Châu
đến năm thứ 24 là năm Đức Thích Ca đản sanh tại Ấn Độ. Bấy giờ nước Việt Nam
nhằm đời Hùng Vương (Thượng Cổ thời đại).
ẤN ĐỘ: Quốc gia bán đảo, thủ
đô là Tân Đề-li (New Delhi). Ấn-độ được bao quanh bởi 6.103 km bờ biển: Biển
Á-rập (Arabian Sea) về phía tây-nam, vịnh Bengal về phía đông-nam và Ấn Độ
Dương về phía nam. Ấn độ có 15.200 km đường biên giới trên đất liền. Về phía
tây Ấn Độ giáp Hồi quốc; phía bắc và đông bắc giáp các nước: Nepal, Bhutan,
Bangladesh, Miến Điện và phần lớn biên giới phía bắc còn lại xác
định bởi dãy núi Hi-mã Lạp-sơn ngăn cách với Trung Quốc. Diện tích: 3.287.263
km vuông (lớn thứ 7 trên thế giới); dân số: 1.028.610.328 (thống kê năm 2001,
đông dân thứ 2 sau Trung quốc). ( Hiệu đính theo BKTĐ Wikipedia).
Theo Phật học, thời xưa nước Ấn Độ còn được gọi là Thiên Trúc, Tây
Thiên, Tây Vức. Đó là nơi sinh trưởng của Đức Phật Tổ Thích Ca và là nơi
phát xuất Đạo Phật. Thuở ấy, Ấn Độ bao gồm nhiều nước nhỏ, trong đó, có nước
Ma-Kiệt-Đà ở Bắc Ấn là lớn hơn hết, có dòng sông thiêng, Hằng Hà
(Ganges), chảy ngang qua, là trung tâm toàn cõi Ấn Độ. Vùng nầy nay là
nước Nepal.
THÀNH CA TỲ LA VỆ: Cũng gọi là Điệu Đức Thành (Phạn ngữ: Kapilavastou), phiên âm có
nhiều tên: Ca-Tỳ-La, Ca-Tỳ-La Tô-Đô, Tuy-Vệ-La, Ca-Duy-La. Có nghĩa: Kinh Đô
màu vàng. Phật đản sanh tại thành nầy. Thành Ca-Tỳ-La nay không còn nhưng nhiều
nhà khảo cổ có đến tìm ra các dấu vết của thành ấy tại nước Népal ngày nay.
VUA TỊNH PHẠN: Phạn
ngữ: Souddhodana, phiên âm: Thủ-đồ Đà-na hay Du-đầu-đàn, dịch là Tịnh Phạn
Vương. Có nghĩa: Nhà Vua hay làm việc bố thí một cách trong sạch. Ngài thuộc
dòng họ Thích Ca, cha của Thái tử Sĩ-Đạt-Ta (Siddharta), thuộc giai cấp
Sát-đế-lỵ (Kshatriya).
LẠC NGHIỆP AN CƯ: Đời sống rất yên ổn và vui vẻ với công ăn việc làm.
PHÒ TÁ: Giúp đỡ.
CHÁNH VĂN
109. Đức
Hoàng-Hậu Ma-Da phong-nhã,
Sắc đẹp dường ngọc thốt hoa cười.
Một hôm kia vẻ mặt vui tươi,
112. Đến trước bệ tâu cùng
thánh thượng.
Rằng : Thần thiếp nhờ ơn chung hưởng,
Của hoàng-gia cũng được vinh-quang.
Kể từ nay thiếp muốn an nhàn,
116.
Dưỡng tâm-trí lần xa thế trược.
Chẳng phiền kẻ hầu sau đón trước,
Chỉ trừ người ý hiệp tâm đầu.
Xin một điều ở chốn long lâu,
120. Tập đức tánh khoan-dung
đại độ.
Tránh tất cả những điều thô-lỗ,
Chẳng ưa gần kẻ bạo ngang-tàng.
Thiếp cúi đầu ngưỡng vọng Thiên-nhan,
124.
Phê cho thiếp những điều xin ấy.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 109 đến câu 124) :
-Hoàng hậu Ma Da là vợ chính của Vua Tịnh
Phạn, người có đức hạnh hiền hòa, thông minh tột chúng, phong nghi cốt cách
đoan trang thùy mị; miệng tươi như hoa, lời thanh tợ ngọc, thật đáng là bậc mẫu
nghi thiên hạ. Bà gồm đủ sắc tài và đức độ, ai được kiến diện cũng đều khởi tâm
vui thích.
-Sáng hôm nọ, bà tắm gội và trang phục sạch
sẽ, rồi thân hành đến trước sân chầu của Vua Tịnh Phạn quì tâu: Từ thần thiếp
được lịnh Vua ban ân huệ, cùng hưởng mọi sự vinh hạnh, thật chẳng thiếu điều
chi. Nhưng từ nay xin Vua cho phép thần thiếp, sống cảnh nhàn thanh để lo tịnh
dưỡng thân tâm, xa lần sự thường tình thế trược.
-Thiếp chẳng muốn làm bận các vệ hầu tỳ nữ
như trước, chỉ cần một vài kẻ ý hiệp tâm đầu là đủ. Với mục đích được ở nơi
thâm cung thanh tịnh là để lo tu tập các đức tánh cao đẹp chớ không chi khác.
Đây cũng là phương tiện cho thần thiếp bớt nghe thấy những tiếng tục tằn thô
lỗ, những cách ở ăn vô lễ, tàn bạo ngược ngang. Vậy ngưỡng mong lịnh Vua hoan
hỉ, chuẩn phê cho thần thiếp những điều cầu xin ấy.
CHÚ THÍCH :
HOÀNG HẬU: Người vợ chánh của vua.
MA DA: Do Phạn ngữ (Mâyâ), phiên
âm là Ma Da hay Ma-ha Ma-da: Có nghĩa đại, đa thắng hay là đại thuật, đại
huyễn. Bà Ma-ha Ma-da là vợ chánh của Vua Tịnh Phạn (Ma-Da Phu Nhơn), mẹ của
Thái tử Sĩ Đạt Ta. Người đời thường tôn xưng bà là Thánh Mẫu hay Phật Mẫu (bậc
sanh ra vị Đại Thánh).
Sau khi sanh Thái tử bảy ngày thì Ma Da phu
nhơn thác sanh lên cõi trời Đao Lỵ làm vị Tiên. Đến khi Đức Thích Ca thành
Phật, Ngài có lên Đao Lỵ Thiên, giảng đạo cho Thánh Mẫu và chư Thánh Tiên nghe
trọn ba tháng. Chính nơi đây Phật giảng Kinh Địa Tạng.
PHONG NHÃ: Phong lưu tao nhã. Ý chỉ
người có đức hạnh văn chương và cốt cách sang trọng. Truyện Kiều có câu:“Phong
tư tài mạo tuyệt vời, Vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa”.
NGỌC THỐT HOA CƯỜI: Ý nói người rất xinh đẹp,
miệng cười tươi tắn như hoa nở, và nói ra lời trong trẻo như tiếng ngọc khua.
TRƯỚC BỆ: Trước bực thềm, do chữ bệ
rồng. Trước bực chỗ Vua ngự.
THÁNH THƯỢNG: Lời tôn xưng ông Vua, như
là bực Thánh cao cả.
THẦN THIẾP: Tiếng khiêm tốn của người
vợ đối với Vua.
HOÀNG GIA: Nhà Vua.
VINH QUANG: Vẻ vang rực rỡ.
AN NHÀN: Cũng viết là nhàn an. Có
nghĩa bình yên thong thả. Đức Thầy có câu:
“Người tu hành phải trừ nghiệp chướng,
Với bốn ma mới đặng an nhàn.”(GMTK, Q.4).
THẾ TRƯỢC: Cõi đời đầy sự xấu xa nhơ
uế.
CHẲNG PHIỀN: Không muốn làm nhọc công
bận rộn ai. Ví dụ: Tôi chẳng muốn làm phiền anh.
Ý HIỆP TÂM ĐẦU: Xem chú thích chữ: Tâm
đầu ý hiệp, tr. 60 Tập 2/3.
LONG LÂU:Lầu rồng, tức cung điện
của nhà Vua.
KHOAN DUNG ĐẠI ĐỘ: Người có đức độ rộng lớn,
thường hay tha thứ những kẻ lầm lỗi. Đức Thầy từng dạy:“Hãy lấy lòng
khoan dung mà đối đãi lẫn nhau, hãy lấy lòng bác ái nhân đạo mà cư xử với mọi
người”(Lời Khuyên Bổn Đạo, tr.450 SGTVB 2004).
THÔ LỖ: Thô tục lỗ mãng. Ví dụ:
nói năng thô lỗ, cử chỉ thô lỗ. Đức Thầy hằng khuyên:“…Hãy bỏ những tiếng
tục tằn thô lỗ, làm cho đời sống được êm dịu thanh bai hơn…”(Luận Về
Tam Nghiệp/Ác khẩu).
NGANG TÀNG: Ngang ngược ngông nghênh,
không biết lễ nghĩa liêm sỉ. Ví dụ: ăn nói ngang tàng bạo ngược.
NGƯỠNG VỌNG: Trông lên mà cầu mong cho
được một sự việc gì. Đức Thầy có câu:
“Đầu ngưỡng vọng Đất Trời minh
chứng,
Tấm lòng thành quyết dựng Đạo đời”.
(Thu Đã Cuối)
THIÊN NHAN: Theo nghĩa chữ một là mặt
trời có sức sáng chói cả thế gian, được ấm áp đượm nhuần vạn vật, không sót chỗ
nào, nên khi nói đến Thiên Nhan là để tôn xưng vị Vua có đức hạnh ban ân huệ
cho vạn dân được no ấm, như mặt trời chiếu soi vậy. Sách Xuân Thu có câu “Thiên
oai bất vi nhan chỉ xích.”(oai đức của Trời dù gang tấc cũng không sai
chạy). Nghĩa bóng là chỉ cho nhà Vua (mặt Vua).
PHÊ: Bằng lòng, ký nhận vào văn kiện của người
khác được phép thi hành theo lời cầu xin.
CHÁNH
VĂN
125. Vua nghe xong vội-vàng
đứng dậy,
Bèn chuẩn y tỏ ý vừa lòng.
Bà tâu thêm ở trước đền rồng,
128. Xin Thánh-thượng bao-dung
kẻ khó.
Lòng yêu dân ví như con đỏ,
Tội giảm tha, đói giúp cơm tiền.
Cứu dân nghèo trong lúc đảo điên,
132. Lấy đức rộng bủa trong
bá-tánh.
Vua hứa chịu giúp người đói lạnh,
Bà lui về cung điện nghỉ-ngơi.
Đêm trăng thanh gió mát thảnh-thơi,
136.
Tiết hòa-thuận khắp nơi hoa nở.
Đức Hoàng-hậu trong lòng hớn-hở,
Giấc chiêm-bao Bà thấy lạ-lùng.
Bạch-tượng từ ở chốn không trung,
140.
Bỗng sa xuống mình Bà hối-hả.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 125 đến câu 140) :
-Khi Hoàng Hậu Ma Da tâu xong, Vua Tịnh Phạn
liền đứng lên với vẻ mặt hân hoan ngỏ lời chấp nhận. Bà vội tâu thêm: Xin lịnh
Hoàng Thượng từ nay nên mở lòng nhân ái rộng lớn, thương giúp, đùm bọc số người
lâm cảnh nghèo đói cô quả.
-Với tấm lòng yêu mến, chở che cho toàn dân
như tình thương của cha mẹ lo cho đứa con mới sanh. Còn đối với các tội nhân
cần cứu xét phân minh, xem kẻ nào tội nặng giảm bớt, bằng nhẹ nên tha bổng.
Đồng thời ra lịnh xuất kho, trợ cấp cơm áo cho dân nghèo, phát thuốc cho những
người có bịnh. Lúc lê dân gặp tai nạn khó khăn, lịnh Vua nên dùng mọi phương
tiện bảo vệ, cứu giúp và lấy đức độ vị tha, rộng bủa khắp nơi để người người
được gội nhuần ân huệ.
-Nghe xong, Vua Tịnh Phạn xét lời cầu xin của
Hoàng Hậu, toàn là điều đạo đức cao cả và ích nước lợi dân, nên một lần nữa Vua
tuyên hứa sẽ thực hiện y theo các khoản ấy. Tâu xong, Hoàng Hậu liền trở về
cung an nghỉ.
-Hôm nọ, chính Bà cũng đến ngọ môn để chẩn tế
gạo tiền, thuốc vải cho dân nghèo, mãi say sưa công tác từ thiện, đến quá trưa
Bà mới lui gót. Tối lại, Hoàng Hậu cùng kẻ tâm phúc dạo xem kiểng vật, nhằm lúc
mùa tiết điều hòa, ngàn hoa khoe sắc, dưới cảnh trời trong gió mát, ánh trăng
soi sáng cả vườn, nhìn hoa lá lấp lánh như muôn ngàn mảnh gương phản chiếu. Bấy
giờ lòng Hoàng Hậu tràn ngập nỗi hân hoan, thơ thới, vài phút sau Bà trở lại
phòng an giấc.
-Đêm ấy Bà mộng thấy bốn Thần lực đến khiêng
long sàng bà, đem thẳng lên chót núi Hy Mã Lạp Sơn, đặt xuống. Bỗng thấy từ
giữa trời một con voi trắng có sáu ngà, miệng ngậm hoa huệ bay xuống đứng bên
long sàng. Voi liền dùng ngà vạch hông bên hữu của Bà mà chui vào. Chính giờ
phút ấy Hoàng Hậu Ma Da bắt đầu thụ Thánh thai. (Nhân quả Kinh có chép: Bấy giờ
Bồ Tát Hộ Minh từ cung Trời Đâu Xuất, quán biết thời kỳ giáng sanh đã đến mà
Vua Tịnh Phạn và Hoàng Hậu Ma Da là bậc nhân từ đức hạnh, có túc duyên làm cha
mẹ Ngài trong nhiều tiền kiếp, nên Ngài thị hiện giáng trần bằng cách hóa hình bạch
tượng 6 ngà là tiêu biểu cho pháp Lục độ vạn hạnh. Bốn chân của
tượng là tiêu biểu cho bốn pháp như ý túc. Ngoài ra cũng có thể nhận: Sắc
trắng và hoa huệ là tiêu biểu cho sự thanh tịnh, bất nhiễm của bậc Đại trí huệ,
còn tượng là tượng trưng năng lực mạnh mẽ của Đại Sĩ Bồ Tát.)
CHÚ THÍCH :
VỘI VÀNG: Mau lẹ.
CHUẨN Y: Chấp nhận y theo lời cầu
xin.
ĐỀN RỒNG: Chỗ Vua ngự, chạm phết
toàn hình rồng.
BAO DUNG KẺ KHÓ: Tha thứ và trợ giúp, chở
che cho những người nghèo đói.
CON ĐỎ: Do chữ “xích tử”. Có
nghĩa đứa con mới sanh còn đỏ, rất cần sự đùm bọc chở che của cha mẹ. Ý
nói bậc Vua hiền, lòng hằng thương yêu bảo vệ dân chúng, như cha mẹ thương lo
cho đứa con mới sanh (còn đỏ).
GIẢM THA: Giảm là chiết bớt năm
bảy phần; tha là tha bổng. Đây là nói luật khoan hồng của quốc gia đối với các
tù nhân.
ĐẢO ĐIÊN: Ngửa
nghiêng lộn xộn. Ý chỉ gặp cảnh truân chuyên, nghèo đói, tai nạn.v.v…
CUNG ĐIỆN: Đền
đài dinh thự của nhà Vua ở.
TIẾT: Theo âm lịch (Á đông)
căn cứ vào thời gian và khí hậu mà phân ra mỗi năm có bốn mùa: Xuân, Hạ,
Thu, Đông và tám tiết lớn: Lập Xuân, Xuân phân, lập Hạ, Hạ chí, lập Thu,
Thu phân, lập Đông, Đông chí. Trong đó còn chia ra nhiều tiết nhỏ…
Chữ “Tiết hòa thuận” là nói thời tiết xây đúng lúc, mưa
nắng điều hòa, khiến hoa kiểng, cây trái đều tốt tươi sum mậu.
HỚN HỞ: Vui mừng.
CHIÊM BAO:
Trong giấc ngủ thấy các cảnh lành dữ hiện ra. Rất nhiều nguyên nhân sanh ra,
đại khái có ba phần:
1/-Do nơi tạng thức (A Lại Da thức) chứa những nghiệp duyên
và các tư tưởng xấu hoặc tốt ba đời (quá khứ, hiện tại, vị lai), giờ đây nó
diễn lại, như cuộn phim chiếu bóng, không thiếu sót.
2/-Do ảnh hưởng xác thể và lục căn hiện tại, như: đau ốm,
sợ hãi, vui mừng hoặc nghe tiếng động bên ngoài, hay nằm cấn gân máu chuyển vận
không đều mà sanh ra.
3/-Do nơi thần mộng: Khi người tu hành tâm đức gần đồng hòa
và cảm ứng với chư Phật, Thánh hoặc lòng quá tha thiết mà được các thần linh
báo mộng, cho thấy những điềm tốt lành, hay đặng truyền Đạo pháp.v.v…như trường
hợp giấc chiêm bao của Hoàng Hậu Ma Da ở đây và bảy điềm mộng của ông A Nan
(Xem Tòng Lâm cổ tích của Như Sanh); được truyền Đạo như Vương Hiếu Liêm đời
Tống (Xem Thất Chơn Nhơn quả truyện) ;và ông Trần Văn Nhu, đệ tử của Đức Phật
Thầy Tây An (Xem Thất Sơn Mầu Nhiệm của Nguyễn Văn Hầu và Dật Sĩ). Nhưng các
trường hợp nầy ít xảy ra.
LẠ LÙNG: Rất kỳ lạ, không
thường thấy biết.
BẠCH TƯỢNG: Con
voi trắng.
KHÔNG TRUNG:
Giữa khoảng không (ngay trên trời).
BỖNG SA: Thình lình bay rơi
xuống.
HỐI HẢ: Gấp rút.
CHÁNH
VĂN
141. Vừa tỉnh giấc mơ tiên mới
lạ,
Khắp phòng huê thơm nức
mùi hương.
Bà rảo chơn bèn bước ra
vườn,
144.
Truyền thị-vệ thỉnh vua lai đáo.
Vua y lời đến nơi hoa
thảo,
Lại gần Bà sao rất
quái-kỳ.
Tay chơn bèn run-rẩy một
khi,
148. Muốn quì xuống mắt dường
tăm-tối.
Tiếng Thần Tiên trên
không ca trổi,
Rằng ta mừng vua hữu
thiện căn.
Sắp có con thế giới
chẳng bằng,
152.
Sau người ấy lập nên Đạo cả.
Vua nghe xong cúi đầu
bái tạ,
Liền phán cùng Hoàng-hậu Ma-Da.
Có việc chi vội-vã dời ta,
156. Khá nói
lại đầu đuôi tường tất.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 141 đến câu 156) :
-Hoàng Hậu vừa tỉnh giấc, cảm thấy trong
người khoan khoái lạ thường và khắp phòng đều có mùi hương nồng nặc. Một thứ
hương thơm mà từ trước tới giờ Bà chưa lần nào được ngửi. Bà lẹ làng bước đến
vườn hoa, ra lịnh cho thị vệ thỉnh vua Tịnh Phạn tới ngay giờ ấy.
-Vua được tin đi thẳng đến huê viên, nhưng có
điều kỳ lạ, khi bước đến chỗ Hoàng Hậu, bỗng nhiên tâm nhà vua bắt hồi hộp, đôi
mắt hoa lên và tay chơn đều rung chuyển; hình như bị ánh điện quang rọi đến,
khiến Vua tự muốn quì xuống.
-Liền theo đó, Vua ngửi được mùi hương thơm,
tai nghe tiếng ca nhạc vang dội khắp nơi. Đó là lời nhạc của các Thần Tiên chúc
mừng Vua và Hoàng Hậu sắp sanh đặng người con mà cả thế giới chưa một ai sánh
kịp. Bởi vị Thánh Nhân ấy, sau nầy sẽ sáng lập nền Đại Đạo và mang lại hạnh
phúc vĩnh cửu cho muôn loài.
-Nghe lời chúc tụng xong, Vua Tịnh Phạn vui
mừng chi xiết, liền cúi đầu lễ tạ. Đoạn rồi Ngài bước tới phán hỏi Hoàng Hậu,
có điều chi hệ trọng, Phu nhơn hãy trình bày hết cho Trẫm nghe.
CHÚ THÍCH :
GIẤC MƠ TIÊN: Cũng gọi là giấc tiên.
Có nghĩa giấc ngủ của người đẹp, ý dùng để diễn tả cho đẹp câu văn. Cũng có
nghĩa giấc mộng thấy cảnh quí báu. Đây là giấc mơ của Hoàng Hậu thấy điềm sắp
được thọ thai, do một vị Bồ Tát giáng trần. Đức Thầy có câu:“Mơ Tiên hồn
muốn vụt bay...”(Tự Thán, tr.405 SGTVTB 2004).
PHÒNG HUÊ: Cũng gọi là phòng hoa. Ý
chỉ phòng của người đàn bà ở, có trang diện bông hoa cho tăng thêm vẻ đẹp.
THỊ VỆ: Người theo hầu và bảo vệ
nhà Vua.
LAI ĐÁO: Lại đến.
HOA THẢO: Cỏ và bông. Nơi vườn hoa
của Hoàng Hậu Ma Da, có trồng đủ kiểng vật, hoa thơm cỏ lạ.
QUÁI KỲ: Lạ lùng khác thường.
CA TRỔI: Tiếng ca hát và nhạc sáo
vang lên.
THIỆN CĂN: Xem chú thích tại tr. 48
Tập 1/3.
THẾ GIỚI: Xem chú thích tại tr. 50
Tập 1/3.
ĐẠO CẢ: Xem chú thích tại tr.73
Tập 2/3 và chữ đại đạo tại tr. 48 Tập 1/3.
ĐẦU ĐUÔI TƯỜNG TẤT: Phân kể hết mọi việc trước
sau rành rẽ:“Bày tường tận trước sau chung thỉ“
(Trao Lời cùng Ông Táo)
CHÁNH VĂN
157. Bà thuật rõ chiêm bao
trong giấc,
Xin vua vời ít kẻ bàn giùm.
Các thầy bàn được lịnh vào cung,
160. Nghe xong-xả tâu rằng
điềm quí.
Ngày thắm-thoát đông qua hạ chí,
Bà trổ sanh Thái tử đẹp tươi.
Mặt trang-nghiêm khí-phách hơn người,
164. Vua cùng khắp thần dân
mừng rỡ.
Họ Thích-Ca từ đây cũng ngỡ,
Sẽ có người nối nghiệp hoàng-gia.
Liền đặt tên là Sĩ-Đạt-Ta,
168. Cả triều chính treo hoa
yến ẩm.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 157 đến câu 168) :
-Bấy giờ Hoàng Hậu tường thuật các hiện cảnh
trong chiêm bao cho Vua Tịnh Phạn nghe, và yêu cầu Vua mời các Thầy chuyên đoán
điềm mộng vào, để bàn xem hung kiết. Vâng lịnh Vua, các người ấy vào cung bàn
đoán một hồi, họ tâu rằng: theo điềm mộng của lịnh Bà vừa thấy rất quí báu;
tương lai cả Hoàng tộc và dân chúng sẽ gặp nhiều diễm phúc.
-Ngày tháng trôi qua rất mau lẹ, phút chốc đã
đến mùa Khánh Đản, nhằm ngày mùng tám tháng Tư năm Bính Dần trước Tây lịch 563
năm, tính đến nay (1975) là 2.538 năm – gần 26 thế kỷ (có thuyết chép ngày rằm
tháng Tư trước Tây lịch 624 năm.). Đức Hoàng Hậu đang ngoạn cảnh trong vườn Lâm
Tỳ Ni, khi Bà bước đến cội Vô ưu (Ưu Đàm hoa), bỗng thấy một đóa hoa vừa tươi
nở, xinh đẹp khác thường, hương thơm ngào ngạt; Bà vội vói tay hái cành hoa,
thoạt đản sanh Thái Tử. (Theo lược truyện kể: Lúc Hoàng Hậu vói tay hái hoa Vô
Ưu thì Thái Tử khai hông mẹ mà ra và lúc ấy có nhiều hoa sen lớn đỡ gót Thái Tử.
Cũng có chỗ chép Thái Tử vừa sanh ra liền bước tới 7 bước và bước lui 7 bước,
mỗi bước đều có hoa sen đỡ chân, một tay chỉ Trời, một tay chỉ Đất và nói:“Thiên
thượng địa hạ duy Ngã độc tôn”(Trên trời dưới đất chỉ có cái Ta – Chơn
ngã/Đại ngã – là cao hơn cả). Tuy mới sanh ra, song tướng trạng của Thái Tử lộ
đầy vẻ uy nghiêm tốt đẹp, khí phách phi thường.
-Tin Hoàng Hậu hạ sanh Thái Tử được loan đi
từ nội cung đến ngoại thành, lẹ như tiếng dội. Riêng cả Hoàng tộc Thích Ca ai
cũng vui mừng, và nghĩ rằng: Từ đây chẳng còn bận lo thiếu người kế nghiệp vua
nữa. Liền theo đó, Vua và Hoàng Hậu chọn đặt cho Thái Tử một cái tên đầy ý
nghĩa là Siddartha (phiên âm là Sĩ Đạt Ta hay Tất Đạt Đa), và cả triều chính từ
Vua quan đến thứ dân, cũng đều treo hoa kết tụi, mở tiệc ăn mừng.
CHÚ THÍCH :
CÁC THẦY BÀN: Những người chuyên bàn
đoán về các điềm mộng để hiểu sự hung kiết ở tương lai.
NGÀY THẮM THOÁT: Ngày là chỉ cho
thời gian. Thấm thoát, cũng viết là thấm thoắt, có nghĩa: rất mau lẹ. Ý nói
ngày giờ trôi qua rất mau chóng. Đức Thầy có câu:
“Thiều quang thấm thoát dường tên,
Mắc vòng sanh tử có bền được đâu.”(Hoài Cổ).
ĐÔNG QUA HẠ CHÍ: Hết mùa Đông kế sang mùa
Xuân rồi đến mùa Hạ, ý nói mùa tiết đi qua rất mau lẹ. Đây chỉ từ ngày bà Ma Da
thọ thai đã qua ba mùa (9 tháng), nay sắp đến ngày sanh nở.
THÁI TỬ: Con trưởng của vua, hoặc
người con trai của vua, được lập nên để sau nối ngôi, và được ở cung phía Đông
nên gọi là Đông Cung Thái Tử. Đức Thầy đã viết trong “Luận Việc Tu Hành”:
“Mình vàng Thái Tử ngôi còn bỏ,
Vóc ngọc Đông Cung tước phế liền”.
TRANG NGHIÊM: Đoan trang nghiêm chỉnh,
dáng điệu điềm đạm, tươi tắn, oai nghi đàng hoàng.
KHÍ PHÁCH: Chí khí đởm lược và tinh
thần nghị lực mạnh mẽ.
THẦN DÂN: Tôi dân. Ý chỉ tất cả quan
viên công chức và dân chúng trong nước.
HỌ THÍCH CA: Do chữ Hán: Thích Chủng
(dòng họ Thích), tức là họ của Vua Tịnh Phạn. Ở Ấn Độ thời ấy dòng họ Thích
đông đảo lớn lao hơn hết.
NGỠ: Tưởng lầm, đoán sai. Ca
dao có câu:
“Thế gian lắm kẻ mơ màng,
Thấy hòn son thắm, ngỡ vàng Trời cho”.
SĨ ĐẠT TA: Do Phạn ngữ :Siddartha.
Cũng phiên âm là Tất Đạt Đa hoặc Tất Bà Tất Đạt, Tất Đa, Tất Đà…Có nghĩa: bậc
đắc đến quả vị hoàn toàn. Tàu dịch là Nhứt thiết, nghĩa là Thành tựu: Thành tựu
cho mình và cho vạn loại chúng sanh. Đây là tên của Đức Thích Ca lúc chưa thành
Phật, và Ngài có hiệu Thánh riệng trong gia tộc là Cồ Đàm (Gautama).
TREO HOA YẾN ẨM: Chưng diện bông hoa và mở
tiệc ăn uống vui mừng.
CHÁNH VĂN
169. Có nhà sư cách thành mấy
dặm,
Thường ở ăn trong sạch hiền-từ.
Lòng thẳng ngay chẳng có vị tư,
172. Ông lại được Thần Tiên
dẫn chỉ,
Hiểu thiên-cơ thấu mối diệu-huyền.
Ông là người Bà-la-môn tiên,
176. A-Tư-Đà tiên hiền tên lão.
Thời buổi ấy vua ưa
người Đạo,
Bèn vào chầu tâu trước
bệ rồng.
Xin vua cho ông bước vào
trong,
180.
Được yết-kiến tử-hoàng luôn thể.
Ông xem xong bỗng liền
sa lệ,
Vẻ mặt buồn chẳng thốt
ra lời.
Thấy lạ-lùng vua bước
đến nơi,
184. Liền phán hỏi bảo ông phân rõ.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 169 đến câu 184) :
-Bấy giờ gần thành Ca Tỳ La Vệ có vị Đạo sĩ tên A Tư Đà, tu theo
Bà La Môn Giáo, một nền Đạo cổ truyền ở Ấn Độ, do Kriskna sáng lập trước đó
4.000 năm. Nhờ quyết tâm hành đạo, giữ lòng ngay chánh, đúng theo giáo lý, sống
trọn cuộc đời thanh tịnh, ông A Tư Đà sớm thấu đạt lẽ cơ huyền và được chứng
đắc quả Tiên.
Thuở ấy vua Tịnh Phạn rất kính mến các nhà tu. Cho nên khi nghe
tin Hoàng Hậu sanh được Thái Tử, A Tư Đà liền đến chúc mừng trước sân chầu, và
xin với Vua cho ông được ra mắt Hoàng Tử.
-Được lịnh Vua chấp nhận, ông tiến thẳng đến nội cung. Khi nhìn
qua toàn thân Thái Tử, A Tư Đà lặng yên đăm chiêu suy nghĩ, đôi mắt từ từ rơi
lệ. Thấy thế, Vua Tịnh Phạn rất ngạc nhiện, liền phán hỏi Tiên Ông:- Vì sao lại
khóc ?
CHÚ THÍCH :
NHÀ SƯ: Ông thầy tu theo Đạo
Phật. Chữ Sư có nhiều chỗ dụng khác nhau, như: Giáo sư là thầy dạy học, Y
sư là thầy thuốc…; về phương diện tu hành, Thiền Sư là các cao
Tăng tu Phật, hoặc là ông Thầy dạy tu Thiền, Luật sư là vị tăng lảu
thông về Luật tạng, Pháp sư là thầy chuyên dịch và giảng giải các tạng
Kinh, Luận sư là thầy thông minh biện bác về Luận tạng.
Tóm lại, nhà sư là danh từ thông dụng để gọi chung trong
giới tăng đồ tu hành và thường giảng dạy Đạo pháp.
DẶM: Khoảng đường bề dài do
nhà nước ấn định. Tùy theo đường bộ, đường thủy, mỗi xứ, mỗi nước có sự khác
nhau. Như ở nước ta thời xưa thì một dặm đường bộ có 1.350 thước mộc, ở nước
Tàu thì một dăm bằng 1.800 thước, ở các nước Âu Tây, một dăm (mile) là 1.610 m,
còn một dặm biển (hải lý) có 1.852 m, v.v…
VỊ TƯ: Cũng viết là tư vị.
Vị có nghĩa là vì, thiên về, ngã về một bên, tư có nghĩa là
riêng, nghịch với công (chung). Vị tư là thiên về một bên nào để xét
đoán hay xử sự, chớ không theo lẽ công bằng đoan chánh. Đức Thầy bảo:
“Nền đạo đức vị tư bất nhã,
Ta đừng phân nhân ngã mới hay”.
(Cho Ô.
Tham tá Ngà)
THANH TỊNH: Xem
chú thích tại tr. 181 Tập 3/3.
ĐẠO LÝ: Xem chú thích tại tr.
128-130 Tập 1/3.
THẦN TIÊN: Xem
chú thích tại tr. 134-135 Tập 2/3.
THIÊN CƠ: Xem
chú thích tại tr. 64 Tập 1/3.
DIỆU HUYỀN: Sâu
kín mầu nhiệm, ngoài sức hiểu biết của thế gian, chỉ có người nhứt tâm hành đạo
mới thấu đạt. Đức Giáo Chủ hằng dạy:
“Diệu huyền chơn lý noi đường sáng,
Ảo thuật tà tâm kiếm nẻo ra”.
(Tỉnh Bạn Trần Gian)
BÀ LA MÔN:
Phạn ngữ: Brahmana, là một tôn giáo thờ kính đấng Phạm Thiên, Tàu dịch là Tịnh
Hạnh, vì người tu theo Đạo nầy giữ hạnh rất thanh tịnh.
Theo quan niệm của Bà La Môn giáo thì trước khi trời đất và vạn
vật chưa sanh, có vị trời Phạm Thiên, sanh ra nhơn loại và vạn vật. Trong lúc
sanh, có dòng từ miệng sanh ra, có dòng từ bụng, từ tay, chơn sanh ra; đó là
nguyên nhân tạo thành bốn giai cấp ở Ấn Độ:
1/-Bà La Môn (Brahmana) giai cấp Tăng lữ.
2/-Sát Đế Lỵ (Kshatriya) giai cấp Vua Chúa.
3/-Phệ xá hay Tỷ xá (Vaisya) giai cấp Nông, Công,
Thương.
4/- Thủ Đà La (Sudra) giai cấp Nô lệ.
A TƯ ĐÀ: Phạn ngữ:Asita, tên vị
đạo sĩ tu theo Bà La Môn Giáo, được chứng quả Tiên.
TIÊN HIỀN: Bậc
hiền triết thuở trước, tức chỉ vị tiên A Tư Đà.
YẾT KIẾN: Ra
mắt, gặp người mình muốn gặp.
SA LỆ: Rơi nước mắt.
PHÁN: Lời của Vua nói với bề
tôi ở dưới.
CHÁNH
VĂN
185. Trước cung-điện ông liền bày
tỏ,
Rằng tử-hoàng chừng được
thành nhơn.
Lìa đền-đài khổ-cực
chẳng sờn,
188. Tìm
Đạo-lý dắt-dìu sanh-chúng.
Ngài sẽ được thế-gian ca
tụng,
Chắc phần Ngài quả Phật
vẹn tròn.
Buồn vì tôi tuổi lớn sức
mòn,
192. Chẳng sống đặng nghe lời Phật
thuyết.
Cả hồng-trần đau-thương
thống-thiết,
Nhờ Ngài mà diệt nẻo
luân-hồi.
Vô phước nên tủi bấy
phận tôi,
196. Chớ chẳng có điều chi lo ngại.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 185 đến câu 196) :
-Trước sự ngạc nhiên, chờ đón của Vua và mọi người, Tiên nhơn A Tư
Đà trình bày tự sự: Theo Ông nhìn rõ thì toàn thân của Thái Tử có đủ 32 tướng
hảo khác thường, xưa nay chỉ có vị Chuyển Luân Thánh Vương và Phật mới được như
vậy. Ông đoán rằng: Nếu sau nầy Hoàng Tử nối ngôi sẽ làm đến bậc Chuyển Luân
Thánh Vương, bằng đi tu ắt đạt thành quả vị Chánh đẳng Chánh giác. Nhưng phần
chắc là tới tuổi trưởng thành Hoàng Tử sẽ lìa bỏ cung vàng ngôi báu, chẳng núng
nao trước sự gian khổ nơi rừng thiêng, nước độc để tìm ra chánh Đạo hầu
giải khổ cho chúng sanh.
-Với khí tuợng ấy chắc chắn Ngài sẽ chứng quả Vô Thượng Bồ Đề, khi
đó, khắp dương gian đều được gội nhuần Pháp nhũ và cả Tam giới chúng sanh, cũng
hết lời ca tụng công đức Ngài.
-Từ đó, Ngài sẽ ban vui cứu khổ cho khắp nhân gian; biết bao người
nhờ nương theo pháp nhiệm cùa Ngài mà giải thoát sanh tử. Xét lại, hạ thần quá
thiếu phước, kém duyên nên tự tủi lòng rơi lệ, chớ chẳng có điều chi khác lạ,
xin Hoàng Thượng an lòng !
CHÚ THÍCH :
THÀNH NHƠN:
Nhơn cũng viết là nhân, nghĩa là người. Thành nhơn là nên người.
Phàm giới nam từ 18 tuổi, nữ từ 16 tuổi trở lên là đến tuổi thành nhơn.
CHẲNG SỜN: Xem
chú thích tr. 252 Tập 1/3.
CA TỤNG: Khen ngợi xưng tụng,
tức dùng thi văn hoặc bài ca, bài hát để khen tặng, chúc tụng những bậc có công
ích cho đời hoặc Đạo. Ví dụ: ca tụng công đức của Phật. Trong loạt bài “Những
câu chú thường niệm”, tr. 465 SGTVTB 2004, Đức Thầy có dịch:
“Ngài là Vua Pháp tột cao,
Khắp trong ba cõi chẳng sao sánh tày.
Tiên, người đồng kính Đạo Thầy,
Cha lành hết cả bốn loài chúng sanh.
Nay tôi qui mạng thiệt hành,
Ngỏ mong trừ dứt nghiệp sanh ba đời.
Tỏ ra khen ngợi những lời,
Dù cho ức kiếp chẳng nơi nào cùng”.
QUẢ PHẬT VẸN TRÒN: Thành Phật trọn vẹn hay hoàn toàn giác ngộ. Đây là ý nghĩa của
chữ “Giác hạnh Viên mãn”, bởi bực có đủ Tam giác: Tự giác, Giác tha,
Giác hạnh viên mãn (tròn đầy hạnh Phật).
PHẬT THUYẾT: Lời
Phật nói ra hay Kinh Pháp mầu diệu của Phật truyền dạy. Đức Thầy từng nói:“Lời
Phật thuyết ta xin nhắc lại.”(Khuyến thiện Q.5), hoặc:
“Lời Phật dạy từ bi bác ái,
Dạy nhơn từ quảng đại mở mang”.
(Bài Nguyện trước Bàn Thờ Ông Bà)
LUÂN HỒI: Xem
lại chú thích tại tr.36 Tập 1/3.
VÔ PHƯỚC:
Không có phước. Đây là lời than tiếc của ông A Tư Đà, vì thiếu phước nên ông
mắc phải một trong 8 nạn (cảnh) là sanh trước (hoặc sau) một vị Phật ra đời nên
không được nghe lời Phật dạy.(Tám nạn: Địa ngục, Ngạ quỉ, Súc sanh, Trường thọ
Thiên, Bắc cư lư châu, Thế trí biện thông, Sanh trước và sau Phật và đui, điếc,
câm ngọng. Ai mắc một trong 8 hoàn cảnh nầy, khó mà nghe pháp và tu được.)
TỦI THÂN: Tự
hổ thẹn xót xa và than trách cho phận mình.
CHÁNH
VĂN
197. Đức
Hoàng-hậu đến ngày thứ bảy,
Dứt nợ trần nên vội
qui tiên.
Có bà dì thay thế mẹ
hiền,
200. Giùm săn-sóc trông-nom Thái-tử.
Khi lớn lên cho người
dạy chữ,
Lúc vào trường chẳng học
mà thông.
Buổi trưởng thành vua
vẫn hằng mong,
204. Cho Thái-tử đừng lìa cung-điện.
Hội triều-đình các quan
lựa tuyển,
Nàng Du-Gia được chọn
kết hôn.
Vua nghĩ rằng muốn tâm
yên-ổn,
Chọn cung-phi mỹ-nữ làm
trò.
Cất đền-đài lộng-lẫy đẹp
to,
210.
Ngày ca múa đêm bày lơi-lả.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 197 đến câu 210) :
-Sau khi sanh Thái Tử được bảy ngày, thì Hoàng hậu Ma Da (Maya) từ
trần, thần thức Bà được siêu sanh lên Cung Trời Đao Lợi hưởng quả Tiên. Vua
Tịnh Phạn bèn giao Thái tử cho bà Ma-ha Bà-xa Bà-đề, tức là em ruột của Hoàng
Hậu lo dưỡng nuôi chăm sóc.
-Càng lớn lên, diện mạo Thái Tử càng khôi ngô, Ngài có sức khỏe
hơn người, tài năng xuất chúng. Lịnh Vua cho mời các Giáo sư danh tiếng nhứt
trong xứ, về các môn văn tài, võ thuật đến dạy Thái Tử; song Thái Tử sáng suốt
dị thường, bất luận môn học nào, hễ nghe qua một lượt Ngài đều thông hiểu hết ý
nghĩa, khiến cho các Giáo sư phải ngạc nhiên khiếp phục. Dầu vậy, nhưng Thái tử
không bao giờ tỏ ra ngạo mạn, Ngài luôn luôn có đức độ ôn hòa nhã nhặn,
bình đẳng vô tư và đầy lòng thương người mến vật.
-Bởi nhớ lời tiên đoán cùa A Tư Đà, Vua Tịnh Phạn rất lo sợ cho
Thái Tử lớn lên đi tu; nhứt là thấy cử chỉ của Ngài không hề vui đùa theo thế
sự như bao nhiêu Công tử khác. Ngài lại thường có vẻ trầm tư, nên Vua tìm đủ
cách cản ngăn không cho Thái Tử ra khỏi điện đền.
-Đến năm Thái Tử 16 tuổi, Vua hội hết Hoàng tộc và các quan văn
võ, để chọn người làm lễ thành hôn cho Thái Tử. Sau khi lựa tuyển thì được con
gái của Vua Thiện Giác, tức là Công Chúa Da-du Đà-la, người có sắc đẹp và hạnh
đức đầy đủ hơn hết, cho sánh duyên cùng Thái Tử và về sau nàng sanh đặng người
con trai là La Hầu La. Đã thế, song Vua cũng chưa an tâm, liền truyền lịnh xây
cất cho Thái Tử ba tòa lầu nguy nga tráng lệ: một cái để nghỉ trong mùa
nóng, một cái nghỉ trong mùa lạnh, và một cái nghỉ trong mùa không nóng không
lạnh. Ngoài ra Vua còn cấp thêm cho Thái Tử 500 mỹ nữ tuyệt đẹp, để ngày đêm
hát múa đờn ca và bày các thứ vui say, khơi gợi lòng Ngài phải đắm đuối theo
đó, quên nghĩ đến việc xuất gia.
CHÚ THÍCH :
NỢ TRẦN: Cũng gọi là nợ đời, nợ
trần tục, do chữ “túc trái”. Theo thuyết nhân quả luân hồi: con người sanh ra
cõi đời là để trả những nghiệp nợ đã tạo ra từ nhiều kiếp trước. Nếu dứt nợ thì
không còn trở lại. Song chữ dứt nợ trần ở đây ý nói hết kiếp sống trong cõi trần.
QUI TIÊN: Trở
về cảnh Tiên. Do câu “Sanh ký tử qui”(sống ở thác về). Theo quan niệm Tam giáo
thì cõi đời nầy là cảnh giả tạm, con người sanh ra như kẻ ở trọ, để rồi một
ngày kia mãn nghiệp trở về quê xưa cảnh cũ (Phật, Thánh, Tiên). Đức Giáo Chủ có
viết:
“Ngày kia được trở gót hài,
Về nơi Tiên cảnh ngàn ngày
đẹp tươi”.
(Khuyên Người Giàu Lòng Phước Thiện)
BÀ DÌ: Người dì ruột của Thái
Tử, tên là Ma-ha Bà-xa Bà-đề (Maha Pradjapati), tên khác: Maha Kiều-đàm-di
(Maha Gotamide), em ruột của Hoàng Hậu Ma Da (Maha Maya). Sau Bà xuất gia tu
hành được chứng quả A La Hán, và đứng ra đỡ đầu cho hàng phụ nữ vào Đạo. Bà rất
có công trong việc hoằng hóa đạo mầu đối với hàng phụ nữ. Trong Hội Pháp Hoa,
Đức Phật có thọ ký cho Bà, sau nầy sẽ thành Phật hiệu là Nhứt thiết chúng sanh
Hỷ Kiến Như Lai.
THÔNG: Hiểu suốt, biết rộng.
Trường hợp thông suốt của Thái Tử Sĩ Đạt Ta là do khiếu thông minh sẵn có,
trong bản tánh từ nhiều tiền kiếp tu hành mà được (sinh nhi tri) chớ chẳng phải
nhờ sự học hỏi mà thông như người đời (học nhi tri).
TRIỀU ĐÌNH: Nơi
Vua và các quan viên họp nhau để bàn việc nước.
LỰA TUYỂN:
Chọn lọc.
GIA DU: Nói cho đủ là Gia-Du
Đà-La (Yacôdharâ) con gái Vua Thiện Giác (Souddhodana). Vốn là một Công Chúa có
đầy đủ đức hạnh thuần mỹ và sắc đẹp hơn hết, trong các Công Chúa thời ấy.
Theo Lược Truyện, lúc Đức Thích Ca tu khổ hạnh 6 năm nơi Khổ Hạnh
Lâm thì Công Chúa Gia Du ở Hoàng Cung cũng nghiêm trì giới hạnh, và sau bà xuất
gia tu hành chứng quả Thánh.
Trong Pháp Hoa Hội, Phật có thọ ký cho Bà: Sau khi Bà thờ phụng
nhiều Đức Phật, sẽ thành Phật hiệu là: Cụ Túc Thiên Vạn Quang Minh.
KẾT HÔN: Kết có nghĩa là
buộc, thắt; do điển tích ông Tơ bà Nguyệt dùng xích thằng (chỉ đỏ) buộc chân
của đôi trai gái có duyên nợ với nhau. Hôn có nghĩa là gả cưới, cũng có
nghĩa là ban đêm, vì theo tục xưa, cuộc gả cưới thường cử hành ban đêm. Cho nên
kết hôn có nghĩa sánh duyên chồng vợ.
CUNG PHI: Những phụ nữ có nhan
sắc, đức hạnh được chọn vào cung, để hầu hạ Vua và Hoàng Hậu.
MỸ NỮ: Người con gái có sắc
đẹp.
LÀM TRÒ: Bày tuồng, đóng lớp.
Như ca hát, nhảy múa cùng các thú vui.v.v…
LỘNG LẪY: Rực rỡ nguy nga.
LƠI LẢ: Cợt nhả, bỡn hớt, có ý
khêu gợi dục tình, trêu ghẹo việc bướm ong.
Đăng nhận xét