CÁC BÀI PHÁP-LUẬN CỦA ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ PHẬT GIÁO HOÀ HẢO
CHÚ GIẢI : THIỆN TÂM
(LƯU HÀNH NỘI BỘ)
CHÚ GIẢI CÁC BÀI PHÁP LUẬN
(trang 445 – 460 SGTVTB 2004)
XUẤT XỨ VÀ VĂN THỂ
Đây là loạt bài Pháp luận nằm trong Thi Văn
Giáo Lý Toàn Bộ, do Đức Thầy sáng tác năm Nhâm Ngũ (1942). Lúc đó Ngài đang lưu
trú tại nhà ông Ký Giỏi (Bạc Liêu). Ngài viết các bài nầy bằng thể văn xuôi
(tản văn), lối thuyết giáo. (Lẽ ra chúng tôi phải soạn bài Thập Nhị Nhân Duyên
trước, nhưng vì theo lời ông Nguyễn Chi Diệp kể lại là Đức Thầy cho biết bài
Thập Nhị Nhân Duyên và Môn Hoàn Diệt nằm trong Tứ Diệu Đề; nên chúng tôi soạn
bài Đức Phật Đối Với Chúnh Sanh trước. Còn bài Thập nhị Nhân Duyên để sau soạn
chung với bài “Sơ Giải Tứ Diệu Đề”)
Bài 2.- LỜI KHUYÊN BỔN ĐẠO
CHÁNH VĂN
Trong khi các trò còn ở trong biển mê sông khổ, thường bị những
chướng nghiệp nhiều đời mà làm cho linh hồn chìm đắm trong ba cõi sáu đường,
xuống xuống lên lên, luân-hồi chuyển kiếp, ấy cũng tại sự mê lầm của lục căn mà
say đắm lục trần; ý-thức lầm-lạc ấy khiến các trò nhận lấy cái thân ô-trược nầy
là thật, cái cảnh phú-quí cùng cuộc tình duyên tồn tại vui say. Nào hay thân
vô-thường tạm mượn do tứ-đại hiệp thành. Cuộc phú quí tựa đám phù-vân, cái sắc
nước hương trời ấy của các trò có khác chi cành hoa sớm nở chiều tàn, không chi
bền chắc, còn tội-chướng thì linh-hồn phải chịu luân chuyển báo đền.
Ngày nay đã tỉnh ngộ qui y cùng Phật-pháp. Như vậy cửa trường-sanh
bất diệt các trò đã gặp nẻo, nương đèn trí-huệ, ly xuất phàm-trần, chán cảnh
phồn hoa tìm nơi tịch-tịnh. Nhưng các trò tuy lòng mộ Đạo, chớ chưa hiểu rành
nẻo bước đường đi. Hãy tạm xét chữ qui y cho thấu đáo: Qui là về, mà về đâu ?
Về cửa Phật. Y có nghĩa là vâng lời theo khuôn-mẫu.
Vậy qui y đầu Phật là nương nhờ cửa Phật và làm y theo lời Phật
dạy. Phật từ-thiện cách nào ta phải từ-thiện theo cách nấy. Phật tu cách nào
đắc Đạo rồi dạy ta, ta cũng làm theo cách nấy. Thầy cảnh tỉnh giác-ngộ điều gì
chánh đáng thì khá vâng lời. Cần nhứt là ở chỗ giữ giới-luật hằng ngày. Còn sự
lễ bái là điều phụ thuộc, là món trợ đạo để nhắc nhở các trò nhớ phận sự mà
làm. Thầy xét trong tam nghiệp, các trò còn mang nặng lắm. Trong đường tu nương
theo tam nghiệp, thì khổ-não lắm. Chúng-sanh tịnh được tam nghiệp mới mong về
cõi Phật. Tam nghiệp là: Thân nghiệp, Khẩu nghiệp, Ý nghiệp (đọc lại trong cuốn
Khuyến-Thiện).
Nhưng Thầy xét lại cái khẩu nghiệp của các trò nặng-nề hơn hết.
Hãy lấy gươm trí-huệ mà dọn sạch ma lòng, hãy lấy lòng khoan-dung mà đối-đãi
lẫn nhau, hãy lấy lòng bác-ái nhân-đạo mà cư-xử với mọi người. Cần hiểu cái lý
vô-ngã của nhà Phật. Hãy rán sức thi hành sẽ có Thầy ủng-hộ.
Kệ rằng :
Đạo pháp thường hay dung với hòa,
Xét người cho tột xét thân ta.
Nếu người rõ phận vui lòng thứ,
Ta thứ được người, người thứ ta.
Bạc Liêu, năm Nhâm Ngũ.
( SGTVTB 2004, 449-450 )
LƯỢC GIẢI :
Xưa, Đức Phật dạy: từ vô thỉ tất cả chúng sanh đồng một bản thể
như chư Phật. Song vì vọng niệm mê lầm mà phải chuyển luân trong bể trần thống
khổ. Để đánh thức những linh hồn ấy sớm hồi tâm tỉnh ngộ, Phật thường thuyết
bài pháp “Khổ não, vô thường và vô ngã”. Thời nay, Đức Huỳnh Giáo Chủ
cũng muốn ý thức mọi người nhận rõ sự mê khổ của chúng sanh không ngằn mé như
sông dài biển rộng nên Ngài trùng tuyên đề tài ấy qua bài “LỜI KHUYÊN BỔN ĐẠO”
gồm có những phần chính như sau:
I- ĐAM MÊ:
1/- Các nỗi khổ của chúng sanh:
Tại sao gọi là “sông mê bể khổ” ? Vì có “Mê man danh lợi
cõi hồng trần”, nên bị hồng trần làm khổ lụy, không một ai tránh khỏi. Thân
đã gánh chịu các sự khổ về: sanh, già, bịnh, chết. Còn tâm thì vương các nỗi
khổ: ham muốn không thành, oán ghét gặp nhau, những người thân thương lại chia
ly, và buồn phiền lo nghĩ không hề dứt. Chẳng thế, còn bao cảnh khổ bên ngoài
đưa đến như: chiến tranh, thiên tai, địa ách…Đã mang thân sống trong cõi trần,
dù bất cứ hạng người nào cũng đều chịu chung kiếp sống khổ, một nhà thơ Việt
Nam công nhận:
“Bể khổ mênh mông sóng lụt trời,
Khách trần chèo một chiếc thoàn khơi.
Thuyền ai ngược gió ai xuôi gió,
Gẫm lại cùng trong bể thảm thôi !”
Tỏ rõ hơn, Đức Thầy đã xác định:
“Cảnh thế gian dường thể chốn ao tù,
Trong biển khổ mấy ai mà thoát đặng”.
2/-Nguyên nhân sanh khổ:
Điểm thứ hai, Đức Thầy cho biết, sở dĩ có những nỗi khổ là do “chướng
nghiệp nhiều đời” của mỗi chúng sanh hoặc nhiều chúng sanh tạo nên “nghiệp
chướng lăng loàn hại xác thân”.Nghĩa là từ nghiệp tội đời nầy lưu truyền
qua đời khác, cứ tiếp nối nhau luôn.
Nguyên khởi từ phiền não chướng: tham, sân, si (ý nghiệp), mới
sanh ra nghiệp chướng (của thân khẩu). Đó cũng gọi là nhân chướng, rồi
bị báo chướng trả lại, tức là bị trả quả. Chính nó làm trở ngại con
đường giải thoát nên gọi là chướng. Cũng như kẻ gieo giống, trồng cây thì phải
có ngày ăn trái. Trong khi đó vừa bị trả quả những nghiệp cũ lại tạo tác nghiệp
mới, để rồi bị luân chuyển qua kiếp sau trả nữa; cứ thế mà tiếp nối mãi mãi. Sự
luân chuyển nầy tùy theo nghiệp lành dữ, nặng nhẹ của mỗi chúng sanh. Có khi
lên được ba cõi trời: dục giới, sắc giới và vô sắc giới, có khi vào các cõi:
Người, A tu la, Súc sanh, Ngạ quỉ, Địa ngục. Song cũng đồng nằm trong định luật
nghiệp báo luân hồi nơi ba cõi sáu đường. Cho nên Đức Thầy gọi là “Xuống
xuống lên lên luân hồi chuyển kiếp”.
3/-Ý thức sai lầm:
Đã hiểu luân hồi (thọ nhận thân khác) là bị chi phối bởi
nghiệp chướng của vô minh phiền não từ hột giống ô nhiễm mê lầm sẵn có trong
tiềm thức (A Lại Da Thức). Từ đó, sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) thường
mê nhiễm theo sáu trần (sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, sự xúc chạm sung
sướng, danh vị cao sang). Sự nhận lầm xác thân ô uế giả hợp là thật, là trong
sạch thơm tho, bao nhiêu sự giàu sang, của tiền, sự nghiệp, hạnh phúc tình yêu,
sẽ giữ còn vĩnh cửu, mãi đến khi sắp lìa đời mà lòng tham ái vẫn còn, nên linh
hồn phải luân hồi trở lại, để tiếp tục con đường mê lầm khổ não đó. Cho
nên:
“Từ nhỏ tuổi đến người trưởng lão,
Mắc trong vòng sanh tử luân hồi”.( ĐT)
4/- Vô thường vô ngã:
Muốn tránh khổ và tận diệt nguyên nhân sanh khổ, hành giả trước
phải quán xét lý vô thường, vô ngã.
a)- Xác thân vô thường: Xét rằng thân nầy được tạo thành là do nhân duyên hòa hợp, từ linh
hồn và từ tinh huyết của cha mẹ với tứ đại (bốn chất: đất, nước, gió, lửa) nên
đến khi già, bệnh, các nhân duyên ấy dứt thì thân nầy phải tan rã, và tứ
đại phải trả về cho tứ đại. Vả lại, từ nhỏ đến lớn, thân ta cũng luôn
biến đổi vô thường theo thời gian, huống chi là đến già bệnh chết.
“Trải bao phen dãi gió dầm mưa,
Ngày kiệt sức huyễn thân tan nát”.( ĐT)
b)- Cảnh vật vô thường:
Xác thân là vô thường thì cảnh vật cũng theo thời gian mà biến đổi
vô thường:
“Cuộc tang thương dâu bể cảnh trần”.( ĐT)
Thế thì bao nhiêu cuộc phú quí vinh hoa, ruộng vườn, tiền của, vợ
đẹp con ngoan, thân bằng bạn hữu,… cũng không giữ mãi được. Chỉ là:
“Giấc mộng Nam Kha chốn thế trần,”
Hay là:
“Công danh phú quí chung huờn mộng”.( ĐT)
c)- Vọng tâm vô thường:
Đã từ vọng tâm mà sanh ra kiếp sống nên kiếp sống cũng bị vọng tâm
sai khiến. Bao sự vọng khởi vui buồn, ghét thương, giận tức…làm đảo lộn
tâm trí con người, không lúc nào bình yên dừng nghỉ, như con vượn chuyền cây,
hết cành nầy sang cành khác.
Thế thì từ xác thân, cảnh vật đến vọng tâm đều là ảo ảnh, vô
thường và vô ngã, chẳng có cái gì là còn mãi và thật của ta:
“Thế thượng vạn ban đô thị giả,
Nhơn gian Đạo đức quả duy chơn”.
(Trên đời không vật chi là thật,
Chỉ có Đạo mầu mới thật chơn).
(Tỉnh Thế Ngộ Chơn)
Trong Kinh Kim Cang, Phật bảo:
“Nhứt thiết hữu vi pháp,
Như mộng huyễn bào ảnh.
Như lộ diêc như điển,
Đương tác như thị quán”.
Tạm dịch:
“Phật rằng muôn pháp trong đời,
Ví như sương bọt giữa vời dễ tan.
Chiêm bao, điện chớp, tiếng vang,
Đến như thân xác hơi tàn còn đâu”.
Đức Thầy nay cũng xác định:
“Gẫm cuộc thế chẳng qua tuồng mộng ảo,
Cuộc truy hoan thường giết khách tài hoa”.
Cho nên, Ngài kêu gọi:
“Nghe chuông linh sớm dứt bể ái hà,
Kẻo vật dục cuốn lôi vào bể khổ”.
Hoặc là:
“Phù sanh nhược mộng đời lao khổ,
Tỉnh trí tu thân khỏi lạc lầm”.
II- TỈNH NGỘ:
1)- Nương đuốc huệ tiến tới Niết Bàn:
Nhờ tiếng chuông Đạo pháp của Đức Thầy, chúng ta sực tỉnh giấc
mộng trần gian, nhận được kiếp sống đầy khổ đau, vô thường và vô ngã, mới thức
tỉnh tu hành, qui y Tam Bảo. Thế là ta được bước vào ngưỡng cửa của con đường
Đạo tiến tới Niết bàn. Nơi ấy trường tồn bất diệt, có đủ bốn đức: chơn
thường, chơn lạc, chơn ngã, chơn tịnh. Nhưng muốn tiến tới mục đích ấy, Đức
Thầy dạy môn đồ phải “Nương đèn trí huệ, ly xuất phàm trần”. Vậy đèn trí
huệ ở đâu ? Chúng ta mới tu chưa có trí huệ, nên phải nương đèn trí của Đức
Thầy:
“Nương theo đuốc huệ tầm chơn lý,
Lóng tiếng từ bi diệt dục lòng”.
Đức Thầy dùng trí huệ viết ra Kệ Giảng giáo hóa môn đồ, trong đó
có đủ phương cách giúp cho ngưòi tu: rèn trí huệ, đạt chơn lý và diệt lòng dục
nhiễm danh lợi tình để bước tới:
“Niết Bàn tịch tịnh là đường vô sanh”.( ĐT)
2)- Nhận xét chữ qui y:
Con đường từ ngưỡng cửa đến mục đích cuối của Đạo không phải bước
một bước mà tới được. Hành giả phải đi từ thứ lớp:“ Đường đạo đức bước đi
từ nấc”( ĐT). Cho nên, Đức Thầy dạy tín đồ, sau khi thức tỉnh và vạch
một hướng nhắm tới Niết bàn, cần xét lại bước đầu, cho thấu đạt ý nghĩa hai chữ
qui y (Xem thêm phần Chánh văn của Đức Thầy).
Bởi có nương về với Tam Bảo, có hành trì theo hạnh đức và lời giáo
huấn của Phật, Pháp, Tăng; có cải hối ăn năn làm lành lánh dữ và có giữ tròn
giới luật mới xứng đáng là một tín đồ của Đạo. Chính đó là nấc thang đầu, là
nền tảng của Tam thừa Tứ quả. (Tam thừa: Thượng, Trung, Hạ, hoặc
Bồ Tát, Duyên Giác, Thinh Văn; Tứ quả: Phật, Bồ Tát, Duyên Giác, Thinh
Văn. Tùy từng chỗ dùng, cũng giải là: Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm và
A-la-hán). Thế nên nhà tu muốn đạt đến quả vị nào trong Đạo Phật, cũng phải
khởi hành từ hai chữ qui y.
Để tóm kết đề mục nầy ta nên tâm niệm hai câu giảng gồm đủ sự lẫn
lý, tự giác, giác tha:
“Qui y thì khá làm y,
Giữ lòng thanh tịnh từ bi giúp đời”.( ĐT)
3)- Nghiêm trì giới luật:
Xưa nay người tu Phật hễ phát nguyện qui y thì phải thọ giới.
Cho nên, sau phần nhận xét về chữ qui y, Đức Thầy đề cập đến sự trì
giới:“Cần nhứt là ở chỗ giữ giới luật hằng ngày”. Bởi sự
nghiêm trì giới luật sẽ ngăn chận được các điều tội ác của thân, khẩu, ý và nội
ma, ngoại cảnh không còn xúi giục, khơi gợi. Giới luật như hai hàng rào không
cho heo gà phá rẫy, là hai bờ lề của con lộ giúp cho các loại xe khỏi chạy rớt
xuống hố, là hai hàng lan can cầu, để xe và hành khách qua cầu khỏi bị rơi
xuống sông. Cho nên, Đức Thầy hằng dạy:
“Đồ lao muốn lánh sớm nghe Ta,
Bố thí trì chay giữ giới mà”.
Hoặc là:
“Gìn giới cấm sửa tâm ô tạp”.
Diệu năng của giới luật thật vô lượng, vô biên, nên Cổ Đức hằng
bảo:
“Giới minh như nhựt
nguyệt, diệc như anh lạc châu.
Vi trần Bồ Tát chúng, do thị thành chánh giác”. (Giới
sáng như mặt trời, mặt trăng và cũng như hột châu anh lạc. Chư Bồ Tát đông như
số vi trần đều nhờ trì giới mà thành tựu ngôi Chánh giác).
Và các Ngài luôn xác định:
“Tam giới Phật Pháp, Giới vi căn bản.
Bản chi bất tu, Đạo viễn hồ tai”.
Tạm dịch:
“Ngàn xưa chư Phật ba đời,
Đều tu giới luật làm thời bản căn.
Bản căn nếu chẳng trì hằng,
Ắt là tánh Đạo khó bằng nên công”.
Vì thế, quả quyết rằng nếu nhà tu không gìn giữ giới luật tất
không xứng đáng là một môn đồ hay Phật tử, thì trông gì đến hàng “Tứ quả Tam
thừa”.
Tóm lại, là một tín đồ PGHH, chúng ta nên cố gắng gìn giữ nghiêm
chỉnh Tám điều răn cấm. Chính nó là then chốt, là căn bản đầu tiên, rồi
lần lượt tiến tới “Thập bát giới”( tức sáu căn, sáu trần và sáu thức) để
đắc lục thông thành quả A La Hán. “Nhân căn trần thanh tịnh nhi đắc lục
thông thị hiện giả dã” ( Sáu căn đối với sáu trần mà lòng vẫn như như bất động,
không phân biệt nhiễm ô, tức đắc được sáu pháp thần thông ).
4)- Xét Về Sự Lễ Bái:
Đây là nói đến hai thời cúng lạy: sáng và chiều của mỗi tín đồ
PGHH. Hễ qui y thì có lễ bái, nhưng tại sao Đức Thầy cho biết:“Còn sự lễ
bái là điều phụ thuộc, là món trợ đạo để nhắc nhở các trò nhớ phận sự mà làm”.
Vì hồi chưa tu, lúc nào tâm ý ta cũng buông lung theo vọng trần, xấu xa, ích
kỷ,…suốt ngày đêm không phút nào dừng lặng (tâm viên ý mã). Giờ đây, muốn cải
đổi cho lòng thanh tịnh, tốt lành, từ bi bác ái thì nhờ hai thời lễ bái,
nhắc nhở ta trở lại tâm hồn đó. Rồi tập dần đến lúc đi, đứng, ngồi, nằm đều
được yên lặng chánh chơn: “Sớm tối đi nằm y chánh pháp”( ĐT), tức
từ phàm phu trở thành Phật Thánh:
“Thì hiền lương quên mất điều tà,
Đặng hạnh phúc nhờ lòng cố gắng”.( ĐT)
Vì thế, sự lễ bái gọi là món trợ đạo, còn tu sửa là chánh. Lễ bái
dụ như đất và phân nước giúp cho hạt giống được nên cây trái. Cho nên sự lễ bái
cũng rất cần cho sự hành đạo, hành giả phải áp dụng cho đến khi thành quả:
“Sớm với chiều gắng chí nguyện cầu,
Thì sẽ được tòa chương dựa kế”.
Và:
“Sớm chiều bình đẳng chớ lơi,
Thường hành như vậy nhớ lời đừng sai”.( ĐT)
Tam nghiệp (
thân, khẩu, ý ) sanh ra mười điều ác. Mỗi chúng sanh đã gây tạo nó từ vô lượng
kiếp, rồi vay trả, trả vay lưu truyền tới giờ. Chính nó là hột giống sanh tử,
là nghiệp nợ nặng nề hơn hết, nhứt là khẩu nghiệp người tu rất dễ vi
phạm. Vậy ai muốn giải thoát sanh tử phải tịnh tam nghiệp, chừa thập
ác và hành thập thiện. Đức Thầy hằng dạy:“Chúng sanh tịnh được tam
nghiệp mới mong về cõi Phật”. Và:
“Ác trừ xong hiện ra thiện nghiệp,
Lóng nguồn chơn Phật tiếp dẫn cho”.( ĐT)
III- PHƯƠNG PHÁP THOÁT KHỔ ĐẠT NIẾT BÀN:
1)- Tu Trí Huệ Trừ Ma Lòng:
Cần lưu ý chữ ma:
–Ma lòng gồm có tham, sân, si trong
tâm ý của mỗi người:“Tà kiến tam độc thật Ma vương”.(Pháp Bửu Đàn Kinh).
–Ma ngũ ấm (ngũ uẩn): sắc, thọ, tưởng,
hành, thức hay tham, sân, si, nhân, ngã.
–Ma thất tình, lục dục cũng gọi là thập
tam ma.
Ma là một từ đối lập với từ
Phật, hễ lòng có Phật thì không có Ma, lòng có Ma thì không có Phật. “Ma Phật trong lòng lựa phải tìm đâu”
(Giác Mê của Đức Phật Thầy). Đức Thầy xác định:
“Cái chữ tâm mà quỉ hay ma,
Tiên hay Phật cũng là tại nó”.
Và:
“Làm gian ác là quỉ là ma,
Làm chơn chánh là Tiên là Phật”.
Hiểu được Ma lòng ra sao, hành giả hãy lấy trí huệ mà dẹp
nó. Lúc mới vào Đạo, ta phải nương theo trí huệ của Tổ Thầy để mồi qua cây đuốc
huệ của ta bằng cách trì giới cho “Tâm bình tịnh được thì phát
huệ”. Hoặc diệt si mê, phá vô minh thì trí huệ lần lần sáng tỏ, đây là
pháp môn “Vô tận đăng”. Khi có “Giới Định Huệ” thì ma phiền não:
tham, sân, si chẳng còn và soi tan luôn cả ngũ uẩn:“Chiếu kiến ngũ
uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách”(Bát Nhã Tâm Kinh). Đức Thầy đã dạy:“Huơi
gươm trí huệ Ma Vương hãi hùng”. Sở dĩ trí huệ như lưỡi gươm, vì nó có
diệu năng chẳng những diệt được “Tam độc”( tham, sân, si) mà còn trừ được Ma
thất tình Lục dục:
“Thập tam ma diệt bằng trí kiếm,
Dứt xong rồi vô sự thảnh thơi”.( ĐT)
Thật hành được như thế, nhà tu sẽ tự tại giải thoát.
2)- Đối Xử Với Thế Nhân:
Về mặt ăn ở giao tiếp với mọi người, Đức Thầy dạy nên mở lòng rộng
lượng tha thứ những ai tối tăm lầm lỗi. Thể hiện tinh thần nhân đạo, bác ái vị
tha, không phân biệt màu da, chủng tộc, sang hèn hay giai cấp, hoặc người hay
sanh vật, mỗi mỗi đều cư xử toàn hảo, toàn hòa an vui hạnh phúc:
“Khắp bốn biển liên dây Hòa Hảo”.
Và:
“Đem nguồn sống mới cho nhơn loại,
Để tiến, tiến lên cõi đại đồng”.( ĐT)
3)- Hành Đạt Lý Vô Ngã:
Vô ngã là không chấp có ta, là
danh từ đối lập với chấp có ta, tức chấp ngã. Hễ có ngã là
còn mê lầm sanh tử, mà vô ngã là giác ngộ, Niết Bàn. Có thể xác định
rằng: đứng đầu tám vạn bốn ngàn trần lao phiền não là Ngã, còn dẫn đầu
tám vạn bốn ngàn pháp tu là Vô ngã.
Vậy chấp ngã là gì ?
Chấp ngã là lòng tham chấp từ xác thân, tiền của, vợ
con, thân bằng, tộc họ đến đất nước đồng bào, danh dự, tước quyền, giai cấp…đều
là có thật của ta rồi phân biệt hơn thua, cao thấp, rồi lo đấu tranh chiếm hữu
và bảo thủ mãi mãi. Chính đó là nguyên nhân của nghiệp báo luân hồi.
“Tâm trần tục còn phân nhơn ngã,
Thì làm sao thoát khỏi luân hồi”.( ĐT)
Vậy hành giả muốn thoát ly sanh tử, để tiến tới Niết bàn, trước
nhứt, phải nhận rõ qua kiếp sống của con người và sanh vật đều nằm trong vòng
khổ đau, bất tịnh, vô thường và vô ngã để diệt sạch lòng tham chấp.
“Lục căn trừ tuyệt tầm hai chữ,
Nhân ngã, sân si cũng dẹp đành”.( ĐT)
Tu tới đây, hành giả không nên tự mãn mà phải kẹt trong vòng đối
đãi: có không, chấp tâm, chấp pháp, hoặc còn thấy mình có tu, có
chứng đắc. Hành giả phải rán vượt lên bước nữa là tu rèn cho được tâm
bình đẳng, xem ta và mọi người cũng như vạn vật đồng nhứt thể:“Tường,
bích, ngõa, lịch giai hữu Phật tánh”. Và bởi:
“Từ không bày có, có huờn không,
Có có không không rốt vẫn đồng”.
(Ngữ Lục của Tuệ Trung Thượng Sĩ)
Để sáng tỏ thêm, Đức Thầy dạy:
“Nhân ngã, ngã nhân đừng cách biệt,
Sắc không, không sắc chớ lìa xa”.
Nhà tu một khi xả bỏ được lòng chấp ngã thì thấy mọi người,
mọi giới và vạn vật đều bình đẳng như nhau, tất cả đều nằm trong một thể “đại
ngã”, không còn phân biệt: sai khác, cao thấp, trước sau:“Trước sau tuy
khác thiện căn vẫn đồng”( ĐT). Tuy đã có tu, có chứng đắc, nhưng tâm không
còn chấp có tu, có chứng đắc (vô tu, vô chứng, vô sở đắc), đó tạm gọi là hành
đạt lý vô ngã :
Là bình đẳng an nhiên.
Là Phật hóa tánh tình.
Là Niết bàn giải thoát.
Đức Thầy còn sách tấn tín đồ:
“Hãy rán sức thi hành sẽ có Thầy ủng hộ”.
Đó là Ngài trợ duyên cho chúng ta có một đức
tin vững chắc, một sức mạnh vạn năng để đạt đến thành quả.
Tổng kết, bài “Lời Khuyên Bổn Đạo” là
một phẩm Kinh, Đức Thầy dạy môn đồ từ bực sơ cơ Tiểu thừa đến tối Thượng thừa.
Tuy thấy tiệm tu nhưng thực chứng lại là đốn. Trong đây chia làm hai phần:
– Thứ nhứt là phần quán xét, hành giả cần
nhận thức kiếp sống con người là ô trược, khổ đau và vô thường vô ngã.
– Thứ nhì là phần thực hành, hành giả phải
vẹn gìn: qui y, lễ bái, tránh Tam nghiệp ( chừa Thập ác, hành Thập thiện ) và
dùng trí huệ dọn sạch Ma lòng để diệt mầm sanh tử. Chót hết là hành đạt
lý vô ngã vào Niết bàn.
IV-LƯỢC GIẢI BÀI KỆ BỐN CÂU:
Câu 1: Đạo pháp thương hay
dung với hòa.
Đức Thầy dạy người quyết tâm tu học Đạo pháp,
nên rèn luyện cho mình có được hai đức tánh:
khoan dung và hòa hảo. Bởi có rộng lượng tha thứ cho những người lầm lỗi
mới đem lại sự hài hòa tốt đẹp và dễ bề cảm hóa họ trở lại con đường lành.
Câu 2: Xét người cho tột
xét thân ta.
Ngài dạy đối xử với mọi người, phải dùng tâm
bình đẳng và chánh kiến mà xét đoán cho cùng tột các việc của những người
đối diện và bản thân ta.
Câu 3: Nếu người rõ phận
vui lòng thứ.
Nếu người có lỡ lầm lỗi mà biết cải hối, ta
nên vui lòng tha thứ cho họ.
Câu 4: Ta thứ được người,
người thứ ta.
Ngài dạy, ở đời mấy ai trọn vẹn không lầm
lỗi. Nay ta sẵn lòng tha thứ sự lỗi lầm của mọi người thì mai chiều người khác
cũng thông cảm tha thứ sự lỗi lầm của ta.
Chủ đích của bài thi nói trên, Đức Thầy
muốn dạy tín đồ tu tập cho mình có những đức tánh: khoan dung, hòa hảo, bình
đẳng chánh kiến, và tôn trọng sự công bằng nhân quả, tất trên đường hành đạo ta
sẽ được an vui mỹ mãn.
CHÚ THÍCH :
THÂN Ô TRƯỢC: Xác thân dơ bẩn không
sạch. Thân xác của mỗi con người, tuy bên ngoài bao bọc lớp da trơn láng, mịn
màng nhưng bên trong chứa đầy chất ô uế. Hằng ngày, có chín lỗ (cửu khiếu) tiết
ra các chất bất tịnh như: đôi mắt có ghèn, hai lỗ tai có cứt ráy, hai lỗ mũi có
cứt mũi, miệng có đàm dãi, đường đại, đường tiểu, mỗi nơi đều tiết ra chất hôi hám
khó chịu. Chẳng thế, còn các lỗ chơn lông cũng thường rịn chảy mồ hôi dơ nhớt,
thật là:
“Thân hôi tanh muỗi ruồi đón rước,
Thêm nhọt u ghẻ lác phong cùi.
Đâu lúc nào toàn vẹn an vui,
Là kiếp trược ta xin kể trước”.( ĐT)
THÂN VÔ THƯỜNG: Xác thân chẳng thường
còn, bởi nó là sắc tướng, là hữu hình nên không trường tồn đặng:“Trên
dương thế hữu hình tắc hoại”.( ĐT)
TỨ ĐẠI: Bốn chất lớn, tức là: đất,
nước, gió, lửa:
“Chốn Ta bà tim lụn, dầu mòn,
Thân tứ đại của người cũng thế”.( ĐT)
PHÙ VÂN: Đám mây nổi, chốc lát bị
gió thổi bay mất. Ý chỉ cuộc đời phú quí ngắn ngủi, không bền chắc lâu dài:“Một
cuộc phù vân có mấy hơi”( ĐT).
TỘI CHƯỚNG: Nghiệp tội và báo chướng,
có nghĩa như chữ nghiệp chướng ( Xem tr.45).
LINH HỒN: Xem lại chú thích tại tr.
26.
TỈNH NGỘ: Thức tỉnh và giác ngộ tu
hành:
“Tỉnh ngộ từ đây người gặp chủ,
Phủi trần tìm kiếm chữ Ma ha”.( ĐT)
TRƯỜNG SANH BẤT DIỆT: Sống hoài không chết
mất. Chỉ cho cảnh Niết bàn.
ĐÈN TRÍ HUỆ: Ánh sáng của trí huệ. Đây
chỉ cho Kinh Giảng và lời lẽ của Tổ Thầy:
“Nay đuốc huệ từ bi đã rọi”.( ĐT)
LY XUẤT PHÀM TRẦN: Lìa xa cảnh trần ai phàm
tục, tức tu hành giải thoát luân hồi sanh tử. Đức Thầy hằng kêu gọi:
“Tìm đèn trí huệ lánh thân ra,
Lánh thân ra khỏi kẻo mang tai,
Tầm nẻo cao siêu đến Phật đài”.
PHỒN HOA: Cũng gọi là phiền ba,
chỉ nơi đô thị nhộn nhịp, mua bán ăn chơi, đua chen theo vật chất: danh, lợi,
tình. Đức Thầy có câu:
“Muốn lánh phồn hoa, lánh thị thành”.
TỊCH TỊNH: Nơi an vui thanh tịnh và
trong sạch, tức cõi Niết bàn.
KHUÔN MẪU: Khuôn thước, mẫu rập. Chỉ
cho qui luật pháp giới, chân chánh tốt lành, tất cả môn đồ Phật tử đều phải noi
theo.
CẢNH TỈNH: Báo cho biết để thức
tỉnh.
GIÁC NGỘ: Tỉnh biết, cảnh tỉnh giác
ngộ là báo cho biết để tỉnh ngộ tu hành. Giác ngộ cũng đồng nghĩa với
chữ Trí huệ.
MA LÒNG: Sức mạnh vô hình của nội
ma trong tâm ý con người, gồm có: ma phiền não (tham, sân, si, nhân
ngã), ma thất tình lục dục (Xem lại chú thích tại tr. 109).
KHOAN DUNG: Lòng rộng lượng hay tha
thứ người lầm lỗi:“Ta thường nên tập tánh khoan dung” (ĐT).
ĐẠO
PHÁP:
Giáo pháp của Phật.
Đăng nhận xét