Chú giải từ câu 001 – 208 (Quyển III Sám Giảng)
XUẤT XỨ – VĂN THỂ
Đây là Quyển Thứ Ba, trích trong Phần thứ nhứt THI VĂN GIÁO LÝ
TOÀN BỘ, do Đức Thầy sáng tác vào cuối mùa Thu năm Kỷ Mão (1939) lúc Ngài còn ở
Tổ Đình Thánh địa Hòa Hảo.
Ngài viết theo điệu văn vần, thể lục bát, loại thuyết giáo, dài
612 câu. Khởi đầu bằng câu:“Ngồi trên đảnh núi liên đài.” Và
chấm dứt bởi câu:“Chúc cho bá tánh muôn sầu tiêu tan”.
NỘI DUNG :
Sám Giảng Quyển Ba, phần nhiều Đức Thầy dạy các phương cách tu
tròn Nhân Đạo vẹn đáp Tứ Ân để trả xong nợ thế…Ngài khuyên các môn đồ trong Tam
Giáo nên bãi bỏ những nghi lễ thờ cúng rườm rà đượm màu mê tín; thức tỉnh các
thầy lễ, nhưn bông, phù thủy sớm quay về với vô vi chánh Đạo. Ngài còn kêu gọi
hạng thanh niên nam nữ đang tập tành những thói hư tật xấu, do nền văn minh vật
chất của Âu Tây cám dỗ, sớm trở về với nếp sống thuần phong mỹ tục của nước
nhà.
BỐ CỤC :
Sám Giảng Quyển Ba gồm có 3 phần chánh và 41 tiểu đoạn:
I – Phần Nhứt, là đoạn khai đề. Đức Thầy cho biết
trước khi lâm phàm có thời gian Ngài tu thân tầm Đạo tại Lan Thiên, là một vị
trí trên đỉnh núi Tà Lơn. Từ câu 1:“Ngồi trên đảnh núi Liên đài” tới
câu 10:“Bồng Lai một cõi hữu danh chữ đề”.
II – Phần Nhì, cũng là phần chánh đề, Ngài tiếp tục
báo tin những tai nạn binh đao nước lửa sắp xảy đến cho nhân loại. Cơ chọn lọc
hiền còn dữ mất qua hai Đại hội: Long Hoa và Long vân. Sau đó, người hiền đức
sẽ sum hiệp trong cảnh huy hoàng an lạc của đời Thượng ngươn Thánh đức. Ngài
còn khuyên dạy mọi người nên tu tròn Nhơn Đạo, giác tỉnh những kẻ hành nghề
Đông Tây y, các phù thủy lên cốt, lên đồng, các Thầy lễ, thầy cúng hãy bãi bỏ
những tập tục dị đoan, mê tín và bài trừ các tệ đoan xã hội để lo gìn giữ thuần
phong mỹ tục của nước nhà. Từ câu 11:“Kể từ Tiên cảnh ta về” tới
câu 596:“ Đất khô nảy mục rõ lòng hiếu nhi”.
III – Phần Ba, cũng là đoạn kết đề. Ngài dạy: là người
tu hành, dù ai có nhạo chê phỉ báng ta cũng kiên tâm nhẫn nhục. Đức Phật Thầy
thương xót chúng sanh như tình mẹ thương con, mong sao tất cả đều ghi nhớ lời
dạy của các Ngài để lo tu thân hành Đạo hầu sau nầy được diện kiến Phật Tiên và
chứng thành Đạo quả. Từ câu 597:“Mặc ai nhạo báng khinh khi” tới
câu 612:“Chúc cho bá tánh muôn sầu tiêu tan”.
CHỦ ĐÍCH :
Đức Thầy cảnh tỉnh các giới tu hành trong Tam Giáo đã sai lệch
chân truyền nên sớm trở về chân lý của Đạo và Ngài cũng giáo huấn phần nhiều về
Nhân Đạo.
CHÁNH VĂN
1. Ngồi trên đảnh núi liên đài,
Tu hành tầm Đạo một mai cứu đời.
Lan-thiên một cõi xa chơi,
4. Non cao đảnh thượng thảnh-thơi vô cùng.
Hiu hiu gió thổi lạnh-lùng,
Phất-phơ liễu yếu lạnh-lùng tòng mai.
Mùa xuân hứng cảnh lầu đài,
8. Lúc còn xác thịt thi tài hùng-anh.
Tứ vi mây phủ nhiễu đoanh,
10.Bồng-Lai một cõi hữu danh chữ đề.
LƯỢC GIẢI (từ câu 01 tới câu 10) :
-Mở đề cho quyển “Sấm Giảng” Đức Giáo Chủ kể lại, trên đường tầm
Đạo cứu đời, Ngài đã dừng chân tại “Lan Thiên”- một vị trí trên núi Tà Lơn – để
trau giồi tâm trí cho đến khi thành quả.
-Nhân một buổi nhàn du, Ngài nhẹ gót dạo quanh vùng Lan Thiên. Đây
là một đỉnh núi cao vút, khiến tâm hồn Ngài lâng lâng, giao hòa cùng kiểng vật.
Bỗng từ đâu cơn gió nhẹ đưa về, làm những cành liễu thướt tha, uốn lượn, màn
sương thấm lạnh cả tòng mai, hoa kiểng. Hồi tưởng, cũng một mùa Xuân như hiện
giờ, khi còn mang nhục thể, Ngài quyết tâm tầm Đạo cứu đời; và sau cuộc thi tài
tại hội quần Tiên, Ngài được tuyển làm bậc Tiên Trưởng.
-Kế nhìn ra xa, thấy bốn bề mây phủ lớp lớp như kết tụi màn che,
rồi Ngài gật gù cảm nhận: Đây thật là một cảnh thanh thoát, đúng với danh tiếng
“Non Bồng”.
CHÚ THÍCH :
SẤM GIẢNG:(Xem
Giới Thiệu Phần Chú Giải Sấm Giảng Giáo Lý, tr. 28 Tập 1/3).
ĐẢNH: Cũng đọc là đỉnh. Có nghĩa:
Chót vót, đỉnh đầu. Đỉnh cao hơn hết trong một ngọn núi.
LIÊN ĐÀI: Đài sen. Đây chỉ cho một vồ
đá cao nhất ở núi Tà Lơn, nơi Ông Cử Đa tu đắc Đạo.
TẦM ĐẠO: Tìm kiếm Đạo lý. Tìm Đạo ở
đây có nghĩa: cố tu hành cho đạt thông Đạo pháp (đắc Đạo). Đức Thầy có câu:“Bác
ái xả thân tầm Đạo chánh”(Luận Việc Tu Hành).
MỘT MAI: Mai sau hay sau nầy. Đức Thầy có câu:“Một
mai dạo được Tây Đông”(Từ Giã Làng Nhơn Nghĩa).
LAN THIÊN: Là một trong nhiều vị trí trên núi Tà Lơn,
như Long Thoàn (Long Thuyền), Tứ Giao Điện…
PHẤT PHƠ: Cũng gọi là phấp phơ: tức lá liễu bị gió
đưa qua đưa lại.
LIỄU YẾU: Loại cây cành mềm, lá nhỏ, cánh dài buông
rũ xuống thướt tha. Truyện Kiều có câu:“Lơ thơ tơ liễu buông mành”.
TÒNG: Cũng gọi là tùng (thông).Tùng có hai loại :
1- Loại cây thấp người ta trồng làm kiểng.
2- Loại cây cao, ruột chắc, bốn mùa lá nó vẫn
xanh, không thay đổi. Nghĩa bóng: chỉ người có sức chịu đựng và hay che chở kẻ
yếu kém.
Đức Thầy từng viết:
“Chốn rừng tòng ngồi chịu nắng sương,
Tìm Đạo lý hiến cho trần thế”.(GMTK, Q.4)
Hoặc là:
“Chừng nào Thầy lại gia trung,
Thì trong bổn đạo bóng tùng phủ che”.
(Từ Giã Làng Nhơn Nghĩa)
MAI: Cây mai, loại kiểng có hoa vàng hoặc trắng,
đỏ…Hoa vàng thường trổ vào mùa Xuân; hoa trắng, đỏ hay trổ theo bốn mùa (tứ
quí).
HÙNG ANH: Hùng là vua các loài thú; anh là vua các
loài hoa. Anh hùng là chỉ cho bậc tài giỏi xuất chúng, có chí
khí hơn người. Ví dụ: Anh hùng hào kiệt. Đức Thầy có câu:“ Đứng anh
hùng dựng nên thời thế”.(Nang Thơ Cẩm Tú)
TỨ VI: Bốn phía chung quanh, bao vòng.
NHIỄU ĐOANH: Mây nhiều có tia nhỏ buông phủ xuống, kết
quanh núi Tà Lơn, nhìn như một bức tranh.
BỒNG LAI: (Xem lại chú thích tại tr.138 Tập 1/3)
CHÁNH VĂN
11. Kể từ Tiên cảnh Ta về,
Non Bồng Ta ở dựa kề mấy năm.
Dạo chơi tầm bực tri-âm,
Nay vì thương chúng trần-gian phản hồi.
Nghĩ mình trong sạch đã rồi,
16.Đào tiên tạm thực về ngồi cõi xa.
Phong-trần tâm đã rời ra,
Ngọc-Thanh là hiệu ai mà dám tranh.
Ngày ra chơi chốn rừng xanh,
20.Tối về kinh kệ cửi canh mặc người.
Xuống trần lỡ khóc lỡ cười,
Ham vui đào mận vuông tròn chẳng xong.
Chừng nào sấu nọ hoá long,
24.Trần-gian mới rõ tấm lòng Thần-Tiên.
LƯỢC GIẢI (từ câu 11 đến câu 24) :
-Sau khi được chứng quả Tiên Trưởng, Ngài từ
cõi Tiên trở về, an trú tại Lan Thiên một thời gian, rồi Ngài ngao du các nơi
để tìm kẻ đồng tâm hạp chí…Nay vì lòng thương xót chúng dân, nên Ngài trở lại
cảnh trần khai nguồn Đại Đạo.
-Ngài hồi tưởng lúc còn ở non tiên, hưởng
cảnh thanh nhàn tịch mịch, lòng chẳng còn vướng bận trần ai. Nay nhìn thấy lê
dân mãi đắm say dục lạc, gây nghiệp trần mê, chẳng lo gìn tròn bổn phận của
người hướng thiện. Ngài còn cho biết: đến lúc Sứ Mạng của Ngài hoàn thành thì
khắp bá tánh, mới rõ được lòng Từ bi của chư Phật Thánh Tiên.
CHÚ THÍCH:
TRI ÂM: (Xem lại chú thích tại tr.260 Tập 1/3).
PHẢN HỒI: Trở lại.
ĐÀO TIÊN: Đào trồng ở cõi Tiên; tương truyền người
được ăn vào sẽ sống lâu và thành Tiên. Ở đây ý nói ông Cử Đa khi đắc Đạo được
thưởng đào tiên.
PHONG TRẦN: Phong là gió; trần là bụi, ý chỉ cõi đời
đầy gió bụi, gian lao vất vả. Truyện Kiều có câu:“ Đã đày vào kiếp phong
trần”. Cung Oán cũng nói:“Phong trần đến cả sơn khê, Tang thương đến cả
hoa kia cỏ nầy”. Đức Thầy nay từng giác tỉnh:
“Gây ra lắm nợ phong trần,
Luân hồi sáu nẻo khôn lần bước ra”.
(Cho Ông Cò Tàu Hảo)
NGỌC THANH: Đạo hiệu một trong ba ông Đệ tử lớn (ông
tớ) của Đức Phật Thầy Tây An.(Xem lại chú thích tại tr. 98-103 Tập 1/3).
CỬI CANH: Cũng
đọc là canh cửi, việc quay sợi dệt vải. Ca dao có câu:“Gái thì giữ việc
trong nhà, Khi vào canh cửi, khi ra thêu thùa”, nghĩa rộng là chỉ cho sự lo
tính làm ăn tranh danh, đoạt lợi,
ĐÀO MẬN: Đào và mận là hai loại cây có
hoa đẹp, trái ngon. Chữ đào mận ở đây Đức Thầy muốn nói đến sự ăn chơi trụy lạc
ham vui tình ái của người đời, do thành ngữ “Bẻ mận hái đào”, Ngài thường cảnh
giác:
“Ham vui đào mận chẳng xong rồi,
Trung hiếu giữ gìn phận con tôi”.
(Để Chơn Đất Bắc)
CHỪNG NÀO SẤU NỌ HÓA LONG: Sấu trở thành rồng. Ý chỉ cho công việc đến lúc thành công (việc
tu hành cũng thế). Đức Thầy có câu:“Thần Tiên hiệp mặt thì cù hóa long”(Xuân
Hạ Tác Cuồng Thơ).
TRẦN GIAN: Trần
là bụi; gian là khoảng giữa cõi đời. Trần gian là nơi con người phàm tục ở đầy
gian lao khổ nhọc. Đức Thầy bảo:“Trần gian khói lửa với đao binh”(Tỉnh
Bạn Trần Gian). Đây chỉ cho mọi người trong thế gian.
THẦN TIÊN: Thần gồm
có 3 bực: 1. Phật Thần hay Tiên Thần,
chỉ hạng người tu gần chứng quả Phật. 2.Thánh Thần là những
người trung quân ái quốc, sau khi lâm chung được chứng đắc. 3. Quỉ
Thần là hạng thần còn ăn đồ cúng kiếng, như thần A Tu La (tà
thần). Tiên, Phạn ngữ: Rishi. Cũng gọi là Tiên nhơn, tức là
những người tu hành ở non núi. Không còn bận việc đời, thảnh thơi, ngoài cảnh
tục, nhưng còn một vài vi tế phiền não ràng buộc chưa tròn vẹn lục thông, có
thể duy trì mạng sống ngàn muôn tuổi. Còn hạng tiên mà
người ta dịch ra ở chữ chư thiên (Phạn: Deva) là những người ở
thế gian có nhiều phước đức, khi thác được hóa sanh, lên các cõi trời dục giới,
sắc giới hoặc vô sắc giới. Những hạng tiên nầy đều được thân
tướng đẹp đẽ sáng láng. Như Hoàng hậu Ma Da, sau khi sanh Thái tử Sĩ Đạt Ta bảy
ngày thì được thác sanh về cõi Đao Lợi Thiên, tức từng Trời thứ nhì ở cõi dục giới.
Đức Thầy có câu:
“Đức Hoàng Hậu đến ngày thứ bảy,
Dứt nợ trần nên vội qui Tiên”.(K/Thiện, Q.5)
CHÁNH VĂN
25. Thương đời ta mượn bút nghiên,
Thở-than ít tiếng giải phiền lòng son.
Bắt đầu cha nọ lạc con,
28.Thân Nầy thương chúng hao mòn từ đây.
Minh-Hoàng chưa ngự đài mây,
Gẫm trong thế-sự còn đầy gian-truân.
Đò đưa cứu kẻ trầm-luân,
32.Đặng chờ vận đến mới mừng chúa tôi.
Thảm-thương thế sự lắm ôi,
Dẫy-đầy thê-thảm lắm hồi mê ly.
Dạo chơi Lục-Tỉnh một khi,
36.Rước đưa người tục tu-trì xa khơi.
No chiều rồi lại đói mơi,
Dương-trần sắp vướng bịnh Trời từ đây.
Khuyên trần sớm liệu bắp khoai,
40.Cháo rau đỡ dạ tháng ngày cho qua.
LƯỢC GIẢI (từ câu 25 đến câu 40):
-Vì lòng quá thương xót sanh linh, Đức Thầy dùng bút mực, sáng tác
Sấm Kinh để thức tỉnh bá gia, sớm hồi tâm hướng thiện. Từ ngày Chúa-tôi Thầy-tớ
cách xa, trong dân chúng phải chịu mòn hao dần dần.
-Bởi hiện giờ Đức Minh Vương chưa an ngự tại Nam thành, khắp bá
tánh còn phải truân chuyên thảm khổ, nên con thuyền Đại Đạo của Đức Thầy luôn
rước đưa chúng sanh ra khỏi luân hồi sanh tử. Nếu ai biết nương về nẻo Đạo, sau
nầy sẽ gặp Đức Thánh Vương và an hưởng muôn điều vinh hạnh, cùng giải thoát an
vui.
-Nhận thấy bá tánh sắp lâm cảnh sầu thảm, nên Đức Thầy cỡi thuyền
dạo khắp sáu tỉnh miền Nam để khuyên bá tánh sớm tu hành xa rời bể khổ.
-Sự nghèo đói tới tấp bên lưng, thêm nhiều chứng bịnh ngặt nghèo
kỳ lạ, do luật Trời quyết định trừng phạt kẻ tà gian. Đức Thầy kêu gọi nếu ai
muốn thoát khỏi tai vạ ấy, phải sớm “Cần kiệm sốt sắng lo làm ăn và lo tu
hiền chơn chất”.( Điều răn cấm thứ nhì) và “Làm nhơn ái ắt tiêu
bịnh tật”.(Kệ Dân, Q.2), chắc chắn sẽ được hạnh phúc vui tươi.
CHÚ THÍCH :
BÚT NGHIÊN:
Bút là cây viết, nghiên là đồ dùng để mài mực đặng viết (thời xưa). Ý chỉ cho
sự học hành hoặc sự nghiệp văn chương. Cổ thơ có câu:“Xếp bút nghiên theo
việc kiếm cung”. Đức Thầy cũng từng nói:“Bút nghiên tạm lấy tờ hoa tố
trần”.(Viếng Làng Phú An)
LÒNG SON: (Xem
lại chú thích tại tr. 239 Tập 1/3).
MINH HOÀNG: Vị
vua sáng suốt. Nghĩa như chữ Minh Vương. Đây chỉ cho vị cầm đầu đất nước, rất
mực nhân từ, sáng suốt. Đức Thầy từng viết:“Thương Minh Vương bắt chước
Thuấn Nghiêu, Lòng hiền đức nào ai có biết”.(Kệ Dân, Q.2)
ĐÀI MÂY:
Do chữ vân đài, đài cao đến tận mây để trông thấy được xa. Ở đây
Đức Thầy ám chỉ đến đài của đấng Minh Vương ngự, Ngài dạy (Sấm Giảng,
Q.3):
“Bớ dân chớ có say mê,
Trung lương chánh trực dựa kề đài mây”.
THẾ SỰ: Mọi sự việc trong đời.
GIAN TRUÂN:
Gian nan khổ sở, gặp nhiều chướng ngại không được hanh thông:“Đã nhiều lưu
lạc, đã nhiều gian truân”(Truyện Kiều).
TRẦM LUÂN:
(Xem lại chú thích nơi câu 167 trên).
VẬN ĐẾN: Gặp vận, thời cơ tốt xoay
chuyển đến. Đức Thầy có câu:
“Ngóng trông chờ vận thời đưa đến,
Đặng chung cùng một tiệc quỳnh tương”.
(Nang Thơ Cẩm Tú)
THÊ THẢM: Buồn rầu đau xót.
MÊ LY: Say mê đắm đuối theo một việc
gì, gần như không còn biết đến mọi sự vật bên ngoài. Đây chỉ cho sự mê luyến
cõi hồng trần.
LỤC TỈNH: (Xem lại chú thích tại
tr.91&261 Tập 1/3).
TU TRÌ: (Xem lại chú thích tại tr.84
Tập 1/3).
XA KHƠI: Xa mé bờ, giữa khoảng trời
nước mênh mông. Đức Thầy có câu:
“Con thuyền Bát Nhã xa khơi,
Dầu cho sóng gió rã rời cũng cam”(Cảm Tác).
BỊNH TRỜI: Bịnh
ói ỉa, ban trái…do Trời sai quỉ thần răn phạt những chúng sanh hung ác, ai mắc
phải không tài nào chữa trị. Đức Thầy thường cho biết:“Tam Thiên lục bá
khắp tràng hại dân”.(Thiên Lý Ca) và:“Trời mở cửa quỉ Vương xuống
thế”(GMTK, Q.4), hoặc là:
“Hội công đồng xem xét hẳn hòi,
Sai chư tướng xuống răn
trần thế.
Đau nhiều chứng dị kỳ khó
kể,
Sắp từ nay lao khổ đến
cùng”(Kệ Dân, Q.2).
CHÁNH VĂN
41. Nhắn cùng bổn đạo gần xa,
Tu hành trì chí mới là liễu mai.
Nguyện cầu qua khỏi nạn tai,
44.Đặng coi Tiên-Thánh lầu-đài quốc-vương.
Niệm Phật nào đợi mùi hương,
Miễn tâm thành-kính tòa-chương cũng gần.
Lao-xao bể Bắc non Tần,
48.Quân Phiên tham báu xa gần cũng qua.
Tranh phân cho rõ tài ba,
Cùng nhau giành-giựt mới là thây phơi.
Khổ-lao đà sắp đến nơi,
52.Thế-gian bớt miệng kêu mời cõi âm.
Dầu cho có ở xa-xăm,
Cũng là rán tới viếng thăm dương-trần.
Ngũ-Hành cùng các chư Thần,
56.Từ đây sắp đến xuống gần chúng-sanh.
LƯỢC GIẢI (từ câu 41 đến câu 56):
-Đức Thầy nhắn nhủ khắp bổn đạo trên bước tu hành cần kiên
tâm bền chí mới mong kết quả. Hằng ngày thường cầu nguyện cho vạn dân vượt qua
các tai nạn, hầu sau nầy đặng thấy đền vàng điện ngọc và:“Phật, Tiên,
Thánh an bang cùng định quốc”.(Không Buồn Ngủ).
-Còn sự niệm Phật không luận có đèn nhang hay thời khắc, mà lúc
nào cũng vẫn trì niệm:“Nằm, đi, đứng hay ngồi chẳng chấp”.(Kệ
Dân, Q.2), và phải thành tâm khẩn thiết, đừng để một vọng tưởng nào xen tạp,
tất được dựa kề Phật Thánh.
-Đức Thầy còn cho biết thêm: Vì quá tham của báu, nên sau nầy vạn
quốc sẽ mở cuộc chiến tranh tại biển Bắc (Vịnh Bắc Việt) non Tần (Thất Sơn),
diễn nên cảnh núi xương sông máu, vô cùng thảm khốc:
“Sấm vang thì lộ bảng vàng,
Chư nhu thế giới khắp tràng đến thi.
Chữ thi gần chữ sầu bi,
Bị ham của báu ly kỳ máu rơi”(Thiên Lý Ca).
-Những tai nạn khổ đau về bịnh tật, sẽ xảy đến với chúng sanh
không còn xa lắm, nên Đức Thầy khuyên mọi người: Từ đây chẳng nên kêu réo Thần
Thánh hay Ngũ hành mà sai khiến, hoặc trù rủa một ai. Bởi vì các vị ấy, tuy ở
cõi siêu hình xa cách, nhưng nay vì có lịnh Trời sai xuống trần gian, để răn
phạt những kẻ vi phạm khẩu nghiệp, hoặc các tội ác khác. Nếu những ai trù rủa
hoặc mời mọc đến, tức tự chuốc lấy bịnh khổ cho gia đình thân tộc.
CHÚ THÍCH :
TRÌ CHÍ: (Xem lại chú thích nơi
câu 116 Q.2 Tập nầy).
LIỄU MAI: (Xem
chú thích chữ tòng mai nơi câu 6 trên). Chữ liễu mai ở
đây có nghĩa là thấu đạt cơ huyền của Đạo pháp, hoặc chỉ cho sự tu hành khi
được kết quả.
LẦU ĐÀI QUỐC VƯƠNG: Đền đài lầu các của đất nước Việt Nam
sau nầy.
TÒA CHƯƠNG: Tòa là chỗ ngồi hay ngai
vị tôn nghiêm, chương là một loại ngọc quí, là chỗ an tọa của
vị vua hay Đức Ngọc Đế. Đây chỉ cho ngôi vị quí báu. Đức Thầy có nói:
“Sớm với chiều gắng chí nguyện cầu,
Thì sẽ được tòa chương dựa kế” (GMTK, Q.4)
BỂ BẮC: Biển Bắc chỉ từ Vịnh Bắc Việt đi xuống
hướng Nam (tức Biển Đông, thuộc Thái Bình Dương).
NON TẦN: Chỉ miền Bảy Núi (xem lại chú thích tại
tr.241 Tập 1/3).
QUÂN PHIÊN: Chỉ cho quân đội của ngoại bang.
CÕI ÂM: Cõi siêu hình, cõi của các thần linh (A
Tu La) ở. Đức Thầy có câu trong “Nang Thơ Cẩm Tú”:
“Cõi âm thần bịnh sái dịch ôn,
Chờ
mãn phước ra tay bẻ họng”.
CHÁNH VĂN
57. Chuông kia treo sợi chỉ mành,
Chẳng lo thân phận lo giành bướm ong.
Hiếu-trung hãy liệu cho xong,
60.Đến chừng gặp Chúa mới mong trở về.
Bây giờ kẻ Sở người Tề,
Hiền-lương đến Hội cũng kề với nhau.
Phật Trời chẳng luận nghèo giàu,
64.Ai nhiều phước đức được vào cõi
Tiên.
Hữu phần thì cũng hữu duyên,
Sửa tâm hiền đức cõi Tiên cũng gần.
Ta mang mình thịt xác trần,
68.Ra tay dắt chúng được gần Bồng-Lai.
Mai sau nhiều cuộc đất cày,
Đua nhau mà chạy lầu đài cũng xa.
Lập rồi cái Hội Long-Hoa,
72.Đặng coi hiền-đức được là bao nhiêu.
LƯỢC GIẢI (từ câu 57 đến câu 72) :
-Đoạn nầy Đức Thầy cho biết: Cuộc đời quá mỏng manh, ví như chỉ
mành treo chuông, chẳng biết ngày nào đây nó phải rụng nát. Thế mà chúng sanh
chẳng sớm tu thân lập hạnh, cứ mãi lo ăn chơi trụy lạc. Cho nên, Ngài kêu gọi
vạn dân hãy vẹn gìn trung hiếu để sau nầy được kiến diện đấng Thánh vương đời
Ngươn thượng:
“Lo bổn phận thảo ngay trọn vẹn,
Chừng lập đời khỏi thẹn tấm thân”.
(Vọng Bắc Hòa Nam)
-Tuy ngày nay Chúa-tôi, Thầy-tớ còn xa cách, nhưng nếu ai biết cư
xử đúng lẽ nhơn hiền, sau nầy cũng được hiệp hòa:“Hiền lành chừng đó sum
vầy, Quân thần cộng lạc mấy ngày vui chơi”.(Sám Giảng, Q.3)
-Lòng Phật Trời lúc nào cũng bình đẳng trong việc tiếp độ chúng
sanh, không luận sang hèn hay lớn nhỏ, nếu ai có nhiều phước đức, tất được vào
dự hội quần Tiên:“Phước nhiều Tiên cảnh lên rày, Tội nhiều sa đọa nhiều
ngày thảm thê”.(K/Thiện, Q.5).
-Sống giữa thời mạt pháp, chúng ta may mắn sanh được thân
người, lại hữu duyên gặp đặng Phật pháp (Nhơn thân nan đắc, kim dĩ đắc; Phật
pháp nan văn, kim dĩ văn). Đã hữu phần mà lại hữu duyên, thật có chi quí
báu cho bằng:“Rày mừng gặp đặng lúc ban ân, Duyên trước ngày nay mới có
phần”(Cho Ông Hương Bộ Thạnh). Chúng ta chỉ cần lo làm lành lánh dữ,
trau giồi tâm đức, sẽ được Đức Thầy dùng thuyền từ đưa đến nơi siêu thoát.
-Ngài còn tiên tri sau nầy, sẽ có cuộc chiến tranh tàn khốc, nào
cảnh bom cày đạn xéo, khiến vườn ruộng tan hoang, lầu đài hư đổ, nào cảnh chạy
giặc:
“Cha nọ bồng con vợ khóc òa,
Tan nát xóm giềng khổ dữ a
!
Nhà không người ở, ôi ! nói
trước,
Nếu chẳng tin lời gặp thiết
tha”.
(Để Chơn Đất Bắc)
Và đến ngày hội Long Hoa, chư Phật Tiên sẽ chọn lọc những người
hiền đức được sống còn để kiến tạo cảnh đời Thượng ngươn an lạc:
“Hội Long Hoa chọn kẻ tu mi,
Người hiền đức đặng phò chơn chúa”.(Kệ Dân, Q.2).
CHÚ THÍCH :
THÂN PHẬN: Địa
vị và phận sự của một con người. Đức Thầy từng dạy trong “Sám Giảng Q.3”:
“Ta là thân phận làm tôi,
Phải đền phải đáp cho rồi mới hay”.
BƯỚM ONG: (Xem lại chú thích tại tr.214
Tập 1/3).
HIẾU TRUNG:
(Xem chú thích chữ “Thảo cha ngay chúa” tại tr.166 Tập 1/3).
KẺ SỞ NGƯỜI TỀ:
Sở là tên một nước ở Trung Hoa vào thời Xuân Thu, tại vùng Trung Hồ Bắc-Hồ Nam
bây giờ. Tề cũng là một nước trước kia do Châu Võ Vương cắt phong cho Thái Công
Lữ Vọng, sau đến thời Chiến Quốc Xuân Thu chia làm 7 nước: Yên, Hàn, Triệu,
Ngụy, Tề, Sở, Tần. Hai nước Sở và Tề, tuy thuộc địa phận Trung Hoa nhưng cách
nhau rất xa. Ở đây Đức Thầy muốn nói: Những người hiền lương tuy hiện giờ còn
xa cách, nhưng sau nầy cũng được hội hiệp:“Tuy ngày nay xa cách Sở Tề,
Sau Thầy tớ gặp nhau Phật cảnh”(Sa Đéc).
HỮU PHẦN: Có phần, được phần may mắn.
HỮU DUYÊN:
Có căn duyên (tiền duyên), trái với vô duyên. Gặp gỡ nhau mà hợp ý với nhau gọi
là có tiền duyên. Tục ngữ thường nói:“Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô
duyên đối diện bất tương phùng”(Có duyên ngàn dặm cũng gần, Không duyên
dầu gặp mấy lần cũng xa). Về việc Đạo thì những ai có căn duyên với Phật
pháp, khi gặp Phật hoặc giáo lý của Ngài liền kính tin hành thiện. Bằng vô
duyên thì dầu Phật đứng trước mặt hay ở sát bên, cũng không hề tin nghe. Khế
Kinh đã bảo:“Thuốc không trị được bịnh tới số, còn Phật chỉ độ những ai có
duyên lành”(Dược y bất tử bịnh, Phật hóa hữu duyên nhơn). Đức Thầy
thường cho biết:
“Duyên lành rõ được Khùng Điên,
Chẳng qua kiếp trước thiện duyên hữu phần”.
(Viếng Làng Mỹ Hội Đông)
HIỀN ĐỨC: Hiền là
người có trí năng, hay làm việc thiện, đức là có lòng nhân ái,
hiếu đạo, khoan hòa. Người hiền đức là người gồm đủ: Trí, Nhân, Hiếu, Nghĩa.
Đức Thầy có câu:
“Chim tìm cây mới gọi chim khôn,
Người hiền đức mới là người trí”(Kệ Dân, Q.2)
HỘI LONG HOA: Hội
tuyển chọn người hiền lành, đạo đức, do pháp mầu của Phật lập ra. (Xem thêm chú
giải tại tr.45-47 Tập 1/3).
CHÁNH VĂN
73. Gian-tà hồn xác cũng tiêu,
Thảm-thương bá-tánh chín chiều ruột đau.
Mặc ai tranh luận thấp cao,
76.Thương trong lê thứ xáo-xào từ đây.
Chinh chinh bóng xế về tây,
Đoái nhìn trần-thế xác thây ê-hề.
Thương trần Ta cũng rán thề,
80.Đặng cho bá-tánh liệu bề tu thân.
Tu hành chẳng được đức ân,
Thì Ta chẳng phải xác thân người đời.
Phật truyền Ta dạy mấy lời,
84.Đặng cho trần-thế thức thời tu-thân.
Nào là luân lý Tứ-Ân,
Phải lo đền-đáp xác thân mới còn.
Ai mà sửa đặng vuông tròn,
88.Long-Vân đến hội lầu son dựa kề.
LƯỢC GIẢI (từ câu 73 đến câu 88) :
-Căn cứ vào lý Tam ngươn thì cơ chọn lọc sẽ chấm dứt thời Hạ ngươn
hạ để chuyển sang Thượng ngươn thượng. Lúc đó chỉ còn tồn tại hạng người tốt
đẹp thiện lương; còn những kẻ gian tà xảo quyệt đều bị tiêu diệt cả hồn lẫn
xác. Đức Thầy nhận biết tình cảnh thê thảm ấy mà xót thương cho bá tánh, dầu
tiếng đời có bàn luận mỉa mai cũng mặc. Ngài luôn để tâm thương lo khắp dân
chúng từ đây sẽ gặp cảnh chiến tranh loạn lạc.
-Cuộc thế sắp đến ngày tàn cỗi, nhơn sanh phải chịu cảnh chết chóc
dẫy đầy, muốn cứu nguy bá tánh chỉ còn có cách giác tỉnh họ quay đầu hướng
thiện. Cho nên Ngài thệ quả quyết với chúng sanh: Nếu có một ai chuyên tâm hành
Đạo mà không được thụ hưởng đức ân thì Ngài chẳng phải là con người trong vũ
trụ. Xưa kia, Đức Phật cũng từng thệ trước đại chúng: “Hữu nhứt chúng
sanh bất thành Phật quả, Ngã thệ bất thành Phật”.(Nếu có một chúng sanh nào tu
hành mà không thành Phật thì Ta thệ không thành Phật). Và nay chư Phật đã
sắc lịnh cho Đức Thầy khuyên dạy nhơn sanh được hiểu thời cơ, để họ sớm lo trau
thân gìn Đạo.
-Trên bước đường tu hành, trước nhứt là phải cư xử, cho tròn Đạo
làm người, đền đáp “Tứ đại Trọng ân”.Nếu ai“Tứ ân đã trả chẳng còn tội
căn”(Cho Ông Cò Tàu Hảo) thì ngày Hội Long Vân tới đây xác thể sẽ còn
nguyên vẹn, để chung hưởng cảnh đền vàng điện ngọc, của đời Thượng ngươn Thánh
đức.:
“Mấy người còn được xác thân,
Thì là đài ngọc các lân dựa kề”(Sấm Giảng, Q.3)
CHÚ THÍCH :
GIAN TÀ HỒN XÁC CŨNG TIÊU: Cơ chọn lọc cuối thời Hạ ngươn hạ chuyển sang Thượng ngươn
thượng, những kẻ tà gian hung ác đều bị luật đào thải diệt vong cả hồn lẫn xác.
Bởi căn duyên và cách ăn ở của họ không hợp với thời Thánh đức ấy, nên phải bị:
“…Hãm giam hồn xác chốn lao tù,
Làm bùn làm đất làm cây đá,
Trơ trọi giữa trời vạn kiếp tu”.
(HĐ: Không rõ xuất xứ)
Cuộc đọa lạc ấy diễn tiến qua các thời kỳ:
1-Nhứt đạo, linh hồn cư thủy: Trước hết linh
hồn bị tiêu ra làm nước (hồn xác cũng tiêu). Khi đọa làm nước, vừa chịu cho
người rửa giặt đồ dơ bẩn, vừa giúp cho bá tánh tắm và đỡ khát để trả nghiệp lần
lần.
2-Nhị đạo, linh hồn cư thổ: Khi mãn thời kỳ làm
nước, linh hồn chuyển sang làm đất, chịu cho người đời trồng tỉa, đi đứng hoặc
xây cất nhà cửa, dinh thự…
3-Tam đạo, linh hồn cư kim thạch: Từ đất, linh
hồn tiến lên làm cát, đá, sắt, chì…Để xác minh điều nầy, xưa Đức Phật chỉ tay
vào bức tường mà nói:“Tường, bích, ngõa, lịch giai hữu Phật tánh”(Vách,
phên, ngói, đá đều có Phật tánh như nhau).
4-Tứ đạo, linh hồn cư thảo mộc: Từ sắt đá, linh
hồn tiến lên: lúa, rau, cây, cỏ, giúp nhơn loại nhờ nhỏi, sanh sống.
5-Ngũ đạo, linh hồn cư sanh vật: Từ cây cỏ linh
hồn tiến lên các loài động vật (thú)…Bằng chứng là các loại tro rơm, cỏ mục bỏ
nơi ẩm thấp hay ngoài đồng nội, khi mưa xuống sanh ra các loài côn trùng,
cá…hoặc từ rễ cây gáo vàng hóa thành lươn, lịch…
6-Lục đạo, linh hồn cư nhân thể: Từ sanh vật
linh hồn tiến lên làm thân con người. Theo luật tuần hườn của lý tam ngươn, đến
đây đáo lại thời Hạ ngươn Hạ, bởi căn tánh và nghiệp cảm của số linh hồn nói
trên chỉ sống hợp với thời kỳ nầy mà thôi; chớ không thể sống hợp với thời Trung
ngươn hay Thượng ngươn được, nếu họ không chịu tiến hóa.
(Ban HĐ: Rất tiếc Soạn giả đã quá cố nên không thể hỏi gốc của tài
liệu nầy).
CHÍN CHIỀU RUỘT ĐAU: Đau xót tột độ và nhiều bề. Bởi lòng từ bi của Phật đối với
chúng sanh như tình mẹ thương con (Phật ái chúng sanh như mẫu ái tử).
Nay Đức Thầy thấy chúng sanh lâm vào cảnh khổ mà Ngài thương yêu đau xót như
thế. Ngài từng dạy:“Phải nhớ rằng: ngày giờ nào còn có kẻ trong chúng
sanh chịu khổ, thì ta cũng phải khổ vì họ vậy”.(Bát Chánh Đạo/Chánh
Tinh Tấn), và:“Ta chịu khổ, khổ cho bá tánh”(Sa Đéc).
Khi xưa, Đức Văn Thù Sư Lợi đến thăm bịnh Ngài Duy Ma Cật và hỏi:
– Bệnh của cư sĩ nhơn đâu mà sanh, sanh đã bao lâu, phải thế nào
mới mạnh được ?
Ngài Duy Ma Cật đáp:
– Bịnh tôi từ ái mà sanh. Vì tất cả chúng sanh bịnh, nên tôi bịnh.
Nếu tất cả chúng sanh không bịnh thì bịnh tôi lành. Vì sao ? Bởi Bồ Tát vì
chúng sanh mà vào đường sanh tử, hễ có sanh tử thì có bịnh, nếu chúng sanh khỏi
bịnh thì Bồ Tát không có bịnh. Ví như ông Trưởng giả chỉ có một người con, hễ
người con bịnh thì cha mẹ cũng bịnh, nếu bịnh của con lành, cha mẹ cũng lành.
Bồ Tát cũng thế ! Đối với tất cả chúng sanh, thương mến như con, nên chúng sanh
bịnh, Bồ Tát cũng bịnh, chúng sanh lành, Bồ Tát cũng lành. – Ngài lại hỏi bịnh
ấy nhơn đâu mà sanh ? – Bồ Tát có bịnh là do lòng đại bi.
Ngày nay, Đức Giáo Chủ PGHH cũng từng nói:
“Xuống Bạc Liêu chưa bao nhiêu độ,
Bỗng ruột tầm quằn quặn rứt
đau.
Phần thương dân phổi héo, gan xào,
Ngồi, đi, đứng, nằm lăn lóc
mãi”.
(Gởi Bác sĩ Cao Triều Lợi -Bạc Liêu)
XÁO XÀO: (Xem lại chú thích tại tr.124
Tập 1/3).
TU THÂN : Sửa mình. Sửa bỏ những
điều tội lỗi xấu xa: sát sanh, đạo tặc, tà dâm…và làm những điều lương thiện,
tốt lành. Sách Đại Học dạy:“Tự Thiên tử dĩ chí u thứ nhân, nhứt thị giai dĩ
tu thân vi bổn”.(từ Vua quan cho đến thứ dân, ai nấy phải lấy sự sửa mình làm
gốc). Đức Thầy hằng dạy:
“Tu thân thiện tín rán chuyên cần,
Lục tự Di Đà giữ Tứ ân”.(Nhẫn Đợi Thời Cơ)
ĐỨC ÂN: Người biết làm lành, làm
phải, có lòng tốt, thương người, mến vật và ăn ở đúng theo đạo lý, thì được
hưởng mọi điều phước huệ do Trời Phật ban cho. Đức Thầy đã cho biết:
“Nhờ ơn Trời ban bố đức ân,
Xem chung cuộc Phong Thần tại thế”.(GMTK, Q.4)
THỨC THỜI:
Hiểu rõ thời thế.
LUÂN LÝ: (Xem lại chú thích tại tr.270
Tập 1/3).
TỨ ÂN: Bốn điều ơn. Theo Kinh
xưa, bốn ơn là: Ân Phụ Mẫu, Ân Quân Vương, Ân Tam bảo và Ân Chúng sanh. Nay vì
muốn cho sự giáo hóa chúng sanh được thích hợp với trào lưu hiện đại, nên Tứ Ân
theo Đức Thầy dạy có thay đổi một ít chữ như sau: Ân Tổ Tiên Cha Mẹ, Ân Đất
Nước, Ân Tam Bảo, Ân Đồng Bào và Nhơn Loại. Kinh Phật có câu:“Thượng báo tứ
trọng ân, Hạ tế tam đồ khổ”.(Trên đáp bốn ân nặng, dưới giúp ba đường
khổ)(HĐ: Theo Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam thì nghĩa của “tứ trọng ân” trong câu
kinh nầy là: Ân Phật, Ân Thầy Tổ, Ân Cha, Ân Mẹ). Đức Thầy nay luôn nhắc nhở:
“Một câu quân lý tứ ân,
Ta đừng phai lợt Phong thần bảng ghi”.
(Để Chơn Đất Bắc)
LONG VÂN: (Xem chú thích tại tr.93 Tập
1/3).
LẦU SON: Lầu đỏ, do chữ “Lầu son
các tía”. Đây chỉ cho lầu đài quí báu sau nầy, do Phật Trời ban thưởng cho
những người xong tròn đạo lý, vẹn đáp tứ ân:
“Chừng Bảy Núi lầu son lộ vẻ,
Thì người già hóa trẻ dân
ôi !”
(Đáp lời Ông Lương Văn Tốt)
CHÁNH VĂN
89. Thương đời văn-vật say mê,
Làm điều gian-ác thảm-thê sau nầy.
Kể từ hầu hạ bên Thầy,
92.Vào ra chầu-chực đài mây cũng gần.
Tuy là nương dựa non Tần,
Ngày sau thế cuộc xoay vần về Nam.
Qua sông nhờ được cầu Lam,
96.Tu hành nào đợi chùa am làm gì.
Bây giờ bạc lộn với chì,
Nữa sau lọc lại vít tì cũng chê.
Bớ dân chớ có say mê,
100. Trung-lương chánh-trực dựa kề đài mây.
Mảng lo gây gổ tối ngày,
Chẳng lo rèn đúc trí tài hiền-lương.
Thân Nầy ăn tuyết nằm sương,
104. Chẳng than chẳng thở vì thương thế-trần.
LƯỢC GIẢI (từ câu 89 đến câu 104) :
-Đức Thầy thảm thương cho người đời quá đam mê văn minh vật chất,
gây nghiệp tà gian hung ác, mà phải gặt lấy quả đau khổ sau nầy. Ngài hồi tưởng
lúc theo Thầy tu học Đạo pháp tại đỉnh núi Tà Lơn. Núi nầy tuy hiện giờ nằm
trên địa phận nước Miên, nhưng sau nầy thời thế sẽ xoay chuyển trở thành của
nước Việt Nam.
-Ngài dùng điển ngữ Cầu Lam, ý dạy người muốn tu hành giải thoát,
không luận phải tìm nơi chùa miễu am cốc mà bất cứ nơi nào, dù ở quán xá hay
thôn dã, miễn ai có căn duyên và nhiệt tâm hành đạo là được.
-Giờ đây số người thật giả, tà chánh còn đang lẫn lộn, song đến
một ngày kia sự chọn lọc rất rõ ràng, dù còn vi phạm một lỗi nhỏ cũng không xài
được:“Nấu lọc rành mới biết vàng thau, Ai thật tánh ai người giả Đạo”(Sa
Đéc). Ngài còn kêu gọi dân chúng, chẳng nên đua theo làn sóng văn vật của Âu
Tây, làm điều dua nịnh, cần giữ lòng ngay chánh, trọn nghĩa quốc dân, để ngày
kia được hưởng mọi sự an nhàn nơi Tiên cảnh.
-Ngài thấy trong lê thứ mãi lo giành giựt xâu xé lẫn nhau, chẳng
chịu sớm hồi tâm hướng thiện, trau giồi trí đức. Phần Ngài trên đường châu du
độ thế dầu phải lắm gian lao vất vả cũng chẳng hề than thở:“Thân ta dầu
lắm đoạn trường, Cũng làm cho vẹn chữ thương nhơn loài”(Cảm Tác).
CHÚ THÍCH :
VĂN VẬT: Sản vật của văn hóa, gồm có
lễ vật và chế độ. Đây chỉ cho văn minh về vật chất, trái với văn minh tinh
thần. Đức Thầy cho biết trong bài “Diệu pháp Quang Minh”:
“Bởi vì đời văn vật cạnh tranh,
Nên cấu xé cùng nhau thảm
não”.
ĐÀI MÂY: (Xem lại chú thích nơi câu 29
trên).
NON TẦN: Ở đây chỉ núi Tà Lơn, nơi ông
Cử Đa (Ngọc Thanh) tu đắc Đạo. Vì theo cơ giảng thì Tần ám chỉ cho nước Miên,
mà núi Tà Lơn nằm trên địa phận nước Miên, nên gọi là non Tần.
CẦU LAM: Do chữ “Lam Kiều”, cây cầu
bắc ngang dòng sông Lam, thuộc huyện Lam Điền, tỉnh Thiểm Tây (Trung Hoa). Do
điển tích Bùi Hàng gặp Vân Anh và sau thành Tiên:
Đời Đường (Trung Hoa) có anh Bùi Hàng, trên đường đáp thuyền đi
Tương Hán, bất ngờ được cùng đi chung thuyền với nàng Vân Kiều, người đẹp vào
hàng quốc sắc. Hàng nhờ người hầu gái của Vân Kiều đưa thư hộ, nên được tiếp
chuyện với Vân Kiều và được nàng tặng cho bài thơ:
“Nhất ẩm quỳnh tương bách cảm sinh,
Huyền sương đảo tận kiến
Vân Anh.
Lam Kiều tiện thị Thần Tiên
quật,
Hà tất khi khu thượng Ngọc
Kinh”.
(Uống rượu quỳnh tương trăm cảm sinh,
Huyền sương giả thuốc thấy
Vân Anh.
Lam Kiều vốn thiệt nơi Tiên
ở,
Hà tất băng đường đến Ngọc
Kinh).
Sau Bùi Hàng y như lời dặn trong thơ đến Lam Kiều, Hàng dừng chân
nơi quán trọ bên vệ đường của một bà lão để giải khát. Con gái của bà lão bưng
nước ra, Hàng trông thấy rất xinh đẹp bèn hỏi tên, rõ ra là Vân Anh, em ruột
của Vân Kiều. Hàng xin bà lão cho cưới nàng làm vợ. Lão bà bảo Hàng tìm được
cối chày bằng ngọc đem lại, bà sẽ gả Vân Anh cho, khỏi cần vàng bạc chi hết.
Nhờ lòng nhiệt thành, Hàng được thần tiên giúp đỡ và cưới được Vân Anh.
Lão bà liền chỉ cho Hàng về cách công phu tu tập và bảo Hàng dùng
cối chày đó tán thuốc Tiên trọn ba tháng. Khi làm thuốc xong, cả ba người cùng
uống, họ đều được thành Tiên hết.
Do điển tích trên đây mà các Kinh sách xưa nay cùng các nhà văn,
thường dùng từ ngữ Cầu Lam, hoặc Lam Kiều, để chỉ con đường đưa đến cảnh Tiên.
Cổ thi có câu:“Trăm năm thề chẳng lòng phàm, Sông ngân đưa bạn, cầu Lam rước
người”. Đức Thầy nay cũng bảo:
“Lam Kiều hữu lộ vắng hoe,
Ngục môn không cửa mà hè nhau đi”.
(Để Chơn Đất Bắc)
TRUNG LƯƠNG:
Trung nghĩa và lương thiện. Xưa, Đường thế Dân (Trung Hoa) xây đắp lăng của vợ
(Hoàng Hậu) đẹp hơn lăng của mẹ (Hoàng Thái Hậu). Hôm nọ, vua Đường và Thừa
tướng Huỳnh Trung viếng mộ, Vua có ý khoe lăng vợ mình đẹp hơn hết, Huỳnh Trung
tâu:
-Theo mắt của hạ thần, xem thấy lăng của Hoàng Thái Hậu sáng sủa
hơn lăng của Hoàng Hậu. Nghe qua vua Đường hiểu ý…liền truyền lịnh hạ bớt vẻ
đẹp lăng của vợ và cho xây lăng của mẹ cao tốt hơn trước. Sau đó, vua Đường vời
Huỳnh Trung đến khen:
-Khanh thật là người tôi trung thần của Trẩm !
Huỳnh Trung liền tâu:
-Xin Bệ hạ ban cho thần hai chữ: lương thần, chớ đừng gọi
là trung thần.
Ý muốn nói trung thần như Tỷ Cang, vì can vua Trụ bằng lời khẳng
khái nên bị chết; chẳng những không được việc mà còn làm đất nước mất một tôi
trung. Còn Huỳnh Trung biết dùng lời nhu hòa khéo léo can vua, chẳng những được
vua Đường nghe theo lại còn ban khen nữa, nên gọi là tôi trung
lương hay là lương thần. Vì thế, ngày nay Đức Thầy thường
nói:“Tiết trung lương nghĩa khí rạng ngần” và:“Chữ anh tài
của đấng trung lương” (Nang Thơ Cẩm Tú).
ĂN TUYẾT NẰM SƯƠNG: Vốn là một thành ngữ có nghĩa: sự ăn ngủ giữa trời đầy sương
tuyết lạnh lẽo. Ý chỉ cho sự khó khăn vất vả của người đi đường:“Quản bao tháng đợi năm chờ, Những người ăn tuyết nằm sương xót thầm”(Truyện Kiều).
Ở đây, ý toàn câu: Vì lòng từ bi nên bước đường dạy Đạo cứu dân
của Đức Thầy, chẳng quản sự gian lao khổ khó.
CHÁNH VĂN
105. Theo Thầy giảng dạy nhiều lần,
Dương-gian nào biết thế-trần nào hay.
Cầu cho dân khỏi nạn tai,
108. Qua nơi khổ-não mặc ai chê cười.
Bạc đâu dám sánh vàng mười,
U-mê mà lại chê cười Thần Tiên.
Giã-từ sơn-lãnh lâm-tuyền,
112. Về đây hội hiệp sạ duyên tớ Thầy.
Ở rừng bạn với cáo-cầy,
Bây giờ xuống thế cáo-cầy lìa xa.
Thiên-cơ biến đổi can qua,
116. Gẫm trong thế-giới còn đôi ba phần.
Mau mau kíp kíp chuyên cần,
Chúng sanh còn có lập thân hội này.
Tuần-huờn Thiên-Địa đổi xây,
120. Cảm thương trần-hạ lòng Đây chẳng sờn.
LƯỢC GIẢI (từ câu 105 đến câu 120) :
-Đoạn nầy ý nói ông Cử Đa đã nhiều lần theo Đức Phật Thầy châu du
độ chúng, thế mà dương trần nào ai hay biết. Ngài hằng nguyện cầu cho khắp
chúng dân, sớm thoát qua tai khổ, dầu ai có cười chê cũng mặc (Cần xem lại chú thích “Ba Tớ Một Thầy” tại tr.98-103 Tập 1/3).
-Giá trị của bạc không thể so với vàng, cũng như kẻ phàm nhân làm
sao thấu hiểu hành trạng của Phật Thánh, thế bảo làm sao mà họ chẳng cười cho
được. Lão Tử đã nói: “Bực Thượng sĩ nghe Đạo thì siêng sắng mà làm theo, bực
Trung sĩ nghe Đạo thì dường như còn như mất (nửa tin nửa ngờ, khi làm khi bỏ),
bực Hạ sĩ khi nghe Đạo thì cười lớn. Nếu họ chẳng cười thì không đủ gọi là
Đạo”. (Thượng sĩ văn Đạo cần nhi hành chi, Trung sĩ văn Đạo nhược tồn nhược
vong, Hạ sĩ văn Đạo đại tiếu chi. Bất tiếu bất dĩ vi Đạo). Bởi Đạo rất cao
thâm, bực hạ căn không thể hiểu nổi, họ cho là huyễn hoặc nên mới chê cười.
-Nhớ lại lúc còn hành Đạo nơi rừng núi, Đức Cử thường dạy dỗ các
loài cầm tnú. Nay Ngài từ giã cảnh vật ấy để trở lại trần gian cùng với Đức
Phật Thầy lo giác tỉnh quần sanh.
-Máy trời đã xoay chuyển, cả thế giới sắp diễn ra cuộc chiến tranh
tàn khốc, từ đây đến ngày kết cuộc trong nhân vật phải chịu hao hớt, mười phần
chỉ còn hai ba mà thôi:“Nhơn vật mười phần hao bảy tám, Thần Tiên thấy vậy
cũng châu mày”(Giảng xưa của Đức Phật Thầy). Thế nên Đức Thầy kêu gọi khắp
chúng sanh phải gấp rút tu hành, bởi lẽ:
“Có một hội nầy lập lấy thân,
Nếu để trễ chầy e chẳng kịp,
Khuyên ai khuya sớm gắng chuyên cần”.
(Để Chơn Đất Bắc)
Ngài nhìn luật xoay vòng của Trời đất mà thảm thương cho bá tánh,
nên quyết tâm cứu độ, dầu gặp bao nghịch cảnh cũng chẳng hề nao núng.
CHÚ THÍCH :
VÀNG MƯỜI:
Vàng thiệt, vàng y. Ý nói giá trị cao quí hơn hết:“Vàng mười, bạc bảy, thau
ba”.(Ca dao)
SƠN LÃNH LÂM TUYỀN: Núi non rừng suối.
SẠ DUYÊN: Sạ là chữ Sự đọc trại (tiếng
địa phương). Vậy Sạ duyên tức là Sự duyên. Có nghĩa duyên do sự việc.
CÁO CẦY: Loại thú rừng, cùng một loại
với chồn, thường ở hang, biết leo; tức là loại chồn thường hay bắt cá. Có nhiều
thứ cầy như: cầy hương, cầy bạc má, cầy bông lao (có khi người ta gọi chó là
cầy).
Ở đây ý nói người đã giác ngộ, lúc nào cũng đầy lòng vị tha từ ái
đối với vạn loại chúng sanh. Cho nên trong lúc Đức Thầy ở nơi rừng núi, Ngài
cũng có dạy dỗ các loài thú:
“Chốn non xanh dạy dỗ cáo cầy,
Xuống trần thế ra tay dắt chúng”(GMTK, Q.4).
CAN QUA: Can là cái mộc (thứ binh khí
dùng để đỡ mũi gươm, giáo, tên…), Qua là cái giáo. Can qua là tiếng nói chung
để chỉ cho các loại binh khí, tức là nói đến sự chiến tranh. Đức Thầy có câu:“Vọng
cầu thế giới dứt can qua”và:“Can qua binh lửa sát sanh linh”(Mong
Chờ).
CHUYÊN CẦN:
Chăm chỉ và siêng năng, gắng gổ.
TUẦN HUỜN THIÊN ĐỊA: Định luật xoay vòng của trời đất, do câu:“Thiên địa tuần huờn
châu nhi phục thỉ”(Luật trời đất xoay giáp vòng thì trở lại chỗ khởi đầu).
CHÁNH VĂN
121. Cũng còn kẻ ghét người hờn,
Vì không rõ hiểu sạ duơn của Thầy.
Hổ-lang ác-thú muôn bầy,
124. Lớp bay lớp chạy sau nầy đa-đoan.
Ai mà ăn ở nghinh-ngang,
Đón đường nó bắt xé tan xác hồn.
Chữ rằng họa phước vô môn,
128. Đáo đầu cũng phải xác hồn tiêu tan.
Khuyên người hữu phước giàu sang,
Mau mau làm phước làm doan cho rồi.
Để sau khó đứng khôn ngồi,
132. Thương nhà tiếc của biết hồi nào nguôi.
Ai mà ăn ở ngược xuôi,
Bị nơi rắn rít chẳng vui đâu là.
Rắn to tên gọi mãng-xà,
136 Trên rừng nó xuống nó tha dương-trần.
Ai mà tu tỉnh chuyên cần,
Làm đường ngay thẳng có Thần độ cho.
Thương đời hết dạ cần lo,
140. Chẳng lo niệm Phật nhỏ to làm gì ?
LƯỢC GIẢI (từ câu 121 đến câu 140):
-Vì lòng từ bi, Đức Giáo Chủ lâm trần khai Đạo, nhưng cũng có số
người hờn ghét, vì họ chưa rõ hết duyên do. Ngài cũng tiên báo cho mọi người
được biết, đến ngày cùng cuối của buổi Hạ ngươn, sẽ có cuộc chọn lọc bằng cách:
có các loài thú dữ, như hùm, beo, lang, sói…tràn xuống khắp dân gian, tàn sát
người hung dữ.
-Xưa nay, Phật Thánh từng dạy: những việc họa hay phúc đều do
chính mình tạo nhân, rồi tự mình rước quả, chớ không phải từ đâu đưa lại. Hễ
gieo gió thì gặt bão, dù sự việc rất nhỏ, như: món ăn, thức uống…cũng đều do
tiền nghiệp của mình mà nên cả (nhứt ẩm nhứt trác giai do tiền định). Qua
cuộc chọn lọc, kẻ ngang tàng bạo ngược đều bị tiêu tan cả hồn lẫn xác.
-Đức Thầy kêu gọi hạng người giàu có, nên mở lòng bố thí để gieo
duyên lành về sau, sẽ được hưởng nhiều phúc huệ cao quí hơn. Bằng ai mãi thương
nhà tiếc của:“Giữ bo đến lúc phong ba, Gặp cơn bát loạn khó mà yên thân”(Khuyên
Người Giàu Lòng Phước Thiện)
-Còn hạng ăn ở ngược xuôi, hành động tráo trở, chẳng tôn trọng lẽ
công bằng đạo lý thì sau nầy, sẽ bị các loài rắn rít to lớn, từ trên rừng núi
tràn xuống sát hại, khó mà bảo tồn tánh mạng.
-Còn những ai biết thức tỉnh tu hành, chuyên cần tinh tấn, hành
động theo con đường ngay chánh, tất được chư Thánh Thần gia hộ cho bình yên. Vì
lòng từ bi, Đức Thầy dốc hết tâm lực vào công việc khuyến dạy nhân sinh: sao
chẳng sớm lo niệm Phật làm lành, lại cứ lo toa rập chê bai làm chi cho mang
khẩu nghiệp?
CHÚ THÍCH:
ĐA ĐOAN: Nhiều việc, rất nhiều.
NGHINH NGANG:
Cũng gọi là nghênh ngang. Có nghĩa: ngang tàng bướng bỉnh, không kiêng nể ai.
Đức Thầy từng khuyên:
“Nghinh ngang hổn ẩu phải chừa,
Bà con nội ngoại dạ thưa mới là”(Sám Giảng, Q.3)
HỌA PHƯỚC VÔ MÔN: Do câu:“Họa phước vô môn, duy nhơn tự triệu. Thiện ác chi báo
như ảnh tùy hình”(Họa, phước không có cửa, chỉ do con người tự rước lấy mà
thôi. Còn sự báo ứng của việc lành hay dữ cũng như bóng theo hình).
Thêm nữa kẻ cầm đuốc đi gió ngược, sẽ bị lửa táp phỏng tay, ngửa
mặt phun nước miếng lên trời, nước ấy sẽ rớt xuống mặt mình. Kẻ làm ác cũng
thế, lúc đối đầu chỉ rước họa hại vào thân.
ĐÁO ĐẦU: Cũng gọi là đối đầu (Xem lại
chú thích nơi tr. 123 Tập 1/3).
HỮU PHƯỚC GIÀU SANG: Người có phước nên được giàu sang phú quí. Theo “Luật nhân
quả” những người hiện giờ được giàu có uy quyền là do thời gian trước hoặc tiền
kiếp họ đã tạo nhân từ thiện, bố thí. Đức Thầy hằng khuyên họ:
“Ngày nay tốt phước sang giàu,
Xin thương kẻ khó giúp hào một khi”.
(Khuyên Người Giàu Lòng Phước Thiện)
LÀM PHƯỚC LÀM DOAN: (Xem lại chú thích tại tr. 256 Tập 1/3).
NÀO NGUÔI:
Chẳng nguôi, chẳng vơi được. Ý nói cơn sầu thảm kéo dài mãi không lúc nào cùng
cạn.
NGƯỢC XUÔI: Ngược là
nghịch, không thuận, đảo dưới lên trên, xuôi là thuận
chiều. Ngược xuôi là khi thuận khi nghịch không thuần nhứt.
Đây ý chỉ hạng người xảo quyệt không chơn chánh, lòng dạ dời đổi, ăn nói ngược
xuôi.
MÃNG XÀ: Rắn lớn. Vào năm 1939, Đức
Thầy có dắt Đức Ông (thân sinh phần xác của Ngài) đi viếng núi Tà Lơn. Khi đến
một khu rừng nọ, chính Đức Ông thấy hình như ba cây súc lớn nằm dài, lá cây
rụng khuất cả. Đức Ông nói:
-Người ta đốn cây ở đây làm sao đem xuống núi ?
Đức Thầy đáp:
-Đâu phải cây, rắn đó ! Nói rồi Ngài liền nhảy lên, dùng chân dậm
ít cái rồi nhảy xuống, bỗng đâu ba khúc ấy động đậy, cong lên, lá cây đổ ồ
xuống bày ra ba thân con rắn thật lớn, bề tròn độ hai người ôm không giáp. Vảy to,
lớn hơn dĩa bàn, mình nó dài lắm, đầu đuôi khuất đâu chẳng thấy. Đức Ông hoảng
sợ, chạy lùi lại rất xa. Đức Thầy chạy theo kêu Đức Ông dừng lại và nói:
-Không sao đâu ! Nhưng đến thời tận diệt có cả bầy rắn như thế
nầy, chúng bò lội khắp nơi cắn nuốt những người hung tàn bạo ngược (Dẫn theo
lời ông Nguyễn Hữu Truyền, do Đức Ông kể lại cho ông Truyền nghe). Điều nầy
trong Sấm Giảng Q.1, Đức Thầy thường nhắc:
“Ngày sau sẽ thấy thú cầm chỉn ghê.
Hùm beo Tây tượng bộn bề,
Lại thêm ác thú mãng xà,
rít to.
Bá gia ai biết thì lo,
Gác tai gièm siểm đôi co ích gì”.
HẾT DẠ: Hết lòng, dốc hết tâm trí để
lo một việc gì.
CHÁNH VĂN
141. Tu là: tâm trí nhu mì,
Tu hiền tu thảo vậy thì cho xong.
Tu cầu cứu vớt Tổ-Tông,
144. Với cho bá-tánh máu hồng bớt rơi.
Tu cầu cha mẹ thảnh-thơi,
Quốc-vương thủy-thổ chiều mơi phản-hồi.
Tu đền nợ thế cho rồi,
148. Thì sau mới được đứng ngồi tòa sen.
Người tu phải lánh hơi men,
Đừng ham sắc lịch lắm phen lụy mình.
Tu là sửa trọn ân tình,
152. Tào-khang chồng vợ bố-kình đừng phai.
LƯỢC GIẢI (từ câu 141 đến câu 152):
-Đoạn nầy Đức Thầy khuyên dạy người tu cần phải lo trau giồi tâm
trí, sửa tánh răn lòng cho được hiền hòa chin chắn; hết lòng tôn kính và bảo
dưỡng cha mẹ để được vẹn tròn câu hiếu thảo. Ngoài ra còn phải tu cầu cho Tổ Tông
dòng họ được siêu thoát và khắp vạn dân khỏi bị chết chóc vì nạn đao binh.
-Đối với cha mẹ còn sanh tiền thì cầu cho được an nhàn phúc thọ,
đất nước sớm phục hồi nền tự chủ. Điều quan trọng là phải trả xong nợ thế, tức
lo đền đáp bốn ân. Đồng thời rán ngăn ngừa mười điều ác để diệt trừ nghiệp báo,
sanh tử luân hồi. Ai hành trì được như thế, tức đặng siêu thoát về Cực lạc mà
an tọa trên tòa sen.
-Bước tu hành cần phải lánh xa hai điều tệ hại : rượu và sắc dục,
vì nếu chè rượu say sưa thì sanh nhiều tội lỗi; còn đắm mê sắc lịch ắt phải đọa
lạc trong sáu nẻo luân hồi. Bởi nguyên nhân của sanh tử là do lòng ái dục (Hải
trung sanh tử, ái dục đệ nhất). Riêng phần nhân Đạo trong gia đình, việc đối xử
giữa chồng vợ, phải thuận hòa ân nghĩa, không nên vì hoàn cảnh sang hèn mà đổi
thay tình ý.
CHÚ THÍCH :
TÂM TRÍ: (Xem lại chú thích tại
tr.154-155 Tập 1/3).
NHU MÌ: (Xem lại chú thích tại tr.89
Tập 1/3).
TỔ TÔNG: Ông bà dòng họ, cũng chỉ
chung như chữ “Cửu Huyền Thất Tổ”. Toàn câu ý nói người quyết chí tu hành cho
đến khi đắc đạo thì độ được Ông Bà dòng họ siêu thoát. Cổ nhân từng bảo:“Nhứt
nhơn thành đạo, cửu huyền thăng”(Một người tu đắc đạo, độ được Ông Bà cha
mẹ lần lượt siêu thăng). Đức Thầy cũng từng dạy trong bài “Cho Ông Cò Tàu Hảo”:
“Ngày nào đắc được lục thông,
Vớt hồn cha mẹ Tổ Tông bảy đời”.
QUỐC VƯƠNG THỦY THỔ: Đất nước vua chúa. Chỉ cho đất nước Việt Nam.
PHẢN HỒI: Hồi phục trở lại. Ý toàn câu
dạy tu cầu cho đất nước của mình sớm được thanh bình và lấy lại chủ quyền. Đức
Thầy có viết:“Ấy mới mong quốc vận phản hồi”(Gọi Đoàn).
NỢ THẾ: Nợ đời, tức những gì ta đã
thọ, đã gây tạo. Nợ thế có hai phần:
a)- Ân nợ: tức là nợ Tứ Ân. Con người có được xác thân
là nhờ Tổ tiên cha mẹ, có nơi ăn chốn ở là nhờ Đất nước,
biết được lẽ đạo mầu, phải trái là nhờ Tam Bảo, có đủ vật liệu cần
dùng là nhờ Đồng bào Nhân loại. Đó là bốn ân lớn mà ai ai cũng phải
thọ và phải lo đền trả. Đức Thầy hằng khuyên:“Trả nợ thế nghĩa ân trọn
vẹn”(Vọng Bắc Hoà Nam) và “Tứ ân đã trả chẳng còn tội căn”(Cho
Ông Cò Tàu Hảo).
b)- Nghiệp nợ: Nợ do tam nghiệp, thập ác gây nên,
khiến chúng sanh mãi luân chuyển báo đền. Kinh nói:“Sở dĩ có
luân hồi là do ba nghiệp: thân, khẩu, ý gây nên, nó cứ tiếp nối nhau luôn tạo
thành sức mạnh, lôi kéo chúng sanh; sau khi mạng chung phải đầu thai vào một
thân xác khác để đền trả tiền nghiệp và lòng khát ái của mình”. Cho nên Đức
Thầy dạy:“Muốn làm tròn nhân Đạo, phải giữ vẹn Tứ ân. Nhưng trước hết hãy
tránh Tam nghiệp và chừa Thập ác, cũng như muốn làm giàu phải tránh đừng cho
thiếu nợ”(Luận Về Tam Nghiệp – tr. 186 SGTVTB 2004). Vì thế Ngài cực
lực khuyên bảo:
“Nợ thế âu toan tròn nợ thế,
Đường tu sớm liệu vẹn đường tu”(Tỉnh Giấc Mơ).
TÒA SEN: Chỗ ngồi bằng sen, nơi
Phật ngự. Bởi sen là thứ hoa có đặc tánh trong sạch, không ô nhiễm, nên chư
Phật dùng nó làm chỗ an tọa. Ý chỉ người tu khi đắc đạo thì được ngồi tòa sen
báu bên cõi Tây Phương Cực Lạc. Đức Thầy có câu:“Tây phương Cực lạc khùng
ngồi tòa sen”(Dặn Dò Bổn Đạo) hay là:“Quyết làm tôi Phật gởi thân
liên đài”(Khuyến Thiện, Q.5).
HƠI MEN: Hơi rượu. Ý chỉ sự uống rượu.
Người tu cần phải xa lánh, bởi Kinh Phật từng nói:“Ninh ẩm dương đồng, thân
vô phạm tửu”(Thà uống nước đồng sôi, răn dè chớ uống rượu). Hoặc là:“Rượu
là gốc buông lung, muốn khỏi đường ác đừng uống. Thà bỏ trăm nghìn thân, trọn
không uống rượu nầy”.
SẮC LỊCH: Sắc đẹp. Một trong tứ đổ
tường, cũng là một trong năm điều ham muốn (ngũ dục).(Ngũ dục là muốn sắc đẹp,
muốn tài của, muốn danh tiếng, muốn ăn uống, muốn ngủ nghỉ.) Biết bao tấm gương
nhơ nhớp vì đắm say sắc lịch. Chính nó đã gây nên những cuộc đổ nước nghiêng
thành, đảo lộn luân thường đạo lý lắm người bị nó nhận chìm trong hố sâu tội
lỗi. Cổ nhân từng bảo:“Sắc bất ba đào dị nịch nhân”(Sắc đẹp tuy không
phải sóng gió nhưng dễ nhận chìm được người). Trong Tỉnh Thế Ngộ Chơn cũng dạy:
“Sắc tác hậu tự tiền thế đại,
Tán tinh hao khí, khổ linh hồn”.
(Nữ sắc tuy dùng nối truyền đời trước, nhưng cũng bởi sắc làm cho
con người tán tinh, hao khí và linh hồn bị sa đọa).
ÂN TÌNH: Ân huệ và tình nghĩa thân
yêu. Ví dụ: Ân tình vẹn vẻ đôi đường.
TÀO KHANG: Cũng
gọi là Tao khang. Tào là tấm (bã rượu) khang là cám gạo. Ý nói người vợ cưới
hồi còn nghèo khổ. Do điển tích:
Vua Quang Võ, có người chị gái là Hồ Dương Công chúa sớm góa
chồng. Vua có ý định gả cho quan Thượng thư là Tống Hoằng nhưng Hoằng đã có vợ.
Vua bèn vời Tống Hoằng đến ướm thử:
– Trẩm nghe thiên hạ thường nói sang đổi bạn, giàu đổi vợ, có
chăng ? (Ngạn ngữ: Quới dịch giao, phú dịch thê, hữu chư ?).
Tống Hoằng tâu:
– Thần nghe: Người bạn lúc hàn vi không nên phụ, người vợ cưới lúc
nghèo hèn, không nên bỏ (Thần văn: Bần tiện chi giao mạc khả vong, tào
khang chi thê bất khả hạ đường).
Vua Quang Võ nghe qua biết ý Tống Hoằng không tham giàu phụ khó,
nên không ép nữa.
Do điển tích trên đây, văn chương thường dùng thành ngữ “tào
khang” để nói vợ chồng lấy nhau từ thuở hàn vi, vẫn giữ tình nghĩa mặn nồng cho
đến khi già chết mới trọn Đạo:“Đạo chồng vợ thuận hòa cho đến thác”(Không
Buồn Ngủ).
BỐ KÌNH: (Xem lại chú thích tại
tr.75-76 Tập 1/3).
CHÁNH VĂN
153. Tu cầu Đức Phật Như-Lai,
Cứu dân qua khỏi nạn tai buổi nầy.
Chữ tu chớ khá trễ chầy,
156. Phải trau phải sửa nghe Thầy dạy khuyên.
Ra đời xưng hiệu Khùng Điên,
Nào ai có rõ Thần Tiên là gì.
Tu không cần lạy cần quì,
160. Ngồi đâu cũng sửa vậy thì mới mau.
Trí hiền tâm đức chùi lau,
Ra công lọc kỹ thì thau ra vàng.
Vinh-hoa phú-quí chẳng màng,
164. Ra oai ra lực cỡi thoàn xa chơi.
Con sông dòng nước chiều mơi,
Dốc lòng trả nợ nước đời cho xong.
Chừng nào bổn-đạo hiểu thông,
168. Thiên-cơ đạo lý để lòng mới thôi.
LƯỢC GIẢI (từ câu 153 đến câu 168) :
-Đức Thầy dạy tín đồ hằng cầu nguyện với Đức Như Lai, cứu độ bá
tánh đồng thoát qua tai nạn hiện thời. Còn việc tu hành không nên chần chờ giải
đãi, lúc nào cũng phải chuyên cần trau sửa và thường xem Kệ Giảng để thực hành
theo cho kỳ được.
-Bởi người Pháp kềm kẹp dân ta đủ cách, hễ có một ai được sự uy
tín trong quần chúng thì họ bắt bớ tù đày. Lại có số người giả tu thường xưng
hô lớn lối để lừa bịp những ai nhẹ dạ mê tín theo. Cộng với hạng thường ỷ mình
là khôn lanh, hay phỉ báng Phật Trời, nên Đức Thầy mới tá hiệu Khùng Điên để
vừa đối lại hai hạng người nói trên và vừa phương tiện giáo hóa chúng sanh.
-Ngài dạy: Sự tu không phải chỉ trong hai thời lễ bái suông, mà
bất cứ ở đâu hay phút nào cũng luôn trau giồi, gội rửa những gì xấu xa tội lỗi
mới mau kết quả. Vậy mỗi người tự dùng trí sáng của mình chiếu phá lớp vô minh
vọng hoặc và các tư tưởng tà khúc, tất được:“Kim thân thị hiện dứt trừ tử
sanh”(Cho Ông Cò Tàu Hảo).
-Trên đường khai hóa nhân sanh, Đức Thầy chẳng màng đến danh lợi
và dầu dòng đời có lắm thăng trầm Ngài cũng quyết:“Xông thuyền Bát Nhã
lướt vào một phen”(Tự Thán) để đền xong nợ thế, vẹn đáp Tứ Ân. Ngài
luôn phổ hóa Đạo mầu cho đến khi nào khắp bổn đạo thấu hiểu và gắn ghi những
lời thiên cơ đạo lý nơi lòng, hầu sớm hôm lo tu thân lập hạnh thì Ngài mới dừng
thoàn an nghỉ:“Quyết chèo thoàn đến chốn Bồng Lai, Mới ngơi nghỉ tấm thân
của Lão” (Sa Đéc) .
CHÚ THÍCH :
NHƯ LAI: Phạn ngữ: Tathâgatha, Tàu
dịch là Như Lai. Vốn là một trong 10 danh hiệu của Phật: Như Lai, Ứng Cúng,
Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế gian giải, Vô Thượng sĩ, Điều ngự
Trượng phu, Thiên Nhơn Sư, Phật). Có nghĩa: sừng sựng vậy, không từ đâu mà lại,
cũng không từ đâu mà đi, nương theo đạo chơn như mà thành bực chánh giác, đó
là chơn thân của Như Lai. Nương theo Đạo chơn như đến ba cõi
để giáo hóa chúng sanh gọi là ứng thân của Như Lai. Kinh Kim
Cang có câu:“Như Lai vô sở tòng lai, diệc vô sở khứ; cố danh Như Lai”(Như
Lai chẳng từ chỗ nào mà lại và cũng không từ nơi nào mà đi; nhưng đâu đâu cũng
có, nên gọi là Như Lai). Như Lai ở đây chỉ cho Đức Phật Thích Ca. Đức Thầy có
viết:
“Nam mô Thích Ca Như Lai,
Ta Bà Giáo Chủ xin Ngài chứng minh”(Kh/Thiện Q.5).
TRỄ CHẦY: Chậm
lụt giải đãi, không tinh tấn chuyên cần. Đức Thầy hằng giục thúc:
“Nếu để trễ chầy e chẳng kịp,
Khuyên ai khuya sớm gắng chuyên cần”.
(Để Chơn Đất Bắc)
KHÙNG ĐIÊN: Danh
xưng của Đức Giáo Chủ. Sở dĩ Ngài tá hiệu Khùng Điên là có nhiều dụng ý:
a)- Đánh lạc hướng người Pháp, khiến họ bớt nghi ngờ, khó khăn, để
Ngài tiện bề giáo hóa chúng sanh.
b)- Đối trị hạng người thường cho mình là khôn ngoan, nhưng họ chỉ
dùng cái khôn ngoan ấy gạt gẫm dân chúng để thủ lợi.
c)- Đối trị các tà thuyết, vì số người nầy ra đời thường hay xưng
hô là Phật Thánh, để lừa dối người nhẹ dạ mê tín, nhưng hành động của họ không
giống Phật Thánh chút nào.
Còn phần Đức Thầy tuy xưng hiệu Điên Khùng, nhưng Ngài cảm hóa
nhân sanh với lòng từ bi, xả kỷ lợi tha, với giáo lý chơn chánh của Phật Đà:“Khùng
huyền cơ Khùng đạo Thích Ca”và:“ Điên như Ta, Điên giống
Tiên rồng, Điên gỡ ách xích xiềng thế tục”(Diệu Pháp Quang Minh).
THẦN TIÊN:
(Xem lại chú thích nơi câu 24 trên).
TRÍ HIỀN: Trí sáng suốt hiền lành, có
diệu năng đoạn trừ những phiền não mê hoặc.
TÂM ĐỨC: Lòng trong sạch, bình đẳng từ
bi, không duyên theo ngoại cảnh, thường ban phúc lạc cho toàn thể chúng sanh mà
tâm hằng thanh tịnh làu làu, không hề bị nhiễm ô trần trược.
THAU RA VÀNG:
Thau là loại đồng pha kẽm, sắc vàng nhợt. Vàng là loại kim quí, sắc vàng ánh.
Hễ vàng thau pha lộn thì vàng mất giá trị, bằng lọc hết thau ra, còn lại vàng y
(ròng). Ý nói tâm của mỗi người từ vô thỉ bị phiền não, vọng tưởng xen tạp nên
gọi là chúng sanh. Nếu nay biết giác ngộ tu hành, đoạn trừ hết vô minh vọng
hoặc thì còn lại là chơn tâm hay Phật tánh.
CỠI THOÀN:
Ngồi trên thuyền (ghe). Lúc Đức Thầy mới ra đời, có chèo thuyền dạo lục châu để
thức tỉnh nhân sanh. Đây còn có nghĩa: Ngài dùng trí tuệ siêu mầu (Thoàn Bát
Nhã) viết ra Kinh Giảng giác tỉnh kẻ còn mê sớm hồi tâm hướng thiện, như Ngài
thường cho biết:“Con thuyền Bát Nhã xa khơi”(Cảm Tác). Hay
là:
“Thuyền Bát Nhã ta cầm tay lái,
Quyết đưa người khỏi bến sông mê”.
(Diệu Pháp Quang Minh)
DÒNG NƯỚC CHIỀU MƠI: Ý nói nước dưới sông có lúc lớn, lúc ròng, khi chảy lên, khi
chảy xuống, không ngừng nghỉ. Chiều ở chỗ nầy, mai ở chỗ khác. Nghĩa bóng là
chỉ cuộc thăng trầm suy thạnh của dòng đời cứ thay đổi theo thời gian. Thế thì
bước đường truyền giáo của Đức Thầy cũng rày đây mai đó.
NỢ NƯỚC ĐỜI: Nợ
nước và nợ đời, có nghĩa như chữ nợ thế. Đây ý nói trước cảnh “Quốc phá gia
vong”, Đức Thầy có bổn phận đền nợ Quốc dân và nghiệp nguyện cứu độ chúng
sanh:“Nợ cùng bách tính hỡi còn vương”(Tặng Bác sĩ Cao Triều
Lợi).
THIÊN CƠ: (Xem lại chú thích tại tr. 64
Tập 1/3).
ĐẠO LÝ: (Xem lại chú thích tại
tr. 128-131 Tập 1/3).
CHÁNH VĂN
169. Chữ vinh chữ nhục mấy hồi,
Đến khi thất vận làm mồi yêu tinh.
Tu rèn tâm trí cho minh,
172. Tánh kia thành kiếng phỉ tình chùi lau.
Hiểu rồi những việc lao-đao,
Ở cùng cô bác làm sao cho tròn.
Kính yêu nào phải hao mòn,
176. Ở cho phải nghĩa lòng son mới vừa.
Nghinh-ngang hỗn-ẩu phải chừa,
Bà con nội ngoại dạ thưa mới là.
Xóm diềng phải ở thật-thà,
180. Dầu không quen biết cũng là như quen.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 169 đến câu 180):
-Cuộc thạnh suy, vinh nhục của dòng đời, thay đổi rất mau lẹ,
không thể lường trước được. Lúc vinh hiển, nếu con người chẳng giác tỉnh tu
hành, đến khi thất thời ắt của cải và thân xác phải làm mồi cho kẻ hung tàn
giặc cướp. Cốt yếu của sự tu là hành giả phải rèn luyện tâm trí cho được thanh
tịnh sáng suốt, tuy có tốn nhiều công phu, nhưng đến khi kiến tánh thành Phật
thì thỏa lòng biết mấy !
-Khi đã hiểu rõ sự lao khổ sắp tới, Đức Thầy dạy nhà tu nên đối xử
tốt đẹp với chòm xóm cô bác, ăn ở đúng theo Đạo nghĩa, biết lễ phép kính nhường
và thương mến giúp đỡ mọi người.
-Cần chừa bỏ những lời ngang tang hỗn láo, đối với bà con nội
ngoại phải lễ độ khiêm cung, với thôn xóm luôn vui vẻ trong việc giao tiếp, đâu
đó đều được hòa hài chơn thật.
CHÚ THÍCH :
THẤT VẬN: Lỡ vận, hết thời: “Anh
hùng lỡ vận lên nguồn đốt than”.(Ca dao)
CHO MINH: Cho được sáng suốt.
TÁNH KIA THÀNH KIẾNG: Ý nói tâm tánh của mỗi chúng sanh từ khi bị vô minh ô nhiễm trở
nên mờ ám. Nay giác ngộ tu hành, cố diệt trừ phiền não và trau giồi cho được
trong sáng như mảnh gương, tất sẽ soi các sự vật một cách rõ ràng và chứng
thành Đạo quả. Trong Khế Kinh có lời kệ:
“Phật, Tiên, Kinh, Luật tại lòng ta,
Trong nhà có báu kiếm đâu
xa.
Cầm xem cho kỹ hồi sanh
nhựt,
Tánh mình trong sạch Phật
là Ta”.
Đức Thầy nay cũng từng bảo trong “GMTK, Q.4”:
“Tâm sáng suốt như Đài nguyệt kiếng,
Tánh trong như nước bích
mùa Xuân”.
PHỈ TÌNH: Thỏa
lòng. Ý nói sự tu hành tuy rất dày công cực nhọc, nhưng đến khi kết quả viên mãn
là thỏa lòng, mãn nguyện. Đức Thầy nói:
“Hết khổ lao thì đến vui cười,
Chừng đó mới phỉ tình nguyện ước”.(GMTK, Q.4).
LAO ĐAO: Lận đận khó khăn, tai nạn
khổ sở. Ví dụ: Kiếp sống lao đao, thời vận lao đao.
PHẢI NGHĨA: Đúng
với Đạo nghĩa, hợp với lẽ phải.
LÒNG SON: (Xem lại chú thích tại tr.
239 Tập 1/3).
NGHINH NGANG:
(Xem lại chú thích nơi câu 125 trên).
HỖN ẨU: Hỗn và vô lễ, lầm lộn,
không có thứ tự. Ẩu là đánh lộn lẫn nhau. Chữ hỗn ẩu ở đây chỉ cho sự phạm
thượng, vô lễ không biết nhường nhịn ai.
XÓM DIỀNG:
Hàng xóm lân cận với nhau:“Cơm ăn chẳng hết thì treo. Việc làm chẳng hết thì
kêu láng diềng”(Tục ngữ).
THẬT THÀ: Chơn chất hiền lành, không
giả dối. Ví dụ: Ăn nói thật thà, tánh tình thật thà.
CHÁNH VĂN
181. Ở cho cha mẹ ngợi khen,
Gặp người lâm nạn đua chen giúp giùm.
Xác thân là cái gông cùm,
184. Nếu làm chẳng trọn thú hùm xé thây.
Cho rồi nhơn-nghĩa mới hay,
Lễ-nghi phong-hóa đổi thay làm gì ?
Từ đây biến đổi dị-kỳ,
188. Dương-thế chuyện gì cũng có chuyển lay.
Rèn tâm cho được thẳng ngay,
Khỏi nơi tà quỉ một mai thấy đời.
Cũng là người ở trong Trời,
192. Cớ sao ăn ở nhiều lời ngổn-ngang.
Hung hăng ỷ của giàu- sang,
194. Chẳng kiêng Trời Phật mê-man ỷ tiền.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 181 đến câu 194) :
-Bổn phận làm con biết ăn ở đúng theo đạo nghĩa, sẽ được cha mẹ
vui lòng mà khen thưởng, và mỗi khi gặp người mắc nạn nên hăng hái tìm cách
giúp đỡ. Vì xác thể
con người thường bị ý dục ràng buộc như tù ngục. Nếu những ai đối xử không trọn
đạo, sẽ bị luật Trời trừng phạt bằng cách có thú dữ phân thây.
-Đức Thầy kêu gọi bá tánh, cần cư xử đúng Đạo
làm người. Những qui tắc và phong tục của Tổ tiên đã giáo hóa, ta có bổn phận
gìn giữ và thiệt thi, không nên học đòi thói mới của Âu Tây mà thay đổi khác
đi. Bởi thời Hạ ngươn sắp mãn để chuyển sang Thượng ngươn nên mỗi sự vật trong
thế giới đều thay đổi; cuộc đổi xấu ra tốt rất nhiệm mầu kỳ bí, không ngờ trước
được.
-Vậy ai là người thức thời nên tu rèn tâm trí
cho được ngay chánh sáng mầu để sau nầy kiến diện cảnh Thượng ngươn Thánh đức.
Ta nên xét, cũng là một con người trong nhân loại, nhưng tại sao người ta biết
tiến lên quả vị Phật Tiên, còn mình lại ăn ở ác hung và khi dể Phật Trời làm
chi cho mang tội khổ. Đức Thầy hằng cảnh giác trong bài “Không Buồn Ngủ”:
“Giàu sang lắm kẻ vô nghì,
Ỷ mình trên bực kể gì nghĩa nhân.
Chẳng kiêng chẳng nể Phật Thần,
Suy mưu làm quấy nghiệp trần phải mang”.
CHÚ THÍCH :
GÔNG CÙM: Gông là đồ làm bằng tre hay bằng gỗ.
Cùm cũng gọi là còng, vật làm bằng hai miếng ván ghép lại, có lổ vừa để giữ
chân tay tội nhơn, thời nay người ta làm còng bằng sắt, có ổ khóa.
NHƠN NGHĨA: (Xem lại chú thích tại tr.275 Tập 1/3).
LỄ NGHI: Nghi thức và lễ nghĩa.
PHONG HÓA: Phong tục và sự giáo hóa của một Quốc gia
hay một dân tộc. Trong bài “Diệu pháp Quang Minh”, Đức Thầy có câu:
“Tùy phong hóa dân sanh phù hạp,
Chấp bút Thần tả ít bổn Kinh”.
BIẾN ĐỔI: Sự thay đổi ra khác, từ hình thức công
dụng nầy ra hình thức công dụng khác. Ví dụ: Đời có nhiều biến đổi không ngờ.
DỊ KỲ: (Xem lại chú thích tại tr. 179 Tập
1/3).
MỘT MAI: (Xem lại chú thích nơi câu 2 trên).
NGỔN NGANG: Bừa bãi, bộn bề, chỉ những người ăn nói
ngang tàng, không chừng mực.
HUNG HĂNG: Hung dữ bạo tợn.
CHẲNG KIÊNG: Không kiêng dè vị nể ai. Chỉ cho người
ngang tàng vô lễ.
MÊ MAN: Mải mê, quá đắm say.
CHÁNH VĂN
195. Dạy rồi cái đạo tu hiền,
Làm trai nhỏ tuổi tình duyên đang nồng.
Cũng đừng ghẹo gái có chồng,
Cũng đừng phá-hoại chữ đồng gái trinh.
Ra đường chọc ghẹo gái xinh,
200. Nữa sau mắc phải yêu-tinh hư mình.
Xử cho vẹn chữ nghĩa tình,
Vâng lời cha mẹ mà gìn gia-cang.
Nghiêm-đường chịu lịnh cho an,
204. Loạn-luân cang-kỷ hổ mang tiếng đời.
Anh em đừng có đổi dời,
Phụ-phàng dưa muối xe lơi nghĩa-tình.
Tuy là Trời đất rộng thinh,
208. Có Thần xem xét phân minh cho người.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 195 đến câu 208) :
-Sau khi chỉ dạy về phương thức làm lành lánh dữ, Đức Thầy khuyên
răn trong hàng thiếu niên, lúc tuổi còn xuân, dầu dục tình đang hăng phát, cũng
không nên phá hoại tiết trinh của vợ con người. Kẻ nào thấy gái đẹp hay chọc
ghẹo, sau nầy bị lầm lạc yêu tinh, làm hư thân mất mạng.
-Đối với gia đình thân tộc phải giữ vẹn nghĩa tình, mỗi việc chi
đều đợi lịnh của cha mẹ, nhứt là những lời dạy bảo chánh đáng, đều triệt để
vâng lời. Phải tôn trọng nền cương thường đạo lý, từ gia đình đến bà con nội
ngoại trong thân tộc, chẳng nên hành động loạn luân, bất chánh mà bị tiếng đời
cười chê, xã hội ruồng bỏ.
-Việc đối xử giữa anh em cần biết kính thuận lẫn nhau, tình nghĩa
luôn đậm đà thương mến, không nên vì hoàn cảnh riêng tư, hay sang hèn mà thay
lòng phụ nghĩa. Tuy là trời đất mênh mông, nhưng lời nói riêng của mỗi người
trong thế gian, Trời nghe như sấm nổ, còn lòng tính quấy trong nhà kín, song
mắt của Thần Thánh thấy rất rõ ràng.(Nhơn gian tư ngữ Thiên văn như lôi, Ám
khuất khuy tâm Thần mục như điển – sách “Minh Tâm Bửu Giám”.)
CHÚ THÍCH :
ĐẠO TU HIỀN:
Con đường làm lành lánh dữ. Cũng có nghĩa: Bổn phận của người tu hiền.
TÌNH DUYÊN: Cũng
gọi là duyên tình. Tình ái ân của vợ chồng.
NỒNG: Hăng quá, gắt quá, mùi làm
nực mũi. Nghĩa bóng là rất mực đậm đà.
CHỮ ĐỒNG GÁI TRINH: Sự trinh tiết của người con gái lúc chưa lấy chồng, chưa bị thất
trinh.
NGHĨA TÌNH:
Cũng gọi là tình nghĩa: Tình cảm và ân nghĩa. Ý chỉ việc cư xử với nhau có ân
nghĩa mực thước đứng đắn. Ví dụ: Tình nghĩa anh em còn hoài.
GIA CANG: (Xem lại chú thích tại tr. 74
Tập 1/3).
NGHIÊM ĐƯỜNG: Người
cha. Người Việt Nam đang ở chế độ phụ quyền (người cha là gia trưởng).
LOẠN LUÂN: Làm
rối loạn luân thường đạo lý, lấy một người trong bà con, thân tộc mà phong tục
và luật pháp nghiêm cấm, là bị tôi loạn luân.
CANG KỶ: Cũng gọi là cương kỷ hay
kỷ cương, có nghĩa: giềng mối trong luật lệ, tức là trật tự, ngăn nắp của gia
đình, đoàn thể, xã hội, quốc gia. Ví dụ: Ăn ở phải có kỷ cương. Đức Thầy nói
trong bài “Cảm Tác”:
“Có đâu như thể bây chừ,
Loạn luân cang kỷ bất từ
bất lương”.
PHÂN MINH:
Rõ ràng, rành mạch, rạch ròi. Ví dụ: Ăn ở phân minh, xử đoán phân minh
Đăng nhận xét