CHÚ GIẢI QUYỂN SÁU CÁCH TU HIỀN VÀ SỰ ĂN Ở CỦA MỘT NGƯỜI BỔN ĐẠO
CHÁNH VĂN : ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ
CHÚ GIẢI : THIỆN TÂM
LƯU HÀNH NỘI BỘ
(Cũng có tên là “TÔN CHỈ HÀNH ĐẠO”)
Quyển Sáu xuất xứ từ phần nhứt (SẤM GIẢNG GIÁO LÝ) trong “SẤM
GIẢNG THI VĂN TOÀN BỘ”. Quyển nầy do Đức Huỳnh Giáo Chủ viết khoảng tháng 5 năm
1945 (Ất Dậu) trong lúc Ngài còn ở Sài Gòn.
Ngài viết Quyển Sáu bằng thể văn xuôi, lối thuyết giáo. Còn
bài “Lời Nói Đầu”, trước kia là một văn thư Đức Giáo Chủ viết gởi kèm theo
Quyển Sáu và ký biệt danh là “HÒA HẢO”.
Trong nội dung bài “Lời Nói Đầu”, Đức Thầy cho biết các lý do
khiến Ngài sáng tác và khuyên mọi người cần gìn giữ, tu tập đúng theo qui tắc
của Đạo, để xứng đáng là một tín đồ hầu khỏi phụ công ơn của Đức Bổn Sư Thích
Ca Mâu Ni, đấng đã khai sáng Đạo Phật.
LỜI NÓI ĐẦU QUYỂN 6
CHÁNH VĂN
Năm năm trường xa cách, cái chánh-sách áp bức tôn-giáo gắt-gao của
người Pháp làm cho tôi không được gần-gũi các người hầu giải-bày tường-tận
Tôn-Chỉ Hành-Đạo của tôi.
Ấy không phải vì tôi cố
ý muốn xa lánh các người, song chẳng qua vì sự bắt-buộc của kẻ cường-quyền nên
tôi và các người không được trực-tiếp cùng nhau. Tuy nhiên cũng có lắm
thiện-nam tín-nữ rất trung-thành, một lòng gìn Đạo. Nhưng gần đây có vài kẻ
hiểu lầm, hành-động một vài điều không hợp với tinh-thần đạo-đức, trái
chủ-nghĩa từ-bi bác-ái và sự cao-thượng của giáo-pháp nhà Phật. Thế nên điều ấy
làm cho quyển sách nhỏ nầy ra đời. Vậy từ nay trở đi tôi ước mong rằng với vài
điều sơ-lược kể ra sau đây, toàn thể thiện-nam tín-nữ trong Đạo sẽ dùng trí-tuệ
mình, suy-gẫm gìn-giữ ăn ở theo quy-tắc đã định, đặng tránh những việc đáng
tiếc xảy ra, hầu giữ tròn danh-giá của Đạo Phật. Như thế chẳng phụ công ơn của
Đức Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Ni đã khai sáng Đạo Phật và đã dìu-dắt quần-sanh tầm
đường giải-thoát.
Nam-Mô Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật
HOÀ – HẢO
( SGTVTB 2004, tr.177 )
LƯỢC GIẢI :
Bởi lúc bấy giờ người Pháp dùng chánh sách đàn áp các Đạo giáo,
nhứt là Phật Giáo Hòa Hảo, nên sau khi khai Đạo chưa đầy một năm thì họ bắt Đức
Thầy lưu đi. Suốt thời gian 5 năm Ngài không được trực tiếp hướng dẫn tín đồ.
Tuy nhiên, phần đông bổn đạo có thiệt thi đúng theo giáo lý, nhưng cũng còn một
số hành động trái với tinh thần cao cả của Đạo Phật.
Do đó, Ngài viết Quyển Sáu gởi về khuyên khắp môn đồ phải hành sử
đúng theo các qui tắc ấn định trong đây, hầu tránh những việc sơ suất và tránh
phụ công ơn của Đức Bổn Sư Thích Ca đã khai sáng Đạo Phật cùng dìu dắt quần
sanh tầm đường giải thoát.
CHÚ THÍCH :
NĂM NĂM TRƯỜNG: Năm
năm dài. Ý chỉ từ tháng Tư năm Canh Thìn (1940), Đức Thầy bị người Pháp lưu
đày. Đến khi Ngài viết quyển Sáu là tháng 5 năm Ất Dậu (1945), tính theo thời
gian ấy là 5 năm Ngài phải xa cách tín đồ.
CHÁNH SÁCH: Cũng
gọi là chính sách. Có nghĩa phương cách và kế hoạch của một chánh quyền.
ÁP BỨC: Ép buộc, bức hiếp bằng
sức mạnh của người có quyền thế. Ví dụ: dùng quyền lực áp bức dân chúng.
TÔN GIÁO: Tiếng dùng gọi chung
các nền Đạo có tín ngưỡng và đường hướng dẫn dắt nhân sanh hành thiện tránh ác.
Thuở loài người chưa tiến bộ, họ lấy cục đá, gốc cây…làm vật thờ
cúng, sau mới thờ các vị thần. Tôn giáo lúc đó cho rằng các vị thần cũng có hình
thể, tâm tánh như con người, nhứt là ở các nước như Ai Cập, Ba Tư, Hy Lạp, La
Mã… Bấy giờ người ta lấy sự thờ kính của một vị thần (Độc thần giáo), hay nhiều
vị (Đa thần giáo) làm chủ đích để tin theo. Đó là họ chỉ chú trọng về phần tín
ngưỡng thôi.
Lần lượt khoa học tiến bộ, các vị Thánh triết ra đời, mở rộng con
đường đạo lý. Vào đầu Tây lịch kỷ nguyên Chúa Gia Tô xuất hiện, lập nên Tôn
Giáo Cơ Đốc truyền bá ở Âu Châu.
Riêng về Á Châu có Phật Giáo là nền Đạo thuần nhứt, do Đức Thích
Ca Mâu Ni sáng lập, đem giáo thuyết từ bi bình đẳng giáo hóa chúng sanh, đến
nay có trên 2.500 năm mà nhân loại khắp thế giới, càng lúc càng phụng hành đông
đảo.
Xét cho kỹ, Phật Giáo không thể gọi là Tôn Giáo như các Đạo nói
trên, vì Phật Giáo có một nền giáo lý thực tế, áp dụng vào đời sống thiết thực
cho nhân sinh. Nói rõ hơn giáo lý Phật Giáo gồm đủ: Tâm – vật – lý mà siêu tâm
– vật – lý và lúc nào Phật Giáo cũng tiến trước khoa học.(Trước đây 25 thế kỷ,
Phật đã biết trong nước có vi trùng và ngoài địa cầu ta ở có vô số địa cầu và
hành tinh khác. Còn khoa học mới phát sinh và thấy được sau đó rất lâu.)
TÔN CHỈ: Ý chỉ chính xác. Cũng
có nghĩa đường lối vạch sẵn, để thực hành theo hầu tiến tới mục đích. Đây ý nói
cách ăn ở và phương thức tu hành trong quyển sách nầy là “Tôn chỉ’ của
PGHH, nếu ai trì hành đúng theo, sẽ đạt đến mục đích ( giải thoát ) của Đạo.
CƯỜNG QUYỀN:
Quyền thế mạnh mẽ. Ý chỉ nhà đương cuộc Pháp bấy giờ (1939-1945).
TRUNG THÀNH:
Ngay chánh và thành thật, tức người có lòng thành thật trước sau như một chẳng
hề thay đổi. Ví dụ: trung thành với tổ quốc, trung thành với Đạo pháp.
Đức Thầy có câu:
“Ghi biên những kẻ quá lương hiền,
Một mực trung thành với Phật Tiên”.
ĐẠO ĐỨC: Đạo có nhiều nghĩa. Đạo
là con đường của tâm hồn; Đạo là bổn phận của con người; Đạo là bản thể tuyệt
đối. Đức là tâm lành, là thể hiện của nhân lành: từ bi, bình đẳng. “Tinh
thần đạo đức” là tinh thần cao thượng:“Từ bi, bác ái, dĩ đức háo
sanh, khoan hồng, đại độ..“.
Hoặc là: “Đạo đức gắng công nên cách mặt.”
Và “Ơn nhà Đạo đức quyết
đền ân. “
CHỦ NGHĨA: Cái
tiêu chuẩn căn bản về lý tưởng của một tôn giáo hay một học thuyết mà người ta
đang tín ngưỡng và quyết định thực hành theo.
TỪ BI: (Xem chú thích chữ Từ
Bi trong ân Đồng Bào và Nhân Loại, Q. Thượng, Tập 1/3, tr. 40)
BÁC ÁI: Lòng thương yêu rộng
lớn:
“Bác ái xả thân tầm Đạo chánh.”
GIÁO PHÁP:
Cũng gọi là Pháp giáo hay Phật pháp tức là do vô số lời lẽ của Đức Phật thuyết
ra suốt 49 năm để giáo hóa chúng sanh. Sau đó các đại đệ tử kết tập lại thành
Tam tạng: Kinh, Luật, Luận. Như tất cả Kinh Giảng lời lẽ chỉ dạy của Đức Thầy
hiện giờ cũng gọi là giáo pháp. Giáo Pháp là một trong 3 ngôi quí báu: Phật,
Pháp, Tăng. Xưa nay người tu Phật đều nhờ nương theo Giáo pháp mà được tỏ ngộ
chân tánh, thành Đạo giải thoát:
“Tìm tõi Đạo mầu
trong Phật pháp,
Cho đời hiểu rõ lý chơn không.”
TRÍ HUỆ: Phạn ngữ Prajna, phiên
âm là Bát nhã, dịch là trí tuệ hay trí huệ, có nghĩa sáng suốt. Hiểu
rành các sự việc về hình tướng (hữu vi) gọi là trí; sáng thông mọi lẽ,
mọi pháp về nội tâm (vô vi) gọi là huệ. Nghĩa chung là sự thấy biết
thông suốt các pháp vô vi, hữu vi và cả ba đời: quá khứ, hiện tại, vị lai một
cách rõ ràng, không hề bị một sự vật nào làm ngăn ngại. Trí huệ phản
nghĩa với mê si (vô minh) và phiền não. Vì các món ấy là mê tối,
lầm lạc và tội ác; còn trí huệ là sáng suốt, chơn chánh, ví như ngọn đèn
soi tan bóng tối. Trí huệ khác hơn thế trí biện thông (kiến thức)
bởi thế trí do học mà biết, còn trí huệ do nơi tu hành mà thông
đạt, rốt ráo cùng tột.
Trí huệ là một trong Lục độ
vạn hạnh của chư Bồ tát: Bố thí, Nhẫn nhục, Trì giới, Tinh tấn, Thiền định,
Trí huệ; nhưng trí huệ siêu việt hơn và bao gồm 5 độ kia. Đức Thầy hằng
dạy:
“Trí huệ trau giồi kiếm nẻo thanh”.
Hoặc: “Nương theo đuốc huệ tầm chơn lý.”
QUI TẮC: Do chữ qui củ chuẩn
thằng. Qui là cái đồ vẽ hình tròn (compas), củ là cây thước vuông dùng để
đo góc. Chuẩn thằng là sợi dây tiêu, dây mực. Nhờ các món ấy người thợ mới làm
nên món đồ ngay thẳng khéo đẹp. Nghĩa rộng chỉ cho luật lệ, phép tắc.
Chữ qui tắc ở đây Đức Thầy chỉ cho quy luật nghi thức của Đạo mà
mỗi tín đồ phải hành trì cho đúng theo đó.
BỔN SƯ: Ông Thầy căn bản. Theo
Phật Giáo thì Đức Thích Ca Như Lai là vị Thầy căn bản (cội gốc), vì Ngài là
đấng Giáo Chủ khai sáng Đạo Phật.
“Nam Mô Thích Ca Như Lai,
Ta Bà Giáo Chủ xin Ngài chứng minh.”
THÍCH CA:
Phiên âm của Phạn ngữ Sakya, họ của Phật. Tàu dịch là Năng Nhơn. Có nghĩa:
người có năng lực từ bi rộng lớn, Ngài dùng mọi phương tiện giáo độ tất cả
chúng sanh. Đức Thầy có câu: “Khùng huyền cơ Khùng Đạo Thích Ca”.
(Xem thêm Q. Thượng, Tập 2/3, tr. 113.)
MÂU NI: Phiên âm của Phạn ngữ
Mouni, dịch là Tịch Mặc. Có nghĩa trong sáng và lặng lẽ. Tuy làm các hạnh lành,
giúp thế độ đời mà lòng vẫn an nhiên trong sạch, không hề xao động thiên chấp.
GIẢI THOÁT: Cởi
mở sự ràng buộc, đeo níu; chỉ cho người giải thoát khỏi sáu nẻo luân hồi sanh
tử. Giải thoát là một trong nhiều nghĩa của chữ Niết Bàn. Đức Thầy có câu: “Mong
bá tánh vạn dân giải thoát.”
Đức Thầy viết Quyển 6 vào
khoảng tháng 5 năm 1945 ( Ất Dậu ) tại Sài Gòn.
Đại lược Quyển 6 gồm có nhiều đề tài ngắn như: Tứ ân, Thập ác, Bát
chánh đạo, Nghi thức thờ phượng, Hành lễ, Tang ma, Hôn nhơn, Lễ bái, Cầu
nguyện, cách xử thế tiếp vật, … và Giới luật, mà cả thảy tín đồ PGHH đều xem
đây là “Tôn Chỉ Hành Đạo”, là giáo lý căn bản cần được chấp hành nghiêm
chỉnh trên đường Tu nhơn cũng như Tu Phật.
CHÁNH VĂN
(Đoạn mở đề)
Đạo Phật từ xưa đến nay luôn luôn phân làm hai hạng người:
1) Hạng xuất gia.
2) Hạng tại gia.
HẠNG XUẤT GIA: Gồm có các nhà sư hay những ni-cô đã hoàn toàn ly
khai với gia-đình, quê-hương, bè-bạn, dựa thân vào cửa Thiền hoặc núi non
am-cốc, hằng ngày chỉ chuyên lo kinh kệ, săn-sóc cảnh dà-lam, trau-luyện đức
lành, giồi-mài trí-tuệ hầu giảng-giải cho bá-tánh, thập phương nghe để quày đầu
hướng thiện quy-y Phật pháp, không còn thiết đến việc đời. Gia đình nhà-cửa của
nhà sư là cả thế-gian, thân-quyến nhà sư là khắp cả nhân-loại đại-đồng.
Đó là hạng người dốc tu cho mau thành Phật-quả, thoát kiếp
luân-hồi.
HẠNG TẠI GIA: Gồm tất cả đại-chúng, tất cả thiện-nam tín-nữ chưa
đủ những điều-kiện xuất-gia, vì cảm thấy mình còn nặng nợ với non sông tổ-quốc,
với gia-đình, với đồng-bào xã-hội, nên chưa thể làm như các nhà sư hay ni-cô
đặng. Tuy vậy họ cũng sẵn-sàng hoan-nghinh ca-tụng lý-tưởng từ-bi bác-ái
đại-đồng của nhà Phật và Luật Nhân-Quả do Phật thuyết ra. Thế nên ở tại nhà, họ
phượng thờ Đức Phật, phát-nguyện quy-y, giữ gìn ít điều giới-luật, hằng coi
kinh sách, sửa tánh, răn lòng, ủng-hộ các nhà sư. Như thế họ cũng lần lần lên
con đường giải-thoát.
Đây là hạng người học Phật tu Nhân.
Bàn xét như trên, thấy rằng toàn thể trong Đạo chúng ta thuộc hạng
tại-gia cư-sĩ, học Phật tu Nhân vậy.
Sách xưa có câu: “Thiên kinh vạn điển hiếu nghĩa vi tiên” (muôn
vạn quyển kinh của Phật Thánh Tiên đều dạy sự hiếu nghĩa làm đầu). Hôm nay đã
quy-y đầu Phật tu niệm tại-gia, ta hãy cố-gắng vưng lời Thầy, Tổ đã dạy, lo
tròn câu hiếu-nghĩa.
Đức Thầy Tây-An thuở xưa thường khuyến-khích các môn-nhơn đệ-tử
rằng: muốn làm xong hiếu nghĩa có bốn điều ân ta cần phải hy-sinh gắng-gổ mới
mong làm trọn.
1.- Ân Tổ-Tiên cha mẹ,
2.- Ân Đất-Nước,
3.- Ân Tam-Bảo,
4.- Ân Đồng-Bào và Nhơn-loại ( với kẻ xuất gia thì ân đàn-na thí-chủ ).
( SGTVTB 2004, tr. 179-180 )
LƯỢC GIẢI :
(Đoạn mở đề)
Bởi tùy theo căn cơ và hoàn cảnh thích hợp với người tu hiện thời,
nên Đức Thầy lược kể những cương yếu, cho mỗi tín đồ tiện bề tu học đúng theo
tôn chỉ của Đạo.
Trước hết Ngài nhận xét về hai hạng tu: xuất gia và tại gia đã có
trong Đạo Phật từ trước. Để rồi Ngài xác định hầu hết môn đồ PGHH đều là hạng “tại
gia cư sĩ học Phật tu Nhân”, mà chính Ngài đã nêu gương hạnh, trong một
đoạn giảng:
“Ta là cư-sĩ canh điền,
Lo nghề cày cuốc cũng chuyên tu hành.
Xa nơi tranh-đấu lợi-danh,
Giữ lòng thanh-tịnh tánh lành trau-tria.
Gắng công trì niệm sớm khuya,
Thân tuy còn tục tâm lìa cõi mê”.
Vì rằng xuất gia với hình thức suông, cũng chưa giải thoát luân
hồi mà phải xuất gia bằng nội tâm, mới ra khỏi nhà lửa tam giới. Sở dĩ Ngài đề
vạch tôn chỉ Học Phật Tu Nhân, là vì nếu người riêng tu Nhân mà không tu Phật
thì chỉ tiến tới bực siêu nhân thôi, chớ chưa thoát vòng sanh tử. Bằng chỉ tu
Phật, chẳng hành xử Đạo Nhân, tuy được phần tự giác và nhàn tịnh, nhưng dễ bị
kẹt vào tư tưởng tiêu cực, yếm thế, không thực hiện được tình từ bi cao thượng
trong quảng đại quần chúng. Đã không đền được nợ thế, lại thiếu phần nhân nghĩa
phước đức, như Đức Thầy hằng khuyên:
“Tu đền nợ thế cho rồi,
Thì sau mới được đứng ngồi tòa sen”.
Và:
“Bạch trinh giữ lấy nghĩa nhân,
Muốn về cõi Phật, lập thân cõi trần”.
Vậy nhà tu có lập thân cõi trần mới trả xong nợ thế, và thiệt thi
được lòng giác tha để đạt đến giác hạnh viên mãn, chứng thành Phật quả.
Lại nữa, Đạo Nhân như nấc thang đầu, Đạo Phật như nấc thang chót,
nếu hành giả bước nấc đầu rồi đứng đó, ắt không bao giờ đạt được mục đích. Bằng
muốn leo lên nấc thang chót mà chẳng chịu bước nấc đầu, cũng không khi nào kết
quả. Cho nên cả Đạo Nhân và Đạo Phật, người tín đồ PGHH phải đồng hành cho trọn
vẹn.
Tóm lại, có tu nhân mới trả xong nợ thế, dứt nghiệp sanh tử và tạo
được vô lượng phước đức để làm nền tảng trên đường giải thoát. Và có tu Phật
mới diệt tận phiền não vô minh, để trí huệ phát khai, kiến tánh thành Phật,
hoặc siêu sanh về Lạc quốc. Đức Thầy đã viết một bài thi hàm chứa cả tu Nhân
lẫn tu Phật:
“Nhơn sanh hiếu nghĩa dĩ vi tiên,
Hành thiện tri kinh thị sĩ hiền.
Kiếm huệ phi tiêu đoàn chướng nghiệp,
Phật tiền hữu nhựt vĩnh an nhiên”.
(Câu 1 và câu 2 của Bài thi dạy về tu Nhân. Câu 3 là dạy cách học
Phật và tu Nhân. Câu 4 chỉ cho sự kết quả của người tu.)
CHÚ THÍCH :
SƠ LƯỢC: Lược qua những phần
cương yếu, cần thiết, chớ không lý luận dài dòng chi tiết. Đức Thầy nói: “Lấy
yếu lược đôi câu mà trần tố”.
TU HIỀN: Trau giồi những điều
phước lành tốt đẹp và chừa bỏ những điều xấu xa tội ác, rèn luyện cả khả năng
và đức hạnh. Nên chữ tu hiền ở đây gồm cả tu Nhân và tu Phật. Kinh Minh
Thánh có câu:“Bất du Thánh Đạo, an đắc vị hiền” (Không vào Thánh Đạo sao
gọi là người hiền). Đó là tu Nhân. Còn trong bài qui y, Đức Thầy dạy: “Qui
y theo mấy Ngài tu hiền theo Phật Đạo”. Bởi có tu hành theo Phật
Đạo mới được trọn lành, trọn sáng; ấy là tu Phật.
ĐẠO PHẬT: Cũng
gọi là Phật Đạo hay Phật Giáo, là một trong những nền Đạo lớn nhứt trong thế
giới. Phát khởi từ cõi Thiên Trước (Ấn Độ), do Đức Thích Ca làm Giáo Tổ, trước
Tây lịch 544 năm. Là nền Đạo dạy người tự tu, tự ngộ, tự giác, giác tha, và
giác hạnh viên mãn, tức là thành Phật, nhằm mục đích giải khổ cho toàn thể chúng
sanh.
Sau Đức Thích Ca tịch diệt thì các vị Tổ kế truyền, và những nhà
tu đắc đạo tiếp tục quảng bá Đạo Phật lan rộng trong nhân gian. Hiện nay có hơn
800 triệu tín đồ sùng ngưỡng, chiếm tỷ số hơn một phần ba thế giới. (Ban HĐ:
Theo Từ Điển Bách Khoa Toàn Thư Wikipedia, số tín đồ PG trên thế giới rất khó
ước tính và có sự sai biệt rất lớn giữa các nguồn cung cấp, một ước tính mới
nhất mà Bộ Từ Điển nầy ghi trong năm 2011, số tín đồ PG như sau: Thế giới:
1.548.258.682 người/6.671.226.000 dân số thế giới, chiếm 23,208%; Việt
Nam : 72.473.003 người/85.262.352 dân số VN, chiếm 85%; Hoa Kỳ:
6.022.799 người/301.139.947 dân số HK, chiếm 0,2%; …). Phật Giáo là tôn giáo có
đông tín đồ hàng thứ 3 sau Cơ đốc giáo (Christianity) và Hồi giáo (Islam) – một
ước tính khác ghi hàng thứ 4 tức sau cả Ấn độ giáo (Hinduism).
NHÀ SƯ: Ông thầy tu theo Đạo
Phật, chỉ cho các tăng sĩ Phật giáo, hoặc các Thầy giảng giải giáo lý Đạo
Phật. Nhà Sư là danh từ thông dụng để gọi chung trong giới Tăng Đồ, vừa tu vừa
giảng dạy Đạo Phật cho đại chúng nghe.
NI CÔ: Giới nữ tu hạnh xuất
gia, thường ở chùa hay am cốc.
CỬA THIỀN: Do
chữ Thiền môn. Có nghĩa cửa chùa hay cửa Phật, cũng chỉ cho cửa Đạo:“Đạo
cả nào trông đến cửa Thiền”( ĐT) .
AM CỐC: Am là cái nhà nhỏ, có
trang trí thờ phượng như cái chùa; cốc là hang trên núi hoặc cái lều nhỏ không
cần thờ phượng. Am cốc là nơi các nhà tu ở.
KINH KỆ: Kinh, phiên âm Phạn
ngữ “Tu-đà-la”(sutras) Tàu dịch là tuyến, nghĩa như sợi dây xâu các hột châu
lại thành chuỗi. Tức là Phật nói ra các pháp rồi những đệ tử kết tập lại thành
Kinh, lưu truyền đời sau. Kệ là một thể văn trong Kinh Phật, thường cứ một
thiên kinh là có một bài Kệ, để tán tụng hoặc tóm tắt đại ý hay diễn dịch ra. Chữ
Kinh Kệ nói chung là chỉ cho tất cả lời của Phật của Thầy nói ra để giáo hóa
chúng sanh.
“Kệ Kinh tụng niệm đêm thanh,
Ấy là châu ngọc để dành về sau”. (ĐT)
DÀ LAM: Cũng viết là Già Lam,
nói cho đủ là Tăng già lam. Có nghĩa là cảnh vườn chùa, chỉ chung cho các ngôi
chùa.
BÁ TÁNH: Trăm họ, chỉ chung cho
tất cả mọi người trong thế gian.
THẬP PHƯƠNG:
Mười phương hướng, chỉ cho 8 hướng chung quanh và 2 hướng trên và dưới, tức là:
Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam,Tây Nam, Đông Bắc, Tây Bắc, Thượng phương và Hạ
phương. Thập phương là tiếng chỉ chung cho khắp thế giới hoặc khắp chư Phật hay
chúng sanh.
“Nguyện mười phương chư Phật đáo
lai”.( ĐT)
QUI Y: Qui là nương về. Y là
làm theo. Nghĩa chung là nương về với Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) và trì hành
theo lời pháp giáo của Tổ Thầy đã dạy. Đức Thầy có giải:
“Quy là về, mà về đâu ? Về cửa Phật. Y có nghĩa là vâng lời
theo khuôn mẫu. Vậy qui y đầu Phật là nương nhờ cửa Phật và làm y theo lời Phật
dạy. Phật từ thiện cách nào ta phải từ thiện theo cách nấy, Phật tu cách nào
đắc đạo rồi dạy ta, ta cũng làm theo cách nấy. Thầy cảnh tỉnh giác ngộ điều gì chánh đáng, thì khá vâng lời. Cần
nhứt ở chỗ giữ giới luật hằng ngày”.
“Qui y thì khá làm y,
Giữ lòng thanh tịnh từ bi giúp đời”.( ĐT)
PHẬT PHÁP:
Giáo pháp của chư Phật. Tất cả tam tàng: Kinh, Luật, Luận đã có trong Đạo Phật
từ trước và Kinh giảng của Đức Thầy hiện giờ đều gọi chung là Phật Pháp. Người
tu Phật phải nương theo đó mà tu tập cho đến khi thành Đạo. Giáo pháp là một
trong Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng. Đức Thầy từng khuyên:
“Phật pháp thiền na dốc thật hành”.
ĐẠI ĐỒNG: Rộng lớn, bình đẳng,
không phân biệt giới hạn, giai cấp. Chữ đại đồng ở đây chỉ cho sự bình đẳng
rộng lớn khắp cả nhân loại chúng sanh. Đức Thầy thường cho biết:
“Dựng cuộc hòa minh khắp đại đồng”.( ĐT)
PHẬT QUẢ: Cũng gọi là quả Phật,
chỉ cho các bậc tu hành đã thành Phật, tức là hoàn toàn giác ngộ; gồm đủ tự
giác, giác tha và giác hạnh viên mãn.
LUÂN HỒI: Luân
là bánh xe, hồi là xoay trở lại. Ý nói chúng sanh từ vô thỉ đến nay, hết sống
rồi chết, chết rồi đầu thai trở lại; cứ thế mà lăn lộn xuống lên mãi trong 6
cõi phàm, như bánh xe xoay tròn không có đầu mối. Đức Thầy đã bảo:
“Từ nhỏ tuổi đến người trưởng lão,
Mắc trong vòng sanh tử luân hồi”.
ĐẠI CHÚNG: Số
dân chúng rộng lớn. Ý chỉ cho hầu hết dân chúng.
ĐIỀU KIỆN: Điều
phụ vào, nhưng bắt buộc phải có trong sự cam kết định đoạt.
XÃ HỘI: Những đoàn thể loài
người có mối quan hệ sinh hoạt chung với nhau.
HOAN NGHINH:
Cũng viết là hoan nghênh. Có nghĩa tiếp đón và hoan hô, ca ngợi một cách vừa
lòng vui thích.
LÝ TƯỞNG: Tư
tưởng cao cả và quí đẹp nhất về một vấn đề gì. Ví dụ: Lý tưởng đạo đức trên
hết.
LUẬT NHÂN QUẢ:
Cũng gọi là “Luật quả báo”, tức là định luật trả vay của nhân và quả. Hễ mình
làm việc lành hay dữ thì sớm muộn gì cũng có trả lại quả vui hay khổ. Đức Thầy
cho biết:
“Luật nhân quả thật là cao viễn,
Suốt cổ kim chẳng lọt một ai”.
Sự quả báo có nhiều cách, tạm chia làm 5 phần:
1-Hiện Báo: Quả báo trong một đời, hễ ai tạo việc lành hay
dữ trong kiếp nầy thì sớm muộn gì cũng kết quả vui hoặc khổ trong kiếp nầy.
2-Sanh Báo: Quả báo hai đời, là người gây nhân lành hay dữ
trong đời nầy, qua đời kế đó mới kết quả vui hay khổ, hoặc gây tạo ở kiếp vừa
qua mà kiếp nầy thọ hưởng.
3-Hậu Báo: Quả báo nhiều đời, là nghiệp gây tạo ở nhiều
kiếp trước, kiếp nầy trả, hoặc hành động ở kiếp nầy đợi tới nhiều kiếp sau mới
trả.
4-Nhồi Báo: Là nghiệp nhân đã gây tạo nhiều lần trong nhiều
tiền kiếp, bây giờ phải trả dồn một lượt.
5-Dư Báo: Là những nghiệp nhân yếu ớt hay thiếu trợ duyên
từ vô lượng kiếp dẫn tới giờ còn sót lại. Vì hành giả tu hành tinh tấn, nên hạt
giống đó không có cơ hội phát khởi, nhưng nó không úng chết. Đợi tới kiếp hành
giả đắc Đạo mới bị trả một cách nhẹ nhàng.
GIỚI LUẬT:
Cũng gọi là giái cấm, giới luật do Thầy Tổ lập ra để răn cấm môn đồ không cho
quấy phạm, như “Tám điều răn cấm”, hay 10 điều ác…“Gìn giới luật nghe
Kinh trọng Phật”.( ĐT)
HỌC PHẬT TU NHÂN: Hiểu theo văn tự là học cho thông suốt Đạo Phật và hành sử cho
trọn vẹn Đạo Nhân, nhưng hiểu theo ý pháp của Đức Thầy thì tôn chỉ PGHH gồm có
Đạo Nhân và Đạo Phật, mà mỗi tín đồ cần phải thực hành cả hai mới đạt đến mức
cứu cánh, hoặc lấy tâm Phật mà hành Đạo Nhân mới siêu thoát.
HIẾU NGHĨA:
Hiếu hạnh và tiết nghĩa, cũng giải là thích làm việc phải, có ích lợi cho mọi
người. Chữ hiếu nghĩa ở đây còn có nghĩa là thi hành việc Đạo nghĩa, tức là lo
đền đáp tứ ân và đối xử cho tròn cái Đạo làm người: “Nhơn sanh hiếu nghĩa
dĩ vi tiên”.
ĐỨC THẦY TÂY AN: Ngài quê ở làng Tòng Sơn, thuộc Cái Tàu Thượng, nay là xã Mỹ An
Hưng, tỉnh Sa Đéc (Nam phần Việt Nam). Ngài sanh vào giờ Ngọ, ngày Rằm tháng 10
năm Đinh Mão (1807), niên hiệu Gia Long thứ VIII. Ngài khai Đạo đầu mùa Xuân
năm Kỷ Dậu (1849). Viên tịch vào giờ Ngọ, ngày 12 tháng 8 năm Bính Thìn (1856).
Ngài chính danh là Đoàn Minh Huyên, đạo hiệu Giác Linh, người trong Đạo cũng
như ngoài đời, đều xưng tụng Ngài là Đức Phật Thầy Tây An. Ngài khai sáng Tông
Phái Bửu Sơn Kỳ Hương và là tiền thân của Đức Huỳnh Giáo Chủ (Xem lại chú thích
“Đức Thầy Bửu Sơn”: Q. Thượng, Tập 1/3, tr. 84-86).
MÔN NHƠN ĐỆ TỬ: Môn
nhơn là người học trò, đệ tử là con em. Trí năng do Thầy đào tạo ra nên
gọi là con. Sự hiểu biết sau Thầy nên gọi là em. Hiểu chung bốn chữ “Môn
nhơn đệ tử” là những người học trò trong một trường Đạo hay một môn phái.
HY SINH: Con vật toàn một màu
sắc, đem làm thịt dùng vào việc cúng tế. Ý nói người dám bỏ tất cả quyền lợi,
danh vị, tài sản lẫn tánh mạng để làm được việc công nghĩa. Hy sinh vì Đạo là
người dám liều thân hoặc dồn hết tâm lực để làm tròn việc Đạo pháp.
GẮNG GỔ: Cố gắng làm để nên
việc.
Bốn điều ân Đức Thầy rút nơi phẩm “Báo Tứ Ân” trong Kinh Tâm Địa
Quán Đại Thừa Bồ Tát Đạo:“Thượng báo tứ trọng ân, hạ tế tam đồ khổ”. Và
cũng nối theo sự truyền giáo của Đức Phật Thầy trước kia:
“Loài cầm thú còn hay biết ổ,
Huống chi người nỡ bỏ tứ ân”.
Ngày nay Đức Thầy dạy:“Muốn làm tròn Nhân Đạo phải giữ vẹn
tứ ân…”. Đó là phần ân nợ (nợ do mình thọ ơn).
CHÁNH VĂN
ÂN TỔ-TIÊN CHA MẸ : Ta sanh ra cõi đời được có
hình-hài để hoạt-động từ thuở bé cho đến lúc trưởng thành, đủ trí khôn ngoan,
trong khoảng bao nhiêu năm trường ấy, cha mẹ ta chịu biết bao khổ nhọc; nhưng
sanh ra cha mẹ là nhờ có tổ-tiên nên khi biết ơn cha mẹ, cũng có bổn phận phải
biết ơn tổ-tiên nữa.
Muốn đền ơn cha mẹ, lúc cha mẹ còn đang
sanh-tiền, có dạy ta những điều hay lẽ phải, ta rán chăm chỉ nghe lời, chớ nên
xao-lãng, làm phiền lòng cha mẹ. Nếu cha mẹ có làm điều gì lầm lẫn trái với
nhân-đạo, ta rán hết sức tìm cách khuyên-lơn ngăn-cản. Chẳng thế, ta cần phải
lo nuôi dưỡng báo đền, lo cho cha mẹ khỏi đói rách, khỏi bịnh-hoạn ốm-đau, gây
sự hòa hảo trong đệ-huynh, tạo hạnh-phúc cho gia đình, cho cha mẹ vui lòng thỏa
mãn. Rán cầu cho cha mẹ được hưởng điều phước thọ. Lúc cha mẹ quá vãng, hãy tu
cầu cho linh-hồn được siêu-thăng nơi miền Phật cảnh, thoát đọa trầm luân.
Còn đền ơn tổ-tiên, là đừng làm điều gì
tồi-tệ điếm nhục tông môn, nếu tổ-tiên có làm điều gì sai lầm gieo họa đau
thương lại cho con cháu, ta phải quyết chí tu cầu và hy-sinh đời ta làm điều đạo-nghĩa,
rửa nhục tổ đường.
( SGTVTB 2004: tr.180-181 )
LƯỢC GIẢI :
(Ân Tổ Tiên Cha Mẹ)
Cổ Đức từng bảo:“Trời đất có bốn mùa, mùa Xuân là đứng đầu.
Người có trăm hạnh, Hiếu là trước nhứt”.(Thiên địa tứ thời Xuân tại thủ, nhơn
sanh bách hạnh Hiếu vi tiên.) Đức Thầy nay đã dạy:“Muôn việc
lành hiếu thuận đứng đầu”.
Nhà tu muốn vẹn tròn hạnh hiếu trước phải biết công ơn Tổ Tiên cha
mẹ.
1) LÝ DO THỌ ƠN CHA MẸ: Cây có cội, nước có nguồn, con
người sở dĩ có thân, không phải chuyện ngẫu nhiên mà phải nhờ bao nhiêu công ơn
của cha mẹ. Từ khi còn nằm trong bào thai, sanh ra và nuôi dưỡng cho đến lúc
nên người. Công ơn ấy sách Thánh gọi là chín chữ Cù Lao:“Phụ hề sanh
ngã, Mẫu hề cúc ngã; ai ai phụ mẫu sanh ngã Cù lao dục báo thâm ân, hạo thiên
võng cực”. Chín chữ Cù Lao gồm có : Sinh, Cúc là nuôi nấng, Phủ
là an ủi vổ về, Dục là nuôi dạy, Cố là trông nom, Phục là
quấn quít, Phụ là giúp đỡ nâng nhắc, Súc là nuôi cho lớn vóc và Phúc
là bồng ẳm.. Còn Kinh Phật diễn tả 10 điều ơn của người con thọ nơi cha mẹ
là:1.Thập ngoạt hoài thai: mười tháng cưu mang thai nghén, 2. Lâm sản
thọ khổ: sanh đẻ chịu khổ, 3. Sanh tử vong ưu: sanh được con mừng mà
quên lo rầu, 4. Yến khổ thổ cam : uống đắng nhổ ngọt, 5. Hồi can tựu
thấp: nhường chỗ khô nằm chỗ ướt, 6. Nhũ bộ dưỡng dục: bú mớm và
nuôi nấng, 7. Tẩy trạc bất tịnh: rửa ráy mọi điều dơ bẩn, 8. Viễn
hành ức niệm: Con đi xa, cha mẹ nhớ tưởng, 9. Vị tạo ác nghiệp: vì
con mà làm điều chẳng lành, 10. Cứu cánh lân mẫn: tình thương cha mẹ
không có cái thương nào bằng. Chẳng thế, cha mẹ còn lo dạy dỗ cho con được khôn
ngoan ngay thảo, đạo đức đối xử, nghề nghiệp sanh sống và gầy dựng tài sản để
lại cho con. Ơn ấy thật sánh tày non biển:
“Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.(Ca dao)
2) THỌ ÂN TỔ TIÊN:
Xét ra, cha mẹ chẳng phải tự nhiên sanh mà phải nhờ tổ tiên, tức là nhờ ông bà
từ trước sanh thành dưỡng dục, như cha mẹ sanh dưỡng ta hiện giờ. Rồi ông bà
trước nữa sanh ông bà kế đó…Cứ tiếp tục tương liên từ vô thỉ đến nay. Tổ tiên
còn lo tu bồi phước đức, danh thể và tài sản để lại cho con cháu:
“Khen ai kiếp trước khéo tu,
Ngày nay con cháu võng dù xuê xang”.(Ca dao)
Vì thế chúng ta phải mang ơn Tổ Tiên.
3) PHƯƠNG CÁCH ĐÁP ƠN
CHA MẸ :
a.- Hiếu thế gian: Gồm có vật chất và tinh
thần :
– Về vật chất : cung cấp cho cha mẹ mọi phương tiện
như cơm ăn, áo mặc, nhà ở và thuốc thang, chăm sóc khi có bịnh; sớm viếng tối
thăm, đắp lạnh quạt nồng. Đức Thầy dạy:
“Mộ Khan thần tỉnh cần triêu,
Khỏi cơn hoạn nạn Lam Kiều được lên”.
– Về tinh thần: không nên hủy hoại thân xác mình
hay vì sân si buồn khổ mà tự sát. (Buồn giận cha mẹ anh em mà tự sát là
có tội lớn. Còn chết vì tổ quốc, và đạo pháp hay bảo vệ tiết nghĩa là tốt.)
Ngoài ra, cần làm cho cha mẹ an vui bằng cách: Vâng lời dạy bảo chánh đáng của
cha mẹ, gây niềm hòa thuận trong anh em gia tộc, tạo hạnh phúc cho gia đình và
khuyên cha mẹ hành thiện, tránh ác.
b.- Hiếu xuất thế gian: gồm có các điều:
– Tu cầu và hồi hướng công đức cho cha mẹ: sống đặng phúc
thọ, chết đặng siêu thăng Phật đài.
– Tạo lập thân danh tốt lành và quyết chí tu hành đắc đạo
để độ rỗi tổ tiên, cha mẹ ra khỏi sanh tử luân hồi, như Đức Thầy đã dạy:
“Mục Liên cứu mẹ bằng nay,
Nhờ người hiếu hạnh tâm rày
từ bi”. Và:
“Rán tu đắc đạo cứu Cửu huyền,
Thoát chốn mê đồ đến cảnh Tiên.
Ngõ đáp ơn dày công sáng tạo,
Cho ta hình vóc học cơ huyền”.
4) CÁCH ĐÁP ƠN TỔ
TIÊN :
a.- Chẳng làm điều gì xấu ác, tệ hại có ảnh hưởng không tốt cho Tổ
tiên tộc họ.
b.- Nếu trước kia Ông Bà ta có lỡ làm điều chi tội lỗi hay tà
nghiệp,…giờ đây ta phải chuyển đổi theo chánh nghiệp và hy sinh tinh thần, thể
xác vào việc tu thân hành đạo hầu rửa nhục cho Tổ Tiên nòi giống.
5) LỢI ÍCH CỦA
NGƯỜI CÓ HIẾU :
Người đáp ơn Tổ Tiên cha mẹ tất được kết quả:
a.- Hiện tại được mọi người kính nể mến thương. Ở địa vị
cao quý trong xã hội như Vua Thuấn đời Ngũ Đế…Ông Thuấn nhờ lòng hiếu thảo rất
mực, nên được vua Nghiêu mến đức rước về truyền ngôi.
b.- Tương lai chứng đắc Đạo quả và độ được Cửu Huyền Thất
Tổ, như Thái tử La Đề Xà thời xưa. La Đề Xà là tiền thân của Đức Phật. Lúc bị
vong quốc, Ông cùng phụ mẫu bôn đào. Nửa đường bị đói khát, ông lóc thịt nuôi
cha mẹ. Trước khi chết còn nguyện hiến bộ xương và gan ruột cho côn trùng. Cảm
động, Trời Phật cho xác thân ông bình phục và về sau thâu hồi được đất
nước, kiếp sau cùng thành Phật Thích Ca Mâu Ni. Đức Thầy hằng bảo:
“Hiếu trung lòng nhớ chớ quên,
Sống lo trọn Đạo thác
lên Tiên Đài”.
6) TAI HẠI CỦA NGƯỜI
BẤT HIẾU :
Đức Thầy trách những người không lo đáp ơn Tổ Tiên cha mẹ:
“Ham công danh quên chữ sanh thành,
Mến phú quí quên câu dưỡng dục”. Hoặc là:
“Nào chưởi cha mắng mẹ lăng xăng,
Chẳng kể đến luân thường thảo hiếu”.
Cho nên người bất hiếu phải vương các khổ lụy: Sống bị người đời
khinh rẻ, địa vị thấp hèn, khi chết bị đọa 3 đường ác: địa ngục, ngạ qủy, súc
sanh.
7) KẾT LUẬN :
Tóm lại. công ơn Tổ Tiên cha mẹ rất lớn, và hạnh hiếu là đứng đầu
trăm hạnh, nên Đức Thầy thường giác tỉnh chúng ta:
“Vẹn mười ơn mới Đạo làm con,
Lúc sanh sống chớ nên phụ bạc”. Hoặc là:
“Ở ăn cho vẹn mười ơn,
Cảnh tình hiền đức gặp cơn khải hoàn”.
CHÚ THÍCH :
TRƯỞNG THÀNH: Lớn
khôn, người đã lớn từ 18 tuồi trở lên, gọi là trưởng thành.
TỔ TIÊN: Ông bà đời trước và
nhiều đời trước nữa.
BỔN PHẬN: Phận sự, phần việc của
mình. Một phần nghĩa của chữ Đạo (Đạo là bổn phận).
SANH TIỀN: Lúc
sống, tiếng dùng nhắc lại một người đã chết.
CHĂM CHỈ: Chuyên vào một việc,
không lo tính chuyện gì khác.
LẦM LẪN: Cũng gọi là lầm lộn,
tức lộn cái nầy qua cái khác.
HÒA HẢO: Thuận hòa tốt đẹp
(lành).
HẠNH PHÚC:
Phước lành, vận may phúc tốt, tức gặp nhiều may mắn, mọi sự được như ý.
THỎA MÃN: Hài lòng vừa ý, vừa
đúng với ý muốn của mình.
PHƯỚC THỌ: Được
hạnh phúc và sống lâu.
QUÁ VÃNG: Qua đời, chết rồi.
LINH HỒN: Phần
khôn biết trong con người. Linh hồn đối với thể xác, có nhiều tên gọi khác về
chữ nầy: Bửu Quang, Thần hồn, Tâm hồn, Tâm thức, Thần thức, Hữu hay Ấm…Tất cả
đều chỉ cho phần tinh thần của con người.
SIÊU THĂNG: Vượt
cao lên. Ý chỉ sự siêu thoát lên cõi Tiên Phật.
PHẬT CẢNH: Cảnh
giới của chư Phật, đây chỉ cho cõi Cực Lạc:“Cả vạn vật đồng về Phật cảnh”(
ĐT)
TRẦM LUÂN:
Chìm trong bánh xe luân hồi sanh tử. Chỉ cho con người còn luân hồi chưa được
giải thoát.
ĐIẾM NHỤC: Điếm
là hòn ngọc có vết; nhục là xấu hổ. Nghĩa chung là làm điều lầm lỗi xấu hổ, ví
như hòn ngọc có vết.
TÔNG MÔN: Dòng họ nhà mình.
ĐẠO NGHĨA: Đạo
đức và nhân nghĩa.
TỔ ĐƯỜNG: Ông
bà cha mẹ.
CHÁNH VĂN
ÂN ĐẤT NƯỚC : Sanh ra, ta phải nhờ Tổ-tiên, cha mẹ, sống ta
cũng nhờ đất nước, quê hương. Hưởng những tấc đất, ăn những ngọn rau, muốn cho
sự sống được dễ-dàng, giống nòi được truyền thụ, ta cảm thấy bổn phận phải bảo
vệ đất nước khi bị kẻ xâm-lăng giày đạp. Rán nâng đỡ xứ sở quê-hương lúc
nghiêng-nghèo, và làm cho được trở nên cường-thạnh. Rán cứu cấp nước nhà khi bị
kẻ ngoài thống trị. Bờ cõi vững lặng thân ta mới yên, quốc gia mạnh giàu mình ta
mới ấm.
Hãy tùy tài tùy sức, nỗ-lực hy sinh cho xứ sở. Thảng như không đủ
tài-lực đảm-đương việc lớn, chưa gặp thời-cơ giúp đỡ quê-hương, ta phải rán
tránh đừng làm việc gì sơ-xuất đến đổi làm cho nước nhà đau khổ, và đừng giúp
sức cho kẻ ngoại địch gây sự tổn hại đến đất nước.
Đó là ta đền ơn đất-nước vậy.
( SGTVTB 2004: tr. 181-182 )
LƯỢC GIẢI :
( Ân Đất Nước )
Xưa kia Đức Phật dạy là Ân Quân Vương. Hiện giờ Đức Thầy đổi lại
là Ân Đất Nước cho phù hợp với trào lưu tiến hóa của nhân loại. Là một công
dân, ai cũng có bổn phận đối với đất nước (Tổ Quốc).
“Kẻ phu tá cũng là trọng trách,
Cứu giống nòi quét sạch
non sông”( ĐT)
1) LÝ DO THỌ ƠN
:
Kể từ đời Hồng Bàng dựng nước, ông cha ta đã dày công khai quốc và
kiến quốc:
“Bắc Nam một dãy san hà,
Mồ hôi giọt máu
ông cha tài bồi”(
ĐT)
Và ra công gìn giữ đất nước, ngày nay chúng ta mới hưởng được tấc
đất, ngọn rau và mọi sản phẩm…Cho nên ai cũng phải thọ ơn.
2) PHƯƠNG CÁCH ĐÁP ƠN
:
Mỗi công dân đều có trách nhiệm:
a.- Thời bình lo củng cố cho đất nước được phú cường (dân giàu
nước mạnh).
b.- Khi có giặc ngoài thống trị, ta phải góp công vào việc đánh
đuổi xâm lăng. Đức Thầy cho biết “Hễ nước mất thì cơ sở của Đạo phải bị
lấp vùi; nước còn nền Đạo được phát khai rực rỡ”.
c.- Hãy tùy tài, tùy sức và tùy thời cơ giúp nước. Đức Thầy hằng
dạy:“Nếu chưa đủ tài lực đảm đương việc lớn, chưa gặp thời cơ giúp đỡ quê
hương, ta phải rán tránh đừng làm việc gì sơ suất đến đỗi làm cho nước nhà đau
khổ, và đừng giúp sức cho kẻ ngoại địch gây sự tổn hại đến Đất nước”.
3) QUAN NIỆM
YÊU NƯỚC :
Người tín đồ PGHH, lúc đáp ơn Đất Nước không đặt nặng về lợi danh
quyền tước mà bị nó trói trăn trong luân hồi sanh tử, nên khi nước nhà được tự
chủ (độc lập) thì trở lại vị trí tu hành để được giải thoát.
“Đền xong nợ nước thù nhà,
Thiền môn trở gót Phật Đà Nam Mô”( ĐT)
Ta hãy noi gương nguyên soái Đổng Vân, Đại sư Khuông Việt, Thiền
sư Vạn Hạnh, Sư Đỗ Pháp Thuận và Tuệ Trung Thượng Sĩ…và gần đây có Nguyễn Đa,
tức ông Cử Đa…
4) LỢI ÍCH
NGƯỜI BIẾT ĐÁP ƠN ĐẤT NƯỚC :
Người đáp ơn Đất nước sẽ được các điều lợi ích:
a.- Được người đương thời ca ngợi, con cháu hiển vinh.
b.- Khi chết được thành Thần Thánh:
“Dầu không siêu cũng đặng về Thần,
Nhờ hai chữ trung quân ái quốc”( ĐT).
c.- Sách sử chép ghi, dân chúng muôn đời thờ kính, nhắc nhở:
“Tử vì nước còn ghi linh miếu,
Thác vì đời thanh sử danh bia”( ĐT).
Nước ta từ xưa có rất nhiều vị đã thành công, như: nam thì có Trần
hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Lý Thường Kiệt…nữ có hai Bà Trưng, Bà Triệu…Thời cận đại
có Nguyễn Trung Trực , Trần Văn Thành…
5) TẠI SAO KHÔNG ĐÁP
ƠN :
Người không đáp ơn Đất Nước là kẻ bất trung, sống cuộc đời tiêu
cực, ích kỷ, bị người đời khinh rẻ, sách sử chê bai; chết còn phải bị đọa vào chỗ
thấp hèn.
6) KẾT LUẬN :
Nếu ai đáp ơn Đất Nước đúng theo quan niệm PGHH nói trên, chẳng
những được lợi ích hiện tại mà tương lai còn được siêu thoát sanh tử:
“Tứ ân đã trả chẳng còn tội căn”( ĐT),
CHÚ THÍCH :
TRUYỀN THỤ: dạy
lại, để tài nghệ lại. Ý nói người trước dạy lại người sau, rồi người sau nữa…
XÂM LĂNG: Đánh phá để cướp nước
người.
CƯỜNG THẠNH:
Cũng viết là cường thịnh. Có nghĩa mạnh mẽ và thịnh vượng, sung túc.
THỐNG TRỊ: Cai
trị, nắm hết quyền cai trị trong nước.
SƠ SUẤT: Cẩu thả, vô ý. Không
cẩn thận.
CHÁNH VĂN
ÂN TAM BẢO : Tam Bảo là gì ? -Tức Phật, Pháp, Tăng.
Con người nhờ tổ-tiên, cha mẹ sanh ra nuôi dưỡng, nhờ đất nước tạo
kiếp sống cho mình. Ấy về phương diện vật-chất.
Về phương diện tinh-thần, con người cần nhờ đến sự giúp-đỡ của Phật,
Pháp, Tăng, khai mở trí óc cho sáng suốt. Phật là đấng toàn thiện, toàn mỹ,
bác-ái vô cùng, quyết cứu vớt sanh linh ra khỏi vòng trầm-luân khổ-hải. Thế nên
Ngài mới truyền lại giáo pháp, tức là những lời chỉ dạy cho các chư tăng đặng
đem nền Đạo cả của Ngài ban bố khắp trần thế. Các chư tăng chẳng ai lạ hơn
những đại đệ tử của Đức Phật vậy. Bởi vì Đức Phật luôn luôn chỉ dẫn và cứu vớt
quần-sanh thoát miền mê-khổ, nên ta hãy kính trọng Phật, hãy tin tưởng và
tín-nhiệm vào sự-nghiệp cứu đời của Ngài, làm theo những điều chỉ dạy do các
chư tăng cho biết. Tổ-Tiên ta đã hiểu rõ sự nhiệm-mầu, lòng quảng ái của Phật
đối với chúng sanh, đã kính trọng sùng-bái Ngài, đã hành động đúng theo
khuôn-khổ Ngài đã dạy, và đã vun trồng bồi-đắp cho nền Đạo được phát triển thêm
ra, xây dựng một toà lầu đài Đạo hạnh vô thượng vô song, roi truyền mãi mãi với
hậu-thế.
Nên bổn phận chúng ta phải noi theo chí đức của tiền-nhân hầu làm
cho trí tuệ minh mẩn đặng đi đến con đường giải thoát, dẫn dắt giùm kẻ sa-cơ và
nhứt là phải tiếp-tuc khai thông nền Đạo-đức đặng cái tinh thần từ-bi bác-ái
được gieo rải khắp nơi nơi trong bá tánh. Như thế mới chẳng phụ công trình vĩ
đại của Đức Phật và của tiền nhân để lại và không đắc tội với kẻ đời sau vậy.
(SGTVTB 2004, tr. 182-183)
LƯỢC GIẢI :
( Ân Tam Bảo )
Ân Tam Bảo là một trong tứ đại trọng ân, đây thuộc về phần tinh
thần.
1) LÝ DO THỌ ÂN
TAM BẢO :
Nhờ có Tam Bảo đánh thức, giáo hóa chúng ta mới tỉnh ngộ tu hành,
cải ác tùng thiện:
a.- Vì cảm phục tâm đại hùng, đại lực, đại từ bi và đại nguyện độ
tận chúng sanh của Đức Phật.
b.- Diệu năng của Pháp giới ví như thuyền bè, đèn đuốc, đưa người
tu ra khỏi sông mê bể khổ.
c.- Nhờ đức độ và lời thệ nguyện cứu độ chúng sanh lớn lao của chư
Tăng, chúng ta mới trọn niềm kính tin và quyết tâm trì hành theo lời giáo huấn
của các Ngài.
2) TỔ TIÊN TA ĐỐI VỚI
TAM BẢO :
a.-Tổ Tiên ta đã nhận thức lòng quảng ái và sự nghiệp cứu đời của
Tam Bảo.
b.- Đã hành động đúng theo Kinh, Luật, Luận. Cũng đã vun bồi nền
Đạo được vững chắc và roi truyền đến ngày nay.
3) CÁCH ĐÁP ƠN
TAM BẢO :
a.- Ta có bổn phận kính tin và vâng lời Phật pháp. Noi gương Phật
và chư Tăng để học hỏi và hành trì giáo pháp cho mình có trí huệ và giải thoát
sanh tử.
b.- Tiếp tục khai thông Đạo pháp bằng cách: Giảng dạy Đạo lý, ấn
tống kinh sách, trợ giúp các tổ chức truyền Pháp để giác tỉnh quần chúng tu
hành. Truyền pháp có hai phần: thuyết giáo và hạnh giáo…
Đức Thầy hằng kêu gọi:
“Cả tiếng kêu cùng khắp chư Tăng,
Với tín nữ thiện nam Phật giáo.
Nên cố gắng trau thân gìn Đạo,
Hiệp cùng nhau truyền bá Kinh lành”.
Và hãy:“…Giảng giải Đạo Phật cho đại chúng nghe, hoặc giả mở
trường dạy Đạo Phật”.
4) LỢI ÍCH SỰ ĐÁP ƠN
TAM BẢO :
Người nào đáp được ơn Tam Bảo, sẽ được các điều lợi ích đáng kể:
a.-Không đắc tội với Tam Bảo, tiền nhân và hậu thế.
b.- Phước đức siêu thượng, trí huệ sớm phát khai.
c.- Gieo duyên lành với nhiều người và độ được vô số chúng sanh
chứng chơn giải thoát.
d.- Sớm hoàn thành quả Tam giác: tự giác, giác tha và giác hạnh
viên mãn.
“Từ đây đến buổi thanh bình,
Muôn người niệm Phật quả mình biết bao”( ĐT)
5) TAI HẠI CỦA NGƯỜI
KHÔNG ĐÁP ƠN TAM BẢO:
Người đã thọ ơn Tam Bảo mà chẳng lo tu học hoặc không đền đáp, tất
vương các điều hại:
a.- Đắc tội với tiền nhân và hậu thế.
b.- Mang tội ngũ nghịch và chôn lấp thiện căn.
c.- Vô lượng kiếp tối dốt, chết đọa 3 đường ác.
6) KẾT LUẬN :
Là môn đồ nhà Phật, chúng ta phải đáp đền ơn Tam Bảo bằng cách cố
gắng phụng hành và phổ truyền chánh pháp để tất cả chúng sanh có cơ thức tỉnh
tu hành, vượt khỏi vòng khổ đau sanh tử.
CHÚ THÍCH :
TAM BẢO: Ba ngôi quí báu, tức:
Phật, Pháp, Tăng. Phật là đấng hoàn toàn giác ngộ, toàn thiện, toàn mỹ, tự
giác, giác tha và giác hạnh viên mãn. Pháp là lời của Phật thuyết ra để giáo
hóa chúng sanh. Tăng là các đại đệ tử của Phật, bậc giới hạnh tinh nghiêm,
thường nối tiếp ngọn đuốc huệ của Phật mà giác tỉnh chúng sanh.
Đó là phần sự tướng và lịch sử Tam Bảo. Còn phần lý tánh Tam Bảo
gồm có: Tự tâm giác ngộ là Phật Bảo. Tự tâm chơn chánh là Pháp
Bảo. Tự tâm thanh tịnh là Tăng Bảo.
PHƯƠNG DIỆN: Một
mặt, một khía cạnh hay một phần.
VẬT CHẤT:
Những cái gì có hình tướng, rờ nắm được, thấy được.
TINH THẦN: Linh
hồn hay thần thức…phần vô hình.
TOÀN THIỆN TOÀN MỸ: Hoàn toàn tốt lành sáng suốt.
KHỔ HẢI: Biển khổ. Ý nói sự khổ
của chúng sanh quá nhiều mênh mông như bể cả. Đức Thầy bảo:
“Thoát nơi khổ hải liên đài được lên”.
BAN BỐ: Cấp phát truyền rải
cho đều.
QUẦN SANH: Chỉ
chung các giới chúng sanh.
TÍN NHIỆM: Tin
cậy, trọn lòng tin tưởng.
NHIỆM MẦU:
Cũng gọi là mầu nhiệm. Có nghĩa sâu kín và mầu diệu vô cùng:“Đạo mầu thâm
diệu nan tri lão bày”( ĐT).
QUẢNG ÁI: Thương
yêu rộng lớn. Đức Thầy từng nói: “Lòng quảng ái xót thương nhân chủng”.
CHÚNG SANH: Chỉ
chung các loài có tri giác, có mạng sống. Phân làm 4 loại:
1/-Thai sanh: các loài sanh bằng bào thai.
2/-Noãn sanh: các loài sanh bằng trứng.
3/-Thấp sanh: các loài sanh nơi ẩm thấp.
4/-Hóa sanh: các loài sanh bằng cách hóa sanh.
PHÁT TRIỂN: Mở
mang ra.
SÙNG BÁI: Kính trọng và tôn thờ
lễ bái.
VÔ THƯỢNG: Cao
tột, không có gì cao hơn. Đức Thầy bảo:“Vô thượng thậm thâm dĩ ý truyền”.
VÔ SONG: Không có tới hai,
không có gì bì kịp.
ROI TRUYỀN:
Cũng gọi là truyền roi. Có nghĩa truyền dạy lại cho người sau noi theo.
“Lời lành của Phật truyền roi”( ĐT).
HẬU THẾ: Đời sau, người sau.
CHÍ ĐỨC: Chí nguyện và đức độ
cao cả.
“Noi chí đức Hoàng Thang luật chế”( ĐT).
TIỀN NHÂN:
Người đời trước.
MINH MẪN: Sáng suốt thông hiểu:“Trí
linh mẫn nhìn xem các chuyện”( ĐT).
KHAI THÔNG: Mở
mang thông suốt.
VĨ ĐẠI: To lớn.
GIẢI THOÁT: Cởi
mở sự ràng buộc đeo níu, thoát khỏi 6 nẻo luân hồi sanh tử. Đức Thầy nói:“Miễn
sanh chúng thông đường giải thoát”.
SA CƠ: Cũng viết là sơ cơ.
Chỉ cho kẻ mới phát tâm tu hành, hoặc những người bị sa ngã theo tứ đổ tường
hay chìm đắm trong biển sanh tử.
CHÁNH VĂN
ÂN ĐỒNG BÀO VÀ NHÂN LOẠI : Con người vừa mở mắt chào đời đã thấy
mình phải nhờ đến sự giúp đỡ của những kẻ ở xung quanh, và cái niên kỷ càng lớn
thêm bao nhiêu, sự nhờ-nhõi càng tuần-tự thêm nhiều chừng nấy.
Ta nhờ hột cơm của họ mới sống, nhờ miếng vải của họ mới ấm thân,
nhờ cửa nhà của họ mới tránh cơn phong vũ. Vui sướng: ta đồng hưởng với họ.
Hoạn nạn: họ cùng chịu với ta.
Họ và ta cùng một màu da, cùng nói một thứ tiếng. Ta và họ hợp
nhau thì thành lại làm một: ấy là Quốc-gia đó. Họ là ai ? Tức những người
ta thường gọi bằng đồng-bào vậy.
Đồng-bào ta và ta cùng chung một chủng tộc, cùng một nòi giống roi
truyền, cùng có những trang lịch-sử vẻ-vang oanh-liệt, cùng tương-trợ lẫn nhau
trong cơn nguy-biến, cùng chung phận-sự đào-tạo một tương-lai rực-rỡ trong bước
tiền-đồ của giang-san đất nước. Đồng-bào ta và ta có một liên-quan mật-thiết,
không thể rời nhau, chẳng thể chia nhau, và chẳng khi nào có ta mà không có
đồng-bào, hay có đồng-bào mà không có ta. Thế nên, ta phải rán giúp đỡ họ hầu
đáp-đền cái ơn mà ta đã thọ trong muôn một.
Chẳng những thế thôi, ngoài đồng-bào, ta còn có thế-giới người
đang cặm cụi cần lao cung cấp những điều nhu-cầu cần-thiết. Họ là nhân-loại, là
những người đang sanh sống với chúng ta trên quả địa-cầu. Nếu không có nhân
loại, thử hỏi dân-tộc ta ra như thế nào ? Ta có đủ vật-liệu để dùng
chăng ? Ta có thể tự túc một cách đầy đủ chăng ? Nói tóm lại, ta có
thể lẻ-loi đương đầu với những khi phong vũ nhiệt hàn, với những lúc ốm-đau,
nguy-biến, giữ vững cuộc sống còn này chăng ? Hẳn không vậy. Thế nên
dân-tộc ta phải nhờ đến Nhân-loại, nghĩa là nhờ đến dân tộc khác và phải biết
ơn họ. Hãy nghĩ đến họ như mình nghĩ đến mình và đồng chủng mình.
Vả lại cái tình từ-bi bác-ái của Đức Phật mà ta đã nhận thức, rất
thâm-huyền quảng-huợt. Cái tình ấy, nó không bến không bờ, không phân biệt màu
da, không phân biệt chủng tộc; nó cũng không luận sang hèn và xoá bỏ hết các
tầng lớp đẳng cấp xã hội, mà chỉ đặt vào một: Nhân Loại Chúng Sanh.
Thế, ta không có lý do gì chánh đáng để vì mình hay vì đồng-bào
mình, gây ra tai-hại cho các dân-tộc khác. Trái lại, hãy đặt vào họ một
tư-tưởng nhân-hoà, một tinh-thần hỉ-xả và hãy tự xem mình có bổn phận giúp đỡ
họ trong cơn hoạn-nạn.
( SGTVTB 2004, tr. 183-185 )
LƯỢC GIẢI :
( Ân Đồng Bào Nhân Loại )
Ở đời không ai có thể sống riêng biệt, mà phải có sự tương quan
với các dân tộc trong đất nước mình và với các dân tộc các nước bạn có mặt
trong quả địa cầu. Ấy gọi là đồng bào và nhân loại.
1) LÝ DO THỌ ƠN
ĐỒNG BÀO :
a.- Kẻ thiếu vật nầy, người thiếu vật khác nên cần phải mua bán
trao đổi nhau.
b.- Tương trợ lẫn nhau khi có tai nạn: thiên tai, địa ách, chiến
tranh, đau yếu…
2) LÝ DO THỌ ÂN
NHÂN LOẠI :
a.- Bởi phong hóa và nếp sống giữa nhân loại khác nhau và sự phát
minh có mau chậm; không đủ vật liệu cần dùng, nên cần có mua bán và viện trợ
lẫn nhau khi thiếu hụt hoặc tai nạn.
b.- Cùng nhau trao đổi mọi mặt: văn hóa, xã hội, khoa học, kinh tế…
3) CÁCH ĐÁP ƠN
ĐỒNG BÀO :
a.- Phải biết thương yểu liên kết và giúp đỡ đồng bào từ tinh thần
lẫn vật chất.
b.- Không nên vì lòng tham lam, vị kỷ mà gây khổ cho đồng bào, Đức
Thầy đã cảnh giác:
“Đồng bào nỡ giết nhau chi,
Bạng duật tương trì lợi lũ ngư ông”.
Cho nên Ngài hằng khuyên:
“Khắp Bắc Nam Lạc Hồng một giống,
Tha thứ nhau để sống cùng nhau.
Quí nhau từng giọt máu đào,
Để đem máu ấy tưới vào địch quân”.
4) CÁCH ĐÁP ƠN
NHÂN LOẠI :
a.- Hãy nhận thức và thi thố lòng từ bi, bình đẳng của Đức Phật
đối với cả nhân loại.
b.- Đặt tình thương yêu đoàn kết, không phân biệt màu da, chủng
tộc:
“Tình yêu mà chẳng riêng ai cả,
Yêu khắp muôn loài lẫn chúng sinh”( ĐT).
c.- Nỗ lực phát triển tinh thần lẫn vật chất.
d.- Không nên vì mình hay đồng bào mình gây đau thương cho dân tộc
khác hay nhân loại.
e.- Hãy lấy đức nhân hòa, bình đẳng, hỉ xả, từ bi đối xử với cả
nhân loại để xây dựng nền an vui hạnh phúc và bác ái đại đồng.
“Đem nguồn sống mới cho nhân loại,
Để tiến, tiến lên cõi đại đồng”.
5) LỢI ÍCH :
Người đáp được ân đồng bào và nhân loại sẽ được nhiều lợi ích đáng
kể:
a.- Đem lại nếp sống tự do, bình đẳng cho đồng bào và nhân loại,
thế giới hết chiến tranh.
b.- Được đời ca ngợi là bực Hiền Thánh.
c.- Khi lâm chung đặng siêu thoát.
6) TAI HẠI :
Nếu người không đáp ân đồng bào và nhân loại, sẽ gặp nhiều tệ hại:
a.- Đưa dân tộc mình đến chỗ lạc hậu.
b.- Sống lối ích kỷ tổn nhân.
c.- Chết đọa ba đường ác.
7) KẾT LUẬN :
Đại lược, con người không ai sống đơn độc. Nếu có tương quan tất
có thọ ơn đồng bào nhân loại. Thế nên ta cần phải lo đền đáp cho trọn vẹn để
được phúc báo trong hiện tại, và tương lai sẽ đặng siêu thoát khổ đau sanh tử.
CHÚ THÍCH :
ĐỒNG BÀO: Cùng
một bọc, một bào thai sanh ra. Đồng bào có hai nghĩa:
1/-Nghĩa rộng là những người cùng sống chung một vòm trời, một
giồng đất hay một giống dân (cũng gọi là Trời cha Đất mẹ).
2/-Nói riêng về giống Việt Nam thì do truyền thuyết bà Âu Cơ, vợ
vua Lạc Long Quân sanh ra một cái bọc, có 100 trứng, nở ra 100 người con. Tương
truyền 100 người con ấy sản sanh giống Việt Nam, nên dân tộc ta thường gọi nhau
bằng đồng bào:
“Khuyên đồng bào hãy rủ cho đông.
Nắm tay trở lại cánh đồng,
Cần lao nhẫn nại Lạc Long Tổ truyền”( ĐT).
NHÂN LOẠI:
Loài người. Chỉ cho các dân tộc sống chung trong quả Địa cầu.
NIÊN KỶ: Số năm, tuổi tác.
PHONG VŨ: Gió
và mưa, chỉ cho thời tiết.
QUỐC GIA: Nhà nước hay nước nhà.
CHỦNG TỘC: Nòi
giống.
OANH LIỆT: Khí
khái anh hùng hay công nghiệp lừng lẫy.
TƯƠNG TRỢ: Giúp
đỡ lẫn nhau.
TIỀN ĐỒ: Con đường tương lai.
NGUY BIẾN: Tai
biến ngặt nghèo.
GIANG SAN:
Sông núi. Ý chỉ cho đất nước.
LIÊN QUAN: Liên
hệ giữa nhau.
MẬT THIẾT: Gần
sát nhau, thân mật nhau.
MUÔN MỘT: Một phần trong muôn
phần.
THẾ GIỚI: Cũng viết là thế gian.
Có nghĩa gồm cả không gian và thời gian. Nghĩa thứ hai là vũ trụ hoàn cầu, chỉ
chung cho các nước trên mặt đất. Ví dụ: Thế giới ta bà chúng ta đang sống.
CẶM CỤI: Cần cù, cố gắng.
CẦN LAO: Siêng năng khó nhọc.
CUNG CẤP: Tiếp giúp cho, cấp
phát cho.
NHU CẦU: Cần dùng mà tìm kiếm.
CẦN THIẾT: Cần
có mới được.
ĐỊA CẦU: Trái đất.
TỰ TÚC: Tự làm cho mình được
đầy đủ.
NHIỆT HÀN:
Nóng nực và rét lạnh.
ĐỒNG CHỦNG:
Cùng chung một nòi giống.
TỪ BI: Hai trong bốn đại đức
của chư Phật. Hán học giải là hiền lành thương xót. Phật học giải là ban vui
cứu khổ; do câu:“Từ năng dữ nhứt thiết chúng sanh chi lạc, Bi
năng bạt nhứt thiết chúng sanh chi khổ”. Đức Thầy có giải:
“1.- Đức Từ: Phật đối với chúng sanh như mẹ với con, lúc nào
cũng lo lắng đến, hết lòng dìu dắt, dạy dỗ, không nỡ để chúng sanh sa vào đường
tội lỗi mà chịu khổ não”.
“2.- Đức Bi: Nếu chúng sanh nào dạy dỗ chẳng nghe làm điều độc ác
để phải tội, thì Phật chẳng vì thế mà ghét bỏ, lại thương xót không cùng”(SGTVTB2004, tr. 452.
BÁC ÁI: Lòng thương yêu rộng
lớn.
THÂM HUYỀN: Sâu
kín mầu nhiệm.
QUẢNG HUỢT:
Rộng rãi bao la.
NHÂN HÒA: Lòng
thương yêu hòa hài tốt đẹp và thích hợp. Đức Thầy có câu:
“Lúc sống sanh tìm lấy cuộc nhơn hòa,
Chữ thuận thảo hay hơn là tranh đấu”.
HỈ XẢ: Thường an vui và không
câu chấp, vướng mắc. Là hai trong bốn đại đức của chư Phật. Đức Thầy có giải:
“3. Đức Hỉ: thường thường an vui mà làm những việc lành, dầu gặp
hoàn cảnh trái nghịch cũng chẳng vì thế mà sanh lòng buồn bã”.
“4. Đức Xả: Ngài chẳng chấp một pháp nào trong thế gian, sẵn lòng
lìa xa các nghiệp tiền trần, tha thứ hết thảy những ai tối tăm lầm lỗi, chẳng
còn vướng víu chi với cuộc lợi danh tài sắc, nhìn cõi đời chẳng bao giờ sanh
lòng luyến ái.”(SGTVTB 2004,
tr.452).
HOẠN NẠN: Tai
nạn, gian lao khổ sở.
THIỆN NAM:
Phiên âm Phạn ngữ Ưu-bà-tắc, dịch là Cận sự nam. Có nghĩa: hàng nam giới tu tại
nhà, thọ tam qui ngũ giới, thường thân cận các chùa lễ Phật nghe Pháp và giúp
đỡ các Tăng Ni.
TÍN NỮ: Phiên âm Phạn ngữ là
Ưu-bà-di, dịch là Cận sự nữ, tức chỉ cho hàng nữ giới tu tại gia thọ tam qui
ngũ giới. Thường thân cận các chùa lễ Phật nghe Kinh pháp và giúp đỡ các Tăng
Ni.
HẢO TÂM: Lòng tốt đối với mọi
người.
CHƠN LÝ: Lý lẽ chơn thật, lẽ
phải. Chơn lý cũng gọi là Đạo. Đức Thầy có viết:
“Bàn với luận đặng coi chơn lý”.
CHIẾU CỐ: Đoái tưởng và chăm sóc
đến.
CHÁNH VĂN
Đối với những kẻ xuất-gia quy-y đầu Phật, phụ vào những ân-huệ đã
thọ như đã nói trên, họ còn phải trực-tiếp chịu ân của các đàn-na thí chủ,
nghĩa là những thiện-nam tín-nữ có hảo-tâm cung-cấp những vật dụng cần thiết
cho họ. Họ nhờ đến hột cơm, đến miếng vải, đến thuốc men đặng sanh sống. Rốt lại,
họ phải nhờ đến sự nuôi dưỡng hoàn-toàn của những kẻ tốt lòng.
Với quần sanh, họ mang cái ân rất nặng cho nên họ phải dìu-dắt
sinh-linh đi tầm Chân-lý đặng đáp-tạ tấm lòng chiếu-cố của Thiện tín.
(SGTVTB 2004, tr. 185)
LƯỢC GIẢI :
( Ân Đàn Na Thí Chủ )
Các Tăng Ni xuất gia ngoài việc thọ bốn điều ân vừa kể qua, còn
phải chịu thêm ân “Đàn Na Thí Chủ”.
1) LÝ DO THỌ ƠN :
a.- Chư thiện tín quan niệm rằng: Các Tăng Sư không có sinh hoạt
đời sống, chỉ lo Phật sự, tự giác, giác tha. Là bậc đại phước điền của chúng
sanh.
b.- Nên, các nhà hảo tâm thường
giúp đỡ các Tăng, Ni mọi phương tiện: cơm ăn, thuốc uống, y phục và các phương
tiện nghỉ ngơi.
2) CÁCH ĐÁP ƠN :
a.- Mỗi Tăng Ni đều phải noi gương Đức Phật tu hành cho đến khi
thành quả.
b.- Phát đại nguyện độ tận chúng
sanh.
c.- Cố gắng học và hành trì Kinh
pháp.
d.- Giác tỉnh thiện tín tầm ra chơn
lý tu hành.
3) LỢI ÍCH ĐÁP ƠN ĐÀN NA :
Người đáp được ân Đàn Na sẽ đặng
lợi ích:
a.- Gieo duyên lành với khắp cả.
b.- Độ đặng vô số chúng sanh tu hành giải thoát.
c.- Chính mình cũng mau đạt quả vô thượng Bồ đề.
4) TAI HẠI
KHÔNG ĐÁP ƠN ĐÀN NA :
a.- Bị xa lần Chánh Đạo, chôn lấp thiện căn.
b.- Luân hồi vô lượng kiếp báo đền nghiệp nợ. Kinh xưa đã bảo:
“Thập phương nhứt lạp mễ,
Như đại Tu Di sơn.
Thực liễu bất tu Đạo,
Phi mạo đái giác hườn”.
(Một hột cơm của “Đàn na thí chủ” nặng như hòn núi Tu Di. Nhà tu
dùng rồi mà chẳng lo tu cho đắc Đạo thì phải luân hồi mang lông đội sừng, tức
làm thú, để đền trả.)
5) KẾT LUẬN :
Hạnh tu xuất gia là hạnh giải thoát cao cả, song ân “Đàn na thí
chủ” cũng nặng lớn vô biên. Hành giả phải hy sinh từ vật chất lẫn tinh thần và
thực hiện lòng tự giác, giác tha cho đến khi giác hạnh viên mãn.
“Nếu xuất gia thì phải hy sinh,
Cả vật chất tinh thần lo Đạo”( ĐT).
Phẩm báo “Tứ Đại Trọng Ân” khi xưa Đức Phật đã dạy chư Bồ Tát trì
hành để đạt đại thừa trong Phật Đạo. Ngày nay Đức Giáo Chủ PGHH đặt Tứ Ân trong
phần Nhân Đạo thì đủ biết Đạo Nhân của Ngài dạy siêu thượng đến chừng nào !
Căn cứ theo tôn chỉ PGHH, Tứ Ân là phần ân nợ. Nếu ai thi hành
được, chẳng những đáp đặng phần ân nợ mà còn tạo được vô lượng phước đức để làm
món tư lương bước lên thuyền trí huệ, tiến sang bờ giác:
“Tu đền nợ thế cho rồi,
Thì sau mới được đứng ngồi tòa sen” (ĐT).
Đăng nhận xét