CHÚ GIẢI SẤM GIẢNG QUYỂN 2 KỆ DÂN CỦA NGƯỜI KHÙNG
Chú giải từ câu 205 – 476 (Quyển II)
CHÁNH VĂN
205. Ghét những kẻ có ăn
bỏn-sẻn,
Thương những người đói
rách lương hiền.
Muốn tu-hành thì phải
cần-chuyên,
208. Tưởng nhớ Phật chớ
nên sái buổi,
Kẻ phú-quí đừng vong cơm
nguội.
Sau đói lòng chẳng có mà
dùng.
Ta yêu đời than-thở chẳng
cùng,
212. Mà bá-tánh chẳng
theo học hỏi.
A-Di-Đà nhìn xem khắp
cõi,
Đặng trông chờ mong-mỏi
chúng-sanh.
Hiện hào-quang ngũ sắc
hiền lành,
216. Đặng tìm kiếm những
người hiền-đức.
LƯỢC GIẢI (từ câu 205 tới câu 216) :
-Thói thường người giàu sang mà bón rít thì ai trông vào cũng chán
ghét. Còn kẻ ăn ở hiền lành tốt đẹp, dù nghèo khó ai thấy cũng mến thương. Đức
Giáo Chủ khuyên trong sanh chúng, nếu ai muốn tu hành thì lòng phải chuyên cần,
tinh tấn, trong các thời lễ bái, niệm Phật tham thiền không nên chểnh mảng sơ
sót, có thế mới mong kết quả.“Tưởng nhớ Phật như ăn cơm bữa, Vọng Cửu
Huyền sớm tối mới mầu”(Kệ Dân, Q.2)
-Ngài cũng kêu gọi những nhà giàu có, dư ăn, dư để đừng phụ bỏ cơm
thừa mà nên dành cho kẻ nghèo đói, tàn tật. Vì sau nầy sẽ gặp tai nạn đói khổ:“Đói với nghèo sắp đến bây giờ”. Và:“Cảnh vinh hoa lại quá cheo leo, Nhà giàu có sau nhiều
tai ách”(Kệ Dân, Q.2). Trong lúc nầy dù họ muốn có chén cơm
nguội đỡ lòng, cũng chẳng biết tìm đâu ra.
-Vì lòng quá thương xót chúng dân sắp lâm cơn đồ thán, nên Đức
Thầy thở than khuyên dạy không ngừng, thế mà ít ai thức tỉnh tìm học Đạo mầu.
-Đức Phật A Di Đà lúc nào cũng rất mong đợi chúng sanh, biết hồi
tâm hướng thiện, niệm Phật làm lành. Tuy Ngài an tọa nơi Tây phương Cực Lạc,
nhưng luôn dùng hào quang năm sắc soi rọi khắp cõi Ta bà, tìm thấy chúng sanh
nào biết tu thân lập hạnh, chuyên tâm trì niệm danh hiệu của Ngài thì Ngài ủng
hộ và tiếp dẫn chúng sanh ấy được vãng sanh về cõi Cực Lạc.
CHÚ THÍCH:
BỎN SẺN: Hà tiện, rít róng, hẹp
hòi với bà con chòm xóm trong việc tiền bạc. Ví dụ: người có tánh tham lam bỏn
xẻn.
LƯƠNG HIỀN: Tốt
lành, người hiền lành tốt đẹp, chơn chất làm ăn. Đức Thầy có câu:
“Kẻ lương hiền chờ giọt mưa ngâu,
Người bạo ngược thừa cơ nguy thủ lợi”.
(Trao Lời Cùng Ông Táo)
CẦN CHUYÊN: Cũng
viết là chuyên cần. Có nghĩa là siêng năng, chăm chú, không xao lãng. Ví dụ:
cần chuyên tu học. Ở đây ý nói hai thời công phu lễ bái, niệm Phật, xem kinh,
người tu hành phải chịu khó chuyên trì cho đầy đủ, đừng để lãng xao, sơ sót.
Đức Thầy từng nhắc nhở trong bài “Dặn Dò Bổn Đạo”:
“Sớm khuya bá tánh cần chuyên,
Nghe lời dạy bảo cảnh Tiên dựa kề”.
TƯỞNG NHỚ PHẬT CHỚ NÊN SÁI BUỔI: Câu nầy ý dạy sự niệm Phật, nhớ Phật trong hai thời cúng lạy, mỗi
tín đồ phải thật hành cho đúng, như lời Đức Thầy dặn dò trong bài “Từ Giã Làng
Nhơn Nghĩa”:
“Sớm chiều bình đẳng chớ lơi,
Thường hành như vậy nhớ lời đừng sai”.
ĐỪNG VONG: Đừng
quên, không nên bỏ, chẳng nên phụ bạc.
CHẲNG CÙNG:
Không dứt, không hết, còn hoài, nói chẳng cùng.
A DI ĐÀ: (Xem lại chú thích nơi
câu 30 trên)
MONG MỎI: Ao
ước, mong muốn.
HÀO QUANG: Hào
là lông; quang là sáng. Nơi chơn mày của Phật có những sợi lông trắng phóng ra
ánh sáng, nên gọi là hào quang. Đây là một trong 32 tướng hảo của Phật. Đức
Thầy bảo:
“Mắt nhìn thấy thần thông biến hóa,
Đức Di Đà hiện chóa hào quang”.
(Xuân Hạ Tác Cuồng Thơ)
NGŨ SẮC: Năm màu sắc: xanh, đỏ,
trắng, vàng, đen. Đức Thầy có viết trong bài Nang Thơ Cẩm Tú:“Vừng mây
lành ngũ sắc hào quang”.
CHÁNH VĂN
217. Kẻ tâm-trí mau mau
tỉnh-thức,
Kiếm Đạo-mầu đặng có
hưởng nhờ.
Chốn hồng-trần nhiều
cảnh nhuốc-nhơ,
220. Rán hiểu rõ huyền-cơ
mà tránh.
Chốn tửu-điếm ta nên xa
lánh,
Tứ-đổ-tường đừng có
nhiễm vào.
Người tránh xa mới gọi
trí cao,
224. Sa bốn vách mang
điều nhơ-nhuốc.
Muốn tu tỉnh nay đà gặp
cuộc,
Đức Di-Đà truyền mở Đạo
lành.
Bởi vì Ngài thương xót
chúng-sanh,
228. Ra sắc lịnh bảo Ta
truyền dạy.
Nên khổ-lao Khùng không
có nại,
Miễn cho đời hiểu đặng
Đạo-mầu.
Ai muốn tầm Đạo cả cao
sâu,
232. Thì hãy dẹp tánh
tình ích-kỷ.
LƯỢC GIẢI (từ câu 217 tới câu 232) :
-Đức Thầy kêu gọi, ai là người hữu tâm hữu trí, nên sớm thức tỉnh
tìm lẽ diệu mầu trong Đạo pháp mà thật hành theo, để sau nầy được hưởng điều
cao quí. Cảnh trần đầy dẫy sự nhớp nhơ, mọi người nên khôn ngoan sáng suốt mà
xa lánh. Nhứt là đừng để đắm nhiễm vào bốn vách: tửu, sắc, tài, khí. Vì nơi ấy
làm cho con người phải hư thân mất nết, đọa lạc trần mê, xã hội chán chê ruồng
bỏ.
-Vậy ai là người tỉnh tâm tu niệm thì đây là dịp may ít có:“Xưa
nay không có mấy khi, Dương trần có Phật vậy thì xuống đây”.(Sấm Giảng Q.1) Bởi Đức Phật A Di Đà quá thương xót chúng sanh,
nên truyền lịnh cho Đức Thầy khai hóa Đạo mầu.
-Do đó, trên con đường giáo độ nhân sanh, dù gặp nhiều gian lao
thử thách, Ngài cũng chẳng nao núng ngại ngùng miễn sao cho người đời hiểu biết
Đạo mầu là thỏa nguyện. Và Ngài luôn khuyến tấn: Ai muốn thấu đạt lý diệu huyền
trong Đạo pháp, trước tiên phải diệt lòng vị kỷ tham lam, đường tu mới mau
thành đạt mục đích.
CHÚ THÍCH :
TÂM TRÍ: (Xem lại chú thích tại
tr.154 Tập 1/3).
ĐẠO MẦU: (Xem lại chú thích tại
tr.280 Tập 1/3).
NHUỐC NHƠ: Dơ
xấu, nhục nhã.
HUYỀN CƠ: (Xem
lại chú thích tại tr.40 Tập 1/3)
TỬU ĐIẾM: Uống rượu và đàng
điếm, hai trong “Tứ đổ tường”. Đức Thầy từng dạy:
“Người tu phải lánh hơi men,
Đừng ham sắc lịch lắm phen lụy mình”.(SG-Q.3)
TỨ ĐỔ TƯỜNG: Bốn
việc tệ hại giữa bốn bức tường:“Tửu, Sắc, Tài, Khí”.
1- Tửu là thích uống rượu. Trong rượu có chất men, đủ năm
thứ vị: chua, cay, đắng, mặn, ngọt nên ai uống vào đều bị nhiễm ghiền, nóng
nảy, say sưa thường sanh ra 10 điều lỗi:
1./ Sắc diện khác thường.
2./ Cử chỉ chẳng ra gì.
3./ Mắt thấy không tỏ.
4./ Hiện ra tuồng giận dữ.
5./ Phá hại sản nghiệp, không lấy gì nuôi sống.
6./ Hay sanh bịnh hoạn.
7./ Gây thêm sự kiện cáo.
8./ Danh xấu đồn khắp.
9./ Trí huệ hao kém.
10./ Chết bị đọa vào ba đường ác.
Đức Thầy từng răn cấm:“Uống rượu : Phải cữ tuyệt; nhưng khi
có tiệc lễ với người ngoài và không phải nhằm ngày chay lạt, có thể dùng một
đôi chút rượu thật nhẹ, để đừng có tỏ sự chia rẽ với người ngoại Đạo. Nếu say
sưa sẽ phải tội lỗi”(Những điều phải tránh hẳn, hoặc được châm
chế, hoặc nên làm – tr.205 SGTVTB 2004 ).
2- Sắc là chơi bời theo đàng điếm. Những kẻ đắm mê sắc
lịch, nếu là thường dân thì thân mau tàn tạ, trí hóa lu mờ, nhà tan cửa nát;
hạng vua quan thì mất nước, danh thể nhuốc nhơ như “Trụ, Kiệt”…Còn người tu
hành nếu không diệt được lòng tham sắc thì bị tiêu tan giới đức, dù Tiên cũng
phải hườn tục, như Uất Đầu Lâm Phất.v.v…
3- Tài là ham tiền của, cờ bạc. Người sa vào vách nầy, hay
sanh ra trộm cướp, đàng điếm, bị xã hội ruồng bỏ. Tục ngữ thường nói:“Cờ bạc
là bá thằng bần, Cửa nhà bán hết tra chân vào cùm”. Đức Thầy đã bảo:“Cờ
Bạc: Phải cữ tuyệt; những kẻ cờ bạc muốn vào Đạo, phải thệ nguyện bỏ cờ bạc rồi
mới được nhìn nhận. Về sự nầy chẳng có cuộc vui nào có thể châm chế đặng”.(Những
điều phải tránh hẳn, hoặc được châm chế, hoặc nên làm – tr.205 SGTVTB 2004).
4- Khí là hơi thuốc phiện (nha phiến, a phiến)…Kẻ
hút thuốc phiện thì thân hình ngày càng gầy ốm, bạc nhược; ngày
đêm xoay quanh bàn hút, nhả khói phun mây, không còn biết đến việc gì nữa, nên
bao nhiêu tiền của ruộng vườn đều tiêu sạch. Người xưa từng cảnh giác:“Có
ăn, ăn điếu thuốc lào, Đừng ăn a phiến ai nào có ưa”.
Đức Thầy nay đã cấm tín đồ:“Thuốc phiện: Phải cữ tuyệt;
không được hút một điếu nào hết. Những kẻ hút muốn vào Đạo phải bỏ hút rồi mới
được nhìn nhận. Trừ ra những người đau mà thầy thuốc bảo phải dùng một chút ít
hợp với các vị thuốc khác, mới có thể châm chế đặng”.(Những điều
phải tránh hẳn, …tr.205 SGTVTB 2004).
Tóm lại, về “Tứ đổ tường”, Đức Thầy đã răn cấm các tín đồ:“Điều
thứ nhứt: Ta chẳng nên uống rượu, cờ bạc, á phiện, chơi bời theo đàng điếm,
phải giữ cho tròn luân lý tam cang ngũ thường”.(Tám Điều Răn Cấm –
tr.214 SGTVTB 2004).
SA BỐN VÁCH: Rơi
vào bốn điều tai hại “Tứ đổ tường”: Rượu thịt, sắc đẹp, cờ bạc, hút thuốc
phiện.
ĐẠO LÀNH: Đạo
từ thiện, đây chỉ Đạo Phật. Bởi chủ yếu của Đạo Phật là dạy tín đồ phải:“Làm
hết các việc từ thiện – Tránh tất cả điều độc ác – Quyết rửa tấm lòng cho trong
sạch”(bài Phật Là Gì ?) để đạt đến mức giải thoát. Trong bài
“Cảm Tác”, Đức Thầy có viết:“Đạo lành mở cửa nơi miền Nam bang”.
ĐẠO CẢ: Đạo lớn, nghĩa của chữ
Đại Đạo (xem tr.48 Tập 1/3, đoạn 4 bài Sứ Mạng).
ÍCH KỶ: Chỉ biết có lợi riêng
cho mình, chỉ nghĩ đến mình, ai sao mặc kệ.
CHÁNH VĂN
233. Mau trở lại đừng
theo tà-quỉ,
Tham, Sân, Si chớ để
trong lòng.
Phải giữ lòng cho được
sạch-trong,
236. Mới thoát khỏi
trong vòng bịnh khổ.
Lớp đau chết kể thôi vô
số,
Thêm tà-ma yêu-quái chật
đường.
Chốn hồng-trần nhiều nỗi
thảm-thương,
240. Làm sao cứu những
người hung-ác.
Khắp thế-giới cửa nhà
tan-nát,
Cùng xóm làng thưa-thớt
quạnh-hiu.
Bấy lâu nay nuôi duỡng
chắt-chiu,
244. Nay tận-diệt lập
đời trở lại.
Khắp lê-thứ biến vi
thương-hải,
Dùng phép-mầu lập lại
Thượng-Ngươn.
Việc Thiên-Cơ Khùng tỏ
hết trơn,
248. Cho trần-hạ tường
nơi lao-lý.
LƯỢC GIẢI (từ câu 233 tới câu 248) :
-Đức Thầy kêu gọi những ai chạy theo tà đạo (mê tín dị đoan), sớm
trở lại con đường chánh giáo.Vì:“Những hạng ăn đồ cúng kiếng mà làm hết
bịnh là tà thần; nếu ta cúng kiếng mãi thì chúng ăn quen sẽ nhiễu hại ta”.(Tám
Điều Răn Cấm/ Điều Thứ Năm).Còn lòng tham, sân, si của mỗi người, chính nó là
thứ tà quỉ của nội tâm:“Tà kiến tam độc thật Ma Vương”(Pháp Bửu Đàn
Kinh). Hễ tham sân si càng tăng thì bịnh khổ càng nhiều và hột giống trí tuệ
càng bị vùi lấp. Cho nên Đức Thầy khuyên người tu cần diệt trừ tận gốc, ba món
phiền não căn bản ấy, tức lòng mình được thanh tịnh, huệ mạng sáng suốt, vững
vàng và khỏi nỗi khổ do tham, sân, si khuấy động.
Ngài còn cho biết, sắp tới đây: nào cảnh ốm đau chết chóc, nào tà
quái cả âm lẫn dương nhiễu hại khắp lê dân. Bởi:
“Thời kỳ nầy nhiều quỉ cùng ma,
Trời mở cửa Quỉ Vương xuống thế”.
(Giác Mê Tâm Kệ, Q.4)
Thảm thương cho kẻ hung ác, phải gặp nhiều khổ nạn, dù Phật Tiên
có đầy lòng từ bi, nhưng cũng không sao cứu được. Lại nữa, cơ Trời tiêu diệt
buổi Hạ ngươn bắt đầu diễn tiến: trước nhất là cảnh chiến tranh chết chóc xảy
ra, làm xóm làng thưa thớt, tài vật tiêu hao; kế đó là nạn đói đau tiếp diễn,
khiến cả nhân loại, đều chịu cảnh lầm than thống khổ. Trong “Giác Mê Tâm Kệ,
Q4”, Đức Thầy nói rõ:
“Khổ với thảm ngày nay có mấy,
Sợ mai sau dòm thấy bay hồn.
Trừ tà gian còn thiện chỉ tồn,
Cảnh sông máu núi xương tha thiết”.
Và rồi đây cuộc diện sẽ xảy ra:
“Ngọn thủy triều nô nức sục sôi,
Bầu trái đất một phen luân chuyển”.
(Nang Thơ Cẩm Tú)
Hoặc là:
“Ôi ! Khổ thảm bốn bề sóng dậy,
Dòm lưng trời lửa cháy liên miên.
Tiêu điều sản vật điền viên,
Thần thông biến hóa dưới miền Trung Ương”.
(Đến Làng Nhơn Nghĩa)
-Sở dĩ có thảm cảnh như vậy là do định luật trả vay của nhân và
quả. Đó là do phép mầu của trời đất, dùng rửa sạch những phần tử xấu xa, tội ác
trong thời hạ mạt, lập lại cảnh đời Thượng ngươn Thánh đức. Tất cả huyền cơ của
tạo hóa, Đức Giáo Chủ đã nói hết cho thế trần được rõ những đau thương thống
khổ, hầu sớm cải ác tùng thiện.
CHÚ THÍCH :
TÀ QUỈ: Tà ma quỉ quái. Đây chỉ
cho các tà đạo thường bày ra sát hại sanh vật cúng tế quỉ thần ma quái, để cầu
cho hết bịnh, nhưng bịnh đã không hết dứt mà trong gia đình lại thường bị đau
ốm liên miên, nên Đức Thầy từng kêu gọi (trong Sấm Giảng,Q3):
“Đừng theo lũ quỉ lũ ma,
Cúng kiếng nó mà nó phải ăn quen”.
THAM, SÂN, SI: Là
ba điều ác của ý nghiệp, là ba món phiền não trong “ngũ độn sử”(tham, sân, si,
mạn, nghi). Cũng gọi nó là “tam độc” (ba điều độc hại):
–Tham: là lòng ham muốn quá độ, nó thường sanh ra chiến
tranh, giết hại và trộm cướp.v.v…
–Sân: là tánh nóng giận, hay sanh gây gổ, cấu xé, hận thù.
–Si: là mê muội tà kiến, không phân biệt được lẽ tội phước,
hư nên, tốt xấu; không nhận đâu là chân lý. Tham Sân Si là nguồn gốc sanh ra
muôn ngàn tội lỗi khác, Đức Thầy thường răn dạy (Giác Mê Tâm Kệ, Q4):
“Chữ Tham trong ý muốn mặc tình,
Rán định tánh trừ cho nó tuyệt.
Chữ gây gổ là Sân hãy diệt,
Cho nó đừng thấp thoáng trong lòng.
Thêm chữ Si thiệt quá lòng dòng,
Nên tỉnh trí tìm nơi dụt tắt”.
THẢM THƯƠNG: Đau
đớn thương xót.
CHẮT CHIU:
cũng gọi là chít chiu, có nghĩa là đùm bọc, dắt dìu. Cổ thi có câu:
“Chắt chiu trong trứng mới nở ra,
Diều đâu bay lại sớt con gà”.(Thân Gà)
Hoặc là:“Mẹ gà, con vịt chắt chiu”.(Ca dao)
TẬN DIỆT: Dứt hết, tiêu diệt
hết; cơ tận diệt, đời tận diệt.
BIẾN VI THƯƠNG HẢI: Do câu “Tang điền biến vi thương hải”, hoặc “Thương hải
biến vi tang điền”. Có nghĩa là ruộng dâu hóa ra biển xanh, biển xanh
trở thành ruộng dâu. Tục truyền trong trời đất, cứ 500 năm có biến đổi một
lần. Do tích Tiên nữ Ma Cô: Bà thấy ba lần biển xanh hóa ra ruộng dâu…Đây ý nói
sự biến đổi từ cảnh đời Hạ ngươn ra Thượng ngươn, theo luật “Châu nhi phục
thỉ”.
THƯỢNG NGƯƠN:
Ngươn đầu tiên (Xem thêm Chú thích chữ Hạ ngươn tại tr.51 Tập 1/3).
THIÊN CƠ: (Xem
chú thích tại tr.64 Tập 1/3).
LAO LÝ: Nhà ngục. Ý nói bị
giam hãm trong tù ngục, rất buồn thương khổ sở. Ví dụ: Mắc vòng lao lý.
CHÁNH VĂN
249. Lão nào có bày điều
ma-mị,
Mà gạt-lường bổn-đạo chúng-sanh.
Đức Minh-Vương ngự chốn
Nam-Thành,
Đặng phân xử những người
bội nghĩa.
Trung với hiếu ta nên
trau-trỉa,
Hiền với lương bổn-đạo
rèn lòng.
Thường nguyện-cầu
siêu-độ Tổ-Tông,
256. Với bá-tánh vạn dân
vô sự.
Đời Ngươn-Hạ nhiều người
hung-dữ,
Nên xảy ra lắm sự
tai-ương.
Đức Di-Đà xem thấy
xót-thương,
260. Sai chư Phật xuống
miền dương-thế.
Tu kíp kíp nếu không quá
trễ,
Chừng đối đầu khó kiếm
Điên Khùng.
Cứu lương-hiền chẳng cứu
người hung,
264. Kẻ gian-ác đến sau
tiêu-diệt.
LƯỢC GIẢI (từ câu 249 tới câu 264) :
-Đoạn nầy ý nói Đức Thầy chẳng hề mị dối để lừa gạt tín đồ và bá
tánh mà lúc nào Ngài cũng tỏ thật cho mọi người được biết: sau nầy sẽ có Đức
Thánh Vương ngự tại Hoàng thành Việt Nam để phân xử những người vong ân bội nghĩa:
“Trên vua minh chánh cầm cân,
Dưới quan liêm tiết xử phân công bình”.
(Hoài Cổ)
-Cho nên Ngài khuyên vạn dân phải vẹn gìn trung hiếu, vì đó là hai
điều trong “Tứ Đại Trọng Ân”:“Hiếu trung phải liệu cho xong, Đến chừng
gặp chúa mới mong trở về” (Sám Giảng Q.3). Đồng thời lo rèn tập
thân tâm được trở nên hiền từ thanh khiết và luôn tu cầu cho Cửu huyền Thất tổ
đặng siêu thăng, cả vạn dân đều an cư lạc nghiệp, sớm tỉnh ngộ tu hành.
-Bởi chúng sanh thời mạt hạ quá hung tàn bạo ác, nên có tai biến
hãi hùng xảy đến. Đức Di Đà xót thương cho bá tánh gặp hồi tai họa nên sắc lịnh
cho Đức Thầy theo chư Phật lâm phàm khai Đạo cứu dân. Ngài truyền dạy mỗi người
gấp rút tu hành, để kịp thời thoát khỏi “Nếu để trễ chầy e chẳng kịp”(Để
Chơn Đất Bắc). Và:“ Để chừng đến việc kiếm Thầy khó ra”(Sám Giảng, Q.3).
-Căn cứ luật công bằng của tạo hóa thì hiền còn dữ mất. Trong cuộc
tẩy trần tới đây, chỉ có người lương thiện, mới được sống còn tới ngày Thượng
ngươn an lạc, còn những phần tử ác hung tất phải bị luật đào thải diệt vong.
CHÚ THÍCH :
MA MỊ: Dua mị dối trá.
NAM THÀNH:
Thành trì nước Việt Nam.
BỘI NGHĨA: bội
bạc (bội ơn, bạc nghĩa), không nhớ ơn nghĩa. Đức Thầy có câu:“Gẫm nhiều
người bội bạc thâm ân”(Khuyến Thiện Q.5)
TRUNG VỚI HIẾU: (Xem chú thích chữ “Thảo cha ngay chúa” tại tr.166 Tập
1/3).
TRAU TRỈA: Cũng
đọc là trau tria. Có nghĩa tu sửa, giồi chuốt; ý chỉ người hành đạo cần
trau sửa bào chuốt cho thân tâm được hoàn toàn tốt lành. Đức Thầy từng dạy:“Mau
mau trau trỉa chữ lành cho xong”.(Thiên Lý Ca)
Và: “Trau tria nhục thể về nơi cũ,
Chùi rửa tim gan một tấc lòng”.
(Cho Một Vị Sơ Tâm)
SIÊU ĐỘ TỔ TÔNG: Siêu độ là cứu lên cho khỏi. Cũng gọi là độ thoát. Tổ tông là Ông
bà dòng họ (Cửu huyền Thất tổ)… Ý nói người tu cần lo trau thân hành đạo, bố
thí trì chay để hồi hướng công đức, cầu nguyện cho tổ tiên dòng họ được siêu
thăng Tịnh độ, thoát khỏi sự khổ não trong luân hồi lục đạo. Đức Thầy dạy tín
đồ hằng nguyện:
“Nguyện đem công quả tu hành,
Cứu trong Tông Tổ vãng sanh liên đài.
Về Phật quốc ngày ngày an lạc,
Cả giống dòng giải thoát luân trầm”.
(Bài Nguyện Trước Bàn
Thờ Cửu Huyền)
TAI ƯƠNG: Tai
họa lớn. Đức Thầy có câu:
“Nếu chẳng nghe hồn vướng tai ương,
Chừng ấy mới kêu mời khó rước”.
(Khuyến Thiện, Q.5)
KÍP KÍP: Gấp gấp, ý khuyên việc
gì cần làm mau, làm gấp mới kịp. Đức Thầy từng khuyên:“Đời cùng tu gấp
kịp thì, Đặng xem báu ngọc ly kỳ năm non”.(Sám Giảng, Q.3).
ĐỐI ĐẦU: (Xem lại chú thích tại
tr.123 Tập 1/3)
GIAN ÁC: Gian trá và hung ác:
phường gian ác. Đức Thầy thường cảnh tỉnh:
“Thương đời văn vật say mê,
Làm điều gian ác thảm thê sau nầy”(Sám Giảng, Q.3).
TIÊU DIỆT: Diệt
hết, làm tan mất cả, không để sót lại.
CHÁNH VĂN
265. Nay trở lại như đời
Trụ-Kiệt,
Hãy tu nhơn chớ có
tranh-giành.
Tuy nghèo hèn mà chí
cao-thanh,
268. Được hồi-phục nhờ
ơn chư Phật.
Hãy thương-xót những
người tàn-tật,
Thấy nghèo hèn chớ khá
khinh cười.
Trên Năm-Non rồng phụng
tốt-tươi,
272. Miền Bảy-Núi mà sau
báu-quí.
Mặc trai gái trẻ già có
nghĩ,
Thì khoan cười tôi rất
cám ơn.
Khùng ra đời truyền dạy
thiệt hơn,
276. Chư bổn-đạo chớ nên
khinh rẻ.
Nay Khùng đã hết già hoá
trẻ,
Nên giữa đồng bỗng lại
có sông.
Ở Tây-Phương chư Phật
ngóng trông,
280. Chờ bá-tánh rủ nhau
niệm Phật.
LƯỢC GIẢI (từ câu 265
tới câu 280) :
-Thế cuộc hiện nay, chẳng khác thời Kiệt Trụ khi xưa, tình trạng
Vua bất minh, tôi bất trung:“Loạn luân cang kỷ bất từ bất lương”(Bài Cảm
Tác) khiến chúng dân gánh chịu cảnh lầm than cơ cực. Đức Thầy kêu gọi mọi người
nên mở rộng lòng nhơn bố thí cho những ai nghèo đói tàn tật. Đồng thời diệt bỏ
tánh tham lam giành giựt. Tuy sống trong cảnh nghèo hèn, nhưng hãy rán giữ lòng
trong sạch cao khiết, tất có ngày chư Phật sẽ hộ trì cho phục hồi cựu vị Phật
Tiên.
-Ngài còn cho biết tại miền “Năm Non Bảy Núi”, tuy hiện giờ thấy
toàn là cây đá âm u, nhưng sau nầy sẽ có cảnh vui tươi quí báu:“Rừng lâm
cây đá thấy ngày nay, Mà ruột năm non có các đài”( Đến Làng Nhơn
Nghĩa).
-Vì lòng quá thương xót chúng dân, nên Ngài kể hết sự tình, mặc
cho nam nữ trẻ già có tin hay không tùy ý, chớ không nên khi dể nhạo chê làm
chi cho vương nghiệp tội.
-Thời gian trước Đức Thầy giáo dân với xác thân là một ông Lão,
nhưng Ngài chuyển kiếp khai Đạo kỳ nầy, với một thể xác trẻ trung. Nguồn giáo
pháp của Ngài thuyết ra ví như con sông thông ra biển cả. Nếu ai biết nương
theo đó mà tiến hành và chuyên tâm làm lành niệm Phật, tất được giải thoát an
vui. Vì bên cõi Tây phương Cực Lạc Đức A Di Đà cùng chư Bồ Tát rất mong đợi
khắp bá tánh đồng tâm niệm Phật để được các Ngài tiếp dẫn vãng sanh về cảnh
giới ấy.
CHÚ THÍCH :
TRỤ: (Xem lại chú thích tại
tr.172 Tập 1/3).
KIỆT: (Xem lại chú thích nơi
câu 121 trên).
CAO THANH: Cũng
đọc là thanh cao. Có nghĩa cao thượng và thanh nhã, trong sạch. Truyện Kiều có
câu:“Bắt phong trần phải phong trần, Cho thanh cao mới được phần thanh cao”.
Đức Thầy cũng dạy:
“Thường trau giồi chí hướng cao thanh,
Cho khỏi thẹn con lành Phật giáo”.
HỒI PHỤC: Khôi
phục lại như cũ. Ý nói cái đã bị mất mát, sai lạc hay bịnh hoạn mà nay được hồi
phục trở lại.
NĂM NON: Năm cái chỏm cao (vồ)
trên núi Cấm (Thiên Cẩm Sơn), gồm có:
1- Vồ Bò Hong: vì khi xưa, ít người lai vãng nên giống bò hong
sanh sản nhiều vô số ở tại vồ nầy. Cao 716 thước, ở về hướng Tây.
2- Vồ Đầu: phải chăng vì cái vồ đầu tiên mà người ta gặp được khi
lên núi do ngã chợ Thum Chưng. Cao 584 thước ở về hướng Tây Bắc.
3- Vồ Bà hay Phnom Barech: vì ở đây có một cái điện thờ Bà Chúa
Xứ. Cao 579 thước, ở về hướng Nam.
4- Vồ Ông Bướm: vì khi xưa Ông Bướm và Ông Vôi, vốn người Miên,
tướng lĩnh của Cố Quản Trần Văn Thành, tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương. Sau về ẩn náu
tu hành ở nơi đây và được chứng đạo.
5- Vồ Thiên Tuế hay Phnom Prapéal: Vì ở đây có nhiều cây thiên
tuế. Cao 514 thước ở về hướng Đông.(theo quyển Thất Sơn Mầu Nhiệm của Nguyễn
Văn Hầu).
BẢY NÚI: (Xem lại chú thích tại
tr.106 Tập 1/3).
NAY KHÙNG ĐÃ HẾT GIÀ HÓA TRẺ: Đức Thầy đã nhiều lần chuyển kiếp độ đời, từ xác già chuyển sanh
lại xác trẻ, bởi Ngài:“Thương hồng trần mượn xác tái sanh”(Bài
Diệu Pháp Quang Minh).
Như từ Phật Thầy Tây An chuyển sanh lại Đức Huỳnh Giáo Chủ:
“Tạo xác Huỳnh danh thanh sắc trẻ,
Chờ thời Thiên định thiết hùng ca”.
(Hai Mươi Chín Tháng Chạp)
(Câu giảng trên còn có ý nghiã đúng theo lời tiên tri của Đức Phật
Thầy: Năm 1856, Đức Phật Thầy Tây An cùng các đệ tử đứng trước thềm chùa Tây An
núi Sam, nhìn xuống đồng Láng Linh, nhằm mùa nước lớn mênh mông như biển, Ngài
nói: “Chừng nào giữa đồng Láng Linh nầy có con sông thì ta sẽ trở lại độ đời
với hình thể trẻ trung hơn bây giờ”. Đến năm 1939, người Pháp cho xáng múc
con Kinh Vịnh Tre xuyên qua đồng Láng Linh. Và cũng trong năm 1939 ấy, Đức
Huỳnh Giáo Chủ ra đời khai sáng PGHH. Nên biết Đức Phật Thầy tiên tri lời nầy
năm 1856 lúc Ngài 50 tuổi; 83 năm sau, Đức Giáo Chủ PGHH ra đời mới 20 tuổi.
Cho nên sự việc nầy cũng rất ứng với các câu giảng kể trên).
NÊN GIỮA ĐỒNG BỖNG LẠI CÓ SÔNG: Phàm những người ở giữa đồng khô, thường bị thiếu nước xài và
cũng chẳng có sông rạch, để thông ra biển cả. Bỗng nhiên lại được con sông đào
đến, thật là điều may mắn ít có. Ý nói chúng sanh sống thời mạt pháp cảnh khổ
bao trùm, rất khao khát trông đợi người cứu tinh, bỗng được Đức Thầy khai nguồn
Đạo pháp, thì có chi vinh hạnh cho bằng.
Con đường Đạo lý của Ngài vạch ra ví như dòng sông, giúp cho chúng
sanh nương theo đó mà vượt ra biển cả, tức được giải thoát an vui. Như Ngài cho
biết:
“Cá to mà phải ở ao,
Muốn ra biển rộng phải nhào kiếm sông.
Một mai dạo được Tây Đông,
Khắp trong thế giới thỏa lòng ước ao”.
TÂY PHƯƠNG: Cảnh
Phật, tức cõi Tây Phương Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà.
NIỆM PHẬT: Trì
niệm lục tự Di Đà. Tức chỉ người tu theo Pháp môn Tịnh độ để được vãng sanh về
cõi Tây phương Cực lạc. Bởi Đức Phật A Di Đà có nguyện:“Nếu chúng sanh nào
xưng danh hiệu Ta (niệm Phật) thì chắc sanh về nước Ta, nếu không y lời
thì ta chẳng thể làm Phật”. Đức Thầy nay cũng xác định:
“Ao sen báu Tây phương đua nở,
Chờ chúng sanh niệm Phật chí tâm”.
(Khuyến Thiện, Q.5)
CHÁNH VĂN
281. Làm nhơn-ái ắt tiêu
bệnh-tật,
Vậy hãy mau tầm Đạo
Thích-Ca.
Phật tại tâm chớ có đâu
xa,
284. Mà tìm kiếm ở trên
Non-Núi.
Chúng đục-đẽo những cây
với củi,
Đắp xi-măng sơn phết đặt
tên.
Ngục A-Tỳ dựa kế một
bên,
288. Chờ những kẻ tu
hành giả-dối.
LƯỢC GIẢI (từ câu 281 tới câu 288) :
-Đức Giáo Chủ khuyên mỗi người, nên mở rộng lòng nhơn ái, đối với
vạn loại chúng sanh thì ít vương mang bệnh tật. Bởi căn cứ vào luật nhân quả,
hễ ai tạo nghiệp sát, hoặc đánh đập làm đau khổ chúng sanh khác thì kiếp nầy
hoặc kiếp sau bị giảm thọ (bớt tuổi), đau ốm liên miên và thân hình xấu xí tàn
tật. Bằng ai bố thí phóng sanh đối với người và vật thì được phúc thọ (sống
lâu), ít bệnh tật, thân xác tươi đẹp. Kinh Niết Bàn có chép:“Có hai nhân
duyên làm cho chẳng sanh ra bệnh khổ: Một là thương xót tất cả chúng sanh, hai
là thí thuốc cứu những người có bệnh”.
-Trên đường tu học, nếu hành giả muốn kết quả chắc chắn, trước
phải tìm hiểu Đạo Phật cho chính xác. Bởi muôn ngàn phương tiện trong Giáo lý
của Phật đều dạy nhà tu hãy tìm lại Phật tâm của mình:“Phải bền lòng tầm
Phật trong tâm”(Kệ Dân, Q.2). Muốn thế, hành giả phải
dùng trí huệ diệt hết vọng tâm phiền não, tức Phật tánh hiện bày:“Trí
hiền tâm đức chùi lau, Ra công lọc kỹ thì thau ra vàng”(Sám Giảng,
Q.3). Bằng ai tìm Phật theo những tượng cốt (thinh âm sắc tướng) hoặc núi non
am cốc thì chẳng khác “người cỡi trâu lại đi tìm trâu”, tu như thế rất
sai lầm mong gì kết quả.
-Còn những kẻ tu hành giả dối, phô trương hình thức bên ngoài để
lừa bịp thế gian. Chính họ đã hành sai chân lý, lại còn dẫn dắt bá tánh lầm lạc
thì ắt:“Khó mong cửa Phật dựa kề, Càng gần địa ngục nhiều bề thảm thương”(Phụ
Nữ Ca Diêu).
CHÚ THÍCH :
NHƠN ÁI: Cũng gọi là nhân ái,
tức lòng nhơn đức hay thương người mến vật, tha thứ người, thương xót hạng cơ
bần và tận tâm giúp đỡ họ mọi điều ích lợi. Người có lòng nhơn ái bao giờ cũng
tròn hiếu đạo với cha mẹ, kính thuận với đệ huynh, hòa hài với xóm chòm, cô
bác, tôn trọng mạng sống các sanh vật, không vô tình hay cố ý làm đau đớn hoặc
thiệt hại thân mạng của chúng.
Kinh Phật bảo:“Cái lợi lớn hơn hết là ở nơi lòng nhân từ, cái
phước lớn hơn hết là do tâm thanh tịnh”. Đức Thầy nay cũng từng dạy trong
bài “Khuyên Người Giàu Lòng Phước Thiện”:“Lòng nhơn xin khá tập
rèn” và trong bài“Diệu Pháp Quang Minh”:“Chí quân tử lòng nhơn
vạn đại”.
ĐẠO THÍCH CA: Đạo
Phật, vì Đức Thích Ca là Giáo chủ Đạo Phật toàn cõi Ta bà. Truyện Quan Âm Thị
Kính có câu:“Buồn muốn đi tu Đạo Thích Ca”.
PHẬT TẠI TÂM CHỚ CÓ ĐÂU XA: Tâm của mỗi chúng sanh đồng một bản thể với chư Phật. Từ vô thỉ
trong thể chơn như ấy, vì một tích-tắc bất giác vọng niệm sai lầm, nên bị đám
mây phiền não che lấp Phật tâm. Từ đó mọi kiến thức đều do phiền não chi phối,
nên ta không thể thấy được Phật tâm của mình. Cũng ví như hồ nước đang trong
sạch, bỗng bị gió thổi, sóng trào, khiến cặn cáu nổi lên làm nước đục ngầu,
không thể nhìn ra đâu là nước trong. Nhưng khi hết gió, sóng lặng, bùn cặn lắng
chìm tận đáy, bấy giờ ta thấy hồ nước trong lành trở lại.
Vậy trong hồ nước đục trước kia, có sẵn thể nước trong sạch. Cũng
như trong tâm chúng sanh (vọng), có sẵn chơn thân (Phật), tức trong phiền não
vẫn có bồ-đề, trong mê có giác. Nên người muốn tìm Phật mà cứ chạy theo hình
tướng bên ngoài, hoặc tìm nơi non cao rừng thẳm là sai lầm. Bởi không có Phật
nào khác hơn là bản lai thanh tịnh của chính mình.
Kinh Niết bàn, Phật bảo:“Nhược nhơn bất tri Phật tánh giả, tắc
vô trượng phu tướng giai danh nữ nhơn”(Nếu người không biết mình có tánh
Phật thì người đó không phải là bậc trượng phu, chỉ gọi là nữ nhơn thôi). Đức
Lục Tổ Huệ Năng cũng nói:
“Người tu hành muốn kiếm Phật thân,
Nơi nào kiếm chơn thân của Phật.
Trong tự tánh thấy thường chơn thật,
Có chơn thì giống Phật mới thành.
Chẳng thấy tâm kiếm Phật ngoài thân,
Tâm vọng khởi thiệt phần si ám”.
Đức Phật Thầy Tây An cũng dạy:
“Lọc lừa thì được nước trong,
Ma, Phật trong lòng lựa phải tầm đâu ?”
Đức Thầy nay cũng đã hằng khuyên:
“Nhàn thanh tìm kiếm, kiếm nơi tâm,
Phật cũ ngày xưa hãy rán tầm”.
(Đến Làng Nhơn Nghĩa)
NGỤC A TỲ: Phạn
ngữ là Avichi, phiên âm là A-tỳ, dịch là vô gián (không lúc nào ngừng, gián
đoạn). Ngục A-tỳ là cảnh địa ngục thấp hơn hết và nguy khổ hơn hết trong tám
cảnh Địa ngục lớn (Bát đại Địa ngục). Tội nhân vào đó bị trừng phạt không lúc
nào ngừng nghỉ, nên có tên là ngục vô gián.
Trong Địa Tạng kinh có giải năm nghiệp cảm chẳng gián đoạn ấy như
sau:
1- Tội nhơn vào đây, ngày đêm đều chịu sự trừng phạt, cho đến hằng
số kiếp, không lúc nào gián đoạn.
2- Nhiều người nằm trong giường ngục thì bị chật, nhưng bớt ra,
chỉ còn một người cũng thấy chật như thường.
3- Những đồ trừng trị như: gậy, côn, chim cắt, rắn, chó sói, chó
thường, cối xay, cối giã, cưa xẻ, đâm, xẻo, vạc dầu, lưới sắt, dây sắt, ngựa
sắt, da sống trói đầu, sắt nóng dội vào mình, đói ăn viên sắt, khát uống nước
sắt, quanh năm suốt kiếp, kể vô số.
4- Bất luận nam nữ, thổ mán mọi rợ, già trẻ sang hèn, hoặc Trời,
người, quỉ, thần.v.v…Hễ ai làm ra tội gì thì mang lấy tội nấy đều phải chịu mãi
như vậy.
5- Đọa xuống Địa ngục nầy, từ khi mới vào cho đến trăm ngàn kiếp,
trong một ngày một đêm muôn lần chết đi rồi sống lại, cầu xin tạm nghỉ một chút
cũng không được, cứ liên tiếp như vậy mãi, trừ ra khi nào hết tội nghiệp mới
được đi đầu thai.
Cũng trong Địa Tạng Kinh còn nói rõ những người phạm tội như sau
đây sẽ bị đọa vào Ngục A Tỳ:
“Kẻ bất hiếu với cha mẹ, chê bai Tam Bảo, hủy báng Kinh Pháp;
làm thân Phật chảy máu; kẻ xâm lấn tổn hại nhà chùa, làm ô uế tăng ni, ở trong
vòng chùa chiền làm việc dâm dục, phóng túng hoặc giết hại nhơn vật. Kẻ giả bộ
thầy tu để phá đồ vật nhà chùa, lường gạt kẻ tại gia, làm trái giới luật và tạo
ra nhiều tội ác; kẻ trộm cắp đồ vật của nhà chùa và chúng tăng”. Tất cả
những tội phạm nói trên đều bị đọa vào Ngục A-tỳ.
CHÁNH VĂN
289. Khuyên sư-vãi mau
mau cải-hối,
Làm vô-vi chánh Đạo mới
mầu.
Đạo Thích-Ca nhiều nẻo
cao sâu,
292. Hãy tìm kiếm cái
không mới có.
Ngôi Tam-Bảo hãy thờ
Trần-Đỏ,
Tạo làm chi những cốt
với hình.
Khùng nói cho già trẻ
làm tin,
296. Theo Lục-Tổ chớ
theo Thần-Tú.
LƯỢC GIẢI (từ câu 289 tới câu 296) :
-Bởi thấy thời nay có số tăng ni trong các chùa tu theo sắc tướng
thinh âm làm sai lạc chân truyền của Đạo Phật từ trước, nên Đức Thầy khuyên họ
mau trở về với Chánh pháp vô vi:“Huyền pháp thâm trầm thơm bất tuyệt, Vô
vi chánh Đạo hỡi người ôi !”(Cho Ông Tham Tá Ngà).
Có thế mới đúng chân truyền của Đức Phật Thích Ca và mới kết quả
trên đường tu Phật. Vì rằng: tất cả hình tướng màu sắc đều là hư vọng, ảo ảnh.
Người tu theo sắc tướng (hữu vi), khác nào kẻ bắt bóng trong gương, mò trăng
đáy nước. Kinh Thiền Môn đã nói:“Tu mà cầu hình tướng bên ngoài, tuy trải
qua nhiều kiếp, rốt cuộc chẳng đặng thành công. Nếu giác ngộ trở về xem bản
tánh mình, thì trong một niệm liền chứng quả Bồ đề. Cho nên hành giả phải tìm
cái chơn không (chơn tâm) mới là thật có”. Đức Giáo Chủ hằng dạy:
“Chuyện cao siêu Phật pháp còn dài,
Khó gặp chữ không không mà có”
(Sa Đéc).
-Do đó, về nghi thức thờ phượng, Đức Thầy không cho tín đồ tạo
thêm hình cốt, hoặc tụng tán trống mõ, chuông đẩu, mà:“…nên thờ đơn giản
cho lòng tin tưởng trở lại tâm hồn hơn ở vào sự hào nháng bề ngoài”. Và:“Về
cách cúng Phật, chỉ nên cúng nước lạnh, bông hoa và nhang thôi. Nước lạnh tiêu
biểu cho sự trong sạch, bông hoa tiêu biểu cho sự tinh khiết, còn nhang dùng
đặng bán mùi uế trược. Ngoài ra chẳng nên cúng một món gì khác cả. Bàn thờ Ông
Bà cúng món chi cũng đặng”(Xem Cách Thờ Phượng…, tr.201-202 SGTV 2004).
-Đức Thầy hằng khuyên dạy tín đồ hãy tu theo Đức Lục Tổ Huệ Năng,
tức là tu đúng theo chánh pháp vô vi của Đức Thích Ca, vì Đức Lục Tổ đã chứng
thọ chân truyền, chớ không nên tu theo Thần Tú, bởi phái nầy thường bày ra sắc
tướng thinh âm, làm sai lạc chân lý của Đạo Phật.
CHÚ THÍCH :
SƯ VÃI: Các Tăng sư và những Ni
cô đã xuất gia vào chùa tu hành.
CẢI HỐI: Hối hận những việc đã
lầm lỗi và quyết định sửa đổi lại.
VÔ VI: Phạn ngữ Asamskrta.
Dịch là Vô vi, có nghĩa: không có nhân duyên tác động, không có hình tướng màu
sắc, không có bốn tướng sanh, trụ, dị, diệt. Vô vi tức là chơn lý tuyệt đối, là
Niết bàn, là Đạo, là Vô tướng và Thật tướng.
Vậy làm vô vi là làm không có hình tướng về sắc mà cũng
không có hình tướng về tâm. Tuy tri hành tất cả việc Đạo pháp, nhưng tâm không
còn phân biệt ngã chấp, không có tướng người, tướng ta, tướng chúng sanh, tướng
thọ giả, tất đạt đến thật tướng Niết bàn, chơn không diệu hữu.
Đức Thầy dạy “làm vô vi” mới là Chánh Đạo, và
mới đúng chân truyền của Đức Thích Ca, bởi tâm ấn của Ngài là:“Chánh pháp
nhãn tàng, Niết Bàn diệu tâm”, lìa cả hình tướng văn từ, ngôn ngữ, chỉ dùng
tâm mà trì hành chứng đắc và dùng tâm truyền qua 33 vị tổ. Tới Đức Lục Tổ Huệ
Năng cũng chỉ có một tâm ấn. Đức Thầy hiện nay cũng bảo:“ Đạo vô vi của
Phật ân cần, Noi theo chí Thích Ca ngày trước”.(Giác Mê Tâm Kệ Q.4).
Và: “Xả thân tầm Đạo vô vi,
Nhiệm mầu thâm diệu nan tri Lão bày”.
(Từ Giã Làng Nhơn Nghĩa)
CÁI KHÔNG MỚI CÓ: Cái lý chơn không mà diệu hữu. Cái không ở đây là không có sắc
tướng, bởi Đức Phật từng bảo:“Nhược dĩ sắc kiến ngã, Dĩ âm thinh cầu ngã.
Thị nhân hành tà Đạo, bất năng kiến Như Lai”(Nếu dùng sắc mà thấy ta, lấy
âm thinh cầu ta. Thiệt là người hành Tà đạo, chẳng bao giờ thấy được Như Lai).
Hoặc là:“Phàm hữu sở tướng, giai thị hư vọng; nhược kiến chư tướng, phi
tướng, tức kiến Như Lai”(Các pháp tướng đều là không thật, đều là ảo
mộng. Bằng thấy các tướng mà chẳng chấp tướng tức thấy được Như Lai).
Vậy hành giả nếu không còn thiên chấp theo sắc tướng tức chứng
được “cái không”, tức là chơn không, cũng gọi là Tạng Tánh Như Lai.
Nhưng không mà chẳng không, nên gọi là có. Bởi trong cái chơn không thanh tịnh
ấy vốn có diệu dụng sáng mầu, chẳng thể nghĩ bàn được, nên gọi “không mà có”.
Như Đức Thầy từng bảo trong Giác Mê Tâm Kệ, Q.4:“Vô pháp tướng mới là thiệt
tướng”. Hoặc là:
“Tìm tõi Đạo mầu trong Phật pháp,
Cho đời hiểu rõ lý chơn không”.
(Khuyên Bỏ Dị Đoan)
TAM BẢO: Phạn ngữ Triratna, dịch
là Tam Bảo. Có nghĩa ba ngôi quí báu : Phật, Pháp, Tăng.
1- Phật là đấng toàn thiện toàn giác “bác ái vô cùng,
quyết cứu vớt sanh linh ra khỏi vòng trầm luân khổ hải”. (Ân Tam Bảo)
2- Pháp là lời của Phật thuyết ra để giáo hóa chúng sanh,
về sau các Đại đệ tử kết tập lại thành Tam tạng: Kinh, Luật, Luận. Người tu nhờ
trì hành theo đó mà đắc thành Đạo quả.
3- Tăng là các Đại đệ tử của Phật, bậc giới hạnh tinh
nghiêm, liễu ngộ Phật pháp và vâng ý Phật mà giáo hóa chúng sanh.
Lúc Đức Phật Thích ca còn trụ thế, chính Ngài là Phật bảo. Lần đầu
tiên Ngài đến rừng Lộc Giả thuyết pháp Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo cho năm anh
em Kiều Trần Như nghe, đó là Pháp Bảo. Năm vị ấy khi nghe xong đều tỏ ngộ chứng
quả A La Hán, ấy gọi là Tăng Bảo. Rồi từ đó Phật pháp truyền dạy lan rộng thêm
vô số Pháp bảo và Tăng bảo.
Còn luận giải theo lý tánh thì tự tâm mình giác ngộ là Phật Bảo,
tự tâm mình chơn chánh là Pháp Bảo, tự tâm mình thanh tịnh là Tăng Bảo.
Ngôi Tam Bảo mà Đức Thầy đề cập ở đây là chỉ cho Bàn thờ Phật tại
mỗi gia đình của mỗi tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo.
TRẦN ĐỎ: Bức trần màu đỏ thờ
trên ngôi Tam Bảo để biểu hiện tinh thần từ bi của Phật. Đó là lúc Đức Thầy mới
khai Đạo, nhưng sau đó 8 tháng Ngài cho đổi lại màu dà. Về ý nghĩa và lý
do thay đổi, Ngài có nói rõ trong một đoạn văn như sau:
“Từ trước chúng ta thờ trần điều là di tích của Đức Phật Thầy Tây
An để lại. Nhưng gần đây có nhiều kẻ thờ trần điều tự xưng cùng Tông phái với
chúng ta, làm sái phép, sái với Tôn chỉ của Đức Phật, nên toàn thể trong Đạo
đổi lại màu dà. Lại nữa, từ trước đến giờ các Sư dùng màu dà để biểu hiện cho
sự thoát tục của mình, và màu ấy là sự kết hợp của tất cả các màu sắc khác, nên có thể
tượng trưng cho sự hòa hiệp của nhân loại, không phân biệt chủng tộc và cá
nhân. Vì vậy chúng ta dùng nó trong chỗ thờ phượng để tiêu biểu cho tinh thần vô
thượng của nhà Phật”(Xem Cách Thờ Phượng,… tr.201 SGTVTB 2004).
LỤC TỔ: (638-713). Ngài là vị
tổ đã được thọ truyền tâm ấn của Đạo Phật. Kể từ Sơ tổ Ca Diếp truyền dẫn đến
Ngài là Tổ thứ 33, song kể riêng bên Trung Hoa, từ Đạt Ma Tổ sư thì Ngài là tổ
thứ sáu (Lục Tổ).
Lục Tổ tên thật là Huệ Năng, họ Lư, đạo hiệu là Phụ Trung Cư sĩ,
con của Lư Khánh Thao và bà Lý Thị. Nguyên quán Ngài tại đất Phạm Dương, sau
dời về Tân châu, xứ Lãnh Nam.
Ngài sanh vào đêm mùng 8 tháng 2 năm Mậu Tuất (638), thuộc nhà
Đường (Trung Hoa). Từ khi lọt lòng mẹ, Ngài không bú sữa, vì hằng đêm có thần
nhân cho uống nước Cam lồ. Mới ba tuổi Ngài phải mồ côi cha; mẹ của Ngài thủ
tiết nuôi con trong cảnh nghèo khổ, cháu rau đạm bạc. Lớn lên Ngài chuyên đốn
củi đổi gạo về nuôi mẹ. Một hôm, Ngài gánh củi xuống chợ đặng đổi gạo nghe có
người tụng Kinh Kim Cang đến câu:“Ưng
vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”(Không trụ vào chỗ nào để sanh tâm mình) thì
Ngài tỏ ngộ và ý quyết đi tu. May mắn có người giúp cho 10 lượng bạc, Ngài chu
cấp cho mẹ già, rồi đến chùa Đông Thiền, huyện Huỳnh Mai cầu học với Ngũ Tổ
Hoàng Nhẫn.
Trên tám tháng Ngài vui vẻ làm công quả bửa củi, giã gạo, gánh
nước.v.v…mà không hề than van, chỉ chuyên trì môn kiến tánh:“Trực chỉ nhân
tâm, kiến tánh thành Phật”. Một hôm Ngũ Tổ truyền khắp môn đồ: mỗi người
hãy làm một bài kệ tự tánh, nếu ai được tỏ ngộ sẽ được kế truyền ngôi Tổ thứ
sáu. Trong đồ chúng cả ngàn người, nhưng không ai dám làm, duy có Thần Tú học
rộng biết nhiều, làm một bài kệ lén dán trên tường:
“Thân thị Bồ đề thọ,
Tâm như minh cảnh đài.
Thời thời cần phất thức,
Vật sử nhá trần ai”.
(Thân ấy Bồ đề thọ, Tâm như minh cảnh đài.
Giờ giờ cần phủi sạch, Chớ để vướng trần ai).
Bài kệ ấy được đồ chúng truyền tụng, thấu đến tai Huệ Năng. Ngài
liền đến xem và muợn người chép giùm bài kệ của Ngài lên vách:
“Bồ đề bổn vô thọ,
Minh cảnh diệc phi đài.
Bổn lai vô nhứt vật,
Hà xứ nhá trần ai”.
(Bồ đề vốn không thọ, Minh cảnh cũng không đài.
Xưa nay không có vật, Nào chỗ vướng trần ai”.
Sau đó, Ngũ Tổ đến xem biết Huệ Năng đã ngộ chơn tánh, nên dùng
mật ngữ gọi vào phòng, truyền tâm ấn và phú chúc y bát cho Ngài nối ngôi Tổ thứ
sáu. Lúc ấy nhằm đời Đường Cao Tông, hiệu Long Sóc năm Tân Dậu. Ngài lãnh y
bát, về phương Nam ẩn dật 16 năm mới ra truyền Đạo. Đến ngày 13 tháng 8 năm Quý
Sửu, Ngài ở chùa Quốc Ân kêu đồ chúng lại thuyết bài kê:
“Trơ trơ chẳng làm lành,
Xăn xăn chẳng tạo ác.
Bặt bặt dứt thấy nghe,
Lộng lộng tâm không mắc”.
Thuyết kệ xong, tới canh ba Ngài ngồi ngay thẳng mà tịch. Đến đời
vua Hiến Tông nhà Đường, ban hàm ân cho Tổ là:“Đại Giám Thiền Sư” và đề
tặng trên tháp bốn chữ “Nguyên Hòa Linh Chiếu”, các đệ tử tạo tháp thờ
Ngài ở Tào Khê. Nhục thân của Ngài không hư rã, đệ tử xây tháp lưu giữ cho đến
ngày nay.
Quan huyện Thiều Châu có dựng bia ghi Đạo hạnh của Tổ sư để làm kỷ
niệm:“Tổ Sư Xuân Thu bảy mươi lẻ sáu. Hai mươi bốn tuổi được truyền y bát,
ba mươi chín tuổi xuống tóc. Sư thuyết pháp ba mươi bảy năm. Trong các môn nhơn
của Ngài có bốn mươi ba người đặng đạt Tông Chỉ và nối truyền chánh pháp. Còn
những người ngộ đạo siêu phàm chẳng biết bao nhiêu mà kể”.
Trong hàng cao đệ của Lục Tổ như: Thanh Nguyên Hành Tư, Nam Nhạc
Hoài Nhượng, Hà Trạch Thần Hội, Vĩnh Gia Huyền Giác, Nam Dương Tuệ Trung và
Pháp Hải.v.v…Đó là những nhân vật trọng yếu.
Lời truyền giáo của Ngài còn lưu lại cho đời quyển Pháp Bửu Đàn
Kinh; lý nghĩa diệu mầu khó tả, hàm chứa tâm ấn và chánh Pháp của Đạo Phật.
Ngày nay Đức Giáo Chủ bảo chúng ta tu theo Lục Tổ là tu đúng theo
Chánh Pháp Vô Vi của Đức Phật Thích Ca vậy.
THẦN TÚ: (606-707) Trong lịch sử
Phật giáo không có ghi chép tiểu sử rõ ràng, chỉ biết đại lược: Thần Tú là đệ
tử của Tổ Hoàng Nhẫn, làm chức Giáo thọ, trông coi đồ chúng tu học; mọi người
đều kính nể sự học tập nghe nhiều của ông.
Khi ông làm Kệ dâng Ngũ Tổ, lòng luôn nao nức tự phụ trong hàng
tăng chúng chẳng ai bằng mình. Song sau khi chẳng được truyền y bát, ông đâm ra
hiềm khích Lục Tổ Huệ Năng, bèn lập thành một tông phái Đạo Phật truyền bá
phương Bắc nước Tàu, trụ trì tại chùa Ngọc Tuyền, ở Kinh Châu. Học trò của Thần
Tú có khoảng 3.000. Thầy trò đều chủ trương lối tu tiệm giáo, lần lần bày ra âm
thinh sắc tướng: gõ mõ, tụng kinh, cúng kiếng chè xôi…làm sai lạc tông chỉ của
Đạo Phật.
Trong hàng đệ tử muốn tôn ông làm Tổ thứ sáu, nhưng vì Lục Tổ Huệ
Năng đã được thọ truyền y bát, thiên hạ đều tin nghe. Thế nên đã mấy lần đệ tử
của Thần Tú âm mưu hành thích Lục Tổ, song cơ mưu bất thành. Từ đó hai tông
phái Bắc, Nam lần lần xa cách.
CHÁNH VĂN
297. Khuyên bổn-đạo chớ
nên mê ngủ,
Thức dậy tìm Đạo chánh
của Khùng.
Đặng sau xem liệt quốc
tranh hùng,
300. Được sanh sống nhờ
ơn Chín-Bệ.
Hóa phép lạ biết bao mà
kể,
Chín từng mây nhạc trổi
tiêu-thiều.
Kẻ tà-gian sau bị lửa
thiêu,
304. Người tu niệm sống
đời thượng-cổ.
Khùng vưng lịnh
Tây-Phương Phật-Tổ,
Nên giáo-truyền khắp cả
Nam-Kỳ.
Hội Long-Hoa chọn kẻ
tu-mi,
308. Người hiền đức đặng
phò chơn Chúa.
Khuyên những kẻ giàu
sang có của,
Hãy mở lòng thương-xót
dân nghèo.
Cảnh vinh- hoa lại quá
cheo-leo,
312. Nhà giàu có sau
nhiều tai-ách.
[next]
LƯỢC GIẢI (từ câu 297 tới câu 312) :
-Đoạn nầy Đức Giáo Chủ khuyên trong bổn đạo, chớ đắm mê theo danh
lợi ảo huyền mà hãy sớm thức tỉnh, nương theo con đường Đạo đức chân chánh, do
Ngài đã vạch sẵn, hầu sau nầy:“ Đặng coi chư quốc non Tần giành chia”
(Thiên Lý Ca). Chừng ấy sẽ có:“ Đức Minh Vương ngự chốn Nam Thành”(Kệ
Dân, Q.2), biết bao cảnh vui tươi báu lạ, nhạc Tiên reo mừng khắp ba cõi, chín
từng để tiếp rước “Phật, Thánh, Tiên an bang cùng định quốc”
(Không Buồn Ngủ). Ai biết tu tỉnh hiền lương thì được “… nhuần
ân Thánh Đế”(Nang Thơ Cẩm Tú), và Ngài sẽ ban
thưởng cho sống đời thượng cổ; còn hạng gian tà bạo ác, tất bị luật đào thải
diệt vong.
-Đức Phật Tổ ở Tây Phương đã sắc lịnh Đức Thầy truyền dạy cho nhân
dân được rõ: Phật Trời sẽ lập Hội Long Hoa để chọn những ai xứng đáng là bực
râu mày quân tử, tài đức vẹn toàn, hầu được phò trì Đức Thánh Vương và sống đời
Ngươn thượng.
-Ngài cũng hằng khuyên hạng người giàu sang dư ăn dư để hãy mở
rộng lòng nhơn, giúp đỡ cho kẻ cơ bần, bệnh tật. Vì bao sự nghiệp phú quí vinh
hoa đối với thời chiến loạn, khó mà bảo tồn vĩnh cửu:“Giàu sang như nước
trên nguồn, gặp cơn mưa lớn nó tuôn một giờ”.(Sấm Giảng, Q1).
CHÚ THÍCH :
ĐẠO CHÁNH: (Xem
lại chú thích nơi câu 161 trên)
LIỆT QUỐC: Các
nước trên thế giới. Cũng như chữ chư quốc hay chư bang. Đức Thầy có câu:
“Các nơi liệt quốc chư bang,
Chúc cầu bình trị trướng loan sum vầy’.
(Viếng Làng Mỹ Hội Đông)
TRANH HÙNG:
Tranh giành để xưng hùng với thiên hạ.
CHÍN BỆ: Cũng gọi là chín từng,
là nghĩa của chữ “cửu trùng”, tức là chín bực thang (thềm), bước lên ngai vua.
Ý chỉ cho ngai vua hay là ông vua. Ví dụ: Tâu qua chín bệ; “Trên chín bệ mặt
trời gang tấc”. (Cổ thi)
TIÊU THIỀU:
Tiếng dùng để chỉ chung cho âm nhạc trong cung vua. “Tiêu thiều nhả nhạc
vang lừng” (Cổ thi).
THƯỢNG CỔ: Thời
Thái cổ, đời xưa; thời xa xưa trước thời trung cổ. Nghĩa cũng như chữ Thượng
ngươn.
HỘI LONG HOA:(Xem
lại chú thích tại tr.45-47 Tập1/3).
TU MI: (Xem lại chú thích nơi
câu 111 trên).
CHƠN CHÚA: Cũng
viết là chân chúa. Có nghĩa ông vua rất chân chánh, công bằng và sáng suốt,
được lịnh Trời sai xuống trị dân.
VINH HOA: (Xem
lại chú thích tại tr.233 Tập 1/3).
CHEO LEO: Lắt
lẻo, không vững; rất nguy hiểm, rất có thể ngã rơi bất cứ lúc nào. Người xưa
từng hát;
“Phượng Hoàng đậu chốn cheo leo,
Đến khi thất thế phải theo đàn gà”.
TAI ÁCH: (Xem lại chú thích nơi
câu 4 trên).
CHÁNH VĂN
313. Hỡi bá-tánh rừng
sâu có mạch,
Tuy u-minh mà có đền
vàng.
Lịnh Quan-Âm dạy biểu
Khùng troàn,
316. Cho bổn-đạo rõ
nguồn chơn-lý.
Lũ thầy-đám hay bày trò
khỉ,
Mượn kinh luân tụng mướn
lấy tiền.
Chốn Diêm-Đình ghi tội
liên-miên,
320. Mà tăng-chúng nào
đâu có rõ.
Theo Thần-Tú tạo nhiều
chuông mõ,
Từ xưa nay có mấy ai
thành ?
Phật từ-bi độ tử độ
sanh,
324. Là độ kẻ hiền-lương
nhơn-ái.
LƯỢC GIẢI (từ câu 313 tới câu 324) :
-Đoạn giảng trên Đức Thầy ý thức cho mọi người được biết: dù là ở
chốn núi cao rừng thẳm song nơi nào cũng có sẵn mạch nước ngọt trong lòng đất.
Còn miền Thất sơn, tuy hiện giờ chỉ thấy toàn là cây đá âm u nhưng sau nầy sẽ
có đền vàng điện ngọc:“Chừng Bảy núi lầu son lộ vẻ”(Đáp họa cho Ông Lương Văn Tốt). Hoặc
là:
“Chừng nào tiếng sấm nổ vang,
Thất sơn lộ vẻ đền vàng báu thay”.
(Vọng Bắc Hòa Nam)
Lại nữa, Đức Quan Thế Âm đã sắc lịnh cho Đức Thầy truyền dạy khắp
giới tu hành được rõ đâu là chơn thật ngay chánh nên theo và đâu là tà mị nên
tránh.
-Bởi hiện tình có số người tu giả dối, đã mang lốt Sư mà còn đem
kinh kệ đi tụng mướn để thọ hưởng tiền công đức của bá tánh, mê hoặc thiện tín,
làm sai tông chỉ tu hành, đó là điều nên tội mà tăng chúng nào đâu hay biết !
Những âm thinh sắc tướng, cúng kiếng chè xôi, tụng tán cầu siêu,
làm đám.v.v…là do phái Thần Tú bày ra từ trước, làm sai lạc chân truyền của Đạo
Phật. Thế mà trong giới tu hành chẳng lo cải sửa. Cho nên từ ấy đến nay ít có
nhà tu được chứng đắc.
-Vẫn biết chư Phật đầy lòng từ bi bác ái, lúc nào cũng muốn độ hết
chúng sanh, nhưng nếu hành giả nào muốn được sự cứu độ của các Ngài, cần phải
tu sửa thân tâm trở nên hiền lương nhân ái. Chớ chẳng phải do sự mướn người
tụng kinh, cầu siêu hoặc bày ra cúng kiếng lễ mễ mà được.
CHÚ THÍCH :
MẠCH: Mạch máu hay mạch nước.
Đây chỉ cho mạch nước, tức đường đi ngầm dưới đất, cung cấp nước ngọt cho nhân
loại. Trong trái đất dù nơi rừng sâu hay đồng nội, chỗ nào cũng có mạch nước
ngầm.
U MINH: Tối tăm, mờ mịt. Ví dụ:
nơi u minh, rừng u minh.
TROÀN: là truyền. Ví dụ: Lịnh
trên troàn dạy cho mọi người được biết.
CHƠN LÝ: (Xem lại chú thích tại
tr.171 Tập 1/3).
TRÒ KHỈ: Pháp ngữ gọi là
Singerie (trò nỡm). Ý chỉ cho việc gì không nên, không thành công, chỉ làm trò
cười cho thiên hạ. Kinh sách đạo Phật có chép câu chuyện ngụ ngôn như sau:
“Xưa, ở khu rừng nọ, có đàn khỉ độ 500 con. Hôm nọ, chúng rủ nhau
đến cây cổ thụ bên bờ giếng cư ngụ. Tối lại chúng thấy dưới giếng nước có mặt
trăng nằm tận đáy. Một con khỉ hốt hoảng kêu ầm lên:
“-Ôi ! Chết rồi anh em ơi ! Hôm nay mặt trăng bị chết, nó rơi
xuống đáy giếng đây nầy ! Chúng ta hãy mau tìm cách vớt nó lên, kẻo thiên hạ bị
tối tăm, khổ sở lắm ! Chúng xôn xao nhảy nhót, cuống quít với nhau, chưa biết
phải làm thế nào ? Bỗng nghe con khỉ chúa nói lớn:
“-Tất cả anh em hãy yên lòng, tôi đã có cách rồi. Việc nầy chẳng
khó chi, miễn là các anh em nghe theo tôi. Phần tôi nắm lấy cành cây rồi một
anh bám lấy đuôi tôi, và cứ thế lần lượt cứ bám đuôi nhau hết cả đàn. Thế là
chúng ta sẽ xuống tận đáy giếng để vớt trăng lên.
“Cả đàn khỉ nghe nói reo mừng đều cho đó là diệu kế, bèn làm đúng
như lời khỉ chúa. Khi chúng nối nhau gần đến nơi, vì nặng quá nên cành cây bị
gãy lìa, cả lũ khỉ đều rơi xuống giếng. Chúng lúng túng không có lối lên mà cũng
chẳng có ai ở đó cứu vớt; kết cuộc cả đàn khỉ đều bị chết nơi đáy giếng.
“Lúc ấy có vị thần ở trên cây trông thấy liền ngâm bài kệ:
“Một con ngu dại đã xong,
Thương thay ! Cả lũ đều không biết gì.
Trăng còn vằng vặc trên kia,
Dắt nhau xuống giếng làm chi cực lòng”.
Ở đây, ý nói những người tu hành sai chơn lý, đã tốn công mà không
kết quả, chỉ làm trò cười cho thiên hạ, thật đáng tiếc ! Đáng thương hại !
KINH LUÂN: Công
việc kéo tơ. (Kinh là sắp từ mối tơ và chia ra; Luân là so từ sợi tơ mà hợp
lại). Nghĩa rộng là sắp đặt và sửa sang chánh trị theo qui củ và có kế
hoạch…Song chữ kinh luân ở đây là chỉ cho Kinh Kệ của Phật.
DIÊM ĐÌNH:
Triều đình của Diêm La Vương nơi phân xử tội phước các linh hồn sau khi bỏ xác
(chết) lại thế gian.
LIÊN MIÊN: Liền
liền, không dứt.
TĂNG CHÚNG:
Phạn ngữ là Samgha. Tăng là tiếng đọc tắt, nói cho đủ là Tăng già
(samgha). Tức là một số đông nhà sư (Tỳ-kheo) hòa hợp nhau thành một đoàn thể,
sống với tinh thần lục hòa. Chúng là chữ Hán, dịch nghĩa là đông người
(chúng tăng). Vậy chúng tăng là hai tiếng: Phạn và Hán đồng nghĩa, ghép
lại dùng để gọi chư Tỳ-kheo ở một ngôi chùa hay một Giáo hội đạo Phật.
THẦN TÚ: (Xem lại chú thích nơi
câu 296 trên).
TỪ BI: (Xem lại chú thích tại
tr.40 Tập 1/3).
NHƠN ÁI: (Xem lại chú thích nơi
câu 281 trên).
CHÁNH VĂN
325. Xá với phướn là trò
kỳ-quái,
Làm trai-đàn che miệng
thế-gian.
Kẻ vinh-hoa phú-quí giàu
sang,
328. Mướn tăng-chúng
đặng làm chữ hiếu.
Thương bá-gia vì không
rõ hiểu,
Tưởng vậy là nhơn nghĩa
vẹn tròn.
Thấy lạc-lầm Đây động
lòng son,
332. Khuyên bổn-đạo hãy
nên tỉnh-ngộ.
Ở dương-thế tạo nhiều
cảnh khổ,
Xuống huỳnh-tuyền
Địa-Ngục khảo hình.
Tuy lưới Trời thưa rộng
thinh-thinh,
336. Chớ chẳng lọt những
người hung-ác.
Khi nhắm mắt hồn lìa
khỏi xác,
Quỉ Vô-Thường dắt xuống
Diêm-Đình.
Sổ sách kia tội phước
đinh-ninh,
340. Phạt với thưởng hai
đường tỏ rõ.
LƯỢC GIẢI (từ câu 325 tới câu 340) :
-Bởi nhận thấy một số tăng chúng thời nay, đáng lẽ họ phải gắng
sức trau giồi trí tuệ để khuyên dạy bá tánh tự lo khử ác tùng thiện, hiếu thuận
từ hòa hầu hồi hướng công đức cho Cửu huyền Thất tổ được siêu thăng. Đằng nầy
họ lại bày vẽ những cuộc trai đàn với các nghi thức rườm rà, đượm màu mê tín.
Việc đó khiến cho những kẻ giàu sang hiểu lầm: hễ có tiền của nhiều mang đến
cho chúng tăng cầu siêu giùm là vẹn tròn hiếu nghĩa, khỏi cần phải tu hành, tác
phước làm chi cho cực.
-Đức Thầy thấy sự lầm lạc như thế mà động lòng thương, nên Ngài
kêu gọi khắp thiện tín mau tỉnh ngộ trở về với chơn lý:“Mình làm chữ hiếu
mới hay, Chớ muớn người ngoài cầu nguyện khó siêu”(Sám Giảng, Q.3). Và
phải tin sâu nơi luật nhân quả, hễ làm lành hưởng phước, tạo ác mang tai, chẳng
hề sai chạy. Xưa, Đức Phật từng bảo:“Cầu phước chẳng qua trai giới bố thí;
Cầu thọ chẳng qua giới sát, phóng sanh; cầu huệ chẳng qua học rộng nghe
nhiều, suy tư, tịnh ý; cầu an tâm chẳng qua xét ngăn tư tưởng phải quấy, chớ
không phải đem tài vật lễ mễ Phật Trời mà được”.
-Nhân loại ở thế gian nếu ai làm điều hung ác thì khi chết linh
hồn bị nghiệp lực hút vào Địa ngục chịu sự hình phạt khốc liệt. Lưới trời tuy
thưa, nhưng khó lọt dù một mảy lông (Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu).
Kiếp sống của con người cứ miệt mài con đường tội ác, một khi số vô thường đến
thì trước công án của Diêm Vương, dù một điểm nhỏ cũng không cãi chối được:“Bán
điểm nan mãn nguyệt cảnh minh, Bá kế thiên mưu đô thị thố”.( Đến lúc thác
xuống âm ti dù nửa điểm tội cũng khó che dấu được, vì cái kiếng tại đài nguyệt
cảnh chiếu rất rõ ràng. Ở đây có trăm điều mưu kế lầm lỗi đều hiện ra tất cả)
(Trong Tỉnh Thế Ngộ Chơn).
-Bấy giờ Phán quan sẽ đem bản ghi chép tội phước hằng ngày ra và
Diêm Vương sẽ xét xử kẻ tội phước; đâu đó thưởng phạt rất công minh.
CHÚ THÍCH :
XÁ VỚI PHƯỚN LÀ TRÒ KỲ QUÁI: Xá hạc, xá ngựa, lầu kho, phướn sớ là những đồ vật của mấy ông “nhưn
bông, làm đám” tạo ra để đốt khi có người đem tiền của đến để nhờ làm lễ cầu
siêu. Họ nói với tang chủ rằng:”Đốt đồ ấy cho người chết ở dưới âm phủ xài được
và xá hạc, xá ngựa sẽ mang sớ đến Trời Phật”. Đó thật là điều rất giả dối lạ
lùng, thế mà người ta vẫn tin. Sau đây là câu chuyện có liên quan đến vấn đề,
do ông Võ Quang Lệ ở xã Hòa Hảo tường thuật:
Vào ngày 27 tháng 8 năm Kỷ Mão (1939), tại An Hòa Tự làng Hòa Hảo,
có cuộc trai đàn do ông Võ Quang Lệ là tang chủ. Ông đem tiền đến chùa, nhờ Sư
trụ trì là Yết Ma Thường tổ chức lễ cầu siêu cho thân phụ ông nhân ngày lễ làm
tuần bá nhựt.
Trong cuộc trai đàn ấy, dĩ nhiên là có tụng kinh, gõ mõ, có xá
phướn lầu kho theo tục lệ của mấy thầy làm đám. Giờ cúng ngọ gần tới thì cũng
chính nhằm dịp Đức Thầy vừa đến. Sau khi đi một vòng thăm “đại hùng bảo điện”,
Đức Thầy bước vào hậu đường, trong khi Yết ma Thường cùng ông Lệ đang săm soi
sửa chữa lại mấy xá hạt, xá ngựa, để chuẩn bị cho kịp giờ “đưa tiễn về Trời”.
Đã biết tin Đức Thầy bất thần ghé chùa và cũng biết ý Đức Thầy lúc
nào cũng đả phá những điều dị đoan và lợi dụng, nên Yết ma Thường không vui.
Ông muốn nhân dịp nầy “hạ uy tín” Đức Thầy để bù trừ điều Ngài không chấp nhận
việc ông nầy“Làm chay đám tạo nhiều xá mã”(GMTK, Q.4) và “Mượn
kinh luân tụng mướn lấy tiền” (Kệ Dân, Q.2); đồng thời cũng để
thử xem oai linh của Đức Thầy, nên Yết ma Thường lén để dưới manh chiếu xếp
lại, đặt trên chiếc trường kỷ đối diện ngay Ông, một quyển Kinh Phổ Môn, rồi
chờ đợi.
Khi Đức Thầy đến, Yết ma Thường giả bộ niềm nở mời Ngài ngồi ngay
trên chiếc ghế ấy. Đức Thầy với cử chỉ hòa hưỡn và tự nhiên, trả lời ông Yết
Ma:
-Được, Ông cứ để tôi đứng đây nói chuyện. Đoạn, Ngài nhìn ngay ông
Lệ đang ngồi trên chiếc trường kỷ bên kia với Yết ma Thường, ứng khẩu một bài
thi tứ tuyệt:“Cho hay Đạo cả thiệt vì tiền,
Đạo cả không tiền, Đạo ngửa nghiêng.
Có bạc sợ chi miền Địa ngục,
Không tiền khó đến cảnh Tây Thiên”.
Nghe bài thi của Đức Thầy, ông Thường nóng mặt; còn ông Lệ như
thoát cơn say. Khi Đức Thầy ra về, Yết ma Thường dở chiếu lấy quyển kinh lên,
cho ông Lệ xem và cả hai đều gật gù nghĩ ngợi.
Mẩu chuyện nầy là một nhát búa đẽo mạnh vào những mắt cây cong, nó
có hiệu năng khuyến cáo mọi người chừa bỏ các điều phi lý, chỉ thể hiện sự mê
tín hoang đàng, chớ không đem lại một mảy may lợi ích.
TRAI ĐÀN: Đàn
làm chay. Là những tăng chúng hội hiệp tại một ngôi chùa nào đó để làm lễ cầu
siêu cho các vong hồn trong thân nhân của chư thiện tín, do họ đem tiền của,
vật thực đến nhờ các sư tổ chức giùm để họ lễ bái cầu nguyện.
NHƠN NGHĨA: (Xem
lại chú thích tại tr. 275 Tập 1/3)
LÒNG SON: (Xem
lại chú thích tại tr.239 Tập 1/3).
TỈNH NGỘ: (Xem
lại chú thích nơi câu 93 trên).
HUỲNH TUYỀN:(Xem
lại chú thích tại tr.94Tập 1/3).
ĐỊA NGỤC KHẢO HÌNH: Sự hành phạt tra khảo nơi Địa ngục. Do sự tội ác nặng hay nhẹ
của mỗi cá nhân mà khi chết linh hồn bị đọa vào cảnh giới Địa ngục, họ cảm thấy
mình bị sự trừng phạt, mỗi nơi mỗi khác.
Có ngục tội nhân bị kéo lưỡi dài ra cho trâu cày; hoặc có nơi quỉ
sứ móc trái tim của tội nhơn cho quỉ dạ xoa ăn; có nơi quỉ sứ đun sôi vạc dầu
mà nấu thân thể kẻ có tội; có nơi đốt cột đồng cho đỏ, rồi bắt kẻ có tội ôm
vào; có nơi người ta thổi cho lửa bay gộp lại, áp vào kẻ có tội. Có ngục toàn
là giá lạnh, hoặc có ngục toàn là phân người và nước tiểu; có nơi bay tới những
cây gai toàn bằng sắt ghim vào mình người tội, hoặc có nơi gươm giáo đâm vào
tội nhơn; có nơi bị gậy gộc đánh vào bụng, vào lưng liên tiếp. Hoặc có ngục
hình, hành bằng cách đốt cháy tay chơn tội nhơn; hoặc có nơi tội nhơn bị rắn sắt
quấn chung quanh mình, hoặc chó sắt đeo tội nhơn mà cắn xé.v.v…
QUỈ VÔ THƯỜNG: Quỉ
bắt người tới số phải chết; cũng gọi như chữ tử thần. Vì cái chết làm
cho con người phải mất đi tất cả (số vô thường đã đến) nên người ta quá ghê sợ
mà gọi nó là Quỉ Vô Thường hay là Tử Thần.
CHÁNH VĂN
341. Tìm Cực-Lạc, Đây
rành đường ngõ,
Hãy mau-mau tu tỉnh mới
mầu.
Tận thế-gian còn có bao
lâu,
344. Mà chẳng chịu làm
tròn nhơn-đạo.
Kẻ nghèo khó hụt tiền
thiếu gạo,
Mở lòng nhơn tiếp rước
mới là.
Làm hiền-lành hơn tụng
hơ-hà,
348. Hãy tưởng Phật hay
hơn ó-ré.
Đã chánh Đạo thêm còn
sức khoẻ,
Đặng nuôi cha dưỡng mẹ
cho tròn.
Vẹn mười ơn mới đạo làm
con,
352. Lúc sanh sống chớ
nên phụ-bạc.
LƯỢC GIẢI (từ câu 341 tới câu 352):
-Đoạn nầy Đức Giáo Chủ chỉ cho biết: nếu ai muốn vãng sanh Cực lạc
thì nơi đây Ngài vạch sẵn đường lối, tức là Pháp Môn Tịnh Độ. Đại ý Ngài dạy:
hành giả cần có đủ Tín, Nguyện và chuyên tâm niệm Phật, làm lành:“Nam Mô A
Di Đà Phật, sáu chữ đi, đứng, nằm, ngồi rán niệm chớ quên không đợi gì thời
khắc”(Niệm Phật, tr.212 SGTVTB 2004). Nếu ai nhứt tâm trì chí như vậy,
quyết đặng vãng sanh Cực Lạc, như Ngài đã viết trong Quyển 5, Khuyến Thiện:
“Lòng thương chúng thuyết phương Tịnh độ,
Đặng dắt dìu tất cả chúng sanh.
Nếu như ai cố chí làm lành,
Chuyên niệm Phật cầu sanh Phật quốc.
Cả vũ trụ khắp cùng vạn vật,
Dầu Tiên, Phàm, ma quỉ, súc sanh.
Cứ nhứt tâm tín, nguyện, phụng hành,
Được cứu cánh về nơi an dưỡng.
Chỉ một kiếp Tây Phương hồi hướng,
Thoát mê đồ dứt cuộc luân hồi”.
Vậy chúng sanh nào muốn được kết quả như trên, phải mau thức tỉnh
tu hành. Lại nữa, ngày tận diệt gần kề, thế mà chúng dân chẳng chịu tu tròn
Nhân Đạo. Bởi phần Nhân Đạo có làm tròn mới được sống còn trong ngày Thượng
ngươn Thánh đức và như thế cũng gọi là trả xong nợ thế, vẹn đáp tứ ân:“Tứ
ân đã trả chẳng còn tội căn”.(Cho ông Cò Tàu Hảo).
-Ngoài ra còn phải rộng lòng thương những người nghèo khổ, tàn tật
để tùy phương giúp đỡ:“Nếu đã xả thân tầm đạo đức, Mở lòng bố thí ngộ
thần ca”(Khuyên Người Giàu Lòng Phước Thiện). Bởi điểm trọng yếu của
người tu Phật là bên ngoài lo làm lành lánh dữ, tác phước thiện duyên, bên
trong thì chuyên tâm niệm Phật và tảo trừ vô minh phiền não để kiến diện Phật
tâm (Phước Huệ song tu ). Chính đó là chánh Đạo, là chơn lý tuyệt vời. Bằng ai
mảng lo tụng kinh gõ mõ, ó ré theo hình tướng (không cần thấu đạt nghĩa lý) thì
mong gì đạt đạo:
“Kinh Thích Đạo, Kinh xem chẳng tụng,
Việc thinh âm sắc tướng chẳng dùng.
Đạo tại tâm, tâm Đạo xuất tùng,
Tùng tâm Đạo mới là Phật Đạo”.
(Kim Cổ Kỳ Quan của Ô.Ba Thới)
-Thêm nữa, người tu có hành đúng theo chánh Đạo mới bảo tồn được
sức khỏe, hầu làm tròn bổn phận người con, đối với công ơn trời biển của cha
mẹ. Nghĩa là phải ghi nhớ mười điều ân vào thâm tâm để sớm lo đền đáp:
Lúc cha mẹ còn sanh tiền thì lo cung cấp từ miếng ăn, thức mặc, cho đến chỗ
được chu toàn. Vâng lời dạy bảo của cha mẹ và hằng khuyên cha mẹ làm việc phước
nhân, tránh điều tội lỗi. Còn khi cha mẹ quá vãng thì rán tu cầu cho linh hồn
được siêu sanh cõi thọ, thoát đọa trầm luân. Đó là vẹn tròn Đạo làm con.
CHÚ THÍCH :
CỰC LẠC: (Xem lại chú thích nơi
câu 28 trên)
TU TỈNH: Thức tỉnh và trau sửa
thân tâm cho được trọn lành, trọn sáng.
TẬN THẾ GIAN:
(Xem lại chú thích nơi câu 25 trên)
NHƠN ĐẠO: (Xem
lại chú thích tại tr. 152 Tập 1/3).
TỤNG HƠ HÀ: Cách
tụng kinh như la lối lớn tiếng, có giọng điệu ca kệ.
MƯỜI ƠN: Những công ơn của người
con thọ nơi cha mẹ. Trong “Phụ Mẫu Báo Hiếu Trọng Ân Kinh”, Phật có giảng mười
điều ơn, tạm lược như sau:
1- Thập ngoạt hoài thai ân: Ơn mười tháng cưu mang.
2- Lâm sản thọ khổ ân: Ơn sanh đẻ chịu khổ.
3- Sanh tử vong ưu ân: Ơn sanh được đứa con, mừng mà quên
lo rầu.
4- Yến khổ thổ cam ân: Ơn uống đắng nhổ ngọt.
5- Hồi can tựu thấp ân: Ơn nhường chỗ khô nằm chỗ ướt.
6- Nhũ bộ dưỡng dục ân: Ơn bú mớm và nuôi nấng.
7- Tẩy trạc bất tịnh ân: Ơn rửa ráy mọi thứ dơ bẩn.
8- Viễn hành ức niệm ân: Ơn con đi xa thì cha mẹ nhớ tưởng.
9- Vị tạo ác nghiệp ân: Ơn vì con mà cha mẹ nhiều khi làm
điều chẳng lành.
10-Cứu cánh lân mẫn ân: Ơn cha mẹ thương con không có cái
thương nào bằng.
Bởi công ơn của cha mẹ lớn lao như thế, nên cổ nhân từng bảo:“Lên
non mới biết non cao, Nuôi con mới biết công lao mẫu từ”. Và trong kinh
“Tâm Địa Quán”, Phật dạy:“ Ân từ phụ cao như núi chúa; Ân bi mẫu sâu tợ đại
dương”. Đức Thầy hiện nay cũng khuyên:
“Ở ăn cho vẹn mười ơn,
Cảnh tình hiền đức gặp cơn khải hoàn”.
(Để Chơn Đất Bắc)
ĐẠO LÀM CON: Bổn
phận làm con phải vẹn tròn hiếu thảo với cha mẹ. Bởi hạnh hiếu là đứng đầu các
hạnh. Cổ nhân từng nói:
“Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
Sách “Liên Tông Bửu Giám” cũng bảo:“Hiếu dưỡng bách hạnh
vi tiên; Hiếu tâm tức thị Phật tâm; Hiếu hạnh vô phi Phật hạnh. Dục đắc Đạo
đồng chư Phật, tiên tu hiếu dưỡng nhị thân”.(Điều hiếu dưỡng là đứng đầu
trăm hạnh, tâm hiếu thảo tức là tâm Phật; hạnh hiếu đâu chẳng là hạnh của chư
Phật. Vậy muốn đắc Đạo cũng như chư Phật, trước hết khá nên hiếu dưỡng song
thân). Kinh Đạt Ma cũng có thi rằng:
“Làm con khá trả đặng ơn sâu,
Muôn việc trần gian hiếu đứng đầu.
Chín tháng cưu mang nhiều khó nhọc,
Ba năm nhũ bộ cũng hèn lâu.
Tu hành trước hết tròn Nhân Đạo,
Ra thế mới mong tránh bể dâu,
Ba vạn sáu ngàn là dễ mấy,
Ngày qua tháng lại bóng thiều thâu”.
Tóm lại, Đạo làm con là hiếu hạnh mà hiếu hạnh tức là Phật hạnh,
và nó đứng đầu các hạnh. Đức Thầy cũng bảo:“Nhơn sanh hiếu nghĩa dĩ vi
tiên”(Hiếu Nghĩa Vi Tiên).
PHỤ BẠC: Bội bạc ân nghĩa. Không
nhớ đến công ơn của cha mẹ, nỡ lòng cư xử bất hiếu. Đức Thầy thường thống trách
hạng người phụ bạc (trong GMTK, Q.4):
“Ham công danh quên chữ sanh thành,
Mến phú quí quên câu dưỡng dục”.
CHÁNH VĂN
353. Nếu làm đám được về
Cực-Lạc,
Thì giàu-sang được trọn
hai bề.
Ỷ tước-quyền làm ác
ê-hề,
356. Khi bỏ xác nhiều
tiền lo-lót.
Kinh với sám tụng nghe
thảnh-thót,
Lũ nhưn-bông tập luyện
đã rành.
Đẩu với đờn, kèn, trống,
nhịp sanh,
360. Làm ăn-rập đặng đòi
cao giá.
Tâm trần-tục còn phân
nhơn ngã,
Thì làm sao thoát khỏi
luân-hồi.
Những giấy-tiền vàng-bạc
cũng thôi,
364. Chớ có đốt tốn tiền
vô lý.
Xưa Thần-Tú bày điều
tà-mị,
Mà dắt-dìu bá-tánh đời
Đường.
Thấy chúng-sanh lầm lạc
đáng thương,
368. Cõi Âm-Phủ đâu ăn
của hối.
LƯỢC GIẢI (từ câu 353 tới câu 368) :
-Giả sử có kẻ mướn người cầu siêu mà linh hồn kẻ chết được về Cực
Lạc thì tu quá dễ dàng vậy sao? Và kẻ quyền thế bình nhựt cứ tha hồ lường gạt
dân chúng, rồi đến khi chết con cháu tung tiền ra mướn các thầy nhưn bông làm
hiếu sự cho mình, thế thì họ “bắt cá hai tay”đều được cả sao ? Như vậy, còn gì
là chơn lý ?
Người xưa từng bảo:“ Ông tu ông đắc, bà tu bà đắc, bất tu bất
đắc”. Và người tu có “xả phú cầu bần, xả thân cầu Đạo” mới mong thành
quả và cứu thoát Cửu huyền (Nhứt nhơn thành Đạo, Cửu huyền thăng).
-Còn các món: đẩu đờn, kèn trống, chuông mõ, tụng tán v.v…do mấy
thầy nhưn bông bày ra để đi làm đám, lòng còn đầy tham, sân, si, nhân, ngã,
cộng với sự lừa người, dối Phật, họ đã tự trói mình vào luân hồi sanh tử, mong
gì cầu siêu cho ai được.
-Lại còn những giấy tiền vàng bạc, giấy quần áo, vốn xuất phát từ
đời Đường bên Trung Hoa. Đương thời phái Thần Tú chẳng những không cấm lại còn
mặc nhận cho các môn đồ chứa chấp và hiệp nhau lừa bịp bá tánh, rồi lưu truyền
mãi đến ngày nay.
-Đức Giáo Chủ nhìn thấy chúng dân bị lầm lạc mê tín, Ngài động
lòng từ bi giác tỉnh mọi người, nên nhận rõ: Ở thế gian còn phải tôn trọng lẽ
công bằng thì chốn âm phủ có lý nào còn dùng hối lộ hay sao? Thế nên trong Tám
Điều Răn Cấm, Đức Thầy có dạy:“ Điều thứ sáu: Ta không nên đốt
giấy tiền vàng bạc, giấy quần áo mà tốn tiền vô lý, vì cõi Diêm Vương không bao
giờ ăn hối lộ của ta, mà cũng không xài được nữa, phải để tiền lãng phí ấy mà
trợ cứu cho những người lỡ đường đói rách, tàn tật”.
CHÚ THÍCH :
NHƯN BÔNG: Là
những người dọn sắc diện như nhà tu, nhưng chỉ chuyên đi làm đám, cầu siêu và
tụng kinh mướn cho người ta, làm hoen ố Đạo Phật.
TÂM TRẦN TỤC:
Nghĩa cũng như tâm trần cấu. Tức là tâm nhiễm ô trần trược. Vì các phiền não mê
tình đã kết cấu từ vô thỉ, khiến tâm càng ngày càng thêm ô trược . Đây chỉ cho
tâm của mỗi chúng sanh.
PHÂN NHƠN NGÃ: Tức
là tâm phân biệt nhân ngã. Có nghĩa lòng phân biệt người – ta, và của
người – của ta trong chỗ hơn thua cao thấp, xấu tốt. Sự phân biệt ấy như
sau:
Nhơn: Vọng tâm phân biệt
người với ta khác nhau, muốn người lúc nào cũng phải theo cái ta muốn và phải
lệ thuộc, phải kém thiếu hơn ta mọi việc.
Ngã: Phân biệt rằng ta quí
trọng hơn người, đáng sống hơn người và mỗi việc cao sang sung sướng chi đều
phải chiếm trên, hưởng trước hơn người.
Của Người:
Phân biệt thấy người có món chi tốt đẹp quí báu, đều muốn lấy về làm của mình,
dù người không bằng lòng hay không hợp lý. Trái lại, của ấy xấu kém hơn của
mình thì tìm đủ cách chê bai hất hủi.
Của Ta: Phân biệt cái gì của ta
đều là quí, là phải hơn của người gấp bội và lo bảo thủ không để hở. Rủi cái
của ta mất đi thì sầu não, tìm kiếm và nghi ngờ đủ thứ. Nhiều khi vì chuyện nhỏ
của ta mà nỡ hại sanh mạng hay tài sản của người.
Tóm lại, vì cái vọng tâm phân biệt nhơn ngã, khiến con người tham
đắm danh, lợi, tình…để bồi bổ cho giả thân mà phải luân hồi mãi mãi. Đức Thầy
từng khuyên (trong GM TK, Q.4):
“Chữ nhân ngã cũng là quá gắt,
Ta chớ nên phân biệt với người”.
LUÂN HỒI: (Xem
lại chú thích tại tr. 36 Tập 1/3 )
NHỮNG GIẤY TIỀN VÀNG BẠC CŨNG THÔI, CHỚ CÓ ĐỐT TỐN TIỀN VÔ LÝ: Từ lâu dân ta có tục lệ dùng giấy tiền vàng bạc,
giấy quần áo và xá phướn lầu kho để đốt cho người chết mang theo hoặc gởi xuống
âm phủ. Mê tín rằng làm như vậy là người chết xài được, chớ họ có biết đâu
những sự vật ấy là do Vương Dư và Vương Luân đời Đường (Trung Hoa) chế ra để
phỉnh gạt người đời mà trục lợi.
Sách “Trực Ngôn Cảnh Giáo” có chép: Vương Luân là miêu duệ (con
cháu đời sau) của Vương Dư, lập mưu với người bạn để tiêu thụ số giấy tiền vàng
bạc, giấy quần áo do y làm ra còn ứ đọng quá nhiều.
Người bạn của Luân giả đau rồi chết, thân nhân liệm xác vào quan
tài đem chôn. Luân bèn đem giấy tiền, vàng bạc đến đốt để cầu xin chuộc mạng.
Người bạn của Luân từ từ sống lại. Mọi người tưởng thật đều tin theo và càng
đốt giấy tiền vàng bạc nhiều hơn trước, khiến Vương Luân trở nên giàu to.
Sự mê tín nhảm nhí ấy từ nước Tàu truyền lần sang nước ta. Bấy giờ
nhà nhà đều quen lệ nầy nên Đức Thầy cảnh tỉnh:
“Vàng bạc bởi tay khách trú làm,
Phật, Thần, Tiên, Thánh chẳng dùng ham.
Giấy quần giấy áo không nên đốt,
Nghĩ chuyện dối ma chẳng đáng làm”.
(Hai Mươi Chín Tháng Chạp)
THẦN TÚ: (Xem lại chú thích nơi
câu 296 trên).
TÀ MỊ: (Xem chú thích chữ ma-mị
nơi câu 249 trên).
ĐỜI ĐƯỜNG: Tức
nhà Đường (618-906) bên Tàu. Vị vua sáng lập nhà Đường là Lý Uyên, kế truyền
được 20 đời và trị vì được 289 năm.
CÕI ÂM PHỦ: Cũng
gọi là cõi âm cung hay âm ty, nơi Diêm Vương ngự để thưởng công phạt tội những
linh hồn người chết. Cõi âm phủ đối với cõi dương gian:“Dương gian âm phủ
đôi đàng cách xa”.(Cổ thi).
CỦA HỐI: Của hối lộ. Tức là của
lo lót, đút nhét, dâng của một cách kín đáo cho kẻ có quyền thế, để nhờ cậy che
chở hoặc ban ân huệ. Ví dụ: Quan ăn hối lộ.
CHÁNH VĂN
369. Đúc Phật lớn chùa
cao bối-rối,
Mà làm cho Phật-Giáo suy
đồi.
Tu Vô-Vi chớ cúng chè
xôi,
Phật chẳng muốn
chúng-sanh lo lót.
Tăng với chúng ưa ăn đồ
ngọt,
Nên bày ra cúng kiếng
hoài hoài.
Ỷ nhiều tiền chẳng biết
thương ai,
376. Cúng với lạy khó
trừ cho đặng.
Kẻ nghèo khó tu hành
ngay thẳng,
Không cầu siêu Phật bỏ
hay sao ?
Lập trai đàn chạy-chọt
lao xao,
380. Bôi lem mặt làm
tuồng hát Phật.
Nay nhằm lúc mùa màng
ngập thất,
Vậy hãy mau bỏ bớt
dị-đoan.
Rán giữ-gìn luân-lý tam
cang,
384. Tròn đức-hạnh mới
là báu-quí.
LƯỢC GIẢI (từ câu 369 tới câu 384) :
-Bởi nhận thấy có số người tu Phật, mãi đua theo hình tướng, tạo
chùa, đúc tượng, cúng kiếng chè xôi…khiến cho người đời chán chê xa lánh và Đạo
Phật do đó càng lúc càng suy yếu. Đức Thầy kêu gọi họ hãy tu theo Chánh pháp vô
vi mới đúng chân lý. Vì rằng Phật chẳng hề dùng các món: chè xôi, bánh trái,
hoặc tiền của. Chỉ vì chúng tăng làm sai chơn lý mới bày ra cúng kiếng nầy nọ
để thọ hưởng vật thực đó mà thôi.
-Ở đời có lắm kẻ gian tham, bỏn sẻn, ỷ mình giàu có, chẳng thương
xót một ai, cứ đem tiền của vật thực đến chùa mướn người cầu siêu, lễ bái. Họ
tin lầm rằng làm như vậy sẽ trừ hết tôi lỗi, khỏi cần phải tu. Họ có ngờ đâu:
“Phật chẳng qua dụng chữ tín thành,
Chớ nào dụng hương, đăng, trà, quả”.
(Giác GMTK, Q.4)
Do đó, Đức Thầy hằng cảnh tỉnh:“…Đức Phật chẳng bao giờ ngỏ
ý rằng:“Các người hãy lạy thờ ta cho nhiều rồi Ta sẽ độ giúp các người”
mà trái lại, Ngài dạy rằng:“Các người nên hiểu
biết phận sự con người phải làm gì trong kiếp sống và tìm kiếm chân tánh của
mình”. Thiệt hành theo giáo lý của Ngài thì Ngài sẽ hướng dẫn và ủng hộ vậy”(Trong
Việc Tu Thân Xử Kỷ – tr. 457 SGTVTB 2004).
-Xét như trên, chư Phật lúc nào cũng tiếp độ những người tu hành
chân chất, dù kẻ đó là bần hàn hạ tiện. Còn những cuộc trai đàn hát Phật, là
trò mị dối, mê tín dị đoan, làm sai lạc chân truyền của Đạo Phật quá nhiều. Cho
nên Đức Thầy kêu gọi các môn đồ trong Phật giáo từ đây hãy chấm dứt tệ đoan ấy
để làm cho tròn bổn phận thực tại:“Rán tu Nhân Đạo cho tròn mới hay”(Sấm
Giảng, Q.1). Ấy là bổn phận từ trong gia đình (giữa cha con, chồng vợ, huynh
đệ) đến ngoài xã hội, đâu đó đều đối xử được vẹn toàn tốt đẹp. Đồng thời lo
trau giồi hạnh nết, phát triển lòng nhơn và gội rửa tâm trí cho được sạch trong
để tiến lên đường giải thoát, chính đó mới là điều cao quí.
CHÚ THÍCH :
SUY ĐỒI: Đồi bại, đổ nát. Ví dụ:
Phong hoá suy đồi hay Phật giáo suy đồi. Đức Thầy có câu:
“Lòng quảng ái xót thương nhân chủng,
Buổi lố lăng Phật giáo suy đồi”.
(Khuyến Thiện, Q.5)
VÔ VI: (Xem lại chú thích nơi
câu 290 trên).
TRAI ĐÀN: (Xem
lại chú thích nơi câu 326 trên)
LÀM TUỒNG HÁT PHẬT: Lối hát y như hát bộ (bội), cũng mang râu đội mão, vẽ
mặt.v.v…Những tuồng tích theo sử liệu Phật giáo, do tăng chúng và các ông nhưn
bông đóng trò. Trong những cuộc làm chay ở các chùa, thường bày hát như vậy,
nên gọi là Hát Phật.
DỊ ĐOAN: (Xem lại chú thích nơi
câu 78 trên).
LUÂN LÝ: (Xem lại chú thích tại
tr.270 Tập 1/3).
TAM CANG: Cũng
gọi là tam cương, tức là ba giềng mối quan trọng của Đạo làm người: 1-Quân thần
cang; 2-Phụ tử cang; 3-Phu thê cang. Việc ăn ở, đối xử đâu phải ra đấy, như:
vua tôi đối nhau phải có lòng trung chánh, cha con đối nhau phải có hiếu từ và
chồng vợ đối nhau phải ân nghĩa song toàn. Đức Thầy có câu:
“Ngũ luân lễ nghĩa năm hằng,
Tam cang trung trực người rằng ngu si”.
(Để Chơn Đất Bắc)
ĐỨC HẠNH: Đức
là tâm lành; hạnh là nết tốt. Người vẹn tròn đức hạnh là bên trong đầy lòng
nhân ái, khoan hòa; bên ngoài mọi cử chỉ nói làm đều biểu hiện hạnh nết tốt
lành với mọi người từ trong gia đình đến ngoài xã hội.
“Những người tích đức tu nhân,
Ít khi gặp phải tai ương khổ nàn”.
(Ca dao)
Đức Thầy cũng khuyên:
“Chốn Phật đường rán trau đức hạnh,
Phải bền lòng mới rảnh trần ai”
(Sa Đéc)
CHÁNH VĂN
385. Nay gần đến long
phi xà vĩ,
Cảnh gian-nan bá-tánh
hầu kề.
Thấy chúng sanh còn hỡi
say mê,
388 Khùng chỉ rõ đường
tà nẻo chánh.
Ta là kẻ vô hình hữu
ảnh,
Ẩn xác phàm gìn
đạoThích-Ca.
Làm gian ác là quỉ là
ma,
392. Làm chơn chánh là
Tiên là Phật.
Hiếm những kẻ không nhà
không đất,
Mà sang giàu chẳng xót
thương giùm.
Có lỡ-lầm chưởi mắng
um-sùm,
396. Thêm đánh đập khác
nào con vật.
Ăn không hết lo dành lo
cất,
Đem bạc trăm cúng Phật
làm chi ?
Phật Tây-Phương vốn tánh
từ-bi,
400. Đâu túng thiếu mà
quơ mà tởi.
LƯỢC GIẢI (từ câu 383 tới câu 400) :
-Đoạn nầy Đức Thầy tiên tri, nay sắp đến hai năm thìn, tỵ, cảnh
gian lao chiến nạn sẽ đến với chúng sanh không còn xa lắm. Điều nầy Ông Sư Vãi
Bán Khoai đã nói:“Rồng bay xao xuyến nào yên, Rắn bò giáp giới đảo điên
dương trần”. Ông Ba Thới cũng bảo:“Rắn lộn rồng nhơn dân sanh giặc”.
Và trong Quyển Nhứt, Đức Thầy còn cho biết: “Mèo kêu bá tánh lao xao,
Đến chừng rồng rắn máu đào chỉn ghê”.
Điều nầy đã ứng nghiệm vào hai năm (1940-1941), giai đoạn đầu của
cuộc Đệ nhị thế chiến.
-Đức Giáo Chủ nhìn thấy chúng sanh mãi đắm mê trong cảnh đời ảo
mộng, đầy gian lao tội lỗi, nên Ngài phân tách rõ hai nẻo chánh tà cho bá tánh
nhận thức. Công cuộc chuyển kiếp độ đời Ngài không hề phô trương hình tướng
Phật Tiên, mà chơn linh Ngài chỉ ẩn nương vào xác phàm, để hoằng truyền Phật
Pháp. Vậy ai muốn biết đâu tà đâu chánh, chẳng phải xem hình thức mà phải căn
cứ vào hành động, hễ ai hành động chơn chánh thiện lương là Tiên Phật, còn tạo
việc gian ác tức quỉ ma.
-Ngài hằng kêu gọi kẻ giàu sang nên bỏ tánh kiêu căng ỷ thị, nhiếc
xài đánh đập tôi tớ mà hãy mở lòng thương xót, bố thí cho kẻ khốn cùng đó là
điều chánh lý, đáng làm. Bằng ai mãi tham lam ky cỏm, rồi mang tiền của đến
chùa cúng Phật, thật chẳng có ích chi. Bởi lẽ chư Phật lúc nào cũng đầy lòng từ
ái, hằng rộng độ khắp vạn dân, đâu có túng thiếu, cũng chẳng hề xài tiền bạc
của thế gian mà chúng Tăng lại tởi khuyên như thế.
CHÚ THÍCH :
LONG PHI XÀVĨ:
Rồng bay đuôi rắn. Ý chỉ năm thìn đã qua và đến cuối năm tỵ.
SAY MÊ: Cũng gọi là mê sa,
tức say đắm mê nhiễm một cách mù quáng, không thức tỉnh rời rứt ra. Đức Thầy
nói (trong GMTK, Q.4):
“Thương lê dân còn mảng say mê,
Chẳng tu tỉnh cho rành sương nắng”.
VÔ HÌNH HỮU ẢNH: Không có hình tướng, nhưng có bóng (Chơn linh hay Pháp thân). Ông
Sư Vãi Bán Khoai có nói:“Phật Trời hữu ảnh vô hình, Thánh Thần cũng vậy mới
là oai linh”. Đức Thầy cũng cho biết:
“Tuy là hữu ảnh vô hình,
Chớ dân lòng tưởng sân trình đáo lai”.
(Từ Giã Bổn Đạo Khắp Nơi)
ẨN XÁC PHÀM: Dấu
kín Chơn linh trong xác thể phàm tục. Ý nói Đức Thầy chuyển kiếp độ đời, cũng
mang xác thể như bao nhiêu người phàm tục khác, nhưng tâm hồn siêu việt hơn
người thường.
THÍCH CA: Phạn
ngữ là Sakya. Họ của Phật. Tàu dịch là Năng nhơn, nghĩa là người có năng lực từ
bi rộng lớn. Kinh “Di Đà Sớ Sao” nói:“Năng giả thiện quyền phương tiện khúc
trực cơ nghi, Nhơn giả trí đức hồng ân phổ triêm vạn loại. Thị đại từ lợi vật
dã”. (Chữ Năng là hay dùng pháp phương tiện quyền xảo tùy theo cho thích
hợp các căn cơ để hóa độ; chữ Nhơn là lấy trí đức ân từ rộng lớn bủa khắp muôn
loài. Thật là đại từ đại bi, tế nhơn, lợi vật của Phật vậy).
TỪ BI: (Xem lại chú thích tại
tr. 40 Tập 1/3)
QUƠ TỞI: Quơ là lấy, vơ vét, quơ
quào. Tởi là tải, quyên góp. Ví dụ: Tởi tiền cất chùa, đúc tượng…Đức Thầy từng
nói:
“Bị Tăng chúng quá ham chùa ngói,
Nên tởi khuyên khắp chốn cùng làng.
Phật nào ham tượng cốt phết vàng,
Mà Tăng tạo hao tiền bá tánh”.
(GMTK, Q.4)
CHÁNH VĂN
401. Khùng cả tiếng kêu
dân ơi hỡi,
Hãy giúp cho kẻ đói mới
nhằm.
Đến loạn-ly khổ hạnh
khỏi lâm,
404. Còn hơn đúc chuông
đồng Phật bự.
Chẳng làm phước để làm
hung dữ,
Rồi vào chùa lạy Phật mà
trừ.
Phật Tây-Phương có lẽ
hiểu dư,
408. Dụng tâm ý chớ
không dụng vật.
Muốn bổn-đạo tánh tình
chơn-chất,
Rèn lòng hiền thương xót
lẫn nhau.
Kể từ rày vàng lộn với
thau,
412. Phật, Tiên, Thánh
cùng nhau xuống thế.
Cứu bá-tánh không cần lễ
mễ,
Để dắt-dìu đạo lý rành
đường.
Nước Nam-Việt nhằm cõi
Trung-Ương,
416. Sau sẽ có Phật Tiên
tại thế.
LƯỢC GIẢI (từ câu 401 tới câu 416) :
-Đoạn nầy Đức Thầy kêu gọi bá tánh, muốn tạo phước nhân, hãy trợ
giúp cho kẻ nghèo đói mới đúng lý, đã thoát qua các tai nạn khổ ách, lại còn
được phước đức nhiều hơn người sắm chuông đúc tượng.
-Ngài hằng thống trách hạng người chẳng chịu tu thân hành thiện,
mãi làm điều hung ác rồi mang tiền, vật đến chùa cúng bái, cho rằng làm như vậy
sẽ trừ được tội lỗi. Nào ngờ mỗi hành động, hoặc tâm niệm nhỏ nhặt nào của
chúng sanh, chư Phật đều thông suốt cả và các Ngài luôn tiếp độ những ai trở về
với Đạo bằng tấm lòng thành thật. Còn những kẻ tuy đem lễ vật đến chùa cúng
Phật rất nhiều, song chỉ để cầu phước và chẳng thật ý tu hành, thì các Ngài
không hề chấp nhận.
-Đức Thầy hằng mong mọi người đều rèn luyện tâm tánh cho được chơn
thật hiền lương, để biết:“…thương yêu lẫn nhau như con một cha, dìu dắt
lẫn nhau vào con đường đạo-đức..”.(Tám Điều Răn Cấm/Điều thứ tám –
tr.214 SGTVTB 2004).Trong thế gian hiện giờ, kẻ chân giả, xấu tốt, còn đang lẫn
lộn. Chư vị Phật Tiên, lâm phàm độ chúng, chẳng vì lợi lộc, mà chỉ vì muốn vạch
rõ con đường đạo lý, để bá tánh nương theo đó mà tu hành thoát khổ.
-Bởi cơ luân chuyển Việt Nam sẽ nhằm trung tâm điểm của quả địa
cầu:“Cõi trung ương luân chuyển phương Nam, Mở hội thánh chọn người trung
hiếu”(Diệu Pháp Quang Minh) nên sau nầy và nơi đây sẽ có: “Phật,
Tiên, Thánh an bang cùng định quốc”? (Không Buồn Ngủ) và:
“Long Hoa Tiên Phật đáo Ta bà,
Lừa lọc con lành diệt quỉ ma”.
(Thức Tỉnh Một Nữ Tín Đồ Ở Bạc Liêu)
CHÚ THÍCH :
LOẠN LY: Rối loạn và tản mác,
lộn xộn. Ví dụ: gặp lúc loạn ly, phân vân khổ sở. Đức Thầy bảo:“ Đời cùng
ly loạn khắp chư bang”(Lộ Chút Cơ Huyền).
KHỎI LÂM: Khỏi
là thoát qua được. Lâm là gặp phải, vướng nhằm. Khỏi lâm là khỏi vướng phải.
Trong Sấm Giảng Q.1, Đức Thầy có câu:
“Đến sau khổ hạnh khỏi lâm,
Nhờ công tu niệm âm thầm quá hay”.
DỤNG TÂM Ý CHỚ KHÔNG DỤNG VẬT: Câu nầy ý dạy, ai thành tâm thật ý cải hối tội lỗi thì Phật trời
sẽ ứng chứng cho, chớ không phải dùng lễ vật cúng tế cho nhiều mà được. Đức
Thầy hằng khuyên:
“Tới với Ta chớ đem đồ cúng,
Chỉ đem theo hai chữ thành lòng”(GMTK,Q.4).
CHƠN CHẤT: Thật
thà chất phác. Đức Thầy (trong Tám Điều Răn Cấm/Điều thứ nhì) có dạy:“..phải
cần kiệm, sốt sắng, lo làm ăn và lo tu hiền chơn chất”.
VÀNG LỘN VỚI THAU: Ý nói chân giả, tốt xấu còn lộn xộn chưa phân biệt. Đây chỉ cho
hiện thời: Tiên, Phàm, Ma, Phật đang ở chung lộn trong cõi thế gian, rồi đây sẽ
có ngày:
“Nấu lọc rành mới biết vàng thau,
Ai thật tánh ai người giả đạo” (Sa Đéc)
LỄ MỄ: Lễ lộc. Vật thực để
cúng tế (Soạn giả) – Nhiều: đầy lễ mễ thức ăn; một cách khó nhọc: mang
lễ mễ (Hiệu đính).
ĐẠO LÝ: (Xem lại chú thích tại
tr. 129-131 Tập 1/3)
NAM VIỆT: (Xem lại chú thích nơi
câu 3 trên).
TRUNG ƯƠNG: Ở
giữa, chỗ chính giữa. Đức Thầy từng nói trong bài Trao Lời Cùng Ông Táo:
“Ngày vâng chỉ đáo lai trần thế,
Cõi Trung ương nhằm nước Việt Nam”.
CHÁNH VĂN
417. Khuyên sư vãi bớt
dùng của thế,
Gắng công tu đặng có xem
đời.
Tu thật tâm thì được
thảnh-thơi,
420. Tu giả-dối thì lao
thì lý,
Khùng khuyên hết kẻ ngu
người trí,
Rán tĩnh tâm suy nghĩ
Đạo-mầu.
Chuyện huyền-cơ bí-hiểm
cao sâu,
424. Hãy nghiệm xét hai
đường tà chánh.
Các chư Phật không khi
nào rảnh,
Tâm từ-bi vẫn nhớ
chúng-sanh.
Các chư Thần tuần vãng
năm canh,
428. Về Thượng-Giái tâu
qua Thượng-Đế.
Sổ tội ác thì vô số kể,
Còn làm nhơn thì quá
ít-oi.
Hội công-đồng xem xét
hẳn-hòi,
432. Sai chư tướng xuống
răn trần-thế.
LƯỢC GIẢI (từ câu 417 tới câu 432) :
-Đức Giáo Chủ hằng khuyên các sư vãi bớt hưởng dụng tiền vật của
thập phương và cố gắng trau sửa thân tâm cho được toàn thiện, hầu sau nầy đặng
xem cảnh đời biến đổi. Nếu ai thành lòng tu niệm sẽ được giải thoát an vui,
bằng tu dối thế, phải gánh chịu vô vàn lao khổ.
-Ngài kêu gọi khắp mọi người hãy mau thức tỉnh, dốc hết tâm trí
suy nghiệm lẽ diệu mầu trong Đạo pháp, để xác định được hai đường tà chánh, thì
sự tu mới khỏi bị lầm lạc.
-Lòng từ bi của chư Phật lúc nào cũng thương xót chúng sanh, hằng
tùy phương cứu độ. Các bậc Thần Thánh ngày đêm luôn tuần du xem xét điều tội
phước của nhân gian để tấu trình về Thượng Đế.
Xét ra thấy điều tội ác của chúng sanh quá nhiều, còn việc nhơn
hiền quá ít, nên các Ngài hội công đồng phân xử, quyết định cho chư tướng xuống
trần, răn phạt kẻ hung ác.
CHÚ THÍCH :
GẮNG CÔNG: Cố
công, đem hết tâm lực làm một việc gì. Ví dụ: Gắng công học tập, gắng công hành
Đạo. Đức Thầy bảo trong Giác Mê Tâm Kệ, Q.4:
“Gắng công tu xem nhiều phép lạ”.
Và trong Khuyến Thiện, Q.5:
“Gắng công trì niệm sớm khuya”.
TU THẬT TÂM: Thật
lòng tu sửa, không dối trá.
THẢNH THƠI: Rảnh
rang, thung dung, không bị ràng buộc lo nghĩ. Ví dụ: Cảnh sống thảnh thơi,
và: “Bao giờ đồng ruộng thảnh thơi, Nằm trâu thổi sáo vui đời Thuấn Nghiêu”(Ca
dao). Đức Thầy hằng dạy:
“Nghe Điên dạy sau nầy thơi thảnh,
Đây chỉ đường Cực Lạc vãng sanh”
(Kệ Dân, Q.2)
TU GIẢ DỐI:
Không thành thật tu hành, giả dạng mang sắc áo nhà tu, nhưng không quyết lòng
tu sửa, chỉ ẩn dương nương Phật, lòng luôn mưu tính lợi dụng bá tánh.
TỈNH TÂM: (Xem
lại chú thích nơi câu 20 trên).
ĐẠO MẦU: (Xem lại chú thích tại
tr. 280 Tập 1/3).
HUYỀN CƠ:(Xem
lại chú thích tại tr. 40 Tập 1/3 )
BÍ HIỂM: Bí mật sâu kín.
NGHIỆM XÉT: Ngẫm
nghĩ, suy xét kỹ lưỡng.
TỪ BI: (Xem lại chú thích tại
tr. 40 Tập 1/3).
TUẦN VÃNG: Đi
qua lại để xem xét. Ví dụ: Vua phái các khâm sai đi tuần vãng các tỉnh, huyện…
NĂM CANH: Theo
giờ giấc thời xưa, một đêm có 5 canh, mỗi canh là 2 tiếng đồng hồ: Từ 8 giờ tới
10 giờ là canh một, từ 10 giờ tới 12 giờ là canh hai, từ 12 giờ (giữa đêm) tới
2 giờ sáng là canh ba, từ 2 giờ sáng tới 4 giờ sáng là canh tư, từ 4 giờ sáng
đến 6 giờ sáng là canh năm.. Ông Ba Thới có câu:
“Đêm năm canh thổn thức chẳng an,
Ngày sáu khắc sầu riêng đoạn đoạn”.
THƯỢNG ĐẾ: Vua
cõi Trời. Chỉ cho Ngọc Hoàng Thượng Đế.
VÔ SỐ: Nhiều lắm, không thể
đếm hết.
CÔNG ĐỒNG: Cùng
chung nhau, toàn thể. Có tánh cách một hội nghị mở rộng:“Công đồng hoạch
định san hà, Nước ai nấy ở nhà nhà tự do”( Đi Khuyến Nông Về).
HẲN HÒI: Cũng gọi là hẳn hoi. Có
nghĩa tiêm tất đường hoàng, có quy định chắc chắn. Ví dụ: Làm việc hẳn hòi.
CHÁNH VĂN
433. Đau nhiều chứng
dị-kỳ khó kể,
Sắp từ nay lao-khổ đến
cùng.
Kẻ dương gian khó nỗi
thung-dung,
436. Người bạo ác không
toàn tánh mạng.
Đường đạo-lý chớ nên
chán-nản,
Hãy bền lòng tầm Phật
trong tâm.
Phật Tây-Phương thiệt
quá xa-xăm,
440. Phải tìm kiếm ở
trong não trí.
Sau đến việc sơn băng
kiệt thủy,
Khùng thảm thương
bá-tánh quá chừng.
Nhìn xem trần nước mắt
rưng-rưng,
444. Cảnh áo-não kể sao
cho xiết.
Ta dạy-dỗ là vì tình
thiệt,
Cho bá-gia rõ biết người
Khùng.
Thấy dương-trần làm dữ
làm hung,
448. Nên khuyên nhủ cho
người lương-thiện.
LƯỢC GIẢI (từ câu 433 tới câu 448) :
-Đoạn giảng trên ý cho biết, bởi chúng sanh quá gian ác, nên
Thượng Đế răn phạt, từ đây dân chúng vướng phải nhiều bịnh tật kỳ lạ, nếu kẻ
nào còn tiếp tục gây tạo việc tội ác, tất tự chuốc lấy mọi điều thống khổ và
khó bảo tồn thân mạng.
-Trên đường tu học Đạo pháp, hành giả không nên nản lòng (bán đồ
nhi phế) mà “Phải bền lòng chặt nẻo sắt đinh”(Diệu Pháp Quang
Minh). Và ai muốn gặp Phật chẳng cần phải tìm xa xôi bên ngoài, mỗi người nên
dùng trí sáng suốt tìm lại Phật tâm của mình. Bởi Đức Phật xưa từng bảo:“Nhơn
nhơn hữu tánh Như Lai”, Đức Thầy nay cũng nhắc lại:“Các chúng sanh
đều có như Ta”(Khuyến Thiện, Q.5). Vậy, nhà tu vừa nương theo giáo
pháp, vừa dùng trí lực của mình phá tan màn vô minh, tức Phật tánh hiện bày,
chứng thành Đạo quả.
-Đức Thầy cũng cho biết đến lúc biến đổi cuộc đời, sẽ có cảnh hãi
hùng thảm khốc đưa đến cho nhân loại. Vì lòng quá thương xót sanh linh cứ lăn
sả vào con đường tội ác, nên Ngài mới truyền dạy lời chân thật cho bá tánh rõ,
hầu sớm cải dữ về lành.
CHÚ THÍCH :
DỊ KỲ: Lạ lùng, khác thường.
THUNG DUNG:
Thảnh thơi, thong thả.
CHÁN NẢN: Ngã
lòng thối chí, không thiết đến nữa. Ví dụ: Trên đường tu học vẫn tiến hành,
không hề chán nản, quyết định sẽ thành công. Đức Thầy hằng khuyên:“Chớ
nản chí đường tu bỏ líp”.(Cho Ông Tham Tá Ngà).
TẦM PHẬT TRONG TÂM: (Xem chú thích “Phật nọ tức tâm” tại tr. 159 Tập 1/3 và nơi câu
283 trên ).
XA XĂM: Rất xa, xa lắm, cũng có
nghĩa như chữ xa khơi. Ví dụ: Ngàn dặm xa xăm.
NÃO TRÍ: Trí óc sáng suốt. Đức
Thầy từng dạy: “Nghe sơ lời Lão cạn bày, Tìm trong não óc gặp ngày bình
an” (Từ Giã Bổn Đạo Khắp Nơi).
SƠN BĂNG THỦY KIỆT: Cũng gọi là thủy kiệt sơn băng. Có nghĩa núi bị vỡ (lở), nước bị
hết (khô cạn). Điềm báo tin quốc gia sắp bị tai nạn tức nước mất nhà tan, dân
chúng gặp hồi đói đau khổ sở.
Truyện Đông Châu Liệt Quốc có chép:
Một hôm Vua nhà Châu (U Vương) đang thiết triều tại Kỳ Sơn có quan
Thủ Thần vào tâu:
– Chẳng biết cớ gì sông Kinh, sông Hà, sông Lạc cùng động đất một
lượt.
U Vương mỉm cười nói:
-Núi lở, đất động là lẽ thường, nhà ngươi tâu với Trẫm làm gì ?
Quan Thái sử Bá Dương trở ra cầm tay quan Đại phu Triệu Thúc Đái
than rằng:
-Thuở trước sông Ỷ, sông Lạc cạn, nhà Hạ mất; sông Hà cạn nhà
Thương hư. Nay cùng một lúc ba con sông đều động cả, ấy là Trời muốn lấp nguồn,
nhà Châu khó tránh sự tai biến.
Sau vài hôm có tin núi Kỳ Sơn lở, đè chết dân chúng rất nhiều.
Quan Thái Sử đoán rằng:
-Nếu vua biết răn mình thì chừng 10 năm nữa loạn mới đến, bằng
không thì mau hơn.
Chữ “Sơn băng thủy kiệt” ở đây là chỉ cho cảnh:
“Nay tận diệt lập đời trở lại,
Khắp lê thứ biến vi thương hải,
Dùng phép mầu lập lại Thượng ngươn”.
(Kệ Dân, Q.2)
ÁO NÃO: Sầu thảm, buồn bực. Đức
Thầy có câu:“Áo não thương đời đa đói khổ, U buồn trăm họ vẽ vài câu”(Khuyên
Người Giàu Lòng Phước Thiện).
LƯƠNG THIỆN:
Người hiền lành tốt đẹp, không vô tình hay cố ý gây thiệt hại cho một chúng
sanh nào khác. Đức Thầy từng nói trong bài “Không Buồn Ngủ”:
“Phật từ bi đặng chữ thanh cao,
Người lương thiện hưởng muôn điều hạnh phúc”.
CHÁNH VĂN
449. Chữ Lục-Tự trì tâm
bất viễn,
Thì lâm nguy có kẻ cứu
mình.
Ai lòng nhơn hoặc chép
hay in,
452. Mà truyền-bá đặng
nhiều phước-đức.
Trong bá-tánh từ nay
buồn bực,
Khùng yêu dân chỉ rõ Đạo
mầu.
Rán trì tâm tưởng niệm
canh thâu,
456. Nằm đi đứng hay
ngồi chẳng chấp.
Việc biến chuyển
Thiên-Cơ rất gấp,
Khuyên chúng-sanh hãy
rán tu hành.
Cầu linh-hồn cho được
vãng-sanh,
460. Đây chỉ rõ đường đi
nước bước.
Hãy tưởng Phật đừng làm
bạo ngược,
Ta phần hồn dạo khắp
thế-gian.
Vào xác-trần nước mắt
chứa-chan,
464. Khắp lê-thứ nghe
lời thì ít .
LƯỢC GIẢI (từ câu 449 tới câu 464) :
-Đoạn nầy Đức Giáo Chủ khuyên: nếu ai chuyên tâm trì niệm sáu chữ
Nam Mô A Di Đà Phật, không để phút nào gián đoạn, thì lúc gặp tai nạn nguy hiểm
sẽ được Phật Trời gia hộ, hoặc có người cứu thoát.
Cách đây (1975) khoảng 40 năm, báo chí có đăng câu chuyện ba anh
Sĩ quan nọ, cùng đi trên chiếc phi cơ, rủi bị hư máy rớt xuống biển. Có điều lạ
là phi cơ bị hư nhưng không chìm liền và ba anh chẳng bị thương tích gì cả. Phi
cơ khác tới cứu, vớt ba anh lên, tức thời chiếc phi cơ hư chìm lút xuống nước.
Sau hỏi ra được biết ba người ấy đã tu theo Pháp Môn Tịnh Độ và lúc nguy ngập
đó chỉ còn biết niệm Phật chờ chết, không ngờ được thoát nạn.
Trường hợp nầy, suốt thời gian binh lửa tại đất nước Việt Nam, có
rất nhiều người niệm Phật được hưởng ân huệ của Phật Thần. Nghĩa là nhờ sự chí
tâm niệm Phật mà các người ấy đã bao lần thoát chết trước làn gió đạn mưa bom.
Ông Sư Vãi Bán Khoai từng bảo:
“Niệm Phật có Phật vãng lai,
Lâm cơn nạn tám Phật sai cứu mình”.
-Đức Thầy hiện nay cũng từng nhắc nhở:
“Lòng sáu chữ nhớ không có ngớt,
Thì nạn tai cũng thoát như không”
(Sa Đéc)
Ngài cũng hằng kêu gọi người nào có lòng nhơn, nên in hoặc chép
lời kệ giảng để truyền bá sâu rộng trong quần chúng, sau nầy sẽ được nhiều
phước lợi:
“Ai làm phước in ra mà thí,
Thì được nhiều hạnh phúc sau nầy”
(GMTK, Q.4)
Vì cơ trời chuyển xoay quá gấp nên Đức Thầy giục thúc bá gia hãy mau tu tiến trên đường Đạo do
Ngài đã chỉ vạch sẵn và rán hành trì Pháp Môn Niệm Phật để lúc lâm chung được
vãng sanh về Cực Lạc.
-Đồng thời mỗi người hãy tự diệt bỏ những hành động ngang tàng
hung ác, giữ tư tưởng, ngôn ngữ cho thuần chánh và luôn luôn tưởng Phật nhớ
Phật. Tuy hiện giờ Đức Thầy nơi xa nhưng lúc nào Ngài cũng dùng hóa thân dạo
khắp trần gian để rộng độ chúng sanh:“Tuy là hữu ảnh vô hình, Chớ dân
lòng tưởng sân trình đáo lai”.(Từ Giã Bổn Đạo Khắp Nơi). Ngài nhìn thấy
số người nghe Kệ Giảng quá ít, phần đông là mắt lấp tai ngơ, nên lòng Ngài ngập
tràn nỗi buồn thương, chứa chan dòng lệ.
CHÚ THÍCH :
CHỮ LỤC TỰ: Sáu
chữ Nam Mô A Di Đà Phật.
TRÌ TÂM: Giữ gìn lòng mình cho
thuần nhứt một niệm Phật, không hề để một vọng tưởng nào khác xen tạp.
BẤT VIỄN: Chẳng lìa xa. Ý nói
tâm không để tiếng niệm Phật vắng lâu mà phải niệm nối liền như dây xích, khoen
nầy mắc liền khoen khác.
LÂM NGUY: Gặp
lúc nguy hiểm nghèo ngặt.
LÒNG NHƠN:
(Xem chú thích chữ “nhơn ái” tại câu 281 trên).
TRUYỀN BÁ: Gieo
rải khắp nơi. Ý nói đem giáo lý pháp mầu phổ biến rộng ra. Thuở xưa Đức Phật
từng bảo: “Các con muốn đền ơn Ta ư ? Thì Giáo pháp của Ta đó ! Hãy gắng mà
học đi, hãy cố mà hành đi, và hãy quyết mà truyền đi. Mọi sự cúng dường tán
Phật, không bằng đem giáo pháp của Ta mà quảng bá”.
Nay Đức Thầy cũng thường khuyến tấn:
“Nên cố gắng trau thân gìn đạo,
Hiệp cùng nhau truyền bá Kinh lành”.
(Khuyến Thiện, Q.5)
PHƯỚC ĐỨC: Cũng
gọi là phúc đức. Làm những việc có ích lợi cho mọi người gọi là phước,
lòng nhơn ái từ thiện đối với vạn loại chúng sanh gọi là đức. Người có phước
đức luôn có lòng Từ, Bi, Hỉ, Xả và tận tâm giúp đỡ muôn loài những điều
phúc lợi. Đức Thầy có câu:“Phước đức quí hơn bạc vàng”(K/Thiện,
Q.5) Và:“”Ai nhiều phước đức được vào cõi Tiên”(Sám Giảng, Q.3).
ĐẠO MẦU: (Xem lại chú thích tại
tr. 280 Tập 1/3).
TƯỞNG NIỆM:
Tưởng nhớ. Tưởng Phật, nhớ Phật. Đây ý bảo phải luôn tưởng nhớ sáu chữ “Nam
Mô A Di Đà Phật”.
CANH THÂU: (Xem
lại chú thích tại tr.189 Tập 1/3)
LINH HỒN: (Xem
lại chú thích tại tr.59 Tập 1/3)
VÃNG SANH: (Xem
lại chú thích tại tr.209 Tập 1/3)
BẠO NGƯỢC: Tàn
bạo ngang ngược.
CHỨA CHAN: Cũng
đọc là chan chứa. Có nghĩa dẫy đầy linh láng. Bài “Mượn Cây Đuốc Huệ” có câu:
“Nghĩ cuộc đời mà chan chứa nỗi hao mòn,
Xem cảnh thế luống xót xa niềm chích mát”.
CHÁNH VĂN
465. Chốn sơn-lãnh bây
giờ mù-mịt,
Cho nên dân dạy chẳng
nghe lời.
Kể từ nay nói chuyện
chiều mơi,
468. Chớ chẳng nói dông
dài khó hiểu.
Cờ đã thất còn chờ nước
chiếu,
Mà còn ăn con chốt làm
chi.
Ai là người quân-tử tu
mi ?
472. Phải sớm xử thân
mình cho vẹn.
Chừng lập Hội khỏi thùa
khỏi thẹn,
Với Phật-Tiên cũng chẳng
xa chi.
Lời cao-siêu khuyên hãy
gắn ghi,
476. Ta ra sức dắt-dìu
bá-tánh.
NAM-MÔ TAM-GIÁO QUI
NGUƠN,
LƯỢC GIẢI (từ câu 465
tới câu 476) :
-Bởi nhìn lên các đỉnh núi miền Thất Sơn, vẫn còn mờ mịt những cây
lẫn đá, chưa thấy gì gọi là quí báu, nên dân chúng chẳng chịu nghe lời giáo khuyên.
Đức Giáo Chủ cho biết, từ đây Ngài sẽ nói những chuyện gần bên, trước mắt cho
chúng sanh dễ hiểu, chớ không nói dài dòng hay ẩn dấu điều chi.
-Cuộc cờ của đất nước sắp tới hồi chiếu bí mà trong bá tánh mãi
còn đắm say quyền tước vị danh, để rồi mai đây phải ôm sầu nuốt hận. Cho nên
Đức Thầy từng kêu gọi (trong bài Thiên Lý Ca):
“Cả kêu kìa hỡi là ai,
Quan trường rời rứt mặt mày chùi lau.
Lui chơn ra khỏi cho mau,
Tầm trong lánh đục tẩu đào mới ngoan”.
-Vậy ai là người nam nhi quân tử hãy sớm tu thân lập đức, ngôn
hạnh song toàn, hiếu trung gồm đủ và diệt trừ các nghiệp nhân tội ác. Có thế,
mới không tủi hổ trong ngày Long Hoa đại hội và được kiến diện Phật Tiên, chung
hưởng cảnh đời Thượng ngươn Thánh đức.
-Trước khi dừng bút, Đức Thầy nhủ khuyên mỗi người hãy ghi nhớ
những lời cao sâu, mầu nhiệm trong đây hầu sớm hôm trau giồi đạo hạnh. Riêng
Ngài lúc nào cũng dốc hết tâm lực để “Dìu nhơn sanh khỏi chốn mê lầm, Bờ
giác ngạn kiên tâm lần bước tới”(Tặng Bác Sĩ Cao Triều Lợi).
-Chót hết Ngài dạy: Khi xem hết quyển Kệ Dân nầy, mỗi người đều
tâm nguyện với Đức Phật A Di Đà cùng chư Phật, Thánh, Tiên đồng từ bi tế độ
khắp chúng sanh, sớm thoát mê về giác.
CHÚ THÍCH :
SƠN LÃNH: Cũng
viết là sơn lĩnh. Có nghĩa: chót núi hay đỉnh núi. Ý chỉ cảnh rừng núi miền Thất
Sơn.
CỜ ĐÃ THẤT CÒN CHỜ NƯỚC CHIẾU, MÀ CÒN ĂN CON CHỐT LÀM CHI ?: Trong bàn cờ tướng, một bên đã thất, chỉ còn
nước chiếu nữa là biết ăn thua, thế mà người trong cuộc lại lo ăn con chốt làm
chi, cho luống công vô ích; bởi nó không phải là con cờ quan trọng. Ý nói cuộc
thế sắp đến hồi biến hoại, cơ tạo hóa sẽ chọn lọc hiền còn, dữ mất, tại sao bá
tánh chẳng sớm lo trau thân lập hạnh, lại mãi chạy theo danh lợi ảo huyền. Vì
những quyền lợi cao sang ấy không thể cứu sống được mình; trái lại, nó thường kéo
mình vào khổ nạn đau thương !
-Đây còn có nghĩa chỉ người Pháp sắp bị mất quyền ở đất nước Việt
Nam mà kẻ gian nịnh còn bám theo chúng để mưu cầu quyền lợi nhỏ nhen, nhơ xấu,
nên Đức Thầy giác tỉnh họ (trong SấmGiảng Q.1):
“Đừng ham làm chức nắc nia,
Ngày sau như khóa không chìa dân ôi !”
QUÂN TỬ: Người có phẩm hạnh cao
khiết, lòng nhân ái rộng lớn và chí đức, tài năng siêu xuất hơn kẻ thường.
Thánh nhân từng bảo:“Quân tử ái nhân dĩ đức” (Người Quân tử lấy Đạo đức mà
thương người). Đức Thầy từng nói:
“Chí Quân tử lòng nhơn vạn đại,
Dốc làm sao rõ mặt tang bồng”.
(Diệu Pháp Quang Minh)
Vậy ai muốn trở thành bậc “Nam nhi Quân tử”, phải tự lo tu sửa
tánh tình, ngôn hạnh, đến xử sự đều đứng đắn tốt đẹp. Cho nên người quân tử lúc
nào cũng chỉ cầu ở nơi mình:“Quân tử cầu chư kỷ”.
Thuở xưa Ngụy Văn Hầu hỏi Hồ Quyển Tử rằng:
-Cha hiền có đủ nhờ cậy chăng ?
Hồ Quyển thưa:
-Không đủ ?
– Con hiền có đủ nhờ cậy không ?
– Không đủ.
– Anh hiền có đủ nhờ cậy không ?
– Không đủ.
– Em hiền có đủ nhờ cậy không ?
– Không đủ.
– Bầy tôi hiền có đủ nhờ cậy không ?
– Không đủ.
Văn Hầu đổi sắc mặt, gắt: Quả nhân hỏi nhà ngươi năm điều, mà điều
nào ngươi cũng cho là không đủ, tại cớ làm sao ?
Hồ Quyển thưa:
– Cha hiền không ai hơn Vua Nghiêu mà con là Đan Chu phải bị đuổi.
Con hiền không ai hơn Vua Thuấn mà cha là Cổ Tẩu thật ngoan ngạnh, độc ác. Anh
hiền không ai hơn Vua Thuấn mà em là Tượng rất ngạo mạn. Em hiền không ai hơn
Chu Công mà Quản Thúc bị giết. Bầy tôi hiền không ai hơn ông Thang, ông Vũ mà
Vua Kiệt vua Trụ mất nước…Mong nhờ người không như ý, cậy người không được bền
lâu. Nhà vua muốn cho nước được bền trị thì phải cậy ở mình trước, hơn là mong
nhờ người khác.(Dẫn theo Cổ học Tinh hoa).
Chuyện trên đây là mặt xử sự trong đời, muốn được thành công còn
phải do nơi sức mình là trước nhất. Đến như người muốn tiến xa trên đường đạo
hạnh thì trước phải cần tu thân xử kỷ, sau mới được sự tiếp độ của Phật Tiên.
TU MI: (Xem lại chú thích nơi
câu 111 trên).
VỚI PHẬT TIÊN CŨNG CHẲNG XA CHI: Bởi tâm tánh của Phật Tiên và chúng sanh đồng một bản thể (Nhứt
thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh). Tất cả đều có từ vô thỉ, song vì các
Ngài sớm giác ngộ và tiến hóa, nên trở thành Tiên Phật. Còn chúng ta mãi đắm mê
trần tục, tạo nhiều nghiệp nhân, tội lỗi, nên bị luân hồi sanh tử, từ vô lượng
kiếp, nay vẫn còn làm chúng sanh. Nếu giờ đây ta biết giác ngộ tu hành, diệt
sạch lòng phàm phu vọng tưởng, tức được trở thành Tiên Phật như các Ngài:“Phật
Tiên Thánh muôn loài vạn vật, Cũng ở trong quả đất dựng gầy”(Thu Đã
Cuối)
Xưa, Đức Lục Tổ đã bảo:“Chư Thiện tri thức, phàm phu tức là
Phật, phiền não tức là Bồ đề. Niệm trước mê muội tức là phàm phu, niệm sau giác
ngộ tức là Phật. Niệm trước dính cảnh tức là phiền não, niệm sau lìa cảnh tức
là Bồ đề”.
CAO SIÊU: Quá cao, vượt trên mức
thường. Ví dụ: Ý nghĩa cao siêu. Đức Thầy từng nói:
“Chuyện cao siêu Phật pháp còn dài,
Khó gặp chữ không không mà có”.(Sa Đéc)
GẮN GHI: (Xem lại chú thích tại
tr. 174 Tập 1/3)
NAM MÔ: (Xem lại chú thích tại tr. 81 Tập 1/3)
TAM GIÁO: Ba Tôn Giáo lớn:Thích
(Phật), Khổng ( Thánh), Lão (Tiên). Đức Thầy có câu:
“Trong Tam giáo ân cần mở Đạo,
Trường ngoại bang phục đáo như xưa”
(Thiên Lý Ca)
QUI NGUƠN: Cũng
gọi là qui nguyên. Có nghĩa hiệp về một gốc. Đức Thầy bảo trong bài “Đến Làng Nhơn
Nghĩa”:“Dưới trên hòa thuận chọn đường quy nguyên”.
PHỔ ĐỘ: Cứu độ khắp cả, tế độ
các giới chúng sanh thoát khỏi cảnh mê đồ thống khổ. Đức Thầy từng cho biết:
“Oai thần đem Đạo huyền thâm,
Nhiệm mầu phổ độ âm thầm
ai hay”
Đăng nhận xét