BỬU Ngọc Quân Minh Thiên Việt Nguyên,

寶玉君明天越元

SƠN Trung Sứ Mạng Đạo Nam Tiền.

山中師道地南前

KỲ Niên Trạng Tái Tân Phục Quốc,

奇年狀再新復國

HƯƠNG Xuất Trình Sinh Tạo Nghiệp Yên.

香出程生造業安

Tổ Đình Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH
Các Bài Viết Liên Quan
Cám Ơn Các Bạn Đã Ghé Thăm Website. Chúc Các Bạn An Lạc, Có Thêm Nhiều Kiến Thức Bổ Ích…
XIN THƯỜNG NIỆM PHẬT
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

Chú giải từ câu 607 – 776 (Quyển V Khuyến Thiện)

CHÚ GIẢI QUYỂN NĂM KHUYẾN THIỆN Chú giải từ câu 607 – 776 (Quyển 5 Khuyến Thiện)


Chú giải từ câu 607 – 776 (Quyển V Khuyến Thiện)

CHÚ GIẢI QUYỂN NĂM KHUYẾN THIỆN

Chú giải từ câu 607 – 776 (Quyển 5 Khuyến Thiện)

CHÁNH VĂN
607.Tham tiền tài thường vướng nạn eo, 
  Tham sắc đẹp nhà tan cửa nát. 
  Lúc tận số nằm trơ một xác, 
  Gẫm kim-tiền bội-bạc bất tài. 
  Không làm cho ta được sống dai, 
612.Lại chẳng bước tiễn đưa một bước.
  Thà nghèo thanh hơn giàu mà trược, 
  Lo vun-trồng cội phước về sau.  
  Muốn trừ tham phải liệu cách nào, 
616.Phải bố-thí diệt lòng ích-kỷ.    
  Tâm chánh niệm thường thường suy nghĩ,
  Vật ở trần như bọt nước làn mây. 
  Thân Ta còn rày đó mai đây, 
620.Của ấy cũng khi tan khi hiệp.

LƯỢC GIẢI (Từ câu 607 đến câu 620) :
-Đoạn giảng trên Đức Thầy tiếp tục luận giải về tai hại của ác tham lam. Những kẻ vì quá ham tiền của nên phải lâm vòng tai nạn, cửa nát nhà tan, không sao kể xiết. Xưa nay sử sách hằng ghi chép, cũng vì tham tiền của mà các nước gây cuộc chiến tranh, tạo nên cảnh cơ hàn chết chóc cho nhân loại. Hàng quan lại vì tham sự nghiệp tước quyền mà đưa đến cảnh hại nhà, bán nước. Nhỏ hơn nữa là hạng gian phi cũng vì tham nên mang tội trộm cướp, giết người. Còn sự đam mê sắc đẹp làm cho cơ đồ danh thể tiêu tan thì có ai lạ gì với các nhà vua: Kiệt, Trụ, U…Đến như kẻ tu hành mà còn tham sắc thì khó mong thoát vòng sanh tử.
-Xét ra, bạc vàng và sắc đẹp dù ta có tạo được, nhưng đến phút từ biệt cõi đời thì bao nhiêu sự nghiệp, của tiền, vợ đẹp, con ngoan đều phải để lại cho kẻ khác làm chủ và sai khiến. Bấy giờ ta mới biết những sự vật ấy chẳng giúp ta kéo dài thêm kiếp sống và giúp đưa tiễn ta  thêm một bước nào.
-Vậy để giải trừ ác tham lam, trước hết Đức Thầy khuyên mọi người: thà sống trong cảnh nghèo túng mà lòng luôn được sạch trong và giữ tròn tiết tháo, còn hơn kẻ sống trong nhung lụa mà tâm mãi bợn nhơ. Vậy hãy lo trau sửa thân tâm, tô bồi phước hạnh để sau nầy cội lành đặng đơm bông kết quả.
-Kế tiếp, Ngài đưa ra hai phương cách diệt trừ lòng ham muốn: Một là Bố thí, tức đem bạc tiền cơm áo, thuốc men chu cấp những kẻ nghèo đói, bệnh tật, hoặc đem Kinh pháp giác tỉnh người biết tu hành, hay dùng phương tiện giúp người khỏi cơn sợ hãi. Trong lúc giúp ích cho đời, hành giả không nên khởi tâm mong cầu danh lợi hay phước báo và cũng chẳng phân biệt giữa người bố thí với kẻ thọ thí mà chỉ vì lòng từ mẫn và bổn phận vậy thôi. Được thế thì lòng vị kỷ tham lam sẽ dứt hẳn. Phương pháp thứ hai là dùng tâm tưởng nhớ chơn chánh để xét rằng vạn vật trong thế gian như làn mây bọt nước, dễ rã dễ tan. Đến như thân xác của ta do bốn chất: đất, nước, lửa, gió hợp thành nên không thể giữ còn mãi được mà một ngày nào đây nó sẽ tan biến. Đã nhận rõ thân xác nầy không thật của ta thì bao nhiêu gia tài sự nghiệp, vợ đẹp con ngoan hay danh vị tước quyền kia cũng chỉ là ảo mộng và tất cả đều đi theo định luật hợp tan. Nếu ai quán xét được như thế, tất màn lưới danh, lợi, tình không còn trói buộc trong luân hồi khổ lụy. Bấy giờ nhà tu sẽ được thung dung trên bước đường giải thoát: “Lưới mê chẳng buộc nhẹ mình tiêu dao.(Khuyến Thiện, Q.5).

CHÚ THÍCH :
THAM TIỀN TÀI THƯỜNG VƯỚNG NẠN EO: Người quá tham muốn tiền của bạc vàng, làm điều bất chánh nên thường gặp nhiều tai nạn.
Xưa kia, ông Bàn Công Cư Sĩ vốn người giàu sang lại sẵn lòng Bố thí. Mỗi khi có ai đến xin hoặc mượn tiền của, ông bảo hai người bạn vào mở tủ lấy vàng bạc trao cho họ.
Hai người bạn ấy có lòng tham, nên mỗi lần mở tủ đều  lấy riêng một ít vàng bạc đem giấu trên núi. Lâu ngày số vàng đó rất nhiều, hai người cùng nhau toan tính đến xin ông Bàn Công cho nghỉ việc. Ông vui vẻ bằng lòng còn cho hai người thêm một số tiền của khá nhiều.
Hai anh từ gĩa gánh đồ ra đi, họ cùng nhau phân công: một người lên núi trước, một người xuống chợ mua rượu thịt mang lên cùng vui một tiệc rồi sẽ chia vàng ra về. Lúc đó, anh đi chợ suy nghĩ: số vàng ấy chia cho bạn mình phân nửa rất uổng, chi bằng tìm cách giết nó đi. Anh liền vào tiệm ăn uống no say, rồi mua thuốc độc tẩm vào thức ăn khác, xách về thuốc anh trên núi. Còn anh trên núi cũng nghĩ như thế, nên bẻ cây núp vào bụi rậm dựa lề đường, chờ anh đi chợ về ngang đập một cây thật mạnh. Bị đánh bất ngờ anh đi chợ tránh không kịp nên ngã lăn vẫy chết. Anh kia nhảy ra lôi xác bạn ném vào bụi kín, rồi thâu lượm thức ăn tiến lên chỗ giấu vàng. Với ý định ăn uống xong sẽ đào lấy vàng ra về, nhưng khi ăn vào bị thuốc độc làm anh đau đớn nhào lộn, thế là mấy phút sau anh cũng từ biệt cõi đời. Bấy giờ số đồ ăn còn lại, các loài chim bay ngang đáp xuống ăn cũng bị chết rất nhiều.
Hôm sau, có người trong xóm đi núi phát giác được chuyện đó, về báo cho ông Bàn Công hay, ông đoán biết mọi việc liền cho người nhà lên chôn hai xác chết và than rằng “Cũng vì tham vàng bạc mà bao người phải chết, đến các loài chim bởi tham ăn nên mạng sống chẳng còn.”(Nhơn tham tài tắc tử, Điểu tham thực tắc vong). Từ đó ông Bàn Công càng gia tăng việc bố thí hơn trước, và ông có làm bài Kệ tỉnh đời như sau:
  “Người đời trọng châu báu,
Ta quí một mảy tịnh.
Tiền lắm lụy lòng người,
Tịnh được thấy chân tánh”.
Đức Thầy hiện nay cũng từng khuyến cáo:
  Tham chi giả tạm của tiền,
  Như chim vào lưới xích xiềng trói thân”(Hoài Cổ)
THAM SẮC ĐẸP NHÀ TAN CỬA NÁT: Người ham muốn sắc dục quá độ tất phải tan nhà nát cửa, thân danh chẳng còn, bởi lòng tham sắc là nguyên nhân của khổ lụy và nguồn gốc của sanh tử luân hồi. Cổ nhân từng nói:“Sắc bất ba đào dị nịch nhân.”(Sắc đẹp của người con gái tuy không phải sóng gió, nhưng dễ nhận chìm được người).
Thời Hậu Đế nhà Minh (Trung Hoa) có nàng Tiểu Nga, nhan sắc tuyệt trần, chồng là Vương Hóa Chiêu. Hai vợ chồng sống trong cảnh nghèo túng với một mẹ già, song vẫn được hoà hiếu êm đẹp. Trong xóm lại có chàng Trác Háo Sắc, một nhà hào phú. Anh thấy nhan sắc của Tiểu Nga quá đê mê nên sanh tà tâm. Háo Sắc mưu tính đem tiền trợ giúp Hóa Chiêu và kết bạn thân. Hóa Chiêu ngỡ thật nên thị nhận. Từ ấy lúc nào Sắc cũng tỏ ra là người bạn tốt.
Ít lậu sau Sắc rủ bạn đi buôn xa. Đêm nọ thuyền neo nghỉ giữa sông vắng, Sắc bày tiệc rượu ép Hóa Chiêu uống thật say, rồi thừa cơ hội xô xuống nước. Chiêu cố ngoi lên mấy lần, nhưng bị Háo Sắc dùng sào nạng nhận chìm luôn, rồi giả vờ la khóc ầm ỉ. Các bạn chèo thức dậy ai cũng tiếc thương, nhưng giữa dòng nước mênh mông khó tìm lại xác thể, đành quay thuyền về báo tin buồn…
Hóa Chiêu chết, Háo Sắc luôn đóng kịch, tỏ ra bi thảm hơn ai hết và tiếp tục hộ trợ gia đình Tiểu Nga. Mẹ con Tiểu Nga và xóm làng đều tưởng Chiêu té mà chết thật nên không còn ai nghi ngờ gì nữa.
Thời gian trôi qua hai năm, Sắc mới cậy người hỏi Tiểu Nga làm vợ, vì đã thọ ơn quá nhiều nên mẹ chồng ép nàng dâu ưng Háo Sắc. Lúc đầu Tiểu Nga quyết thủ tiết, sau rồi cũng đành chịu. Vợ chồng sống trên 10 năm, sanh được hai đứa con. Nhân một đêm trăng thanh gió mát, vợ chồng cùng ra bờ hồ hứng cảnh, rồi bày tiệc ăn uống, ngâm thơ. Bỗng từ dưới hồ sen một con ếch nổi lên. Tiểu Nga liền lấy cây nạng chọc ếch, ếch lặn xuống rồi lại nổi lên mấy phen như vậy. Háo Sắc trông thấy nhớ lại cảnh mình giết Hóa Chiêu thuở nọ, nên bất giác ngâm lên hai câu thơ:
  “Hồi ức thập tam niên tiền sự,
Huyên tợ hà mô lục thủy thời”.
  (Nhớ lại việc mười ba năm trước,
 Mường tượng ngày nay ếch sật sừ)
Tiểu Nga vừa nghe sanh nghi, liền bảo chồng chép ra để mình họa lại. Sắc ngỡ nàng chẳng hiểu nên chép lên mảnh giấy, Tiểu Nga suy đoán biết chắc sự tình, liền nắm Háo Sắc la lớn:“Chính người nầy đã giết chồng trước của tôi !” Quan lính bắt Háo Sắc tra tấn. Sắc cung khai tự sự và bị kết án tử hình. Khi chôn xác chồng xong, Tiểu Nga thức suốt đêm suy nghĩ: cũng vì sắc đẹp của mình mà làm hai người chồng phải chết, đoạn nàng viết thơ để lại rồi tự sát…
Đọc chuyện trên thấy rằng: Háo Sắc vì tham đắm nhan sắc của Tiểu Nga mà tiền của tiêu tan, thân chết nơi đao kiếm và danh xấu lưu để nghìn thu. Song đó là người đời, còn trong giới tu hành nều chưa dứt được lòng nhiễm sắc thì dù bực tiên gia cũng phải hườn tục, như chuyện Trần Muội Lý và Đoàn Minh Đạo (sự tích Vọng phu).
Điều nầy trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Phật răn dạy:“Về các thứ ham muốn không thứ gì tai hại bằng sắc dục. Cái ham vể sắc dục là cái ham lớn nhứt. Cái ham lớn ấy may chỉ có một. Nếu có cái ham nào cũng to như thế thì tất cả con người ở dưới gầm trời, không ai có thể tu đắc Đạo được”.
Đức Thầy nay cũng khuyên:“ Đừng ham sắc lịch lắm phen lụy mình.”( Sấm Giảng, Q.3). Và:“Sắc mến nó ngày kia lao khổ.”(GMTK, Q.4).
TẬN SỐ: Hết số mạng, tức chết.
KIM TIỀN: Vàng bạc, chỉ chung về bạc tiền của cải.
NGHÈO THANH: Nghèo túng mà trong sạch, không hề tham gian nhơ bợn hay bợ đỡ một ai.
GIÀU TRƯỢC: Giàu mà nhơ bẩn xấu xa, làm giàu bằng cách gian tham, lường gạt người hoặc hối lộ nịnh hót mà có của.
CỘI PHƯỚC: Cũng gọi là cội phúc. Có nghĩa: cái gốc của phước đức, do sự tu hành, làm lành lánh dữ mà được. “Tu là cội phúc, tình là dây oan”(Truyện Kiều). Đức Thầy từng khuyên “Cội phúc nhà tạo lấy mà nhờ”. Hoặc là:“Vun trồng cội phúc chờ mùa trổ bông.
BỐ THÍ: Xem chú thích tại tr.177-179, Tập 2/3.
ÍCH KỶ: Xem chú thích tại tr. 73, Tập 2/3.
CHÁNH NIỆM: Xem chú thích tại tr. 145, Tập 3/3.

 CHÁNH VĂN
621.Ác thứ chín Hận-Sân luận tiếp, 
  Lửa trong tâm chẳng đốt mà lừng. 
  Nổi lôi đình đâu có định chừng, 
624.Cho ta biết mà toan giữ trước.
  Tánh sân-nộ thường làm bạo-ngược, 
  Nên loài người ở cõi thế-gian.
  Giận hờn nhau thù-oán dẫy tràn, 
628.Mới có cuộc tranh tài đấu lực.
  Hơn tự-đắc, khoe-khoang dõng sức, 
  Phải bị người hềm-khích ghét-ganh. 
  Thua hổ-ngươi làm chuyện bất lành, 
632.Gây nghiệp dữ oan oan tương báo.
  Trong cơn giận kể gì nhơn đạo, 
  Tỷ như con cọp dữ trên rừng. 
  Gặp thịt toan cấu xé tưng bừng, 
636.Phân từ mảnh mới là thỏa dạ.
  Diệt được nó tâm trần thong-thả,
  Ta thường nên tập tánh khoan-dung. 
  Thiệt-hành đi đừng có ngại-ngùng, 
640.Tha-thứ kẻ lỗi lầm ngu-xuẩn.
  Và nhẫn-nhịn đừng ham tranh-luận, 
  Khỏi mất lòng tất cả mọi người. 
  Tánh thuần-lương vẻ mặt vui tươi, 
  Vậy mới đáng tín-đồ Phật-Giáo. 
  Nay ta đã quy-y cầu Đạo,  
646.Gây-gổ là trái thuyết từ-bi.

LƯỢC GIẢI (Từ câu 621 đến câu 646) :
-Đến ác thứ chín là tánh nóng giận, hờn ghét phát xuất từ Ý nghiệp. Về hành trạng và tai hại của nó, Đức Giáo Chủ ví như cái lò lửa có sẵn trong tâm ý của mỗi người, chẳng cần đốt mà nó vẫn cháy lên dữ dội. Nghĩa là khi lòng sân hận phát lên thì nó biểu lộ bằng những tiếng la hét, cộc cằn thô lỗ, bằng gương mặt hầm hừ quạu quọ và bằng những hành động hung tợn, có thể đi đến đánh đập chém, giết. Sự bộc phát của nó chẳng hề có triệu chứng báo tin cho ta biết trước mà gìn giữ. Cho nên Đức Phật dạy các môn đồ: Lòng nóng giận là ngọn lửa mạnh, các người khá nên đề phòng, chớ để nó xâm nhập vào tâm. Con giặc cướp giựt công đức không gì hơn nóng giận.(Sân tâm thậm ư mảnh hỏa, thường phòng hộ, vô linh đắc nhận kiếp công đức tặc vô quá sân nhuế).
-Lại nữa, mỗi khi có điều phật ý thì không còn sự hung bạo nào mà người ta chẳng làm. Do đó giữa loài người gây ra biết bao mối hận thù, hờn oán rồi dẫn đến sự tranh tài, đấu lực, sát hại lẫn nhau.
-Hễ có đấu tranh tất có bên thắng bên bại. Kẻ thắng thế không khỏi tự đắc khoe khoang, càng làm cho người khác ghét ganh hềm khích. Trái lại, những kẻ bị thua kém phải thẹn thuồng xấu hổ, ôm lòng căm tức nên họ tìm đủ mưu mô để trả đũa. Vì thế đôi đàng cứ tiếp tục gây nghiệp chẳng lành để rồi trả vay, vay trả mãi không bao giờ dứt.
-Mỗi khi sự nóng giận của con người đến mức tột độ thì còn kể gì là bà con ruột thịt hay Đạo lý luân thường. Tướng trạng của họ lúc bấy giờ như một mãnh hổ đang chực vồ bắt con mồi. Quyêt định phải phân thây xẻ thịt đối phương mới vừa bụng. Nhưng không bao giờ được như ý, vì kẻ nghịch lúc nào cũng cừu thù và tìm cách chống trả, khiến hai bên chẳng khi nào yên vui thư thái.
-Cho nên Đức Thầy bảo khi nhà tu diệt trừ được tánh nóng giận:“Tâm ta được thảnh thơi, trí ta được thong thả.”(Thập Ác: Ác sân nộ). Bởi nghiệp báo bất lành và mối dây thù oán đã cắt đứt. Song để diệt trừ được ác sân nộ,  Ngài đưa ra ba phương pháp đối trị: Thứ nhứt là đức  khoan dung: khi có người phạm lỗi với mình, cần xét rằng những kẻ ấy vì kém trí, thiếu tu mới lầm lỗi như thế, họ là người đáng thương hại hơn thù ghét, nên ta sẵn lòng rộng lượng tha thứ cho họ, tức sự nóng giận không còn. Pháp thứ nhì là đức nhẫn nhục: nếu gặp trường hợp kẻ khác dùng uy lực chèn ép, đánh đập hay mắng nhiếc thì ta nên nhẫn nhịn. Vì xét rằng sự trạng đó là do mối “oan oan tương báo” từ trước, giờ đây ta nên đoạn dứt, không nên nối thêm: “Dĩ đức báo oán, oán tự tiêu tan”. Đức Thầy đã hằng khuyên:
Sân si phỏng có điều thêm bận,
Nhẫn nhịn ắt không chuyện kéo dài”.
(Tỉnh Bạn Trần Gian)
Và: “Ai chửi mắng thì ta giả điếc,
 Đợi cho người hết giận ta khuyên.
Chữ nhẫn hòa ta để đầu tiên,
Thì đâu có mang câu thù oán.”(GMTK, Q.4).
Còn pháp thứ ba là lòng từ bi: bởi xét rằng:“ Đạo Phật là đạo từ bi, bác ái, dĩ đức háo sanh, khoan hồng đại độ, tuy tình thế đổi thay chớ tấm lòng nhơn chẳng đổi.”(Huấn Lịnh). Nay ta là một tín đồ đã qui y với Phật để sau nầy đạt được Đạo quả như Ngài, tất nhiên ta phải nuôi dưỡng lòng tử bi, thương xót tất cả chúng sanh như chính mình thương mình thì lý nào còn mang lòng thù oán hay hờn giận một ai. Đức Thầy từng dạy:“Từ bi đâu vướng mối hiềm xưa.”(Trả lời cụ Phạm Thiều).
Hoặc là:“Việc hung ác hễ vừa thấp thoáng,
  Chữ từ bi ta diệt nó liền.
  Sự oán thù đáp lại chữ hiền,
 Thì thù oán tiêu tan mất hết.”(GMTK, Q.4)     Tóm lại, nhà tu có hành trì được ba phương cách kể trên tức trừ tận gốc ác sân nộ và tâm trí được tự tại an vui.

CHÚ THÍCH :
HẬN SÂN: Cũng gọi là sân hận, sân nộ hay sân nhuế, viết tắt là Sân, Phạn ngữ :Byâpâto, có nghĩa nóng giận, hờn ghét, thù hằn. Tánh nóng giận phát xuất từ tâm ý phẫn uất rồi bộc lộ ra lời nói cộc cằn hay hành động hung tợn. Trong Qui Sơn Cảnh Sách có giải:“Giận lộ ra tướng thô gọi là sân, giận ngầm trong bụng gọi là phẫn. Lại giận người gọi là sân, giận mình gọi là nhuế”. Sân là một trong Tam chướng (Tham, Sân, Si), một trong Ngũ độn sử và ác thứ chín trong Thập ác. Đối với nhà tu, Sân là món tai hại rất lớn. Kinh Hoa Nghiêm có câu:“Nhứt niệm sân tâm khởi, Bá vạn chướng môn khai. Vị phiền não chi căn, Thọ tam đồ chi khổ”.
(Tâm khởi một niệm sân si,
Trăm ngàn cửa chướng tức thì mở khai.
Phiền não là gốc chẳng sai,
Ba đường chịu khổ khó ngày thoát ra).
Thuở xưa, thời Phật còn trụ thế, có Bà Thanh Đề, vốn là một tín nữ giàu có, thường thân cận với chúng tăng, cúng dường nghe pháp. Hôm nọ Bà ngồi lột lúa ra và cạo từ hột cho thật trắng, đựng đầy một bát đem đến Tịnh xá cúng dâng. Vị sư trưởng trong đó, trí sáng biết trước được chuyện ấy, nên kêu tiểu tăng dặn: Mai nầy sẽ có đại lễ đem đến cúng (do công phu và nhiệt tâm của bà Thanh Đề).
Sáng lại, tiểu tăng ra cổng chực đón, ngỡ đại lễ là nhiều mâm nhiều quả, nên lo tiếp người nầy kẻ nọ, không để ý đến bà Thanh Đề đang đội bát gạo quì tại cửa. Trời càng trưa bụng càng đói, Thanh Đề quá tức giận tiểu tăng, liền đổ bát gạo xuống đất hai chân chà đạp. Làm thế cũng chưa hết giận, bà về nhà phá giới thôi tu và giết chó lấy thịt làm nhưn bánh, đem đến Tụ lạc của chúng tăng ở mà cúng dường. Ý là gạt các ông ấy ăn lầm phạm giới cho bõ ghét.
Vì nghiệp sân quá mạnh, bà Thanh Đề phạm giới sát sanh và quyết hại người tu nên sau đó mấy ngày bà bị sốt nặng rồi chết, linh hồn bà bị đọa vào ngục A tỳ chịu sự hành phạt, đói khổ thảm thiết.
Do đó, kinh Phật thường bảo:“Nhứt niệm sân tinh chi hỏa, năng thiêu vạn khoảnh công đức chi sơn.”(Một đốm lửa sân hận phát lên, nó sẽ đốt cháy cả muôn rừng công đức của mình).
Cho nên Đức Thầy khuyên:
Chữ gây gổ là sân hãy diệt,
     Cho nó đừng thấp thoáng trong lòng.”(GMTK, Q.4)
LÔI ĐÌNH: Sấm sét. Nổi lôi đình là nổi tánh giận dữ, la ó như sấm sét nổ.
SÂN NỘ: Nghĩa như chữ Sân hận đã giải trên.
BẠO NGƯỢC: Tàn bạo, ngang ngược.
TỰ ĐẮC: Tự cho mình là hơn người.
HỀM KHÍCH: Cũng viết là hiềm khích. Có nghĩa oán ghét chống báng nhau, luôn luôn muốn gây chuyện.
HỔ NGƯƠI: Mắc cỡ, dáng rụt rè e sợ.
OAN OAN TƯƠNG BÁO: Đây là một thành ngữ, có nghĩa: Nếu ta hại người thì bị người tìm cách trả thù lại, cứ thế mà gây thù kết oán, hết đời nầy sang đời nọ. Hoặc giả, oán thù tiếp nối hết kiếp nầy sang kiếp khác rồi kiếp khác nữa. Đức Thầy có câu: “Cuộc đời vay trả, trả vay đồi dời.”(Viếng Làng  Phú An).
NHƠN ĐẠO: Xem chú thích tại tr. 152 Tập 1/3.
TÂM TRẦN: Xem chú thích tại tr. 22, Tập 3/3.
KHOAN DUNG: Xem chú thích “khoan dung đại độ”, tr. 225, Tập 3/3.
NGU XUẨN: Đần độn mê si, làm những việc càn dở.
NHẪN NHỊN: Xem chú thích tại tr. 133, Tập 3/3..
TRANH LUẬN: Cãi nhau để giành lẽ phải về mình.
THUẦN LƯƠNG:Xem chú thích tại tr. 204, Tập 3/3.
TÍN ĐỒ: Những người cùng chung một tín ngưỡng, tôn giáo, bao gồm thiện nam tín nữ tại gia (Xem thêm tr. 61, tập 1/3).
PHẬT GIÁO: Xem chú thích tại tr. 57, Tập 2/3.
QUI Y: Phạn ngữ: Namâh. Qui là nương về, Y là làm y theo. Nghĩa chung là nương về với Tam Bảo (Phật Pháp Tăng) và trì hành đúng y theo lời Pháp giới của Tổ Thầy đã dạy. Đức Thầy có giải:“Qui là về, mà về đâu ? Về cửa Phật. Y có nghĩa là vâng lời theo khuôn mẫu. Vậy Qui y đầu Phật là nương nhờ cửa Phật và làm y theo lời Phật dạy. Phật từ thiện cách nào ta phải từ thiện theo cách nấy, Phật tu cách nào đắc Đạo rồi dạy ta, ta cũng làm theo cách nấy. Thầy cảnh tỉnh giác ngộ điều gì chánh đáng thì khá vâng lời. Cần nhứt ở chỗ giữ giới luật hằng ngày.”(Lời Khuyên Bổn Đạo, SGTVTB 2004, tr. 449-450).
Và Ngài luôn nhắc nhở:
  Qui y thì khá làm y,
Giữ lòng thanh tịnh từ bi giúp đời”.
(Thức Tỉnh Một Nữ Tín Đồ)

CHÁNH VĂN
647.Ác thứ mười đoạn chót Mê-Si, 
  Nguyên tăm-tối từ hồi vô thỉ.
  Màn vô-minh che mờ căn trí,
650.Nên thường khi nhận ngụy làm chơn. 
  Lo huyễn thân vật-chất kém hơn, 
  Chẳng tìm biết tinh-thần đạo-đức.
  Dệt lưới nghi đeo điều phiền-phức, 
654.Bịn-rịn đời cực-khổ tang-thương. 
  Khi nói làm ít chịu suy lường, 
  Mãi phạm tội nên rằng nghiệp ác.
  Diệt mê-si phải nương thuyền giác, 
  Muôn việc làm chính-trực khôn-ngoan. 
  Đừng bạ đâu tin bướng nghe càn, 
660.Làm ngu-muội đọa thân uổng kiếp.

LƯỢC GIẢI (Từ câu 647 đến câu 660) :
-Đến ác thứ mười là ý thức mê mờ tăm tối, gốc tối tăm ấy nó không có đầu mối, do một vòng nhân duyên luân chuyển, hết cái nầy đến cái khác cứ tiếp nối nhau luôn. Chính nó là vô minh, từ vọng niệm bất giác làm cho ánh sáng trí tuệ bị mờ đi, nên thấy ngược lại chơn lý. Gặp tà nhận chánh, thấy chánh tưởng tà, sự giả cho là thật, sự thật cho là giả, vội chạy theo vật chất phù hoa để bồi bổ cho tấm thân huyễn giả, chẳng màng nghĩ đến tinh thần đạo đức là gì ?
-Do đó sự nghi ngờ lầm lẫn càng lúc càng tăng, như màn lưới dệt chồng thêm mãi, khiến tâm hồn lúc nào cũng bị phiền toái lo âu, bởi kiếp sống hồng trần luôn đổi thay và đau khổ. Thế mà chúng sanh mãi mến tríu không muốn rời rứt thoát ly. Và trước khi nói hay làm việc gì, con người ít chịu đo lường suy xét, nên mãi lâm vào vòng tội lỗi, kết thành nghiệp ác lâu đời mà phải cuồng quay trong bánh xe sanh tử.
-Để giải trừ ác mê si tà kiến, Đức Thầy kêu gọi hành giả hãy trở về với lòng giác ngộ (Bồ đề), trau giồi trí huệ cho sáng suốt, phá tan màn vô minh vọng hoặc. Đặng vậy, ta sẽ được kết quả: từ việc làm đến lời nói đều ngay chánh công bình, tránh khỏi vòng dị đoan mê tín và dứt sạch mối nghi ngờ, do dự mà thẳng bước trên con đường chân lý, đi đến cõi bất diệt bất sanh (Niết bàn). Bằng ngược lại rất uổng cho một kiếp sanh được làm người đã không tiến hóa lại bị thối đọa trong mê đồ thống khổ.

CHÚ THÍCH :
MÊ SI: Lòng mê mờ không nhận rõ sự lý, tức cái tâm vô minh, khởi lên các vọng hoặc điên đảo (tà kiến), khiến con người lầm lũi trong tội lỗi, như người đi đêm chẳng thấy đường, lạc vào hầm hố. Mê si đối ngược với trí huệ, trong Kinh Pháp Cú, Phật đã bảo:“Si mê là Mẹ đẻ của muôn tội lỗi, Trí huệ là Cha sanh của muôn hạnh lành”.
Cho nên Đức Thầy hằng khuyên:
  Trần tâm trừ dứt cuộc mê si,
   Quan sát Đạo mầu nẻo ẩn vi”.
  (Cho Ô. Trần Quang Hạnh)
Thời xa xưa về trước, tại khu rừng nọ, có các loài chim cả mấy ngàn con, chúng đều tôn chim khổng tước làm chúa. Hằng ngày chúng chia nhau kiếm những trái cây ngon lành về dâng cho chim khổng tước và chầu chực như phò một nhà vua.
Hôm nọ, có chim thanh tước (mái) bay ngang. thấy dáng điệu thướt tha, sắc lông óng ánh, chim khổng tước say mê, vội bỏ bầy bay theo òn ỹ thanh tước. Từ ấy đôi chim sống bên nhau. Khổng tước phải vất vả tìm các thứ trái cây tươi, ngon đem về nuôi thanh tước.
Bấy giờ, Hoàng Hậu trong nước mang bệnh nặng, Vua truyền ngự y điều trị đủ phương thuốc, nhưng bịnh không bớt. Một hôm, bà nằm mộng thấy có thần nhơn mách bảo: bệnh nầy nếu có thịt chim khổng tước mà ăn thì hết liền. Sáng ra bà thuật cho Vua nghe, Vua liền truyền cáo: Ai đem nạp chim khổng tước, Vua sẽ gả Công chúa và thưởng thêm 100 lượng vàng.
Khi ấy các thợ săn nỗ lực lùng kiếm; có một thợ săn đi tận rừng sâu, thấy đôi chim tước đang đậu trên cây có nhiều trái. Anh chờ trời tối đem bẫy lên gài. Sáng hôm sau chim khổng tước đáp xuống liền bị mắc bẫy; còn thanh tước thoát khỏi, bay lượn qua mấy vòng rồi đi luôn. Thợ săn đem chim xuống. Khổng tước hỏi:
-Anh bắt tôi để làm gì ?
-Đem về nạp cho Hoàng Hậu ăn thịt để hết bịnh, và ta đặng lãnh thưởng và cưới được Công chúa.
-Nếu anh thả tôi ra, tôi sẽ chỉ cho anh một hòn núi vàng xài trọn đời không hết.
-Mi nên biết, hòn núi vàng sao bằng ta cưới được Công chúa làm vợ. Đoạn, thợ săn mang chim về nạp cho Vua.
Trước sân chầu, Khổng tước tâu: Bệ hạ sai người bắt tôi, mục đích là muốn cho lịnh bà hết bịnh, vậy hãy đem bát nước lại đây tôi chú nguyện vào đó, lịnh bà uống vào sẽ hết liền, song với điều kiện là Bệ hạ đừng giết tôi.
Vua y lời, quả nhiên sau khi uống bát nước, Hoàng Hậu khỏi bệnh ngay. Vua rất vui mừng, liền phán: hiện dân chúng trong thành cũng mắc bịnh như Hoàng hậu khá nhiều, ngươi nên cứu hộ luôn thể. Khổng tước liền chú nguyện xuống hồ nước, dân chúng chen nhau đến múc uống, bệnh chi cũng được lành cả.
Việc xong, Khổng tước tâu với Vua: nay bịnh của lịnh bà và dân chúng đều được lành, xin Bệ hạ y lời thả tôi về rừng cũ. Vua liền chuẩn y. Khổng tước bay đậu trên tường nhìn xuống nói:
-Tâu Bệ hạ, sự việc vừa qua, tôi gẫm lại trong đời có 3 hạng người mê si.
-Vua bảo: Ngươi hãy giải thích cho Trẫm rõ ?
Khổng Tước tâu:
-Thứ nhứt là tôi đây mê si: Trước kia tôi làm chúa tể các loài chim, suốt ngày có kẻ hầu hạ và hiến dâng đủ thứ cây trái. Tôi lại đắm say sắc đẹp của Thanh tước mà bỏ bầy đem thân làm tôi mọi cho nó, đến đổi phải mắc bẫy, thiếu chút nữa là căn mạng chẳng còn.
Thứ nhì là anh thợ săn đây si mê: lúc bắt được tôi, tôi có van xin nếu được thả, tôi sẽ chỉ cho anh một hòn núi vàng, anh không bằng lòng vì quyết lấy được Công chúa mà thôi. Giờ đây, Vua đã xét nhờ tôi chú nguyện Hoàng Hậu mới hết bịnh chớ không phải là nhờ ăn thịt tôi, nên thợ săn chỉ được thưởng vàng, chớ chẳng được lấy Công chúa. Thế là hai món: núi vàng và Công chúa thợ săn đều hỏng cả !
-Thứ ba là Vua mê si: Bệ hạ vì quá nịnh ái Hoàng Hậu mà ra lịnh bắt tôi và liều đánh đổi Công chúa cùng 100 lượng vàng, trong lúc không suy nghĩ người nạp chim có xứng đáng và đủ tài đức làm phò mã chăng ? Rồi nay vì tôi cứu được lịnh bà và dân chúng, Bệ Hạ mới thả tôi, chớ thật ra lòng Bệ hạ có nhân từ bác ái gì đâu.
Nói xong, Khổng tước cất cánh về rừng xanh. Cả Vua tôi, dân chúng đồng tán thán. Đây quả là vị Bồ Tát hóa thân đến giác tỉnh chúng ta ! Tất cả đồng hướng theo Khổng tước bái tạ !
NGUYÊN: Nguồn gốc, chỗ khởi đầu, mới phát sanh.
VÔ THỈ: Không có chỗ khởi đầu. Vạn vật trong thế gian, như chúng sanh và các pháp đều không có chỗ bắt đầu. Kiếp sống ngày nay là do nhân duyên ở đời trước mà có, và kiếp sống đời trước cũng do nhân duyên đời trước nữa sanh ra, cứ như thế lưu chuyển không biết đâu là đầu là cuối.
Trong Kinh Lăng Nghiêm, Phật dạy: Tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay, sanh tử cứ nối tiếp nhau mãi, đều do chỗ không biết cái chơn tâm thường trụ và thể tánh trong sạch mà nhận lầm và chạy theo cái vọng tưởng không chơn thật, mới tạo thành nghiệp sanh tử nên phải luân chuyển mãi mãi. (Nhứt thiết chúng sanh tùng vô thỉ lai, tánh tịnh minh thể, dụng như vọng tưởng, thử tưởng bất chơn, cố hữu luân chuyển).
VÔ MINH: Xem chú thích tại tr. 254, Tập 3/3.
CĂN TRÍ: Gốc rễ của sự sáng suốt, chỗ phát sanh ra trí huệ.
NHẬN NGỤY LÀM CHƠN: Nhận lầm sự giả dối tà vạy cho là thật. Đức Thầy có giải:“… Ý thức sai lầm, nhận không rằng có, nhận có rằng không, thấy tà nói chánh, gặp chánh tưởng tà”(Sơ Giải Tứ Diệu Đề).
HUYỄN THÂN:Xem chú thích: tr.271-272, Tập 3/3.
ĐẠO ĐỨC: Xem chú thích tại tr. 99, Tập 3/3.
DỆT LƯỚI NGHI: Lòng nghi hoặc, do dự không quyết đoán ví như mặt lưới. Dệt lưới ghi là bện kết thêm sự nghi ngờ trong lòng mỗi ngày một thêm dày đặc thêm. Nghi là một trong “Ngũ độn sử”. Có hai hạng nghi:
a)- Hạng không tu thì nghi rằng:
1. Không có luật nhân quả báo ứng.
2. Không có sự luân hồi.
3. Không có cảnh giới của chư Phật.
4. Sau khi chết là mất.
5. Không có sự xem xét của Thần Thánh.
b)- Hạng đã tu song chưa nắm vững chơn lý nên cũng còn nghi rằng:
1. Từ trước tới giờ mình đã tạo nhiều nghiệp ác, nay chỉ tu trong một lúc, biết có sự tiếp độ của chư Phật chăng ?
2. Những phiền não: tham, sân, si nơi mình chưa dứt sạch, biết niệm Phật có được tiếp dẫn về Cực lạc chăng ?
3. Sự tu hành của mình có ảnh hưởng cứu rổi được tổ tiên cha mẹ không ?
4. Sau khi mạng chung biết có được Đức Phật y như lời nguyện rước thần thức mình về Cực lạc chăng ?
5. Công phu tu hành ngày nay, có được sự hỗ trợ của các đấng thiêng liêng giúp mình đến hội Long Hoa và hội Long Hoa có thật hay không ?
PHIỀN PHỨC: Phiền là nhiều, phức là cái gì chồng lên nhau.  Ý chỉ  sự bận bịu rắc rối lôi thôi.
BIN RỊN: Trìu mến, quấn quít không chịu xa lìa từ bỏ, mãi mãi bận bịu không dứt.
TANG THƯƠNG: Xem chú thích:  tr. 280, Tập 3/3.
SUY LƯỜNG: Suy xét, đo lường. Ý nói nghiệm xét, cân nhắc kỹ lưỡng để rõ việc hư nên tốt xấu như thế nào. Đức Thầy có câu:
  Xét suy cho cạn cổ kim,
   Hết tâm bền chí rạch tim xem nhìn.
(Để Chơn Đất Bắc)
NGHIỆP ÁC: Cũng viết là ác nghiệp. Có nghĩa những hành động xấu xa tội ác, do trước gieo nhân hung dữ, sau bị quả xấu, khổ trả lại. Cho nên nghiệp ác cũng có tên là “hắc nghiệp”. Nghiệp ác ở đây có ý nói vì mê si nên  thân, khẩu, ý vi phạm mười điều ác.
Sách Đồng Nghĩa Ký viết:“Nghiệp hữu nhị nghĩa: Nhứt động tác nghĩa, nhị vi nhân nghĩa.”(Nghiệp có hai nghĩa: một gọi là việc hành động, hai là gieo nhân).
Tổ Qui Sơn cũng nói: Nghiệp quả kéo lôi thật khó trốn tránh, như tiếng hòa vang trong thuận, hình ngay bóng thẳng, nhơn quả rõ ràng, đâu không lo sợ. (Nghiệp quả sở khiên, thành nan đào tị, thinh hòa hưởng thuận, hình trực ảnh đoan, nhân quả lịch nhiên, khởi vô ưu cụ).
Đức “Thầy cũng từng cho biết:
 Vướng nghiệp trần hoàn bởi quả nhân,
 Gây ra kiếp số chịu phong trần.
  (Rứt Cái Ngu Đần)
THUYỀN GIÁC: Xem chú thích: tr. 199, Tập 3/3.
CHÁNH TRỰC: Chơn thật, thẳng thắn; nghĩa bóng: hết lòng vì dân vì nước.
ĐỌA THÂN: Thân rơi vào cảnh khổ. Có hai cách: Một là vì mê si nên bị danh, lợi, tình đày đọa xác thân phải vật bắt với trường đời, vô vàn vất vả; hai là sau khi chết cái thân trung ấm bị đọa vào ba đường ác: Địa ngục, Ngạ quỉ, Súc sanh.
UỔNG KIẾP: Hư đi một kiếp làm người vì chẳng tu hành tiến hóa được, lại bị thối hóa, đọa lạc xuống chỗ thấp hèn. Ví như cây trồng sắp có trái vội bỏ, không vun phân tưới nước nên cây bị héo chết rất uổng !
Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, Phật bảo:“Trong đời có sáu việc khó: 1. Khó gặp Phật ra đờ,. 2. Khó nghe được Chánh pháp, 3. Khó sanh ở Trung độ, 4. Khó được thân người, 5. Khó được tâm biết lo sợ, 6. Khó được năm căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân đầy đủ”. Xét ra sáu điều khó nói trên, nay chúng ta đã vượt khỏi, nếu không biết giác ngộ tu hành thì rất uổng cho một kiếp sống.

  CHÁNH VĂN
661.Ác trừ xong hiện ra thiện nghiệp, 
  Lóng nguồn chơn Phật tiếp-dẫn cho. 
  Trồng cây lành vị-quả thơm-tho, 
664.Tuy không thấy mà sau chẳng mất.
  Dầu ai có cười ta khờ-khật, 
  Cũng đừng phiền xao-lãng chơn tâm. 
  Mong tiếng kêu thấu đến Tòng-lâm, 
668.Cùng thiện-tín bá-gia hưởng-ứng.
  Muốn Phật-Giáo từ đây bền vững, 
  Đừng riêng lo lợi-dưỡng một mình. 
  Nếu xuất-gia thì phải hy-sinh, 
672.Cả vật-chất tinh-thần lo Đạo.
  Chớ giả-dối mà mang sắc áo, 
  Mượn bồ-đề chuỗi hột loè người. 
  Làm cho dân khinh-dể ngạo cười, 
676.Tội-lỗi ấy luật nào dung thứ.

LƯỢC GIẢI (Từ câu 661 đến câu 676) :
-Đoạn nầy ý nói người tu hành khi trừ xong mười điều ác thì đắc được mười điều lành, ấy gọi là trọn lành, song phải lóng sạch phàm tâm, tiêu trừ hết vi tế phiền não (tham, sân, si) để được trọn sáng. Cũng như lu nước đục lọc hết cặn cáu thì trở về màu trong lặng, chất nước ấy không đục lại. Nhà tu khi đạt tới đó tức là kiến diện Phật tâm (ngộ Phật tri kiến), hoặc được chư Phật tiếp dẫn vể Tây phương Cực lạc. Lại nữa, căn cứ vào luật nhân quả:“Trồng bông kiểng giống chi hưởng nấy.”(GMTK, Q.4), kẻ làm lành lánh dữ tất được sự an vui giải thoát, tuy hiện giờ chưa thấy chớ sau nầy sẽ kết quả chắc chắn, không hề sai chạy.
-Đức Thầy hằng khuyên nhủ, kẻ tu hành, dầu có bị người đời chê ngạo ngu khờ, ta cũng đừng buồn lòng thối chuyển mà lơ đễnh việc trau tâm sửa tánh. Và Ngài cũng kêu gọi khắp Tăng Ni, Phật tử, từ bực xuất gia đến hàng cư sĩ tại gia hãy thẩm xét cho chín chắn mà hưởng ứng theo lời khuyến thiện trong đây.
-Bởi Ngài nhận rằng: Muốn cho nền Đạo Phật được bền chắc và phát triển lan rộng hầu cứu rỗi các tầng lớp chúng sanh thì điều trước tiên là các giới tu hành hãy dẹp lòng vị kỷ riêng tư. Nếu là kẻ xuất gia muốn xa lìa bể tục cần phải có tinh thần xả kỷ, lợi tha, an bần lạc đạo để dồn hết tâm cơ trí lực vào việc công nghĩa, giác chúng tu thân.
-Kế tiếp, là không nên mượn màu sắc nhà tu, trang diện hình thức bên ngoài để lừa dối bá gia mà bên trong chẳng thật tâm hành đạo. Vì nếu tu như thế sẽ bị người đời khinh Phật ngạo tăng, làm mất thanh danh chung cho Đạo, luật pháp không thể nào tha thứ được.

CHÚ THÍCH :
THIỆN NGHIỆP: Các việc làm lành của ba phần: Thân, Khẩu, Ý. Tức là thập thiện nghiệp, ngược với thập ác nghiệp. Đức Giáo Chủ bảo:“Sau khi diệt được Thập ác rồi, tự nhiên mười điều lành hiện ra”. Mười điều lành ấy gồm có:
1- Đã không sát sanh mà luôn có lòng từ bi thương người mến vật và tận tâm cứu giúp.
2- Đã không đạo tặc lại hay làm việc nghĩa, giúp đời.
3- Đã không hành động tà dâm mà tâm hằng trong sạch, lễ độ và tôn trọng luân thường đạo lý.
4- Đã không dùng lời lưỡng thiệt lại luôn nói lời thành thật chánh đáng.
5- Đã không phạm ỷ ngôn lại thường nói lời tốt lành êm dịu.
6- Đã không phạm ác khẩu mà nói toàn lời thanh bai hiền đức.
7- Đã không nói vọng ngữ lại hằng nói những lời chân chánh đúng với sự thật.
8- Đã không có ý tham lam, bỏn sẻn mà luôn có lòng bố thí, vị tha, tự tại vô ngại.
9- Đã không có ý sân hận, tật đố lại hằng dụng tâm hoan hỉ từ bi, nhẫn nhục và khoan dung.
     10- Đã không còn mê si tà kiến mà luôn phát sanh trí huệ và chánh kiến.
LÓNG NGUỒN CHƠN: Tâm ý con người ví như một nguồn nước, nếu khuấy lên là đục, bằng lóng lại là trong. Người hành đạo một khi lòng lóng lắng được thì tham, sân, si dứt bặt, chơn trí hiện bày như một nguồn nước trong lặng nhìn thấy tận đáy.
TIẾP DẪN: Dắt đường, dùng mọi cách chỉ đường vào Đạo hay rước đưa về cõi Phật. Bởi chúng sanh ham mê các sự giả dối ở trần thế, chìm nổi trong cạm bẫy luân hồi, nên Phật và chư Bồ tát hóa hiện giảng dạy cho họ thấu hiểu đạo mầu để lo tu hành giải thoát. Ấy gọi là tiếp dẫn.
Còn người tu pháp môn Tịnh Độ, chí tâm niệm Phật làm lành thì lúc lâm chung được thấy Phật A Di Đà hiện đến tiếp dẫn về thế giới Cực lạc.
VỊ QUẢ: Cũng gọi là quả vị, tức là ngôi vị thành tựu của các nhà tu hành đạo đức. Như vị quả La Hán, vị quả Duyên Giác, vị quả Bồ Tát hay Phật. Đức Thầy từng khuyên:“Nếu bền lòng vị quả cao thăng.”(Sa Đéc).
XAO LÃNG: Bỏ lơi, không để ý đến. Ví dụ: Xao lãng việc tu học.
CHƠN TÂM: Lòng thanh tịnh trong sáng, chẳng nhiễm ô trần trược hay vọng tưởng, ngược với vọng tâm hay giả tâm.  Pháp Tánh Tông có lập ra cửu thức, chơn tâm là thức thứ chín (Am-ma-la thức). Bởi tự tánh của nó  hoàn toàn trong sạch nên gọi là chơn tâm, còn tám thức trước do vô minh khởi ra nên gọi là vọng tâm. Trong Kinh Di Đà có tỷ dụ:“Nước biển thường trụ chẳng thay đổi. Chơn tâm của mỗi chúng sanh cũng vậy, nó vẫn trong sạch, thường trụ từ vô thỉ đến nay. Còn sóng biển thì có khởi, có diệt, lúc có, lúc không, tức là vô thườ., Các vọng tâm của chúng sanh cũng thế”.
Trong Kinh Lăng Nghiêm, Phật phán:“Tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay chết đi sống lại mãi là tại họ chẳng biết cái chơn tâm thường trụ, thể tánh nó vẫn trong sạch sáng mầu”.
Đức Thầy cũng viết:
  Lìa xa Địa ngục thảm sầu,
Khỏi nơi hầm lửa đặng cầu chơn tâm”.
(Dịch các câu chú thường niệm)
TÒNG LÂM: Phạn ngữ: Samgha, có nghĩa rừng tòng. Ý nói chỗ chư tăng và người thế tục hòa hợp với nhau để tu học Giáo lý, cũng như nhiều cây hợp lại thành rừng. Xưa, Thời Phật trụ thế thường cu họp đại chúng lại trong cảnh rừng mà thuyết pháp, như: rừng của Thái Tử Kỳ Đà hay Trúc Lâm.v.v…Vì thế tòng lâm cũng chỉ chỗ thuyết pháp, dạy đạo có chùa chiền vườn tược. Nhưng chữ Tòng Lâm ở đây chì cho giới Tăng Ni xuất gia.
THIỆN TÍN: Xem chú thích: Tín nữ – Thiện nam, tr. 61, Tập 1/3.
HƯỞNG ỨNG: Hưởng là tiếng vang; Ứng là tiếng đáp lại. Ý nói bằng lòng nghe theo lời kêu gọi.
LỢI DƯỠNG: Lấy lợi để nuôi thân mình.Trí Độ Luận có viết:“Sự lợi dưỡng không khác con giặc nó làm hoại các gốc công đức, tỷ như mưa đá làm hại năm thứ lúa vậy”. 
XUẤT GIA: Xem chú thích: tr. 87-88, Tập 3/3.
HY SINH: Xem chú thích: tr. 67, Tập 1/3..
BỒ ĐỀ CHUỖI HỘT: Xâu chuỗi làm bằng hột bồ đề, các Tăng Ni hay dùng nó lần theo tiếng niệm Phật (niệm Phật lần chuỗi). Chuỗi có hai loại: Chuỗi trường có 108 hột, chuỗi tay có 18 hột. Ở đây chỉ cái gì thuộc về hình thức (sự tướng), đối với nội tâm (vô vi).

   CHÁNH VĂN
677.Tu còn ham chay to đám bự,
  Đặng thế-gian dưng cúng bạc tiền.
  Dối rằng : lo tu-bổ chùa chiền, 
680.Mà làm của xài riêng cho thỏa.
  Bảo làm sao dân không sa-ngã,
  Nghe lời rù Tông nọ phái kia. 
  Cả tăng-đồ trong nước chia-lìa, 
684.Riêng pháp-bảo, riêng chùa, riêng Phật.
  Trong bá-tánh sầu-thành chất-ngất, 
  Mãi nghi nan chẳng biết đàng nào. 
  Lòng mến yêu chẳng nệ công-lao, 
688.Mượn bút mực đôi lời trần thuyết.
  Tùy thiện-tín hiểu Ta giả thiệt, 
  Làm hay không chẳng dám ép nài.
  Nguyện mười phương chư Phật đáo lai,
692.Đồng tiếp-dẫn chúng-sanh giải-thoát.

LƯỢC GIẢI (từ câu 677 đến câu 692) :
-Đến đây, Đức Thầy nhận thấy trong Đạo Phật thời nay có số nhà tu ham tổ chức những cuộc làm chay, cầu siêu linh đình để thâu nhận tài vật của bá tánh đem đến cúng dâng. Hoặc mượn cớ tu sửa chùa am để quyên tởi tiền bạc khắp nơi, rồi cắt xén làm của riêng mà ăn xài cho thỏa thích như hiện giờ ai cũng thấy một số sư tăng trụ trì trong các chùa cũng có gia đình, cũng tích trữ của tiền, con vợ, nào khác kẻ thế tục.
-Lối tu như vậy, bảo làm sao bá tánh chẳng chán chê, xa lánh và thối chuyển lòng tin tưởng đối với Tam Bảo. Nhân đó, tình trạng phân chia Tông, Phái, Chùa, Pháp trong giới Tăng đồ càng lúc càng tăng; dẫn đến sự chỉ trích, tranh giành môn đồ uy tín giữa nhau. Họ xem mỗi ngôi chùa là sự nghiệp riêng mà họ có quyền thọ hưởng.
-Cảnh huống nói trên, khiến cho bá tánh trông vào rất đau buồn, bán tín bán nghi. Muốn tìm một chỗ nương tựa, song chẳng biết nơi đâu là hành động đúng chân lý. Thấy thế, lòng Đức Giáo Chủ quá thương xót nên tạm dùng giấy mực thuyết minh lẽ thực hư cho mọi người được rõ.
-Với lời lẽ luận giải trong đây mỗi thiện nam tín nữ cần xem coi và nhận xét đúng hay không ? Có làm theo hay chăng, là tùy ý, chớ Ngài không bao giờ nài ép một ai. Dầu vậy, với tấm lòng bác ái vị tha của bậc Giác ngộ, lúc nào Ngài cũng cầu nguyện với chư Phật mười phương, đồng tiếp độ các giới chúng sanh sớm lên bờ giải thoát.

CHÚ THÍCH:
TU BỔ: Sửa chữa, sửa sang lại những chỗ đã hư hỏng.
THỎA: Vừa lòng thích ý.
LỜI RÙ: Thì thầm to nhỏ, có tánh cách quyến rủ.
TĂNG ĐỒ: Xem chú thích: tr.85, Tập 3/3.
PHÁP BẢO: Phạn ngữ: Dharma-ratna, có nghĩa: Những lời giáo pháp của chư Phật thuyết dạy rất quí báu như châu ngọc, bởi nhờ đó chúng sanh mới biết tỉnh ngộ tu hành và thoát khổ. Pháp Bảo là một trong ba ngôi quí báu (Phật Pháp Tăng). Pháp còn ví như thuyền bè, hay đưa người vượt khỏi biển khổ: sanh, lão, bệnh, tử; ví như đèn đuốc dùng soi sáng lối đi và như món thuốc thần diệu để chữa lành các chứng bịnh phiền não. Vì thế người Phật tử tôn kính Giáo pháp, Kinh giảng cũng như tôn kính Phật và chư Tăng vậy.
Kinh Niết Bàn có chép:“Thanh Tịnh Pháp Bảo, nan đắc kiến văn, Ngã kim đắc văn, du như manh qui, tri phù mộc khổng !”(Vật quí báu là pháp trong sạch, khó mà được nghe thấy. Nay ta đã được nghe thấy, dường như con rùa mù, gặp đặng bọng cây nổi).
Bởi Pháp Bảo quí báu như thế nên Đức Thầy hằng khuyên:“Cao sâu lý diệu vàng mười khó mua.”(Viếng Làng Mỹ Hội Đông).
Hoặc là:  “Kệ kinh tụng niệm đêm thanh,
 Ấy là châu ngọc để dành về sau.”(Sấm Giảng, Q.1).
SẦU THÀNH: Cũng viết là thành sầu. Có nghĩa: Nỗi buồn rầu, đau khổ quá nhiều và chất ngất như thành như lũy, khó mà giải cho hết. Cổ nhân từng bảo:
  “Nhứt tọa sầu thành cư hỏa trạch,
Đa manh kim kích lạc du đàng”.
(Một ngày ở thế cũng như ở trong các thành sầu và nhà lửa, còn đêm ngủ như ngồi trên mũi giáo).
NGHI NAN: Ngờ vực khó tin nên không quyết định được.
TRẦN THUYẾT: Nói và bày tỏ ra.
MƯỜI PHƯƠNG: Xem chú thích: tr. 203, Tập 3/3.
GIẢI THOÁT: Xem chú thích: tr. 34, Tập 3/3.

 CHÁNH VĂN
 KỆ:
693.Đêm thanh hiên nguyệt dựa kề,
Nhìn xem thế-sự não-nề tâm-can.
  Từ Ta nương chốn Phật-đàng,
696.   Dứt tâm trần-cấu chẳng màng vinh-huê.
  Trần-hoàn thiện-tín còn mê,
   Thêm lời giục-thúc gọi về đàng tu.
  Dốc lòng vạch ngút mây-mù,
700.  Đặng dìu bá-tánh đường tu chen vào.
  Lời Thầy cạn tỏ âm-hao,
   Để truyền hậu-thế vàng thau lọc-lừa.
  Tu cầu thuận gió hòa mưa,
704.  An-hòa nhơn-vật phước thừa trời ban.
  Tu cầu thoát chốn gian-nan,
   Cầu trong chư quốc chư bang giao-hòa
  Tu cầu yên nước lợi nhà,
708.  Cửu-huyền Thất-tổ Diêm-La thoát hình.

LƯỢC GIẢI (Từ câu 693 đến câu 708) :
-Đoạn nầy ý nói trong một đêm trời trong cảnh tịnh, bóng trăng vừa rọi trước mái hiên, Đức Giáo Chủ chạnh nghĩ đến sự đời hiện tại khiến lòng bắt đau xót. Hồi tưởng, từ khi nương thân vào cửa Đạo, tâm Ngài đã dứt sạch lòng nhiễm ô trần tục, chẳng màng đến sự cao sang đài các:“Thân tuy còn tục tâm lìa cõi mê.”(Khuyến Thiện, Q.5).
-Ngài  cũng nhận xét khắp trong thiện tín còn có số người đắm say cảnh đời khổ lụy, nên Ngài viết thêm đoạn Kệ nầy, hầu giục giã họ nhanh chơn trên đường tu thân lập hạnh. Phần Ngài đã quyết tâm dùng ánh sáng trí huệ, chiếu phá sự mê mờ cho khắp chúng sanh, bằng cách sáng tác Kệ Kinh để dìu dắt bá gia đưa vào nẻo Đạo. Trong đó Ngài đã giải bày cặn kẽ, từ sự biến chuyển của cơ tận diệt đến Giáo lý siêu mầu, chẳng những có ích lợi cho giới tu hành hiện tại, còn giúp cho người sau, nương theo đó mà lọc lừa tu sửa.
-Về sự hành đạo, Ngài dạy mỗi người phải thật tâm thành ý lo tu tập để mong đạt đến kết quả là Trời Phật sẽ ban cho mọi người và vạn vật một cuộc sống hòa vui thuận thảo, mưa gió hợp thời.
-Bởi do mỗi người biết hướng theo lẽ phải, lánh dữ làm lành, nên cảnh chiến tranh gian khổ không còn diễn ra; và cả thế giới biết liên kết, tương trợ lẫn nhau, riêng nước ta cũng được hòa bình an lạc. Nhứt là mỗi người đều lo trau giồi phước hạnh và hồi hướng công đức cho Tổ Tiên Cha Mẹ đồng thoát khỏi sự hình phạt chốn Diêm đài, siêu thẳng về Cực lạc.
 CHÚ THÍCH :
KỆ: Xem chú thích: tr. 156 Tập 1/3..
ĐÊM THANH: Ban đêm trời êm lặng trong trẻo. Đức Thầy có câu, trong bài “Vọng Bắc Hòa Nam”:
  Gió đưa nhằm lúc đêm thanh,
  Lời ta dạy dỗ như nhành ghẹo chim”.
HIÊN NGUYỆT: Hiên là mái nhà, nguyệt là mặt trăng. Ý nói bóng trăng vừa rọi tới mái hiên.
THẾ SỰ: Sự đời. Ý chỉ mọi sự việc và cảnh huống trong đời:“Vui gì thế sự mà mong nhân tình.”(Cổ thi) Đức Thầy cũng từng viết:“Thế sự bao la ta chẳng quản.”( Để Chơn Đất Bắc).
NÃO NỀ: Đau xót và buồn chán ê chề.
TÂM CAN: Tim và gan. Ví dụ: Đau đớn tâm can (đau xót trong lòng)
TRẦN CẤU: Xem chú thích: “trần cấu tạo”, tr. 200 Tập 3/3.
TRẦN HOÀN: Xem chú thích: tr. 82, Tập 1/3.
GIỤC THÚC: Cũng viết là thúc giục. Có nghĩa: giục giã, thúc hối làm việc gì cho sớm, cho mau rồi.
VẠCH NGÚT MÂY MÙ: Vạch là vẹt ra, banh xé ra, ngút mây mù là mây khói bốc lên như sương mù che lấp một cái gì. Ý chỉ sự mê mờ tăm tối (vô minh) che khuất trí sáng của chúng sanh. Nghĩa chung là Đức Thầy dùng trí huệ vẹt phá sự mê tối cho chúng sanh. Như Ngài từng bảo trong bài  “Viếng Làng Mỹ Hội Đông”:
  Tinh thần hiệp vén ngút mây,
 Vẹt cho rõ mặt Tớ Thầy hạ ngươn”.
ÂM HAO: Tin tức. Ý cho biết mọi việc sắp tới.
HẬU THẾ: Đời sau, sau nầy hay người đời sau.
TU CẦU: Tu là trau sửa, cầu là mong mỏi, là tìm kiếm cho đến nơi. Nghĩa chung là quyết trau thân hành Đạo và tầm cầu cho thấu đạt mục đích (thành quả). Đức Thầy từng dạy:
 “Cầu tu cho đạt ngũ hương,
     Hươi gươm trí huệ Ma Vương hãi hùng”.
  (Cho Ô. Cò Tàu Hảo)
Hoặc :   “Tu cầu cứu vớt Tổ tông,
     Với cho bá tánh máu hồng bớt rơi.
  (Sấm Giảng, Q.3)
AN HÒA: Yên ổn và hòa vui thuận thảo.
PHƯỚC THỪA TRỜI BAN: Được thừa hưởng phước lộc do Trời Phật ban cho, nhưng cũng nhờ công năng tu hành tác phước của mỗi người mà có chớ chẳng phải chỉ cầu mong suông mà được. Luật trời ở đây là chỉ luật nhân quả. Thánh nhân từng bảo:“Vi thiện giả thiên báo chi dĩ phúc, Vi bất thiện giả thiên báo chi dĩ họa.”(Người làm lành thì Trời trả cho bằng phước, Kẻ làm điều chẳng lành (dữ) trời trả cho bằng họa).
GIAO HÒA: Giao thiệp hòa hảo với nhau.
CỬU HUYỀN THẤT TỔ: Xem chú thích: tr. 117-118, Tập 1/3.
DIÊM LA: Xem chú thích: “Diêm vương”, tr. 146, Tập 1/3.

   CHÁNH VĂN
709.Tu cầu Phật hóa tánh tình,
Lưới mê chẳng buộc nhẹ mình tiêu-dao.
  Tu cầu cửa Phật đặng vào
712.  Gót sen thong-thả xiết bao thanh-nhàn.
  Tu cầu bịnh tật tiêu-tan,
   Từ-bi hỉ-xả Phật ban phép lành.
  Tu cầu thoát khỏi tử sanh,
Nương theo Phật-Quốc lời lành hằng nghe.
  Cõi trần đừng đắm ngựa xe,
   Đeo tuồng mộng-huyễn lập-lòe sắc hương.
719.Tu cầu trăm họ hiền lương,
   Đồng thinh niệm Phật tai-ương chẳng còn.
  Tu cầu gia-đạo vuông tròn,
   Chồng hòa vợ thuận cháu con thảo hiền.
  Tu cầu thoát khỏi xích-xiềng,
724. Dựa kề chơn Phật xa miền trần-lao.
  Tu cầu chóng hết binh đao,
   Gặp đời bình trị xiết bao vui-vầy
  Mắt nhìn chư Phật đông dầy,
728. Thành vàng điện ngọc trò Thầy đăng tiên.

LƯỢC GIẢI (Từ câu 709 đến câu 728) :
-Tiếp theo đoạn trước, Đức Giáo Chủ khuyên mỗi hành giả cần tu cho tánh mình đồng hòa với chư Phật, tức là đổi phiền não thành Bồ đề. Bởi lòng phàm và tánh Phật chẳng phải hai, hễ còn tham, sân, si ô nhiễm là chúng sanh, bằng lọc hết chúng ra tức trở thành Phật. Đặng vậy thì mạng lưới vô minh (mê si) chẳng còn trói buộc ta trong luân hồi sanh tử mà lúc nào cũng thong dong tự tại. Bấy giờ gọi là kiến diện Phật tâm hay bất cứ cảnh giới của vị Phật nào hành giả cũng vẫn đến được, ấy là hoàn toàn giải thoát.
-Còn lúc đang hành đạo, nhà tu cần quyết tâm chuyển nghiệp: niệm Phật làm lành ắt được chư Phật hộ trì qua cơn bịnh tật để tiến thẳng đến Niết bàn, dứt đường sanh tử, hoặc vãng sanh về nước Phật, luôn được nghe pháp mầu và tu tập thêm cho đến khi đắc đạo.
-Song muốn được kết quả như trên, hiện giờ hành giả không nên đắm nhiễm sự cao sang, màu sắc. Vì mọi cảnh vật ấy đều là tạm giả, như chiêm bao bóng bọt vậy thôi, và nó cũng là miếng mồi thường câu nhử chúng ta dễ rơi vào bể khổ.
-Ngoài sự tu do chính mình, Đức Thầy còn dạy phải tu cầu cho bá tánh hầu thể hiện lòng tự giác, giác tha, tức là vừa cầu nguyện vừa nêu gương hạnh, cảm hóa mọi người đều biết hiếu thuận từ hòa, một lòng tu tiến để được gần Phật gần Thầy và sớm thoát khỏi cảnh trần ai sầu khổ.
-Đức Giáo Chủ còn khuyên mỗi tín đồ hãy tu cầu cho thế giới sớm dứt tai họa chiến tranh, cả nhân loại đều chung sống cảnh thanh bình an lạc. Bấy giờ vạn dân sẽ thấy Phật, Tiên, Thánh lâm phàm “…định ngôi phân thứ gây cuộc hòa bình cho Vạn Quốc chư bang.”(trong Bài Sứ Mạng).
Và cảnh:
  Phương Nam rạng ngọc chói lòa.
   Lưu ly hổ phách mấy tòa đài cung.
  Dành cho kẻ lòng trung chánh trực,
   Quân cùng thần náo nức vui tươi”.
(Xuân Hạ Tác Cuồng Thơ)
Đây là cảnh bồng lai tại thế, Trời Phật sẵn dành cho những ai vẹn tròn đức hạnh.
 CHÚ THÍCH :
PHẬT HÓA TÁNH TÌNH: Tánh chúng sanh trở thành tánh Phật. Cũng có nghĩa nhờ Phật lực khai hóa cho chúng sanh biết cách tu hành để được đồng hòa với Phật tánh.
LƯỚI MÊ: Sự mê si, tà kiến trói buộc chúng sanh trong luân hồi sanh tử, như bị mạng lưới bao vây khó mà thoát ra được.
TIÊU DAO: Cũng gọi là tiêu diêu. Có nghĩa thông thả, tự do đi đây đi đó, không gì bó buộc. Ý chỉ người tu khi được giải thoát. Đức Thầy có câu:
  Tiêu diêu Đạo đức luận bàn,
   Vân du Võ trụ thanh nhàn biết bao.”(Hoài Cổ)
TỪ BI HỈ XẢ: Xem chú thích: tr. 340-341, Tập 3/3.
PHẬT QUỐC: Xem chú thích: tr. 55, Tập 1/3.
MỘNG HUYỄN: Cũng gọi là mộng ảo. Mộng là giấc chiêm bao, huyễn là giả dối, không thật. Tuồng mộng huyễn là tuồng đời giả tạo không thật có. Ý nói kiếp sống và mọi cảnh vật vinh sang phú quí đều là tạm giả, không bền chắc lâu dài. Ví như giấc chiêm bao tối còn sáng mất.
Trong truyện Bát Tiên có chép: Thời nhà Đường (Trung Hoa) có Lữ Đồng Tân (Lữ Sinh), một hôm mang gói đi thi, giữa đường có ghé vào quán cơm, kêu nấu nồi gạo lúa huỳnh (bắp tẻ). Chủ quán đem chiếu gối mời khách nằm nghỉ, đợi nấu cơm chín sẽ dùng. Đồng Tân vừa nằm xuống là ngủ, chiêm bao thấy đến kinh thành thi đỗ tấn sĩ, lại đi dẹp giặc có công to và cưới được vợ đẹp. Sau sanh nhiều con, rồi con sanh ra cháu, tất cả đều ăn học thông minh. Cả gia đình sống cuộc đời vinh hiển. Thoạt có tiếng động, Đồng Tân chợt tỉnh, bỗng nghe chủ quán vừa gõ trên miệng nồi vừa hát:“Nồi bắp vẫn còn ngòi, Chiêm bao đà thấy cháu”.
Lữ Đồng Tân ôn lại điềm mộng, lòng chán ngán cuộc lợi danh. Lại nghĩ, ông chủ quán hiểu hết cảnh chiêm bao của mình mới hát lên câu ấy, quả là vị Phật Tiên gì đây ? Đồng Tân liền cầu xin chủ quán cho theo tu học đạo lý.
Nguyên chủ quán ấy là Hớn Chung Ly Tiên Ông, nhân dịp vân du thấy Đồng Tân có căn Tiên nên giả làm chủ quán để giác tỉnh. Từ đó Lữ Đồng Tân theo Hớn Chung Ly và sau tu thành Tiên.
Do điển tích nói trên về sau văn chương thường dùng “Giấc Huỳnh Lương” để chỉ cho cuộc đời giả tạm. Kinh Vô Lượng Thọ có câu: Cả thảy sự vật trong đời dầu có rồi cũng mất, ví như giấc chiêm bao không thật, lại cũng như tiếng dội kêu lên rồi hết.(Giác liễu nhất thiết pháp, du như mộng, như hưởng).
Đức Thầy nay từng bảo:“Gẫm cuộc thế chẳng qua tuồng mộng ảo.”(Không Buồn Ngủ) nên Ngài thường kêu gọi:   Dương gian mau tỉnh trong tràng mộng,
  Tầm kiếm nơi nào đạo siêu cao”.
(Hai Mươi Chín Tháng Chạp)
LẬP LÒE: Chập chờn, khi bừng lên khi hạ xuống. Đây ý nói sự chưng diện màu sắc lòe loẹt, song các sự vật ấy không bền chắc.
SẮC HƯƠNG: Hai điều trong lục trần (Xem chú thích: “Lục trần”, tr. 28-29 Tập 3/3).
TAI ƯƠNG: Xem chú thích: tr. 78, Tập 2/3..
GIA ĐẠO: Phép tắc ở trong nhà, cách thức cư xử trong gia đình thân tộc.
TRẦN LAO: Trần là bụi bậm; lao là khổ nhọc. Ý nói chúng sanh ở cõi trần chịu nhiều sự nhớp nhơ đau khổ như kẻ ở trong lao ngục. Đức Thầy từng nói:
  Cảnh thế gian dường thể chốn ao tù
  Trong biển khổ mấy ai mà thoát đặng
  (Không Buồn Ngủ)
ĐĂNG TIÊN: Lên cõi Tiên. Ý nói nhà tu khi đắc đạo. Cõi tiên ở đây chỉ cho đời Thượng ngươn Thánh đức, bởi ngày ấy:
   “Trên non Tiên văng vẳng tiếng Phụng hoàng,
    Phật Tiên Thánh an bang cùng định quốc”.
  (Không Buồn Ngủ)
Hoặc:“Bồng lai tại thế non dường sánh.”(Bạc Liêu)     Và:     “Tiên cảnh kìa kìa gần lộ vẻ,
 Chờ người hữu phước đến liên đài”. 
  (Cho Ô. Nguyễn Thanh Tân)

  CHÁNH VĂN
729.Ai mà muốn đặng phước-duyên,
   Nghe lời khuyến-thiện lòng liền phát tâm.
  Tu cho rõ mối huyền-thâm,
732.  Qui đầu Phật-Pháp khỏi lâm tai-nàn.
  Phước đức quí hơn bạc vàng,
   Những người bạc-ác giàu sang ích gì.
  Chi bằng ăn ở nhu-mì,
736. Nghe lời Phật Thánh kính vì người trên.
  Hiếu-trung lòng chớ vội quên,
   Sống lo trọn Đạo, thác lên Tiên-Đài.
  Nam-mô miệng niệm hằng ngày,
740. Lánh lời dua-mị học rày kệ kinh.
  Trau tâm luyện tánh cho minh,
   Chuyên lo niệm Phật sửa mình cho trơn.
  Lóng tai nghe rõ tiếng đờn,
   Không dây không phím oán hờn cũng không.
  Đờn tây rồi lại đờn đông,
   Trách trong bá-tánh gặp sông quên nguồn.
  Phàm-trần như chỉ rối cuồn,
748. Mà còn say-đắm theo tuồng lẳng-lơ.
  Lời lành mắt lấp tai ngơ,
Đua theo vật-chất hẫng-hờ đàng tiên.
  Hố sâu tình-dục lại ghiền,
752. Ghiền cho đến lúc chúng khiêng quan-tài.

LƯỢC GIẢI (Từ câu 729 đến câu 752) :
-Đoạn giảng trên ý dạy rằng nếu ai muốn đặng nhân duyên phước đức, khi nghe được lời khuyên trong đây, hãy sớm phát tâm tu học đạo lý. Và cố hành trì làm sao cho thấu đạt lẽ cao sâu mầu diệu để nương theo con đường Phật pháp của Tổ Thầy đã vạch hầu vượt khỏi vòng tai khổ.
-Vả lại, từ xưa đến nay bạc vàng của cải chẳng bao giờ sánh bằng phước đức, vì vàng bạc dù có nhiều đến đâu, tiêu xài thời gian cũng hết. Tuy ta cố giữ, nhưng khi nhắm mắt cũng chẳng mang theo được món nào. Còn phước đức, chẳng những giúp người an thân trong hiện kiếp mà tương lai còn được thành quả giải thoát. Xưa nay những kẻ làm giàu bằng cách gian ác, chẳng đem lại lợi ích lâu dài, lại còn mang thêm khổ lụy. Cho nên, chúng ta cần tuân thủ theo lời Phật Thánh, đối xử với mọi người đều được hiền hòa lễ độ, kính người trên, thương kẻ dưới để mang lại đời sống an lành trong xã hội.
-Điều cần nhứt là phải trau giồi trung hiếu, vẹn đáp Tứ ân. Vì trung hiếu ở đây là chỉ cho giềng mối của Đạo làm người. Nếu ai làm tròn nhân đạo, trả xong nợ thế trong kiếp sống, lúc lâm chung sẽ siêu thoát lên cõi Tiên và tiến đến cõi Phật:“Tu đền nợ thế cho rồi, Thì sau mới được đứng ngồi tòa sen.”(Sấm Giảng, Q.3). Song muốn cho sự kết quả cao chắc hơn, ngày ngày hành giả cần chuyên tâm niệm Phật làm lành, chừa bỏ những lời dối gian, dua nịnh,  trì tâm tu học Kệ Kinh, tức học Phật và hành tri Phật đạo.
-Nhờ có thông hiểu Kệ Kinh mới thấu đạt yếu pháp Thiền Tịnh mà Đức Thầy chỉ dạy. Nghĩa là mỗi hành giả vừa tự trau sửa tâm trí cho sáng suốt (tu Thiền) và vừa trì niệm sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật” để nhờ tha lực Phật gia hộ (tu Tịnh), tức thân tâm được trọn lành trọn sáng, chẳng còn vướng bận các trần ai nghiệp báo.
-Lại nữa, lời Pháp giáo của Đức Thầy ví như tiếng đờn, mà đờn ở đây lại không dây không phím:“ Đờn ta vốn thiệt không dây.”(Từ Gĩa Bổn Đạo Khắp Nơi). Chính đó là “Chánh pháp vô vi” nên Ngài khuyên nhà tu, khi xem Sấm Giảng chẳng phải chỉ nhìn sơ qua trên mặt văn tự, mà hãy bình tâm lặng ý để suy tìm, mới mong thấu đạt chơn lý.
-Lời Sấm Kinh (tiếng đờn) đã truyền bá khắp nơi, song chưa mấy người thức tỉnh nên Ngài thống trách những kẻ đã hân hạnh sanh được thân người và thụ hưởng mọi sự cao sang về vật chất, lại quên đi căn lành gốc đạo từ trước. Kìa, cảnh trần sắp đến hồi rối loạn, sao nhơn sanh mãi đắm say theo tuồng ảo ảnh, bất chánh vô liêm !
-Bao lời lành lẽ Đạo của Phật Thánh chỉ dạy là con đường siêu thoát an nhiên, thế mà bá tánh vẫn làm ngơ, không hề để ý. Mảng đua đòi những vật chất phù hoa, đắm nhiễm cuộc lợi danh tình ái để rồi bị mê ghiền mãi mãi, cho đến khi từ biệt cõi đời cũng chưa dừng lại.

CHÚ THÍCH :
PHƯỚC DUYÊN: Phước đức và nhân duyên (nghĩa của chữ phước thiện), tức làm những việc phước thiện để gây duyên lành về sau. Đức Thầy có dạy:
  “Ông Bà có sẵn của tiền,
 Lại thường làm ruộng phước duyên để dành”.
  (Cho Thằng Tân)
KHUYẾN THIỆN:Xem chú thích Tiêu đề Q.5,tr.183 Tập 3/3).
HUYỀN THÂM:Xem chú thích tại tr. 37, Tập 1/3.   PHẬT PHÁP: Xem chú thích tại tr. 54, Tập 1/3.
PHƯỚC ĐỨC: Xem chú thích tại tr. 123, Tập 2/3.
BẠC ÁC: Hung dữ gian ác, hay quên ơn, chẳng hề thương nghĩ đến ai:“Những người bạc ác tinh ma.” (Truyện Kiều).
NHU MÌ: Xem chú thích tr. 89, Tập1/3.
KÍNH VÌ: Xem chú thích tại tr.90, Tập 1/3.
HIẾU TRUNG: Xem chú thích tại tr. 141, Tập 2/3.
TIÊN ĐÀI: Chỗ Tiên ngự. Đây chỉ  ngôi vị ở cảnh Tiên Phật.
NAM MÔ: Xem chú thích tại tr. 81, Tập 1/3.
DUA MỊ: Cũng gọi là du mị. Có nghĩa bưng bợ, tâng bốc người để nhờ cậy. Đức Thầy có câu:“Cứ theo cái lối a dua.”(Từ Giã Bổn Đạo Khắp Nơi).
KINH KỆ: Xem chú thích tại tr. 156, tập 1/3.
GẶP SÔNG QUÊN NGUỒN: Sở dĩ có nước sông là gốc từ trên nguồn chảy xuống mà kẻ được uống nước sông lại quên nguồn. Cho nên thành ngữ nầy nhằm thống trách những kẻ sanh được thân người và có nơi ăn chốn ở, lại không nhớ đến công ơn Tổ Tiên nòi giống. Đức Thầy từng nói trong “Giã Từ Bổn Đạo Khắp Nơi”:    Nhớ câu ăn giấy bỏ bìa,
 Được thân sung sướng vội lìa Tổ Tông”.
Gặp sông quên nguồn cũng còn có nghĩa những kẻ được hưởng sự cao sang sung sướng hiện giờ là do có căn tu hành từ trước mà nay vội quên đi, chẳng chịu hồi đầu hướng thiện, để vun vén thêm (tu hành) cho cội lành ấy sớm được kết quả viên mãn (thành đạo). Đức Thầy hằng thống trách:“Biết gốc lành sao cội không gìn.”(Thu Đã Cuối).
LẲNG LƠ:  Xem chú thích tại tr. 320, Tập 3/3.
MẮT LẤP TAI NGƠ: Xem chú thích “tai lấp mắt ngơ“, tr. 161, Tập 1/3.
HẪNG HỜ: Thờ ơ, không để ý hay tưởng nhớ tới..
HỐ SÂU TÌNH DỤC: Lòng ham muốn sắc đẹp, vị danh tiền của như cái hố rất sâu, ai sa vào đấy khó mà thoát ra được. Người càng đắm say tình dục, càng chìm trong hố sâu tội lỗi, như voi sa lầy, càng vẫy vùng càng bị lún thêm. Cho nên nhà tu cần phải tránh xa tình dục.
Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Phật dạy:“Người hành đạo như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, thấy lửa phải tránh. Người nhập đạo đối với lòng ham muốn tình dục cũng phải tránh như thế.”

CHÁNH VĂN
753.Nhắm mắt cũng nắm hai tay,
   Đâu đem tiền của đem rày hầu non.
  Chỉ có tội phước hỡi còn,
756.  Đến nơi thẩm-phán cửa son Diêm-Đài.
  Phước nhiều tiên-cảnh lên rày,
   Tội nhiều sa-đọa nhiều ngày thảm-thê.
  Chừng ấy mới biết chỉn ghê,
760.  Ăn-năn chẳng kịp khó bề tính-toan.
  Ngày nay sớm đến Phật-đàng,
Tu cầu chư Phật cứu an linh-hồn.
  Tội tiêu phước hưởng trường-tồn,
764.  Không còn mắc nẻo dại-khôn luân-hồi.
  Thấy đời khó nỗi yên ngồi,
   Thêm lời Thầy nhắc một hồi thấp cao.
  Nữ nam muốn rõ âm-hao,
768.  Rán trau đức-hạnh ngày sau sẽ tường.

LƯỢC GIẢI (Từ câu 753 đến câu 768) :
-Đức Giáo Chủ cho biết kiếp sống của con người dầu có tạo ra của tiền danh vọng, vợ đẹp hầu xinh hay vật chất thật nhiều đi nữa, nhưng khi nhắm mắt cũng chẳng mang theo được món nào. Thật là:“Chiêm bao cuộc thế chẳng thường còn.”(Cho cô Võ thị Hợi). Duy có nghiệp thiện ác lúc nào cũng đeo sát bên ta, có sức mạnh dắt  linh hồn ta đến cõi Diêm đài để được công minh phán xét.
-Bấy giờ Vua Diêm Vương căn cứ vào nghiệp tội, phước của con người mà quyết định. Hễ ai tạo phước đức được siêu sanh lên cõi Tiên Phật, bằng gây nghiệp tội ác sẽ bị đọa vào các cảnh giới thấp hèn, chịu muôn ngàn thảm khổ. Đến đấy, dù ta có  hối hận ăn năn những hành động tội ác quá khứ hay muốn tìm phương sửa đổi cũng không thể kịp.
-Chi bằng ngay bây giờ, chúng ta nên hồi tâm giác tỉnh, nương theo con đường Đạo pháp của Tổ Thầy đã vạch, lo trau sửa thân tâm. Làm lành niệm Phật cho tội quả tiêu mòn, phước hạnh được gia tăng. Đặng vậy, chư Phật mới có thể tiếp độ linh hồn chúng ta“Về Cực lạc thảnh thơi an dưỡng, Ấy là ngày ban thưởng công tu.”(Cho Ô. Cò Tàu Hảo), không còn bị luân chuyển trong sáu đường luân hồi sanh tử nữa.
-Trước khi kết thúc đoạn KỆ, Đức Thầy nhắc lại một lần nữa: Vì Ngài chẳng nỡ ngồi yên, nhìn cảnh bi thương, thống khổ, mà cả chúng sanh đang gánh chịu nên cần viết thêm ít lời. Trong đây, Ngài phân tách những gì thấp, cao, tội, phước một cách rành mạch để khắp nữ nam xem coi và nhận xét nếu ai muốn biết sự trạng từ đây sắp tới diễn ra thế nào, hãy sớm tu thân lập hạnh, rồi đến ngày kết cuộc sẽ thấy rõ:
  “Trên Bảy Núi còn nhiều báu lạ,
    Rán tu tâm dưỡng tánh coi đời.
    Coi là coi được Phật được Trời,
    Coi phép lạ của Tiên của Thánh.
  (Kệ Dân, Q.2)

CHÚ THÍCH :
THẨM PHÁN: Thẩm vấn và phân xử, quyết đoán. Đức Thầy có câu, trong  bài “Đến Làng Nhơn Nghĩa”:
  Cuốn sổ bình sanh công với tội,
   Chờ nơi thẩm phán sẽ cung khai”.
DIÊM ĐÀI: Đài của Vua Diêm Vương ngự, nơi phân xử tội trạng của người chết (cảnh Địa ngục). Đức Thầy cho biết:
Ngục môn đầy quỉ vô thường,
Dắt hồn kẻ bạo Diêm Vương luật trừng.”(Tư Tưởng).
SA ĐỌA: Sa là rơi rụng, đọa là rớt xuống, hư hỏng tội lỗi. Đây chỉ cho những kẻ bình nhựt làm điều tội ác, khi chết bị đọa vào các cảnh giới thấp hèn, như: Địa ngục, Ngạ quỉ, Súc sanh…Đức Thầy hằng cảnh tỉnh:
“Đừng có ham lên mặt hùng anh,
  Sa Địa ngục uổng thân uổng kiếp.”(Kệ Dân, Q.2)
CHỈN GHÊ: Xem chú thích tại tr. 124, Tập 1/3..
PHẬT ĐÀNG: Xem: Phật đường, tr.11 Tập 3/3.
LINH HỒN: Phần khôn biết (tinh thần) trong con người. Mỗi chúng sanh khi chết rồi, tùy theo nghiệp lành, dữ mà linh hồn đi đầu thai để tạo ra thân xác khác, hoặc sanh qua cảnh giới khác.
Theo Đạo giáo thì mỗi người có ba hồn: Linh hồn, Giác hồn và Mê hồn. Linh hồn là một bửu quang có công năng phán quyết mọi tư tưởng và hành động, ngôn ngữ. Hai bên Linh hồn có Giác hồn và Mê hồn:
Mê hồn luôn luôn xúi giục người làm những việc quấy: mê danh, mến lợi, tham chạ dục tình.v.v…
-Trái lại, Giác hồn thì thanh tịnh nên yếu thế hơn Mê hồn. Vì vậy, nên Linh hồn thường dễ bị Mê hồn cám dỗ theo đường tà quấy. Cho nên người biết tu hành lúc nào cũng phải lấy Linh hồn làm chủ:“Cho linh hồn cai quản châu thân.(GMTK, Q.4), rồi theo Giác hồn mà đạt đến chỗ bất sanh bất diệt (Niết Bàn), tức gom ba hồn hợp lại làm một, để trở về Giác tánh. Như Đức Lục Tổ đã dạy:“Hội giả xưng vi Phật tánh, bất hội giả hoán tác linh hồn” (Người đã tỏ ngộ thì gọi là Giác tánh, người chưa tỏ ngộ thì gọi là Linh hồn).
Đức Thầy cũng khuyên:
  Đem về giác tánh chơn như,
  Kim thân thị hiện dứt trừ tử sanh”.
  (Cho Ô. Cò Tàu Hảo)
DẠI KHÔN LUÂN HỒI: Sáu nẻo luân hồi được chia ra làm hai phần:
1-phần Thiện (khôn) gồm có ba đường: Trời, Người, A Tu La.
2-phần Ác (dại) có ba đường: Súc sanh, Ngạ quỉ, Địa ngục.
Sở dĩ có luân hồi là do ba nghiệp: Thân, Khẩu, Ý gây ra. Các nghiệp ấy cứ tiếp nối nhau luôn, tạo thành sức mạnh lôi kéo chúng sanh, sau khi mạng chung phải đi đầu thai vào một thân xác khác để đền trả tiền nghiệp hoặc thỏa mãn lòng khát ái; cứ thế mà lên xuống mãi mãi trong sáu đường sanh tử, rất thống khổ.
Về nghiệp dẫn đi đầu thai gồm có bốn thứ:
1/-Tích lũy nghiệp: Do các nghiệp tạo trong nhiều đời trước còn chất chứa lại, đợi khi có cơ hội cảm đến là nghiệp lực ấy dẫn đi đầu thai.
2/-Tập quán nghiệp: Do các nghiệp tạo trong đời hiện tại cứ tiếp tục mãi thành ra thói quen thường mơ màng tưởng tượng đến, nên nghiệp lực ấy dẫn đi đầu thai.
3/-Cực trọng nghiệp: Do các nghiệp tạo quá nặng (mạnh) nên khi tâm niệm vừa máy động là nghiệp lực ấy dẫn đi đầu thai.
4/-Cận tử nghiệp: Do nghiệp tạo lúc gần lâm chung như: luyến ái, tức giận, buồn khổ…quá mãnh liệt nên khi chết rồi là nghiệp ấy dẫn đi đầu thai.
Còn phần tạo nghiệp và thọ báo của mỗi chúng sanh không giống nhau cứ tùy nghiệp mà đầu thai và tùy nghiệp mà thọ báo. Như ai phạm mười điều ác quá nặng và tội ngũ nghịch thì sanh vào Địc ngục; (Tội Ngũ nghịch: Giết cha, giết mẹ, giết bậc A La hán, làm cho thân Phật chảy máu, phá sự hòa hiệp của chúng Tăng.) còn phạm mười điều ác mà lòng tham lam nặng thì sanh vào Ngạ quỉ; cũng phạm mười điều ác mà lòng mê si nặng thì đầu thi vào Súc sanh.
Khi vào con đường súc sanh cũng tùy nghiệp mà thọ báo hình loại khác nhau, như trong “Cu Xá Luận” có nói:“Kẻ dâm dục quá thì sanh làm bồ câu, se sẻ, oan ương; Kẻ sân nộ quá thì sanh làm rắn rít; Kẻ ngu si quá thì sanh làm heo, dê, trai, hến; Kẻ kiêu mạng quá thì sanh làm cọp, beo, sư tử; kẻ giễu cợt quá thì sanh làm khỉ vượn; Kẻ keo kiệt và tật đố quá thì sanh làm chó đói”.
Đó là phần Ác nghiệp, còn phần Thiện nghiệp: Nếu người tu được mười điều lành thì đặng sanh về cõi Trời; làm được năm điều lành thì sanh vào cõi Người; làm mười điều lành, nhưng lòng còn nóng giận, nhân ngã, tật đố thì sanh về cõi Thần (A Tu La).
Sự đầu thai nói trên, tuy rằng: Khôn dại, vui khổ có khác, song cũng đồng nằm trong luân hồi sanh tử; chỉ có từ bực A La Hán trở lên mới khỏi vòng luân hồi trong Lục đạo.

CHÁNH VĂN
769.Ngôn-từ đạo hạnh ý Thầy khuyên,
  Hạnh đức ân-cần rán tập chuyên.
  Thất-tổ cửu-huyền nơi chín suối,
772. Mỉa-mai xa lánh sáu đường duyên.

  VÔ-thượng thậm thâm dĩ ý truyền,
  DANH-ngôn chép để rạch đàng Tiên.
  CƯ-gia Tịnh-Độ tâm viên-mãn,
776.SĨ xuất văn-từ dốc dạy khuyên.

NAM-MÔ BỔN-SƯ THÍCH-CA MÂU-NI PHẬT
( tam niệm )
NAM-MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT

LƯỢC GIẢI (Từ câu 769 đến câu 776) :
-Đến đây, Đức Giáo Chủ viết hai bài thi tứ cú để kết luận quyển Khuyến Thiện:
Hai câu 1 và 2 của bài thơ thứ nhứt khuyên rằng những lời lành lẽ đạo, Ngài đã luận giải trong đây, mỗi tín đồ phải để tâm ghi nhớ và chuyên cần tu tập. Cả hai phương diện tâm đức và hạnh nết, luôn trau sửa và lọc lừa để được hiền hòa ngay chánh:
  “Trí hiền tâm đức chùi lau,
Ra công lọc kỹ thì thau ra vàng.”(Sấm Giảng, Q.3).
Câu 3 và 4: Ngài cho biết nếu hành giả tu tiến được như trên, tức Ông Bà Cha Mẹ đã quá vãng từ vô lượng kiếp, dù ở nơi Địa ngục hay bất cứ cảnh giới nào cũng lần lượt đặng siêu thăng và chẳng còn phải luân chuyển trong sáu đường sanh tử:“Cửu Huyền Thất Tổ Diêm la thoát hình.”(Khuyến Thiện Q.5).
Bài thi thứ nhì, Ngài viết lối khoán thủ cách cú, xem dọc xuống sẽ thấy bốn chữ đầu của mỗi câu là “VÔ DANH CƯ SĨ”, biệt hiệu của Đức Thầy, và Ngài cũng có ý nêu hạnh tu tại gia cho mỗi tín đồ y cứ theo đó mà trì hành. Nghĩa là chỉ xuất gia (giải thoát) bằng nội tâm chớ không chấp xuất gia nơi hình thức.(Ra khỏi nhà cửa Tam giới: Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới).
Câu 1 của bài thi nầy, Đức Giáo Chủ cho biết: Giáo Pháp của Phật cao thượng không có gì cao bằng và sâu kín mầu diệu không có chi so sánh hay diễn tả cho hết được. Mà xưa kia Đức Phật đã “dĩ tâm ấn tâm, dụng ý truyền ý” cho Tổ Ca Diếp và qua 33 vị Tổ từ Ấn Độ sang Trung Hoa. Rồi thời gian trước đây trên 100 năm có Đức Phật Thầy Tây An ra đời (1807-1856) cũng đã đắc truyền Chánh pháp ấy, như Ngài từng viết:“Thọ truyền mối Đạo Thích Ca, Màu thiền tâm ấn phép nhà nhiệm thay !” Hôm nay, Đức Giáo Chủ PGHH cũng đã chứng thọ tâm truyền cái Tâm ấn Thiền Tông nói trên.
Câu 2: Vẫn biết chánh pháp vô vi lìa cả văn từ ngôn ngữ và mọi hình thức, nhưng vì lòng từ bi cùng có trách nhiệm thị hiện độ đời, nên Đức Giáo Chủ phải tạm dùng lời Kệ giảng mà Khai thị con đường siêu thoát (Đạo) để phương tiện tiếp đưa chúng sanh ra khỏi rừng mê khổ.
Câu 3: Đức Thầy nói rõ từ trước Ngài cũng tu Pháp Tịnh Độ với hạnh tại gia và đã chứng đắc hoàn toàn (Giác hạnh viên mãn), tức đạt được “Tịnh độ tự tâm, Di Đà tự tánh”.
Câu 4: Nay vì muốn rộng độ các tầng lớp nhân sinh nên Ngài phải mượn văn từ viết ra Kinh Sấm, khuyến hóa mọi người chuyên tâm làm lành niệm Phật (Tịnh độ) để được kết quả như Ngài.
-Đại lược bài thi khoán thủ trên đây, thấy rằng Đức Giáo Chủ PGHH đã đắc thọ tâm truyền cả hai Giáo pháp Thiền Tông và Tịnh Độ. Nay vì có bổn phận khai hóa chúng sanh giữa thời mạt pháp, nên Ngài chuyển kiếp tạm dùng Kinh Giảng khai sáng Đạo mầu, giác tỉnh quần sanh, song tu Thiền Tịnh hầu tiến đến Niết bàn, Cực lạc, thoát vòng sanh tử luân hồi.
 CHÚ THÍCH :
NGÔN TỪ: Lời nói hay văn tự, cũng có nghĩa là lời lành. Ý dùng văn chương để diễn tả lời lành ý Đạo. Đây chỉ cho lời Kinh Giảng của Đức Thầy.
ĐẠO HẠNH: Xem chú thích: tr. 160, Tập 1/3.
HẠNH ĐỨC: Xem chú thích: “Đức hạnh”, tr. 111, Tập 2/3.
ÂN CẦN: Xem chú thích: tr. 230, Tập 2/3.
THẤT TỔ CỬU HUYỀN: Xem chú thích: tr. 117-118, Tập 1/3.  
CHÍN SUỐI: Do chữ cửu tuyền. Tương truyền dưới cõi âm phủ có chín cái suối. Cho nên trong văn chương thường dùng chữ chín suối hay cửu tuyền để chỉ cho cõi âm phủ (Địa ngục):“Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.”(Truyện Kiều).
MỈA MAI: Mang máng, hơi giống. Các loài chim người ta nuôi đem lột lưỡi, dạy nói tiếng người, ban đầu còn mang máng (hơi giống) nhưng sau rồi cũng nói được rõ ràng: “Con oanh tập nói trên cành mỉa mai”(Truyện Kiều). Ở đây ý nói việc chắc chắn sẽ được như vậy, nghĩa là người tu khi hạnh đức đầy đủ (chứng đạo) thì cứu được Cửu Huyền Thất Tổ thoát khỏi luân hồi:“Nhứt nhơn thành Đạo, Cửu Huyền thăng”.
SÁU ĐƯỜNG DUYÊN: Tức sáu đường luân hồi. Bởi tùy theo nhân duyên tạo tác của mỗi người mà khi chết linh hồn phải sanh vào sáu cõi: Trời, Người, A Tu La, Súc sanh, Ngạ quỉ, Địa ngục.
VÔ THƯỢNG THẬM THÂM: Vô thượng, Phạn ngữ :Anouttara, phiên âm là A-bạt đa-la, A-nậu đa-la. Có nghĩa: Cao hơn hết, cao không có gì cao hơn, trên không có chi trên bằng. – Vô thượng dùng chỉ cho trí đức, quả vị hay pháp giáo…Thậm thâm là rất sâu kín mầu nhiệm. Đức Thầy từng viết:“Chữ thậm thâm trong Kinh Phật giáo.(GMTK, Q.4).
Vô thượng thậm thâm” ở đây chỉ cho chánh pháp, đọc đủ là “Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp”. Có nghĩa: Giáo pháp của Phật rất thâm sâu, mầu diệu không có chi sánh bằng. Kinh Tịnh Danh bảo:“Pháp vô hữu tỷ, vô tương đãi cố.”(Diệu pháp không có chi sánh, cũng không có gì tương đối được). Đây gọi là Chánh pháp vô vi. Đức Thầy từng nói, trong bài “Cho Ô. Tham Tá Ngà”:
  Huyền Pháp thâm trầm thơm bất tuyệt,
Vô vi chánh Đạo hỡi người ôi !”  
Và:  “Xả thân tầm Đạo vô vi,
 Nhiệm mầu thâm diệu nan tri lão bày”.
(Từ Giã Bổn Đạo Khắp Nơi)
Các Kinh xưa mỗi đầu quyển đều có bài Kệ khai Kinh:
  “Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp,
Bá thiên vạn ức nan tao ngộ,
Ngã kim kiến văn đắc thọ trì
Nguyện giải Như Lai chơn thiệt nghĩa”.
  (Chánh pháp cao sâu rất diệu mầu,
   Trăm nghìn muôn kiếp dễ tìm đâu.
   Nay con nghe thấy chuyên trì niệm,
   Nguyện tỏ Như Lai đạt ý mầu).
DĨ Ý TRUYỀN: Lấy ý mà truyền ý, dụng tâm mà ấn tâm. Đây chỉ cho cái “Chánh pháp nhãn tàng, Niết bàn diệu tâm”. Pháp Bửu Đàn Kinh có giải “Chánh pháp nhãn tàng là thanh tịnh Pháp nhãn tức là tâm đức của Phật. Tâm nầy thấy và hiểu suốt Chánh pháp nên gọi là Chánh Pháp Nhãn. Sâu rộng và hàm chứa muôn đức, nên gọi là Tàng.” Kinh Pháp Hoa gọi là “Phật Tri Kiến”.
Niết Bàn Diệu Tâm là bản thể của Phật tâm. Tâm thể vắng lặng nên gọi là Niết bàn; không thể đo lường và phân biệt được nên gọi là diệu. Chánh Pháp Nhãn nầy, xưa Đức Phật đã truyền qua 33 vị Tổ mà nay Đức Giáo Chủ cũng được chứng thọ.
Bởi cái tâm ấn nầy không thể dùng lời lẽ văn tự mà giảng luận hay truyền thọ; khi nào tâm của hành giả được hoàn toàn thanh tịnh, đồng hòa với thể tánh (Phật) thì Phật và chư Tổ mới dùng tâm ý mà ấn truyền cho.
DANH NGÔN: Lời nói hay, có ý nghĩa và luôn được truyền tụng, người ta thường lưu nhắc để răn đời. Ở đây ý nói Đức Giáo Chủ phương tiện dùng văn tự, ngôn ngữ luận truyền giáo lý pháp môn để giác tỉnh người đời.
RẠCH ĐÀNG TIÊN: Rạch là vạch ra, đàng Tiên là con đường về cảnh Tiên. Đàng Tiên ở đây chỉ con đường siêu thoát, đối với nẻo tục. Đức Thầy có câu:
  Dạy cho trần thế phỉ tình,
  Đàng Tiên cõi tục phân minh hai đường”.
  (Sám Giảng Q.3)
CƯ GIA: Nói cho đủ là cư sĩ tại gia hay tại gia cư sĩ. Có nghĩa: người tu Đạo Phật, nhưng ở tại nhà (Xem thêm phần Tiêu Đề Q.5, Tập 3/3).
TÂM VIÊN MÃN: Tâm tròn đầy sáng suốt. Đây chỉ cho người tu Phật đã chứng đắc hoàn toàn. Chính nó là một trong ba giác: Tự giác, Giác tha, Giác hạnh viên mãn.
Qui Sơn Cảnh Sách có chép:“Tam giác viên minh, cố xưng vi Phật: Nhứt giả tự giác, ngộ tánh chơn thường, liễu hoặc hư vọng, Nhị giả giác tha, Vận vô duyên từ, độ hữu tình giới. Tam giả giác hạnh viên mãn: cùng nguyên cực để, hạnh quả viên cơ.”(Ba giác tròn sáng cho nên xưng là Phật. Ba giác là 1. Tự giác: Tự mình tỏ ngộ tánh chơn thường, hết sự mê lầm dối gia. 2. Giác tha: Đem lòng từ vô duyên độ cõi hữu tình. 3. Giác hạnh viên mãn (Biết cùng nguồn tận đáy, hạnh mãn, quả tròn vậy).
VĂN TỪ: Văn chương, dùng chữ nghĩa diễn tả lời lẽ, ý tứ mà mình muốn nói. Đây chỉ cho việc Đức Thầy dùng giấy mực viết ra Kinh Giảng để khuyên người tu hành.
NAM MÔ: Xem chú thích tại tr. 81, Tập 1/3.
BỔN SƯ: Ông thầy căn bản. Theo Phật giáo thì tôn Đức Thích Ca Như Lai là vị thầy căn bản (cội gốc). Vì Ngài là đấng Giáo Chủ khai sáng Đạo Phật.
THÍCH CA: Xem chú thích tại  tr. 113, Tập 2/3.
MÂU NI: Phạn ngữ:Mouni, phiên âm là Mâu-ni, dịch là Tịch-mặc. Có nghĩa: lặng lẽ trong sáng. Tuy làm các hạnh lành, giúp thế độ đời mà lòng vẫn an nhiên trong sạch, không hề xao động hay thiên chấp.
Kinh Di Đà Sớ Sao có giải chung bốn chữ Thích Ca Mâu Ni trong hai nghĩa sau:
1/-“Nhứt giả đối đãi thuyết: Tắc năng giả thiện quyền phương tiện, khúc trực cơ nghi. Nhơn giả trí đức hồng ân phổ triêm vạn loại thị đại bi lợi vật. Tịch tắc trừng nhiên bất động, đốn tức vạn duyên. Mặc tắc mạc nhi vong ngôn, vĩnh ly hy luận, thị đại trí minh lý giả”.
  (Một là theo nghĩa đối đãi thì năng là khéo dùng phương tiện chiều uốn thích hợp với căn cơ của chúng sanh. Nhơn là trí đức hồng ân thấm nhuần khắp muôn loài, đó là lòng đại bi lợi vật. Tịch là lắng lặng không động, dứt bặt muôn duyên. Chữ mặc là bặt vậy quên lời, hằng rời hý luận, ấy là đại trí hợp với chơn lý vậy).
2/-“Nhị giả viên dung khuyết: Dĩ bi tức tri cố, chung nhựt độ sanh, vô sanh khả độ, động nhứt tịnh giả. Dĩ trí tức bi cố; bất khởi nhứt niệm, năng độ chúng sanh tịnh bất động giả. Cố tri thiên cử nhị tư, nãi chí nhứt ngôn; Phật chi toàn đức; nhíp vô bất tận.”(Hai theo nghĩa viên dung: Do vì Trí tức là Bi, nên trọn ngày độ sanh mà không có tướng chúng sanh nào khá độ, đây tức là động mà tịnh vậy. – Do vì Trí tức là Bi, nên chẳng khởi lên một mảy niệm mà thường độ chúng sanh, đây tức là tịnh mà động vậy. Cho nên biết rằng chỉ nói hai chữ bi và trí nhẫn đến một lời, thì toàn đức của Phật đều gồm được hết).
PHẬT: Xem chú thích: tr. 65, Tập 1/3.
A DI ĐÀ PHẬT: Xem chú thích: tr. 136, Tập 1/3./.

Đăng nhận xét

[facebook][blogger]

Ẩn Danh Cư Sĩ PGHH 1939

Liên Hệ với PGHH 1939

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget