BỬU Ngọc Quân Minh Thiên Việt Nguyên,

寶玉君明天越元

SƠN Trung Sứ Mạng Đạo Nam Tiền.

山中師道地南前

KỲ Niên Trạng Tái Tân Phục Quốc,

奇年狀再新復國

HƯƠNG Xuất Trình Sinh Tạo Nghiệp Yên.

香出程生造業安

Tổ Đình Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH
Các Bài Viết Liên Quan
Cám Ơn Các Bạn Đã Ghé Thăm Website. Chúc Các Bạn An Lạc, Có Thêm Nhiều Kiến Thức Bổ Ích…
XIN THƯỜNG NIỆM PHẬT
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

Chú giải từ câu 001 – 208 (Quyển IV Giác Mê Tâm Kệ)

Chú giải từ câu 001 – 208 (Quyển IV Giác Mê Tâm Kệ) XUẤT XỨ – VĂN THỂ Đây là quyển thứ tư, trích từ phần nhất Sấm Giảng Giáo Lý trong Thi Văn Giáo Lý Toàn Bộ. Đức Huỳnh Giáo Chủ đã sáng tác quyển nầy vào ngày 20 tháng 9 năm Kỷ Mão (1939), lúc Ngài còn ở Tổ Đình Thánh Địa Hòa Hảo. Ngài viết theo lối văn vần, thể thất ngôn trường thiên, loại thuyết giáo, dài 846 câu, khởi đầu bằng câu: “Khai ngọn đuốc từ bi chí thiện” Và chấm dứt bởi câu: “Mong bá tánh vạn dân giải thoát”.


Chú giải từ câu 001 – 208 (Quyển IV Giác Mê Tâm Kệ)

CHÚ GIẢI QUYỂN TƯ GIÁC MÊ TÂM KỆ

XUẤT XỨ – VĂN THỂ
Đây là quyển thứ tư, trích từ phần nhất Sấm Giảng Giáo Lý trong Thi Văn Giáo Lý Toàn Bộ. Đức Huỳnh Giáo Chủ đã sáng tác quyển nầy vào ngày 20 tháng 9 năm Kỷ Mão (1939), lúc Ngài còn ở Tổ Đình Thánh Địa Hòa Hảo.
Ngài viết theo lối văn vần, thể thất ngôn trường thiên, loại thuyết giáo, dài 846 câu, khởi đầu bằng câu:

Khai ngọn đuốc từ bi chí thiện
Và chấm dứt bởi câu:
Mong bá tánh vạn dân giải thoát”.
TIÊU ĐỀ:
Trước khi đi sâu vào nội dung quyển thứ tư, chúng ta nên tìm hiểu ý nghĩa bốn chữ “Giác Mê Tâm Kệ”(GMTK) mà Đức Thầy dùng làm tiêu đề.
Giác Mê là tỉnh biết sáng suốt, hết mê lầm. Theo Phật học thì Giác có hai phần:
Tỉnh ngộ: thấy ra những điều quấy ác để trừ dứt gọi là giác sát.
-Tự khai ngộ được chân lý để nương theo gọi là giác ngộ. Cho nên Giác là danh từ chỉ cho bậc Phật (giác ngộ) đối với chúng sanh (mê lầm).
Hiểu chung, hai chữ Giác Mê nghĩa là thức tỉnh kẻ còn mê lầm tăm tối.
Tâm Kệ là quyển Kệ dạy hành giả tu ngay tâm để kiến tánh thành Phật, cũng như quyển Tâm Kinh của Đức Bổn Sư Thích Ca và quyển Giác Mê của Đức Phật Thầy Tây An trước kia.
Vậy quyển Giác Mê Tâm Kệ nầy có ý nghĩa Đức Giáo Chủ khuyên dạy môn đồ các phương pháp sửa đổi tâm chúng sanh để trở thành tâm Phật. Bởi Phật hay chúng sanh cũng do tâm mình tạo nên, như Ngài đã bảo:
“Cái chữ tâm mà quỉ hay ma,
Tiên hay Phật cũng là tại nó.
Tu với tỉnh biết làm chẳng khó,
Nếu lặng tâm tỏ ngộ đạo mầu”.
NỘI DUNG:
Đại ý trong đây Đức Thầy nhắc lại Đức Thích Ca xưa kia vì nghiệm xét bốn nỗi khổ của mỗi chúng sanh, nên lìa bỏ cung vua, vợ đẹp con ngoan để ra đi tầm Đạo cứu đời. Nay Đức Thầy khuyên các giới nhân sanh hãy noi theo gương ấy mà giác tỉnh tu hành.
Về phương cách tu, Ngài dạy: Trước nhứt hành giả phải lánh xa lối sống đam mê trụy lạc, tức tửu sắc tài khí và chiến thắng tam bành lục tặc; lấy tâm làm chủ 6 căn đừng để ô nhiễm 6 trần. Đồng thời hãy nghiệm xét Tứ Diệu Đề, trì hành Bát Chánh Đạo, chuyên hành Bát Nhẫn và phá tan Ngũ Uẩn để đạt đến lý “sắc không”, chân như thật tướng.
BỐ CỤC:
Quyển “Giác Mê Tâm Kệ” gồm có ba phần chánh và nhiều tiểu đoạn.

I.- Phần nhứt cũng là phần khai đề. Đức Giáo Chủ cho biết vì lòng từ bi Ngài lâm phàm tại miền Nam nước Việt, dùng trí siêu mầu giác tỉnh chúng sanh sớm nương về nẻo thiện. Phần nầy từ câu 1: “Khai ngọn đuốc từ bi chí thiện” tới câu 4: “Đặng chỉ ngỏ làm lành lánh dữ”.
II.- Phần nhì cũng là phần chánh đề. Đức Giáo Chủ vừa khuyên tu vừa khai triển các pháp tu tự lực cứu cánh (Thiền Tông). Nhứt là hành giả phải chủ yếu về nội tâm, bởi vạn vật trong thế gian, từ Địa ngục, Thiên đường hay Niết Bàn, Cực Lạc đến Phật ma, Thần Thánh đều do tâm mình tạo ra cả:
Địa Ngục cũng tại tâm làm quấy,
Về Thiên đàng tâm ấy tạo ra…”
Vậy hành giả muốn an cư nơi cảnh giới nào hay tiến đến địa vị nào cũng đều do tâm mình tạo nên.
Phần nầy từ câu 5: “Sách Thánh đạo ghi trong Tam-Tự” tới câu 836: “Luân với chuyển dời qua đổi lại.”
III.- Phần ba cũng là đoạn kết. Đức Thầy ân cần dặn bảo những phương thức Ngài dạy trong quyển “Giác Mê Tâm Kệ sẽ giúp cho hành giả đạt đến chỗ an cư thanh tịnh. Những gì quí báu của đất nước Việt Nam sau nầy, còn tiềm ẩn trong đỉnh núi nhà Nam (Thất Sơn), ai muốn trông thấy phải gắng công bền chí tu hành. Lời khuyên nhủ của Ngài là vì lòng từ bi, mặc tình cho người đời có khen chê Ngài cũng không màng kể, miễn sao cho khắp bàng nhân bá tánh đều được giải thoát an vui là Ngài thỏa nguyện. Phần ba từ câu 837:“Ra kệ nầy hai chữ bảo an”, cho đến câu 846:“Mong bá tánh vạn dân giải thoát”.
CHỦ ĐÍCH:
Chủ yếu quyển “Giác Mê Tâm Kệ”, Đức Thầy dạy môn đồ học Phật tu Phật, chuyên về các pháp tu tự lực Thiền Tông, từ tiệm tu đến đốn ngộ đều có đầy đủ, tức là từ “Diệt lục căn đừng nhiễm lục trần” đến chỗ đạt được lý sắc không. Từ chỗ trì hành Tứ Diệu Đề, Bát Chánh Đạo đến chỗ “Giữ tấm lòng bất động như như, và “Vô pháp tướng mới là thiệt tướng”.

Chú giải từ câu 001 – 208 (Quyển IV)

CHÁNH VĂN
 1.Khai ngọn đuốc từ-bi chí thiện,
   Tìm con lành dắt lại Phật đường.
   Thương dân hiền giáo đạo Nam-phương,
4.Đặng chỉ ngõ làm lành lánh dữ.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 01 đến câu 04):
Mở đầu quyển “Giác Mê Tâm Kệ”, Đức Giáo Chủ cho biết: Vì lòng từ bi Ngài lâm phàm khai Đạo cứu dân tại miền Nam nước Việt. Ngài dùng trí tuệ siêu mầu viết ra Kệ Giảng, vạch rõ con đường Phật Đạo để thức tỉnh những ai có căn lành, sớm giác ngộ tu hành, cải ác tùng thiện.
CHÚ THÍCH:
GIÁC MÊ: Giác là tỉnh biết sáng suốt, hết mê lầm. Theo Phật học thì Giác có hai phần:
Tỉnh ngộ : thấy ra những điều quấy ác để trừ dứt gọi là giác sát.
-Tự khai ngộ được chơn lý để nương theo gọi là giác ngộ.
Cho nên Giác là danh từ để chỉ cho Phật (Giác ngộ) đối với chúng sanh (Mê lầm).
là tối tăm lầm lạc. Nói chung, Giác Mê là thức tỉnh kẻ còn mê lầm tăm tối.
TÂM KỆ: Quyển Kệ dạy hành giả tu ngay tâm để “kiến tánh thành Phật”. Như quyển “Tâm Kinh” của Đức Bổn Sư Thích Ca và quyển Giác Mê của Đức Phật Thầy Tây An trước kia.
Vậy, quyển Giác Mê Tâm Kệ nầy, Đức Giáo Chủ khuyến dạy môn đồ về các phương pháp sửa đổi tâm chúng sanh để trở về với tâm Phật. Bởi Phật hay chúng sanh cũng đều do tâm mình tạo nên, như Ngài đã bảo trong quyển nầy (câu: 289-292):
   Cái chữ tâm mà quỉ hay ma,
    Tiên hay Phật cũng là tại nó.
    Tu với tỉnh biết làm chẳng khó,
    Nếu lặng tâm tỏ ngộ đạo mầu.
KHAI NGỌN ĐUỐC: Mở rộng ánh sáng trí huệ. Ý nói Đức Thầy dùng trí huệ viết ra kệ giảng, soi đường dẫn lối cho kẻ tu hành, như Ngài thường cho biết:“Nay đuốc huệ từ bi đã rọi(Khuyến Thiện, Q.5).
TỪ BI: Xem lại chú thích tại tr. 40 Tập 1/3.
CHÍ THIỆN: Đến tột chỗ lành, trọn lành.
Sách Thánh có câu:“Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện”( Đạo của bậc đại học, cốt làm sáng cái đức của mình, rồi làm cho dân được mới và đạt đến chỗ trọn lành).
PHẬT ĐƯỜNG: Nhà Phật, nghĩa của chữ Đạo Phật (con đường về Phật). Đức Thầy có câu:“ Đạo là vốn thiệt cái đường”.
Và:“Chốn Phật đường rán trau đức hạnh,
     Phải bền lòng mới rảnh trần ai(Sa Đéc).
GIÁO ĐẠO: Dạy Đạo, khai truyền Đạo pháp giáo hóa chúng sanh.
NAM PHƯƠNG: Cũng gọi là phương Nam. Có nghĩa là hướng Nam, đây ám chỉ nước Việt Nam. Cũng có nghĩa cõi Nam Diêm Phù Đề, tức Nam Thiệm Bộ Châu, một trong 4 châu lớn ở cõi Ta bà. Đức Thầy từng cho biết:
   Cõi trung ương luân chuyển phương Nam,
     Mở hội Thánh chọn người trung hiếu”.
(Diệu Pháp Quang Minh)
 CHÁNH VĂN
5.Sách Thánh đạo ghi trong Tam-Tự,
   Người mới sanh tánh thiện Trời dành.
   Bởi lớn lên tập nhiễm lợi danh,
8.Nên tật xấu che mờ thiện-tánh.
   Thiếu giáo-dục thiếu thêm đức-hạnh,
   Ta quyết lòng nhắc lại tánh xưa.
   Mặc tình đời gièm-siểm ghét ưa,
12. Rừng kinh-kệ ít người hay chữ.
   Quá mắc-mỏ bởi chưng Phạn-ngữ,
   Nên người đời khó kiếm cho ra.
   Mõ chuông bày đọc tụng ó la,
16. Chớ hiếm kẻ tường thông nghĩa-lý.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 05 đến câu 16):
-Đoạn nầy, Đức Thầy cho biết trong sách “Tam Tự Kinh” của Đạo Thánh có dạy: Nguyên bản của con người trước kia đều có tánh hiền lành cả, tánh ấy đồng một thể chất với trời Phật. Song vì một tích tắc bất giác mà tạo nghiệp luân hồi, làm thân chúng sanh. Lúc mới chào đời, tâm tánh con người rất hồn nhiên nên chưa biết ham muốn, lần lần lớn lên tập nhiễm theo xã hội chung quanh rồi đắm mê danh lợi, sắc tài, hành động những điều xấu xa tội ác, khiến tánh thiện bị lấp vùi.
-Nếu con người không được sự khuyên dạy đạo đức thì biết đâu để rèn luyện tâm xấu trở lại tâm tốt. Do đó, Đức Thầy dốc lòng nhắc nhở mọi người, hãy nhớ lại tánh thiện (Giác) của mình trước kia. Và trên con đường thức tỉnh bá gia của Ngài, dù cho người đời có chê bai hay ưa ghét cũng mặc.
-Xưa kia, Đức Phật thuyết dạy kinh pháp nhiều như rừng, như bể, song thời nay số người xem, được liễu ngộ ý nghĩa thì chẳng có là bao. Bởi các đại đệ tử của Ngài chép lại toàn bằng chữ Phạn. Tuy chư Tổ, chư Sư có phiên dịch ra Hán ngữ hoặc Việt ngữ; nhưng phần đông người lo tu tụng tán hê hà trên mặt văn tự, chớ ít có người thấu suốt được nghĩa lý trong đó để thực hành theo.
CHÚ THÍCH:
THÁNH ĐẠO: Đạo của Thánh nhân, ở đây ám chỉ Nho giáo, một nền Đạo do Đức Khổng Tử san định có hệ thống, học thuyết kỷ cương. Sau đó môn đồ của Ngài và Mạnh Tử tiếp tục phổ truyền. Chủ yếu khuyên dạy người đời tu tròn “Nhân Đạo”, rèn luyện các đức tánh tốt đẹp, để trở thành bậc hiền nhân quân tử. Đức Thầy từng khuyên:
   “Khuyên trai gái học theo Khổng Mạnh,
     Sách Thánh Hiền dạy Đạo làm người
   (Kệ Dân, Q.2)
TAM TỰ: là quyển “Tam Tự Kinh” của Mạnh Tử làm ra, sách viết với lối văn mỗi câu ba chữ. Khởi đầu bằng những câu:“Nhơn chi sơ, tánh bổn thiện, tánh tương cận, tập tương viễn, cẩu bất giáo, tánh nãi thiên…”(Con người từ thuở sơ khai tâm tánh vốn hiền lành, song vì sanh ra và lớn lên, lần lần tập nhiễm mọi tánh xấu xung quanh, nếu thiếu giáo dục tánh thiện ấy bị đổi dời theo các thói xấu).
TÁNH THIỆN TRỜI DÀNH: Tánh lành sẵn có từ trước, đồng với bản thể của chư Phật.
TÂP NHIỄM: Nhuộm quen. Cũng như một vật chi đem nhuộm lâu ngày sẽ nhuốm lấy màu nhuộm ấy.
LỢI DANH: Xem lại chú thích tại tr.51 Tập 1/3.
GIÁO DỤC: Dạy dỗ rèn luyện.
ĐỨC HẠNH: Xem lại chú thích tại tr. 111 Tập 2/3.
TÁNH XƯA: Tánh cũ của mỗi người lúc ban sơ. Từ vô thỉ mỗi chúng sanh đều có tánh hiền lành như nhau cả, song vì vọng niệm mê lầm mà phải luân hồi sanh tử. Từ đó, tâm tánh bị chôn vùi dưới lớp vô minh phiền não, nên gọi là che mờ.
Xưa, Ngài Mạnh Tử có dạy:“Ai tai ! Nhơn hữu kê khuyển xả nhi tắc tri cầu chi, hữu phóng tâm nhi, bất tri cầu”(Thương thay! Người đời mất những vật nhỏ mọn như gà, chó…chẳng xứng đáng chi mà còn biết đi tìm , còn cái tâm là vật quí giá mà người đời lại  không biết tìm cầu). Cho nên Ngài bảo:“Học vấn chi đạo vô tha, cầu kỳ phóng tâm nhi dĩ hỷ”(Người học hỏi đạo lý chỉ có cái mục đích là tầm lại cái  tâm thất lạc của mình).
Hôm nay, “…quyết nhắc lại tánh xưa, là Đức Thầy bảo mỗi người hãy cố tìm lại Phật tánh (cái tâm tánh vốn lành của mình khi trước) như trong bài “Đến Làng Nhơn Nghĩa”:
   Nhàn thanh tìm kiếm, kiếm nơi tâm,
     Phật cũ ngày xưa hãy rán tầm”.
GIÈM SIỂM: Xem lại chú thích tại tr. 179 Tập 1/3.
KINH KỆ: Xem lại chú thích tại tr. 156 Tập 1/3.
PHẠN NGỮ: Tiếng Phạn (hay Phạm), cổ ngữ Ấn độ, dùng chép lại ba tạng Kinh của Phật. Có hai thứ Phạn ngữ:
1.- Nam Phạn (Pali). Phật giáo nguyên thỉ (Tiểu thừa) dùng thứ chữ nầy chép Kinh, truyền về miền Nam Ấn, rồi qua Tích Lan, Xiêm, Miến Điện, Miên.v.v…
2.- Bắc Phạn (Sanscrit), Phật giáo Đại thừa thì dùng thứ chữ nầy chép kinh truyền khắp miền Bắc Ấn, rồi sang Trung Hoa, Nhựt Bổn, Cao Ly, Việt Nam…
  CHÁNH VĂN
17. Dòm trước mắt thấy điều hồ-mị,
   Nên động tình bác-ái dạy răn.
   Réo những ai lợi dụng làm xằng,
20. Cho suy-sụp chơn-nhơn mờ-mịt.
   Nào có khác mây đen phủ bít,
   Rồi dắt nhau đến chỗ dại ngây.
   Lấy tinh-thần hiệp vén ngút mây,
24. Trong bổn-đạo tự thân phải xử.
   Xuống dương thế dạo trong lê-thứ,
   Thấy bá-gia gặp lúc não-nùng.
   Cảnh trần-gian nhiều nỗi lao-lung,
28. Việc tu tỉnh ít người hiểu lý.
   Trong bá tánh muốn nơi cao quí,
   Phải truy tầm huyền-bí nơi cơ.
   Từ sấm kinh cho đến thi thơ,
32. Trong chốn ấy nhiều nơi trọng yếu.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 17 đến câu 32):
-Đức Thầy thấy trong giới tu hành hiện nay bày lắm trò giả dối để lợi dụng lòng tín ngưỡng của thiện tín nên Ngài rộng lòng thương xót, kêu gọi họ sớm chừa bỏ những điều xằng xiên không đúng chơn lý.
-Nếu họ chẳng sớm ăn năn hối cải thì chơn nhơn sẽ bị lấp vùi u tối, màn vô minh ngày càng thêm dày bịt, che mờ cả trí huệ, rồi mãi dắt nhau vào con đường sai lầm tội ác. Vậy từ đây trong bổn đạo, ai cũng phải tự mình lo tu thân lập hạnh, điêu luyện khối tinh thần cho cứng mạnh, để phá tan màn vô minh vọng hoặc, lần bước theo ngọn đèn chơn lý.
-Đức Giáo Chủ xuống trần dạo khắp các nơi, nhận thấy lê dân đang gặp hồi thảm não, muôn ngàn sự lao lý khổ sầu dồn tấp tới. Thế mà việc tu hành thoát khổ, ít có người thông rành nghĩa lý.
-Do đó, Đức Thầy khuyên bá tánh, ai muốn gặp nơi an lành cao quí, hãy mau nghiên cứu suy tầm những lẽ mầu nhiệm trong Sấm Kinh của Ngài đã dạy. Vì trong ấy có hàm chứa luật cơ mầu biến chuyển của trời đất và yếu pháp tu hành.
CHÚ THÍCH:
HỒ MỊ: Dùng thủ đoạn xảo quyệt gạt người, hoặc tán tỉnh, nịnh hót làm kẻ khác say mê.
BÁC ÁI: Xem lại chú thích tại tr. 58 Tập 1/3.
CHƠN NHƠN: Cũng gọi là chơn thân, pháp thân hay chơn không, tánh nó vốn thường trụ, bất biến. Người chứng ngộ được chơn lý gọi là chơn nhơn, bậc thánh A-la- hán. Cho nên, chơn nhơn đối ngược lại  tánh phàm trần. Đức Thầy từng dạy:
   Lấy chơn nhơn dẹp tánh phàm trần,
    Mới có thể mong về Cực Lạc(GMTK, Q.4).
NÃO NÙNG: Buồn thảm, xót xa đau đớn.
LAO LUNG: Cái chuồng hay cái lồng để nhốt thú. Đây chỉ cho sự kềm hãm, trói buộc, khổ sở, mất tự do.
TRUY TẦM: Theo dõi để tìm hiểu.
HUYỀN BÍ: Sự mầu nhiệm bí ẩn, sâu kín.
SẤM KINH: Xem lại chú thích chữ Sấm tại tr.70 Tập 1/3 và chữ Kinh tại tr.156 Tập 1
  CHÁNH VĂN
33. Tạo làm chi những trung với hiếu ! 
   Ấy là người bổn-phận phải trau.
   Khuyên dương-trần đừng nệ cần-lao,
36. Cũng rán sửa rán trau nền Đạo.
   Tu đầu tóc không cần phải cạo,
   Miễn cho rồi cái đạo làm người.
   Kể từ nay lỡ khóc lỡ cười,
40. Vì buồn bực thấy đời biến chuyển.
   Các chư Phật từ đây lựa tuyển,
   Coi ai là đức-hạnh hiền-từ.
   Lời sách xưa cận thủy tri ngư,
44. Cận sơn lãnh trần-gian tri điểu.
   Trong sấm-giảng nếu ai không hiểu,
   Tầm kệ này Ta chỉ nẻo đường.
   Quyết dạy trần nên nói lời thường,
48. Cho sanh chúng đời nay dễ biết.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 33 tới câu 48):
-Sanh trong trần, con người có được xác thân là nhờ tổ tiên cha mẹ, có nơi ăn chốn ở là nhờ đất nước quê hương. Cho nên, việc trung hiếu là điều rất quan trọng, là then chốt của đạo làm người. Vậy bổn phận của mỗi cá nhân là  phải lo đền đáp cho tròn vẹn:“Hiếu trung lòng chớ vội quên, Sống lo trọn Đạo thác lên Tiên Đài(Khuyến Thiện, Q.5). Còn kẻ tu hành chẳng nên ngại sự khó khăn cực khổ, lúc nào cũng cần chuyên trau sửa đúng theo qui tắc của Đạo mới mong kết quả.
-Đức Thầy dạy: Việc tu khỏi cần phải trang diện hình tướng bên ngoài ( như người xuất gia: cạo đầu mặc áo cà sa, bá nạp hay bồ đề chuỗi hột…) miễn làm sao thi hành cho được cái Đạo làm người. Ngài Đạo Thanh Hòa Thượng nói:“Dục tu Tiên đạo, tiên  tu Nhân đạo; Nhân đạo bất tu, Tiên đạo viễn hĩ” (Muốn tu đạo Tiên Phật, trước phải tu Đạo làm người; nếu Đạo người không tu thì Đạo Tiên Phật còn xa lắm vậy).
-Đức Thầy còn cho biết: Từ đây khắp bá gia sẽ lỡ cười lỡ khóc, bởi cuộc thế bắt đầu chuyển xây biến đổi, để lập lại đời mới:“Hoàn cầu trái đất chuyển xây, Gớm ghê cho chúng phơi thây muôn ngàn”(bài Viếng Làng Mỹ Hội Đông). Và,“Phải chuyển xây trái đất một bầu, Đặng lừa lọc con Tiên cháu Phật”(bài Sa Đéc).
-Kể từ nay chư Phật sẽ dạo khắp trần gian để vừa dạy khuyên đạo đức, vừa lọc lừa cứu độ những kẻ hiền lương đức hạnh. Người xưa từng bảo: Kẻ sống nơi nào thì từng biết tánh tình, nghề nghiệp của con người nơi đó rồi lần lượt tập nhiễm theo; vậy ai muốn thoát ly cảnh khổ để trở về với Phật Thánh thì phải thân cận các bậc thiện trí thức và sống theo hạnh nghiệp của Phật Thánh.
-Muốn thế, bá tánh cần quay về nẻo Đạo, cần thường đọc  Kinh Giảng. Nếu ai xem các quyển Sấm Giảng trước (Q. 1, 2, 3) mà chưa hiểu được nghĩa lý, hãy tìm đọc quyển “Giác Mê Tâm Kệ” nầy. Vì trong đây, Đức Giáo Chủ chỉ dạy rõ  các nẻo đường tu hành. Bởi muốn rộng độ nên Ngài dùng lời văn thường (bình dân giản dị), để giúp sanh chúng  khi xem đến đều hiểu biết dễ dàng.
CHÚ THÍCH:
CẦN LAO: Siêng năng khó nhọc.
LỜI SÁCH XƯA CẬN THỦY TRI NGƯ, CẬN SƠN LÃNH TRẦN GIAN TRI ĐIỂU: Sách Quảng Hiền Văn có câu:“Cận thủy tri ngư tánh, cận sơn thức điểu âm” (Gần nước biết tánh cá, gần rừng núi biết tánh chim). Ý nói người ở giới nào thì từng trải việc của giới đó. Ví như hành nghề ngư nghiệp thì biết tánh cá, còn thợ săn thì biết rõ tiếng chim kêu và chỗ ăn ngủ của loài chim . Việc đạo đức cũng thế, có tìm cầu tu học, và có gần gũi thầy bạn tu hành mới mong thâm nhập giáo lý.
SẤM GIẢNG:Xem lại chú thích tại tr.70-71, Tập 1/3.
    CHÁNH VĂN
49. Trời dông gió sái mùa sái tiết,
   Nắng cùng mưa cũng khác xưa rồi.
   Khuyên dương-gian bỏ các việc tồi,
52. Đặng lo liệu cho tròn phận-sự.
   Thấy trần thế hãy còn lưỡng-lự,
   Muốn tu mà còn hỡi chần-chờ.
   Việc thế-gian như thể cuộc cờ,
56. Thắng với thối một hai nước tướng.
   Nào Ai có gạt dân nói bướng,
   Mà dương-trần liệu lượng chánh tà.
   Ta mến yêu những kẻ thiệt-thà,
60. Nghe cơ-giảng thiết-tha lo-liệu.
   Học đạo-lý như đờn trúng điệu,
   Hoà bản rồi thì cứ làm theo.
   Lũ Tam-Bành trong bụng còn đeo,
64. Đoàn Lục-tặc ta mau sớm giết.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 49 đến câu 64):
Đoạn giảng trên Đức Thầy cho biết thời nay giông gió, nắng mưa, không còn đúng theo mùa tiết như xưa nữa, đó là cơ biến chuyển cõi đời Hạ ngươn sắp đến ngày tận diệt. Thế nên Ngài khuyên bá tánh hãy sớm lo cải sửa những điều xấu xa tội ác và cư xử cho tròn bổn phận làm người.
-Ngài nhận thấy dân chúng còn phân vân hai nẻo đường đời, đạo; có lắm kẻ cũng muốn tu, nhưng mãi nay lần mai lựa, e một ngày kia “Đến tội rồi mới hối muộn màng(Khuyến Thiện, Q.5). Xét ra, cuộc thế quá mỏng manh, chẳng khác nào bàn cờ tướng, chỉ còn một vài nước chiếu nữa là biết ăn thua.
-Vì lòng từ bi, Đức Thầy mới truyền dạy giáo pháp, chớ nào có dối gạt một ai, thế mà bá gia còn mãi nghi nan tà chánh. Kẻ nào tánh tình chơn thật, khi nghe đến cơ giảng liền biết lo lắng tu hành thì Đức Phật, Đức Thầy thường gia ân cứu độ.
-Kẻ học đờn, khi rõ thông nhịp điệu, bài bản, rồi y cứ theo đó rèn tập cho đến khi thành công. Người tu học đạo lý cũng thế, trước phải hiểu rành “Tôn chỉ” và pháp giới của Đạo mình, rồi hành trì đúng theo đó, tất được viên thành đạo quả. Nhứt là cần diệt trừ các tà dục, phiền não (tam bành) nơi lòng và điều phục sáu con giặc (lục tặc), đừng để nó ô nhiễm sáu trần. Đức Thầy từng dạy:
   Làm cho chúng phục tùng chơn lý,
     Trong sắc thân giám thị lục căn.
     Đừng cho chúng tính lăng quằng,
     Ngoài thì chấp thủ mà ngăn lục trần”.
   (Cho Ông Cò Tàu Hảo)
CHÚ THÍCH
TRỜI GIÔNG GIÓ SÁI MÙA SÁI TIẾT: Theo âm lịch thì mỗi năm có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Và tám tiết: lập Xuân, Xuân phân, lập Hạ, Hạ chí, lập Thu, Thu phân, lập Đông, Đông chí. Ngoài tám tiết lớn ấy còn có nhiều tiết nhỏ…
Từ xưa, sự mưa gió đều ăn hợp theo thời tiết, không sai; nhưng ngày nay sự nắng mưa không còn đúng y như trước nữa. Giảng Mười Một Hồi, Ngài Huệ Lựu cũng bảo:
Xuân hồi thì Hạ mới lai,
Thu qua Đông lại nào sai đâu là.
Bây giờ khác thể vậy mà,
 Bốn mùa tám tiết đổi đà chẳng thông.
 Thuở nay Đông chót xuống Đông
    Bây giờ Xuân chót Đông hầu lạ thay !”
LƯỠNG LỰ: Lo hai đường, ngần ngừ, phân vân, không quyết định đường nào.
CHẦN CHỜ: Dần dừ dây dưa, giải đãi không hăng hái cương quyết. Ví dụ: Cứ chần chờ mãi, không làm phứt cho rồi. Đức Thầy hằng thúc giục:
   Thi tả cảnh bồng lai tại thế,
     Nếu chần chờ e trễ kỳ thi”.
(Xuân Hạ Tác Cuồng Thơ)
LO LIỆU: Tính trước, sắp đặt việc làm đâu đấy đều song toàn. Đức Thầy từng bảo:
   Sớm chiều tự liệu rèn tâm trí,
     Đạo đức nhiệm sâu lão khuyến mời”.
(Tỏ Câu Huyền Bí)
HỌC ĐẠO LÝ NHƯ ĐỜN TRÚNG ĐIỆU: Câu nầy ý dạy người học Đạo cũng như kẻ học đờn. Khi thấu hiểu Tôn chỉ và Giáo pháp của Thầy, Tổ đã dạy thì cứ y theo đó mà thực hành cho đến khi thành đạt mục đích.
TAM BÀNH: Ba món phiền não (Tham, Sân, Si) như ba vị ác thần, gồm có: Bành Cư ở đầu, Bành Chất ở bụng, Bành Kiểu ở tay chơn, hay xúi người làm quấy (có chỗ giải là Bành Cư, Bành Căn và Bành Dục).
LỤC TẶC: Sáu con giặc, tức là sáu căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Sở dĩ gọi nó là con giặc; vì nó hay xúi giục con người đắm nhiễm theo sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, thân sướng và ý dục. Cổ Đức từng nói:“Tùng mê chí mê, giai nhơn lục tặc”(Từ mê đời nầy đến đời sau cũng còn mê, đều bởi sáu tên giặc ấy mà ra).
Người tu hành có điều phục được sáu căn (lục tặc) không còn ô nhiễm sáu trần, tức đắc được lục thông và tự tại giải thoát (Nhân căn trần thanh tịnh nhi đắc lục thông thị hiện giả dã).
  CHÁNH VĂN
65. Mài gươm trí cho tinh cho khiết,
   Dứt tâm trần kiếm chữ sắc không.
   Đức Di-Đà Phật-Tổ ngóng trông,
68. Chờ dân-chúng tìm nơi diệt khổ.
   Theo Phật-Giáo từ kim chí cổ,
   Gốc ông cha ta cũng tu-hành.
   Mà ngày nay cứ mãi tranh giành,
72. Danh với lợi, của tiền, quyền tước.
   Thấy trần-thế ai ai cũng ước,
   Đời sao không tới phứt cho rồi.
   Nay khổ lao khó đứng khôn ngồi,
76. Lúc đói cơm buồn lòng ngơ ngẩn.
   Làm ác đức nhiều điều quanh quẩn,
   Như gà cồ ăn bẩn cối xay.
   Thấy người hiền nói đắng nói cay,
80. Sau mới biết thân ai lao khổ.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 65 tới câu 80):
-Sự tu trước nhứt cần trau giồi trí huệ cho tinh minh, để dùng nó diệt trừ các vọng tâm ô nhiễm trần tục, và tánh phân biệt câu chấp bản ngã. Nghĩa là không nên chấp có chấp không hoặc chấp thường chấp đoạn mới đạt được lý chơn không và kiến diện Chơn Như thật tướng. Đức Thầy còn cho biết Đức A Di Đà cùng Đức Phật Tổ, lúc nào cũng mong chờ dân chúng biết tìm con đường thoát khổ.
-Từ xưa, qua các triều đại: Đinh, Lê, Lý, Trần…
Ông cha ta đã sùng ngưỡng và phụng hành theo Phật giáo, cũng đã có nhiều vị tu hành chứng quả. Ngày nay, con cháu lại không noi chí Tổ tiên, mãi lo giành giựt lợi danh, quyền tước, gây nên chướng nghiệp, rồi phải chịu luân hồi sanh tử.
-Thông bịnh của người đời, hễ có gặp tai nạn khổ sầu, thì ai cũng mong ước cho đời mau tới; bởi hiện giờ không chịu nổi với cảnh lầm than nghèo đói.
-Còn những kẻ hành động hung ác, sớm muộn gì họ cũng gặt lấy quả đau khổ. Cũng như con gà ăn gạo chung quanh cối xay, chẳng bao lâu phải giáp lại chỗ cũ. Lại nữa, kẻ không ưa đạo đức, thường dùng đủ lời đắng cay châm biếm người tu, họ có ngờ đâu, sau nầy phải vương mang khổ quả:“ Đừng ham nói đắng nói cay, Cay đắng sau nầy đau đớn sầu bi”(Sấm Giảng, Q.1).
CHÚ THÍCH:
MÀI GƯƠM TRÍ: Trau giồi trí huệ. Có nhiều cách mài luyện như:“Tùng Văn Tư Tu”, hoặc hành trì tam học: Giới, Định, Huệ ( điêu luyện khối tinh thần cho cứng mạnh, vẹt phá vô minh phiền não ) để trí huệ hiện bày.
Sở dĩ ví trí huệ như lưỡi gươm (kiếm) là vì nó có đủ diệu năng, chặt đứt cội phiền não (tham, sân, si) và giết trừ Thập Tam Ma (thất tình lục dục). Đức Thầy đã nói: “Thập Tam ma diệt bằng trí kiếm”(Khuyến Thiện, Q.5). Hoặc là:“Kiếm huệ phi tiêu đoàn chướng nghiệp(Hiếu Nghĩa Vi Tiên).
TINH KHIẾT: Trong sạch, sáng suốt.
TÂM TRẦN: Lòng dơ bẩn. Ý nói lòng còn ô nhiễm chứa chấp việc trần tục, nhơ xấu như danh, lợi, tình,v.v…
SẮC KHÔNG: Sắc là tướng có, thể của nó là không; cho nên, sắc chẳng khác gì không, sắc chính là không; vả lại, từ cái không hiện ra các cảnh vật hữu vi (hoạn sắc) nên không chẳng khác gì sắc, không cũng chính sắc. Trong “Tâm Kinh”, Phật  nói: “ Sắc bất dị không, không bất dị sắc”; sắc tức thị không, không tức thị sắc”.(Hoạn sắc chẳng khác chơn không, chơn không chẳng khác hoạn sắc; hoạn sắc tức là chơn không, chơn không tức là hoạn sắc). Nghĩa là nói ngoài các hoạn sắc không có cái chơn không, ngoài cái chơn không cũng không có các hoạn sắc. Hiểu lý nầy, ta sẽ tránh được sự thiên chấp (vốn là cái gốc của phiền não) mặc dù hai tiếng sắc không trong ngôn ngữ vẫn còn.
Khi ngộ được lý “sắc không”, Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ đã nói:
   “Tòng vô hiện hữu, hữu vô thông,
     Hữu hữu vô vô tất kính đồng.
     Phiền não bồ đề nguyên bất nhị,
     Chân như vọng niệm tổng giai không.
     Thân như huyễn cảnh, nghiệp như ảnh,
     Tâm nhược thanh phong, tính nhược bồng.
     Hựu vấn tử sinh ma dữ Phật,
     Chúng tinh củng Bắc thủy triều Đông”.
-Như thế, sắc chất và chân không cũng chỉ là cùng một tâm thể như sóng và nước. Vậy câu “kiếm chữ sắc không” là nói thấu đạt cái “bản thể chơn như thật tướng” của chính mình. Đức Thầy từng dạy:“Hãy tìm kiếm cái không mới có”(Kệ Dân, Q.2) Và:“Sắc không, không sắc chớ lìa xa”(Tỉnh Bạn Trần Gian).
PHẬT GIÁO: Xem lại chú thích tại tr. 57 Tập 2/3.
QUANH QUẨN: Luẩn quẩn, vòng quanh rồi trở lại nơi cũ.
GÀ CỒ ĂN BẨN CỐI XAY: Con gà ăn chung quanh cái cối xay lúa (xay tay), giáp vòng cũng gặp lại mối đầu. Ý nói kẻ làm ác, sớm muộn gì cũng bị quả dữ trả lại (ác lai ác báo).
  CHÁNH VĂN
81. Nhớ thuở trước oai-linh Phật-Tổ,
   Phép thần-thông trừ lũ Ma-Vương.
   Chốn rừng tòng ngồi chịu nắng sương,
84. Tìm đạo-lý hiến cho trần-thế.
   Hiệu Lão-Sĩ ra đời thật-tế,
   Đem lời vàng dạy-dỗ dương-trần.
   Khuyên chúng-sanh khuya sớm chuyên-cần,
88. Tìm nguồn-cội diệt-trừ Tứ Khổ. 
   Bịnh với Tử từ kim chí cổ,
   Sanh với Già hai chữ hoài-hoài.
   Đức Thích-Ca xưa ở lầu đài,
92. Nghiệm Tứ-Khổ nên Ngài tầm Đạo.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 81 đến câu 92):
-Lúc Đức Thích Ca ngồi tham thiền tại gốc Bồ Đề, Ma Vương sợ Ngài đắc Đạo rồi không còn ai theo bọn chúng, nên đem binh ma, khí giới và nữ sắc đến phá hại Phật; nhưng bị Phật dùng phép thần thông đối trị và hàng phục, khiến chúng khiếp sợ, không dám đến phá nữa. Bởi lòng từ bi rộng lớn, nên lúc còn là Thái tử, Ngài đành lìa bỏ cung vàng, vợ đẹp, băng mình vào rừng sâu, núi tuyết để tìm ra chơn lý nhiệm mầu, cứu độ chúng sanh.
-Nay Đức Giáo Chủ PGHH ra đời, cũng đem giáo lý thật tế ấy dạy dỗ quần sanh. Bắt đầu từ pháp “Tứ Diệu Đề, Bát Chánh Đạo” cho chúng sanh nào biết giác ngộ tu hành, sớm khuya cần mẫn hầu diệt trừ các vọng tâm phiền não. Chính vọng tâm là nguồn gốc của xác thân, có xác thân nên mới có 4 khổ: sanh, già, bệnh, tử.
-Thêm nữa, mỗi chúng sanh từ vô minh vọng niệm, tạo nghiệp sanh tử luân hồi. Khi thần thức nhập vào bào thai của người mẹ là bắt đầu chịu khổ cho đến lúc chào đời. Kế đó là cái khổ của sự già, rồi trải qua bao cơn bệnh tật hoành hành, đau nhức, tiếp nối là cái khổ về sự chết diễn ra. Nhưng chết đi chưa phải là hết mà còn sanh trở lại, cứ thế rồi tiếp tục xoay vần, chịu khổ mãi mãi. Xưa kia Thái Tử Sĩ Đạt Ta, cũng nhờ nghiệm xét bốn nỗi khổ ấy mà Ngài xuất gia tầm Đạo giải thoát.
CHÚ THÍCH:
OAI LINH: Oai là dáng vẻ tôn nghiêm; linh là phần diệu của tinh thần. Nói chung, chữ “oai linh” người ta thường dùng để tôn xưng các đấng cao cả, có đầy đủ đức tướng và thần thông linh diệu.
PHÉP THẦN THÔNG: Phép linh diệu vô ngại, không chi liệu lường ngăn trở nổi. Nhà tu Phật khi diệt sạch phiền não, lục căn thanh tịnh thì chứng được sáu pháp thần thông (Nhân căn trần thanh tịnh nhi đắc lục thông thị hiện giả dã). Ở đây chỉ lúc Đức Thích Ca tịnh tọa dưới gốc Bồ đề, bọn Ma vương đến quấy nhiễu, Ngài dùng phép thần thông hàng phục chúng nó.
Đức Thầy nhắc cho biết:
   Đạo gần đắc Ma vương theo khuấy,
Dùng thần thông nghị lực dẹp tan(K.Thiện, Q.5)
MA VƯƠNG:Xem lại chú thích tại tr. 56, Tập 1/3.
RỪNG TÒNG: Do chữ “tòng lâm”. Cũng gọi là rừng thông. Đây chỉ khu rừng “Ưu Lâu Tần Loa”, phía Nam núi Tượng đầu, gần bờ sông “Ni Liên thiền”, nơi Thái tử Sĩ Đạt Ta tu khổ hạnh (Khổ Hạnh Lâm).
LÃO SĨ: Lão là bậc già cả, Sĩ là nhà tu hành chứng đạo. Tiếng tôn trọng bậc tu hành cao tuổi và đầy đủ hạnh đức. Đây là một trong nhiều danh xưng của Đức Thầy:“Lánh thế chẳng bày danh Lão sĩ”(bài Cho Ô. Tham Tá Ngà).
THẬT TẾ: Cũng viết là chơn tế, chơn thật tế, tức  chỉ cái chơn lý thực thể, cái lý tối cực hoàn toàn, phương diệu tuyệt đích. Thật tế cũng gọi là “Chơn như thật tướng”. Cổ Đức từng bảo:
   “Thật tế lý địa, bất thọ nhứt trần;
     Vạn hạnh môn trung, bất xả nhất pháp”.
(Về cái tánh thanh tịnh thì không dính dấp một mảy trần; nhưng phần hạnh tướng tu hành thì chẳng bỏ một pháp lành nào cả).
TÌM NGUỒN CỘI DIỆT TRỪ TỨ KHỔ: Tứ khổ là bốn điều khổ lớn: Sanh, Già, Bịnh, Chết. Đó là định luật: Hễ có sanh ra xác thân, tất phải có già, bịnh, chết; không một chúng sanh nào thoát khỏi.
Xưa, Đức Phật thường dạy:“Nầy các Tỳ Kheo ! các ngươi đừng thắc mắc về vấn đề thế giới nầy là hữu cùng hay vô cùng, hữu hạn hay vô hạn. Dù thế giới nầy hữu hạn, hữu cùng hay vô hạn, vô cùng, điều mà chúng ta nên nhận xét cái thật có trong đời là khổ sầu vì “sanh, lão, bịnh, tử”.
Ngày nay, Đức Giáo Chủ khuyên:“Tìm nguồn cội diệt trừ tứ khổ. Xét ra xác thân là gốc khổ (khổ đề) mà hột giống (nguồn cội) của nó là vọng tâm phiền não (tập đề).
Thuở Đức Phật còn trụ thế, có bốn vị Tỳ Kheo cùng đang tu học. Một hôm họ ngồi lại bàn luận về các sự khổ:
Tỳ Kheo thứ nhứt nói:
– Tôi nghĩ trong đời chỉ có sự sợ hãi là khổ hơn hết, vì cái tâm ấy khởi lên thì không thể nào yên lòng được.
Ý kiến của vị thứ nhì:
– Tôi nghĩ trong đời chỉ có sự đói khát là khổ hơn cả, bởi đói thì phải lo tạo tác cho có cơm ăn áo mặc, đâu yên tâm hành đạo được.
Tỳ Kheo thứ ba trình bày:
– Theo tôi thì sự nóng giận là khổ hơn hết, vì cái tâm ấy khởi lên làm mất hết trí khôn, bất luận kẻ thân người sơ đều bị mình làm thiệt hại, gây ra tội khổ không ít.
Tỳ Kheo thứ tư nói:
– Riêng tôi, không chi khổ bằng sự dâm dục, chính nó là hột giống sanh tử, suốt đời con người đem thân làm tôi mọi cho nó, đi đến chỗ hư thân mất nết, mờ đục cả trí huệ. Trong lúc bốn vị Tỳ Kheo đang tranh luận, ai cũng cho chỗ nhận xét của mình là đúng, may đâu Đức Phật vừa đi tới, bốn người đồng lễ Phật và nhờ Ngài phân giải.
Phật ôn tồn bảo:
– Các ngươi luận đều phải cả, song chỉ biết được ngọn ngành của sự khổ, chớ chưa thấy tận nguồn gốc của nó. Gốc khổ là do xác thân, tại có thân nầy mới có lòng tham dục, nóng giận, đói khát và hãi sợ…Nếu thân nầy chẳng có, lấy đâu mà có bốn sự khổ kia. Cho nên muôn sự phiền, ngàn sự khổ đều dồn chứa vào xác thân. Song nguyên nhân chánh là do vọng tâm, bởi có vọng tâm phiền não mới sanh ra xác thân để rồi chịu khổ. Vậy các ngươi muốn hết khổ nên diệt ngay vọng tâm phiền não.
Nghe Phật giảng xong, bốn Tỳ Kheo rất vui mừng, đồng lễ bái Phật.
Để xác định lý trên, Kinh xưa có những câu kệ:
   “…Tội tùng tâm sanh, tùng tâm diệt,
     Tâm diệt nhược thời tội diệt vong
     Tội vong, tâm diệt lưỡng câu không”.
Tạm dịch:
   “Tội khổ vốn do tâm phát khởi,
    Tâm chẳng sanh, tội chẳng hề sanh
    Tội, tâm không một niệm sanh
    Chơn không thị hiện đạo lành đạt thông.”
HOÀI HOÀI: Luôn luôn, mãi mãi không dừng. Ý nói hết kiếp nầy sang kiếp khác: “Tử sanh già bịnh đáo đầu tử sanh”.
ĐỨC THÍCH CA: Xem chú thích tại tr.113, Tập 2/3.
     CHÁNH VĂN
93. Lo tu tỉnh mặc ai khinh-ngạo,
   Diệt Lục-Căn đừng nhiễm Lục-Trần.
   Chữ Sắc-Thinh chớ có hầu gần,
96. Hương với Vị xác trần nên lánh.
   Chữ Xúc-Pháp treo gương Hiền Thánh,
   Tránh Sáu Đường cũng đặng về Thần.
   Từ xưa nay dạy chỉ nhiều lần,
100.    Mà lê-thứ không lo chẳng liệu.
LƯỢC GIẢI (từ câu 93 tới câu 100):
-Bổn phận người tu cứ lo trau thân sửa tánh, dầu cho ai có nhạo chê phỉ báng cũng mặc, nhứt là phải làm chủ sáu căn, đừng cho ô nhiễm sáu trần. Mắt đối với các sắc đẹp hay các màu sắc khác, chẳng để tâm cảm nhiễm. Tai nghe các tiếng đờn hát, âm thanh trầm bổng, những tiếng đường mật vỗ về, lòng không để say đắm. Mũi ngửi các mùi thơm dịu không ưa thích. Lưỡi nếm những vị ngon, vật béo chẳng thèm khát. Thân đối với các vật trơn láng mịn màng cũng đừng cảm nhiễm. Ý đối vạn pháp hữu hình hay vô hình đều giữ tâm trong sạch, không hề vướng mắc một pháp nào.
-Người hành đạo hãy noi gương những bậc Hiền Thánh. Tuy còn phải dùng chút ít vật chất, để nuôi thân hành đạo nhưng tâm không còn ô nhiễm, vướng mắc sáu trần. Ấy là sáu căn được thanh tịnh và đặng chứng quả Phật Thần, bằng như các phiền não vi tế chưa trừ sạch cũng được về bực Tiên Thần. Đức Thầy còn cho biết: xưa nay, Ngài đã có nhiều lần dùng Kinh pháp chỉ dạy chúng sanh, nhưng ít có người lo liệu tu thân lập hạnh.
CHÚ THÍCH:
LỤC CĂN: Sáu căn trong thân con người là: Nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý (Mắt, tai, mũi, lưỡi, xác thân và tâm ý).
LỤC TRẦN: Sáu cảnh trần, tức là: Sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Trong sáu trần nầy, mỗi món chia làm hai loại:
Sắc Trần: Sắc có năng lực làm ô nhiễm thân tâm, nên gọi là sắc trần, gồm có hai thứ:
1/- Hiển sắc: Sắc tô vẻ ra các màu: vàng, đỏ, xanh, trắng…Không có sắc chất, nhưng nương theo vật mà hiện ra.
2/- Đối sắc: Sắc có chất, như sắc người và các vật: cứng, mềm, khô, ướt…có thể xem thấy, cầm nắm được.
Thinh Trần: Các thứ tiếng có năng lực khiến thân tâm ưa thích, ô nhiễm. Tiếng có hai thứ:
1/- Tiếng cảnh trực: các tiếng thuộc về vô tình, như: sấm sét, gió, nước, đờn sáo…
2/-Tiếng khuất khúc: các thứ tiếng thuộc về hữu tình như: nói, kêu, ca hát…
Hương Trần: Các mùi thơm, thúi có năng lực khiến thân tâm ô nhiễm. Mùi hương có hai thứ:
1/- Mùi thúi, như: xác chết, cây mục, phân người và thú.
2/- Mùi thơm, gồm ba loại: hoa hương, thọ hương và tâm hương.
Vị Trần: Những vật có năng lực làm cho người ưa nhiễm. Vị cũng có hai thứ:
1/- Vị không phải thức ăn, nên người ta không ưa thích, nhưng có thể làm thuốc được.
2/- Vị thường dùng ăn uống đặng và người ta rất ưa thích, như ngũ vị: mặn, ngọt, chua, cay, đắng.
Xúc Trần: Những vật có năng lực làm mê hoặc thất tình, nhiễm ô chân tánh. Xúc gồm có 2 thứ:
1/- Xúc khổ: làm cho đau đớn, nóng, lạnh, đói, chết, buồn, khổ.
2/- Xúc lạc: làm cho thân tâm vui, chịu, nên ưa thích va chạm.
Pháp Trần: Các pháp có năng lực khiến tâm trí ô nhiễm. Pháp cũng có hai thứ:
1/- Sắc pháp: gồm có thiên nhiên và nhân tạo.
2/- Tâm pháp: gồm có thiện pháp và ác pháp.
HIỀN: Bhadra (Phạn ngữ, Scr.), có nghĩa người tu học các điều lành, có tài đức phẩm hạnh tốt đẹp. Bậc hiền là chỉ cho các vị đang tu tập, đoạn trừ các phiền não, mê hoặc. Đức Thầy có câu:“Lẫn tục đừng mê chứng bậc Hiền”(Luận Việc Tu Hành) .
THÁNH: Arya (Phạn ngữ, Scr.), phiên âm là A-ly-da hay A-lê-du, dịch là Thánh nhơn, có nghĩa chơn thật, chánh trực và thanh tịnh. Thánh nhơn có hai bực: Thánh thế gian và Thánh xuất thế gian. (Thánh thế gian là bậc trọn lành , thông suốt đạo lý, thấu rõ việc trời đất và tính tình muôn vật. Kinh Dịch có nói:“ Đức của Thánh nhơn sánh cùng trời đất, sánh bằng nhựt nguyệt, biết rõ thời tiết, kiết hung”.- Còn Thánh xuất Thế gian là chỉ…cho bậc tu hành đã chứng quả Phật.) Đây chỉ cho bực Thánh xuất thế gian, tức là hạng tu đắc đạo, có đủ trí huệ và các pháp thần thông dứt khổ não luân hồi; từ các bậc chứng quả A La Hán, Duyên Giác, Bồ Tát cho đến Phật Như Lai đều là bậc Thánh.
Các Kinh điển cũng thường gọi các bực Tu Đà Hườn, Tu Đà Hàm, A Na Hàm, đến A La Hán là Thánh (Tứ Thánh Thinh Văn). Người ta cũng dùng tiếng Thánh để tôn xưng Phật như: Thánh ngôn, Thánh triết. Thánh còn là danh từ để đối với phàm. Đức Thầy từng bảo:“Cư trần bất nhiễm là người Thánh(Luận Việc Tu Hành).
THẦN: Bậc khác hơn thế tục, lượng xét không cùng tột, linh diệu, oai mãnh, thông suốt, không bị chướng ngại. Là bực bá tánh thường tôn trọng kính nhờ. Cho nên người ta cũng chỉ Thần là : đấng Phạm Thiên, Đế Thích và Đức Phật. Vậy, Thần có bốn bực: Phật Thần, Tiên Thần, Thánh Thần và A Tu La Thần (Quỉ thần); nhưng chữ Thần ở đây là chỉ cho bậc Phật Thần hay Tiên Thần. Đức Thầy có viết:“Cha là Phật, Thánh, Tiên, Thần phước dư (bài Cảm Tác).
CHÁNH VĂN
101.    Nhãn thấy sắc thường hay bận-bịu,
   Tai ưa nghe những điệu âm thinh.
   Mắt với tai đều chọn đẹp xinh,
104.    Còn lỗ mũi ưa mùi êm dịu.
   Đồ thơm tho nó ưa nó chịu,
   Chốn xạ hương hay lết lại gần.
   Lưỡi ưa ngon là chuyện ân-cần,
108.    Đồ ngọt béo nó ưa nó mến.
   Thân tham sướng muốn tiền của đến,
   Đặng ăn xài cho phỉ tấm tình.
   Ý thì ưa sửa sắc soi hình,
112.    Với chức phận cho cao cho quí.
   Sáu đường ấy ở trong tâm ý,
   Ta mau mau dứt nó cho rồi.
   Nếu tỉnh tâm nào có mấy hồi,
116.    Mượn trí-đạo đuổi ra khỏi xác.
   Dứt được nó ấy là giải thoát,
118.    Thì xác trần mới khỏi đọa-đày.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 101 đến câu 118):
-Đoạn giảng trên Đức Thầy diễn tả sáu căn ô nhiễm sáu trần và phương cách diệt trừ.
Trước nhứt là cặp mắt của con người hễ thấy các sắc đẹp măng búp yêu kiều, son phấn lả lơi thì ước mơ quyến luyến. Tai lại thích nghe những lời đường mật véo von, những giọng đờn, sáo, hát ca trầm bổng. Mắt và tai vốn là hai căn bén nhạy nhứt, khiến lòng người đắm nhiễm sắc lịch, tiếng hay. Đến như lỗ mũi thì ưa ngửi các thứ hương xông, xạ ướp, những mùi dầu mỡ tẩm dầm khiến con người lân la mê mẩn mãi, khó mà rời rứt được.
-Phần cái lưỡi hay cảm nhiễm các món ngon vật béo, mùi vị hăng nồng. Còn thân thì lúc nào cũng ham sống cảnh giàu sang sung sướng, tiền của lụa là, muốn nghỉ giường cao nệm ấm và va chạm những vật trơn láng mịn màng.
-Đến cái ý thì không vật chi mà nó chẳng ưa thích: nào trau dạng sửa hình, chưng diện cửa nhà y phục, nào chức tước, bạc vàng, oai danh lừng lẫy. Nên biết, sáu cửa của lục căn, tiếp nhiễm lục trần vừa kể trên, là do sự sai khiến của vọng tâm phân biệt. Bởi cái ý phân biệt tham chấp đó, là chủ đề của các căn, nên Đức Thầy dạy chúng ta hãy sớm trừ ngay nó.
-Nếu chúng sanh nào thức tỉnh tu hành, biết dùng trí huệ giám thị và điều khiển lục căn, đừng cho ô nhiễm lục trần, tức hành giả đặng tự tại giải thoát, thân tâm không còn bị đọa đày trong luân hồi khổ nạn.
CHÚ THÍCH:
BẬN BỊU: Vướng víu về tình cảm với sắc đẹp, lòng muốn rứt bỏ nhưng khó xa rời được.
XẠ HƯƠNG: Chất xạ lấy nơi rún (rốn) của vài loại thú rừng, như: hươu hoặc chồn, mùi rất thơm, quí, dùng làm thuốc trị bịnh. Ví dụ: Hương thơm xạ ướp. Đây chỉ các mùi thơm của hương trầm.
SÁU ĐƯỜNG ẤY Ở TRONG TÂM Ý: Sáu đường ấy là sáu ngõ (cửa) của lục căn tiếp xúc với lục trần vừa giải trên. Trong tâm ý, là vì: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân là năm cửa và dưới quyền điều khiển của tâm ý. Tâm ý vốn ở bên trong, ví dụ như ông chủ nhà, còn năm căn kia, ví như năm cửa bên ngoài, hễ tâm ý vọng thì năm trần cảnh: sắc, thinh, hương, vị, xúc, theo năm cửa: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân mà vào nhà. Ấy gọi là sáu căn ô nhiễm sáu trần. Nhược bằng tâm ý chơn thì năm căn không tiếp xúc năm trần, tức lục căn thanh tịnh mà thành đạo giải thoát.
Xưa, Đức Tam Tổ có nói:
   “Dục thủ nhứt thừa, Vật ố lục trần,
   Lục trần bất ố, Hườn đồng chánh giác”.
(Muốn chứng đặng bực nhứt thừa, thời đừng đắm nhiễm sáu trần, nếu sáu trần không nhiễm đắm thì đồng với bực chánh giác).
Trong Kinh Tạp A Hàm có chép:
Thuở xa xưa, gần bên một bờ ao, cỏ mọc um tùm, có một con rùa, ẩn náu nơi đó đã lâu năm. Hằng ngày nó bò ra khỏi hang, đi kiếm ăn.
Hôm nọ, có con Giả Can (một loại với chồn và chó sói) đi quanh đó. Trong lúc đói bụng, đang rảo bước kiếm mồi, nó chợt thấy con rùa bên bờ nước, lòng vui mừng vô hạn, chắc rằng sẽ được một bữa ăn ngon lành. Nó chạy nhanh lại, toan bắt rùa mà ăn. Khi thấy con Giả Can chạy tới, chú rùa biết sắp lâm nguy, không tài nào bò trốn kịp, nên thủ thế trước. Nó nằm yên thu mình vào trong vỏ cứng, chẳng để hở một phần nào.
Giả Can, hết lật con rùa qua bên nầy, rồi lật rùa qua bên kia, ý chừng tìm chỗ có thịt mà cắn. Nó cắn cái vỏ thì vỏ rùa cứng quá cạp không được. Nó đành để yên, ngồi đó đợi cho khi nào rùa ló đầu đuôi ra mà cắn, nhưng rùa rất khôn ngoan, càng rúc đầu, đuôi và bốn chân vào trong vỏ hơn trước.
Đợi mãi rùa không ló đầu, ló chân ra, phần mệt mỏi, phần bụng đói, bức bách, Giả Can liệu ở đó mãi cũng vô ích, nên bỏ rùa đi kiếm mồi khác.
Nhờ đó, rùa được khỏi chết.
Khi kể xong câu truyện trên, Đức Phật khuyên các Tỳ Kheo:
“Các ngươi nên biết: Thiên Ma Ba Tuần, thường rình rập bên các ngươi, nó muốn cho mắt các ngươi nhiễm sắc, tai các ngươi thích nghe tiếng, mũi các ngươi ưa ngửi hương, lưỡi các ngươi thích nếm vị, thân các ngươi muốn cọ xát những chất trơn láng. Ý các ngươi luôn vọng tưởng. Nghĩa là nó muốn các ngươi nhiễm trước lục trần. Thế nên các ngươi hằng ngày hãy giữ: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý luôn luôn trong giới luật thì ác Ma ba Tuần không làm chi được. Cũng như con Giả Can kia, không làm gì hại được rùa”.
Nếu mỗi người tu hành đều giữ mình được như chú rùa, không để lục căn duyên nhiễm theo lục trần thì lo gì Đạo quả chẳng viên thành.
Tấm gương của chú rùa thật là một bài học quí giá, xứng đáng cho người sau ghi nhớ.
TỈNH TÂM: Xem chú thích tại các tr. 77, 149, 259, Tập 1/3.
TRÍ ĐẠO: Trí sáng suốt diệu huyền, đắc nhập chơn lý (Đạo). Cũng gọi là chơn trí, có diệu năng đoạn trừ vọng tâm phiền não, làm cho sáu căn thanh tịnh, không còn ô nhiễm sáu trần.
GIẢI THOÁT: Giải do chữ Moksha (Phạn ngữ, Scr.), phiên âm là Mộc-đề hay Mộc-xoa, dịch là Giải, nghĩa lìa khỏi sự trói buộc của hoặc nghiệp phiền não; Thoát là ra ngoài tam giới: dục giới, sắc giới, vô sắc giới. Vậy, giải thoát là cởi mở sự trói buộc của nghiệp luân hồi sanh tử, chứng đắc từ quả thánh A La Hán lên Duyên Giác, Bồ Tát và Phật. Cho nên chữ Giải thoát đồng nghĩa với chữ Niết bàn (bất sanh bất diệt). Đức Thầy từng dạy:“Hãy tìm con đường giải thoát cho mình bằng cách lạc đạo an bần xả thân tu tỉnh”(Bát Chánh: Chánh Tư Duy, SGTVTB 2004 tr. 195-196).
ĐỌA ĐÀY: Cũng viết là đày đọa. Có nghĩa bắt làm việc nặng nhọc và đối đãi khắc khổ. Đây ý nói sự thèm khát đòi hỏi của lục căn, làm cho thân tâm con người, phải gian nan khổ sở.
  CHÁNH VĂN
119.    Cả tiếng kêu những kẻ trí tài,
   Hãy yên lặng bình tâm suy-nghĩ.
121.    Tiên xử kỷ hậu lai xử bỉ,
   Bắt lỗi người phải xét lỗi mình.
   Vậy mới là phải bực công-bình,
124.    Nẻo chánh-trực chí người quân-tử.
   Người biết Đạo phải gìn ngôn ngữ,
   Nói với ai chớ có sai lời.
   Trọng mẹ cha kính nể Phật-Trời,
128.    Đừng nhiều tiếng nghinh-ngang mang lỗi.
   Tánh ngay thẳng ta không dời đổi,
   Dầu tan xương nát thịt chẳng màng.
   Ta Khùng Điên nói đại nói càn,
132.    Chẳng có sợ ai rầy ai mắng.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 119 tới câu 132):
-Đức Giáo Chủ kêu gọi trong giới trí tài nên lặng tâm suy nghĩ lời giáo huấn của Ngài và trước khi đứng ra xử thế, mỗi người cần phải tu thân xử kỷ. Lời dạy trong đây đồng với thuyết “Chánh tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” của Đức Khổng Tử. Phận làm người trước hết phải lo tu trị bản thân, rồi sẽ sửa dạy người khác. Được thế, mới đúng với lẽ công bằng ngay chánh và xứng đáng là bậc hiền nhân quân tử.
-Kẻ tu học Đạo pháp lúc nào cũng cẩn trọng lời nói, khi muốn thốt ra điều gì, cần suy nghĩ chín chắn, nếu thấy đúng với lẽ phải và có lợi cho đạo đức mới nói. Bằng không, thà nín thinh càng tốt; và nên chừa hẳn những tiếng xảo ngôn thất tín. Đối với cha mẹ cần có hiếu thảo, mỗi khi thưa hỏi điều chi, nên dùng lời lẽ dịu dàng lễ độ. Đầy lòng tôn kính Phật Trời và các bậc Thần Thánh, không nên nói ngang tàng vô lễ mà vương mang nghiệp tội:“Khi nói làm ít chịu suy lường, Mãi phạm tội nên rằng nghiệp ác(Khuyến Thiện, Q.5).
-Với lòng thẳng ngay trung chánh, ta đã và đang rèn tập nên bảo trọng nó, cho đến khi thành đạt mục đích. Dù phải đương đầu với bao thử thách, khó khăn hay có thiệt hại đến thân mạng, ta cũng quyết định không thay đổi. Bởi lòng quá thương đời nên Đức Thầy không ngần ngại, nói thẳng với số người còn sai trái, dầu ai có rầy la chưởi mắng cũng cam.
CHÚ THÍCH:
TRÍ TÀI: Cũng gọi là tài trí, có nghĩa tài năng và trí thức. Đây chỉ cho người có thế trí biện thông, tức kẻ có học thức, tài ba trong đời, nhưng trí độ còn thường tình, chưa thấu được chơn lý của Đạo xuất thế gian.
TIÊN XỬ KỶ HẬU LAI XỬ BỈ: Do câu thành ngữ người xưa thường dùng “Tiên xử kỷ nhi hậu xử bỉ”. Có nghĩa trước phải tự xét xử phê phán việc của ta, rồi sau mới xét xử bình phán việc của người. Kinh Phật Giáo cũng có câu:“Chánh kỷ dĩ giáo nhân giả thuận, Thích kỷ dĩ giáo nhân giả nghịch”(Giữ mình ngay chánh rồi dạy người là điều thuận lý; còn tự bỏ mình, buông lung mà đứng ra dạy người là điều nghịch lý). Đức Thầy cảnh tỉnh những người không biết xử kỷ:
Sợ nhiều kẻ dạ buồn đổi chí,
    Quên những câu chánh kỷ hóa nhơn”(Thiên Lý Ca).
CÔNG BÌNH: Công bằng ngay thẳng, không thiên vị một ai. Ca dao có câu:“Theo trong luân lý giáo khoa, Công bằng là đạo người ta ở đời”. Đức Thầy nay cũng bảo:
 Trên vua minh chánh cầm cân,
Dưới quan liêm-tiết xử phân công bình”(Hoài Cổ).
QUÂN TỬ: Xem lại chú thích tại tr. 125 Tập 2/3.   
 PHẢI GÌN NGÔN NGỮ: Tự mình nói ra là ngôn, đáp lại kẻ khác là ngữ. Giải chung, ngôn ngữ là cách nói năng xử sự bằng lời nói, hoặc viết ra trên văn tự. Câu “…phải gìn ngôn ngữ”, ý dạy người tu phải thận trọng, gìn giữ lời nói cho đúng đắn, không bạ đâu nói đó. Bởi lời nói rất quan trọng nên Cổ Đức từng bảo:“Nhứt ngôn khả dĩ hưng bang, nhứt ngôn khả dĩ tán bang”(Một lời nói mà làm cho hưng thịnh nước nhà, cũng một lời nói mà làm cho nước mất nhà tan).Và Kinh thi cũng có câu:“Bạch Khuê chi điếm, thượng khả ma giả; tư ngôn chi điếm, bất khả vi giả”(Ngọc Bạch Khuê có vít tì, có thể mài được; lời nói có vít tì, chẳng biết làm sao ?). Kinh Phật cũng dạy:“Lập thân chi yếu, ngôn hạnh thị tiên”(Cốt yếu của sự lập thân, lời nói là đứng đầu).
 Thuở xưa, tại cái ao nọ, nhằm năm đại hạn, nước khô hết. Các loài thủy tộc như: tôm, cá, cua…đều chết, chỉ còn con rùa sống sót trong cảnh khô khan ! Một hôm, có hai chú cò đến kiếm mồi, rùa đem tình cảnh khốn khổ của mình ra than thở:
– Nếu trời hạn hán mãi như thế nầy chắc tôi phải chết thiêu hoặc bị người ta bắt mất. Vậy hai anh có phương pháp nào cứu tôi với !
Ngẫm nghĩ giây lâu, một chú cò bảo:
– Cách đây non mười dặm, có ao sen vừa sâu rộng vừa có nhiều thức ăn. Bây giờ hai đứa tôi tha một cành cây, mỗi đứa cắn một đầu; còn anh thì cắn khúc giữa, nhớ đừng hả miệng ra sẽ bị rớt chết. Cò dặn đi dặn lại đôi ba lượt, rồi hai chú khởi hành. Rùa lấy làm vui thích, vì chuyến nầy mình sẽ sống cuộc đời thong thả.
Bay được một đỗi, đến xóm nhà nọ, có đàn trẻ em đang chơi trông thấy liền la lớn lên:
– Anh em ơi ! Ra coi nè ! Hai con cò tha một con rùa, ngộ quá ! Đám trẻ chạy ra trông thấy la ầm lên. Có đứa nói đùa:
– Ê ! coi kìa ! Giống hệt hai thằng mỏng dắt anh thầy mù !
Rùa nghe nói dằn lòng không được, định bụng sẽ mắng bọn trẻ một chập cho hả giận, nhưng vừa hả miệng ra thì rùa bị rơi xuống đất (Phỏng theo Kinh Tạp Tỷ Dụ).
Xưa, Đức Phật thường dạy:“Ở đời biết bao nhiêu người vì không giữ lấy miệng, nói không phải lúc nên thường mang họa. Nầy các đệ tử ! Họa từ miệng phát ra, vậy các ngươi hãy gìn giữ lấy miệng”.
Đức Lão Tử cũng bảo: “Bên trong ngăn chừng lời nói, bên ngoài đóng chặt cửa miệng thì suốt đời không lầm lỗi”(Tắc kỳ đoài, bế kỳ môn, chung thân bất cần).
Ngày nay Đức Thầy hằng khuyên dạy tín đồ, trước khi muốn nói điều chi cần phải cẩn trọng, lựa lời:
   Lựa lời tiếng dịu dàng trong sạch,
  Khi thốt ra đoan chánh hiền từ”.
(Khuyến Thiện, Q.5)
KÍNH NỂ: Kính trọng nể vì. Đây ý dạy người tu khi nói năng phải biết kính trọng nể vì Trời Phật và Tổ tiên Cha mẹ.
NGAY THẲNG: Ngay ngắn, thẳng thớm, thành thật, chánh đáng. Ví dụ: Tánh tình ngay thẳng, ăn ở ngay thẳng:“Ngay thẳng hiếu trung trang hiền thảo”(Thiên Lý Ca).
   CHÁNH VĂN
133.    Trời còn lúc tối mưa sớm nắng,
   Thì trần-gian còn mãi khổ lao.
   Ở trên đời kẻ thấp người cao,
136.    Kẻ hiền-hậu người thì gian-ác.
   Không quen biết mà cao tuổi tác,
   Ta cũng nên kính trọng mới là.
   Tâm từ-bi sánh thể ngọc-ngà,
140.    Trong các báu khó bì tánh Thiện.
   Phải xử thế chớ nên bày biện,
   Miệng xảo ngôn thường kiện tấm thân.
   Việc bán buôn phải giữ ngang cân,
144.    Chớ tập tánh lận lường tráo đấu.
   Các công cuộc của người tánh xấu,
   Ta giữ-gìn chớ có nhiễm vào.
   Tâm Bần Tăng chẳng mến sắc màu,
148.    Mến những kẻ biết vào đường chánh.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 133 tới câu 148):
-Đoạn nầy ý nói: Thời tiết còn có lúc mưa lúc nắng thì kiếp sống của nhân sanh, vẫn còn gian lao mãi mãi, đó là định luật không một ai tránh khỏi. Bởi tiền nghiệp của mỗi chúng sanh chẳng đồng nhau, cho nên sanh ra cõi trần mỗi người, mỗi khác; từ hình thể: thấp, cao, xấu, tốt cho đến nếp sống giàu, nghèo, hiền lương hay hung ác đều có sai biệt cả.
-Còn việc giao tiếp với thôn xóm, Đức Giáo Chủ dạy: Khi gặp người lớn tuổi hơn mình, dù lạ hay quen, cũng nên kính nể. Đồng thời lo rèn tập lòng từ bi để ban vui cứu khổ cho người và vật. Bởi tánh hiền lành rất quí giá, dầu cho ngọc ngà châu báu cũng không sánh được.
-Về mặt xử thế tiếp vật và nghề sanh sống, cần phải tập tánh ngay thật, công bằng, chẳng nên bày vẽ nhiều điều lắm chuyện. Bỏ hẳn những lời dối gian láo khoét, những việc làm bất chánh như đổi giạ, thay cân.
Tất cả việc xấu xa, tội ác thường xảy ra hằng ngày trong xã hội, ta hãy giữ lòng trong sạch, đừng để ô nhiễm tập tành. Trong công việc khai Đạo độ đời, lòng Đức Thầy luôn thanh khiết, không còn ham muốn sắc màu danh vị, chỉ quý mến những ai biết cải tà quy chánh, nương theo Phật pháp tu hành.
CHÚ THÍCH:
HIỀN HẬU: Hiền lành và trung hậu.
TÁNH THIỆN: Tánh hiền lành tốt đẹp.
XỬ THẾ: Cách ở ăn, đối xử với người đời. Đức Thầy bảo:
   “Sanh đấng nam-nhi toan xử thế,
     Sống làm hiền-triết nghĩa gồm hai”.
    (Đức Thầy gởi  Ô. Mười (chú Đức Ông)
BÀY BIỆN: Cũng viết là bài biện, có nghĩa sắp đặt sửa soạn, bày đặt cho có chuyện. Ví dụ: Khéo bày biện cho lắm chuyện.
XẢO NGÔN: Nói dối trá, nói láo một cách khéo léo. Kẻ xảo ngôn hay dùng lời giả dối, tráo trở để lừa gạt kẻ khác, song thường rước lấy tai hại về mình:“Cái miệng nó kiện cái thân”. Sách Thánh nói:“Dục lượng tha nhơn, tiên tu tự lượng; thương nhơn chi ngữ, hười thị tự thương; hàm huyết phún nhơn, tiên ô tự khẩu”(Muốn so lường người ta, trước phải so mình; lời nói hại người trở lại hại mình; ngậm máu phun người, miệng mình dơ trước). Đức Thầy nay cũng bảo:
    Người dương thế chẳng ưa bốc xước,
    Phật Thần nào gần kẻ xảo ngôn
(Khuyến Thiện, Q.5)
ĐẤU: Vật để đong lường lúa gạo thời xưa, cứ 10 thăng là một đấu. Câu “…lận lưòng tráo đấu” là chỉ cho người làm việc gian tà, khi mua thì dùng giạ già, cân già; nhưng lúc bán thì giạ non, cân non.
BẦN TĂNG: Nhà tu nghèo. Tiếng tự khiêm của các tăng sư tu hành theo Đạo Phật. Đây là tiếng Đức Thầy thường dùng:
   Ai mà xét đến ăn năn,
 Quày đầu hướng thiện Bần tăng dắt dùm”.
   (Bóng Hồng)
ĐƯỜNG CHÁNH: Nghĩa của chữ  Đạo chánh (Xem chú thích tại tr. 58 Tập 2/3).
  CHÁNH VĂN
149.    Ta dạy thế mượn lời Phật Thánh,
   Nên truyền ban cho chúng-sanh tường.
   Tuy ngày nay chúng nó hùng-cường,
152.    Chừng phân định thì Ta cao-quí.
   Khuyên bổn-đạo lập thân nuôi chí,
   Đặng chờ ngày yết-kiến Phật Trời.
   Quá yêu dân cạn tỏ nhiều lời,
156.    Cho trần-hạ tìm trong lánh đục.
   Chẳng chịu tu mãi còn lục-thục,
   Lo giàu nghèo lo cũng chẳng rành.
   Ham công-danh quên chữ sanh-thành,
160.    Mến phú-quí quên câu dưỡng-dục.
   Rán kiếm chỗ tầm Tiên lánh tục,
   Người ở đời phải được lòng trong.
   Biển hồng-trần sớm gội cho xong,
164.    Ngày lập hội mới mong trở lại.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 149 đến câu 164):
-Công cuộc khai hóa nhân sanh, Đức Thầy có mượn lời của Đức Phật Thích Ca và Đức Khổng Tử truyền dạy khắp nơi để cho mỗi người đều hiểu biết tường tận. Tuy hiện giờ lắm kẻ ỷ mình có thế lực, lấn áp người tu, nhưng đến một ngày kia:“Phật Thánh Tiên Đông độ lướt sang, Miền Nam địa phân chia đẳng cấp” thì bá tánh sẽ thấy rõ sự cao quí của kẻ tu hành đạo đức ra sao.
-Đức Thầy khuyên tín đồ nên lập thân hành đạo và nuôi dưỡng ý chí cao cả để sau nầy được yết kiến Phật Trời. Vì lòng thương xót chúng dân nên Ngài đã nhiều lần giải bày cặn kẽ, cho mỗi người xem đó hầu tìm con đường thanh cao, lánh xa chỗ đê hèn nhơ xấu.
-Xét thấy việc tu không làm trở ngại cho phần sanh sống, thế mà có nhiều người mãi do dự chần chờ. Quanh năm suốt tháng, chỉ biết hơn thua trong cảnh nghèo giàu, nhưng rốt cuộc đâu chẳng ra đâu, kế tử thần gõ cửa, nào khác câu chuyện “Anh chàng cày ruộng xưa kia.”(Anh cày ruộng trải qua 91 kiếp, gặp 7 vị Phật ra đời mà anh vẫn còn cày ruộng. Đến khi Đức Thích Ca xuất thế dùng phương tiện nhắc lại cho anh biết tiền kiếp, anh mới chịu giác tỉnh tu hành). Cũng có số người vì quá tham giàu sang danh lợi, chẳng nhớ ơn sanh dưỡng của mẹ cha.
-Đức Giáo Chủ cũng khuyên dạy vạn dân, rán tìm về con đường siêu thoát của Phật Tiên, lánh xa nơi trần tục khổ sầu. Trong việc cư xử với đời, mỗi người cần giữ lòng trong sạch, gội rửa tất cả những gì xấu xa tội ác:“Chẳng còn vướng víu chi với cuộc lợi danh, tài sắc,…”(Chư Phật Có Bốn Đại Đức, tr. 452 SGTVTB 2004). Có thế, mới được dự Hội Long Hoa và trở về quê Tiên cảnh Phật.
CHÚ THÍCH:
PHẬT THÁNH: (Xem lại chú thích chữ   Phật tại tr. 65 Tập 1/3 và chữ Thánh tại tr. 30 Tập 3/3 nầy). Chữ Phật Thánh tại  đây chỉ  Đức Phật Thích Ca, vị Giáo Tổ của Đạo Phật và Đức Thánh Khổng Tử, bậc Thầy của Đao Nho.
TRUYỀN BAN: Truyền dạy và ban rộng khắp nơi, cho bá tánh được rõ.
HÙNG CƯỜNG: Mạnh mẽ và có thế lực. Đây chỉ cho số người dựa theo sức mạnh của nhà cầm quyền Pháp thời ấy (1939-1945). Đức Thầy có câu:
   “Ai ôi ! Hãy ngắm cho tường,
    Nhìn ông tận mặt hùng cường làm chi?
   (Bóng Hồng)
PHÂN ĐỊNH: Cũng gọi là định phân. Có nghĩa chia định ra từng việc, từng phần và thứ bực cao thấp, lớn nhỏ cho có trật tự. Đức Thầy từng dạy:
   Sớm lo sắp đặt luyện tài,
  Phật Trời phân định mặt mày mới xinh”.
   (Dặn Dò Bổn Đạo)
LẬP THÂN: Xem chú thích tại tr. 223 Tập 2/3.
NUÔI CHÍ: Nuôi dưỡng ôm ấp mãi trong đầu óc một định hướng và ý chí cao cả cho đến khi thành đạt mục đích. Đức Thầy hằng khuyên:
   Khuyên bổn đạo gần xa nuôi chí,
   Lẽ nhiệm mầu huyền bí nơi đây.
   (Thiên Lý Ca)
YẾT KIẾN: Ra mắt, đến viếng hoặc được gặp mặt người trên.
TÌM TRONG LÁNH ĐỤC: Do chữ “lánh trược tầm thanh”. Có nghĩa tìm nơi cao cả trong sạch, xa lánh chỗ thấp hèn nhơ xấu. Ý chỉ tầm con đường Đạo đức siêu thoát của Phật Tiên, và tránh xa chốn tranh đấu: danh, lợi, tình. Vì đó là đường luân hồi, thế tục.
Đức Thầy có câu:
   “Phủi trần xóa bỏ lợi danh,
Quyết lòng lánh trược tầm thanh mai chiều.
(Từ Gĩa Làng Nhơn Nghĩa)
LỤC THỤC: Cũng gọi là lục đục. Có nghĩa chần chờ chậm lụt, không mau mắn. Ví dụ: tới giờ nầy vẫn còn lục thục ở đó. Đức Thầy thường kêu thúc:“Nếu chần chờ lục đục trễ chơn(Vọng Bắc Hoà Nam).
CÔNG DANH: Công nghiệp và danh vọng.
SANH THÀNH: Đẻ ra và nuôi cho nên người.
PHÚ QUÍ: Giàu sang quyền quí. Đức Thầy có câu:
   Phú quí tạo đời thêm mệt xác,
     Tham danh phế Đạo chí đâu yên”.
 (Luận Việc Tu Hành)
DƯỠNG DỤC: Nuôi nấng và dạy dỗ chăm nom.
BIỂN HỒNG TRẦN:Xem chú thích tại tr.152, Tập 1/3.

CHÁNH VĂN
165.    Chữ bần-tiện khuyên dân đừng nại,
   Miễn cho ta trở lại ngay đàng.
   Chữ vinh-hoa giờ chớ có màng,
168.    Bởi giả tạm của đời Nguơn-hạ.
   Gắng công tu xem nhiều phép lạ,
   Của Thần-Tiên trừ lũ hung-đồ.,
   Nào lụa là, lãnh nhiễu, tố sô,
172.    Chớ ham mến mà sau lao-lý.
   Ngày tiêu-diệt từ năm Bính-Tý,
   Đến năm nay hao hớt đã nhiều.
   Các ngoại bang đà nhưộm máu điều,
176.    Sao trần-thế không toan chẳng liệu.
   Để đến việc dang lưng mà chịu,
   Chớ Phật đâu cứu kịp cho người.
   Khuyên chúng-sanh bỏ tánh biếng lười,
180.    Phải sốt-sắng làm ăn cần-thiết.
   Nghèo với đói từ đây sẽ biết,
   Hàng ngoại bang bố-thiết ta hoài.
   Nên bá-gia hãy rán miệt-mài,
184.    Dầu rách rưới cũng mau cần-kiệm.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 165 đến câu 184):
-Đoạn nầy có ý dạy: người tu học Đạo pháp dầu có lâm cảnh nghèo khổ, cũng chẳng ngại chi, miễn sao được đi đúng theo con đường ngay chánh là tốt. Chẳng nên tham đắm cảnh giàu sang phú quí, bởi nó là của giả tạm như làn mây, bọt nước. Nhứt là giữa buổi Hạ ngươn, tiền của từ tay người nầy sang qua người khác rất mau chóng, và khi nhắm mắt cũng chẳng đem theo được vật nào.
-Đức Thầy khuyên mọi người, hãy gắng công tu niệm, để sau nầy được xem các đấng Thần Tiên, dùng phép mầu trừ dẹp kẻ hung tàn bạo ác. Nếu ai còn say đắm: ăn sung, mặc sướng, hàng lãnh, võng dù thì mai hậu sẽ gặp nhiều tai nạn khổ lao.
-Cuộc tận diệt cõi Hạ ngươn khởi đầu từ năm Bính Tý (1936), tai nạn lụt lội đã xảy ra một lần, tại miền Nam nước Việt, rồi nay (1939) lại tái diễn. Cùng một lúc, cuộc Đệ nhị Thế chiến sắp bùng nổ từ Âu sang Á, các nước ngoài phải chịu cảnh đói nghèo, chết chóc rất thê thảm. Trước trạng huống ấy, nếu bá tánh không sớm liệu toan, thì một ngày kia tai nạn khổ sầu đưa đến, đành phải chịu, chớ không thể nào cầu trời khẩn Phật, tiếp cứu mình cho kịp.
-Đức Giáo Chủ dạy khắp chúng sanh từ đây nên bỏ dứt sự ăn chơi, lười biếng và phải hăng hái lo làm ăn, đó là điều cấp thiết, cho cuộc sống của nhân loại, vì cảnh nghèo đói sắp xảy ra một bên. Lúc bấy giờ trận giặc đói đang lan tràn trên đất Trung Hoa. Đức Thầy cũng tiên đoán, rồi đây nó sẽ sang đến miền Bắc Việt Nam. Lại thêm người ngoại quốc muốn phá hoại nền kinh tế nước ta, họ cho vật giá gia tăng để siết chặt dân ta vào vòng nô lệ. Do đó, Đức Thầy khuyên trong vạn dân từ đây hãy chuyên cần, vừa “…sốt sắng lo làm ăn” và “vừa lo tu hiền chơn chất” để vượt qua cảnh nghèo đói tới đây.
CHÚ THÍCH:
NGAY ĐÀNG: Con đường ngay chánh. Ý chỉ con đường của Đạo Phật.
NGƯƠN HẠ: Xem chú thích chữ Hạ ngươn tại tr. 51 Tập 1/3.
HUNG ĐỒ: Xem lại chú thích tại tr. 43 Tập 2/3.
NĂM BÍNH TÝ: Nhằm năm 1936, năm ấy bị nạn lụt lội, thất mùa, bá tánh chịu nạn đói khổ.
SỐT SẮNG: Nhiệt thành, có nhiệt tâm, hết lòng mau mắn. Ví dụ: Anh ấy sốt sắng trong việc từ thiện. Đức Thầy có khuyên:“…Phải cần kiệm sốt sắng lo làm ăn và lo tu hiền chơn chất.(Tám Điều Răn Cấm).  
CẦN THIẾT: Rất cần, phải có mới được.Ví dụ: Điều ấy cần thiết lắm.
BỐ THIẾT: Bố là tiếng lóng, ý nói khủng bố bao vây; thiết là siết chặt. Đây chỉ cho ngoại quốc bán hàng hóa càng ngày càng tăng giá cao, quá đắc đỏ để siết chặt dân ta. Đức Thầy từng nói:
   Gạo lúa kém là đồ sản thổ,
     Hàng hóa cao,  ấy của ngoại bang vào”.
(Trả Lời Cùng Ông Táo)
CẦN KIỆM: Siêng năng và tiết kiệm. Ví dụ: Người biết tiết kiệm dầu không giàu cũng dư ăn (Tiểu phú do cần).
CHÁNH VĂN
185.    Lời Ta dạy hãy nên suy-nghiệm,
   Phải phá tan Ngũ-Uẩn trong mình. 
   Chữ Tham trong ý muốn mặc tình,
188.    Rán định tánh trừ cho nó tuyệt.
   Chữ gây-gổ là Sân hãy diệt,
   Cho nó đừng thấp-thoáng trong lòng.
   Thêm chữ Si thiệt quá lòng-dòng,
192.    Nên tỉnh trí tìm nơi dụt tắt.
   Chữ Nhơn Ngã cũng là quá gắt,
   Ta chớ nên phân biệt với người.
   Dẹp năm tên được mới mừng cười,
196.    Vô pháp-tướng mới là thiệt tướng.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 185 đến câu 196):
-Đúc Thầy khuyên mỗi tín đồ hãy xét suy, nhận định lời dạy của Ngài cho kỹ để cố gắng thực hành theo. Trước nhứt là phải suy gẫm cho thấu đạt chơn lý, để trí huệ phát khai, rồi dùng trí sáng ấy quán xét, chiếu tan ngũ uẩn. Đứng đầu là tánh tham: Xét rằng các sắc tướng của vạn pháp trong thế gian đều là ảo ảnh, không thật có, hầu diệt tận gốc của sự ham muốn.
-Kế tiếp là lòng sân hận, nó là cửa sanh ra muôn ngàn tội ác, ta phải xoay về nội tâm theo dõi từ phút giây, hễ thấy một đóm lửa sân vừa phát khởi nơi lòng là diệt ngay, đừng để nó lộ  trên gương mặt hoặc qua hành động, ngôn ngữ. Đến sự si mê cũng là tai hại không vừa; hãy dùng trí huệ phá trừ nó, nương theo ngọn đèn chơn lý, soi sáng lối đi. Đồng thời dùng trí bình đẳng diệt sạch lòng phân biệt nhân ngã.
-Vậy muốn chiếu phá năm uẩn vừa kể trên, trước hết hành giả phải trừ ngay cái tâm nhân ngãlòng tham ái. Hễ tâm phân biệt nhơn ngã và tham ái không còn thì lòng câu chấp ô nhiễm và sân si đều dứt sạch. Bấy giờ, tâm ta được rỗng thông sáng tỏ, chẳng còn dính mắc một pháp tướng nào, tức đặng trở về cái chân thật tướng của Như Lai.
CHÚ THÍCH:
SUY NGHIỆM: Vận dụng trí huệ suy nghĩ, nghiệm xét để nhận định. Ví dụ: Suy nghiệm điều đó đúng không ?
NGŨ UẨN: Cũng gọi là ngũ ấm. Có nghĩa năm cái kết hợp, che đậy chơn tánh của con người. Theo Kinh Phật từ trước thì  ngũ uẩn là: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Còn Đức Thầy nay giải là: tham, sân, si, nhân, ngã. Hai lối giải nầy, tuy danh từ có khác, nhưng lý nghĩa vẫn đồng nhau.
A)- Ngũ Uẩn: Theo Kinh Phật giải;
1/- Sắc Uẩn: là sắc thân tứ đại giả hợp. Hễ có sắc thân tức có sanh, già, bịnh, chết…Thế mà chúng sanh khởi tâm chấp trước điên đảo, rồi mưu cầu vật chất phụng sự nó.
2/- Thọ Uẩn: Khi có sắc thân, dĩ nhiên phải có lục căn: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thường tiếp nạp sáu trần: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp…làm cho chúng sanh khởi tâm thủ, xả, ái, ố.
3/- Tưởng Uẩn: Sau khi lục căn tiếp nạp lục trần, những cái thủ, xả, ái, ố đó làm cho chúng sanh khởi tâm tưởng tượng ghi nhớ mãi.
4/-Hành Uẩn: Khi tưởng tượng ghi nhớ những điều thủ, xả, ái, ố, làm cho chúng sanh khởi tâm quyết thật hành cho kỳ được.
5/- Thức Uẩn: Đối với những việc đã và đang thực hành, mỗi mỗi đều làm cho chúng sanh khởi tâm phân biệt ngườita, hơn thua, tốt xấu
Cách phá Ngũ Uẩn: theo Kinh Phật dạy: Để tiêu phá ngũ uẩn, hành giả cần phải diệt sạch vọng tâm câu chấp bản ngã. Diệt được bản ngã thì chẳng còn quá trọng sắc thân. Sắc thân hiện hữu đã chẳng quá trọng thì các cái vọng khởi: thọ lục trần, tưởng ái ố, hành đắc thất, thức nhơn ngã sẽ tự tiêu diệt ngay. Vì rằng các vọng khởi: thọ, tưởng, hành, thức chỉ để cung cấp cho sắc thân, hễ tâm vọng chấp sắc thân không còn là chúng nó không còn. Tâm Kinh có chép: Hễ soi thấy năm uẩn đều không, thì vượt qua tất cả lao khổ nạn ách, tức được tự tại an vui (chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách).
B)- Ngũ Uẩn: theo Đức Thầy giải trong đây:
1/- Tham: tức là tham vọng luyến ái. Từ một điểm khởi niệm tham ái, tâm hồn đã tạo nghiệp sanh tử mới đi đầu thai, thành có xác thể con người.
2/- Sân: là lòng nóng giận. Khi có xác thân, tất phải có sáu căn, tiếp nhiễm với sáu trần; song sự thèm khát ô nhiễm của sáu căn không thỏa mãn, nên có sân hận.
3/- Si: là tâm mê tối. Khi lòng sân dấy lên, làm mờ tối cả tâm trí “giận mất khôn”, như mặt nước hồ bị nổi sóng, nên không nhận rõ lẽ chánh tà chơn giả.
 4/- Nhân: là người. Từ chỗ mê tối ấy, mới phân biệt người và ta khác nhau, bao giờ cũng xem người là thấp kém, thua thiếu, đáng khinh chê lấn áp, ai đau khổ mặc ai.
5/- Ngã: là cái tâm chấp ta. Lúc nào cũng xem ta là cao cả hơn người, đáng quí trọng, kính yêu rồi bảo thủ, nên mỗi vật chi đều cũng muốn bao gồm về mình. Chính đó là lòng phân biệt, khát ái, là hột giống sanh tử, để rồi đầu thai trở lại một thân khác nữa, và cứ thế mà lên xuống mãi trong sáu nẻo luân hồi:“Tâm trần tục còn phân nhân ngã, Thì làm sao thoát khỏi luân hồi”(Kệ Dân, Q.2).
Cách phá Ngũ Uẩn: Theo Đức Thầy dạy: Muốn phá ngũ uẩn, trước hết người hành Đạo phải tu tập trí huệ, rồi dùng sự sáng suốt ấy mà quán chiếu, diệt trừ tâm tham ái và vọng chấp bản ngã. Nếu lòng câu chấp bản ngã không còn thì các tánh: sân hận, mê si và sự phân biệt ngã nhân cũng không do đâu phát khởi. Lúc ấy tâm ta được bình đẳng an nhiên, chứng ngộ “chơn như thật tướng”, dứt đường tử sanh:
   Phá ngũ uẩn rứt lần tham ái,
     Cội sân si cũng phải tảo trừ.
  Đem về giác tánh chơn như,
  Kim thân thị hiện dứt trừ tử sanh”.
(Cho Ông Cò Tàu Hảo)
Đồng ý nghĩa:
Tại sao gọi hai cách “Phá Ngũ Uẩn” vừa giải trên đồng lý nghĩa ?
Bởi theo Kinh xưa giải: từ chỗ có sắc thân, mới có thọ lục căn, tưởng ái ố, hành đắc thất và thức nhân ngã. Nên hễ diệt được lòng câu chấp sắc thân thì những cái thọ, tưởng, hành, thức cũng không còn, tức chứng được “chơn như thật tướng”.
Còn Đức Thầy nay thì giải: từ chỗ lòng tham ái mới có sắc thân hiện hữu, và sân, si, nhân, ngã. Nên khi trừ được gốc tham ái thì lòng sân hận, mê si và nhân ngã đều dứt sạch, tất chứng được “Giác tánh chân như”.
Cho nên nói hai lối giải trên đây, về phương tiện thực hành và văn tự, tuy có khác đôi phần, nhưng khi kết quả cũng đồng đạt đến cứu cánh giải thoát.
NĂM TÊN: Chỉ cho năm uẩn nói trên.
VÔ PHÁP TƯỚNG MỚI LÀ THIỆT TƯỚNG: Bởi cái tâm vốn chơn không, cho nên người tu không nên chấp vào các pháp tướng, như ngũ uẩn nói trên. Vì các pháp đều không có thật thể và thường tồn. Nếu hành giả trừ được cái tâm tham chấp vào các pháp tướng, tức chứng được cái thiệt tướng của Như Lai. Kinh Kim Cang có dạy:“Người tu hành đến khi nào không còn bị các tướng câu thúc, tức là không còn phân biệt có tướng người, tướng ta, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, tất nhiên cái thiệt tướng thường tái hiện ra sừng sững vậy (chơn tướng Như Lai)”.
 CHÁNH VĂN
197.    Người tu hành phải trừ nghiệp-chướng,
   Với bốn ma mới đặng an-nhàn.
   Tửu nhiễm vào thân thể bất an,
200.    Sắc mến nó ngày kia lao khổ.
   Ta nghiệm xét từ đời Bàn-Cổ,
   Có ai dùng mà đặng thành Tiên.
   Mà đời nay theo nó liên-miên,
204.    Chữ Tài của khổ riêng một kiếp.
   Bị tội cướp nào ai có tiếp,
   Mà đời nay nó cứ mãi làm.
   Chữ Khí hùng khuyên chớ có ham,
208.    Mà lao-lý tấm thân trần-thế.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 197 đến câu 208):
-Trên đường giải thoát, người hành đạo muốn được kết quả, cần phải nhắm ngay cội gốc của các chướng nghiệp mà diệt trừ; tức ba món phiền não: tham, sân, si nơi ý nghiệp. Hễ phiền não chướng không sanh thì hai nghiệp của thân và khẩu cũng thanh tịnh. Đồng thời nên xa lánh bốn con ma bên ngoài, tức là “tứ đổ tường”(tửu, sắc, tài, khí).
-Bởi rượu và sắc đẹp là hai thứ rất độc, nếu kẻ nào say đắm, tất sẽ bị hư thân mất mạng, sự nghiệp tiêu tan, xã hội khinh chê ruồng bỏ. Ôn lại quá trình lịch sử, từ khi mới có loài người đến nay, có một ai còn dùng tửu sắc mà được thành Tiên hay Phật bao giờ. Thế mà người đời nay cứ mãi đam mê.
-Đến con ma thứ ba là của tiền vàng bạc, vì nó, con người hành động những tội ác: tham lam, giành giựt, trộm cướp, gạt lường, để lấy tiền của nuôi cả vợ con, rốt cuộc riêng mình chịu tội khổ chẳng ai tiếp được.
-Thứ tư là con ma thuốc phiện, hơi thơm của nó làm cho người ta nghiện ngập, thân xác dần dần gầy ốm, nóng nảy, khô khan; quanh năm, suốt tháng chỉ xây quanh phòng hút. Bao nhiêu gia tài sự nghiệp lần hồi tiêu sạch, chỉ tồn lại một thân hình bạc nhược, chịu sầu khổ cho đến ngày giã biệt cõi đời.
 CHÚ THÍCH:
NGHIỆP CHƯỚNG: Nghiệp là hành động của: thân, khẩu, ý gây tạo. Chướng là ngăn che, trở ngại. Theo Kinh xưa, mỗi chúng sanh đều có ba nghiệp chướng: Phiền não chướng, Nhân chướng và Báo chướng. Phát xuất từ phiền não chướng (tham, sân, si) dấy lên, con người mới tạo nghiệp tức là nhân chướng, rồi bị cái báo chướng trả lại. Cứ thế mà vay trả lên xuống mãi trong sáu đường sanh tử.
Còn thời nay, Đức Thầy dạy: Mỗi người đều có ba nghiệp chướng,  trong bài “Luận về Tam nghiệp”:
Thân nghiệp (tội lỗi do xác thân gây nên);
Khẩu nghiệp (tội lỗi do miệng lưỡi gây nên);
Ý nghiệp (tội lỗi do ý tưởng gây nên).
Trước tiên, phát xuất từ ý nghiệp (tham, sân, si) mới phát ra ngôn ngữ (tức khẩu nghiệp: lưỡng thiệt, ỷ ngôn, ác khẩu, vọng ngữ) và hành động (tức thân nghiệp: sát sanh, đạo tặc, tà dâm). Ba nghiệp ấy cứ tiếp nối nhau luôn, tạo thành sức mạnh lôi kéo chúng sanh, sau khi chết phải luân hồi qua kiếp khác, rồi kiếp khác nữa…khó mà thoát ly ra được.
Trong bài “Lời Khuyên Bổn Đạo” Đức Thầy có dạy:“Trong khi các trò còn ở trong biển mê sông khổ, thường bị những chướng nghiệp nhiều đời mà làm cho linh hồn chìm đắm trong ba cõi sáu đường, xuống xuống lên lên luân hối chuyển kiếp( tr. 449 SGTVTB 2004 ).
BỐN MA: Chỉ cho “Tứ đổ tường” (tửu, sắc, tài, khí). Sở dĩ gọi nó là ma, vì bốn món ấy làm cho chúng sanh đam mê khổ sở (Xem thêm chú thích “tứ đổ tường“ tại tr. 72 Tập 2/3).
BÀN CỔ: Theo sử liệu Trung Hoa, khi mới khai thiên lập địa, Bàn Cổ là người đầu tiên xuất hiện làm vua trên quả địa cầu; rồi lần lần mới có loài người và vạn vật. Cho nên gọi Bàn Cổ là Thỉ Tổ của loài người. Cổ thơ có câu:“Bàn Cổ khai lò tạo hóa, Tam Hoàng Ngũ Đế lại ra giúp đời”.
LIÊN MIÊN: Xem chú thích tại tr. 97 Tập 2/3.
KHÍ HÙNG: Hơi nóng, mạnh của chất thuốc phiện.

Đăng nhận xét

[facebook][blogger]

Ẩn Danh Cư Sĩ PGHH 1939

Liên Hệ với PGHH 1939

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget