BỬU Ngọc Quân Minh Thiên Việt Nguyên,

寶玉君明天越元

SƠN Trung Sứ Mạng Đạo Nam Tiền.

山中師道地南前

KỲ Niên Trạng Tái Tân Phục Quốc,

奇年狀再新復國

HƯƠNG Xuất Trình Sinh Tạo Nghiệp Yên.

香出程生造業安

Tổ Đình Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH
Các Bài Viết Liên Quan
Cám Ơn Các Bạn Đã Ghé Thăm Website. Chúc Các Bạn An Lạc, Có Thêm Nhiều Kiến Thức Bổ Ích…
XIN THƯỜNG NIỆM PHẬT
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

CHÚ GIẢI QUYẾN SÁU LUẬN VỀ BÁT CHÁNH ĐẠO

Tôn Chỉ Hành Đạo (Quyển 6) CHÁNH VĂN : ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ CHÚ GIẢI : THIỆN TÂM LƯU HÀNH NỘI BỘ CHÚ GIẢI QUYỂN SÁU CÁCH TU HIỀN VÀ SỰ ĂN Ở CỦA MỘT NGƯỜI BỔN ĐẠO (Cũng có tên là “TÔN CHỈ HÀNH ĐẠO”) LUẬN VỀ BÁT CHÁNH ĐẠO


CHÚ GIẢI QUYẾN SÁU LUẬN VỀ BÁT CHÁNH ĐẠO

Tôn Chỉ Hành Đạo (Quyển 6)

CHÁNH VĂN : ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ
CHÚ GIẢI  : THIỆN TÂM
LƯU HÀNH NỘI BỘ

CHÚ GIẢI QUYỂN SÁU CÁCH TU HIỀN VÀ SỰ ĂN Ở CỦA MỘT NGƯỜI BỔN ĐẠO 

(Cũng có tên là “TÔN CHỈ HÀNH ĐẠO”)

LUẬN VỀ BÁT CHÁNH ĐẠO

(SGTVTB 2004, tr. 194- 200)
 CHÁNH VĂN
Trừ xong ba nghiệp-chướng, hãy làm theo tám điều chánh, và sau khi diệt được thập ác rồi, tự nhiên mười điều lành hiện ra; như thế ta đã đi thêm được một bước trên con đường Đạo-hạnh. Nhưng sự tấn-bộ ấy không có nghĩa là đạt được mục-đích. Thế nên, cần phải hành luôn Đạo Bát-Chánh tiếp theo, vì đó là quyển kinh nhựt tụng của những ai muốn thoát chốn mê-đồ, tấn- triển trên đường Giải-Thoát.
Bát Chánh gồm có :
1.- Chánh kiến 
2.- Chánh tư duy 
3.- Chánh nghiệp 
4.- Chánh tinh tấn
5.- Chánh mạng 
6.- Chánh ngữ
7.- Chánh niệm 
8.- Chánh định.
LƯỢC GIẢI :
1.-  ĐỊNH NGHĨA:
 Luận về tám điều chánh, tức là “Bát Chánh Đạo”. Có nghĩa: Tám nẻo ra, là tám con đường đưa người ra khỏi luân hồi sanh tử, đạt đến Thánh quả A La Hán và Bồ Tát, chứng đắc Niết Bàn. Bát Chánh là một trong “Tứ Diệu Đề” có năng lực điều trị bát tà. Đức Thầy đã dạy:
“Diệu thâm Bát Chánh lời truyền giáo,
Xa thẳm Tứ Đề tiếng giục ông”.
2.-  NGUỒN GỐC:
Về nguồn gốc Bát Chánh Đạo, Đức Thầy luôn cho biết:
 Thiền lâm Phật Thích thuở xưa kia,
Non tuyết rèn ra Bát Chánh kìa.
Phổ hóa dân lành trong khắp chúng,
Hoàn cầu bốn biển khắc danh bia.”
Hoặc là:
“Chữ Bát Chánh rõ ràng trong giấy,
Là chơn truyền của Phật Thích Ca”.
Vì muốn chúng sanh giải thoát khổ đau sanh tử, Đức Phật thuyết ra “Bát Chánh Đạo”. Pháp nầy giản dị và thích trung với mức sống tinh thần, thể xác cho các giới tu hành.
Mục đích là cải thiện tư tưởng, hành động, ngôn ngữ con người trở thành chí chơn, chí mỹ để giải thoát khổ đau sanh tử. Xưa, sau khi đắc Đạo, Phật đến “Khổ Hạnh Lâm”(Rừng Lộc-giả) thuyết pháp Tứ Diệu Đề và Bát Chánh Đạo cho năm anh em Kiều Trần Như nghe; nghe xong năm vị nầy đều chứng quả A La Hán.
3.- HIỆN TẠI:
Ngày nay, Đức Thầy bảo:“Diệt được 10 điều ác tự nhiên 10 điều lành hiện ra”. Song chưa đạt được mục đích của người tu. Vì thế, cần hành luôn Bát Chánh Đạo. Vậy ai muốn giải thoát mê đồ, sanh tử thì hằng ngày phải đọc tụng và trì hành Bát Chánh Đạo sẽ được kết quả như ý.
4.- BÁT CHÁNH gồm có:
Tư tưởng:   {   1.- Chánh kiến.
{   2.- Chánh tư duy.
Hành động   {   3.- Chánh nghiệp.
Tư tưởng     {   4.- Chánh tinh tần.
                   {   5.- Chánh mạng.
Ngôn ngữ    {   6.- Chánh ngữ.
Tư tưởng     {   7.- Chánh niệm.
{   8.- Chánh định.
CHÚ THÍCH :
NGHIỆP CHƯÓNG: (Xem phần mở đầu bài Luận về Tam nghiệp, tr. 45)
MƯỜI ĐIỀU LÀNH: Do chữ “Thập Thiện Nghiệp” gồm có:
1- Không Sát sanh, lòng luôn thương người mến vật.
2- Không đạo tặc, thường làm việc nghĩa giúp đời.
3- Không tà dâm, tâm hạnh thường trong sạch, lễ độ và tôn trọng luân thường đạo lý.
4- Không lưỡng thiệt, luôn nói lời thành thật chánh đáng.
5- Không ỷ ngôn, thường nói lời tốt lành êm dịu.
6- Không ác khẩu, nói toàn lời thanh bai hiền đức.
7- Không vọng ngữ, hằng nói lời chơn chánh đúng với sự thật.
8- Không tham lam ích kỷ, luôn có lòng bố thí vị tha.
9- Không sân hận tật đố, tâm hằng hoan hỉ, từ bi, nhẫn nhục và khoan dung.
 10- Không mê si tà kiến, luôn phát sanh trí huệ và chánh kiến. Đức Thầy bảo:
“Ác trừ xong hiện ra thiện nghiệp,
Lóng nguồn chơn Phật tiếp dẫn cho”.
MỤC ĐÍCH: Cái mục tiêu để nhắm và tiến tới.
KINH NHỰT TỤNG: Quyển Kinh để cho môn đồ đọc tụng, truy cứu và trì hành hằng ngày.
MÊ ĐỒ: Đường mê, đường tối tăm tội ác và khổ não. Đối với giác lộ: đường về cảnh Phật sáng suốt và giải thoát an vui. Đức Thầy có câu:“Thoát mê đồ thường phóng quang minh”.
TẤN TRIỂN: Tấn tới mau chóng và mạnh mẽ.
GIẢI THOÁT: (Xem Ân Tam Bảo, tr. 34).

1.- CHÁNH KIẾN

 CHÁNH VĂN
CHÁNH-KIẾN.- Chánh: đúng sự thật, Kiến: thấy, xem xét. Chánh-kiến: dòm thấy, xem đúng theo sự thật.
Phàm con người thường hay bị bản-ngã lôi cuốn, trí mờ-ám làm cho sai chạy ít nhiều sự-thật. Khi vì thiếu sự sáng suốt, khi vì tư thù, khi vì lợi kỷ, khiến cho con người không biết đường ngay nẻo thẳng nên sự phán đoán không công bình chánh đáng, làm cho kẻ khác chịu oan tình. Vì thế, mục Chánh-Kiến dạy ta phải đem hết trí-năng truy-cứu các sự rắc-rối, cẩn-thận xem xét tránh sự lạc lầm trong khi phê đoán bất cứ việc gì, dầu của mình hay của kẻ khác. Sự quan-sát cực điểm, cách xét đoán tận tường, tránh cho ta những tà-kiến (sự xem xét lầm lạc) sai chạy, khiến ta dẹp bản-ngã đã làm cho trí-tuệ mịt mờ u-ám; giúp cho ta hiểu biết được rõ ràng minh bạch, cách phán đoán được ngay thẳng, công-bình.
Chẳng thế, nó còn giúp ta hiểu biết các điều tục-lụy trong trần, biết được lẽ nhiệm-mầu tôn-giáo khiến ta xua đuổi các điều tà mị, bỏ các sự say mê, trở về với đạo lý, thoát đọa hồng-trần. Nó tránh cho ta tất cả sự giả-dối và nhờ thế nên ta khỏi bị lạc lầm trong khi hành Đạo.
   
LƯỢC GIẢI
1.- ĐỊNH NGHĨA:
– Chánh Kiến: Chánh là đúng sự thật; Kiến là thấy, xem xét. Chánh Kiến là dòm thấy xem xét đúng sự thật (ở đây phải thấy cả mắt lẫn tâm, chớ chẳng phải thấy bằng mắt suông).
– Tà Kiến là thấy biết, nhận xét lầm lạc tà vạy.
2.- NGUYÊN NHÂN SANH TÀ KIẾN:
Mỗi chúng sanh vì bị bản ngã lôi cuốn, làm mờ ám tâm trí, nên sự thấy biết, nhận xét lầm lạc ngược lại Chánh kiến.
3.- HÀNH TRẠNG TÀ KIẾN:
– Bởi thiếu sáng suốt nên hành giả thấy biết và xét đoán mọi việc theo tư thù, hay lợi kỷ…
– Do đó mà phân định mọi vấn đề: từ hành động, ngôn ngữ và vạn vật bên ngoài đến bên trong của tâm ý đều chẳng đúng chơn lý. Như năm người mù rờ một con voi…Sau khi rờ xong, mỗi người đều tả được một bộ phận con voi theo nhận xét của mình (biên kiến); chớ không tả được toàn diện con voi. Chỉ người sáng mắt (có chánh trí và chánh kiến) mới thấy toàn diện của nó…
4.- TAI HẠI:
– Bởi thiếu chánh kiến, nên nhà tu thường “nhận ngụy làm chơn” phân xét mọi việc đều sai chơn lý hoặc thấy một bên, hoặc nhận thấy ngược lại (biên kiến và tà kiến).
– Vì thế, mà sự phán đoán không công bình, chánh đáng, làm bao nhiêu kẻ khác chịu oan tình. Xưa, có Trí Huyền Ngộ Đạt, tiền kiếp của ông là một viên án xử oan Triệu Thố…Nghiệp oan đó trải 10 kiếp sau, vẫn còn bị trả quả…
5.- HÀNH CHÁNH KIẾN:
Muốn hành trì Chánh kiến hành giả phải đem hết trí năng truy cứu mọi vấn đề, để:
-Dẹp tan bản ngã bằng cách quán lý vô thường, vô ngã.
-Cẩn thận, quán xét tận tường các việc, từ việc làm, lời nói và ý nghĩ cho đến chỗ cực điểm, đúng với chơn lý. Đức Thầy từng dạy:
      “Đạo mầu Bát Chánh rán ghi,
 Thứ nhứt Chánh Kiến việc chi xem nhìn.
 Luận bàn chơn lý cho minh.
 Việc chi xét đoán xảo tinh mới là”.
Hoặc là:
“…Trí linh mẫn nhìn xem các chuyện,
Phải đừng cho lầm lạc nẻo tà.
Dầu việc người hay việc của ta,
Nên phán đoán cho tường cho tận.
Tội với phước xét coi nhiều bận,
 Mới khỏi lầm tà kiến đem vào”.
6.-  LỢI ÍCH:
Khi hành giả tu rèn được Chánh kiến, sẽ đặng kết quả:
a) Tránh được tà kiến và diệt trừ đặng bản ngã.
b) Hiểu rõ ràng các việc chân giả, không hề lầm lạc và phán đoán mọi việc được chí công, bình đẳng.
c) Không còn say mê tục lụy, thấu đạt lý nhiệm mầu của đạo pháp.
d) Đoạn trừ được “kiến hoặc”(Kiến hoặc là thấy hiểu sai lầm) tức là Ngũ lợi sử (năm món phiền não lanh lợi: 1- Thân kiến: Chấp thân ngũ uẩn thật có và của ta vĩnh cửu. 2- Biên kiến: thấy một bên. 3- Tà kiến: thấy ngược lại chánh kiến. 4- Kiến thủ: bảo thủ ý kiến của mình là đúng hơn hết. 5- Giới cấm thủ kiến: Chấp giữ những giới lặt vặt mà các giới chánh lại không gìn giữ.)
7.- KẾT LUẬN:
Tóm lại, người hành được Chánh kiến, không còn kiến thức sai lầm, thường được tâm vô úy tự tại và tiến hành phương pháp lợi lạc cho các tầng lớp chúng sanh, thẳng đến khi thành Đạo Bồ đề.
CHÚ THÍCH :
BẢN NGÃ: Cái ta, chấp cái ta là trên hết, đáng yêu đáng quí hơn hết.
TƯ THÙ: Mối thù hận riêng của cá nhân mình.
LỢI KỶ: Lợi ích riêng mình.
TRÍ NĂNG: Năng lực và trí huệ, nó rất mầu diệu sáng suốt.
TRUY CỨU: Theo dõi để tìm hiểu tận gốc.
CỰC ĐIỂM: Điểm cao hơn hết, tới chỗ cùng tột.
TỤC LỤY: Những điều phiền lụy thống khổ trong cõi trần tục:
Nếu mãi mê mang mùi tục lụy,
Linh hồn chìm đắm chốn nê hà”.( ĐT)
HỒNG TRẦN: Bụi đỏ. Ý chỉ cõi đời đầy bụi bặm, nhớp nhơ đau khổ:“Hồng trần biển khổ thấy rồi”.( ĐT)

2.- CHÁNH TƯ DUY

 CHÁNH VĂN
CHÁNH TƯ-DUY.- Tư tưởng chơn-chánh.
Sanh ra ở trong trần con người thường hay bị các thị-dục cám-dỗ: lợi danh, quyền tước, nghĩa vợ tình chồng…; cái tư tưởng đã rù quến tâm trí mãi mãi quây cuồng vào những sự ấy, không thể nào thoát-ly ra được. Ấy về phần tà.
Phần chánh dạy rằng: tâm cần phải bình, tánh cần phải tịnh, giữ tư-tưởng cho thanh-cao, trí rán tìm cái Chân-lý. Chân-lý ấy là cái Đạo của mình đối với nhân-loại, của mình đối với Trời-Phật, của mình đối với mình. Vì thế, hãy đặt tư-tưởng mình vào công cuộc tìm phương cứu giúp sanh-linh trong vòng trầm luân oan-nghiệt. Hãy tin tưởng Phật-Trời và cầu nguyện đấng Thiêng-liêng ban-bố phuớc lành cho nhân chủng. Hãy tìm con đường giải thoát cho mình bằng cách lạc Đạo an bần, xả thân tu-tỉnh.
   LƯỢC GIẢI :
1.-  ĐỊNH NGHĨA:
CHÁNH TƯ DUY: Tư tưởng chơn chánh trong sạch tốt lành.
TÀ TƯ DUY: Tư tưởng tà vạy xấu ác.
2.-  NGUYÊN NHÂN SANH TÀ TƯ DUY:
Bởi không làm chủ được tâm hồn, nên thường bị thị dục cám dỗ, sai khiến.
3.-  HÀNH TRẠNG:
Vì tâm trí mãi mơ tưởng theo danh lợi, quyền tước, tình yêu, màu sắc,v.v…và đam mê “Đeo tuồng mộng huyễn lập lòe sắc hương.( ĐT)
4.-  TAI HẠI:
Do tư tưởng tà vạy, suy nghĩ sai lầm làm mờ đục trí huệ, rồi bị những tư tưởng ấy rù quến tâm trí quay cuồng trong ngũ dục, nên mãi mãi luân hồi sanh tử. Đức Thầy từng cho biết:
      “Gây ra lắm nợ phong trần,
 Luân hồi sáu nẻo khôn lần bước ra”.
5.-  HÀNH CHÁNH TƯ DUY:
Nhà tu muốn thành đạt Chánh Tư Duy, cần thi hành những điểm như sau:
a) Dù sống trong hoàn cảnh nào, hay làm việc gì cũng phải giữ cho tâm tánh luôn được bình tịnh (yên lặng và trong sạch sáng suốt).
b) Giữ tư tưởng cho thanh cao. Nghĩa là tập trung và thay đổi tư tưởng. Đức Thầy đã dạy:“Việc đầu tiên của người hành Đạo là cốt sửa những tư tưởng, tìm cách đánh đổ tư tưởng xấu xa, đem thay vào những tư tưởng ôn hòa Đạo đức”.
c) Trí rán tầm chơn lý, tức là cái Đạo, gồm có ba phần:“…là cái Đạo của mình đối với nhân loại, của mình đối với Trời Phật, của mình đối với mình…”
d) “Sống lạc đạo an bần, xả thân tu tỉnh”. Đức Thầy bảo:
 “Hãy tưởng nhớ những điều đáng nhớ.
Trên cùng dưới dù thầy hay tớ,
Cũng tưởng điều trung chánh mới mầu.
Việc vui say mèo mả đâu đâu,
Hãy dẹp gát nhớ câu Lục Tự”.
6.-  LỢI ÍCH:
Người hành được Chánh Tư Duy sẽ đặng các phần lợi ích đáng kể:
a) Dứt hết tư-tưởng tà vạy và hoặc-nghiệp phiền não.
b) Không bị ngũ dục làm điên đảo trí năng.
c) Trí huệ sáng suốt, như xưa kia cậu bé Sa Di Suy Ca chỉ tu chuyển đổi tư tưởng trong một buổi mai gần đúng ngọ, sạch hết phiền não…Tâm cậu thanh tịnh và chứng quả A La Hán; lúc thầy Xá Lợi Phất đi khất thực về đến, Thầy trò vui vẻ trong buổi ngọ trai chứng Đạo. (Xem thêm câu chuyện “Chuyển đổi tư tưởng” bên quyển Triết Văn chọn lọc.)
d) Cảm thông mọi thống khổ của mỗi chúng sanh, để tùy phương tiện thích trung mà giáo hóa.
e) Trừ được “tư hoặc”, tức “ngũ độn sử”. (5 món ngu độn là : tham lam, sân nộ, mê si, ngã mạn cống cao và nghi ngờ do dự).
7.-  KẾT LUẬN:
Tóm tắt, khi thực hành được Chánh Tư Duy thì chẳng còn tư tưởng mê mờ, suy nghĩ bất chánh, làm tổn hại cho mình và kẻ khác.
Tâm trí luôn được bình tịnh sáng mầu và đối với mọi sự vật đều thấu đạt chơn lý, dẫn đến khi thành quả Bồ đề.
 CHÚ THÍCH :
THỊ DỤC: Các sự ham muốn.
CÁM DỔ: Rù quến, quyến rũ làm làm cho người say mê theo.
QUAY CUỒNG: Xoay vòng theo không thoát ra được, cũng chỉ cho sự xoay trở một cách vất vả.
BÌNH TỊNH: Bình là yên lặng, bình đẳng không phân biệt thiên chấp;Tịnh là trong sạch, sáng suốt.
“Nếu ai mà biết chữ tu trì,
Tâm bình tịnh được thì phát huệ”.( ĐT)
CHƠN LÝ: (Xem chữ Chơn lý trong Ân Đồng bào và Nhân loại, tr.40 ).
ĐẠO: (Xem chữ Đạo đoạn mở đề bài “Luận về Tam nghiệp”, tr.44-45).
SANH LINH: Sanh mạng, chỉ cho giới hữu tình, tức là loài có mạng sống, có tri giác.
OAN NGHIỆP: Mầm móng tai hại tự mình gây ra rồi tự hưởng lấy.
ĐẤNG THIÊNG LIÊNG: Người đáng tin tưởng và sùng kính. Chỉ cho chư vị: Phật, Tiên, Thần, Thánh.
NHÂN CHỦNG: Giống người, loài người.
LẠC ĐẠO AN BẦN, XẢ THÂN TU TỈNH: Là an vui trong cảnh sống nghèo (tri túc thường lạc) để dồn hết thân tâm vào việc tu hành Đạo đức. Không ích kỷ, gây tạo vật chất bồi bổ cho giả thân và cũng không tiếc công năng trí lực trong cuộc giúp đỡ quần sanh.

3.- CHÁNH NGHIỆP

 CHÁNH VĂN
CHÁNH-NGHIỆP.- Việc làm chánh đáng ngay thẳng.
Đối với kẻ xuất gia đầu Phật, ngoài những lúc tham thiền nhập định, những khi trì tụng kinh hành, những khi đọc kinh viết sách, những lúc công quả cho nhà Thiền, chẳng có làm việc chi có thể tạo thành ác nghiệp cả.
Những kẻ tại gia cư-sĩ, trái lại, còn cần phải lo kế sinh nhai, mưu cuộc sống còn; kẻ buôn tảo bán tần, người việc nầy việc nọ, tóm lại cũng tại vì xác thân mà ra cả. Tuy nhiên, dầu đời sống của họ có bị sự sinh nhai chi phối song cái chi-phối ấy, khác hẵn với kẻ gian tà đạo-tặc, chẳng có làm việc gì xảo-trá bất nhân. Trong cuộc mưu cầu cho lẽ sống, họ cũng nguyện bỏ những nghề- nghiệp gây tai hại cho con người: nuôi điếm, bán á phiện, buôn rượu, đầu cơ, cho vay cắt cổ, v.v…
Đành rằng những người buôn bán ấy không có ép buộc bạn hàng, song tại có họ làm các nghề nghiệp ấy, con người mới bị hư hỏng, trụy lạc, hoang-đàng, trà đình tửu điếm…Họ là đồng-loã mà phạm-nhân là những kẻ nghiện-ngập say sưa.
Thế nên mục Chánh-nghiệp răn cấm chúng ta làm các nghề ấy.
Kẻ tại gia cư-sĩ cũng chẳng sát hại vô cớ các sanh vật, hoặc không đánh đập chém đâm ai có thể gây ra nhiều điều tội lỗi.
  LƯỢC GIẢI :
1.- ĐỊNH NGHĨA:
Chánh nghiệp là việc làm chánh đáng ngay thẳng.
Tà nghiệp là việc làm tà vạy gian ác.
2.- NGUYÊN NHÂN:
a) Các Tăng ni xuất gia nhờ làm nhiều công việc Đạo, nên ít gây ác nghiệp (tà nghiệp).
b) Nhưng hàng cư sĩ vì phải va chạm với đời và lo cuộc sống còn nên dễ sanh ác nghiệp.
3.-  HÀNH TRẠNG ÁC NGHIỆP:
a)Hành động gian ác tổn thương đến quyền lợi, danh dự và mạng sống các loài khác, như: sát sanh, đạo tặc, tà dâm; đầu cơ, cho vay cắt cổ…
b) Tạo những việc khiến cho kẻ khác đam mê tội lỗi, như: nuôi điếm, bán á phiện, buôn rượu…
4.- TAI HẠI:
a) Người còn tà nghiệp hiện tại không xứng là một Tăng Ni hay thiện tín, vì bị coi như phạm giới.
b) Trong tương lai, hột giống Đạo bị lấp vùi, lâu gặp cơ thức tỉnh.
c) Chết đọa ba đường ác và còn phải luân chuyển báo đền nghiệp quả.
5.- HÀNH CHÁNH NGHIỆP:
a) Người tu Chánh nghiệp trước hết phải: giới hạnh tinh nghiêm và chừa bỏ những ác nghiệp vừa kể trên. Đức Thầy dạy:
Dầu nghề chi làm việc ngay đường,
Ta đừng nên theo kẻ bất lương.
Học ngón xảo để lừa đồng loại”.
b) Làm những điều chơn chánh hiền từ.
c) Tôn trọng mạng sống, quyền lợi, danh dự, hạnh phúc của nhân loại và các giới chúng sanh.
d) Sử dụng đúng lẽ công bằng, từ bi, bác ái, tích đức, khoan dung. Đức Thầy luôn nhắc nhở:
      “Thứ tư Chánh nghiệp mặc dầu,
       Nghề chi thì cũng ngõ hầu làm ngay”.
6.- LỢI ÍCH:
Hành giả tu Chánh nghiệp xong sẽ đặng các điều lợi ích đáng kể:
a) Gia đình hạnh phúc, thân thể khỏe mạnh, sống lâu và no ấm đời đời. Tâm trí sáng suốt, mau thành Đạo giải thoát.
b) Được mọi người kính phục và hướng theo.
c) Nghiệp oan tội khổ tiêu dần, khỏi đọa ba đường ác.
7.-  KẾT LUẬN:
Đại để, người hành được Chánh nghiệp, không còn bị các oan trái cay nghiệt, đời đời thanh tịnh an vui và thẳng đến khi thành quả Bồ đề.
   CHÚ THÍCH :
 THAM THIỀN: Tham là suy gẫm; Thiền là tịnh lự, là tư duy. Ý nói để tâm yên tịnh, suy gẫm Đạo lý mầu nhiệm:“Thấy cỏ hoa cảnh bắt tham thiền”.( ĐT)
NHẬP ĐỊNH: Vào chánh định, bằng cách ngồi yên lặng hay trong tứ tướng oai nghi ( đi, đứng, nằm, ngồi), tâm trí luôn trong lặng thuần chánh và sáng suốt.
TRÌ TỤNG: Trì là gìn giữ và làm theo; tụng là đọc, xem. Ý chỉ cho việc công phu bái sám, hoặc đọc tụng Kinh sách hằng ngày. Đức Thầy dạy:
Giảng Kinh đọc tụng chiều mai,
Làm theo lời chỉ ngày rày gặp Ta”.
KINH HÀNH: Đi một cách thung dung quanh chùa tháp, hoặc chỗ tịch mịch để niệm Phật hay suy gẫm (thiền định) việc Đạo lý để phát sanh trí huệ.
CÔNG QUẢ: Công là việc làm hay hạnh đức hoặc trí năng của mình làm. Quả là kết quả. Đức Thầy có câu:
      “Nguyện đem công quả tu hành,
Cứu trong Tông Tổ vãng sanh Liên đài”.
BUÔN TẢO BÁN TẦN: Tần là một loại rau; Tảo là rong biển (rau tần rau tảo). Ý nói bận lo buôn bán hoặc làm nhiều việc vất vả:“Tảo tần lo liệu năm ba”.( ĐT)
Hay là:“Ta thương xót lo tần lo tảo”.( ĐT)
BẤT NHÂN: Không có nhân đức, không thương người mến vật.
ĐẦU CƠ: Đầu là ném lại; là cơ hội. Thừa cơ hội làm lợi cho mình, bằng cách không hợp lý hợp pháp:“Người bạo ngược thừa cơ nguy thủ lợi”.( ĐT)
TRỤY LẠC: Sa ngã vào chỗ hư hèn, như “Tứ đổ tường” (tửu, sắc, tài, khí).
HOANG ĐÀNG: Cũng gọi là hoang đường. Ý nói người hoang chơi theo “tứ đổ tường” (tửu, sắc, tài, khí), không kể đến nhà cửa, vợ con, cha mẹ…
TRÀ ĐÌNH TỬU ĐIẾM: Phòng trà quán rượu có chứa gái điếm. Đây chỉ cho hạng người quá đam mê tửu sắc, hằng ngày la lết nơi nhà điếm, quán rượu, không kể đến gia đình, cha mẹ, vợ con..

4.- CHÁNH TINH TẤN

 CHÁNH VĂN
CHÁNH TINH-TẤN.- Tín ngưỡng chơn chánh và lướt tới.
Phái vô-thần-luận thường cho rằng thân xác tức là con người. Thân còn tức là ngưòi còn, thân mất, người mất. Không có Thánh, Thần, Trời, Phật, không quả báo luân hồi; cũng chẳng có tội, có phước, có vía, có hồn. Đời là thân xác con người, sống là tranh đấu, mạnh được yếu thua. Thế nên, biết bao nhiêu mánh-khoé gian-hùng, bao nhiêu ngón điêu-ngoa xảo trá, bao nhiêu tàn bạo ngược-ngang đều được đem ra dùng cả thảy.
Vì vậy, mục Chánh tinh-tấn này khuyên hãy rán giữ đức tin cho mạnh mẽ. Dầu các thị dục có lớn lao thế mấy, dầu cho có sức lực gì cám dỗ hay bức bách bỏ lòng tín ngưỡng Phật Trời đặng theo việc khác, các sự ấy cũng chẳng thể lôi kéo được. Và ta luôn luôn phải nhớ đến công cuộc cứu-vớt quần-sanh thoát nơi khổ-hải của Đức Thế-Tôn, phải nhớ rằng sanh-linh đang chìm đắm trong bể hồng trần, rằng ngày giờ nào còn có kẻ trong chúng-sanh chịu khổ thì ta cũng phải khổ vì họ vậy, rằng ta có cái bổn-phận giác-ngộ trần gian bỏ những oan trái luân hồi cay nghiệt. Muốn thế, trước hết phải tìm phương tự-giác, nhắm cảnh Niết-Bàn tấn tới, quyết chí tu hành đắc thành Đạo quả hầu dắt dìu bá tánh thập phương xa miền tục-lụy. Người bỏ hết các sự rầu buồn các điều tà vạy, dẹp lục-căn lục-trần và rán làm cho tinh thần được thêm sáng suốt, rèn luyện các đức tánh cho thiện mỹ: yên tịnh, hỉ-lạc, nghiêm-trang quyết gắng công phu, một lòng bước tới Niết-Bàn đặng có tế độ chúng-sanh thoát luân-hồi quả-báo.
  LƯỢC GIẢI :
1.-  ĐỊNH NGHĨA:
– CHÁNH TINH TẤN: là tín ngưỡng chơn chánh, bền chắc và lướt tới một cách hăng hái mạnh mẽ, chuyên cần.
– TÀ TINH TẤN: là mê tín theo tà thuyết, chần chờ, giải đãi, nghi ngờ Trời Phật.
2.-  NGUYÊN NHÂN:
Bởi óc dễ tin, nghi ngờ và hột giống giải đãi, yếu ớt có sẵn trong tâm thức con người từ vô thỉ, nên khi gặp sự tuyên truyền của các tà thuyết, vô thần hoặc dục tình cám dỗ, vật chất cuốn lôi, liền  nghe theo.
3.-  HÀNH TRẠNG TÀ TINH TẤN:
a) Không tin có Trời Phật Thần Thánh, quả báo luân hồi, tội phước hay thiên đường, địa ngục hoặc linh hồn.
b) Chỉ lo tranh đấu mạnh được yếu thua.
c) Tạo những tội lỗi, mánh khoé gian hùng, điêu ngoa xảo trá, tàn bạo ngược ngang.
d) Áp bức mọi người để có quyền uy và thụ hưởng trên hết.
4.- TAI HẠI TÀ TINH TẤN:
Người sống theo tà tinh tấn có những tai hại:
a) Mất chánh tín.
b) Gây đau khổ muôn loài.
c) Bị nghiệp chướng kéo dài trong luân hồi sanh tử.
d) Dù có tu, song giải đãi yếu ớt nên rất lâu đắc thành đạo giải thoát.
5.-  HÀNH CHÁNH TINH TẤN:
Muốn đạt được Chánh tinh tấn, ta cần phải:
a) Giữ chánh tín mạnh mẽ, sáng suốt, không để uy quyền hay thị dục lôi cuốn. Đức Thầy khuyên:
“Chánh Tinh tấn dầu thành hay bại,
Cứ một đường tín ngưỡng của mình.
Dầu cho ai phá rối đức tin,
Ta cũng cứ một đường đi tới”.
b) Luôn nhớ đến công cuộc cứu vớt quần sanh của Đức Thế Tôn.
c) Chúng sanh còn khổ thì ta cũng đồng khổ với họ.
d) Xét vì ta có bổn phận giác ngộ trần gian, xa rời tục lụy. “Muốn thế trước hết phải tìm phương tự giác, nhắm cảnh Niết Bàn tấn tới; quyết chí tu hành đắc thành Đạo quả…”.
e) Cương quyết dẹp các điều tà vạy và lục căn, lục trần.
g) Rèn luyện các đức tánh:“Thiện mỹ, yên tịnh, hỷ lạc, nghiêm trang”:
      “Thứ năm tinh tấn hội đàm,
  Sạch trong kỹ lưỡng mà làm mới ngoan”.( ĐT)
6.-  LỢI ÍCH:
Người hành được Chánh Tinh Tấn sẽ đặng nhiều điều lợi ích:
a) Đường tu không còn nghi ngờ do dự, luôn thi hành chánh tín một cách mạnh mẽ.
b) Không còn bị tà thuyết, vô thần hay thị dục lôi cuốn.
c) Được chư Thiên và mười phương Phật hộ trì.
d) Tế độ được vô số chúng sanh tu hành giải thoát.
e) Sớm đạt được diệu trí và vào bực bất thối.
g) Được lực vô úy và chóng thành Đạo Bồ đề.
7.-  KẾT LUẬN:
Tóm lại, khi hành được chánh tinh tấn không còn thối đọa trong ba đường ác, tâm hồn luôn tự tại trong cuộc hóa độ chúng sanh các cõi.
CHÚ THÍCH :
VÍA: Một phần trong linh hồn con người lúc còn sống. Người ta  thường nói “hết hồn hết vía”, hay “nhẹ bóng vía”.
MÁNH KHÓE: Mưu mô xảo trá.
GIAN HÙNG: Dối trá xảo quyệt. Đức Thầy có câu:
Lũ gian hùng mang lấy họa ương,
 Trời đất xử những người bội phản”.
ĐỨC TIN: Sự tin tưởng về Đạo đức cao cả.
BỨC BÁCH: Ép buộc thúc giục.
TÍN NGƯỠNG: Lòng tin tưởng và ngưỡng mộ.
ĐỨC THẾ TÔN: Một trong 10 hiệu của Phật Thích Ca, có nghĩa cả ba cõi thế gian đều tôn Ngài là Thầy, là đấng Cha lành:
      Ngài là vua Pháp tột cao,
  Khắp trong ba cõi chẳng sao sánh tài.
  Tiên người đồng kính Đạo Thầy,
 Cha lành hết cả bốn loài chúng sanh”.( ĐT)
GIÁC NGỘ: Nghĩa của chữ Phật (đấng Giác ngộ), nhưng bốn chữ “Giác ngộ trần gian” ở đây có nghĩa là tỉnh thức kẻ còn mê trong cõi trần.
OAN TRÁI: Nghiệp nợ do mình tạo tội ác, oan nghiệp kiếp trước mà kiếp nầy phải trả.
TỰ GIÁC: Tự mình tỉnh ngộ sáng biết, tự giác là một trong 3 giác của Phật (tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn).
Lòng tự giác xả thân tầm Đạo.( ĐT)
NIẾT BÀN: Phiên âm  Phạn ngữ Nirvàna, Tàu dịch có nhiều nghĩa. Ở đây chỉ giải một ít nghĩa:
1-DIỆT ĐỘ: Một nơi hoàn toàn an nhiên tịch tịnh, không còn hoặc nghiệp phiền não sanh tử luân hồi.
2-VIÊN TỊCH: Công đức viên mãn trùm khắp sa trần gọi là Viên; trí huệ cụ túc, dứt sạch nghiệp chướng khổ lụy gọi là Tịch. Cũng chỉ trở lại bản tâm viên tịch để thoát trầm nịch khổ hải.
3-BẤT SANH BẤT DIỆT: Chẳng còn một niệm sanh, nên chẳng còn sự chết khổ:“Niết Bàn tịch tịnh là đường vô sanh”.( ĐT)
Ngoài ra, Niết Bàn cũng còn có nghĩa là vô vi, tịch diệt, giải thoát và an lạc…
LỤC CĂN: Sáu căn, tức là: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Nó hay xúi giục tâm hồn người ô nhiễm theo sáu trần. Nó cũng gọi là 6 con giặc (lục tặc).
LỤC TRẦN: Sáu trần là: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Đức Thầy dạy:
Diệt lục căn đừng nhiễm lục trần”.
YÊN TỊNH: Lặng lẽ trong sạch.
HỈ LẠC: Vui mừng vì không còn các nỗi khổ làm bận tâm, chẳng phải như chữ hỉ lạc trong thất tình.
NGHIÊM TRANG: Đoan trang nghiêm chỉnh.

5.- CHÁNH MẠNG

 CHÁNH VĂN
CHÁNH-MẠNG.- Sanh mạng chân chánh, trong sạch.
Ở đời người ta hay lấy xác thân mình làm gốc và hay quý trọng săn-sóc nó. Ấy cũng do lục-căn mà ra: nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý. Mắt ưa xem sắc đẹp, tai ưa nghe tiếng hay, mũi ưa ngửi hương thơm, lưỡi ưa đồ ngon béo, thân ưa sự sung-sướng, ý ưa chức phận cao.
Người ta tìm đủ phương thế bổ dưỡng thân xác mình, làm cho trí-tuệ càng ngày càng thêm mờ-ám, ngu đần, không còn lo lắng đến sự tiêu-diệt.
Thế nên, hãy xa lánh những điều làm tinh thần bị đen tối; bỏ hết đài các xa hoa, thân mình tự chủ để tìm chỗ bất diệt bất sanh: thiền định đặt làm thể, trí tuệ đặt làm mạng, linh hồn nhập liên hoa, siêu sanh vào cõi Niết-Bàn.
LƯỢC GIẢI :
1.-  ĐỊNH NGHĨA:
– CHÁNH MẠNG: là sanh mạng chơn chánh trong sạch, sống theo trí huệ đạo đức.
– TÀ MẠNG: Đời sống tà vạy nhơ xấu, sống theo vô minh dục vọng.
2.-  NGUYÊN NHÂN TÀ MẠNG:
Người đời vì quá quí trọng xác thân và lo bảo vệ săn sóc nó, nên tạo nếp sống nhơ bẩn tà ác…
3.-  HÀNH TRẠNG:
Bởi tâm hồn sống theo tà mạng, nên để lục căn ô nhiễm lục trần, như:
-“Mắt ưa xem sắc đẹp – Tai ưa nghe tiếng hay.
– Mũi ưa ngửi mùi thơm – Lưỡi ưa đồ ngon béo.
– Thân ưa sự sung sướng – Ý ưa chức phận cao”.
4.- TAI HẠI:
Người sống theo Tà mạng nên thường chuốc lấy những tai hại:
a) Trí huệ mờ ám ngu đần.
b) Không còn lo nghĩ đến sự tiêu diệt giống sanh tử.
c) Gây nhiều nghiệp tội để phải luân hồi đền trả.
5.-  HÀNH CHÁNH MẠNG:
Để sống đúng theo Chánh Mạng, hành giả phải ghi nhớ những điểm như sau:
a) Đối với bên ngoài ta phải xa lánh những điều làm cho tinh thần bị đen tối, như: lục trần, lục dục, đài các xa hoa. Lục căn đối với lục trần, tâm không hề ô nhiễm, lúc nào cũng vẫn như như bất động.
b) Bên trong tự chủ thân tâm, nhắm mục tiêu bất diệt, bất sanh tiến tới. Đức Thầy dạy:
Mục Chánh mạng chúng sanh ơi hỡi,
Cho linh hồn cai quản châu thân.
Lấy chơn nhơn dẹp tánh phàm trần,
Mới có thể mong về Cực Lạc”.
c) Muốn đạt đến Cực lạc tự tánh ta phải tu tập Thiền định làm thể chất căn bản. Thiền định được, tức trí huệ sáng mầu, từ đó ta cứ sống theo trí huệ, nên khỏi bị khách trần lôi kéo, gạt gẫm.
6.-  LỢI ÍCH:
Tu chánh mạng hành giả sẽ được các điều lợi ích:
a) Linh hồn đặng nhập liên hoa tự tánh (thể thanh tịnh).
b) Siêu sanh vào cõi Niết Bàn (bất diệt bất sanh).
Tóm lại hai phần: thiền định đặt làm thể, trí tuệ đặt làm mạng là cái nhân tu hành; còn linh hồn nhập liên hoa và siêu sanh vào cõi Niết Bàn là cái kết quả.
7.-  KẾT LUẬN:
  Đại khái khi hành được chánh mạng, không còn ác duyên trầm trệ trong lục đạo, thân tâm khinh khoái mà vào cõi giải thoát và hóa độ đặng vô số chúng sanh.
CHÚ THÍCH :
TRÍ TUỆ: Phạn ngữ Prajna, phiên âm Bát nhã. Dịch là Trí tuệ hay Trí huệ . Hiểu rành các việc về hữu vi (hình tướng) gọi là Trí; thông suốt mọi lẽ, mọi pháp về nội tâm (vô vi) gọi là huệ (tuệ). Trí linh mẫn, sự thông minh sáng suốt về mặt thiêng liêng ( tinh thần) cũa mỗi người ( Theo Từ Điển Đặc Dụng cũa Nguyễn Văn Chơn, tr. 1069).
XA HOA: Chưng diện lòe loẹt tốn kém. Đức Thầy dạy:   
Khuyên đừng xài phí xa hoa,
Ăn cần ở kiệm đặng mà lo tu”.
THIỀN ĐỊNH: Do chữ Thiền na, Dhyana. Có nghĩa để tâm trong sạch, yên lặng mà suy gẫm việc Đạo lý mầu nhiệm, không phân biệt ngồi nằm hay đi đứng, cách nào cũng thiền định được cả. Đức Thầy khuyên:
Sớm tối đi nằm y chánh pháp” . Và:
“Quay về cội phúc đường chân Đạo,
 Phật pháp Thiền na dốc thực hành”.
THỂ: là gốc, là bản chất của mọi sự vật. Ví như tất cả bàn, ghế, giường, ngựa…thể chất nó bằng cây làm ra. Các món nữ trang, thể chất nó bằng vàng. Các loại bánh ngọt, thể chất nó bằng bột và đường. Thể chất tốt thì các món làm ra đều tốt, bằng thể chất xấu thì cái gì cũng xấu.
THIỀN ĐỊNH ĐẶT LÀM THỂ: Nhà tu muốn tiến đến Niết Bàn trước phải tu Thiền định làm căn bản. Có thiền định được, trí huệ mới sáng tỏ và mọi suy nghĩ nói làm đều được trọn lành trọn sáng, tiến đến giải thoát. Bằng thiếu thiền định thì ý nghĩ hay nói làm đều xấu ác, quả Đạo bất thành.
TRÍ TUỆ ĐẶT LÀM MẠNG: Người tu khi trí huệ được sáng tỏ, từ ấy mạng sống nương theo trí huệ mà vào Niết Bàn, không hề sai lệch. Như người đi đêm có đèn đuốc không lầm đường hay va chạm vào cây đá làm thiệt hại thân mạng.
LINH HỒN NHẬP LIÊN HOA: Thần thức được hòa vào bản lai thanh tịnh tự tánh. Ý nói khi tâm hồn nhà tu được vào thể thanh tịnh, thì đối với các cảnh tượng lành dữ hay danh, lợi, tình…tâm mình vẫn an nhiên tự tại. Cũng như hoa sen dầu sống trong bùn vẫn không bị bùn làm hoen ố. “Cư trần bất nhiễm”, “Lẫn tục đừng mê”.
SIÊU SANH VÀO CÕI NIẾT BÀN: Cũng gọi là nhập Niết Bàn, tức là siêu thoát vào cõi bất sanh bất diệt. Người tu thiền định được, tuy còn mang xác phàm như bao nhiêu kẻ khác, nhưng tâm hồn đã dứt sạch hoặc nghiệp phiền não, sanh tử luân hồi, nên gọi là vào Niết Bàn. Đức Thầy từng nói:
 Cảnh Niết Bàn là nơi cứu cánh,
 Về chốn ni xa lánh hồng trần”.
Hoặc là:“Niết Bàn tịch tịnh là đường vô sanh”.

6.- CHÁNH NGỮ

      CHÁNH VĂN
CHÁNH-NGỮ.-  Lời nói chơn thật.
Lục-căn làm cho con người nhiễm lục-trần.
Vì muốn nuôi dưỡng xác thân nên mới sanh ra các điều ham-hố là nguồn cội các tội lỗi. Trong những điều tội lỗi ấy cũng có nghiệp chướng của miệng lưỡi: Lưỡng-thiệt ( làm cho thiên hạ bất hoà nhau), Ỷ-ngôn ( lời chưởi mắng kẻ dưới tay), Ác-khẩu ( tiếng độc ác tục tằn, chưởi rủa Thần Thánh), Vọng-ngữ (nói láo, nói huyễn hoặc).
Hãy tập lời nói mình cho chân-chánh, đúng với sự thật; hãy bỏ hết những xảo ngôn tráo chác, những tiếng thô lỗ cộc cằn, phàm những khi bàn luận việc chi phải nói tỏ tường ngay thẳng. Đối với kẻ dưới bề trên, lời nói phải cho hiền lương đức-hạnh và  những sự khuyên dạy chỉ bảo kẻ khác làm theo lẽ phải đều có ích lợi cho chúng sanh và đều hạp với tinh-thần đạo-đức.
LƯỢC GIẢI :
1.-  ĐỊNH NGHĨA:
– CHÁNH NGỮ: Lời nói chơn chánh thành thật.
– TÀ NGỮ: Lời nói xảo ngôn dối trá, tà vạy.
2.-  NGUYÊN NHÂN SANH TÀ NGỮ:
Người sống theo Tà ngữ vì muốn nuôi dưỡng xác thân, mới sanh ra các lời nói tà vạy. Chính nó là nguồn cội của các tội lỗi, nên gọi là nghiệp chướng của miệng lưỡi:
Việc tráo chác ấy là nguồn cội,
 Lời xảo ngôn do đó mà ra.( ĐT)
3.-  HÀNH TRẠNG:
Hành trạng của Tà ngữ có bốn phần:
      – Lưỡng thiệt: làm cho thiên hạ bất hòa nhau.
– Ỷ ngôn: lời chưởi mắng kẻ dưới tay.
– Ác khẩu: tiếng độc ác tục tằn chưởi rủa thần thánh.
– Vọng ngữ: nói láo, nói huyễn hoặc.
4.-  TAI HẠI:
Người còn Tà ngữ tất còn vương mang các họa hại:
a) Bị mọi người chán chê xa lánh.
b) Chư Thiên và Thần Thánh không ủng hộ.
c) Gây nhân luân hồi quả báo, từ đời nầy sang đời khác, rồi đời khác nữa.
5.-  HÀNH CHÁNH NGỮ:
Để thi hành Chánh ngữ, Đức Thầy dạy:
Thứ sáu Chánh ngữ liệu toan,
Nói năng điều chánh thì an chớ gì”.
Hoặc là:
Câu Chánh ngữ lòng son ghi tạc,
Tiếng luận bàn ngay ngắn tỏ tường.
Nói những điều đức hạnh hiền lương,
Chớ thêm bớt mà mang tội lỗi”.
Do đó, nhà tu phải chuyển đổi ngôn ngữ từ tà ra chánh:
a) Hãy tập sửa lời nói mình cho được “chơn chánh đúng với sự thật”.
b) Chừa bỏ những tiếng xảo ngôn tráo chác, thô lỗ, tục tằn.
c) Khi bàn luận việc chi phải nói tỏ tường ngay thẳng.
d) Nên khuyên “Kẻ khác làm theo lẽ phải, đều có ích lợi cho chúng sanh và đều hạp với tinh thần Đạo đức”.
6.-  LỢI ÍCH:
Khi hành được chánh ngữ, hành giả sẽ đặng các điều lợi ích:
a) Khẩu nghiệp thanh tịnh.
b) Được mọi người tin tưởng nghe theo.
c) Chư Thiên và Quỉ thần thường ủng hộ.(Xưa, có một nhà Sư đang ngồi thiền định, thấy hai Sa di đang trò chuyện trước hành lang chùa, còn các Thiên thần kẻ quì, người ngồi chung quanh lắng nghe một cách cung kính. Lát sau, thấy họ phun nước miếng tỏ vẻ khinh bỉ rồi bỏ đi…Khi xuất định, Sư kêu hỏi: Lúc nãy hai người nói chuyện gì thế ? Hai Sa di không dám dấu, vì biết Thầy đã đắc nhãn quan, nên nói thật: Lúc đầu chúng tôi thảo luận bài Giáo lý mà Thầy đã giảng hôm qua. Kế đó chúng tôi bàn về việc thế tục. Sư liền kể cho hai đệ tử biết việc bị Chư Thần khinh bỉ, và khuyên: Từ đây hãy ráng ngăn chừa tà ngữ mà phải luôn nói chánh ngữ.)
d) Miệng lưỡi thơm tho, ngôn ngữ siêu thắng, thuyết phục được nhiều người hướng thiện.
7.- KẾT LUẬN:
Tóm tắt, ai hành được Chánh ngữ, không còn bị quả báo về khẩu nghiệp. Thường nói lời hiền lành đạo đức, đem lại sự lợi lạc cho mọi người, mọi giới và đường về Niết Bàn, Cực Lạc không còn bị chướng ngại.
CHÚ THÍCH :
LỤC TRẦN: (Xem chú thích chữ Lục trần mục Chánh Tinh tấn, tr.101 ).
NGHIỆP CHƯỚNG: (Xem chú thích chữ Nghiệp chướng bài “Luận về Tam nghiệp”, tr. 45).
ĐỨC HẠNH: Đức là tâm lành, từ bi và bình đẳng; Hạnh là nết tốt, cử chỉ đoan trang lễ phép. Đức Thầy dạy: “Tròn đức hạnh mới là báu quí”.

7.- CHÁNH NIỆM

     CHÁNH VĂN
CHÁNH-NIỆM.- Ghi nhớ sự chân chánh.
Còn cũng tưởng, mất cũng tưởng, có cũng tưởng, không cũng tưởng, thành cũng tưởng, bại cũng tưởng, thương cũng tưởng, ghét cũng tưởng … Thất tình lục dục bắt buộc con người phải phí biết bao nhiêu tâm cơ, bao nhiêu trí-não phụng-sự nó. Danh lợi, cảm tình, uy quyền, phú quí … được hằng ngày ghi nhớ. Vì thế, con người mãi mãi lăn lộn trong sáu đường, không thoát khỏi vòng sanh tử.
Để thoát chỗ luân-hồi, bỏ cuộc đời lầm than hoạn-họa, hãy rán tưởng niệm phương pháp hành Đạo, bỏ các điều phù phiếm, ghi nhớ công lao Đức Phật đối với quần sanh, bia tạc vào lòng những điều Phật giáo. Phải nhớ rằng xác-thân do tứ-đại (đất, nước, lửa, khí) tạo thành và sớm muộn gì nó cũng sẽ bị tan rã. Đặng vậy, ta mới bỏ được các sự xúc động các mối dục tình, tránh điều lụy khổ do nó gây nên.
  LƯỢC GIẢI :
1.-  ĐỊNH NGHĨA:
– CHÁNH NIỆM: là ghi nhớ sự chơn chánh.
– TÀ NIỆM: là ghi nhớ sự tà vạy nhơ xấu.
2.- NGUYÊN NHÂN TÀ NIỆM:
Do thất tình lục dục sai khiến làm cho con người đem hết tâm cơ trí lực phụng sự nó, nên nảy ra sự nhớ tưởng tà vạy nhơ xấu.
3).- HÀNH TRẠNG:
Người còn tà niệm thường ghi nhớ những:“danh lợi, cảm tình, uy quyền, phú quí…”và các điều: còn mất, có không, thành bại, thương ghét, … không phút nào yên tĩnh.
4.-  TAI HẠI:
Người sống theo tà niệm tất còn vương phải tai hại là “niệm niệm mê lầm chẳng dứt” nên phải lăn lộn mãi trong sáu nẻo luân hồi không thoát khỏi vòng sanh tử.
5.-  HÀNH CHÁNH NIỆM:
Muốn đạt được chánh niệm, nhà tu cần phải thi hành các phương cách như sau:
a) Luôn tưởng niệm những phương pháp hành Đạo, gạt bỏ các điều phù phiếm ra khỏi tâm tưởng.
b) Ghi nhớ công lao và lời chỉ dạy của Phật, của Thầy.
c) Xét nghĩ đến thân tứ đại giả hợp, để lòng không còn chấp trước. Đức Thầy đã dạy:
“Tâm chánh niệm thường thường suy nghĩ,
Vật ở trần như bọt nước làn mây.
Thân ta còn rày đó mai đây,
Của ấy cũng khi tan khi hiệp”.
d) Hãy tiến tu để chứng được chơn tâm thường trụ bất hoại.
6.-  LỢI ÍCH:
Người hành chánh niệm được kết quả:
a) Đối với mọi trần cảnh, tâm không xúc động và luôn được an nhiên tự tại.
b) Dứt hết cuộc đời lầm than khổ lụy.
c)Tâm hạnh, phúc trí càng ngày càng vươn lớn, khiến ai cũng kính tin.
7).- KẾT LUẬN:
Tóm tắt, người hành được Chánh niệm, sẽ đạt quả giải thoát, dứt sanh tử luân hồi và sớm thành bậc Chánh giác.
CHÚ THÍCH :
THẤT TÌNH: Bảy cái tình trong tâm tưởng con người, tức là:“Hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục”. Có nghĩa: mừng, giận, thương, vui, yêu, ghét, muốn. Bảy cái tình ấy ví như bảy con ma, hay xúi người làm quấy. Đức Thầy hằng khuyên:“Thắng thất tình giữ vẹn đạo trung”.
LỤC DỤC: Sáu điều ham muốn của vọng tâm đối với sáu trần cảnh là: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Lục dục cũng gọi là: sắc trang, tài lợi, danh vị, tư vị, hư vọng, tật đố. Nó ví như sáu con ma hay khơi gợi người đam mê ưa thích làm điều xằng bậy. Đức Thầy răn dạy:
Trừ lục dục chớ cho ô nhiễm”.
TÂM CƠ: Cơ mưu riêng trong lòng.
TRÍ NÃO: Trí óc. Nói riêng về sự hiểu biết tính toán.
SÁU ĐƯỜNG: Nghĩa của chữ “Lục đạo”. Cũng gọi là 6 nẻo luân hồi, gồm có: cõi Trời, cõi người, cõi Thần, súc sanh, ngạ quỉ, địa ngục. Đức Thầy có câu:“Luân hồi sáu nẻo khôn lần bước ra”.
PHÙ PHIẾM: Bâng quơ, không thiết thực.
XÚC ĐỘNG: Động lòng, mủi lòng, cảm động nhiều.
LỤY KHỔ: Tai hại khổ sở.

8.- CHÁNH ĐỊNH

 CHÁNH VĂN
CHÁNH-ĐỊNH.-  Suy gẫm chân-chánh.
Con người thường hay có những ý-định làm cho mình được sáng thêm lên, được giàu thêm lên, được sung sướng thêm lên … nghĩa là những ý-định hoàn toàn nhỏ nhen, thấp thỏi. Họ không hiểu rằng cuộc đời là giả-tạm, nay vầy mai khác, thân-thế lạc-luân, của cải gia tài như đám phù vân trước gió, nước bọt, mây bèo. Những cái sanh, cái bịnh, cái lão, cái tử được đặt lên cuộc đời của người này rồi đến người khác … rồi đến người khác nữa, nghĩa là tất cả Nhân-Loại không thiếu sót một ai. Thế mà, họ vẫn cuống cuồng tâm trí theo bả lợi danh, mùi phú quí, đi theo những vặt-vụn, tiểu ti, eo-hẹp.
Họ không chịu hiểu rằng ngoài kiếp phù du của trần-thế, có cái gì không di không dịch, vĩnh-viễn trường tồn. Nếu lấy sự Thiền-định phá tan màn u minh che phủ, thì thấy rằng ở cảnh ấy con người sẽ hết buồn hết khổ, hết quả báo luân hồi. Và khi ta dùng sự Chánh-định dẹp bỏ hết các sự phiền não rầu buồn, phá tan các làn sóng thị dục lôi kéo vào những nẻo tà, tâm ta chẳng còn xao động, trí ta tỏ rạng như trăng rằm, một màu sáng suốt, không nhiễm ô cảnh ngoại, dứt tuyệt hết sự phàm trần, lần bước đi đến cõi Giải-thoát.
 LƯỢC GIẢI :
1.-  ĐỊNH NGHĨA:
– CHÁNH ĐỊNH: Suy gẫm chơn chánh tốt lành.
– TÀ ĐỊNH: Suy gẫm tà vạy, lầm lạc, nhơ xấu.
2.-  NGUYÊN NHÂN TÀ ĐỊNH:
Do lòng ích kỷ muốn hưởng mọi dục lạc giả tạm trong cõi trần, mới sanh ra tà định.
3.- HÀNH TRẠNG:
Tâm trạng của người sống theo tà định:
a) Thường có những ý định làm cho mình được cao sang, giàu có, sung sướng và sáng biết nhỏ nhen thấp thỏi.
b) Không nhận thấy cuộc đời tạm giả, đổi dời, thân vô thường theo định luật: sanh, già, bịnh, chết mà cả nhân loại không một ai thoát khỏi.
4.- TAI HẠI:
– Người còn tà định thì tâm trí mãi cuống cuồng theo bả lợi danh, mồi phú quí.
– Chạy theo những vặt vụn tiểu ti eo hẹp, nên mãi gây nghiệp trần mê, luân hồi sanh tử.
5.-  HÀNH CHÁNH ĐỊNH:
Muốn tu cho đạt được Chánh định, hành giả phải thực hiện các điều:
a) Hãy suy gẫm nhận xét ngoài cảnh phù du trần thế, còn có cảnh bất sanh bất diệt, vĩnh viễn trường tồn.
b) Cõi siêu phàm ấy không còn buồn khổ hay quả báo, luân hồi.
c) Hãy thiền định để phá tan màn vô minh phiền não và các làn sóng thị dục.
Về pháp thiền định, Đức Thầy dạy:
“Thứ tám Chánh định chớ lầm,
Từ bi hai chữ đứng nằm chớ quên.
 Ngồi đâu cũng định mới nên,
Đừng cho công việc hớ hênh với người”…
Hoặc là:
“Mục Chánh định thật là rất khó,
Giữ tấm lòng bất động như như.
Cho hồn linh yên lặng an cư,
Thì mới được huờn nguyên phản bổn”.
6.- LỢI ÍCH:
Người hành được Chánh định sẽ đặng nhiều lợi ích đáng kể:
a) Bên trong, tâm chẳng còn xao động, các món phiền não tiêu tan, trí tỏ rạng như trăng rằm, một màu sáng suốt:“Nội quang cảnh tâm vô kỳ vật”.( ĐT)
b) Bên ngoài, không duyên nhiễm theo các trần cảnh. Tuy sống chung với mọi người, mọi hoàn cảnh, nhưng lòng vẫn như như bất động, tự tại giải thoát:
 Ngoại quan hình bất chấp kỳ hình”.( ĐT)
7.-  KẾT LUẬN:
Tóm lại, khi hành được Chánh định, tâm ta chẳng còn loạn động vì phiền não gây ra, lúc nào cũng thanh tịnh sáng suốt. Thấy biết phân tách vạn pháp được rõ ràng, như thấy chỉ tay trong bàn tay và chứng đại định Niết Bàn.
TỔNG KẾT VỀ BÁT CHÁNH ĐẠO:
Đại khái, Bát Chánh Đạo là một trong “Tứ Diệu Đề”, là tám pháp Đạo phần trong 37 phẩm trợ Đạo. Là pháp tu căn bản duy nhứt của các bậc Bồ Tát và La Hán. Khi xưa, Đức Phật đã di chúc:“Nơi nào có Bát Chánh Đạo là Chánh Đạo, nơi nào không có Bát Chánh Đạo là tà đạo”. Cho nên ngày nay Đức Thầy mới bảo:
Chữ Bát Chánh rõ ràng trong giấy,
 Là chơn truyền của Đức Thích Ca”.
Do đó, người tu Phật hiện nay, không một ai chẳng trì hành Bát Chánh Đạo.
CHÚ THÍCH :
LẠC LUÂN: Lưu lạc rày đây mai đó, hoặc lên xuống theo bánh xe luân hồi.
PHÙ VÂN: Mây nổi. Ý chỉ cái gì không bền chắc, thấy đó rồi mất đó. Đức Thầy có câu:
“Cuộc phù vân phú quí nay mai,
 Luân với chuyển dời qua đổi lại”.
PHÙ DU: Một thứ côn trùng nhỏ như chuồn chuồn bay trên mặt nước. Tối lại, thấy ánh sáng của bóng đèn bay quanh theo, rồi bị lửa nóng chết. Ý nói kiếp sống con người quá ngắn ngủi, dù có tham luyến vật chất tiền tài cũng chẳng hưởng lâu bền mà lại phải chết vì nó. Đức Thầy đã nói:
 Con phù du hẫng hờ nào biết,
Thấy bóng đèn thì quyết chun vô.
Thảm thương thay chết héo chết khô,
Nhìn đèn nọ thấy mồ phù dũ.
Kệ khuyên trần đã mãn mùa thu,
Đeo danh lợi như con vật ấy”.
BẢ LỢI DANH: Bả là đồ ăn có tẩm thuốc độc. Ý nói ai tham danh lợi như người tự uống thuốc độc mà chết.
MÙI PHÚ QUÍ: Cũng viết là mồi phú quí. Ý nói sự phú quí vinh hoa như miếng mồi có mùi thơm, tức có lưỡi câu trong đó, ai tham phú quí như cá tham mồi thì phải mắc câu, tất có hại.
KHÔNG DI KHÔNG DỊCH: Chẳng dời chẳng đổi. Chỉ cho cái gì còn hoài không mất, ám chỉ chơn tâm vô tướng.
U MINH: Tối tăm mù mịt, cũng gọi là vô minh.
PHIỀN NÃO: Hán học giải là buồn rầu, lo sợ, sân si. Phật học giải là cái vọng niệm tà quấy sai lầm. Phiền não kể ra có vô lượng, nhưng tóm tắt lại gồm có ba món căn bản là:“Tham, Sân, Si”, nguồn gốc nảy sanh vô vàn trần lao phiền não khác. Trong bài “Các Câu Chú” Đức Thầy có dịch:
 Nghe chuông phiền não tiêu tan,
  Bồ đề tâm mở trí toan huệ mầu”.

Đăng nhận xét

[facebook][blogger]

Ẩn Danh Cư Sĩ PGHH 1939

Liên Hệ với PGHH 1939

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget